Hiển thị các bài đăng có nhãn V. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn V. Hiển thị tất cả bài đăng
Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013
Gặp gỡ Nguyễn Huệ Chi trong cuốn sách mới
Đỗ Quý Toàn*
Đáng lẽ phải dành ra ít nhất một năm đọc cuốn Văn học Cổ cận đại Việt Nam – Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật, nhưng tôi đã cố gắng đọc trong vòng một tháng. Phải nói rằng thời gian ngắn ngủi đó không đủ để học hỏi suy ngẫm về những công trình kết quả một quãng đời gần nửa thế kỷ chuyên tâm nghiên cứu văn học của tác giả. Chắc nhiều nhà nghiên cứu trong cùng ngành xứng đáng hơn tôi để đánh giá cuốn sách này. Cho nên bài này chỉ là những ý kiến của một độc giả có tấm lòng thiết tha muốn hiểu thêm văn học Việt Nam.
Đọc cuốn sách dày 1.200 trang của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, thấy như lại gặp người viết, gặp lần đầu, để nghe ông nói chuyện. Mỗi bài, mỗi trang sách mở một cửa sổ mới cho mình nhìn tác giả rõ hơn, vừa đọc vừa làm quen với người bạn tinh thần. Qua cuộc gặp gỡ, chuyện trò không kể ngày đêm, mặc dù ngắt quãng nhiều lần để được nghỉ ngơi; đầu óc, tầm mắt mình mở rộng thêm. Dần dần qua những câu chuyện ông “kể”, càng biết rõ hơn những kiến thức, những công phu, những dồn nén trầm tư mặc tưởng của tác giả; cho đến lúc như thấy cách nói năng, cách tỏ thái độ, những tâm sự, những lo âu; rồi cả tư cách con người và cả tính tình, hoài bão… tất cả từ từ hiện ra, mỗi trang, mỗi bài bộc lộ một khía cạnh, có lúc đọc mà ngạc nhiên về bao nhiêu thứ phong phú chứa chất trong một con người. Tựu trung là hình ảnh một tài năng toàn diện hơn những gì mình biết lúc sơ giao, một nhà nghiên cứu văn học đáng mến nhưng cũng dễ gây lòng kính trọng, một nhân cách độc đáo, một con người “tài hoa và uyên bác”, như đánh giá của Giáo sư Vũ Khiêu trong Lời giới thiệu đầu sách.
Trong Văn học Cổ cận đại Việt Nam – Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật có ba phần với đề mục “tiếp cận”: với các hiện tượng văn học, với các tiến trình văn học – và chúng ta được tác giả giúp tiếp cận với rất nhiều dạng văn bản (textes), nhiều “gương mặt văn thi sĩ” – rồi tới các bài thuộc phạm vi lý thuyết văn học.
Nghiên cứu văn bản là một sở trường của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi. Ông đã chứng tỏ ưu điểm đó ngay từ lúc biên tập một số quyển trong bộ Thơ Văn Lý – Trần. Trong cuốn sách mới này, khi “giải mã” bài thơ nổi tiếng của Trần Quang Khải (Tụng giá hoàn Kinh sư) ông đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn con người “anh hùng” viết “Đoạt sáo Chương Dương độ” bằng cách tìm các mối quan hệ liên hoàn giữa 20 câu thơ hùng hồn này với thời đại ông sống, hành trạng của ông, và nhất là với cảm hứng thẩm mỹ biểu lộ trong các bài thơ khác của ông cũng như của những tác giả sau ông viết về cùng một sự kiện, để nhìn thấy một nhân vật “nội lực thâm hậu” với nghệ thuật của một “thi nhân” đích thực, buột miệng thành thơ.
Nhưng ấn tượng mạnh nhất về công phu nghiên cứu văn bản của Nguyễn Huệ Chi được chứng tỏ khi ông “đi tìm một văn bản cổ” của cuốn Lĩnh Nam chích quái. Ông viết bài này vào năm 1974 khi mới 36 tuổi, có lẽ cũng là tuổi sung mãn nhất trong một cuộc đời để làm những việc đòi hỏi đức kiên trì. Mà quả thật, ông cho thấy một cuộc truy cứu rất công phu. Trong gần hai chục trang sách, Nguyễn Huệ Chi đã đóng vai nhà thám tử đi điều tra một vụ án bắt đầu từ những “lời chứng” của các Giáo sư Đinh Gia Khánh và Nguyễn Ngọc San từ năm 1960: Ai, những ai, đã góp phần vào việc trước tác và hiệu đính Lĩnh Nam chích quái? Hai người thường được công nhận đã xây dựng nên tập truyện này là Vũ Quỳnh và Kiều Phú. Nhưng Trần Thế Pháp đóng vai trò gì? Những nhà nghiên cứu văn học đời xưa như Vũ Phương Đề, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú đã nói gì về vấn đề này? Nhà thám tử đã truy tầm đến tất cả tám văn bản khác nhau. Ông đã so sánh số truyện kể trong mỗi bản, so sánh tên và nội dung các truyện, có lúc xét chi li từng chữ, từng câu, từ đó bỗng phát hiện ra ba “tín hiệu ngôn từ” có giá trị “thiết chứng” mà những “thám tử” trước ông vì sơ ý nên đã không nhìn thấy, để xếp chúng khá đắc địa vào ba loại dị bản với những đặc trưng riêng, nhằm soi sáng một cách có phương pháp, căn cứ vào cả khung quy chiếu văn hóa-lịch sử ở thời điểm giả định mỗi loại dị bản ra đời, và dẫn bạn đọc đến chỗ xác tín được loại dị bản nào có khả năng còn gần với bản gốc, và loại dị bản nào đã bị/được đời sau hiệu đính, thêm, bớt, làm phai mờ nguyên văn. Sau cùng thì chúng ta được nghe kết luận của tác giả. Theo lệ thường khi viết về một cuốn truyện trinh thám, chúng tôi thường không tiết lộ hồi kết cục ra sao, nhưng ở đây tưởng cũng cần nêu lên thái độ khiêm cung của tác giả khi ông nói rằng, bản thân việc truy tầm – tử công phu – như thế kia vẫn… “chỉ mong gợi ý một hướng phân loại… cung cấp… một đôi điều bổ ích”. Hóa ra ông muốn dành lại, để cho lớp hậu sinh tiếp bước ông. Thì đây quả là một đề tài còn hứa hẹn nhiều cuộc điều tra tiếp theo. Nhưng không rõ từ năm 1974 đến nay đã có sinh viên nào làm luận án Tiến sĩ về đề tài này, khai mở thêm những “gợi ý” lý thú của Nguyễn Huệ Chi hay chưa?
Nguyễn Huệ Chi lại chứng tỏ tài “thám tử điều tra” của ông khi tiếp cận với một thi sĩ đời Trần, là Tuệ Trung Thượng sĩ, không phải trong phạm vi nghiên cứu văn bản mà bước sang nghiên cứu lịch sử và văn học. Bài này viết năm 1977, sửa lại năm 2010; ông thú nhận từ lâu vẫn theo vết các nhà nghiên cứu trước, khởi đầu từ Bùi Huy Bích, đinh ninh Tuệ Trung là Trần Quốc Tảng, một người con của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Nguyễn Huệ Chi đã đối chiếu các sách sử tìm ra những mâu thuẫn trong giả thuyết Trần Quốc Tảng là tác giả Thượng Sĩ ngữ lục; sau cùng mới đi đến một kết luận chắc nịch: nhà thiền học Tuệ Trung tên thật là Trần Tung. Nguyễn Huệ Chi đối chiếu các chi tiết trong cuộc đời của hai người, Trần Tung và Trần Quốc Tảng, để xem ai bắt đầu đi vào Thiền đạo vào lúc nào, ai có khả năng thủ vai một người thầy dạy Thiền cho Trần Nhân Tông như sử sách đã ghi. Ông cũng tìm ra cặn kẽ vì lý do nào người ta đã gán nhầm tên Trần Quốc Tảng cho Tuệ Trung Thượng Sĩ; trong cố gắng này ông cũng sử dụng tài nghiên cứu văn bản sẵn có, với óc phê phán vô cùng tinh sâu. Đọc qua những công phu của Nguyễn Huệ Chi khi “phanh phui” các nguyên ủy của “vụ án” đã gây hiểu lầm về tên thật của Tuệ Trung trong lịch sử văn học nước ta kể từ cuối thế kỷ 18, lại thấy bộ óc “điều tra” mẫn tiệp và lý luận rành mạch của ông trong bất cứ cuộc truy cứu nào. Ông đã kiểm tra nhiều chi tiết trong văn bản hay trong các sách sử của Ngô Sĩ Liên và Lê Trắc, để trả lời câu hỏi “Hưng Ninh vương tên thật là gì?” Viết bài tổng kết những khám phá của mình, ông không quên nhắc đến những người đã đi một bước trước như Nguyễn Lang (1973) hoặc đã gợi ý cho mình, như Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm (1968); chúng ta thấy tư cách chính trực của một nhà nghiên cứu nghiêm túc, tự trọng.
Con mắt “tinh đời” của Nguyễn Huệ Chi càng hữu dụng khi ông phân tích những chữ “Nét ngài” và “Mày ngài” dùng trong Truyện Kiều. Đọc bài này chúng ta hình dung một Nguyễn Huệ Chi đang tủm tỉm cười khi cân nhắc hai cặp chữ đã được Nguyễn Du dùng nhiều lần, để tả những khuôn mặt từ Thúy Vân, Từ Hải, đến “mấy ả mày ngài”. Người đọc được dẫn đi theo con đường tìm kiếm của ông, qua các bản Kim Vân Kiều mà Kiều Oánh Mậu, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, cho tới Nguyễn Quảng Tuân, vân vân, đã sử dụng. Chưa đủ, Nguyễn Huệ Chi còn tìm tới Kinh thi, Ly tao, Thủy hử, qua mấy bộ Từ hải, Từ nguyên, thơ Nguyễn Đình Chiểu, Tự điển Việt-Bồ-La, Đại Nam quấc âm tự vị, cho tới Tướng thư, và cả một tiểu thuyết võ hiệp thấy trên mạng Lan Hương các mới xuất hiện gần đây (2005); tất cả chỉ để soi rõ từ căn của những chữ “Nét ngài” và “Mày ngài” của Nguyễn Du mà khả năng thấu thị các biểu cảm thẩm mỹ hay sắc thái tu từ ở mỗi người đọc đến đâu sẽ cho phép người đó đi từ nhận chân đến ngộ nhận về chúng. Nghe tác giả bàn luận dí dỏm về một câu chuyện nho nhỏ này thôi, người đọc cũng thấy được hình ảnh con người “tài hoa và uyên bác” đúng như Giáo sư Vũ Khiêu nhận xét.
Một điều quan trọng là khả năng điều tra tinh vi không trở thành một chướng ngại có thể gây vướng mắc khiến nhà nghiên cứu bị mất tầm mắt nhìn vào toàn thể. Nguyễn Huệ Chi cho thấy óc tổng hợp sáng tạo của ông trong hầu hết các bài in trong cuốn sách mới này.
Nguyễn Trãi là một trường hợp để Nguyễn Huệ Chi dùng con mắt nhìn tổng hợp và toàn diện, qua mấy bài nghiên cứu trong sách. Qua các tập thơ của Nguyễn Trãi, ông đã nhận ra Ức Trai “chưa hề có bài thơ nào làm để chơi”, cho nên nhìn thấy “Niềm thao thức lớn” của Nguyễn Trãi, một con người vừa suy tưởng, vừa hành động, với những thao thức của một thần dân của nhà Hồ, nhưng sau nhiều cân nhắc, duyệt qua một lượt các phong trào cứu nước ở khoảng đầu thế kỷ 15, lại đã có quyết định sáng suốt đột xuất là ra giúp Lê Thái Tổ dựng cơ nghiệp triều đại mới. Nguyễn Huệ Chi cũng thấy con người tầm vóc tư tưởng bứt lên rất xa đó lại cũng là một con người biết giá trị của thú vui ẩn dật, còn hơn thế, không kém sành điệu trong việc dùng ngôn từ ẩn dật một cách đầy mỹ cảm – thiên nhiên, chim muông, cây cỏ… – để tỏ lộ cái “tôi”. Thế nhưng kinh qua mọi giằng mắc rất nung nấu bên trong, rốt cuộc người đó vẫn nóng lòng với hoài bão “Tráng hoài hô khởi bán phàm phong”. Ông kết luận “vị trí của nhà thơ nhất định phải là giữa cuộc đời” và trớ trêu thay, bi kịch của nhà thơ cũng là ở đó.
Cũng vậy, khi bàn đến Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ Chi đã nhìn thấy “tính chất hệ thống” của những bức thư gửi cho các tướng sĩ quân Minh trong thời gian còn đang kháng chiến. Theo thứ tự thời gian, ông xem xét các bức thư theo một “kết cấu chặt chẽ” của các ý kiến, tư tưởng nằm sâu bên trong đủ mọi kiểu thức phát ngôn, cho tới tài lý luận của Nguyễn Trãi, thông qua nhiều vấn đề mà Ức Trai đặt ra trong mấy chục lá thư, khi bày tỏ lẽ thiệt hơn để thuyết phục, dụ hàng đối thủ. Tư tưởng và lý luận trong những bức thư này quan hệ mật thiết nội tại với nhau; nội dung sử dụng chính là các quy tắc Nho giáo để vạch ra con đường chính, tà, phân minh và đanh thép. Nguyễn Trãi đã nhân danh các đạo nghĩa và tư tưởng được nền văn minh Hán tộc đề cao nhằm thuyết phục chính những viên tướng người Hán (nhà Minh): Nhân, Nghĩa, Thành, Tín, biến Dịch, tùy Thời, vân vân. Đồng thời, cụ cũng vận dụng những lý lẽ thực tế để chinh phục các loại đối tượng, có lúc trình bày thế mạnh của nhân dân Việt Nam, có lúc dùng hẳn những sự tích trong sử sách Trung Hoa và tình hình rối ren bên Trung Quốc xảy ra đúng vào lúc đó. Mỗi bức thư Nguyễn Trãi viết phù hợp khít khao với hoàn cảnh của từng viên tướng nhà Minh đang ở vào thế mạnh hay yếu; ngay cả lời văn cũng thay đổi theo tánh khí người nhận và khuynh hướng hiếu thắng hoặc ôn hòa của mỗi người; cho nên đã có sức thuyết phục áp đảo. Tư duy phân loại sắc bén của Nguyễn Huệ Chi áp dụng có hiệu quả trong việc phân tích tập văn luận chiến không chỉ ở chỗ ông phân chia đích đáng từng loại đối tượng thuyết phục của Nguyễn Trãi dựa trên biến thái bút pháp trong văn bản (tức là không mất tỉnh táo để đi ra ngoài đối tượng nghiên cứu của mình), mà còn ở chỗ ông biết so sánh luận lý học loại suy (logique de l’analogie) của Nguyễn Trãi với luận lý học mà ông gọi là “không theo loại” (non analogie) của Khổng Mạnh, giúp người đọc thấy được chỗ Nguyễn Trãi tiếp thu Khổng Mạnh, hoặc lợi dụng Khổng Mạnh, và chỗ Nguyễn Trãi đã vượt lên Khổng Mạnh. Nguyễn Huệ Chi rõ ràng mở ra những cánh cửa giúp độc giả “tiếp cận” đến chỗ độc đáo thâm sâu của tác phẩm và tác giả. Tuy nhiên, ông vẫn thấy một “tư tưởng nền” trong Quân trung từ mệnh tập là tấm lòng yêu nước, thương dân nồng nàn của Ức Trai.
Cách nhìn toàn diện khi tiếp cận với các nhà thơ, nhà văn đời trước còn thấy khi Nguyễn Huệ Chi tìm hiểu Chu An, Trương Hán Siêu, Nguyễn Bỉnh Khiêm, vân vân. Đọc những nhận xét của ông về thơ chữ Hán của Nguyễn Bỉnh Khiêm, người đọc phải thấy thèm thuồng, ước ao sẽ có thêm những công trình dịch thuật, chú giải về kho tàng hàng ngàn bài thơ chưa được nghiên cứu đúng tầm mức giá trị này. Trong khi đó, qua mười hai bài thơ Chu An còn để lại sau khi quân Minh đã tiêu hủy các tác phẩm do người Việt trước tác, Nguyễn Huệ Chi trình bày đủ rõ khả năng “hỗn dung được cái đẹp của Nho – Phật – Lão”, và nhìn thấy tính chất “dự báo” trong thơ Chu An – bậc thầy – cho các thi gia đời sau. Trong khi nghiên cứu về Trương Hán Siêu, Nguyễn Huệ Chi lại tìm thấy dấu vết một đặc trưng của văn hóa nước ta là khả năng dung hợp các luồng tư tưởng, tín ngưỡng từ xa tới. Ông cũng rất chú ý đến tư liệu gốc, thuật lại hai lần đi khảo sát thực địa, như khi tìm lại được bản thần tích của đền thờ Trương Hán Siêu, đã bị phá trong thời tao loạn, hay khi thực hiện một chuyến đi điền dã tại núi Non Nước để nhìn thấy tận mắt tấm bia khắc bài ký của ông về Tháp Linh Tế.
Đọc bài phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu qua cách phân tích tham chiếu kết cấu từ ngữ, âm vận, nhịp điệu và nắm bắt “nhãn tự” của Nguyễn Huệ Chi, nhìn trong những “nghịch lý của thời gian và không gian nghệ thuật”, chúng ta cảm động khiến tấm lòng yêu nước sôi lên. Đọc bài ký trên tháp Linh Tế ở đoạn mà Nguyễn Huệ Chi nhấn mạnh, lòng chúng ta lại chùng xuống để suy ngẫm những vấn đề sâu xa muôn thủa của kiếp người. Nhà nghiên cứu đã điểm thêm một dòng trữ tình ngoại đề như một thoáng hồi cố bất chợt. Ông ngậm ngùi nhắc tới “60 năm qua chúng ta đập phá đi biết bao di tích của ông cha để lại” trong lúc tính làm cuộc “cách mạng long trời lở đất”; phản ảnh “một tầm nhìn thiển cận”. Nghiên cứu văn học theo Nguyễn Huệ Chi là một cố gắng hoàn nguyên lại những nhân cách như Trương Hán Siêu, con người “viễn kiến cao nhân”.
Nói về Trương Hán Siêu xong rồi, không thể không nhắc tới một bài nghiên cứu dài của Nguyễn Huệ Chi về “trường thơ Bích Động” xuất phát từ một “trung tâm Phật giáo” ở chùa Quỳnh Lâm. Bởi vì Trương Hán Siêu đã từng được bổ làm “Giám tự” (Giám đốc) cho ngôi tự viện quan trọng nhất nhì trong thời Lý – Trần này. Điều này đáng kinh ngạc, vì Trương Hán Siêu cũng được tiếng là một nhà nho từng đả kích mạnh mẽ hành vi của một số đông tăng sĩ đương thời. Những lời phê phán của ông còn ghi trên tấm bia chùa Khai Nghiêm, nói đến “những kẻ giảo hoạt trong đám sư sãi… chỉ chăm lo chiếm những nơi đất tốt, cảnh đẹp… ”. Nhưng rất tinh tế, Nguyễn Huệ Chi lưu ý: các lời chỉ trích này lại được khắc trong bia của một ngôi chùa. Điều đó cho thấy bản chất bài ký của Trương không chống đạo Phật; ngược lại, có thể nhằm mục đích khôi phục lại tinh thần đích thực của Phật giáo. Và đó mới là chỗ đáng lưu ý đối với một nho gia như Trương Hán Siêu, ở trong một thời đại cởi mở về ý hệ như thời đại Trần. Nguyễn Huệ Chi nhận xét, khi triều đình nhà Trần chọn Trương Hán Siêu làm Giám tự cho chùa Quỳnh Lâm, việc đó có thể đưa tới tác dụng hai chiều: Nhà nho đã hiển đạt sẽ có cơ hội thấu hiểu “lẽ sắc không” nhiều hơn, và chính ngôi chùa sẽ được bảo vệ, gìn giữ tính chất tôn nghiêm chặt chẽ hơn.
Phần đóng góp cũng đáng kể của Nguyễn Huệ Chi trong bài đang đề cập là tìm hiểu về thi xã mang tên của am Bích Động, một trong ba phần của tự viện Quỳnh Lâm. Ông chú ý đặc biệt đến nhà thơ Trần Quang Triều, nhân vật chính trong trường thơ này, một người “ngoảnh mặt với công danh” trong lúc nhà Trần đang hưng thịnh. Tuy nhiên, những thi nhân trong nhóm vẫn giữ bản chất của nhà nho, tuy rút ra ngoài vòng danh lợi nhưng không bi quan yếm thế. Dòng thơ Bích Động, theo Nguyễn Huệ Chi, cho thấy kết quả một “hiện tượng hội nhập” giữa các luồng tư tưởng Phật, Đạo, và Nho trong thời Lý – Trần; mà đó cũng là hiện tượng đặc biệt khi tác giả khảo sát trong một số bài khác (chẳng hạn bài: Các yếu tố Phật, Nho, Đạo được tiếp thu và chuyển hóa như thế nào trong đời sống tư tưởng và văn học thời đại Lý – Trần). Tuy nhiên Nguyễn Huệ Chi không dừng lại ở việc quan sát hiện tượng hội nhập văn hóa, tư tưởng. Ông còn nhìn xa và rộng hơn để nhận ra một “diện mạo khoáng đạt” của con người sống trong thời đại đó. Tính khoáng đạt tự do này là hệ quả của một bầu không khí “tự do dễ thở của một xã hội có sự bình đẳng… giữa các vương hầu… cũng như giữa các tầng lớp dân chúng… ”.
Một người bụng đói chắc nhạy cảm với mùi cơm, mùi bếp núc từ rất xa, trước những người no bụng. Một người phải sống trong bầu không khí cần một nhu cầu tự do hẳn dễ dàng cảm thấy “mùi tự do” ngay khi vừa thoáng gặp. Nguyễn Huệ Chi chính là một nhà nghiên cứu đã nhạy bén khám phá ra “những chuyển động mới trong dòng chảy văn học” dưới thời Nhà Mạc. Đây là một giai đoạn thường bị bỏ quên trong văn học sử, vì người ta hay ghép vào các giai đoạn trước và sau đó. Nguyễn Huệ Chi đã vạch ra trong 60 năm làm vua, nhà Mạc đã tổ chức thi cử, góp phần đào tạo giới trí thức nước ta; mà nếu đếm số kỳ thi và số sĩ tử hiển đạt thì không thua kém gì thành quả trong thời Lê Thánh Tông. Về văn học, thời Nhà Mạc có Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ, hai đỉnh cao của thơ và văn làm mốc cho đời sau trông vào. Văn học thời này cũng làm chứng cho một “bước rẽ ngoặt” khi các tác giả bắt đầu đi xa hơn lối mòn Nho giáo và lối viết ước lệ, nhiều công thức, trừu tượng; để tìm tòi những đề tài trong cuộc sống hàng ngày, trong dân gian, nhìn thấy đầy đủ tính phức tạp trong con người. Đặc biệt, các tác giả thời Mạc biết tìm đề tài trong đám những người dân nghèo hèn, đứng vào bậc thấp nhất trong xã hội; có thể coi là bắt đầu tính chất bình dân và hiện thực trong dòng văn học nước ta. Với sự chuyển hướng đó, văn học thời này đã phát triển đa dạng, “đa thanh” hơn so với thời trước. Đi tới chặng đường này, Nguyễn Huệ Chi lại khám phá ra một “sức nặng” của giai đoạn văn học Nhà Mạc: “thời đại này đã bước đầu xây dựng nên hình tượng con người tự do”. Thời Lê sơ, Nho giáo độc tôn gò bó khiến tinh thần tự do không phát triển. Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ, vân vân bắt đầu một xu hướng suy nghĩ mới, mà Nguyễn Huệ Chi gọi là “Dòng mạch tư duy tự do tự tại”. Trong xu hướng này, “con người không bị lệ thuộc trăm phần trăm vào quyền lực nữa… ”, có thể gọi là đã giải thoát.
Cách nhìn xuyên sâu vào mặt chìm của hiện tượng văn học khiến Nguyễn Huệ Chi cũng nhìn thấy trong Tự Lực Văn đoàn một “khát vọng dân chủ trong đời sống văn học” (tác giả in nghiêng); ngoài những đặc tính của nhóm này mà hầu hết mọi người đã công nhận. Tinh thần dân chủ được thể hiện qua việc thực hiện đúng các tôn chỉ mà họ đã nêu ra từ đầu; trong lối làm việc tập thể để mọi ý kiến đều được đưa ra thảo luận; nhất là nhờ tư cách của Nhất Linh, “ông không bao giờ lạm dụng uy thế” của mình, như khi nhận một số lương bằng các anh em khác, gánh vác tất cả mọi việc không khác gì anh em. Trong Tự Lực Văn Đoàn người ta thấy “một sự thăng hoa tập thể”, không tùy thuộc một cá nhân nổi bật nào, như các nhóm văn chương và báo chí trước đó. Nhờ thế bảy người trong văn đoàn ai cũng nổi trội hơn người trong phạm vi sáng tác của mình. Nguyễn Huệ Chi nhận xét, “tinh thần dân chủ đã như một chất men kỳ lạ kích thích niềm phấn hứng sáng tạo… ” để kết luận: “Tác động liên hoàn giữa khát vọng dân chủ (dẫn) đến bùng nổ sáng tạo chính là như vậy”.
Qua những nhận định của Nguyễn Huệ Chi về thi phái Quỳnh Lâm, về văn học thời Nhà Mạc, cho tới Tự Lực Văn đoàn, chúng ta cũng nhìn thấy một khát vọng dân chủ nằm trong đáy lòng của chính người viết. Nỗi khát khao này hiển lộ rõ trong bài tác giả bàn về việc Đổi mới Phương pháp nghiên cứu văn học cổ (1990). Ông nhận thấy có những hiện tượng trì trệ trong công việc nghiên cứu, mà theo ông, “những lý do của sự trì trệ chính là cái quan niệm sai lầm thống trị quá lâu: muốn đồng nhất các chuyên ngành khoa học xã hội với chính trị”. Hậu quả nhãn tiền là ngay việc đào tạo đội ngũ chuyên gia ngày càng bị sút giảm, nói chính trị lấy được mà chuyên sâu về văn hóa, khoa học thì rất “loạng choạng”. Và cũng vì thế có chuyên ngành như sử học, từ lâu đã vấp phải không ít “trọng bệnh” trong phương pháp nghiên cứu: nào huyền thoại hóa, hiện đại hóa, cắt xén lịch sử…; đang tìm hiểu người và việc ở một thời điểm cách chúng ta hàng mấy trăm năm vậy mà lại cứ ra sức tô điểm cho giống với mặt mũi, hành động, suy nghĩ của con người và sự việc hôm nay (vì mục tiêu… “công lợi”, hay nói thẳng ra là mục tiêu chính trị chứ chẳng phải kiếm tìm khoa học). Khốn nỗi, mỗi thời có đặc thù của nó, con người và sự việc hôm nay chắc đâu đã là mẫu mực giá trị cho con người và sự việc thuở xa xưa. “Cũng có thể thông cảm, nhiều khi ngòi bút người bình luận lịch sử vô tình bị chính trị hóa bởi áp lực của thói quen: hàng loạt khái niệm “lợi ích quần chúng”, “nhiệm vụ cách mạng”, “chiến tranh nhân dân”… đã ghim sâu vào trí nhớ trong các bài giảng chính trị suốt bao nhiêu năm nên ta không thể rứt khỏi chúng khi buộc phải nhập thân vào một quá khứ khác xa thời đại mình đang sống, phải phục dựng diện mạo và khí hậu thực của những thời kỳ vốn chưa hề biết đến các “khái niệm tân tiến” loại này. Song cũng vì thế, hơn lúc nào hết, yêu cầu tỉnh táo đối với một sử gia có trách nhiệm trước bạn đọc càng phải đặt ra một cách nghiêm túc” (bài Đổi mới nhận thức lịch sử trong nghiên cứu khoa học xã hội nói chung, nghiên cứu văn học nói riêng, 1990). Có thể thấy được tinh thần bác bỏ xã hội học dung tục chi phối quan điểm nghiên cứu trong bộ sách của Nguyễn Huệ Chi.
Mối quan tâm của Nguyễn Huệ Chi đối với những vấn đề có tính quy luật cho cả ngành nghiên cứu văn học còn bộc lộ trong nhiều bài khác ở phần cuối cuốn sách Văn học Cổ cận đại Việt Nam – Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật: vấn đề tiến trình vận động của các thể loại văn học (bài rất đáng chú ý: Từ nghĩa rộng và hẹp của hai chữ “văn học” trong quá khứ đến việc phân loại các loại hình văn học Lý – Trần); vấn đề tiếp thu và sáng tạo trong mối quan hệ giữa văn học Việt Nam và văn học thế giới – với văn học Trung Quốc trong hàng ngàn năm, với văn học Pháp trong ngót 100 năm… (bài Trở lại câu chuyện so sánh Kim Vân Kiều truyện với Truyện Kiều của ông Đổng Văn Thành và bài Trường Viễn đông bác cổ Pháp và bước tiến của ngành nghiên cứu văn học Việt Nam Cổ trung đại); vấn đề đột phá và sức ỳ trong phương pháp tư duy khoa học (bài Tư duy phương Đông nhìn dưới ánh sáng học thuyết Einstein); vấn đề các bước chuyển nội tại của chính văn học hay là quan điểm phân kỳ lịch sử văn học Việt Nam (bài Một vài vấn đề phân kỳ lịch sử văn học nhìn từ điểm đầu của thế kỷ XXI), vân vân. Đây là một tác phẩm đồ sộ, gom lại những bài tiêu biểu trong cuộc đời nghề nghiệp của tác giả, mà một vài nhận xét ngắn ngủi như thế này không thể nêu lên đầy đủ giá trị xứng đáng với hơn ngàn trang giấy và nửa thế kỷ làm việc của người viết. Trong bài này, chúng tôi chỉ trình bày một số điều đặc biệt nhìn ra trong con người khoa học gia Nguyễn Huệ Chi, một tác giả mà tôi đã làm quen qua bộ Thơ Văn Lý – Trần nhiều tập, trước đây một phần tư thế kỷ. Cuốn sách này là công trình thứ hai tôi đọc của Nguyễn Huệ Chi. Khi đọc một lượt hết các bài viết chúng tôi cảm thấy như được gặp một người bạn mới, được nghe trò chuyện mỗi ngày một vài giờ, dần dần khám phá ra nhân cách của một học giả, một người “lao động thứ thiệt” trong nghiên cứu khoa học, và một tâm hồn thiết tha với đất nước và văn học của đất nước. Trong bài này chúng tôi không bàn về toàn thể tác phẩm – đặc biệt là phần đề xuất lý luận-lý thuyết xứng đáng có những bài viết riêng – mà chỉ cố nhìn thấy tác giả rõ hơn, qua tác phẩm. Cho nên không có dịp đưa ra những nhận định khác để phụ họa với Giáo sư Vũ Khiêu và Tiến sĩ Đặng Thị Hảo trong hai bài giới thiệu công phu, tinh xác của họ. Chẳng hạn, chỉ các đồng nghiệp của Nguyễn Huệ Chi mới nhận định đúng về vai trò lãnh đạo của ông trong công tác nghiên cứu tập thể ở Viện Văn học (bảng index cuối sách cũng đủ cho thấy thao tác này đã theo đúng chuẩn mực quốc tế mà nhóm học giả tập thể ở Viện làm rất thành thạo). Tiến sĩ Đặng Thị Hảo còn nhìn thấy Nguyễn Huệ Chi như một “cây bút dịch thuật tinh tế”. Chúng tôi muốn nói hơn nữa: Trong việc dịch thuật, Nguyễn Huệ Chi chứng tỏ là người có hồn thơ và thấu hiểu được nội lực của ngôn từ – tiếng nói của cha ông lưu lại. Đọc các bài thơ do chính ông dịch, chúng ta thấy nhiều bài có thể coi cũng giá trị như những bài thơ sáng tác trọn vẹn, không kém gì nguyên tác. Tâm hồn thi sĩ đã khiến Nguyễn Huệ Chi rất khó tính khi lựa chọn chữ nghĩa để dịch các bài thơ cổ, biết đặt mỗi từ vào những vị trí khá đắt. Cho nên, với một bài thơ hai đoạn Mộng đắc thái liên của Nguyễn Du, ông đã chọn bản dịch mỗi đoạn từ hai người dịch khác nhau, khổ đầu chọn Đào Duy Anh, khổ sau do Phạm Khắc Khoan và Lê Thước dịch. Đến bài Trấn doanh kỳ vũ của Lê Quý Đôn, ba đoạn do Nguyễn Huệ Chi dịch cả, nhưng riêng hai đoạn đầu và cuối thì lại có công thôi xao do Đào Phương Bình góp phần. Sự cẩn trọng của tác giả cũng là một đặc tính của các nhà thơ, những “người yêu chữ nghĩa”.
Chúng tôi không thể nói hết những gì mình khám phá ra trong con người Nguyễn Huệ Chi qua cuốn sách mới xuất bản. Chỉ xin mạo muội nêu lên mấy khía cạnh nhìn ra sau chỉ mới một lần đọc, về nhân cách một nhà nghiên cứu văn học. Ông làm việc kỹ, cẩn trọng, tinh vi, sử dụng đến cùng tài uyên bác và học vấn của mình, không chấp nhận lối “nấu cơm chưa chín”. Ông có tầm mắt nhìn sâu và rộng, với óc tổng hợp để thấy cái toàn diện vượt trên các chi tiết, sử dụng cùng với óc phân tích rạch ròi để tìm thấy những sợi dây nhất quán trong từng kiểu người (tác giả và nhân vật), từng dạng thức văn bản (tác phẩm thơ và văn), cũng như từng thời kỳ văn học. Với những đức tính quý báu đó, ông còn cảm nhận được trong các tiến trình văn học những khát vọng tự do và dân chủ – dầu đôi khi chỉ mới là mầm mống – nhằm giải phóng con người.
*
* *
Tôi đã hết duyên nợ với văn học Việt Nam từ hơn ba thập kỷ nay, sau khi đã học Ban Việt Hán tại Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn. Sau đó, quay sang học hỏi những ngành khác, dạy học và nghiên cứu về lý thuyết kinh tế tài chánh; tôi không còn chú tâm theo dõi văn học nữa, ngoài việc đọc từng tác phẩm lẻ, hoàn toàn vì tò mò chứ không vì nhu cầu nghiên cứu. Tôi viết bài này chỉ xin đóng góp những nhận xét nông cạn về một phần công trình của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, của một độc giả không chuyên tâm nghiên cứu. Hy vọng có thể chứng tỏ rằng cuốn sách mới này không phải chỉ có giá trị và ích lợi cho các nhà nghiên cứu chuyên sâu mà còn rất lý thú cho các độc giả bình dân như tôi có thể đọc, để hiểu thêm về cái đẹp sâu thẳm của tiếng nói dân tộc, của đất nước và tổ tiên chúng ta.
* Đỗ Quý Toàn tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn, dạy môn quốc văn tại các trường trung học từ 1962. Từ năm 1975 sống ở Canada, đổi sang học ngành quản trị xí nghiệp; chuyên về lý thuyết tài chánh; sau đó dạy và nghiên cứu về môn này; cũng dạy về tài chánh áp dụng, thị trường chứng khoán, tại các đại học ở thành phố Montréal, Canada, trong đó có Đại học McGill, Université du Québéc à Montréal; và Trường Võ bị Hoàng gia ở St Jean. Nghỉ hưu từ năm 1995, qua sống tại tiểu bang California, nước Mỹ, để theo đuổi nghề viết. Tác phẩm nghiên cứu văn chương có Tìm thơ trong tiếng nói, NXB Thanh văn, Hoa Kỳ, 1992.
Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012
Nguyễn Vĩnh - Lời cảnh báo đáng ngẫm sâu...
Nguyễn Vĩnh
Trưa nay gặp nhau, nhà văn Thăng Sắc báo có bài Tô Văn Trường trên blog của anh. Ngay lúc đó tôi đã lướt mạng và thấy, đây là loại "bài độc", nêu một ý kiến như sự cảm nhận vừa trực quan, vừa đúc kết từ suy nghĩ và kinh nghiệm. Nó là thứ cảnh báo xã hội mà ai tỉnh táo cũng phải lưu tâm.
Tôi hãy nói vài câu vậy theo cảm nghĩ cá nhân, còn bài dưới đây của anh Tô Văn Trường các bạn hãy đọc và tự rút ra nhận xét của mình.
Về bản thân tôi cũng đọc khá nhiều bài viết của Tiến sĩ Tô trên các trang điện tử, báo mạng - cả chính thống cả "bàng thống". Là nói cho vui thế thôi, ai chứ bài viết của anh Tô Văn Trường thì nơi nào đăng cũng là niềm vinh hạnh, chứ phân ra lề phải lề trái làm gì. Ngay cái Blog con con của tôi đây cũng vài ba lần gửi email để xin phép được đăng bài viết của anh... Và tôi tin nếu ai chịu theo dõi thời cuộc đều biết những cống hiến lớn lao của anh Tô Văn Trường với khoa học thủy lợi, với nông nghiệp và nông dân Nam Bộ những thập niên qua. Đồng thời anh Tô Văn Trường cũng là một trong những người được nhiều năm gần gặn Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, góp nhiều ý kiến xác đáng cho Thủ tướng, xứng là một trong những think tank của đất nước mình - như đánh giá của nhiều anh em trí thức trong và ngoài nước.
Với vụ Tiên Lãng ngòi bút phản biện của Tô Văn Trường đã từng góp mặt, bữa nay là một bài viết của anh theo hướng khác. Tức là tác giả lại hướng vấn đề Tiên Lãng sang một ngả khác, với cách nhìn nhận có tính cảnh báo, hay đúng hơn là cảnh tỉnh dư luận.
Dư luận chung chung thì rõ rồi, nhưng cá nhân tôi mong cái cách đặt vấn đề nghiêm túc và cảnh báo này không chỉ tới cư dân mạng chúng ta, giới truyền thông trong nước mà mong nó tới trực tiếp lãnh đạo cấp cao, tới thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - người đã có kết luận rõ ràng ngày 10/2 mà cả nước đều đã tường...
Bài viết của anh Tô Văn Trường chỉ có mấy dòng phía đầu và phía cuối bài nêu lên chuyện PMU-18, phần còn lại chủ yếu tác giả nêu những vấn đề của báo chí, blogger phản ánh. Nếu như cách phản ánh chỉ không/thiếu tính trung thực – dù chỉ chút thôi, ở một chi tiết cụ thể nào thôi – là cũng có thể châm ngòi cho các đòn phản pháo lúc nào hầu như cũng sẵn sàng của kẻ mắc khuyết điểm, ngay cả kẻ đã chắc phần phạm tội…
Nói ra điều này vì đã có dấu hiệu của việc đó. Vậy nên người làm thông tin truyền thông, người giữ vai phản biện... phải luôn tĩnh tâm, không để hết cho tình cảm chi phối. Nói cụ thể là các chứng cứ, lập luận chúng ta đưa ra phải chính xác, tuyệt đối chính xác càng tốt. Đặc biệt là sự việc – bất cứ sự việc nào, sự việc dính dáng đến bất kỳ ai, ở cấp bậc nào trong giới quan chức Hải Phòng, Tiên Lãng nói chung – thì người làm báo, làm truyền thông của nhà nước cũng như những cây bút tự do, các trang mạng và blogger đưa ra nhằm tố cáo những sai lầm, làm trái pháp luật của những người và cơ quan mà Thủ tướng nhắc đến nhằm cuối cùng là bênh vực cho người nông dân (như đại gia đình anh Vươn bị cưỡng chế thu hồi đất… ) đều cần phải chính xác. Gặp điều gì chưa rõ thì hãy nêu câu hỏi, nêu nghi vấn chứ đừng kết luận sớm, đừng áp đặt một điều gì…
Đó là cái ý nhắm tới của Tiến sĩ Tô Văn Trường trong bài viết dưới đây với mong muốn đừng để cái kết cục xử Tiên Lãng lại biến thành một thứ PMU-18 lần thứ hai. Nhớ lại những cái sơ hở, nhùng nhằng trong các nguồn thông tin đưa ra của báo chí hồi có PMU-18 mà hai nhà báo tích cực chống tiêu cực sa cơ, vướng vòng lao lý. Và cùng với một số lý do khác hội lại, vụ án tham nhũng về ngành giao thông mấy năm trước đã có những diễn biến không thể ngờ tới...
Trở lại câu chuyện nói ở đầu bài, nay vấn đề quan trọng là hãy phát huy sức mạnh của công luận đúng đắn. Những phát hiện và phân tích khách quan mọi sự kiện và sự việc nêu ra ở cơ sở Tiên Lãng, ở người dân sống tại mảnh đất này sẽ góp phần tạo nên tư liệu, chứng lý cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, cho giới luật sư được tham dự vào sự vụ, vào giải quyết các vụ án ở Tiên Lãng sắp tới.
Ngoài ra một điều tối quan trọng nữa là các hành xử sắp tới đây của bộ máy hành chính nhà nước phải đủ tính nghiêm cẩn đối với cả loạt vấn đề đã được kết luận của người đứng đầu ngành hành pháp đất nước. Điều đó sẽ có tính quyết định để tránh không để cái dớp của vụ việc PMU-18 trước kia có thể lởn vởn quay trở về với Tiên Lãng?
Xin phép tác giả và blog của nhà văn Thăng Sắc đăng lại bài viết có giá trị tiên báo này.
Vệ Nhi g-th
BLOG LỀU VĂN THĂNG SẮC
--------
Tô Văn Trường
Ngay sau khi bài báo “Bí thư Hải Phòng không nói trái với kết luận của Thủ tướng” đăng trên một vài tờ báo, nhiều ngưòi báo động các nhà báo phải thận trọng, đừng để nguy cơ vụ PMU 18 trở lại. Hy vọng các tờ báo đó khi đăng tin là tôn trọng thông tin đa chiều chứ không phải chịu tác động của các chuyến viếng thăm của đoàn công tác Hải Phòng hay chỉ thị của cấp nào đó để “tự kiểm duyệt”!
Suốt thời gian qua, ngoại trừ hệ thống tuyên truyền của thành phố Hải Phòng và vài tờ báo mang danh “tiếng nói của nhân dân”, hầu hết các tờ báo, nhà báo đã có cơ hội khẳng định, vượt lên chính mình nói lên tiếng nói của công lý về sự kiện Tiên Lãng.
Nói, viết, làm đúng sự thật, tôn trọng, bảo vệ sự thật là một nét văn hóa đẹp, một phẩm hạnh đẹp của con người, một tiêu chuẩn cơ bản của lòng tin giữa người với người, một điều cần thiết cốt tử của cuộc sống yên lành, trong sáng. Người làm báo trong nghề nghiệp của mình càng cần sống thật, viết thật, tôn trọng, bảo vệ sự thật. Đó là điểm số một của lương tâm nghề nghiệp, của lòng tôn trọng bạn đọc và tự trọng bản thân. Bài báo sai sự thật, xuyên tạc sự thật, dù vô tình hay cố ý, đều có tác dụng xấu, hại người, hại việc, và bôi nhọ sự cao quý của nghề làm báo.
Có ý kiến cho rằng nhà báo cũng là một nghề. Trong xã hội tham nhũng trở thành chuyện “thường ngày của huyện” thì chả có nghề nào được phép làm người lương thiện 100% cả đâu, thậm chí 50% còn khó. Một số nhà báo tử tế cũng bị áp lực kiếm tiền để sống nên đôi khi cũng phải viết theo chỉ đạo, chưa kể lỗi kỹ thuật vì lĩnh vực đó không hiểu hết. Báo chí có mặt trái là tìm kiếm người đọc, lợi nhuận và tranh thủ đánh bóng mình, đôi khi bằng mọi giá và không từ thủ đoạn. Vấn đề của Tiên Lãng mà bây giờ chỉ chăm chăm đánh cá nhân, địa phương là sai lầm, dễ bị phe phái lợi dụng, lái đi chệch khỏi các vấn đề chính để đánh lạc hướng.
Đó là chỉnh đốn Đảng, là sửa đổi Hiến pháp và luật đất đai, là mức độ quan liêu của bộ máy chính quyền đã đến mức báo động, tham nhũng tràn lan.
Nhìn rộng ra cả đất nước thấy tương lai Việt Nam nằm trong đường hầm vì điều này là do chính mình tự chọn và không muốn thoát. Một nền kinh tế nào muốn phát triển đều cần thứ nhất là một nền khoa học và công nghệ tiên tiến. Điều này đòi hỏi một nền giáo dục có thực chất. Phát triển bền vững phải dựa tăng năng suất lao động. Cái gì làm tăng năng suất? Thứ hai là một xã hội có công lý, công bằng và có kỷ cương. Điều này đòi hỏi một nền tư pháp hoàn toàn độc lập, không bị chính trị thống soái và một nền hành chính được tuyển chọn dựa trên nghiệp vụ và đạo đức. Thứ ba, một giai cấp lãnh đạo (nếu còn giai cấp như hiện nay) được tuyển lựa dân chủ. Thử hỏi, nước ta liệu đã có được 1 trong 3 điều kiện kể trên?
Trở lại vụ Tiên Lãng, chính một số nhà báo không thận trọng, sơ hở để một vài sai lầm kỹ thuật dễ bị đối tượng vin vào đó phản pháo! Không có dẫn chứng cụ thể nào để nói ông Nguyễn Văn Thành bí thư thành ủy đứng ra chỉ huy cưỡng chế. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh lấy ảnh chiếc xe ủi ở nơi khác để minh họa cho việc phá ông Vuơn (báo Sài gòn tiếp thị đăng lại). Tuy chỉ vài ngày sau biết sai đã rút bài xuống nhưng không xin lỗi bạn đọc là thiếu sòng phẳng!
Nhà báo đại tá Bùi Văn Bồng đã tổng kết về ông bí thư thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành sai lầm có hệ thông, còn vụ Tiên Lãng chỉ là giọt nước làm tràn ly. Thực tình, nếu như Hải Phòng không xảy ra vụ rùm beng Tiên Lãng thì cũng chưa ai để ý nhiều đến hiện tượng độc chiêu ngôn ngữ ở xứ này. Điều tất nhiên là mỗi người đều có một vùng quê, cuộc đời gắn bó biết bao kỷ niệm với dòng sông quê hương: “Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng ? / Tất cả trả lời sinh bên một dòng sông / …Quê hương Việt Nam mườn mượt những cánh đồng / Mỗi con người gắn bó một dòng sông…” (Bế Kiến Quốc). Nhưng vì thế nên ai cũng cần phải biết sống thế nào để phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương mình, đem lại niềm tự hào cho quê hương mình. Còn như các vị “tham quan lại nhũng” gây nhiều chuyện trái đạo lý nhân tâm, làm rối xã hội, gây sự kiện thành dư luận xấu cho xã hội, thì tự nhiên họ đã làm cho thiên hạ có những bình phẩm đa chiều về quê hương mình. Thế là cũng có tội với quê hương, dòng tộc. Như thế là họ đã tự mình đánh mất những truyền thống tốt đẹp của quê hương, gây phản cảm cho thiên hạ. Dù có trăm phương ngàn kế “chạy tội” nếu liêm sỉ và tự trọng, khá nhiều vị lãnh đạo ở thành phố Hải Phòng phải xin từ chức trước khi bị cách chức! (Mời đọc bài “Liêm sỉ và Từ chức” đăng trong mục sự kiện nóng của TuanVietnam.net ngày 22/2/2012- tác giả Tô Văn Trường).
Tuy chỉ là nhà báo nghiệp dư, không biên chế của hàng chục tờ báo, tôi nghiệm ra chân lý nhà báo trước tiên về nhân cách phải trung thực, tôn trọng sự thật. Về nghề nghiệp, phải bản lĩnh, khi đã viết phải có nguồn trích dẫn hoặc mình đi thẩm tra đảm bảo sự khách quan, tin cậy của nguồn tin. Khi biết sai phải mạnh dạn xin lỗi công khai, minh bạch.
Nhớ lại, có lần lúc tôi còn làm Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, bức xúc trước việc thi công bê bối của nhà thầu Trung Quốc, tắc trách trong quản lý của một số cơ quan ở thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến dự án Nhiêu Lộc-Thị Nghè, và kẽ hở của quy chế chấm thầu dự án ODA, tôi viết lá thư riêng phản ánh gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ngay sau khi nhận thư, Thủ tướng đã quan tâm, có bút phê yêu cầu Bộ Kế hoạch Đầu tư cho đi kiểm tra xử lý, báo cáo Thủ tướng! Đoàn kiểm tra của Bộ KHĐT, do ông Vụ trưởng (kiêm Tổng biên tập báo Đầu tư) vào TP.HCM, cử một thành viên trong đoàn gọi điện thoại mời tôi sang làm việc. Tôi trả lời qua điện thoại đại ý tôi không sang, vì không viết thư cho Bộ KHĐT, nếu các vị quan tâm thì sang gặp tôi tại trụ sở của Viện, sẵn sàng đón tiếp, đối thoại. Hôm sau, đoàn sang, lúc đầu họ chỉ quan tâm truy hỏi vì sao tôi lại có những nguồn tin chỉ ít người trong cuộc mới am hiểu hết ngọn ngành. Tôi đáp lại, nhiệm vụ của đoàn là cần xác minh các điểm trong thư tôi nêu đúng sai ra sao, biện pháp khắc phục như thế nào để báo cáo Thủ tướng chứ không phải mục đích là đi truy tìm “chính ủy nằm trong đống rơm”! Thực tế diễn biến sau này tất cả các điểm tôi nêu trong thư đều chính xác để lại bài học khi viết hay nói phải trung thực, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng cụ thể (có nguồn hoặc do chính mình đi thẩm tra) nhưng vẫn phải biết bảo vệ nguồn tin riêng của mình.
Tin rằng Tiên Lãng với tiếng súng “hoa cải” chính là thuốc thử cho việc đưa cuộc sống vào Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng. (không phải chỉ đưa Nghị quyết vào cuộc sống!). Nhân dân, các vị lão thành cách mạng, các tướng lĩnh, các nhà báo và đặc biệt người dân thành phố hoa phượng đỏ cần phải cảnh giác không để vụ Tiên Lãng biến thành vụ PMU18!
Nguồn:http://chienthang47.blogspot.com/2012/02/nguy-co-vu-pmu-18-tro-lai.html#more
Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012
BS. Ngô Thế Vinh – Ngày Nước Thế Giới 2012 và An Ninh Lương Thực Lưu Vực Sông Mekong
BS. Ngô Thế Vinh
“Không phải chỉ có bảo vệ môi trường và số người phải di rời. Vấn đề lớn hơn thế rất nhiều. Đa số cư dân phụ thuộc vào nguồn cá từ các đoàn di ngư, do đó an ninh lương thực trong vùng là điều tối quan trọng cần lưu tâm khi khai thủy điện sông Mekong.” Eric Baran, WorldFish Centre.
“Nước là một trong những cơ hội lớn về ngoại giao và phát triển trong thời đại chúng ta. Không phải mỗi ngày chúng ta tìm được một vấn đề mà hiệu quả về ngoại giao và phát triển giúp cứu sống hàng triệu sinh mạng, cứu đói, tăng sức mạnh phụ nữ...Nước chính là chủ đề quan trọng đó.” Hillary Rodham Clinton, World Water Day 2010.
Ngày Nước Thế Giới và những chủ đề
Cách đây 19 năm kể từ 1993, Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 22 tháng 3 mỗi năm là Ngày Nước Thế Giới/World Water Day, do sáng kiến từ Hội nghị Môi Sinh và Phát Triển/United Nations Conference on Environment and Development/UNCED tại Rio de Janeiro, Brazil [1992].
Có thể nói, nước là biểu hiện của sự sống, vì thế mỗi khi tìm ra tín hiệu có nước trên một vì tinh tú xa xôi thì các nhà khoa học thiên văn đã lạc quan cho rằng có thể có sự sống và sinh vật ở trên đó. Trái đất này sẽ là một hành tinh chết nếu không có nước. Nhưng trước mắt, thì thiếu nước đang là một vấn nạn ngày càng trầm trọng của thế giới chúng ta đang sống hiện nay.
Ngày Nước Thế Giới, như cơ hội để mọi người quan tâm tới tầm quan trọng của nguồn nước ngọt/freshwater và cùng nhau vận động hỗ trợ cho những phương cách quản lý bền vững các nguồn nước ấy.
Mỗi năm Liên Hiệp Quốc đều chọn ra một “chủ đề” cho Ngày Nước Thế Giới để tập trung vận động qua những cuộc hội thảo, qua các phương tiện truyền thông và giáo dục xoay quanh mỗi chủ đề này.
Điểm qua các chủ đề ấy theo thứ tự thời gian:
1994 Nước Nguồn Tài nguyên chúng ta cùng bảo vệ;
1995 Nước và Phụ nữ;
1996 Nước cho Các Đô thị thiếu khát;
1997 Nước Thế giới: Có đủ không?
1998 Nước Ngầm: Tài nguyên không thấy;
1999 Mọi Người sống Dưới nguồn;
2000 Nước cho Thế kỷ 21;
2001 Nước cho Sức khỏe;
2002 Nước cho Phát triển;
2003 Nước cho Tương lai;
2004 Nước và những Thảm họa;
2005 Nước cho Cuộc Sống;
2006 Nước và Văn Hóa;
2007 Nước Thiếu hụt trên Thế giới;
2008 Nước và Vệ sinh;
2009 Nước Xuyên các Quốc gia;
2010 Nước Sạch và Sức khỏe Thế giới;
2011 Nước cho các Đô thị…
1995 Nước và Phụ nữ;
1996 Nước cho Các Đô thị thiếu khát;
1997 Nước Thế giới: Có đủ không?
1998 Nước Ngầm: Tài nguyên không thấy;
1999 Mọi Người sống Dưới nguồn;
2000 Nước cho Thế kỷ 21;
2001 Nước cho Sức khỏe;
2002 Nước cho Phát triển;
2003 Nước cho Tương lai;
2004 Nước và những Thảm họa;
2005 Nước cho Cuộc Sống;
2006 Nước và Văn Hóa;
2007 Nước Thiếu hụt trên Thế giới;
2008 Nước và Vệ sinh;
2009 Nước Xuyên các Quốc gia;
2010 Nước Sạch và Sức khỏe Thế giới;
2011 Nước cho các Đô thị…
Ngày Nước Thế Giới Năm Nay 2012
Ngày Nước Thế Giới 2012 năm nay với chủ đề “Nước và An ninh Lương thực/Water & Food Security”, do Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc điều hợp [Food and Agriculture Organization of the UN]. Với nhận định: hiện có 7 tỉ người phải nuôi ăn trên hành tinh này; dự trù thêm 2 tỉ người nữa vào năm 2050. Mỗi chúng ta uống từ 2 tới 4 lít nước mỗi ngày; phần lớn lượng nước “uống” ấy nằm sẵn trong thực phẩm mà chúng ta ăn: để sản xuất 1 kg thịt bò cần tới 15,000 lít nước, trong khi 1 kg ngũ cốc cần 1,500 lít nước, 1 kg rau trái chỉ cần 1,000 lít nước nghĩa là 15 lần ít hơn. Hiện trạng trên thế giới đã có “một tỉ người đói kinh niên/chronic hunger” và nguồn tài nguyên nước thì co cụm lại khắp nơi. Để đương đầu với tình trạng nổ bùng dân số, bảo đảm an ninh lương thực cho mọi người thì cần tới những hành động cụ thể như:
(1) Tiêu thụ sản phẩm cần ít nước;
(2) Giảm phí phạm lương thực: 30% lượng thực phẩm không bao giờ ăn tới, có nghĩa là mất một lượng nước lớn để sản xuất;
(3) Gia tăng lượng lương thực nhiều hơn, có phẩm chất hơn và tiêu thụ nước ít hơn;
(4) Theo một chế độ dinh dưỡng lành mạnh hơn, với ngũ cốc rau trái thay vì ăn nhiều thịt.
(2) Giảm phí phạm lương thực: 30% lượng thực phẩm không bao giờ ăn tới, có nghĩa là mất một lượng nước lớn để sản xuất;
(3) Gia tăng lượng lương thực nhiều hơn, có phẩm chất hơn và tiêu thụ nước ít hơn;
(4) Theo một chế độ dinh dưỡng lành mạnh hơn, với ngũ cốc rau trái thay vì ăn nhiều thịt.
Tất cả những bước ấy, từ quá trình sản xuất tới tiêu thụ, làm thế nào để tiết kiệm nguồn nước và bảo đảm lương thực cho mọi người. “Nước và An ninh Lương thực” đó trọng điểm trong cuộc vận động nhân ngày Nước Thế Giới 2012 năm nay.
Logo World Water Day 2012, mang rất nhiều ý nghĩa với “Nhánh Lúa và Cá” cũng là hai biểu tượng cho nguồn lương thực của con Sông Mekong. Đã có có một nền “Văn minh Lúa Gạo và Cá” trong Lưu Vực Lớn Sông Mekong/GMS và nền văn minh ấy đang lâm nguy.
Người ta có thể thấy ngay là “phương thức hành động trong sáng và dân chủ” chính là điều rất thiếu vắng trong các quốc gia Mekong.
Cách đây hai năm, nhân Ngày Nước Thế Giới 2010 với chủ đề “Nước Sạch và Sức khỏe Thế giới”, Ngoại trưởng Hillary Roddham Clinton đã phát biểu: “Nước là một trong những cơ hội lớn về ngoại giao và phát triển trong thời đại chúng ta.”Bà Clinton nhận định tiếp, “Không phải mỗi ngày chúng ta tìm được một vấn đề mà hiệu quả về ngoại giao và phát triển giúp cứu sống hàng triệu sinh mạng, cứu đói, tăng sức mạnh phụ nữ, thăng tiến quyền lợi an ninh quốc gia chúng ta, bảo vệ môi trường, và cùng chứng tỏ với hàng tỉ người trên thế giới là nước Mỹ quan tâm tới sự an sinh của họ. Nước chính là nan đề đó.” [2]
Hệ sinh thái sông Mekong
Mekong được đánh giá là một trong những hệ thống sông rạch phức tạp nhất thế giới. Với chiều dài 4,900 km, là con sông dài thứ 11 của toàn cầu cũng là con sông dài nhất Đông Nam Á chảy qua 6 quốc gia, gần gấp hai chiều dài sông Colorado. Tài nguyên lưu vực con sông nuôi dưỡng 70 triệu cư dân, chỉ riêng nguồn cá đã đem lại hơn 2 tỉ MK mỗi năm.
Dòng chảy Mekong tương đương với lưu lượng con sông Mississippi với tẩm đẫm phù sa, rất biến thiên với hai mùa Mưa Nắng. Trong mùa Mưa chỉ có khoảng 16% lượng nước đổ xuống từ Vân Nam Trung Quốc. Nhưng trong những tháng mùa Khô, thì lượng nước thượng nguồn ấy lại tăng tới 40%. Do sự phức tạp của lưu vực sông Mekong, hiện tượng hạn hán và lũ lụt cũng rất biến thiên theo từng khúc đoạn từng vùng. [2]
Biển Hồ và sông Tonle Sap là một hiện tượng thiên nhiên kỳ diệu, với một chu kỳ gần như độc nhất vô nhị trên hành tinh này: Tonle Sap là con sông chảy hai chiều và diện tích Biển Hồ thì co dãn theo mùa. Là hồ cạn với diện tích 2,500 km2 trong mùa Khô, nhưng tới mùa Mưa, bắt đầu từ tháng 6 tháng 7, do nước con sông Mekong dâng cao tạo sức ép khiến con sông Tonle Sap phải đổi chiều; nước từ khúc sông Mekong thượng nguồn chảy ngược vào Biển Hồ khiến nước hồ dâng cao từ 8 tới 10 mét và tràn bờ, làm tăng diện tích Biển Hồ gấp 5 lần lớn hơn, khoảng 12,000 km2. Joseph Yun, phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao Đông Á và Thái Bình Dương đã đưa ra một so sánh rất tượng hình là lượng nước Biển Hồ ấy đủ để bao phủ toàn diện tích hơn 20 ngàn km2 của tiểu bang New Jersey với hơn 3 mét nước cao. [2]
Em Bé Khmer và Cá: 80% nguồn protein của người dân Cam Bốt là từ Cá. Photo by Ngô Thế Vinh, Tonle Sap 2001.
Biển Hồ có một vai trò điều hợp sinh tử đối với hệ sinh thái vùng Hạ Lưu: không chỉ là vựa cá quan trọng nhất của Cam Bốt, mà nguồn nước ấy là thiết yếu cho vựa lúa cùng với kỹ nghệ nuôi cấy thủy sản như cá basa xuất khẩu của của Đồng Bằng Sông Cửu Long [ĐBSCL]. ĐBSCL không chỉ là cái nôi lúa gạo cho toàn Việt Nam, vốn cũng là quốc gia xuất cảng gạo lớn thứ hai thế giới sau Thái Lan. Theo Chương Trình Phát Triển của Liên Hiệp Quốc/United Nations Development Program thì tình trạng sản xuất lúa gạo ở Việt Nam năm 2010, đã bị ảnh hưởng nặng nề do thay đổi khí hậu và do các con đập thủy điện thượng nguồn.
Có thể nói Sông Mekong là “mạch sống – lifeline” của bao nhiêu triệu cư dân trong Lưu Vực. Nông và ngư nghiệp chiếm tới 85% lực lượng lao động: nông dân thì phụ thuộc vào nguồn nước và phù sa; ngư dân thì sống bằng nguồn cá thiên nhiên của con sông, cá không chỉ là nguồn protein động vật chính trong dinh dưỡng mà còn đem lại lợi tức đáng kể cho họ. Do đó nông và ngư dân Lưu Vực sông Mekong sẽ là những nạn nhân trực tiếp bị ảnh hưởng do bất cứ một thay đổi hủy hoại nào trong môi trường sống của họ.
Với thay đổi khí hậu, lưu vực sông Mekong sẽ là một trong những vùng chịu ảnh hưởng tác hại nhất, do đa số cư dân sống trên những cánh đồng lũ/floodplains và các vùng ven biển thấp [ĐBSCL]. Sự đa dạng sinh học của toàn vùng cũng bị đe dọa bởi những ảnh hưởng tích lũy trực tiếp hoặc gián tiếp do thay đổi khí hậu, cộng thêm với sự tác hại của những con đập thủy điện đầy những khiếm khuyết về phương diện kỹ thuật và đang phát triển vội vã như hiện nay.
Nhánh Lúa Lai Tạo/Hybrid Rice từ Viện Nghiên Cứu Lúa Gạo Quốc Tế IRRI, tăng năng xuất từ 1-1.5 tấn cao hơn cho mỗi hecta, là một đóng góp quan trọng cho phát triển nông nghiệp Châu Á, trong đó có Việt Nam.
Trở lại với con sông Mekong, chỉ để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển, các quốc gia Mekong vội vã hướng tới khai thác nguồn thủy điện của con sông này. Điều mà họ ít quan tâm tới là khi xây các con đập trên dòng chính có thể gây tác hại tức thời và cả lâu dài tới “an ninh lương thực” của bao nhiêu triệu cư dân trong lưu vực.
Cái giá phải trả về kinh tế do các con đập gây ra rất cao, nhưng vì những hứa hẹn lợi nhuận to lớn trước mắt do thủy điện có thể đem lại; mỗi con đập cho dù lớn nhỏ đều có ảnh hưởng trên dòng chảy và sinh cảnh của con sông. Chỉ một con đập xây không đúng chỗ như con đập Don Sahong Nam Lào, có thể ngăn chặn các đoàn di ngư, ảnh hưởng trực tiếp trên nguồn cá cũng là nguồn protein chính của cư dân trong lưu vực. Hoặc một con đập thiết kế kém với nhiều khiếm khuyết như con đập Sambor phía Bắc Cam Bốt, có thể làm giảm nguồn nước ngọt, làm mất nguồn phù sa, tăng nạn nhiễm mặn và ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất lúa gạo không chỉ của Cam Bốt mà cả ĐBSCL của Việt Nam.
Với chuỗi đập bậc thềm Vân Nam/Lancang - Mekong Cascade nơi Lưu Vực Trên/Upper Mekong Basin chắc chắn có ảnh hưởng đáng kể trên dòng chảy thiên nhiên của con sông Mekong. Theo Fred Pearce, thì vào đầu thập niên tới, chuỗi đập Vân Nam sẽ có khả năng giữ lại hơn nửa lưu lượng dòng chảy của con sông Mekong trước khi ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc. Đối với Bắc Kinh, con sông Mekong đã trở thành “Tháp Nước và Nhà Máy Điện” của riêng họ. [6]
Nhưng chuỗi đập dòng chính nơi Lưu Vực Dưới/Lower Mekong Basin sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nhiều đối với các quốc gia hạ lưu, đặc biệt là với Biển Hồ của Cam Bốt và ĐBSCL của Việt Nam. Người ta đã nói tới những con đập dòng chính trên đất Lào, nhưng cũng đừng quên rằng ngay trên đất Cam Bốt đã có hai dự án Stung Streng 980 MW và Sambor 2,600 MW gây ảnh hưởng tác hại trực tiếp trên sản lượng cá của Biển Hồ và làm mất nguồn phù sa nơi ĐBSCL. Chấp nhận xây dựng hai con đập ấy ngay trên đất Chùa Tháp, Nam Vang như cầm súng tự bắn vào chân mình/shoot oneself in the foot, một thứ self-inflicted injury – và Việt Nam cũng không tránh được những tổn thất liên hệ/collateral damages.
Không thể phủ nhận thủy điện vẫn là nguồn năng lượng giá trị, nhưng chừng nào mà cái giá rất cao phải trả về môi sinh được lượng giá đúng mức và tiến hành một cách thận trọng và có trách nhiệm. Để có con đập thủy điện mới, có những cây cầu và đường xá mới không thể không đồng thời cũng phải đối chiếu với cái giá phải trả về môi trường và cả trên cuộc sống cư dân ra sao. Ví dụ như nước Lào, với nguồn thủy điện phong phú có thể xuất cảng để thu về ngoại tệ cho phát triển kinh tế, nhưng nếu không có những bước nghiên cứu thận trọng thì đó chỉ là bước phát triển rất ngắn hạn không bền vững với nhiều tổn thất trước mắt và lâu dài trên môi sinh và cuộc sống xã hội của chính những người dân Lào.
Sông Mekong đang chịu quá tải
Hệ sinh thái sông Mekong hiện đã có những dấu hiệu bị quá tải. Không phải chỉ có tác hại từ các con đập thủy điện mà còn thêm những ảnh hưởng tích lũy do ô nhiễm từ kỹ nghệ, nước thải, và phân bón hóa học từ canh nông.
Duy trì phẩm chất nguồn nước con sông Mekong là yếu tố vô cùng quan trọng cho “sức khỏe và lương thực” của 70 triệu cư dân trong toàn lưu vực. Nạn nhiễm mặn ngày càng gia tăng nơi ĐBSCL, nhất là trong những tháng Mùa Khô giảm lưu lượng dòng chảy khiến nước biển lấn sâu thêm vào vùng châu thổ phá hại mùa màng; lại thêm tình trạng đất phèn/sulphate-rich soils làm tăng độ acid trong nước, gây bội phát lượng rong tảo trong nước/eutrophycation, làm giảm lượng oxygen có thể tới ngưỡng tử vong làm chết cá và các động vật dưới nước.
Nước từ thượng nguồn đã bị ô nhiễm cộng thêm với nạn ô nhiễm dưới nguồn khiến hệ sinh thái của con sông càng ngày càng suy thoái. Xả các chất phế thải, cả phóng uế xuống sông là điều vẫn diễn ra thường ngày nơi ĐBSCL. Các quốc gia Mekong trong đó có Việt Nam gần đây cũng bắt đầu đề cập tới nạn ô nhiễm nước, nhưng đa số chỉ như những khẩu hiệu và để rồi không có biện pháp chế tài hay theo dõi hiệu quả nào.
Cần sự chọn lựa khôn ngoan
Công trường xây dựng đập Xayaburi tại Lào hôm 03-06-2011. AFP PHOTO.
Sự phong phú của hệ sinh thái sông Mekong chỉ đứng thứ hai sau con sông Amazon, Nam Mỹ nhưng lại có một khác biệt lớn là hai bên bờ sông Mekong có cư dân sống với mật độ cao. Eric Baran một chuyên gia của Trung Tâm Ngư Học Thế Giới/WorldFish Centre đã từng hỗ trợ Ủy Hội Sông Mekong khảo sát ảnh hưởng của các đập thủy điện trên hệ sinh thái sông Mekong, đã phát biểu: “An ninh Lương Thực phải là vấn đề cốt lõi nhất – the most critical issue.” Đã có 781 chủng loại cá được xác định, nhưng còn nhiều chủng loại cá khác chưa được biết tới, trung bình mỗi năm có thêm 28 chủng loại mới được phát hiện trong thập niên qua. Mỗi năm ngư dân Mekong lưới bắt được 2.1 triệu tấn cá [3 triệu tấn một năm theo MRC 09-2008], chiếm khoảng 1/6 lượng cá nước ngọt thế giới. [3]
Tiến sĩ Baran tiếp: “Kết hợp đặc tính của các đoàn di ngư và sự phụ thuộc của cư dân trên nguồn cá này là nét đặc thù duy nhất – unique, và “an ninh lương thực” trong lưu vực phải là mối quan tâm hàng đầu của các chánh phủ Mekong khi xây các con đập. Do đó không phải chỉ có bảo vệ môi trường và số người phải tái định cư, nhưng vấn đề lớn hơn rất nhiều. Khai thác thủy điện và an ninh lương thực trong lưu vực sông Mekong có lẽ là nét đặc thù duy nhất trên hành tinh này.”
Theo dự báo của MRC, thì tới năm 2030 với 88 con đập dòng chính và phụ lưu hoàn tất, sẽ có tới 81% các đoàn di ngư bị chăn lại, phải làm sao cùng với các bước phát triển xây đập mà vẫn bảo vệ được nguồn lương thực cho cư dân trong lưu vực. Do đó cần tới sự tái phối trí các dự án đập hiện nay, với nhận định rằng ảnh hưởng tác hại của các con đập thủy điện sẽ được giảm thiểu nếu là những con đập phụ lưu/tributary dams; hoặc nếu là đập dòng chính/mainstream dams thì nên là những con đập ở vị trí ở xa lên phía thượng nguồn.
Theo chiều hướng đó, không nhất thiết là phải ngưng tất cả các dự án đập thủy điện nhưng nhóm nghiên cứu của Baran đưa ra những đề nghị cụ thể:
(1) Các con đập sẽ không cao hơn 30 mét để có thể vẫn mở những đường đi hiệu quả cho cá. [như chỉ riêng con đập Xayaburi cao 32 mét cũng đã ngăn chặn hơn 70 chủng loại di ngư].
(2) Nên xây đập trên những dòng chảy nhân tạo/man-made canals giống như ở Pháp và Âu châu, thay vì trên dòng chảy thiên nhiên, sẽ có tác dụng giảm hiểu tác hại tiêu cực trên dòng sông.(3) Những con đập nên được thiết kế cho mục đích đa dụng – multi-purpose stuctures thay vì chỉ có sản xuất điện, nhằm giảm thiểu những tổn thất trên môi trường và xã hội. [3]
Tăng trưởng xanh lưu vực sông Mekong
Các đại biểu đến từ Campuchia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 4 tại thủ đô Naypyitaw của Myanmar vào ngày 19 tháng 12 năm 2011. AFP photo.
Hội nghị Bangkok đã như một cộng hưởng chuẩn bị cho Ngày Nước Thế Giới 2012 vào tháng 3 sắp tới. Với nhận định: quản lý các nguồn lương thực, nước và năng lượng trong Lưu Vực Lớn Sông Mekong là thử thách nghiêm trọng nhất trong thập niên tới đây. Tới năm 2030, nhu cầu lương thực của Lưu vực Lớn Sông Mekong gia tăng từ 20-50%, nhu cầu nước cho canh nông, cho phát triển năng lượng, cho gia dụng và kỹ nghệ cũng sẽ tăng theo cấp số nhân/exponentially increasing; trong khi nguồn nước trên mặt đất và nước ngầm/surface and ground water thì ngày càng cạn kiệt và suy thoái.
“Cân bằng Tăng trưởng Kinh tế và sự Bền vững Môi trường/Balancing Economic Growth and Environmental Sustainability” là chủ đề của của hội nghị với mục đích tìm ra một hướng đi tối ưu cho tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường. Điều ấy đòi hỏi những đầu tư khôn ngoan trong phát triển như: sử dụng nguồn năng lượng sạch, gia tăng trồng trọt với ít nước hơn, cải tiến kỹ thuật sinh học để giảm sử dụng phân bón hóa học, thu hoạch thêm lượng nước mưa/rain harvesting và tái tạo/recycling nguồn nước từ các trung tâm đô thị. [7]
Stephen P. Groff, Phó Chủ tịch Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đã phát biểu: “Chúng ta cần phác thảo một lộ trình/roadmap tới năm 2020 nhằm hỗ trợ người nghèo/pro-poor, hỗ trợ môi trường/pro-environment. Thách đố là làm sao gia tăng hiệu quả xử dụng tài nguyên, phục hồi và tái đầu tư/restore and recapitalize các nguồn tài nguyên thiên nhiên ấy, đồng thời bảo vệ phẩm chất môi trường khi tạo công ăn việc làm và phát triển kinh tế.”
Ông Dương Đức Ưng, từ Việt Nam đã cho RFA biết thêm một số thông tin từ hội nghị như: “Sự quan tâm không chỉ về an ninh lương thực mà cả an toàn thực phẩm phải gắn kết với nhau. Việt Nam hiện nay đã có an toàn lương thực cho mình rồi và xuất khẩu 7 triệu tấn lương thực ra thế giới, chỉ đứng sau Thái Lan”. [8] Theo nhận định của người viết thì thành tích phô trương ấy của Việt Nam đã không có gì mới, nhưng câu hỏi được đặt ra là liệu sẽ bền vững được bao lâu và phía Việt Nam có sáng kiến đóng góp được gì cho tầm nhìn xa chiến lược “phát triển xanh bền vững” của toàn Lưu vực Lớn Sông Mekong trong đó có ĐBSCL.
ADB đã thông qua 50 dự án liên quan tới bền vững môi trường Lưu Vực Lớn Sông Mekong trị giá 4.8 tỉ MK. [7] Các nhà lãnh đạo GMS đã đồng thuận về một “chiến lược tăng trưởng xanh/green growth agenda” cho toàn vùng nhưng vấn đề vẫn là làm sao để theo dõi và thực thi một cách hiệu quả những cam kết ấy.
Cái giá quá đắt cho phát triển
Ngày Nước Thế Giới 2012 năm nay với chủ đề “Nước và An ninh Lương thực” không chỉ là một thông điệp mỗi năm của Liên Hiệp Quốc gửi ra cho toàn cầu nhưng với khu vực Đông Nam Á – nơi đang có tranh chấp về quyền lợi khai thác con sông Mekong thì lại có ý nghĩa báo động nghiêm trọng hơn nhiều đối với nền an ninh toàn vùng.
Bước vào thế kỷ 21, có thể nói các quốc gia Mekong, trong đó có Việt Nam tuy được coi là những quốc gia đang phát triển, nhưng theo những bước không bền vững/non-sustainable development. Và cái giá cao nhất mà thế hệ hôm nay và cả tương lai phải trả là mất nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, mất “an ninh lương thực” đưa tới viễn ảnh nghèo khó và quan trọng hơn thế nữa là chính sức khỏe của người dân sẽ là cả một gánh nặng về y tế do không có an toàn thực phẩm, thêm nạn ô nhiễm môi trường càng ngày càng trầm trọng nhất là về “nước và không khí”.
Ngô Thế Vinh, M.D.
California, 02/ 25/ 2012
California, 02/ 25/ 2012
Tham Khảo:
1/ New FAO Chief moves on Global eradication of hunger, Support to poorest countries to be scaled up. Fao Media Centre; Rome 3 Jan, 2012http://www.fao.org/news/story/en/item/119343/icode/
2/ Testimony of Joseph Yun, Deputy Asst. Secretary Bureau of East Asian and Pacific Affairs US Department of State, Before the Senate Committee, Sept 23, 2010http://www.foreign.senate.gov/imo/media/doc/Yun.pdf
3/ Food security key issue in Mekong dam debate: Bangkok Post, Nov 12, 2011
http://www.bangkokpost.com/opinion/opinion/270238/food-security-key-issue-in-mekong-dam-debate
http://www.bangkokpost.com/opinion/opinion/270238/food-security-key-issue-in-mekong-dam-debate
4/ Empires of The Indus: The Story of A River; Alice Albina, W.W Norton & Company, Inc. First American Edition 2010
5/ The Damming of The Mekong: Major Blow to An Epic River, Fred Pearce, Yale Environment 360 Jun 17, 2009
6/ Hội Nghị Siem Reap Một Thỏa Hiệp Mong Manh Cho Dòng Chính Mekong Không Nghẽn Mạch; Ngô Thế Vinh, 12/25/2011http://www.vietecology.org/Article.aspx/Article/77#
7/ Green Development Key to Growth in Mekong Region; Bangkok, Thailand, 20 February 2012,http://beta.adb.org/news/green-development-key-growth-mekong-region
8/ Kế hoạch kinh tế và môi trường trong Tiểu vùng sông Mekong; RFA 02-22-2012;http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/key-to-grow-in-mekong-region-02222012061040.html
Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012
Nguyễn Hữu Vinh - Vụ Đoàn Văn Vươn: Quan chức bất nhân, bất nhất, chính quyền bất minh, luật pháp bất ổn, nhà nước bất lực nên người dân bất an
Blog Nguyễn Hữu Vinh -
![]() |
Máy xúc vào phá nhà ông Vươn |
Sự kiện Đoàn Văn Vươn đã tròn một tháng kể từ sáng 5/1/2012 khi chùm đạn hoa cải nổ thẳng vào đám công an và quân đội bao vây chiếm đất tại Tiên Lãng. Đến nay đã có hàng trăm bài báo, hàng chục quan chức lên tiếng, người dân trong và ngoài nước xôn xao về một hiện tương mới: Hiện tượng Đoàn Văn Vươn.
Vụ việc trở thành đề tài thời sự nóng bỏng trong cái tết vừa qua, khi rượu sớm, khi trà trưa, sau những lời chúc mừng năm mới là câu chuyện Đoàn Văn Vươn nổ thay pháo tết từ Nam đến Bắc.
Thế nhưng, một tháng trôi qua, ta thấy gì?
Cho đến nay, hầu như chỉ là việc bắt giam các bị can Đoàn Văn Vươn và anh em, ngoài ra chỉ là lời qua tiếng lại giữa quan chức Tiên Lãng, sự biện hộ thô thiển của quan chức Hải Phòng, sự lên án mạnh mẽ của công luận và sự phản ứng ngược chiều lỳ lợm và lẻ loi của tờ báo Hải Phòng, vài bài viết làm trò hề trên tờ Công an Nhân dân và mỉa mai thay lại cả tờ báo mang tên “Công Lý”… Ngoài ra, chưa có tiến triển gì hơn.
Thậm chí đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được ai đã phá nhà ông Vươn?
Vì sao có trình trạng này?
Quan chức bất nhân, bất nhất
Trước hết là sự bất nhân. Những người đã theo dõi vụ án hoặc đã đối diện với biển với nước không ai không biết rõ công sức mồ hôi xương máu của anh em nhà Đoàn Văn Vươn cũng như những người dân nuôi trồng hải sản ở đây đã đổ ra biết bao nhiêu để làm nên cơ nghiệp này. Họ đã không chỉ hi sinh công sức, tiền của mà cả máu, cả tính mạng con cháu mấy chục năm trời… Bỗng dưng bằng một mảnh giấy, tất cả mọi công sức bị cướp trắng trái pháp luật. Thậm chí trước đó, các cơ quan công quyền đã cùng hùa nhau để đưa những nạn nhân này vào vòng vây mê hồn trận của mớ pháp lý, tòa án và những lời hứa hẹn.
Không rõ ông Chủ tịch huyện Lên Văn Hiền có luôn em trai làm chủ tịch xã cũng như các quan chức Hải Phòng và những kẻ manh tâm đi bao che cho những hành động đó có thấy việc làm của mình là bất nhân?
Ngay sau khi những phát đạn hoa cải hạ gục mấy chiến sĩ công an và bộ đội, báo chí nhanh chóng đưa tin thì ông Lê Văn Hiền – Chủ tịch UBND Huyện Tiên Lãng lên tiếng khẳng định rằng đã phá nhà ông Vươn vì đó là nơi trú ẩn của những người chống lại lực lượng cưỡng chế.
![]() |
Đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an Hải Phòng |
Câu nói này ngay lập tức bị công luận lên án mạnh mẽ vì vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Khi đó một quan chức đàn anh khác là Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Đỗ Trung Thoại lại nói việc phá ngôi nhà của ông Quý là do “nhân dân bất bình”?.
Câu nói này cũng lập tức nhận được sự phản ứng dữ dội của công luận và nhân dân Tiên Lãng, người ta nói rõ rằng chẳng có nhân dân nào bất bình, người dân chỉ bất bình với chính nhà cầm quyền Tiên Lãng vô đạo đức khi muốn cướp không công sức người dân mấy chục năm bỏ ra khai hoang, lấn biển và việc quan chức Hải Phòng cố tình vu vạ cho dân là điều không thể chấp nhận được.
Ngay sau khi bị dư luận chỉ rõ sự bất nhân và vô luật pháp trong các phát biểu này, cả UBND Huyện Tiên Lãng và Đỗ Trung Thoại đều leo lẻo nói ngược lại là không phá, không ra lệnh, không ai tham gia phá nhà ông Vươn và cuối cùng là “Chưa rõ ai phá nhà ông Vươn”(Sic).
Quả thật cha ông ta đã có quá nhiều kinh nghiệm khi đúc kết câu nói “Miệng quan, trôn trẻ”. Nếu như trôn một đứa trẻ nhiều khi làm nhọc lòng, xấu hổ đến bố mẹ và người thân, thì miệng quan chức này đã làm chán nản và nhận lấy sự khinh bỉ từ chính người dân.
Người nắm sức mạnh bạo lực lớn nhất Hải Phòng lúc bấy giờ là ông Đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an Hải Phòng – người mà cư dân mạng gọi là “Đại Ca” – có mặt tại chỗ chỉ đạo lực lượng Công an Hải Phòng vây bắt. Khi Công an, Quân đội nã súng với “phương án tiêu diệt” không thể thiếu vai trò ông Đỗ Hữu Ca. Để rồi sau đó ông chém gió rằng: “Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này”.
Thế nhưng, khi được hỏi ai đã phá nhà ông Vươn, “Đại Ca” này cũng khẳng định không biết ai.
Chính từ sự bất nhân, không hợp lòng người, trái đạo lý đã đẩy đưa chính họ vào chỗ bất nhất theo đúng nguyên lý “Đường đi hay tối, nói dối hay cùng”.
Và họ đã thi nhau dẫm đạp lên vết trượt này không cách nào khác.
![]() |
Ai cầm loa tay chỉ đạo bên cạnh ngôi nhà này? |
Khi đã có những lời bất nhất như vậy, liệu ai có thể tin được những lời nói tốt đẹp khác của các quan chức này như “Bản chất của chế độ ta không cho phép nhục hình bức cung. Nếu ai vi phạm điều này sẽ bị cách chức, ai không thực hiện đúng chính sách với phạm nhân thì chúng tôi xử lý nghiêm minh”?.
Chính quyền bất minh, luật pháp bất ổn
Nói đến chuyện luật lệ liên quan đến đất đai, chuyện nhà nước quản lý, sử dụng, chuyển đổi, bán chác, thu hồi… là một mê hồn trận đã từng gây nên bao nhức nhối giai đoạn vừa qua. Luật pháp bất ổn, bất nhất đã đặt người dân không phải một nơi mà cả nước, không chỉ thành thị mà khắp thôn quê, không chỉ miền xuôi mà cả miền ngược đảo lộn cuộc sống, đảo lộn mọi giá trị truyền thống về đạo đức, về nhân cách qua những luật lệ này.
Từ khi thành lập nước VNDCCH đến nay, quyền hạn về đất đai cứ như một trò mèo vờn chuột. Đầu tiên là người cày có ruộng, cướp đoạt của chủ đất chia cho dân cày, rồi nhóm lại vào một lò chung là Hợp tác xã, rồi chia ruộng đất khoán sản, khoán nông. Rồi các đại gia lập dự án, rồi nhà nước dùng súng đạn cưỡng chế cướp của dân với giá rẻ mạt bán với giá trên trời bỏ túi chia nhau… đủ cả mọi cách cứ tít mù vòng quanh. Mấy chục năm qua, chuyện đất đai vẫn như mớ bòng bong càng gỡ càng rối. Khắp nơi người dân khiếu kiện, từng đoàn, từng lượt đổ về đầu não chính trị để kêu oan. Và như thế công an lại có việc để làm, để bắt bớ, để đàn áp… cứ như những cuộc chiến không hứa hẹn ngày ký kết thỏa ước ngừng bắn chừng nào còn đất.
![]() |
Đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an Hải Phòng người đeo kính đứng phía ngoà |
Tựu trung lại cái luật lệ không giống ai cố tình không công nhận quyền tư hữu về ruộng đất với định nghĩa rất khác người là “Đất đai sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý…” đã tạo ra mớ bòng bong đó. Điều này đi ngược lại với nguyên lý cơ bản, quyền tư hữu về đất đai của người dân đã ngang nhiên bị tước bỏ, và có như vậy thì nhà nước mới dễ dàng thu hồi cái không phải của mình, lấy đi cái trong tay người khác.
Việc dùng công an, quân đội cưỡng chế đất đai, tài sản của nhà ông Vươn không có bồi thường là việc làm bất nhân. Như trên đã phân tích, để làm được những việc đó thì điều cần thiết là sự bất minh. Ngay sau khi xảy ra sự việc, báo chí đã trực tiếp hỏi quan chức chính quyền địa phương việc thu hồi nhằm mục đích gì? Câu trả lời là “không thể trả lời”, rồi sau đó là “để cho ông Vươn thuê lại” sau khi đã bị báo chí và dư luận vạch rõ việc làm không minh bạch của chính quyền Tiên Lãng. Cũng trước đó, báo chí đã đưa tin rằng UBND Tiên Lãng thu hồi nhằm phục vụ “dự án sân bay Quốc tế Hải Phòng”. Nhưng khi người ta vạch rõ việc thu hồi này có quyết định trước cả dự án, thì cái dự án đó không cánh mà bay trong lời nói quan chức Hải Phòng mà không được ai nhắc đến nữa.
Không chỉ là việc thu hồi để làm gì, mà ngay cả Tòa án Nhân dân TP Hải Phòng đã có những động tác mà qua đó, người dân thừa lòng tin đã tưởng rằng được luật pháp bảo hộ nên gia đình Đoàn Văn Vươn mới nên cơ sự này. Cuộc dàn xếp giữa UBND Huyện và gia đình người có đất được Tòa án ND Tỉnh tổ chức, đâu có ai nghĩ là sự lừa bịp hoặc đưa người ta vào một âm mưu. Nhưng điều đó đã xảy ra, chứng tỏ sự bất minh càng rõ ràng để phục vụ những mưu đồ đã có sẵn.
Không chỉ việc dùng công an, quân đội, chó, súng đạn… cưỡng chế phá nhà ông Vươn, bắt bớ đánh đập phụ nữ, con trẻ trước công chúng đã thể hiện bản chất sự việc, mà ngay cả việc để toàn bộ tài sản của gia đình ông Vươn trong Đầm bị cướp sạch, lấy sạch sau đó cũng đã nói lên sự bất minh của việc làm này.
Nhà nước bất lực
Đã một tháng tròn, từ Hà Nội xuống Hải Phòng chỉ hơn 100 km, nếu đi xe bình thường hết 2 giờ ô tô, nếu đi xe có còi hụ dẫn đường như quan chức Việt Nam vẫn dùng hàng ngày ở Hà Nội thì chắc không đến chừng đó thời gian. Nhà nước Việt Nam “của dân, do dân, vì dân” có đội ngũ công an “vững mạnh, trong sạch và bách chiến bách thắng”. Vụ việc Đoàn Văn Vươn chỉ là một việc nhỏ trong muôn vàn vụ việc khác nhau, chỉ là một vụ “cưỡng chế” trong trăm ngàn vụ cưỡng chế đã và đang xảy ra trên đất nước này. Việc huy động một lực lượng mấy trung đội cảnh sát, các cơ quan đoàn thể, quân đội để tiến hành vụ việc, đập phá hai ngôi nhà giữa thanh thiên bạch nhật, trước hàng ngàn người dân… rõ ràng đến mức hỏi một nông dân mù chữ cũng có thể thuật lại được.
![]() |
Nhà nước mượn Tu viện Dòng CCT Hà Nội và không muốn tr |
Vậy mà đến nay ba chục ngày trôi qua, vẫn cứ lùng nhùng trong những cuộc cãi vã, phân tích của báo chí về việc làm vô luân, vô pháp của nhà cầm quyền Tiên Lãng và Hải Phòng, vẫn lằng nhằng trong những phát biểu ngược dòng của các quan chức Hải Phòng và Tiên Lãng như cố tình thách thức và trêu ngươi dư luận.
Trước hết, dù cho ông Đỗ Hữu Ca có “chém gió” rằng: “Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này” thì khách quan mà nói, vẫn phải công nhận sự bất lực của hệ thống công an và quân đội hiện nay. Lý do để kết luận điều này là với lực lượng mà ông Ca đã tiết lộ bao gồm: “Trong sự vụ này, 2 trung đội cảnh sát đặc nhiệm đã được điều động xuống hiện trường phối kết hợp với lực lượng ở đồn biên phòng phục ngoài bờ sông. Ngoài ra còn lực lượng cảnh sát bảo vệ…” lại còn “có sự kết hợp giữa địa phương, giữa công an, quân đội, biên phòng…” nhưng chỉ có vài người trong căn nhà bị cô lập và thậm chí còn sử dụng cả “phương án tiêu diệt” mà không bắt được ai, đối tượng vẫn ra khỏi đó như chỗ không người thì quả là sự bất lực rõ ràng của lực lượng vũ trang không thể nói gì hơn.
Nếu đây không phải là anh em Đoàn Văn Quý chỉ là mấy nông dân, mà là một lực lượng vũ trang nào đó chính quy chẳng hạn, thì thử hỏi sự “bách chiến bách thắng” được bao nhiêu phần trăm?
Thứ hai, là dù ở đó có cả Giám đốc Công an TP, có cả các sĩ quan, chiến sĩ biên phòng, chính quyền cấp xã, huyện, Thành phố… nhưng đến nay vẫn chưa biết ai đã phá nhà ông Vươn, không biết việc mất mát tài sản trong đầm ông Vươn ra sao? vẫn loanh quanh lấp lửng thì rõ ràng đây là sự yếu kém, bất lực của chính quyền và lực lượng chức năng ở Hải Phòng mà trước hết là đám công an của ông Đỗ Hữu Ca.
![]() |
Lực lượng cưỡng chế hùng hậu với phương án tiêu diệt, nhưng anh em nhà Đoàn Văn Quý vẫn bình thản ra khỏi nhà |
Thứ ba, cơ quan Thành ủy Hải Phòng là cơ quan quyền lực nhất ở Hải Phòng theo thể chế chính trị hiện nay, lẽ ra là nơi người dân có thể đặt lòng tin vì đảng đã tự cho mình là cha mẹ của dân, “Dân tin đảng, đảng thương dân, tình đảng tình dân như tình mẫu tử” – Lời bài hát – nhưng qua cơ quan ngôn luận mình là báo Hải Phòng, cũng như bài phát biểu của Trưởng ban Tuyên giáo Huyện Tiên Lãng với 300 đảng viên, họ đang cố tình thể hiện rằng “ý đảng” ở đây đang đi ngược lòng dân Tiên Lãng và khắp nơi.
Thứ tư, các cơ quan Quốc hội, Chính phủ mà ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng chính phủ cũng là Đại biểu Quốc hội tại Hải Phòng, ngay sau vụ việc đã có công điện số 57 yêu cầu “Xử lý nghiêm trường hợp chống đối người thi hành công vụ”. Nhưng liên quan đến vụ việc quyền lợi công dân này, thì đến nay vẫn chỉ là chỉ thị và lời hứa làm rõ vụ việc sau tròn một tháng với tư cách Thủ tướng, còn lại các cơ quan khác của Hải Phòng chỉ nhằm bao che, giải thích loanh quanh hoặc lẩn tránh.
Giải thích việc chậm trễ này, ông Vũ Đức Đam cho là “Tất cả cơ quan Nhà nước cấp tỉnh hay, bộ, ngành đều làm việc theo quy định và trình tự”.
Điều này càng khẳng định sự cồng kềnh, của một bộ máy đồ sộ khổng lồ của nhà nước hiện nay nhưng kém hiệu quả.
Rõ ràng, trong khi các quan chức và cựu quan chức cũng đã phải thốt lên rằng việc này không giải quyết rõ ràng, nhanh chóng thì có hại lớn cho hệ thống chính trị hiện nay. Nhưng cách xử sự đến nay đã chứng tỏ sự bất lực của nhà nước. Đó là sự bất lực trong khả năng giải quyết nhanh chóng các vấn đề liên quan đến đời sống chính trị xã hội và tính mạng người dân.
Người dân bất an
Chính một thứ luật pháp bất ổn kết hợp với chính quyền bất minh gồm những quan chức bất nhân và bất nhất thì việcngười dân sống luôn thấy bất an là điều không có gì phải lạ.
Không người dân nào (trừ các quan chức có thế lực) có thể chắc chắn rằng ngôi nhà mình đang ở, mảnh đất mình đã chắt chiu bao đời nay mà có, ngôi nhà thờ, đình chùa miếu mạo đang thờ tự có thể ổn định và yên chí làm ăn. Khi mà sẵn sàng có một dự án nào đó của những kẻ lắm tiền nhằm vào chỗ của họ đang sống, thì có thể sau đó là công an, là chó, là súng đạn đến “cưỡng chế” họ ra khỏi nhà để giao đất cho người khác. Nếu họ không đồng ý, thì sau đó là nhà tù hoặc cùng quẫn lắm thì là súng đạn, hoặc tự thiêu.
Trong một xã hội công bằng, văn minh và luật pháp rõ ràng, thì người dân Cồn Dầu không bao giờ nghĩ là họ sẽ phải vất vưởng ngay trên mảnh đất tổ tiên của họ xây dựng lên bao đời. Giáo dân Thái Hà không bao giờ nghĩ rằng Tu viện của họ sẽ bị biến thành nơi chứa bệnh tật truyền nhiễm và nhục mạ nơi linh thánh. Những người như Đoàn Văn Vươn sẽ yên tâm mà khai hoang lấn biển nhằm đem lại lợi ích cho cộng đồng, cho gia đình.
![]() |
Linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà xuống đường yêu cầu "Mượn thì phải trả" tu viện cho họ |
Nhưng, khi tất cả những điều nói trên không đảm bảo, thì điều gì cũng có thể xảy ra, số phận những người dân và tài sản của họ luôn trong tư thế cá nằm trên thớt, vì các dự án bất thần đổ xuống, các quyết định bất thần tung ra, cảnh sát, quân đội bất thần kéo đến… hỏi tìm đâu ra sự “an cư” để mà “lạc nghiệp”?
Phải chăng, đó chính là đặc điểm của một nền kinh tế thị trường có kèm cái đuôi “Định hướng XHCN”?
Sự việc Đoàn Văn Vươn là một điểm mốc, là một tiếng bom cảnh báo một giai đoạn, một tình trạng xã hội mà nếu không có những điều chỉnh cần thiết, không có những thay đổi kịp thời thì sự bình yên giả tạo trong xã hội chỉ là sự bình lặng tạm thời của mặt biển trong mùa bão tố.
Bởi lòng dân là sóng biển.
Hà Nội, ngày 5/2/2012
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)