Hiển thị các bài đăng có nhãn Tuỳ bút. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tuỳ bút. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2022

Võ Phiến: Ế Ị ! (tùy bút)

Các nhà chuyên môn cho rằng ở các làng mạc vắng vẻ tiếng động chỉ có chừng ba mươi décibels vào ban ngày và trên vài mươi vào ban đêm.

Con người có thể chịu đựng thêm một chút ồn ào nữa cũng không sao, miễn là đừng vượt quá ba mươi lăm ban ngày và ba mươi décibels ban đêm. Thế nhưng ngày nay, tại những khu phố gọi là yên tĩnh nhất, vào đêm khuya (nếu không phải là giờ thiết quân luật) tiếng động cũng vượt quá năm mươi décibels. Đó là không kể những ồn ào bất thường trong thời chiến: tiếng quân xa di chuyển từng đoàn, tiếng phi cơ phản lực đi đi về về...


Thần kinh Đỗ chịu đựng kém. Từ hồi về sống ở đô thị chàng đâm ra đố kỵ âm thanh. Tiếng nhạc cũng ít khi dám nghe. Bối âm thường xuyên đã ầm ĩ quá rồi, tăng thêm một tiếng động, tinh thần thêm bị kích thích, bực bội.


Vậy mà rồi một hôm Đỗ tự bắt gặp mình chờ đợi một tiếng kêu lớn. Chờ đợi mơ hồ, nếu không tình cờ để ý có lẽ không biết đến.


Số là đối với mỗi người trong ngày chỉ có một giờ nào đó coi là thích nhất. Các cụ trước kia chọn cái lúc tờ mờ, đêm vừa tàn ngày vừa rụt rè hiện đến; trong cô tịch, các cụ ngồi nhấp trà suy nghĩ.


Đỗ không lấy trầm tư làm thú. Chàng thích cái khoảng thời gian trơ trẽn từ chín rưỡi tới mười giờ. Lúc đó, điểm tâm xong, tách cà-phê nóng đã làm cho người tỉnh táo, những công việc khẩn cấp nhất trong ngày đã tạm giải quyết xong, tâm trí nhẹ nhàng, thảnh thơi. Ngoài trời nắng vừa đủ ấm, sương vừa đủ ráo, ánh sáng tươi mà chưa gắt. Bấy giờ, chàng có thể khoanh tay ngồi trước bàn, ngừng công việc, nghếch mặt nhìn trời xanh ngoài cửa sổ, đầu óc rỗng tuếch mà vẫn ngấm ngầm hân hoan, không có một dự định gì mà vẫn tràn trề hy vọng. Chừng mười thước tây dưới tầng lầu của chàng xe cộ tiếp tục ồn ào; nhưng chàng tha thứ. Ở sân thượng một tòa nhà nào đó, cùng trong khu phố, có người (chắc chắn là lao công một sở công hay tư) có thói quen xấu là đốt giấy lộn vào buổi sáng, khiến tro tàn tản mác theo gió, lặng lẽ đậu lên mặt bàn, lên mái tóc chàng. Nhưng Đỗ tha thứ.


Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2022

Phạm Xuân Ðài: Nét Xuân Sơn

Núi và sông, Cẩm Thủy – Thanh Hóa (ảnh của tác giả)

Bạn có bao giờ để ý đến vẻ núi mùa xuân chưa? Và đã thấy tràn đầy trong lòng một niềm vui không cội rễ khi nhìn thấy nét tươi tắn lạ lùng của núi trong một bầu trời xuân?

Tôi đã sống bảy năm trên vùng thượng du của tỉnh Thanh Hóa, bên bờ con sông Mã, và đã bảy mùa xuân chứng kiến những kỳ diệu của đất trời, núi sông và lòng mình. Ðấy là một nơi hiểm trở, trại đóng ngay trên sườn núi trông xuống sông, bên kia sông là một bình nguyên nho nhỏ, rồi lại tiếp tục núi. Hai đầu sông được chắn bởi núi, bốn phía toàn núi, gần xa đậm nhạt khác nhau.

Mùa hè núi như cận cảnh, khô và thô thiển. Núi lúc đó đơn giản chỉ là địa hình, là cao độ khác nhau của khoa địa lý và đo đạc. Ðó là tính toán của khai thác gỗ và tre nứa. Và đối với chúng tôi, đó là mơ ước và nỗi sợ hãi của chuyện trốn trại.

Mùa thu núi bỗng mơ màng. Bầu trời trong xanh hơn và núi như phủ mờ một làn sương khói mỏng. Trời càng se lạnh núi càng xa cách, càng rời xa vẻ thực tế tầm thường để tự biến mình thành huyền ảo. Vào mùa thu sông Mã đã thôi gầm lên khúc độc hành, vẻ đục ngầu dữ tợn của mùa hè đã trôi mất, bây giờ lặng lẽ trong xanh để hòa hợp với dáng núi đang trong một chuyển cung yểu điệu. Trời, núi, sông và người cùng vào một cơn ngất ngây buồn như tiên cảm một nỗi lạnh tê đầy bất trắc. Các ruộng bắp ven sông đã úa vàng. Công việc thu hoạch mùa màng vào các buổi chiều mùa thu mang một vẻ đẹp cổ điển với ánh nắng vàng xiên xiên, lá bắp khô xào xạc và bếp lửa nấu nước ở bờ ruộng vươn cột khói lên cao... Cuối buổi làm đi tắm rửa dưới sông nghe làn nước trong bắt đầu mát lạnh thấm thía, tựa hồ càng trong càng lạnh, và bóng núi chập chờn dưới nước như lặp lại một áng thơ xưa. Lòng rỗng không với cơn đói kinh niên vẫn còn chút sức để thưởng thức một cách đau khổ tuyệt vọng vẻ đẹp não nùng của đất trời. Nhìn qua giải bình nguyên ngắn bên kia sông, mắt bắt đầu từ chỗ núi xanh xanh phía đông chuyển dần sang phía tây, lặng lẽ lướt qua một ít “bờ xanh tiếp bãi vàng” rồi thì lại gặp núi, một trái núi khá gần, to sững, ở lưng chừng há ngoác ra một cái hang đen ngòm như hang núi Văn Dú. Và sông lại mất hút vào núi, khối thủy tinh trong và lạnh mùa thu ấy như được chắt lọc từ các khối núi thẳm mờ mờ phía tây...

Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2021

Hoàng Quân: Chợ trời làng Rất Gần

Chủ Nhật tươi hồng, xóm nhỏ nơi tôi ở bỗng rộn ràng, nhộn nhịp, khác hẳn với những Chủ Nhật im ắng thường lệ, là ngày nghỉ ngơi của mọi người. Xóm tôi nằm cuối làng Rất Gần (Rödgen đọc tiếng Đức nghe giống như “Rất Gần”), thuộc thành phố Bad Nauheim, một thành phố nghỉ dưỡng xanh tươi gần Frankfurt, miền trung nước Đức. Nhìn qua cửa sổ, hai người con của nhà bác đối diện lăng xăng dựng bàn, bày những món đồ dùng, đồ chơi của trẻ con. Vợ chồng láng giềng cạnh nhà khệ nệ khuân mấy thùng đĩa hát, thùng sách để trước cửa. “Ô, chợ trời hàng năm của làng”. Sực nhớ, tháng trước, lúc tôi đang lúi húi trồng cây, chị hàng xóm bên vườn kia nói vọng sang: “Chủ Nhật đầu tháng tới, làng mình có chợ trời.” Ý chị hàng xóm nhắc dịp dọn dẹp, tống tiễn bớt đồ đạc trong tầng hầm, nhà kho. Tôi ghi vội trong trí ngày tháng, để nhớ, không vắng nhà trong cuối tuần “quan trọng” này. Thật ra, tôi chưa hề nắm lấy thời cơ chợ trời để nhẹ gánh. Ngược lại, tôi ưa đi loanh quanh. Thấy món gì ngồ ngộ, hay hay tôi lại tha về. Theo nhận xét của chồng tôi, là mang về cho bụi có chỗ bám.

Làng nhỏ, suốt “đại lộ” xuyên qua làng, có hai gia đình Á châu: gia đình em gái tôi ở đầu đường, gia đình tôi ở cuối đường, ở giữa khoảng một trăm nóc nhà. Chúng tôi quen với chừng mươi gia đình trái phải gần nhà, nhưng cả làng hầu như ai cũng biết nhau. Trời đẹp, nhẩn nha đi dạo, ai nấy xởi lởi cất tiếng hỏi: “Wie geht's? Khỏe không?” Bâng quơ câu chuyện thời tiết, nói trông trổng, bởi, lắm lúc chẳng rõ tên họ người đối diện.

Cô Ba Điệu và cô Tư Đẹp dàn hàng trong sân. Tôi không biết tên hai cô, mặc dầu vẫn í ới chào nhau “Halli hallo” khi thấy nhau ngoài đường. Bởi thế, tôi đặt tên cho các cô theo mắt quan sát của tôi. Trên mấy bàn dài lủ khủ nhiều chai hũ lọ, các loại bình hoa. Tôi chú ý vài nhạc cụ đơn giản. Có lẽ quà lưu niệm từ những chuyến du lịch. Mắt tôi dừng lại ở cái lục lạc bằng trái dừa khô, trên vẽ những chấm li ti. Tôi mỉm cười, nghĩ thầm: “Ô, được quá! Cho làm bạn với những nhạc cụ dân tộc tôi mang về nhà từ những chuyến đi làm ở Phi châu”. Cô Ba Điệu nhanh nhẩu:

-Cái lục lạc này đã đi đoạn đường rất dài, từ Úc lận. Tiếng của nó ấm, nóng. Cát và sỏi vụn của núi lửa trong đấy.

Vừa nói, cô vừa lắc nhẹ lục lạc, rồi đưa cho tôi. Qua vài phút “thương lượng”, cái lục lạc đổi chủ. Tôi vui vẻ:

Phong Tử Khải: Dẫn Ngôn (Nguyễn Văn Thực dịch từ nguyên văn chữ Hán.)

引言
Dẫn Ngôn
豐子愷
Phong Tử Khải

1.

Tôi thấy dường như trái tim con người có một lớp bao bì. Chất liệu và trọng lượng của lớp bao bì này khác nhau tùy người. Có người có trái tim dường như được bao bọc bởi một lớp vải mùng, che sơ sơ, và người ta có thể thấy dáng dấp chân thực của trái tim màu đỏ lung linh ẩn ẩn hiện hiện. Có người có trái tim được bao bọc bởi một lớp giấy, thoạt nhìn thì mặc dầu không thể thấy, những nếu rờ nhè nhẹ, có thể cảm thấy được. Rồi có lúc giấy phải rách, tim lộ ra đỏ thắm. Có người dùng bao bì bằng sắt, thậm chí dùng tám chín lớp. Làm gì thì làm, người ta cũng chẳng sờ tới được, chẳng phá ra được, và dáng dấp của trái tim, làm gì thì làm, vẫn không hiển lộ ra được.

Trái tim của Chiêm Chiêm 3 tuổi của nhà chúng tôi, chẳng bao bọc gì, ngay cả bởi một lớp vải mùng. Tôi thấy trái tim của nó thường trần trụi mà tươi đỏ.*

* Bài này chọn những tuỳ cảm rời rạc của tác giả mà thành, chứ không viết một mạch.

2.

Khi chuyện trò, người ta hay dùng lời, nghĩ ngợi trước sau, thủ thế chặt chẽ, tính toán cặn kẽ, như chơi cờ tướng. Tôi thấy thật căng thẳng, thật dễ sợ, nên tôi chỉ biết nín thinh.

Làm sao mà có được những người bạn khi chuyện trò không dùng thủ pháp đánh cờ tướng, mà buông mà phơi tim mình ra cho ta thấy, như đoá hoa nở ra trong ánh sáng mặt trời.

3.

Trong luống hoa tôi gây giống ba nhánh đậu ván. Tôi cấy chúng vào một xẻo đất trống, và rồi dùng các nhánh tre làm một cái giàn để chống và chư chúng. Mỗi ngày, sáng sớm, tôi sửa sang cho ngay ngắn nhành lẫn lá, ngắm chúng tươi tốt phơi phới, lòng tôi tự nhiên cũng cảm thấy hứng thú.

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021

Trangđài Glassey-Trầnguyễn: lấy Nhạc trị Dịch

Special thanks to Mr. Laszlo Mezo, Award-winning Cellist
(https://www.facebook.com/laszlomezo.cellist/)

Mùa đại dịch. Làm gì cho đầu óc thư giãn, bớt căng thẳng, tìm được niềm vui?

Ai cũng có những cách riêng, nhưng có một cách chung là… nghe nhạc! Nhạc là ngôn ngữ quốc tế, là linh dược vô hình. Ai cũng biết, âm nhạc làm cho người ta yêu đời, hạnh phúc, khỏe mạnh, và thông minh hơn. Nhiều phụ nữ ngay từ khi cấn thai đã mở nhạc Mozart cho con nghe. Trẻ em học nhạc trong nhiều năm sẽ có chỉ số thông minh cao. Đại học Harvard đã có nhiều cuộc nghiên cứu (https://www.health.harvard.edu/newsletter_article/music-and-health) cho thấy những lợi ích thiết thực của âm nhạc đối với sức khỏe. Những dòng nhạc nhẹ nhàng và truyền cảm hứng mang đến nhiều lợi ích tuyệt vời cho đời sống. Một giai điệu quen thuộc có thể gợi lại những kỷ niệm đẹp và làm cho người nghe cảm thấy dễ chịu, hạnh phúc. Nghe nhạc thu âm đã tốt, nhưng nghe nhạc được trình diễn tại chỗ lại càng tốt hơn, nhất là khi người xem được trực tiếp tham gia vào phần trình diễn. Lấy Nhạc trị Dịch ư? Đêm nhạc “Beethoven's Eroica" do dàn nhạc giao hưởng Pacific Symphony Orchestra (https://www.pacificsymphony.org/) với Nhạc trưởng Carl St. Clair và phần độc tấu cello của Gabriel Martins tại Segerstrom Concert Hall là một chọn lựa thích hợp. Để giữ gìn sức khoẻ cộng đồng, mọi người tham dự đều cần phải chích ngừa và mang khẩu trang.

Beethoven (Nguồn: Pacific Symphony)

Một dàn nhạc giao hưởng. Vậy chỉ trình diễn nhạc cổ điển thôi sao? Không đâu! Đêm nhạc thính phòng “Eroica” được trình diễn trong ba đêm trung tuần tháng Mười 14, 15, 16 kết hợp nhạc xưa và nay. Nếu miếng trầu là đầu câu chuyện, thì Nhạc trưởng Clark St. Clair têm trầu thật khéo, và mời trầu cũng thật duyên. Ông đã điều khiển dàn nhạc suốt 32 năm qua, và ông luôn nói chuyện với khán giả như trò chuyện với những người bạn thân. Ông vừa xuất hiện trên sân khấu thì khán giả đã nồng nhiệt vỗ tay chào đón. Nhạc trưởng St. Clair hóm hỉnh nói, “Hôm nay quý vị có vẻ hào hứng quá!” Mọi người lại vỗ tay và cười vui vẻ. Ông hỏi khán giả, “Quý vị có từng muốn được ngồi chung với dàn nhạc và trình diễn trên sân khấu này không?” Nhiều người thay nhau đưa tay lên. Ông lại hỏi, “Ai cũng muốn làm nhạc công, nhưng có ai muốn làm nhạc trưởng không?” Ông chỉ lên bục gỗ dành cho nhạc trưởng và lắc đầu, “Ít ai chịu lên đó lắm! Nhưng hôm nay, quý vị sẽ được làm nhạc trưởng!”

Nguyễn Đức Tùng: Halloween tùy bút

Hình  minh  hoạ, FreePik

Halloween nhằm ngày cuối tháng Mười, cũng là ngày cuối của mùa thu. Thời tiết chuyển giao, người ta tin rằng có một thế giới siêu nhiên hiện ra khi mùa màng thay đổi, lúc con người có thể chạm được vào thế giới thần linh. Đêm nay trong cảnh đất trời mờ ảo, vật chất và tinh thần giao hòa nhau, người sống và người chết nhìn thấy nhau. Ma quỷ không sợ hãi con người như mọi khi, cũng không làm con người sợ hãi bằng họ sợ hãi nhau. Tối nay, bạn đi ra đường, nếu sẵn sàng đón nhận thế giới vô hình bạn sẽ nhìn thấy những điều ngày thường không thấy được. Đêm nay bạn đặt mấy chiếc đèn lồng trên lối vào nhà, nhiều kẹo trước cửa, trong một cái giỏ ngay ngắn, ghi một tấm giấy nhỏ bên cạnh "take one", lấy một cái, "take two", lấy hai cái. Những đứa trẻ sẽ lấy đúng như thế. Đôi khi cũng có một thằng bé sáu hay bảy tuổi quay lại, thò tay lấy thêm một cái nữa, vì không cưỡng nổi cám dỗ. Thằng bé ấy là Tony. Hay chính bạn thời bé.

Chiều nay, thế giới lạnh lẽo trở nên ấm lại, như vùng trời trong cái lu sành đựng chuối mẹ tôi ủ chín, chuối mật ngày rằm, nóng hổi, bụi bặm hương khói. Trần gian trở nên bé bỏng như dưới đường cày mới lật cho đất thở sau mùa gặt hái. Bạn đi ngang nhà nào bật đèn sáng, có đèn lồng khoét bí ngô, Jack of the lantern, bạn biết có kẹo bánh. Đêm nay có những nhà đóng cửa im ỉm vì chủ nhà đi vắng hay vợ chồng cãi lộn hay nhà có người bệnh. Đêm nay có những người ở trong căn nhà đó, nhưng họ không có gì để tặng, tắt đèn, nhà cửa tối om, buồn ngồi im, bạn đừng trách họ vì người đang có một điều gì để cho đi là người may mắn hơn những người không có gì cho bạn cả. Đêm nay những đứa trẻ dễ dàng giao thoa với thế giới thần linh, vì chúng ngây thơ. Đêm nay những người đứng trước cửa nhà mình để phát kẹo cho trẻ dễ dàng nhìn thấy thế giới huyền bí cũng vì họ chịu khó. Đó là những người chiều hôm trước bỏ chút thì giờ bận rộn, đứng xếp hàng ở tiệm tạp hóa đông người, mua những thức cho bọn trẻ không phải con mình, vì nhà họ không có trẻ con.

Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2021

Nguyễn Đức Tùng: Một Ngày Không Quên

Ngày thứ ba, 11 tháng 9 năm 2001, khoảng sáu hay bảy giờ sáng, tôi đứng trong phòng cấp cứu của bệnh viện Richmond. Tay tôi cầm cái khay nhỏ có bánh xe chứa dụng cụ, từ buồng bệnh đi dọc theo hành lang đến khu vực y tá. Trên hành lang những chiếc giường do xe cấp cứu đẩy vào nằm la liệt, tôi tự nhủ, sẽ là một ngày bận rộn. Tôi dừng lại, một điều gì đang xảy ra, trên màn vô tuyến truyền hình gắn ở cuối hành lang, nhưng không phải chỉ trên màn hình, mà trong không khí lan toả, trên vẻ mặt mỗi người, y tá và bệnh nhân, nhân viên cứu thương và nhân viên bảo vệ, cảnh sát và bác sĩ, một điều gì tựa như sự nối kết vô hình, một thông điệp sợ hãi lập tức nhận ra. Tôi thấy những ngọn lửa đỏ hừng hực, những đám mây đen, những tro tàn lả tả. Người chạy ngược trên đường, tất tả, hoảng hốt, chạy ngược về phía tôi đứng.

Đó là một ngày đẹp, quanh tôi trời mờ sáng, mặt trời rẽ mây đi tới, gió mát lướt qua nhấp nhô đồi vàng óng của rừng phong thu đã. Chuyến bay American Airline 11 đã rời khỏi phi đạo ở phi trường Boston, và tiên liệu sáu giờ sau sẽ đáp xuống Los Angles, thành phố thiên thần. Nhưng nó bỗng đổi hướng, về New York. Nó sẽ mang theo chín mươi ngàn lít xăng, với trọng lượng và tốc độ ghê gớm, lao vào toà tháp đôi World Trade lúc 8 giờ 45 phút. Mười lăm phút sau khi chuyến bay ấy cất cánh, từ một phi trường khác, chiếc United Airline 175 cũng lăn bánh chuẩn bị bay về New York. Trên máy bay, một người đàn bà vừa thắt lại dây lưng an toàn, có lẽ đang nhận ly nước ngọt từ tay người chiêu đãi viên, với chiếc khăn lau miệng và gói bánh kẹo ăn vặt,như thường lệ. Mặc dù đói bụng, cô không vội ăn uống, cô rút từ trong túi áo ra chiếc điện thoại di động và nhắn tin cho đứa con gái mười sáu tuổi đang từ nhà tới trường: “mẹ đã lên máy bay, mọi chuyện tốt đẹp, mẹ nhớ các con”. Con bé có một đứa em trai chín tuổi, khi ấy đang ngồi trên xe hơi của ba nó vì chúng học hai trường khác nhau, con bé muốn đi tới trường một mình, đi bộ, vì gần nhà.

Đó là tất cả những gì còn lại, trong điện thoại của đứa con gái, và trong những gì người lính cứu hỏa tìm được dưới đống gạch đá tro tàn.

Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2021

Nguyễn Đức Tùng: Thư Gởi Con Trai Nhân Ngày Tựu Trường

Hình minh hoạ của tác giả

Căn nhà im lặng và thế giới thì an bình.

Mở đầu chương trình môn văn năm nay, cô giáo của con yêu cầu mỗi học sinh tự chọn lấy một bài thơ mà mình thích, học thuộc lòng, rồi đứng đọc trước cả lớp. Điều kiện là bài thơ ấy đã in trong sách, bất cứ sách nào, nhưng không phải trên báo chí hoặc các truyền thông xã hội. Vào lứa tuổi của con, có lẽ điều ấy để đảm bảo tiêu chí giáo dục. Con đã hỏi ý kiến của ta về chuyện này. Ta lấy làm vui sướng, không, ta cảm thấy may mắn. Chúng ta thường làm việc với nhau về toán, đôi khi căng thẳng, nhưng những môn học khác, chúng ta không có dịp. Ta giới thiệu với con bài thơ “The house was quiet and the world was calm” của Wallace Stevens, một trong những nhà thơ lừng lẫy của Hoa kỳ.

CĂN NHÀ IM LẶNG VÀ THẾ GIỚI THÌ AN BÌNH

Căn nhà im lặng và thế giới thì an bình
Người đọc trở thành cuốn sách; và đêm hè
Giống như hiện hữu có ý thức của cuốn sách
Căn nhà thì im lặng và thế giới an bình

Những chữ được đọc lên như không phải từ cuốn sách
Ngoại trừ cách người đọc nghiêng người xuống trang giấy
Nghiêng xuống nữa, nghiêng mãi miết, cho đến khi
Trở thành một học giả về cuốn sách ấy, cho đến khi

Đêm mùa hè tựa như sự toàn hảo của ý tưởng
Căn nhà thì yên tĩnh bởi vì nó phải thế
Sự im lặng làm thành một phần của ý nghĩa một phần của tâm trí
Lối đi của sự toàn hảo vào trang sách

Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2021

Trùng Dương: Sách, phim - Van Gogh không hề tự tử

Người họa sĩ gạt xuống sàn nhà ly rượu còn đầy do cô hầu bàn vừa đặt xuống bàn cho anh, chán chường rời khỏi quán cà phê giữa dòng người ôm nhau nhẩy nhót cười vui trong tiếng nhạc ồn ào trong một ngày hội.

Anh xách giá vẽ tìm tới cánh đồng lúa mì cành nặng hạt ngả nghiêng trước gió như không cưu mang nổi những hạt lúa chờ mong bàn tay người gặt. Anh đã vẽ gần xong bức tranh đồng lúa mì khi đàn quạ đen bay tới tấp quanh anh kêu quang quác như hối giục. Anh bèn đưa những nhát cọ giận dữ đem bầy quạ vào tranh. Xong, anh buông bảng mầu và cây cọ, lảo đảo bước tới bên một gốc cây, móc túi lấy ra một mảnh giấy nhầu nhò, kê lên một nhánh cây, viết nguệch ngọac lên đó. Tôi tuyệt vọng quá rồi. Tôi không còn thấy một lối ra nào nữa. Rồi anh móc túi kia lấy ra một khẩu súng.

Người nông dân đánh xe ngựa đi qua ngoảnh nhìn qua người họa sĩ, rồi tiếp tục trên con đường đất giữa các ruộng lúa mì. Thình lình ông ta nghe một tiếng súng nổ, bèn ngừng xe ngoảnh nhìn lại phía nơi mình vừa đi qua…

Đó là hình ảnh về cái chết tự chọn của hoạ sĩ Vincent van Gogh (1853-1890) mà ai cũng đã quen thuộc, không chỉ qua phim “Lust for Life“ (1956) -- dựa trên cuốn tiểu sử cùng tên của Irving Stone xuất bản lần đầu vào năm 1934, với diễn xuất tuyệt vời của tài tử Kirk Douglas— đã trở thành kinh điển, mà còn qua vô số phim truyện, phim tài liệu, sách vở, triển lãm, Web sites, và gần đây là loạt trình diễn luân lưu bộ tranh số hoá Hoà nhập cùng Van Gogh.

Cái chết do tự chọn này cũng đã từng đuợc lãng mạn hoá, thăng hoa đến thành rực rỡ, và đã trở thành huyền thoại. Cao điểm của sự lãng mạn hoá này có lẽ là đoàn xe hoa 600,000 bông thược dược mà thành phố Zundert ở Netherlands, nơi chôn nhau cắt rốn của nhà danh hoạ, tổ chức nhân ngày giỗ thứ 125 (thayvì thông thuờng là ngày sinh nhật) của ôngvào năm 2015. Trong đó có một xe hoa khổng lồ mô tả nhà danh họa nằm chết như mơ giữa cánh đồng hoa dại, cây cọ vẽ buông lơi giữa những ngón tay, tất cả được đan bện bằng hàng ngàn bông thược dược mầu tím với các tông mầu khác nhau. Nhìn mà không khỏi bồi hồi.

Van Gogh qua đời ở tuổi 37 sau nhiều năm phấn đấu với bệnh tâm thần và những cơn điên dại bất chợt, để lại hơn 2,000 hoạ phẩm, trong đó có 860 bức tranh sơn dầu mà khi sinh tiền, ông chỉ bán được có một bức và phải sống nhờ vào sự trợ giúp tài chính của người em, Theo, một nhà buôn bán tranh làm việc ở Paris.


*Song Thao: Lương Khô C-ration

Chợ trời đồ Mỹ ở Sài Gòn là nơi đầy màu sắc. Toàn những màu hấp dẫn. Nhưng đâu đó có chen vào những mảng màu phân ngựa, màu của quân đội. Đã lâu ngày, tôi không thể nhớ giá của những đồ nhà binh nhưng nhà dân xài này. Chỉ nhớ giá hộp thịt mắc hơn hộp bánh hay bơ, phó mát, kẹo. Đây là loại lương thực phát cho binh sĩ dùng khi đi hành quân nên gọi là C-Ration, viết tắt của Combat Rations.

C-Ration được phân chia ra ba bữa ăn: sáng, trưa và tối. Mỗi bữa ăn lại gồm có nhiều món khác nhau. Bữa điểm tâm gồm một gói bánh quy, một thanh chocolate, một gói trà chanh, thịt gà đóng hộp và một thanh kẹo cao su. Bữa ăn trưa gồm một gói bánh quy, bốn viên đường, thịt bò đóng hộp, bánh trái cây và một gói cà phê. Bữa ăn tối cũng gồm một gói bánh quy, thịt gà đóng hộp, kẹo caramel, súp và bốn điếu thuốc lá. Thuốc lá gồm nhiều loại, trúng thứ nào hút thứ đó. Pall Mall, Winston, Benson and Hedges. Nhưng kể từ năm 1972, thuốc lá bị cắt.

Thức ăn đóng hộp nhưng đều được đặt tại các hãng thực phẩm lớn và danh tiếng ở Mỹ như HJ Heinz, Patten Food Products hay The Cracker Jack Company thực hiện. Đồ hộp thường nguội lạnh nên khi ăn, nếu có thể được, lính Mỹ hâm nóng lên. Họ không đốt lửa mà thường dùng chất nổ C-4 dễ cháy và không có khói.

Đại khái là như vậy nhưng mỗi thứ có thay đổi cho đỡ chán. Như thịt thì có thịt gà, thịt bò, thịt gà tây, thịt heo. Bánh quy có bảy loại khác nhau. Trái cây cũng vậy, khi thì lê khi thì đào. Ngoài ra còn có những thứ linh tinh nhưng cần thiết như giấy vệ sinh, cà phê, đường, muối, diêm quẹt, muỗng và đồ khui.

Cái đồ khui là thứ ngày đó chúng tôi rất thích. Nó nhỏ, nhẹ, dễ dùng. Nhưng thú thiệt tôi đã quên hẳn hình dáng cái đồ khui này. Cho tới khi nhìn hình tôi mới nhớ. Nó chỉ là một miếng kim loại hình chữ nhật có khoét một lỗ tròn để có thể móc được. Thường lính Mỹ hay móc vào sợi dây chuyền có thẻ bài đeo trên cổ. Bên cạnh có khoét một khoảng hình bầu dục để mở nắp bia. Nằm trên khoảng này là một hình ống của con dao mở đồ hộp. Con dao này được gấp vào khi không dùng tới để đỡ vướng víu và không gây nguy hiểm.

Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2021

Trần Mộng Tú: Cái Dáng Rất Buồn

(Gửi PH và chị Oanh)

Anh bước vào giai đoạn lú lẫn (Alzheimer ) ở cuối đời. Mấy năm nay anh đã thay đổi rất nhiều. Bắt đầu anh quên quên nhớ nhớ, tiếp đến là anh dễ xúc động, anh hay khóc. Mấy năm trước, nghe cô bạn đọc Thơ của anh, anh cười, anh nhớ lại, đọc tiếp theo, chỉ độ một năm sau đó, anh không đọc theo nữa, anh chỉ nghiêng đầu lắng nghe, rồi bật khóc. Hình như anh biết được người kia vừa nói ra những câu gì rất thân yêu, rất thân thuộc với mình, và điều đó làm anh xúc động, anh khóc rưng rức. Chị lại nhỏ nhẹ dỗ anh:

Nín đi, nín đi, Thơ của anh, cô ấy nhớ đấy mà, phải vui chứ.

Anh nghe chị, ngoan như em bé, lau nước mắt, bằng mấy ngón tay, rồi cười, một nụ cười rất thơ trẻ.

Những năm kế tiếp, anh bắt đầu quên mặt họ hàng, quên mặt những người bạn thân, anh chỉ nhớ có chị thôi. Anh 85 tuổi, chị 80 tuổi. Hai vợ chồng già sống với nhau, con trai, con gái đều có gia đình. Đứa ở xa, đứa ở gần cũng vậy thôi. Một năm tụ họp gia đình đôi ba lần vào dịp Lễ, Tết.

Khi anh mới bắt đầu lãng quên, sức khỏe anh vẫn còn tốt, sáng sáng chị chở anh tới Gym. Chị bơi lội, anh ngồi ngoài nắng hóng mặt trời. Chị đi chợ, đi tới nhà bạn họp mặt luôn luôn có anh đi theo. Mỗi ngày anh một chậm hơn và quên nhiều hơn nhưng anh vẫn tự lo được vệ sinh cho mình, chị chỉ cần nhắc.

Rồi bỗng một ngày anh không làm gì một mình được nữa, chị phải phụ anh. Cơ thể chị nhỏ quá so với anh, chị không thể khênh vác, tắm gội cho anh được. Anh bắt đầu ngu ngơ như một đứa trẻ còn mặc tã, mà anh đang mặc tã thật, chị không thể nào khênh, đỡ anh làm những việc vệ sinh cá nhân cho anh. Chị gọi con, con trai chị từ tiểu bang xa về tìm Home Care để gửi Bố vào.

Tìm mãi mới được một nơi gần nhà, Mẹ chỉ lái xe có 8 phút là thăm được Bố. Số tiền hơi cao, nhưng để con lo.

Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2021

Gió ViVu: Buồn Vui Đời Gấu!

(Video đính kèm)

Những tia nắng ấm của mùa xuân đã đánh thức những chú gấu ngủ đông miền Bắc Mỹ. Sau một giấc ngủ vùi mê mệt, những chú gấu thức giấc, vươn vai, khoan khoái hít thở cái không khí tươi mát của đầu xuân... thật là hạnh phúc! Nhưng rồi chợt thấy mình yếu đuối, tiều tụy, gầy ốm vì đã nhịn đói suốt một mùa đông...! Chầm chậm bước ra khỏi hang, gấu phải đi tìm thức ăn dù mặn hay chay. Vào đầu xuân, cây cối, hoa lá vừa đâm chồi nảy lộc lấy đâu ra hoa và trái mà ăn, còn đám thú nhỏ cũng biến đâu hết rồi, đói quá đi thôi! Những chú gấu bụng đói meo thường buồn bã lang thang trong rừng hay "mon men" đến khu nhà dân, lục lọi những thùng rác để tìm kiếm thức ăn. Những chú gấu háu đói nhưng gan dạ này rất thích "xâm nhập gia cư bất hợp pháp".

British Columbia, thuộc Canada là một vùng đồi núi và biển xanh được bao quanh bởi rặng núi Rocky hùng vĩ - còn được gọi là "xứ sở của gấu" - ở đây, dân số của gấu cao nhất thế giới khoảng 120,000 đến 150,000 con. Gấu là loài ăn tạp, kiếm ăn từ tháng 5 cho đến tháng 10, và ngủ đông. Trước khi ngủ đông, nếu khí hậu còn ấm áp, gấu vẫn lang thang trong rừng hay đến nhà dân kiếm ăn để dự trữ cho một "giấc mộng dài". Gấu là một loài thú có thể gây nguy hiểm chết người, nếu không may "ra ngõ gặp gấu" thì không thi triển "Lăng Ba Vi Bộ" được đâu, chạy không lại gấu, mà lỡ trúng phải "hùng chưởng" thì tay chưa kịp bắt chuồn chuồn, hồn đã mỉm cười nơi chín suối!!! Phải biết những "chiêu thức" lỡ khi gặp gấu: dừng lại, không nhúc nhích, rồi từ từ lùi lại, và đi hướng khác; nên mang theo cái "xịt gấu" (Bear Spray), đeo bên mình cái lục lạc hay "chuông báo khẩn cấp" (Panic Alarm). Nếu gặp gấu mẹ đi với gấu con là một tình huống xấu xí nhất, vì để bảo vệ con, gấu mẹ hung hăng hơn bao giờ hết - phải lùi lại, tránh xa, và lặng lẽ, khôn khéo tìm đường lẩn tránh, thoát thân. Quanh những nơi dân cư đi lại, thường có những bảng hay dấu hiệu cảnh báo có gấu lai vãng nên phải thận trọng dè chừng. Tuy gấu nguy hiểm nhưng cũng hiếm hoi xảy ra những vụ người bị gấu tấn công.