Hiển thị các bài đăng có nhãn Truyện Ngắn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Truyện Ngắn. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2023

Truyện ngắn Bjørnstjerne Bjørnson: Người Cha (Faderen), Bản Việt ngữ: Dương Kim

En bondebegravelse/Lễ chôn cất của nông dân (1883–85). Hoạ sĩ: Erik Werenskiold. Public domain.


Bjørnstjerne Bjørnson Martinius, sanh ngày 8-12-1832 tại Kvikne, Na Uy. Mất ngày 26-4-1910. Ông viết văn, làm thơ và hoạt động chính trị. Cha ông, mục sư Peder Bjørnson và mẹ là Inger Elise cư ngụ ở tỉnh Kvikne (nơi sanh quán của ông). Năm 1837 gia đình ông chuyển về vùng Nesset tại Romsdal. Ngay từ thời thơ ấu và niên thiếu, Bjørnson thường xúc động mạnh trước thiên nhiên, thích hòa mình vào đời sống của dân chúng. Năm 1850, ở Christiania, ông đi học cùng với Vinje, Ibsen và Lie (những người này sau cũng trở thành các nhà văn nổi tiếng) tại cơ xưởng thực tập của sinh viên, trường Heltberg. Sau đấy, ông viết văn, soạn kịch, được đăng tải trên nhiều báo. Thời đó, kịch là một vấn đề được chú trọng ở Na Uy, đặc biệt là cuộc tranh đấu để dựng một Nhà Kịch, và Bjørnson là người lãnh đạo cho cuộc đấu tranh này. Đồng thời ông cũng đem lại cho Na Uy một dòng văn chương mới. Mùa thu năm 1856, ông trông coi về nghệ thuật ở Nhà Hát thành phố Bergen. Sau đó, ông đi một vòng du lịch qua Đan mạch, Đức và Pháp, rồi tạm trú tại La-Mã. Năm năm sau, ông trở thành một tác giả bậc thầy, nổi tiếng của Na Uy. Từ 1865 đến 1867, Bjørnson làm giám đốc kịch viện Christiania.


Truyện ngắn Đào Như: Quê hương và lưu đày

Tranh của Phan Vũ- Mặt trăng mồ côi

(Tên của các nhân vật đều là hư cấu. Nếu có sự trùng hợp xin đừng ngộ nhận)

***

Năm 1999 tôi về thăm nhà. Lúc ấy anh tôi 74 tuổi. Anh trông yếu hẳn đi. Tóc anh bạc trắng. Xót cho anh, tôi nói:

- Mấy năm đi tù cải tạo bị ngược đãi, tóc anh bạc phơ.

- Đi tù cải tạo là tai-trời-ách-nước, người miền Nam, bên này vĩ tuyến 17, sau 1975, ai mà không đi ‘tù cải tạo’, kẻ đó không phải là người miền Nam. Không phải tại bị ngược đãi, tóc anh bạc trắng, người anh gầy, vì anh giống má.

Nói xong anh cười. Thấy tôi đang nhìn và quan sát nhà cửa của anh vừa được tân trang và xây cất thêm phòng ốc, vừa chỉ tay chung quanh, anh vừa nói:

Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

Truyện ngắn Trần Doãn Nho: Kịch

Phụ rời nhà ra đi đến một tiểu bang khác khi đứa con trai út cưới vợ. Rời nhà thì rất mục đích, vì nghe loáng thoáng cô con dâu nói xa nói gần là cha chồng không nên ở chung với dâu, nhưng ở đâu làm gì thì Phụ hoàn toàn đang vô mục đích. Đi cái đã, đau lòng trước được lòng sau, tránh cái cảnh bố chồng con dâu - mà lại dâu xứ người nữa - chẳng chóng thì chầy thế nào cũng sinh chuyện. Bỗng nhiên, trên trời rơi xuống cho Phụ một mục đích, lúc đầu trông có vẻ mơ mơ hồ hồ, nhưng rồi cụ thể một cách bất ngờ: Chi.

Khi đi làm thủ tục ghi danh ở văn phòng trở vào thì nàng đang ở giữa bản bây giờ tháng mấy tiếp theo là biển nhớ, rồi con đường xưa em đi vọng gác đêm sương, bản nào cũng sướt mướt chia tay và dang dở hẹn hò. Tay nàng nắm chặt chiếc micro thoăn thoắt bấm kho bài hát vô tận trên điện thoại, tiếp tục hát hết bài này sang bài khác, bất chấp một ông và một bà đang đứng đợi. Giọng không mấy ăn khớp với nốt nhạc, đôi khi lạc hẳn, nhưng có cái nhuần nhuyễn, tự tin của một người chuyên luyện karaôkê lâu năm, vừa hát vừa làm điệu bộ của một người trình diễn sân khấu, mắt liếc nhìn quanh khoảng vài chục khán giả lơ đãng trong phòng, thỉnh thoảng hất đầu ra sau, thỉnh thoảng luyến láy kiểu Thanh Tuyền, thổn thức và nũng nịu. Mãi đến khi Phụ đến gần kêu lên chi, chi, chi, thì nàng cắt ngang câu hát mùi mẫn phong kín tâm tư tôi gói đời trai…, đưa chiếc micro cho người đàn ông, kêu lên trời phụ, phụ, anh Phụ anh Phụ…

Thứ Ba, 14 tháng 3, 2023

Truyện ngắn Nhã Ca: O Xưa

Năm tôi lên mười, O Xưa đã trên ba mươi. Ở con đường Nam Giao, thành phố Huế, từ đầu dốc tới cuối dốc, O Xưa đi lên đi xuống hằng ngày giống như một cái bóng, vì hình như O không sống với người.

O Xưa sống với ma, người chồng ma của O vô hình, ở đâu đó, trên cây, trong cỏ, trên lá, trong vòm trời, trong bóng mây, O kể lể vậy.

Có thể nhìn thấy O Xưa vào buổi sáng, vào giờ công chức đi làm, học sinh đi học và các bà nội trợ Huế ngồi xúm xít bên gánh bún bò ngon nổi tiếng của mụ Dục, bên gánh cơm Hến của mụ Khế, gánh bánh canh từ Nam Phổ của mụ Cau. Buổi trưa, lúc O Xưa đi từ trên con dốc xuống, đầu đội nón thì mấy bà nội trợ đang ngồi lê đôi mách với nhau ở cái quán tre đầu một con hẻm. Cũng có người ngó O Xưa một cái:

"Mấy người coi, con mụ Điên."

"Quá thường, bữa mô cũng chộ, có chi là lạ nà..."

Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2023

Truyện Ngắn Ngu Yên: Xóm Bầu Hoang

Tôi thường xuyên nằm mơ những câu chuyện lạ lùng, có đầu đuôi mạch lạc, y như xem phim quái đản. Giấc mơ đôi khi sợ hãi, bạo động, lạc lõng, chết, yêu một người chưa gặp bao giờ, bị ma quỉ rượt đuổi, bay trên không trung, thỉnh thoảng thấy sự khỏa thân như trái chín mọc cây cao, leo hoài không tới, hái không được, … đại loại là những chiêm bao kỳ dị, tôi biết, chứng tỏ đời sống ban ngày của tôi không được vừa ý, tức giận, chán ngắt, muốn bỏ cuộc … Người thầy nói, “Chiêm bao là đời sống thứ hai về bản chất thật của mỗi người. Đây là thời gian dành cho một người biểu lộ hết những ước mơ, những bí mật, những giấu giếm, những xấu xa mà không sợ ai biết. Cũng là một cách nhận tội hoặc xưng tội với bản thân, để tâm tư được cân bằng.”

Rồi đêm hôm qua, chiêm bao xuất hiện một câu chuyện dài. Nhân vật chính là tôi, lo âu, sợ hãi khủng khiếp. Nhưng ngay trong lúc mơ đã cảm thấy khôi hài. Lúc gần thức dậy, cảm giác đó trở thành chua chát.

Trong chiêm bao, tôi là người đàn ông mang bầu.

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Truyện ngắn Võ thị Hảo: Gái góa bán cao dê

Tôi gái góa hai mươi mốt tuổi. Tôi đi bán cao dê.

Cao dê hôm nay bán chạy. Làng Vệ tôi mở hội lớn, người trẩy về chùa đông đặc đầu đen, trông xa cũng giống đại hội bọ hung.

Đây lễ hô thần nhập tượng khánh thành chùa mới. Tam quan chùa mới ba tầng thâm thâm tai tái màu cờ đám ma.

Chùa to bằng quả đồi, hãnh diện án ngữ chùa cũ, vừa nhìn đã thấy nể sợ.

Ngôi chùa cổ người làng Vệ tôi đẽo đá tạc gỗ mà dựng nên và chăm chút hương khói từ cả ngàn năm nay bây giờ thành lép vế. Từ tượng Phật cho tới tượng ông thần ông thánh nay bỗng còm nhom. Ông Thiện ông Ác cũng ủ rũ buồn hiu, mắt nhìn ra chiều bẽn lẽn. Cái tên cha sinh mẹ đẻ của chùa cũ bỗng mất tiêu. Thì ra cái tên có chân, cứ theo đồng vàng tượng ngọc mà đi, ngồi chễm chệ uy nghi sáng chóe trên chùa mới. Càng ngắm nhìn càng nể người xây chùa rõ ràng khéo tay. Thật là tên thì chùa ta mà trông cứ lẫm liệt như lăng mộ người của người Tàu.

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2023

Trần Doãn Nho: Đi. Trong một buổi sáng

Thì cũng là một buổi sáng lặng lẽ và nhạt nhẽo như tất cả những buổi sáng khác. Thức dậy, nắng đã tràn trề trên cỏ cây, ghế đá, đổ xuống những khóm hoa trồng dọc theo lối

đi, len lỏi vào trong cả những ngóc ngách tối tăm và ẩm thấp ở góc viện, nơi những ông bà già không thân nhân nằm, ngồi, lặng lẽ và yên tĩnh như những pho tượng cổ sinh động. Nhìn qua cửa sổ, chàng mừng rỡ thấy mặt trời, vẫn là cái mặt trời thuở ấy như một huyễn hoặc, chói chang từ từ nhú lên khỏi hoàng thành, nấp sau cột kỳ đài cao ngóng lên trời xanh, không vướng víu gì hết, ngoài mấy cụm mây vớ vẩn trôi ngang. Mặt trời, thương nó thiệt! Trong lúc mọi thứ thay hình biến dạng thì nó có lẽ là cái cũ xưa nhất và nhiều kỷ niệm nhất mà chàng cất giữ được trên bầu trời xa kia. Nó thả xuống những buổi sáng vô cùng phơi phới, và đầy thúc giục.


Đi. Thèm đi, quá đỗi là thèm. Nhìn sang giường bên cạnh, ông già da đen vẫn còn mê man ngủ, đầu lệch sang một bên, một cánh tay còn dính vào ống truyền nước biển, còn cánh tay kia buông thõng xuống nền nhà, lửng lơ như thuộc về một ai khác. Chàng bước rất lẹ, thoắt cái là ra khỏi phòng. Nhìn lui, chàng thấy , cái chỗ nằm ấy, dây nhợ cột, quấn lòng thòng, đe dọa. Phải chi chúng biến đi! Nhìn trước nhìn sau dọc theo hành lang, không thấy bọn họ, chàng vội vàng bước về cổng chính. May mắn sao, cổng chỉ hờ hững khép. Thoát! Bên kia đường, tòa cao ốc AT&T nắng lấp lóa, phản chiếu ngược lên bầu trời xanh bát ngát.


Hoàng Quân: Tặng vật mùa Xuân

Tranh của Họa sĩ Đinh Trường Chinh
Nàng áp điện thoại sát tai, lắng nghe. Tiếng Hường rộn ràng: 

-Ê, bữa nay tao có tin hấp dẫn cho mày nè. 


Gọi miễn phí qua messenger, may rủi lắm. Thì vậy, người ta chẳng nói, của rẻ là của ôi sao. Mà đây lại là của không tốn tiền, nghe tiếng được, tiếng mất cũng hợp lý thôi. Với nàng, và có lẽ với cả nhỏ bạn, nghe rõ hay không rõ, chẳng quan trọng. Hai đứa chỉ cần nhắc đến chữ ngày xưa, hồi đó... là lòng tràn ngập niềm vui. Lắm khi cả hai cùng nhận ra, mình kể câu chuyện đã năm bảy lần, mà nghe lại, vẫn cứ xuýt xoa: “Ôi, vui quá, đẹp quá.”  

 

-Mày nhớ anh Nguyên bạn anh Hưng tao không? Hồi đó, anh Nguyên trụ trì nhà tao thường lắm. 


Thứ Ba, 14 tháng 2, 2023

Nhã Ca: Nụ hồng

Nhà thơ-Nhà Văn Nhã Ca
Lúc bước xuống đường để sang bên kia trạm xe bus, ông cụ hoảng quá. Đèn bật xanh lè, cụ lụm cụm chạy.

Tuổi già tệ thiệt, cụ chạy mà không bắt kịp mấy người cùng băng sang đường với cụ. Bước chân họ như dài gấp đôi bước chân cụ. Soạch một cái, cụ bị rơi lại đằng sau. Đèn chớp vàng cùng với cái bảng cấm chớp đỏ lên cùng lúc. Ông cụ còn quýnh quánh hơn, muốn vấp té. Đã vậy, một chiếc xe hơi vọt tới, như muốn đâm thẳng vào người ông. Ông cụ nhắm mắt, tưởng giây phút về chầu tổ tiên đã tới. Nhưng khi mở mắt, thấy khoảng cách lề có một bước chân, cụ vội nhảy đại lên. Giờ mới yên tâm thở được.

Ngồi xuống ghế, hít thở đã đời, cụ vẫn chưa hết cơn sợ hãi bàng hoàng. Cái xứ Mỹ này lạ đời, không giống ai. Xe ở đâu mà nhiều vô số, còn hơn cả châu chấu ở quê cụ mỗi lần có nạn mất mùa. Đường trong, đường ngoài, xa lộ, ôi thôi, cái dòng xe chạy miết không bao giờ đứt đoạn. Khúc đường này, ngay trung tâm phố, mà kìa… Cụ ngó. Xe chạy loạn xạ. Mấy cậu thanh niên đi đâu mà như ăn cướp. Lạng qua, lách về, vèo một cái là mất biệt. Con gái lái xe cũng dễ sợ như đàn ông con trai. Chiếc xe hàng chở gì mà to kềnh, dài ngoằng, cụ vừa thấy cái đầu tóc vàng hoe. Xe tải của Mỹ đấy, nó cao, dài như mấy gong xe lửa dính lại. Mắt có quáng gà không? Con gái rành rành. Vậy mà xe vòng chữ U, nhanh như con rắn cong mình, bắn về phía trước. Hoa cả mắt. Hai tay ông cụ đang để trên đùi, từ lâu rồi, vẫn không ngừng run lên.

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2023

Annie Ernaux: Chàng (Le jeune homme, Trần Doãn Nho dịch)

Trần Doãn Nho chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Pháp, Le jeune homme, tác phẩm mới nhất của Annie Ernaux, Nobel Văn Chương 2022, do Gallimard (Pháp) xuất bản tháng 5/2022. Phiên bản tiếng Anh, The Young Man, do Alison Strayer dịch, Seven Stories Press xuất bản. sẽ phát hành vào tháng 9/2023.

Annie Ernaux, Hình Wikimedia Commons

           



  • Nếu tôi không viết về chúng, mọi sự chỉ được trải qua, nhưng không đi xuyên suốt [1]

(Annie Ernaux)


Cách đây năm năm, tôi đã trải qua một đêm lúng túng với một sinh viên, người đã viết thư xin gặp tôi một năm trước.


Việt Dương: Màu thời gian

Gửi tác giả Tấc Lòng Non Nước

Chút rượu hồng đây xin rưới xuống

Giải oan cho cuộc biển dâu này.

Tô Thùy Yên


1


Cả hội trường im lặng nhìn lên khi nữ y tá trưởng bệnh xá bước vào với hai y tá và hai bác sĩ cải tạo. Năm người đặt lên bàn mấy bình thủy tinh, bông và một nắm ống nhỏ thuốc. Sau khi mấy người ngồi vào vị trí ở mấy cái bàn kê dài trước hội trường, bệnh xá trưởng tên là Ngân, đứng lên nói:

- Năm nay dịch cúm nặng và lây lan nhanh, làm ảnh hưởng nhiều đến mọi ngành sinh hoạt. Trong những nỗ lực khắc phục sự thiếu thuốc chủng ngừa cúm, Viện Y Học Dân Tộc Thành Phố Hồ Chí Minh đã tìm ra một loại thuốc nhỏ ngừa cúm, đó là thuốc tỏi. Theo kết quả thử nghiệm thì thuốc tỏi đã đạt hiệu quả cao. Vì thế, do quan tâm của trên đối với việc học tập và lao động của các anh, để ngừa cúm trại sẽ thực hiện nhỏ thuốc tỏi mỗi tuần một lần trong tháng này – Bệnh xá trưởng ngừng lại nhìn khắp hội trường, rồi tiếp: Cô Lan và anh Sinh sẽ gọi tên theo hai danh sách. Ai ở danh sách của cô Lan sẽ lên nhỏ thuốc ở bàn bên phải, còn ai ở danh sách của anh Sinh sẽ lên bàn bên trái.


Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2023

Cung Tích Biền: Mùi của gió mùa

Nhà văn Cung Tích Biền
Bảy mươi tuổi, hãy còn khoẻ mạnh, minh mẫn; từ bao năm, Cụ Gàn tiêu biểu cho niềm vui, lòng tận tụy với xã hội. Ngồi gần cụ, bên cốc cà phê, năm ba bè bạn, thì thật thú vị, vì sự dẫn dắt câu chuyện, lý giải các sự kiện lịch sử, văn chương, triết học.

Kiến thức sâu rộng, biết nhiều ngoại ngữ nên nguồn đọc của cụ không lệ thuộc vào sách nhập nội thông qua dịch thuật. Cách nói ngắn gọn, hàm súc, nhiều ẩn dụ, đậm chất hài hước. Giọng hiền hòa, hấp dẫn; không dạy đời, không cường điệu; rất chân tình, nhưng thẳng thắn vì tôn trọng sự thật.

Cụ là nguồn tư liệu phong phú cho các ký giả trẻ muốn tìm hiểu sinh hoạt của Sàigòn cũ, từ chuyện chính trường đến chỗ ăn chơi, nhà hàng vũ trường; từ tổ chức guồng máy hành chánh đến hệ thống quân đội. Cụ là cố vấn đặc trị thiếu hụt kiến thức nhiều mặt, cho quý vị thạc sĩ tiến sĩ nội địa có ngọn mà thiếu cái gốc, đang giảng dạy ở một số đại học hiện nay.

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

Nguyễn Văn Thà: Tình mềm như nước

Enriquet Simonet, Những sân thượng ở Tangier (1914), Wikimedia, public domain

Những năm đầu mới đến Na Uy, tôi thích cái xứ lạnh, cực kỳ lạnh này vì tôi đã sống từ nhỏ đến 20 tuổi ở Việt Nam với cái nóng, lại còn phải sống với cái nghèo khổ, sự áp bức của chính quyền Cộng sản, những bức bối gây ra bởi những người chòm xóm gian ác, rình rập, tất cả làm cho cái nóng thành nóng hơn, nóng nung người, nóng ghê hồn, nóng điên lên được. Nhưng bây giờ, qua mấy mươi năm ở Na Uy tôi bắt đầu ngán lạnh, rồi sợ lạnh vì cả mùa hè mà cũng lạnh, cho nên người ta gọi mùa hè Na Uy là grønn vinter: mùa đông xanh, đến nỗi bây giờ tôi ghét lây qua tất cả xứ lạnh gắt đến xứ lạnh vừa. Tôi  thích những xứ nóng, dĩ nhiên xứ nóng ấy không phải là Việt Nam, quê hương tôi, mà những xứ nhiều mặt trời, ở đấy tôi là một người vô danh, một hữu thể số không nhưng có tiền để hưởng cái thú được là hư không, cái hư không loại này Đất Nước Na Uy đã ban cho tôi, và hư không càng trở nên hư không khi những người đàn bà mà những áng văn, những vần thơ, những dòng nhạc cổ kim tô điểm thành những nữ thần diễm lệ, đã từng làm cho tôi chìm ngập, mê mẩn, bây giờ những nữ nhân ấy đã biến mất, đã bốc hơi. Vô ảnh vô thanh. Tôi lâng lâng cùng những ngày du lịch tới, tôi phiêu diêu với những ngày mai cô quạnh. Tôi sinh ra là để ở một mình. Tôi đã biết thế từ những ngày mười tám đôi mươi, vậy mà vẫn lem nhem sự đời chi cho mệt, mệt thiệt mệt. Và từ nay khi thức dậy tôi chỉ thấy tôi, tôi với trời đất vô lượng.


Thứ Ba, 17 tháng 1, 2023

Thận Nhiên: Thế giới trong kính lúp

Năm ấy tôi 24 tuổi, khá xinh, vừa học xong đại học, thất nghiệp, sống trong thành phố lớn nhất nước, cạn dần những đồng tiền cuối cùng, nợ tiền nhà chưa trả, và sắp đói.

Những tạp chí văn chương trả lời từ chối đăng truyện của tôi đã gởi. Những nhà văn tôi quen, đọc truyện tôi xong, đều cho rằng chúng không có đủ phẩm chất văn chương là vì tôi chưa trải nghiệm đời sống và chưa có đủ kinh nghiệm về tâm lý con người. Tôi bế tắc, thậm chí nghĩ rằng hẳn phải bỏ nghiệp văn thôi.

Một hôm, Rosita — một con bạn khá thân — nhắn tin cho tôi: “Mày có muốn kiếm chút tiền không?”

“Tất nhiên, tao đang đói! Nhưng làm gì? Tao chỉ làm những việc đàng hoàng thôi.” Tôi nhắn trả.

“Không phải làm đĩ. Việc này thú vị. Khó, nhưng không quá khó, có lẽ hạp với mày. Mày sẽ làm được, đoán thử xem.”

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2023

Philip Ó Ceallaigh: Nhật ký ở một động đĩ xứ Thổ (Thận Nhiên dịch)


Philip Ó Ceallaigh, sinh ngày 23-03-1968, nhà văn người Ireland, từng sống tại nhiều nước (Tây-ban-nha, Nga, Mỹ, Romania, Kosovo, Georgia và Hy-lạp). Truyện ngắn đầu tay của ông đoạt giải Hennessy Award năm 1998, và sau đó ông lại đoạt giải Hennessy Award năm 2001 về thơ. Năm 2004, ông vào chung kết giải Davy Byrnes Short Story Award. Tập truyện ngắn đầu tay, Notes from a Turkish Whorehouse, xuất bản năm 2006, đoạt giải Rooney Prize for Irish Literature. Năm 2009, tập truyện The Pleasant Light of Day của ông vào chung kết giải Frank O'Connor International Short Story Award.

***

Tôi mang nàng về phòng mình. Em thơm. Tôi chỉ muốn mần ngay thôi.

“Bốn mươi triệu.”

“Ba mươi.”

“Chơi được. Ngay bây giờ nhé.”

“Lát nữa đi.”

“Ngay giờ.”

Võ Thị Hảo: Ngựa hoang

Đến rồi!


Người đàn bà thốt nhiên nói. 

Rồi ngừng hát. Tay phải buông lơi. Bàn tay gẩy đàn mà ngón giữa và ngón áp út vẫn không chịu rời điếu thuốc Camel.

Làn da xanh trong veo, nhìn rõ những mạch máu li ti màu tím đang lặng lẽ truyền đi dưới da. Như vô vàn ngả trận mê hồn. Những ngả đường không đèn đuốc, nhận ra được chỉ là nhờ ánh trăng mờ lơ đãng tỏa từ trên cao. 


Những ngả li ti vận mạch, chảy khẽ khàng dưới lớp da người, lặng thầm câm nín giữ chặt câu chuyện về những góc phố, những cư dân thầm thì mà chúng đeo đẳng trên người

Thẳm xuống, chìm sâu trên gương mặt, đôi mắt nhạt màu, con ngươi tỏa rộng như con mắt mèo đen, mở lưng chừng, chẳng bao giờ ngạc nhiên. 

Dõi về phía trước, không xa xăm. Dưới mi mắt giấu cả một trời quyến rũ, rung rẩy hàng mi theo lối độc địa, vừa đẩy người ta xa ra vừa lại kéo hút  vào lòng, người đàn bà lại lướt bàn tay gầy guộc trên phím đàn. 

Đàn bà thế này sinh ra là để hại chết đàn ông!


Thứ Ba, 10 tháng 1, 2023

Nell Freudenberger: Thư viết từ pháo đài cuối cùng (Letter from the Last Bastion, Phần 3, Đào Trung Đạo dịch)

Nhà văn Nell Freudenberger.
Hình Wikipedia

Nell Freudenberger sinh năm 1975 ở New York City, tốt nghiệp Harvard, từ 2000 đã có bài đăng trên các tạp chí Granta, Paris Review, Harper…Đã xuất bản Lucky Girls (tập truyện ngắn 2003) những truyện dài The Dissident (2006), The newly weds (2012) và Lost and Wanted (2019)

Lẽ ra hai người phải đắn đo suy nghĩ. Cũng giống như việc vị giảng viên có thể sẽ bảo học sinh của mình trong lớp Vệ Sinh rằng: trong cái hừng khí của khoảnh khắc, có lẽ anh/chị sẽ quên khuấy đi mất. Laura chẳng chần chờ cùng với Henry dọn nhà về New York City. Trong căn chung cư đường số 103, hai người bắt đầu ăn chay và ngủ trên sàn. Laura kiếm được một công việc làm nhân viên lễ tân ở Bảo Tàng Viện Nghệ Thuật Trung Ương, nơi cô có thể gần gũi tranh của Klee.  Vào bữa trưa cô ta có thể đem bọc đồ ăn chay ra ngồi trên bậc thềm ăn với những cô gái khác, ở đó họ có thể ngồi ăn, hút thuốc và chọc phá những du khách đang mua hot dogs và chụp hình kỷ niệm, tóc tai các du khách cứ dựng đứng lên trong gió trông như những cái cánh chim nhỏ.


Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2023

Nell Freudenberger: Thư viết từ pháo đài cuối cùng (Letter from the Last Bastion), (Phần 2, Đào Trung Đạo dịch)

Nhà văn Nell Freudenberger
hình Wikipedia

Nell Freudenberger sinh năm 1975 ở New York City, tốt nghiệp Harvard, từ 2000 đã có bài đăng trên các tạp chí Granta, Paris Review, Harper…Đã xuất bản Lucky Girls (tập truyện ngắn 2003) những truyện dài The Dissident (2006), The newly weds (2012) và Lost and Wanted (2019)


Dĩ nhiên bất kỳ ai đã đọc quyển Binh Nhì Johnson đều biết rõ Henry đang làm gì – ngồi trong một văn phòng viết những bản tường trình để chuyển đến nhân viên các hãng thông tấn tại JUSPAO mỗi buổi chiều. Anh ta đã hoa hòe hoa sói đánh bóng chuyến công tác của anh với Laura (anh ta đã viết là anh ta không thể nói cho cô biết về cái phần hấp dẫn của công việc của anh, vì phần này có liên quan tới “tình báo”). Thực ra, về tình báo, việc Henry hàng ngày đều đặn phải làm đối với cơ quan MACV chỉ là đến đó để lấy cái mẫu đơn đặc biệt cần thiết để khai việc trưng thu những cuộc băng máy chữ cũ kỹ trong văn phòng anh ta. Trong những giờ muốn làm gì thì làm đó, anh ta có thể lang thang trong những khu phố ngoằn ngoèo và các chợ búa, trong đầu tưởng tượng ra cảnh Laura khỏa thân, mãn nguyện và tươi mát giữa làn gió hây hây ban đêm của xứ Bolovia.  Còn anh ta thì lại đang ở Việt Nam, với một dụng cụ cũ mòn và không một chút kinh nghiệm về chiến tranh ngoài cái thứ thống kê được chuyển đến cho một anh chàng trung úy sĩ quan thông tin mới được gắn lon.  Theo vị sĩ quan chỉ huy của anh, công việc của anh là phải làm sao cho những bản báo cáo “rõ ràng, hợp lý, và chó-đẻ-hồ-hởi.” Nếu như bị cưỡng bách nói sự thực thì hẳn Henry sẽ nói đó là một việc làm trọng đại.

 


Từ Thức: Bên bờ vực

Hai người lên tới đỉnh núi lúc trời vừa nhá nhem tối. Gã thanh niên vạm vỡ đứng ôm bụng thở dốc, mồ hôi chẩy trên mặt như nước mưa. Người đồng hành, một ông già râu tóc bạc phơ, y phục, dáng vẻ như một đạo sĩ, đứng ung dung ngắm cảnh, nhàn hạ như vừa uống xong một tuần trà.

Gã thanh niên nhìn vách núi dựng đứng, chân núi thăm thẳm, mất hút trong mây mù, nói hổn hển :

    - Con sợ thầy thực. Leo núi suốt từ sáng mà không biết mệt. Không biết bao giờ con mới tập luyện được như vậy.

    

Lão trượng vuốt râu, cả cười : 

    -Cần nhất là đừng sốt ruột. Phải tập luyện mỗi ngày, nhưng không tìm cách đốt giai đoạn. Một ông tướng nổi danh nói với binh sĩ :  hãy đi từ từ, chúng ta gấp lắm đẩy.

Khi mệt thì nghỉ. Ta ngủ đây đêm nay. 

    

Gã thanh niên lục trong cái túi cồng kềnh y vẫn đeo sau lưng ra một cái lều vải, lúi húi dựng lều. Ông già không cần lều; vẫn ngủ ngoài trời, lấy cỏ làm nệm, phiến đá làm gối. Sương, gió, nóng lạnh, ngoại vật không ảnh hưởng gì tới ông, muỗi không đốt, hay ông không cảm thấy muỗi đốt.

    


Thứ Ba, 3 tháng 1, 2023

Nell Freudenberger: Thư viết từ pháo đài cuối cùng (Letter from the Last Bastion) (Phần 1, Đào Trung Đạo dịch)


Nhà văn Nell Freudenberger
Nell Freudenberger sinh năm 1975 ở New York City, tốt nghiệp Harvard, từ 2000 đã có bài đăng trên các tạp chí Granta, Paris Review, Harper…Đã xuất bản Lucky Girls (tập truyện ngắn 2003) những truyện dài The Dissident (2006), The newly weds (2012) và Lost and Wanted (2019)

Thưa Quí Ông hoặc Quí Bà:

 

Tôi viết bức thư này để cho quí vị biết một vài điều quí vị có thể không biết về Nhà văn-Thỉnh cư (Writer-in-Residence) Henry Marks. Có thể quí vị đã biết đôi chút. Nếu như quí vị đã đọc quyển Binh Nhì George Johnson, quyển tiểu thuyết đầu tay của ông ấy, quí vi được biết Henry đã hoàn tất nhiệm vụ quân dịch ở Vịệt Nam vào tháng 11 năm 68.  Và nếu quí vị đã đọc quyển Người Quan Sát Chim (tôi đoán chừng ai mà chẳng đã đọc quyển này), quí vị cũng biết chuyện gì đã xảy đến với ông ấy vào giai đoạn cuối nhiệm vụ đó. Quí vị cũng có thể tìm biết thông tin này một cách dễ ợt từ quyển Tuyển Tập Khảo Luận, đặc biệt là trong bài “Theo Bén Gót Người Quan Sát Chim,” suy tư của ông ta về viết văn, phạm tội, và về chiến tranh, xuất bản năm 1990, cái năm đánh dấu Henry phục hồi sau một giai đoạn ngắn tơi tả vì vụ quyển Tai Nạn in năm 88.  Các nhà phê bình qui sự thất bại của Tai Nạn vào sự ẩu tả; họ nói rằng Henry đã trở thành mất tự chủ vì sự thành công của mình.