Hiển thị các bài đăng có nhãn Truyện Ngắn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Truyện Ngắn. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 19 tháng 9, 2023

Truyện ngắn Phạm Lưu Vũ: Hoạn Tử.

 

Nhà văn Phạm Lưu Vũ 

Đậu Lang người xứ Đoài có nghề hoạn lợn gia truyền đã ba đời. Một mình đảm nhiệm cả 4 trại Đông, Tây, Nam, Bắc. Tay nghề tinh thông đến nỗi được người đời tôn là Hoạn Tử. Hôm ấy, sau một ngày làm việc cật lực ở trại Đông, hoạn hơn trăm con, cả đực lẫn nái, Hoạn Tử trở về nhà, cơm rượu ngà ngà rồi vào buồng đóng cửa đi ngủ. Đang thiu thiu, chợt thấy một cơn gió thổi tung cánh cửa sổ, tấm màn khẽ lay động, hơi lạnh gai người. Trong bóng đêm, Tử thấy một bóng đen nhờ nhờ, đứng lù lù ngay phía cuối giường, cất tiếng than ảo não, xoáy vào tận tim óc:

 “Trời ơi là trời! Hôm nay mày hoạn phải cha mày rồi.”

 Hoạn Tử giật thót mình, bật ngồi dậy. Bóng đen biến mất, gió lạnh cũng bặt tăm, cánh cửa sổ vẫn khép im ỉm. Té ra là một giấc mơ.


Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2022

Trang Châu: Tâm sự của lá thư rơi

Người viết thư rơi lẫn người nhận thư rơi thường không có nhân chứng. Nhưng tôi là người duy nhất âm thầm có mặt ở cả hai phía vì tôi chính là lá thư rơi. Khi còn ở tình trạng thai nghén tôi là con đẻ, nhưng tôi trở thành đứa con vô thừa nhận ngay khi chào đời. Vì sao? Thắc mắc này tôi không nêu lên cho tôi, nó được đặt ra cho người nhận tôi. Bài viết này, xin xem như một cố gắng của riêng tôi để tiếp tay với người đọc, dù người đọc đó ở bất cứ vị thế nào.

Xin nói ngay khi viết tôi chỉ ghi nhận chứ cố sức không phê phán. Nếu thỉnh thoảng tôi có chêm vào đôi chút suy tư thì cũng chỉ là những thoáng suy tư hết sức vô tư. Mục đích của tôi là trình bày những căn nguyên, những động cơ thúc đẩy người khai sinh ra tôi đặt bút viết và người đọc tôi có phản ứng gì, suy đoán ra sao? Tôi phải đặt tên cho nhiều nhân vật. Xin nói ngay, người và việc có thể thật nhưng những cái tên thì hoàn toàn giả. Tuy giả nhưng tôi biết trước thế nào cũng có người giật mình. Khi tôi gọi ông A không phải chỉ riêng ông A giật mình mà cả các ông tên Ấn, tên Âu, tên Ấm cũng giật mình, vì nghĩ tên mình được cố ý viết trệch đi thôi. Xin những người có tên trùng với những tên nêu lên trong bài viết này an tâm, tôi không nhắm vào tên của quí vị. Tôi sẽ viết từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, nhỏ và lớn ở đây dưới nhãn quan của tôi, không nhắm vào con số nhân sự mà nhắm vào nội dung của câu chuyện, của vấn đề được xảy ra hay nêu lên.

Nhỏ nhất là câu chuyện xảy ra giữa hai người, một cặp vợ chồng. Tôi ra đời sau khi hai người ly thân. Người vợ dọn ra ở ấp trong một chung cư. Lý do ly thân của họ tôi biết nhưng không nói ra vì không muốn xen vào đời sống riêng của họ. Chỉ biết sau mấy đêm ngồi trong xe rình bà vợ ly thân, tối tối hay đi bộ sang chơi ấp của một cặp vợ chồng ở một chung cư đối diện, cho đến mười, mười một giờ đêm mới ra về mà không thấy có người đàn ông nào đi theo, người chồng về nhà viết cho bà vợ ly thân một lá thư. Tôi chỉ trích lại tôi một đoạn: “Mấy hôm nay em ghé qua nhà chơi với Điệp, thấy em càng buồn càng đẹp anh cũng động lòng. Anh biết em bỏ thằng chồng em vì nó kém sinh lý. Anh bảo đảm với em, em sẽ được thỏa mãn một trăm phần trăm vấn đề đó. Hẹn em thứ tư tuần tới đúng một giờ trưa tại quán Mimosa. Em nhớ đúng hẹn, anh chờ. Ty.” Mang bỏ tôi vào thùng thơ xong ông chồng vẫn đêm đêm đậu xe ngồi rình. Ty là tên ông chồng của bà Điệp, cặp vợ chồng mà tối tối bà vợ ly thân vẫn đi bộ sang chơi. Một giờ kém mười lăm trưa thứ tư tuần sau, người chồng lái xe đến bãi đậu của tiệm Mimosa, thụt người trong xe ngồi rình. Nhưng không thấy bà vợ ly thân của ông đến chỗ ông hẹn. Tối hôm đó ông không lái xe đi rình nữa; ông ngồi ở bàn viết, ôm đầu, chốc chốc lại kéo hộc tủ, mở cuốn agenda, nhìn ngắm hình bà vợ ly thân được giấu ở bên trong. Ngắm chán ông lấy bút chì đỏ gạch đít nhiều lần hai câu thơ của Sully Prud' homme:

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

Song Chi: Đôi Giày Màu Hồng

Cái cửa sổ đó là toàn bộ thế giới bên ngoài của Nó.

Mỗi ngày, trước khi đi làm, Mẹ bế Nó đặt vào cái ghế xoay cạnh cửa sổ, cái ghế mà Mẹ đã đóng thêm một miếng ván vuông nhỏ kéo ra kéo vô được để làm thành cái bàn cho Nó, trên đó Mẹ đặt tập giấy, cây bút chì, hộp chì màu, cục gôm. Thêm cái chìa khóa cửa và chiếc điện thoại cũ, loại thường, không phải smart phone. Thức ăn đã được nấu sẵn, để trên bàn trong bếp. Nước lạnh, nước ngọt có trong tủ lạnh. Cả ngày Nó ngồi đó, hí hoáy vẽ hết bức tranh này đến bức tranh khác. Khi nào đói Nó chỉ cần chống hai tay vào cái giường gần đó làm điểm tựa, quẳng thân mình xuống đất, dùng hai tay đẩy người lết đến bên cái bàn trong bếp, lại bám lấy cái ghế khác, quẳng thân mình lên ghế, rồi lấy hộp thức ăn, bỏ vào trong microwave. Buồn đi tiêu, đi tiểu thì có cái bô đậy nắp để sẵn trong toilet. Nếu có chuyện gì xảy ra thì Nó lết đến bên cửa, nhướn người lên đút chìa khóa vào ổ, lết ra ngoài, bám vào từng bậc cầu thang dẫn lên mặt đất rồi lết ra cửa trước, đập vào cửa gọi bà chủ nhà, một người phụ nữ gốc Pakistan, Hồi giáo, luôn luôn bận rộn suốt ngày với việc nhà và ba đứa con nhỏ trong lúc ông chồng đi làm, công việc của ông ta là lái xe bus. Trong thế giới của Nó, mọi thứ đều được đặt biệt danh cho dễ nhớ. Bà chủ nhà có dáng người thấp, tròn tròn như trái banh, lúc nào cũng chùm khăn trên đầu được đặt tên là Banh Trùm Đầu. Còn ông chồng là Bụng Bia. Ba đứa con, hai trai một gái, khoảng 6, 7 tuổi và 2 tuổi, lần lượt được đặt tên là Tóc Xoăn-đứa con gái, Chân Khẳng Khiu-đứa con trai và Bi Ve-vì hai con mắt nó đen lay láy, tròn xoe như hai hòn bi ve.

Mẹ đã dặn đi dặn lại có chuyện gì hãy mở cửa bò ra ngoài gọi bà chủ nhà. Hoặc nhắn tin cho Mẹ. Nhưng chẳng có chuyện gì để Nó phải bò ra ngoài hay phải nhắn tin cả. Ngày nào cũng thế, tháng nào cũng thế, chả có chuyện gì xảy ra. Nhưng Mẹ vẫn lo lắng. Mẹ dặn cả bà chủ nhà Banh Trùm Đầu. Thỉnh thoảng khi ra sân đi đổ rác hoặc lấy thư trong hộp thư ngoài cổng, Banh Trùm Đầu lại đi vòng qua cửa sổ tầng hầm, khom người nhìn xuống để xem Nó có làm sao không. Cũng có khi Banh Trùm Đầu đi xuống mấy bậc cầu thang gõ gõ lên cửa lớn, khi Nó mở ra, Banh Trùm Đầu đưa cho Nó mấy cái bánh chiên, bên trong có hành, nhờn nhờn mỡ, hoặc một chén cơm trộn với các loại đậu, thịt gà, khá nặng mùi gia vị. Nó không thích những món đó, nhưng Nó không hề tỏ thái độ. Khuôn mặt Nó rất ít khi biểu lộ điều gì.

Căn hộ nhỏ Mẹ con Nó thuê nằm ở tầng hầm (basement) của căn nhà gỗ nhỏ hai tầng, thêm một tầng áp mái. Gia đình Banh Trùm Đầu chỉ sống ở tầng trệt, còn lại cho thuê tất. Mẹ giải thích, ở xứ này phần lớn những ngôi nhà đều có tầng hầm như vậy, thường thì họ để làm nhà kho, nhưng với một số người, nhất là dân nhập cư, họ sửa chữa lại cho thuê để kiếm thêm thu nhập.

Nguyễn Lê Hồng Hưng: Hải Hành-Mùa Đại Dịch 3

Mặt trời ẩn sau tầng mây xám, mây vén lên chừa một đường vàng nhạt phía trời tây. Những cánh tua bin gió đã ngừng quay, mặt nước dưới dòng sông êm ả và vài chiếc tàu vô ra thưa thớt. Trời chiều, đường vắng và nghe rõ tiếng chim kêu. Chúng tôi đi trên con đê dài hướng xuống con đường đi bộ dọc bờ sông. Ama hỏi tôi:

– Đi đâu chú?

Tôi quơ tay một vòng và chỉ ngón tay ra cột đèn bẹo ở bờ sông nói:

– Mình đi dạo một lát rồi trở xuống đó.

Tôi day ngang hỏi Ama:

– Con thấy bến chờ có khác hơn bến cảng không?

– Khác nhiều chú, ở đây không có cần trơi, những chiếc xe tải containers và cũng hổng có người làm việc nên không ồn ào như bến cảng.

– Còn thiếu một thứ nữa.

– Thứ gì chú?

– Bông! Mùa xuân ở Hoà Lan thường thì nơi nào cùng thấy trồng bông, ở những bến cảng người ta cũng có làm nhiều bồn trồng đủ thứ bông được thường xuyên chăm sóc. Còn ở đây chỉ có bãi cỏ, chòm cây và bông dại, trông rừng rú và còn có vẻ thiên nhiên.

Ama ỡm ờ chưa nói gì thì chợt có tiếng điện thoại reo, nó đứng lại móc túi lấy điện thoại ra nghe. Ama trả lời bằng tiếng In Đô nên tôi không hiểu gì hết, nói xong cúp điện thoại, day qua tôi, nó nói:

– Chú ra bến sông trước đi, con xuống tàu có chuyện, lát nữa xong con lên liền.


Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2021

Ngô Nguyên Dũng: Mùa săn

(Chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Đức "Jagdzeit", cùng tác giả.)

Anh đến nơi khi chiều muộn. Anh bước ra xe và nhìn đồng hồ. 16 giờ 35. Chiều thứ sáu. Cuối tháng mười. Anh đưa mắt ngắm nhìn quang cảnh ngôi nhà, mảnh vườn. Không thấy nhiều thay đổi sau ngần ấy thập niên. Nắng thu rắc ánh sáng đục lờ lên khu vườn hoang. Bãi cỏ lâu không người cắt. Những trái táo chín rữa nằm vương vãi quanh gốc. Những bụi thược dược héo úa. Cỏ dại um tùm khắp nơi.

Anh bước vào. Những bước chân lê nặng ký ức và thở dài phiền muộn trên lối đi ngập xác lá. Bất chợt một tràng tiếng chim oang oác xé rách cõi không gian lặng lẽ. Anh ngước mắt tìm và thoáng thấy những nhịp đập hối hả của một cánh chim vút bay từ tán lá rậm.

Anh đảo mắt quanh quất. Tia nhìn dừng lại giây lát nơi khung kính cửa sổ nhà hàng xóm. Nơi đấy, anh vừa thoáng thấy bóng ai ẩn sau lớp kính phản chiếu lớp lớp mây trời.

Bất chợt tấm rèm cửa được kéo lại vội vã.

"Theo bản di chúc, ông là người, đúng qui tắc và độc nhất, thừa kế ngôi nhà và số tiền của người quá cố để lại trong ngân hàng", ông chưởng khế giải thích thêm, sau khi xướng giọng đơn điệu đọc tờ di cảo, và nhìn thẳng vào mắt anh. "Ông sẽ nhận được ngay một bản phóng ảnh tờ di chúc. Bây giờ tôi xin được phép trao ông chìa khóa nhà và xin ông vui lòng ký tên vào hồ sơ này."

Anh hoàn tất mọi thủ tục hành chánh và kiếu từ ra về, không hỏi han gì thêm. Niềm xúc cảm nhè nhẹ dâng lên và anh cảm nhận được nỗi rung động dằn vặt y như một tuần trước đó, khi anh nhận được thư báo của văn phòng chưởng khế. Thư đến bất ngờ. Cùng lúc là những hoài niệm tưởng đã yên lắng từ lâu. Càng suy ngẫm lâu về những chuyện cũ, càng nhiều nghi vấn trỗi dậy trong anh. Những nghi vấn không câu trả lời. Anh cũng không rõ, ai sẽ là người có thể giải thích giùm anh những thắc mắc ấy. Cho tới khi vào ngồi trong xe và lấy lại bình tĩnh, anh tìm cách nhớ lại.