Hiển thị các bài đăng có nhãn Trangđài Glassey-Trầnguyễn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trangđài Glassey-Trầnguyễn. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2014

Trangđài Glassey-Trầnguyễn - Tết cuối

Hình: Internet
Năm đó, Tết trễ.

Mồng một Tết ngay đầu tháng Ba.

Tôi vừa đúng tuổi trăng rằm.

Mấy tuần trước Tết, tôi không thấy nôn nao như mọi năm, dù năm đó, tôi được Mẹ may cho một bộ áo dài trắng mới. Niềm mơ ước của nữ sinh trung học thời bo bo. Biết đâu, đây là lần cuối tôi được may áo dài. Mẹ thuê một cô gần nhà thêu máy những chiếc lá nhỏ lên thân áo. Dạo đó, áo dài thêu máy rất thịnh.

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Trangđài Glassey-Trầnguyễn - giữ Tiếng Việt, vững Nước Việt


Trangđài Glassey-Trầnguyễn

* Viết đặc biệt theo Chủ đề Khoá TNSP thứ 25 năm 2013 do BĐD TAViet tổ chức *

  1. Tiếng Việt – Công cụ tiên quyết để giữ nước
Ngôn ngữ vẫn luôn là linh hồn của một văn hóa. Nó là một phần của nhân diện quốc gia, là bản sắc trọng yếu của một dân tộc. Trong tiếng Việt, chúng ta tìm thấy lịch sử, nhiều mặt của di sản văn hóa, bản sắc dân tộc, và hồn thiêng sông núi. Giữa một thế giới toàn cầu hóa như hôm nay, ngôn ngữ là một thực thể tiêu biểu cho một văn hóa hơn cả. Đó là vì những hình thức khác của một văn hóa, chẳng hạn như ẩm thực hay trang phục hay âm nhạc, đều có thể được làm quen một cách dễ dàng, nhưng ngôn ngữ đòi hỏi một sự đầu tư và tích lũy lâu dài. Ngôn ngữ nào cũng biến người sử dụng thành công dân của văn hóa đó.

Các thế hệ Việt hải ngoại học tiếng Việt để giữ nước Việt

“Tiếng Việt còn, Nước Việt còn.” Tuy chúng ta có nhắc nhở nhau thường xuyên, nhưng câu nói này không bao giờ trở nên nhàm chán hay tầm thường. Ngược lại, ngay trong lúc này, khi quê hương đang một lần nữa bị nạn ngoại xâm đe dọa, thì câu nói này lại mang một giá trị chiến lược thiết yếu. Từ những trang sử giữ nước, những dòng nhạc yêu quê hương, cho đến những mạch thơ ái quốc, Tiếng Việt là sợi dây thiêng liêng mạnh mẽ nối liền tâm hồn và ý chí người Việt ở khắp mọi nơi. Tiếng Việt có mãnh lực khơi gợi trong chúng ta sự gắn bó với quê hương, và hun đúc quyết tâm gìn giữ tổ quốc. Khi chúng ta dạy con em Tiếng Việt, chúng ta đã trao cho các em công cụ tiên quyết để làm một người Việt yêu nước và vì nước. Và qua việc dạy Tiếng Việt, chính chúng ta cũng được hun đúc thêm tinh thần yêu nước và giữ nước ấy, vì ‘dạy là học đến mười lần.’

Vậy nếu chúng ta đồng ý với nhau rằng, tiếng Việt là công cụ tiên quyết để giữ nước, thì câu hỏi cần đặt ra là: làm thế nào để gìn giữ tiếng Việt? Giảng dạy Việt ngữ vào cuối tuần thôi thì chưa đủ. Chúng ta cần biến tiếng Việt thành mạch sống trãi dài, thẩm thấu trong mọi sinh hoạt của chúng ta và con em – ngay từ trong phôi thai. Chúng ta phải tiếp tục công việc đưa tiếng Việt vào giáo dục dòng chính, hỗ trợ cho những chương trình ở bậc đại học và hậu đại học về văn hoá, lịch sử Việt Nam.

Trong khung cảnh cộng đồng Việt hải ngoại và trong tương quan địa-phương/quốc-tế, ai cũng biết Little Saigon, Quận Cam, vẫn luôn dẫn đầu trên cả thế giới về những sinh hoạt của người Việt hải ngoại – nhất là trong việc đấu tranh và vận động cho toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nếu New York không bao giờ ngủ, thì Quận Cam không bao giờ nghỉ. Sự hiếu động này mang lại nhiều hiệu suất, thử thách, và hứa hẹn. Chúng ta cần trang bị cho các thế hệ sau khả năng ngôn ngữ và văn hoá để tham gia vào cộng đồng nhà, tiếp tục phát triển cộng đồng, và tận dụng những thay đổi không ngừng này. Thời điểm tốt nhất để bắt đầu học một ngôn ngữ là từ trong bụng mẹ, nhưng cần phải có những chương trình huấn luyện ngay từ nhỏ, trãi dài suốt cho đến đại học và sau đó. Cộng đồng Việt hải ngoại ngày càng mở rộng, và đóng vai trò tiên quyết trong công cuộc tranh đấu cho nhân quyền, dân quyền, và chủ quyền lãnh thổ tại và của Việt Nam. Tiếng Việt chính là trung tâm điểm của sự phát triển và công cuộc đấu tranh này, vì mục đích tiên quyết trong việc dạy tiếng Việt là truyền đạt lòng yêu nước Việt, yêu văn hoá Việt.
  1. Biển Đông dậy lòng
Tôi muốn đặt nền tảng của bài viết ngắn này trên việc nhấn mạnh chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa (HS-TS). Do đó, tôi sẽ nhìn vào những biến cố đang diễn ra xoay quanh vấn đề HS-TS từ góc độ chủ quyền, thay vì từ góc độ tranh chấp. Khi gọi những biến cố này là ‘tranh chấp,’ thì ở một mức độ nào đó, chúng ta có thể vô tình mà đồng ý với Trung Cộng rằng đây là một vấn đề còn chưa được minh định. Khi gọi chúng là những biến cố liên quan đến chủ quyền HS-TS, chúng ta khẳng định quyền lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam trong khu vực này, và xác nhận với thế giới rằng sự hiện diện của Trung Cộng là một hành động xâm lược.

Các Thầy Cô tại Khoá TNSP 2012 dạy tiếng Việt để giữ nước Việt

Bài viết này một phần chịu ảnh hưởng tinh thần Nhân Chủ của Việt triết 1, lấy con người làm gốc, mà Triết gia Kim Định và Tác giả Việt Nhân đã khởi bàn (theo tôi, vai trò của những ai thao thức với Triết Việt và đất Việt, là tận hoạt triết lý Nhân Chủ này). Triết gia Kim Định, trong quyển Thái Bình Minh Triết, Phần II, Chương I, Đoạn 9 và 10, trang 119-120, có bàn:

“…Nho là một nền Minh Triết, một Sophia. Nói khác, nền tảng Nho nằm trong Kinh Dịch. Tinh hoa của Dịch nằm trong âm dương, Tam tài, Ngũ hành:


Âm dương là số 2 chỉ Thái Hòa
Tam Tài, số 3, chỉ Nhân Chủ
Ngũ Hành số 5, chỉ Tâm linh, huyền niệm
Như vậy cốt tủy văn hóa Việt nằm gọn trong ba bộ số 2, 3, 5, hay trong ba định đề nền tảng là: Thái Hòa, Nhân Chủ, Tâm Linh…

Số 3 (chỉ Nhân Chủ) gặp được trong những bộ ba cái chạc tìm được trong các mộ cổ Đông Sơn có thể coi như đại biểu cho vô số bộ ba khác như thắp ba nén hương, rót ba chén rượu, ba cấp bàn thờ.”

Nhà nghiên cứu Việt Nhân, trong công trình nghiên cứu ba tập Văn Hóa Thái Hòa, Tập I “Văn Hóa Đông Nam,” Chương Chín, Phần A, Đoạn III, trang 297, có ghi:

“…Một Trời, hai Đất, ba Người. ‘Ba Người’ là một nét đặc trưng cho triết lý An Vi: coi Người như một tài ngang với Trời Đất, nên cũng gọi là ‘Tham thông,’ cả ba tham dự. Nếu Trời làm, Đất làm, thì Người cũng làm. Có làm mới là tham thông, mới là một trong ba tài. Con Người đây là Con Người Nhân Chủ: con người làm chủ sự vật…

Theo tinh thần Nhân Chủ này, tôi đặt con người làm trọng tâm cho việc ý thức và bảo vệ chủ quyền Biển Đông, khởi đi từ thời gian thai giáo. Do đó, tôi không nhằm vào việc phân tích lịch sử và tình hình chính trị liên quan đến HS-TS, mà mong đề ra việc xây dựng một thành lũy vững vàng trong tâm thức cộng thông của người Việt ở mọi nơi trên thế giới. Thành lũy đó chính là lòng yêu nước, cần được gieo cấy và vun bồi ngay từ trong phôi thai – qua công tác dạy và học tiếng Việt. Khi mọi người đang nô nức và quyết liệt xuống đường biểu tình để bảo vệ chủ quyền HS-TS, tôi muốn đề ra một chiến lược cần thiết cho tương lai, nhất là cho những thế hệ ngoại biên, sinh trưởng tại hải ngoại. Chiến lược đó lại được đặt ra với tất cả chúng ta – những Thầy Cô giáo dạy Việt ngữ – và vai trò của tiếng Việt trong bối cảnh đấu tranh này.
  1. từ tu thân đến trị quốc
Sau buổi nói chuyện của Đức Đạt La Lạt Ma tại Đại học Stanford, California, vào đầu tháng 11, 2005, một vị cao niên gốc Do Thái cư ngụ tại Palo Alto, cũng là một nhà tranh đấu cho Hòa bình trong nhiều năm, đã nói với tôi:
  • Sâu sắc quá! Tôi tâm đắc nhất là việc Đức Lạt Ma nói về việc tu thân.
Một thông điệp tưởng đơn giản, nhưng cần thiết và tiên quyết cho mọi người ở mọi lứa tuổi. Trước khi bắt đầu, Đức Lạt Ma đã cởi giày, một cách bày tỏ với cử tọa hơn 7,000 người rằng, Ngài coi họ là bạn thân. Thái độ đầy thân thiết và lời nói đơn giản ấy đã mở trái tim và khối óc của những tham dự viên may mắn (vì số vé giới hạn, nhiều người chỉ có thể nghe buổi nói chuyện trực tiếp trên website của trường Đại học).

Tuy sinh tại Việt Nam sau 30 tháng Tư 1975, tôi được đãi ngộ lớn lên trong một gia đình mà người thân vẫn nhắc nhở tôi về nguyên tắc tu thân, dù nó không được đề cập đến tại trường học, nơi trẻ em được đúc não theo khuôn Mác-Bác-Lê. Khi nghe lời nhận xét của vị cao niên nọ, tôi mới thấm thía cái giá trị của nguyên tắc căn bản này.

Nhưng Đức Lạt Ma còn có một vai trò rất mấu chốt trong tiến trình bảo vệ chủ quyền tại biển Đông của người Việt. Ngài là hiện thân của đối đầu bất bạo động, tay không chống lại một chính quyền khát máu và bành trướng. Từ năm 1950, Ngài đã đóng vai trò lãnh đạo tinh thần cho Tây Tạng. Khi Trung Cộng xâm lấn quê hương Ngài năm 1959, Đức Lạt Ma đã âm thầm bỏ sang Ấn Độ, đưa theo hàng ngàn đồng bào lưu vong của mình. Kể từ năm 1960, với sự thông cảm và hỗ trợ của chính phủ Ấn, Ngài đã thiết lập một quốc gia lưu vong tại Dharamsala, Bắc Ấn.

Đức Lạt Ma tỏ thái độ kiên quyết và không sợ hãi đối với chính quyền Trung Cộng. Phong cách và sự kiên trì đấu tranh cho dân tộc Tây Tạng của Ngài đã giúp Ngài chinh phục cả thế giới đứng về phía Tây Tạng, cùng dân tộc Ngài tranh đấu cho chủ quyền và độc lập. Tìm kiếm những phương pháp bất bạo động dựa trên kiến thức, sự nhẫn nhịn, và tương kính, Đức Lạt Ma đã trở nên biểu tượng của hòa bình và của đấu tranh bất bạo động, bên cạnh Thánh Gandhi và người cũng nhận giải Nobel Hòa Bình như Ngài là nhà dân chủ Miến Điện Daw Aung San Suu Kyi.

Khi Quốc Hội Hoa Kỳ trao Huy Chương Vàng để vinh danh Đức Lạt Ma năm 2007, cũng như trong những lần các vị nguyên thủ quốc gia Hoa kỳ nghênh tiếp Ngài tại Bạch Cung, thì chính quyền Trung Cộng kịch liệt phản đối và yêu cầu hủy bỏ những chương trình này. Mặc cho những thái độ quá khích này, Đức Lạt Ma luôn giữ một thái độ bình thản, và thậm chí đôi khi còn khéo léo khôi hài trong các cuộc thảo luận liên quan đến vấn đề Tây Tạng. Điều này có lẽ đến từ một nền tảng tâm linh vững vàng và tinh anh. Trào phúng, một yếu tố cần thiết trong việc đối diện với những kẻ hung hãn và tham độc. Hình như nhân loại ở khắp nơi, trong tất cả những kinh nghiệm bị đàn áp trong thời nô lệ hay đô hộ, đều ghi vào lịch sử một truyền thống trào phúng như công cụ đấu tranh.

Tôi nhớ đến bài thơ trào phúng “Lưỡi Bò Nướng” của nhà thơ Bắc Phong, hiện cư ngụ tại Canada, đăng trên Tiền Vệ, ngày 27 tháng 06, 2011. Bài thơ dài, tưởng như một công thức nấu ăn, nhưng thực chất thì không đơn giản như vậy. Xin trích phần đầu và phần cuối của bài thơ ở đây:
chiều thứ Bẩy bạn buồn tình
muốn nhậu lai rai
sao không thử món lưỡi bò nướng
lạ, dễ làm,
mà lại rất ngon
bảo đảm ai ăn
cũng phải rung đùi sướng
lưỡi bò nướng chín chấm mắm nêm
bạn ăn với rau sống và chuối chát
uống cốc bia to
chắc chắn mọi ưu phiền quên hết
....
mà này bạn, món lưỡi bò nướng
phải lưỡi bò Trung Quốc mới ngon!
  1. giữ Tiếng Việt, vững Nước Việt
Tư tưởng là tiền đề của hành động. Tôi cho rằng khi Việt Nam đối diện với sự xâm lấn của Trung Cộng trong vùng HS-TS, người dân Việt sẽ tìm được sự hỗ trợ tinh thần rất lớn và một kim chỉ nam cần thiết ở Đức Đại La Lạt Ma. Từ hơn nửa thế kỷ qua, chính Đức Lạt Ma vẫn đang kiên trì tranh đấu trong một cuộc chiến mà chúng ta đang đối diện ở Biển Đông: chống bành trướng Trung Cộng, bảo vệ chủ quyền cương thổ. Thông điệp ‘tu thân’ của Ngài thật thích hợp trong lúc này.

Tại hải ngoại, giữ gìn tiếng Việt là căn cước của việc tu thân, là mẫu số chung cho tất cả những dấn thân cho một Việt Nam tốt đẹp hơn. Nếu mỗi bậc cha mẹ Việt Nam ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều đặt việc nuôi dưỡng lòng yêu nước làm đầu, thì chúng ta không bao giờ sợ mất nước. Chính tư tưởng bảo vệ đất nước sẽ là bàn đạp, đưa những người con Việt về chống nạn ngoại xâm, hay đứng ra vận động với thế giới cho sự toàn vẹn lãnh thổ của quê hương mình ở bất cứ nơi nào. Nếu chúng ta lấy văn hiến làm cờ, lấy lịch sử kiên cường làm vũ khí, lấy chính nghĩa làm chiến lược, lấy sự đồng lòng làm thế tấn công, thì sẽ đẩy lùi được bất cứ một quân đội đồ sộ nào. Trận Lĩnh Nam, trận Bạch Đằng, trận Ngọc Hồi, và bao nhiêu trận khác trong thanh sử đã chứng tỏ sự chiến thắng của lòng quyết tâm và đồng tâm.

Tiếng Việt chính là trung tâm và linh hồn của quá trình tu thân và nuôi dưỡng lòng yêu nước trong khung cảnh hải ngoại ở thế kỷ thứ 21. Thai giáo là thời điểm tốt nhất để bắt đầu gieo hạt mầm yêu nước, và môi trường gia đình cộng đồng là miền đất trù phú nhất để vun trồng những tâm hồn vì nước. Mỗi người dân Việt đóng một vai trò thiết yếu trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền HS-TS. Nếu mỗi người dân Việt ở mọi nơi trở nên một Thầy Cô giáo Việt ngữ, cùng lên tiếng nói chống lại sự xâm lược của Trung Cộng, thì chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông chắc chắn sẽ được bảo tồn. Và lẽ phải, công lý, và hòa bình sẽ đến trên quê hương, dân tộc, và mỗi người chúng ta. Chúng ta cùng cầm đuốc với người trẻ, chuyển cho họ vai trò lãnh đạo và đấu tranh, và tiếp tục cùng họ sánh bước. Con em chúng ta học tiếng Việt để giữ nước Việt. Chúng ta cùng dạy tiếng Việt để vững nước Việt với các em.


1 Tác giả xin chân thành cảm ơn Nghị viên Vũ Khánh Thành, MBE, Luân Đôn, Anh Quốc, đã giới thiệu cho tác giả về bộ sách của Nhà nghiên cứu Việt Nhân. Ông Vũ Khánh Thành cũng là Gia trưởng của An Việt Toàn Cầu và Anh Quốc, trang nhà anviettoancau.net. Ông cũng được Nữ Hoàng Anh trao tặng Bắc Đẩu Bội Tinh năm 2005 vì những đóng góp lớn lao cho người Việt tỵ nạn tại Anh Quốc và cho đất nước này nói chung. 

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Trangđài Glassey-Trầnguyễn - Mẹ của con




Trangđài Glassey-Trầnguyễn
(Trích từ tuyển tập thơ đa ngữ “nếu Mẹ thích…” 2002)

khi mặt trăng còn mải đang đi dạo
trên bầu trời, chưa chịu khuất trong mây
các vì sao chơi đuổi bắt từng bầy
Mẹ đã dậy, bắt đầu một ngày mới


ngày của Mẹ bắt đầu trong bận rộn
vẫn lo tròn cho giấc ngủ của con
Mẹ cặm cụi nấu những gì con thích
để sáng mai con lót dạ đến trường

vì thương con, Mẹ ngại gì giông bão
đội mưa dầm để che chở cho con
mỗi ngày qua nhiều những vết chân chim
trên mắt Mẹ, với màu sương tóc bạc

Mẹ có biết bao lần con tự nhủ
sẽ không hề làm cho Mẹ buồn lòng
nhưng rồi con chỉ là một đứa trẻ
in vết hằn trên tránh Mẹ lo toan

một dòng sông sẽ không trở về nguồn
bao con suối hòa vào lòng biển lớn
nhưng con nguyện làm một con suối nhỏ
chảy suốt đời giữa lòng Mẹ yêu thương


gánh trên vai Mẹ
Trangđài Glassey-Trầnguyễn
(Trích từ tuyển tập thơ đa ngữ “nếu Mẹ thích…”)

Mẹ tôi gồng gánh đường xa
gánh đong thương nhớ, gánh quà cho tôi
gánh thương đứa trẻ mồ côi
Mẹ trao tấm bánh lần hồi bữa ăn
gánh này mẹ gánh thơ văn
đầu làng giếng nước, ánh trăng gánh về
gánh này kĩu kịt tình quê
lại thêm gánh nước non thề không quên
có gánh oằn nặng cung tên
Mẹ gánh ra trận liều quên thân mình
gánh này mẹ gánh bình minh
gánh ra đồng nội, gieo tình xóm thôn
gánh này gánh lúc đầu hôm
gánh cực, gánh khổ, gánh ôm gia đình
gánh này trĩu nặng gánh tình
kính Cha hiếu Mẹ đậm tình phu thê
gánh đi xa, gánh lại về
gánh vui tần tảo, chẳng nề nguy nan
gánh lui tới, gánh dọc ngang
gánh cho con sánh muôn vàn dấu yêu
gánh đong gió những cánh diều
gánh dệt cổ tích những chiều tuổi thơ
gánh dậy từ lúc tinh mơ
cho con cơm nóng trước giờ con đi
gánh thức trắng những mùa thi
bên con, lo chén trà khi học hành
gánh từ thuở Mẹ tóc xanh
đến nay tóc trắng năm canh chờ chồng
gánh dịu dàng nỗi nhớ mong
gánh con gái thuở má hồng dẻo dai
cả đời Mẹ gánh nặng vai
gánh cho đất nước, gánh này cho con
gánh tào khê mãi sắt son
gánh nào cho Mẹ?  lòng con ngậm ngùi
con mong gánh Mẹ được vui
nụ cười Mẹ nở, ngọt bùi đời con



Trangđài Glassey-Trầnguyễn - Ba nấu, Mẹ nêm



Trangđài Glassey-Trầnguyễn

Trong công việc nghiên cứu và sáng tác về cộng đồng người Việt hải ngoại nói chung, đôi khi tôi hơi bị bối rối, hay nói đúng hơn là bất bình, về hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam trong cái nhìn của dòng chính, vì khi nhắc đến họ, người ta nghĩ ngay đến “mai cốt cách, tuyết tinh thần,” đến cái nét dịu dàng, cái vẻ mảnh mai.  Tuy nhiên, những hình ảnh đó quá phiến diện, và hình như lừa phỉnh chúng ta về một sức mạnh vô cùng trong mỗi người phụ nữ ấy, cũng như thân phận cơ cùng của họ đặc biệt là trong bốn thập niên vừa qua tại quê nhà.  Với những biến cố xảy đến cho phụ nữ Việt Nam trong hậu bán thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, bao nhiêu “cô dâu” bị bán đi khắp nơi trên thế giới, bao nhiêu phụ nữ trẻ em bị dập vùi trong bể kinh doanh tình dục, cũng như ba cô gái Việt bị bán đấu giá trên ebay, nhân diện của người phụ nữ Việt Nam đã tiến vào một thế kỷ mới – hình thành một chân dung mới.  Một chân dung tỏ rõ cái tủi nhục, cái hạnh phúc, cái can trường, cái bất nhẫn, cái chịu đựng, cái uất ức. 


Từ một nền văn hóa mẫu hệ, văn hóa Việt Nam dưới một ngàn năm đô hộ của Trung Hoa đã giảm sút trong cái quân bình với vai trò của người phụ nữ trong xã hội và gia đình.  Và dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, thân phận của người phụ nữ đã bị cùng cực hóa.  Bài viết này xin được kính tặng những người Mẹ mang trái tim của một con dân Việt, dù ở bất cứ nơi nào trên bề mặt địa cầu.  Xin gửi đến những người Mẹ, dù ở nơi nghìn trùng thăm thẳm không hy vọng được về lại quê hương, hay phải cầm cự trong cảnh nô lệ thể xác và tinh thần.  Bài viết cũng xin cho loan phụng hòa minh – có vợ có chồng (có Mẹ có Ba) –  một quyền căn bản được yêu và có một mái ấm gia đình mà rất nhiều phụ nữ Việt Nam đã bị tước đoạt.  Vả chăng, đối với nền văn hóa lúa nước, âm dương tương giao vẫn là cái cốt lõi của nhân sinh.  Tôi vẫn không quen lắm với phong tục của người Mỹ, mừng kính Mẹ từ tháng Năm, nhưng cả hơn tháng sau mới nhớ đến Ba. 

cãi nhau

Mỗi khi tôi cãi vả với Mẹ, tôi thường nghĩ là mình đúng.  Tôi vận dụng lý lẽ, lập luận của một đứa sinh viên đại học Mỹ để cãi lý với một bà mẹ Việt Nam.  Cả người tôi giận run. Tôi nghĩ là mình đã làm đúng.  Tại sao Mẹ lại có thể đối xử với tôi như thế?  Sao Mẹ có thể “sai” đến như thế?

Như người ta nói, giận quá mất khôn.  Tôi cãi thế, nhưng dù biết là mình có đúng 101% đi nữa, cảm giác còn lại trong tôi là sự trống vắng, hụt hẫng.  Tôi ức vì tôi phải cãi với Mẹ.  Tôi không hiểu, tại sao hai mẹ con phải gây nhau.  Tôi muốn chúng tôi lúc nào cũng hiểu nhau, và đầm ấm với nhau.  Có phải tại Mẹ không hiểu tôi không?

Thế nhưng, cãi vả với Mẹ cũng có cái hay của nó, vì sau mỗi cơn cãi vả, tôi đi học, Mẹ tôi đi làm.  Và y như rằng trong ngày hôm đó, giữa giờ chuyển lớp, tôi lại gọi Mẹ.  Chẳng phải để xin lỗi.  Đôi khi chỉ gọi như thế, thì cả hai chúng tôi đã biết người bên kia đường dây nghĩ gì.  Nếu không cãi lộn, thì tôi chẳng bao giờ gọi cả, lo cắm đầu chạy chuyển lớp và đi làm.

Giận nhau

Ba tôi hay làm cho tôi bực mình.  Ông có những cái tật không tha thứ được.  Một điều mà cả năm anh chị em chúng tôi đồng thuận với nhau tuyệt đối, là không sung sướng gì khi muốn lái xe chở ông cụ đi đâu.  Ba tôi là một hành khách rất tích cực trong việc định hướng tài xế.  “Quẹo, quẹo phải!” hay “Qua lane liền!” hay “Coi chừng xe đằng trước!” là những thành ngữ thông dụng trong tự điển đi đường của Ba tôi.  Ông không thích ngồi không.  Có lẽ vì ông ngại, “Nhàn cư vi bất thiện” chăng?  Lắm khi sau khi xung phong lái xe chở Ba tôi đi đâu, tôi lại tự vấn sao mình “can đảm” thế.  Cái dại này, hình như cũng bị sự xúi giục của lương tâm và trách nhiệm.

Đương nhiên, Ba tôi hăng hái chỉ đường, thì tôi cũng hăng hái “giận” Ba tôi.  Mặc tình ông cụ hồ hởi hướng dẫn, tôi nghiêm mặt ra vẻ không ủng hộ.  Và hôm nào Ba tôi hăng hái quá đáng, tôi giận liền tù tì vài hôm.  Nếu người khác hăng hái như vậy thì không có tội.  Nhưng ai bảo Ba tôi là Ba tôi.  Tháo nút thì đi tìm người buộc.  Chắc biết vậy, nên lần nào Ba cũng làm hòa với tôi.  Hôm nào tôi chướng lên, thì đem những cái bực mình khác vào “giận luôn một thể.”  Ba tôi ngang nhiên hốt hụi chót, nhưng không hề biết gì về sự may mắn đó.

người khôn hay lo

Người xưa bảo, “Kẻ khéo thường bận, Người khôn hay lo.”  Nếu xét theo từng câu từng chữ, tôi quả là người vừa khôn vừa khéo.  Số là tôi vốn “hay lo” và “thường bận.”  Không chỉ vậy, tôi còn khôn khéo cho cả nhà nữa mới khổ. 

Mười năm trước, khi gia đình mới định cư tại Mỹ, tôi hay giật mình thức dậy giữa đêm khuya, run bắn người vì nằm mộng thấy đám tang của ông bà tôi ở Việt Nam.  Người lớn tuổi thì gần đất xa trời.  Tôi nằm mơ như vậy, cũng không lạ.  Thế nhưng gần đây, có những đêm, tôi nằm mơ, thấy Ba Mẹ tôi qua đời.  Sáng dậy, tôi như mất hồn.  Cái ám ảnh dai dẳng về sự ra đi của người thân yêu, trước nay vốn là với Ông Bà tôi, nay đã lấn đến vùng đất mới.  Khi Ba Mẹ tôi bắt đầu suy yếu về sức khỏe, đi đứng chậm lại, tôi rơi tõm vào cái vực đen ngòm của sự sợ hãi và vô vọng của một đứa con mồ côi – một đứa con ngoài ba mươi.  Tôi nghĩ mình sẽ đi tìm hoa cúc trắng, và xé nát đến thành tơ từng cánh hoa, để Ba Mẹ tôi sống mãi.

Thế nhưng, tôi biết, dòng đời trôi vô tận.  Rồi dù Ba Mẹ tôi ra đi sớm hay muộn, điều đó chắc chắn sẽ xảy ra.  Tôi không thể lo nhiều.  Tôi chỉ có thể sống trọn vẹn những ngày tháng mà Ba Mẹ còn ở bên tôi.  Sống với nhau thật trọn vẹn.

Ba nấu, Mẹ nêm

Giờ cơm trưa.  Tôi đi hâm cái hộp cơm gà rô ti trong cái phòng nhỏ cạnh văn phòng của cô Sơn, cô giáo đỡ đầu của các nhóm Sinh Viên Việt Nam tại đại học Fullerton.  Mùi thơm tỏa ra, như cái mùi quen thuộc ở nhà mỗi bữa cơm tối, khi Ba Mẹ tôi vừa nấu nướng xong là gọi với vào trong phòng ngủ, nơi mà tôi lừ đừ bước ra:

-  Sáu Mèo, cơm!

Vốn được sinh vào năm con mèo, tôi đàng hoàng nhận cái tên cúng cơm "Sáu Mèo" như một sự tiên báo cho cái tính mê ngủ trưa.  Và để chứng minh là Ba Mẹ tôi đúng, trưa nào tôi cũng tìm một chỗ trong thư viện để thực hiện những giấc ngủ không giờ giấc.

Thuở ấy, tôi gặp một ác mộng giữa ban ngày trong lúc nghỉ lưng trong thư viện. Tôi thấy mình dọn đi học xa.  Không có cơm của Mẹ.  Chẳng có canh của Ba.  Chết!  Tuy vậy, tôi vẫn sống vớt sống vát với những phần thức ăn nửa vời mà tôi tự nấu lấy.  Điều đáng nói duy nhất là tôi biến thành một thực thể biết di động, mà bản thân tôi cũng chẳng thể nhớ được hình thù.  Tôi bật dậy, hét thật to, để nhận ra mình đang ấm áp trong giường với mùi hương hoa cỏ mẹ tôi xông ngào ngạt trong phòng.  Có lẽ khi chuyển đi học xa, tôi sẽ dắt mẹ tôi theo.

Một thuở khác, tôi bị bệnh trong kỳ nghỉ mùa đông.  Đây quả là một ác mộng thực sự chứ chẳng phải như ác mộng ban ngày.  Tôi bị bệnh cảm liệt giường đến ba tuần liên tục.  Khi cơn sốt đã thuyên giảm, Ba tôi không chịu nổi cảnh tôi ho như thể muốn văng phổi ra ngoài.  Ba bảo tôi tăng gấp đôi liều thuốc ho, nhưng tôi bướng bỉnh, "Không!  Con muốn ăn nem chua à!"  Em út thương tôi, liền lò dò ra chợ mua về một vĩ nem chua đỏ au.  Cả nhà đều ngạc nhiên, và nhất là tôi, khi thấy tôi hết ho sau khi liền tù tì ăn hết vĩ nem.  Tôi khỏe lại, vừa kịp chuẩn bị cho khóa học mùa Xuân.

Là đứa con áp út trong gia đình năm anh chị em là một diễm phúc.  Tôi có thể vòi vĩnh bằng thích, mà không bị mang tiếng là nhõng nhẽo.  Ba anh chị lớn lúc nào cũng mua đồ cho "hai đứa nhỏ," dù hai đứa ấy đã sắp tốt nghiệp đại học cả rồi.  Nhưng điều tôi trân trọng nhất là sự thương yêu và chăm sóc của anh chị dành cho tôi.  Anh sẽ "cứu" tôi khi máy in không chịu chạy, chị thì chỉ cho tôi đánh bài cách dòng khi tôi mới vô đại học, hay giúp tôi khi máy vi tính bị đứng.  Tôi mang ơn Ba Mẹ đã sanh cho tôi những anh chị em, để thương yêu tôi và cho tôi được hạnh phúc.

Một tuần trước lễ ra trường, tôi nghe Ba Mẹ bàn bạc với nhau để nấu mừng tôi.  Hai ông bà cãi nhau xem ai có quyền nấu món gì.  Ba Mẹ tôi lúc nào cũng nấu chung.  Các bữa cơm lúc nào cũng ngon lành lạ.  Cũng giống như nuôi dạy con vậy, cả hai cùng nâng đỡ và chia sẻ với nhau.  "Cơm nhà" là vậy đó, không cần đặt hàng, lúc nào cũng ưu ái trao ban.  Thức ăn làm khoan khoái vị giác và nuôi dưỡng con tim.

Tốt nghiệp đại học, tôi sẽ dùng kiến thức của mình để xây dựng cuộc sống.  Nhưng tôi cảm thấy như mình đã "tốt nghiệp" từ vòng tay yêu thương của Ba Mẹ từ ngày Ba Mẹ đưa tôi vào thế giới này, và trao cho tôi tấm bằng của Tình Yêu Vô Điều Kiện.  Tôi nghĩ đó là lý do tại sao tôi đi đứng vững vàng trong cuộc đời.  Và bạn biết không, tôi đã chẳng phải vất vả lấy test như khi đi học đại học.  Bài kiểm duy nhất là cảm nhận sự ấm áp bao trùm sự hiện hữu của tôi.

Những chiều kích thiêng liêng.

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Trangđài Glassey-Trầnguyễn - Vận động VELI: Chương trình Giáo Dục Song Ngữ Anh Việt tại Quận Cam



Bài & hình: Trangđài Glassey-Trầnguyễn

Vận động VELI


Chiều ngày thứ Bảy, 4 tháng Năm, 2013, Ban Vận Động cho Chương trình Vietnamese English Language Immersion (VELI) đã có buổi thảo luận đầu tiên tại Trung Tâm Công Giáo, Santa Ana, Quận Cam.

Chương trình do MC Nguyễn Khoa Diệu Quyên và Luật sư Đỗ Phủ điều khiển.Uỷ Viên Nguyễn Quốc Bảo, Học khu Garden Grove, đã mở đầu chương trình với phần phát biểu về nhu cầu tiếng Việt trong giáo dục. 

Sau phần trình bày slidewshow với cô giáo Huyền Vy, là phần phát biểu của Quý Cha Vũ Ngọc Long, Hoà Thượng Thích Viên Lý, và Mục Sư Văn Đài. Kế đến là phần hội luận với LS Nguyễn Anh Tuấn, Cô Tammy Trần, GS Quyên Di Chúc Bùi, GS Phạm Thị Huê, Thầy Nguyễn Văn Khoa. Sau đó, còn có phần phát biểu của Giáo sư Lưu Trung Khảo, Giáo sư Trần Ngọc Dung, Tiến sĩ George West, Giáo sư Song Thuận, vv.Những vị này đã hoạt động trong lãnh vực giáo dục trong cộng đồng cũng như tại các trường công lập Hoa Kỳ trong nhiều năm qua. 

Những vấn đề chính

Mỗi thuyết trình viên trình bày một khía cạnh của VELI, từ ngân sách đến sách giáo khoa, và huấn luyện giáo viên. Mở đầu, Ban Tổ Chức đã đặt ra câu hỏi sau đây cho Cô Tammy Trần, “Với trách nhiệm của một người đóng thuế, là chủ một căn nhà, và một gia đình mới, định cư trong Học Khu Garden Grove, cô Tammy sẽ trả lời sao khi có người nói rằng, Các trường học không có đủ tái chánh cho chương trình này?”

Cô Tammy đáp, “Là người đóng thuế, chúng ta có quyền đòi hỏi để tiền thuế được sử dụng cho những nhu cầu cần thiết cho cộng đồng của chúng ta. Tiếng nói của cử tri Việt rất đông và rất mạnh. Chúng ta có thể sử dụng hữu hiệu sức mạnh này để vận động cho ngân sách cho VELI.”

Với Luật sư Anh Tuấn, theo kinh nghiệm của một luật sư rất thành công, ông có cảm nghĩ gì về sự đòi hỏi phải biết hai ngôn ngữ và văn hoá trong công việc chuyên môn và trong các ngành nghề khác? Luật sư đã khẳng định rằng, người có khả năng song ngữ luôn luôn tìm việc dễ dàng hơn, và được trả lương cao hơn.

Câu hỏi kế tiếp được đặt ra cho Thầy Nguyễn Văn Khoa, cũng là Giám đốc của Công ty Thực Phẩm Quốc Việt. Trong cương vị là Chủ tịch điều hành của Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California, với hơn 90 trường Việt Ngữ, Thầy Nguyễn Văn Khoa nghĩ chương trình này sẽ ảnh hưởng đến tổ chức của các trường Việt Ngữ cuối tuần như thế nào? 

Cùng một tư tưởng với các vị thuyết trình viên khác, Thầy Khoa nói, “Theo tôi, sự đóng góp này không những sẽ đưa tiếng Việt qua 1 giai đoạn phát triển toàn diện cho con em ViệtNam, mà còn cho sự phồn vinh của đất nước Hoa Kỳ nói chung và cho chính niềm hạnh phúc của các em nữa.Chúng ta sẽ có điều kiện để giữ ngôn ngữ trong sáng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc bằng chính phương tiện và tổ chức của ngành giáo dục Hoa Kỳ. Quốc gia Hoa Kỳ sẽ mang được nhiều điều lợi về các mặt công ăn việc làm, về an ninh quốc gia, giao thương quốc tế, nghiên cứu, sáng tác nhằm phong phú hoá cuộc sống sinh động tại quốc gia được gọi là Hiệp Chủng Quốc này.”

Thầy Khoa còn nói thêm, “Tóm lại, nếu đươc Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove chấp thuận, việc giảng dạy Việt ngữ tại các trường cuối tuần mang thêm ý nghĩa; Việt ngữ có thêm một môi trường mới bổ túc cho việc giảng dạy chỉ 2 giờ 1 tuần tại các trường. Và là 1 động lực mới để phụ huynh và chính con em chúng ta yêu thích: nói, đọc, nghe, tranh luận bằng tiếng Việt, học lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam bằng tiếng Việt và các thế hệ sau sẽ luôn hãnh diện là người Việt Nam!”

Thầy Quyên Di, người đã sát cánh với phong trào Việt ngữ từ những ngày đầu tiên, được hỏi về kinh nghiệm thiết lập một chương trình song ngữ mà Thầy đã cố vấn tại bang Washington. Thầy Quyên Di đã cho biết cả cảm nghĩ và cảm xúc của mình. Thầy rất ‘ghen tỵ’ vì hai nơi khác đã có chương trình song ngữ, là Seatle và Houston. Thầy nói, "Quận Cam là nơi có người VIệt đông nhất trên thế giới, trong khi hai nơi khác Houston và Seatle lại đi trước trong việc này. Tuy nhiên, tuy là thứ ba, nhưng chúng ta sẽ trỗi vượt hơn các nơi khác, vì chúng ta có nhiều nhân tài, và đông người." 

Về mặt giáo viên, Cô Phạm Thị Huê, Đại học cộng đồng Orange Coast, đã nói, "Hiện nay, chúng ta chưa có đủ Thầy Cô, nhưng chúng ta sẽ có đầy đủ giáo viên. Tôi bảo đảm như vậy." Hơn nữa, chúng ta có thể tuyển dụng các Thầy Cô biết tiếng Việt đã tốt nghiệp giáo viên trong những môn khác cho chương trình VELI. Đó là vì, như Cô Huê nói, "Lý do tâm lý rất quan trọng. Những thầy cô này đã yêu nghề giáo, và sẽ tận tụy với việc dạy tiếng Việt cho các em."Từ 2008, giáo viên đã không được trưng dụng, và đây là một điều đáng tiếc.

Một vài quan ngại

Ban điều hợp đã mời quý khách mời đặc biệt trong cử toạ phát biểu ý kiến. GS Lưu Trung Khảo bày tỏ một vài mối lo liên quan đến VELI. Ông nói, "Đây là một tin mừng, tuy đến hơi muộn. Tuy chúng ta đã có những chương trình song ngữ tại tiểu bang này cho nhiều sắc dân khác, Hàn/Hoa/Đức/Mễ/etc, nhưng chúng ta phải đặt ra vấn đề. Một, ngân sách, vì tiểu bang đang thâm thủng ngân sách. Liệu sẽ có đủ để lo cho chương trình này không? Bên cạnh, liệu chúng ta có chuẩn bị sách giáo khoa kịp thời không? Ngoài ra, chúng ta có được sự hỗ trợ của phụ huynh không?"

Về việc phụ huynh sẽ nghi ngờ, lo sợ rằng con em sẽ bị xao lãng tiếng Anh, Thầy Quyên Di trấn an, "Đây là một chương trình có tuyển lọc, không dễ dàng được vào. Họ sẽ chọn một số học sinh các sắc tộc khác, cũng như người Việt." Thầy còn quả quyết, “Những chương trình như VELI sẽ giúp nước Mỹ lãnh đạo thế giới.” 

Về mặt ngân sách, Cô Huê cho rằng đang có nhiều thuận lợi, vì California đang ‘được mùa.’ Theo Cô, “Năm nay, tiểu bang CA được mùa, có thêm tiền cho giáo dục. Nhờ Proposition 30, năm nay đại học cộng đồng sẽ mở nhiều lớp học.”

Thầy Quyên Di cũng nói thêm, “Đây là những quan ngại cần thiết. Washington rất đầu tư về giáo dục. Tôi tư vấn cho học khu từ tháng Giêng đến tháng Sáu, với một vị khác. Họ trả chúng tôi $70 ngàn một người. Vị Giám đốc trên chúng tôi, có lẽ khoảng $150 ngàn. Do đó, ngân sách là một yếu tố cần thiết. Nhưng như Cô Tammy nói, chúng ta là người đóng thuế, chúng ta có quyền đòi hỏi tiền thuế được sử dụng vào những nhu cầu thiết đáng nhất, như VELI.”

Gs Song Thuận, Chủ Tịch "Hùng Ca Sử Việt," cũng vừa vui lo. Ông nói, “Đây là một tin mừng. Tất cả những trở ngại, chúng ta sẽ vượt qua. Chúng tôi đã nghĩ về vấn đề sách giáo khoa nhiều năm nay. Bây giờ, có một nhu cầu mới về sách giáo khoa. Sách cần phải làm ra ở đây.” 

Gs Trần Ngọc Dụng, người đã dạy tiếng Việt ở nhiều đại học tại Nam California, cũng góp lời, "Xin bày tỏ lòng vui mừng. Nguyện ước của tôi khi còn ở Việt Nam là được dạy tiếng Việt khi sang Mỹ. Sách Giáo Khoa thì chúng ta có nhiều bộ. Bảo đảm sẽ có bộ sách giáo khoa nhanh chóng nếu chúng ta nắm được giáo trình mà CSUF đưa ra. Hôm nay, lẽ ra chúng ta phải có nhiều người tham dự, nhưng vẫn còn nhiều ghế trống. Chúng ta cần cho phụ huynh biết một em nhỏ có thể học 6 thứ tiếng mà vẫn giỏi như thường."

Tiến sĩ George Watts thuộc học khu Garden Grove cũng phát biểu, "Tôi là một người Việt qua hôn nhân. Nước Mỹ thời tôi lớn lên rất khác với hôm nay. Thời đó, có ngoại ngữ tiếng Pháp (cho ai muốn học y khoa), Đức (cho bách khoa), và Tây Ban Nha. Lúc đó, chúng ta thật sự có một 'melting pot.’ Bây giờ, chúng ta đã thành salad bowl, hay theo kiểu Canada, một mosaic." Do đó, nhu cầu duy trì văn hoá cho mỗi cộng đồng thiểu số là một điều hiển nhiên.

Là người đi đầu trong cuộc vận động VELI, Ủy viên Bảo Nguyễn thuộc học khu Garden Grove nhấn mạnh, "Khi người trẻ tuổi không trình bày tư tưởng cá nhân của họ cho người lớn, hay ngược lại, thì đó là một sự bất công cho cộng đồng."

Từ những Trung Tâm Việt Ngữ…

Tôi muốn kết thúc bài viết này bằng cách nhìn lại những sinh hoạt giáo dục văn hoá trong cộng đồng Mỹ gốc Việt, cũng như trong các hệ thống giáo dục tại các địa phương có những cộng đồng gốc Việt lớn mạnh. Suốt hai mươi năm qua, tôi đã hoạt động trong nhiều lãnh vực, từ nghiên cứu đến truyền thông, từ giảng dạy Việt ngữ đến tu nghiệp cho các thầy cô trường công lập cũng như thầy cô Việt ngữ, và tôi hãnh diện với những bước tiến mới hôm nay của cộng đồng trong việc phát huy tiếng Việt tại Hoa Kỳ. 

Tôi cho rằng những cố gắng tự phát của người Việt tỵ nạn từ bước đầu tiên đã đưa đến những bước tiến hôm nay, như những hoạch định cho VELI. Nếu không có những trường Việt ngữ, những chương trình văn hoá cộng đồng để giữ gìn di sản dân tộc, thì sẽ không có những bệ phóng cần thiết để đưa tiếng Việt vào giáo dục dòng chính. Do đó, vai trò của cộng đồng vẫn là vai trò tiên quyết trong công cuộc vận động này. 

Tôi xin trở lại phần mở đầu phát biểu của Thầy Nguyễn Văn Khoa. Thầy nói, “Khởi đầu, khi người Việt tị nạn CS rời bỏ quê hương ở trong trạng thái bàng hoàng, tức tưởi thì chỉ thời gian rất ngắn sau đó, nhìn những đứa con, đứa cháu, rồi nhìn về tương lai con em: một mặt muốn con em thành đạt nơi xứ người, mặt khác không chấp nhận sự mất mát lớn lao trong thế hệ con em về ngôn ngữ về văn hoá của mình, nên từ nhận thức đi đến hành động,tạo ra các lớp Việt ngữ ở các nơi. Rộng khắp, đều đặn, mạnh mẽ đến nỗi mọi người đều gọi là Phong Trào Việt Ngữ. Ý muốn diễn tả sự nô nức gần xa, cha mẹ, ông bà, anh chị mọi tầng lớp cùng đứng ra lo cho con em học tiếng Việt với câu nhắc nhở: Tiếng Việt Còn, Người Việt Còn, hoặc một câu nhận định: Chỉ sợ đàn con quên Việt Ngữ, đừng lo lũ trẻ kém Anh Văn...”

Thầy tiếp, “Bao nhiêu nỗ lực của mọi giới, âm thầm như những mạch nước ngầm của thầy cô tưới mát vườn hoa ngôn ngữ, và rồi Việt ngữ đã lần lần đưa vào khuôn khổ giảng dạy, có huấn luyện thầy cô, có sách giáo khoa, có các sinh hoạt văn hoá rộng rãi hơn, nhằm nỗ lực giữ ngôn ngũ trong sáng, văn hoá đưọc bảo tồn. Những năm gần đây, tiếng Việt lần lượt đựợc đưa vào trung học, vào đại học công lập để giảng dạy như một ngoại ngữ (foreign language) và rồi hôm nay lại bước qua 1 giai đoạn mới nữa, là tiếng Việt đươc coi như 1 ngôn ngữ chính để các em học sinh khi bước vào lớp học đầu đời được học thẳng từ ngôn ngữ mẹ đẻ hoặc là ngôn ngữ chính cho các học sinh sắc dân khác, trong việc học toàn bộ chương trình các môn như: Toán, Khoa Học, Lịch Sử ... ở cấp tiểu học.”

Hơn nữa, khi chúng ta nhìn vào sự bền bỉ của hàng trăm Thầy Cô giáo thiện nguyện, hằng ngàn phụ huynh học sinh hằng tuần đưa con em đến lớp, và hàng chục ngàn học sinh sinh viên mỗi cuối tuần chăm chỉ ôn luyện tiếng Mẹ đẻ, thì chúng ta thấy, đó chính là đòn bẩy để nâng VELI lên cao, đặt chương trình này vào trọng tâm của chính sách giáo dục công cộng tại Quận Cam và các cộng đồng Mỹ gốc Việt khác.

Chương trình Việt ngữ tại Đại học CSU Fullerton

Tiếng Việt không chỉ quan trọng đối với giáo dục sơ cấp, mà còn ở bậc đại học và xa hơn. Với sự hợp tác giữa phân khoa Nhân Văn và Khoa Học Xã Hội, (College of Humanities and Social Sciences) và phân khoa Giáo Dục (College of Education), trường đại học Cal State Fullerton đã nỗ lực trong công việc phát triển ba chương trình tiếng Việt. 

Natalie Trần, một giáo sư trong Khoa Giáo Dục tại Đại học CSU Fullerton, nói về ba chương trình này như sau, “Thứ nhất, là Chương Trình Sư Phạm Giảng Dạy Việt Ngữ, có tín chỉ được công nhận để chuẩn bị cho các giáo viên dạy tiếng Việt  tại các trường trung học từ lớp 7-12. Kế đến, là Chương Trình Song Ngữ (Việt-Anh) để đào tạo giáo viên dạy trong lớp K-12 được phép dùng song ngữ. Có nghĩa là giáo viên có thể hướng dẫn bằng tiếng Việt và tiếng Anh khi giảng dạy bất cứ một môn học nào (như toán, khoa học, cách đọc, vv ...). Thứ Ba, là Văn Bằng Cử Nhân Việt Ngữ, một văn bằng đại học có mục đích học hỏi sâu xa tiếng VIỆT bao gồm: ngôn ngữ, văn chương, lịch sử, nghệ thuật, vv… Chương trình này sẽ chuẩn bị cho sinh viên các địa vị trong nghề nghiệp và công việc làm nhờ vào kiến ​​thức về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam.”

Về vai trò của mình trong ba chương trình này, Cô Natalie nói, “Tôi đang phối hợp các bộ môn khác trong chương trình để cố vấn trong việc đào tạo các lớp học của chương trình và hợp tác với cộng đồng Việt nam để nghe những đóng góp và ý kiến từ cộng đồng trong việc xây dựng chương trình.”

Cô Natalie còn nói thêm, “Chúng ta thấy được rằng việc phát triển của các chương trình này đến từ sự hợp tác giữa trường đại học Cal State Fullerton và cộng đồng Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng chương trình sẽ phục vụ nhu cầu và hỗ trợ sự phát triển của cộng đồng Việt Nam hiện nay và trong những năm sắp tới. Mọi chi tiết, xin vui lòng liên lạc với Tiến Sĩ Natalie Trần, qua địa chỉ email: natran@fullerton.edu  hay qua điện thoại (657) 278-5481.”

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

Trangđài Glassey-Trầnguyễn - đất người, quê thói



Trangđài Glassey-Trầnguyễn

Nếu hai Bác không đến nhà gặp Ba Mẹ để hỏi cưới con thì sao?
Thì con xin phép chia tay với con trai của hai Bác.

Trong lần sơ ngộ khi Ba Mẹ chồng tôi từ Châu Âu sang California dự lễ ra trường của con trai, ông bà đã hỏi tôi như vậy. Việc nhà trai đến nhà tôi làm lễ dạm ngõ không chỉ quan trọng đối với tôi vì danh dự của gia đình, vì sự đền đáp của tôi đối với đấng sinh thành, vì phẩm giá của cá nhân tôi, mà còn vì đó là một phần hãnh diện của tôi đối với văn hóa gốc.


hương quê khác họ

Tôi may mắn di dân ở tuổi trưởng thành, khi tôi đã có một ý thức rõ rệt về căn tính văn hóa của mình, và chọn giữ một nếp sống nhiều Việt tính. Điều chỉnh văn hóa không chỉ xảy ra khi một người định cư ở một quốc gia khác, mà ngay cả khi trong nước, vì những phong tục văn hóa cũng luôn thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, chỉ ở hải ngoại, khi văn hóa Việt được đưa vào một xã hội khác, thì những cọ xát văn hóa mới thực sự xảy ra một cách mạnh mẽ và thấu đáo, từ những việc rất nhỏ trong nếp sống đến những điều sâu xa hơn trong tư duy sắc tộc.

Căn cội sâu nhất của văn hóa không thuộc về những hình thức hay nghi lễ cố định, mà nằm trong ý nghĩa và tư duy đằng sau mỗi phong tục tập quán. Theo thời gian, con người có thể thay đổi cách thể hiện mỗi phong tục tùy theo nhu cầu và thị hiếu của xã hội, nhưng ý nghĩa sâu xa đằng sau mỗi phong tục không thay đổi, mà chỉ được phong phú và làm nổi bật hơn. Đơn cử trường hợp cưới hỏi. Từ những phong tục cổ chúng ta chỉ được biết qua ca dao như tục nộp cheo, cho đến những hình thức cưới hỏi của hôm nay để thích ứng với xã hội loài người ở thế kỷ 21, tất cả cũng chỉ quy về một điểm: ngày thề nguyền yêu thương của đôi tân hôn, ngày đại hỷ của hai họ.

Khi chuẩn bị lập gia đình, tôi dành thời gian tìm hiểu về phong tục cưới hỏi của người Việt, vừa ôn lại những gì mình biết, đào sâu những gì mình chưa biết, vừa hệ thống hóa tất cả những kiến thức đó. Có hai lý do khiến tôi chuyên tâm làm việc này. Thứ nhất, tôi luôn thích tìm hiểu và quý trọng văn hóa Việt Nam, nên thường tạo cơ hội để mình đào sâu và tích lũy vốn liếng quý giá này. Thứ hai, chồng tôi không phải là người Việt, nên tôi phải đóng vai trò ‘đại diện’ cho văn hóa gốc của tôi, để hướng dẫn anh và gia đình anh về những hạt ngọc mà tôi muốn gìn giữ trong di sản tinh thần của tôi.

Tôi xin cố vấn với những vị quan tâm và dấn thân cho văn hóa Việt mà tôi quen biết ở khắp nơi. Nghị Viên Vũ Khánh Thành, MBE, ở Luân Đôn đã chu đáo gửi sang cho tôi quyển cẩm nang về phong tục cưới hỏi của người Việt do Viện Nghiên Cứu Nho và Đông Nam Á tại Luân Đôn thực hiện. Những tài liệu như vậy cho tôi một nhịp cầu với những thế hệ đi trước, giúp tôi an tâm khi có trong tay một phần của bản đồ văn hóa Việt Nam. Nếu đời trước không truyền lại, đời sau lấy gì để học và sống văn hóa?

Vậy người Việt hải ngoại – trong những cọ xát văn hóa khi tủa đi tỵ nạn và di cư trên toàn thế giới – đã giữ lại những gì từ văn hóa gốc? Câu hỏi thật đơn giản, nhưng câu trả lời thì ngược lại. Mỗi quốc gia thứ hai có những hoàn cảnh riêng biệt, cho phép cũng như khiến cho người Việt ở nơi đó thích ứng theo điều kiện có thể. Ở Quận Cam, California, chẳng hạn, người Việt tụ họp đông đảo, mỗi dịp lễ hội từ Tết Nguyên Đán đến Rằm Trung Thu đều có những sinh hoạt cộng đồng sống động và đầy sức sống, kết hợp văn hóa Việt Nam và những nếp sống địa phương, như đi diễu hành ở Little Saigon, hay những trò chơi hiện đại tại Hội chợ Tết. Ở những vùng ít người Việt tại Châu Âu, chẳng hạn như thủ đô Stockholm của Thụy Điển, Tết Nguyên Đán được tổ chức lặng lẽ hơn, khánh tiết đơn giản hơn, nhưng lại gần hơn với cái Tết truyền thống, ít có những ‘biến tấu.’ Nhưng dù ‘tân thời’ như Tết của Bolsa, hay ‘cổ truyền’ như Tết của Stockholm, ý nghĩa của ngày Tết – và sự thiêng liêng, nỗi háo hức, tình gia đình trong những ngày trời đất giao mùa này – vẫn không thay đổi, dù chúng ta ở nơi nào trên quả địa cầu.

ăn, nói, gói, mở

Chúng ta đi, mang theo quê hương. Nhiều người đã nói như thế về kinh nghiệm tỵ nạn. Và trong quê hương đó, có văn hóa. Văn hóa chính là linh hồn của quê hương, được thể hiện qua nhiều chiều kích, từ ngôn ngữ cho đến ẩm thực, từ sinh hoạt hằng ngày cho đến đời sống tinh thần. Để thực hiện một cuộc thống kê quanh thế giới xem người Việt hải ngoại ở khắp nơi giữ những phong tục nào, giữ làm sao, thay đổi chỗ nào, thì không ai làm nổi. Nhưng tôi cho rằng có một nguyên tắc cơ bản có thể tổng kết được một phần lớn những thích ứng và duy trì văn hóa này, đó là: ăn, nói, gói, mở.

Học ăn, học nói, học gói, học mở – câu tục ngữ này tóm tắt được những gì chúng ta đang làm trong thổ ngơi văn hóa gạch nối (hybrid) ở hải ngoại. Học ăn – có thực mới vực được đạo. Ẩm thực là con đường gần nhất để đưa người ta đến với một văn hóa khác. Ở những vùng thịnh văn hóa như Quận Cam, người ta có thể thưởng thức những món ăn tuyệt hảo của biết bao quốc gia trên thế giới, cho dù chưa biết nhiều (thậm chí không biết gì) về những nước này. Nhưng trong ẩm thực cũng hàm chứa biết bao ý nghĩa văn hóa tiềm ẩn. Thử lấy trường hợp ăn phở. Người Việt Nam rất chuộng tinh thần dân chủ, nhưng cũng hết sức đề cao tính cộng đồng. Mỗi người chọn cho mình thịt tái hay chín và các nạm gầu gân sách khác nhau, nhưng mọi người cùng chung nhau nồi nước phở, rổ bánh phở, và đĩa rau giá ớt, ai thích gì thì thêm nấy, ít nhiều tùy hỷ.

Học nói. Ngôn ngữ chất chứa văn hóa. Thích ứng ngôn ngữ cũng cần thiết là một con đường hai chiều, từ việc sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ trong gia đình, đến việc trân trọng và đề cao tiếng Việt trong các sinh hoạt truyền thông, văn chương, sáng tác, nghệ thuật phim ảnh, ca nhạc. Quan trọng nhất là chúng ta cần tham gia vào đời sống trí tuệ của dòng chính, đồng thời mang theo tư duy của văn hóa dân tộc theo mình. Đây là điều mà tôi đã vạch ra cho mình trong học thuật và nghiên cứu, và sau gần hai mươi năm thực hiện, thấy rất khả thi và hữu hiệu.

Gần bốn thập niên sau khi người Việt định cư tại hải ngoại, nhiều tác giả hay đạo diễn đã dùng tư duy Việt trong tác phẩm của mình, phản ảnh kinh nghiệm sống mà trong đó văn hóa Việt được thể hiện một cách cụ thể và vi tế. Tuy nhiên, chúng ta không thể không nhắc đến cái ảnh hưởng và cách biểu đạt của văn hóa bản xứ trong những tác phẩm này. Một số tác giả thuộc dạng hybrid trong sáng tạo, họ lai hai văn hóa, cho dù dòng máu của họ thuần Việt. Cho nên cho dù chúng ta nhận ra trái tim Việt Nam trong sáng tác của họ, thì chắc chắn chúng ta cũng thấy nguồn ôxy là của xứ chủ lưu, và mạch máu đôi khi lại là mạch máu địa phương, vì những đạo diễn hay tác giả này sinh trưởng tại hải ngoại.

Hơn nữa, vì áp lực phát triển chuyên môn, rất nhiều các tác giả và đạo diễn gốc Việt thành danh đều dùng ngôn ngữ bản xứ, và như vậy, trái tim Việt Nam không còn thuần túy Việt Nam nữa – nó đã được chuyển hình và có một nhịp đập mới. Như đã nói, ngôn ngữ chất chứa văn hóa. Khi một nhà văn chọn một ngôn ngữ để sáng tác, thì chính ngôn ngữ đó đã vô hình chung đóng một dấu ấn trên tác phẩm và tâm thức của tác giả. Cho nên có thể những tác giả này vẫn dùng nước mắm để nêm nếm cho tác phẩm của họ, nhưng cách nấu thì không còn thuần túy Việt Nam, và sản phẩm sau cùng cũng sẽ mang một nhân diện riêng của nó. Sự phức hợp trong chọn lựa và thể hiện này nói lên việc chúng ta phải học gói, học mở trong môi trường sống ở hải ngoại: nên gói ghém như thể nào để đưa văn hóa gốc vào đời sống nhập cư, và nên mở ra những phương thức mới nào để hài hòa và thích ứng với xã hội chủ lưu.

Văn hóa là một thực thể sống, không cứng ngắc và đóng khung, hay bất biến. Ngay cả khi văn hóa không “di cư” ra khỏi Việt Nam, thì cũng đã có nhiều thay đổi cá thể. Nhưng những thay đổi trong một văn hóa không thể được ‘định lượng’ dễ dàng, vì khi nói đến văn hóa, thì không phải nói đến một đề toán có thể dùng cộng trừ nhân chia để đưa ra một con số rõ ràng, dứt khoát. Không mấy ai có thể gột tả hết những thay đổi tâm lý của một cô gái ở tuổi dậy thì. Văn hóa cũng ‘dậy thì’ khi trãi qua một sự thay đổi. Cái ‘dậy thì’ của văn hóa còn mênh mang và mạnh mẽ hơn cả cái dậy thì của bất cứ thiếu nữ nào.

đất người, quê thói

Đang nằm ở phòng hồi sức trước khi được chuyển qua khu sản phụ, tôi nửa tỉnh nửa mê, vừa ôm con mới sinh vừa nói chuyện với chồng và con đầu lòng, thì cô y tá cười và nói với tôi:

Xin chia buồn với chị. Cả hai cháu đều giống anh như đúc, không giống mẹ chỗ nào cả!

Cô y tá không phải là người Việt, nên tôi không ứng đáp với câu tục ngữ “Con giống cha, giàu ba họ.” Tôi chỉ nói:

Thưa Cô, tôi mừng là như vậy. Vì xác thì giống Ba, nên hồn sẽ giống Mẹ.

Tôi vẫn đùa là các con tôi muốn tự chứng minh gia phả của mình, nên đứa nào cũng rinh nguyên bàn tay, cái mũi, tướng đi của Ba làm của riêng. Văn hóa Việt ở xứ người cũng là những đứa con của hai nền văn hóa, sản phẩm của một dạng ‘hôn nhân song tộc.’ Những nghi thức cử hành Tết Nguyên Đán, hay cưới hỏi, tuy có thay đổi để thích ứng với thị hiếu mới và hoàn cảnh ở địa phương mới, nhưng tâm tình vẫn là những gì đã được truyền lại từ bao đời trước qua nhiều cách khác nhau, từ gia đình cho đến cộng đồng. Và như vậy, hình thức dù có thay đổi, nhưng ý nghĩa và cốt lõi vẫn không đổi, cho dù đã có thêm những ý nghĩa mới. Diễn hành Tết ở Bolsa là một hình thức mới, nhưng nó vẫn quy về cái thiêng liêng và sự quan trọng của những ngày đầu năm. Nhờ vậy, nên dù ở ‘đất người,’ chúng ta vẫn duy trì di sản của ‘quê thói.’

Trong đời sống ở hải ngoại, người Việt thích ứng văn hóa như một chọn lựa có ý thức. Chúng ta quyết tâm hội nhập, nhưng vẫn muốn giữ lại bản năng văn hóa của mình. Sự hội nhập của lớp trẻ gốc Việt tại Mỹ, hay tại các nơi khác, đều chịu ảnh hưởng lớn của môi trường địa phương. Có một sự tình cờ rất thú vị khi tôi thực hiện hai cuộc phỏng vấn độc lập về nhân diện văn hóa với hai bạn trẻ sinh ở hải ngoại và chưa hề gặp nhau, một sống ở Bắc California, và một ở Lausanne, Thụy Sĩ. Cả hai đều nói mình 70% Mỹ hoặc Thụy Sĩ, và 30% Việt Nam. Điều này cho chúng ta thấy có một điểm tương đồng nào đó trong quá trình hội nhập của lớp trẻ Việt tại hải ngoại.

Chỉ trừ ngoại lệ của Little Saigon, Quận Cam, hay những cộng đồng lớn khác, ở các cộng đồng người Việt hải ngoại nhỏ hơn, văn hóa và ngôn ngữ chủ đạo vẫn là của dòng chính. Do đó, nhân diện văn hóa của các bạn trẻ ở những cộng đồng ít người Việt sẽ bị ảnh hưởng bởi dòng chính nhiều hơn, có nghĩa là họ sẽ hội nhập một chiều nhiều hơn vì không có môi trường văn hóa sắc tộc để nuôi dưỡng họ. Trong trường hợp này, ‘quê thói’ đã bị mai một rất nhiều.

Khi nói đến sự giao thoa giữa hai văn hóa, thì ‘dung hòa’ có vẻ thụ động và hơi êm tai. Hội nhập là chọn lựa có ý thức những gì mình muốn giữ từ văn hóa gốc, và học những gì mình thấy hay từ văn hóa thứ hai. Dung hòa nghe rất êm ả, nhưng hội nhập văn hóa là những giằng co và chọn lựa khốc liệt. Trong quá trình hội nhập, hai nền văn hóa sẽ cọ xát với nhau trong cuộc sống của một cá nhân, và khiến cho cá nhân đó đôi khi phải rất nhức đầu để chọn lựa, mà đôi khi lại là sự tiến thoái lưỡng nan. Cho nên, hội nhập văn hóa là những chọn lựa hằng ngày trong đời sống. Một ví dụ đơn giản nhưng phổ biến: Lập gia đình rồi, nên ra riêng, hay ở chung với Ba Mẹ, nhất là khi mình là con một? Ba Mẹ gắn bó với mình quá, thì cũng quyến luyến, khó đi. Mà không đi, thì lại có những lấn cấn khác.

Lúc chị gái tôi lấy chồng và dọn ra riêng, tuy mừng cho hạnh phúc của chị, nhưng tôi buồn và nhớ chị, tôi hỏi Ba, “Ba ơi, sao chị dại quá, đổi sáu người trong nhà để lấy một người dưng?” Nếu được, chắc tôi đã dụ dỗ cả hai vợ chồng chị về ở chung rồi. Nhưng có lẽ vì đó là lần đầu tiên một người trong anh chị em rời gia đình để có đời sống riêng, nên tôi bị chấn động như vậy. Khi tới phiên mình lấy chồng, thì… tôi cũng ra riêng, nhưng lúc đó, không ai hỏi Ba tôi câu nào hết, vì đã có nhiều chị em lập gia đình dọn ra riêng trước tôi rồi, không có gì phải thắc mắc!

Có nhiều chọn lựa đòi hỏi một ý thức sâu sát hơn về giá trị của văn hóa gốc. Xã hội chủ lưu ở bất cứ quốc gia nào cũng có những định kiến về người thiểu số, và đôi khi biến những giá trị văn hóa của một sắc dân thành một điều sáo mòn. Hình ảnh cây tre của Việt Nam rất đẹp, nhưng khi bị công thức hóa trong cách suy nghĩ của xã hội Mỹ, thì nó mất cái đẹp và giá trị văn hóa của nó đi, khiến những người Mỹ gốc Á tránh dùng hình ảnh cây tre vì không muốn bị giới hạn bởi hình ảnh ấy. Tôi không đồng ý với sự tránh né đó, và dùng hình ảnh cây tre trong sáng tác của mình một cách có ý thức và có ý nghĩa. Đây là một trường hợp mà chúng ta không thể ‘dung hòa’ hai văn hóa, mà phải quyết liệt để bảo tồn một nét đẹp của văn hóa dân tộc. Ở đây, chúng ta dù ở ‘đất người,’ nhưng vẫn quyết liệt để giữ gìn một ‘quê thói’ của mình.

Ở thời đại đa văn hóa toàn cầu, giữ gìn văn hóa gốc là một cuộc chiến không có điểm dừng. Nếu chúng ta tiếp tục học ăn, nói, gói, mở, và dạy cho cháu con phương cách để làm những điều đó, chúng ta sẽ giữ được văn hóa Việt không bị trộn lẫn và biến mất trong dòng cuồng lưu đa văn hóa của ngôi làng thế giới. Sau gần bốn thập niên, cuộc đấu tranh cho dân chủ, tự do, và công bằng trên quê hương khởi đi từ những ngày đầu tỵ nạn, vẫn còn đó. Nhưng ở giai đoạn này, khi mà cộng đồng Việt hải ngoại đã có được đến thế hệ thứ tư, thứ năm, thì cuộc chiến văn hóa đã trở nên khốc liệt hơn hết. Văn hóa là chất men để làm cho những thế hệ tương lai có thể ‘dậy bột,’ tìm về với dân tộc, gắn bó với cội nguồn, và tiếp tục cuộc đấu tranh cho một Việt Nam tốt đẹp hơn.

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Trangđài Glassey-Trầnguyễn - bốn cực của bình an



Trangđài Glassey-Trầnguyễn

trong vắng lặng
của căn phòng
trong cái nắng ngọt
của một chiều cuối năm nhiều gió
cây đong đưa tình tự ngoài vườn
lòng mẹ thật bình an
một niềm bình an trọn vẹn
như thể một ngày còn thơ
mẹ xôn xang những giấc mơ ngày Tết
con là cái Tết cuối năm của mẹ
con rồng không chịu hạ phàm
nên phải mổ để con ‘bay’ ra


niềm bình an trọn vẹn
giữa bốn bức vách
mà khi đi ra khỏi nơi này
sẽ trở nên khiếm khuyết

mẹ rảo về quê hương
quay lại quá khứ
nơi biết bao người mẹ đã gói ngọn lửa chiến tranh
bằng những tờ giấy rất mỏng của tim mình
những người mẹ đó
nói cho mẹ biết
niềm bình an của hai mẹ con mình hôm nay
chỉ là một vầng trăng khuyết

mẹ nhìn về phía Nam bán cầu
nơi mà những người mẹ
dân đệ tam quốc gia
tìm đường vào đệ nhất thế giới
Nam bán cầu không chỉ trên địa lý
mà trong tương quan kinh tế, chính trị, di dân
đường lên phía Bắc chỉ mở cho hàng hóa (giá rẻ),
nhân công (bán mạng),
và những ai có đủ đặc quyền để đi xuống, đi lên

mẹ nhớ đăm đắm những hình ảnh phóng sự
về những chuyến vượt biên dài hàng tháng
những người mẹ lấm lem, lếch thếch trên những toa xe lửa xơ xác
ôm những đứa bé mới vài tháng tuổi trong tay
không đủ sữa cho chúng bú
họ cho con mình uống Gatorade từ trong chai nhựa
thứ nước ngọt cho vận động viên thể thao
đường, nước, và chất điện phân
một phản đề cho những đứa bé sơ sinh
mà sữa mẹ thì khô, sữa bột thì xa xỉ
trên con đường vượt biên vào nước Mỹ
những người mẹ không có tiền để mua ngay cả một cái núm vú nhựa cho con

như trò chơi bập bênh
cuộc đời bao chìm nổi
bao cực xuống và lên
bình an xuôi và chỗi

nhưng con ơi,
mẹ cũng không là một kẻ đồng lõa vô ý thức
của niềm bình an Mỹ quốc
vì mẹ đã sống mười chín năm hậu chiến
trong gông cùm toàn trị,
và với căn cước da vàng
trong thế giới hôm nay
mẹ đây cũng rất ‘đệ-tam-thế-giới’
cho dù mẹ con mình đang sống trong thặng dư
của một đệ-nhất-quốc-gia
trong bất công toàn cầu
kết tinh của những thể chế đẫm máu, đô hộ, đế quốc
chiếm đoạt đất của thổ dân, đồng hóa người bản xứ, xử tử quyền tự trị
bóc lột sức lao động, kỳ thị chủng tộc, phân biệt giai cấp
mẹ cũng chỉ là chiếc bách giữa dòng
xoay theo trái ngang của lịch sử
dù mẹ cố lái đời mình
xuôi con nước bình an
không chỉ bình an di dân
chẳng riêng bình an bá quyền
giữa dòng
lưu vong

mẹ bồng con đứng lên
bốn bức tường ngã xuống
thành trục số ba chiều
đưa niềm bình an của mẹ con mình
vào giữa
cùng bốn cực
bập bênh

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Trangđài Glassey-Trầnguyễn - ngọc bay về nguồn


Trangđài Glassey-Trầnguyễn



* mừng sinh nhật thứ 100 của Hàn Mạc Tử

thơ đến từ Thượng Đế i
dòng ngọc sáng Trời Cao ii
người đến từ cát bụiiii
làm cho đời thanh tao iv

hồn vẽ chân dung thơ
biến hình từ tội nhơ
càng gần trời, càng sáng
càng cuối đời, càng thiêng

thơ Hàn, dòng trăng ngọc
trôi ngược từ trần gian
càng cao càng mạnh mẽ
gần thượng nguồn, càng vang

trong ngất ngây đau khổ
bật thoát vạn hào quang
người oằn oại trần gian
thơ đã về chín cõi

thơ ngọc thuộc về Thiên Trí v
nhân gian nếm chỉ một phần vi
i Trong quan niệm về thơ gửi cho Hoàng Trọng Miên, ghi tại Quy Nhơn, Juin 1939, Hàn Mạc Tử đã viết: “Còn Trí phải lấy Đức Chúa Trời làm chân lý, làm tiêu chuẩn cho văn thơ. Văn thơ không phải bởi không mà có.”
ii Tôi ví dòng thơ Hàn như một dòng ngọc sáng, bay ngược từ cõi trần lên thượng giới.
iii Hàn đã sống một cuộc đời bình thường, nhưng đã đi vào tâm trí sáng tạo bất thường khi kết hợp tâm linh để mình được biến đổi trong Đức Tin.
iv Trong ‘Quan Niệm Thơ,’ Hàn đã viết: “Loài thi sĩ là những bông hoa quý và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mệnh rất thiêng liêng: Phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã gây nên, ca ngợi những quyền phép của Người và trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm thơ, rất tinh sạch.”
v Thiên Trí ở đây có ba nghĩa: a. tâm trí của Thượng Đế, khi dòng thơ Hàn đã siêu thoát, đã mời được “Xuân thiêng ra đời” (Lời tựa “Xuân Như Ý”); b. Hàn tên thật là Nguyễn Trọng Trí, nên Thiên Trí là Trí ở trên trời, hàm ý tâm trí của Hàn đã thuộc về trời cao, dù xác còn lung lao trong bệnh cùi; c. khi Hàn đã nên một với Tạo Hóa trong đau khổ, thì được mặc lấy cõi thiêng liêng cao sáng nhất, mà tôi gọi là Thiên Trí.
vi Đa số thơ của Hàn đều bị thất lạc, chỉ còn một số rất ít được giữ lại, theo “Sưu tập kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử” do Trăng Thập Tự chủ biên, NXB Phương Đông, 2012.

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Trangđài Glassey-Trầnguyễn - Cánh đồng tang chế, cánh cửa cảm thông: 9-11 nhìn từ những vết đau


Trangđài Glassey-Trầnguyễn

giữa đồng

Tôi không biết mình sẽ đối diện với tang chế như thế nào nếu sinh trưởng trong thời chiến. Tôi là thành viên của ‘thế hệ hòa bình,’ một cái hữu danh vô thực khá mỉa mai mà báo giới quốc tế đã gán cho những người sinh sau 30 tháng 4, 1975 như tôi. Nhưng tôi biết, tôi không thuộc thế hệ hòa bình. Tôi là con đẻ của chiến tranh, một đứa con vô thừa nhận vì những giả mạo danh nghĩa và những ‘hà chính mãnh ư hổ’ dưới chế độ Cộng Sản.


Trong bất cứ cuộc chiến nào, tất yếu sẽ có người đứng ở cả hai phía. Tôi chọn đứng ở giữa, đứng trong cánh đồng tang chế, nơi nhân sinh bị hủy mạng và xã hội rỉ máu. Tại sao? Vì ở đó, tôi mong có thể thấy rõ nhất cái dung mạo tang thương của nhân loại trong một cuộc binh khói mà không bị bối rối hay giằng kéo giữa những tranh chấp tạm thời hay muôn thuở. Và để từ đó, tôi hy vọng sẽ nhận diện được những cánh cửa cảm thông rất cần cho cuộc chữa lành cho những vết đau của con người, mà trong đó có chính tôi. Một cái nhìn từ phía dưới, cùng tầm nhìn với người dân trong thời can qua, cùng tầm nhìn với những bia mộ không còn lên tiếng được.

Tôi làm việc thực tập cho chính phủ liên bang tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn trong mùa hè 2001. Ngày ngày, tôi đi metro ngang Ngũ Giác Đài để đến văn phòng. Trong suốt ba tháng hè, tôi như trái banh lần đầu được gặp sân cỏ, lăn khắp bốn phía, lúc nào cũng tung tăng. Chính cũng trong mùa hè này, tôi được nhập tịch, nên cái cảm giác gắn bó với nước Mỹ, nhất là qua việc tìm về lịch sử ngay tại thủ đô, là một diễm phúc.

Hoa Thịnh Đốn là một thành phố đẹp với nhiều cái e ấp của riêng nó. Mùa hè tuy oi nồng, nhưng cũng rực rỡ. Du khách về hành hương thủ đô, tìm cho mình một chút nhân diện dân tộc ở các đền miếu tưởng niệm những vị tổng thống lập quốc, hay thưởng thức những buổi chiều êm đềm trong các công viên công cộng xanh rờn. Bảo tàng viện, khu di tích lịch sử, đài tưởng niệm chiến tranh, các đại lộ đón những bước chân đầu tiên của từng vị nguyên thủ mới, tất cả đều là những pho sách dày cộm mà người đọc phải dành nhiều tâm sức để tỏ tường.

Bên cạnh những cuộc gặp gỡ và sinh hoạt cho công việc của mình, tôi tự túc đi thăm Tòa Bạch Ốc với vé mời riêng từ Văn phòng Dân biểu Ed Royce. Qua lời mời của một cô bạn trong đoàn thực tập, tôi đi nghe nhạc tại Smithsonian Asian Pacific American Program. Tổ chức NAFEO cũng tổ chức pinic cho các thực tập viên. Bà Angie Hill, người điều phối chương trình, cũng mời chúng tôi về nhà có một bữa ‘cook-out’ thú vị, vì bà ở ngoại ô, sân sau rộng ngút ngàn với không gian trải dài.

Vợ chồng một vị giáo sư đỡ đầu tại Howard University đã đưa tôi đi tìm lại vết chân của George Washington và một phần lịch sử nô lệ tại Mount Vernon, chỉ cách thủ đô Hoa Thịnh Đốn có 16 dặm. Cả khu di tích lịch sử nằm bên bờ sông Potomac, vừa êm ả vừa diễm lệ. Đi qua những biệt thự mà ngày nào vị tổng thống mệnh danh “người anh hùng đầu tiên của nước Mỹ” đã từng sinh sống, tôi tưởng như lịch sử mấy trăm năm của nước Mỹ chỉ nằm đâu đây trong tầm tay với.

Cho nên, ngày 11 tháng 9, chỉ ít ngày sau khi tôi rời Hoa Thịnh Đốn, tin về trận khủng bố khiến tôi choáng váng. Tôi không cách gì mường tượng ra được cái nơi mà tôi đã sống trong suốt ba tháng hè vừa bị tấn công.  Những hình ảnh hai tòa nhà đang bốc cháy trên màn hình TV chợt phủ lấy tôi với cái cảm giác bị động, hoài nghi, không chấp nhận. Còn bạn bè thì cuống cuồng gọi điện thoại nhà tôi, điện thoại di động của tôi, và gửi điện thư cho tôi. Họ tưởng tôi còn ở Hoa Thịnh Đốn, và sợ tôi có bề gì.

Những địa điểm có phi nạn đều làm tôi giật mình. Ngũ Giác Đài, nơi tôi mỗi ngày đi qua trên đường đi làm. Pitsburgh, nơi tôi đã ghé qua một cuối tuần bằng Amtrak. New York, điểm hẹn đầy nô nức mà tôi hoãn lại cho lần sau.  Lần sau đó đã đến đúng một năm sau, khi tôi được mời dự Khóa tu nghiệp quốc tế Lịch Sử Truyền Khẩu tại Đại học Columbia vào mùa hè 2002.

Sau một năm, Ground Zero vẫn còn lạnh toát vị chết chóc. Tử khí chập chờn trong từng tia nắng đang rơi, từng hạt bụi lăn, từng âm thanh tế vi. Tôi rợn người, đi từng bước chậm. Hình như khu vực này thuộc về một không gian hoàn toàn khác với thành phố New York. Nó lặng tê. Nó bình thản. Nó cô đơn. Những bích chương, những hình ảnh gia đình, những bó hoa đang đứng sững, tưởng niệm kẻ chết và làm đau lòng kẻ sống. Những hình ảnh trên TV trở nên vô nghĩa.

Chỉ có thực sự đứng trước một tấm bích chương tự làm mới thấy cái vô vọng lẫn hy vọng đang cào cấu tâm tư của người thân còn ở lại, vật vã đi tìm người đã ra đi – layout không cần hoa mỹ, chỉ cần có hình và tên của người mất tích. Chỉ có chạm vào những bó hoa đã tàn úa bên những tấm di ảnh, mới biết cái tan nát của tử biệt, cái rã rời của vĩnh viễn phân ly. Cái vội vã của việc tìm kiếm đã phản bội sự mòn mỏi suốt 12 tháng trời của bặt tin. Cả khu tưởng niệm như một nghĩa trang không có tử thi, không nghi thức mai táng. Những hình ảnh được thân nhân mang đến đặt ở đây như những xác người bị đóng khung trong một kỷ niệm còn níu lại được, nằm lõa lồ trong mưa trong nắng, trong tuyết trong sương, thống thiết một cái chết không nguôi.

Cái nghĩa trang chưa một lần chôn cất xác người ấy là một linh vị tập thể, một linh vị công cộng, một linh vị rướm máu. Nó khóc thương cho cả người đã khuất lẫn người ở lại. Nó ghi tên tuổi mà không rõ danh tánh, nó chít khăn tang mà không dám gọi tên. Tôi chợt hỏi: một người Việt đã sống qua chiến tranh sẽ cảm, nghĩ, và làm gì khi đến nơi này? Họ có bật khóc không? Hay chết lặng? Hay sững sờ? Tôi vẫn còn rợn người khi nghĩ lại cái kinh nghiệm viếng mộ này chín năm sau.

‘mong không ai phải gặp cảnh này…’

Đề tài cho Khóa tu nghiệp Lịch Sử Truyền Khẩu năm 2002 tại Đại học Columbia là “Lịch sử truyền khẩu trong Hoàn cảnh đương đại: Ghi nhận chứng từ về Chiến Tranh, Xung Đột, và Di Tản trong Kỷ nguyên toàn cầu hóa” (Oral History in Contemporary Contexts: Documenting Narratives of War, Conflict and Displacement in the Era of Globalization). Chương trình chú trọng vào những thách đố trong việc sử dụng lịch sử truyền khẩu để ghi lại những kinh nghiệm đau thương, vừa xảy ra hay qua hồi tưởng.

Dự án Việt Mỹ, do tôi sáng lập và điều hành tại Đại học CSU Fullerton, được chọn vì nó chạm đến một đề tài rất lớn của lịch sử cận đại Hoa Kỳ: cuộc chiến Việt Nam. Thế nhưng, quan trọng hơn cả, nó được chọn cho chương trình năm 2002 vì nó nói lên kinh nghiệm của những người dân trong thời chiến, một mảng lịch sử cần thiết và quan trọng nhưng vẫn còn bỏ trống trong những tài liệu liên quan. Qua sự định hướng từ ban đầu của tôi, những chứng từ trong dự án ghi lại chính đời sống của nhiều người Mỹ gốc Việt thuộc mọi tầng lớp xã hội, từ công nhân viên chức đến những họa sĩ, thương gia, nhà khoa học.

Chương trình Lịch Sử Truyền Khẩu của Đại học Columbia đã bắt đầu thực hiện một dự án về 9-11 ngay sau cuộc tấn công. Dự án này chú trọng vào những người dân đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng bố. Có nhiều gia đình di dân, sau khi mất một người thân trong ngày 9-11, đã phải cho con cái nghỉ học để đi làm giúp gia đình. Có nhiều em sinh viên trung học phải bỏ học đi làm vì trong thời gian ngay sau 9-11, cha mẹ của các em bị đuổi việc vì họ là người di dân. Tình trạng sống của những gia đình di dân sau 9-11 tại Nữu Ước cũng bi thảm như hình ảnh Ground Zero sau cơn binh khói.

Nhưng cho dù họ đã trải qua những mất mát, khó khăn, tang chế đi nữa, những cá nhân được phỏng vấn đều nói một điều: “Mong là không ai phải chịu cảnh này…” Cái kinh hoàng của ngày 9-11 để lại cho người trong cuộc một cái nhìn thấu đáo: mạng sống con người quý giá, đã qua đau khổ thì không ai muốn chúc dữ cho đồng loại mình phải chịu cái cảnh ấy. Đoạn trường đã qua, không ai muốn người khác phải lâm vào.

Không phải hận thù. Không phải tức giận. Nhưng chính là nỗi đau. Nỗi đau – đó là di sản còn lại lâu nhất, nổi trội nhất, mạnh mẽ nhất. Nỗi đau – nó chẳng phải đã trở thành tình nhân muôn thuở của dòng nhạc thời chiến? Hận thù, chết chóc, xung đột – tất cả sẽ phải nhượng bộ cho sự hiện diện vững vàng của nỗi đau. Và trong chính nỗi đau, mà con người có thể gắn bó, nối kết, và đến với nhau. Nỗi đau là hệ quả của chiến tranh và xung đột, nhưng chính nó cũng là tiền đề cho những nhu cầu chữa lành và ước mơ yêu thương.

Nếu nỗi đau là trái tim của cánh đồng tang chế, thì chính nỗi đau cũng là chìa khóa để mở những cánh cửa cảm thông, khởi đi từ chính vành nôi tang chế ấy. Trong dịp kỷ niệm 11 năm ngày 9-11 của quê hương thứ hai, chúng ta cũng có thể hướng về quê hương thứ nhất, tìm lại những cánh đồng tang chế trong chính tâm tư mình, để hóa giải những linh vị còn rướm máu trong lòng. Và chúng ta cùng chúc lành cho nhau, để một ngày đã đến bằng chết chóc và khủng bố sẽ được hóa bướm, trở thành một ngày mà người ta tìm nhau để hàn gắn những vết thương cũ, và kiến thiết những yêu thương mới.

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

Lễ Quốc Khánh Thụy Sĩ: Như một ngày Tết Nguyên Đán


Bài: Trangđài Glassey-Trầnguyễn
Hình: Olivier Glassey-Trầnguyễn

ngày đại lễ thường niên

Xa quê hương, những cộng đồng di dân đa sắc tộc tại Hoa Kỳ đều làm cho đời sống văn hóa tại xứ này phong phú và thú vị qua những ngày lễ hội văn hóa của mình. Người Mễ luôn long trọng mừng Cinco de Mayo vào mồng 5 tháng Năm. Người Ái Nhĩ Lan mừng lễ Thánh Patrick giữa tháng Ba. Người dân Việt ở khắp mọi miền thế giới quây quần bên nhau trong dịp Tết Nguyên Đán để mừng Xuân và sống lại những giây phút văn hóa thiêng liêng. Người Thụy Sĩ tha hương thì đều họp mặt trong dịp quốc khánh 1 tháng 8 để chung vui và giữ gìn văn hóa gốc.

Vừa thưởng thức raclette, vừa nghe nhạc cổ truyền, vừa hàn huyên với bạn bè
Ngày quốc khánh vốn quan trọng đối với bất cứ quốc gia nào. Đối với người Thụy Sĩ, kể từ năm 1891, ngày mừng Độc Lập này đánh dấu sự chính thức hình thành và thống nhất của một Liên Hiệp, vốn được thiết lập từ năm 1291 với ba tổng Uri, Schwyz, và Unterwalden. Vào ngày này cách đây 821 năm, dân cư trong ba tổng đến với nhau, kết tình huynh đệ, và thề nguyền sẽ luôn luôn tương trợ nhau. Sau gần 600 năm xây dựng, Liên Hiệp Thụy Sĩ chào đời năm 1891. Trong ngày này, người Thụy Sĩ thường thổi những loại kèn thật dài (kèn được để nằm dài trên đất, với loa kèn thật to và cuống kèn thật nhỏ để người chơi kèn đứng thổi vào cuống), nghe diễn văn, hát quốc ca, mặc quốc phục, rước đèn buổi tối, đốt lửa trại, treo cờ quốc gia và cờ của các tổng (canton), thưởng thức bánh ngọt có hình lá cờ Thụy Sĩ, nhâm nhi những món quốc hồn quốc túy như fondue và raclette, và đốt pháo bông.

bên dòng Hudson, NY đến Swiss Park, CA

Thụy Sĩ là một quốc gia Châu Âu có diện tích nhỏ và dân số thấp, chỉ gần tám triệu người (so với năm 1960, chỉ có 5.4 triệu). Với một dân số thấp, con số người Thụy Sĩ sống ở hải ngoại lại tương đối cao, khoảng 10% tổng dân số. Ba quốc gia với số người Thụy Sĩ nhập cư cao nhất là Pháp (với 25% dân số Thụy Sĩ hải ngoại), Đức (khoảng 11%), và Hoa Kỳ.

Tuy vậy, dù ở nơi nào, người Thụy Sĩ cũng quây quần lại để mừng ngày Quốc Khánh và gặp gỡ nhau. Ở Nữu Ước, Hội đồng hương Thụy Sĩ cũng tổ chức Hội chợ mừng Quốc Khánh ngay bên cạnh dòng sông Hudson trong những công viên rộng lớn. Ở tiểu bang này còn có những nhóm người Thụy Sĩ tổ chức các sinh hoạt trượt tuyết, leo núi, và trại hè thanh thiếu niên hằng năm. Các tổ chức của người Thụy Sĩ hải ngoại đều hướng về việc đưa con em sinh đẻ ở xứ người về lại quê cha đất tổ, nhất là để giữ gìn văn hóa và ngôn ngữ qua những chương trình kéo dài hàng tuần. Tại Nam California, Hội đồng hương Thụy Sĩ có óc tổ chức nên đã gầy dựng được cả một khuôn viên và cơ sở riêng cho mình, gọi là Swiss Park Inc. và Banquet Hall tại Whittier.

thử thách trong và ngoài

Tuy nhiên, có được một “Swiss Park” như ngày hôm nay là kết quả của những trầm kha và thử thách. Ông Ueli Burkhardt kể lại, “Hai mươi năm trước, mọi người đã bỏ cuộc. Tổ chức của chúng tôi bị nợ nần tứ giăng vì không biết quản lý tài chính và không có kinh nghiệm kinh doanh.” Đó cũng chính là thời điểm ông Ueli, đương kim Thư Ký Tài Chính (Financial Secretary) của Swiss Park Inc., quyết định gia nhập Hội và giúp Hội xoay ngược từ chỗ nợ nần đến tình trạng phồn thịnh. “Giữ được Swiss Park đến ngày hôm nay là phần thưởng lớn nhất cho tôi,” ông nói.

Một gia đình nói tiếng Việt đưa nhau đi Hội Chơ
Vốn là chủ nhân của một công ty sản xuất dụng cụ tại Nam California, nên dù không là một chuyên viên tài chánh, ông Ueli lại có khả năng điều hành và tổ chức doanh nghiệp. Ông đề nghị giao Banquet Hall của Hội cho một công ty chuyên về quản lý để họ cho thuê trong các sinh hoạt họp mặt và cưới hỏi. Hội Swiss Park Inc. nhận được một phần huê hồng từ lợi nhuận này. Với số tiền này, cộng với nhiều nổ lực gây quỹ khác, Hội dần dần trả dứt nợ, và mở rộng những chương trình công ích, nhất là giúp đỡ người cao niên.

Hiện nay, thử thách lớn nhất của Hội là việc duy trì văn hóa. Trong ngày Swiss Fair năm nay chẳng hạn, Hội đã không có dịp bán Rivella, một thức uống ưa thích của người Thụy Sĩ, vì FDA không cho phép nhập như những năm trước. Hơn nữa, Hội cũng muốn mời những tài năng trẻ từ Thụy Sĩ đến trình diễn, nhưng vì luật lệ di dân ngày càng gắt gao tại Hoa Kỳ, Hội đã không thể xin hộ chiếu cho những tài năng này được thi thố với cộng đồng hải ngoại. Ông Ueli nói, “Thế hệ chúng tôi ngày mỗi già đi, mà không có cách gì đưa những nhạc công trẻ, vốn được huấn luyện về dân nhạc Thụy Sĩ tại quê nhà, đến đây để giúp giới trẻ Thụy Sĩ tại Mỹ có được món ăn tinh thần này.”

như ngày Tết Nguyên Đán

Tuy ngày quốc khánh thường mang tính lịch sử và chính trị đối với một nước, tôi lại cảm thấy Swiss Fair có vẻ gần với ngày Tết Nguyên Đán của người Việt hải ngoại. Thứ nhất, đây là một ngày lễ đậm nét văn hóa, từ ẩm thực đến giải trí, từ cách tổ chức đến cách trang hoàng, từ việc sử dụng tiếng mẹ đẻ (Thụy Sĩ có bốn vùng ngôn ngữ: Pháp, Đức, Ý, Romansh) cho đến trang phục, từ không khí trung lập – hòa bình cho đến những tổ chức văn hóa hiện diện tại các quầy thông tin. Ngay cả các trò chơi cũng mang âm hưởng một tuổi thơ Thụy Sĩ, như trò chơi crossbow shooting – có lẽ cũng phổ cập như trò đánh trổng đối với trẻ em Việt Nam.

Thứ hai, Hội chợ Thụy Sĩ có nhiều điểm phản ánh đời sống điền dã, vốn là một đặc thù của nếp sống địa phương, làng xã rất phổ cập ở quốc gia này. Tất cả mọi thứ đều được làm bằng tay, từ các sản phẩm thủ công đến áo quần truyền thống, và nhất là những món bánh ngọt rất dễ ghiền. Nó cho người ta cái cảm giác thân mật, gần gũi của một ‘bếp nhà’ và ‘món ngon Mẹ nấu.’ Hơn nữa, nhờ có công viên xanh mát phía trong, nhiều gia đình có chỗ để vui chơi ăn uống với nhau, tạo nên một hình ảnh thân thiết và đầm ấm.

Thứ ba, đây là ngày lễ mà mọi người mặc những bộ quần áo đẹp nhất, khoác lên những nụ cười hân hoan nhất, và có lẽ họ cũng cảm thấy mình “Swiss” nhất trong ngày này. Trẻ con xinh xắn trong những bộ áo cổ truyền có hoa văn từ miền núi Alps, đặc biệt là hoa xuyên tuyết Edelweiss. Các phụ nữ mặc những chiếc váy theo từng địa phương. Đây là điều mà tôi đặc biệt ngưỡng mộ ở dân tộc Thụy Sĩ: họ vẫn theo kịp dòng phát triển khoa học kỹ thuật và thông tin của thế giới, nhưng vẫn giữ cho mình những nét văn hóa cố hữu được truyền từ nhiều đời.

Khu vui chơi cho trẻ em và gia đình
Phải chăng sự trung lập và khả năng duy trì hòa bình đã tạo điều kiện cho dân tộc Thụy Sĩ giữ được nếp sống và bảo tồn văn hóa một cách triệt để như vậy? Đây cũng là quốc gia đứng đầu thế giới với con số người đoạt giải Nobel cao nhất. Nhưng cho dù lý do sâu xa là gì đi nữa, thì việc giữ gìn văn hóa của người Thụy Sĩ vẫn là một nét đẹp và điều cần giữa dòng văn hóa toàn cầu hiện nay. Ông Ueli ‘huy động’ cả tam đại của mình đến làm thiện nguyện tại Swiss Park và Swiss Fair, khiến tôi liên tưởng đến nét sinh hoạt ‘cha truyền con nối’ của người Việt, để văn hóa và thuần phong mỹ tục được trao truyền và tiếp nối từ đời này sang đời khác, nhất là phong tục mừng Xuân hằng năm.

Thứ tư, đây là dịp quy tụ thiêng liêng và vui nhộn nhất của người Thụy Sĩ hải ngoại, và đã được mở rộng ra cho dân chúng địa phương. Hằng năm, có khoảng 2.5 ngàn người đến dự Swiss Fair tại Whittier. Tuy đa số người tham dự có gốc Thụy Sĩ, rất nhiều dân cư trong vùng thuộc những sắc tộc khác cũng đến dự. Đi một vòng Hội chợ, tôi nghe được tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hoa Phổ Thông, và một số thổ ngữ Phi Châu (và một số thứ tiếng khác mà tôi không biết). Dĩ nhiên tiếng Anh vẫn được sử dụng rộng rãi, nhưng những thiện nguyện viên cũng như tham dự viên gốc Thụy Sĩ vẫn dùng bốn ngôn ngữ mẹ đẻ với nhau (Pháp, Ý, Đức, Romansh).

Ban nhạc cổ truyền trình diễn tại Hội Chợ Quốc Khánh Thụy Sĩ

Tại Hội Xuân Nguyên Đán ở Nam California, nhất là Little Saigon ở Quận Cam, người ta vẫn thấy nhiều người du Xuân trẩy hội không phải là người gốc Việt. Những bàn tiệc văn hóa và hội hè sắc tộc giúp con người đến gần nhau hơn, và trong một xã hội linh động và cởi mở như Nam California, ‘bếp nhà’ Thụy Sĩ vẫn mang cho tôi một thoáng rung động của chái bếp Việt Nam thưở nào, khi tôi ngồi chờ món bánh tét trứ danh của Bà Ngoại đang tỏa hương trên bếp củi của một xứ nghèo miền Tây, đón giao thừa.