Hiển thị các bài đăng có nhãn Trangđài Glassey-Trầnguyễn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trangđài Glassey-Trầnguyễn. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

Trang Đài Glassey-Trần Nguyễn: Từ Việt Nam, Lithuania, Ba Lan, đến Ukraine: Hoà Bình Thế giới trong thời Putin

Tác giả điều hợp phần hội thảo sau khi phát biểu. 

Hình: Ross Patterson, Fulbright Association. 2022.


Lời giới thiệu: Tại Đại Hội Fulbright thường niên ngày 05-09, tháng Mười, 2022 tại Bethesda, Maryland, Hoa Kỳ, Tiến sĩ Trangđài Glassey-Trầnguyễn (trangdai.net) đã có bài phát biểu được chọn làm General Session, có hội thảo, kéo dài một giờ đồng hồ. Trangđài nhận học bổng Fulbright toàn phần, bậc tối ưu, năm 2004-2005 để nghiên cứu về người Việt tại Thụy Điển. Cô là người Mỹ gốc Việt đầu tiên và duy nhất được chọn đến Thuỵ Điển trong lịch sử của chương trình Fulbright. Trong thời gian đó, cô đã nhận được thêm nhiều học bổng ngoại lệ (exceptional basis) từ Uỷ Ban Fulbright của Thuỵ Điển để đến nghiên cứu về người Việt ở Phần Lan, và cho các chuyến thuyết trình tại Klaipeda, Berlin, và Stockholm. Sau khi hoàn tất chương trình nghiên cứu dưới sự bảo trợ của chương trình Fulbright Hoa Kỳ, Trangđài đã tự túc đến tìm hiểu đời sống người Việt tại nhiều nước Châu Âu khác trong mùa hè 2005. 

Bài viết này đã được chỉnh sửa lại từ bài phát biểu trên, đánh dấu hơn một năm kể từ ngày Nga tấn công xâm lược Ukraine.


****


Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2022

Trangđài Glassey-Trầnguyễn: giấy gói lửa, gói mong manh - nghệ thuật điêu khắc giấy Đinh Trường Giang

 TỪ MỘT TẤM THIỆP XUÂN


Nhẹ nhàng. Linh động. Thú vị. Sống động. Chiết lọc. Sáng tạo. Mềm mại. Thiền.


Đó là những cảm nhận đầu tiên tôi có được khi xem trang web https://giangdinh.com/diagrams/ của kiến trúc sư Đinh Trường Giang (ĐTG), trưởng nam của Hoạ sĩ Đinh Cường.


THIỆP CHÚC TẾT NHÂM DẦN 2022

Đinh Trường Giang thực hiện (30.1.2022)

Nguồn: https://tranthinguyetmai.wordpress.com/


Mấy hôm Tết Nhâm Dần, tôi tình cờ thấy thiệp xuân của ĐTG trên trang blog của Thi sĩ Trần Thị Nguyệt Mai. Hoạ sĩ Đinh Trường Chinh, một người bạn mới quen, cho tôi biết, đó là anh trai của mình, và giới thiệu cho tôi webiste. Tôi chột dạ, sợ mình... lỡ lời rồi, vì Hoạ sĩ Đinh Cường có hai con trai, mà tôi đã gọi trai út của ông là “Đinh-Cường Chinh." Vậy có thiếu sót đối với trưởng nam của ông không? Lỡ ĐTG cũng... vẽ giống thân phụ thì tôi… mắc tội thiên vị mất. May cho tôi! ĐTG đi hẳn hướng khác, tôi đỡ áy náy. Nhưng rồi khi coi website thì tôi thấy thú vị quá, nên phải viết bài này.



Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2022

Trangđài Glassey-Trầnguyễn: khi bóng Mẹ qua đồi

 * Thương tặng Thủy Triều, Thủy Trân, và Tang Quyến, cùng Đại gia đình Việt ngữ Cộng đoàn Westminster *


Một ngày cuối tháng Hai, 2022.


Tôi đang dạy con học thì Chị Ngọc Phượng gọi. Trời đã nhá nhem tối. Lâu rồi, hai chị em không gọi nhau. Chị bận rộn công việc và cùng chồng lo cho hai con trai đang học đại học. Tôi dạy con tại gia, kiêm thủ quỹ, thư ký, hiệu trưởng, lao công, đầu bếp, giám thị, và cô giáo của ngôi-trường-nhà có ba học trò tí hon vốn hiếu động, hiếu kỳ, hiếu phá, hiếu học, hiếu ăn, và thỉnh thoảng, cũng có chút hiếu thảo. Nên tuy có nhớ nhau mà hai chị em cũng không gặp nhau được, nhất là thời đại dịch.


Chị Phượng nói, Cô Chúc mất rồi. Tôi sững sờ. Cả mấy năm rồi, tôi không gặp Cô, nhưng Cô còn quá trẻ để ra đi. Trong lòng tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh Cô Chúc ngày nào, luôn có trên môi nụ cười hiền lành, dễ thương, và trên người chiếc áo dài thanh thoát. Cô mảnh khảnh, nên lúc nào mặc áo dài cũng đẹp. Mà Cô lại khéo chọn những kiểu áo thanh tao. Con gái Huế mà! Ở Việt Nam, Cô Chúc dạy học, nên Cô là một chuẩn mực nhà giáo, nhẹ nhàng, chừng mực. Tôi không nghe Cô cười lớn tiếng bao giờ. Và khi nói chuyện thì Cô rất nhỏ nhẹ, từ tốn.


Có lần, nói chuyện với Cô sau lớp tiếng Việt, Cô có vẻ hơi buồn. Cô nói, “Có phụ huynh phàn nàn là Cô đọc giọng Huế, các em nghe không được nên viết sai chính tả.” Tôi nói với Cô, “Nhưng giọng Huế nên thơ! Trong giọng Huế có nhạc mà! Các em trong lớp Cô được may mắn biết thêm được ngữ giọng của thành nội. Ngày nào Cô cũng đọc giọng Huế, chứ đâu phải đến khi kiểm tra chính tả mới đọc giọng Huế đâu!” Cô vẫn thấy e ngại. Từ đó, khi nói chuyện với Cô, tôi đều nói giọng Huế, để Cô biết, có người tôn trọng và quý mến âm giọng của Cô.


Cô Phượng Vỹ, Cô Chúc, Thuỷ Trân, Cô Ngọc Phượng, và tác giả ôm bé Nghĩa tại tiệc sinh nhật của bé


Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2022

Trangđài Glassey-Trầnguyễn: Xuân Phố Biển - Đón Tết Nhâm Dần tại Casa Romantica

XUÂN QUÊ HƯƠNG

Sau gần nửa thế kỷ định hình và phát triển tại hải ngoại, cộng đồng người Việt đã đưa văn hoá Việt Nam vào trong nhiều sinh hoạt địa phương và vào văn hoá dòng chính tại Hoa Kỳ và các nơi khác trên thế giới.

Một ví dụ điển hình nhất là Tết Nguyên Đán, vốn không còn là một truyền thống của riêng người Việt nữa. Cũng như bao sinh hoạt tốt đẹp khác của người Mỹ gốc Việt, Tết Nguyên Đán đã trở thành một phong tục địa phương, một nhịp cầu văn hóa thân thiết nối kết người Việt với dân cư đa sắc tộc ở khắp nơi tại Mỹ. Từ vài chục năm nay, các học khu, các văn phòng dân cử, các tổ chức vô vụ lợi, các cơ sở văn hoá giáo dục, vân vân, đều tổ chức mừng Xuân mỗi năm. Cho nên, mùa Xuân hải ngoại tự lúc nào đã thật sự trở thành Xuân quê hương cho người Việt tỵ nạn, bởi vì Hoa Kỳ đã thật sự trở thành quê hương của chúng ta.

Tác giả (trái) thực hiện chương trình “Tết Workshop" tại King Elementary School, 2003.

Gần 30 năm trước, trong những năm tôi làm việc tại Học khu Westminster và Đại học Cal State Fullerton, các trường công lập ở Quận Cam vẫn nhờ tôi trình diễn đàn tranh và hướng dẫn học sinh trong các chương trình Tết Assembly tại các trường có đông học sinh gốc Việt. Nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ. Năm 2003, Fullerton International Resources for Students and Teachers (FIRST), một chương trình tu nghiệp cho giáo viên, mời tôi trình bày về phong tục ngày Tết cho 1,200 học sinh tại Martin Luther King Jr. Elementary School tại Santa Ana, trong đó, chỉ có duy nhất một học sinh gốc Việt. Trong những khóa tu nghiệp mà tôi đảm trách, tôi cũng mua vải áo dài tặng cho nhiều cô giáo không phải người Việt, và đưa các cô đi may áo dài, như chiếc áo dài hồng cô Connie De Capite, Giám đốc của FIRST, mặc trong hình. Không chỉ vậy, một cô giáo người Latinix tại King Elementary School cũng đi mua áo dài ở Phước Lộc Thọ về cho mấy chục học sinh trong cả lớp của cô mặc trong nhiều lớp về văn hóa Việt Nam mà tôi dạy cho các em.

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021

Trangđài Glassey-Trầnguyễn: lấy Nhạc trị Dịch

Special thanks to Mr. Laszlo Mezo, Award-winning Cellist
(https://www.facebook.com/laszlomezo.cellist/)

Mùa đại dịch. Làm gì cho đầu óc thư giãn, bớt căng thẳng, tìm được niềm vui?

Ai cũng có những cách riêng, nhưng có một cách chung là… nghe nhạc! Nhạc là ngôn ngữ quốc tế, là linh dược vô hình. Ai cũng biết, âm nhạc làm cho người ta yêu đời, hạnh phúc, khỏe mạnh, và thông minh hơn. Nhiều phụ nữ ngay từ khi cấn thai đã mở nhạc Mozart cho con nghe. Trẻ em học nhạc trong nhiều năm sẽ có chỉ số thông minh cao. Đại học Harvard đã có nhiều cuộc nghiên cứu (https://www.health.harvard.edu/newsletter_article/music-and-health) cho thấy những lợi ích thiết thực của âm nhạc đối với sức khỏe. Những dòng nhạc nhẹ nhàng và truyền cảm hứng mang đến nhiều lợi ích tuyệt vời cho đời sống. Một giai điệu quen thuộc có thể gợi lại những kỷ niệm đẹp và làm cho người nghe cảm thấy dễ chịu, hạnh phúc. Nghe nhạc thu âm đã tốt, nhưng nghe nhạc được trình diễn tại chỗ lại càng tốt hơn, nhất là khi người xem được trực tiếp tham gia vào phần trình diễn. Lấy Nhạc trị Dịch ư? Đêm nhạc “Beethoven's Eroica" do dàn nhạc giao hưởng Pacific Symphony Orchestra (https://www.pacificsymphony.org/) với Nhạc trưởng Carl St. Clair và phần độc tấu cello của Gabriel Martins tại Segerstrom Concert Hall là một chọn lựa thích hợp. Để giữ gìn sức khoẻ cộng đồng, mọi người tham dự đều cần phải chích ngừa và mang khẩu trang.

Beethoven (Nguồn: Pacific Symphony)

Một dàn nhạc giao hưởng. Vậy chỉ trình diễn nhạc cổ điển thôi sao? Không đâu! Đêm nhạc thính phòng “Eroica” được trình diễn trong ba đêm trung tuần tháng Mười 14, 15, 16 kết hợp nhạc xưa và nay. Nếu miếng trầu là đầu câu chuyện, thì Nhạc trưởng Clark St. Clair têm trầu thật khéo, và mời trầu cũng thật duyên. Ông đã điều khiển dàn nhạc suốt 32 năm qua, và ông luôn nói chuyện với khán giả như trò chuyện với những người bạn thân. Ông vừa xuất hiện trên sân khấu thì khán giả đã nồng nhiệt vỗ tay chào đón. Nhạc trưởng St. Clair hóm hỉnh nói, “Hôm nay quý vị có vẻ hào hứng quá!” Mọi người lại vỗ tay và cười vui vẻ. Ông hỏi khán giả, “Quý vị có từng muốn được ngồi chung với dàn nhạc và trình diễn trên sân khấu này không?” Nhiều người thay nhau đưa tay lên. Ông lại hỏi, “Ai cũng muốn làm nhạc công, nhưng có ai muốn làm nhạc trưởng không?” Ông chỉ lên bục gỗ dành cho nhạc trưởng và lắc đầu, “Ít ai chịu lên đó lắm! Nhưng hôm nay, quý vị sẽ được làm nhạc trưởng!”

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2021

Trangđài Glassey-Trầnguyễn: miền T(uy)ết

Hình minh hoạ, FreePik

sáng. mùng Ba chập chờn mở mắt
ký ức lừ đừ đủng đỉnh bước ra
cõi hồn nhiên trùm lên ngôi nhà đổ
hạnh ngộ vầng dương. bỏ bạn bè

giữa đường đời. ta bần thần ngoảnh lại
thấm sương bay, gió bấc ngại ngùng
con Vi nhỏ lên ngôi, hô “Chết!”
cả đất trời trơn trợt, tréo ngoe

dưới đồng xa, ta ngước trông. đá nhọn.
bão tuyết trùm mấy bận, ngát nôn nao
lối xưa hiện. tình năm nao chết gọn.
lén tìm môi thơ bé. Tết dạt dào

Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2020

Trangđài Glassey-Trầnguyễn: nắng rút chiều thu

Đàn Xưa, Sách Cũ


Giữa tháng Mười, 2020. Hay tin Nhà sách-nhạc Tú Quỳnh đóng cửa, tôi buồn. Ở cái thời COVID-19 này, có bao nhiêu điều vui? Tuần trước, Ba Mẹ qua chơi với em út, Mẹ nói cháu gái muốn tìm thêm sách tiếng Việt. Tôi lật đật chạy vô kệ sách Việt Ngữ của mình, chọn sách ngữ pháp, sách sử, tự điển, và một số tập thơ để Mẹ đem về cho cháu. Đây là sách tham khảo của tôi, nhưng thấy cháu ham học thì tôi hết lòng hỗ trợ. Cô giáo Việt ngữ mà! Nghe ai tìm sách là hoan hỉ giúp liền! Mấy chục năm nay là vậy, quen rồi. Hai hôm sau, tôi gọi cho chị gái, báo tin cuối tuần đó, Tú Quỳnh sẽ mở cửa hai ngày cuối. Tôi hỏi chị có muốn đưa cháu đi coi sách không, nếu không thì tôi đưa. Hỏi cháu thích đi với mẹ hay đi với dì, thì con bé trả lời nước đôi. Thế là tôi một mình biểu quyết: đi với dì. Bữa sau qua thăm Mẹ tôi, cháu gái nói sẽ đi với mẹ, vì mẹ nói để mẹ chở cháu đi, dì khỏi chạy vòng vòng mất công. Tôi mới phải bật mí là, “Trước khi đi tiệm sách, mình sẽ đi xem đàn nữa!” Dì muốn có ‘surprise' cho cháu nên không nói trước, nhưng cùng đường, đành phải bật mí. Hồi hè, con bé ngỏ ý nhờ tôi dạy đàn tranh. Tôi đang hoàn tất một dự án nghiên cứu, nên hẹn với cháu, sau khi xong việc, sẽ bắt đầu dạy đàn tranh cho cháu. Nhưng muốn dạy thì phải có hai cây đàn, nên tôi đã hỏi thăm và xin hẹn, rồi hôm đó đưa cháu đi cùng để cháu chọn cho vừa ý.

Nhớ lại chuyện học đàn tranh, tôi chạnh thương cây đàn thân thiết của mình. Một món quà tinh thần vô giá. Ngày xưa, trong hai năm ở Sài Gòn, tôi có theo học đàn tranh với một chị đang học ở nhạc viện. Chị với tôi học chung lớp Anh Văn tại gia của Thầy Khúc Hữu Chấp, Quận Ba. Tôi nghe nói sau này Thầy Chấp định cư ở Texas. Chuyện đã mấy chục năm rồi, nhưng lớp Anh Văn của Thầy là một kỷ niệm đẹp. Tôi nhớ, chị mang cặp kính thật dày, tóc xoã dài, ít nói, trầm tĩnh, và có nụ cười dè dặt. Sau này thân nhau, chị kể, hồi nhỏ chị bị bệnh, phải nằm nhà một thời gian. Mê đọc sách đến nỗi khi hết bệnh thì phải kè theo cặp kính đến giờ. Chắc tôi lù khù quê mùa nên chị tội nghiệp, và làm quen với tôi. Chị hay đi cùng một chị nữa, cũng học cùng ngành ở nhạc viện. Khi biết hai chị học chuyên đàn tranh, tôi mê liền và tỏ lòng ngưỡng mộ.

Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2020

Giáo sư Phạm Thị Huê, Xướng ngôn viên Nhã Lan, & Trangđài Glassey-Trầnguyễn: Con là Quê Hương của Mẹ - Hạt Mầm Việt Nam sau 45 Năm Lưu Vong

LGT: Cuộc phỏng vấn này được Giáo sư Phạm Thị Huê và Xướng ngôn viên Nhã Lan thực hiện cho Chương trình Trường Học Trường Đời trong dịp Tết Canh Tý 2020, với nhan đề “Mùa Xuân Quê Hương” cho Đài Little Saigon Radio và Hồn Việt TV. 

Diễn Đàn Thế Kỷ xin chia sẻ cuộc phỏng vấn này với độc giả nhân ngày Lễ Mẹ 2020, để cùng suy ngẫm về việc nuôi dưỡng những thế hệ Việt Nam ra đời tại nhiều nơi trên thế giới, kể từ sau ngày 30 tháng Tư năm 1975.

Con là mùa Xuân của Mẹ
XNV NL: Kính thưa quý vị, Giáo sư Phạm Thị Huê và Nhã Lan đồng phụ trách chương trình Trường Học Trường Đời kính chào quý khán thính giả. Kính thưa quý vị, thấm thoát mà đã đến năm mới, năm của con chuột, năm Canh Tý. Thưa quý vị, như lời chúc mừng năm mới đến với quý khán thính giả ở khắp nơi, một lần nữa chúng tôi lại được hân hạnh tiếp đón nữ thi sĩ trẻ tuổi thế hệ một rưỡi, Trangđài Glassey-Trầnguyễn, lại đến với chương trình Trường Học Trường Đời để cùng với chúng tôi chia sẻ với quý vị Mùa Xuân Quê Hương. Và bây giờ, trân trọng kính mời quý vị cùng với Giáo sư Phạm Thị Huê và Nhã Lan chào đón nữ thi sĩ trẻ tuổi Trangđài Glassey-Trầnguyễn. Người mẹ ba con, vẫn còn son ra phố, và nhất là mùa Xuân dạo phố Bolsa. Thân ái chào Trangđài!

TGT: Dạ em xin kính chào Cô Huê, xin chào Chị Nhã Lan. Trangđài xin trân trọng kính chào khán giả của Hồn Việt TV và thính giả của Little Saigon Radio.

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2020

Trangđài Glassey-Trầnguyễn: (mắng) yêu

* thời Cồ Vít, Vít Cồ Cồ *

ĐÍNH CHÍNH


CON nít. CON mắt lớn. LỚN hơn cái bụng. LỚN hơn rất nhiều.

Mỗi lần thấy Con lấy nhiều thức ăn, thì Mẹ hồ hởi, phấn khởi, luôn miệng khen Con ăn giỏi. Con nở mũi, khoái chí được Mẹ khen và cũng muốn ăn nhiều cho mau lớn.

Nhưng muốn thì muốn vậy, mà bao tử nó chẳng chìu! Ăn nửa chừng là ứ hò hen. Phải ngưng. Làm sao giờ? Ăn không xong là… mất mặt, vì mình đã oai phong lẫm liệt múc nhiều mà! Mẹ không cần ngó cũng biết. Mẹ nguýt một cái ngọt sớt, hỏi:

- No rồi hả? Ăn hông nổi chứ gì!
- Dạ!
- Để đó đi. Mẹ ăn phụ cho. Lần sau lấy vừa đủ. Con ăn xong, rồi muốn ăn nữa thì lấy thêm nghe.

Con nịnh, chạy qua ôm hun Mẹ cái chét thiệt dài:

- Con cám ơn Mẹ ăn phụ con!

Mẹ giả bộ hất Con ra, lầu bầu:

- Phụ gì! Ăn cặn thì có!

Bữa nào mà Con làm biếng ăn, ham chơi, hoặc bỏ đi đọc sách, Mẹ sẽ dẫn chứng thống kê. Ngay như ở Tiểu Bang Vàng the Golden State California này, mà trẻ em vẫn bữa đói bữa no. Cứ tám đứa trẻ thì một đứa không biết khi nào sẽ được ăn bữa kế (http://www.cafoodbanks.org/hunger-factsheet). Mà cay đắng ở chỗ, Califorina lại sản xuất gần nửa số rau quả của Hoa Kỳ, và còn xuất khẩu đi nhiều nơi khác trên thế giới. Qua tuốt Việt Nam nữa. “Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi.” Đừng tưởng chỉ có ở Việt Nam thời Bà Tú. Cảnh đó vẫn có ở Thiên Đường Mỹ Quốc. Ở đâu cũng có người khổ. Có khoảng 4.6 triệu người, tức 11.7% dân California, sống trong tình trạng thiếu ăn (food insecurity). Tại Tiểu Bang Vàng, có 1.7 triệu trẻ em, tức 19%, hay 1 trong 5 trẻ em, phải ôm bụng đói đi ngủ. Có 7.9 triệu người dân California sống trong nghèo đói. Theo thống kê của U.S. Census Bureau’s Supplemental Poverty Measure, California có tỷ lệ nghèo đói cao nhất nước, ở mức 20.6%. Nạn thất nghiệp ở mức 5.4%. Bây giờ, con Cồ Vít nó quậy, thì con nhà nghèo càng khổ hơn. Trường học công sở đóng cửa. Con cái không đến trường. Cha mẹ không có việc làm. Lấy gì nuôi con?

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2019

Trangđài Glassey-Trầnguyễn: Hãy để lòng nhân ái reo vang - vĩnh biệt Thuyền Trưởng, Tộc Trưởng Jeon Yong

Thuyền trưởng Jeon phát biểu tại buổi họp báo 2004, bên cạnh thuyền nhân Nguyễn Hùng Cường (trái), người đã liên lỉ tìm ông trong gần 10 năm.

1. Cha về với Biển 


Em viết email ngắn. Ngắn hơn bình thường. Nhưng em nói ngay từ đầu: Em có tin buồn. Rất buồn. 

Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.

Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

Trangđài Glassey-Trầnguyễn: con đường MẶC LÂM trong tuyển tập “Bàng Bạc Gấm Hoa"

LTS: Đây là phần phát biểu của tác giả trong chương trình ra mắt sách “Bàng Bạc Gấm Hoa" của cựu phóng viên Mặc Lâm, Đài Á Châu Tự Do, tại phòng sinh hoạt Việt Báo chiều ngày 4 tháng Sáu, 2017. 
Cô Trang Đài đang phát biểu trong buổi ra mắt sách Bàng Bạc Gấm Hoa 
Xin trân trọng kính chào Quý vị,
Kính thưa Quý vị, 
Hôm nay, Trangđài xin phép phá lệ, mở một cuộc thăm dò ý kiến trước khi phát biểu. Ở đời, không phải lúc nào mình cũng có được điều mình muốn. Nhưng hôm nay thì quý vị muốn gì được nấy. Chúng ta đang sống trong thời đại có tính di động cao, nên Trangđài mời quý vị chọn một phương tiện di chuyển theo ý của mình. Có sáu chọn lựa sau đây: 
phi thuyền không gian 2 chỗ ngồi,
máy bay không người lái,
tàu hoả cao tốc TGV ở Châu Âu,
xe hơi chạy bằng điện, và xe có thể tự sạc năng lượng khi có nắng,
xe đạp đòn gánh,
xe lô canh chưn, nghĩa là đi bộ. 

Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

Trangđài Glassey-Trầnguyễn - hãy để em hôn lên những nỗi buồn


hãy để em hôn lên những nỗi buồn,
chúng sẽ nở thành hoa mai,
làm mùa Xuân thức dậy – và ở lại –
mùa đông âm u sẽ bay đi mất
mặt đất cựa mình,
đẩy hoa lá nở tung giữa băng tuyết đang tan

hãy trao cho em hết mọi muộn phiền
em sẽ thổi khí yêu thương vào chúng
em sẽ nắn chúng thành những ngôi sao biết hát
tiếng hát cất mọi muộn phiền ra khỏi tim anh

Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2016

Trangđài Glassey-Trầnguyễn - chuyển Tết


Gió thổi bần bật. Tôi nhìn từ cửa sổ thông khói ở nhà bếp, thấy mấy ngọn tre gần đìa lạng ngụp lặn liên hồi. Tôi cứ sợ gió mạnh quá, sẽ thổi tung những lớp lá dừa nước và những sợi lạt lên trời, để sườn nhà đứng trơ trụi. Cả căn nhà sẽ hóa vào vũ điệu không tên trong ngày đầu năm này. Cái nhà bếp cũng sẽ bay lên, mang theo những hòn than đỏ hồng, và tấm đan nặng mà Ngoại kê lên cao, trên đặt bếp đất, dưới chất củi.

Gió lớn quá, làm tôi sợ vẩn vơ, chứ căn nhà lá của Ngoại tuy đơn sơ, nhưng khang trang, vững chắc. Cột và xà đều làm bằng gỗ tốt, trụ đổ xi măng, không dễ gì ‘bay' theo gió. Vách và mái đều được lợp bằng lá dừa nước đã chẻ đôi, phơi khô.Lợp khít và dày, nên nhà chắc chắn, lại mát mẻ, thoáng khí. Sườn nhà làm bằng gỗ bạch đàn do Ông Ngoại trồng quanh nhà từ mấy năm trước, đốn xuống, ngâm dưới ao cho chắc và tiệt mối, rồi mới đem xây nhà.

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

Trangđài Glassey-Trầnguyễn - Tính Trung Thực về Lịch Sử trong “một cơn gió bụi"

Lệ Thần Trần Trọng Kim
Đã được tác giả trình bày trong buổi ra mắt sách Một Cơn Gió Bụi của Trần Trọng Kim ngày 24/5/2015 tại Việt Báo, Little Saigon

Xin trân trọng kính chào Quý Vị,

Khi Ban Tổ Chức nhờ tôi góp lời trong buổi ra mắt sách “một cơn gió bụi" của Học giả Trần Trọng Kim, tôi dự định sẽ trình bày đôi điều về những đóng góp quan trọng của ông trong tiếng Việt và giáo dục. Tôi muốn viết từ kinh nghiệm một người dạy tiếng Việt từ khi mới qua Mỹ, và từ những công việc tôi được tham gia gần đây nhất liên quan đến chương trình giáo dục song ngữ Anh Việt ở trường công lập của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về tác phẩm này, tôi bị thu hút bởi tính trung thực về lịch sử trong hồi ký, và những biến cố và chi tiết lịch sử không được ghi lại trong sách Anh ngữ về lịch sử Việt Nam mà tôi đã đọc. Trong khuôn khổ một bài nói ngắn, tôi xin chú trọng về tính trung thực của quyển hồi ký, qua những chứng từ gần đây nhất, cũng như qua những gì tôi cảm kích về tác giả. Qua đó, tôi cũng đưa ra nhận định về giá trị của tác phẩm này đối với một người thuộc thế hệ 1.5 như tôi.

Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Trangđài Glassey-Trầnguyễn - 40 Năm Văn Học Miền Nam Thất Thủ: Thế hệ Hậu Chiến khước từ Thân phận mồ côi

Trangđài Glassey-Trầnguyễn đang thuyết trình đề tài
"40 Năm Văn Học Miền Nam Thất Thủ: Thế hệ Hậu Chiến khước từ Thân phận mồ côi"
trước đông đảo cử tọa và chủ tọa của nhà văn Bùi Bích Hà
(Hình: Uyên Nguyên)
TIỂU SỬ NGẮN do Chủ Toạ/Nhà văn Bùi Bích Hà giới thiệu:Trangđài Glassey-Trầnguyễn (trangdai.net), một chuyên gia nghiên cứu về Cộng đồng người Việt hải ngoại, là học giả duy nhất trên thế giới đã thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn lịch sử truyền khẩu với người Việt ở cả bốn châu lục: Á, Âu, Úc, và Mỹ. Một tác giả song ngữ đoạt nhiều giải thưởng, Trangđài tiên phong ghi lại lịch sử của người Việt tại Quận Cam qua Dự án Vietnamese American Project từ thập niên 1990 bằng chính student loans của mình, và đoạt giải quán quân tại cuộc tranh tài nghiên cứu của CSU năm 2004 với bài viết “Quận Cam, Sử Vàng.” Cô là người Việt duy nhất được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cấp học bổng Fulbright tòan phần, bậc tối ưu, để nghiên cứu về người Việt tại Thụy Điển. Cô tốt nghiệp 4 cử nhân cùng lúc, là thủ khoa 2 ngành và cũng tốt nghiệp cao học Sử Học với hai giải thủ khoa tại CSUF. Trangđài tốt nghiệp Cao học ngành Nhân chủng học tại Đại học Stanford, và hiện đang hoàn tất chương trình tiến sĩ.

Xin cám ơn Nhà văn Bùi Bích Hà,
Xin trân trọng kính chào quý vị,

Trong phần trình bày của mình, tôi xin nhắm tới bốn điểm chính.
1. Thứ nhất, 40 năm Văn học miền Nam thất thủ từ cái nhìn của thế hệ hậu chiến;
2. Thứ hai, một số hệ quả văn học và ngôn ngữ đối với thế hệ hậu chiến;
3. Thứ ba, chúng tôi từng mồ côi, nhưng không chấp nhận mồ côi;
4. Và để kết, tôi xin đưa ra một vài gợi ý về căn tính sắc tộc trong sáng tác của những thế hệ ngoại biên, nhất là tương quan của họ với tiếng Mẹ đẻ trong quá trình sáng tạo.

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Trangđài Glassey-Trầnguyễn - Cơ Hội Học Vấn và Việc Làm Mới với CSUF và VELI


1. ĐÊM GIÁO DỤC DÀNH CHO CỘNG ĐỒNG

Đại học Cal State Fullerton lại một lần nữa tổ chức Đêm Giáo Dục dành riêng cho Cộng Đồng Việt Mỹ tại Garden Grove Community Meeting Center, 11300 Stanford Avenue. Garden Grove, CA 92840, vào tối thứ Tư, ngày 23 tháng Tư, 2014, từ 5:30-8:30 tối. Đây là một chương trình hoàn toàn miễn phí cho Cộng đồng, với phần ăn tối. Đêm Giáo Dục đầu tiên được tổ chức vào tháng 7, năm 2013.

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

Trangđài Glassey-Trầnguyễn - gừng già, gừng thanh

Nhà báo Vũ Ánh (1941-2014)
Riêng tặng VA-YT.

Về Nhà báo Vũ Ánh: Nhà báo Vũ Ánh đã đột ngột qua đời tại nhà riêng ở Quận Cam, California vào trưa Thứ Sáu, 14 Tháng 3, 2014, thọ 73 tuổi. Sinh ngày 5 tháng Năm, 1941 tại Hải Phòng, ông tham gia hệ thống truyền thanh VNCH từ năm 1964, lúc 23 tuổi. Sau đó, ông nhận lệnh động viên, rồi làm phóng viên chiến trường, trước khi được điều về Phòng Bình Luận hệ thống truyền thanh VNCH, và trở thành Chánh Sở Thời Sự.

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

Trangđài Glassey-Trầnguyễn - tiếng là Người

Hình: internet
Hoạt Hình Đa Ngữ

Tôi quen Caillou khi chồng tôi mở phim hoạt hình tiếng Pháp cho các con xem. Thằng bé tự giới thiệu mình trong khúc nhạc dạo mở đầu mỗi tập phim, “Caillou, Caillou, c'est moi!” Nhìn kiểu của nó thật là Châu Âu

Khi đưa các cháu đi thăm Ông Bà Ngoại, tôi lại nghe điệu nhạc quen thuộc.Nhìn lên màn hình, thì đúng là Caillou, nhưng nó nói tiếng Anh. Tự dưng thấy Caillou lạ hoắc, không ‘quen' nữa, không giống Caillou nói tiếng Pháp. Ngồi coi một hồi, thì thấy Caillou đã “Mỹ hoá" rồi.

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Trangđài Glassey-Trầnguyễn - Mía Tết

Hình: internet
Tết cũng là mùa ươm mía. Đám mía này sắp bán được, thì chuẩn bị trồng đám mía mới.  Cho nên cái khoảng mấy tháng giữa hai mùa mía là chúng tôi nhớ mía nhất.  Gò nhà Ngoại đất rộng, nên Dì Thơ và Dì Hiền cứ xoay tua, trồng cà, bắp, mía, chuối, đậu xanh… để giữ đất.  Miếng gò này năm nay trồng mía, năm sau trồng bắp, đất không bị chai.

Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

Trangđài Glassey-Trầnguyễn - Ann-Phong tại Ann-Home: Ngọn Gió nghệ thuật Việt tại Anaheim

Họa sĩ Ann Phong (Hình: Uyên Nguyên)
1. Ann-Phong

Ann Phong. Tôi dịch nghĩa là “Ngọn gió Bình An,” là tên của một nữ hoạ sĩ Mỹ gốc Việt trứ danh ở tầm vóc quốc tế. Cô là một người vui vẻ, khiêm nhu, thân thiện, và luôn sống hết mình vì mọi người.

“ Những ngày sống trong trại tỵ nạn, nghe chuyện những nữ thuyền nhân bị hãm hiếp cướp bóc, tôi đau buồn vô cùng. Nó vẫn đeo đuổi tôi và tác động đến việc sáng tạo của tôi. Hãm hiếp, cướp bóc, và biển đen. Sau bốn ngày đêm cập bến, trời vẫn không trăng không sao. Nhìn ra biển thật hãi hùng. Chỉ thấy một màu đen.” -  (Ann Phong trả lời tiếng Anh, tác giả dịch)