Hiển thị các bài đăng có nhãn Trang Châu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trang Châu. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

Thơ Trang Châu, Hoàng Thị Bích Hà, Trần Hoàng Phố

Dấu Hương Xưa

Tranh Đinh Trường Chinh
Năm xưa em đến, bước chân êm
Lá vàng rụng trải lối đi quen
Mùa thu trong sáng như lòng, mắt
Không gợn mây buồn vương trái tim

Năm nay trời mới chớm thu sang
Sao nắng chưa phai chiều đã tàn?
Sao em hẹn đến rồi không đến?
Để lá đang xanh bỗng úa vàng!

Đâu biết đường đời lạc bước nhau
Em về phương ấy trắng mưa Ngâu
Anh đi, giá buốt chiều sương gió
Tình vỡ hôm nào nghe vẫn đau

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2022

Trang Châu: Tâm sự của lá thư rơi

Người viết thư rơi lẫn người nhận thư rơi thường không có nhân chứng. Nhưng tôi là người duy nhất âm thầm có mặt ở cả hai phía vì tôi chính là lá thư rơi. Khi còn ở tình trạng thai nghén tôi là con đẻ, nhưng tôi trở thành đứa con vô thừa nhận ngay khi chào đời. Vì sao? Thắc mắc này tôi không nêu lên cho tôi, nó được đặt ra cho người nhận tôi. Bài viết này, xin xem như một cố gắng của riêng tôi để tiếp tay với người đọc, dù người đọc đó ở bất cứ vị thế nào.

Xin nói ngay khi viết tôi chỉ ghi nhận chứ cố sức không phê phán. Nếu thỉnh thoảng tôi có chêm vào đôi chút suy tư thì cũng chỉ là những thoáng suy tư hết sức vô tư. Mục đích của tôi là trình bày những căn nguyên, những động cơ thúc đẩy người khai sinh ra tôi đặt bút viết và người đọc tôi có phản ứng gì, suy đoán ra sao? Tôi phải đặt tên cho nhiều nhân vật. Xin nói ngay, người và việc có thể thật nhưng những cái tên thì hoàn toàn giả. Tuy giả nhưng tôi biết trước thế nào cũng có người giật mình. Khi tôi gọi ông A không phải chỉ riêng ông A giật mình mà cả các ông tên Ấn, tên Âu, tên Ấm cũng giật mình, vì nghĩ tên mình được cố ý viết trệch đi thôi. Xin những người có tên trùng với những tên nêu lên trong bài viết này an tâm, tôi không nhắm vào tên của quí vị. Tôi sẽ viết từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, nhỏ và lớn ở đây dưới nhãn quan của tôi, không nhắm vào con số nhân sự mà nhắm vào nội dung của câu chuyện, của vấn đề được xảy ra hay nêu lên.

Nhỏ nhất là câu chuyện xảy ra giữa hai người, một cặp vợ chồng. Tôi ra đời sau khi hai người ly thân. Người vợ dọn ra ở ấp trong một chung cư. Lý do ly thân của họ tôi biết nhưng không nói ra vì không muốn xen vào đời sống riêng của họ. Chỉ biết sau mấy đêm ngồi trong xe rình bà vợ ly thân, tối tối hay đi bộ sang chơi ấp của một cặp vợ chồng ở một chung cư đối diện, cho đến mười, mười một giờ đêm mới ra về mà không thấy có người đàn ông nào đi theo, người chồng về nhà viết cho bà vợ ly thân một lá thư. Tôi chỉ trích lại tôi một đoạn: “Mấy hôm nay em ghé qua nhà chơi với Điệp, thấy em càng buồn càng đẹp anh cũng động lòng. Anh biết em bỏ thằng chồng em vì nó kém sinh lý. Anh bảo đảm với em, em sẽ được thỏa mãn một trăm phần trăm vấn đề đó. Hẹn em thứ tư tuần tới đúng một giờ trưa tại quán Mimosa. Em nhớ đúng hẹn, anh chờ. Ty.” Mang bỏ tôi vào thùng thơ xong ông chồng vẫn đêm đêm đậu xe ngồi rình. Ty là tên ông chồng của bà Điệp, cặp vợ chồng mà tối tối bà vợ ly thân vẫn đi bộ sang chơi. Một giờ kém mười lăm trưa thứ tư tuần sau, người chồng lái xe đến bãi đậu của tiệm Mimosa, thụt người trong xe ngồi rình. Nhưng không thấy bà vợ ly thân của ông đến chỗ ông hẹn. Tối hôm đó ông không lái xe đi rình nữa; ông ngồi ở bàn viết, ôm đầu, chốc chốc lại kéo hộc tủ, mở cuốn agenda, nhìn ngắm hình bà vợ ly thân được giấu ở bên trong. Ngắm chán ông lấy bút chì đỏ gạch đít nhiều lần hai câu thơ của Sully Prud' homme:

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2022

Trang Châu: Tâm sự của lá thư rơi

Người viết thư rơi lẫn người nhận thư rơi thường không có nhân chứng. Nhưng tôi là người duy nhất âm thầm có mặt ở cả hai phía vì tôi chính là lá thư rơi. Khi còn ở tình trạng thai nghén tôi là con đẻ, nhưng tôi trở thành đứa con vô thừa nhận ngay khi chào đời. Vì sao? Thắc mắc này tôi không nêu lên cho tôi, nó được đặt ra cho người nhận tôi. Bài viết này, xin xem như một cố gắng của riêng tôi để tiếp tay với người đọc, dù người đọc đó ở bất cứ vị thế nào.

Xin nói ngay khi viết tôi chỉ ghi nhận chứ cố sức không phê phán. Nếu thỉnh thoảng tôi có chêm vào đôi chút suy tư thì cũng chỉ là những thoáng suy tư hết sức vô tư. Mục đích của tôi là trình bày những căn nguyên, những động cơ thúc đẩy người khai sinh ra tôi đặt bút viết và người đọc tôi có phản ứng gì, suy đoán ra sao? Tôi phải đặt tên cho nhiều nhân vật. Xin nói ngay, người và việc có thể thật nhưng những cái tên thì hoàn toàn giả. Tuy giả nhưng tôi biết trước thế nào cũng có người giật mình. Khi tôi gọi ông A không phải chỉ riêng ông A giật mình mà cả các ông tên Ấn, tên Âu, tên Ấm cũng giật mình, vì nghĩ tên mình được cố ý viết trệch đi thôi. Xin những người có tên trùng với những tên nêu lên trong bài viết này an tâm, tôi không nhắm vào tên của quí vị. Tôi sẽ viết từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, nhỏ và lớn ở đây dưới nhãn quan của tôi, không nhắm vào con số nhân sự mà nhắm vào nội dung của câu chuyện, của vấn đề được xảy ra hay nêu lên.

Nhỏ nhất là câu chuyện xảy ra giữa hai người, một cặp vợ chồng. Tôi ra đời sau khi hai người ly thân. Người vợ dọn ra ở ấp trong một chung cư. Lý do ly thân của họ tôi biết nhưng không nói ra vì không muốn xen vào đời sống riêng của họ. Chỉ biết sau mấy đêm ngồi trong xe rình bà vợ ly thân, tối tối hay đi bộ sang chơi ấp của một cặp vợ chồng ở một chung cư đối diện, cho đến mười, mười một giờ đêm mới ra về mà không thấy có người đàn ông nào đi theo, người chồng về nhà viết cho bà vợ ly thân một lá thư. Tôi chỉ trích lại tôi một đoạn: “Mấy hôm nay em ghé qua nhà chơi với Điệp, thấy em càng buồn càng đẹp anh cũng động lòng. Anh biết em bỏ thằng chồng em vì nó kém sinh lý. Anh bảo đảm với em, em sẽ được thỏa mãn một trăm phần trăm vấn đề đó. Hẹn em thứ tư tuần tới đúng một giờ trưa tại quán Mimosa. Em nhớ đúng hẹn, anh chờ. Ty.” Mang bỏ tôi vào thùng thơ xong ông chồng vẫn đêm đêm đậu xe ngồi rình. Ty là tên ông chồng của bà Điệp, cặp vợ chồng mà tối tối bà vợ ly thân vẫn đi bộ sang chơi. Một giờ kém mười lăm trưa thứ tư tuần sau, người chồng lái xe đến bãi đậu của tiệm Mimosa, thụt người trong xe ngồi rình. Nhưng không thấy bà vợ ly thân của ông đến chỗ ông hẹn. Tối hôm đó ông không lái xe đi rình nữa; ông ngồi ở bàn viết, ôm đầu, chốc chốc lại kéo hộc tủ, mở cuốn agenda, nhìn ngắm hình bà vợ ly thân được giấu ở bên trong. Ngắm chán ông lấy bút chì đỏ gạch đít nhiều lần hai câu thơ của Sully Prud' homme:


Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2021

Trang Châu: Bóng Người Trong Hành Lang

“Vì chậm trễ giấy tờ ở Bộ Nội Vụ nên khi tôi qua đến thành phố của xứ tuyết này, niên khóa ở đại học Bách Khoa đã khai giảng được một tháng. Người quen, mà ba má tôi nhờ thuê giữ trước cho tôi một phòng nhỏ ở gần khu đại học, khi đón tôi ở phi trường mới cho tôi hay người chủ nhà đã cho sinh viên khác thuê vì đúng ngày hẹn tôi không có mặt để ký hợp đồng. Đã trễ niên học lại thêm chưa có chỗ ở chắc chắn nên đầu óc tôi khá căng thẳng. Tôi không mấy thoải mái được cho ở tạm nhà người quen của ba má tôi. Họ cho tôi ở một phòng ở tầng dưới nhà họ, nhà lại nằm xa khu đại học. Tôi phải dậy sớm, đổi hai chuyến buýt mới đến được trường. Nên ngoài việc phải bù đầu vào cập nhật bài vở của tháng trước, tôi còn phải dành thì giờ mua hai tờ nhật báo, đọc mục rao vặt, xem quanh khu đại học còn phòng nào trống để tìm thuê.

Sau cả tuần theo dõi, tìm kiếm, tôi thấy ở cuối con đường băng ngang lưng khu đại học còn một phòng cho thuê, tuy khá xa trường nhưng chỉ phải đi một chuyến buýt. Tôi gọi điện thoại lấy hẹn. Người gác dan, tên Luc, cho tôi một cái hẹn để gặp ông chủ nhà. Đúng hẹn tôi gặp ông André, chủ nhà, một người đàn ông đứng tuổi, lịch thiệp khiến tôi có cảm tình ngay. Ông André đưa tôi lên lầu trên xem phòng.Lên hết cầu thang gặp ngay phòng đầu tiên, là phòng ông André đăng báo cho mướn. Đi một khúc hành lang đến phòng thứ hai. Ông André nói phòng này dành cho con gái ông, hiện đang ở xa, thỉnh thoảng về thăm. Ở khoảng giữa hai phòng là một phòng toa lét nhỏ. Tôi hơi ngạc nhiên phòng cho thuê khá khang trang mà giá lại rẻ hơn so căn phòng ba má tôi nhờ giữ trước đây. Tôi ký giấy mướn và chọn ngày dọn đến. Ra về tôi vui vì có được chỗ trọ tương đối dễ đi đến trường để yên tâm lo việc học. Tôi đón chiếc buýt chạy ngang lưng khu đại học đi thử, đi để tính xem mỗi bận đến trường mất bao nhiêu phút. Chiếc buýt ngừng sau lưng khu đại học ở trạm thứ năm. Mất 30 phút. Thời gian như thế sẽ vừa cho giờ đi đến trường hàng ngày suốt niên học của tôi.

Tôi chọn dọn đến ngày đầu tháng cho tiện việc trả tiền thuê hàng tháng. Dọn đến tôi mới biết ông André không ở ngôi nhà tôi thuê phòng. Vợ chồng ông và một người con trai ở một nơi khác. Ông chỉ đến nhà ban ngày vào một trong hai ngày cuối tuần.Anh Luc, người gác dan, là một thanh niên trẻ, ở một vuông nhà nhỏ phía sau ngôi nhà lớn. Ônh André ăn nói nhỏ nhẹ, tính ân cần. Có lần ông ngỏ ý, nếu tôi muốn, buổi sáng tôi có thể ngồi uống cà phê ở phòng ăn thay vì uống ở trong phòng tôi. Khi có dịp gặp ông vào buổi sáng cuối tuần bao giờ ông cũng chào tôi bằng câu:

-Đêm qua cậu có ngủ ngon không?

Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2017

Trang Châu: Một điều mơ ước



đừng hỏi tôi có còn làm thơ
đừng hỏi tôi có hết dại khờ
như thuở mười lăm, mười bảy tuổi
yêu, không cần biết thực hay mơ

đừng ưu tư sao tôi lặng im :
lặng im là muôn lớp sóng chìm
của những niềm đau không có tuổi
của những nỗi buồn không có tên

đừng xót xa sao tôi bơ vơ
giữa rừng tay sao nắm hững hờ
một rừng tay nhưng lòng tay… lạnh
tôi đang cần chút nắng ban sơ

hãy hỏi tôi một điều tôi ước:
tôi mơ làm một hạt sương mai
tinh khôi như một ngày mới lớn
long lanh hồng trên má xuân ai

Trang Châu

Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017

Trang Châu: Lá thư không đợi


Đi làm về ông Kim được vợ cho hay và dặn :
- Con Ly vừa gọi điện thoại, nó nói có thư gởi cho anh về địa cũ, nó đang giữ, nhớ lại lấy.
Địa chỉ cũ là cái nhà vợ chồng ông Kim đã bán lại cho cặp vợ chồng người Do Thái cách đây hai năm. Ly là em gái của vợ ông Kim, ở cạnh nhà cũ của ông. Trong mấy tháng đầu, sau khi bán nhà, chủ mới thỉnh thoảng vẫn đưa cho Ly những thư từ của vợ chồng ông Kim nhờ trao lại. Tròn cả năm  nay không còn thư từ nào gởi về địa chỉ cũ nữa. Ông Kim ngạc nhiên sao hôm nay lại có thư ? Nhưng sau khi nghe vợ nói thêm là Ly cho biết thư gởi từ Việt Nam thì ông Kim không còn thắc mắc sao thư lại gởi vế địa chỉ cũ mà thắc mắc ai ở Việt Nam gởi cho ông lá thư đó vì từ lâu ông không còn họ hàng thân thích nào ở Việt Nam để liên lạc.

Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016

Trang Châu - Xuân Hồng

Ảnh minh họa
Một lần xuân thắm tình trao
Bao xuân, vẫn ngỡ xuân nào mới yêu
Nghiêng vai nắng khoác lưng chiều
Mai thanh dáng trúc , đêm kiều diễm hoa

Em như tuổi mộng không già
Tình chan chứa đọng trong tà áo bay
Ta về say nốt cơn say
Lỡ âm thế gọi biết ngày nào xa

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

Trang Châu - Nghe Bình Minh


Ngồi đây lòng ở muôn trùng
Con trăng Châu Thổ sáng vùng Cao Nguyên
Ta về ngậm nắng trong tim
Hai tay tung gió thổi niềm tin lên
Tiễn ta em chớ ưu phiền
Còn bao nhiêu mộng giữ riêng cho đời
Tiễn ta em gởi nụ cười
Đôi mắt sáng với một lời quyết tâm
Ta về núi đá đơm bông
Con sông thoi thóp bỗng thầm thì reo
Quê hương đang giấc tiêu điều
Nghe bình minh vội đuổi chiều phôi pha


Trang Châu

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Trang Châu - Thằng dế gàn

Đây là sản phẩm của tưởng tượng, mọi trùng hợp ngoài đời đều ngoài ý muốn của tác giả. 

Không biết ông thân sinh nó có ngụ ý gì không khi đặt tên nó là Thắng. Nếu thắng được hiểu như chiến thắng, đánh đâu được đó thì phải xem ước mơ của ông thân sinh nó, một ước mơ đến giờ phút nầy có vẻ như là một ước mơ không đạt vì cái nghề giáo sư dạy toán cho một trường trung học của Thắng không phải là một thành quả to lớn gì lắm đối với một sinh viên du học. Cái chiến thắng duy nhất của Thắng dưới con mắt của nhiều người vừa ngạc nhiên vừa thắc mắc là nó cưới được con vợ vừa đẹp vừa ngoan. Nhưng chuyện đó sẽ được giải thích về sau.

Trở lại chuyện cái tên. Nếu ông thân sinh Thắng đặt tên nầy cho nó với ước mong khi lớn lên Thắng sẽ là con người sống biết tự chế thì quả thật ông đã chọn nhầm tên. Thắng từ thuở còn là học sinh, sinh viên cho đến khi làm thầy giáo, làm chồng, làm cha là một tay “nói toạc móng heo,” một tên phát ngôn không kiêng nể, một gã ăn nói không cần rào trước đón sau, không sợ đụng chạm.

Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015

Trang Châu - Thằng dế gàn


Đây là sản phẩm của tưởng tượng, mọi trùng hợp ngoài đời đều ngoài ý muốn của tác giả.

Không biết ông thân sinh nó có ngụ ý gì không khi đặt tên nó là Thắng. Nếu thắng được hiểu như chiến thắng, đánh đâu được đó thì phải xem ước mơ của ông thân sinh nó, một ước mơ đến giờ phút nầy có vẻ như là một ước mơ không đạt vì cái nghề giáo sư dạy toán cho một trường trung học của Thắng không phải là một thành quả to lớn gì lắm đối với một sinh viên du học. Cái chiến thắng duy nhất của Thắng dưới con mắt của nhiều người vừa ngạc nhiên vừa thắc mắc là nó cưới được con vợ vừa đẹp vừa ngoan. Nhưng chuyện đó sẽ được giải thích về sau.

Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

Trang Châu - Thầy Trân


Đến giờ Sử Địa cả lớp học hổi hộp ngồi chờ. Hôm nay ông hiệu trưởng sẽ đưa giáo sư mới đến dạy, thay thế thầy Tuyên vừa về hưu. Con Chín, ngồi cạnh tôi, đoán già đoán non:
- Tao chắc lại một ông giáo sư già lụm khụm. Môn này không mấy hấp dẫn nên không có nhiều thầy trẻ như bên Việt Văn, Toán hay Sinh Ngữ.
Tự nhiên tôi lạc quan một cách vô cớ:
-Biết đâu kỳ này lớp ta sẽ may mắn rước được một thầy Sử Địa trẻ, đẹp trai lại độc thân cho mà xem.

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Trang Châu - BỐN MƯƠI NĂM


Từ khoảng đời Thơ Ấu tôi lớn lên
Đất nước chưa một ngày im tiếng súng
Bom ru tôi ngủ
Sách vở từng trang tôi đọc
Mong tìm ra lấy nghĩa chiến tranh
Đang rỉa mòn quê hương đổ nát.

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

Trang Châu - NGƯỜI LÀM VIỆC THIỆN



Trang Châu

Sau khi về hưu ông Vĩnh kiếm được cho mình một công việc mới. Một công việc mà ông bí hiểm trả lời bạn bè, khi họ hỏi ông làm gì cho hết thì giờ trong ngày, rằng ông đi làm việc thiện. Nếu có ai gặng hỏi thêm công việc thiện là công việc gì thì ông làm thinh hoặc nói lảng sang chuyện khác. Ông Vĩnh tự nhủ với một chút tự kiêu rằng chỉ có ông mới thích hợp với loại công việc từ thiện ấy. Trước tiên , theo ông, công việc nầy đòi hỏi phải có sức khoẻ. Không rượu, không thuốc lá, lại là người ham thích thể thao, lúc trẻ là bóng đá bây giờ là bóng bàn, vũ cầu nên dù đã ở tuổi sáu mươi ông Vĩnh vẫn còn giữ được vóc dáng của một thanh niên khỏe mạnh. Ông Vĩnh được bạn bè  liệt vào hạng đẹp lão. Thời trai trẻ ông Vĩnh có biệt danh Vĩnh Alain Delon vì ông có nét hao hao giống tài tử gạo cội điện ảnh Pháp của những thập niên 60, 70. Nhưng ưu điểm nhất của ông Vĩnh là tài ăn nói lôi cuốn. Có bà đã phải thốt lên: “Ông Vĩnh mà mở miệng thì cóc trong hang cũng phải nhảy ra!”


Công việc mới của mình ông Vĩnh tìm ra một cách tình cờ. Là ủy viên xã hội trong hội Cao Niên Trường Thọ ông hay đại diện ông Hội Trưởng đi chia buồn và giúp đỡ gia đình của hội viên quá cố. Hôm qua ông đã đến chia buồn với gia đình ông Niệm, vừa từ trần vì ung thư gan ở  tuổi 70. Ở Việt Nam sống đến 60 tuổi được coi là thọ, còn ở các xứ tây phương tân tiến, giàu có thì hiện nay tuổi thọ trung bình là 76 cho đàn ông và 80 cho đàn bà. Đang sống ở xứ người, nên ông Niệm được tiếc thương là ra đi hơi sớm một chút, để lại bà vợ kém hơn ông những 10 tuổi tên Thoa. Bà Thoa, thuộc gia đình khá giả, người hơi đẫy đà một chút nhưng xuân sắc vẫn còn nét. Ông Vĩnh quan niệm vai trò ủy viên xã hội của mình không chỉ giới hạn vào việc kiếm lời tâm thực để chia buồn cùng tang quyến mà còn phải tìm cách nâng đỡ tinh thần người còn sống để họ sớm nguôi quên mà tiếp tục sống. Cho nên sau khi thay mặt ông Chủ Tịch ngỏ lời chia buồn, ông Vĩnh trịnh trọng cầm tay bà Thoa nói:
-Xin chị ráng giữ gìn sức khoẻ và nên thường xuyên đến hội quán sinh hoạt, gặp gỡ các anh chị em hội viên cho khuây khỏa. Anh Chủ Tịch ủy thác cho tôi nhiệm vụ giúp đỡ gia đình hội viên quá cố khi cần.

Nói xong, ông Vĩnh rút bóp đưa tấm danh thiếp cho bà Thoa:
- Chị cần gì xin cứ gọi tôi, tôi sống một mình, nên không có gì trở ngại cả. Chỉ xin chị nhớ cho chớ để phiền muộn làm mình già trước tuổi.

Khi nói câu cuối cùng ông Vĩnh nhìn vào mắt bà Thoa để dò xem phản ứng. Ông  yên tâm vì thấy bà Thoa tỏ ra rất cảm kích. Hôm 49 ngày của ông Niệm ở chùa, bà Thoa vô cùng cảm động trước việc ông Vĩnh huy động được hầu hết hội viên của hội tới dự. Một tuần sau bà Thoa gọi điện thoại mời ông Vĩnh lại nhà dùng cơm, gọi là để cám ơn lòng sốt sắng của ông. Ông Vĩnh được bà Thoa thết món bún ốc và bánh tôm chiên. Ông Vĩnh rất hài lòng một phần vì được ăn hai món ăn ưng ý, một phần vì bà Thoa tiếp ông không ủ rũ như một tang phụ mà với nụ cười trên khuôn mặt trang điểm kỹ lưỡng.

Và liên hệ tình cảm đến với bà Thoa nhanh hơn bà dự tưởng, khít khao sáu tháng sau khi ông Niệm mất. Với ông Vĩnh thì sự tiến nhanh đó khá dễ hiểu vì ông có quá nhiều ưu điểm để được cảm tình của bà Thoa. Nhưng bà Thoa không phải là đối tượng tình yêu của ông Vĩnh; ông chỉ xem bà là một đối tượng tình dục. Trong liên hệ tình cảm với bà Thoa, ông Vĩnh thấy mình cho nhiều hơn nhận và bà Thoa được nhiều hơn là ông được. Ông Vĩnh có cảm nghĩ ông đang làm một việc thiện, thật sự là một việc thiện: đem an ủi tinh thần lẫn thể xác cho kẻ khác. Để tránh ác ý có thể có dành cho công việc của ông làm, ông Vĩnh muốn liên hệ giữa ông và bà Thoa phải kín đáo. Ông viện ra nhiều lý do để thuyết phục bà Thoa đồng ý với ông, nhưng cái lý do chính nhất ông lại không nói ra, đó là ông Vĩnh không có ý đóng vai người làm việc thiện loại này cho riêng một người đàn bà. Ông sẽ là người của bất cứ người đàn bà nào cần ông.

Sau hai nhiệm kỳ làm ủy viên xã hội, ngoài bà Thoa, ông Vĩnh có thêm hai bà góa được ông nâng đỡ thêm phần tình cảm: bà Huệ và bà Kỳ. Tên con gái của bà Huệ là Tâm, tên con gái của bà Kỳ là Mỹ. Bà Tâm 65 tuổi, hơi ốm, thiếu nét gợi nhưng giàu có lại biết hậu đãi ông Vĩnh. Bà Tâm tuy không phải là món quà thể xác tươi mát nhưng bù lại nơi bà phảng phất chất lãng mạn của người núi Ngự, sông Hương. Bà Tâm không hề đặt một điều kiện nào với ông Vĩnh, trái lại bà còn muốn ông Vĩnh kín miệng giùm bà. Kín miệng là một cá tính ông Vĩnh đạt được với thời gian và qua vài kinh nghiệm sống. Trước đây thời còn trai trẻ, tính háo thắng, khi cao hứng ông Vĩnh hay khoe khoang thành tích được gái mê, gái bao của ông. Cho đến một hôm, một câu phê bình của ai đó lọt vào tai ông:
_ "Hay ho gì mà khoe thành tích khi đã chọn nghề làm đĩ đực!"

Từ đó ông Vĩnh nhận ra một chân lý xưa như trái đất: muốn được ăn ngon, ăn no, ăn lâu thì hãy câm miệng mà ăn. Những kinh nghiệm kế tiếp quả thật đã chứng minh cho ông Vĩnh thấy: biết ngậm miệng là ăn tiền.
Bà Mỹ xấp xỉ tuổi ông Vĩnh, có tính thích “nổ” và mê hát karaoké. Sau khi chồng mất bà Mỹ tuyệt tích gần cả năm. Nhiều người tưởng bà xa lánh mọi người để một mình gậm nhấm nỗi buồn góa phụ .Nhưng thật sự, trong thời gian nầy, bà ngấm ngầm giao tiếp với ông Vĩnh để học hỏi nhiều thứ. Dưới mắt bà, ông Vĩnh là một người tài hoa, học rộng, biết nhiều khiến bà rất tâm phục. Ông Vĩnh dạy cho bà cách sử dụng “computer”, chỉ cho bà luật làm thơ lục bát, luyện cho bà hát đúng giọng, đúng nhịp. Và bà Mỹ đền đáp cho ông Vĩnh bằng món hủ tiếu Nam Vang sở trường của bà cùng những giây phút “thư giãn” phập phình trên chiếc giường nệm nước của bà. Sau khi mãn tang chồng, liên hệ của bà Mỹ với ông Vĩnh có vấn đề vì bản tính hay “nổ” của bà. Không biết vô tình hay cố ý, trước đám đông, bà Mỹ hay có vài câu hay vài cử chỉ thân mật lộ liễu như muốn chính thức hóa với mọi người ông Vĩnh nay mai sẽ là người thay thế chỗ của ông Kỳ, ông chồng quá cố của bà. Ông Vĩnh vội đóng vai làm mặt giận, tránh mặt bà Mỹ cả tháng. Bà Mỹ tìm gặp, gạn hỏi lý do, ông Vĩnh mới mượn hai câu thơ của Hồ Dzếnh sửa đi vài chữ để cánh cáo bà Mỹ:
“Tình chỉ đẹp khi tình im lặng
“Tình mất vui khi miệng thế gian cười”

Để tiếp tục có người thưởng thức hủ tiếu và có người nằm bên cạnh cái giường nước với mình, bà Mỹ buộc bụng tự chế công khai bộc lộ tình cảm của mình, chờ đợi cái ngày cá cắn câu vì bà tin để giữ chân đàn ông, chỉ cần một cái bếp ngon và một cái giường hấp dẫn.

Cả một năm trời trôi qua, ông Vĩnh êm thắm đi về giữa ba mối tình cho nhiều hơn nhận của ông.

Ông nghĩ ông đang đem niềm vui cho người khác nhiều hơn cho chính ông. Niềm vui của riêng ôngVĩnh là các món ăn. Nhớ bùn ốc, tôm chiên ông ghé bà Thoa; thèm hủ tiếu Nam Vang ông ghé bà Mỹ; lâu lâu thích món Huế, bánh bột lọc, bánh lá chả tôm, ông ghé bà tôn nữ Tâm. Đôi lúc ông Vĩnh cũng có nghĩ đến một chọn lựa. Nhưng lúc nầy tinh thần làm việc thiện của ông còn quá mạnh, ông tin còn nhiều người đàn bà khác sẽ cần sự ân cần đặc biệt của ông, ông còn là nhu cầu sáng giá của nhiều tâm hồn góa phụ khác .

Trong cuộc bầu lại ban chấp hành nhiệm kỳ 3 của hội Cao Niên Trường Thọ có hai sự thay đổi: Ông Chủ Tịch, bị bệnh tiểu đường đến thời kỳ nặng, không tái tranh cử  và ông Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ theo con cái dọn đi tỉnh bang khác, nơi đó khí hậu ấm áp hơn và kinh tế đang phồn thịnh. Đại Hội phải bầu  tân Chủ Tịch và Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ. Thành phần còn lại của Ban Chấp Hành gần như bị toàn thể hội viên ép lưu nhiệm. Mặc dù có một số hội viên muốn đề cử ông Vĩnh vào chức Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ, ông vẫn một mực từ chối. Ông chỉ khiêm tốn nhận tiếp tục làm ủy viên xã hội trong tiếng vỗ tay râm ran của hội trường, nhất là của các nữ hội viên. Bà Mỹ, trong một phút bốc đồng đã cương một câu ca tụng ông Vĩnh:
-“Ủy viên xã hội không ai có thể xuất sắc hơn anh Vĩnh !”

Bà Thoa, bà Tâm, có mặt ở hội trường nhìn bà Mỹ với cặp mắt khó chịu. Không riêng gì bà Thoa, bà Tâm khó chịu, một số bà khác cũng tỏ ra khó chịu. Cái nhìn đồng loạt khó chịu như muốn nói lên: “điều đó chúng tôi ai cũng biết, chị nói ra chỉ bằng thừa”. Riêng ông Vĩnh, cái chức Phó Chủ Tịch rơi vào tay ông Phi làm ông không mấy vui. Ông Vĩnh có linh cảm ông Phi sẽ là một đối thủ đáng gờm của ông trong tương lai. Ông Phi, 65 tuổi,một giáo sư đại học vừa về hưu được ông Tổng Thư Ký Đức kéo vào sinh hoạt với hội cho vui. Ông Phi ăn nói điềm đạm, lý luận vững chắc; cặp kính cận trên khuôn mặt xương xương khả ái làm tăng vẻ trí thức dễ gây  cảm tình của ông. Thiện cảm đó được thể hiện trong việc tất cả hội viên có mặt hôm họp Đại Hội Đồng bầu tân Ban Chấp Hành đứng lên vỗ tay tín nhiệm ông Phi vào chức vụ Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ. Sau khi nhận chức ông Phi tuyên bố:
- “Tôi xin hứa sẽ làm hai công việc: liên lạc với chính quyền địa phương để xin tài trợ cho hội cao niên chúng ta và liên lạc với các hội cao niên sắc tộc bạn mời đại diện họ tham gia những nhịp lễ lớn của hội.”

Và ông Phi đã thực hiện được lời hứa. Hội trở nên mạnh và có uy tín nhờ có thêm phương tiện tài chánh và sự tham gia của các hội bạn. Những lời khen và sự thán phục của các hội viên, nhất là các hội viên nữ, làm ông Vĩnh không vui. Ông có cảm tưởng uy tín ông Phi càng lên thì vai trò và uy tín của ông trong hội càng lu mờ. Tự nhiên ông Vĩnh sinh ra có ác cảm với ông Phi, mặc dù trong các phiên họp, lúc nào ông Phi cũng tỏ ra lịch sự, luôn đề cao vai trò ủy viên xã hội  của ông Vĩnh. Có lúc ông Vĩnh đâm ra hối hận đã từ chối sự đề cử vào chức Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ.

Bỗng một biến cố lớn làm đảo lộn đời sống của ông Vĩnh. Nó xảy ra vào một buổi tiệc tất niên của hội. 
Trong phần văn nghệ giúp vui, ông Minh, Trưởng Ban Văn Nghệ, giới thiệu một tân hội viên nữ lên ngâm thơ. Ông Minh, với bản tính thích ví von cố hữu, ca tụng người đẹp không tiếc lời:
- Xin bảo đảm với quí hội viên, tài năng mới của hội không những chỉ đẹp, tài hoa mà còn là hội viên trẻ tuổi nhất của hội chúng ta. Xin tất cả một tràng pháo tay để chào đón chị Hồng Nhung!

Ông Vĩnh trố mắt nhìn khi thấy một người đàn bà bước lên sân khấu, gọn ghẽ trong chiếc áo nhung đen viền kim tuyến óng ánh. Bà Nhung quả thật trông trẻ nhất trong các bà của hội, mặt trái xoan, người thon thon, nụ cười hiền, đôi mắt hơi buồn. Nhưng điều gần như hớp hồn ông Vĩnh là giọng ngâm thơ của bà Nhung rất truyền cảm. Ông Vĩnh thầm nhủ đây mới là người đàn bà cân xứng với ông. Ông Vĩnh đến gặp ông Minh để tìm hiểu thân thế của bà Nhung và được ông Minh cho biết chồng bà Nhung, một chuyên viên địa ốc, vừa tử nạn xe hơi cách đây một năm. Bà Nhung, 50 tuổi, là giáo sư dạy Pháp văn ở một trường của chính phủ dành cho những người di dân. Bà vừa về hưu được hơn một tháng. Ông Vĩnh làm quen được ngay với bà Nhung trong đêm tiệc tất niên qua sự giới thiệu của ông Minh.

Hai tuần trôi qua, không thấy bà Nhung gọi điện thoại phúc đáp mặc dù ông Vĩnh đã để lại lời nhắn trong máy. Gọi đến lần thứ năm ông Vĩnh mới nghe được giọng bà Nhung ở đầu giây. Bà Nhung nhã nhặn xin lỗi ông Vĩnh vì bà đi nghỉ hè với các con bà, vừa về lại nhà khuya hôm qua nên chưa kịp nghe lời nhắn của ông Vĩnh. Ông Vĩnh mời bà Nhung đi dùng cơm tối, bà vui vẻ nhận lời. Trong bữa ăn, qua các mẩu chuyện trao đổi, ông Vĩnh nhận thấy bà tỏ ra có thiện cảm với ông, mặc dù bà luôn luôn giữ một khoảng cách trong lối xưng hô và có vẻ như né tránh những mở lời dẫn đường vào tình cảm của ông Vĩnh. Bữa ăn tối chưa giúp ông Vĩnh đạt được ý nguyện, nhưng ông vẫn tự tin cho rằng đàn bà lần đầu tiên bao giờ cũng như thế cả.

Đi ăn tối với bà Nhung đến lần thứ ba và sau hàng chục lần nói chuyện qua điện thoại, ông Vĩnh có cảm tưởng tình cảm của bà Nhung đối với ông như vẫn còn dậm chân tại chỗ, trong khi tình cảm ông dành cho bà ngày càng bùng cháy dữ dội. Ông Vĩnh tự ái chưa muốn tin mình bị tiếng sét ái tình ở cái tuổi 60 của mình. Ông chỉ muốn công nhận, nếu liên hệ tình cảm của ông với bà Nhung xảy ra, ông có cho và có nhận, và ông mong nhận được thật nhiều nữa là khác. Lần đầu tiên, ông Vĩnh bồn chồn, nôn nóng muốn công khai hóa liên hệ tình cảm giữa ông và bà Nhung.

Sau một đêm trằn trọc, đắn đo, ông Vĩnh quyết định đi thẳng vào vấn đề . Ông gọi điện thoại cho bà Nhung vào lúc 9 giờ tối. Bằng một giọng chưa bao giờ ngập ngừng như thế, ông Vĩnh tỏ tình:
- “Tôi... yêu... Nhung ngay từ buổi đầu gặp mặt. Tôi hy vọng Nhung cũng dành cho tôi tình cảm tương tự. Nếu Nhung đáp lại tình tôi, chúng ta sẽ có một mối tình lớn và sẽ là mối tình cuối cùng của hai chúng ta!”

Tiếng bà Nhung trả lời, dịu dàng như mọi khi:
- “ Nhung cám ơn những lời chân tình của anh Vĩnh. Nhung rất quí anh, phục anh, vì anh là người tận tụy với hội viên của hội. Là hội viên mới, Nhung muốn noi gương anh để trở nên người hữu ích cho hội. Chúng ta hầu hết là những người đã trải qua những mất mát lớn trong đời, nên Nhung nghĩ mỗi người trong hội có bổn phận nâng đỡ tinh thần lẫn nhau, làm việc thiện cho nhau, theo tinh thần của hướng đạo sinh, anh ạ! Nhung nhận lời đi ăn tối với anh cũng nằm trong tinh thần tương ái đó. Nhưng vì hôm nay anh đưa tình cảm sang một ngã rẽ khác, bất ngờ quá, Nhung chưa sẵn sàng để đi. Vậy mong anh thông cảm.”

Sau lần tỏ tình thất bại đó, ông Vĩnh ngưng gọi điện thoại cho bà Nhung. Và không biết có phải vì lời tỏ tình của ông khiến bà Nhung ngại ngùng nên không thấy bà đến sinh hoạt với hội. Thêm một ngạc nhiên và thắc mắc nữa đến với ông Vĩnh là chỉ một tuần sau, ông Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ Phi viết thư xin từ chức vì lý do sức khoẻ và cũng vắng bóng luôn trong những buổi sinh hoạt của hội.

TRANG CHÂU
Barcelo Bavaro Beach 2012


Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

Lời mời bên kia vách tường

Trang Châu

Hình minh họa (Internet)

Đây là sản phẩm của tưởng  tượng, mọi trùng hợp ngoài đời đều ngoài ý muốn của tác giả

Cái ấp bốn rưởi mà Hải  ưng ý biết bao nhiêu lại làm anh thất vọng bấy nhiêu sau khi dọn vào ở. Khu chung cư nầy thuộc hạng sang. Khi Hải gọi điện thoại hỏi thuê họ cho biết chỉ còn trống một ấp bốn rưởi. Chung cư có chỗ đậu xe bên trong dành riêng cho mỗi chủ ấp.Giá thuê tuy đắt nhưng ưng ý nên Hải ký hợp đồng thuê sau khi được người gác dan dẫn đi xem.

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

Nhìn đàng sau (Truyện thật ngắn)


Trang Châu

Người bạn thắc mắc:
- Mà nàng bỏ cậu hay cậu bỏ nàng?

Người chồng nhún vai:
- Chẳng ai bỏ ai. Tôi không ở nổi tôi đi, nàng không giữ nổi nàng thả.

Thứ Hai, 6 tháng 9, 2010

Bốn mươi năm sau ĐỌC LẠI TÁC PHẨM MÌNH

Trang Châu

Cuốn Y Sĩ Tiền Tuyến được viết thành một bút ký dài với mục đích tiên khởi là để dự thi Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc do nền Đệ Nhị Cộng Hòa tái lập vào năm 1969. Giải thưởng nầy, được thiết lập dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, bị gián đoạn sau cuộc chính biến năm 1963. Tôi còn nhớ mình hăm hở viết, được trang nào là đưa cho người hạ sĩ quan thư ký đánh máy. Lúc ấy tôi đang là Đại Đội Trưởng Đại Đội Chỉ Huy kiêm y sĩ gây mê của bệnh viện Đỗ Vinh của Sư Đoàn Dù.


Thứ Hai, 23 tháng 8, 2010

Một con tàu một con đường

Trang Châu

Chúng tôi mua căn nhà mới nầy do một sự tình cờ. Một người bạn gái của vợ tôi muốn mua một căn trong khu nhà đang xây, nhờ vợ tôi đi xem và giúp ý kiến. Bà bạn biết vợ tôi có kinh nghiệm về nhà cửa. Bà biết vợ tôi từng mua nhà cũ, sửa chữa, trang trí rồi bán lại với giá cao.