Hiển thị các bài đăng có nhãn Trọng Thành. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trọng Thành. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 26 tháng 9, 2023

Dư luận xung quanh việc tử tù Lê Văn Mạnh bị thi hành án

Nguyễn Anh Tuấn: Ly rượu máu người

Có người đặt câu hỏi vì sao tòa án tỉnh Thanh Hóa ra lệnh xử tử Mạnh lúc này?

Chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời trong thông báo họ gửi cho gia đình.

Theo đó, họ thi hành án Mạnh thể theo yêu cầu của Vụ I, Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) thông qua công văn đề ngày 11/8/2023.

Trong hệ thống thứ bậc của bộ máy quyền lực ở Việt Nam, chúng ta biết rằng Vụ I không thể gửi công văn này nếu không có sự chỉ đạo của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình.

Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2021

Trọng Thành (RFI): Afghanistan - Vì sao Hoa Kỳ dè dặt về chính phủ mới của Taliban?

Ngày 07/09/2021, việc Taliban công bố nhiều thành phần chủ chốt của tân chính phủ Afghanistan không hề « hòa hợp » như đã loan báo, trong đó có nhiều nhân vật nằm trong danh sách trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, gây sốc. Nhiều nhà quan sát ví đây như là một gáo nước lạnh dội vào hy vọng của nhiều nước phương Tây. Tuy nhiên, sau khi Taliban công bố thành phần chính phủ gây nhiều thất vọng, Hoa Kỳ đã có phản ứng rất dè dặt. Vì sao ?

Ngay sau khi công bố thành phần chính phủ mới, ngày hôm qua, 08/07, ngoại trưởng Mỹ đến Đức, với mục tiêu cố tìm cách phối hợp với các quốc gia từng can thiệp vào Afghanistan, để thống nhất hành động trước động thái mới này. Trưa hôm qua, lãnh đạo ngoại giao Mỹ Antony Blinken đến căn cứ không quân Hoa Kỳ, ở tây nam nước Đức, nơi tiếp nhận hàng ngàn người tị nạn từ Afghanistan. Trong buổi chiều, ông Blinken cùng đồng nhiệm Đức Heiko Maas chủ trì cuộc họp trực tuyến với khoảng 20 ngoại trưởng các nước.

Washington hy vọng hội nghị này là dịp để trước hết nhấn mạnh các kêu gọi quốc tế với Taliban để các ông chủ mới ở Kabul tôn trọng cam kết, cho tất cả những người Afghanistan nào muốn có thể rời khỏi đất nước. Khoảng 123.000 người đã được di tản khỏi Afghanistan, trong đó chủ yếu là người Afghanistan. Hoa Kỳ lo ngại là hiện tại còn rất nhiều người Afghanistan chờ đợi được ra đi.

Hội nghị các ngoại trưởng phương Tây cũng có mục tiêu là đưa ra một phản ứng thống nhất, với chính quyền Taliban, sau khi chế độ Hồi giáo công bố những nhân sự chủ chốt đầu tiên, không có nhân vật nào không thuộc Taliban, như đã hứa hẹn. Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh trong một thông báo trước khi hội nghị diễn ra : « Chúng tôi muốn tiến hành với sự phối hợp và có tổ chức giai đoạn tiếp theo, đặc biệt liên quan đến quan hệ với các tân lãnh đạo ở Kabul ».

Phản ứng đầu tiên của lãnh đạo ngoại giao Mỹ thể hiện bước đi dè dặt của Washington, khi ông tuyên bố : Tân chính quyền Taliban sẽ được phán xét dựa trên « các hành động cụ thể », chứ không phải là qua các tuyên bố. Hoa Kỳ tránh trực tiếp bình luận về các nhân sự lãnh đạo mới của chính phủ Taliban, cho dù trong số đó có những phần tử bị Hoa Kỳ coi là tội phạm.

Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2021

Trọng Thành (RFI): Rút khỏi Afghanistan, Mỹ rảnh tay đối phó với Trung Quốc

Hai thập niên can thiệp quân sự của Mỹ vào Afghanistan không mang lại kết quả, cuộc rút quân bị lên án là tháo chạy trong « hỗn loạn », đang làm tổn hại hình ảnh của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trái với quan điểm cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy sự suy yếu của nước Mỹ, theo nhiều nhà quan sát, việc dứt khoát rút khỏi « bãi lầy » Afghanistan là một bước ngoặt chiến lược giúp Washington rảnh tay tập trung đối phó với các tham vọng của Bắc Kinh tại châu Á.

Một dấu hiệu rõ ràng cho thấy bước chuyển chiến lược này: Phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã công du châu Á (từ ngày 22 đến ngày 26/08/2021) ngay vào lúc đang diễn ra cuộc di tản ồ ạt khỏi Afghanistan, mà nhiều người ví với biến cố chế độ Sài Gòn thất thủ năm 1975, sau khi quân đội Mỹ rút đi. Điểm đến của phó tổng thống Harris là Singapore và Việt Nam, hai quốc gia được coi là đồng minh và đối tác hàng đầu của nước Mỹ trong thế trận ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Quốc.

Chống tham vọng Bắc Kinh ở Biển Đông : Nước Mỹ dẫn đầu


Chuyến công du ngoài châu Mỹ đầu tiên của phó tổng thống Hoa Kỳ kể từ khi nhậm chức là đến châu Á là nhằm trấn an các đồng minh và đối tác châu Á lo ngại trước nguy cơ trong tương lai Hoa Kỳ bỏ rơi đồng minh tương tự như điều đang xảy ra tại Kabul, thủ đô Afghanistan. Tuy nhiên, trên thực tế, chuyến công du của bà Harris cho thấy nước Mỹ đang ở thế công, chứ không phải thế thủ.

Trong chuyến đi châu Á này, phó tổng thống Mỹ đã liên tục lên án Bắc Kinh « làm xói mòn trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và đe dọa chủ quyền quốc gia » của các nước láng giềng Đông Nam Á tại Biển Đông, cũng là con đường hàng hải quốc tế huyết mạch. Theo chuyên gia về Trung Quốc và châu Á Ryan Hass, Viện tư vấn Brookings Institution, các diễn biến ở Kabul sẽ không có tác động đáng kể đến uy tín của nước Mỹ tại châu Á.

Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

Trọng Thành (RFI): Covid - ''Mô hình'' quân đội đi chợ cho dân Sài Gòn thất bại

Tại tâm dịch Covid ở TP.HCM – thủ phủ kinh tế của Việt Nam, một diễn biến gây nhiều chú ý hôm qua, 28/08/2021. Sở Công Thương thành phố yêu cầu cho 25.000 shipper trở lại vận chuyển hàng hóa phục vụ người dân.

Theo nhiều nhà quan sát, việc chính quyền đưa ra đề xuất nói trên cho thấy chính quyền đã thừa nhận chính sách đưa quân đội đảm nhận việc cung ứng thực phẩm cho toàn bộ dân cư thành phố, cùng với chính quyền cơ sở, là một thất bại.

Ngay từ khi chính quyền ấn định kế hoạch bộ đội cung cấp thực phẩm cho hơn 10 triệu dân thành phố, bắt đầu thực hiện từ ngày đầu đợt siết chặt phong tỏa 23/08, nhiều chuyên gia, nhà hoạt động xã hội đã lên tiếng cảnh báo về thất bại được báo trước.

Từ Sài Gòn, giáo sư Hoàng Dũng nhận định với RFI Tiếng Việt về vấn đề này:

«Từ sự kiện này, có hai cách đánh giá khác nhau. Một cách nhìn có vẻ tươi sáng, là khen ông Nhà nước uyển chuyển, biết sửa lại các quyết định của mình sao cho phù hợp với thực tiễn hơn. Nhưng mặt khác, người ta cũng thấy điều mà Nhà nước không thấy. Đó là những người ở vị trí quyết định đã vội vàng đưa ra những chủ trương mà ngay từ đầu đã thấy sai lầm. Cụ thể là cấm hoàn toàn shipper trong một số quận. Còn một số quận còn lại vẫn cho hoạt động, nhưng trong phạm vi của một quận thôi. Việc giải quyết hàng hóa cho hơn 10 triệu dân, họ trông cậy hoàn toàn vào bộ đội. Khi Sở Công Thương đề nghị cho 25.000 shipper hoạt động trở lại, điều đó có nghĩa là công khai thừa nhận mô hình cung cấp thực phẩm trước đây là hoàn toàn thất bại. Thất bại có thể biết trước được. Với một thành phố hơn 10 triệu dân, để đưa được đồ ăn thức uống đến cho dân, thì phải một lực lượng ước chừng 50 ngàn người. Không thể điều 50 ngàn lính làm việc đó được. Số lượng đó là quá lớn. Riêng việc đó đã đủ thất bại! … Còn về việc di chuyển, các shipper khi cần ngay lập tức có thể tới ngay, còn với những người không chuyên nghiệp, đó là chuyện không dễ. Thêm một điểm khác, là shipper họ thường quen với hàng hóa…».

– Ông nhìn nhận ra sao về việc các hoạt động của thị trường, của xã hội dân sự gặp khó khăn trong giai đoạn đại dịch?

Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

Trọng Thành (mục Điểm Báo của RFI): Chiến thắng của Taliban - Thất bại của “ảo tưởng” nhập khẩu dân chủ

Thủ đô Afghanistan thất thủ, Taliban trở lại nắm quyền sau 20 năm là chủ đề chính của hầu hết các báo Pháp hôm nay, 17/08/2021, hai ngày sau khi Taliban tiến vào Kabul. Hồ sơ trang nhất của Le Monde mang hàng tít : “Taliban : Những chủ nhân tại Kabul”. “Taliban người chủ của cuộc chơi” cũng là tựa chính của La Croix.

Le Figaro hoàn toàn bi quan với nhận định : “Taliban áp đặt trật tự Hồi giáo tại Kaboul”. Libération dành hình ảnh trang nhất cho cảnh nhiều người đang cố leo qua một bức tường cao với tựa chính : “Afghanistan. Mạnh ai nấy chạy”. Nhật báo kinh tế Les Échos tìm cách rút ra “10 câu hỏi về thảm kịch Afghanistan”.

Sau 20 năm bị lật đổ, ngày 15/08/2021, Taliban trở lại chiếm Kabul mà không cần nổ súng. Tổng thống Ashraf Ghani bỏ chạy, người phát ngôn Taliban thông báo “chiến tranh kết thúc”. Các sứ quán phương Tây khẩn trương sơ tán, sân bay quốc tế Kabul hỗn loạn. Với vài mô tả nói trên, Le Monde đã tóm lược biến cố bất ngờ mà một số nhà quan sát đánh giá như là một thất bại lớn nhất của phương Tây kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Những “ảo tưởng” nguy hiểm và hai nạn nhân chính


Về chiến thắng nhanh chóng và sự sụp đổ bất ngờ của chính quyền Kabul, được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn, Libération có bài xã luận mang tên “Những ảo ảnh”. Tại sao lại là ảo ảnh ? Ảo ảnh đầu tiên là “những tuyên bố tương đối mang tính hòa giải” của nhiều thủ lĩnh Taliban. Tuy nhiên, điều đó không lừa được ai ! Đối với Libération, hậu quả đã rõ ràng.

Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

Trọng Thành (RFI): Covid-19 - Việt Nam đón Noel và Năm mới 2021 trong không khí trầm lắng hơn

Năm 2020 sắp trôi qua. Cũng như khắp nơi trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Tại Việt Nam, người dân đón dịp Noel – Giáng sinh và chuẩn bị cho dịp Tết năm mới ra sao ? Đa số người dân chúng tôi đặt câu hỏi đều ghi nhận không khí Tết cuối năm trầm lắng hơn, tuy hoàn cảnh mỗi nơi một khác.

Trước hết mời quý vị theo dõi một số nhận định của nhà báo Võ Văn Tạo, từ thành phố Nha Trang : 

« Tôi theo dõi khoảng vài thập niên trở lại đây, thì không khí nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi nhân ngày Noel càng rõ nét hơn. Nhưng rõ ràng năm nay do ảnh hưởng Covid-19, mức sống thu nhập giảm sút rõ rệt, nhất là ở Nha Trang, nơi một tỉ lệ lớn dân chúng sống bằng nghề du lịch. Dịch Covid kéo theo việc cản trở nhập cảnh giữa các quốc gia. Nha Trang bị thiệt hại nặng nề nhất. Số thất nghiệp khá đông. Tôi chỉ thấy trong gia đình tôi, vừa rồi có mấy người đến, qua trung tâm giới thiệu việc làm cho người giúp việc gia đình, họ đều nói là trước đây làm ngành du lịch. Có người chạy bàn, người lái xe chở khách, khách Nga, khách Hàn Quốc, Trung Quốc… đều mất việc. Họ bổ sung vào đội ngũ đi tìm nghề giúp việc. 

Khách sạn hơn 1.000 phòng chỉ vài cửa sổ sáng đèn


Tôi có một anh bạn ở Sài Gòn, anh ấy mua căn hộ trong một tòa cao ốc bên cạnh một vị trí sát bờ biển, ngay chỗ đắc địa nhất Nha Trang. Anh ấy ra chơi, ngồi ở quán cà phê ngay bên bờ biển. Anh ấy bảo buổi tối khi đi về, thì thấy cả một building lớn như thế, một tòa nhà với hơn 1.000 căn hộ du lịch (khách sạn Havana) như thế mà chỉ có bốn, năm cửa số sáng đèn. Thê thảm đến cỡ đó ! Nhân viên phục vụ ở đấy cho biết là nghỉ việc rất nhiều.

Phải công nhận là chính phủ và người dân đã xử lý, đối phó với dịch Covid khá thành công, có nghĩa là số bị lây, bị chết không nhiều lắm. So với các quốc gia khác, thì Việt Nam cũng là quá khỏe, quá nhẹ nhàng rồi, nhưng dù sao dịch đó cũng gây một căng thẳng rất lớn cho đời sống kinh tế, xã hội ở Việt Nam ».

Thất nghiệp gia tăng, hàng tăng giá, thuế cũng tăng


Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2020

Trọng Thành (RFI): TT Trump cố tình giấu dân Mỹ về độ nguy hiểm của Covid-19

Tổng thống Mỹ Donald Trump biết rõ mức độ nguy hiểm của virus gây bệnh Covid-19, nhưng cố tình giảm nhẹ mối đe dọa với công chúng Mỹ. Hôm qua, 09/09/2020, một số trích đoạn trong cuốn sách sắp xuất bản của nhà báo Bob Woodward, tiết lộ thông tin này.

Những phát biểu nói trên của tổng thống Trump nằm trong số 18 cuộc nói chuyện qua điện thoại giữa tác giả cuốn sách với ông Trump, được ghi âm với sự chấp thuận của đương kim tổng thống. Việc các đoạn hội thoại này được công bố ngay lập tức gây phẫn nộ trong hàng ngũ đảng Dân Chủ Mỹ, đang tập trung lên án chính sách của ông Trump trong đại dịch Covid-19, đặc biệt trong giai đoạn khi dịch mới bùng phát. 

Thông tín viên Anne Corpet tường trình từ Washington: 

“Virus lan truyền trong không khí đấy Bob ạ, người ta có thể bị lây nhiễm khi hít thở”. Tổng thống Mỹ khẳng định như vậy, trước khi nói thêm : “dịch bệnh này còn gây tử vong hơn nhiều so với một đợt cúm nghiêm trọng ! Nguy hiểm chết người đấy !”. 

Những lời lẽ này được ông Donald Trump đưa ra hôm mùng 7 tháng Hai. Tuy nhiên, cũng vào thời điểm đó, trước công luận, tổng thống Trump lại thường xuyên so sánh virus corona chủng mới với một trận cúm thông thường, và bảo đảm là virus sẽ nhanh chóng biến mất. 

Khi được hỏi về các phát biểu được ghi âm này, tổng thổng Mỹ tự bào chữa : “Cần phải bình tĩnh. Cần tránh gây hoảng loạn”. 

Trên thực tế, nước Mỹ đã phản ứng chậm trễ trước dịch bệnh. Đối với phe Dân Chủ, đang tố cáo chính phủ quản lý kém việc đối phó với đại dịch, thì các đoạn ghi âm này là một bằng chứng mới về sự bất tài của ông Donald Trump. 

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020

Trọng Thành: Điều tra Mỹ về thủy điện Trung Quốc làm Mêkông khô hạn - Cơ hội các nước hạ lưu đòi công lý?

Ảnh minh họa : Đập Xayaburi, dài 820 mét, do Trung Quốc xây trên thượng nguồn sông Mêkông tại Lào. Handout / CK POWER / AFP

Đồng bằng Cửu Long thiếu nước ngọt chưa từng thấy đầu năm 2020 này, tiếp theo đợt hạn hán 2019. Khó ai ngờ ở xứ sở kênh rạch chằng chịt lại có ngày người dân phải mang can mua nước ngọt. Bên cạnh biến đổi khí hậu toàn cầu, và việc sử dụng nước tại chỗ bất hợp lý, các đập thủy điện, đặc biệt đập do Trung Quốc xây ở thượng nguồn, được coi là một nguyên nhân chính gây hạn hán. Tuy nhiên, cho đến nay, dường như đã chưa có nghiên cứu nào chỉ rõ.

Đầu tháng 4/2020, điều tra của một cơ sở nghiên cứu, có trụ sở tại Mỹ, cho thấy việc các đập thủy điện trên thượng nguồn Mêkông giữ nước là nhân tố gây ra hạn hán tại hạ lưu. Ngay sau khi nghiên cứu của Mỹ được công bố, một số quốc gia hạ lưu Mêkông đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc minh bạch thông tin về các đập thủy điện.

Liệu kết quả điều tra mới về vai trò của gây hạn hán của đập thủy điện Trung Quốc có góp phần cứu vãn dòng Mêkông? Mục Theo dòng thời sự của RFI tổng hợp thông tin về vấn đề này.

*** 

Điều tra mới về vai trò của các đập thủy điện Trung Quốc trên thượng nguồn Mêkông cho thấy điều gì?


Cuối tháng 2/2020, trong một cuộc tiếp xúc với các nông dân và ngư dân Lào khi đó lo lắng về tình trạng hạn hán chưa từng thấy trên dòng Mêkông, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) đã lên tiếng trấn an người dân Lào, đồng thời khẳng định Trung Quốc lâm vào tình trạng tương tự. Tuy nhiên, theo báo mạng Hoa Kỳ New York Times, các nghiên cứu về khí hậu, thủy văn, dựa trên các dữ liệu vệ tinh, vừa được công bố, cho thấy điều ngược lại. 

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2020

Trọng Thành: Đại dịch covid-19 - Một cơ hội hiếm có để xét lại tiến trình toàn cầu hoá hiện nay

Hubert Védrine. © RFI/Sébastien Bonijol@
Đại dịch virus corona đang làm đảo lộn hành tinh. Điều chưa từng thấy kể từ Thế chiến thứ hai. Hàng chục quốc gia thực thi chính sách phong toả toàn bộ hoặc một phần với hy vọng hãm đà bùng phát của dịch. Phong toả là cần thiết, nhưng không thể kéo dài. Vác-xin cũng không thể sớm có. Để tránh dịch bùng trở lại sau thời kỳ phong toả, xã hội hiện nay cần nhiều thay đổi triệt để. 

Trong bài trả lời phỏng vấn Le Figaro hôm 22/03/2020, cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine đặc biệt chỉ ra rằng chính tiến trình toàn cầu hoá, với hai đặc điểm tiêu biểu là giới tài chính được rảnh tay mặc sức làm mưa làm gió, và sản xuất công nghiệp được bố trí tại những nơi giá nhân công rẻ mạt nhất, đã là một cội nguồn căn bản dẫn đến cuộc khủng hoảng virus corona hiện nay. Du lịch thương mại hoá cũng bị điểm mặt là một nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng. Nhận định về cội nguồn sâu xa của đại dịch, Hubert Védrine đề xuất những hướng đi cho tương lai, để cho các xã hội, trước hết là các xã hội phương Tây, tránh rơi vào vết xe đổ. 

RFI giới thiệu cuộc phỏng vấn của Le Figaro với cựu ngoại trưởng Pháp, mang tựa đề ‘‘Đại dịch virus corona đang khiến nhiều niềm tin sâu xa tan thành tro bụi’’. Phỏng vấn do nhà báo Anne Fulda thực hiện. 

***

Le Figaro : Theo ông, cuộc khủng hoảng virus corona cho thấy điều gì trên phương diện quốc tế ? 

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2019

Trọng Thành (RFI): Nhà văn Nguyên Ngọc - Tường Berlin đổ, trông người mà ngẫm đến ta

Một đoạn tường chia cắt thủ đô Berlin. Ảnh chụp năm 1986.Noir/wikipedia.org
Cách nay 30 năm một sự kiện xảy ra tại Đông Âu gây chấn động toàn cầu. Bức tường Berlin, biểu tượng cho cuộc Chiến tranh Lạnh sụp đổ, báo hiệu cho sự tan rã hoàn toàn của khối cộng sản toàn trị, do Liên Xô đứng đầu. Sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ có ý nghĩa gì với lịch sử Việt Nam đương đại ? 

RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà văn Nguyên Ngọc, một trụ cột của cao trào Đổi mới văn nghệ Việt Nam trong những năm 1987-1989, nhân chứng lịch sử của thời điểm bước ngoặt này. Theo nhà văn Nguyên Ngọc, sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ chấn động này đã làm cho người Việt Nam phải suy nghĩ rất nhiều. Tuy nhiên, tình hình Việt Nam trước đây và hiện nay khác xa với Đông Âu. Bởi chế độ cộng sản tại Việt Nam ''ăn sâu, trộn lẫn với chủ nghĩa yêu nước trong một thời gian rất dài''. Tìm được con đường thoát khỏi một chế độ như vậy là vô cùng khó. Để tìm ra được một kịch bản khả dĩ giải thoát cho Việt Nam, cần trở lại với sự lựa chọn gốc : văn minh hay chuyên chế, hướng về các nền dân chủ phương Tây hay ngả sang các thể chế độc tài – toàn trị. 

Bức tường Berlin sụp đổ, những biến chuyển trong khối cộng sản toàn trị trước và sau biến cố lịch sử này dường như, với nhà văn Nguyên Ngọc, vẫn là câu chuyện của Việt Nam hôm nay. Thời gian 30 năm như ngưng đọng. Việt Nam vẫn đứng trước thách thức chọn đường thoát, như 30 năm về trước. 

*** 

RFI: Ông nhận định ra sao về sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ ngày 09/11/1989 ? 

Nhà văn Nguyên Ngọc: Đối với Việt Nam cũng như đối với thế giới, đây là một sự kiện rất lớn. Nó chấm dứt một chế độ đã kéo dài cả thế kỉ. Tôi cũng có ở Liên Xô không lâu trước khi Bức tường Berlin sụp đổ. Và tôi cũng có ở một số nước Đông Âu. Thì tôi nghĩ rằng đã có những dấu hiệu là chế độ này không tồn tại lâu dài nữa đâu. Cho nên đến cái ngày nó sụp đổ, thì cũng là bất ngờ, nhưng đối với riêng tôi cũng là tất yếu thôi. Tôi cũng có ở Đức, ngay Berlin, phía đông Berlin. Tôi thấy rằng đối diện với Tây Berlin, với Tây Đức, một chế độ như vậy không thể kéo dài. 

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2018

Trọng Thành: Biển Đông : Nguy cơ xung đột bùng nổ do Bắc Kinh gia tăng bành trướng

Ảnh ông Tập Cận Bình cạnh Mao Trạch Đông
trên đường phố Thượng Hải, 
ngày 26/02/2018. -- REUTERS/Aly Song'

Le Figaro có bài phân tích đáng chú ý về nguy cơ Trung Quốc mở rộng bành trướng lãnh thổ, trước hết tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sau việc đảng Cộng Sản Trung Quốc sửa đối Hiến pháp, cho phép ông Tập Cận Bình lãnh đạo trọn đời.

Le Figaro ghi nhận trước hết phản ứng lo ngại trên các mạng xã hội tại Trung Quốc, sau khi ông Tập Cận Bình có triển vọng sẽ cầm quyền suốt đời. Các bình luận chỉ trích nở rộng đến mức chính quyền Trung Quốc ra lệnh ngăn chặn hàng loạt diễn đạt như « vua tự phong », « tôi không đồng ý » hay tôi sẽ « di cư »… Tuy nhiên, điều mà tờ báo tập trung lưu ý công chúng là, với khả năng quyền lực nằm trọn trong tay ông Tập Cận Bình, chính quyền Bắc Kinh rất có thể sẽ lựa chọn chiến lược cứng rắn, tăng cường ảnh hưởng trước tiên tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, buộc Hoa Kỳ phải lùi bước.

Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

Trọng Thành: Đà Nẵng nôn nóng "phát triển", báu vật Sơn Trà bị đe dọa

Bán đảo Sơn Trà, miền trung Việt Nam. - Ảnh : Wikipedia

Bán đảo Sơn Trà, miền trung Việt Nam, được coi là một thắng cảnh quốc gia, đang trở thành điểm nóng tại Việt Nam trong những tháng gần đây, với việc giới bảo vệ môi trường lên tiếng đòi hỏi chính quyền ngừng đánh đổi vùng sinh thái độc nhất vô nhị này lấy lợi nhuận ngắn hạn. RFI phỏng vấn ông Huỳnh Tấn Vinh, chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch Đà Nẵng.

Bán đảo Sơn Trà, với chiều dài khoảng 13 cây số, diện tích rừng khoảng 4.500 hecta, là một khu rừng tự nhiên hiếm hoi ở Việt Nam nằm ngay sát một vùng đô thị sầm uất. Nhiều nhà khoa học cho rằng đây là hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền với biển duy nhất còn sót lại ở Việt Nam. Báu vật trời cho - « vương quốc » của loài voọc chà vá chân nâu, còn được mệnh danh là « nữ hoàng linh trưởng » - đang bị đe dọa.

Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

Trọng Thành/Thanh Phương/RFI: Trung Quốc phản đối phát biểu của Trump về Biển Đông / Trump gây thêm khó khăn cho chiến lược Bắc Triều Tiên của Mỹ

Khu trục hạm US John S.McCain tuần tra Biển Đông,
ảnh ngày 22/01/2017. -- Reuters

Trung Quốc phản đối phát biểu của Trump về Biển Đông

Ngày 20/09/2017, sau phát biểu của tổng thống Mỹ Donald Trump tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc liên quan đến Biển Đông, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lên tiếng phản đối.

Trong bài phát biểu ngày 19/09, tổng thống Mỹ khẳng định có « các thách thức về chủ quyền » tại Ukraina và vùng Biển Đông giàu tài nguyên, nhưng không nhắc đến tên Nga và Trung Quốc. Trong diễn văn nói trên, tổng thống Mỹ nhấn mạnh đến việc tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng biên giới quốc gia, tôn trọng các cam kết hòa bình.

Phản ứng lại thông điệp nói trên của nguyên thủ quốc gia Mỹ, trả lời báo giới, phát ngôn viên Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang), lên án « một số quốc gia » lấy cớ bảo vệ quyền tự do hàng hải để đưa máy bay và chiến hạm đến khu vực Biển Đông. Theo người phát ngôn Trung Quốc, « hành xử này » thách thức chủ quyền của « các quốc gia Biển Đông ».

Đại diện bộ Ngoại Giao Trung Quốc không nêu tên quốc gia nào, nhưng lưu ý là tình hình hiện nay đã được cải thiện do các phối hợp giữa Trung Quốc và ASEAN.

Việc Hoa Kỳ gia tăng tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông trong những tháng gần đây, tại các địa điểm nằm trong khu vực 12 hải lý một số đảo nhân tạo do Trung Quốc quản lý, khiến Bắc Kinh phản đối mạnh, nhưng được một số nước láng giềng hoan nghênh.

Trump gây thêm khó khăn cho chiến lược Bắc Triều Tiên của Mỹ

Quang cảnh phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 72 
tại New York ngày 19/09/2017. -- REUTERS/Brendan McDermid


Ai cũng biết rằng ông Donald Trump không phải là một nhân vật ôn hòa, nhưng hôm qua cả thế giới đã sững sờ khi nghe tổng thống Hoa Kỳ lên tiếng đe dọa « hủy diệt  hoàn toàn » Bắc Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một vị tổng thống Mỹ đưa ra lời đe dọa tiêu diệt một quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc. Cho tới nay, người ta chỉ nghe những lời đe dọa như vậy từ chế độ như Bình Nhưỡng.

Khi phát biểu như trên, ông Donald Trump có lẽ muốn thể hiện quyết tâm của Washington bằng mọi giá ngăn chận Bắc Triều Tiên trang bị vũ khí hủy diệt hàng loạt, cho dù chính quyền Hoa Kỳ hiện nay biết rằng họ không thể chọn ngay giải pháp quân sự với chế độ Bình Nhưỡng. Bởi vì, mọi can thiệp quân sự nhằm tiêu diệt kho vũ khí tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên đều chứa đựng nhiều nguy cơ đối với các đồng minh của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản, những nơi hoàn toàn nằm trong tầm bắn của tên lửa Bắc Triều Tiên.

Bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis, khi được hỏi về bài phát biểu của tổng thống Trump hôm qua, đã tuyên bố rằng chính quyền Hoa Kỳ vẫn muốn giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên « thông qua các phương tiện ngoại giao ».

Các biện pháp trừng phạt ngày càng nặng nề của Liên Hiệp Quốc nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng cho tới nay hầu như không có tác dụng, trong khi mà chính quyền Mỹ vẫn chưa vạch ra được chiến lược nào khác một cách rõ ràng. Nga và Trung Quốc, tuy bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc, vẫn thúc giục Hoa Kỳ tìm cách đối thoại với Bắc Triều Tiên. Nhưng phía Mỹ cho rằng hiện chưa phải là lúc mở lại đàm phán chính thức với chế độ Kim Jong-Un.

Trong khi đó, tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, bài phát biểu của tổng thống Trump có giọng điệu ngày càng hiếu chiến với Bắc Triều Tiên. Tệ hại hơn, tổng thống Mỹ còn đặt hai chế độ Bình Nhưỡng và Teheran vào chung một rọ mang tên là « quốc gia côn đồ ». Bất chấp việc Iran đã chấp nhận ký với các cường quốc một hiệp định về ngưng chương trình hạt nhân của nước này cách đây hai năm, nhưng tổng thống Trump lại dọa sẽ rút khỏi hoặc sửa đổi hiệp định này.

Theo nhận định của chuyên gia Mark Fitzpatrick, thuộc Viện Quốc tế Nghiên Cứu Chiến Lược, IISS, việc ông Trump so sánh Bình Nhưỡng với Teheran có thể khiến cho Kim Jong-Un càng thấy cần phải trang bị vũ khí nguyên tử và tên lửa đạn đạo để đối đầu với Hoa Kỳ, và không thể nào thương lượng một hiệp định tương tự với Mỹ để rồi cũng sẽ có chung số phận như Iran.

Khi thương lượng hiệp định hạt nhân Iran năm 2015, chính quyền Obama vẫn luôn nhấn mạnh rằng thỏa thuận này nhằm chứng tỏ Washington sẵn sàng thương lượng với bất cứ đối thủ nào có thiện chí, ám chỉ đến những quốc gia như Bắc Triều Tiên.

Với những vụ bắn tên lửa và thử hạt nhân khiêu khích cộng đồng quốc tế, Bình Nhưỡng coi như đã loại trừ khả năng đạt thương lượng ngoại giao. Nhưng các đồng minh của Mỹ vẫn không muốn tổng thống Trump từ bỏ hẳn giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên.

Hôm qua, phát biểu trước ông Trump, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi chọn con đường ngoại giao. Một sự mong đợi không được đáp trả. Vài phút sau, tổng thống Mỹ đã dọa « hủy diệt hoàn toàn » Bắc Triều Tiên và như vậy ông đã khép chặt hơn nữa cánh cửa đối thoại với Bình Nhưỡng.

Nếu Kim Jong Un tiếp tục cho bắn tên lửa và thử hạt nhân mà chính quyền Trump vẫn không có hành động quân sự nào để « hủy diệt hoàn toàn », thì lúc đó còn gì là uy tín của Hoa Kỳ ?

Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Trọng Thành/RFI: Tấn công Bắc Triều Tiên : Chiến thắng quân sự có thể thành ''cạm bẫy''

Truyền hình Nhật thông tin về vụ bắn thử tên lửa Bắc Triều Tiên, 
Tokyo, 10/08/2017. - REUTERS/Toru Hanai


Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc ngày mai, 19/09/2017, với các diễn văn được trông đợi của tổng thống Mỹ, tổng thống Pháp ; mô hình Đức với những điểm mạnh yếu, trong bối cảnh cử tri bầu Quốc Hội mới cuối tuần này là các chủ đề lớn của báo Pháp hôm nay. Nhưng trước hết, xin giới thiệu bài phân tích « Những kịch bản của một cuộc chiến ‘‘mới’’ trên bán đảo Triều Tiên » của nhà báo Philippe Pons trên Le Monde, vào lúc dường như không có dấu hiệu gì cho thấy trừng phạt quốc tế làm thay đổi mục tiêu hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Phản ứng của Bắc Triều Tiên ngay sau loạt trừng phạt mới của Hội Đồng Bảo An, với vụ bắn thử tên lửa xuyên qua không phận Nhật Bản, ngày 15/08, cho thấy Hoa Kỳ phải tính đến các biện pháp mạnh hơn. Washington tuyên bố : « Mọi biện pháp đều đang được bàn tính ». « Đụng độ quân sự » Mỹ - Bắc Triều Tiên có thể xảy ra, theo nhận định của cựu thứ trưởng Ngoại Giao Nhật Bản, ông Hitoshi Tanaka, người từng đàm phán cho thủ tướng Nhật công du Bắc Triều Tiên năm 2002.

Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Trọng Thành/RFI: Trung Quốc bị nghi đứng sau tai nạn tàu chiến Mỹ ở Singapore

Đô đốc Scott Swift, tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương, 
trả lời báo giới về vụ tai nạn tàu USS John S. McCain, 
căn cứ hải quân Mỹ ở Changi, Singapore, ngày 22/08/2017. 
-- REUTERS/Calvin Wong

Vụ chiến hạm Hoa Kỳ USS John S. McCain bị đâm thủng ngay tại vùng biển ngoài khơi Singapore, hôm thứ Hai 21/08/2017, gây chấn động. Đây là vụ tai nạn lớn thứ tư của tàu chiến Mỹ từ đầu năm đến nay. Nhiều người nghi ngờ năng lực của Hải Quân Mỹ, tuy nhiên vai trò của Bắc Kinh trong vụ việc này cũng là câu hỏi được đặt ra. Báo Úc The Australian hôm nay, 25/08, có bài : « Trung Quốc bị nghi đằng sau vụ tai nạn tàu chiến Mỹ ».

Báo Úc dẫn lời một cựu sĩ quan Hải Quân Hoàng Gia Anh, xin ẩn danh, ghi nhận một hiện tượng mà ít người để ý, đó là hoạt động của một tàu chở dầu Trung Quốc, mang tên Guang Zhou Wan, vào thời điểm xảy ra vụ đâm tàu. Các hình ảnh về giao thông hàng hải được ghi lại vào thời điểm đó, cho thấy tàu chở dầu Trung Quốc đã có những chuyển động đáng ngờ, trước khi tai nạn xảy ra.

Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Trọng Thành/RFI: Biển Đông : Trung Quốc gần hoàn tất ba tiền đồn quân sự tại Trường Sa

Hạ tầng cơ sở quân sự của Trung Quốc trên đá Chữ Thập.
Ảnh vệ tinh 16/06/2017. Reuters/CSIS/AMTI DigitalGlobe

Trung Quốc gần hoàn tất việc xây dựng các hạ tầng cơ sở quân sự trên ba đảo nhân tạo tại Trường Sa, sẵn sàng cho việc triển khai tên lửa. Trên đây là thông tin do Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu (AMTI), có trụ sở tại Washington, cung cấp hôm qua, 29/06/2017.

Theo AMTI, phân tích các ảnh vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đã xây tổng cộng 12 điểm đặt bệ phóng tên lửa với mái che, tại đá Chữ Thập (Fiery Cross), tức nhiều hơn bốn điểm so với hồi tháng 2/2017. Trên đá Chữ Thập và hai đảo nhân tạo khác, đá Subi, đá Vành Khăn (Mischief), Trung Quốc cũng mới mở rộng hệ thống ra-đa và mạng lưới thông tin liên lạc.

Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

Trọng Thành/RFI: Tuần tra Biển Đông : Mỹ sẽ nói ít, làm nhiều

Chiến hạm Mỹ USS Dewey đi qua Biển Đông ngày 06/05/2017
Kryzentia Weiermann/Courtesy U.S. Navy/Handout via REUTERS

Kể từ tháng 10/2015, Hải quân Mỹ có nhiều cuộc tuần tra hải quân để bảo vệ quyền tự do hàng hải (gọi tắt là FONOP) ở Biển Đông, chống lại tham vọng của Bắc Kinh độc chiếm vùng biển này. Bắc Kinh phản ứng dữ dội trước mỗi cuộc tuần tra áp sát một số đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp và kiểm soát, vốn thường được đưa tin rộng rãi.

Một số diễn biến gần đây cho thấy chính quyền Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump dường như đang điều chỉnh chính sách : nói ít hơn và làm nhiều hơn. Cụ thể là gia tăng các hoạt động tuần tra nhằm bình thường hóa sự hiện diện của Hải quân Mỹ trên toàn bộ vùng biển này, nhưng hạn chế quảng bá.

Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

Trọng Thành/RFI: Donald Trump: Tổng thống bị «án treo»

Ông Rober Mueller, công tố viên đặc trách điều tra nghi án tổng thống Trump 
ngăn cản tư pháp. Ảnh chụp năm 2013. ~ REUTERS/Larry Downing


Báo L’Obs tuần này có bài phân tích về tình trạng bên bờ vực thẳm của tổng thống Mỹ Donald Trump với tựa đề : « Một tổng thống bị án treo ». Tình hình đặc biệt trở nên tồi tệ với ông Trump kể từ khi cựu giám đốc FBI ra điều trần trước Quốc Hội. Tuy nhiên vấn đề là Donald Trump không chỉ dính vào một, mà nhiều bê bối cùng một lúc, thêm vào đó nhân vật này thường « không bỏ lỡ dịp khiến tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn ».

Chưa đầy năm tháng sau khi tuyên thệ nhậm chức, Donald Trump trở thành một người chịu « án treo ». Người ta đặt câu hỏi : Liệu ông Trump sẽ còn trụ được đến khi nào ? Tổng thống Mỹ không những chìm ngập trong bê bối, mà tốc độ chìm xuồng đang diễn ra ngày càng mau lẹ.

Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Trọng Thành/RFI: GM Nguyễn Thái Hợp: Nạn nhân thảm họa Formosa có quyền đòi lại bãi biển trong lành


Trong hai tuần đầu tháng 5/2017, Ban hỗ trợ nạn nhân môi trường biển Giáo phận Vinh đi châu Âu để vận động quốc tế hỗ trợ các nạn nhân thảm họa do công ty Formosa gây ra tại miền Trung Việt Nam cách nay một năm. RFI tiếng Việt phỏng vấn Đức cha Nguyễn Thái Hợp về chuyến đi này.

Thảm họa biển tại bốn tỉnh miền Trung Việt Nam, do công ty luyện thép Đài Loan Formosa gây ra, diễn ra cách nay đúng một năm. Cho đến nay, bất chấp những tuyên bố đền bù, và một số biện pháp khắc phục thảm họa từ phía chính quyền, theo nhiều thông tin tại chỗ, đời sống của người dân vẫn còn rất khó khăn, đặc biệt tình trạng đền bù không công bằng, thông tin về thảm họa không minh bạch tiếp tục gây phẫn nộ trong dân chúng.

Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Thu Hằng, Trọng Thành/RFI: Bắc Triều Tiên: Mỹ lên kế hoạch đối phó về ngoại giao và quân sự

Các thượng nghị sĩ Mỹ rời trụ sở Quốc Hội để đến hội trường 
gần Nhà Trắng họp về hồ sơ Bắc Triều Tiên, ngày 26/04/2017. 
- REUTERS/Yuri Gripas


Nhà Trắng đã tổ chức một phiên họp kín bất thường với 100 thượng nghị sĩ Mỹ về hồ sơ Bắc Triều Tiên ngày 26/04/2017. Phát biểu trước các nghị sĩ, bộ trưởng Quốc Phòng và ngoại trưởng Mỹ cung cấp thông tin về mối đe dọa của Bình Nhưỡng và một số lựa chọn của Hoa Kỳ. Và cả hai đều thể hiện mong muốn Bình Nhưỡng « nối lại đối thoại ».

Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio tường trình :

Toàn bộ Thượng Viện di chuyển đến một hội trường gần Nhà Trắng, một khu vực được bảo đảm an ninh, để họp kín trong vòng gần hai giờ về hồ sơ Bắc Triều Tiên.

Cùng lúc, đô đốc Harry Harris, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, cũng được Hạ Viện chất vấn. Ông khẳng định : Để đối phó với chế độ Bắc Triều Tiên nguy hiểm, điều cốt yếu là phải giải quyết hồ sơ này trên phương diện ngoại giao và quân sự. Mọi lựa chọn đều được đưa ra. Điều chúng ta muốn, đó là Kim Jong Un tỉnh táo lại, chứ không phải hạ gục ông ấy.