Hiển thị các bài đăng có nhãn Trịnh Y Thư. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trịnh Y Thư. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2023

Truyện Trịnh Y Thư: Ký ức của loài bò sát (Phân đoạn 14-15)

14.

Mười chín tuổi, tôi trở thành một dân quân du kích. Tôi được phát một khẩu súng và một băng đạn. Tôi cũng được tập bắn súng, nhưng mỗi lần tập chỉ được bắn ba phát vì không có nhiều đạn. Khẩu súng là vật bất ly thân, mặc dù công việc của tôi mỗi ngày là trồng ngô sắn, và đi mua lương thực như thịt cá về cho nhà bếp. Có hôm vào rừng đẵn những cây nứa to về làm lán, mỗi lán có ba, bốn du kích hay bộ đội trú ngụ. Lán của tôi do chính tay tôi cùng với năm anh du kích khác dựng, nên tôi làm kỹ lắm, trước cửa tôi còn trồng mấy bụi hoa rừng màu tim tím dễ thương.

Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2023

Truyện Trịnh Y Thư: Đường về thủy phủ (Trích đoạn 1-3)

Bản vẽ Duy Thanh [1931-2019].
1.

Tôi thù gã nhà văn khôn tả. Tôi thù gã đến độ tôi muốn giết chết gã. Tôi ao ước có một mũi dao nhọn sắc lẻm cho tôi ấn sâu vào ngực gã với động tác êm nhẹ, từ tốn để trái tim gã khi bị mũi dao đâm thủng vẫn không hay biết đang bị đâm mà vẫn hân hoan đập những những nhịp đập hối hả như sợ ngày mai không còn được đập. Tôi thấy khuôn mặt tôi đanh lại, tiếng nói tôi nhỏ nhẹ như thì thầm với trái tim của gã. Trái tim ơi, sau phút giây này mi sẽ vĩnh viễn nằm im trong cái lồng ngực thâm u mông muội ấy và ngàn đời mi chẳng bao giờ nhìn thấy ánh sáng của trí huệ. Mi sẽ nằm mãi trong cái ngục tối ấy cho đến khi vũ trụ này tan biến trở về cõi huyền tẫn mịt mù như thuở hồng hoang khi vạn vật mới chỉ là khối cát bụi hỗn huyễn, ngu ngơ. Mi sẽ không còn khả năng nhân danh những điều diệu kỳ, cao đẹp hay bất cứ cái gì để thỏa mãn lòng tham đê hèn vô độ của mi. Sẽ không có luân hồi cho mi, sẽ không có kiếp nào cho mi nữa, mi sẽ không bao giờ đầu thai lên cõi trần làm bất cứ sinh vật gì. Mi sẽ đời đời kiếp kiếp nằm sâu trong ngục tối của cõi a tỳ để ăn năn sám hối về những gì mi đã gây cho ta.

Thứ Năm, 13 tháng 7, 2023

Trịnh Y Thư: Milan Kundera qua đời ở tuổi 94

Milan Kundera [1929-2023] trong một bức ảnh chụp năm 1968, thời điểm Mùa Xuân Praha. Nguồn: Britannica. 

Milan Kundera, nhà văn nổi tiếng quốc tế với những tác phẩm văn học bất đồng chính kiến ở Tiệp Khắc thời Cộng sản đã khiến ông phải sống cuộc đời lưu vong từ năm 1975, vừa qua đời ở Paris. Ông thọ 94 tuổi.

Kundera qua đời vào chiều thứ Ba, 11 tháng Bẩy, nhà xuất bản lâu năm của ông Gallimard, cho biết như thế trong một tuyên bố ngắn một dòng chữ vào thứ Tư, xác nhận rằng ông đã chết ở Paris nhưng không cung cấp thêm thông tin.

Nghị viện Châu Âu đã tổ chức một phút mặc niệm khi biết tin ông qua đời.


Thứ Ba, 11 tháng 7, 2023

Truyện Trịnh Y Thư: Ký ức của loài bò sát (Phân đoạn 8-9)

Bản vẽ của Duy Thanh.
8.

Chiến trận ngày mỗi lan rộng, mức độ tàn phá cũng gia tăng khủng khiếp. Mỗi lần quân Pháp vào làng càn quét, dân chúng lại bồng bế nhau tản cư, chỉ còn dân quân tự vệ ở lại bảo vệ nhưng cũng yếu ớt lắm. Khi quân Pháp rút, để lại hàng chục xác chết, dân lại trở về chôn cất người chết, dựng lại gian nhà tranh bị thiêu rụi rồi tiếp tục cày cuốc kiếm sống. Cuộc sống đã nghèo khổ nay càng nghèo khổ hơn.

Nhiều lúc tôi cảm thấy mình may mắn vì vẫn được yên ổn ăn học. Mùa hè năm đó, đáng lẽ tôi phải về Yên Bái gặp gia đình đang tạm cư tại ấp bác Phán Đương vì thư của mẹ tôi tới tấp giục tôi về. Nhưng thay vì đi lên mạn ngược, tôi theo anh Mẫn và Toại xuôi nam về Liên khu Ba. Anh Mẫn về thăm nhà, tôi và Toại ham vui đi theo thôi vì nghe nói ở Chợ Đại, Cống Thần vui lắm chứ không như Phú Thọ buồn như chấu cắn này.

Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2023

Trịnh Y Thư: Chỉ là đồ chơi

Trong cuốn tạp bút nhan đề Cuối cùng xuất bản năm 2009, nhà văn Võ Phiến hạ bút viết một câu mà khi đọc  tôi phải giật mình. Ông bảo, “Chuyện sáng tác có gì đáng nói?”

Một nhà văn với tuổi đời như ông, lừng lẫy với sự nghiệp văn học đồ sộ trên dưới năm mươi tác phẩm để lại cho đời sau, nói câu nói như thế, thoạt nghe qua tưởng như có cái gì khinh bạc, nghịch lý bên trong.


Chưa hết, ông bảo tiếp:


Tôi e những món thơ thẩn với tùy bút nọ kia đều phải xếp về phía đồ chơi. Những cái mình miệt mài mãi bấy lâu, khi đầu bạc nhìn lại là đồ chơi cả. Không riêng mình, bao nhiêu người miệt mài vẽ tranh, soạn nhạc, hát xướng, bao nhiêu hình vẽ ở các hang động tiền sử, các tranh dân gian (nào gà lợn, nào đô vật, nào đánh đu), các câu ca dao, hát ví, quan họ… một thời, các món nghệ thuật là cùng chơi thôi.


Thứ Ba, 6 tháng 6, 2023

Truyện ngắn Trịnh Y Thư: Đôi mắt của bóng đêm

Tranh Nguyên Khai.
1.

Người đàn ông đứng nhìn vào khung cửa kính to rộng của gian hàng đồ chơi trẻ con. Tiệm đóng cửa từ lâu. Có lẽ đã gần nửa khuya. Đêm Chủ nhật, khu buôn bán chẳng còn ai lui tới, lâu lắm mới có người tạt ngang tiệm 7-Eleven mua vội vài món cần thiết rồi tất tả ra xe phóng đi. Bãi đậu xe vắng lặng, hơi sương lù mù khiến không gian như hẹp lại, xập xoạng dưới những vũng sáng yếu ớt trắng nhờ, nhợt nhạt phả xuống từ mấy cột đèn trong bãi đậu xe.

Người đàn ông đứng đó lâu lắm và giả như có người nãy giờ theo dõi hành vi của anh hẳn phải nghi ngờ anh đang có âm mưu ám muội nào đó. Chẳng lẽ anh là kẻ trộm đang rình rập tìm cách cạy cửa vào tiệm? Lẽ nào? Ăn trộm hành động như chớp nhoáng, chẳng bao giờ dại dột đứng ỳ một chỗ như bức tượng trước nơi mình sắp sửa hành nghề. Hơn nữa, ăn trộm không ăn mặc bảnh bao như anh: com-lê xanh đậm, cà-vạt thả lơi trên cổ sơ mi trắng, chân đi giày da loại đắt tiền. Anh có dáng dấp một người tự tin, thành đạt trong cuộc sống, gia đình hạnh phúc, vợ đẹp con khôn, chẳng bao giờ biết đau khổ, thiếu thốn là gì. Thoạt nhìn, ai cũng phải nhận ra ngay anh thuộc thành phần da trắng thượng lưu trong xã hội Mỹ. Tên họ anh có lẽ là cái tên Anglo-Saxon hay Do Thái nào đó; nhà cửa anh có lẽ nằm trong khu biệt lập có cổng ra vào, nhân viên bảo vệ canh gác ngày đêm; con cái anh có lẽ theo học những trường tư đắt tiền, nơi đào tạo thế hệ lãnh đạo tương lai của đất nước này; vợ anh có lẽ thời Trung học là hoa khôi trong trường, làm bạn với anh từ năm lớp mười một vì anh nổi tiếng vừa học giỏi vừa là cầu thủ ném banh xuất sắc trong đội bóng rổ; anh có lẽ tốt nghiệp từ trường đại học Ivy League nào đó, và sau khi ra trường nắm giữ những chức vụ quan trọng trong guồng máy tư bản khổng lồ, năm này qua năm nọ giữ vững nước Mỹ ở vị thế siêu cường số một trên thế giới.

Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2023

Truyện Trịnh Y Thư: Gặp gỡ (Phân đoạn 4-6)

Bản vẽ của Duy Thanh [1931-2019]
4.

Cuộc sống tôi bước vào khúc quành khác bắt đầu với câu nói của bố tôi lúc ông từ sở làm về. Bố tôi lúc đó làm công chức Sở Đoan. Ông ném chiếc cặp da lên bàn, tay nhận cốc nước mẹ tôi đem lên, nói với mọi người trong nhà mà như nói với chính mình:

“Thằng Bôi hôm nay họp toàn thể công chức, ra lệnh cho mọi người phải tản cư khỏi thủ đô. Dân chúng cũng phải tản cư. Toàn quốc kháng chiến.”

Tuy mới mười sáu nhưng tôi biết “thằng Bôi” bố tôi đang nói đến là ai. Tên ông ta là Phan Bôi, hình như là em chú bác với ông Phan Khôi, và đang giữ chức Bộ trưởng Nội vụ trong chính phủ cụ Hồ. Tôi nghe các anh lớn trong Tự vệ thành kháo nhau như thế.

Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2023

Truyện Trịnh Y Thư: Gặp gỡ (Phân đoạn 2-3)

duythanh 3.jpg

Bản vẽ của Duy Thanh [1931-2019]

2.


Tôi không phải cậu trai học giỏi nên mãi đến năm mười ba tuổi tôi mới thi đậu vào trường Bưởi. Tôi thi đậu nhờ bố tôi chạy chọt nhờ vả người quen, chứ sức tôi thì tôi biết mình chẳng bao giờ được vào học cái trường trung học danh tiếng ấy. Gọi là trường Bưởi nhưng  thực ra nó không ở trên đất làng Bưởi mà đất chùa Chân Lâm. Người Pháp dời chùa đi để lập nhà in Schneider. Rồi lại dời nhà in về phố Hàng Bông thành nhà in Trung Bắc Tân Vân sau này, và nhường khu đất rất đẹp của làng Thụy Khuê cho trường. Trường nằm ven Hồ Tây, cảnh trí thật thơ mộng, và tôi đã có những buổi chiều thật đẹp nhìn ngắm không biết chán mặt gương sáng bạc của cảnh quan đẹp nhất Hà Nội ấy.


Tôi học chưa được ba tháng, chưa kịp quen trường, quen lớp, thì có lệnh sơ tán vì phi cơ đồng minh không tập Hà Nội ngày đêm. Lúc đó Nhật đã chiếm Đông Dương và ngôi trường bị quân Nhật chiếm làm nơi đóng quân. Việc học của tôi coi như gián đoạn vì nếu muốn tiếp tục học tôi phải theo trường chạy ra Hà Đông ở trọ, một điều hết sức khó khăn đối với gia đình tôi lúc đó. Được ở nhà, không phải đi học, tôi càng thích. Có gì thú vị đâu, ngồi im trong lớp học hàng giờ nghe ông giáo sư già người Pháp giảng bài bằng tiếng Pháp mà tôi cố vểnh tai lên nghe mãi vẫn chẳng hiểu ông nói gì.


Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2023

Truyện Trịnh Y Thư: Dưới những gốc nho biển (Phân đoạn 10-12)

Thanhpho.JPG
Thành phố – Tranh Nguyễn Đình Thuần

10.


Gần đây cô cũng hay nghĩ về người chồng xấu số. Đúng ra cô thấy anh trong những giấc mơ. Cô thấy anh và cô đi dạo tại những nơi chốn thơ mộng của vùng đất cố đô nơi cô sinh ra và lớn lên. Những giấc mơ lạ, bởi cô gặp anh và kết hôn với anh khi cô đã vào Nam. Anh là người miền Nam và không hề ra thăm miền đất đó bao giờ. Nhưng trong giấc mơ cô thấy cô và anh thật rõ, khi thì ngồi bên nhau trong ngôi nhà cổ của ba mạ cô ở khu Gia Hội, khi thì thơ thẩn bên bờ sông Hương gần ngôi trường Trung học thân yêu của cô, khi thì đứng dưới bóng mát ngôi nhà thờ uy nghiêm sừng sững trên một ngọn đồi.


Suốt tuổi ấu thơ và thời thanh xuân, cô chỉ biết chiến tranh qua báo chí, truyền thanh, truyền hình, hay chuyện kể từ những người thân quen. Hoặc đôi khi những đoàn công-voa nhà binh chạy rầm rập ngoài đường phố khiến cô và các cô nữ sinh khác, bạn cô, phải vội vã nép xe đạp vào lề đường né tránh. Vào những đêm thanh vắng, cô nghe tiếng đại bác cầm canh từ xa vọng về thành phố, rì rầm như tiếng sấm động. Nhưng đời sống trong thành phố lặng lẽ trôi qua, thi thoảng bị khuấy động bởi vài biến cố chính trị nhưng khói lửa chiến tranh thì cô chưa chứng kiến bao giờ. Cô chưa hề thấy cảnh súng đạn giết chóc cho đến đêm mùng Năm Tết năm đó, nó ập đến ngưỡng cửa nhà cô như một cơn lốc. Nó là cơn ác mộng kinh hoàng.


Thứ Ba, 14 tháng 2, 2023

Trịnh Y Thư: Dưới những gốc nho biển

Tranh Nguyên Khai.
1.

Hôm cô tự kết liễu đời mình, cô mặc chiếc áo lụa trắng ra chợ huyện như một thói quen. Ra chợ nhưng cô không mua thức ăn như mọi lần về nấu cho cô và gã bác sĩ bộ đội ăn tối. Đầu óc cô hoàn toàn trống rỗng như tờ giấy trắng tinh, hai chân cô như bị vô thức sai khiến, mắt cô nhìn nhưng chẳng hình ảnh nào đập vào trí óc, và các thứ âm thanh hỗn độn của một buổi họp chợ sáng nghe như những nhiễu âm không qua máy lọc.

Cái chợ huyện thời trước chiến tranh là bãi đất trống, mùa nóng bụi đỏ mịt mù, mùa mưa bùn ngập quá mắt cá chân. Thời cải cách ruộng đất nó trở thành nơi đấu tố địa chủ. Thời chiến tranh là chỗ cán bộ tụ họp dân các làng xung quanh đến nghe thông tư, nghị quyết của nhà nước. Sau chiến tranh, dần dà mọc lên vài túp lều bạt rồi hàng quán không biết từ đâu tự động bò đến bày bát đũa, nồi niêu, thúng mủng la liệt, biến bãi đất thành một cái chợ vô tổ chức và vô cùng nhếch nhác. Bây giờ nó là cái chợ lớn nhất huyện nhưng sự vô tổ chức thì vẫn như cũ.

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

Trang thơ Xuân

Tranh Đinh Trường Chinh

Năm Mới Đang Về

Trần Mộng Tú


Tôi do dự không muốn rời năm cũ

ngẩn ngơ nhìn không nỡ để trôi qua

giọt nước mưa còn đọng trên cuống lá

ai nỡ rung cho rớt những cánh hoa


Năm vừa qua đôi lần tay tôi đặt

bông hoa cuối cùng trên ngực của ai

vẫn nhớ hương xưa còn trên tóc ấy

vẫn nhớ khi tay được nắm bàn tay


Năm Mới đang rủ nhau về thành phố

gõ lên cánh cửa khép chặt đòi vào

cửa ơi đừng mở tôi còn rất ít 

cả bốn mùa chỉ một vốc trăng sao


Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2023

Thơ Trịnh Y Thư

Rèm cửa sổ mùa đông

Rèm cửa sổ suốt mùa đông không mở

cho tôi nằm ngắm nhìn em trang điểm

     trước tấm gương tròn

     trong gương

     đôi vú màu hồng

     che giấu nét tàn phai

     dưới làn da bụng

     buồng trứng rỗng ruột

     vẫn thao thức chờ.


Em đã quên từ lâu những cơn gió chướng

luẩn quẩn trốn tìm trong nhịp điệu thời gian

     khoảnh khắc phù du

     buốt tràn lên cung bậc.


Thứ Ba, 10 tháng 1, 2023

Tin Sách: Căn phòng riêng (Virginia Woolf, Trịnh Y Thư dịch) - Trích chương VI

DML_Cover_PreOrder.jpg
VHLogo_Caybut.jpg

 


Trân trọng giới thiệu:



Căn phòng riêng

Tiểu luận văn học


Virginia Woolf

Trịnh Y Thư dịch


VĂN HỌC PRESS xuất bản, 2023






LỜI NGƯỜI DỊCH


Suốt thời gian gần trăm năm qua, từ ngày xuất bản năm 1929, cuốn Căn phòng riêng của Virginia Woolf vẫn được xem là tập tiểu luận văn học có tầm ảnh hưởng rất lớn bởi tính cách đặt vấn đề của nó. Nó là cuốn sách được nhật báo Le Monde của Pháp quốc xếp hạng thứ 69 trong số 100 cuốn sách hay, giá trị, đáng đọc nhất thế kỷ XX. Kỳ thực, nó là cuốn sách đặt nền móng cho Nữ quyền luận trong hai lĩnh vực tư tưởng và phê bình văn học. Cuốn sách được hình thành dựa trên loạt bài thuyết trình Woolf đọc trước cử tọa toàn phái nữ tại hai trường cao đẳng dành riêng cho phụ nữ, Newham và Girton, thuộc trường đại học danh tiếng Cambridge của Anh quốc, vào năm 1928, xoay quanh chủ đề “Phụ nữ và sáng tác văn học.”

Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2021

Trịnh Y Thư: Trần Vũ - Phép tính của một nho sĩ

1.

Hai phẩm cách đáng kể nhất của một nhà văn là ngôn ngữ và sự tưởng tượng. Nhà văn Trần Vũ – qua tập truyện Phép tính của một nho sĩ (Công ty sách Nhã Nam liên kết với nhà xuất bản Hội Nhà Văn xuất bản, 2019) – hình như có cả hai. Đây không phải là cuốn sách sáng tác theo công thức có sẵn, kể lể một câu chuyện mà người đọc chưa đọc hết mươi dòng đầu đã biết tác giả muốn nói gì, kết cục ra sao. Nó không phải là cuốn sách đọc qua là quên ngay, chẳng lưu lại trong bộ nhớ người đọc được vài sát-na. Nó khó khăn bắt người đọc trăn trở cùng nó, cùng chiêm nghiệm những góc cạnh đầy gai nhọn nhức nhối từ lịch sử đến siêu hình; từ bản thể đến bản nguyên con người; từ dục vọng thấp hèn đến lý tưởng cao vợi. Nó là cuốn sách đầy cá tính – You either hate it or love it, there is no midway here, no equidistance – để từ đó, hiển lộ một tính cách khai phá cực đoan hiếm thấy trong ngôi nhà văn chương Việt Nam. Những truyện ngắn của Trần Vũ trong tập truyện, tác giả viết không phải để làm cái gì phải đạo, viết không để làm vừa lòng ai, thậm chí viết để thách thức, để đưa ra một Cái Khác, một Lịch sử khác, một Thực tại khác. Bạn hoặc đồng ý, hăng hái tán thành, hoặc phẫn nộ phản đối, mà theo tôi, cả hai phản ứng đều là chỉ dấu cho sự thành công của ngòi bút, bởi như nhà văn Franz Kafka từng nói, “Một cuốn sách phải là chiếc búa tạ dùng để đập vỡ tan biển cả đóng băng bên trong chúng ta.”

Bao trùm trên tất cả những điều đó là thủ pháp siêu hư cấu mà tác giả sử dụng tới hạn trong hầu hết các truyện. Siêu hư cấu là một thủ pháp văn chương, trong đó phần tự sự, miêu thuật cũng như nhân vật luôn luôn nhắc nhở người đọc rằng những gì anh/chị đang đọc chẳng qua chỉ là sự tưởng tượng, hư cấu, chẳng có gì thực. Siêu hư cấu phá bỏ bức tường ngăn chia giữa người viết và người đọc, xóa mờ đường biên, giải trừ tính lưỡng phân, giữa thế giới thực tại và thế giới hư cấu. Nó trực tiếp nhắm thẳng vào người đọc, khiến người đọc có thể tra vấn chính văn bản của câu chuyện. Hơn nữa, siêu hư cấu cho phép tác giả đắp thêm một tầng tưởng tượng bên trên tầng tưởng tượng thông thường thường thấy trong bất kỳ một tác phẩm tiểu thuyết hay truyện ngắn nào. Hiệu ứng của nó là một trải nghiệm văn chương bất chấp quy ước, gây thú vị cho người đọc, và làm bật mở những chiều kích bình thường không cảm nhận được. Sử dụng một cách nhuần nhuyễn, tự nhiên, không gượng ép, thủ pháp siêu hư cấu đánh đổ rào cản nhận thức quy ước để sự thật hiển lộ, để đưa ra cái nhìn khác – tuy thậm xưng, gay gắt, nhưng lại vô cùng chính xác và đau đớn – về thân phận con người. Nói như thế bởi tôi đang nghĩ đến cuốn tiểu thuyết Chiến hữu trùng phùng của nhà văn Mạc Ngôn.

Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2021

Trịnh Y Thư: Milan Kundera - Cái cười cái nhẹ cái quên

Milan Kundera

Trong bài tựa cuốn tiểu thuyết Chuyện đùa, Milan Kundera thuật lại giai thoại sau: Năm 1980 (lúc này ông đã cùng gia đình sang Pháp định cư), có buổi hội thảo trên kênh truyền hình nào đó nói về sự nghiệp văn học của ông. Một nhân vật trong thành phần tham dự đứng lên phát biểu, gọi cuốn Chuyện đùa là bản cáo trạng hùng hồn tố cáo tội ác của chủ nghĩa Stalin. Kundera nghe vậy vội vàng ngắt lời, “Ông làm ơn đừng gán ghép chủ nghĩa Stalin của ông vào tôi. Chuyện đùa chỉ là một câu chuyện tình.”

Quả vậy, mặc dù tiểu thuyết Kundera không thiếu những mạch đoạn viết về chính trị – đúng hơn lịch sử chính trị – và ông không bao giờ che giấu thái độ hằn học, gần như thù hận, với nước Nga, bởi quốc gia này đã gây nên không biết bao nhiêu tai họa và thống khổ cho quê hương, dân tộc ông, thậm chí cho chính cá nhân ông, nhưng thật sai lầm nếu chúng ta bới móc giữa những dòng chữ ông viết để tìm kiếm một thông điệp hay luận đề chính trị nào. Ông có vẻ dị ứng với tất cả những điều đó. Với ông, Lịch sử chỉ là tấm phông trừu tượng mà ông ví tiểu thuyết gia như nhà thiết kế sân khấu kịch sử dụng để kiến dựng một tiết kịch. Câu nói “Tiểu thuyết gia không phải là kẻ hầu của sử gia” thường được ông nhắc đi nhắc lại trong những bài tiểu luận (ngoài vai trò một tiểu thuyết gia hàng đầu trên thế giới vào nửa sau thế kỷ XX, Kundera còn là một ngòi bút viết tiểu luận văn học xuất sắc) như trong những đoạn viết sau:

Bởi Lịch sử, với tất cả những động thái của nó, chiến tranh, cách mạng, phản cách mạng, quốc nhục, không được chen vào can dự ngòi bút của nhà văn – không thể để nó trở thành đề tài cho nhà văn minh họa, lên án hoặc biện giải. Tiểu thuyết gia không phải là kẻ hầu của sử gia; nhà văn có thể bị mê hoặc bởi Lịch sử, nhưng bởi nó là thứ đèn giọi xoay vòng chạy xung quanh hiện hữu con người, chiếu luồng sáng lên nó, lên những khả thể bất ngờ, mà ở những lúc bình ổn, khi Lịch sử đứng yên, không ló mặt ra phía trước, chúng nằm yên phía sau, không ai thấy, không ai nhận biết.
Lịch sử nhẹ như đời sống cá nhân con người, nhẹ khôn kham, nhẹ như lông hồng, nhẹ như hạt bụi cuốn lên không trung, như bất cứ cái gì ngày mai không tồn tại.

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2021

Trịnh Y Thư: Nguyễn Lương Vỵ - Vấn nạn của cái Being

Nguyễn Lương Vỵ [1952-2021]
(Trong ký ức Đinh Trường Chinh, 2021)

Có thể nói những bài thơ trong tập thơ Năm Chữ Ngàn Câu của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ (xuất bản cuối năm 2014) là những biến tấu liên miên bất tận của cái Being.

Being chứ không phải đời sống như chúng ta thường hiểu. Bạn có thể gọi nó là kiếp nhân sinh, kiếp người, đời sống, hữu thể, hiện tồn, hiện hữu, hiện sinh, hiện tính, thể tính, hoặc cả chục từ ngữ khác tương tự. Nhưng xin bạn cho phép tôi gọi nó bằng cái từ tiếng Anh Being. Giản dị, hàm súc, nhưng hết sức bao la, gợi mở. Dịch sang tiếng Việt, gọi nó là “đời sống” hoặc “kiếp người” thì không đủ nghĩa, còn các thuật ngữ Hán-Việt thì bị tô đậm bởi màu sắc Triết học nặng nề, khó hiểu. Kỳ thực, dưới luồng sáng của Triết học, Being được định nghĩa là, “Một hình thái ý thức chủ quan lẫn khách quan lý giải thực tại và sự hiện hữu.” Các triết gia Hy Lạp cổ đại nói nhiều về nó. Sang thời cận, hiện đại các triết gia như Hegel, Heidegger, Sartre, v.v… cũng tốn khá nhiều giấy mực về nó. Tuy nhiên, bởi không mấy mặn mà với Triết học nên tôi thích hiểu từ Being theo cái nhìn của thi ca, một suy nghiệm giao thoa giữa thực tại và huyễn mộng, bằng một thứ ngôn ngữ trong suốt chứ không dày đặc thuật ngữ vốn rất dễ đưa người ta sa vào chốn hỏa mù. Being dưới mắt nhìn của thi ca, có lẽ đơn giản hơn và dĩ nhiên “thơ” hơn. Vì nó, Shakespeare băn khoăn, “to be or not to be”; Nguyễn Du gọi nó là “cuộc bể dâu [với] những điều trông thấy mà đau đớn lòng”; gần chúng ta hơn, Milan Kundera gọi nó là cái “hệ toán hiện sinh”; và nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ, với tinh thần cụ thể Việt Nam tính, thấy gì nói đó, gọi nó là “bầu trời lộn ngược.” Hiển nhiên, các thi sĩ cũng đã tốn không ít giấy mực cho cái Being mà tập thơ Năm Chữ Ngàn Câu của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ này là tốn kém mới nhất.

Mở tập thơ, tôi bắt gặp ngay thái độ và câu trả lời của nhà thơ, mà tôi đặc biệt yêu thích và tâm đắc, về cái Being, “Hỏi ta vui hay buồn? Theo nắng sáng xuống phố!” (Âm cuối thu). Một thái độ trầm tĩnh thấm đẫm tinh thần Đạo giáo đông phương! Nhẹ nhàng. Phơi phới. Thong dong. Không cần đi vào những suy nghiệm siêu hình mà lại tác động mạnh mẽ lên cảm xúc, đó là lợi thế của thi ca trên Triết học. Câu thơ biểu hiện một ý thức trong sáng nắm bắt được lẽ sống thiên nhiên, thấu hiểu lẽ đời và những hữu hạn tất yếu của con người sinh sống trong đó. Sống hài hòa với những quy luật tự nhiên, sống nương theo lẽ đời chứ không chinh phục cuộc đời; sống luôn luôn khiêm tốn, chẳng bao giờ dám vọng động đến độ tự nhận mình là đỉnh cao (mà khiếp hãi nhất là đỉnh cao trí tuệ). Phải chăng đấy là triết lý sống của người xưa mà ngày nay chúng ta gần như quên bẵng?

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

Trịnh Y Thư: Chia biệt nhà văn Nhật Tiến [1936-2020]

 Đối với những người viết thuộc thế hệ tôi, gần như ai cũng ít nhiều đọc văn Nhật Tiến ở tuổi đang trưởng thành. Những trang viết trong sáng và nhân ái của ông đã là hành trang cho tuổi trẻ học trò chúng tôi lúc bấy giờ. Và như chính ông nhiều lần khẳng định, ông là một nhà giáo trước khi là nhà văn, chữ “Nhà Giáo” được ông trân trọng viết hoa trong suốt cuộc đời ông, và có lẽ đó là lý do chính khiến ông bất chấp hiểm nguy liều mình bỏ nước ra đi. Ông viết như sau trong cuốn Nhà giáo một thời nhếch nhác: “… trải gần 4 năm trầy trợt dưới một mái trường XHCN, tôi phát giác ra rằng ở đấy người ta không những không trang bị điều gì tốt đẹp thêm cho nhận thức của nhà giáo, mà tệ hơn, lại còn không cho phép các thầy các cô được làm tròn vai trò của một nhà giáo đúng nghĩa.” 

Tôi nhìn thấy ông trong tư cách một nhà giáo hôm tôi ghé tòa soạn báo Học Đường Mới đâu năm 66 hay 67 gì đó. Lúc đó tôi là cậu học sinh Trung học tập tành thơ văn và ông phụ trách trang văn nghệ cho tờ Học Đường Mới, một tờ báo dành riêng cho thanh thiếu niên. Tôi đến để đưa bài đăng báo, và ông đã tiếp tôi như một người lớn, dành cho tôi nhiều cảm tình tốt đẹp. Chỉ một lần mà tôi nhớ mãi cho đến bây giờ dù hơn nửa thế kỷ đời người đã trôi qua. Nhớ vì cái nhân cách của ông. Nhân cách đó còn mãi sau này, khi tôi gặp lại ông ở hải ngoại.

 

Năm 1970 tôi lên đường đi du học, và trong va li của tôi hôm ra phi trường, tôi nhét vào ba cuốn sách, một trong ba cuốn ấy là tiểu thuyết Chuyện Bé Phượng của ông. Cuốn sách tôi vẫn giữ kỹ cho đến ngày hôm nay.

 

Nhật Tiến là nhà văn của thời đại, một thời đại cực kỳ nhiễu nhương và tang tóc của dân tộc, và ông đã hoàn tất nhiệm vụ vô cùng khó khăn của nhà văn là nói được tiếng nói của thời đại mình. Ông viết không phải để cho mình. Ông viết thay những kẻ bất hạnh trong xã hội, những kẻ thấp cổ bé miệng không có tiếng nói, và ông không bao giờ chịu bẻ cong ngòi bút. Nhà văn Mai Thảo khi còn tại thế, gọi Nhật Tiến là “người đứng ngoài nắng.” Ông “đứng ngoài nắng” bởi ông đã chọn thứ văn chương mà André Gide gọi là “văn chương dấn thân.” Vâng, Nhật Tiến “dấn thân” ra “đứng ngoài nắng” để tìm bóng mát cho chúng ta, và chỉ chừng đó thôi, chúng ta đã chịu ơn ông nhiều biết dường nào.

 


Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2020

Trịnh Y Thư: Tản văn, Tùy bút và Ký giống, khác nhau chỗ nào?

Có người bạn văn email hỏi tôi: Tản văn, Tùy bút và Ký giống, khác nhau chỗ nào. Câu hỏi khá bất ngờ và, kỳ thực, tôi không biết rõ lắm, bèn tìm kế hoãn binh, bảo chị đợi tôi trả lời trong một bài viết, thay vì vài câu email sơ sài cho qua. Nhận lời xong, tôi mới biết mình dại, vì không dễ dàng trả lời cho thỏa đáng câu hỏi này chút nào. Thôi thì, đành cố tới đâu hay tới đó, có chi bất cập, sai trái, mong các bạn góp ý và chỉnh sửa lại cho đúng.

Giữa ba thể loại, có lẽ Ký dễ phân biệt nhất. Ký cũng là một thể loại văn học phổ biến trong văn học Tây phương, nên tôi có nhiều phương tiện tra cứu hơn. Vì thế, xin nói trước về Ký.

Ký là tên gọi chung cho một nhóm thể tài chữ nghĩa văn xuôi nằm ở phần giao nhau giữa văn học và ngoài văn học, như báo chí, chính luận, ghi chép… Chủ yếu của Ký là ghi chép theo dạng tự sự, miêu tả nhiều hơn là phân tích nội tâm. Ký có nhiều thể loại: Hồi ký, Bút ký, Du ký, Ký sự, Phóng sự, Nhật ký, v.v…

Ký nói chung khác với Truyện ở chỗ Ký không đưa ra một xung động nội tại. Phần khai triển của tác phẩm chủ yếu mang tính miêu thuật. Đề tài và chủ đề Ký trình bày cũng khác, so với Truyện. Trong khi Truyện khai triển tính cách cá nhân con người (bằng cách xây dựng nhân vật) trong tương quan với hoàn cảnh và bối cảnh, thì Ký chỉ chú trọng đến chính bản thân môi trường, mà xem nhẹ tính cách của nhân vật (nếu có) trong đó.

Bởi thế, Ký chủ ý miêu tả tính cách xã hội hoặc dân tộc, nghiêng nhiều về mặt báo chí, chính luận, biểu thị bởi sự quan tâm mang tính thời sự, chính trị. Đặc điểm của Ký là tính tư liệu, tái hiện tính chính xác của sự kiện, của hiện tượng có thực; (Hồi ký chiến tranh Tháng ba gãy súng của nhà văn quá cố Cao Xuân Huy là một thí dụ.) Nội dung của Ký ở đây không hẳn chỉ có những miêu thuật khách quan, mà còn bao gồm những lý giải, đánh giá chủ quan, thậm chí tâm tình riêng của tác giả. Ở đây, Ký giao thoa với Truyện, và bởi thế, có thể xem những tác phẩm như vậy là Ký Văn học.

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2020

Gabriel García Márquez: Chết lần thứ ba (Trịnh Y Thư dịch)

Gabriel García Márquez [1927-2014], Nobel Văn chương 1972
Dịch COVID-19, tôi thường xuyên nghĩ đến cái chết, lý do dễ hiểu, có quá nhiều người chết xung quanh. Nhìn bức ảnh chụp những chiếc quan tài màu trắng nằm xếp lớp, chen chúc trong một mồ chôn tập thể, có các nhân viên mặc áo bảo hộ trắng từ đầu đến chân, lấp đất, chắc bạn cũng như tôi, chẳng thể nào che giấu được sự mất mát to lớn trong lòng, sự hoang mang về tương lai loài người, sự mong manh của kiếp người, sự khiếp hãi của đời sống… Tin tức dồn dập từng giờ, từng ngày, bao nhiêu người bị dương tính, bao nhiêu người chết, tất cả như trong ác mộng, không thể nào tin được cái gì đang thật sự xảy ra trên thế giới, đang diễn ra trước mắt mình.

Cái chết sao dễ dàng thế, chết như mơ, chết như đang làm một chuyến du hành. (Thực sự là một chuyến du hành về bên kia thế giới.) Chứng kiến những cái chết như thế, để trấn át nỗi hoang mang ghê rợn, bạn có thể tìm đến đức tin tôn giáo. Tốt thôi. Tôi hiểu sức mạnh tâm linh có thể giúp người ta bước qua cơn hoạn nạn. Hoặc bạn có thể vào phòng làm tình với vợ, hoặc người yêu. Cũng tốt thôi. Tôi hiểu khi bất an, người ta cần đi sâu vào nhau tìm sự vỗ về, an ủi, để khơi dòng nước tắc nghẽn nơi sông cạn cho nó chảy chan hòa ra biển cả mênh mông. Hoặc bạn có thể nốc hết chai Macallan rồi gục xuống sô pha mà ngủ. Vẫn tốt thôi. Tôi biết những biến động kinh hoàng xung quanh tác động sâu sắc lên tâm hồn mẫn cảm, dễ bi lụy của bạn, và bạn đành tìm quên trong men rượu. Bạn có thể làm bất cứ điều gì khả dĩ giúp bạn vượt qua cơn khó này. Riêng tôi, tôi tìm đến văn chương.

Lại kệ sách tôi cầm xuống tập truyện ngắn của Gabriel García Márquez. Đọc đã lâu, nhưng tôi nhớ trong đó có vài ba truyện ngắn Márquez viết về cái chết.

Hiếm có nhà văn nào viết về cái chết như Márquez. Khí hậu “Hiện thực Huyền ảo” đã khiến ông có thể viết những điều mà một ngòi bút “Hiện thực Tả chân” không thể nào làm nổi: Đi vào phần sâu thẳm nhất của bản ngã và kiếp người để trực diện với cái kinh khiếp nhất. Cái chết. Trực diện để thấy rằng đời sống vẫn đáng sống, để thấy tôi và bạn là những kẻ may mắn vì chúng ta vẫn còn trông thấy mặt nhau. Và nhất là để sống sao cho xứng đáng, một điều cực kỳ khó khăn cho con người chúng ta.

Tôi mất ba hôm để dịch thiên truyện này, xin chia sẻ với bạn, mong bạn an lành trong mùa đại dịch. – Trịnh Y Thư.

***

Lại cái âm thanh ấy. Âm thanh nhức óc, lạnh lẽo hắn đã nghe rất nhiều lần; nhưng không hiểu vì sao lần này hắn thấy có cái gì chói lói và đau đớn, như thể chỉ qua đêm hắn không còn nhớ gì cái âm thanh ấy nữa.

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2020

Trịnh Y Thư: Đại dịch COVID-19, đọc lại La Peste của Albert Camus

Nằm nhà rảnh rỗi suốt những ngày đại dịch Coronavirus Disease-2019 (COVID-19) hoành hành khắp nơi trên thế giới, tôi lại kệ sách lấy xuống cuốn tiểu thuyết La Peste của Albert Camus đọc lại, và sau khi đọc tôi bỗng giật mình vì những gì đang xảy ra quanh tôi ngày nay đã được Camus miêu tả thật chính xác cách đây trên 70 năm.

Trong cuốn tiểu thuyết này, xuất bản năm 1947, với bối cảnh là thị trấn Oran, xứ Algerie – lúc đó còn là thuộc địa Pháp – Camus thuật câu chuyện xoay quanh một trận dịch hạch khủng khiếp, tàn phá tan hoang cả thị trấn, và khi trận dịch chấm dứt thì không một ai trong thị trấn không bị ảnh hưởng, nặng là cái chết, nhẹ tuy may mắn sống sót nhưng cả thể xác lẫn tâm hồn chẳng còn như cũ nữa. Cuốn sách hiển nhiên hàm chứa nhiều tư tưởng Hiện sinh, nhiều ẩn dụ, thậm chí có những câu văn đa nghĩa, và tất cả hình như quy chiếu vào tính cách, định mệnh và thân phận con người trong một thế giới phi lý, biểu hiện bởi thần thoại Sisyphus – kiên trì lăn tảng đá lên đỉnh núi, để tảng đá lăn xuống chân núi, rồi lại bắt đầu ra sức lăn lên.

Bạn hãy cùng tôi đọc lại cuốn tiểu thuyết quan trọng này của Camus để biết đâu chúng ta tìm ra được những điểm song song giữa cuốn tiểu thuyết hư cấu và những sự kiện thực tại đã và đang xảy ra trong cuộc sống vào những năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba này.

Camus thuật, tại thị trấn Oran, thoạt đầu có hàng nghìn con chuột chết ngoài đường phố, nhưng mọi người chẳng ai lưu tâm và chỉ hốt hoảng sau khi báo chí loan tin. Chính quyền địa phương, do áp lực của công luận, phản ứng bằng cách cho nhân viên hốt xác chuột đem đi đốt, mà không biết là làm như thế chỉ khiến dịch bệnh nhiễm truyền nhanh hơn và tác hại khủng khiếp hơn.

Tự phủ nhận hình như là một thuộc tính của con người, nhất là những con người nắm trong tay quyền lực. Không một chính quyền nào, xưa cũng như nay, dân chủ hay độc tài, muốn một xã hội hoảng loạn. Bằng mọi cách, nhiều khi bằng mọi giá, họ phải bưng bít sự thật, phủ nhận sự thật, cùng lúc che giấu càng nhiều càng tốt những khiếm khuyết, sai lầm với hy vọng mọi chuyện sẽ êm thắm trôi qua trong bóng tối và lãng quên. Đó là cái gì xảy ra tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, tháng 11, 12 năm 2019, khi COVID-19 mới được phát hiện. Có bao nhiêu mạng người chết oan vì quyết định vô luân này của nhà nước Cộng sản Trung Quốc? Và nếu thế giới biết sớm hơn thì có lẽ tình trạng ngày nay, như bên Italy, bên Iran, không đến nỗi nguy khổn trăm bề. Chỉ là một giả định, nhưng là giả định đầy thuyết phục.