Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Yên Hòa. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Yên Hòa. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2023

Thơ A Lăng Văn Gáo, Trần Yên Hòa, Trần Hoàng Phố, Hoàng Xuân Sơn

Tranh Đinh Trường Chinh
Tôi & em

em mỗi ngày tươi trẻ
như mùa xuân căng mẩy

tôi mỗi ngày già nua
như mùa thu lá úa

em tràn đầy nhiệt huyết
tôi nghĩ về mộ huyệt

em hân hoan như nắng
tôi buồn bã như mưa

em không chút âu lo
tôi xanh xao mất ngủ

em-bình minh da non
tôi-hoàng hôn sắp tàn


Alăng Văn Gáo

****


Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2022

Trần Yên Hòa: Nhớ thương cậu Hối (Họa sĩ Vũ Hối)

Thật ra, tôi và họa sĩ Vũ Hối không có bà con máu mủ gì. Nhưng mà đã từ lâu, từ thuở còn bé, khoảng 8, 9 tuổi gì đó, tôi đã gọi ông là cậu Hối rồi. Nguyên nhân là: Vũ Hối quê ở làng Dương Đàn (quê tôi gọi là Diên Đàn), tên xã hồi VNCH là Kỳ Long, Tam Kỳ, Quảng Nam. Ông có người chị lớn lấy chồng quê tôi, bà là vợ ông Trịnh Tường, một giáo viên tiểu học. Nhà ông Trịnh Tường và nhà tôi gần nhau, cho nên con trai ông Trịnh Tường là Trịnh Tộ, bạn thân của tôi, gọi ông là cậu Hối, nên tôi bắt chước gọi theo.

Tôi biết tên Vũ Hối từ ngày đó.

Thư họa của Vũ Hối

Cũng những năm tôi được 14, 15 tuổi, một hôm, Trịnh Tộ đem đến khoe với tôi một cuốn Thế Giới Tự Do, trong đó có đăng hình ông Vũ Hối. Ông được đi thăm nước Mỹ, được mời vào tòa Bạch Ốc để vẽ hình cho tổng thống Kenedy. Tôi cảm thấy thật hãnh diện. Cầm tờ báo Thế Giới Tự Do trên tay, nhìn ông Vũ Hối mặc áo quần rất lịch sự, đứng bên mấy bức tranh của ông được giải thưởng, tôi thấy nể trong bụng quá. 

Thời gian như nước chảy qua cầu, thời cuộc cũng xoay chuyển, 30-4- 75 đến làm thay đổi bao nhiêu cuộc đời. Tôi vào tù vì tội sĩ quan chế độ cũ, còn họa sĩ Vũ Hối cũng vào tù vì tội văn nghệ sĩ phản động. Sau này qua Mỹ, gặp ông Vũ Hối, nghe ông nói đã bị cai tù đánh hư một con mắt, và ông được hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc bảo trợ qua Mỹ.

Khoảng 2001, tôi có viết một hồi ức có tên là "Ký Ức Mẹ, Đi Về Phía Hoàng Hôn" đăng trên các báo Việt Ngữ ở Mỹ, sau đó được trích đăng trong nhiều tờ báo ở Úc, Pháp... trong đó có đoạn như sau:

"Trong những ngày phát động chiến dịch cải cách ruộng đất, tôi luôn nhớ những đêm tối có những tiếng loa vang vang khắp thôn xóm. Tiếng loa thông báo hôm nay có đấu tố tên địa chủ nào, ở đâu, và kêu gọi đồng bào đi tham dự đấu tố. Tôi còn nhớ hai lần mẹ tôi đã đi. Mẹ tôi bỏ hai ngày làm ruộng cùng dân chúng trong xã lên đến tận xã Kỳ Long, nơi có cuộc đấu tố ông Vũ Ấn, được gọi là “tên địa chủ ác ôn” (ông Vũ Ấn là cha giáo sư Vũ Ký và họa sĩ Vũ Hối) và cuộc xử tử ông Hồ Đệ, một đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng."


Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2021

Trần Yên Hòa: Đi Qua Bóng Tối

Đêm tối với Ngàn là những đêm khổ hạnh. Anh sống một mình trên cái “chuồng cu” thuê ở đường Huỳnh Văn Bánh. Căn nhà lầu ba tầng, trên chót vót ở tầng thứ ba. Người chủ làm một cái sân thượng, phía sau làm một căn gác gỗ nhỏ. Vì để lâu ngày không ai săn sóc, chùi rửa, lau quét, nên “chuồng cu” này bụi bặm bám lên một lớp dày. Người chủ thấy bất tiện nên đăng báo cho thuê với giá rẻ. Ngàn chộp được mẫu rao vặt trên tờ báo, anh tất tả đạp xe tới. Leo lên ba tầng lầu, lên hai bậc thang nữa mới tới cái “chuồng cu”. Ngàn mệt ngất thở phì phò. Người chủ sợ anh chê, liền nói ngay:

“Nếu anh ở được, cứ ở cho vui. Tôi chỉ lấy anh tượng trưng chút đỉnh.”

Người chủ không đoán nổi ý Ngàn khi thấy anh trầm ngâm. Anh trầm ngâm là vì anh thích chí quá. Ở đây là một thế giới riêng biệt, có thể ngắm sao trời và hưởng không khí trong lành. Anh có thể đứng giữa trời không mà đọc thơ ông ổng, không ai bị phiền hà, hoặc anh có thể hát những bài tình ca vang động một góc trời. Giọng của anh, nếu có người nghe, chắc nhiều người phẫn nộ.

Người chủ lấy tượng trưng anh mỗi tháng một trăm ngàn đồng. Thế là anh đã định cư trên cái chuồng cu này gần mười năm từ ngày anh ra trại. Mười năm, anh đi về lầm lủi. Cất chiếc xe mobilette cà tàng trong một góc xó xỉnh, rồi anh bước lên tám bậc cầu thang. Có lúc say bét nhè, leo lên tám bậc cầu thang, mất gần một tiếng đồng hồ.

Anh sống một mình, làm một mình, ăn một mình. Ngơ ngơ, ngác ngác. Những cơn gió lạnh làm xước hồn anh, rách tươm thân thể anh thành từng mảng lớn.

Hôm qua, anh đem cái đơn xuất cảnh lên công an phường. Người công an phụ trách hỏi:

“Sao anh đi xuất cảnh một mình?”

“Tôi có một mình, tôi đi một mình, chứ anh biểu tôi đi với ai nữa.”

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2020

Trần Yên Hòa: Chanh Cốm

Hoạt lái xe theo đường Garden Grove rồi quẹo vào khu giặt đồ công cộng. Hai tuần một lần anh đến đây giặt quần áo. Nhà anh ở là khu apartment nhỏ phía bên kia đường, ở đó cũng có phòng giặt sấy áo quần nhưng anh không thích, vì máy giặt nhỏ và sấy lâu khô. Với lại, ra chỗ giặt áo quần công cộng cũng có những niềm vui nho nhỏ. Ở đây anh thường gặp một số người Việt Nam, dù không quen biết nhưng là đồng hương, nên trong lúc rảnh rỗi chờ đợi sấy áo quần, anh thường góp chuyện cho vui, khi thì chuyện cộng đồng gió tanh mưa máu, khi thì chuyện Việt Nam ngày chưa rời đất nước. Nhiều lúc không nói chuyện với ai nhưng đứng nhìn mọi người sinh hoạt anh cũng thấy vui vui.

Xe chạy qua trạm xăng Mobil là tới chỗ giặt đồ. Đèn bắt đầu thắp sáng cả khu vực. Hôm nay anh đến hơi trễ vì có vài chuyện, cũng là chuyện tầm phào, làm mất của anh suốt một ngày chủ nhật. Buổi sáng đi uống cà phê với vài người bạn ở Factory, ngồi nói chuyện văn nghệ văn gừng trên trời dưới đất, trưa về có điện thoại của người bạn cùng khóa sĩ quan, kêu “mày đến nhà tau uống bia chơi.” Anh định từ chối vì anh cần phải ngồi vào computer viết tiếp cái truyện dang dở, nhưng khi anh ngồi vào bàn thì thấy toàn màu trắng của màn hình. Không có một ý nghĩ gì, không có một chữ gì trong đầu. Anh đành khép máy lại và lái xe đi. Những lúc thế nầy anh thường đi loanh quanh, hoặc vào tiệm sách hoặc vào các Mall. Nhưng đang lái xe anh nghĩ mình vô lý quá, xăng càng ngày càng lên giá mà lái xe đi loanh quanh hoài. Thôi mua thùng bia lại thằng bạn ngồi lai rai mà có lý. Anh lái xe đến nhà Đức thì đã có hai ba người bạn đã ngồi ở đó và mặt người nào người nấy đã đỏ gay. Thấy Hoạt xách thùng bia vào, Đức nói:

“ Tưởng mày không tới chớ.”

Hoạt đáp:

“ Định không tới nhưng sợ mầy giận tau, lại có uống bia bỏ qua rất uổng.”

Nhật nói:

“ Mày tới sau bị phạt, mày vô hết chai nầy đi.”

“ Vô thì vô, sợ gì.”

Hoạt uống liên tiếp ba chai Heineken, nhưng anh kịp dừng ở đó vì biết mình còn phải lái xe về. 

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2018

Trần Yên Hòa: Bài tình, ngày tình nhân

Hình: Getty Images
(Cho ĐTTT)

Rồi sẽ tới. một ngày. rồi sẽ tới
Em và Anh. đứng trước. tấm gương soi
Gương mặt ấy. ngày đầu tiên gặp gỡ
Đến bây giờ. bao năm tháng qua. trôi

Không đếm hết. ngày này. hay tháng nọ
Phải đếm tình. cao vút tận cung mây
Anh gặp em. trong ngày tình thứ nhất
Phải không nào. Tay nắm. dấu trong tay

Cũng nói đến vầng trăng. đêm nguyệt khuyết
Khuyết hay tròn. ta đâu biết chi mô
Và em. thật xinh tươi. duyên dáng. lạ
Dù đời sông. hay biển. có mơ hồ?


Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2016

Đỗ Xuân Tê - Đọc “SẤP NGỬA” của Trần Yên Hòa


Sấp Ngửa
, tác phẩm mới nhất của Trần Yên Hòa ra mắt tháng 5 năm nay (2016), sau khi vừa tái bản truyện dài Mẫu Hệ, như là một kết hợp vừa tân truyện vừa vẽ lại chân dung một số bạn văn đa phần người cùng quê anh. Sách dày hơn 350 trang, khổ lớn, trình bày in ấn đẹp, trang nhã, phát hành song hành trên Amazon và các nhà sách địa phương, cùng qua địa chỉ của chính tác giả.
Vốn là một cây bút thành danh ở hải ngoại, đã ấn hành cả trên chục tác phẩm vừa thơ vừa văn, lại chủ biên một Website văn học văn nghệ nhiều người thăm viếng, Trần Yên Hòa không cần giới thiệu nhiều về mình, đại để quê quán, xuất thân, bề dày văn bút, tác phẩm đã in, mà tác giả đã cho Uyên Nguyên (trình bày & lay out) đưa luôn phần Lời Đầu nằm gọn trên bìa sau của sách, như lời trần tình dẫn dắt độc giả hiểu ngay ý nghĩă và chủ điểm về sự ra mắt tác phẩm của mình.

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Trần Yên Hòa - TÔ HOÀI “SÁM HỐI” QUA TIỂU THUYẾT “BA NGƯỜI KHÁC”

Nhà văn Tô Hoài (Ảnh: NÐT)
Tôi muốn dùng chữ “sám hối” với nhà văn Tô Hoài để hiểu sâu hơn về tác giả khi viết lên tiểu thuyết mới nhất của ông: “Ba Người Khác”. Thật ra, đó chỉ là những chuyện thật, hoàn cảnh thật, con người thật, của những năm tháng có chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất ở miền bắc, là những năm 1954 đến1956.

“Ba Người Khác” ấy là ba cán bộ cộng sản trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất đó. Tác giả đã viết lại, khai thật, tường trình thật, một bức tranh linh động về một nơi chốn, một địa phương (thôn Am, thôn Chuôm), một thời điểm, một công việc, mà khi đọc xong ta thấy bàng hoàng, kinh hãi. 

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

Trần Yên Hòa - Đi về phía hoàng hôn

Trần Yên Hòa


Căn nhà của cha mẹ tôi dựng trên một khu đất rộng, chung quanh có hàng rào, là những cây chè tàu được cắt ngay hàng thẳng lối, có cổng ra vào được xây cao, có bức tường thành bằng quánh bao bọc. 

Tôi nhớ là tôi ở trần, ở  truồng, bò quanh khu nhà bếp một mình. Nhà không có ai, mẹ tôi đi chợ, cha tôi đi làm ruộng, còn anh Giảng và chị Khiêm bỏ đi đâu không biết. Tôi một mình, bò qua, bò lại nơi ảng nước, nơi cối xay lúa, cối giã gạo. Bùn đất lấm lem, tôi vọc bùn, vọc nước, vọc đủ thứ. Tôi bò loanh quanh đợi mẹ đi chợ về, lúc đó tôi hai, ba tuổi gì đó.

Mẹ tôi đi chợ về thường mua cho tôi kẹo, tép phơi khô, hay bánh tráng, bánh đúc và bế tôi lên, đem tôi ra giếng tắm rửa. Xong, lau qua quít cho tôi, rồi cũng bỏ tôi bò lê bò la trong bếp, mẹ tôi còn phải đi cho heo ăn, đi nấu cơm cho cả nhà ăn buổi tối.

Đó là những năm Việt Minh cướp chính quyền, là cuộc kháng chiến mười năm. Có lúc chợ phải họp vào ban đêm, ai ai đi chợ đều phải cầm đèn, rất sợ máy bay Pháp bắn. Phiên chợ như là một phiên chợ ma, mẹ tôi đi về lầm lũi. Mẹ nấu cơm, kho cá, kho thịt lầm lũi. Đến khi ăn cơm, mẹ kêu cả nhà xuống bàn, mẹ thường mua thịt heo về luộc rồi quấn với bánh tráng, rau sống, món ăn cả nhà rất thích. Anh Giảng tôi thường được mẹ cho ra đứng canh ngoài ngõ, có ai đến thì chạy mau vào nói với mẹ, mẹ liền dẹp ngay mấy dĩa cá hoặc dĩa thịt, còn lại trên bàn toàn là rau và mắm.

Một hôm, cũng một buổi chiều, có ông Nuôi là người tham gia chính quyền xã, ông vốn là một nông dân, là thành phần bần nông, nay Việt Minh lên, ông hăng say hoạt động, rồi được tham gia chính quyền, làm trong uỷ ban kháng chiến xã. Ông bận cặp đồ đen, chắp tay sau đít, vào nhà tôi và đi xuống dưới bếp. Mẹ tôi đang nấu cơm, ông Nuôi tới gần bếp, dòm vô nồi cơm đang nấu và nói: “cụ Hồ biểu mợ sáo khoai.”, câu nói có ý nghĩa là trong lúc đất nước đang chiến tranh, mọi người dân phải thắt lưng buộc bụng, không được ăn cơm không, gạo cần cho kháng chiến. Mẹ tôi nói: “Tôi sáo ba phần khoai một phần cơm rồi đó.”. Ông Nuôi im lặng đi ra. Mẹ tôi càng ngày càng giữ gìn hơn, lúc nào trong bếp cũng có một rổ khoai lang khô để bên, như là đang chuẩn bị độn thêm vào nồi cơm đang nấu.

Đó cũng là những ngày chính quyền phát động chiến dịch tiêu thổ kháng chiến. Buổi tối nào cũng có loa phát động phong trào, đèn đuốc sáng trưng ngoài đình, ngoài “dỏ”, ngoài trường tiểu học. Chị Khiêm tôi vào đoàn thiếu nhi cứu quốc, cùng các chị bạn như chị Cần, chị Sử, chị Phương, thành phần bần cố nông cốt cán trong làng, cùng đi họp suốt đêm. Cứ mặt trời vừa lặn là tôi nghe tiếng chị Sử từ xóm dưới đi lên, đứng ngoài ngõ nhà tôi réo gọi: ”Khiêm ơi! Đi họp”, cùng tiếng hát của thiếu nhi ngoài đình vọng lên: “Đoàn kết chung ta là sức mạnh, đoàn kết chúng ta là sắt gang…” hay “Việt Trung Xô muôn năm Việt Trung Xô.”

Trong giai đoạn này, dưới miệt biển đông, dưới miệt biển Tam Ấp, máy bay bà già của Pháp bay ì ầm, thả hỏa châu sáng trưng. Dân chúng cả xã chuẩn bị tản cư, ai cũng tay nãi, tay xách. Nhưng quân Pháp suốt thời gian đó không đổ bộ lần nào, thế mà chiến dịch tiêu thổ kháng chiến vẫn tiến hành rầm rộ. Cứ mỗi tối đến là các gian nhà ngói của những gia đình giàu có trong xã như nhà ông xã Sáu, ông xã Chánh, ông chánh Tri, ông trợ Ngọc, ông chánh Thận, lần lượt bị nông dân trèo lên dỡ sập. Hàng hàng lớp lớp dân chúng, người khiên kèo, người khiên cột, rui, mè, ngói, gạch, quánh, đá, đều được gánh đi, được chính quyền thông báo  là số vật dụng này sẽ làm hàng rào để cản quân Pháp khi Pháp tấn công, sẽ làm những hầm chông đào sâu xuống đất như cái giếng nước, bên trên được lợp một lớp ván, rồi trải đất lên, khi quân Pháp kéo đến, lớp ván sẽ được  rút đi, còn lại lớp đất mỏng ngụy trang, quân địch đi ngang qua sẽ bị sụp, rớt xuống, bị xóc chông, không còn đường nào thoát. Nhưng thật tình, ngói, gỗ được dỡ từ những căn nhà trên phần nhiều đều lọt vào tay những nông dân. Thật là một cuộc san bằng giai cấp kỳ diệu.

Mẹ tôi thuê anh sáu Quế tìm một bụi rậm nhứt trong hàng rào, đào hầm bí mật ở đó. Anh đào cả chục ngày mới xong. Cái  hầm bí mật sâu trong lòng đất được đậy điệm kỹ lại bằng những tàng cây rậm, có lỗ thông hơi. Tôi đã rúc xuống dưới đó thử và nghe lạnh cả người, không khí lạnh, đất ẩm rất ngột ngạt.

Nhưng quân Pháp vẫn chưa đổ bộ lần nào mà dân chúng thì sống thật chộn rộn trong không khí chuẩn bị chiến tranh cận kề. Có những đêm, bộ đội ở đâu tập trung về đầy cả sân vườn nhà tôi. Trong ánh đèn bập bùng đó, tôi biết có anh tên Huê, có anh tên Hành, có anh tên Thủ, thường hay đóng quân trong nhà tôi, hay bồng bế tôi. Mẹ tôi hay nấu cơm vắt cho các anh đem theo, vì mẹ là “mẹ chiến sĩ” mà, chiến sĩ đã dùng ba tấc lưỡi ngọt ngào để bòn rút từng bát cơm, từng củ khoai của mẹ, đáng lẽ mẹ để dành cho các con ăn.

Có một ngày, máy bay Pháp đến oanh tạc, tôi không biết có bao nhiêu chiếc khu trục mà nó bay vần vũ ầm ầm cả một vùng trời, rồi thả bom và bắn. Tôi, chị Khiêm, anh Giảng liền rúc xuống hầm tránh đạn, mẹ tôi xuống sau cùng. Căn hầm thì chật mà đến bốn người nấp. Mẹ tôi nấp phía ngoài cùng, cả thân hình mẹ dang ra che chắn cho ba chị em tôi ở phía trong. Tôi chưa biết gì nhưng cũng sợ hãi lắm. Máy bay vần vũ trên đầu rồi bắn và thả bom. Vỏ đạn rơi lanh canh trên sân, trên nóc nhà. Chúng tôi nằm úp mặt xuống đất phó cho trời đất. Cũng hơn một giờ đồng hồ sau máy bay mới bay đi. Thật hú hồn! Chúng tôi ra khỏi hầm thì một cảnh trí kinh hoàng bày ra trước mắt. Cây cối trong vườn đều bị ngã rạp hết. Cây dừa, cây vú sữa, cây mãng cầu đều bị tiện ngang. Lửa bốc cháy trên chợ, trên đường rầy xe lửa. Đạn bắn trúng hầm chứa dầu đậu phụng của bà giáo Sam, lửa bốc cháy cao có ngọn. Tôi chỉ biết đi tìm vỏ đạn nhặt để dành. Sau này khi nghĩ lại cảnh núp hầm tránh máy bay của mẹ con tôi, tôi thấy mẹ như con gà mẹ dang cánh che cho đàn gà con khi bị diều hâu sà xuống bắt, gà mẹ có đôi cánh cứng và bộ lông xù, khiến cho diều hâu không làm gì được, còn mẹ tôi, chỉ có thân hình người, da thịt người, làm sao che được đạn bom.

*

Mẹ tôi rất quê mùa, ăn mặc đơn giản, áo đen, quần đen, thường thì mẹ đi chân không, đôi bàn chân mẹ đúng là bàn chân giao chỉ, hai ngón cái chìa ra. Mẹ rất ít khi mang guốc dép. Sau này khi tụi tôi lớn lên, thường bắt mẹ mang guốc hay dép, bận áo dài, nhưng mẹ tôi mặc đó rồi lại cởi đó.

Mẹ không đẹp, lỗ mũi to và hơi hỉnh. Răng mẹ đều nhưng lại ăn trầu đen. Tóc mẹ búi ra phía sau thành cục. Thỉnh thoảng đi đâu mẹ mới xức dầu dừa, còn không thì tóc mẹ khô. Mẹ đi nhanh và làm gì cũng hấp tấp, nên cuộc đời mẹ khổ. Mẹ không bao giờ ngồi không, không làm việc ngoài đồng thì ở nhà mẹ cũng làm một việc gì đó, như nuôi tằm, làm giá đậu xanh, tưới rau, nghĩa là mẹ không bao giờ yên nghỉ.

Tôi chưa thấy cha mẹ tôi ngủ chung bao giờ. Thường thì buổi tối tôi ngủ với cha và anh Giảng ở bộ ván ngựa giữa căn nhà, còn mẹ tôi nằm trên giường dưới nhà ngang. Tôi chưa thấy cha mẹ tôi có cử chỉ âu yếm với nhau lần nào, như hôn nhau hoặc cầm tay nhau. Thường thì mẹ tôi thức dậy rất sớm, mẹ xuống bếp nấu cơm cho mọi người ăn sáng. Cha tôi cũng dậy sớm. Khi tôi thức dậy thì thấy hai người đã ngồi dưới bếp nói chuyện với nhau, thường thì nói chuyện công việc làm ăn cũng như chuyện thiên hạ sự.

Mẹ tôi có một thời làm “mẹ chiến sĩ” của bộ đội, nhưng bộ đội chỉ bòn rút của mẹ thôi. Họ làm như thương dân lắm, đến nhà nào cũng cầm cây chổi quét nhà, cũng xách cây cuốc dọn cỏ, nhưng sau đó thì xin ăn. Trong lúc dân chúng ai cũng đói nhăn răng mà phải nhường cơm cho bộ đội, lo cơm đùm cơm gói cho bộ đội mang đi. Sau này đến ngày “quốc gia tiếp thu” mẹ tôi mới nói ra điều đó.

Trong những ngày phát động chiến dịch cải cách ruộng đất, tôi luôn nhớ những đêm tối có những tiếng loa vang vang khắp thôn xóm. Tiếng loa thông báo hôm nay có đấu tố tên địa chủ nào, ở đâu, và kêu gọi đồng bào đi tham dự đấu tố. Tôi còn nhớ hai lần mẹ tôi đã đi. Mẹ tôi bỏ hai ngày làm ruộng cùng dân chúng trong xã lên đến tận xã Kỳ Long, nơi có cuộc đấu tố ông Vũ Ấn, được gọi là “tên địa chủ ác ôn” (ông Vũ Ấn là cha giáo sư Vũ Ký và họa sĩ Vũ Hối) và cuộc xử tử ông Hồ Đệ, một đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, với tội danh Việt gian đã bỏ kháng chiến, nhảy đồn theo Tây. Vụ xử làm xôn xao cả huyện. Tôi chỉ nhớ đó là một đêm sáng trăng, mẹ tôi, chị hai tôi, đi từ chiều đến khuya lơ mới về. Buổi sáng hôm sau thức dậy, tôi thấy mặt mẹ buồn xo, tôi hỏi mẹ, mẹ nói nhỏ với tôi, “con đừng hỏi, dễ sợ lắm.”

Đó là thời kỳ trí nhớ tôi còn mù mờ, nhớ cái được, cái mất. Nhưng những hình ảnh kể trên nó như một dấu ấn dập mạnh vào tâm hồn trẻ thơ của tôi, để đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn hình dung như có tiếng phèng la đánh liên hồi, tiếng trống cơm giục giã, đèn đuốc sáng trưng tỏa khắp thôn làng, và người người tấp nập đi dỡ nhà của các gia đình giàu có trong xã, để làm chiến dịch vườn không nhà trống trong công cuộc tiêu thổ kháng chiến. Nhà tôi lúc đó là một ngôi nhà tranh nhưng cha mẹ tôi không đi dỡ nhà nhà của người khác làm của mình. Chỉ có đám nông dân tá điền được thời thế tạo nên, hăng say trong chiến dịch tiêu thổ kháng chiến, phá nhà người khác đem về làm của riêng. Thoáng chốc chỉ trong mấy đêm mà làng tôi không còn một ngôi nhà ngói nào. Làng xóm tiêu điều xơ xác. Gia đình ông xã Sáu, ông xã Chánh tản cư lên Thành Mỹ làm cái chòi nhỏ giữa vườn để tránh bom đạn, hay khu chợ Quán Rường buồn thiu, không ai dám họp chợ ban ngày…

Đến ngày quốc gia tiếp thu, những toán lính quốc gia đội nón sắt, tay cầm súng, vai mang ba lô đi từ Quốc Lộ 1 vào thôn An Phước, rồi những toán lính khác đi từ ngã ba Chiên Đàn tiến lên quê tôi. Toán từ ngã ba Chiên Đàn dừng quân lại ở Cống Trắng, vì bị đám dân chúng biểu tình cản trở không cho tiến quân. Chị Vân, chị Thu, bạn chị Khiêm tôi, đang đi học, nghe nói đi biểu tình, thấy vui nên đi theo, gặp chị Khiêm tôi đi chợ Chiên Đàn về, rủ đi, nhưng chị Khiêm tôi nói về nhà cất đồ rồi xuống sau. Đám dân chúng đi biểu tình đứng trước đoàn lính quốc gia, tay cầm cuốc, cầm xẻng, chỉ vào mặt đám lính mà chửi, “đồ phản quốc, đồ Việt gian”. Ông Toán cầm đầu đám biểu tình đã nói rỉ tai dân chúng: “Các ông các bà cứ chửi và cản đường bọn nó lại, súng ống của tụi nó, xe cộ của tụi nó đều làm bằng giấy”. Toán lính tiến lên, đám biểu tình vừa chửi vừa dùng cuốc xẻng gậy gộc cản đường. Người chỉ huy được lệnh tiến, ai cản sẽ nổ súng, rồi có tiếng súng nổ, tiếng người kêu khóc, tiếng chân chạy sầm sập. Cuộc biểu tình ở Chiên Đàn đã làm cho một số dân chết oan. Ông Toán mở ngực áo nói: “Tụi bay bắn tau đi, có giám bắn không? đồ súng giả”, thì một loạt đạn nổ. Ông Toán chết. Hôm đó xác dân chúng biểu tình chết khiêng về nườm nượp, trong đó có chị Thu, chị Vân đi coi biểu tình cũng bị chết. Còn có anh Truy, người anh rể họ của tôi đã hăng hái đi biểu tình cũng bị bắn lủng ruột, đem về nằm nhà khoảng tuần sau là chết. Toàn xã dân chúng bị chết rất nhiều, nhưng những cán bộ nằm vùng xúi giục dân chúng đi biểu tình lặn đâu mất tăm. Đó là vụ “đấu tranh” ở Chiên Đàn. Cùng thời điểm đó cũng có những cuộc đấu tranh ở Cây Cốc thuộc huyện Tiên Phước, ở Chiêm Sơn…

*

Cha tôi ra làm hội đồng hương chính xã với chức vụ uỷ viên kinh tài lo việc thu thuế chợ, thuế đất, cho vay tiền nông tín. Cha tôi sắm một chiếc xe đạp sườn cao, đi làm ở cơ quan ngày hai buổi. Mẹ tôi vẫn làm việc đồng áng, nếu rảnh rỗi thì đi mua đậu phụng về ép dầu bán. Thời gian này là thời gian thanh bình. Dân chúng họp chợ, coi cải lương, đi xe đạp có chuông bóp kêu leng keng, thanh niên đầu chải brillantine láng bóng. Chị Khiêm tôi đã lớn, đi làm y tá, má đỏ môi hồng, có nhiều chàng thanh niên gắm ghé. Cha mẹ tôi đã làm nhà ngói, một căn nhà to ở trên, một nhà ngang và một nhà bếp. Ngoài vườn có một cái chuồng bò, bên cạnh chất một đống rơm cao nghệu. Người ta thường nhìn đống rơm của từng nhà mà ước lượng sự giàu có của gia đình đó, đống rơm càng to thì gia đình đó càng sung túc.
Tôi cũng đã lớn theo thời gian, đã mười một, mười hai tuổi, nhưng vẫn còn thích bú vú mẹ, mỗi khi mẹ đi đâu về tôi thường sà vào lòng mẹ, kéo vú mẹ ra bú. Mẹ hết sữa nhưng bú vú mẹ như là được một sự che chở, một niềm vui, và tôi cũng ngủ đi trong những giấc ngủ trẻ thơ như thế.

Tôi cũng bắt đầu nghịch ngợm, bắt đầu phá phách và “hoang” lắm. “Hoang” nghĩa là ngỗ nghịch, là tập tò hút thuốc lá, là đi bắn chim dang nắng suốt buổi trưa ở ngoài trời, là đi hái chanh trộm ở khu vườn nhà ông Nhẫn, ông tư Trí láng giềng. Mỗi lần như vậy, mẹ tôi thường lấy roi quất vào mông tôi đau quắn đít. Tôi thường chạy chứ không giám đứng lại, tôi chạy thục mạng nên mẹ tôi phải đuổi theo và la to “bớ làng, bắt dùm tôi cái thằng cộng sản”, tôi cứ chạy để tránh xa cái tầm chạy của mẹ và tự nghĩ rằng “cái thằng cộng sản là cái thằng ghê lắm, ác lắm nên mẹ tôi mới ví với tôi, để bắt tôi lại cho ăn đòn".

Từ một người mẹ chiến sĩ có gì cũng mang cho bộ đội ăn, đến bây giờ mẹ tôi không ưa thích nữa, có phải là cha tôi ở về phía quốc gia, và những ngày kháng chiến mười năm đã khiến cho mẹ tôi thấy hết bộ mặt thật. Mẹ tôi thường ngâm câu ca dao: “Bề ngoài thơn thớt nói cười. Bề trong nham hiểm giết người không dao.”

*
Mẹ tôi thật đáng yêu biết dường nào.

Thế mà khi “yêu em”, em cao vời, cao vọi. Tôi lại thấy mặc cảm vì tôi có người mẹ quê mùa. Lúc đó, tôi đi dạy học ở một trường quận lỵ. Tôi đã đi dạy mấy năm mà chưa cho mẹ được đồng nào. Mỗi khi nghỉ dạy tôi về nhà chỉ thoáng qua, rồi đi chơi với bạn bè. Rồi khi tôi “dính” vào mối tình em, tôi càng ít về nhà hơn. Lúc này, nhà tôi đã tản cư từ quê xuống quận lỵ tị nạn cộng sản. Quê tôi không còn yên ổn nữa. Nhà tôi ở quê bị bắn cháy, đạn từ hai phía cày nát ruộng vườn, cây trái, cày nát bức tường thành, sân gạch… Nhưng không cày nát được cánh cổng nhà tôi, cho nên mỗi khi về, đứng trên nền nhà cũ, tôi vẫn thấy như ngôi nhà của tôi còn sừng sững trước mặt tôi.

Bây giờ thì cha mẹ tôi đã bỏ ruộng, bỏ vườn, bỏ quê, bỏ xóm, để đi tản cư, tị nạn. Cha mẹ tôi buồn lắm. Cha tôi chỉ còn cái radio Ấp Chiến Lược bên mình nghe làm vui. Còn mẹ tôi thì đi bán thuốc lá ngoài chợ khu Nam kiếm đồng lời nho nhoi, ít ỏi, nuôi gia đình. Ngôi nhà tranh cha mẹ tôi mua lại của ông tú Duyên, người cùng quê, đã vào Sài Gòn sinh sống. Vào nhà phải đi sâu vào một con đường đất hẹp, uốn khúc đôi ba lần mới tới, căn nhà nhỏ trông thật tồi tàn.

Nên khi tôi yêu em, tôi nghĩ em cao vời, cao vọi, em như là ở một giai cấp khác tôi, còn cha mẹ tôi thì nhỏ nhoi, cái chức hội đồng hương chính xã của cha tôi lu mờ quá.

Có một hôm tôi đi trên đường Nguyễn Thái Học,  đường về nhà tôi, tôi thấy cha tôi đi chiếc xe đạp từ trên quê về. Ông bận cặp đồ bà ba trắng đã cũ, đội chiếc mũ phớt cà tàng. Khi cha tôi tới gần, tôi ngó lơ. Cha tôi thấy tôi chở em trên chiếc xe liền quay lại nhìn, em hỏi tôi: “Ai vậy anh?” . Tôi lấp liếm quanh co “Một người quen”. Với mẹ tôi cũng thế, tôi đi trên chiếc xe Suzuki mới mua, chưa chở cha mẹ một lần nào, chỉ chở em. Gặp mẹ tôi đi bán thuốc rê ở ngoài chợ về, tôi không dừng lại mà chạy xe qua luôn, em hỏi tôi, “Ai vậy anh?”. Tôi nói: “Bà hàng xóm.” Vừa nói vừa đỏ mặt tía tai, không biết tôi ngượng vì mẹ tôi quê mùa hay vì tôi dối trá.

Sau ngày miền Nam thất thủ, tôi đi trình diện và vào trại tập trung. Những ngày ở trại tập trung tôi nhớ em nhiều hơn nhớ mẹ, có lẽ thế, nhưng mẹ dù ở xa bao nhiêu, khi tôi gởi thư về nói mẹ đi thăm là mẹ đi. Mẹ gầy rạc, mẹ đói lả, mẹ cũng không bỏ tôi. Giọt nước mắt mẹ tôi rơi ở trại tập trung Xuân Phước năm nào còn rơi thấm mãi trong hồn tôi cho đến bây giờ. Mẹ ốm o, mẹ gầy mòn, mẹ quê mùa, nhưng mẹ chơn chất, thật thà, chịu đựng. 

Những ngày mẹ già nua, mẹ cũng ở một mình. Sau khi ra khỏi trại tập trung, tôi không giám trở về quê cũ. Sau bảy năm tù tội, tôi đã thấm đòn, nên tôi phải bỏ quê nhà mà đi. Không có một đồng bạc lận lưng, không có một mái nhà, không nghề nghiệp lại bị công an theo dõi từng ngày, nên tôi không dẫn được mẹ tôi theo, cả anh tôi cũng vậy. Hai đứa con trai của mẹ phải sống lẩn lút trên vùng kinh tế mới suốt mấy năm, nên cả hai đành bất lực, không nuôi nổi được mẹ, không được ở gần mẹ. Đó là một điều tôi ân hận suốt đời. Cuộc đời có biết bao lần ân hận vì những điều không toại ý, nhưng nỗi ân hận về mẹ, không chăm sóc, không sống được với mẹ lúc mẹ đã già, đã làm tôi đau nhói nhất, đau điếng nhất, ân hận nhất.

Tôi chưa bao giờ tưởng tượng cái ngày mẹ tôi mất, hay tôi mất mẹ. Nghĩ tới ngày đó tự nhiên tôi rùng mình sợ hãi. Khi mình có vật gì quý nhất trên đời mình chỉ sợ mất đi, nên tôi không dám nghĩ tới, không dám tưởng tượng. Chỉ tưởng tượng thôi cũng đủ thấy nó hãi hùng thế nào, huống hồ gì khi mình chạm mặt với sự thật.

Nhưng tôi mãi ám ảnh về ngày chết của mẹ trong những lúc ở tù, ở vùng kinh tế mới, những ngày đạp xích lô rạc rài sống lang thang ở Sài Gòn. Tôi nghĩ đến nỗi cô đơn của một bà già trên tám mươi tuổi, sống đơn độc trong ngôi nhà lạnh lẽo, tôi như bị hụt hơi. Dù mỗi lần Tết tôi đều về thăm mẹ, thấy mẹ khoẻ là tôi vui, thấy mẹ ốm là tôi lo buồn, nhưng tôi cứ tự trấn an mình là “nước mắt chảy xuôi.”

Ơi! Nước mắt chảy xuôi! Cho đến ngày ở Sài Gòn, tôi được tin mẹ tôi đau nặng, tôi liền mua vé xe đò về ngay bên mẹ. Mẹ ốm o, mẹ gầy mòn, mẹ còm cõi, mẹ bịnh hoạn. Những cơn ho của mẹ bất tận, những cơn tức ngực làm mẹ giãy giụa, quằn quại. Mẹ bị bịnh có nước trong phổi và tim bị lớn, mẹ phải nửa nằm, nửa ngồi, chứ không thì bị tức ngực.  Thế mà tôi không đủ tiền để mua cho mẹ cái ghế nằm dựa lưng cho mẹ dễ thở.

Cuối cùng thì mẹ chết trên tay tôi, tôi ôm mẹ trong tay như ôm một cành cây khô trụi, đã hết nhựa sống. Suốt cuộc đời mẹ, nhựa trong người mẹ đã chuyền hết cho các con, mẹ đã trải qua những chặng đời cực nhục quá. Sự vinh hiển về những đứa con chỉ nằm trong tâm thức, còn suốt đời mẹ, không một ngày nào mẹ được sung sướng.

Tôi ôm mẹ trong tay, mẹ như một cành khô, mắt mẹ đăm đăm nhìn vào một khoảng xa nào đó, rồi mẹ lịm đi, tim mẹ đã ngưng đập. Tôi biết mẹ tôi đã chết, cái giờ phút kinh hoàng, hãi hùng nhất của tôi đã đến. Mẹ đã đi vào cõi vô cùng, của huyền bí, ngút xa. 

Và tôi nhận chân là tôi đã mất mẹ từ đây. Vĩnh viễn. Suốt chặng đời còn lại, tôi sẽ không còn được thấy mẹ, được rờ tay mẹ, được hôn lên trán mẹ, hôn lên khuôn mặt nhăn nheo cam khổ của mẹ nữa.

Đó là ngày tôi cảm thấy cô đơn nhất, bơ vơ nhất. Tôi chợt nhận ra rằng tôi đã mồ côi mẹ, ngày tôi bốn mươi hai tuổi, như câu thơ tôi được đọc từ ngày nhỏ dại:

tôi thấy tôi mất mẹ
như mất cả bầu trời
lần đầu tiên tôi hiểu
thân phận kẻ mồ côi

Từ đó, ở đâu và lúc nào, tôi thấy như không còn ai thương tôi nữa. Không còn ai, thay thế được tấm lòng ấy, con người ấy.

Mẹ! Mẹ đã đi về phía hoàng hôn.

Trần Yên Hòa


Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Rớt xuống ấu thơ, tôi



 Trần Yên Hòa
 
Tìm đâu những ngày thơ ước mơ. Tìm đâu những ngày hết mong chờ. Ngày thơ biết tìm đâu, ngày thơ biết tìm đâu? Biết tìm đâu, biết tìm đâu, đâu giờ? Hoàng Thi Thơ

 Chuyện anh y tá có tên là Tá ở nhà tôi cũng có nhiều chuyện vui. Anh Tá ở đâu ngoài Câu Lâu. Lúc đó tôi thấy ngoài cái xã Kỳ Mỹ của tôi, còn những ai ở xa đều xa tít tắp. Như anh Tá vào ở trọ nhà tôi, mẹ tôi nấu cơm tháng cho ăn. Buổi trưa thì có thêm thầy Hào, thầy Hiên…Chắc mẹ tôi cũng kiếm thêm được chút tiền chợ. Khoảng hai ba tuần, hoặc một tháng, anh Tá mới về  thăm nhà một lần. Anh về thăm gia đình ảnh “ngoài nớ”. Anh đi xe đạp, xuống ngã ba Chiên Đàn đón xe đò, bỏ xe đạp lên mui.


Trạm y tế xã chỉ có một anh Tá làm việc, anh bao thầu hết mọi chuyện như khám bịnh, cho thuốc, tiêm thuốc…cho bệnh nhân. Anh còn hơn một bác sĩ nữa. Chiều anh về nhà tôi còn đi tiêm thuốc tư cho dân nữa, ai có bịnh, mua thuốc tiêm thì đến nhà tôi tiêm, nếu bịnh nặng thì ảnh tới tận nhà tiêm, chắc là tiền công cũng cao hơn…

Cha tôi dành riêng cho anh Tá một cái giường, không có phòng riêng, tối ảnh đọc sách hay ngủ, nghỉ, cũng ở trên cái giường đó.

Chuyện không có gì đáng nhớ nếu không có chuyện mấy tháng sau, vợ anh Tá từ “ngoài nớ” vô thăm.

Tôi lần đầu tiên gặp được một người thiếu phụ đẹp lạ lùng. Chị Tá tên là Liên. Chị có mái tóc dài, khuôn mặt thanh tú, đôi má luôn ửng hồng, đôi môi cũng đỏ hồng, luôn luôn chum chím, che hàm răng đều và trắng. Đó là sắc đẹp trời cho chị Liên và chị đã thuộc về anh Tá đã gần mười năm, năm chị mười tám tuổi. Anh chị đã có một đứa con gái, một đứa con trai. Chị nhớ chồng nên cuối tuần vào thăm, để hai con nhờ bà ngoại trông hộ. Tôi đi học về, chiều thứ bảy, thấy người đàn bà ở phòng khách, tôi nhìn chị là “bị choáng” ngay.

Không có ai ở nhà, chỉ có mình chị. Anh Tá chắc đi tiêm thuốc cho bịnh nhân ở quanh xóm. Nghề y ta ở một vùng xa như quê tôi lúc bấy giờ, còn “ngon” hơn bác sĩ bây giờ. Cả xã cũng mười ngàn dân, chỉ có một mình anh săn sóc sức khoẻ. Ban ngày thì làm ở trạm y tá xã, buổi chiều về nhà, tắm rửa thay đồ, anh lại đi thăm bịnh, chích thuốc. Anh “hốt” tiền là cái chắc.

Chị Liên vào thăm anh buổi xế trưa, mẹ tôi đã đi chợ hay đi làm ngoài ruộng không biết, cha tôi thì đi lên cơ quan xã, nên chưa ai trong nhà gặp chị. Tôi nhìn chị đang ngồi trên ghế dựa ở phòng khách, thấy tôi vào nhà, chị đứng lên:
-Em đi học về đó hả?

Tôi ngó chị một cách ngạc nhiên, lẫn say mê vì chị đẹp quá. Chị hỏi vậy chắc chị đã nghe anh Tá kể lại, trong nhà này có thằng nhóc là tôi, đang là học trò tiểu học, ôm nhách và đen thui vì dang nắng suốt ngày.

Tôi chỉ có chong mắt ếch nhìn chị Liên và lí nhí trong miệng vì bị khớp:
-Dạ.

Chị nói tiếp:
-Chị là Liên, vợ anh Tá từ Câu Lâu vào thăm ảnh. Mẹ em bao giờ mới về?

Tôi đáp cộc lốc, con nhà quê đâu có văn vẻ được:
-Chặp tối mẹ mới về.

Chị Liên vào trong giường, chỗ ngủ của anh tá lấy ra một gói kẹo cho tôi. Tôi nhìn chị từ đầu đến chân. Trời ơi! Sao có người đẹp lạ lùng như thế này, nước da chị trắng bóc, dáng người thanh mảnh làm sao, cặp giò chị đúng là “cao tới nách”. Chị bận cái quần lãnh đen láng mướt, cái áo may kiểu bà ba trắng mỏng ôm sát người, chừng đó thôi cũng làm tôi lâm vào cảnh “chết điếng”.

Tôi nghĩ ngay đến cái anh Tá nhà ta, dù là y tá nhưng anh Tá trông rất nông dân tay lấm chưn bùn, không một chút gì văn vẻ. Người anh lùn khoảng thước năm, tóc thì khô, mặt thì vuông với làn da mặt sần sùi. Tôi thấy hai vợ chồng này không xứng đôi chút nào, mà sao tôi thấy chị Liên có vẻ cưng chiều anh Tá lắm.

Tối đâm ra ngơ ngẩn khi ra ngoài sân chơi cò cò một mình, tôi buồn quá. “Tôi buồn không biết vì sao tôi buồn” khi tôi mới mười hai tuổi. Nhưng thật sự là tôi đã quá đa cảm khi nhìn thấy một nhan sắc quá tuyệt trần của chị Liên mà đem gán thân cho anh Tá. Thế mà anh Tá đâu có thương vợ nhiều nhặn gì cho cam. Ảnh ở trọ nhà tôi nên tôi biết, quãng đường từ chỗ nhà tôi ra chỗ anh Tá đâu khoảng bốn mươi cây số, đi xe đò chỉ một tiếng rưỡi, thế mà một tháng ảnh mới về nhà một lần. Còn lại thì thời gian ngoài chuyện đi làm trên bệnh xá xã, ảnh về chỉ có hai chuyện, nếu có ai kêu đi chích thuốc thì ảnh đi, còn không thì ảnh sẽ đi nhử chim cu đất. Tôi thấy anh Tá mê món ăn chơi này lắm. Ảnh có hai cái bẫy cu mồi, ảnh treo ở ngoài hàng hiên nhà tôi, suốt những lúc nghỉ, anh cho chim  ăn, còn rãnh rỗi ảnh đi mồi ở trong vườn mấy người trong xóm. Sao ảnh có người vợ đẹp quá như thế này mà một tháng mới về thăm một lần, sao cái thân hình mảnh mai của chị Liên, tối nằm một mình, dù đêm đông lạnh lẽo hay đêm hè nóng bức, không có chồng bên cạnh là một điều quá buồn tẻ.

Tôi lại đâm ra suy nghĩ vẩn vơ, không biết hai người này có yêu nhau không, có sống hạnh phúc không? Có tình yêu sao không tìm về với nhau, gần gụi nhau mà phải sống xa như thế. Suốt hai năm anh Tá ở trọ nhà tôi, tôi cộng lại thì ảnh có mặt ở với chị Liên không đầy một tháng. Tôi mới nói chuyện với chị Liên đôi ba câu, mà tôi đã thấy mê mẩn tâm thần, nhất là tôi mê mái tóc dài chị thả xuống sau lưng, cũng như đôi mắt chị lớn, tròn và đen lay láy. Có người vợ thế mà bỏ đi biệt thì nghĩa là sao?

Tôi lại ngồi chơi một mình ngoài sân với mấy ô ăn quan, chơi để làm ra vẻ thế thôi, chứ tôi đâu có chơi gì đâu, chỉ giả bộ để nhìn chị Liên đi qua, đi lại trong nhà, nhìn chị Liên ra giếng nước rửa mặt, nhìn chị Liên lấy gàu xối nước rửa chân. Chị sợ nước văng ướt hai ông quần nên một tay chị cầm hai ống quần kéo lên cao. Tôi lén ghé mắt nhìn và kêu trời ơi một lần nữa. Hai ống chân chị vừa thuôn, vừa dài, vừa trắng, láng o không có một dấu vết gì, thế mới thật là một giai nhân tuyệt sắc.

Mẹ tôi về nhà lúc chạng vạn tối. Mẹ bước vô nhà, chà chà cái chân trên nền gạch, mẹ tôi vốn đi chân đất, ít bao giờ có mang guốc, giép. Nhìn vào trong thấy chị Liên, đang ngồi nơi bàn giữa nhà.
Mẹ tôi hỏi:
-Ỏa, ai đây?

Chị Liên đứng dậy:
-Thưa bác, con là Liên, vợ của anh Tá từ Câu Lâu vô thăm ảnh, cả gần hai tháng nay không thấy ảnh về, không biết bệnh hoạn gì không nên con ghé vô thăm thử.

Mẹ tôi vốn quý khách nên bà vồn vã:
-Thế à, vậy chị là chị Tá, ảnh không bịnh chi mô, nghe ảnh nói bệnh nhân quá nhiều nên ở lại để chăm sóc bệnh. Hôm nay rảnh chắc ảnh đi mồi cu, anh mê đi mồi cu lắm, có khi tối mịt mới về.

Thôi chị ngồi chơi đó đi, đợi ảnh về, tôi đi nấu cơm.

Chị Tá dạ dạ trong miệng rồi quày quả vào buồng lấy ra nào chuối sấy khô, nào một bịch nhộng tằm đã luộc, bánh đậu xanh. Chị bày ra bàn rồi xuống bếp mời mẹ tôi lên:
-Thưa bác, con lần đầu mới vô thăm bác, thăm anh Tá, có chút quà quê, con biếu bác ăn lấy thảo.

Mẹ tôi xởi lởi:
-Chị bày vẻ biếu xén chi cho tốn kém, ở đây tui tôi không thiếu thứ gì đâu, nhà gần chợ nên thứ gì cũng có.

Chị Tá cố ép mẹ tôi nhận, còn tôi thì chạy vào ngồi dưới nền nhà nhìn lom lom vào mặt chị Liên, nhìn khuôn mặt ấy tự nhiên tôi thấy mình mất bình tĩnh, nhưng cũng khoái vô cùng.

Mẹ tôi cứ để mấy món quà của chị Liên trên bàn, quày quả xuống bếp nấu cơm. Chị Liên nói:
-Bác có làm gì cho con phụ giúp nấu bếp với. Cho con làm một tay cho vui.

-Thôi chị ngồi chơi đi.

Nói vậy nhưng chị Liên cũng theo mẹ tôi xuống bếp. Tôi cũng đi theo như cái đuôi, tôi đi theo chỉ đứng ngó thôi, chị phụ mẹ tôi thổi lửa, một chốc, quay lại phía sau thấy tôi, chị hỏi:
-Em tên gì?

-Cu em.

-Không, tên đi học kia.

-Nhị.

-Nhị học lớp mấy?

-Lớp nhứt.

-Học giỏi không?

-Giỏi chớ, đứng nhất, nhì trong lớp.

-Giỏi he.

Tôi lại ngồi gần chị Liên. Chị lấy cái ống thổi bằng tre chu miệng lại thổi lửa, ngọn lửa bùng lên. Tôi thấy gương mặt chị đỏ lên vì ngồi gần lửa. Chị nấu ăn “văn vẻ” hơn mẹ tôi, mẹ tôi thì nấu ào ào, miễn sao cho vừa ăn thì thôi, còn chị Liên kho món này, xào món kia hoặc nấu canh. Trông chị làm rất “điệu nghệ”.

Chị còn hỏi tôi nhiều chuyện về anh Tá ở đây ra sao? Chắc chị dọ hỏi, điều tra tôi về chồng chị. Tôi cũng thật thà trả lời là anh Tá chỉ lo làm việc, đi mồi cu thôi, không chơi bời lang bang gì hết.

Khi chị làm đồ ăn gần xong, chị ôm lấy đầu tôi, kéo sát vào người chị và hôn trên tóc, chị nói:
-Thôi cưng đi ra giếng tắm đi, rồi vào ăn cơm, chắc bác trai và anh Tá cũng sắp về, dọn cơm ăn là vừa. Đi cưng, đi tắm cho sạch đi cưng, chị thương.

Chị lại ôm đầu tôi nựng một cái nữa. Tôi lại “điếng người”, thốt lên tiếng dạ như hút sâu trong cổ họng không ra lời, tôi thấy choáng thực sự. Cái “hít” đó và câu nói đó như là “lệnh”, khiến tôi phải ra giếng cởi áo quần, đứng trần truồng tắm, quê tôi thường vậy mà. Tôi không giám xát tay mạnh vào mái tóc sợ bay đi hơi hướm chị Liên vừa chuyền qua, bằng cái hun phớt trên mái tóc với câu nói nựng yêu “đi tắm đi cưng.”

Tối đó mới là buổi tối thú vị. Anh Tá đi mồi cu về, gặp vợ, anh cũng vui chút đỉnh, nhưng không tỏ sự ân cần quá mức. Cha tôi về, tắm rửa xong là cả nhà ngồi quanh bàn ăn cơm. Bây giờ nhà tôi chỉ có cha mẹ và tôi, anh Giảng đi học dưới thị xã, chị hai tôi đi “nguồn”.

Bữa ăn trôi qua bình thường. Cha tôi hỏi thăm chị Tá ở ngoài quê ra sao, khen chị nấu đồ ăn ngon, mẹ tôi thì khen chị Tá giỏi giang, ở một mình mà quán xuyện một sạp bán hàng tạp hóa. Chỉ có anh Tá là ít nói.

Tôi học bài qua quít rồi đi ngủ, ở nhà quê thường ngủ sớm. Vấn đề “ngủ” bây giờ mới là nan giải. Mẹ tôi là người đàn bà nhà quê hay kiêng kỵ đủ thứ, như là con gái thường không được lên nhà trên, đi đứng không được chun qua dây, qua miếu thì phải cúi đầu, cho nên chuyện ngủ chung, dù là vợ chồng, mẹ tôi cũng kiêng kỵ dữ lắm. Điều này ở trong nhà trước đây cũng có vài ba cặp vợ chồng bà con đến thăm chơi, ở lại, mẹ tôi đều sắp xếp cho họ ngủ riêng. Mấy bà thường được mẹ tôi kêu xuống nhà ngang, ngủ trên giường của chị hai tôi. Lần này, tôi biết chắc cũng vậy, và tự nhiên tôi thấy lòng mình hân hoan, như vừa thắng một trận bi lớn.

Khoảng tám giờ, sau khi chị Liên, anh Tá và cha tôi ăn xong, ngồi nói chuyện, hút thuốc, uống trà trên bàn nhà trên, thì mẹ tôi từ nhà ngang đi lên, nói:
-Chị Tá mệt chưa, đi xe đò cả ngày trời, vào đây còn xuống bếp nấu cơm nữa, chắc mệt lắm, nếu chị muốn đi ngủ thì xuống nhà ngang, có giường của con hai Kim, nó đi nguồn rồi, chị vào đó mà ngủ. Buồn thì kêu thằng cu em vào ngủ với.

Tôi biết chuyện này trước sau rồi cũng xảy ra, vì đêm đến, cùng với bóng tối, ngủ chung, vợ chồng lâu ngày không gặp nhau, làm sao tránh được chuyện “nọ kia”, nên mẹ tôi đề phòng sát nút. Nhà mà để cho trai gái ngủ chung rồi làm chuyện đó, thì sẽ bị “mắc phong long”. Bị mắc phong long thì gia chủ sẽ làm ăn “cất đầu không lên nổi”. Đó là cái mê tín của mẹ tôi, nên mẹ tôi cho tôi ngủ chung với chị Liên, để canh chừng mọi động tĩnh của hai người, chứ đêm hôm khuya khoắc, vợ chồng người ta thức dậy đi tìm nhau, thì lúc đó có trời mà can. Tôi làm trái độn của mẹ tôi, nhưng thật tình tôi cũng đánh lô tô trong bụng, vì sung sướng, vì tôi tuy còn nhỏ nhít, nhưng được ngủ chung với chị Liên, còn sung sướng nào bằng. Chỉ nằm gần nhìn chị thôi, tôi cũng thấy bàng hoàng rồi, nằm mà hít được mùi tóc, mùi xà bông, mùi da thịt của chị tỏa ra, tôi đủ thấy đã lên tiên rồi.

Chả bù với mấy lần trước, mẹ tôi bắt tôi ngủ chung với chị Tư Thung, vợ chồng chị tư Thung từ trên “nguồn” xuống chơi, mẹ tôi cũng bắt tôi ngủ chung với chị, để làm trái độn. Tôi chun vào nằm và ngửi cả mùi mồ hôi, mùi thuốc lá, mùi trầu, cũng như mùi “nguồn” của chị làm tôi tởn da gà, phải chui tụt xuống sâu phía dưới giường .

Đêm nay là một đêm thần tiên đối với tôi. Tôi vào giường ngủ trước, mẹ tôi dặn thế. Những hôm khác thì tôi ngủ với cha ở bộ ván nhà trên, lần này tôi vào ngủ ở cái giường của chị hai tôi, mà mẹ dành cho khách nữ. Khi chị Liên hết nói chuyện ở nhà trên, đi theo mẹ tôi xuống nhà ngang, hai người còn ngồi nói chuyện với nhau cũng mươi phút nữa. Sau đó mẹ nói:
-Thôi, cô vào ngủ đi, chắc mệt rồi, thấy ngáp hoài, ngủ đi cho khoẻ.

-Dạ, vậy thì con xin phép bác, con vào nghỉ trước.

Trong buồng của chị hai tôi có chong cây đèn dầu nhỏ. Chị hai tôi chăm chuốt cái giường của mình cũng chu đáo, sạch sẽ. Cái chiếu hoa được dệt có hình hoa văn chữ hạnh, chữ phúc hay gia đình êm ấm. Chị hai tôi là cô gái mới lớn, nên chăm chuốt cái giường ngủ của mình khá kỹ lưỡng, nên tôi nằm lên là thấy khoái, hơn hẳn những đêm ngủ ở bộ ván ngựa nhà trên, gỗ cứng khiến đau cả lưng.

Tôi đang lơ mơ nằm nhìn lên trần mùng, thì chị Liên vào. Chị nhìn tôi nằm chèo queo bên góc giường, chị nói:
-Cu em ngủ chưa? cả ngày chơi hoang ngoài đường, em đi ngủ đã rửa chân tay chưa?

Tôi đáp liều:
-Rửa rồi.

Thật là rồi, nhưng mà rửa rồi rất là qua quít. Tôi lội suốt ngày mà không mang giày dép gì cả, đến chiều về ra giếng tắm múc nước xối ào ào lên người, nhiều khi nước chưa đủ ướt khắp da thịt, là tôi đã mặc quần áo vào, không dùng khăn để lau, bận đồ vào liền, nên áo quần mới thay cũng ướt nhèm luôn. Tôi trả lời “rồi” là đúng, nhưng cũng đúng chỉ có một phần.

Chị Liên cũng để nguyên cặp đồ thay hồi tối để ngủ. Chị chỉ xả mớ tóc ra chứ không buộc nơ nữa. Lúc này mớ tóc dài và dày của chị mới có dịp xõa tự do trên phía sau lưng chị, mái tóc càng làm chị đẹp thêm, càng huyền hoặc thêm…

-Thôi ngủ đi cu em.

Tôi nằm co một bên giường và xây mặt về phía chị, trong lúc trống ngực tôi đập thình thịch, tôi không dám nói, và không nói được câu nào, chỉ đáp:
-Dạ.

Chị ngồi lên giường rồi nằm xuống. Mái tóc lại hất tung lên, lòa xòa rơi xuống gối, hình ảnh mái tóc chị Liên khi chị hất tung lên rồi để rơi lòa xòa xuống mặt gối, có thể nói là hình ảnh đẹp nhất, đẹp hơn những lời nhạc của Văn Phụng trong bản nhạc  Suối Tóc mà tôi biết sau này.

 Tôi nằm trong mơ mộng như vậy rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay, cho đến khoảng nửa đêm, tôi tỉnh ngủ , mở mắt ra, thì thấy chị Liên đã choàng cánh tay qua người tôi và ngủ ngon lành. Tôi ngộp thở bởi mùi thơm nồng của cái áo “katê” chị đang mặc, cái mùi bồ kết và cả mùi cánh tay. Cái mũi tôi đã hít đầy hương thơm đó. Đôi mắt tôi được nhìn trong bóng đêm qua cái đèn dầu chập chờn đang hắt ánh sáng đàng kia, bầu vú căng tròn của chị, cái bầu vú tự do, không bị ràng buộc bởi cái gì, (chắc đi ngủ chị đã cởi cái cột xê ra cho mát). Tôi tự do chiêm ngưỡng cái  bầu vú tròn lẵng đó, nồng thơm đó với nỗi sung sướng khôn nguôi. Nhưng suy nghĩ, con nít như tôi, đến độ vậy là “quá đà” rồi.
Sau đó tôi lại ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

Chị Liên chỉ ở lại với anh Tá một đêm hôm đó. Một đêm mẹ tôi đã dùng tôi làm vật cản từ xa, không cho anh Tá và chị Liên tiếp cận nhau. Tôi làm trái độn với bao háo hức trong lòng. Nhưng anh Tá, sao không thấy ảnh có ý gì thèm khát chị Liên, ảnh vẫn tỉnh rụi.

Sáng ảnh dậy sớm, pha nước trà ngồi uống tỉnh bơ trên bàn khách nhà tôi. Cha tôi cũng đã dậy sớm, ông đã đi ra tưới cây ngoài vườn. Mẹ tôi thì đã thức lúc 5 giờ sáng và chui vào bếp nấu cơm và nấu đồ ăn. Chỉ có tôi ngủ chập chờn rồi sau đó ngủ mê đi, khi tôi mở mắt ra thì tôi không thấy ai nằm gần tôi cả. Tay tôi quơ bên phải, bên trái, cũng không có chị Liên đâu. Tôi bèn mở mắt ra, chiếc giường trống trơn trông thật cô đơn, lạc lõng.

Tôi bèn ngồi dậy và chạy ra sân. Chi Liên đang cầm chổi quét sân. Chị thật chu đáo, mới đến nhà tôi hôm qua, mà chị không làm khách gì cả, coi như con cháu trong nhà, chị quét sân xong lại tiếp quét vườn. Khu vườn buổi tối lá rụng đầy, chị quét một loáng sạch bong.

Thấy tôi ra giếng múc nước rửa mặt. Chi nói với theo:
-Nhị, em thức rồi hả. Hồi hôm ngủ ngon quá hỉ.

Tôi hơi mắc cỡ trong lòng về chuyện giữa khuya thức giấc bất chợt, thức và được nhìn xuyên suốt qua thân thể chị. Ơi tấm thân thể ngà ngọc đó đã choàng qua tôi và mũi tôi đã hít đấy hương thơm đó.

Chị Liên quét sân xong, vào bếp phụ với mẹ tôi dọn cơm. Sau đó cả nhà ngồi ăn cơm sáng.

Chị biết mẹ tôi hôm nay đi làm ruộng ngoài khu gò Duối, hơi xa, nên mẹ đem cơm theo ăn, chiều tối mới về. Chị xúc cơm cho mọi người xong, chị nói:
-Thưa hai bác, hôm nay con vô thăm anh Tá, được biết gia đình bác, con an tâm lắm. Thưa với bác hôm nay con về lại ngoài quê, chứ công việc còn đang đăng đê đê ngoài nớ, mà con bỏ  đi như thế này nên con không yên tâm.

Mẹ tôi nói:
-Cô vào thăm anh như thế này là vui rồi, tôi đi làm chiều mới về, cô đi về bình an nghe.

Anh Tá nói:
-Tính vợ cháu hay lo lắng vậy, chứ con làm y tá nên sức khoẻ của con, con biết, có gì đâu mà lo.

Rồi anh quay qua nói với chị Liên:
-Em về ngoài nhà rồi tuần sau anh về thăm.

Ăn xong, chị Liên dọn rửa chén, lau bàn, mẹ tôi lo đi làm đồng, cha tôi đạp xe đi quanh xóm. Tôi loay hoay không biết nói gì với chị Liên. Chị làm xong công việc trong nhà rồi chị lo thu xếp đồ đạc đi về. Khi anh Tá dắt xe đạp ra sân, để chở chị xuống ngã ba Chiên Đàn, đón xe về lại ngoài nớ. Tôi thấy lòng buồn dễ sợ, như mình đã đánh mất một cái gì quý giá, đẹp đẽ nhất trong đời vậy.

Lần đó là lần đầu tiên tôi gặp chị Liên và cũng là lần cuối cùng. Khoảng nửa năm sau thì anh Tá xin đổi về làm việc “ngoài quê”, thế là tôi xa chị vĩnh viễn, có dịp nào để chị vào nhà tôi nữa đâu.

Trần Yên Hòa


Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

Trần Yên Hòa - Bạn nhỏ, Tình khờ



Trần Yên Hòa

Tìm đâu những ngày thơ ước mơ. Tìm đâu những ngày hết mong chờ. Hoàng Thi Thơ

     Bạn học trường tiểu học Kỳ Mỹ tôi có rất nhiều, nghĩa là “ở một nơi ai cũng quen nhau”,  với cái chợ Quán Rường, cái đình An Mỹ, các thôn tư, thôn năm, thôn sáu, hoặc ấp An Lương, An Phú, An Thành hay phía trên xa nữa là ấp Thành Mỹ, có thể nói là ai cũng biết mặt nhau. Nếu tụi nhóc mới sinh sau này lớn lên, la cà, rong chơi ở đâu đó, khi thấy lạ, người lớn hỏi: Mi con ai trong xóm? Trả lời: Con ông Khiêm. Thế là biết. Người lớn ngang chạc biết về nhau rõ ràng, đời sống, nếp sống, giàu nghèo…Những nhà giàu, nhà “địa chủ” dĩ nhiên được nhiều người biết hơn…Cha mẹ tôi là người trung bình về mọi phương diện, nên ai cũng chỉ gọi là ông Khiêm, hoặc cậu Khiêm, bà Khiêm hoặc mợ Khiêm.


     Tiếng “cậu mợ” tôi nghĩ đó là tiếng nói, tiếng gọi nhau thân thương của người cùng quê kiểng, chứ thật ra chẳng có họ hàng, bà con thân thuộc gì đâu.

     Những thằng bạn học của tôi, trong xóm có  thằng Tộ, thằng Loã, thằng Nho, thằng Thị . “Nậu chợ” có thằng Nam, thằng Thanh, thằng Trận, thằng Chá, thằng Biền... Con gái có con Châu, con Cam, con Nhự, con Tuyển...

   Tau, mi là tiếng xưng hô thường nhật của tụi tôi. Tình thân với những đứa bạn cũng tùy thuộc hoàn cảnh địa dư là xa hay gần. Gần nhất là thằng Tô, thằng Thị, thằng Lõa, thằng Nho…Thằng Tộ con ông giáo Sâm, một ông thầy giáo làng đã làm thầy giáo từ ngày tôi chưa sinh. Ông giáo Sâm có uy tín trong làng, thuộc gia đình cổ lổ sĩ. Cha ông ngày trước là một ông lý trưởng trong làng, bà giáo Sâm ở tuốt đâu trên Cây Sanh, con gái một ông cũng chánh tổng, lý trưởng gì đó, nên chừng đó lý lịch đã đủ tạo dựng cho thằng Tộ, thằng Lõa có “thế đứng” hơn tụi tôi. Học lớp nhất mà tụi nó có mũ scout để đội, có xe đạp dàn (sườn) ngang, dàn đầm chạy bóp chuông leng keng. Đi học bận áo sơ mi trắng, quần sọt xanh, là ngon, là le  lắm

    Thằng Nho, con ông bà Bán, nhà sát cạnh vườn tôi, bà Bán hay say rượu, thường xúc trộm lúa trong nhà bán cho mẹ tôi để lấy tiền uống rượu. Ông bà Bán hay đánh nhau, một lần hai người ôm vật nhau náo loạn cả xóm, bà đã dùng môn võ “bóp d.” khiến ông bị đau, la làng la xóm quá trời, sau đó phải đi nhà thương, không đi làm việc đồng áng được cả tháng.

    Còn thằng Thị là con ông bà Thị, cũng học cùng lớp với tôi, nhưng học “dỡ òm”, thi bằng tiểu học trượt vỏ chuối đành ở nhà làm nông. Sau chạy xe thồ và suốt đời làm kiếp thồ người.

Ba đứa học trò giỏi nhất lớp nhất trường tiểu học Kỳ Mỹ thuở đó có tôi, thằng Nam, thằng Cân.   

Thằng Nam người nhỏ con. Nó đúng là liến thoắng từ trong ra ngoài. Con người ốm nhom, gầy gò, xương xẩu. Đi học mặc bộ pyrama rộng thùng thình. Nó ăn nói trơn tru, ra vẻ tay trên lắm. Nó học giỏi toán và tập làm văn, lại có giọng đọc khá rõ ràng nên được thầy Khâm thường hay biểu nó đọc bài cho toàn lớp chép. Đọc xong nó “cân” cái mặt lên. Nó được tiếng là con nhà giàu, học giỏi nhưng không đẹp trai (vì nhỏ con). Bù vào cái nhỏ con của nó là nó có cái “miệng lanh”, từ này có hai nghĩa đen và bóng, nghĩa đen là cái miệng của nó mỏng và rộng, có những cái răng sâu chìa ra, hễ có chuyện gì là nó gân cổ lên cãi, ai cũng chịu thua, và nghĩa bóng là cái miệng nó nói nhiều lắm, nên thầy Khâm phê trong bảng Thành Tích Biểu của nó là: ”lợi khẩu.”

     Thằng Thanh cũng nậu chợ, “nậu chợ” nhưng nó không ma lanh mà hiền lành, dễ thương. Nó con ông ba Tôn làm thợ giết heo, quê tôi gọi những người này là “bảy đáp”. Tôi không hiểu bảy đáp nghĩa là gì nhưng chắc cái nghĩa của nó cũng ngang với “đồ tể”. Dĩ nhiên là làm nghề đó chẳng có danh giá gì, nhưng thằng Thanh có được cái tánh hiền nên được nhiều người thương. Nó lại có thêm một bệnh nữa là đôi mắt nó lúc nào cũng chảy ghèn, và híp lại, nên bọn nhỏ chúng tôi vẫn thường gọi là “Thanh mè nheo”. Nghĩa là đôi mắt nó luôn luôn nhấp nháy đầy nước mắt và… ghèn.

    Trong những đứa bạn ngày tiểu học, tôi thân nhất là thằng Tộ và thằng Nho. 

    Căn nhà của ông giáo Sâm, tức là nhà thằng Tộ, nằm cuối xóm An Lương. Xóm quê có những con đường nhỏ chạy từ đường tỉnh lộ vào xóm. Các căn nhà được xây nhìn ra theo những con đường nhỏ đó. Mỗi căn nhà đều có một khu vườn rộng. Nhà tôi có bức tường thành xây quanh, có cái cổng vôi cao, nên trông rất uy nghi. Con đường nhỏ chạy qua khu nhà tôi là đến nhà thằng Nho, rồi đến nhà thằng Tộ. Nhà thằng Tộ thuộc loại kín cổng cao tường, tuy nhà không có tường vôi bao quanh nhưng ông giáo Sâm đã làm cái hàng rào tre rất kín và cao, nên không ai chui lọt qua được. 

    Nhà thằng Tộ không có giếng nước, nên nó phải lấy nước ở giếng nhà thằng Thị, bằng cách bắt từ giếng thằng Thị qua nhà nó một cái máng xối. Tối nào thằng Tộ hay thằng Loã (hai anh em) cũng xách nước từ giếng đổ vào máng xối để cho nước chảy về nhà. Bên kia, nước được hứng bằng những cái lu sành. 

Tụi nhóc chúng tôi buổi chiều đi đá banh dưới khu đồng Cát, gần tối về, tạt qua giếng này, cởi quần áo, ở truồng dông dỗng, múc nước xối qua người sơ sịa rồi mặc quần áo chạy về nhà. Thằng Tộ, thằng Loã còn múc nước đổ qua máng xối cho đầy hai, ba lu mới về nhà. Tôi còn phải về nhà rút rơm cho bò ăn. 

    Đó là sinh hoạt trong ngày của những thằng bé nhà quê.

    Thằng Nho con ông bà Bán. Nó học dốt tổ mẹ, viết chữ như mèo quào. Nó lớn hơn tôi đâu hai ba tuổi mà cùng học lớp nhất với tôi. Buổi tối, tôi ngồi ở nhà tôi học bài, nghe từ từ nhà nó vọng qua tiếng học bài của nó. Hồi đó các bài như sử, địa, cách trí, đạo đức thầy Khâm đều bắt phải học thuộc lòng, cho nên buổi tối đến giờ học thì chúng tôi thi nhau tụng bài. Tụng đây có nghĩa là đọc to lên, có lẽ đọc to lên như thế cho dễ nhớ hay sao mà học bài là phải đọc to lên. Thằng Nho thì “rống” chứ không phải đọc bình thường nữa. Nghĩa là nó giọng nó đọc to khiến cả xóm ai cũng nghe. Dù đọc to bao nhiêu đi nữa, nhưng đến giờ sử (địa, đạo đức, cách trí), thầy Khâm kêu lên dò bài, thì nó đứng im ngậm miệng như thóc. 

Cuối cùng thầy hỏi: 
-Em buổi tối có học bài không?

-Dạ có.

-Vậy em đọc bài sử học hôm qua nghe coi.

    Nó đứng im, mặt tái mét như không còn một giọt máu. 

   Thầy Khâm khuyến khích:
-Em bình tĩnh đi, nhớ lại thử coi hồi hôm đã học những gì?

   Thằng Nho lí nhí trong miệng:
-Em có học mà nay em quên mất.

    Thầy cho nó đứng im suy nghĩ đâu hai, ba phút gì đó, rồi cũng cho nó về lại bàn học và dĩ nhiên là trên danh sách dò bài, Lư Nho ôm trứng vịt.

    Nó không có khiếu học, nhưng khiếu chơi là nó ngon lành. Đá banh thì nó có lúc đứng hàng hậu vệ, có lúc làm tiền đạo tấn công. Nó có sức khoẻ có thể chạy suốt sân bóng. Hồi đó ga xe lửa Kỳ Mỹ được trùng tu, có cái sân rộng. Buổi chiều cái sân ga xe lửa làm cái sân vận động để thanh thiếu niên đá bóng. Thường hai đội bóng là đội trong xóm và đội ngoài chợ. Thằng Nho, Giảng, San, Tộ, Thị, Lõa, Kỵ, Hoanh, Hòa… thuộc đội trong xóm. Thằng Nho được phân làm thủ quân nên những lúc đá banh, nó là ông tướng điều khiển bọn tôi. Đội ngoài chợ có thằng Bờm, Trận, Lượng, Nam, Biên, Chá…Thằng Bờm làm thủ quân, nó có sức khoẻ “như trâu”, như thằng Nho, nên nó chạy từ đầu sân đến cuối sân không mệt. Thằng Bờm có cú đá mạnh bạo, tụi tôi gặp nó dẫn banh xuống tấn công khung thành đều né, sợ nó tông gãy chân. Chỉ có thằng Nho, thằng Tộ là dám xông vào truy cản.

   Thằng Tộ cũng là tay chơi đá banh kiệt liệt. Nó có cặp giò to, suôn, cao. Thường đá banh nó được chia đứng hàng hậu vệ. Khi nó đứng thủ thành thì bóng khó qua lọt được. Mỗi khi đối phương dẫn bóng xuống, nó nhào ra truy cản thì đối phương cỡ thằng Bờm, một tay tấn công, cũng bị nó dành bóng và đá mạnh lên cho phe ta tấn công. 

    Sau khi xã thành lập đội bóng thiếu nhi, thằng Nho, thằng Tộ, thằng Bờm đều được vào trong danh sách đội tuyển. Còn tôi thì ra rìa bởi vì dẫn banh còn quá quờ quạng.
    
    Những buổi trưa không ngủ được và không có công chuyện gì làm, tôi nhảy qua hàng rào nhà tôi qua chơi với thằng Nho. Thường là tụi tôi chơi chọi đầu nhau. Leo lên trên tấm phản nhà nó, hai đứa nằm úp lên tấm ván, lấy đầu húc nhau. Thằng Nho có cái đầu cứng như thép. Tôi thường bị đầu nó chọi vài cái là thua chạy dài, cái đầu tôi không thể tông vào cái đầu cứng như thép của thằng Nho được. 

   Trưa nào ghé nhà nó, môn chơi đầu tiên của hai đứa tôi là chọi đầu. Tuy vậy, tôi vẫn gỡ gạc, hơn thằng Nho bởi những trò chơi khác như đánh trổng hoặc bắn bi. Nhiều lúc tôi thắng, tôi thu được chiến lợi phẩm là trèo lên ba cây ổi nhà nó, hái những quả ổi chín vàng  ươm. Cha mẹ nó, ông bà Bán, tôi không bà con gì nhưng vẫn gọi là chú thím.

*

Mắt biếc năm xưa nay đâu, cánh sao còn đây tóc mây nào bay. Phố vắng mênh mang mưa rơi, người xa vắng rồi /Ngô Thụy Miên.


     Năm khoảng tôi mười một, mười hai tuổi, tôi thấy thương thầm nhớ trộm một cô bé học trò dưới tôi hai lớp. Đó là “em” Tuyền. Tuyền học lớp ba, tôi học lớp nhứt. Tuyền là em gái thằng Đồng, học cùng lớp với tôi. Thằng Đồng thì tôi chấp. Học dỡ mà cái mặt lúc nào cũng cân cân. Nó chỉ tội nghiệp khi có giờ toán đố của thầy giáo Khâm. Thầy giáo Khâm thường ra bài toán “đố mẹo”, và ai làm bài nộp trước sẽ được cho điểm mười. Những lúc như vậy tôi thường hay lấy tay che bài tôi làm, vì sợ tụi bạn “cóp dê”. Tôi giỏi “toán đố” nổi tiếng ở lớp. 

    Lúc ấy thằng Đồng nhìn tôi khuôn mặt như méo. 

-Nhị, mi xích tay ra cho tau dòm chút coi. 

Tôi liền ra giá:
- Tau cho mi coi với điều kiện ngày mai tau ghé nhà mi chơi. 

-Ừ, gì cũng được, xích tay lẹ lên. 

   Tôi xích tay cho hiện ra một lỗ trống, để thằng Đồng ngồi sát bên tha hồ cóp. 

    Bài toán đố ra đề chưa đầy mười phút là bài của tôi đã xong, tôi liền chạy lên bàn thầy Khâm nộp. Thằng Đồng cũng xong nhưng nó do dự chưa nộp vì sợ bị thầy kêu lên giảng bài toán. Giảng bài toán mà ú ớ trong khi trong vở bài giải quá hay thì “lộ tẩy” liền. Nó dốt toán nhưng khôn vặt, biết lượng tài cao thấp, nó chỉ đợi khi nhiều học trò lên nộp thì mới đem bài lên. Cuối giờ toán, tôi được điểm mười, còn thằng Đồng điểm tám, vì nó copy “nửa nạc, nửa mỡ” bài của tôi. Như vậy là tôi có một niềm vui nhỏ: Ngày mai sẽ xuống nhà nó, có dịp “nghía” em Tuyền. Thằng này khờ học nhưng chuyện “canh me” đứa em gái thì rất kỹ. Nó thường hù dọa những thằng bạn toan tính “thả dê” em nó là sẽ “đánh chết bỏ”. Nhưng với tôi thì nó còn lợi dụng copy toán, nên nó nới tay lỏng hơn.

   Thằng Đồng, thằng Nguyên là con ông bà Lệ. Gia đình nó rất cơ cực. Ông Lệ đi thồ từ trên “nguồn” Cẩm Y về chợ Quán Rường. Ông làm nghề đi thồ từ đời cố hỷ nào tôi không biết. Ông Lệ có chiếc xe đạp được ráp bằng hàng Pháp chính hiệu con nai vàng nên rất chắc chắn. Cái dàn, cái râng, cái vỏ, đều là thứ tốt số một. Cái “baga” lớn phía sau cột thêm miếng gỗ dày, rồi cột thêm một cây gỗ dài xuyên qua sườn xe hướng lên trời để làm trụ đẩy. Đi thồ hàng ở mạn nguồn phải đẩy qua những cái dốc cao. Thời gian này có một số bạn hàng là các chị lớn ở quê tôi, chuyên môn đi buôn nguồn, chị hai tôi cũng ở trong số đó. 

    Ông Lệ cha thằng Đồng, cha con Tuyền, làm nghề chạy xe thồ. Đoạn đường đi từ chợ Quán Rường lên Cẩm Y phải qua một cái dốc cao gọi là dốc Eo Gió. Đứng trên dốc này có thể nhìn xuống thấy biển Tam Ấp, nghe gió thổi lồng lộng. Gió có thể thổi “bay” cả người. Cho nên cái dốc này là “sát thủ” của dân xe thồ. Chất trên xe nào là những buồng cau, những buồng chuối, những bao tiêu, bao chè nặng chình chịch, mà phải đẩy qua con dốc Eo Gió này thì thật là le lưỡi. Thế mà ngày nào ông Lệ cũng phải đẩy một xe đầy hàng thì đúng là vất vả. 

    Ông làm từ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, để nuôi thằng con đi học chỉ chuyên “cọp dê”. 

   Thằng Đồng, thằng Nguyên có căn nhà ngó ra khu đồng Cát. Con Tuyền em kế thằng Đồng trông thật là xinh. Tôi mười hai tuổi mà tôi thấy lòng hồi hộp mỗi khi nhìn thấy con Tuyền ngồi đánh thẻ. Con Tuyền thường hay bận bộ đồ cặp màu tím hoa cà. Màu tím nhẹ nhàng cùng những chấm đen li ti. Nhìn nó đánh thẻ, nhảy dây hay tập múa, tập hát, tôi thấy con Tuyền có một sức thu hút chi lạ. Nhìn chung bọn học trò con gái cũng chạc tuổi nó, đứa nào cũng lấm lem, có đứa còn mũi dãi lòng thòng. Mấy nhỏ học trò nhà quê này thường bận áo quần màu đen hay xám, nên trông càng u tối, trong lúc “em Tuyền của tôi” thì bận cặp đồ màu tím hoa cà nên trông “sáng” hẳn lên một góc trời. Có lẽ vậy, nên khiến tâm hồn tôi chao đảo, tôi chỉ còn một cách là tiếp cận thằng Đồng, dơ cao tay cho trống chỗ để thằng Đồng cọp dê bài toán đố, để nó được điểm tám. Tôi được cái là buổi chiều ghé chơi nhà nó để bắn bi, và để “nghể” em Tuyền.

    Có một điều là em Tuyền có đôi mắt đẹp não nùng. Đôi mắt em lớn với đường lông mày lá liễu cong cong. Đôi mắt đã hớp hồn tôi trong những lúc đi trên sân trường bất ngờ gặp em đi ngược chiều. “Một đôi mắt đẹp”. Tôi đã đọc trong nhiều tác phẩm, các nhà văn nói đến, đó là đôi mắt phượng, mắt lá liễu, mắt như thuyền, nhưng tôi đơn giản hơn và học trò hơn, gọi đó là đôi mắt biếc, như nhạc sĩ NTM sau này có bản nhạc Mắt biếc. Mắt biếc là mắt xanh thẳm, sâu hun hút, huyền mơ, buồn vời vợi. Dù “mối tình đầu” đó của tôi, tôi chỉ là chú học trò khờ, đứng “ngẩn” trông với áo tiểu thư, nhưng nó đã theo tôi mãi, đeo đẳng mãi tôi hình ảnh “một đôi mắt”.

   Tôi là thằng nhát như cáy. Học lớp nhứt trường làng mà tôi rụt rè e lệ quá. Tính nhút nhát không cho tôi tiến xa hơn trong việc tôi chinh phục em Tuyền. (và có lẽ em lúc này cũng mới mười, mười một tuổi, đâu có biết gì!)

   Buổi chiều hôm đó tôi đến nhà thằng Đông chỉ một việc là chơi bắn bi với nó. Tôi bắn bi cũng thuộc loại cừ, loại chì, loại số dách. Bi là những viên tròn ve chai đủ màu sắc. Con nhà quê nên tôi đâu có tiền nhiều mà mua bi. Tôi để dành đâu mấy đồng bạc lẻ, nhịn ăn quà vặt, tôi ghé quán bà Nhẫn mua mấy viên bi. Mua mấy viên bi mà tôi nghĩ mình đã làm một việc tày đình, lớn lao lắm, cũng là “dân chơi phố thị” lắm. Thực ra bọn nậu chợ như thằng Nam, thằng Thanh có cả hàng chục viên bi đủ màu sắc óng ánh. Tụi nó chơi bi xả láng, như sau này tôi thấy mấy người đánh bạc ở các sòng bài, các casino, họ xếp tiền lại thành từng cọc rồi “táp pi”. Tôi thì “nhát gan con thỏ đế” và nghèo tiền, nên tôi chỉ mua được ba viên bi thôi, nhưng tôi cũng hung hăng con bọ xít, dấn thân vô hang cọp là xuống nhà thằng Đồng rủ nó chơi bi. Nó là một thằng bắn bi sừng sỏ nhất trường. Nhưng tôi cũng tin ở tài bắn bi của tôi. Dù học cùng lớp nhưng tôi chưa bao giờ đọ sức cùng nó. Tôi nghĩ nếu tôi có ba viên bi mà tôi ăn cả chục viên bi của nó, thì con Tuyền chắc chắn là sẽ nhìn tôi “lé con mắt” luôn.

Trò chơi đánh bi - là chúng tôi đào một cái lỗ, rồi cùng vạch một hàng kẻ ngang, cách cái lỗ khoảng ba mét. Thằng đi trước sẽ nhắm cái lỗ mà bắn. Có hai cách bắn bi là dùng bàn tay trái hoặc phải, tay nào thuận với mình, đặt ngón cái xuống đất làm điểm tựa, rồi tay kia cầm viên bi, đặt vào ngón trỏ hoặc ngón giữa rồi nhắm bắn. Cách thứ hai là bắn ngửa, nghĩa là để bàn tay nằm ngửa, dùng ngón tay trỏ cong lại, đặt viên bi giữa ngón tay trỏ và ngón tay cái, nhắm cái lỗ mà búng viên bi. Cách này nhẹ nhàng hơn, có nhiều đứa bắn rất nghề, bắn như “để”. Phải canh me sao cho viên bi lọt vào lỗ. Thường thường những viên bi đầu chưa vào lỗ hẳn, chỉ gần kề hoặc xa. Ai bắn bi gần lỗ hơn sẽ được tiếp tục bắn, có thể nhắm viên bi của đối phương mà bắn cho văng ra xa, nhiều cú bắn mạnh, viên bi đối phương có thể bị vỡ, người thắng có thể tiếp tục cho viên bi của mình vào lỗ, thế là thắng. Cái sướng nhất của thú chơi bi là bắn được viên bi của đối phương lăn ra xa, hay thú hơn nữa là bắn trúng viên bi đối phương, nghe cái “cốc” rồi bể ra làm nhiều mảnh.

Tôi và thằng Đồng chơi ngang cơ nhau, nên gần hai tiếng đồng hồ quần thảo trên chiếc sân đất nhà nó, tôi cũng mê đi, không biết có em Tuyền ở trong nhà không, chẳng thấy bóng dáng em đâu, nhưng tôi không ân hận vì sau trận đấu, tôi tóm được bảy viên bi của thằng Đồng, mặt nó như méo, còn tôi bỏ những viên bi thắng trận vào trong túi áo rồi dọt lẹ.

Mối tình đó tôi thất bại, tôi không “chim” được em Tuyền, đó cũng là điều dễ hiểu, vì tôi chơi ăn bi của thằng Đồng, nên thằng Đồng chửi tôi. Thằng Đồng chửi tôi thì làm sao tôi “chim” em nó được. 

*

Nhưng mà sau đó tôi lại “chim” được em ở sát cạnh nhà tôi. Đó là sự tình cờ, đúng là mèo mù vớ cá rán, như lời của nhà văn Duyên Anh sau này. Em tên là Minh Thu.

Em Minh Thu cũng học lớp ba với em Tuyền, nhưng em không làm tâm hồn tôi lay động như em Tuyền. 

Em cùng đi học với con Bích, con ông Nhẫn, láng giềng tôi, nghĩa là nhà con Bích và nhà tôi sát nhau, đứng bên này nhìn thấy bên kia. Con Bích học lớp ba, dáng cao lênh khênh. Bích lớn tuổi hơn tôi, dạn dĩ hơn tôi. Những buổi nghỉ học, tôi không có chỗ chơi thì tôi qua chơi với con Bích. 

Sân nhà con Bích có cây “sa bô chê” ông Nhẫn trồng từ lâu, bóng mát toả ra chung quanh mát rượi cả vùng. Tôi la cà qua nhà con Bích, có lúc nhà con Bích đang ăn cơm, tôi ngồi trên ngạch cửa “ngó miệng” mấy người đang ăn. Dù tôi đã ăn cơm ở nhà, nhưng khi thấy người ta ăn, mình ngồi bên ngạch cửa ngó miệng người ta nhai nhóp nhép món ăn, mình cũng rất thích. Có khi tôi qua chơi mà không có con Bích ở nhà, hoặc ai cũng bận công chuyện thì tôi leo ngồi trên cây ”sa bô chê”, nhìn bươm bướm đủ màu bay rập rờn trong vườn hay nghe chim chóc hót vang trong các lùm cây cũng thấy rất vui.

   Thường thì em Minh Thu, sau khi ngơi tay làm việc nhà, là chạy qua chơi với con Bích. Chúng tôi có những môn chơi riêng nên thường kết hợp cả môn chơi của con trai và con gái, như chơi ô ăn quan, chơi nhảy dây, chơi đánh thẻ hay chơi trốn tìm, bịt mắt bắt dê. Chúng tôi ngồi quanh nhau, vừa chơi, vừa la ó, vừa cãi lộn, nếu như thấy có chuyện gì trái ý, như ăn gian chẳng hạn.

    Một hôm, cũng như những lần trước, tôi qua nhà con Bích thì đã có con Minh Thu ở đây. Tụi nó đang chơi u mọi. Tôi không hiểu sao có danh từ u mọi, nhưng môn chơi u mọi rất thịnh hành ở quê tôi. 

U mọi là môn chơi tốn sức nhất, thường chơi ở một khu đất trống, tương đối rộng. Khoảnh đất được kẻ một đường giữa. Chia làm hai phe sao cho cân sức, mỗi phe thường có hai hoặc ba đứa. Bên nào u trước sẽ cử một người tiến sang đất địch, miệng kêu u u, rồi huơ tay chạm vào đối phương, đối phương phải giữ thế, nếu người u trước mà chạm tay của đối phương rồi chạy về bên kia vạch là thắng, còn nếu đối phương bắt giữ tay lại, trì kéo lại được, phe kia hết hơi, không kêu được tiếng “u” nữa là thua. Vì có sự bắt giữ tay, trì kéo, nên người chơi thường phải chọn người cùng phe mình mạnh, khoẻ sức. Dĩ nhiên tụi tôi ai cũng cùng chạng với nhau, sức lực coi như cân bằng, nên những trận trì kéo nhau rất căng thẳng. Tôi là con trai nên tôi “anh hùng rơm”, chấp con Bích với con Minh Thu một phe, còn tôi một phe. 

Khi hai đứa con gái ra sức trì kéo, giữ tay tôi thật chặt, không cho tôi quay về vùng đất của tôi là cái lằn vạch, thì tôi quyết chí ra sức bằng mọi cách thoát ra khỏi vòng vây của hai cánh tay bạch tuộc này. Nhưng mà tôi chỉ có một làm sao chọi lại hai đứa con gái nhà quê, tuổi ăn tuổi lớn, tôi đành chơi trò hạ đẳng là, tay còn lại nắm áo con Minh Thu mà rị. Khi con Minh Thu thả tay tôi ra để giữ chéo áo, thì tôi dùng tay kia kéo áo con Bích. Tôi lấy hết sức bình sinh kéo mạnh, hai tay hai cái mép áo. Khi tiếng bực bực kêu lên thì hàng khuy áo nút bóp cũng lìa ra, trước mặt tôi là hai bộ ngực con gái mười ba tuổi của con Bích và mười tuổi của con Minh Thu lộ ra. Tụi nó mắc cỡ nên thả tay tôi ra, tôi liền chạy về lãnh địa của mình. 

Tôi miệng la lớn:
-Hai đưa bay thua rồi nghe, chung độ cho tau đi.

Hai đứa con gái vừa gài nút áo, mặt đỏ bừng vì mắc cỡ, vừa cãi lại:
- Thua sao được mà thua, mi ăn gian quá, ai lại chơi kéo áo.

Tôi biết tôi đã chơi trò ma bùn, nhưng tôi cũng cố cãi:
- Làm sao để chạy về phía bên tau được thôi chứ, tụi bay hai đứa mà ăn gian thì có.

Nói thì nói vậy, nhưng tâm hồn tôi đã xao xuyến, khi đã liếc qua cái “núm cau” của hai đứa con gái mười, mười ba tuổi này.

Sau trận đó chúng tôi cũng hòa lại với nhau, thôi không chơi u mọi nữa, mà chơi trốn tìm.

Trốn tìm thì dễ thôi, cũng hai phe, tôi một phe và con Bích với con Minh Thu một phe. Nơi trốn là mọi ngõ ngách trong nhà, ngoài vườn, bên những bụi chuối, gốc ổi. Người tìm phải xây mặt đi phía khác để phe trốn chạy tứ tung, tìm những chỗ tối nhất, kín nhất để phía bên kia tìm không ra. Ở nhà con Bích có cái buồng chứa lúa của ông Nhẫn. Ông chất những bao lúa lên thành từng đống, đầy khít, chỉ chừa lại những lỗ nhỏ, chỉ đám con nít tụi tôi chui lọt qua thôi. 

Lần này, hai đứa con gái muốn thắng nên đã trốn đâu thật kỹ.

Tôi mò mẫm vào trong buồng, miệng la lớn:
- Tau thấy rồi, ra đi ra đi, tau thấy mi trốn ở đâu rồi, mau rúc ra. 

Thế mà tất cả đều im lặng. Tôi cũng bị cái ánh sáng bên ngoài làm mờ mắt khi chập choạng bước vào cái lẫm lúa. Tôi đi mò mẫm dò từng bước một, đôi mắt nhìn chung quanh tối đen. Chen qua các thùng lúa, rúc qua các lỗ nhỏ để cho lọt cái thân lênh khênh của tôi, tôi bước qua một bao lúa khác và bắt đầu đưa tay huơ huơ ra trước mặt dò tìm. 

Tôi như người đi trong đêm tối, miệng la:
- Thu đâu, Bích đâu, ra đi, tau thấy mi rồi. 

Thế mà bốn bề vẫn im thin thít. 

Đến một cái chõng tre nhỏ, tôi đưa tay rờ thì thấy là đụng vào thân thể một người. Tự dưng như có dòng điện chạy trong tôi. Tôi rờ đụng ngay cái bụng, một cái bụng căng tròn, rồi tôi đưa tay từ từ lên phía trên, một cái “núm cau” lồi lên, tôi hồi hộp vô chừng, nhưng tôi cũng không lên tiếng, cứ đưa tay rờ lên, rờ xuống, hết vuốt rồi xoa, hết cái núm cau này đến cái núm cau kia. Cái không khí im lặng nhưng thích thú, đến ghê người. Tôi lặng chìm trong những háo hức đầu đời. Đến một lúc, không thể im lặng được, tôi nói to lên: 
-Bắt được rồi, con Bích hay con Thu đây.

 Lúc đó cái bóng mới bật dậy, xô tôi chạy ra ngoài, tôi nhìn ra trong ánh sáng nhá nhem, dáng mái tóc cắt bum bê của em Minh Thu chạy băng ra cửa. 

Ra đến sân, Minh Thu không nói không rằng, đầu cúi xuống. 

Tôi mắc cỡ trong lòng nhưng cố làm ra vẻ tự nhiên:
-Tụi bay thua rồi, chung độ đi.

- Chung gì?

-Thì cõng chạy một vòng.

Con Bích xía vào:
-Thằng Nhị bắt được con Thu thì con Thu cõng thằng Nhị đi. Tau đâu có thua.

Tôi nghĩ trong lòng, mình đã sờ em Thu tơi bời bên trong lẫm lúa rồi, bây giờ bắt em cõng cũng tôi nghiệp, nên nói ra:
-Thôi tau tha cho mi đó, bây giờ đi tắm nghe tụi bay.

Con Thu được tha, nó mừng rơn và nói:
-Thôi đi tắm.

Tụi tôi ra ngoài giếng cởi đồ ra tắm tỉnh bơ “như sáo”. Tôi long nhong như cây sậy, cặp giò đen cáy vì phơi nắng. Con Minh Thu cũng vậy, tóc nó lòa xòa trước mặt. Nó và con Bích bận áo quần tắm luôn.

Chuyện chỉ có vậy mà lòng tôi cứ thắc thỏm. 

Hôm sau, tôi lại mò qua nhà con Bích. Con Bích theo mẹ đi chợ Cẩm Khê hồi sáng, ông Nhẫn ra đồng. Chỉ còn lại tôi và con Minh Thu. Tôi lại dẫn em vào lẫm lúa. 

Nó cũng ngu ngơ khù khờ, không biết gì, tôi cũng không biết gì. Tôi có rờ cái “trái tràm”, “cái núm cau” của em. Em im lặng không nói gì để tôi muốn làm gì thì làm. Nhưng mà đứa con trai mười hai tuổi “khờ câm” như tôi, chỉ đến đó. 

Đúng là ngu ngơ.

Đúng là ngu ngơ. Tụi tôi vẫn kêu tau mi, vẫn chơi u mọi, trốn tìm, bịt mắt bắt dê. Như không có chuyện gì xảy ra sau đó.

Em không nói gì, tôi cũng im lặng. 

Rồi mọi chuyện cũng qua đi khi em theo gia đình em về Đà Nẵng sống. Thế là xong một mối tình không có một lời yêu thương nào. Tôi không biết gọi mối tình này là gì, có thể gọi là mối tình “khờ” cũng được.

Trần Yên Hòa