Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Thị Nhật Hưng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Thị Nhật Hưng. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2021
Trần thị Nhật Hưng: Nhất Quỉ, Nhì Ma, Thứ Ba…Nữ Sinh
Trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi vào thập niên 1970 tọa lạc trên khu đất rộng. Khu đất này trước kia sình lầy, cỏ hoang um tùm, rác rến bừa bãi. Mặc dù nằm sát trung tâm, đối diện các ty sở, tòa hành chánh tỉnh, thỉnh thoảng vẫn có vài trẻ mục đồng thả trâu ăn cỏ, nghêu ngao trên mình trâu hát ca, nô giỡn. Nhìn chung, không có vẻ nên thơ, vì phía sau khu đất còn có những dãy nhà tôn lụp xụp, tối tăm, không lũy tre xanh, cũng chẳng cánh đồng vàng. Về sau, chính phủ kiến thiết thành phố, biến khu đất thành công viên. Cỏ xanh được vun xới mượt mà, cắt xén gọn gàng chừa vài lối đi nhỏ dẫn đến những ghế đá màu hồng, men mịn, lốm đốm đá nhỏ li ti đen, trắng. Những ghế đá rải rác cách khoảng đều nhau dọc lề đường, bên trên xây những trụ xi măng đánh vòng theo dạng chữ U úp, rực rỡ những hoa tigôn, hoa giấy đủ màu. Bên cạnh còn thêm phượng hoặc cây trứng cá tỏa bóng râm mát. Giữa công viên sừng sững một đài tưởng niệm cũng màu hồng, men mịn, lốm đốm những viên đá nhỏ li ti đen, trắng. Bốn chữ “Tổ Quốc Ghi Ơn“ đỏ, in nổi, dọc đỉnh đài hình tháp cụt bày tỏ niềm tri ân đến các chiến sĩ vì nước quên mình. Dưới chân đài, một vòng tròn rộng lề xi măng rực rỡ với đầy hoa hải đường, cúc, vạn thọ và hoa hồng.
Con đường đất nhỏ rẽ ra tứ phía. Từ đó, khu đất trở nên khang trang thơ mộng hẳn lên nhưng vẫn chưa toàn hảo nếu không nhờ ngôi trường nữ ẩn mình phiá sau, che khuất dãy nhà tôn lụp xụp.
Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2021
Trần Thị Nhật Hưng: Ao Nhà - Ao Người
Bà Mai đưa mắt ngắm cô dâu, chú rể. Cô dâu ba mươi sáu tuổi, chú rể hai mươi bảy tuổi. Trông cũng xứng ấy chứ, nhất là đối với người con gái Việt đứng bên cạnh một chàng trai Thuỵ Sĩ. Đã vậy, Trang, tên của cô dâu, vốn dĩ xuất thân từ một gia đình khá giả. Thân phụ nàng từng giữ chức vụ cao trong chế độ Việt Nam Cộng Hoà. Mẹ có một cửa hàng buôn. Trong đời sống ăn sung mặc sướng không lo nghĩ tiền bạc mặc dù sau năm 1975 gia đình có sa sút, Trang vẫn giữ được nét trẻ của ngày nào. Với dáng dấp mảnh mai, Trang đứng bên Heinz cao lớn với bộ râu xồm xoàm, cái mức tuổi chênh lệch dường như không thấy nữa.
Đối với người Âu, Úc cũng như Mỹ Châu nói chung và người Thuỵ Sĩ nói riêng, khó mà họ định được tuổi tác của dân Việt. Hầu như cái nhìn của họ đều thấy dân Á Châu trẻ đi, có lẽ vì dáng người Á Châu nhỏ nhắn hay tại không bương chải ra đời sớm nên còn nét ngây thơ. Cũng như bà, khi tới Thuỵ Sĩ, lúc đó đã 32 tuổi, một lần mua vé xe Bus, người tài xế nghiễm nhiên bán cho bà vé nửa giá dành cho người dưới 16 tuổi. Lần khác mua vé xe lửa đi chơi xa, quày vé hỏi bà đã tới 16 tuổi chưa để bán nửa giá dành cho trẻ em. Cũng chính vì điểm này, lúc giới thiệu người phối ngẫu cho Trang, khi bí cùng bà mới tìm cho nàng một người chồng trẻ tuổi.
Bà Mai nhìn lại cô dâu, chú rể. Tuy cả hai đã xứng cặp nhưng trong thâm tâm bà vẫn chưa hài lòng. Đối với bà, một người con gái Việt lấy chồng ngoại quốc, bà cảm thấy như mất mát cái gì, bà làm như tổ quốc Việt Nam thân yêu của bà vừa mất một người con. Tự nhiên bà buồn vu vơ rồi chợt thở dài.
Trước khi làm mai cho Trang với Heinz, thật ra đâu phải bà không nhớ câu “Ta về ta tắm ao ta. Dù trong, dù đục, ao nhà vẫn hơn”. Vốn không muốn con gái Việt lấy chồng ngoại quốc, lẽ đương nhiên bà phải nghĩ đến cái “ao nhà”. Tiếc rằng cái ao nhà của bà không những đục mà còn cạn không có một tí nước. Ao cạn thì làm sao mà tắm đây?! Người Việt vốn ở hải ngoại không mấy đông, có hơn vài triệu rải khắp trên thế giới. Thuỵ Sĩ là một nước nhỏ, diện tích khoảng 41.300 cây số vuông, nhiều đồi núi, số lượng người Việt càng ít ỏi hơn. Đôi khi bà nhìn đám dân Việt của bà ở Thuỵ Sĩ có khác nào dân thiểu số miền rừng núi. Tuy vậy, trước khi tìm cho Trang một tấm chồng, bà cũng đã suy nghĩ nát óc, lùng trong trí nhớ rồi ngồi liệt kê lập thành danh sách những chàng trai … ế vợ trong thành phố, vùng phụ cận, kể cả các nước láng giềng Áo, Đức, Pháp, Ý…
Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2021
Trần Thị Nhật Hưng: Chọn Một Đường Tu
Lý số, Đông y là nghề của bố chồng tôi. Không rõ nhờ cụ thực tài hay tại hành nghề miễn phí, không nhận thù lao của khách nên khách của cụ khá đông.
Một ngày, năm đó tôi vừa 23 tuổi, có một vị khách đặc biệt đến nhà giữa lúc bố tôi đi vắng. Vị khách tướng tá khác phàm, râu tóc bạc phơ, cốt cách như một tiên ông. Cụ mặc chiếc áo dài the, đầu đội khăn đóng như bố chồng tôi vậy, tay cụ cầm gậy trúc và tự xưng là bạn của bố tôi mặc dù xưa nay tôi chưa hề gặp cụ bao giờ. Tôi mời cụ vào nhà. Trong khi chờ bố tôi về, cụ tò mò hỏi tôi:
- Cháu có lá số tử vi không, đem đây ông đoán xem?
Tôi gật đầu:
- Dạ có.
Rồi lục hồ sơ tử vi của gia đình, rút ra lá số của tôi.
Sau khi xem xong, câu đầu tiên cụ phán:
- Cháu có số đi tu!
Tôi hơi ngạc nhiên, chau mày mỉm cười rồi lắc đầu nguầy nguậy:
- Bẩm cụ, xưa nay cháu không thích đi chùa, không thích tụng kinh làm sao đi tu được?
- Lá số có sao Thiên Phủ thủ mệnh. Thiên Phủ là sao cực kỳ tốt trong làng tử vi và rất hiền lương. Sao này không tu ở chùa thì cũng tu ở nhà.
Tôi không tin, nhưng không cãi lại, chỉ cười thầm và chả thắc mắc gì thêm. Tuy vậy tôi vẫn ngồi yên lắng nghe cụ phán tiếp:
Chủ Nhật, 15 tháng 8, 2021
Trần thị Nhật Hưng: Tình cha
Viết riêng kính tặng Ba, cụ “Chí Thành” Trần Văn Kính
với lòng tri ân vô vàn của con
Có phải bất công lắm không khi hằng năm vào dịp Vu Lan, trên thế gian này không biết bao nhiêu Văn nhân, Thi sĩ, Nhạc sĩ múa bút tán tụng tình mẹ: Huyền thoại mẹ, Phật giáo tôn vinh giá trị những bà mẹ, lạm bàn về mẹ, tản mạn về mẹ… v.v.và v.v… bên cạnh đó, dường như mọi người vô tình đã bỏ quên một thứ tình cũng nồng nàn không kém, đôi khi còn thắm thiết hơn, đó là tình cha. Vâng, tôi có một người cha như thế.
Cho đến giây phút này, khi cầm bút viết về cha, tình cảm trong tôi bỗng dạt dào sống dậy. Tôi nhớ về công lao dưỡng dục sinh thành vô bờ bến của song thân. Giữa khi đã có nhiều người viết về mẹ, tôi dành những trang giấy sau đây viết về cha tôi, để mọi người thấy rằng tình cha cũng đậm đà, sâu nặng không kém.
Mãi khi tôi vừa lớn, có đủ trí khôn, tôi luôn thắc mắc tìm hiểu nguồn cội, mới biết cha tôi từ Bắc vào Nam với hai bàn tay trắng. Vì còn nghèo, ông đành để vợ và các con ở tạm miền Trung tại nhà người dì, em họ của mẹ, còn ông tha phương cầu thực, một mình lăn lộn khắp miền Nam từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau, trải biết bao gian lao khổ cực tìm kế sinh nhai, nuôi thân, lo cho vợ con. Nhờ siêng năng cần cù chịu khó cùng ý chí mãnh liệt và cũng nhờ Trời Phật đoái hoài, chẳng bao lâu, ba tôi trở thành một thương gia giàu có.
Để đánh dấu thành quả của mình, cùng để nhắn nhủ con cháu, ba tôi đã đặt tên cho cửa hiệu của ông “Chí Thành” (hàm ý có chí sẽ thành công) như một định đề làm gương cho con cháu.
Từ đó, tôi được lớn lên trong kinh tế gia đình vững vàng, sung túc. Tôi không hề biết thiếu thốn là gì nữa. Thế nhưng, cuộc đời vô thường, không ai biết trước được số phận. Từ chỗ “không biết thiếu thốn là gì”, đùng một cái, tôi bỗng nghèo xác xơ, nghèo đến nỗi quả bắp luộc rẻ tiền đối với tôi trở thành hàng xa xỉ phẩm, cao lương mỹ vị; nhiều năm trời có muốn ăn, tôi chỉ được liếc thấy, ngửi qua mà không bao giờ rờ tới.
Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2021
Trần Thị Nhật Hưng: Chuyện tình với anh Cu Yên
Năm tôi mười ba tuổi, vào một buổi tối mùa hè như thường lệ, trước sân nhà rộng như sân banh, tôi cùng lũ bạn trong xóm trai có, gái có cùng nhau chơi đá banh. Cuộc chơi thật hào hứng sôi nổi, tiếng reo hò vang vọng một góc phố. Nhờ khỏe, chạy nhanh, tôi luôn dành được banh về dưới chân tôi.
Tôi đang co chân đá trái banh về phía thằng Tèo, chợt có tiếng mẹ tôi đứng trong nhà gọi vói ra :
- Thơ ơi, vào đây mẹ bảo.
Tôi ngừng cuộc chơi, chạy vào:
- Dạ, mẹ gọi gì con ạ?
- Bà Bắc Hải nhờ con qua viết dùm bà bức thư.
Tôi phụng phịu:
- Mẹ nhờ chị Quỳnh đi. Con đang chơi mà!
Mẹ tôi lắc đầu:
- Không, bà Bắc Hải nhờ đích tên con. Con nên qua giúp bà.
Miễn cưỡng vâng lời mẹ, tôi vừa đi vừa vùng vằng, phụng phịu.
Nhà bà Bắc Hải bên kia đường, đối diện xéo với nhà ba má tôi. Lúc tôi bước vào nhà bà, tiệm của bà đà vắng khách. Bà bán rượu trắng, phở và cơm. Dù sống bằng hàng ăn, nhưng trông bà lúc nào cũng thong dong nhàn hạ. Bà luôn ngồi một chỗ trên tấm phản gụ bóng loáng sau kệ tủ thấp kín đáo trông ra nhà trước và chỉ huy người cháu gái gọi bà bằng cô ở nhà sau.
Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2021
Trần Thị Nhật Hưng: Đùa Giỡn Với Ái Tình
(Riêng tặng anh Phạm Xuân Dương, bạn cùng tàu để nhớ một vài kỷ niệm tại đảo Pulau Bidong, Malaysia năm 1981)
Từ văn phòng ghi danh học tiếng Anh về nhà, thay vì đi vòng con đường nhỏ bên cạnh nhà Dương, Hạ cùng các cô bạn cùng tàu xuyên qua nhà Dương để về cho gần và tiện hơn.
Nhà tị nạn tại đảo Bidong, Malaysia, ngoài những căn nhà tiền chế làm văn phòng hay làm nhà cho Cao ủy, hầu hết nhà của người tị nạn tự làm lấy, tạo dựng tạm bợ từ những khúc cây chặt trên rừng, chắp vá tạm thời bằng những tấm bạt che mưa nắng. Nhà cửa gần như toác hoác, trước sau tênh hênh, có nhà chỉ dùng tấm ni lon làm cửa, ban ngày vắt lên, về đêm thả xuống để chắn bớt gió biển. Nhà tập thể không phải của riêng ai, tất cả đều tạm bợ qua ngày trước khi định cư, khi đi rồi thì người đến sau vào ở.
Thường những người cùng tàu, Cao ủy luôn tìm cách sắp xếp ở gần nhau qui tụ về một chỗ, lại thêm chung nhau những ngày gian khổ, sống chết thập tử nhất sinh trên đường vượt biển, dù không ai bảo ai, cảm thấy như người thân trong một gia đình, do vậy, Hạ và các cô bên nhà Hạ mới tự nhiên với Dương như thế.
Vừa ngang qua mặt Dương, Hạ nghe tiếng Dương gọi giật ngược:
- Bà Hạ!
Hạ quay lại:
- Gì đó?
Dương nheo mắt cười:
- Tôi...tôi...tôi yêu bà quá! Bà có muốn làm...người yêu của tôi không?
Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021
Trần Thị Nhật Hưng: Chút Ân Tình Cũ
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi.
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.
( Chinh Phụ Ngâm Khúc)
Trong cuộc sống có những ân tình, nhưng vì hoàn cảnh, hay vì lý do nào đó không trả được, tôi ghi mãi trong lòng, ấp ủ sâu thẳm tận trái tim như báu vật để rồi một lúc nào đó chợt nhớ lại, trân trọng với lòng tri ân vô bờ bến.
Câu chuyện tôi muốn kể sau đây xảy ra sau biến cố 1975, đánh dấu một giai đoạn thê thảm nhất đời tôi, tưởng có thể gục ngã, nhưng chính vào lúc như thế, chỉ cần một bàn tay, một chút ân tình, cũng có thể cho ta sức sống, hy vọng, niềm tin để vượt qua những chông gai, vươn vai đứng vững trên những thử thách.
Như hôm nay trên xứ lạ, bâng khuâng nhìn những sợi tuyết mong manh thật nhỏ như tơ trời, nhẹ nhàng rơi trông như cơn mưa phùn Hà Nội. Mưa tuyết lê thê dai dẳng, không biết bao giờ dứt. Trời u ám một màu xám tro, ảm đạm, dễ khiến lòng người tha hương vốn u uẩn càng u uẩn hơn. Nỗi buồn xa xứ dai dẳng như bám sâu từ lúc nào trong tâm khảm, chỉ chờ một cơn gió nhẹ, một chiếc lá rơi hay như bầu trời ảm đạm hôm nay cũng gợi lại bao nỗi niềm xưa cũ.
Tôi nhớ rõ lắm, cũng thời tiết này, cũng với cái giá lạnh của mùa Đông, ngày đó, tôi đã trải qua bao gian truân, khổ ải. Cho đến bây giờ, ngồi trong căn nhà ấm áp bình yên nơi xứ lạ, ngồi nghĩ lại, tôi tự hỏi từ đâu, từ sức lực nào, từ nghị lực nào tôi có thể vượt qua mọi thử thách để tồn tại.
Ngày đó, tôi còn trẻ, mới chỉ 23 tuổi đời. Cơn bão thời cuộc ập tới, quất vào mặt tôi những cái tát nảy lửa, bỏng rát và phủ lên cuộc đời tôi một màu xám ảm đạm. Cũng như bao thân phận của những phụ nữ miền Nam sau 1975, tôi sống kiếp “Hòn Vọng Phu„ vì chồng tôi khăn gói vào tù mịt mờ không biết ngày trở lại.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)