Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Thị NgH. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Thị NgH. Hiển thị tất cả bài đăng
Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2020
Nglu: Trần Thị Ngh, viết - xạo ke , vẽ - cà rỡn (*)
Tác giả & Trần Thị NgH. |
Viết thêm gì nữa đây, trong khi có rất nhiều nhà văn, thơ, phê bình văn học… đã viết về chị? Họ đã đưa các tác phẩm của NgH lên bàn, ngắm nghí, lật qua, xốc lại tìm đến chỗ tận cùng ngóc ngách sâu thăm thẳm ở hàng chục nhân vật nhảy múa, lăn bò, cười khóc để tìm cho kỳ được một Trần Thị NgH có một phong cách viết “kỳ quái”, không như các nhà văn nữ đi trước.
Xin trích ra một vài nhận định về Trần Thị NgH và các tác phẩm của chị, trước khi lơn tơn nói chuyện bao đồng…
*Thụy Khuê: “ Ở Trần Thị NgH ngược lại, thường là những ý tưởng quái đản, những tính toán hèn hạ được ghi lại rất rõ ràng rành mạch. Sự ngược đời đó tạo nên một tác phong văn học đặc biệt… Thị NgH dùng lối viết lạnh, không cho tình cảm nhuộm hồng, nhuộm xanh bầu trời. Tác giả trải tình huống lõa thể trong tư thế bấp bênh để phơi bày sự thực”.(http://thuykhue.free.fr/stt/t/tran-ngh1.html)
*Trần Hữu Thục: “Truyện NgH. thường là một tập hợp của nhiều chuyện, chúng có thể dính líu, đan xen nhau, có khi chẳng quan hệ gì nhau. NgH nói chuyện nọ xọ qua chuyện kia, linh tinh, lỉnh kỉnh. Bất cứ cái gì cũng có thể trở thành đề tài và bất cứ đề tài nào cũng mở ra những đề tài khác, đa dạng, luôn luôn thay đổi. Vừa đang nói chuyện bên đông bỗng nhảy sang chuyện bên tây, vừa đang ở đề tài này, chợt phóc sang đề tài khác. NgH quanh qua quẹo về, thêm thắt, ráp nối, liệt kê, kể lể. Các sự kiện bập bềnh trôi nổi giữa chủ điểm và ngoại vi, kéo độc giả chạy ra xa, rồi đột ngột níu trở lại gần, tung, hứng, cắt dứt hay đào sâu các chi tiết. Thỉnh thoảng, NgH để lửng lơ, rời rạc từng mảnh, từng mảng để độc giả tự mình ráp nối”.(Trần Hữu Thục đi tìm vài góc khuất trong truyện Trần Thị NgH).
*Còn Võ Phiến, trong tập Văn Học Miền Nam, tập tổng quan xếp Trần Thị NgH vào nhóm những người viết trâng tráo (cynique) cùng Chu Tử, Nguyễn Đức Sơn… “trâng tráo là cách phát biểu cực đoan của tinh thần hoài nghi” (trg 298).
Có thật chị là một cây bút có lối viết trâng tráo? Có cực đoan, hoài nghi, bấp bênh, quái đản…?
Trần Thị NgH: Nhà Có Cửa Khóa Trái
Thử tưởng tượng một người đàn ông đứng tuổi, đứng đắn. Một người đàn ông sắp sửa 40 tuổi, có vợ, có địa vị tiền bạc. Không lý tưởng sao, tuyệt vời nữa. Một hôm chàng nói với tôi :
- Em dám bỏ trốn với anh không?
Tôi nhìn chàng nghi ngờ :
- Chưa có cuộc ngoại tình nào thành công cả.
Chàng hỏi :
- Ngoại tình là gì?
- Là một cố gắng tuyệt vọng.
Chàng có vẻ tâm sự :
- Có khi chung thủy cũng là một cố gắng tuyệt vọng.
Tôi kêu lên :
- Vậy chứ ngoại tình là gì?
- Là yêu một lần nữa mà không cần phải cố gắng.
Tôi chịu chàng có lý. Hôm đó chúng tôi đi chơi xa lần đầu. Xe qua khỏi Đập Đá vào Vỹ Dạ. Chàng ngâm nga, giọng ấm:
Lâu quá không về thăm thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên...
Nắng thật. Nắng lướt trên những tàu cau xanh mượt, rộn rã chói chang. Mặt sông Hương như có trăm ngìn mảnh chai vỡ lóng lánh, những ngôi nhà rải rác đọc đường tường cổng im lìm trong cái vẻ quan liêu rơi sót, những bụi tre xanh mát, những con đường nhỏ um tùm cây lá dẫn xuống bờ sông, thềm đá dưới mé nước... Tôi đã nghĩ thầm chàng thật thi sĩ, chàng vẫn có cách nói chuyện ví von rất duyên dáng và khả năng liên tưởng của chàng thật bén nhạy bất ngờ. Chàng thuộc nhiều thơ tiền chiến, biết nhiều về địa lý nước nhà cũng như nguồn gốc các di tích lịch sử, chàng thực tế trong công việc, nhạy cảm trước mọi hoàn cảnh và mơ mộng trong tình yêu. Đó là một người đàn ông có tâm hồn và biết liều lĩnh, biết ngoại tình. Sau đó, như cao hứng bởi cảnh trí thanh bình và tươi mát trước mắt, chàng luôn miệng ngâm thơ.
Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2019
Trần Doãn Nho: ‘Người Đàn Bà Có Hai Con,’ một truyện tình lạ của Trần Thị NgH
![]() |
Trần Thị NgH tên thật Trần Thị Nguyệt Hồng. (Hình Da Mầu) |
Trần Thị NgH là một tác giả bắt đầu nổi tiếng vào những năm cuối cùng của chế độ VNCH.
Chỉ với hai truyện ngắn đầu tiên, “Chủ Nhật” và “Nhà Có Cửa Khóa Trái,” xuất hiện trên hai trong những tạp chí hàng đầu của văn học miền Nam thời đó là Văn và Vấn Đề, tên tuổi bà đã lập tức được văn giới và độc giả đánh giá cao và trở thành một hiện tượng văn học.
Sau 1975, cũng như nhiều nhà văn miền Nam khác, bà ngừng viết một thời gian dài, chỉ có mặt trên văn đàn trở lại vào khoảng giữa thập niên 1990.
Văn chương của bà không chỉ lạ ở câu chuyện mà còn lạ ở cách kể chuyện, cách viết. Mỗi truyện, bà có một cách kể riêng. Và do cách kể mà đôi khi, dù truyện có đề tài tương tự, đọc lên, nghe vẫn khác. “Người Đàn Bà Có Hai Con” là một trong những truyện như thế.
Điểm đặc biệt đầu tiên của truyện: có 18 tiểu mục, mỗi tiểu mục được đặt một nhan đề, lấy những nhóm chữ xuất phát từ các tác phẩm văn chương hay âm nhạc đã trở thành phổ biến: “ngày xưa hoàng thị,” “động hoa vàng” (thơ Phạm Thiên Thư), “mê lộ” (truyện Phạm Thị Hoài), “thiên đường mù” (truyện Dương Thu Hương), “vũng lầy của chúng ta” (nhạc Lê Uyên Phương), “lệ đá xanh” (thơ Thanh Tâm Tuyền), “ru em từng ngón” (nhạc Trịnh Công Sơn), vân vân.
Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2019
Trần Hữu Thục: Đi tìm vài góc khuất trong văn chương Trần Thị NgH (Kỳ cuối)
NGƯỜI TA KHÔNG SINH RA NHƯ LÀ, MÀ TRỞ NÊN, ĐÀN BÀ
Simone de Beauvoirnói thế: On ne naît pas femme: on le devient. Người ta không bẩm sinh mang thân phận đàn bà, mà bị buộc phải làm đàn bà.
Tiếp nối các cây bút nữ đi trước của trào lưu văn chương mới với những Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ…, NgH xông xáo, đi tới, đi xa hơn, không phải để đòi, để tranh đấu, mà để xác định quyền của NgH: một con người trong thân xác đàn bà. Nữ quyền là nhân quyền, nói theo Hillary Clinton. Đàn bà với một số các khái niệm tiêu cực đi kèm, không phải là bản chất mà là sự áp đặt, một áp đặt hàng ngàn năm xuất phát từ một xã hội do đàn ông thống trị. Đàn ông biến đàn bà, nói theo Beauvoir, thành một “deuxièm sexe”, giới tính thứ hai. Giới tính thứ hai là thứ cấp, là lệ thuộc, là công dung ngôn hạnh, là tứ đức tam tòng, vân vân và vân vân, toàn là những ràng buộc vừa khắt khe vừa vô lý. Văn chương NgH là một vùng vẫy, một thách đố, một chống chỏi để vượt thoát khỏi “giới tính thứ hai” như một thân phận,một định mệnh. NgH không đòi nữ quyền; nữ quyền, nói nghe ghê gớm, thực ra vẫn hàm ý tiêu cực, vì chỉ đòi quyền của người nữ mà quyền của người nữ chỉ là “quyền của người nữ”. NgH đòi quyền làm người. NgH chống áp đặt. Chống giả tạo. Chống ràng buộc
Bạch hóa
Áp đặt lớn nhất đối với phụ nữ là tình dục. Dù trinh tiết chỉ là một “miếng tóp mỡ hay thẻo vỏ quýt phơi khô đã trổ màu sậm sì”, mất trinh là một kinh nghiệm đặc thù đối với phụ nữ, trước hết, do những ám ảnh vô thức nặng nề của thứ triết lý giáo dục do đàn ông đề xướng, thứ đến, do những cảm giác lẫn lộn về mặt sinh lý. “Nhà có cửa khóa trái”, “Chủ nhật” và “Nghỉ mát trên bãi biển” được sáng tác từ thuở đầu đời có thể xem là một bộ ba liên-văn-bản, qua đó, NgH cho rằng tình dục là một đòi hỏi cần thiết bình thường, do đó, “thất thân” đối với đàn bà cũng giống như người ta ăn uống, ngủ, bài tiết, giải trí. Mặt khác, thất thân là một chọn lựa tự do: một cô gái có thể thất thân với một người đàn ông, không nhất thiết phải là người mình yêu. Dẫu vậy, “trở thành đàn bà” là một kinh nghiệm độc nhất vô nhị, kinh nghiệm đó có thể trở thành một ám ảnh.
Nguyễn Du viết:
Tiếc thay một đóa trà mi
Con ông đã tỏ đường đi lối về
Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2019
Trần Hữu Thục: Đi tìm vài góc khuất trong văn chương Trần Thị NgH (Kỳ 1)
GỎI CHỮ
Nguyễn Thị Hoàng gây “sốc” văn giới (và xã hội) bằng câu chuyện(Vòng tay học trò), NgH gây “sốc” văn giới bằng cách viết.
Người ta gọi (văn) NgH là ngổ ngáo.
Ngổ ngáo?
Ngổ ngáo: có thái độ, hành động ngang ngược, liều lĩnh. Tiếng Anh, ngổ ngáo được dịch là rash/reckless: thiếu suy nghĩ, ẩu, không sợ hậu quả. NgH có viết ẩu không? Không. Thiếu suy nghĩ? Không. Còn hậu quả? Là, theo tôi, ta có một nhà văn chỉ giống một người duy nhất: Trần Thị NgH.
NgHbảo, “Ngổ ngáo là chữ của người khác đặt cho người viết, còn người viết trong người như thế nào cứ... xịt ra như thế ấy, chả biết có phải là ngổ ngáo không, nhưng mà không thích điệu, thích cắt tóc tém, đi nhanh, ăn mặc gọn; trong văn chương thì không thích uốn éo, không tráng men, chắc vì vậy nên được coi là ngỗ ngáo.”[1]
Tóm lại, với NgH, viết đơn giản chỉ là có sao nói vậy (người ơi!), không dùng thủ pháp tu từ học để bôi trơn, chà láng[2]hiện thực. NgH thể hiện “quan điểm” này trong hầu như tất cả tác phẩm của mình, phăng phăng, dứt khoát.
Cần nói thêm cho rõ. Ngổ ngáo mới chỉ là một trong nhiều tính cách mà người ta quy cho (văn) NgH. Với Du Tử Lê thì: mạnh mẽ, lạnh lùng, khô khốc, giễu cợt, gây gỗ, thiếu bóng cây; với Thụy Khuê thì: tỉnh táo, vô cảm, châm biếm, đớn đau, tự trào, hiện sinh, rất mới, rất trẻ. Với Thanh Tâm Tuyền, khác hẳn. Ông nói về cấu trúc câu, chữ: “về sự rời rạc, sự tuôn tràn, những nhịp thở, những lỗ trống, nói về dấu phẩy, dấu chấm; phẩy là đòi đoạn, chấm là chưng hửng lôi tuột luốt như rớt đến trống không đến sợ. Và câu khác trồi lên, kéo lên như một ân huệ, như một phép mầu để lại dìm trong đòi đoạn.”[3]
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)