Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Ngọc Cư. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Ngọc Cư. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Ba, 14 tháng 11, 2023
Philip Bump: Rất nhiều người Mỹ ủng hộ chủ nghĩa độc tài của Trump, The Washington Post, Trần Ngọc Cư biên dịch
![]() |
Donald Trump |
Cứ mỗi giờ trôi qua, sự nắm giữ của Donald Trump càng trở nên chặt chẽ hơn đối với khả năng ông được Đảng Cộng hoà đề cử làm ứng viên tổng thống năm 2024. Mỗi một ngày mà các đối thủ Cộng hòa của ông không giành được chỗ đứng ở vị trí của ông là một ngày ông tiến gần hơn đến việc xuất hiện trên lá phiếu vào tháng 11 năm tới và gần hơn nữa với khả năng nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 năm 2025.
Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2022
Peter Wehner: Một bản cáo trạng gay gắt dành cho toàn Đảng Cộng hoà Donald Trump Bạo loạn 6/1/2021 (The Atlantic, June 29, 2022,Trần Ngọc Cư dịch)
Bức chân dung được vẽ hôm qua tại phiên điều trần ngày 6 tháng 1 bởi Cassidy Hutchinson, trợ lý hàng đầu của cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows, không chỉ đơn giản là của một Tổng thống tội phạm, mà là của một kẻ điên có âm mưu lật đổ Chính phủ.
Ngay cả các thành viên Quốc hội Đảng Cộng hòa, những người từ lâu đã ủng hộ Donald Trump nói với các phóng viên, dưới hình thức ẩn danh, rằng lời khai của Hutchinson “nguy hiểm hơn họ tưởng tượng”. Họ "choáng váng" và "không nói nên lời." Nếu thật sự họ đã quá ngạc nhiên, họ không nên cảm thấy như vậy.
Theo Hutchinson, Tổng thống Hoa Kỳ biết rằng những người ủng hộ ông tham dự cuộc biểu tình ngày 6 tháng 1 gần Nhà Trắng có vũ trang — nhưng ông vẫn muốn hàng rào an ninh được loại khỏi khu vực và hô hào đám đông tuần hành đến Điện Capitol. “Tôi tình cờ nghe được Tổng thống nói điều gì đó, đại ý : “Tôi không quan tâm rằng họ có vũ khí. Họ không đến đây để hại tôi. Hãy dẹp bỏ các máy dò vũ khí đéo khỉ ấy đi. Hãy để cho dân tôi vào. Từ đây, họ có thể tiến đến Điện Capitol,” Hutchinson nói. Không lâu sau đó, Trump nói với đám đông đang xông vào Điện Capitol, "Nếu các bạn không chiến đấu sống mái một phen, các bạn sẽ không còn đất nước này nữa đâu.”
Hutchinson cũng cho biết cô đã nghe thấy cuộc trò chuyện giữa Cố vấn Nhà Trắng Pat Cipollone và Meadows: “Tôi nhớ Pat đã nói điều gì đó đại ý ‘Mark, chúng ta cần phải làm thêm một điều gì nữa. ĐM, họ thực sự đang đòi treo cổ Phó Tổng thống.’ Và Mark đã trả lời đại khái là, “Pat, anh đã nghe thấy ông ấy nói gì rồi chứ; ổng nghĩ Mike đáng bị treo cổ. Ổng không nghĩ rằng họ đang làm bất cứ điều gì sai trái.’" Ngay sau đó, Trump đã tweet, "Mike Pence không có đủ can đảm để làm những gì đáng lẽ phải làm để bảo vệ đất nước và Hiến pháp của chúng ta."
Hutchinson cũng nói rằng Trump đã xán vỡ một chiếc đĩa sứ sau khi biết Bộ trưởng Tư pháp Bill Barr nói rằng ông không tìm thấy bằng chứng về gian lận phổ biến trong cuộc bầu cử năm 2020; trong một vài trường hợp khác, Trump đã [giận dữ] lật khăn trải bàn "khiến tất cả đồ đạc trên bàn rơi xuống sàn nhà và có thể bị vỡ hoặc tung toé khắp nơi." Và vào cuối phiên điều trần, Dân biểu Liz Cheney đã nêu ra viễn cảnh gây áp lực lên nhân chứng, trích dẫn từ các nhân chứng từng là mục tiêu của các chiến thuật đe dọa kiểu Mafia.
Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020
Edward Lempinen: Mặc dù bị đưa đẩy từng bước đến chủ nghĩa độc tài, các cử tri của Trump vẫn trung thành với ông. Tại sao? (Berkeley News, 7/12/2020, Trần Ngọc Cư dịch)
Hơn một tháng đã trôi qua kể từ cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, một cuộc chạy đua căng thẳng gay gắt, trong khi các thiết chế chính trị của quốc gia từng ngày tiến đến việc chấp nhận kết quả là Joe Biden của Đảng Dân chủ trở thành người chiến thắng đối với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump của Đảng Cộng hoà. Nhưng Trump không nhìn nhận thất bại cũng không xúc tiến việc bàn giao – và dường như, điều này được sự hưởng ứng của hàng triệu người ủng hộ ông.
Các con số, có lẽ, không nói dối: Kết quả được các quan chức của cả hai đảng chứng nhận cho thấy Biden đã đánh bại Trump với hơn 7 triệu phiếu bầu. Tuy nhiên, ngay từ khi các phòng phiếu vừa đóng cửa, Trump đã khiến cả nước choáng váng với những tuyên bố thiếu bằng chứng rằng ông đã bị cướp mất chiến thắng do gian lận tràn lan, khiến hiện nay chỉ có 15% trong số 74,1 triệu cử tri của ông nói rằng chiến thắng của Biden là hợp pháp.
Làm thế nào chúng ta giải thích việc đông đảo quần chúng bác bỏ các tiến trình dân chủ – và từ chối một thực tế đã được xác minh? Trong một loạt các cuộc phỏng vấn, các học giả Đại học Berkeley trên nhiều lĩnh vực khác nhau cho rằng đây là một câu chuyện không chỉ về những con số, mà là tác động qua lại rất phức tạp của xung đột giai cấp và chủng tộc, bị làm trầm trọng thêm bởi sự tuyệt vọng và quĩ đạo đi xuống của xã hội [despair and social drift], đồng thời bị khuếch đại bởi các nền tảng truyền thông mới, hội tụ vào cái mà một số người coi là một hiện tượng tâm lý rất đáng lo ngại.
Một số ý kiến cho rằng các thế hệ ngày càng mất an ninh kinh tế đã khơi dậy sự tức giận sâu sắc, khiến nhiều cử tri thuộc tầng lớp trung lưu và lao động da trắng ôm lấy Trump, cùng với những sai sót và tất cả cá tính của ông, vì ông dám thách thức nguyên trạng của Mỹ [the American status quo].
Adam Jadhav, một nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành địa lý, đã đến vùng nông thôn Henry, bang Illinois, nơi ông sống thời thơ ấu, để mở cuộc nghiên cứu thăm dò các động lực của chủ nghĩa dân túy nông thôn [the dynamics of rural populism]. Ông cho rằng mặc dù bức tranh ở đó phức tạp, nhưng một người bảo thủ cứng rắn đã nói với ông thẳng thừng với đại ý như sau:
Các phiếu bầu cho Trump là “một quả lựu đạn ném vào giới quyền lực [the establishment],” ông nói với Jadhav. “Trump làm một số điều ngu ngốc, nói rất nhiều điều ngu ngốc, không ngậm miệng khi cần. [Nhưng] làm rung chuyển cả hệ thống là việc đáng làm.”
Thứ Ba, 3 tháng 11, 2020
Alexander Cooley và Daniel H. Nexon: Bá quyền kết thúc như thế nào – Sự rã rệu của quyền lực Mỹ (Foreign Affairs, tháng Bảy/tháng Tám 2020; Trần Ngọc Cư dịch)
[ALEXANDER COOLEY là Giáo sư Chính trị học Ngạch Claire Tow tại Barnard College và là Giám đốc Viện Nghiên cứu Harriman tại Columbia University.
DANIEL H. NEXON là Phó Giáo sư tại Phân khoa Chính quyền tại Trường Nghiệp vụ Nước ngoài Edmund A. Walsh tại Đại học Georgetown.
Hai ông là tác giả cuốn Exit From Hegemony: The Unraveling of the American Global Order (Chấm dứt bá quyền: Sự rã rệu của trật tự toàn cầu Mỹ).]
*
Nhiều dấu hiệu cho thấy một cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong trật tự toàn cầu. Phản ứng quốc tế thiếu phối hợp trong việc đối phó đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế tiếp sau đó, sự hồi sinh của chính trị dân tộc chủ nghĩa và chính sách cứng rắn về biên giới quốc gia hình như báo trước sự xuất hiện của một hệ thống quốc tế thiếu hợp tác và mong manh hơn. Theo nhiều nhà quan sát, những phát triển này nêu bật sự nguy hiểm của chính sách “nước Mỹ trước hết” của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và việc ông rút lui khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu.
Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch coronavirus, Trump vẫn thường xuyên chỉ trích giá trị của các liên minh và các định chế như NATO, ủng hộ sự tan rã của Liên Minh Châu Âu, rút khỏi một loạt các hiệp định và tổ chức quốc tế, và quay sang chiều chuộng các nhà độc tài như Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ông đặt nghi vấn về giá trị của việc đưa các giá trị tự do như dân chủ và nhân quyền vào trung tâm của chính sách đối ngoại. Việc Trump rõ ràng dành ưu tiên cho chính trị giao dịch tổng số bằng không [có kẻ thắng người thua] chứng minh thêm khái niệm Mỹ đang từ bỏ cam kết thúc đẩy một trật tự quốc tế tự do.
Một số nhà phân tích tin rằng Hoa Kỳ vẫn còn có thể quay trở lại, bằng cách khôi phục các chiến lược mà Mỹ đã vận dụng, từ cuối Thế chiến II đến sau Chiến tranh Lạnh, để xây dựng và duy trì một trật tự quốc tế thành công. Nếu một nước Mỹ thời hậu Trump có thể nắm lại các trách nhiệm về quyền lực toàn cầu của mình, thì thời đại này – bao gồm cả đại dịch sẽ định tính cách cho nó – chỉ là một sự chệch hướng tạm thời chứ không phải là một bước trên con đường dẫn đến xáo trộn vĩnh viễn.
Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2020
Nguyễn Thanh Việt: Mỗi Khoảnh Khắc Với Con Trai Tôi Là Một Hành Động Sáng Tạo (Cho Đến Nay Chúng Tôi Đã Viết Chung Một Cuốn Sách) (Trần Ngọc Cư dịch)
Nguyễn Thanh Việt, New York Times, 1. 1. 2020
Trần Ngọc Cư dịch
Nguyễn Thanh Việt là một nhà văn Mỹ gốc Việt. Ông là Trưởng khoa Anh văn, Giáo sư Anh văn và Hoa Kỳ học, Dân tộc học tại University of Southern California.
![]() |
Tranh Le Nhung |
Vào cuối tuổi tứ tuần, tôi làm bố trở lại cho đứa con thứ hai, vào lúc tôi không mảy may kỳ vọng có thêm con. Cha tôi, 85 tuổi, vô cùng hân hoan khi tôi báo tin về đứa cháu thứ năm của ông.
Cha tôi gần như là một người vô cảm trong thời thơ ấu của tôi. Ông chỉ biết tập trung vào cuộc mưu sinh của một người chân ướt chân ráo mới đến xứ này. Gia đình tôi sống hai cảnh đời điển hình của Mỹ. Về phần bố mẹ tôi, đấy là gương sáng của người di dân hay tị nạn vươn tới thành công vật chất từ khố rách áo ôm. Đối với toàn gia đình chúng tôi, đấy là câu chuyện buồn của hai thế hệ, cha mẹ sinh ra ở nước ngoài và con cái lớn lên ở Mỹ, cách ly nhau bằng ngôn ngữ, văn hoá và tình cảm.
Cha mẹ tôi thấy tôi như một đứa trẻ ngỗ nghịch, Mỹ hoá, gần như không nói được tiếng mẹ đẻ của mình, tiếng Việt. Còn tôi thì thấy họ như những người vừa xa lạ vừa thâm tình, bảo thủ đến mức cuồng tín, chỉ biết tin Chúa, biết hi sinh và biết lao động cần cù.
Họ cung cấp cho tôi mọi thứ tôi cần – nơi ăn, chốn ở, phương tiện học hành và cả tôn giáo – những thứ đã giúp tôi trở thành một người cực kỳ được ưu đãi trong một đất nước vốn không cung ứng những thứ này cho tất cả con dân của mình. Nhưng những gì tôi thiếu thốn là những gì tôi thấy trên TV, đấy là những gia đình hạt nhân gồm bố mẹ và con cái biết âu yếm và tỏ tình thân yêu trong các sô “Leave It to Beaver,” “Father Knows Best” và “The Adventures of Ozzie.”
Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016
John Hemmings - Ai sẽ đứng ra chống lại Trung Quốc trong năm này? (Liên minh Mỹ-Nhật không thể một mình làm việc đó)
The National Interest, 12 tháng Ba 2016
Trần Ngọc Cư dịch
Ai sẽ đứng ra chống lại Trung Quốc trong năm này? (Liên
minh Mỹ-Nhật không thể một mình làm việc đó)
… liên minh Mỹ-Nhật không
còn có cách nào để chặn đứng việc Trung Quốc tiếp tục chiến lược hiện nay ở Biển
Đông. Tuy nhiên, liên minh này có thể làm suy giảm quyền lực mềm, uy tín và
tính hợp pháp của Trung Quốc một cách thích đáng, trong khu vực cũng như trên
toàn cầu…
Việc Biển Đông cộm lên như một vùng quan
tâm chủ yếu của liên minh Mỹ-Nhật, mà mức độ nghiêm trọng có lẽ chỉ đứng sau hiểm
họa hạt nhân tại Bán đảo Triều Tiên, là một trong những xu thế chính trong bốn
năm qua. Biển Hoa Đông, một thời là mối quan tâm nghiêm trọng, đã lùi vào hậu
trường khi Trung Quốc -- dưới sự chỉ đạo của Tập Cận Bình -- chuyển hướng tập
trung vào việc giành thế bá quyền trong Đường Chín Đoạn. Mùa Xuân tới, vụ kiện
của Philippines về tính hợp pháp của đường biên giới trên biển của Trung Quốc sẽ
được quyết định bởi Toà án Trọng tài Thường trực tại La Hay. Vì có nhiều quan
điểm khác nhau và vì những nhược điểm nội tại trong tuyên bố chủ quyền của
Trung Quốc, phán quyết của Toà án La Hay có thể có lợi cho Manila.
Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015
James Jay Carafano - Tỉnh dậy đi nào, nước Mỹ ơi: Trung Hoa là hiểm họa đây rồi
The National Interest, ngày 7-2-2015
Trần Ngọc Cư dịch
Giữa tự mãn và đối đầu, trước mắt vẫn còn một phương cách có trách nhiệm để duy trì khu vực châu Á-Thái Bình Dương như một nơi đủ rộng lớn để đáp ứng các lợi ích quan trọng của cả Bắc Kinh lẫn Washington. Mỹ cần phải gánh lấy trách nhiệm nặng nề này. Đó là điều tốt. Vì việc này sẽ làm cho Mỹ trở thành một quốc gia hùng mạnh hơn và một đồng minh đáng tin cậy hơn tại châu Á.
Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014
Kelly Olsen, AFP - Rồng và Gấu: Tập-Putin, cặp bài trùng quyền lực tại APEC
Trần Ngọc Cư dịch
Bắc Kinh (AFP) – Chủ tịch độc tài Trung Quốc Tập Cận Bình và người
đồng nhiệm Nga Vladimir Putin chia sẻ nhiều quan điểm giống nhau từ nhân quyền
đến Mikhail Gorbachev, trong một mối quan hệ cá nhân ngày càng thân thiết, phản
ánh những lợi ích tương hợp của Nga và Trung Quốc.
Sự thân thiết cá nhân ngày một gia tăng giữa hai
nhà lãnh đạo diễn ra trong khi các lợi ích thương mại, đầu tư và địa chính trị
của hai nước ăn khớp nhau.
Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014
G. John Ikenberry - Ảo tưởng địa chính trị – Sức mạnh bền vững của trật tự tự do
Trần Ngọc Cư dịch
Trong tiểu luận sau đây, G. John Ikenberry phản biện lại bài viết nhan đề “Địa chính trị đang trở lại vị trí trung tâm” của Walter Russell Mead, bản dịch đã đăng trên pro&contra ngày 11/5/2014. Cả hai tiểu luận đều xuất hiện trên Foreign Affairs, May/June 2014. - Người dịch
Walter Russell Mead vẽ một bức tranh nhiễu loạn về tình trạng khó xử của Hoa Kỳ trong lãnh vực địa chính trị. Theo quan điểm của ông, một liên minh ngày càng đáng sợ của các cường quốc phi tự do –Trung Quốc, Iran, và Nga – đang quyết tâm phá hoại sự dàn xếp sau Chiến tranh Lạnh và trật tự toàn cầu do Mỹ lãnh đạo vốn đứng đằng sau sự dàn xếp ấy. Khắp khu vực Á Âu, ông lý luận, nhóm quốc gia thù hận này đang ra sức xây dựng các vùng ảnh hưởng nhằm đe dọa các nền tảng của vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ và trật tự toàn cầu. Vì vậy, Hoa Kỳ cần phải xét lại thái độ lạc quan của mình, gồm sự cả tin phát sinh sau Chiến tranh Lạnh cho rằng các quốc gia đang trỗi dậy bên ngoài phương Tây có thể được thuyết phục gia nhập khối này và chơi theo luật lệ của nó. Theo Mead, đã đến lúc phải đối đầu với những đe dọa từ những kẻ thù địa chính trị ngày càng nguy hiểm này.
Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014
Lane Kenworthy* - Tương la dân chủ xã hội của Mỹ: Hình cung chính sách tuy dài nhưng đang uốn tới công bằng xã hội (kỳ II)
![]() |
Hình: internet |
CÁC RỦI RO VÀ PHẦN THƯỞNG XÃ HỘI
Hầu hết những gì mà các nhà khoa học xã hội gọi là “chính sách xã hội” thực ra chỉ là bảo hiểm công. An sinh xã hội (Social Security) và Bảo hiểm y tế cho người nghỉ hưu (Medicare) là bảo hiểm giúp cá nhân chống lại rủi ro thiếu thốn hay không có tiền bạc sau khi nghỉ hưu. Bồi thường thất nghiệp (unemployment compensation) là bảo hiểm giúp cá nhân chống lại rủi ro mất việc làm. Các chương trình chi trả cho người tàn tật (Disability payment) là bảo hiểm giúp cá nhân chống lại rủi ro phải chịu những đau đớn thể chất, tinh thần và tâm lý khiến họ không thể kiếm sống.
Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013
Trần Ngọc Cư - Linh tinh quí tộc
Trần Ngọc Cư -
Lớn lên ở Huế, tôi thường nghe người ta nói ông nọ, ông kia là người hoàng phái, nghĩa là thuộc dòng dõi với các vị vua triều Nguyễn – những người mà dân chúng gọi là “các mệ” hoặc “các mụ” cho dù họ là đàn ông rõ ràng. Chẳng hạn, “Mệ Vững” là tục danh của vua Bảo Đại. Và vì vào cái thời “vang bóng” đó, màu vàng được coi là màu biểu tượng của nhà vua, nên tôi xin gọi những người hoàng phái này là thành viên của giới quí tộc vàng.
Công bằng mà nói, trong bối cảnh vua quan nhà Nguyễn chỉ là bù nhìn của thực dân Pháp, với trợ cấp tài chính từ mẫu quốc có giới hạn, giới quí tộc vàng cũng chia sẻ sự khó nghèo của đông đảo phần còn lại trong xã hội, nên ít ai thực tình đâm lòng oán ghét họ – đây là điều khác với giới quí tộc Pháp trước Cách mạng 1789. Thậm chí họ có thể trở thành những đề tài dí dỏm để mua vui cho đại chúng qua các truyện kể dân gian. Chẳng hạn, có một “mệ” nghiện cau trầu nhưng nghèo khó đến nỗi không có tiền mua, nên bèn lén vào vườn của giới bình dân để trộm cau. Khi bị người nhà hô hoán, từ trên thân cây lắt lẻo mệ lớn giọng đe nẹt: “Tụi bây để từ từ cho mệ xuống nghe chưa, kẻo mệ bị bổ [bị té], thì tụi bây bị chém đầu nghe chưa.” Một mệ khác vào nhà dân lân la trò chuyện, khi ra về tiện tay giấu một cái tách trà vào áo thụng. Bị chủ nhà bắt được, thoạt đầu mệ chối phăng. Nhưng khi người nhà lấy tay đè lên tách trà đang được giấu trên bụng, mệ chỉ còn cách nói cười chả lả: “Hèn chi ta thấy hắn [nó] cồm cộm”.
Giới quí tộc vàng này không có gì ghê gớm như phía cộng sản thường mô tả là “bọn phong kiến phản động”. Sau khi Việt Minh cướp chính quyền, nhà quí tộc vàng số một của Việt Nam, vua Bảo Đại, nhanh chóng tuyên bố “Tôi thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ” và được chỉ định làm cố vấn cho ông Hồ Chí Minh.
Vì môn lịch sử cũng nhắm vào mục đích tuyên truyền đấu tranh giai cấp, nhiều “sử gia” Miền Bắc trong thời gian đất nước còn chia cắt, hùa theo luận điệu chính thống do Nhà nước chỉ đạo, đã gọi một số vua nhà triều Nguyễn bằng đại danh từ “hắn,” một cách miệt thị nặng nề, bất chấp thái độ khách quan và phương pháp sử học tối thiểu. Như trong Lịch sử 80 năm chống Pháp, Trần Huy Liệu đã viết một câu còn dính mãi trong đầu tôi: “Tự Đức xây Khiêm Lăng, nơi yên nghỉ nghìn năm của hắn”.
Và sau chiến thắng 1975, chính quyền cộng sản nhanh chóng đổi tên các cơ sở mang tên vua chúa nhà Nguyễn. Ví dụ điển hình là Trường Trung học Nguyễn Hoàng, cơ sở giáo dục lớn nhất Quảng Trị dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, nhanh chóng bị đổi tên giản dị là Trường Trung học Thị xã Quảng Trị. Một bộ phận của con dân Quảng Trị từng là giáo viên và học sinh của trường này qua mấy thập niên nay ra sức vận động để xin chính quyền phục hồi tên cũ, tức trường Nguyễn Hoàng, nhưng nguyện vọng của họ chỉ rơi vào tai người điếc hay của những người không hề biết đến lịch sử nước nhà là gì.
Xin nói qua giới quí tộc đương đại. Ngày nay tại các nước “xã hội chủ nghĩa anh em” như Bắc Triều Tiên, Cuba, Việt Nam và Trung Quốc, một giới quí tộc mới vừa xuất hiện trong vài thập niên gần đây có tính cha truyền con nối trong việc nắm giữ quyền lực và của cải, thậm chí có mặt từ cấp huyện trở lên. Ví dụ, nếu cha làm bí thư huyện ủy thì khả năng rất lớn là ít ra con cái cũng có thể nắm giữ một chức sắc nào đó trong huyện, thực hiện cho bằng được khẩu hiệu, “hi sinh đời bố củng cố đời con”. Việc truyền ngôi ở Bắc Tiều Tiên cho đến nay đã kéo dài được ba thế hệ, từ Kim Nhật Thành, đến Kim Chính Nhật, và nay là Kim Chính Ân. Quyền lực cao nhất tại Cuba được truyền từ đời anh sang đời em, từ Fidel đến Raúl Castro. Trong khi đó, Trung Quốc và Việt Nam đang chứng kiến sự lớn mạnh của của một thế hệ lãnh đạo mới mà báo chí phương Tây thường gọi là “thái tử đảng” (princelings) đang dần dần nắm giữ các chức vụ cao nhất trong bộ máy quyền lực chính trị, quân sự và kinh tế. Báo chí [lề trái hẳn nhiên] trong và ngoài nước thường gọi “giai cấp mới” này là quí tộc đỏ[1].
Gần đây, sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, người tù nổi tiếng Cù Huy Hà Vũ còn đẩy khái niệm “quí tộc” thêm một nấc – “quí tộc quân sự” – khi ông ca ngợi những phẩm chất của vị tướng thất sủng, và không quên nhấn mạnh sự nghiêm chỉnh biểu hiện trong bộ lễ phục luôn luôn thẳng nếp của tướng Giáp: “Ở Việt Nam không thiếu những vị tướng đánh trận giỏi, họ cũng thân tình, hòa nhã, bình dân với mọi người nhưng cuộc sống xuề xòa đôi lúc không còn nhận ra đâu là ông tướng mà là một ông nông dân hay người bình thường nào đó. Điều ấy cũng tốt để tạo ra quan hệ đầm ấm giữa tướng lĩnh và chiến sĩ, giữa những người có trọng trách trong xã hội và người dân thường; thế nhưng đại tướng lúc nào cũng uy nghi, tôi cho rằng đó là một ‘quí tộc quân sự’.”[2]
Lý do điểm qua một vài khái niệm như trên là vì tôi muốn dạo đầu cho ý niệm về quí tộc sau đây, một định nghĩa mà tôi cho là vừa sáng tạo vừa hiện đại, do nhà văn E.M. Foster đề xuất[3]:
Tuy thế, tôi vẫn tin tưởng vào giới quí tộc – nếu đây là một từ chính xác, và nếu một nhà dân chủ cũng có thể áp dụng từ này. Không phải là giới quí tộc có quyền lực, dựa vào phẩm hàm và thanh thế, mà là một giới quí tộc gồm những tâm hồn mẫn cảm, những người biết nghĩ đến người khác, và những kẻ can trường khi gặp khó khăn. Thành viên của giới quí tộc này phải được tìm thấy trong mọi quốc gia và mọi giai cấp, và xuyên suốt mọi thời đại, và giữa họ có một sự cảm thông bí mật khi họ gặp nhau. Họ tiêu biểu cho truyền thống đích thực của nhân loại, đó là cái giống kỳ quặc của chúng ta luôn luôn thắng được sự độc ác và hỗn loạn. Hàng ngàn người quí tộc thuộc loại này chết âm thầm trong bóng tối, trong khi chỉ một vài người có tên tuổi vẻ vang. Họ mẫn cảm đối với người khác cũng như đối với bản thân, họ nghĩ đến người khác nhưng không ồn ào, sự can trường của họ không phải là tính kiêu căng tự đắc, mà là khả năng chịu đựng nghịch cảnh. Và dù bị chế nhạo, họ vẫn hóm hỉnh vui cười.
Hi vọng mọi giới quí tộc hiện đại, dù vàng, dù đỏ, dù ka-ki, đều chấp nhận khái niệm trên như phẩm chất cốt lõi của mình.
© 2013 Trần Ngọc Cư & pro&contra
Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013
James R. Homes - Quyền lực mềm Trung Quốc: Một nạn nhân khác của bão Hải Yến
James R. Homes, The Diplomat -
14 tháng Mười Một 2013
Trần Ngọc Cư dịch
Món tiền cứu trợ nhỏ nhoi ngoài mức tưởng tượng mà Bắc Kinh gửi cho Manila đánh dấu một kỷ nguyên ngoại giao chế nhạo mới [a new era of sneer diplomacy].
Trung Quốc không bao giờ hết làm cho thế giới sững sờ. Lãnh đạo Trung Quốc không những hủy hoại cả một chiến dịch quyền lực mềm đầy hứa hẹn được thai nghén trong nhiều năm. Nó còn san bằng cả nền móng quyền lực mềm của chính mình, rồi đổ muối lên trên tàn tích khiến cho không có gì cỏ thể bén rễ trở lại được. Lý do tại sao vẫn còn là một điều bí ẩn.
Dấu hiệu mới nhất cho thấy Trung Quốc có vấn đề hiện ra sau khi trận bão Hải Yến đánh vào Philippines cuối tuần qua, giết chết ít nhất trên 1.800 người, tính cho đến hôm nay [tức ngày 14 tháng Mười Một]. Giáo sư [Walter Russell] Mead đăng một bài trên blog bày tỏ sự ngạc nhiên về số tiền bé tẹo mà Bắc Kinh dành cho việc cứu trợ thiên tai tại Philippines. Khi đọc bài báo, tôi tin chắc Mead đã bỏ sót hai hay ba số zê-rô. Nhưng đối chiếu bài bình luận của ông với một bản tin của hãng Reuters, thì y như rằng, con số ông ta viết ra là đúng: 100.000 USD tiền cứu trợ trực tiếp, và thêm 100.000 USD nữa thông qua Hội Chữ thập đỏ. [Thật ra, về sau Trung Quốc tăng thêm 1.620.000 USD nữa – DG.] Những con số chiếu lệ này làm ô danh chủ nghĩa chiếu lệ.
Ta hãy quên đi cái ngoại giao bằng nụ cười. Đây là cái ngoại giao bằng sự nhạo báng. Nhiều nhà quan sát, trong đó có tôi, gán sự bất động của Trung Quốc tiếp theo sau thảm họa tsunami Ấn Độ Dương 2004 cho khả năng còn non nớt của nước này. Lúc đó, Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) chưa sử dụng được những khả năng viễn chinh cần thiết để cứu trợ ở những nơi xa bờ biển Trung Quốc. Bắc Kinh làm ít vì nó chỉ đủ sức làm ít vậy thôi. Tuy nhiên, các lực lượng Trung Quốc hiện nay đã có những phương tiện cứu hộ như tàu bệnh viện Peace Ark [Tàu Nô-ê Hoà bình]. Nhưng các lực lượng này vẫn bất động, không chịu làm gì cả. Thật khó mà không kết luận rằng Bắc Kinh từ chối giúp đỡ nạn nhân trận bão chỉ vì có thù oán với Philippines. Dẫu sao, Manila dám liều lĩnh lặp đi lặp lại rằng khu đặc quyền kinh tế của mình, vâng, là khu đặc quyền kinh tế của mình. Thái độ trả đũa chính trị của Trung Quốc có vẻ đã vượt lên trên việc xoa dịu nỗi đau khổ của con người.
Cách đây không lâu, ít ai nghĩ rằng cách ứng xử này có thể xảy ra, khi Trung Quốc khôn khéo gắn liền khuôn mặt của các nhân vật như Khổng Tử và Đô đốc Trịnh Hoà của Nhà Minh với sự trỗi dậy của một đại cường. Với thông điệp: Trung Quốc là một đại cường nhân ái duy nhất, không có khả năng ngược đãi các tiểu quốc láng giềng.
Những mời gọi này có hiệu quả bao lâu mà Bắc Kinh theo đúng những điều mình rêu rao. Quyền lực mềm chính là “sức thu hút,” theo Giáo sư Joe Nye, cha đỡ đầu của khái niệm này. Đồng tác giả Toshi Yoshihara trên Naval Diplomat Blog thích đặt câu hỏi, liệu quyền lực mềm là một loại hương thầm [pheromone] hay chỉ là một thoáng nước hoa. Trả lời: một hương thầm.
Văn hóa, định chế, và chính sách – những suối nguồn của quyền lực mềm – cần phải giữ được tính nhất quán qua những quãng thời gian dài để tạo được sự chờ đợi nơi những khối thính giả trong tầm ngắm. Hành vi bất nhất, hay cách ứng xử mâu thuẫn với hình ảnh mà một nước muốn trưng ra, nhất định sẽ gây ấn tượng giả dối trong mắt người quan sát. Hay nói đúng ra, loại hành vi này sẽ bôi bác chính những điều mà nước ấy rêu rao. Một chuẩn mực ứng xử xuống cấp thì chẳng còn gì là chuẩn mực. Chủ nghĩa hoài nghi, nếu không phải là sự mất niềm tin, sẽ đón chào chính sách ngoại giao Trung Quốc trong tương lai cứ mỗi lần Bắc Kinh cố xức lên mình một chút nước hoa. Một mùi hôi thối sẽ thoang thoảng bay qua.
Từ quan điểm của Mỹ, cách ứng xử của Trung Quốc vẫn có mặt tốt của nó: Trung Quốc đã làm cho mình nom giống một tên tiểu nhân, một đứa keo kiệt, chứ không phải là một cường quốc cao thượng đáng vai lãnh đạo khu vực. Đây là hành vi tự hại mình ở mức xuẩn động cao. Việc chi mà ta phải can ngăn một đối thủ chiến lược có ý định cầm súng tự bắn vào chân mình. Mày cứ bắn đi!
J. R. H.
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.
Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013
Mark Leonard - Vì Sao Đồng Qui Sinh Ra Xung Đột: Càng Trở Nên Giống Nhau, Trung Quốc Và Mỹ Lại Càng Xa Nhau
Mark Leonard
Trần Ngọc Cư dịch
pro&contra – Từ nhiều năm nay, mọi động thái đối ngoại của Hà Nội đều được dư luận đánh giá như những dấu hiệu hoặc là tiếp tục thân – thậm chí phụ thuộc – Bắc Kinh, hoặc là đang bắt đầu xích lại gần Washington, theo nghĩa hai khả năng đối lập. Trong bài viết sau đây, nhà nghiên cứu chính trị quốc tế Mark Leonard chỉ ra rằng Trung Quốc và Mỹ ngày càng trở nên giống nhau và hệ quả của điều đó trong trật tự thế giới hiện tại và sắp tới.
Nhiều người lo ngại rằng trong một tương lai không xa, thế giới sẽ bị chia ra nhiều mảng vì hố sâu ngăn cách giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng nới rộng. Họ nêu lên câu hỏi, vì sao một chế độ độc tài cộng sản và một chế độ dân chủ tư bản có thể bắc một chiếc cầu để khắc phục khoảng cách giữa hai bên? Nhưng đã đến lúc ta nên từ bỏ cái tư duy cho rằng hai nước này đến từ những hành tinh khác nhau và những căng thẳng giữa chúng là sản phẩm của những dị biệt giữa hai quốc gia. Trên thực tế, cho đến tương đối gần đây, Trung Quốc và Mỹ khá hòa hợp với nhau – chính vì những lợi ích và thuộc tính của hai nước khác nhau. Ngày nay, chính những tương đồng ngày càng gia tăng, chứ không phải những dị biệt, đang đẩy hai nước cách xa nhau.
Quan hệ Mỹ-Trung hoàn toàn tương phản với quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô, nước sau cùng đã thách thức quyền lực Mỹ. Trong Chiến tranh Lạnh, khi địa chính trị trước hết là một cuộc xung đột ý thức hệ, sự tiếp xúc ngày càng gia tăng và tính đồng qui ngày càng phát triển giữa hai xã hội phân cách nhau đã nuôi dưỡng được chính sách hoà hoãn.
Nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau trên bình diện quốc tế trong thời đương đại đã đảo ngược tiến trình tương tác đó. Ngày nay, các nước cạnh tranh nhau vì địa vị quốc tế thì nhiều, mà vì ý thức hệ thì ít. Do đó, những dị biệt giữa các đại cường thường dẫn đến sự bổ túc cho nhau và hợp tác với nhau, trong khi sự tương đồng thường là nguyên nhân xung đột. Trong khi tái quân bình nền kinh tế và rà soát lại chính sách đối ngoại của mình, Bắc Kinh và Washington ngày một đối đầu về những lợi ích chung. Và hình như Sigmund Freud đã tiên đoán được trường hợp này: Trung Quốc và Mỹ càng trở nên giống nhau, thì hai nước lại càng ít thích nhau. Freud gọi hiện tượng này là “nỗi ám ảnh về những dị biệt tiểu tiết”: đó là xu thế tập trung vào những dị biệt rất nhỏ giữa những người vốn dĩ giống nhau để biện minh cho những tình cảm xung khắc của họ. Hẳn nhiên, hai nước này không hoàn toàn giống nhau. Nhưng hố sâu chia rẽ hai nước một thế hệ trước đây đã thu hẹp lại, và khi càng giống nhau thì càng dễ trở nên xung đột.
Vào thời điểm Tổng thống Mỹ Obama lên cầm quyền năm 2009, ông hi vọng đưa Trung Quốc vào các cơ chế toàn cầu và khuyến khích nước này đồng hóa lợi ích của mình với việc duy trì hệ thống quốc tế do phương Tây lãnh đạo sau Thế chiến. Nhưng chỉ gần năm năm sau, theo một quan chức Mỹ nắm vững tư duy Tổng thống Mỹ mà tôi có dịp trao đổi vào đầu năm nay, thái độ của Obama đối với Trung Quốc được mô tả chính xác nhất là “thất vọng”. Theo quan chức này, Obama thấy rằng phía Trung Quốc đã bác bỏ nỗ lực của ông trong việc tạo dựng một dạng “G-2” không chính thức trong chuyến viếng thăm Trung Quốc đầu tiên của ông, tháng Mười Một 2009, và những bất đồng giữa Bắc Kinh và Washington về thay đổi khí hậu, về những vấn đề trên biển và an ninh mạng đã khiến Obama tin rằng Trung Quốc là một vấn nạn hơn là một đối tác.
Về phần mình, lãnh đạo Trung Quốc không muốn đề cao một trật tự quốc tế do phương Tây lãnh đạo, một trật tự mà họ không đóng vai trò tạo dựng. Đó là lý do tại sao, trong thời gian trước cuộc họp với Obama tháng Sáu vừa qua tại Khu nhà nghỉ Sunnylands tại California, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc đẩy thiết lập một “loại quan hệ đại cường mới” – một cách nói được mã hóa để người Trung Quốc nhắn nhủ người Mỹ phải tôn trọng Trung Quốc như một quốc gia ngang hàng với Mỹ, phải đáp ứng những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, và phải dự kiến Trung Quốc xác định lợi ích của mình chứ không hậu thuẫn những nghị trình quốc tế do phương Tây lãnh đạo. Trong khi hai cường quốc lớn nhất toàn cầu chiều chuộng chứng thần kinh của mình, phần còn lại của thế giới đâm ra lo lắng. Trong một loạt vấn đề kinh tế và địa chính trị quan trọng, Bắc Kinh và Washington ngày càng ra sức qua mặt nhau hơn là đầu tư vào những định chế chung. Điều này sẽ có hiệu ứng sâu xa trên thế giới. Mặc dù mậu dịch toàn cầu sẽ bành trướng và các định chế toàn cầu sẽ còn tồn tại, nhưng chính trị quốc tế sẽ không bị khống chế bởi các quốc gia giàu mạnh hay các tổ chức quốc tế mà bởi những cụm quốc gia xích lại gần nhau vì có lịch sử và mức độ giàu có giống nhau, và tin tưởng rằng lợi ích quốc gia của chúng bổ túc cho nhau. Những nhóm quốc gia thực tiễn và có phần tùy nghi này sẽ tìm cách phát triển thế mạnh của chúng từ trong nhóm ra ngoài, và sự tương tác giữa chúng với nhau sẽ làm lu mờ đội hình của cái trật tự tự do đa phương và thống nhất mà Mỹ và đồng minh đã cố gắng xây dựng từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt.
KẾT THÚC THỰC THỂ CHIMERICA
Trong gần hai thập kỷ qua, Trung Quốc và Mỹ đã tận hưởng một quan hệ cộng sinh gần như tuyệt hảo. Tiền tiết kiệm của Trung Quốc nuôi sức tiêu thụ của Mỹ. Các công ty Trung Quốc chế tạo những sản phẩm do các công ty hậu công nghiệp Mỹ thiết kế và bảo dưỡng. Và chính sách đối ngoại hướng nội của Trung Quốc trên cơ bản không làm lung lay vai trò bá quyền của Mỹ. Nhà sử học Niall Ferguson và nhà kinh tế Moritz Schularick cho rằng hai nước đã quyện chặt vào nhau đến nỗi họ bắt đầu gọi chúng như một thực thể riêng: “Chimerica” [China + America, ND].
Nếu quả thật từng có một Chimerica thì nó tồn tại nhờ cái thực tế là: mặc dù triết lý cai trị của hai quốc gia khác nhau sâu sắc, nhưng chúng chỉ khác nhau theo cung cách cái ổ khóa và cái chìa khóa khác nhau. Trung Quốc được điều hành theo “đồng thuận Đặng Tiểu Bình”, mang tên của nhà lãnh đạo Trung Quốc đã lùi về phía sau vào những năm 1990, nhưng viễn kiến của ông vẫn tiếp tục dẫn đường cho nước này nhiều năm nữa. Mục đích trước tiên của Đặng là duy trì ổn định quốc nội và quốc tế bằng cách tránh xa một nghị trình đầy tham vọng trong chính sách đối ngoại và, thay vào đó, chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế thông qua xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, tín lý cai trị của Mỹ trong thập niên 1990 dựa vào một chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa can thiệp nhằm bảo vệ một trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo, một trật tự đặt cơ sở trên tự do mậu dịch ở nước ngoài và tăng trưởng kinh tế trong nước nhờ sức mạnh tín dụng. Hai viễn kiến này không có gì giống nhau, nhưng chúng cũng ít khi đối đầu xung đột; thật ra, chúng thường bổ túc cho nhau. Hẳn nhiên, trong giai đoạn này, Bắc Kinh và Trung Quốc vẫn cạnh tranh với nhau. Nhưng vì hai nước xuất phát từ những mức quyền lực rất chênh lệch, cuộc đọ sức trở thành bất đối xứng đến nỗi ít gây ra cọ xát. Vả lại, hai cường quốc này thường theo đuổi những mục đích hoàn toàn khác nhau và dựa vào những phương tiện rất khác nhau. Tại châu Á, Mỹ tập trung vào việc duy trì vai trò siêu cường quân sự của mình và chống lại bất cứ sáng kiến kinh tế nào mà Mỹ không nắm quyền hoạch định – thậm chí cả khi chúng được đưa ra bởi một đồng minh như Nhật Bản là nước đã đề nghị thành lập một quỹ tiền tệ châu Á trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-98, một ý tưởng bị Washington bác bỏ. Trái lại, vào thời điểm đó, Trung Quốc đã tìm cách trấn an các nước láng giềng về “cuộc trỗi dậy hòa bình” của mình bằng cách hậu thuẫn việc hội nhập đa phương trong khu vực và hứa hẹn các nước này một phần thưởng kinh tế trong cuộc trỗi dậy của Trung Quốc thông qua các hợp đồng thương mại. Ở bên ngoài châu Á, lúc bấy giờ Bắc Kinh và Washington cũng tránh giẫm đạp lên chân nhau: Mỹ dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ với các nước dân chủ tiên tiến khác và các nước giàu năng lượng tại Trung Đông, còn Trung Quốc thì dồn các nỗ lực ngoại giao của mình vào việc tìm kiếm cơ hội tại châu Phi và châu Mỹ La tinh, những vùng mà Mỹ đã rút lui.
HOÁN CHUYỂN VỊ TRÍ
Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã kết thúc kỷ nguyên Chimerica. Thức tỉnh vì nhận ra sự yếu kém của mình trước các lỗi hệ thống đã đưa đến cuộc khủng hoảng, Bắc Kinh và Washington cương quyết tái quân bình quan hệ kinh tế với nhau, một quan hệ mà cả hai nước đều nhận thấy đã trở nên thiếu lành mạnh. Nhưng trong khi rà soát lại chính sách đối nội và đối ngoại của mình để tìm cách thích nghi với nền kinh tế toàn cầu đột nhiên trở nên yếu kém, cả hai nước bắt đầu phản ánh lẫn nhau trong những cung cách có khả năng thúc đẩy tính cạnh tranh hơn là tính bổ túc.
Trong lãnh vực kinh tế, Trung Quốc đang tìm cách giảm bớt sự lệ thuộc lâu dài vào hàng xuất khẩu và đang cố gắng kích thích mức tiêu thụ trong nước và phát triển một nền kinh tế dịch vụ nội địa. Trong khi đó, Mỹ đang nâng đỡ khu vực chế tạo hàng hóa của mình, một phần bằng chủ trương hạ giá đồng Mỹ kim thông qua việc gia tăng nguồn tiền cho các ngân hàng [quantitative easing] và bằng việc trợ cấp khu vực chế tạo xe hơi, và khuyến khích tăng trưởng kinh tế do xuất khẩu chủ đạo thông qua một loạt hợp đồng thương mại mới với các nước giàu, gồm Nhật Bản và các quốc gia trong khối Liên Âu.
Các nỗ lực sản xuất hàng hóa giá trị cao của Trung Quốc và những toan tính tái công nghiệp hóa của Mỹ sẽ dẫn đến tình trạng là hai nước sẽ cạnh tranh trực tiếp hơn, khi nước này tiến gần đến phương thức sản xuất và tiêu thụ truyền thống của nước kia. Chẳng hạn, Trung Quốc không còn muốn cung cấp các linh kiện rẻ tiền bên trong chiếc iPhone chỉ để đứng nhìn những lợi nhuận lớn nhất dồn vào tay một công ty Mỹ. Thay vào đó, Trung Quốc đang khuyến khích các công ty Trung Quốc nên theo gương Huawei, một công ty đặt trụ sở tại Quảng Đông đã cực kỳ thành công trong việc bán ra các điện thoại thông minh bắt chước chiếc iPhone, mà lợi nhuận của công ty này vẫn nằm trong nước. Tuy nhiên, trong quan hệ của mỗi nước với phần còn lại của thế giới, cả hai cường quốc đang trở nên giống nhau một cách rất ngoạn mục – trong một số trường hợp gần như đang hoán chuyển vai trò truyền thống của nhau. Trung Quốc đang phấn đấu để điều hành ảnh hưởng toàn cầu đang lên của mình. Giới tinh hoa trong chính sách đối ngoại của đất nước này đang lao vào một cuộc tái tư duy rộng lớn về chiến lược Trung Quốc; họ chất vấn mọi tín điều trong đường lối “ẩn mình để chờ thời cơ” của thời đại Đặng Tiểu Bình, gồm cả truyền thống tránh can thiệp vào nội bộ nước khác của Trung Quốc. Tiến trình này được thúc đẩy bởi cuộc chiến do NATO lãnh đạo năm 2011 nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar al-Qaddafi, khi Trung Quốc kinh ngạc nhận ra rằng nhiều nước đang phát triển đã ủng hộ việc can thiệp của quốc tế. Sức ép đòi hỏi Trung Quốc phải có một chính sách đối ngoại ít thụ động hơn phát xuất từ các công ty Trung Quốc muốn được che chở tại những thị trường nguy hiểm ở nước ngoài; từ một đội ngũ trí thức theo chủ nghĩa toàn cầu chủ trương rằng trong một thế giới mà Trung Quốc hiện diện tại nhiều điểm nóng, Bắc Kinh phải từ bỏ sự dè dặt của mình để chấp nhận các hoạt động quốc tế; và từ những người hoạch định chính sách Trung Quốc hiếu chiến tin tưởng rằng Trung Quốc cần phải quyết đoán hơn trong việc bảo vệ lợi ích của mình ở nước ngoài. Thậm chí nếu những tranh luận này có thắng thế đi nữa, Trung Quốc sẽ không vội tung ra những cuộc can thiệp vì lý do nhân đạo theo kiểu Mỹ nhưng những người làm chính sách Trung Quốc sẽ bớt rụt rè hơn trong việc can thiệp vào nội bộ của nước khác. Như Diêm Học Thông (Yan Xuetong), Viện trưởng Viện Bang giao Quốc tế Hiện đại tại Đại học Thanh Hoa, đã nói với tôi, “Khi Trung Quốc mạnh bằng Mỹ, chúng tôi sẽ có một đường lối đối với vấn đề chủ quyền giống hệt như Mỹ.”
Và khi đề cập đến chính trị khu vực, những trí thức diều hâu như Diêm đang bày tỏ những hoài nghi về việc Trung Quốc có nên đặt lợi ích kinh tế cao hơn những mục tiêu chính trị hay không. Sự chuyển biến tư duy này có thể giải thích quyết định của chính phủ Trung Quốc năm 2010 trong việc tạm thời ngưng xuất khẩu khoáng sản đất hiếm sang Nhật Bản và quyết định của Trung Quốc hai năm sau đó trong việc giới hạn nhập khẩu trái cây từ Philippines trong thời gian hai nước xung đột về các đảo trong Biển Hoa Nam [Biển Đông Việt Nam – N.D.]. Những động thái này diễn ra song song với việc chính quyền có vẻ dung túng những cuộc biểu tình đôi khi bạo động được tổ chức bởi các phần tử dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc nhằm chống lại các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Trung Quốc, dù sự bất ổn đó đã khiến một số công ty này phải dời sang Việt Nam.
Trong một chuyển biến nhiều kịch tính hơn, giới hàn lâm Trung Quốc cũng đang tranh luận là liệu nước họ có nên xét lại việc chống đối các liên minh thường trực không. Năm ngoái, Diêm và các trí thức diều hâu khác công khai đề nghị rằng Trung Quốc nên phát triển các hình thức gần như liên minh với khoảng trên một chục nước, gồm các cộng hòa Trung Á, Miến Điện, Bắc Triều Tiên, Pakistan, Nga, và Sri Lanka, cấp cho họ những đảm bảo an ninh và, đối với những nước nhỏ trên danh sách này, có lẽ cả sự che chở của chiếc dù hạt nhân Trung Quốc. Những động thái này không phải là điều mà nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Zoellick nghĩ tới vào năm 2005 khi ông kêu gọi Trung Quốc nên trở thành một “thành viên có trách nhiệm” trong trật tự toàn cầu.
Tiếp sức cho tính quyết đoán quốc tế ngày một gia tăng của Trung Quốc là sự phát triển một hệ thống chính trị trong nước ngày càng tham gia bàn việc nước, trong đó nhiều trường phái khác nhau thi đua tranh luận vấn đề và cũng là nơi Internet và nhất là các phương tiện truyền thông xã hội đã tạo ra một công luận sinh động hơn trước nhiều. Trong quá khứ, các nhà làm chính sách phương Tây thường lên án Trung Quốc đã dùng thủ đoạn để nuôi dưỡng hận thù dân tộc rồi lấy cớ là hành động của mình bị hạn chế vì sự phẫn nộ của người dân. Nhưng ngày nay, tiếng trống thúc quân của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc có vẻ chân thật hơn là ngụy tạo. Trong Chiến tranh Lạnh, các nhà phân tích phương Tây cho rằng Đảng Cộng sản là xấu và xã hội dân sự là tốt. Nhưng ngày nay, Đảng Cộng sản có xu thế thúc đẩy một sự tự chế ở nước ngoài, trong khi người dân Trung Quốc bình thường lại đòi hỏi Đảng phải có hành động cứng rắn hơn.
Trong khi Trung Quốc cân nhắc phải làm thế nào để nới rộng ảnh hưởng quốc tế và những cam kết của mình, thì Mỹ đang ra sức hòa giải cái tham vọng siêu cường quốc tế của mình với tâm trạng thấm mệt chiến tranh của người dân và những đe dọa về nợ nần quốc gia. Obama đã tìm cách phát triển một mô hình lãnh đạo ít tốn kém: một phiên bản kiểu Mỹ của đường lối Đặng Tiểu Bình, với sự khác biệt là trong khi Đặng cố gắng che giấu sự giàu có đang gia tăng của Trung Quốc, thì Obama lại tìm cách che giấu sự thiếu hụt nguồn lực ngày càng trầm trọng của Mỹ. Trên thực tế, đường lối này của Mỹ gồm: trừng phạt các nước thù nghịch như Iran và Bắc Triều Tiên bằng biện pháp kinh tế, truy kích khủng bố bằng máy bay không người lái, tránh đơn phương can thiệp ở nước ngoài mà có xu thế “lãnh đạo từ đằng sau”, và thiết lập những quan hệ thực tiễn với các quốc gia hùng mạnh như Nga. Từ góc nhìn của Trung Quốc, dấu hiệu có vẻ báo nguy nhất đối với Trung Quốc là chiến lược “xoay trục” về châu Á của Mỹ có vẻ như mô phỏng theo chính sách ngoại giao đa phương và chiến lược thương mại của Bắc Kinh. Thật vậy, như một nhà chiến lược của Lầu Năm góc đã nói với tôi gần đây, “Thay vì chơi cờ tướng, chúng tôi đang chơi cờ vây”, một loại cờ bàn cổ đại của Trung Quốc. Nhưng thậm chí khi Trung Quốc và Mỹ phát triển những đường lối khác nhau để bành trướng ảnh hưởng, cả hai đều bám lấy một hình thức của chủ nghĩa biệt lệ [exceptionalism]. Cả hai đều tin rằng mình khỏi phải tuân theo một số yếu tố nhất định của luật pháp quốc tế và mình được định mệnh giao phó một vai trò khống chế khu vực tại châu Á. Tuy nhiên, cả hai nước đều khó có thể hòa hợp cái xác tín ấy với cảm giác mà mỗi bên đều có, rằng trong một thế giới ngày càng phụ thuộc vào nhau này mình đã bị nước kia chơi trội. Người Mỹ than phiền về mất công ăn việc làm, còn người Trung Quốc thì than phiền về việc đã mất đi những số tiền dành dụm bằng mồ hôi nước mắt. Washington than phiền rằng Bắc Kinh không chơi theo luật, còn Bắc Kinh thì phản bác rằng những luật này đều do phương Tây bày ra để kềm hãm các nước khác. Khi căng thẳng gia tăng, nhiều khía cạnh của quan hệ Mỹ-Trung mà đã có thời cả hai bên cho là cơ hội lại có vẻ đang ngày càng là những mối đe dọa.
HAI BÊN TÌM ĐƯỜNG TRÁNH NHAU
Trong ba thập kỷ qua, Trung Quốc đã tự do hóa nền kinh tế của mình, tạo ra một giai cấp trung lưu lên đến hàng trăm triệu người, và chứng kiến sự ra đời một công luận đích thực [a genuine public sphere] trong số hơn 500 triệu người dân Trung Quốc sử dụng Internet. Trung Quốc đã được đón mời vào các định chế quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và G-20 và được nhiều Tổng thống Mỹ liên tiếp đối xử bằng những tuyên bố công khai bày tỏ sự kính trọng. Nhiều nhân vật tại Washington từng hi vọng rằng những chuyển biến này sẽ đi liền với việc Trung Quốc gia tăng hậu thuẫn đối với hệ thống quốc tế do phương Tây lãnh đạo. Nhưng họ đã thất vọng vì thấy Trung Quốc không đáp ứng theo mong muốn của mình.
Thật vậy, thay vì bị những định chế toàn cầu chuyển hóa, Trung Quốc theo đuổi chính sách ngoại giao đa phương rất tinh vi, làm thay đổi trật tự toàn cầu. Ở G-20, Trung Quốc đứng cùng phe với các nước chủ nợ, như Đức, một nước mà Trung Quốc đã liên minh năm 2010 khi người Đức chống lại một gói kích thích kinh tế toàn cầu do Mỹ đề xuất. Washington cũng thất vọng vì Bắc Kinh đã góp phần kết liễu Vòng đàm phán Doha về thương mại thế giới, bằng cách giữ thái độ bất động vào thời điểm các cuộc đàm phán có dấu hiệu lâm nguy. Tại LHQ, Trung Quốc đã đẩy lùi sự phát triển các qui phạm bảo vệ tự do: trong thời gian 1997-98, các quốc gia khác bỏ phiếu theo Washington về những vấn đề nhân quyền tại Đại hội đồng là 80% số lần; trái lại, vào năm đó, các nước “bỏ phiếu theo” Bắc Kinh về các vấn đề này là 40%. Vào năm 2009-2010, những con số này gần như bị đảo ngược: khoảng 40% bỏ phiếu theo Mỹ và gần 70% theo Trung Quốc trên các vấn đề nhân quyền. Sự thay đổi lập trường này một phần là do Trung Quốc giành được hậu thuẫn của các nước đang phát triển bằng cách cho vay nhẹ lãi, trực tiếp đầu tư, và hứa hẹn bảo vệ những nước này trong trường hợp Hội đồng Bảo an LHQ đưa ra những nghị quyết trừng phạt họ.
Trước sự thất vọng của phương Tây, các học giả Trung Quốc, như nhà sử học vai vế Thì Ân Hoành (Shi Yinhong), tranh luận rằng phương Tây không nên quá bận tâm về việc “thúc đẩy Trung Quốc hội nhập vào trật tự tự do của phương Tây”, mà thay vào đó nên điều chỉnh cái trật tự ấy “để đáp ứng nguyện vọng của Trung Quốc”, như Thì đã nói với tôi gần đây. Sự điều chỉnh này sẽ đòi hỏi một sự tái phân phối rộng lớn ảnh hưởng chính thức trong các định chế tài chính và an ninh toàn cầu, theo đó quyền lực được phân phối cho các quốc gia thành viên sẽ không tùy thuộc vào các khái niệm được định sẵn từ trước là ai sẽ có quyền cai quản, mà tùy thuộc vào “sức mạnh đích thực mà mỗi nước có được và sự đóng góp mà mỗi nước đã thể hiện”, như Thì lý giải. Trên thực tế, Thì tranh luận, Mỹ sẽ phải chấp nhận một thế cân bằng quân sự với Trung Quốc (chí ít ở phía đông Đài Loan), việc thống nhất bằng đường lối hòa bình của Trung Quốc và Đài Loan theo điều kiện của Bắc Kinh, và một khoảng “không gian chiến lược” nhỏ hẹp nhưng quan trọng đối với Trung Quốc ở tây Thái Bình Dương. Hơn thế nữa, hệ thống liên minh của Mỹ cần phải “giảm bớt tập trung vào quân sự và giảm bớt việc lấy Trung Quốc làm mục tiêu”.
Nhưng cho dù giới tinh hoa Trung Quốc có muốn gì đi nữa, phương Tây vẫn chưa sẵn sàng điều chỉnh trật tự thế giới hiện hữu để đáp ứng nguyện vọng của Trung Quốc. Và thay vì chấp nhận những nhượng bộ cần thiết cho một G-2 hay sự bế tắc của nguyên trạng, các cường quốc phương Tây đang tránh đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh trong khi theo đuổi những quan hệ và những chính sách nhằm hạn chế khả năng của Trung Quốc trong việc uốn nắn hệ thống quốc tế theo ý mình.
Trong những năm gần đây, chẳng hạn, một nhóm quốc gia có lợi tức cao do Mỹ lãnh đạo và gồm cả Australia, Canada, Malaysia, và Singapore đã bắt đầu đàm phán để thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một thương ước cố ý loại trừ Trung Quốc và nhấn mạnh những tiêu chuẩn khắt khe đối với các doanh nghiệp nhà nước, với quyền lợi công nhân, với các biện pháp bảo vệ môi trường, và quyền sở hữu trí tuệ. Nếu cuối cùng Nhật Bản cũng gia nhập, các thành viên của TPP sẽ chiếm đến 40% GDP toàn cầu. Thậm chí còn tham vọng hơn cả TPP là những cuộc đàm phán được khởi động gần đây về Hiệp định Đối tác Đầu tư xuyên Đại Tây Dương, một kế hoạch đã được bàn bạc từ lâu nhằm tạo ra một hiệp ước tự do mậu dịch giữa EU và Mỹ, một hiệp ước sẽ cho các nước phương Tây những lợi thế đáng kể trong bất cứ một cuộc đàm phán thương mại nào sau này với Trung Quốc. Mục tiêu của những hiệp ước mới này không phải là để đẩy Trung Quốc ra khỏi nền mậu dịch quốc tế, mà để soạn ra các qui định không có sự tham gia của Trung Quốc để rồi sau này buộc Trung Quốc phải chấp nhận chúng. Phương Tây cũng đang có những nỗ lực song song trong lãnh vực an ninh. Mỹ đang cố gắng sử dụng chiến lược xoay trục hướng về châu Á để củng cố những quan hệ lâu đời với nhiều nước chung quanh Trung Quốc nhằm gây cản trở cho tham vọng bá quyền quân sự của Trung Quốc ở khu vực tây Thái Bình Dương. Trong các nỗ lực can thiệp quốc tế, phương Tây đang gia tăng “việc tìm kiếm diễn đàn” [forum shopping]: hợp tác với những tổ chức khu vực, như Liên đoàn Á rập và Liên hiệp châu Phi, và dựa vào những liên minh không chính thức, như Nhóm Bạn của Syria [Friends of Syria], bất cứ khi nào chính sách ngoại giao tại LHQ bị bế tắc. Trong khi đó, Trung Quốc cũng hoạt động ráo riết không kém để qua mặt phương Tây. Trung Quốc đã thành lập các định chế an ninh của chính mình, như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, và đã ký kết các thoả ước mậu dịch đơn phương và đa phương với nhiều nước khắp thế giới. Trung Quốc cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị thượng đỉnh với các đối tác BRICS và đang cố gắng thành lập một ngân hàng phát triển BRICS với tiềm năng nắm giữ một danh mục cho vay lớn gấp ba lần danh mục cho vay của Ngân hàng Thế giới. [BRICS: viết tắt của Brazil, Russia, India, China, South Africa, ND]
CHỦ NGHĨA TƯƠNG ĐỒNG ĐA PHƯƠNG
Đứng giữa các trật tự thế giới do Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu là các cơ chế toàn cầu như Hội đồng Bảo an LHQ, Nhóm G-20, Quĩ Tiền tệ Quốc tế, và Ngân hàng Thế giới. Nhưng chúng thường gặp phải bế tắc do các bất đồng giữa những nước thành viên. Do đó, thay vì buộc các cường quốc mới nổi [emerging powers] phải thích nghi với các định chế phương Tây, hi vọng lớn nhất có thể có được từ những định chế này là chúng sẽ là nơi để các đại cường thảo luận những vấn đề đặc biệt bức thiết: chẳng hạn, cuộc tan chảy tài chính toàn cầu 2008 hay sự ngoan cố của Bắc Triều Tiên về vấn đề hạt nhân. Sự yếu kém và vô bổ của những định chế này có thể trở nên ngày một tồi tệ, vì đáng lẽ phải hợp tác để cải tổ những diễn đàn chung đã có sẵn, các cường quốc phương Tây lại cố gắng xây dựng “một thế giới phi-Trung Quốc” trong khi Trung Quốc và các nước đối tác cố gắng tạo ra cái mà một số nhà phân tích gọi là “một thế giới phi-Tây phương.” Chẳng hạn, Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương có thể ảnh hưởng [tiêu cực] đối với WTO. Như chuyên gia kinh tế Bỉ André Sapir đã lý giải, nếu các nước chiếm gần một nửa GDP toàn cầu thành lập hệ thống giải quyết tranh chấp riêng, tách khỏi WTO, thì cái WTO một thời kiêu hãnh này “sẽ giống như một tổ chức khác có trụ sở tại Geneva, Tổ chức Lao động Quốc tế, một nơi có mặt tiền xinh đẹp trên hồ Léman mà hằng năm các vị bộ trưởng đến đọc những bài diễn văn hay ho nhưng chẳng bao giờ lấy những quyết định quan trọng.”
Thay vì coi những cơ chế đa phương toàn cầu là tối cần, các nước sẽ dựa nhiều hơn nữa vào các mạng lưới mới thành lập giữa các quốc gia có cùng mức độ thịnh vượng. Xin tạm gọi hiện tượng này là “chủ nghĩa tương đồng đa phương” [similateralism]. Một trong những hậu quả của hiện tượng này sẽ là một hình thái lưỡng cực mới và lạ thường, bên ngoài có vẻ giống Chiến tranh Lạnh chứ không còn giống như thế giới của hai thập niên qua. Những khác biệt này sẽ bao gồm một nước Mỹ mất dần thanh thế, một đối thủ khôn ngoan hơn (và thành công hơn) ngang hàng với Washington, và các nước phi liên kết hùng mạnh hơn trước. Nhưng những động lực của chính trị toàn cầu trên cơ bản cũng sẽ khác với những động lực chi phối thế giới trong năm thập kỷ sau Thế chiến II.
Một, khác với Chiến tranh Lạnh, bản chất của cuộc đua này chủ yếu sẽ là địa kinh tế [geoeconomic] hơn là địa chính trị [geopolitical], do hậu quả của những tốn kém ngày một gia tăng của việc duy trì sức mạnh quân sự.
Hai, sự cạnh tranh Mỹ-Trung có đặc tính là: hai cường quốc đã lệ thuộc vào nhau ở mức độ cao, vì sự xâm nhập lẫn nhau giữa hai nền kinh tế là rất sâu đậm. Tuy nhiên, các nhà làm chính sách của hai nước lại coi sự lệ thuộc lẫn nhau này là một mối nguy cần phải giảm bớt và quản lý, chứ không coi đó là một công thức để xây dựng những quan hệ nồng ấm. Mỹ cần Trung Quốc tiếp tục mua trái phiếu chính phủ của Mỹ, và các bang của Mỹ đang cạnh tranh ráo riết để thu hút đầu tư Trung Quốc. Nhưng Washington cũng lo lắng về sự quá lệ thuộc vào vốn Trung Quốc và lo sợ gián điệp mạng Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc cần tìm một nơi an toàn để cất giữ những lượng tiền dự trữ của mình và cần đến công nghệ Mỹ để xây dựng một xã hội tri thức. Nhưng Bắc Kinh tức giận vì cho rằng chính sách gia tăng nguồn cung tiền [quantitative easing] của Cục dự trữ Liên bang Mỹ đang làm tiêu tán đống tiền của Trung Quốc và nghi ngờ rằng Washington đang hoạt động để thúc đẩy việc thay đổi thể chế tại Trung Quốc.
Ba, mặc dù nhiều nước phi liên kết cuối cùng phải chọn một chiến tuyến trong Chiến tranh Lạnh, nhưng trong những thập niên tới, những nước phi liên kết có thể khai thác sự hiện hữu của những khối quyền lực linh động hơn, không đòi hỏi nếu theo phe này phải loại bỏ phe kia. Hậu quả sẽ là một trật tự thế giới lang chạ [a promiscuous world order] trong đó các nước có thể ký kết các hiệp định với cả Trung Quốc lẫn Mỹ.
Sau cùng, Bắc Kinh và Washington sẽ kình chống nhau vì địa vị toàn cầu chứ không phải vì ý thức hệ. Cho đến nay Trung Quốc vẫn còn quá yếu và ở vào thế thủ, chưa đủ sức để đưa ra một phương án thay thế cho cái trật tự thế giới tự do do Mỹ lãnh đạo, nhưng tình hình này sắp thay đổi. Trung Quốc và Mỹ sẽ sử dụng cùng một thứ từ ngữ trong việc lý giải những động lực của mình như: “trật tự,” “tính chính đáng,” “tăng trưởng kinh tế,” và “trách nhiệm.” Nhưng, như người ta thường nói, hai nước này sẽ bị chia cách bởi cùng một ngôn ngữ.
MARK LEONARD là Đồng sáng lập viên kiêm Giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu và là Nhà nghiên cứu Chính sách công trong chương trình Bosch tại Học viện Xuyên Đại Tây dương. Ông là tác giả của hai cuốn sách gây tiếng vang và được dịch ra gần 20 thứ tiếng là Why Europe Will Run the 21st Century (2005) và What Does China Think? (2008).
Nguồn: Foreign Affairs, tháng Chín/tháng Mười 2013
Bản tiếng Việt © 2013 Trần Ngọc Cư & pro&contra
Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013
Mohan Malik - Lịch sử: khâu yếu ớt trong các đòi hỏi chủ quyền biển đảo của Bắc Kinh
Mohan Malik, The Diplomat, 30/8/2013
Trần Ngọc Cư dịch
Trung Quốc cho rằng quyền lịch sử hỗ trợ các đòi hỏi chủ quyền biển đảo của mình. Nhưng trong lịch sử, Trung Quốc thực sự có chủ quyền trên đó hay không?
Tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên gần hết Biển Đông [the South China Sea] hiện được in lên hộ chiếu và bản đồ chính thức của Trung Quốc. Các lãnh đạo và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày càng táo tợn lặp đi lặp lại rằng các đảo, đá, và đá ngầm trong biển này là “lãnh thổ Trung Quốc từ thời xa xưa”. Thông thường, những tuyên bố chủ quyền và biên giới lãnh hải chồng lấn lên nhau phải được giải quyết thông qua một sự kết hợp gồm có luật quốc tế thông thường, việc xét xử trước Toà án Công lý Quốc tế hay Toà án Quốc tế về Luật Biển, hay được trọng tài hòa giải theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Mặc dù Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS, nhưng nói chung công ước này bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền “dựa vào lịch sử”, tức loại chủ quyền mà Bắc Kinh thường tuyên bố một cách quyết đoán. Vào ngày 4 tháng Chín 2012, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Yang Jiechi [Dương Khiết Trì] nói với Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton rằng có “nhiều bằng chứng lịch sử và pháp lý cho thấy rằng Trung Quốc có chủ quyền trên các đảo trong biển Hoa Nam [Biển Đông] và các vùng biển tiếp giáp.”
Về “bằng chứng pháp lý”, đại đa số các chuyên gia pháp lý quốc tế đã kết luận rằng việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền lịch sử trên Biển Đông, với ngụ ý có đầy đủ quyền chủ quyền và quyền đồng ý cho các quốc gia khác quá cảnh, là vô giá trị và phi pháp. Bằng chứng lịch sử, nếu có chăng nữa, lại càng thiếu tính thuyết phục. Có một số mâu thuẫn trong việc Trung Quốc sử dụng lịch sử để biện minh cho các đòi hỏi chủ quyền của mình đối với các đảo và đá ngầm trong Biển Đông, mà mâu thuẫn không nhỏ là quyết đoán mang tính luận chiến [polemic assertion] cho rằng chủ quyền biển đảo của Trung Quốc có những điểm tương đồng với sự bành trướng đế quốc của Mỹ và các cường quốc châu Âu ở thế kỷ 18 và thế kỷ 19. Biện minh cho những toan tính của Trung Quốc trong việc bành trướng biên cương trên biển bằng cách đòi hỏi chủ quyền trên những đảo và những bãi đá ngầm cách xa bờ biển của mình, Jia Qingguo [Giả Khánh Quốc], một giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, tranh luận rằng Trung Quốc chỉ theo gương các nước phương Tây. “Mỹ làm chủ đảo Guam tại châu Á cách rất xa nước Mỹ, và Pháp có các đảo trong Nam Thái Bình Dương, vì thế điều này không có gì mới lạ [khi áp dụng cho Trung Quốc]”, Jia đã trả lời AFP gần đây.
Một phân tích kỹ lưỡng về những “bằng chứng lịch sử” làm cơ sở cho đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc sẽ cho thấy rằng trên thực tế lịch sử không đứng về phía Trung Quốc. Trái lại, đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên cơ sở lịch sử sẽ mâu thuẫn với thực tế là các đế chế xưa của khu vực này không thể hiện quyền chủ quyền (sovereignty). Ở châu Á trước thời hiện đại, các đế chế đều có đặc tính chung là biên cương của chúng không được xác định rõ ràng, không được bảo vệ và thường thay đổi. Ở khu vực này, khái niệm hệ thống bá chủ triều cống [suzerainty] chiếm ưu thế. Khác với một quốc gia-dân tộc có chủ quyền [a nation-state], biên cương của các đế chế Trung Hoa vừa không được vẽ ra chu đáo vừa không được canh gác kỹ lưỡng, mà gần như là những vùng vây quanh hay khu vực, càng xa trung tâm văn minh thì ảnh hưởng của Thiên triều càng trở nên mờ nhạt, cho đến một ngoại vi không được xác định rõ ràng của các giống man rợ bên ngoài [alien barbarians]. Một điều quan trọng hơn nữa là, trong các tranh chấp lãnh thổ trước đây với các nước láng giềng như Ấn Độ, Miến Điện, và Việt Nam, Bắc Kinh luôn luôn có lập trường là lãnh thổ trên bộ của mình không bao giờ được định rõ, được phân ranh, và được đặt mốc giới. Nhưng hiện nay, đối với các đảo, bãi cạn, và bãi đá ngầm trong Biển Đông, Bắc Kinh tuyên bố ngược lại. Nói cách khác, lập trường của Trung Quốc cho rằng trong lịch sử, biên giới trên bộ của mình chưa bao giờ được định rõ và được đặt mốc giới đã mâu thuẫn rõ rệt với lập trường cho rằng biên giới trên biển của Trung Quốc luôn luôn được xác định rõ ràng và có mốc giới hẳn hoi. Đây là chỗ mâu thuẫn cơ bản trong lập trường Trung Quốc về biên giới trên bộ và trên biển, một lập trường không thể đứng vững. Thật ra, chính những nỗ lực diễn ra giữa thế kỷ 20 nhằm chuyển đổi những biên cương không được xác định rõ ràng của các nền văn minh cổ và những vương quốc hưởng chế độ triều cống thành những biên giới được xác định rõ ràng, được đặt mốc giới, và được phân ranh của các quốc gia-dân tộc hiện đại thực thi quyền chủ quyền, đã nằm ngay trung tâm của các cuộc tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải của Trung Quốc với các nước láng giềng. Tắt một câu, chủ quyền là một khái niệm hậu-đế chế [a post-imperial notion] được áp dụng cho các quốc gia-dân tộc [nation-states], chứ không phải cho các đế chế cổ đại [ancient empires].
Khái niệm chủ quyền không phải là một khái niệm của Trung Hoa hay của châu Á, mà là một khái niệm châu Âu phát sinh từ việc ký kết Hiệp định Westphalia năm 1648. Nó chủ yếu là một quan niệm về chủ quyền trên đất liền [a land-based concept] và mãi đến giữa thế kỷ 20 mới được áp dụng cho các quốc gia-dân tộc có chủ quyền tại châu Á và châu Phi. Hệ thống nhà nước Westphalia đặt cơ sở trên quan niệm các nước được bình đẳng về pháp lý hay có chủ quyền quốc gia trong các biên giới được xác định rõ ràng; hệ thống này không những khác với hệ thống phong kiến châu Âu cũ, mà còn khác với những dạng thức bá quyền [hegemomy] hay bá chủ thụ hưởng triều cống [suzerainty] khác tại châu Á.
Như mọi người đều biết, lịch sử thường được viết ra bởi phe chiến thắng, chứ không phải bởi phe chiến bại. Những đường biên giới hiện nay của Trung Quốc phần lớn phản ánh những biên cương được thiết lập trong giai đoạn bành trướng huy hoàng của nhà Mãn Thanh ở thế kỷ 18, mà qua thời gian chúng đã được củng cố để trở thành biên giới quốc gia cố định (trừ Ngoại Mông, chủ yếu nhờ Liên Xô) sau khi hệ thống quốc gia-dân tộc Westphalia được áp đặt tại châu Á vào thế kỷ 19 và thế kỷ 20. Tuy nhiên, sử quan chính thống Trung Quốc ngày nay thường bóp méo tiến trình lịch sử phức tạp này, khi cho rằng các dân tộc Mông Cổ, Tây Tạng, Mãn Châu, và Hán đều là người Trung Hoa, trong khi trên thực tế Vạn Lý Trường Thành được các vương triều Trung Hoa dựng lên để chặn đứng các bộ lạc Mông Cổ và Mãn Châu thường gây rối và xâm chiếm nước Trung Hoa của dân tộc Hán [Han China]; Vạn Lý Trường Thành thực sự tiêu biểu cho chu vi an ninh vòng ngoài của đế chế Hán Hoa. Mặc dù hầu hết các sử gia coi cuộc càn quét thô bạo của các đội quân Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn lãnh đạo vào đầu thế kỷ 13 là một đại họa đe dọa cho chính sự sống còn của các nền văn minh cổ tại Trung Hoa, Ấn Độ, Ba Tư và các quốc gia khác, nhưng các sử gia Trung Quốc đã cố tình đề cao huyền thoại cho rằng Thành Cát Tư Hãn thực sự là “người Trung Hoa”, và do đó tất cả các vùng mà người Mông Cổ (Nhà Nguyên) đã có thời chiếm đóng hoặc chinh phục (như Tây Tạng và nhiều vùng Trung Á và Nội Á) đều thuộc chủ quyền Trung Quốc bằng cách áp đặt ngược thời gian một quan niệm chủ quyền châu Âu của thế kỷ 16 vào một châu Á thế kỷ 12. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên đảo Đài Loan và Biển Đông cũng đặt cơ sở trên luận cứ cho rằng cả hai đều là lãnh thổ của đế quốc Mãn Thanh. (Thật ra, theo các bản đồ của Mãn Châu hay nhà Thanh, chính đảo Hải Nam, chứ không phải các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, được mô tả là biên giới cực nam của Trung Quốc.) Theo phiên bản lịch sử này, bất cứ lãnh thổ nào được “người Trung Hoa” chinh phục trong quá khứ, thì xưa sao nay vẫn thế, đều thuộc về Trung Quốc, bất luận cuộc chinh phục đó đã diễn ra ở thời điểm lịch sử nào.
Cách viết đi viết lại lịch sử này, từ một quan điểm dân tộc chủ nghĩa nhằm đề cao tình đoàn kết quốc gia và chính nghĩa của chế độ, luôn luôn được các lãnh đạo Trung Hoa, cả Quốc Dân Đảng lẫn Cộng sản, đặt lên ưu tiên hàng đầu. Giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc cố tình hành xử như là kẻ kế thừa di sản của các đế chế Trung Hoa, thường sử dụng các biểu tượng và luận điệu của một đế chế. Từ sách giáo khoa bậc tiểu học đến tuồng tích lịch sử truyền hình, hệ thống thông tin do nhà nước kiểm soát thường xuyên tống vào đầu óc nhiều thế hệ người Trung Quốc một món ăn tinh thần là sự huy hoàng của đế chế Trung Hoa. Như nhà nghiên cứu Trung Hoa Geremie Barmé người Australia đã giải thích rõ: “Trong nhiều thập kỷ, hệ thống giáo dục và tuyên truyền Trung Quốc liên tục nhấn mạnh vai trò của lịch sử trong vận mệnh của quốc gia-dân tộc Trung Hoa [the Chinese nation-state]… Mặc dù chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông đã bị từ bỏ trên mọi lãnh vực ngoại trừ danh xưng, nhưng vai trò của lịch sử trong tiền đồ của Trung Quốc vẫn được kiên định”. Kiên định đến nỗi lịch sử đã được các viện nghiên cứu, các phương tiện truyền thông, và các cơ quan giáo dục do nhà nước kiểm soát gọt dũa thành một công cụ trong nghệ thuật điều hành quốc gia (còn được biết đến là “xâm lấn bằng bản đồ” [cartographic aggression]).
Trung Quốc dùng văn học dân gian, huyền thoại, và truyền thuyết, cũng như lịch sử, để củng cố các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải rộng lớn hơn, đồng thời tạo ra các tình hình thực tế mới trên đất liền và trên biển. Sách giáo khoa Trung Quốc rao giảng ý niệm Vương quốc Trung tâm [the Middle Kingdom = Trung Quốc] như là một nền văn minh lâu đời nhất và tiến bộ nhất nằm ngay giữa trung tâm vũ trụ, được vây quanh bởi những tiểu quốc được Hán hóa phần nào trong khu vực Đông và Đông Nam Á; những quốc gia nhỏ bé này phải luôn luôn hướng về Trung Quốc để khấu đầu và bày tỏ sự thần phục. Phiên bản lịch sử của Trung Quốc thường cố tình xóa nhòa sự khác biệt giữa ảnh hưởng bá quyền, quan hệ triều cống với quyền kiểm soát thực sự [chủ quyền]. Tin tưởng vào quan điểm cho rằng những ai làm chủ quá khứ thì nhất định kiểm soát được hiện tại và vạch hướng đi tương lai, Bắc Kinh luôn luôn đánh giá rất cao “lá bài lịch sử” (thường là một lối giải thích lịch sử có tính xét lại) trong các nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được những mục tiêu của chính sách đối ngoại, nhất là để giành lấy các nhượng bộ lãnh thổ và ngoại giao từ nước khác. Gần như mọi quốc gia tiếp giáp với Trung Quốc, hoặc lúc này hoặc lúc khác, đều đã nếm mùi vũ lực của Trung Quốc – Mông Cổ, Tây Tạng, Miến Điện, Triều Tiên, Nga, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, và Đài Loan – và là một đối tượng cho lịch sử xét lại của Trung Quốc. Như Martin Jacques nhận xét trong cuốn When China Rules the World [Khi Trung Quốc thống trị thế giới], “Chủ nghĩa Thiên triều Trung Quốc [Imperial Sinocentrism] hình thành và đặt cơ sở cho chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc hiện đại”. Nếu không bị chặn đứng, lòng kiêu hãnh của một đế chế hay tham vọng tái tạo dĩ vãng có thể mang lại những hậu quả khó lường cho hòa bình và an ninh khu vực.
Nếu khái niệm chủ quyền quốc gia có gốc rễ từ châu Âu vào thế kỷ 17 và từ hệ thống chính trị đã ra đời cùng với Hiệp định Westphalia, thì khái niệm chủ quyền trên biển lại gần như là một điều bịa đặt của Mỹ giữa thế kỷ 20, mà Trung Quốc và các nước khác đã lợi dụng để nới rộng biên cương trên biển. Như Jacques nhận xét, “Khái niệm chủ quyền trên biển là một phát kiến tương đối mới mẻ, có từ năm 1945 khi Mỹ tuyên bố ý định thực thi quyền chủ quyền trên các lãnh hải của mình”. Thật ra, thỏa ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển là nỗ lực quốc tế nổi bật nhất nhằm áp dụng ý niệm chủ quyền trên đất liền cho các vùng biển trên toàn thế giới – nhưng có một điều quan trọng là, thỏa ước này bác bỏ quan niệm dùng quyền lịch sử để biện minh cho quyền chủ quyền. Như vậy, mặc dù Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền đối với khoảng 80% Biển Đông như là “vùng biển lịch sử” của mình (và đang ra sức nâng cấp đòi hỏi này thành một “lợi ích cốt lõi” tương tự các đòi hỏi chủ quyền đối với Đài Loan và Tây Tạng), nhưng trên quan điểm lịch sử, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông chẳng khác nào Mexico tuyên bố đặc quyền đối với Vịnh Mexico, hay Iran đối với Vịnh Ba Tư, hay Ấn Độ đối với Ấn Độ Dương. Nói cách khác, Trung Quốc không có quyền làm như thế. Từ một quan điểm pháp lý, “việc sử dụng rộng rãi tên gọi ‘biển Hoa Nam’ không ban phát chủ quyền lịch sử cho Trung Quốc.” Những nước từng dùng lịch sử để đòi hỏi chủ quyền trên các đảo đều có sự đồng ý của các nước khác và có một cách lý giải lịch sử mà các bên đều chấp nhận – cả hai yếu tố này đều thiếu tại Biển Đông.
Các đế chế cổ đại hoặc giành quyền kiểm soát các lãnh thổ thông qua hành động xâm lược, sáp nhập, hay đồng hóa, hoặc mất những lãnh thổ ấy sang tay các địch thủ có vũ lực hay tài cai trị ưu việt hơn. Sự bành trướng hay mất dần lãnh thổ là một thông lệ, được định đoạt bởi sức mạnh hay sự suy yếu của một vương quốc hay một đế chế. Chính khái niệm “những vùng đất thiêng liêng” là phi lịch sử [ahistorical] vì việc kiểm soát lãnh thổ đặt trên cơ sở ai là kẻ cuối cùng giành giật được hay lấy trộm được lãnh thổ của ai. Các biên cương của những vương triều Tần, Hán, Đường, Tống, và Minh thay đổi theo vận nước thịnh suy suốt chiều dài lịch sử. Một đế chế Trung Hoa hùng mạnh, rất giống nước Nga Sa hoàng, có xu thế mở mang bờ cõi trong vùng Nội Á và Đông Dương khi cơ hội đến và sức mạnh cho phép. Việc bành trướng lãnh thổ diễn ra từng bước qua những thế kỷ dưới các triều đại ngoại-Hán (non-Chinese) như Mông Cổ và Mãn Châu đã nới rộng quyền kiểm soát của đế chế Trung Hoa đối với Tây Tạng và nhiều vùng tại Trung Á (nay là Tân Cương), Đài Loan, và Đông Nam Á. Trên thực tế, Trung Quốc hiện đại là một “nhà nước đế chế” đội lốt một quốc gia-dân tộc.
Thậm chí nếu ta tạm thời chấp nhận lý luận của Bắc Kinh trong các “đòi hỏi chủ quyền lịch sử” đi nữa, thì vẫn còn một vấn đề là, đế chế Trung Hoa không phải là đế chế duy nhất tại châu Á và trên thế giới trước thời hiện đại. Có nhiều đế quốc và vương quốc khác nữa. Nhiều nước có thể đưa ra những “đòi hỏi chủ quyền lịch sử” có giá trị không kém đối với những vùng đất hiện không nằm trong lãnh thổ của họ, mà ở dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc (chẳng hạn, vùng Gian Đảo [Gando] trong tỉnh Cát Lâm của Trung Quốc là của Triều Tiên). Trước thế kỷ 20, tại châu Á không có quốc gia-dân tộc có chủ quyền [sovereign nation-states] nào có biên giới với quyền tài phán và kiểm soát rõ ràng và được xác định trên pháp lý. Nếu đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc được biện minh trên cơ sở lịch sử, thì đòi hỏi chủ quyền của người Việt Nam và của người Philippines cũng được biện minh dựa vào lịch sử của họ. Các nhà nghiên cứu lịch sử châu Á, chẳng hạn, biết rằng các sắc dân Mã lai có cùng gốc gác với dân Philippines ngày nay có thể đưa ra đòi hỏi chủ quyền đối với Đài Loan hợp lý hơn cả Bắc Kinh. Đài Loan được định cư từ đầu bởi hậu sinh của giống dân Mã Lai - Đa đảo [Malay-Polynesian] – tổ tiên của những nhóm thổ dân ngày nay – trước đây đã từng sống ở các đồng bằng vùng thấp ven biển của đảo Đài Loan. Nhà nghiên cứu châu Á nổi tiếng Philip Bowring tranh luận rằng “sự thể Trung Quốc có một lịch sử được ghi chép lâu đời không xóa mất giá trị của lịch sử các quốc gia khác được minh họa bằng dụng cụ tạo tác, ngôn ngữ, huyết thống và các tương đồng di truyền, các bằng chứng về giao thương và đi lại.”
Trừ phi ta tán thành quan niệm cho rằng Trung Quốc là một quốc gia ngoại lệ vì tính cách phi thường của nó [Chinese exceptionalism], các “đòi hỏi chủ quyền lịch sử” của đế chế Trung Hoa chỉ có giá trị như những đòi hỏi chủ quyền lịch sử của các vương quốc và đế chế khác tại Đông Nam Á và Nam Á. Cái rắc rối của bằng chứng lịch sử là phải vạch cho được đường ranh giới nằm ở đâu và vào thời điểm nào, tại sao phải như vậy, và quan trọng hơn nữa, phiên bản lịch sử của ai là chính xác. Việc Trung Quốc đưa yêu sách chủ quyền đối với các thuộc địa của những đế chế Mông Cổ và Mãn Châu chẳng khác thể Ấn Độ đòi chủ quyền đối với Afghanistan, Bangladesh, Miến Điện, Malaysia (Srivijaya), Nepal, Pakistan, và Sri Lanka trên cơ sở là tất cả những nước này đã từng nằm trong những đế chế của các triều đại Ashoka, Maurya, Chola hay các đế quốc Moghul và Ấn Anh. Từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 13, một số vua của hai triều đại Pallava và Chola ở miền Nam Ấn đã huy động những lực lượng hải quân và bộ binh để lật đổ các vương quốc láng giềng và chinh phạt các nước trong vùng Vịnh Bengal. Họ cũng dùng đường biển để chinh phục những vùng đất bây giờ là Sri Lanka, Malaysia và Indonesia. Trong một tác phẩm nghiên cứu về văn hóa chiến lược Ấn Độ, George Tanham nhận xét: “Trong một đụng độ mà thực tế là một trận chiến thương mại giữa Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu, những vị vua Chola đã hoàn toàn giành được thắng lợi trong các cuộc giao tranh trên biển cũng như trên bộ và đã cai trị nhiều vùng tại Đông Nam Á một thời gian ngắn”.
Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông cũng là một thay đổi chính sách quan trọng, đi ra ngoài định hướng địa chiến lược lâu đời của Trung Quốc là củng cố quyền lực trên lục địa. Khi rêu rao về truyền thống hàng hải có bề dày của mình, Trung Quốc đã khai thác quá đáng những cuộc viễn hành của Zheng He [Trịnh Hòa] đến Ấn Độ Dương và châu Phi vào đầu thế kỷ 15. Nhưng, như Bowring vạch rõ, “Trên thực tế, người Trung Hoa chỉ là những kẻ đến sau trong ngành hàng hải bên ngoài vùng nước duyên hải. Qua hàng thế kỷ, người làm chủ đại dương là các dân tộc Mã Lai - Đa đảo, từng chiếm thuộc địa nhiều vùng trên thế giới, từ Đài Loan đến tận New Zealand và Hawaii về hướng Nam và hướng Đông, và đến tận Madagascar về hướng Tây. Các chậu đồng được họ đem ra trao đổi hàng hóa với cư dân Palawan, ở ngay phía nam bãi cạn Scarborough, vào thời đại Khổng Tử. Khi các tín đồ Phật giáo Trung Hoa như Faxian [Pháp Hiền] đi hành hương đến Sri Lanka [vùng Nam Ấn] vào thế kỷ 5, họ đi trên những chiếc thuyền do các dân tộc Mã Lai làm chủ và điều khiển. Các thuyền buôn từ vùng đất mà bây giờ là Philippines đã giao thương với Phù Nam, một vương quốc trên vùng đất bây giờ là Nam Bộ, cả ngàn năm trước triều đại nhà Nguyên.”
Và sau cùng, cái gọi là “đòi hỏi chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với Biển Đông trên thực tế không phải là chuyện của “hàng thế kỷ trước”. Đòi hỏi này chỉ mới được đưa ra năm 1947, khi chính phủ dân tộc chủ nghĩa của Tưởng Giới Thạch vẽ ra cái gọi là “đường đứt đoạn mười một gạch ngắn” trên các bản đồ Biển Đông, bao gồm quần đảo Trường Sa và càc chuỗi đảo khác mà Quốc Dân Đảng đang cầm quyền tuyên bố là thuộc chủ quyền Trung Quốc. Bản thân Tưởng Giới Thạch, người từng nói rằng ông coi chế độ Phát-xít Đức là mô hình cho Trung Quốc, rất say mê một khái niệm của Đức Quốc Xã gọi là Lebensraum (“không gian sinh sống”) được mở rộng cho dân tộc Trung Hoa. Tưởng không có cơ hội để chính mình theo đuổi chủ nghĩa bành trướng vì Nhật Bản luôn đẩy ông vào thế phòng thủ, nhưng các nhà địa dư của chế độ dân tộc chủ nghĩa này đã vẽ ra hình chữ U gồm mười một gạch ngắn trong một mưu toan nới rộng “không gian sinh sống” của Trung Quốc trên Biển Đông ngay sau khi Nhật Bản bị đánh bại trong Thế chiến II. Rõ ràng là, chính phủ dân tộc chủ nghĩa Trung Hoa Dân Quốc cũng phẫn nộ về việc các bản đồ Nhật Bản trong Chế chiến II mô tả toàn bộ Biển Đông như một ao nhà của Nhật. Chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên thực sự gửi tàu vào biển Biển Đông năm 1947 với cuộc hải hành của các tàu Trung Hoa Dân Quốc mang tên Zhongjian [Trung Kiện], Zhongye [Trung Nghiệp], Taiping [Thái Bình] và Yongxing [Vĩnh Hưng]. Nhưng mãi đến nhiều năm sau, Trung Quốc mới bắt đầu xúc tiến nghiên cứu địa hình. Tiếp theo sau chiến thắng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong nội chiến Quốc-Cộng vào năm 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chấp nhận theo đuổi cuộc đảo chánh bằng bản đồ [cartographic coup] này, bằng cách sửa lại ý đồ của Tưởng thành một “đường đứt đoạn chín gạch ngắn” sau khi xóa bỏ hai gạch trong Vịnh Bắc Bộ vào năm 1953 cho thấy những nơi Tưởng chưa bao giờ gửi tàu đến. Mãi cho đến 2005, Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân mới cho xuất bản tấm bản đồ Bãi cạn Scarborough, một phiên bản sao chép từng chi tiết một từ bản đồ Hải quân Mỹ (xin cảm ơn Barney Moreland đã cung cấp cho tác giả thông tin này).
Kể từ khi Thế chiến II chấm dứt, Trung Quốc liên tục vẽ lại bản đồ của mình, xác định lại các biên giới, ngụy tạo bằng chứng lịch sử, dùng vũ lực để tạo ra các thực tế mới về lãnh thổ, đặt tên lại các đảo, và tìm cách áp đặt phiên bản lịch sử của mình lên các vùng biển trong khu vực. Việc thông qua luật nội địa 1992, “Luật về các lãnh hải và các vùng tiếp giáp chúng”, một đạo luật tuyên bố chủ quyền trên 4/5 Biển Đông, đã được tiếp nối bằng những cuộc đụng độ vũ trang với hải quân Philippines và Việt Nam trong những năm 1990. Gần đây hơn, việc Trung Quốc gửi những đoàn tàu đánh cá đông đảo và tàu hải giám vào các vùng nước đang tranh chấp trong một chiến dịch tương đương với một “chiến tranh nhân dân trên biển cả” đã làm tăng thêm các căng thẳng. Xin trích lời của Sujit Dutta [nhà nghiên cứu thâm niên tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng New Delhi], “Chủ trương phục hồi lãnh thổ không khoan nhượng của Trung Quốc đặt cơ sở trên học thuyết cho rằng cần phải chiếm đóng vùng ngoại vi để giữ vững trung tâm. Trên cơ bản, đây là một quan niệm đế quốc được các phần tử dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc, cả Quốc Dân Đảng lẫn Cộng sản, tiếp thu một cách chủ quan. Các mưu mô của chế độ [hiện nay] nhằm vói tới các biên cương tưởng tượng thiếu căn cứ lịch sử đã và đang mang lại những hậu quả chiến lược gây bất ổn cao độ.”
Rõ ràng là, một lý do mà người Đông Nam Á thấy khó chấp nhận những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc là vì việc này sẽ đồng nghĩa với việc chấp nhận cái quan niệm về tính ưu việt của chủng tộc Hán đối với các chủng tộc và các đế chế châu Á khác. Jay Batongbacal, một giáo sư trường luật Đại học Philippines, nói rằng: “Bằng trực giác người ta sẽ thấy việc chấp nhận đường đứt đoạn chín điểm của Trung Quốc là tương đương với việc từ bỏ chính bản sắc và lịch sử tổ tiên của các dân tộc Việt Nam, Philippines, và Mã Lai; trên thực tế đó là một mưu mô làm tái sinh giữa thời hiện đại cái thái độ khinh thị của Trung Quốc đối với các dân tộc ngoại-Hán [non-Chinese] mà họ cho là ‘bọn man rợ’ không đáng được tôn trọng và không có nhân phẩm của những dân tộc.”
Nói tóm lại, các đế chế và vương quốc cổ đại không bao giờ thực thi quyền chủ quyền. “Vấn đề lịch sử” là rất phức tạp và thách thức mọi lý giải dễ dãi. Nếu đòi hỏi chủ quyền dựa vào lịch sử có giá trị, thì Mông Cổ có thể giành toàn bộ châu Á chỉ vì quân Mông đã có thời chinh phục các nước của châu lục này. Tuyệt đối không có một cơ sở lịch sử nào để hậu thuẫn cho cả hai đòi hỏi chủ quyền bằng những đường đứt đoạn [mà Quốc Dân Đảng và Cộng sản Trung Quốc đưa ra], nhất là khi xét rằng lãnh thổ các đế chế Trung Hoa không bao giờ được đặt mốc giới rõ ràng như trường hợp các quốc gia-dân tộc, mà chúng chỉ là những vùng ảnh hưởng, càng xa trung tâm văn minh thì Thiên triều càng mất dần quyền lực, mờ nhạt dần cho đến chu vi của các giống rợ bên ngoài [alien barbarians]. Đây là lập trường mà Trung Quốc đương đại đã chấp nhận kể từ những năm 1960, trong khi đàm phán về biên giới trên bộ với nhiều nước láng giềng. Nhưng đây không phải là lập trường mà Trung Quốc chấp nhận ngày nay trong các cuộc xung đột bằng bản đồ, bằng ngoại giao, và bằng quân sự ở cường độ thấp để xác định đường biên giới trên biển của mình.
Việc liên tục giải thích lại lịch sử để đẩy mạnh các đòi hỏi chủ quyền chính trị, lãnh thổ, và lãnh hải hiện nay của Trung Quốc, kết hợp với khả năng của giới lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc trong việc phát động và dập tắt “các cuộc biểu tình yêu nước tự phát” như mở và đóng một vòi nước vào những thời điểm căng thẳng với Mỹ, Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Độ, Việt Nam, và Philippines, khiến Bắc Kinh khó có thể trấn an các nước láng giềng rằng “cuộc trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc là hoàn toàn hoà hoãn. Chấp nhận phiên bản lịch sử của Trung Quốc có nghĩa là bác bỏ lịch sử của các nước khác và ý niệm bình đẳng giữa các quốc gia-dân tộc có chủ quyền. Vì có đến sáu quốc gia đòi hỏi chủ quyền trên các đảo san hô, các đảo, các tảng đá, và các trữ lượng dầu hỏa trong Biển Đông, những tranh chấp về quần đảo Trường Sa, theo đúng nghĩa, là những tranh chấp đa phương đòi hỏi phải có trọng tài quốc tế. Nhưng Bắc Kinh cứ khăng khăng theo đuổi đường lối song phương để giải quyết tranh chấp chỉ vì tin tưởng rằng Bắc Kinh có thể thành công nhờ ưu thế tương đối của mình và nhờ sự chia rẽ trong khối ASEAN. Đòi hỏi “chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc trên Biển Đông”, một đòi hỏi mới phát sinh vào những năm cuối của thập niên 1940, chứ không phải trong lịch sử cổ đại, đang đặt ra một thách thức đối với tất cả các quốc gia trên biển.
M. M.
Mohan Malik là Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương, Honolulu. Đây là quan điểm cá nhân của tác giả và không phản ánh quan điểm của Trung tâm châu Á - Thái Bình Dương. Một phiên bản ra sớm hơn và ngắn hơn của bài bày đã xuất hiện trên World Affairs, số tháng Năm/tháng Sáu 2013. Tác giả đặc biệt cảm ơn Carleton Cramer, Carlyle Thayer, Justin Nankivell, Denny Roy và Barney Moreland về những bình luận và đề nghị vô giá.
Nguồn: Bauxite Việt Nam
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)