Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Huy Bích. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Huy Bích. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 14 tháng 3, 2023

Trần Huy Bích: Nhân chuyện câu “Lưỡi lê no máu rửa Tây hồ” được gán cho thi sĩ Vũ Hoàng Chương

Trên Văn Việt ngày 16 tháng 2 vừa qua, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (University of New South Wales, Sydney, Úc) cho biết một số độc giả trên mạng đã hiểu một cách sai lầm rằng câu “Lưỡi lê no máu rửa Tây hồ” là thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Từ chuyện ngộ nhận ấy, nhiều vị viết lời bình luận rằng Vũ Hoàng Chương là một người sắt máu, chẳng khác gì Tố Hữu ngoài Bắc. Cũng qua câu trên, có người cho rằng thơ văn miền Nam thời Việt Nam Cộng Hoà cũng “máu me” lắm chứ chẳng nhân bản, nhân văn gì. Theo Giáo sư Tuấn, “Sự thật có lẽ không phải vậy, mà chỉ là một sự bịa đặt trong một cuốn tiểu thuyết, cuốn Ván Bài Lật Ngửa của tác giả Nguyễn Trương Thiên Lý” (tức nhà văn, nhà biên khảo, Ủy viên Tuyên huấn Trung ương Trần Bạch Đằng). Giáo sư Tuấn cho biết là câu ấy không có trong bài “Lửa từ bi” của Vũ Hoàng Chương, và chụp lại bài thơ “Từ đây” trong tập thơ Hoa Đăng của thi nhân họ Vũ (Sài Gòn : Văn Hữu Á Châu, 1959) để chứng minh rằng câu thơ ghê gớm ấy cũng không có trong đó:

https://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/thuc-hu-nhung-cu-tho-sat-mu-duoc-cho-l-cua-thi-si-vu-hong-chuong/


Trên Diễn Đàn Thế Kỷ ngày 18.2 cũng có đăng bài viết nói trên của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn và bài viết của Nhà văn Mặc Lý (Canada) đính chính thay cho cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương về việc này và một vài thông tin không chính xác khác:

https://www.diendantheky.net/2023/02/mac-ly-mot-vai-thong-tin-sai-lac-ve-vu.html


Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2022

Trần Huy Bích: Góp Phần Tìm Hiểu Bài Thơ Điếu Phan Thanh Giản Bằng Chữ Hán Của Nguyễn Đình Chiểu

Hai bài thơ Nguyễn Đình Chiểu làm để điếu Phan Thanh Giản có thể được sáng tác ngay sau khi Phan Thanh Giản quyên sinh (năm 1867) hay – ở trường hợp bài chữ Hán – sau khi ông bị truy đoạt hết chức tước và đục tên khỏi bia Tiến sĩ. Từ đó đến nay đã trên 150 năm. Qua nhiều thế hệ, hai bài thơ ấy vẫn được coi là những tác phẩm bộc lộ niềm cảm thông trước hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của Phan Thanh Giản và bày tỏ lòng thương tiếc đối với ông. Ít năm gần đây, một vài tác giả ở trong nước biện luận rằng Nguyễn Đình Chiểu đã không thực sự thương tiếc Phan Thanh Giản, mà chỉ làm ra vẻ thương tiếc để mai mỉa và lên án ông. Những hàng phía sau là một cố gắng đọc lại bài thơ điếu bằng chữ Hán một cách cẩn trọng, để tìm hiểu chủ ý đích thực của Nguyễn Đình Chiểu khi sáng tác bài thơ ấy.


Khi Phan Thanh Giản quyên sinh năm 1867, Nguyễn Đình Chiểu bị mù đã được 18 năm (từ 1849). Các tác phẩm bằng quốc âm của vị thầy mất thị giác đã được các môn sinh của ông chép ra bằng chữ Nôm rồi về sau chuyển đổi sang chữ quốc ngữ. Các tác phẩm bằng chữ Hán hẳn cũng được ghi ra chữ Hán, nhưng sau một số lần sao đi chép lại, những chữ đồng âm nhưng khác nghĩa và những chữ có âm gần giống nhau đã rơi vào tình trạng “tam sao thất bổn,” khiến chúng ta thấy xuất hiện một số bản chữ Hán với cách viết và ý nghĩa khác nhau. Trước khi ông Lê Thọ Xuân liên lạc được với người con của Nguyễn Đình Chiểu là ông Nguyễn Đình Chiêm và cung cấp một bản thuộc loại “có thẩm quyền” cho bài thơ chữ Hán năm 1933 (bài “Danh nhơn Nam Kỳ,” Đồng Nai số 23 & 24, 15 Janvier – 2 Février 1933), chúng ta đã thấy có bản chữ Hán do ông Nguyễn Liên Phong đưa ra năm 1909 trong Nam Kỳ Phong Tục Nhơn Vật Diễn Ca (cuốn thứ 2, trang 71), và bản chữ Hán do ông Thái Hữu Võ đưa ra năm 1927 trong Phan Thanh Giảng Truyện (Sài Gòn : Xưa Nay, trang 46-47). Nhưng ông Lê Thọ Xuân chỉ cho biết là hai bài thơ do ông Thái Hữu Võ cung cấp có nhiều chỗ sai, và nêu ra những chỗ sai ấy bằng chữ quốc ngữ, chứ không cung cấp một bản viết đầy đủ và chính xác cho bài thơ chữ Hán. Những năm sau, bà Mai Huỳnh Hoa, cháu ngoại của bà Sương Nguyệt Anh (con gái của Nguyễn Đình Chiểu) và chồng bà là học giả Phan Văn Hùm, trong cuốn Nỗi Lòng Đồ Chiểu (bản in lần thứ hai, Sài Gòn : Tân Việt, 1957), cũng chỉ làm như thế, không cung cấp một bài thơ đầy đủ và chính xác ở dạng chữ Hán.

(Muốn biết hai bản chữ Hán với khá nhiều sai lầm của các ông Nguyễn Liên Phong và Thái Hữu Võ, xin vui lòng đọc trong cuốn Mối Thâm Tình Của Nguyễn Đình Chiểu Dành Cho “Quan Phan” Phan Thanh Giản của Winston Phan Đào Nguyên ([San Jose, Calif.] : Nhân Ảnh, 2022, các trang 55 và 61-62). 

Tác giả đã đưa cuốn sách lên mạng tại địa chỉ sau đây:

https://app.box.com/s/p7e3mgfty0l1asrqkewxuck6bwqw7rny


Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2022

Trần Huy Bích: Một Lá Thư Riêng Gửi Tác Giả Phan Đào Nguyên

Ngày 28 tháng 5, 2022

Kính gửi Luật sư Phan Đào Nguyên.


Cám ơn anh Nguyên đã có nhã ý cho tôi đọc trước bản nghiên cứu công phu của Anh về mối thâm tình xuất phát từ sự cảm thông và lòng ngưỡng mộ mà nhà nho ái quốc Nguyễn Đình Chiểu đã dành cho vị lão thần Phan Thanh Giản, người được ông gọi một cách kính cẩn là “quan Phan.” Xin thú thật từ là khi đất nước chia đôi năm 1954, ngoại trừ với phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm những năm 1955-57, và một số biên khảo, sáng tác trong giai đoạn dây trói tương đối được nới lỏng những năm cuối thập niên 1980, tôi không theo dõi kỹ những bài được gọi là “biên khảo văn học” của những cây bút phải sống dưới một chế độ không còn quyền tự do, thường phải uốn cong ngòi bút để có thể sống còn. Trong một khung cảnh đã khiến một nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Tuân, tới gần cuối cuộc đời, phải bật lên khóc và nói, “Tao sợ,” thì số lượng những người cầm bút dám mạnh dạn nói ra những nhận thức của mình đúng như mình nhìn thấy khó có thể cao. “Ăn cơm chúa” thì phải “múa tối ngày.” Khi nhà văn, nhà biên khảo đã trở thành công cụ lèo lái tư tưởng trong một xã hội toàn trị, thì những điều các vị ấy viết ra, khó được nhiều người thực sự quan tâm. Tôi tin rằng, “Cát bay vàng lại ra vàng.” Với thời gian, những chuyện xuyên tạc, bẻ cong ngòi bút trong một giai đoạn lịch sử đáng buồn của dân tộc dần dần sẽ được phát hiện, và sự thật sẽ được phục hồi.

Nhưng người xưa cũng từng nêu lên sự lo ngại, “Mưa lâu, ….. trâu hóa bùn.” Từ năm 1963, khi Trần Huy Liệu, ông trùm của ngành tuyên truyền ở miền Bắc, phán quyết một cách chắc nịch trên tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử, cơ quan báo chí chính thức của Viện Sử Học nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa rằng “Phan Lâm” đích thị đã “bán nước,” đến nay cũng đã 60 năm. Trong 60 năm ấy, như Anh cho biết, ít nhất ba nhân vật có chút tên tuổi trong ngành Hán Nôm ở trong nước đã hùa theo, chỉ hươu nói ngựa, đổi trắng thành đen, đem những câu cảm thông, ca ngợi Phan Thanh Giản ra giải thích một cách xuyên tạc thành những câu lên án và nguyền rủa Phan Thanh Giản một cách độc địa, thì quả cũng đáng sợ. Những thế hệ trẻ, kiến thức về lịch sử và văn học sử chưa đầy đủ, căn bản về Hán Nôm chưa vững, sẽ chịu ảnh hưởng ra sao? Cũng theo Anh cho biết, từ đó đến nay chưa một ai lên tiếng để phản bác. Rất cám ơn Anh đã bỏ nhiều công sức và thời giờ để soi sáng những xuyên tạc trắng trợn ấy, giúp lịch sử và văn học giữ được sự đứng đắn, chính xác, và minh oan cho tiền nhân. 


Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2022

Trần Huy Bích: Câu Đối Tưởng Niệm Nhạc Sĩ Cung Tiến

 (Chỉ trừ các chữ “vút, thiên tài” trong vế trước và chữ “nghệ sĩ” trong vế sau, 

tất cả các chữ khác đều từ tên các tác phẩm của nhạc sĩ Cung Tiến)



Nguyệt Cầm Hoài Cảm Hương Xưa,

VÚT VÚT Tung Cánh Hạc THIÊN TÀI,

Đêm Hoa Đăng Yêu Em Mắt Biếc;


Tấu Khúc Chim Bay Hoa Nở,

Vang Vang Trời Vào Xuân NGHỆ SĨ,

Chiều Nắng Hanh Qua Xóm Thu Vàng.

Trần Huy Bích




Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2021

Trần Huy Bích: Câu đối Tưởng niệm Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Mưa Nhã Nam Giăng lưới bắt chimThợ xẻ sao khinh Tướng về hưu, vùi Phẩm tiết Thương cho đời bạc,

Gió Hua Tát Gạ tình lấy điểmXuân hồng nào ngăn Suối êm dịuđau Thủy thần khóc mãi Sông ơi!


(Chữ đậm: Tên tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp

Chữ nghiêng: Tiếng nối mạch)


Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2020

Trần Huy Bích: Một Số Điều Nhiều người Chưa Biết Về Trung Tá Bùi Quyền

Từ trái sang: Bùi Quyền thời đi học, khi là sĩ quan Nhảy Dù, và khi tới Hoa Kỳ với những dấu hiệu của lao khổ và thời gian
Trung Tá Bùi Quyền thuộc binh chủng Nhảy Dù của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã tạ thế chiều Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020 vừa qua. Hầu như ai cũng biết ông là một trong những sĩ quan lỗi lạc của QLVNCH. Tốt nghiệp Thủ khoa khóa 16 trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt cuối tháng 12 năm 1962, ông đã chọn binh chủng Nhảy Dù khi ra trường. Từ đó cho tới khi miền Nam sụp đổ cuối tháng 4-1975, ông được coi là “một quân nhân quả cảm, luôn có mặt ở tuyến đầu trong những trận chiến ác liệt nhất.” Mới ở cấp Đại Úy đã được Bảo Quốc Huân Chương. Còn Anh Dũng Bội Tinh với nhành dương liễu, với sao vàng, sao bạc … cùng nhiều loại huân chương khác thì … đếm không xuể. Ông có mặt trong nhiều trận chiến ác liệt: Dak To – Tân Cảnh, giải vây An Lộc, lấy lại Quảng Trị, bảo vệ đèo Khánh Dương, và từ 4 tháng 4 năm 1975, bảo vệ Sàigòn. Ông không bỏ binh sĩ, chiến đấu tới phút chót, và sau lệnh phải buông súng ngày 30-4-1975, bị những người ở “bên thắng cuộc” nhốt vào “trại cải tạo” 13 năm với nhiều tháng biệt giam. Khi sang Mỹ năm 1991, được vị Tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ (Tổng thống George H.W. Bush), và Học Viện Không Lực của Hoa Kỳ (U.S. Air Force Academy ở Colorado Springs, tiểu bang Colorado) đón tiếp một cách trang trọng.

Nhưng một khía cạnh khác cũng khá đặc biệt về ông có lẽ nhiều người chưa biết. Một người bạn từ thuở còn đi học, gặp nhau từ 1954, 66 năm trước đây, xin được nói ít lời về khía cạnh ấy. Để thuật lại một số chuyện mang tính cách bạn hữu, từ đây trở đi xin được theo cách nói của bè bạn, dùng tiếng “anh” mỗi khi nhắc đến ông.

Anh Quyền xuất thân từ một gia đình khoa bảng và văn học có danh tiếng từ nhiều đời. Từ nửa sau của thế kỷ 19, họ Bùi làng Châu Cầu của gia đình anh cùng họ Dương làng Vân Đình của các cụ Dương Khuê, Dương Lâm đã nổi tiếng với nhiều nhân vật xuất sắc.

Năm Ất Sửu 1865 đời vua Tự Đức, ở làng Châu Cầu (nay thuộc tỉnh Hà Nam) có hai cụ Bùi Dị và Bùi Quế (anh em họ) cùng đậu Phó bảng. Khi vinh quy, được mừng đôi câu đối như sau:

Bùi tộc đồng khoa song hội bảng
Châu Cầu nhất nhật lưỡng vinh quy.

(Họ Bùi đậu cùng khoa, hai người trên bảng thi hội
Làng Châu Cầu trong một ngày hai đám rước vinh quy).

Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2018

Trần Huy Bích: Văn Tế tại lễ khai giảng huấn luyện – tu nghiệp sư phạm

VĂN TẾ đọc trong lễ khai giảng khóa Huấn luyện và Tu nghiệp Sư phạm kỳ thứ 30, vào ngày 3 tháng 8 năm 2018 tại Little Saigon, Nam California - USA
Lời giới thiệu của ban tổ chức - Ngay từ đầu thập niên 1980, sau khi tạm ổn định cuộc sống trên miền đất tỵ nạn, một số nhà giáo từ Nam Việt Nam đã cùng nhau tổ chức những lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em. Ở những nơi tương đối đông người Việt như Nam và Bắc California, Texas, Louisiana…, nhiều trường, lớp tiếng Việt đã được mở, giảng viên là các cựu giáo chức, sau có thêm sự cộng tác của những tình nguyện viên trẻ.

Trong buổi đầu các lớp dạy chỉ là những đơn vị biệt lập, nhưng sau một thời gian, các trung tâm Việt ngữ nhận thấy có nhu cầu liên lạc với nhau, vừa giúp việc lựa chọn cùng soạn thảo tài liệu giáo khoa, vừa để tương trợ và trao đổi kiến thức, kinh nghiệm. Ban Đại diện các Trung tâm Việt ngữ Nam California được thành lập năm 1987, với Nội quy mỗi hai năm bầu lại một lần. Hai năm sau, 1989, khóa Huấn luyện và Tu nghiệp Sư phạm đầu tiên được tổ chức, không chỉ với sự tham dự của các Trung tâm Việt ngữ Nam California (hiện có trên 90), mà còn có sự tham dự của nhiều Trung tâm Việt ngữ ở các nơi khác. Từ đó, mỗi năm một khóa Huấn luyện và Tu nghiệp Sư phạm lại được mở, giảng viên là các cựu giáo chức, cựu giảng viên nhiều kiến thức và kinh nghiệm, học viên là các thầy cô giáo trẻ hơn đến từ các nơi. Mỗi khóa huấn luyện quy tụ khoảng 200 thầy cô giáo, có người tới từ Canada, Âu châu, Úc châu… Năm nay, 2018, là khóa huấn luyện kỳ thứ 30, có giáo chức đến từ Nhật và Na Uy.

Theo truyền thống từ 30 năm nay, mỗi buổi lễ khai giảng đều bắt đầu bằng một nghi thức tế quốc tổ và tiền nhân. Bài văn tế cho lễ khai giảng năm nay do Gs. Trần Huy Bích soạn thảo theo ý kiến và lời yêu cầu của Ban Đại diện, toàn văn như sau.


Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2018

Trần Huy Bích: Thơ làm trên thuyền về hưu: tâm sự của Trần Nguyên Đán


夜歸舟中作
萬國民生沸鼎魚
朔燕東汴已邱墟
歸舟未穩江湖夢
分取魚燈照古書

陳元旦 

Dạ quy chu trung tác
Vạn quốc dân sinh phí đỉnh ngư
Sóc Yên, đông Biện dĩ khưu khư
Quy chu vị ổn giang hồ mộng
Phân thủ ngư đăng chiếu cổ thư.
Trần Nguyên Đán

Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

Trần Huy Bích: Ba tài liệu mới liên quan đến Biển Đông do một số viên chức cao cấp trong quân lực Hoa Kỳ soạn thảo

Sau khi Trung Cộng dùng binh lực cướp quần đảo Hoàng Sa từ Việt Nam tháng 1 năm 1974, rồi bộc lộ tham vọng muốn độc chiếm Biển Đông, nhiều cuốn biên khảo về Hoàng Sa, Trường Sa, các đảo, các bãi đá,tài nguyên, cùng tình trạng pháp lý trên Biển Đông đã được học giới quốc tế soạn thảo. Hầu hết tác giả các sách ấy là những nhà nghiên cứu dân sự.Năm 2001, một Hải quân Đại tá của Hoa Kỳ, giáo sư tại National War College ở Washington, DC là Đại tá Bernard D. Cole cho xuất bản cuốn The Great Wall at Sea để trình bày những nghiên cứu của ông về hải quân Trung Cộng. Cuốn sách rất được chú ý và đã Học viện Hải quân Hoa Kỳ tại Annapolis, Maryland tái bản với những cập nhật cần thiết năm 2010. Nhưng nội dung cuốn ấy cũng chỉ trình bày chính sách bành trướng của Cộng sản Trung Hoa một cách khái quát, rồi đến việc tổ chức hải quân, các loại tàu, tàu ngầm, máy bay yểm trợ, các loại võ khí.  Sang lãnh vực nhân sự, cuốn sách nói tới cơ cấu tổ chức, các chuyên viên, việc huấn luyện, và thể thức điều động của hải quân Trung Cộng.
The Great Wall at Sea: China’s Navy in the 21st Century
2nd ed. Annapolis, MD : Naval Institute Press, 2010 

Qua hai năm 2013 và 2014, hai cuốn sách về các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được Đại học Chiến tranh của Hoa Kỳ (U.S. Army War College) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược (Strategic Studies Institute, thường được viết tắt là SSI) ở Carlisle, Pennsylvania xuất bản. Tác giả các cuốn ấy là cựu Trung tá Không quân Claren J. Bouchat. Trung tá Bouchat từng phục vụ tại nhiều nhiệm sở khác nhau ở Á Đông, sau khi về hưu cũng trở thành giảng sư tại U.S. Army War College. Ông cũng dạy địa dư cùng Đông-Á học (East Asia Studies) tại University ofMaryland và U.S. Air Force Academy ở Colorado.

Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2018

Trần Huy Bích: “CON TRÂU RỪNG CUỐI CÙNG TRÊN ĐẢO” MỘT VÀI CẢM NGHĨ SAU KHI ĐỌC TUYỂN TẬP BÚT KÝ CỦA NGUYỄN CÔNG KHANH


Ở thời của chúng ta, nếu sống trong một xã hội tân tiến, số người vượt quá tuổi 80 không phải là hiếm. Nhưng trên 80 mà vẫn minh mẫn, nhớ lại khá rõ dĩ vãng của mình để có thể thuật lại một cách tường tận, vừa để chia sẻ với mọi người, vừa để đưa ra những suy tư đáng được lắng nghe về quê hương, đất nước, xã hội, thân phận con người … thì hiếm hoi hơn. Nếu kể lại với cái tâm thành thật và nhận xét vô tư thì hiếm hơn nữa. Thêm vào đó, khi đã tới (hoặc gần tới) tuổi ấy nhưng vẫn còn đủ nghị lực và sức mạnh thể chất để có thể đi đến nhiều nơi trong nước cũng như trên thế giới, quan sát nhiều khung cảnh xã hội khác nhau, gặp nhiều loại người khác nhau, thuật lại với những nhận xét tinh tế của một người có kiến thức rộng  …,có thể nói là khá hiếm. “Con trâu rừng cuối cùng trên đảo” của Nguyễn Công Khanh có thể được coi là một trong những trường hợp“khá hiếm” ấy.

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

Trần Huy Bích: Giới thiệu một trang thủ bút đặc biệt của thi sĩ Vũ Hoàng Chương vừa được phát hiện

Trong rất nhiều năm trước 1975, một phần do lòng mến mộ của độc giả, mỗi dịp Xuân đến, nhiều báo Xuân ở Sàigòn vẫn đăng một bài thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương với thủ bút của chính tác giả. Nét chữ tung hoành như được phóng bút một cách cẩu thả nhưng vẫn duyên dáng với chữ ký đặc biệt “nghệ sĩ” của thi hào họ Vũ được nhiều người mến chuộng. Đã có lúc Vũ Hoàng Chương nhắc tới chuyện ấy một cách đùa giỡn:
Báo chương mấy độ vẽ bùaChắt chiu cũng đủ tiền mua trăng rằm. 

“Báo chương mấy độ vẽ bùa”
Bài thơ thủ bút của thi sĩ Vũ Hoàng Chương nhân dịp Tết năm Nhâm Tý 1972 
Do một cơ duyên hiếm có, trước ngày giỗ năm thứ 40 của thi sĩ Vũ Hoàng Chương năm nay (1976-2016), người viết những dòng này được may mắn trông thấy một trang thủ bút thuộc loại đặc biệt của cố thi sĩ từ trước chưa nghe ai nói tới. Trái với thông lệ, thi nhân họ Vũ viết chữ một cách thận trọng, nghiêm túc, có chỗ như nắn nót nữa, và dùng những từ trang trọng như “Vũ Hoàng Chương bái bút.” Đó là cặp câu đối nhà thơ viết để kính điếu khi chí sĩ cách mạng Nguyễn Thế Truyền tạ thế vào dịp tết Trung Thu năm 1969. 

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

Từ Mai Trần Huy Bích: Nhà Báo Như Phong Lê Văn Tiến

Như Phong Lê Văn Tiến

Trần Huy Bích là một trong những người “bạn trẻ” tới liên lạc, kết nên tình thân với nhà báo Như Phong từ 1955, năm thứ hai của nhật báo Tự Do (cùng với Nguyễn Thượng Hiệp, Dương Đình Hợp, Phạm Công Bạch, Hà Vĩnh Thọ, Trần Như Tráng, sau thêm Tạ Văn Tài). Tình thân ấy được tiếp nối sau khi ông Như Phong ra khỏi nhà giam CS, tới đất Mỹ năm 1994 cho đến khi ông qua đời.

VÀI CHI TIẾT CÁ NHÂN

Nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến tên thật là Nguyễn Tân Tiến. Trên giấy tờ, nhân vật mang danh hiệu Lê Văn Tiến sinh 1 tháng 2 năm 1923 tại Nam Định. Đây không phải là ngày sinh và nơi sinh thật của ông. Theo ông Nguyễn Ngọc Ấn, người em ít tuổi nhất trong gia đình, song thân các ông chưa sống ở Nam Định bao giờ: nhà báo Như Phong và tất cả các em sinh ra ở Hà Nội. Ông sinh cuối năm 1922, theo âm lịch là năm Nhâm Tuất.

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

Trần Huy Bích - VIẾT THÊM QUANH CHUYỆN TÁC GIẢ CỦA “GIÁP NGỌ NIÊN BÌNH NAM ĐỒ”

Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Man Nhiên vừa cho chúng ta biết nhà nghiên cứu sử Tạ Chí Đại Trường không là phải người nhận thấy và lên tiếng sớm nhất đính chính sự sai lầm của nhóm phiên dịch và giới thiệu sách Hồng Đức Bản Đồ năm 1962 về tác giả của “Giáp ngọ niên Bình Nam đồ.” Trong bài “Quần đảo Hoàng Sa,” đăng trong tập san Sử Địa số 29 với chủ đề “Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa,” phát hành từ tháng 1 đến tháng 3 năm 1975 tại Sài Gòn, học giả Hoàng Xuân Hãn đã viết:
“Nhân tiện, xin mách một sự lầm trong sách ấy về tên vị đốc suất Đoan quận-công sai vẽ bản Giáp ngọ niên Bình Nam đồ. Đó không phải là Nguyễn Hoàng như chú thích ở trang 139 đã ghi. Ấy là Bùi Thế Đạt, làm đốc suất coi trấn Nghệ An năm Giáp Ngọ 1774 (Đại Việt Sử kí tục biên)…”

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2016

Trần Huy Bích - Một phát hiện nhỏ nhưng quan trọng của Tạ Chí Đại Trường


Trong vụ "Bình Nam đồ" do nhà nghiên cứu sử học Tạ Chí Đại Trường nêu ra trong di cảo của anh, sai lầm đầu tiên đã từ một số giáo sư, học giả uy tín của miền Nam: Gs. Trương Bửu Lâm, Giám đốc Viện Khảo cổ, giáo sư Sử tại Đại học Văn khoa và Đại học Sư phạm Sàigòn, cùng một số giáo sư, học giả uy tín khác cộng tác với ông: Gs. Bửu Cầm, dạy Sử và chữ Nôm tại Đại học Văn khoa, và một số nhà cựu học tên tuổi như Đỗ Văn Anh, Tạ Quang Phát, Phạm Huy Thúy …, tất cả đều có danh vọng. 

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

Trần Huy Bích - Nhớ anh Tâm Thiện


Tôi nghe danh anh Nguyễn Ngọc Bích từ rất lâu, và đọc tác phẩm của anh từ 1975 (tập thơ dịch A Thousand Years of Vietnamese Poetry), nhưng mãi đến năm 2000 mới có hoàn cảnh tiếp tay trong một vài việc anh làm.
Mùa Hè năm 2000, anh từ miền Đông sang California để cho ra mắt cuốn Hồ Xuân Hương : Tác phẩm do anh sưu tập và hiệu đính. Hai người được anh nhờ tới giới thiệu sách là cố Giáo sư Nguyễn Đình Hoà và tôi. Trong sách, anh đề cập tới bản Lưu Hương Ký chép tay, đã do cụ Cử nhân Hán học Nguyễn Văn Tú, người làng Hành Thiện, tỉnh Nam Định, đem từ tủ sách gia đình ra tặng thư viện Viện Hán Nôm. Khi tới phiên trình bày, tôi nói ít lời về cụ, và cho biết cụ chính là vị thầy dạy Hán văn của tôi niên khóa 1953-54 khi theo học lớp Đệ Tứ trường Trung học Nguyễn Khuyến Nam Định. Anh Bích rất lưu tâm tới chi tiết này. Sau khi tôi trình bày xong, anh đến hỏi tôi thêm về cụ. Tôi nói với anh những điều tôi biết, rồi thêm rằng qua những điều tôi nhận thức được về cụ (làm những việc tốt, việc phải không vì danh lợi) thì việc đem một cuốn sách quý, thuộc loại “gia bảo” trong tủ sách gia đình ra tặng Viện Hán Nôm, hoàn toàn hợp với tư cách cao quý của cụ. Anh Bích rất vui khi biết thêm những chi tiết ấy.

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Trần Huy Bích - Câu đối nhớ nhà văn Võ Phiến


Ảo ảnh rồi về một xóm quê,
ngắm bước chân thơ thẩn một mình,
đêm xuân trăng sáng;

Nguyên vẹn đó thư nhà gửi bạn,
dõi đôi cánh giã từ phù thế,
thương hoài ngàn năm.
                  
Chỉ trừ 8 chữ viết nghiêng để chuyển mạch câu, tất cả các chữ in đứng đều lấy từ nhan đề các tác phẩm của VP. 

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Trần Huy Bích - TỰ LỰC VĂN ĐOÀN VÀ PHONG TRÀO THƠ MỚI


Trần Huy Bích

Đóng góp của Tự Lực Văn Đoàn cho nền văn xuôi Việt Nam tương đối dễ nhận thấy và đã được nhiều người đề cập tới. Nhưng các tác giả trong Tự Lực Văn Đoàn còn góp sức một cách rất đáng kể trong việc đưa phong trào Thơ Mới tới chỗ thành công. Qua hai tiếng “Thơ Mới,” chúng tôi muốn nói đến phong trào thơ do Phan Khôi khởi xướng với bài “Tình già,” đăng trên Phụ Nữ Tân Văn số 122 (tháng 3 năm 1932), được một vài nhà thơ như Lưu Trọng Lư hưởng ứng. Tuy nhiên, chỉ sau khi các nhà thơ trong Tự Lực Văn Đoàn đã “nhập cuộc,” cộng thêm sự tham dự của một số thành viên khác (nhiều lúc nhân danh toàn nhóm), qua nhiều phương tiện khác nhau, nhất là trên hai tờ tuần báo Phong Hóa và Ngày Nay, phong trào này mới bộc phát mạnh mẽ, đưa “Thơ Mới” tới vị trí ưu thắng. Xin được trình bày sự kiện ấy qua những trang sau.


Đóng góp của các nhà thơ trong Tự Lực Văn Đoàn:
Trong Tự Lực Văn Đoàn có ba nhà thơ, nhưng Tú Mỡ sáng tác theo các thể cũ, chỉ có Thế Lữ và Xuân Diệu là những nhà thơ hoàn toàn “mới.” Xin được đề cập tới hai nhà thơ này trước.

Thế Lữ:  
Theo Vũ Ngọc Phan trong Nhà Văn Hiện Đại, Thế Lữ là “một thi sĩ có công đầu trong việc xây dựng nền thơ mới.” Cũng theo Vũ Ngọc Phan, “Phan Khôi, Lưu Trọng Lư chỉ là những người làm cho người ta chú ý đến thơ mới mà thôi,… Thế Lữ mới chính là người làm cho người ta tin cậy ở tương lai của thơ mới.” 

Thơ của Thế Lữ không chỉ mới về lời mà còn về ý tưởng. Những ý ấy được ông diễn đạt một cách tha thiết, nồng nàn:
Tôi chỉ là một khách tình si
Ham vẻ Đẹp có muôn hình, muôn thể
Muợn lấy bút nàng Ly Tao, tôi vẽ
Và mượn cây đàn ngàn phiếm, tôi ca 
Vẻ Đẹp u trầm, đắm đuối, hay ngây thơ
Cũng như vẻ Đẹp cao siêu hùng tráng
Của non nước, của thi văn, tư tưởng …
(Cây đàn muôn điệu)

Theo Hoài Thanh trong Thi Nhân Việt Nam, khi “thơ mới vừa ra đời, Thế Lữ như vừng sao đột hiện, ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam.” Hoài Thanh cũng nhận xét, “Thế Lữ không bàn về thơ mới, không bênh vực thơ mới, không bút chiến, không diễn thuyết,” nhưng “… chỉ lặng lẽ, điềm nhiên bước những bước vững vàng, mà trong khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ xưa phải tan vỡ.”

Hoài Thanh rất có lý khi viết, “Không có gì khiến người ta tin ở thơ mới hơn là đọc những bài thơ mới hay.” Trong Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, giáo sư Phạm Thế Ngũ cũng ghi nhận: “Thế Lữ đã gây cho thơ mới một nền tảng vững vàng với những tác phẩm giá trị của ông.” Một trong những thành công đáng kể của Thế Lữ là bài “Nhớ rừng.” Bài này đã rất được chú ý ngay khi vừa xuất hiện trên Phong Hóa số 95 (ra ngày 27/4/1934), nhất là qua những câu như:
Nhớ cảnh sơn lâm bóng cả, cây già
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội
Ta bước chân lên dõng dạc, đường hoàng …

Theo Đoàn Phú Tứ (tác giả bài thơ “Màu thời gian”), “Chỉ cần hai câu:
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi, đứng uống ánh trăng tan
        cũng đủ thấy thơ mới hơn thơ cũ.” 

Vũ Đình Liên (tác giả bài thơ “Ông đồ”) còn nói mạnh hơn: Hai câu trên “có sức mạnh như một tuyên ngôn để bênh vực thơ mới.”

Thế Lữ còn là tác giả những bài thơ đầy mơ mộng với cảnh tượng diễm tuyệt như “Tiếng trúc tuyệt vời,” “Tiếng sáo Thiên thai”:
Mây bay … gió quyến mây bay …
Tiếng vi vút như khuyên van, như dìu dặt
Như hắt hiu cùng hơi gió heo may …

Hay:
Tiếng đưa hiu hắt bên lòng
Buồn ơi! Xa vắng, mênh mông là buồn …
Tiên nga tóc xõa bên nguồn
Hàng tùng rủ rỉ trên cồn đìu hiu
Mây hồng ngừng lại sau đèo
Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi…

Về sau, khi nhiều nhà thơ mới có tài xuất hiện thêm trên thi đàn, hào quang rực rỡ của Thế Lữ có giảm đi phần nào, nhưng công của ông trong việc “dựng nền” cho phong trào Thơ Mới quả không thể phủ nhận. 

Xuân Diệu:
Theo Vũ Ngọc Phan trong Nhà Văn Hiện Đại, Xuân Diệu là “người đã đem đến cho thi ca Việt Nam nhiều cái mới nhất.” Khi thơ Xuân Diệu vừa xuất hiện, ông bị chê, bị chỉ trích là “ngô nghê” và “quá Tây,” nhất là qua những từ “mặt trời đi ngủ,” “vài miếng đêm” … (chịu ảnh hưởng của Pháp ngữ: “le soleil se couche,” quelques morceaux de nuit”…). Về sau Xuân Diệu cũng sửa lại, giảm bớt phần nào những chỗ “quá Tây” ấy:

Đêm bâng khuâng đôi miếng lẩn trong cành.

Theo nhận xét của Vũ Ngọc Phan, thơ Xuân Diệu “đằm thắm, nồng nàn …, cả ý lẫn lời đều thiết tha, làm cho nhiều thanh niên ngây ngất”:    
Không gì buồn bằng những buổi chiều êm. 
Mà ánh sáng mờ dần cùng bóng tối. 
Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối 
Đêm bâng khuâng đôi miếng lẩn trong cành 
Mây theo chim về dãy núi xa xanh 
Từng đoàn lớp nhịp nhàng và lặng lẽ 
Không gian xám tưởng sắp tan thành lệ. 
Thôi hết rồi! Còn chi nữa đâu em! …
(Tương tư chiều)

Những bài “Nhị hồ,” Nguyệt cầm” với âm điệu du dương, cho thấy tác giả là một nhà thơ có tài với khiếu quan sát tinh tế và nghệ thuật thật điêu luyện:
Nhị hồ để bốc niềm cô tịch
Không khóc nhưng mà buồn hiu hiu …

Sương nương theo trăng ngừng lưng trời, 
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi ...

Thu lạnh, càng thêm nguyệt tỏ ngời,
Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi.
Long lanh tiếng sỏi, vang vang hận:
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người …

Xuân Diệu còn nhiều câu đặc sắc khác:

. Những luồng run rẩy rung rinh lá
. Cành biếc run run chân ý nhi

Cùng những câu đầy hình ảnh và cảm xúc:

.  Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ
Non xa khởi sự nhạt sương mờ
Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò.
(Đây mùa thu tới)

.  Em sợ lắm, giá băng tràn mọi nẻo
Trời đầy trăng, lạnh lẽo suốt xương da …
(Lời kỹ nữ)

Theo Hoài Thanh trong Thi Nhân Việt Nam, “Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới,” và “rất được giới trẻ yêu thích.” Trước hết, thơ ông gần với giới trẻ:

Hãy biết rằng anh lúc ở trường
Rất tồi toán pháp, khá văn chương.
Chàng trai đi học nghe chim giảng …,
     (Giới thiệu)
Ông cũng nói lên những cảm xúc, tâm tư của họ:
Thư thì mỏng như suốt đời mộng ảo
Tình thì buồn như tất cả chia ly
Xếp khuôn giấy để hoài trong túi áo
Mãi trăm lần viết lại mới đưa đi.
Lòng e thẹn cũng theo tờ vụng dại
Tới bên em chờ đợi mãi không về
Em xé nhỏ lòng non cùng giấy mới
--Mây đầy trời hôm ấy phủ sơn khê …
(Tình thứ nhất)
Hay:
Chúng tôi ngồi, vây phủ bởi trăng thâu
Tay trong tay, đầu dựa sát bên đầu …
(Biệt ly êm ái)

Trong Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh trích dẫn thơ Xuân Diệu nhiều hơn tất cả các tác giả khác. Xuân Diệu được chọn in 15 bài, trong khi Thế Lữ và Hàn Mặc Tử mỗi người chỉ có 7 bài. Nguyễn Bính được chọn in 8 bài. Chỉ có Lưu Trọng Lư và Huy Cận gần đạt tới số lượng của Xuân Diệu, mỗi người được trích dẫn 11 bài.

Trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu, ở chương về các nhà thơ của thế kỷ 20 (Chương thứ Sáu, Năm thứ Ba, tiêu đề “Mấy thi sĩ hiện đại”), giáo sư Dương Quảng Hàm chỉ viết về ba nhà thơ cũ và ba nhà thơ mới. Ba nhà thơ cũ là Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải, và Đông Hồ. Ba nhà thơ mới được ông viết để phân tích là Hàn Mặc Tử, Thế Lữ, và Xuân Diệu. Hai trong ba nhà thơ mới được học giả họ Dương “đưa vào văn học sử” là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn. Ở trường hợp Xuân Diệu (sinh năm 1916), khi Việt Nam Văn Học Sử Yếu được xuất bản lần đầu năm 1941, ông mới 25 tuổi.

Tú Mỡ:
Ông chuyên viết trào phúng, châm biếm bằng những thể thơ cũ: lục bát, song thất lục bát, hát nói, ngũ ngôn, thất ngôn (cả tứ tuyệt lẫn bát cú, trường thiên). Ông cũng sáng tác bằng một thể thơ dân gian là hát xẩm, cùng những thể biền ngẫu như phú và văn tế. Nhưng ông viết với một tinh thần mới. Trong nhiều bài trên Phong Hóa, Ngày Nay, ông vạch ra để giễu cợt những chỗ sáo, chỗ rỗng trong một số bài thơ cũ (sẽ nói rõ hơn trong phần sau). Những bài châm biếm, trào phúng của ông khiến Phong Hóa và Ngày Nay được nhiều người thích đọc, giúp báo bán rất chạy. Tuy không công khai phát biểu thành lời, ông đã giúp chủ trương “xây dựng cái mới” (trong đó có “Thơ Mới”) của Tự Lực Văn Đoàn một cách rất hiệu quả.

Dùng Phong Hóa, Ngày Nay để vạch ra, chế giễu những chỗ dở, chỗ sáo rỗng của nhiều bài thơ cũ:
Trong các nhà thơ cũ giữa giai đoạn tranh chấp “thơ cũ, thơ mới,” Tản Đà có địa vị rất cao. Có lẽ chính vì thế, nhóm chủ trương Tự Lực Văn Đoàn đã lựa chính Tản Đà để giễu cợt đầu tiên.

Trong bài “Cảm thu, tiễn thu,” Tản Đà có những câu:

Từ vào thu đến nay 
Gió thu hiu hắt 
Sương thu lạnh 
Giăng thu bạch 
Khói thu xây thành 
Lá thu rơi rụng đầu ghềnh 
Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly 
Nhạn về én lại bay đi 
Đêm thì vượn hót, ngày thì ve ngâm…
Và: 
Sắc đâu nhuộm ố quan hà 
Cỏ vàng, cây đỏ, bóng tà tà dương …

Hình ảnh tuy đẹp nhưng không giống cảnh sắc Việt Nam. Ngay trên Phong Hoá số 16 (tức số thứ ba của nhóm chủ biên mới, ra ngày 6/10/1932) đã xuất hiện một bài thơ với tên tác giả là Bán Than (một trong những bút hiệu khác của Khái Hưng), lấy nhan đề “Cảm thu” với những câu như sau:

Nào đâu mặt đất ngô đồng rụng
Chỉ thấy bên đường đám cỏ tươi.
Trai gái quanh hồ cười khúc khích
Sầu riêng thi sĩ lệ đầy vơi.

Hai tháng sau, trên Phong Hóa số 24 (ra ngày 2/12/1932), lại có một bức tranh “Cảm thu,” ký tên tác giả Đông Sơn (bút hiệu khác của Nhất Linh). Bức tranh gồm hai phần, mang tiêu đề “Tưởng tượng” và “Sự thật.”  Trong phần “Tưởng tượng,” tác giả vẽ một thi nhân mơ màng nhìn lá rụng, tuyết rơi …, cùng bầy nhạn đang bay trên trời mà ngâm nga. Trong phần “Sự thật” ngay bên cạnh, ta thấy cảnh trời nắng chói chang, cây lá vẫn tươi tốt (đúng cảnh “thu” của Hà Nội). Một người rất giống Tản Đà, một tay cầm dù che nắng, tay kia cầm quạt vừa đi vừa quạt, khăn trên đầu lột ra khoác ở cánh tay (vì nóng). Trên trời không thấy chim nhạn nhưng có hai phi cơ đang bay, tiếng máy ồn ào. Ngay dưới bức tranh là mục “Giòng nước ngược” với một bài hát nói của Tú Mỡ, nhan đề “Tả bức tranh cảm thu” với những câu như sau:

Cây tươi tốt, lá còn xanh ngắt
Bói đâu ra lác đác lá ngô vàng?
Trên đường đi nóng rẫy như rang
Cảnh tuyết phủ mơ màng thêm quái lạ …

Công bình mà nói, nhóm chủ trương Tự Lực Văn Đoàn không có ý chỉ trích cá nhân Tản Đà. Họ chỉ muốn châm biếm những chỗ sáo, quá xa sự thực của các nhà thơ cũ. 

Trên Phong Hóa số 148 (ra ngày 10/5/1935), trong một bài điểm sách lấy nhan đề “Những bông hoa trái mùa,” dưới bút hiệu Lê Ta, Thế Lữ giễu cợt những sáo ngữ của một số nhà thơ đã chỉ biết mượn ý, mượn lời của người trước. Trong mục “Điểm sách” trên nhiều số Phong Hóa và Ngày Nay về sau, Thế Lữ tiếp tục chế giễu một số thơ cũ dở; song song với việc chỉ trích một số thơ mới bị ông cho là dở. 
Dùng Phong Hóa, Ngày Nay để bày tỏ ý kiến về thơ, cổ võ cho thơ mới, và giới thiệu những bài thơ mới đặc sắc:

Trên Phong Hóa số 15, tức số thứ hai của nhóm chủ biên mới (ra ngày 29/9/1932), trong bài “Sầu thảm nhiều rồi” của Việt Sinh (bút hiệu khác của Thạch Lam), tác giả chê thơ cũ là “nhiều sầu thảm quá.”

Trên Phong Hóa số 36 (ra ngày 3/3/1933), Nhất Linh viết một bài bàn luận về thơ mới. 

Trên Phong Hóa số 54 (ra ngày 7/7/1933), trong một bài giới thiệu Thế Lữ, Nhất Linh viết, “Ta không nên sợ cái mới,” vì “Sợ cái mới tức là sợ tương lai, chỉ muốn theo con đường đã vạch sẵn.”

Trên Phong Hóa số 97 (ra ngày 11/5/1934), trong một bài nhan đề là “Thơ Mới,” Nguyễn Tường Bách chê một số thơ mới về sự lố lăng, nhưng bày tỏ niềm tin vào tương lai của thơ mới. Theo ông, thơ mới “đã vượt qua những thử thách,” và “đã có những cơ cấu vững chắc.”

Trên Phong Hóa số 134, tức số Xuân Ất Hợi (ra ngày 30/1/1935), Tứ Ly (bút hiệu trước của Hoàng Đạo) vừa nhận xét vừa cổ võ: “Đến nay thơ mới đã nghiễm nhiên chiếm địa vị quan trọng trong làng văn, số thi sĩ làm thơ mới càng ngày càng nhiều,” và “Tương lai thơ mới rất rực rỡ.”

Trong các mục “Tin thơ” xuất hiện trên nhiều số Phong Hóa và Ngày Nay về sau, Thế Lữ viết lời giới thiệu, nhằm mục đích khuyến khích, khen ngợi … những đoạn thơ, bài thơ hay của các tác giả thơ mới vừa xuất hiện. 

Nhưng điều quan trọng nhất là Tự Lực Văn Đoàn đã dùng hai tờ Phong Hóa và Ngày Nay để phổ biến, giới thiệu những áng thơ mới có giá trị. Phong Hóa số 31, tức số Xuân Quý Dậu (ra ngày 24/1/1933), in lại bài “Tình già” của Phan Khôi và đăng bốn bài thơ mới của Lưu Trọng Lư. Từ đó, Phong Hóa, tiếp theo là Ngày Nay, đăng thơ của Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Huy Thông, Lan Sơn, Thái Can … cùng một số tác giả khác. Năm 1935, bắt đầu đăng thơ Xuân Diệu. Năm 1937, thêm thơ của Chế Lan Viên, Nguyễn Bính. Từ 1939, xuất hiện thơ Huy Cận. Từ 1940, thêm thơ của Tế Hanh, Anh Thơ, Thanh Tịnh, Huyền Kiêu… Rất nhiều nhà thơ mới quan trọng được biết tới lần đầu qua hai tờ tuần báo của Tự Lực Văn Đoàn.

Giải thưởng văn chương Tự Lực Văn Đoàn:

Qua các giải thưởng văn chương hai năm phát một lần, Tự Lực Văn Đoàn muốn phát hiện, nâng đỡ, khuyến khích những tài năng mới cả về văn lẫn về thơ. Qua ba lần trao giải, số người được thưởng về văn xuôi nhiều hơn; nhưng từ 1937, đã có người được “khuyến khích đặc biệt” về thơ.

Năm 1935: Theo bản công bố kết quả đăng trên Phong Hoá số 174 (14/2/1936), không tác phẩm nào được các giải nhất và nhì. Cả bốn giải thưởng đều là giải khuyến khích, và được trao cho bốn tác phẩm bằng văn xuôi:
Ba, truyện ngắn của Đỗ Đức Thu.
Bóng Mây Chiều, tiểu thuyết của Hán Văn Lãng.
Bóng Ba Người, truyện của Trịnh Huy Tiến.
Cô Thủy, truyện của Nguyễn Khắc Mẫn.
(Số tiền thưởng 100 đồng được chia đều cho bốn tác phẩm).

Năm 1937: Theo bản báo cáo của Hội đồng Giám khảo do Thạch Lam viết, đăng trên Ngày Nay số 81 (17/10/1937), có hai tác phẩm được giải thưởng chính:
Về kịch:  Kim Tiền của Vi Huyền Đắc.
Về phóng sự tiểu thuyết: Bỉ Vỏ của Nguyên Hồng.
(Mỗi tác phẩm được 100 đồng).

Ngoài ra, còn có thêm:
Giải khuyến khích: Nỗi Lòng, tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Mẫn. 
(30 đồng tiền thưởng từ một nữ độc giả vô danh).
Bằng khen “Tự Lực Văn Đoàn khuyến khích đặc biệt”: Tâm Hồn Tôi, thơ của Nguyễn Bính.

Năm 1939: Theo bản thông báo kết quả đăng trên Ngày Nay số 208 (18/5/1940), có hai giải thưởng về văn:
Làm Lẽ, tiểu thuyết của Mạnh Phú Tư.

Cái Nhà Gạch, tiểu thuyết của Kim Hà (khi xuất bản thành sách, tác phẩm này đổi tên là Tiếng Còi Nhà Máy).

(Mỗi tác phẩm được 100 đồng).

Về thơ, hai tập Bức Tranh Quê của Anh Thơ và Nghẹn Ngào của Tế Hanh được tuyên bố:  “Ban Giám khảo đặc biệt chú ý.” Tác giả Bức Tranh Quê được tặng 30 đồng để “khuyến khích phái nữ lưu.” Với tập thơ Nghẹn Ngào, bản thông báo cho biết: “Nếu tác giả bằng lòng, sẽ lựa các bài đăng trên báo Ngày Nay để độc giả thưởng thức.” Thơ của Tế Hanh bắt đầu xuất hiện trên Ngày Nay từ số 209 (25/5/1940) với lời giới thiệu của Nhất Linh. Mấy năm sau, thi tập Hoa Niên của Tế Hanh được nhà Đời Nay của Tự Lực Văn Đoàn xuất bản.

Bản thông báo cũng cho biết thêm: “Ngoài các tác phẩm kể trên, còn một số tác phẩm được ban giám khảo chú ý và khen tặng trên giấy,” nhưng “Giấy đó sẽ gửi riêng cho các tác giả.” Tuy chúng ta không biết bao nhiêu người đã được “khen tặng” riêng như thế, nữ sĩ Mộng Tuyết ở Hà Tiên cho biết bà nhận được (và đã trưng ra) một bản “Lời khen tặng” in trên giấy rất đẹp, với chữ ký của sáu thành viên quan trọng trong Tự Lực Văn Đoàn (Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ) cùng dấu son của văn đoàn, cho tập thơ Phấn Hương Rừng của bà.

Tóm lại, trong bộ môn thơ, ít nhất bốn nhà thơ đã được Tự Lực Văn Đoàn đặc biệt khuyến khích: Nguyễn Bính, Anh Thơ, Tế Hanh, và Mộng Tuyết. Đa số những người được khích lệ như thế còn rất trẻ. Năm 1937, khi được bằng khen của Tự Lực Văn Đoàn, Nguyễn Bính mới 19 tuổi (ông sinh năm 1918). Năm 1939, khi nhận được lời tuyên bố “Tự Lực Văn Đoàn đặc biệt chú ý,” Anh Thơ và Tế Hanh cùng ở tuổi 18 (hai người sinh năm 1921). Khi được Tự Lực Văn Đoàn gửi “Lời khen tặng” đến tận nhà, Mộng Tuyết ở tuổi 25 (bà sinh năm 1914).

Giải thưởng văn chương Tự Lực Văn Đoàn chỉ trao cho những tác giả không phải là thành viên của văn đoàn nên tính cách khách quan được dư luận trong văn giới đánh giá rất cao.

Trên Sài Gòn Tiếp Thị (xuất bản ở trong nước), số ra ngày 16/08/2012, có bài “Đôi chút về giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn” của nhà văn Nguyên Ngọc. Dựa theo những điều được nhà văn Thanh Tịnh kể lại khi hai ông làm việc với nhau ở Hà Nội trong giai đoạn 1955-1962, nhà văn Nguyên Ngọc cho biết: Năm 1935, những tác phẩm được giải thưởng là  “truyện ngắn Ba của Đỗ Đức Thu, tiểu thuyết Diễm dương trang của Phan Văn Dật, và tiểu thuyết Bóng mây chiều của Hàn Thế Du.” Có lẽ do không được Thanh Tịnh kể lại (có thể vì  không nhớ), Nguyên Ngọc không đề cập tới các tập truyện Bóng Ba Người của Trịnh Huy Tiến và Cô Thủy của Nguyễn Khắc Mẫn. Về tiểu thuyết Bóng Mây Chiều, ông cho biết tác giả là Hàn Thế Du. Vậy có lẽ “Hán Văn Lãng” (theo bản công bố kết quả trên Phong Hóa số 174) chỉ là một bút hiệu của Hàn Thế Du. Tại sao Nguyên Ngọc (và Thanh Tịnh) nhắc tới Diễm dương trang của Phan Văn Dật trong khi bản công bố kết quả trên Phong Hóa số 174 không có tên tác phẩm này là một điều chúng ta cần tìm hiểu thêm.

Nhà xuất bản Đời Nay của Tự Lực Văn Đoàn in các tác phẩm thơ mới có giá trị:

Hiện nay, chúng ta chưa tìm được đầy đủ nhan đề các tác phẩm thơ mới được nhà Đời Nay xuất bản. Căn cứ vào những cuốn đã phát hiện, ta có thể tạm kể như sau:

1935 và 1941: Mấy Vần Thơ của Thế Lữ
1938  : Thơ Thơ của Xuân Diệu
1940  : Lửa Thiêng của Huy Cận
1941  : Bức Tranh Quê của Anh Thơ
1943  : Mây của Vũ Hoàng Chương
1945  : Hoa Niên của Tế Hanh

Điều đáng cho ta chú ý là nhà xuất bản Đời Nay in thơ như một giai phẩm. Thơ thường được in trên những loại giấy đặc biệt, với một số ấn bản trên giấy quý. Tập thơ được một hoạ sĩ tên tuổi, thường là họa sĩ Tô Ngọc Vân, trình bày. Sự kiện này khuyến khích tinh thần yêu mến, quý trọng thơ. Qua những lời Anh Thơ và Vũ Hoàng Chương kể lại, ta có thể thấy các vị rất thích thú, hãnh diện có thi tập được Đời Nay xuất bản.

Tóm lại, qua thi tài của những nhà thơ có chân trong văn đoàn (Thế Lữ, Xuân Diệu) cùng những nhà thơ có liên hệ gần gũi (Huy Cận, Nguyễn Bính, Anh Thơ, Tế Hanh …), qua nhiều loại bài viết trên Phong Hóa, Ngày Nay, qua việc giới thiệu thơ trên báo cùng việc giúp tác giả xuất bản thơ, cũng như qua một số giải thưởng và những tấm bằng tưởng lệ, Tự Lực Văn Đoàn đã đóng góp một cách rất đáng kể vào phong trào Thơ Mới, 1932-1945. Nếu không có Tự Lực Văn Đoàn, phong trào Thơ Mới chắc cũng sẽ thành công, nhưng không thể nhanh và rực rỡ như chúng ta đã thấy.

Trần Huy Bích

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

Trần Huy Bích - MỘT BÀI THƠ NGỤ Ý THẬT HÀM SÚC CỦA THI SĨ VŨ HOÀNG CHƯƠNG


Trần Huy Bích

Sau khi những người Cộng sản lấy được miền Nam tháng 4 năm 1975, hầu hết văn nghệ sĩ của miền Nam đều bị bắt giam. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương bị họ bắt ngày 13 tháng 4 năm 1976, đưa vào giam ở khám Chí Hoà. Khi ông bị bệnh gần nguy kịch, họ mới đưa về để chết ở nhà. Năm hôm sau ông qua đời, nhằm ngày 6 tháng 9 năm 1976 tại Sàigòn.


Thi sĩ Vũ Hoàng Chương

Một số thơ ông làm sau tháng 4-1975 như bài “Tranh gà lợn,” hoặc bài thơ từ nhà giam gửi về thăm vợ con, đã được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, một số thi phẩm khác, như 12 bài thơ vịnh một số nhân vật lịch sử và văn học Việt Nam (như Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát …) cùng lịch sử và văn học Trung Hoa (như Hán Vũ đế, Thôi Hộ, Trần Đào, Bành Ngọc Lân …) chưa đuợc nhiều người biết tới. Chúng tôi xin giới thiệu một trong những bài thơ ấy ở phía sau. Đây là bài thơ Vũ Hoàng Chương viết về Bành Ngọc Lân, một danh tướng Trung Hoa cuối đời Thanh. Bài này cũng là một trong những bài thơ hay nhưng ý tưởng rất kín đáo, hàm súc của thi hào họ Vũ. Viết sau khi miền Nam rơi vào tay Cộng sản, ngụ ý thời thế của ông rất rõ, nhưng người đọc cần lưu tâm mới nhận thấy.

ĐỌC LẠI NGƯỜI XƯA: BÀNH NGỌC LÂN

Thập vạn đại quân tề cổ chưởng
Bành lang đoạt đắc Tiểu Cô hồi. 

Bành lang đoạt Tiểu Cô về
Hùng binh mười vạn nhất tề vỗ tay
Riêng Cô Bé vẫn ngồi ngây
Xanh xanh ngàn dặm tóc mây hững hờ
Từ bao giờ đến bao giờ
Chẳng xiêu lòng núi vì thơ họ Bành
Kể chi lúc ấy đời Thanh
Sá chi người ấy là danh tướng nào
Tiểu Cô sơn chỉ nhìn cao
Nghe Bành Lang độ thấm vào lòng chân
Non xưa bến cũ nhập thần
Đoạt non về bến đâu cần hùng binh.

Để có thể trình bày rõ ý nghĩa bài thơ, trước hết xin được nói qua ít hàng về Bành Ngọc Lân. Sau đó, xin giải thích mấy câu thơ chữ Hán của họ Bành được trích dẫn phía trên, cùng giải thích một số danh từ riêng trong bài thơ như Tiểu Cô sơn, Bành Lang độ.

Bành Ngọc Lân:

Bành Ngọc Lân (彭玉麟 -- Peng Yulin)  là một danh tướng Trung hoa cuối đời Thanh, sinh năm 1816, mất năm 1890. Khi cuộc loạn Thái Bình Thiên Quốc (với những lãnh tụ Hồng Tú Toàn, Dương Tú Thanh …) bùng nổ, chiếm gần nửa nước Trung hoa và Nam kinh để lập kinh đô,  rạch đôi giang sơn với nhà Thanh trong 11 năm từ 1853 tới 1864, triều đình nhà Thanh đã rung rinh, đất nước cực kỳ xáo trộn. Góp công đáng kể nhất trong việc dẹp yên được Thái Bình Thiên Quốc là một nhân sĩ tỉnh Hồ nam là Tăng Quốc Phiên (Zeng Guofan) cùng một đạo quân tình nguyện, đa số gốc Hồ nam, lấy tên là “Tương quân” (“quân đội vùng sông Tương,” một con sông chảy qua tỉnh Hồ nam). Bành Ngọc Lân là một tướng lãnh của đạo quân tình nguyện ấy, chỉ huy thủy binh, có công rất lớn trong việc dẹp Thái Bình Thiên Quốc.  Sau đó ông được cử làm Thủy sư Đô đốc, dần dần thăng tới Binh bộ Thượng thư của nhà Thanh. Sau khi người Pháp lấy miền Bắc Việt Nam và đem quân tới biên giới Hoa Việt năm 1883-84, Bành Ngọc Lân đã tới biên giới trong chức Binh bộ Thượng thư để quan sát cùng tổ chức việc phòng thủ. Ông về hưu và mất ít năm sau đó.

Tiểu Cô sơn:
Có nhiều Tiểu Cô sơn (小孤山 -- Xiaogushan hay Hsiao ku shan) trong lãnh thổ Trung hoa. Nếu tra cứu các tài liệu địa dư, ta sẽ thấy ít nhất 5 ngọn núi có tên như thế tại Nội Mông cổ, Cam túc (Gansu), Cát lâm (Jilin), Liêu ninh (Liaoning), và An huy (Anhui). Ngọn Tiểu Cô sơn do Bành Ngọc Lân chiếm được và nhắc tới trong bài thơ này nằm trong tỉnh An huy. Núi này ở gần tỉnh lỵ An khánh (Anqing), sát bên bờ Trường giang (Dương tử giang). Quân Thái Bình Thiên Quốc đóng trên núi này đã bắn xuống dữ dội, ngăn chặn đường tiến binh của đạo thủy quân do Bành Ngọc Lân chỉ huy trên đường tới bao vây Nam kinh. Muốn các chiến thuyền của mình có thể đi qua một cách an toàn, Bành Ngọc Lân bắt buộc phải đánh chiếm ngọn núi. Theo các sử liệu Trung hoa, việc này xảy ra vào tháng 2 năm 1853. Sau khi chiếm được núi, Bành Ngọc Lân cao hứng làm ra bài thơ sau:

書生笑率戰船来,
江上旌旗耀日開,
十萬貔貅齊奏凱
彭郎奪得小姑回

Thư sinh tiếu suất chiến thuyền lai
Giang thượng tinh kỳ diệu nhật khai
Thập vạn tì hưu tề tấu khải
Bành lang đoạt đắc Tiểu Cô hồi.

Nghĩa:
Thư sinh vừa cười vừa đốc thúc chiến thuyền tiến lại
Trên sông, cờ xí, các sao sáng và mặt trời cùng mở ra 
(chỉ việc quân Thái Bình Thiên Quốc bắn xuống như mưa)
Mười vạn quân dũng mãnh cùng hát khúc ca chiến thắng:
“Bành lang đã đoạt được Tiểu Cô trở về.”

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã đưa hai câu cuối của bài thơ này lên phía trước bài thơ của ông nhưng đổi đi mấy chữ trong câu thứ ba. Ông đã đổi “thập vạn tì hưu” (mười vạn quân dũng mãnh, do nghĩa gốc của “tì hưu” là con gấu trắng, một giống thú rất mạnh) ra “thập vạn đại quân” (đạo quân đông tới mười vạn). Ông cũng đổi “tề tấu khải” (cùng hát khúc ca chiến thắng) ra “tề cổ chưởng” (cùng vỗ tay), có lẽ để gần với hoàn cảnh của Việt Nam năm 1975 hơn.

Từ  “Tiểu Cô sơn 小孤山” tới “Tiểu Cô 小姑”: Mối chung tình của Bành Ngọc Lân:

Một điểm đáng lưu ý là ngọn núi được nhắc tới ở trên có tên小孤山 (núi nhỏ cô đơn) nhưng trong bài thơ, Bành Ngọc Lân đã cố tình viết sai, dùng một chữ cũng có âm “cô” nhưng nghĩa khác, là小姑 (người cô bé nhỏ). Thừa tiếp ý ấy, trong câu thơ thứ 3, Vũ Hoàng Chương viết, “Riêng Cô Bé vẫn ngồi ngây.” Muốn hiểu rõ điểm tế nhị này, ta cần biết qua về cuộc đời của Bành Ngọc Lân.

Khi còn ít tuổi, Bành Ngọc Lân yêu một thiếu nữ, con nuôi của bà ngoại ông. Đúng ra ông phải gọi bằng “dì” vì là em nuôi của mẹ. Nhưng hai người trạc tuổi, cùng lớn lên và chơi đùa với nhau, tình yêu đến một cách tự nhiên. Gia đình không chấp thuận vì trong xã hội cổ, một hôn nhân như thế có thể bị coi là “loạn luân.” Bành Ngọc Lân phải đưa đi học xa trong khi cô gái, có biệt danh Mai cô, được gả cho người khác. Một năm sau Mai cô qua đời, lý do chính là sinh nở khó, nhưng Bành Ngọc Lân suốt đời không quên. Ông tới mộ Mai cô thương khóc, nguyện sẽ vẽ một vạn bức tranh hoa mai để trọn đời nhớ tới cô (giữ lời nguyện, ông vẽ được trên một vạn bức tranh hoa mai, trở thành một trong những họa sĩ Trung hoa chuyên về hoa mai). Khi chiếm được Tiểu Cô sơn năm 1853, Bành Ngọc Lân đã 37 tuổi và Mai cô đã mất từ lâu. Sau một cuộc ác chiến rất gần cái chết nhưng đắc thắng, ông tưởng như từ cõi chết trở lại. Nhân lấy được Tiểu Cô sơn và trước kia vẫn gọi Mai cô là “Tiểu Cô” (người cô bé nhỏ), ông cao hứng, tưởng như đã đem được nàng từ cõi chết về theo:

Bành lang đoạt đắc Tiểu Cô hồi
(Bành lang đoạt được Tiểu Cô [từ cõi chết] trở về).

Mối thiện cảm Vũ Hoàng Chương dành cho Bành Ngọc Lân:  

Cùng có một tình đầu tan vỡ và cùng suốt đời không quên mối tình ấy, thi sĩ Vũ Hoàng Chương hẳn đã dành rất nhiều thiện cảm cho Bành Ngọc Lân. Ý tưởng nguyên thủy trong các câu:

  Bành lang đoạt Tiểu Cô về
Hùng binh mười vạn nhất tề vỗ tay
nhưng:
Riêng Cô Bé vẫn ngồi ngây

biểu lộ một  thông cảm “đồng cảnh” giữa thi nhân họ Vũ với vị tướng quân kiêm họa sĩ họ Bành: không thể làm sống lại người yêu cũ, không thể đổi được định mệnh. Dù có nhân chuyện cùng một âm “cô” để cố tình hiểu “ngọn núi cô đơn” ra “người cô bé nhỏ” thì sau khi đoạt về, “Tiểu Cô” cũng không còn sự sống. Nhưng mối thông cảm Vũ Hoàng Chương -- Bành Ngọc Lân đã dừng ở đó. Toàn bài, nhất là 6 câu cuối, là những phán đoán rất bình tĩnh của tác giả về cuộc thống nhất đất nước năm 1975.

Cuộc thống nhất Việt Nam năm 1975 qua ngòi bút của Vũ Hoàng Chương:

Sống tại miền Nam cho tới tháng 9 năm 1976, thi sĩ Vũ Hoàng Chương hẳn đã chứng kiến tận mắt những kinh hoàng của dân chúng trước cuộc tiến công của Hà nội trong các tháng 3 và 4-1975, được nghe tới nhàm chán những lời tự tôn đầy huênh hoang của kẻ chiến thắng, và nhất là hiểu rõ nỗi chua xót thấm thía của người dân miền Nam qua những câu “ca dao mới” như:

“Nam kỳ khởi nghĩa” tiêu “Công lý”
“Đồng khởi” vùng lên mất “Tự do.”

Bản thân ông, một người cầm bút, càng hiểu rõ thực trạng xã hội mới:
Rằng vách có tai, thơ có họa

và đã từng bị giam giữ trong cảnh ngộ:
Nửa manh chiếu nỉa hồn ngây ngất
Hai chén cơm rau xác mỏi mòn.

Sống tại Sàigòn, chắc chắn ông cũng từng nghe những câu nói rất được phổ biến trong dân chúng, “Đến cái cột đèn, nếu có chân, nó cũng muốn đi…”

Qua mấy câu đầu của bài “Đọc lại người xưa: Bành Ngọc Lân,” Vũ Hoàng Chương phác cho ta thấy một cảnh tượng tương phản: trong khi những người cầm đầu chế độ và tay chân của họ hớn hở, hồ hởi … tự ca tụng công ơn “giải phóng miền Nam,” thì những người được “giải phóng” không hưởng ứng, biểu lộ một thái độ dửng dưng, lãnh đạm:
Bành lang đoạt Tiểu Cô về
Hùng binh mười vạn nhất tề vỗ tay
Riêng Cô Bé vẫn ngồi ngây
Xanh xanh ngàn dặm tóc mây hững hờ.

Người dân miền Nam, vốn thực tế, không bị chi phối bởi những thơ văn tuyên truyền đầy tính cách phóng đại:
Từ bao giờ đến bao giờ

Chẳng xiêu lòng núi vì thơ họ Bành.

Vũ Hoàng Chương cũng ghi nhận thái độ khinh miệt, bất cần, không coi trọng kẻ chiến thắng, của đa số dân chúng miền Nam:

Kể chi lúc ấy đời Thanh
Sá chi người ấy là danh tướng nào
Tiểu Cô sơn chỉ nhìn cao
Nghe Bành Lang độ thấm vào lòng chân.

Trong cuộc tấn công giành Tiểu Cô sơn năm 1853, Bành Lang độ (bến Bành Lang) là nơi Bành Ngọc Lân cho thủy quân đổ bộ để đánh lên núi.

Ý tưởng then chốt của Vũ Hoàng Chương nằm trong hai câu cuối. “Non” và “nước” vốn có những liên hệ tình cảm mật thiết và thiêng liêng. Muốn đưa “non” về với “nước,” muốn non sông thống nhất, không phải chuyện quá khó, nhưng cần có những thứ khác hơn là sức mạnh quân sự:

Non xưa bến cũ nhập thần
Đoạt non về bến đâu cần hùng binh

vì như đã nói trên, nếu chỉ biết dùng sức mạnh để chiếm đoạt, sẽ được một cơ thể  không có sự sống:

… Cô Bé vẫn ngồi ngây
Xanh xanh ngàn dặm tóc mây hững hờ.

Tóm lại, “Đọc lại người xưa: Bành Ngọc Lân” không phải là một bài thơ phù phiếm, chỉ để bàn về mối tình đầu của một viên tướng Trung hoa cuối đời Thanh. Mượn chuyện đời xưa để nói chuyện đương thời, Vũ Hoàng Chương đã đưa ra một nhận xét có tính cách phán đoán về một sự kiện lịch sử xảy ra trong đời ông: việc thống nhất đất nước bằng cách xua quân chiếm miền Nam do những người cầm quyền ở Hà nội thực hiện năm 1975. Sống ở trong nước giữa giai đoạn ấy, ông không thể công khai nói một cách trực tiếp, nên đã để lại một bài thơ ngụ ý vô cùng hàm súc. Vũ Hoàng Chương rất xứng với danh hiệu một nhà thơ có lương tâm, phát biểu ý kiến một cách thành thật về những biến cố trong thời đại của mình, dù lời phát biểu ấy không hợp ý kẻ cầm quyền. Tuy chỉ dùng những lời thật hiền hoà, thái độ của ông không khác thái độ của Phùng Quán khi viết những câu sau đây:

Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ cầm dao viết văn lên đá.

Trần Huy Bích