Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Hữu Thục. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Hữu Thục. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2023

Trần Hữu Thục: Thơ Tô Thùy Yên, chênh vênh siêu hình/hiện thực

Từ trái: Chân Phương, Tô Thùy Yên, Nguyễn Trọng Khôi, Trần Doãn Nho

(Hình: TDN, Boston tháng 4/2017)


Tô Thùy Yên (TTY)[1] làm thơ từ hồi còn rất nhỏ. Bài thơ đầu tiên đưa đăng báo được in ở tạp chí Ðời Mới do nhà văn Nguyễn Ðức Quỳnh chủ trương, vào lúc ông 16 tuổi. Theo ông, bài thơ đó, “chắc chắn không phải là một bài thơ hay và ngày nay tôi chẳng còn nhớ nó như thế nào nữa” [2]. Năm 1956, một bài thơ khác in ở trên Sáng Tạo – tạp chí mở ra một thời kỳ mới của văn học nghệ thuật Việt Nam: Cánh đồng, con ngựa, chuyến tàu. Ðó là một bài thơ mà những ai yêu mến văn học nghệ thuật không thể quên. Nó là dấu mốc của một chuyển biến sâu xa trong nền văn học miền Nam mà cũng là trong nền văn học VN. Gần 40 năm sau, tập thơ đầu tay mới ra đời: Thơ Tuyển Tô Thùy Yên, xuất bản ở Hải Ngoại năm 1995, lúc nhà thơ đã …56 tuổi đầu. Thêm chín năm nữa, tháng 8/2004, tập thơ thứ hai ra đời: Thắp Tạ. Bìa trước của tập thơ mới này ghi:


Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2023

Trần Hữu Thục: Đi trong rừng chữ Nguyễn Viện

Nhà văn Nguyễn Viện. Photo: Nhạc sĩ Tuấn Khanh. 

…truyện của Nguyễn Viện là những tiểu luận thế sự đa-đề- tài được tiểu thuyết hóa, qua đó, hiện thực đời sống như là chất liệu cho những suy gẫm mọi mặt được nhìn từ nhiều điểm đứng khác nhau của anh. 


Nguyễn Viện miệt mài, bền bỉ với văn chương hơn hai thập niên. 


Truyện nối truyện, thơ tiếp thơ, chữ nghĩa anh đã thành rừng. Rừng chữ.


Sau khi lần lượt phân tích các yếu tố khoảng trống, ngôn ngữ, ẩn dụ, lập ngôn trong văn chương Nguyễn Viện, tôi sẽ tìm cách đọc/hiểu một truyện ngắn của anh, “Mưa nước bọt”, ở phần cuối.


Thứ Ba, 13 tháng 12, 2022

Trần Hữu Thục: Annie Ernaux - viết cái sống, sống cái viết

- Écrire sa vie, vivre son écriture

(Viết cái [mình] sống, sống cái [mình] viết)

- J’écris mes histoires d’amour et je vis mes livres.

(Tôi viết chuyện tình tôi và tôi sống tác phẩm tôi)

Annie Ernaux


Nhà văn Annie Ernaux Hình Wikipedia

Annie Ernaux, Nobel Văn Chương 2022!


Với vinh dự này, Ernaux trở thành nhà văn nữ đầu tiên trong số 16 nhà văn Pháp, và là nhà văn nữ thứ 17 trên toàn thế giới, đoạt giải thưởng này. Nhận định về sự nghiệp văn chương của Ernaux, Ban Giám Khảo Hàn Lâm Viện Thụy Điển cho rằng nhờ “sự nhạy bén trực tiếp” (clinical acuity) từ nhiều góc độ khác nhau, nhà văn Ernaux đã khám phá ra “gốc rễ, sự cách biệt và những hạn chế tập thể của ký ức cá nhân” và từ đó, bà “khảo sát cuộc đời đầy dấu ấn của những cách biệt mạnh mẽ về phái tính, ngôn ngữ và giai cấp.” [1]


Khác với mọi năm trước, giải Nobel văn chương năm nay không gây ra những tranh cãi gay gắt. Dư luận khắp nơi gần như lặng lẽ tán thành quyết định của Hàn Lâm Viện Thụy Điển. Tạp chí “The New Yorker” cho đi một bài viết ca ngợi tài năng của Ernaux với tựa đề: “Annie Ernaux’s Justly Deserved Nobel” (Annie Ernaux hoàn toàn xứng đáng đoạt giải Nobel). [2] Nhà văn Jacques Testard, giám đốc nhà xuất bản Fitzcarraldo Editions, chuyên xuất bản những tác phẩm dịch ra tiếng Anh, xem bà là một nhà văn “ngoại hạng và độc đáo” và là “một nhà văn nữ quyền đương đại quan trọng.” Riêng Ernaux, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Thụy Điển không lâu sau khi nhận được tin đoạt giải, bà cho biết, “Tôi xem đây là một vinh dự lớn lao mà Hàn Lâm Viện dành cho tôi và đồng thời, đối với tôi, cũng là trao cho tôi một trách nhiệm lớn lao. Đó là làm chứng nhân cho công bằng, cho công lý, đối với thế giới.”



Thứ Ba, 6 tháng 12, 2022

Trần Hữu Thục–Trần Doãn Nho: Cõi chữ cõi người

Nhà xuất bản Nhân Ảnh (California) trân trọng giới thiệu tuyển tập tiểu luận của nhà biên khảo, nhà văn Trần Hữu Thục - Trần Doãn Nho:  

CÕI CHỮ CÕI NGƯỜI




CÕI CHỮ CÕI NGUỜI gồm hai tập:


Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2022

Trần Hữu Thục: Donald Trump, kẻ lạ mặt

 (LTG: Bài viết mang nhiều tính chất thời sự này là tổng hợp của bảy (7) bài viết của cùng tác giả về cựu tổng thống Donald Trump, kể từ ngày ông xuất hiện  trên chính trường Hoa Kỳ vào năm 2015 cho đến tháng 2/2021 đi trên các trang mạng Da Màu, Văn Việt, Bâu Xít Việt Nam, Diễn Đàn Thế Kỷ, được nhuận sắc và cập nhật với những tin tức mới nhất trong thời gian vừa qua, trong cố gắng dựng lại chân dung sống động của một nhân vật lịch sử đương đại).  

Đôi dòng lan man…

 

Donald Trump, sinh năm 1946, là một nhân vật lạ, hiếm.

Nhân dáng ông to, cao 6 feet 2 (gần 1 mét 9), chỉ thua có viên cựu giám đốc FBI James Comey (cao 6 feet 8). Bước chân vững. Giọng nói mạnh. Cả người toát ra một cái gì rất đàn ông. Lời phát ngôn nào của ông cũng nghe chắc như đinh đóng cột. Nói như máy nói. Nói không cần uốn lưỡi, dù chỉ là uốn một lần. Khi nói, trong lúc hai cánh tay xòe ra hai bên với hai bàn tay mở rộng, bao biện thì ngược lại, miệng ông thu nhỏ, tròn, gọn - một đặc điểm nổi bật mà đức Đạt Lai Lạt Ma chọn để diễn tả về ông khi được nhà báo Piers Morgan phỏng vấn trên truyền hình.

 

Chữ ký của Trump cũng khác lạ.

 

Nó trông giống một đoạn hàng rào thép gai: lởm chởm, góc cạnh. Mấy chữ cái viết hoa (D,T,P) nhô cao hẳn lên, bất thường. Loại chữ ký như thế này, theo dân bói toán, cho thấy ông thuộc hạng người luôn luôn bị ám ảnh bởi thứ quyền hành của riêng mình. Chẳng mấy thân thiện hay cởi mở với người khác. Chẳng chịu nhường ai. Khi làm tổng thống, mỗi lần ký xong một “executive order”, ông đưa cao tài liệu cho ai cũng nhìn thấy rõ chữ ký của mình, với khuôn mặt sáng lên, kiêu hãnh và thỏa mãn. Với ông, me first. Ông hay tự khen mình. Tự khen khi chưa làm, tự khen trước khi làm và thậm chí tự khen cả khi…không làm được hay thất bại. Chẳng thế mà, trong một bài báo viết cho CNN, Michael D’Antonio gọi ông là một “tổng thống bé con” (a little boy president) [1].  Chính ông, ông cũng thú nhận là “Khi tôi nhìn vào chính tôi lúc còn học sinh lớp Một và nhìn tôi bây giờ, tôi thấy về căn bản vẫn là một người. Tính tình không có gì khác lắm.” Vâng, đúng là không khác. Có điều, cậu bé lớp Một ngày xưa có nói này nói nọ, cũng chỉ dính líu đến bản thân cậu bé, còn “tổng thống bé con” ngày nay, nhất cử nhất động đều ảnh hưởng đến toàn thế giới. 


Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

Trần Hữu Thục: Tính hiện thực trong lời ca của Phạm Duy

So với nhiều nhạc sĩ Việt Nam, hai nhạc sĩ Phạm Duy (PD) và Trịnh Công Sơn (TCS) [1] có một chỗ đứng tương đối riêng biệt. Chỗ đứng này không hẳn xuất phát từ tài năng về âm nhạc, mà từ một chỗ khác: lời ca. Lời ca của hầu hết các nhạc sĩ đều đòi hỏi một sự cộng hưởng với nhạc. Có thể gọi chúng là những "lời nhạc", lời chỉ để hát. Phần lớn các lời ca - kể cả lời ca mượt mà, đậm chất thơ của Ðoàn Chuẩn/Từ Linh - đều khó có thể đứng vững nếu thiếu sự nâng đỡ của tiết tấu bản nhạc. Ngược lại, lời ca của PD và TCS có thể tách riêng khỏi nhạc, tự tồn tại một mình. Ngoài giá trị về "lời nhạc" (lời để hát), chúng có thể được nghiên cứu như những văn bản về mặt văn học. Nghĩa là, người ta vẫn có thể nghiên cứu chúng một cách riêng biệt mà không cần lưu tâm đến nhạc. Do vậy mà hầu hết những số báo đặc biệt hoặc những bài viết về PD hay TCS, ngoài một số đánh giá thuần túy về phương diện âm nhạc, đều được viết dưới dạng phê bình hay nhận định văn học.

Rõ ràng là khi sáng tác, PD cũng như TCS quan tâm đến tính diễn tả của lời y như nhạc. Lời không chỉ hiện diện như cái cớ, như phương tiện. Ðọc hầu hết các lời ca của PD, ta thấy rất rõ điều này, từ ca khúc quê hương cho đến tình ca, đạo ca, tâm ca, tục ca, vân vân. Tất nhiên, tiết tấu phong phú trong nhiều bản nhạc của ông đã phát triển ý nghĩa của lời lên đến mức cao nhất, điều mà tự ngôn ngữ để đọc không đủ sức làm. Nhưng cũng phải thừa nhận trong nhiều bản nhạc, chính lời ca của ông đã nâng bài hát lên, khiến cho bản nhạc có một giá trị cao hơn hẳn chính nó. "Tình ca" chẳng hạn. "Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!". Từ lâu trước đó, có lẽ cũng chẳng mấy ai tìm thấy trong "tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi" lại có thể gắn liền với tình yêu nước nồng nàn trong mỗi một người như thế. Cũng như Phạm Quỳnh vào đầu thế kỷ thứ 20, "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta cònnước ta còn”, PD cho ta một định nghĩa mới về sự tồn tại của một đất nước: nó bắt đầu từ một chỗ đơn giản nhất mà cũng bền vững nhất: ngôn ngữ mẹ đẻ. Có lẽ chỉ khi nói đến ngôn ngữ, ta mới có thể nói đến khái niệm "bốn ngàn năm" mà từ lâu đôi khi nói bằng quán tính, nó đã trở thành sáo ngữ (chẳng hạn "bốn ngàn năm văn hiến", "lịch sử bốn ngàn năm"...). Hơn ai hết, khi định cư ở một xứ sở xa lạ như bây giờ, ta mới thấm thía rằng, khó mà truyền đạt tấm lòng đối với đất nước cho một đứa bé nếu cháu chẳng nói được một câu tiếng Việt nào. Nói thông thạo tiếng Mỹ và bập bẹ tiếng Việt thì không thể nào mà hiểu hết nổi cái "ròng rã buồn vui" của “mệnh nước nổi trôi"! Ý nghĩa và cách dùng chữ độc đáo của ông đã tạo một hình ảnh hoàn toàn mới mẻ về quê hương và lịch sử dân tộc. 


Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2022

Trần Hữu Thục: “Nội chiến” ngôn ngữ - tiếng Ukraine hay tiếng Nga?

Không phải tất cả những gì viết bằng tiếng Nga đều thuộc về văn chương Nga, hoặc thuộc về (nước) Nga. Những nhà văn Ukraine viết tiếng Nga không viết về người Nga mà về người Ukraine.

Andrey Kurkov

 

 

Bối cảnh lịch sử và chính trị

 

Ukraine là nước lớn thứ hai ở Âu Châu, sau Nga, với diện tích 603,628 km2, xấp xỉ tiểu bang Texas (695.622 km2), gần gấp đôi Việt Nam (331.2121km2). Theo kiểm tra dân số tháng 1/2022 (www.ukrstat.gov.ua.), thì Ukraine (không kể bán đảo Crimea đã bị Nga sáp nhập) có 41.167.336 người, trong đó, 77.8 % là người Ukraine và 17.3% là người Nga với 67% nói tiếng Ukraine và 24% nói tiếng Nga.[1]

Dẫu vậy, tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần khẳng định “Không hề có một nước gọi là Ukraine”! Ngay từ đầu một bài viết quan trọng của mình, “On the Historical Unity of Russians and Ukrainians”[2] công bố trên trang mạng của điện Kremlin ngày 21/7/2021, Putin không úp mở xác định rằng “người Nga và người Ukraine là một dân tộc - một toàn thể duy nhất,” [3] vì Nga và Ukraine có cùng một gia tài và một vận mệnh chung. Cái gọi là căn cước quốc gia Ukraine hiện nay chỉ là một sản phẩm của các thế lực nước ngoài, theo ông. 


Hai nước Ukraine và Nga quả thực đã cùng chia xẻ một lịch sử khá phức tạp, nhưng lập luận này rõ ràng xuất phát từ một ám ảnh lâu đời của tinh thần đế quốc Nga.


Từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ 13,  một quốc gia Đông-Slave (East Slavic) đầu tiên có tên gọi là Kievan Rus xuất hiện, với một lãnh thổ rộng lớn và đông dân nhất Âu Châu thời đó; trung tâm của nó là Kyiv, thủ đô Ukraine hiện nay, mà các nước Belarus, Russia, và Ukraine đều xem là nguồn gốc của họ. Vào thế kỷ 12, trong lúc người Nga dần dần tách khỏi Kievan Rus và hình thành một quốc gia riêng, thì những cuộc tranh giành và chiến tranh tương tàn cùng với sự xâm lăng của Mông Cổ đã khiến Kyivan Rus suy yếu và cuối cùng, bị sáp nhập vào vương quốc Polish-Lithuanian. Dẫu vậy, di sản văn hóa và tôn giáo của nó là nền tảng cho tinh thần quốc gia Ukraine về sau, giúp hình thành một nước Ukraine mới gọi là Cossack Hetmanate vào thế kỷ thứ 17, sau một cuộc nổi loạn chống người Ba Lan. Quốc gia này giữ vững độc lập trong vòng hơn 100 năm (1648-1764) mặc dầu bị nước Nga ép chế. Đến nửa sau thế kỷ 18, Cossack Hetmanate lại suy đồi và hoàn toàn bị Đế Quốc Nga sáp nhập; người Ukraine chịu đựng cảnh mất nước thêm gần 200 năm nữa cho đến khi Nga Hoàng bị sụp đổ năm 1917. Ukraine được hưởng một thời gian ba năm độc lập ngắn ngủi (1917-1920). Nhưng sau đó, khi chế độ Cộng Sản Liên Xô vững mạnh, Ukraine hoàn toàn lại nằm dưới sự thống trị của người Nga. Ukraine chỉ giành lại được độc lập hoàn toàn khi chế độ Liên Xô tan rã vào năm 1991. 


Dù đất nước triền miên chìm trong khủng hoảng do di sản của chế độ Cộng Sản và do tham nhũng, thiếu khả năng và nhiều vấn đề linh tinh khác, người dân Ukraine vẫn cương quyết theo đuổi lý tưởng dân chủ của mình: từ năm 1991 đến nay, Ukraine có tất cả 6 tổng thống được bầu lên theo thể thức dân chủ.[4] Gay cấn nhất là cuộc bầu cử năm 2004 với hai ứng cử viên đại diện cho hai khuynh hướng đối chọi nhau: Viktor Yushchenko thân Tây phương còn Viktor Yanukovych thân Nga. Yushchenko, do lập trường của mình, nên bị tình báo Nga đầu độc, được cứu sống với một khuôn mặt bị biến dạng. Viktor Yanukovych đắc cử, nhưng bị phát hiện là gian lận, nên dân chúng biểu tình đòi hủy bỏ kết quả. Khi bầu lại, Yushchenko đắc cử. Điều này khiến mâu thuẫn giữa hai nước Nga và Ukraine càng thêm gay gắt. 


Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2022

Trần Hữu Thục: theo dấu nhân vật

Nhân vật tiểu thuyết, hay nói cho gọn, nhân vật, là “nhân vật hư cấu” (fictional character) để chỉ một con người (hay một con vật được nhân cách hóa) hiện diện bằng ngôn ngữ dưới dạng một câu chuyện, ngắn hoặc dài, được kể hay được viết ra bằng cách “bịa đặt”. Người ta cho rằng nhà văn là người chịu trách nhiệm về cái gọi là nhân vật. Thực ra, nhân vật là sáng tạo tự nhiên của con người. Chẳng phải đợi đến khi có hình thức tiểu thuyết như hiện nay, mới có nhân vật. Nhân vật, “xưa như trái đất”, đã có mặt trong các chuyện thần thoại và truyền khẩu dân gian từ thời khuyết sử. Thần, thánh, tiên, ma – dù được tô vẽ kiểu này hay kiểu khác, rất xa cách với con người bình thường -, chỉ là những nhân vật ngụy trang. Loại nhân vật hoang đường đó đã được các văn nhân Trung Hoa xưa tập trung vào một không gian hư cấu, “thượng giới”, với đầy đủ bộ sậu của một triều đình phong kiến, tạo nên một chốn quan trường phức tạp với những xung khắc, kèn cựa, tranh chấp quyền lợi lẫn nhau không kém gì giữa cõi trần gian tục lụy.

Con người là một con vật kể chuyện.[1] Kể một câu chuyện là tổ chức kinh nghiệm hiện thực riêng của mình qua lời tường thuật để, trước hết, biến hiện thực vốn xa lạ và mơ hồ thành một đối tượng quen thuộc và khả tri, và sau đó, dễ dàng truyền đạt đến người khác. Khi kể một câu chuyện, trong thâm tâm, người kể chỉ muốn diễn tả một cách trung thực và khách quan những gì đã xảy ra: người thật việc thật. Nhưng để câu chuyện trở nên lý thú và thuyết phục, người kể thường có khuynh hướng gia, giảm ít nhiều và sắp xếp sự kiện theo một trật tự nào đó phù hợp với mình, rốt cuộc, biến hiện thực thành hư cấu qua trung gian của ngôn ngữ. Người trong chuyện, do đó, thay đổi và tự động trở thành nhân vật. Khi đến tai người nghe, những yếu tố nguyên thủy trong câu chuyện bị biến dạng. Mức độ biến dạng tùy thuộc vào khả năng quan sát, một mặt; và mặt khác, tùy thuộc vào lòng thương, ghét, vào quan điểm đạo đức hay thẩm mỹ riêng của người kể. Chả thế mà, cũng cùng chứng kiến một sự kiện mà mỗi nhân chứng có một cách mô tả và nhận định khác nhau. Kinh nghiệm cho thấy: nghe kể về một người, ta hình dung một cách; đến khi gặp người đó tận mặt, ta lại thấy khác, có khi khác hẳn. Hóa ra, khi kể chuyện, vô hình trung, người kể đã “sáng tạo” ra một nhân vật theo cách riêng của mình. Mức độ sáng tạo càng đa dạng, càng hấp dẫn và ly kỳ, thì nhân vật đó càng xa hình ảnh nguyên thủy. Người nghe, do thiên kiến và do tưởng tượng, lại làm biến dạng thêm một lần nữa. Nhân vật có vẻ như là một ai đó, nhưng chẳng là ai cả, vừa quen lại vừa lạ. Quá trình hình thành nhân vật rõ ràng xuất phát từ hiện thực nhưng kết quả là tạo ra một “thực thể” không giống – và có thể hoàn toàn khác - với chính nó trong đời sống. Nó có số phận riêng của nó như là một hư cấu. 



Trần Hữu Thục: theo dấu nhân vật (Tiếp theo và hết)

Thử lướt qua vài truyện hậu hiện đại điển hình. [1]

 

Flight to Canada (Bay đến Canada,1976) của Ishmael Reed tái hiện những đặc điểm của chế độ nô lệ của Mỹ, tố cáo chế độ nô lệ bằng cách trộn lẫn những nhân vật và biến cố diễn ra cách đây 150 năm trong cuộc nội chiến Mỹ với các sinh hoạt trong thời hiện tại: tổng thống Lincoln, tổng thống miền Nam Jefferson Davis, những chiếc xe ngựa của những năm thuộc thập niên 1860 cùng hiện diện với ký giả Howard Smith, các chương trình truyền hình khuya (late shows), phim ảnh, máy bay trực thăng và các đồ dùng cá nhân, máy điều hòa không khí...của những thập niên 1960, 1970. Reed cường điệu cái cách mà quá khứ và hiện tại trộn lẫn với nhau trong ý thức con người đương đại, theo đó, lịch sử không phải là một sự liên tục theo tuyến tính từ quá khứ đến hiện tại, nhưng là một trộn lẫn của những thời điểm và những cảm giác khác nhau cùng hiện hữu và mâu thuẫn nhau trong đầu óc con người. 

 

Slaughterhouse-Five (Lò Mổ-Năm,1969) của Kurt Vonnegut, một trong những kiệt tác của văn chương hậu hiện đại, phá vỡ tất cả mọi hình thức kể chuyện truyền thống và các quy ước tiểu thuyết, đồng thời sáng tạo ra một lối tự sự và nhân vật kiểu mới, trong đó, mối quan hệ giữa nhân vật và các biến cố hết sức lỏng lẻo. Các hình thức kể chuyện cũng như các sự kiện hay các biến cố đan xen, pha trộn lẫn nhau. Ở nhiều chỗ, chính tác giả Vonnegut cũng tự nhập mình vào trong truyện, thừa nhận ông đang ở đó và là một chứng nhân của các sự kiện diễn ra trong tiểu thuyết. Nhân vật chính Billy kể chuyện về chuyến hành trình đến một hành tinh khác,Tralfamadore, cách xa quả đất hàng triệu dặm, nơi mà không gian có “bốn chiều” và thời gian không “liên tiếp” (sequential), mà “tuần hoàn” (cyclical).  Do không bị mắc kẹt trong thời gian, nên Billy có thể di chuyển xuôi, ngược dòng thời gian, nhảy cóc từ kinh nghiệm này đến kinh nghiệm khác, sống lại những chặng đời của mình, theo một thứ tự hoàn toàn ngẫu nhiên. Những biến cố có thể được lập lại và thời gian trở thành một loại canvas mà trên đó ý thức con người có thể tự in dấu vào. Cái có thực và cái không thực đều hiện diện. Độc giả không còn đương nhiên được tiểu thyết cung cấp cho một thế giới ổn định và chắc chắn để yên tâm thưởng thức nữa. Đọc tiểu thuyết trở thành một cuộc đấu tranh với chính những gì đang đọc.

 


Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2021

Trần Hữu Thục: Võ Phiến - tâm và cảnh

Thế giới trong tác phẩm của Võ Phiến là thế giới bề bộn chi tiết: việc có, sự việc có, vật có, sự vật có, rồi những ý nghĩ thoáng qua, những nhớ, những tiếc, những trạng thái tâm lý tủn mủn tỉ mỉ, chợt buồn chợt vui, chợt băn khoăn, chợt xao xuyến. Đọc văn ông, chúng ta sốt ruột đợi một chuyện gì đó đáng đồng tiền bát gạo xảy ra: một cuộc tình, một tấn thảm kịch hay ít nhất cũng là một biến cố có ý nghĩa nào đó. Nhưng không. Ông nhẩn nha, nhẩn nha kể chuyện “trong nhà ngoài phố” y như thế giới này cứ thế, chẳng có gì quan trọng lắm, ghê gớm lắm. Võ Phiến bắt ta nhìn vào vật này, rồi nghe thứ âm thanh gì ở một xó xỉnh nọ. Ông bắt ta rờ cái này, thoắt cái, nhớ đến chuyện khác. Chuyện con kiến, tiếng thở, cái hắt hơi, tờ báo nằm trên đỉnh mùng, bàn tay đè trên sống mũi, mấy cái hũ mắm, vân vân…

Võ Phiến và Trần Hữu Thục

Ông kể chuyện một anh chàng dẫn mẹ đi khám bịnh, gặp cô y tá. Ta những tưởng sẽ có một mối tình lớn chi đây. Ấy thế mà, chẳng có gì cả. Chỉ thấy anh chàng nhìn, rồi nghe, rồi ngẫm nghĩ, rồi nhơ nhớ, rồi…Chẳng đâu ra đâu hết. Không hề có một mối tình da diết nào. Ông nhắc đến cái chéo áo bà mẹ vướng nơi cửa xe, mấy sợi lông măng trên tay cô gái…Hầu hết các “chuyện” của ông đều như thế, là thế. Trong Võ Phiến, dường như mọi chi tiết đều được tận dụng tối đa. Các giác quan đều rộng mở để tiếp nhận mọi ngóc nghách của cuộc sống chung quanh. Thêm vào đó là những hồi tưởng, liên tưởng, suy gẫm. Chúng ta đọc thử vài trích đoạn, nhặt ra một cách tình cờ từ các bài viết của ông: Chán rồi anh nghiêng đầu tò mò nhìn qua lỗ hở của sàn gác, trông thấy người chủ nhà của tầng dưới, một người đàn ông xấp xỉ năm mươi, mập mạp, tóc hớt “cua”, mặc cái quần đùi rộng thồng thềnh và dài tới đầu gối, nằm ôm đứa con nhỏ ngủ trên đi-văng, tay không rời chiếc quạt giấy thỉnh thoảng được phất một cái để đuổi muỗi. (Đèn ở nhà tầng dưới vẫn sáng vì ông chủ nhà có người con trai thường học khuya, chuẩn bị thi trung học năm nay). Có lúc, Mạnh nằm yên nghe tiếng xe chạy rêm rêm trên khắp các nẽo đường đô thành, nghe như thế rất lâu.

Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2021

Trần Hữu Thục: Tác giả / Cuộc thăng trầm (Tiếp theo và hết)

Cái chết của tác giả


Tác giả không những mất vai trò chính mà có lúc, còn bị giết chết. Người đầu tiên đưa tác giả lên đoạn đầu đài là Roland Barthes qua một bài viết đầy ấn tượng: “La mort de l’auteur” (1). Người ta gọi đó là một “biến cố văn chương”, xảy ra đúng vào lúc có cuộc nổi loạn của sinh viên và người lao động năm 1968 ở tại Paris. Sự giết chết tác giả, đánh dấu sự chuyển dịch từ lý thuyết Cấu Trúc Luận đến lý thuyết Hậu Cấu Trúc (Poststructuralism) hòa cùng với phong trào chống độc đoán (anti-autoritaire), chống lại nhà cầm quyền thời bấy giờ là chính phủ De Gaulle.

Theo nhà phê bình thuộc khuynh hướng cấu trúc học này thì, tác phẩm (work) và văn bản (text) là khác hẳn nhau (2). Tác phẩm là một thành phần của sản phẩm văn chương, chiếm một khoảng không gian nào đó (như xếp nằm trên giá sách của thư viện), tức là một cuốn sách, trong lúc đó, văn bản thuộc về lãnh vực phương pháp. Barthes lấy cách Lacan phân biệt giữa “la realité” (hiện thực) và “le réel” (cái có thực) - theo đó, hiện thực thì được trưng bày còn cái có thực thì được giải thích -, để phân biệt giữa “tác phẩm” là cái để trưng bày còn “văn bản” là một tiến trình giải thích theo một số quy luật nào đó; tác phẩm có thể giữ trong tay, còn văn bản thì được giữ trong ngôn ngữ hay nói cách khác thì văn bản chỉ hiện hữu trong chuyển động của diễn ngôn. Nói cho rõ ràng hơn thì chính văn bản mới là tác phẩm thực sự, còn cái gọi là tác phẩm chỉ là hình thức vật chất bên ngoài của nó, tức là cuốn sách.

Văn bản, theo Barthes, không phải là những hàng chữ phóng ra một ý nghĩa “thần bí” nào đó nhưng là một không gian đa chiều trong đó, có vô số bản văn trộn lẫn và đụng độ lẫn nhau. Văn bản bao gồm những con chữ xếp vào nhau thành một cấu trúc nào đó mà ta có thể nhìn thấy ngay, nếu cần tìm cần hiểu thì căn cứ vào đó chứ khỏi phải mất công đi tìm đâu xa. Nói một cách khác, văn bản là văn bản, chẳng có cái gì bí ẩn chứa đựng đâu đó bên dưới những con chữ. Đó là một chuỗi những trích dẫn rút ra từ vô số trung tâm văn hóa khác nhau qua một quá trình gọi là viết. Như thế, viết đơn giản chỉ là một hành động “trích dẫn”, chứ không phải là sáng tạo, vì những gì tồn tại qua văn bản, thực ra, chẳng có cái nào gọi là mới cả. Ngôn ngữ là những gì có sẵn đâu đó trong sách vở hay trong việc giao tiếp hàng ngày rồi. Như thế, một văn bản được tạo thành bởi nhiều bản viết khác nhau, rút ra từ nhiều nền văn hóa khác nhau và đi vào những tương quan hỗ tương về đối thoại, nhại văn, tranh cãi. Vậy thì xem xét một văn bản không phải là giải đoán (deciphered) mà là tháo gỡ (disentangled). Ở điểm này, Barthes loại bỏ hẳn tất cả những yếu tố nào không thuộc về ngôn ngữ. Ông nói rõ: Viết, là đạt đến điểm, nơi mà chỉ có ngôn ngữ tác động, trình diễn.

Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021

Trần Hữu Thục: tác giả/cuộc thăng trầm

Lang bang …


Có lần, tôi gửi cho tờ tạp chí nọ một bài viết không có tựa đề. Người chủ biên không chịu cho đi với một bài viết “cụt đầu” như thế. “Trông kỳ lắm. Để trống phía trên một bài viết vừa trông kỳ quặc vừa không cân đối, không đẹp”, anh ta nói. Lần sau, tôi gửi một bài khác. Lần này, bài có tựa đề, nhưng không để tên tác giả. Người chủ biên lại càng không chịu. “Không thể tưởng tượng một bài viết lại không có tên tác giả. Độc giả nhất định sẽ thắc mắc”, anh nói. Tôi bảo thì cứ xem như tác giả là vô danh - Vô danh thị - như những bài thơ khuyết danh ngày xưa vậy. Anh bảo: chẳng thà anh để “vô danh thị”. Có chữ “vô danh thị” trông nó dễ chịu hơn; không có gì thì trông như người ta ra đường mà không mặc quần vậy. Tôi nói: để chữ “vô danh” thì cũng xem như có danh rồi. Tôi muốn vô danh thật, nghĩa là hoàn toàn không có gì hết. Không được đâu, anh cương quyết.

Một lần khác, tôi gửi anh bài nữa. Lần này, không tựa đề, không tên tác giả. Anh giãy nãy lên, bảo tôi chơi trò lập dị. “Không giống con giáp nào cả”. Tôi bảo tôi không lập dị. Tôi muốn cách tân thôi. Anh bảo: OK, nếu anh muốn cách tân thì anh phải giải thích đàng hoàng. Người ta cách tân, người ta có luận điểm, có lý thuyết, anh muốn cách tân, anh cũng phải giải thích rõ ràng. Tôi bảo: đồng ý là phải có luận điểm, nhưng còn tùy. Lối cách tân này không cần luận điểm, vì nếu phải giải thích thì tính cách cách tân trở nên vô nghĩa. Anh không chịu. Tôi giữ vững lập trường, cố thuyết phục anh cho tôi thử nghiệm, nhưng vô ích. Thế là tôi đành phải đề tên mình vào …như thường lệ.

Đó là chuyện một cái tên. Hãy thử đẩy trí tưởng tượng xa hơn: một tờ tạp chí không có tên gọi, không ghi địa chỉ tòa soạn, không có tên người đứng làm chủ bút, chủ nhiệm, không có danh sách cộng tác viên, chỉ gồm toàn các bài viết. Nghĩa là chỉ còn là những văn bản thuần túy, y như một bản cổ văn đào xới lên từ đâu đó. Nghe thật phi lý y như một người sinh ra không khai sinh, không lý lịch, không quá khứ. Chắc chắn là không ai chấp nhận.

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2021

Trần Hữu Thục: Canh Tý 2020 - từ đại dịch đến chuyện bầu cử (Tiếp theo và hết)

“Bầu cử tự do, công bằng là máu thịt của nền dân chủ chúng ta. Cáo buộc bất công là điều hệ trọng. Nhưng gọi một cuộc bầu cử là bất công không khiến cho nó thành bất công. Cáo buộc đòi hỏi những luận cứ rõ ràng kèm theo bằng chứng. [Ấy thế mà]Chúng tôi lại chẳng có cái nào ở đây cả.”
Stephanos Bibas (Thẩm Phán Tòa Phúc Thẩm Hoa Kỳ)

Bầu bằng thư


Đảng Dân Chủ và Biden gian lận như thế nào?

Theo phe ôngTrump, gian lận bầu cử 2020 do nhiều nguyên nhân: nhà nước ngầm, đặc biệt là Trung Quốc, ủng hộ Biden; máy bầu phiếu Dominion và Smartmatic được thiết kế một cách đặc biệt để đổi phiếu từ Trump qua Biden; hàng ngàn người chết bỏ phiếu cho Biden; phiếu bầu cho Trump bị chở đi vứt bỏ bằng xe tải; quan sát viên của đảng Cộng Hòa không được tiếp cận khu vực đếm phiếu, vân vân và vân vân.

Tất cả những lý do đó đều là thêm mắm dặm muối cho một quan điểm đã có từ trước của Trump: bầu cử bằng thư (mail-in voting) là gian lận. Tại sao? Bầu bằng thư, theo Trump,“thực sự phá hoại hệ thống [bầu cử] của chúng ta. Đó là một hệ thống hư hỏng. Nó làm cho người ta hư hỏng ngay đối với những người mà bản tính họ không hư hỏng, vì họ trở nên hư hỏng quá dễ dàng. Hình như họ có thể kiếm ra ngay bao nhiêu phiếu mà họ cần. Họ đợi, và đợi và rồi họ tìm ra chúng.” “Họ” là ai? Là đảng Dân Chủ. Sao gọi là hư hỏng? Đa số phiếu bầu bằng thư đều dồn cho đối thủ của ông.

Để chận đứng hình thức bầu cử này, hay nói cho cụ thể, chận đứng lợi thế của Biden, vào tháng 6/2020, tân tổng giám đốc bưu điện Louis DeJoy, một người nhiệt tình ủng hộ Trump, tái cấu trúc hệ thống bưu điện bằng cách giảm giờ làm việc, cắt giờ phụ trội và thực hiện nhiều thay đổi khác trong bộ máy bưu điện với mục đích giảm bớt chi phí mà lý do thực sự là làm chậm việc giao phiếu bầu bằng thư. Bác bỏ chuyện đảng Dân Chủ muốn cấp thêm ngân sách cho bưu điện, trong cuộc phỏng vấn với Maria Bartiromo (đài Fox News), Trump không úp mở tố cáo đảng Dân Chủ muốn cấp tiền cho bưu điện chỉ là để “bưu điện giao hàng triệu phiếu bầu bằng thư. Nếu họ không có tiền, họ không thể thực hiện việc bầu bằng thư rộng rãi được.” Nỗ lực này, rốt cuộc, không mấy hiệu quả, chỉ vì một lý do đơn giản: bầu bằng thư, cũng như bầu trực tiếp, là quyền lợi của người dân Hoa Kỳ được bảo vệ bằng luật pháp của liên bang cũng như tiểu bang, được cụ thể hóa bằng những quy định hợp lý và được kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan đặc trách bầu cử. Chẳng thế mà, để bảo đảm mọi phiếu bầu bằng thư đều được đếm, một số tiểu bang gia hạn thời gian nhận phiếu bầu do bưu điện chuyển, nhiều ngày sau ngày bầu cử chính thức.

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2021

Trần Hữu Thục: Canh Tý 2020 - từ đại dịch đến chuyện bầu cử (Kỳ 1)

“Bầu cử tự do, công bằng là máu thịt của nền dân chủ chúng ta. Cáo buộc bất công là điều hệ trọng. Nhưng gọi một cuộc bầu cử là bất công không khiến cho nó thành bất công. Cáo buộc đòi hỏi những luận cứ rõ ràng kèm theo bằng chứng. [Ấy thế mà]Chúng tôi lại chẳng có cái nào ở đây cả.”
Stephanos Bibas (Thẩm Phán Tòa Phúc Thẩm Hoa Kỳ)

Nước Mỹ thường hay có những sự kiện đánh dấu cho những thay đổi có tính cách toàn cầu.

Vào ngày 11/9/2001, đầu thiên niên kỷ 2000: biến cố khủng bố New York là dấu mốc cắt lịch sử thế giới thành hai: tiền-9/11 và hậu-9/11. Những tưởng là lịch sử đã an bài và các sử gia chỉ việc theo đó mà …viết sử. Ấy thế mà, gần 20 năm sau, một biến cố khác dữ dội gấp bội về tất cả các mặt, từ số người chết, tấm mức rộng lớn, ảnh hưởng lâu dài…trên toàn nhân loại: Coronavirus. Đi vào các nước khác, đại dịch vẫn chỉ là đại dịch. Ấy thế mà khi đến Mỹ, nó lập tức bị Mỹ-hóa và lập kỷ lục thế giới về số người bị nhiễm và bị chết. Chưa hết. Đi kèm theo đại dịch đó là cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳđầy tranh cãi. Cả hai kết hợp nhau biến thành một “sự-kiện-đôi”, kéo dài suốt năm 2020 chuyển qua năm 2021, để lại di chứng lâu dài trong lịch sử Hoa Kỳ và thế giới. Cũng là một kỷ lục!

Chữ của năm 2020: Pandemic


Khác với nhiều năm trước, “Chữ Của Năm” 2020 (Words Of The Year = WOTY 2020) không chỉ định nghĩa một năm, mà hơn thế, đánh dấu cả một thời kỳ. Một thời kỳ tệ hại mang đặc tính toàn cầu: khủng hoảng y tế, suy sụp kinh tế, bất công chủng tộc, thảm họa môi trường, chia rẽ chính trị và tin giả lên ngôi. Mỗi một sự kiện đều có nguyên nhân riêng của nó, nhưng rõ ràng tất cả đều gánh chịu ảnh hưởng của một biến cố vô tiền khoáng hậu do một con siêu vi nhỏ bé gây ra. Căn cứ trên số lượng vô cùng cao truy cập trên mạng, hai nhà xuất bản tự điển tiếng Anh hàng đầu trên thế giới, Merriam-WebsterDictionary.com, đã chọn cùng một chữ dành cho năm 2020: “Pandemic”, Đại Dịch. Từ ngữ này mô tả một hiện thực đời sống bị nhiễu loạn đến cùng cực, tác động mạnh mẽ đến ngôn ngữ.

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2020

Trần Hữu Thục: Đảng tranh ở Hoa Kỳ thời đại dịch

- We don't see things as they are, we see them as we are.
(Chúng ta không nhìn thấy sự vật như chính sự vật, mà nhìn thấy chúng như chính chúng ta)
Anaïs Nin[1]

- …Where I could stand in the middle of Fifth Avenue and shoot somebody and I wouldn’t lose any voters…" (…Dù tôi có đứng ngay giữa Đại Lộ Thứ Năm và bắn [chết] một ai đó thì tôi vẫn sẽ không mất bất cứ cử tri nào…)[2]
Donald Trump 

I. Đảng 


Vào đầu tháng 6/2020, giữa lúc cái chết của người đàn ông da đen George Floyd đưa đến những cuộc biểu tình liên tục trên toàn quốc của phong trào Black Lives Matter, một số khuôn mặt nổi tiếng của đảng Cộng Hoà (CH) như thượng nghị sĩMitt Romney, cựu tổng thống George Bush (Con) tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho ông Trump; riêng tướng Colin Powell, nguyên bộ trưởng Bộ Ngoại Giao dưới thời tổng thống Bush (Con), thì tuyên bố thẳng thừng là sẽ bỏ phiếu cho ông Biden, ứng cử viên đảng Dân Chủ (DC), vì hai người có quan điểm rất gần gũi về xã hội và chính trị.[3]

Phản ứng trước sự kiện đó, cựu thống đốc Mike Huckabee, phát biểu trong chương trình “Fox & Friends Weekend” vào ngày 7/6/20, thừa nhận rằng Trump có thể không phải là ứng cử viên giỏi nhất, nhưng vẫn là người thể hiện quan điểm của đảng CH rõ ràng nhất, do đó, xứng đáng hơn người thuộc đảng DC. Ông thúc giục những người CH, dù không thích cá tính của Trump, hãy vượt lên trên điểm này. “Đây không phải là bầu cho một cá tính, đây không phải là Hollywood mà đây là thế giới rối rắm của chính trường.”[4] Theo ông, có thể Trump ăn nói không trau chuốt, nhưng rõ ràng là, ông đã hoàn thành nhiệm vụ và đây là lúc những người CH tập hợp lại bởi vì nếu không, họ sẽ để cho Joe Biden, một người không phò sự sống (pro-life), người sẽ tăng thuế cao, sẽ mở cửa biên giới, sẽ chịu thua Trung Cộng, đắc cử. Huckabee nhấn mạnh, đây là một chọn lựa vô cùng đơn giản vì “tất cả những gì mà chúng ta ghê tởm”, Biden sẽ ôm lấy, “kể cả chủ nghĩa xã hội.”[5]

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2020

Trần Hữu Thục: Chân Phương - những ngày câm nín

Tưởng niệm nhà thơ Chân Phương (mất ngày 6/5/2020 tại Boston)

Từ trái: Hoàng Hưng, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Trọng Khôi, Chân Phương, Trần Doãn Nho
(Hình: NTKhôi, tại tư gia Chân Phương, Spinnaker, thị trấn Hull, Boston, mùa đông 2018)
Tập thơ bắt đầu bằng một “tin vắn” dựng lên chân dung về “tôi”, một cái “tôi” hết sức đặc thù sau ngày Cộng Sản chiếm trọn miền Nam. 

Tôi là cơn điên
Còn sống sót giữa sự vật mồ côi
(….)
Là miếng giẻ nhét vào mồm
Là mảnh vải đen bịt mắt
Là vũng máu khô
Không còn nhớ những phát đạn bắn vào đầu
(tin vắn)

“Tôi” là một hiện hữu phi-hiện-hữu: câm và nín. 

Tôi chính là sự câm nín hèn hạ của các người.

Rốt cuộc:

Tôi không còn tiếng nói
chỉ còn hơi thở tôi và bát cơm nhỏ của con tôi
(Tuyên ngôn của tôi)

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2019

Trần Hữu Thục: Một công trình có ý nghĩa về Trương Vĩnh Ký - tập “Kỷ Yếu Triển Lãm và Hội Thảo về Petrus Trương Vĩnh Ký”



“Kỷ Yếu Triển Lãm và Hội Thảo về Petrus Trương Vĩnh Ký” do “Ban Tổ Chức Triển Lãm & Hội Thảo TVK” thực hiện được phát hành vào tháng 9/2019 là một tin vui! 

Tập sách in nhiều màu, đẹp, dày 464 trang. Ngoài phần hình ảnh ghi lại khung cảnh, tài liệu trưng bày và hoạt động trong cuộc “Triển lãm và hội thảo về Petrus Trương Vĩnh Ký” tổ chức tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt tám tháng trước đây (8/12/2018), Kỷ Yếu gồm có ba phần: Phần I là những bài thuyết trình, kể cả diễn văn khai mạc và đúc kết, đã được trình bày trong cuộc hội thảo; phần II là bốn bài nghiên cứu, hai bản Việt dịch di cảo của Trương Vĩnh Ký, một bài tản mạn cùng với một tài liệu vừa được tìm thấy, bài hát chính thức của trường Trương Vĩnh Ký, “Chant du Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký” được sáng tác vào cuối thập niên 1930; và phần III là Thư Tịch. Góp mặt trong Kỷ Yếu là những học giả, nhà văn, nhà báo, dịch giả, luật sư, nghệ sĩ trong và ngoài nước như Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Trung Quân, Trần Văn Chi, Bùi Vĩnh Phúc, Phan Đào Nguyên, Phạm Phú Minh, Nguyễn Văn Tố, Nguyên Ngọc, Đặng Thúc Liêng, Nguyễn Bích Thu, Cam Vũ, và Phương Nghi. Đặc biệt, phần Thư Tịch khá dài, đến 60 trang, là một công trình sưu khảo có giá trị, chỉ dẫn đầy đủ về các tác phẩm và di cảo của Trương Vĩnh Ký, các bài nghiên cứu về ông và danh mục các thư viện trong và ngoài nước còn giữ Gia Định Báo và Thông Loại Khóa Trình, do bà Phạm Lệ Hương, một chuyên gia về thư viện, lập nên. 

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2019

Trần Hữu Thục: Đi tìm vài góc khuất trong văn chương Trần Thị NgH (Kỳ cuối)

NGƯỜI TA KHÔNG SINH RA NHƯ LÀ, MÀ TRỞ NÊN, ĐÀN BÀ


Simone de Beauvoirnói thế: On ne naît pas femme: on le devient. Người ta không bẩm sinh mang thân phận đàn bà, mà bị buộc phải làm đàn bà.

Tiếp nối các cây bút nữ đi trước của trào lưu văn chương mới với những Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ…, NgH xông xáo, đi tới, đi xa hơn, không phải để đòi, để tranh đấu, mà để xác định quyền của NgH: một con người trong thân xác đàn bà. Nữ quyền là nhân quyền, nói theo Hillary Clinton. Đàn bà với một số các khái niệm tiêu cực đi kèm, không phải là bản chất mà là sự áp đặt, một áp đặt hàng ngàn năm xuất phát từ một xã hội do đàn ông thống trị. Đàn ông biến đàn bà, nói theo Beauvoir, thành một “deuxièm sexe”, giới tính thứ hai. Giới tính thứ hai là thứ cấp, là lệ thuộc, là công dung ngôn hạnh, là tứ đức tam tòng, vân vân và vân vân, toàn là những ràng buộc vừa khắt khe vừa vô lý. Văn chương NgH là một vùng vẫy, một thách đố, một chống chỏi để vượt thoát khỏi “giới tính thứ hai” như một thân phận,một định mệnh. NgH không đòi nữ quyền; nữ quyền, nói nghe ghê gớm, thực ra vẫn hàm ý tiêu cực, vì chỉ đòi quyền của người nữ mà quyền của người nữ chỉ là “quyền của người nữ”. NgH đòi quyền làm người. NgH chống áp đặt. Chống giả tạo. Chống ràng buộc

Bạch hóa


Áp đặt lớn nhất đối với phụ nữ là tình dục. Dù trinh tiết chỉ là một “miếng tóp mỡ hay thẻo vỏ quýt phơi khô đã trổ màu sậm sì”, mất trinh là một kinh nghiệm đặc thù đối với phụ nữ, trước hết, do những ám ảnh vô thức nặng nề của thứ triết lý giáo dục do đàn ông đề xướng, thứ đến, do những cảm giác lẫn lộn về mặt sinh lý. “Nhà có cửa khóa trái”, “Chủ nhật” và “Nghỉ mát trên bãi biển” được sáng tác từ thuở đầu đời có thể xem là một bộ ba liên-văn-bản, qua đó, NgH cho rằng tình dục là một đòi hỏi cần thiết bình thường, do đó, “thất thân” đối với đàn bà cũng giống như người ta ăn uống, ngủ, bài tiết, giải trí. Mặt khác, thất thân là một chọn lựa tự do: một cô gái có thể thất thân với một người đàn ông, không nhất thiết phải là người mình yêu. Dẫu vậy, “trở thành đàn bà” là một kinh nghiệm độc nhất vô nhị, kinh nghiệm đó có thể trở thành một ám ảnh.

Nguyễn Du viết:

Tiếc thay một đóa trà mi
Con ông đã tỏ đường đi lối về

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2019

Trần Hữu Thục: Đi tìm vài góc khuất trong văn chương Trần Thị NgH (Kỳ 1)

GỎI CHỮ

Nguyễn Thị Hoàng gây “sốc” văn giới (và xã hội) bằng câu chuyện(Vòng tay học trò), NgH gây “sốc” văn giới bằng cách viết.

Người ta gọi (văn) NgH là ngổ ngáo. 

Ngổ ngáo? 

Ngổ ngáo: có thái độ, hành động ngang ngược, liều lĩnh. Tiếng Anh, ngổ ngáo được dịch là rash/reckless: thiếu suy nghĩ, ẩu, không sợ hậu quả. NgH có viết ẩu không? Không. Thiếu suy nghĩ? Không. Còn hậu quả? Là, theo tôi, ta có một nhà văn chỉ giống một người duy nhất: Trần Thị NgH.

NgHbảo, “Ngổ ngáo là chữ của người khác đặt cho người viết, còn người viết trong người như thế nào cứ... xịt ra như thế ấy, chả biết có phải là ngổ ngáo không, nhưng mà không thích điệu, thích cắt tóc tém, đi nhanh, ăn mặc gọn; trong văn chương thì không thích uốn éo, không tráng men, chắc vì vậy nên được coi là ngỗ ngáo.”[1]

Tóm lại, với NgH, viết đơn giản chỉ là có sao nói vậy (người ơi!), không dùng thủ pháp tu từ học để bôi trơn, chà láng[2]hiện thực. NgH thể hiện “quan điểm” này trong hầu như tất cả tác phẩm của mình, phăng phăng, dứt khoát.

Cần nói thêm cho rõ. Ngổ ngáo mới chỉ là một trong nhiều tính cách mà người ta quy cho (văn) NgH. Với Du Tử Lê thì: mạnh mẽ, lạnh lùng, khô khốc, giễu cợt, gây gỗ, thiếu bóng cây; với Thụy Khuê thì: tỉnh táo, vô cảm, châm biếm, đớn đau, tự trào, hiện sinh, rất mới, rất trẻ. Với Thanh Tâm Tuyền, khác hẳn. Ông nói về cấu trúc câu, chữ: “về sự rời rạc, sự tuôn tràn, những nhịp thở, những lỗ trống, nói về dấu phẩy, dấu chấm; phẩy là đòi đoạn, chấm là chưng hửng lôi tuột luốt như rớt đến trống không đến sợ. Và câu khác trồi lên, kéo lên như một ân huệ, như một phép mầu để lại dìm trong đòi đoạn.”[3]

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2019

Trần Hữu Thục: Thơ Tô Thùy Yên, chênh vênh siêu hình/hiện thực

Tô Thùy Yên (TTY) [1]làm thơ từ hồi còn rất nhỏ. Bài thơ đầu tiên đưa đăng báo được in ở tạp chí Ðời Mới do nhà văn Nguyễn Ðức Quỳnh chủ trương, vào lúc ông 16 tuổi. Theo ông, bài thơ đó, “chắc chắn không phải là một bài thơ hay và ngày nay tôi chẳng còn nhớ nó như thế nào nữa”[2]. Năm 1956, một bài thơ khác in ở trên Sáng Tạo – tạp chí mở ra một thời kỳ mới của văn học nghệ thuật Việt Nam: Cánh đồng, con ngựa, chuyến tàu. Ðó là một bài thơ mà những ai yêu mến văn học nghệ thuật không thể quên. Nó là dấu mốc của một chuyển biến sâu xa trong nền văn học miền Nam mà cũng là trong nền văn học VN. Gần 40 năm sau, tập thơ đầu tay mới ra đời: Thơ Tuyển Tô Thùy Yên, xuất bản ở Hải Ngoại năm 1995, lúc nhà thơ đã …56 tuổi đầu. Thêm chín năm nữa, tháng 8/2004, tập thơ thứ hai ra đời: Thắp Tạ. Bìa trước của tập thơ mới này ghi:

thức cho xong bài thơ
mai sớm ra đi
cài hờ lên cửa tặng

Ðây là bài thơ ngắn nhất của tác giả (trong lịch sử thi ca, chắc cũng không có mấy bài thơ ngắn hơn), Tặng phẩm. Lời thơ nghe như có ý nói rằng “Thắp tạ” là tập thơ cuối cùng trong đời ông? Mong rằng tôi hiểu sai.

Cảm giác đầu tiên của tôi khi đọc thơ TTY là ngạc nhiên vì một số điểm có vẻ như “tương phản” trong thơ ông.

- Bài thơ (được xem) như đầu tay, “Cánh đồng, con ngựa, chuyến tàu” làm lúc còn là một thiếu niên - không phải là một bài thơ tình học trò với những rạo rực yêu đương, mộng tưởng, nhớ nhung vớ vẩn - mà lại là một bài thơ đẫm triết lý; không phải là một thứ triết lý vớ vẩn, mà là chứa chất một cái nhìn rất bao quát, được tiếp tục được triển khai qua nhiều bài thơ về sau này, dưới những cách diễn đạt khác nhau về hữu hạn/vô hạn. Suốt mười lăm câu, tuyệt không có một từ ngữ triết lý nào, cũng không ám chỉ một ý niệm triết lý nào. Toàn bài là một bức tranh sinh động, rất đẹp, rất hoành tráng và chấm dứt bằng một bi kịch đầy ấn tượng: tàu chạy mất và con ngựa thì gục ngã. Một gục ngã êm đềm, thẩm mỹ! Một ẩn dụ triết lý tuyệt vời!