Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023
Trương Nhân Tuấn: Nhìn lại chiến lược của Trung Quốc trên biển Đông
Các cuộc thủy chiến cận đại của Trung Quốc đối đầu với một quốc gia khác, ta có thể kể tới là trận hải chiến trên sông Mân và phong tỏa Đài Loan với hải quân Pháp năm 1885 và trận Áp lục năm 1895 với Nhật. Cả hai trận hải quân Trung Quốc, lúc đó là nhà Thanh, đều thua tơi tả. Toàn bộ lực lượng hải quân của Trung Quốc bị tiêu diệt. Ta cũng không thể không nhắc đến các cuộc xâm lăng Việt Nam của các triều đại người Hán. Trong tất cả các cuộc thủy chiến với Việt Nam, hải quân người Hán đều thua Việt Nam.
Suốt chiều dài lịch sử của Trung Quốc, cho tới năm 1945 Trung Quốc chưa hề có tham vọng về biển, như kiểm soát các hải lộ quốc tế cũng như tham vọng chinh phục hay thống trị không gian biển. Hầu hết các hoạt động của Trung Quốc về biển chỉ tựu trung ở các ngư dân đánh cá ven bờ. Ngoài ra những sinh hoạt về biển khác của Trung Quốc đều thuộc về hải tặc.
Thứ Ba, 23 tháng 5, 2023
Trương Nhân Tuấn: Thượng đỉnh G7 và Việt Nam
Bản Thông cáo chung 20-5 cho biết các quốc gia G7 “đoàn kết hơn bao giờ hết, với quyết tâm đối phó trước những thách thức toàn cầu” đồng thời “vạch ra một lộ trình cho tương lai tốt đẹp hơn”. Việc làm của G7 “bắt rễ từ sự tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) và quan hệ đối tác quốc tế”.
Về những biện pháp cụ thể mà G7 đã và đang thực hiện, qua bản Thông cáo, trọng tâm của “các thách thức toàn cầu” là "chiến tranh Ukraine".
G7 lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Nga:
Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2023
Trương Nhân Tuấn: Tiếp tục vụ "đồng tiền Úc có in cờ VNCH"
Cuối bài GS Thayer có nói rằng: “Chúng ta không thể thay đổi lịch sử, nhưng chúng ta có thể tiến tới hòa giải. Chúng ta có thể tiến tới một mối quan hệ song phương tốt đẹp hơn.”
Cá nhân tôi thì tin vào thiện chí của quốc gia Úc, thông qua ý kiến của GS Thayer.
Tôi cũng tin rằng chúng ta làm gì có thể thay đổi lịch sử?
Nhưng theo tôi, đối với nhà nước CSVN, chuyện gì họ cũng sửa được, trắng đổi thành đen còn được, huống chi lịch sử!
Thứ Ba, 9 tháng 5, 2023
Thấy gì từ việc nhà nước cộng sản Việt Nam phản ứng vụ đồng 2 đô Úc có in hình cờ của chế độ VNCH?
![]() |
Hình Royal Australian Mint |
“Ngày 4-5, trả lời câu hỏi của phóng viên về sự việc trên, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết "Chúng tôi lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối việc Công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Úc đã phát hành các vật phẩm với hình ảnh 'cờ vàng', cờ của một chế độ đã không còn tồn tại".
"Việc này hoàn toàn không phù hợp với xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Úc. Chúng tôi đã trao đổi với phía Úc về việc này", bà Hằng khẳng định
Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2023
Trương Nhân Tuấn: Nhìn lại cuộc chiến Việt-Trung 1979
1. Tên gọi cuộc chiến :
Thông thường người ta đặt tên một cuộc chiến bằng tên của nơi xảy ra cuộc chiến hoặc qua « mục đích » của nó. Cuộc chiến Việt-Trung 1979, xảy ra từ ngày 17 tháng 2 năm 1979 và chấm dứt ngày 5 tháng 3 năm 1979. Phía Cộng sản Việt Nam gọi đó là cuộc chiến « xâm lược »: « Chiến tranh xâm lược ngày 17-2-1979 là đỉnh cao của những hành động thù địch của lãnh đạo Trung Quốc. »
Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2023
Trương Nhân Tuấn: Hiệp định Paris 27 tháng Giêng năm 1973: 50 năm nhìn lại

Ông Trương Nhân Tuấn,
nhà nghiên cứu về lãnh thổ,
biên giới, biển đảo và luật quốc tế
1/ Hiệp định Paris 27 tháng Giêng 1973 về Chấm dứt chiến tranh và Thiết lập lại hòa bình (từ nay gọi là Hiệp định Paris 1973).

nhà nghiên cứu về lãnh thổ,
biên giới, biển đảo và luật quốc tế
Nguyên thủy gồm hai bản được đánh dấu (a) và (b), nội dung hầu như không khác nhau. Cả hai bản được lưu trữ ở Liên Hiệp Quốc, do phía Mỹ đệ trình, ngày 13 tháng Năm năm 1974.
Hiệp định được viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt, cả hai đều có giá trị tương đương như nhau.
Ngoài ra Mỹ còn đính kèm hồ sơ lưu trữ Liên Hiệp Quốc văn bản thứ ba, đánh dấu (ab), là bản tuyên bố chung cuộc Hiệp định Genève 1954 về vấn đề thiết lập nền hòa bình tại Đông Dương.
Hiệp định Paris 1973 có 9 Chương và 23 Điều.
Chương 1, gồm điều 1, nói về Quyền dân tộc cơ bản của nhân dân VN.
Chương 2, từ điều 2 đến điều 7, nói về “chấm dứt chiến sự và rút quân”.
Chương 3 gồm điều 8 nói về việc trao trả tù nhân.
Chương 4, từ điều 9 đến điều 14, nói về việc thực hiện quyền dân tộc tự quyết của nhân dân miền Nam.
Chương 5 gồm điều 15 nói về việc thống nhứt đất nước và vấn đề quan hệ giữa miền Bắc và miền Nam.
Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023
Trương Nhân Tuấn: Cuối năm nhìn lại
Cuối năm nhìn lại Việt Nam thấy có vô số vấn đề cần được quan tâm, cần xét lại, hoặc cần giải thích lại. Từ kinh tế, chính trị, quốc phòng, giáo dục, y tế, pháp lý… cho tới những vấn đề lịch sử như chiến tranh Việt Nam, về lăng kính chính trị của tuyên giáo, vấn đề tham nhũng… Một số sự kiện đặc biệt, theo ý kiến chủ quan của tôi, cần được nhắc lại. Đó là:
1/ Tình trạng thối nát cấp quốc gia, đảng viên Cộng sản Việt Nam “ăn của dân không từ một thứ gì”, xuyên qua hai vụ (Test Kits) Việt Á và “các chuyến bay giải cứu”.
2/ Chiến tranh Nga xâm lược Ukraine nhìn qua lăng kính chính sách “ngoại giao cây tre” và “quốc phòng bốn không” của Việt Nam.
3/ Đài loan và Biển Đông: chuyện nội bộ của Trung Quốc?
4/ Từ vụ “cúp điện” buổi trình diễn ở Hà nội của ca sĩ Khánh ly sau khi bài “Gia tài của mẹ” được trình diễn.
1/ Vụ Việt Á và vụ “Các chuyến bay giải cứu”.
Thứ Ba, 17 tháng 1, 2023
Trương Nhân Tuấn: 49 năm ngày hải chiến Hoàng Sa– Bàn về chủ quyền Hoàng Sa
Battle of the Paracel Islands, Wikimedia |
![]() |
Bốn chiến hạm của hải quân Việt Nam cộng hòa tham dự trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 - Ảnh tư liệu |
Nhân 49 năm ngày hải chiến Hoàng Sa 17/19 tháng Giêng 1974, thử bàn về chủ quyền Hoàng Sa qua nguyên tắc "ex injuria jus non oritur".
Trong luật có nguyên tắc: "ex injuria jus non oritur". Đại khái có thể hiểu là "lẽ phải không phát sinh từ một hành vi bá đạo".
Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018
Trương Nhân Tuấn: Nhân đọc lại hồ sơ về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của phía Trung Quốc…
Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017
FB Trương Nhân Tuấn: Viễn tượng “một nước Việt Nam tốt đẹp hơn” ngày càng u ám
Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015
Trương Nhân Tuấn - Việt Nam làm gì khi Mỹ đơn phương tuyên bố đưa tàu chiến vào vùng 12 hải lý các đảo nhân tạo ở Trường Sa?
Báo chí đăng tải, ngày 13-10, “Mỹ đã thông báo cho các đồng minh ở châu Á về kế hoạch tiến hành tuần tra gần các đảo nhân tạo mà TQ xây dựng tại Biển Đông”. “Các nước đồng minh” của Mỹ (được thông báo) ở đây có lẽ (ít nhứt) là các nước Úc, Nhật, Phi và Mã Lai. Bởi vì ta thấy sau đó viên chức hữu trách các nước này đều lên tiếng cho biết lập trường của quốc gia mình (về kế hoạch “tuần tra” của hải quân Hoa Kỳ). Danh sách “đồng minh” này không có Việt Nam.
Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014
Trương Nhân Tuấn - Im lặng trong hoàn cảnh này là đồng lõa.
Hình: Internet |
Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013
Trương Nhân Tuấn - Đôi điều với Tiến Sĩ Trần Công Trục về vấn đề biên giới.
Trương Nhân Tuấn
Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013
Trương Nhân Tuấn - Những vấn đề hiến pháp : tình trạng con vua thì lại làm vua
Hiến pháp sẽ sử dụng vào việc gì, nếu con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa, như tình trạng đã và đang xảy ra ở Việt Nam ?
Ở Việt Nam, các « con ông cháu cha », tài cán thế nào chưa thấy chứng minh, mà tất cả đều được « gài » vào các vị trí then chốt trong « đảng », trở thành hạt nhân của « giai cấp tiên phong », sẵn sàng thay thế ông, cha ra « lãnh đạo » đất nước.
Các vấn đề (thuộc về Hiến pháp) như « nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa », « Việt Nam là một nước có chủ quyền », « nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa », « quyền lực nhà nước là thống nhất », « đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước », « dân chủ tập trung » v.v... tất cả chỉ là ngôn từ của « hỏa mù ». Con vua thì lại làm vua, đó là một chế độ phong kiến trá hình. Nói chuyện về Hiến pháp nhiều khi chỉ là chuyện trào phúng, mất thì giờ.
Nhưng cũng phải nói. May ra tìm thấy lối thoát cho giống nòi.
Người ta thấy rằng, trong bất kỳ một nhóm người sống chung, lập thành xã hội, một cách tự nhiên sẽ xuất hiện hai khuynh hướng tâm lý : lớp lãnh đạo và lớp người chịu sự lãnh đạo. Thí dụ, trong một lớp học, ta thấy sự « nổi bật » tự nhiên vài đứa học trò, đến từ sự nể trọng của những đứa họ trò khác trong lớp. Đứa (hay vài đứa) học trò này mặc nhiên « lãnh đạo » số đông còn lại. Sự nổi bật có thể do các trò này học giỏi, can đảm, có lòng tốt… Đứa học trò « nổi bật » đó có thể được cả lớp bầu làm « trưởng lớp ».
Xã hội loài thú cũng vậy. Trong một đàn chim, luôn có một con chim đầu đàn. Con chim này là con mạnh nhứt và khôn ngoan nhứt, có kinh nghiệm dẫn dắt cả đàn bay đến vùng nắng ấm, có nhiều mồi ngon, mà không đi lạc. Trong một đàn sư tử, con đầu đàn luôn là con sử tử mạnh nhứt, có khả năng bảo vệ an ninh cho cả bầy trước sự tấn công của các con thú khác.
Quan hệ giữa người « lãnh đạo » và nhóm « chịu lãnh đạo » nảy nở khái niệm « quyền lực ». Người lãnh đạo, cũng như con chim đầu đàn, con thú đầu bầy, có thể sai khiến hay trừng phạt một phần tử trong bầy. Nhưng ngược lại, con chim đầu đàn, con thú đầu bầy, có bổn phận giữ an ninh cho mọi phần tử trong đàn cũng như bảo đảm việc no ấm cho cả đàn. Nhiệm vụ tự nhiên của con thú đầu đàn là, dựa trên sức mạnh, sự khôn ngoan, kinh nghiệm… phục vụ cho bầy đàn, với mục đích đem lại trường tồn cho đồng loại. Nếu không hoàn thành, con thú khác, khôn ngoan hơn, mạnh hơn, sẽ thay thế.
Con người có trí khôn hơn con thú, biết tổ chức, các chế độ « phong kiến » thành hình. Nhưng « quyền lực tuyệt đối đưa đến sự hư hỏng tuyệt đối ». Người « lãnh đạo » lần hồi có khuynh hướng tách rời « bản năng tự nhiên », chỉ lo phục vụ cho mình, hay cho giòng họ, phe nhóm của mình hơn là ý thức trách nhiệm phục vụ cho mọi cá nhân trong xã hội. Xã hội nảy sinh ra các việc phe đảng, áp bức, bóc lột của cải, tài vật của lớp người bị lãnh đạo. Xã hội suy đồi, yếu kém. Người lãnh đạo đánh mất tính chính đáng khi không đem lại « hạnh phúc, cơm no áo ấm » cho mọi thành tố chịu sự lãnh đạo của mình. « Quyền lực » trở thành bạo lực.
Xã hội văn minh hơn, quan hệ về « quyền lực » giữa người « lãnh đạo » và tầng lớp chịu lãnh đạo trở thành phức tạp. Quan hệ « quyền lực » giữa người « lãnh đạo » và nhân dân (trong lãnh thổ) trở thành « quan hệ chính trị », từ đó sinh ra khái niệm « nhà nước ».
Khái niệm « quốc gia » tiên tiến được thành hình cùng lúc với các khái niệm về « nhà nước », về « lãnh thổ » và về « quốc dân » (hay nhân dân)
Trong chế độ phong kiến, « quyền lực » và « chủ quyền lãnh thổ » thuộc về một vị chủ tể. Quốc gia đó có chính thể « quân chủ ».
Ở các quốc gia tiên tiến, các chế độ phong kiến thoái vị, hoặc trở thành chế độ « quân chủ đại nghị », hoặc trở thành chế độ « cộng hòa ».
Trong chế độ « cộng hòa » (như Mỹ), « quyền lực » thuộc về toàn dân. Cộng hòa Pháp, « chủ quyền quốc gia » thuộc về toàn dân.
Trong một xã hội tiên tiến, phương cách tổ chức « nhà nước », các thể thức chuyển giao « quyền lực », việc phân cách quyền lực, thể thức tuyển chọn người đại diện (lãnh đạo), quyền và nghĩa vụ của công dân... được hướng dẫn trong một văn bản, gọi là « Hiến pháp ».
Hiến pháp, từ nguyên « Constitution », do hai từ latin « cum » (đồng thuận) và « statuere » (sự kiện xác lập) ghép thành. (Vì thế sẽ sai nếu ta phân tích từ nguyên « Hiến pháp » dưới ánh sáng ngôn ngữ hán-việt). « Hiến pháp », theo nghĩa Tây phương, là sự đồng thuận của tập thể công dân về các quyền cơ bản của công dân trong xã hội cùng các việc phân định quyền lực điều hành quốc gia.
Vì được thành hình do sự đồng thuận tập thể, Hiến pháp có thể gọi là một « khế ước ».
Hiến pháp là một văn bản « luật », vì mang tính « áp đặt » chung cho tất cả. « Luật » này qui định các quyền cơ bản của người dân trong nước. Do đó Hiến pháp là « luật nền » cho các bộ luật khác của quốc gia.
Hiến pháp cũng xác định những nguyên tắc phân cách quyền lực, cách thức bổ nhiệm (hay tuyển chọn) lãnh đạo, cách thức tổ chức quốc gia ở cấp cao nhất, do đó Hiến pháp là văn bản « luật » có giá trị cao nhất.
Nếu việc phân bổ quyền lực trong quốc gia được thể hiện qua các cuộc phổ thông đầu phiếu, người « lãnh đạo » được quyền « ứng cử » để được toàn dân « bình chọn » một cách công bằng và tự do, việc phân bổ quyền lực được thể hiện qua hình thức « dân chủ ».
Phương thức bầu người « lãnh đạo » (dân chủ) này phù hợp nguyên tắc tự nhiên. Những người tài giỏi trong xã hội thường nổi bật so với những người khác, qua các khả năng thiên phú hay chuyên môn. Những người tài giỏi nổi bật này sẽ được người dân tuyển chọn qua một cuộc tuyển cử định kỳ. Những cá nhân được tuyển chọn làm « lãnh đạo », nắm một phần « quyền lực » (chuyển từ người dân) trong bộ máy nhà nước, có trách nhiệm phải đáp ứng nguyện vọng của người dân bầu cho mình, trên cương vị của mình. (Người dân mong muốn gì nếu không phải được sống ấm no, hạnh phúc, tức là có công ăn việc làm, được xã hội bảo vệ ?). Nếu người lãnh đạo không thực hiện được trách nhiệm giao phó, dĩ nhiên sẽ bị loại ra ngoài vị trí lãnh đạo, qua cuộc bầu cử tới.
Vì phù hợp với các nguyên tắc tự nhiên, (không trái với luật tiến hóa), các xã hội có tổ chức nhà nước trên nền tảng « cộng hòa », áp dụng phương pháp « dân chủ » để tuyển lựa lãnh đạo, luôn là các xã hội tiên tiến.
Sự việc « con vua thì lại làm vua » của tầng lớp con cháu của các đảng viên cao cấp hiện nay tại VN, chỉ có thể xảy ra ở các xã hội bán khai, phong kiến. Không hề có qui định nào trong Hiến pháp thành phần « thái tử đỏ » này sẽ là thành phần lãnh đạo tương lai. Tất cả các qui định trong Hiến pháp về quyền lực nhà nước đều vô ích. Việc này không chỉ trái với sự « tiến hóa », mà còn làm cho những thành viên ưu tú của xã hội, những người có tư chất tự nhiên « lãnh đạo », không có môi trường phát triển. Nếu không, họ trở thành nạn nhân của chế độ, những người bị bắt vì « khác chính kiến ». Đây là một hình thức phung phí nhân tài của đất nước.
Trong mỗi thời kỳ, trong từng hoàn cảnh của đất nước, người lãnh đạo phải làm tròn nhiệm vụ của mình. Có thể đảng CSVN đã hoàn tất nhiệm vụ lịch sử là « đánh đuổi thực dân » hay « thống nhứt đất nước ». Nhưng từ hơn 3 thập niên nay, nhiệm vụ lịch sử của họ là làm cho « dân giàu nước mạnh ». Nhưng họ đã đi từ thất bại này đến thất bại khác. Nền kinh tế kiệt quệ. Tài nguyên khai thác cạn kiệt. Môi trường bị tàn phá. Mối giềng đạo lý xã hội suy đồi. Con người hư hỏng. Bên ngoài thì bị đe dọa ngoại xâm. Lãnh thổ sứt mẻ...
Trong xã hội loài vật, nếu con chim đầu đàn không có kinh nghiệm, không mạnh khỏe, không có trí khôn..., thì sẽ dẫn dắt cả bầy vào nơi đất khổ, cả bầy sẽ gặp đói kém. Con chim này sẽ bị thay thế bởi con chim khác khôn hơn, kinh nghiệm hơn, vì sự tồn vong của nòi giống.
Các xã hội cộng sản đã lần lượt sụp đổ. Không đảng nào đã đem lại « an ninh, cơm no áo ấm » cho mọi người dân trong xã hội, như bản năng phải có của con « thú » đầu đàn.
Nhưng Hiến pháp Việt Nam vẫn khẳng định con đường đã thất bại từ hơn ba thập niên qua. Ngay trong những dòng mở đầu của Hiến pháp, những quan điểm chủ quan về « lịch sử », với thành quả hoang tưởng, với các mục tiêu « ảo tưởng ». Trong khi bản Hiến pháp trước hết là một văn bản « luật ». Lời mở đầu Hiến pháp của các nước Mỹ, Pháp... từ thập niên 70 trở đi đã trở thành « luật ». Lời mở đầu Hiến pháp VN là một diễn văn chính trị nhạt nhẽo, rỗng tuyếch.
Việc góp ý « sửa chữa » hiến pháp thêm lần này nữa là sự phỉ nhổ của đảng CSVN vào mặt tầng lớp trí thức Việt. Hiến pháp này không thể sửa, mà phải thay thế. Hiến pháp chỉ mới khi có một nền cộng hòa mới.
Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013
Trương Nhân Tuấn - Phi kiện Trung Quốc: Lợi ích và kinh nghiệm nào cho phía Việt Nam ?
1/ Phi kiện Trung Quốc về các điều gì ?
Ngày 23 tháng giêng năm 2013, trên trang web của của Bộ Ngoại giao Phi (DFA), có đăng văn bản giải thích, qua hình thức câu hỏi và trả lời, các thủ tục và nguyên nhân vì sao Phi kiện Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp tại biển Tây Phi. Theo văn bản này, bộ Ngoại giao Phi đã chuyển công hàm đến tòa Đại sứ Trung quốc tại Manille vào chiều ngày 22-1-2013, cho biết Phi đã nộp hồ sơ đưa Trung Quốc ra Tòa trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Quốc Tế về Biển 1982. Ngoại trưởng Albert del Rosario sau đó họp báo và giải thích, sở dĩ Phi đã phải dùng tới giải pháp này vì đã cạn kiệt mọi giải pháp chính trị và ngoại giao nhằm giải quyết tranh chấp hòa bình với Trung quốc tại Biển Tây Phi (WPS).
Theo công hàm gởi Tòa và Đại sứ TQ tại Manille, hồ sơ kiện của Phi được thành lập gồm 7 phần và 43 điều. Phần I, giới thiệu bối cảnh, từ điều 1 đến điều 8. Phần II “Bối cảnh”, từ điều 9 đến điều 30, được phân ra làm 4 tiểu đoạn A, B, C, D. Phần III “Nội dung kiện”, điều 31. Phần IV “Thẩm quyền của Tòa trọng tài”, từ điều 32 đến điều 40. Phần V “Yêu cầu chế tài”, điều 41. Phần VI “Chỉ định trọng tài”, điều 42. Phần VII “quyền bảo lưu”, điều 43.
Ngay từ dòng đầu tiên, điều 1 Phần mở đầu, ta có thể thấy tức khắc Phi muốn kiện Trung Quốc ở các điều gì.
Phần mở đầu, “Lời giới thiệu”:
Điều 1, Phi cho biết việc kiện của Phi là nhằm : “phản đối yêu sách của Trung Quốc đối với các khu vực trên biển Đông và vùng đáy biển cách bờ biển gần nhứt của Trung Quốc là 870 hải lý”, bởi vì các khu vực biển này “Trung Quốc không có quyền theo Công ước về Luật biển 1982 (UNCLOS), mà các vùng biển này tạo nên vùng Kinh tế độc quyền (EEZ) và thềm lục dịa của Phi”.
Điều 2, tố cáo Trung Quốc không thực thi UNCLOS một cách có thiện chí, như việc vạch tự tiện đường 9 đoạn chữ U, ngược với tinh thần điều 300 của UNCLOS.
Điều 5, Phi phản đối việc TQ thành lập đơn vị hành chính trực thuộc đảo Hải Nam và chính quyền tỉnh áp dụng luật một cách tự tiện.
Điều 6, Phi mong muốn có một phán quyết, bao gồm 3 ý nghĩa chính: 1) yêu sách của TQ dựa trên đường 9 đoạn là không phù hợp với UNCLOS và vô giá trị; 2) xác định tình trạng pháp lý một số cấu tạo địa chất mà Phi và Trung Quốc cùng có yêu sách chủ quyền, theo điều 121, chúng có phải là “đảo”, bãi cạn, bãi chìm hay không? Các cấu tạo này có quyền được hưởng vùng biển rộng hơn 12 hải lý hay không? và 3) tạo điều kiện cho Phi được hưởng các quyền của mình.
Điều 7, Phi xác định không yêu cầu Tòa trọng tài phán quyết việc bên nào có chủ quyền ở các đảo, cũng không yêu cầu Tòa phân định ranh giới trên biển nhằm để tránh những ràng buộc của tuyên bố bảo lưu của TQ ngày 25-8-2006 về điều 298 UNCLOS (không nhìn nhận thẩm quyền của Tòa trọng tài).
Từ mong muốn được Tòa phán quyết trên 3 thỉnh nguyện ở điều 6, phần III “Nội dung kiện” 3 thỉnh nguyện này được chi tiết hóa, trở thành 10 điểm yêu cầu Tòa, tóm lược như sau:
1. Các quyền của TQ và Phi ở biển Đông phải tuân thủ theo UNCLOS. (Các quyền được xác định theo phần II đối với lãnh hải và vùng tiếp giáp, theo phần V đối với vùng ZEE và theo phần VI đối với thềm lục địa).
2. Yêu sách đường 9 đoạn của TQ là vô giá trị.
3. Các cấu tạo lúc chìm lúc nổi, không nằm trong lãnh hải các quốc gia ven biển, thuộc đáy biển, thì không thể chiếm hữu, ngoại trừ cấu tạo đó nằm trên thềm lục địa của quốc gia theo phần VI UNCLOS.
4. Các bãi Vành Khăn, Mc Kennan, Xi Bi và Gaven là các cấu tạo chìm khi thủy triều lên, không phải là đảo theo qui định của điều 121 UCLOS, cũng không nằm trên thềm lục địa TQ, việc TQ chiếm đóng có trái phép hay không và việc xây dựng trên các bãi cạn này có trái phép hay không ?
5. Bãi Vành Khăn và McKennan thuộc thềm lục địa của Phi theo phần VI của UNCLOS.
6. Bãi Hoàng Nham và các đá Châu Viên, Gạc Ma, Chữ Thập là các bãi chìm, ngoài trừ vài mỏm đá nhô trên nước khi thủy triều lên. Chúng chỉ là « đá » theo điều 121 khoản 3 của UNCLOS, vì thế chỉ có thể có lãnh hải không quá 12 hải lý. TQ đã đòi hỏi một cách phi lý quyền mở rộng các vùng biển quá 12 hải lý tại các cấu tạo này.
7. TQ đã vi phạm luật pháp khi ngăn cấm các tàu của Phi khai thác các vùng biển cận Hoàng Nham và đá Gạc Ma.
8. Phi có quyền về lãnh hải 12 hải lý, ZEE 200 hải lý và thềm lục địa, theo các phần II, V và VI của UNCLOS, tính theo đường cơ bản quần đảo của Phi.
9. TQ đã yêu sách một cách bất hợp pháp các quyền đối với tài nguyên sinh vật và phi sinh vật và đã khai thác phi pháp các tài nguyên này và cũng đã vi phạm pháp luật khi không cho Phi khai thác các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong vùng EEZ và thềm lục địa của mình.
10. TQ đã can thiệp một cách bất hợp pháp quyền tự do hàng hải của Phi được xác định theo UNCLOS.
2/ Thử giải thích ý nghĩ pháp lý các yêu cầu:
Từ 10 điểm trong nội dung kiện, Phi yêu cầu Tòa phán quyết ở 13 điểm, theo như điều 41 phần V “Yêu cầu chế tài”. Các điểm quan trọng ghi lại như sau:
Điểm 1, Phi yêu cầu Tòa phán rằng các quyền của các bên ở biển Đông phải tuân thủ theo UNCLOS. Ở đây nên phân biệt quyền chủ quyền về kinh tế tại vùng độc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa 200 hải lý và các quyền chủ quyền khác (như trên đất liền) tại vùng lãnh hải (12 hải lý) và tiếp cận lãnh hải (12 hải lý), phù hợp với nội dung các phần V, VI và II của UNCLOS. Điểm này Tòa có thể tuyên bố chấp thuận dễ dàng, vì nó thuộc thẩm quyền của tòa và vì nó phản ảnh nội dung của UNCLOS. Lợi ích ở điều này là đặt các yêu sách về quyền của Trung Quốc vào trong khuôn khổ của Luật quốc tế. Trường hợp các tàu vũ trang của TQ đột lốt “hải giám” (mà hành sử như “hải tặc”) ở vùng biển của VN trong vài năm nay, từ nay phải hành sử trong khuôn khổ của Luật quốc tế cho phép.
Điểm hai, Phi yêu cầu tòa tuyên bố yêu sách của TQ qua bản đồ đường 9 đoạn là vô giá trị. Điểm này Tòa có thể tuyên bố thuận, vì vẫn nằm trong thẩm quyền của tòa, do hai lý do : 1/ bản đồ 9 đoạn không có giá trị ràng buộc vì không phải là bản đồ phân định ranh giới, chưa hề được nhìn nhận bởi các bên liên quan như kết quả của một (hay nhiều) kết ước phân định ranh giới biển. 2/ TQ không chứng minh được “quyền lịch sử” hay “vùng nước lịch sử” của họ tại vùng biển giới hạn trong đường 9 đoạn. (TQ chưa bao giờ thể hiện thẩm quyền chủ tể của họ tại vùng biển này. Giả sử có, thì thẩm quyền này đã không thể hiện một cách liên tục. Trong khi các nước trong khu vực chưa bao giờ, ám thị hay minh thị, chấp nhận thẩm quyền của TQ trong vùng biển).
Nếu Tòa tuyên bố thuận, việc này sẽ buộc phía TQ làm sáng tỏ các luận cứ của mình, nếu muốn duy trì đòi hỏi các quyền chủ quyền ở biển Đông. Phía TQ, có lẽ đã ý thức sự phi lý của bản đồ chữ U, do đó trong thời gian gần đây có khuynh hướng tuyên bố « TQ có chủ quyền không thể chối cãi các đảo HS và HS và vùng biển chung quanh » chứ không nhắc tới “quyền lịch sử” hay vùng “nước lịch sử” tại vùng biển này nữa. Phía TQ phải đưa các chứng cớ cụ thể để chứng minh « chủ quyền không thể chối cãi tại các đảo » và giải thích « vùng biển chung quanh » là vùng biển được xác định theo tiêu chuẩn nào ?
Điểm 3, yêu cầu Trung Quốc sửa luật quốc gia cho phù hợp với UNCLOS. Điều này có thể dễ dàng được Tòa chấp thuận, nếu hai điểm yêu cầu 1 và 2 ở trên được chấp thuận. Tuy nhiên, điều khó khăn là Trung Quốc đòi chủ quyền toàn bộ các đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa, Luật Biển của nước này áp dụng trên các đảo này từ năm 1958.
Ta thấy, điều 6 (điểm 2), phần I “Lời giói thiệu”, ta thấy Phi yêu cầu: xác định tình trạng pháp lý một số cấu tạo địa chất mà Phi và Trung Quốc cùng có yêu sách chủ quyền, theo điều 121, chúng có phải là “đảo”, bãi cạn, bãi chìm hay không? Các cấu tạo này có quyền được hưởng vùng biển rộng hơn 12 hải lý hay không?
Dầu vậy, toàn bộ 10 điểm trong nội dung kiện (điều 31), cũng như ở 13 điểm khiếu nại (điều 41), Phi hoàn toàn không nhắc lại yêu cầu đã nói ở điều 6 (điểm 2). Đây là do cố ý hay do sơ sót ? Nếu Phi không nhanh chóng sửa đổi hồ sơ, như đã bảo lưu ở điều 43, các điểm mờ về pháp lý của các đảo thuộc Trường Sa vẫn còn nguyên. Việc này dẫn đến các nước có các tuyên bố tự tiện, đối chọi nhau về cách diễn giải điều 121, về hiệu lực của các đảo.
Mặt khác, các cấu tạo địa chất mà Phi và Trung Quốc cùng dành chủ quyền ở Trường Sa có rất nhiều, là toàn bộ các đảo của Phi hiện đang chiếm, như đảo Thị Tứ. Một điểm khác mà Phi đã quên Việt Nam, một bên đòi hỏi chủ quyền các đảo. Phía Trung Quốc chỉ “đòi miệng” chứ chưa bao giờ, trên phương diện pháp lý và trên thực tế, đã từng đặt chân trên các đảo mà họ đòi chủ quyền. Trong khi các đảo mà Phi hiện chiếm tại TS là do chiếm hữu một cách trái phép của VN, trong các thập niên 60, 70, trong lúc tình trạng chiến tranh hai miền Nam Bắc đã khiến chính quyền Sài Gòn không có đủ phương tiện để bảo vệ các đảo này. Phía VN có đầy đủ tư cách từ pháp lý, đến việc chiếm hữu trên thực tế trong một thời gian dài và liên tục, để chứng minh chủ quyền của VN trên các đảo đó.
Các điểm 4 và 5, Phi yêu cầu Tòa tuyên bố bãi Vành Khăn và McKennan, vốn là các cấu tạo địa lý chìm thường trực dưới mặt biển, thuộc thềm lục địa của Phi theo phần VI của UNCLOS và yêu cầu Trung Quốc ngưng chiếm đóng và ngưng các sinh hoạt tại hai bãi này.
Các điểm 6 và 7, Phi yêu cầu Tòa tuyên bố các cấu tạo Xu Bi và Gaven, là các cấu tạo dưới mặt nước, không thuộc qui chế đảo theo qui định của điều 121 UCLOS, cũng không nằm trên thềm lục địa TQ vì vậy việc Trung Quốc chiếm đó và xây dựng trên các bãi này là trái phép.
Các yêu cầu 4, 5, 6 và 7 là chính đáng, có thể được Tòa chấp thuận, vì thuộc thẩm quyền của tòa. Lý do, các cấu tạo địa lý chìm dưới mặt nước dĩ nhiên không phải là « một lãnh thổ ». Nếu không phải là lãnh thổ thì làm sao có thể chiếm hữu, sau đó xây dựng thành các đảo nhân tạo, từ đó đòi hỏi các quyền chủ quyền ?
Điểm 8, bãi Hoàng Nham và các đá Châu Viên, Gạc Ma, Chữ Thập là các bãi chìm, ngoài trừ vài mỏm đá nhô trên nước khi thủy triều lên. Chúng chỉ là « đá » theo điều 121 khoản 3 của UNCLOS, vì thế chỉ có thể có lãnh hải không quá 12 hải lý. Phi yêu cầu Tòa phán rằng TQ đã đòi hỏi một cách phi lý quyền mở rộng các vùng biển quá 12 hải lý tại các cấu tạo này.
Tuy vậy, phần “Nội dung kiện”, điều 31 điểm 6, yêu cầu của Phi, về các cấu tạo lúc chìm lúc nổi, không nằm trong lãnh hải các quốc gia ven biển, thì không thể chiếm hữu, ngoại trừ cấu tạo đó nằm trên thềm lục địa của quốc gia theo phần VI của UNCLOS. Điểm này không nói lại rõ rệt trong điểm 8 của phần V “Yêu cầu chế tài”.
Yêu cầu của Phi ở điểm này rất chính đáng và hữu ích, vì nó có thể làm sáng tỏ một điểm mờ từ nhiều năm nay trong Luật quốc tế về Biển. Nó sẽ loại bỏ được các đòi hỏi phi lý của các nước về các quyền chủ quyền tại các cấu trúc địa lý lúc nổi lúc chìm, như trường hợp các bãi cạn mà TQ đã cưỡng chiếm bằng vũ lực trong vùng Biển của VN năm 1988.
Phi vịn vào phần VI của UNCLOS để yêu cầu nhưng không có điều nào trong bộ Luật Quốc tế về Biển xác định về tình trạng pháp lý của các cấu tạo lúc chìm lúc nổi.
Trong vụ kiện giữa Qatar và Bahreïn (Qatar đơn phương kiện Bahreïn lên CIJ), Tòa có nói về việc này như sau:
“luật pháp quốc tế im lặng về tình trạng pháp lý của các bãi lúc chìm lúc nổi, các bãi này có thể xem như là một “lãnh thổ” hay không ? luật pháp hiện hành cũng không thể xác định là các bãi đó có thể xem như là một lãnh thổ tương đương với “đảo” hay không”.
Tức UNCLOS không nói gì về tình trạng pháp lý của các bãi lúc chìm lúc nổi.
Vấn đề đặt ra, do kẽ hở pháp lý này, phía TQ có thể chiếm hữu các cấu tạo địa lý này đồng thời tuyên bố các quyền thuộc chủ quyền của họ (về lãnh hải, EEZ, thềm lục địa...), như trường hợp đá Hoàng Nham.
Tuy nhiên, trong vụ tranh chấp giữa Tân Gia Ba và Mã Lai về chủ quyền của các đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge qua phán quyết của Tòa án Quốc tế (CIJ) ngày 23-5-2008, ta thấy trường hợp tương tự. South Ledge là một đảo đá lúc chìm lúc nổi, chỉ thấy khi thủy triều thấp. Trường hợp này, tòa có nhắc lại tình trạng mơ hồ về pháp lý của các cấu trúc địa lý này trong vụ án dẫn trên, nhưng Tòa phán rằng South Ledge nằm ở vùng lãnh hải nước nào thì sẽ thuộc chủ quyền của nước đó.
Nếu phán quyết này trở thành một “án lệ”, (và các bãi lúc nổi lúc chìm không được chiếm hữu), yêu cầu của Phi có thể được Tòa chấp thuận.
Một ghi nhận khác, cũng ở điểm 8, dường như Phi, một cách ám thị, đã nhìn nhận chủ quyền của TQ tại các cấu tạo địa lý này. Mà điều này không đúng. Bởi vì các đá Châu Viên, Gạc Ma, Chữ Thập… là các cấu trúc địa lý của VN, vì chúng là một thành phần không thể tách rời của các đảo cận bên mà các đảo này thuộc về VN.
Có lẽ mục tiêu của Phi là nhằm “khoanh vùng tranh chấp” với Trung Quốc. Vì Tòa không có thẩm quyền phân xử tranh chấp chủ quyền, do đó ý kiến (ám thị) của Phi có thể “vô hại”. Vùng tranh chấp giữa Phi và TQ như vậy được xác định không quá 12 hải lý chung quanh các bãi đá Hoàng Nham, Châu Viên, Gạc Ma và Chữ Thập.
Ngoài việc bảo lưu các đá trên thuộc VN, yêu cầu của Phi là chính đáng. Vì, các đá này nếu thuộc về VN hay của nước nào khác, thì cũng chỉ là “đá” đúng như định nghĩa ở điều 121, khoản 3 của UNCLOS, không thể đòi vùng biển quá 12 hải lý. Ở yêu cầu này Tòa có thể thỏa mãn cho Phi vì nó thuộc thẩm quyền của Tòa và phù hợp với Luật quốc tế.
Điểm 9, Phi yêu cầu Tòa phán rằng TQ đã vi phạm luật pháp khi ngăn cấm các tàu của Phi khai thác các vùng biển cận Hoàng Nham và đá Gạc Ma. Nhưng ở điểm này Tòa sẽ khó tuyên bố chấp thuận cho Phi, vì các đá này có phần nổi thường trực trên mặt nước, do đó TQ có quyền chiếm hữu. Nếu đá đó thuộc chủ quyền của TQ, các tàu bè của các nước khác, kể cả Phi, không được đi vào trong vòng 12 hải lý tính từ các đá đó để khai thác về kinh tế. Thâm ý của Phi ở đây, vì không được đụng đến vấn đề “chủ quyền” (ngoài thẩm quyền của Tòa do bảo lưu của TQ), do đó nếu yêu cầu này được chấp thuận, các bãi đá này sẽ thuộc về chủ quyền của Phi.
Điểm 10, Phi có quyền về lãnh hải 12 hải lý, ZEE 200 hải lý và thềm lục địa, theo các phần II, V và VI của UNCLOS, tính theo đường cơ bản quần đảo của Phi. Tòa có thể tuyên bố chấp thuận cho Phi sau khi xem xét ít nhứt hai điều: a) đường cơ bản quần đảo của Phi phù hợp với UNCLOS đồng thời không bị các nước khác phản đối. b) không bị chồng lấn bởi hiệu lực của các đảo thuộc về một nước khác.
Trên thực tế, các đảo thuộc Trường Sa của VN, là các đảo có thể có người sinh sống và có thể có nền kinh tế tự túc, do đó có thể có một hiệu lực nhứt định về lãnh hải, vùng kinh tế độc quyền và thềm lục địa, chiếu theo điều 121 của UNCLOS. Việc này có thể tạo vùng chồng lấn với vùng EEZ của Phi.
Yêu cầu của Phi ở điều này cũng có hậu ý. Có thể nhằm mục đích “cắt cỏ dưới chân” các nước có yêu sách đòi quyền chủ quyền ở các đảo Trường Sa, nếu yêu cầu của Phi được Tòa chấp thuận.
Việc Tòa chấp thuận, hàm ý các đảo thuộc Trường Sa quá nhỏ để có thể có xếp vào khoản 3 của điều 121 UNCLOS. Điều này đã đề cập ở phần “Nội dung kiện” nhưng không đưa vào phần “Yêu cầu chế tài”.
Điểm 11, Phi yêu cầu Tòa phán rằng TQ đã yêu sách một cách bất hợp pháp các quyền đối với tài nguyên sinh vật và phi sinh vật và đã khai thác phi pháp các tài nguyên này, cũng như đã vi phạm pháp luật khi không cho Phi khai thác các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong vùng EEZ và thềm lục địa của mình.
Nếu Tòa đáp ứng yêu cầu của Phi ở điểm 10, tức các cấu trúc địa lý thuộc Trường Sa chỉ là đá, theo khoản 3 điều 121 UNCLOS, thì đương nhiên Tòa sẽ chấp thuận yêu cầu của Phi, ngoại trừ các vùng biển bán kính không quá 12 hải lý (điểm 6), tính từ các cấu trúc địa lý nằm trong vùng EEZ của Phi, nếu các cấu trúc này thuộc chủ quyền của nước khác.
Điểm 12, Phi yêu cầu Tòa lên án TQ đã can thiệp một cách bất hợp pháp quyền tự do hàng hải của Phi được xác định theo UNCLOS. Điểm này Phi cần đưa chứng cớ là TQ đã cản trở quyền tự do hàng hải của nước này khi nào ? ở đâu ? trường hợp nào ? Tùy thuộc địa điểm, tùy thuộc vùng biển (lãnh hải hay vùng EEZ) mà Tòa có thể tuyên bố thuận hay không.
Điểm này Phi cũng có mục tiêu nhắm tới các tàu hải giám của TQ, đã hoạt động một cách ngang ngược trong vùng biển giới hạn bởi tấm bản đồ 9 đoạn.
Điểm 13, Phi yêu cầu tòa tuyên bố Trung Quốc phải chấm dứt các hành vi bất hợp pháp.
3/ VN có lợi ích gì từ vụ kiện này?
Vụ kiện TQ của Phi, dầu VN không can dự, nhưng cũng là một bên liên quan, như Phi, đối với Trung Quốc. Có điều quan hệ giữa VN và TQ phức tạp vì tròng tréo nhiều điều như văn hóa, lịch sử, chính trị, ơn nghĩa, ý thức hệ… trong khi quan hệ Trung-Phi đơn giản hơn nhiều. Tuy vậy, VN có thể hưởng lợi ở một số điều (theo nội dung vụ kiện) như sau:
Điểm 1, lợi ích là đặt tất cả các bên Trung Quốc, Phi và VN vào trong khuôn khổ của Luật quốc tế. Vùng kinh tế độc quyền của TQ (Phi và VN) do đó phải được xác định rõ rệt theo UNCLOS. Việc này sẽ giúp VN tránh được các tàu vũ trang TQ, đột lốt “hải giám” (mà hành sử như “hải tặc”), cắt cáp các tàu nghiên cứu của VN, cho đấu thầu khai thác trên thềm lục địa của VN…. trong vùng biển EEZ của VN, vào các năm qua, ở vùng biển của VN.
Điểm hai, Phi yêu cầu tòa tuyên bố yêu sách của TQ qua bản đồ đường 9 đoạn là vô giá trị. Điểm này có nhiều sác xuất Tòa sẽ tuyên bố theo yêu cầu của Phi. Và đây cũng là điều mà VN mong muốn TQ dẹp bỏ từ bấy lâu nay mà không được.
Các điểm 3, 4, và 6 về tình trạng pháp lý các cấu tạo lúc chìm lúc nổi, hay các cấu tạo thường xuyên bị chìm, cũng rất có thể Tòa sẽ chấp thuận các yêu cầu của Phi, vì nó phù hợp với UNCLOS và tập quán quốc tế. Nếu vậy, điều này sẽ giúp ích cho VN lý lẽ để đối phó với những ngang ngược của TQ, khi họ dành quyền chủ quyền (về kinh tế) của VN tại các bãi Tư Chính, Vũng Mây... (mà TQ gọi là Vạn An Bắc) vốn là các bãi chìm dưới nước. Việc này cũng sẽ khiến TQ từ bỏ chủ quyền tại cái gọi là « quần đảo » Trung Sa, vốn là một bãi ngầm dưới 50m mặt nước.
Điểm 7, Phi yêu cầu Tòa phán rằng TQ đã vi phạm luật pháp khi ngăn cấm các tàu của Phi khai thác các vùng biển cận Hoàng Nham và đá Gạc Ma. Điều này cũng có lợi cho VN, vì yêu sách của TQ đối với Phi không khác đối với VN ở một số bãi cạn.
Điểm 8, VN nên cân nhắc, có nên lên tiếng hay không về việc hồng lấn vùng biển thuộc các đảo TS của VN với vùng EEZ của Phi ? Cũng như ở điểm 4, có nên bảo lưu chủ quyền của VN ở các đá Châu Viên, Gạc Ma, Chữ Thập…?
Điểm 9, yêu cầu của Phi có mục tiêu nhắm đến các “luật cấm biển” của TQ và các tàu hải giám của TQ. Các tàu này đã lộng hành trong vùng biển TS, bất chấp luật lệ quốc tế đồng thời trắng trợn xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Phi (cũng như VN) tại vùng biển này. Yêu cầu này của Phi rất có thể sẽ được Tòa chấp thuận. Việc này cũng đem lại lợi ích cho VN.
4/ Thái độ của Trung Quốc:
Phản ứng việc này, phát ngôn nhân Hồng Lỗi thuộc bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp rằng : “Phi hiện đang chiếm giữ một số đảo của Trung quốc” và “Trung quốc kiên quyết phản đối việc chiếm giữ trái phép của Phi”. Trung Quốc cũng cảnh cáo rằng Phi “chớ làm phức tạp” thêm vấn đề.
Thái độ của Trung Quốc, xét qua tuyên bố trên, có thể nước này sẽ không màng đến việc kiện cáo này. Theo ý kiến của các chuyên gia quốc tế, vụ kiện dầu vậy cũng có thể tiếp diễn, cho dầu TQ không có mặt. Quyết định của Phi đưa TQ ra Tòa quốc tế, theo nội dung các điểm khiếu kiện, cũng được các chuyên gia này đánh giá là đúng đắn. Thái độ của Trung Quốc đối với vụ kiện sẽ là thuốc thử để thế giới đánh giá về tư cách cường quốc của Trung Quốc : một nước lớn có trách nhiệm với cộng đồng thế giới hay là một nước hành sử ỷ mạnh hiếp yếu, tự cho phép đứng trên mọi luật lệ, mọi giá trị cơ bản của cộng đồng các nước văn minh trên thế giới.
Việc TQ tuyên bố “Phi hiện đang chiếm giữ một số đảo của Trung quốc” và “Trung quốc kiên quyết phản đối việc chiếm giữ trái phép của Phi”, có thể hiểu rằng có thể TQ sẽ sử dụng các phương pháp khác (không hòa bình) để lấy lại các đảo này.
Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012
Trương Nhân Tuấn - Biển Đông và cái bẫy hộ chiếu
Tranh chấp biển Đông ngày càng thêm phức tạp. Thủ đoạn của Trung Quốc, một mặt dùng kinh tế để chi phối nhằm chia rẽ nội bộ các nước ASEAN, tạo ý kiến đa số cho phương thức không « quốc tế hóa » tranh chấp biển Đông, cô lập hai nước Việt Nam và Phi. Mặt khác, Trung Quốc nỗ lực thực thi quyền hành sử chủ quyền (effectivité) tại các đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa đã chiếm của Việt Nam, cũng như trên vùng biển Đông, với tham vọng tạo ra một thế « đã rồi » về pháp lý cho các nước có tranh chấp trong khu vực.
Những ngày gần đây Trung Quốc tiến thêm một bước như để khẳng định quyền tài phán của mình tại vùng biển Đông bằng cách cho in hình bản đồ chữ U chín đoạn lên hộ chiếu điện tử kiểu mới để cấp cho kiều dân của họ. Việc này gây khó xử cho các nước có tranh chấp như VN, Phi. Quyết định cho hay không cho những người mang hộ chiếu này nhập cảnh vào VN (và Phi) đều có thể tạo những hậu quả khó đoán về các mặt chính trị, ngoại giao và kinh tế.
Nguồn gốc của bản đồ chữ U chín gạch có nhiều điểm không minh bạch. Trên phương diện hành chánh và quốc tế công pháp, tháng 7 năm 2006, nhà nước Trung Quốc đã công bố, trong nước cũng như trước quốc tế, bộ bản đồ hành chính gồm có các bản đồ sau : Trung Quốc Chính Khu 中国政区, Trung Quốc Địa Thế 中国地势, Trung Quốc Thủy Hệ 中国水系 và Trung Quốc Giao Thông 中国交通. Việc công bố này nhằm giới thiệu cho các nước trên thế giới địa lý nhân văn, địa lý kinh tế cũng như các vùng lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc. Bản đồ « Trung Quốc Chính Khu » bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời vùng biển chung quanh được vẽ bằng chín đoạn hình chữ U. Bản đồ này cũng không quên bao gồm Đài Loan, Tây Tạng cũng như các vùng có tranh chấp với Ấn Độ vào lãnh thổ TQ.
Sau khi bộ bản đồ công bố, hầu hết các tấm bản đồ do TQ xuất bản đều có vẽ đường chín đoạn hình chữ U, với ghi chú Hoàng Sa và Trường Sa thuộc TQ. Và cũng kể từ đó phía Trung Quốc đơn phương mở mặt trận truyền thông để tuyên truyền ra quốc tế về chủ quyền của của họ tại biển Đông.
Trong các lớp dạy Hoa ngữ của các trường trung học hay đại học tại các nước Châu Âu, bản đồ Trung Quốc Chính Khu luôn được các giáo sư người Hoa treo trong các lớp học.
Các tài liệu nghiên cứu của các học giả TQ đều có hình bản đồ Trung Quốc Chính Khu. Sự việc gần đây, National Geographic Hoa Kỳ đã bị thuyết phục, ghi chú trên các bản đồ HS và TS thuộc TQ. Các tạp chí khoa học lừng danh quốc tế như tờ «Nature », « Science »… đã công bố bài của học giả TQ có đính kèm tấm bản đồ Trung Quốc Chính Khu mặc dầu các tấm bản đồ này không liên quan gì đến chủ đề nghiên cứu… Các sự việc này đã tạo ra một cuộc tranh cãi giữa các học giả VN và các tạp chí quốc tế liên hệ. Rốt cục tính hợp lý của khoa học được thiết lập vì một tạp chí khoa học, hay một cơ quan địa dư quốc tế, không thể đăng các dữ kiện nặng về tuyên truyền, hay các dữ kiện khoa học không kiểm chứng.
Nhưng hình như dư luận quốc tế chỉ biết đến tấm bản đồ chín đoạn chữ U của Trung Quốc qua công hàm phản đối các hồ sơ « Thềm lục địa mở rộng » của Việt Nam và Mã Lai tháng 5 năm 2009.
Việc cho in hình bản đồ « Trung Quốc Chính Khu » trên hộ chiếu điện tử cũng nằm trong chiến dịch tuyên truyền, nhưng tầm lợi hại của nó về mặt pháp lý không thể xem thường.
Tin tức từ BBC, Giáo sư môn quan hệ quốc tế Đại học Nhân dân, ông Thời Ân Hoằng, cho rằng quyết định in hình bản đồ này là do lãnh đạo cấp bộ đưa ra, chứ "không phải từ cấp lãnh đạo cao nhất".
Trên quan điểm quốc tế công pháp, các bộ Nội Vụ (hay bộ Công An), bộ Ngoại giao là cơ quan có đủ thẩm quyền về các vấn đề thuộc về chiếu khán và kiều dân. Nhận định của GS Thời sẽ là không hợp cách nếu nhận định trên có ý nghĩa : vì hộ chiếu này do cấp bộ đưa ra (chứ không phải do lãnh đạo cấp cao) nên không có giá trị pháp lý.
Điều cần phải xem xét là hình thức của tấm bản đồ in trên hộ chiếu của Trung Quốc có được xem như là một « tuyên bố đơn phương » về lãnh thổ của nước này hay không ? Việc này sẽ đặt lại vấn đề, nếu các nước khác đóng dấu cho nhập cảnh một cách bình thường như không có việc gì xảy ra đối với các công dân TQ mang hộ chiếu này, có thể suy diễn rằng các nước đó mặc nhiên chấp nhận « tuyên bố đơn phương » này của TQ hay không ?
Phía VN, bộ Ngoại giao gởi công hàm phản đối và yêu cầu phía TQ thâu hồi các hộ chiếu này.
Nhưng phản ứng của phía Ấn Độ thì dữ dội « miếng trả miếng », cho đóng dấu in hình bản đồ Ấn Độ lên các tấm hộ chiếu này, trong đó các vùng tranh chấp thì thuộc về Ấn Độ.
Mới đây, tin tức trong nước đăng từ BBC cho biết, để trả đũa, các đồn công an biên phòng VN tại Lào Cai và Móng Cái đóng dấu « hủy » trên các hộ chiếu này.
Trên phương diện công pháp quốc tế, nếu hành vi này đến từ quyết định cá nhân của các viên chức địa phương thì sẽ không có giá trị pháp lý. (Nhưng các hành động đơn phương của cá nhân có thể đưa đến các trục trặc ngoại giao hay các phản ứng trả đũa về kinh tế, chính trị, thậm chí xung đột quân sự mà phía VN không có phương cách hữu hiệu chống trả lại.)
Tuy vậy, các hành vi thể hiện việc « hành sử quyền chủ quyền » của TQ có thể nhắm đến 2 điều :1/ chuẩn bị hồ sơ pháp lý cho một phiên tòa (hay trọng tài) phân xử trong tương lai và 2/ tạo một cái bẫy để các nước liên quan (VN và Phi) nhìn nhận có tranh chấp tại các khu vực không có tranh chấp.
Điểm 1, trong các vụ tranh chấp lãnh thổ, hành vi hành sử chủ quyền của quốc gia luôn là một bằng chứng thuyết phục nhứt chứng minh quốc gia này có chủ quyền tại vùng lãnh thổ đó.
Trong vụ án xử tranh chấp giữa Mã Lai và Singapour về chủ quyền đảo Pedra Branca, Tòa án Công lý Quốc tế (CIJ) ngày 23-5-2008 là một bản án mẫu để so sánh giá trị pháp lý của « danh nghĩa chủ quyền lịch sử » với « hành vi hành sử chủ quyền » tại một vùng lãnh thổ.
Mã Lai đã chứng minh, và được Tòa nhìn nhận, nước này có danh nghĩa chủ quyền lịch sử tại các đảo tranh chấp. Nhưng yếu tố đã khiến Mã Lai bị mất chủ quyền lịch sử là trong một thời gian dài, Mã Lai (và các quốc gia tiền nhiệm) đã im lặng trước những hành vi thể hiện quyền tài phán của Singapour tại đảo tranh chấp. Mặt khác, tấm « công hàm » viết năm 1953 của bộ trưởng ngoại giao lâm thời của vương quốc Johor (nhà nước tiền nhiệm của Mã Lai) đã phủ nhận chủ quyền của tiểu quốc Johor tại đảo Pedra Branca.
Tòa quyết định Singapour tạo được danh nghĩa chủ quyền tại đảo Pedra Branca do việc chiếm hữu hòa bình và lâu dài trên lãnh thổ này (effectivité) cũng như thái độ đồng thuận (acquiescement) của Mã Lai.
Điểm hai, phía TQ có lẽ tạo ra một hỏa mù chung quanh ý nghĩa của tấm bản đồ chữ U chín gạch để biến có tranh chấp một vùng biển không tranh chấp.
Hiện nay, tùy thời kỳ và tùy lúc, phía TQ đã viện các lý lẽ như sau để chứng minh quyền chủ quyền của họ : 1/ vùng biển giới hạn bởi bản đồ 9 gạch chữ U là vùng « biển lịch sử », 2/ TQ có chủ quyền các đảo HS và TS và vùng nước chung quanh, và 3/ TQ có « quyền lịch sử » trong vùng biển giới hạn vẽ trên tấm bản đồ.
Về giá trị pháp lý, theo tập quán quốc tế, các bản đồ, như bản đồ chữ U chín đoạn, tự nó không có giá trị pháp lý.
Vụ tranh chấp Burkina-Faso – Mali được đưa ra Tòa CIJ ngày 22-12-1986, Tòa cho rằng « Trong vấn đề phân định biên giới hay tranh chấp lãnh thổ quốc tế, các tấm bản đồ chỉ đơn giản là các dữ kiện, với ít nhiều chính xác tùy theo trường hợp. Chúng không bao giờ, chỉ qua chúng và bằng sự hiện hữu của chúng, mà tạo ra một danh nghĩa chủ quyền lãnh thổ, tức là một tài liệu theo đó Công pháp quốc tế ban cho một giá trị pháp lý tự tại nhằm để thiết lập những quyền hạn về lãnh thổ ».
Vì vậy tranh luận về giá trị « bản đồ » với TQ là sai lầm.
Nhưng ta không thể loại bỏ trường hợp, nếu một tấm bản đồ vẽ sai, nhưng đã được in đi in lại nhiều lần, kể cả do bên liên quan in ra, thì nó có thể được xem như là sự đồng thuận (acquiescement) của bên liên quan kia về nội dung của tấm bản đồ đó. Vụ xử của CIJ về tranh chấp Thái-Miên về ngôi đền Preah Vihear cho ta kinh nghiệm này.
Chủ ý của hộ chiếu cũng nhắm vào việc này.
Yếu tố 1, vùng « biển lịch sử », phía TQ không thuyết phục được vì luật quốc tế không có qui định về « biển lịch sử ».
Yếu tố 2, phía TQ cần chứng minh các đảo thuộc HS và TS thuộc chủ quyền của TQ mà việc này không dễ dàng vì phải đối phó với hồ sơ vững chắc của phía VN. Ngoài ra còn phải thuyết phục các nước trong khu vực về hiệu quả 200 hải lý ZEE dành cho các đảo thuộc HS và TS.
Yếu tố 3, hiện nay TQ vịn vào « quyền lịch sử » để đòi chủ quyền vùng biển Đông và các đảo Điếu Ngư.
Dư luận quốc tế hiện nay phê phán « quyền lịch sử - droit historique » của TQ đang thách thức « luật quốc tế - droit international ».
Công pháp quốc tế không nhìn nhận « quyền lịch sử ».
Vì vậy chủ ý các việc tạo căng thẳng của TQ trong những năm tháng gần đây là tạo một ấn tượng « có tranh chấp » ở một vùng « không tranh chấp », như bãi Tư Chính của VN.
Vụ xử tranh chấp Ấn Độ và Pakistan về khu vực Rann Of Kutch cho ta thấy lợi hại của lập trường các phía về vùng tranh chấp. Phía Ấn cho rằng không hề có tranh chấp ở khu vực Rann Of Kutch, trong khi phía Pakistan đòi phân nửa vùng này. Kết quả phân xử, Ấn được 90% vùng tranh chấp. Phía Ấn có đầy đủ hồ sơ chứng minh chủ quyền, nhưng nếu hồ sơ nước này khai rằng « có tranh chấp ở vùng Rann Of Kutch » thì kết quả sẽ chưa chắc là như vậy.
Các kế sách Tôn Tử, Ngô Tử… cho thấy nghệ thuật dùng mưu của người Hoa. Nhiều lãnh đạo (trước kia) và học giả (hiện nay) của VN đã sụp vào bẫy này. Đến nay người viết này vẫn không hiểu lý do nào, lãnh đạo VN, cũng như các học giả VN, cho rằng có tranh chấp tại vùng biển Trường Sa ?
Học giả VN muốn chia đôi với TQ khu vực này thì tiếp tục tuyên bố như vậy. TQ sẽ rất mang ơn.