Hiển thị các bài đăng có nhãn Trùng Dương. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trùng Dương. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2023

Trùng Dương: Việt Film Fest 2023 tái xuất hiện, kỷ niệm 20 năm thành lập

Đầu tháng 10 năm nay cộng đồng người Việt tại Nam Cali có dịp thưởng ngoạn một sinh hoạt điện ảnh đặc sắc, đó là Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (Viet Film Fest) do Hội Văn học Nghệ thuật Việt Mỹ (VAALA) tổ chức, đồng thời kỷ niệm 20 năm thành lập đại hội điện ảnh này.


Thứ Ba, 12 tháng 9, 2023

Trùng Dương: Cuộc bầu cử ngày 3 tháng 9, 1967 tại Miền Nam

 

Bích chương tranh cử của các ứng cử viên gồm 11 liên danh ứng cử tổng thống và phó tổng thống, và của các ứng cử viên thượng nghị viện tổ chức cùng ngày 3 tháng 9, 1967 dán bên hông chợ Bến Thành, Sài Gòn. Phải, băng rôn nhắc nhở dân chúng ngày đi bầu tại một vùng nông thôn. (Ảnh: flickr.com)

Nói đến quyền căn bản trong một chế độ dân chù, tức quyền đầu phiếu, hay quyền có tiếng nói, không thể không nhớ tới việc đã có lần người dân Việt có dịp cầm lá phiếu đó trên tay để chọn người mình cho là đáng tín cậy, mặc dù thực tế vẫn có những bất toàn của một nền dân chủ đầu tiên trong lịch sử tuy còn phôi thai.


Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2023

Trùng Dương: Cuộc tranh đấu dài cả thế kỷ cho Tu Chính Án 19 công nhận quyền đầu phiếu của phụ nữ Hoa Kỳ

Một cuộc diễn hành yểm trợ phong trào tranh đấu cho quyền đầu phiếu của phụ nữ Hoa Kỳ tại Thành phố New York, ngày 23 tháng 10, 1915. (Ảnh Library of Congress) Phải, trang đầu của luật Tu Chính Án 19. (National Archives)

Ngày 26 tháng 8 hàng năm tại Mỹ là ngày Phụ Nữ Bình Đẳng để kỷ niệm ngày Tu Chính Án 19 công nhận quyền đầu phiếu của phụ nữ Mỹ sau cả một thế kỷ tranh đấu của giới phụ nữ để giành lấy quyền có tiếng nói.

Thứ Ba, 15 tháng 8, 2023

Trùng Dương: Đọc lại ’Rừng Mắm’ của Bình Nguyên Lộc, lan man nghĩ về Đồng bằng Sông Cửu Long

Rừng ngập mặn mũi Cà Mau

Gần đây, một nhóm bạn và tôi cùng đọc lại “Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta” (Sóng, Saigon, 1973; và Sống Mới in lại tại Hoa kỳ, 1989), mục đích là chọn ra 10 truyện hay nhất, thể theo lời yêu cầu của Giáo sư Sử Nguyễn Dịu Hương thuộc Đại học Tiểu bang California tại Irvine. GS Hương vừa xin được một cái grant nhỏ để chọn dịch và xuất bản 10 truyện ngắn hay nhất của Miền Nam. Tiện cuốn sách này đã được số hóa, nên chúng tôi chọn cuốn này cho tiện, vì mỗi truyện vốn đã được chính mỗi tác giả chọn là ưng ý nhất của mình trao cho nhà xuất bản Sóng, thay vì phải lục tìm đâu xa. Tuy nhiên mỗi người vẫn có thể đề chọn một hay hai truyện mà mình ưng ý nhất bên ngoài những truyện trong tuyển tập. 


Thứ Ba, 25 tháng 7, 2023

Trùng Dương: Tháng Bẩy nhìn lại việc chia cắt đất nước và cuộc di cư 1954 của ‘một biển người’

Những người tị nạn miền Bắc di chuyển
từ một tàu đổ bộ của Pháp đến tàu
USS Montague của Mỹ trong Chiến dịch
Con đường tới Tự do vào
tháng 8 năm 1954. Hình: Wikipedia.
Có rất nhiều khoảng trống trong lịch sử VN nói chung và trong giai đoạn cận-hiện đại nói riêng, lại không phải do chính người Việt điền vào, mà lại do những nhà báo, những sử gia nước ngoài, và họ đã làm công việc đó với một tinh thần khoa học, tôn trọng sự thật, tôn trọng lịch sử. Nhờ họ, và nhờ những cuốn sách của họ, người Việt đã, đang và sẽ có cơ hội nhìn lại những chặng đường bi kịch đã qua của Việt Nam.

Cuốn “Operation Passage to Freedom – The United States Navy in Vietnam, 1954-1955,” tạm dịch “Chiến Dịch Đường Tới Tự Do - Hải Quân Hoa Kỳ tại Việt Nam, 1954-1955,” do Ronald B. Frankum, Jr. biên soạn, là một trong những cuốn sách như vậy. 


Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2023

Trùng Dương: Cựu thẩm phán bảo thủ mong mỏi cứu vãn đảng Cộng hòa đang sa lầy trong chủ nghĩa Trump (Trumpism)

“Đảng Cộng hòa, cũng như ông Trump, phải chịu trách nhiệm về bản cáo trạng tháng Sáu này–và sẽ chịu trách nhiệm về bất kỳ bản cáo trạng và truy tố nào dành cho ông ta về [biến động] ngày 6 tháng Một [2021].”
–Cựu Thẩm phán bảo thủ J. Michael Luttig


Cựu thẩm phán Cộng hòa J. Michael Luttig, tại buổi điều trần của Ủy ban Hạ viện Đặc trách Điều tra vụ tấn công Điện Capitol ngày 6 tháng Một, 2021. Buổi điều trần diễn ra ngày 16 tháng Sáu, 2022.


Thứ Ba, 27 tháng 6, 2023

Trùng Dương: Vụ án tài liệu mật và các khía cạnh pháp lý

Tài liệu tình báo mật được tìm thấy trong quá trình tìm kiếm, khám xét ở Mar-a-Lago. Hình Wikipedia


Mặc dù đã được chờ đợi song bản cáo trạng về việc nguyên Tổng thống Donald Trump ngoan cố tàng trữ tài liệu mật liên quan tới an ninh quốc phòng, do Công tố Viên đặc nhiệm Jack Smith ban hành ngày 9 tháng 6 vừa qua, vẫn là một ngạc nhiên lớn đối với nhiều người vì các chi tiết tỉ mỉ của bản cáo trạng.

Bài viết này sẽ điểm qua nội dung của bản cáo trạng, nhận định của các chuyên gia pháp lý, diễn biến nào sẽ xẩy ra, các kế hoạch biện hộ của phe luật sư cho ông Trump, và các trở ngại pháp lý nào của bên công tố viện.


Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2023

Trùng Dương: Cái giá của sự dối trá

Việc vụ kiện Dominion v. Fox News được hoà giải dàn xếp đã tiêu tốn của Fox News 787.5 triệu Mỹ kim, tránh cho Fox và các tay đầu sỏ của công ty, đặc biệt là trùm Rupert Murdoch, phải chịu đựng các cuộc tra hỏi của giàn luật sư nguyên đơn, mặc dù trước đó nhiều trang tài liệu [1] phơi bày sự dối trá của họ đã được đưa ra ánh sáng cho cả thế giới thấy. Trừ khối khán giả hàng triệu người của họ vẫn tiếp tục sống trong cái bong bóng mà Fox đã giúp củng cố và duy trì, với niềm tin sắt đá trong đó có việc ông Donald Trump đã tái đắc cử năm 2020, nhưng chiến thắng của ông bị hệ thống kiểm phiếu của công ty Dominion đánh tráo phiếu, song ông sẽ trở lại chính trường năm tới.

Vì trong bản thoả thuận không thấy nhắc tới một yêu cầu của Dominion, đó là Fox News phải công khai xin lỗi trên đài không chỉ với Dominion mà còn cả đối với khán giả của họ, đó là cơ quan này đã loan tin thất thiệt mặc dù biết là sai, một thái độ bất kính với chính khán giả của họ, ngoài việc dẵm đạp lên mọi nguyên tắc truyền thông chân chính. Fox chỉ nhìn nhận, trong một thông cáo báo chí sau vụ dàn xếp vào phút chót truớc khi phiên toà xử bắt đầu vào trưa ngày 18 tháng 4, 2023, là đã phổ biến một số thông tin không đúng về công ty này. “Chúng tôi nhìn nhận vài phán quyết của toà cho thấy vài thông tin về Dominion là sai,” Fox News tuyên bố, không nói rõ là thông tin nào. Với Dominion, số tiền dàn xếp gần 800 triệu dù vậy cũng đủ chứng minh là Fox News đã công nhận trách nhiệm (accountability) của họ.

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2023

Trùng Dương: Cuộc truy tìm kẻ tình nghi tiết lộ bí mật quốc phòng

Rạng đông ngày thứ Năm tuần vừa qua, 13 tháng 4, tại một khu gia cư của thành phố North Dighton thuộc tiểu bang Massachusetts, nhóm phóng viên báo New York Times tới gõ cửa nhà Jack Teixeira, người tiết lộ các tin tình báo của Bộ Quốc Phòng Mỹ làm rúng động thế giới trong nhiều ngày qua. 

Ông bố dượng của Teixeira, Thomas Dufault, một trung sĩ Không quân về hưu, ra mở cửa, và khi được biết họ muốn gặp Jack, thì ông trả lời: “Nó sẽ không nói năng gì với bất cứ ai trừ phi với luật sư.” 


Liền đó, có tiếng máy bay bay quần quần trên bầu trời của khu gia cư. Toàn khu phố đã bị bao vây bởi cảnh sát và quân đội võ trang hùng hậu vì nghe nói kẻ tình nghi say mê súng đạn và có thể trang bị vũ khí sẵn trong nhà. Và hình ảnh Teixeira bị còng tay dẫn đi sau đó đã trở thành phổ biến khắp nơi mà ai cũng đã thấy.


Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2023

Trùng Dương: Hai vụ án: Google, Fox News trên bàn mổ

Đầu năm nay giới quan tâm tới truyền thông có cơ hội theo dõi hai vụ án, một sẽ định đoạt ít ra là túi tiền của một cơ quan truyền thông cực hữu, và một sẽ định đoạt số phận của một sắc luật lâu nay bao che các hãng Internet trong đó có cả các diễn dàn xã hội (social media platform) đã ảnh hưởng sâu xa đến đời sống của nhiều nhóm và cá nhân, mà còn cả các thể chế chính trị không riêng tại Mỹ mà cả thế giới.

Đó là việc toà Tối Cao Pháp viện Mỹ tiến hành xét duyệt Section 230, một điều luật được thêm vào luật Communications Decency Act vào năm 1996 nhằm bảo vệ sự phát triển của các công ty Internet lúc ấy còn phôi thai, và hệ thống Internet còn đang bước những bước chập chững từ sau khi Bộ Quốc phòng chuyển kỹ thuật này qua giới tư nhân xử dụng năm 1995, bốn năm sau khi chấm dứt cuộc Chiến tranh Lạnh. Việc xét duyệt này diễn ra do vụ kiện Gonzalez v. Google, do thân nhân của cô Nohemi Gonzalez, một sinh viên California 23 tuổi bị thiệt mạng trong số 130 người chết tại Paris trong một loạt khủng bố diễn ra khắp thành phố năm 2015. Vụ Gonzalez tập trung vào việc Google xử dụng thuật toán (algorithm) tạo nên những phần tử bị cực đoan hoá theo quân khủng bố ISIS.


Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2022

Trùng Dương: Leonardo và ‘Bữa Tiệc Cuối Cùng’: Tuyệt phẩm ‘tình cờ’ và công trình trùng tu kéo dài 21 năm

Báo NY Times, 7/2/1995, Mục 2, trg. 31

Một trong những tác phẩm hội hoạ cổ điển còn tồn tại tới nay “Last Supper” (Bữa tiệc cuối cùng) của danh họa Leonardo da Vinci, hoàn tất vào năm 1498 sau bốn năm thực hiện, là một trong những tác phẩm cổ điển được giới nghiên cứu nghệ thuật bàn thảo nhiều nhất. Đó cũng là tác phẩm đòi hỏi nhiều lần trùng tu hơn cả, với lần cuối vào cuối thế kỷ trước kéo dài tới 21 năm. Đây cũng là tác phẩm tuy là về một đề tài tôn giáo song đã vượt ra ngoài lãnh vực tôn giáo tới giới yêu nghệ thuật không thuộc hoặc thấm nhuần đạo Thiên Chúa giáo, với một quan tâm hoàn toàn có tính cách nghệ thuật. 


Trong bài này người viết sẽ duyệt qua bối cảnh thực hiện và kỹ thuật sử dụng của thiên tài Leonardo trong tác phẩm “Last Supper” một kỹ thuật không phù hợp với tranh tường và là một trong các nguyên do dẫn tới nhiều nỗ lực trùng tu liên tiếp, không lâu sau khi bức tranh vĩ đại này hoàn tất. Tại sao có người gọi tác phẩm này là một “tuyệt tác tình cờ” (accidental masterpiece)? Những công trình trùng tu nào đã được thực hiện trên “Last Supper”? Và cuối cùng, bài viết sẽ tập trung vào công trình trùng tu, có thể nói là đại qui mô, kéo dài 21 năm của bà Pinin Brambilla Barcilon và một nhóm nhỏ chuyên viên Ý tại nơi chứa bức tranh tường vĩ đại vĩ đại cả ở vóc dáng lẫn giá trị nghệ thuật vượt trên cả mục đích tôn giáo của tác phẩm tại nhà thờ Santa Maria delle Grazie ở trung tâm thành phố Milan, Ý. 



Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2022

Trùng Dương: Cảm tác về một băng hình

Hồi đầu tháng 11 tôi có dịp ghé Quận Cam và đi thăm ông bà Võ Phiến. Trước đó Phan Nhật Nam nhắn qua điện thư, bảo: “Bác có đi thăm ông bà Võ thì ới tôi đi với?” Bèn rủ. Nam khoe có cả Anh Cả Doãn Quốc Sỹ cùng đi nữa. Anh Sỹ, từ ngày chị mất, đã rời cư từ Houston sang Quận Cam ở với con, nhà sát lưng nhà của Nam. Tôi reo lên mừng rỡ, “Thế thì còn gì bằng. Anh chị Võ Phiến sẽ vui lắm, nhất là chị ấy thấy anh có thêm bạn quý tới chơi.” 

Tôi lúc này đi đâu hay làm biếng mang máy ảnh, vì ỉ i có cái iPhone 4 chụp hình high res được. Nhưng lần này thủ theo một cái máy digital cho chắc ăn. Các cây đại thụ của văn học Miền Nam đã và đang lần lượt ra đi. Trên 35 năm rồi còn gì, kể từ cái ngày Miền Nam ơi từ buổi tiêu tan ấy (thơ Nguyễn Chí Thiện). Hai ông Võ và Dõan nay đã xấp xỉ 90. Làm sao biết được nay còn đấy, mai đã ...

Tới nơi lại có cả chủ bút Diễn đàn Thế kỷ Phạm Phú Minh và nhà văn Ngự Thuyết, cả hai cũng đã từng bị Cộng sản cầm tù, đã tồn tại, và hiện còn tiếp tục sinh hoạt văn học. Như thường lệ, nữ chủ nhân, chị Viễn Phố, đón chúng tôi với tất cả niềm nở. Trà thơm, bánh ngọt vừa miệng. 


Trùng Dương: Mừng 100 tuổi nhà văn Doãn Quốc Sỹ, đọc lại ‘Đi!’ của Hồ Khanh

Gần một năm sau ngày miền Nam thất thủ (30/04/1975), hầu hết các nhà văn miền Nam bị bắt đi học tập cải tạo. Doãn Quốc Sỹ cùng các văn nghệ sĩ như Trần Dạ Từ, Thanh Thương Hoàng, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Nguyễn Sỹ Tế, Chóe… bị giam tại trại Gia Trung, cách thành phố Pleiku 25 cây số. Đến năm 1980, ông được trả tự do nhờ sự can thiệp của nhiều tổ chức quốc tế. Trong thời gian chờ đợi được con gái là Doãn thị Ngọc Thanh bảo lãnh đi Úc, ông tiếp tục viết thêm nhiều tác phẩm nữa, trong đó có quyển “Đi!”, được ký với bút hiệu Hồ Khanh. Ông đã gửi tác phẩm này sang Pháp để xuất bản tại hải ngoại. Cũng vì lý do này, ông đã bị bắt lần thứ hai vào tháng 5 năm 1984, chỉ vài tháng trước ngày đi Úc. Cùng bị giam với ông trong đợt này có ca sĩ Duy Trác, nhà báo Dương Hùng Cường, hai nhà văn Hoàng Hải Thủy và Lý Thụy Ý… Ông bị kết án 10 năm tù và mãn hạn tù lần thứ hai vào tháng 11 năm 1991. Năm 1995, ông được con trai là Doãn Quốc Thái bảo lãnh để di dân sang Houston, Hoa Kỳ. Ông hiện sống tại Quận Cam, California. [Trích Tiểu sử Tác giả tại doanquocsy.com]

Bài viết bên dưới rút ra từ bài điểm tác phẩm “Đi!”40 năm trước, khi bản thảo cuốn sách này được lén chuyển sang Pháp, không kèm tên tác giả, và được Lá Bối tại Paris xuất bản và phát hành tại các cộng đồng người Việt tại hải ngoại vào năm 1982, dưới bút hiệu Hồ Khanh do chính nhà xuất bản chọn. Trích đăng lại bài điểm sách ở đây, ngoài việc giới thiệu tác phẩm vẽ lại bức tranh vô cùng sống động của Miền Nam sau 1975, còn nhằm vinh danh một nhà văn đáng trân trọng của nền văn học Việt Nam tự do nhân ngày sinh nhật thứ 100 của ông--Với lời cảm tạ chân thành. [TD]

***


Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2022

Trùng Dương: Chủ bút, người là ai?

Nhân chủ bút Phạm Phú Minh của Diễn Đàn Thế Kỷ thông báo nghỉ hưu ở tuổi đã-quá-tuổi-hưu 85, tôi đi tìm một tấm thiệp để gửi chúc mừng anh. 

Giá còn vẽ đượcbây giờ thú thật là đến viết, mấy ngón tay vốn quen với bàn máy chữ điện toán đã không còn nghe lời mình nữa, nói chi vẽ!thì đã vẽ cho anh một tấm thiệp. Tôi lục trên Internet và bắt gặp bức hình bên dưới trong khi nghĩ tới bài viết gần đây của anh Nguyễn Tường Thiết trên Diễn Đàn Thế Kỷ, trong đó anh tuyên bố, rất chân thành, là nếu không có Phạm Phú Minh thì không có Nguyễn Tường Thiết nhà văn.


“Xin cám ơn anh đã có công khai sáng điều tốt đẹp nhất nơi chúng tôi!”
(Ảnh holidappy.com, Pixabay)

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2022

Trùng Dương: Lê Thành Nhơn (1940-2002) - Những mộng lớn & những tác phẩm còn, mất

Tháng 11 năm nay là tròn 20 năm từ ngày điêu khắc gia Lê Thành Nhơn (1940-2002) qua đời tại Melbourne, Úc, nơi anh định cư từ năm 1975.  

Cách đây gần 10 năm khi lang thang quanh trên 200 pho tượng trong công viên điêu khắc nổi tiếng nhất thế giới Vigeland ở Oslo, Norway, tôi nhớ đã tự hỏi không biết hồi còn sinh tiền Nhơn có dịp ghé nơi này—làm sao đã không được!--, và tưởng tuợng nguồn cảm hứng anh có được, mặc dù hình như không lúc nào mà, theo hồi tưởng của nhiều bằng hữu, anh lại thiếu cảm hứng cả. Gần đây, khi soạn bài “Hành trình của Mẹ” và chiêm ngưỡng các hình chụp những pho tượng độc đáo gợi nhiều cảm xúc của điêu khắc gia Ron Mueck, tôi cũng ước ao giá Nhơn có dịp viếng một trong những buổi triển lãm của người nghệ sĩ tạo hình tài ba này. Ở Mueck có cái đam mê hoang dại—như Nhơn--mà lại rất thiết tha, dịu dàng, phản ảnh qua các tác phẩm độc đáo siêu hiện thực của anh. Cảm nghĩ tôi có về nghệ thuật nơi Nhơn cũng vậy: choáng ngợp vì tính cách vĩ đại, song đầy đam mê, tha thiết, dịu dàng, chứa chan tình tự qua những tác phẩm anh đã thực hiện. 


Nhân 20 năm kể từ ngày anh qua đời, tôi thu vén hồ sơ cả điện tử lẫn còn trên giấy, thư từ trao đổi còn giữ được dù không nhiều, cùng là nghiên cứu thêm. Trong khi xục xạo trên Internet hầu cập nhật khoảng trống thông tin trong 20 năm qua, tôi bắt gặp một tiếng nói lần đầu nghe được, song thú vị, giúp tôi lấp được phần nào khoảng trống kéo dài nhiều thập niên thiếu vắng thông tin về Lê Thành Nhơn kể cả khi anh còn sống. Thỉnh thoảng Nguyễn Hưng Quốc bên Úc vẫn gửi thông tin về Nhơn, và điện thư cuối cùng gửi chung cho thân hữu khắp nơi báo tin Nhơn đã từ trần chiều ngày 4 tháng 11, 2002 tại Melbourne. 


Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

Trùng Dương: Thăm lại mộ thuyền nhân Việt ở Đông Nam Á

Anh bạn nhà báo Lưu Dân bên Úc gửi cho bản tin phổ biến cuối tháng Tám vừa qua trước ngày nghỉ gọi là Quốc khánh của Hà Nội, tựa là“Khuyến cáo du khách Việt không nên đến một số khu vực tại Indonesia, Philippines và Malaysia”. Lý do: “Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết khuyến cáo này nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch outbound (khách trong nước ra nước ngoài).”

“Để đảm bảo an toàn cho khách du lịch và tránh phát sinh những vấn đề về chính trị, ngoại giao, đề nghị Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Liên chi hội Lữ hành Việt Nam thông tin, khuyến cáo các doanh nghiệp lữ hành tạm thời không đưa khách đến 3 địa điểm trên,” thông báo của Tổng cục Du lịch Việt Nam cho hay. 

Đọc bản tin, tôi không khỏi bật cuời. Vào thời buổi Internet phát triển vượt bực và tạo cơ hội cho mọi người có dịp tiếp cận với đủ loại thông tin và kiến thức của Thế kỷ 21 này, bất kể các nỗ lực ngăn chặn mà tôi gọi là “lấy thúng úp voi” của chế độ, mà nhà nuớc, qua Tổng cục Du lịch VN, vẫn còn đối xử với người Việt trong nước như một lũ con nít không biết gì. 

Cái mà họ thực sự quan tâm không phải là “an toàn cho du khách”, mà chính là cho thế đứng của chế độ tư bản đỏ song vẫn độc tài của họ đấy thôi.

Chuyện thuyền nhân VN vào cuối thập niên 1970 và suốt thập niên 1980 có mấy ai mà không biết, nếu muốn. Chỉ cần đánh cụm từ “thuyền nhân Việt Nam” hay “Vietnamese boat people” trong bất cứ hộp Search của bất cứ browser nào—Safari, Google, Microsoft Edge, Firefox, Omega, Duckduckgo, vv…--là thấy hiện lên đầy các tài liệu, hình ảnh và phim liệu về thảm kịch kéo dài gần hai thập niên này. Cho là trong nước những trang Web này có bị chặn thì vẫn có vô vàn các cách khác để tiếp cận thông tin trên Mạng. Người Việt trong nước, khả năng kỹ thuật điện toán nghe nói nhiều khi còn hơn cả nhiều người hải ngoại nữa. 

Tại sao phải đến tận nơi chôn cất các nạn nhân vượt biển đi tìm tự do không may bị bỏ mạng tại các địa điểm như Galang (Indonesia), Bidong (Malaysia) và Palawan (Philippines)? Các du khách trong nước muốn tới tận các nơi này thăm viếng thực ra phần lớn chính là thân nhân của các nạn nhân vượt biển muốn viếng người thân để vun đắp, sửa sang mộ phần và thắp lên một nén hương tưởng nhớ. Cấm đoán họ vì những lý do “an toàn” đâu đâu là một lời dối trá không che dấu được ai, nếu không nói là một sự tàn nhẫn, táng tận lương tâm đối với những người không quên được thân nhân đã chết thảm trên đường đi tìm tự do mấy thập niên trước.


Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2022

Trùng Dương: Văn Quang mà tôi biết

Trước 1975 chúng tôi không quen nhau. Ngoài tuổi tác chênh lệch—anh Văn Quang hơn tôi trên 10 tuổi--cũng còn vì… “phe nhóm” văn chương khác nhau. Tôi cũng chẳng hề đọc anh và ngược lại, có lẽ anh chẳng bao giờ đọc tôi.

Nhưng vào giữa thập niên 1990 thì chúng tôi quen nhau và trở nên thân thiết qua điện thư. Hồi ấy tôi đang cộng tác với một tờ báo Mỹ địa phương ở Stockton, Cali. Anh Hồng Dương, nguyên ký giả báo Chính Luận xưa, đã định cư tại đây từ giữa thập niên 1980. Chúng tôi có biết nhau song cũng chỉ sơ giao ở Sài Gòn. Đồng hương gặp nhau, lại cùng đồng nghiệp xưa, mặc dù Hồng Dương đã sinh hoạt trong ngành khác, nên hai chúng tôi gặp nhau thường xuyên, và vì cùng thích chuyện kỹ thuật điện toán,nên trở nên thân.

Hồi ấy máy computer cá nhân còn tương đối mới, điện thư qua lại còn là chuyện có phần lạ, song ai đã làm quen với nó thì dễ trở nên gắn bó vì thấy bỗng dưng liên lạc được với những người ở tận đẩu tận đâu mà chỉ cần ngồi ở bàn giấy tại gia, nghe có cái gì mầu nhiệm là đàng khác. Qua Hồng Dương và điện thư tôi quen thêm với những người bạn của anh, trong đó có Văn Quang ở Sài Gòn. Chúng tôi họp thành một nhóm điện thư gồm năm người: ngoài tôi, là Hồng Dương, Văn Quang, Tạ Quang Khôi, và Hoàng Ngọc Liên—là những nguời nay đều đã bỏ cuộc chơi.

Trong những chuyện trao đổi với nhau qua điện thư trong thời gian này, hai chuyện liên quan tới Văn Quang mà tôi còn nhớ hơn cả. Thứ nhất là việc băn khoăn đi hay ở của anh sau khi bị tù cộng sản ra và được nhận đi Mỹ qua chương trình HO vào giữa thập niên 1990. Và chuyện thứ hai liên quan tới việc gây quỹ giúp mẹ con nhà văn Nguyễn Thị Thuỵ Vũ.

Nói là băn khoăn nhưng có lẽ anh Văn Quang cũng đã nhiều phần quyết định ở lại. Có lần, qua điện thư, anh kể có một bà nọ có nhiều tiền bạc của cải cất giấu ở đâu đó có đến đề nghị với anh cho bà đi cùng, bà sẽ đền bù hậu hĩ. Tất nhiên là anh không nhận. Tiền bạc đối với anh không phải là một vấn đề trong thời kỳ này khi mà những bài phóng sự về Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung trong loạt bài “Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự” đang được độc giả hải ngoại khắp nơi đón nhận. Đó là những bài viết về các thân hữu văn nghệ còn ở lại trong nước, hay điểm tin tức báo chí hàng ngày qua cái nhìn thẳng thắn của anh. Loạt bài này được nhiều báo hải ngoại đăng tải và chăm chỉ trả nhuận bút cho anh, nhờ vậy anh Văn Quang có một đời sống không phải ưu lo về vật chất. Anh bảo nhiều người anh quen biết ở vào diện như anh cần đi Mỹ phần lớn vì nhu cầu gia đình, như con cái còn vị thanh niên cần có một tương lai. Còn anh một thân một mình, các con thì đã khôn lớn có đời sống ổn thoả ở nước ngoài, anh chẳng còn gì để bận tâm.


Trùng Dương: Từ Quảng trường Thiên An Môn tới Quảng trường Maidan - Khát vọng tự do không thể bị dập tắt

Trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin xua quân xâm lăng Ukraine vào ngày 24 tháng Hai vừa qua, giới quan sát quốc tế và cả Mỹ đã tiên đoán quốc gia nhỏ bé với trên 40 triệu dân và ít được biết tới đối với thế giới bên ngoài này sẽ thất thủ trong vòng hai ngày. Chính tổng thống Ukraine, Volodymyr Jelensky, có lẽ cũng không tin là mình sống sót khi nói với giới lãnh đạo Âu châu vào ngày đầu của cuộc xâm lăng là có thể họ sẽ không còn dịp gặp lại ông nữa.

Thực tế đã cho thấy ngược lại.

Dân Ukraine, dưới sự lãnh đạo của vị tổng thống 45 tuổi, vốn là một diễn viên hài, Jelensky, đã kiên quyết chứng tỏ cho thế giới thấy là, ngược lại với lời của TT Putin rằng Ukraine “không phải là một quốc gia có thật”, dân tộc này thực sự đang hiện hữu mặc những đổ vỡ vật chất của hết thành phố này tới thành phố khác và hàng ngàn sinh mạng dân thường do súng đạn quân Nga gây ra xung quanh.

Với thế giới, sự kiên quyết bảo vệ nền dân chủ của dân Ukraine là một một “mặc khải văn hoá” cho thế giới tự do, như nhà bình luận David Brooks của nhật báo New York Times viết, trong bài “Tuần lễ đã thức tỉnh thế giới”.

“Các biến cố ở Ukraine đã nói lên một tàn phá đạo đức và thảm kịch chính trị, song đối với thế giới loài người thì nó là một mặc khải văn hoá. Nó không nói lên điều gì mới, song là một nhắc nhớ cho nhiều người trong chúng ta về điều chúng ta vẫn hằng tin tưởng, và càng tin tưởng thêm, với nhiều quyết tâm hơn nữa. Đây chính là tuần lễ của quyết tâm,” ông Brooks viết.

“Dân tộc Ukraine chính là thầy dậy và đã gợi hứng cho chúng ta,” nhà bình luận Brooks viết. “Họ là những người đàn ông đàn bà thường dân như trong video này xếp hàng để lãnh vũ khí đặng bảo vệ quê hương họ. Họ là người phụ nữ này đã nói với người lính xâm lăng Nga hãy cất vào túi anh ta mớ hạt hoa hướng dương [biểu tượng của đoàn kết]. Họ là hàng ngàn dân Ukraine đang sống an lành ở nước ngoài đã kéo nhau về nước bất chấp an nguy tới tính mạng để bảo vệ dân tộc và nếp sống của họ.

Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2022

Trùng Dương: Sách - Kinh nghiệm kiến quốc trong thời chiến của Việt Nam Cộng Hoà, 1955-1975

 Tổng thống Kennedy có lần đã nói: “Chiến thắng có cả trăm ông cha và thất bại trở thành mồ côi” (Victory has a hundred fathers and defeat is an orphan). Người Việt Miền Nam, dù lưu vong hay còn ở quê nhà, thẩy đều đã trở thành “mồ côi.” 

Nhiều thập niên qua, chúng ta đã sống trong thầm lặng, chịu đựng bị hiểu lầm, cố gắng dồn mọi nghị lực vào việc xây dựng lại đời sống trên mảnh đất quê hương thứ hai, nuôi dậy con cái, vun sới gia đình, và có một dạo còn cung cấp cho người thân, bằng hữu còn kẹt lại sống thiếu thốn mọi sự. Vào giờ rảnh rỗi và dịp cuối tuần, chúng ta tập hợp nhau, người bàn chuyện quang phục quê hương; kẻ nói chuyện bảo tồn lịch sử và văn hóa đã và đang bị cộng sản tàn phá, hủy hoại ở quê nhà --cũng là một hình thức quang phục quê hương khi các giá trị dân tộc và nhân bản đang trên đà thoái hóa nơi quê nhà. Những hoạt động này đã giúp nối kết người Việt hải ngoại không chỉ ở Mỹ mà còn ở khắp thế giới lại với nhau.

Các nỗ lực bảo tồn văn hóa và lịch sử của người Việt hải ngoại thường nhỏ giọt, riêng lẻ, phần lớn do cá nhân bỏ tiền túi ra thực hiện. Thảng hoặc, có những trường hợp nhận được tài trợ như nhà văn Võ Phiến được một tổ chức nghiên cứu khoa học xã hội tài trợ đi sưu tầm tài liệu và thực hiện bộ “Văn Học Miền Nam Tổng Quan” vào đầu thập niên 1980. Dù vậy, kết quả của những nỗ lực này phải nói là phong phú, xuất hiện dưới hình thức sách báo, băng đĩa nhựa, hình ảnh, bầy bán khắp nơi. Những tác phẩm bị cộng sản cấm đoán, tịch thu, đốt hủy cũng đã được chụp và tái bản ở hải ngoại, ngay cả những bộ sách của thời tiền chiến được tái bản ở Miền Nam trước 1975 cũng theo chân chúng ta ra hải ngoại. Và hồi ký đủ loại đề tài phong phú của nhiều người viết thuộc mọi thành phần trong và ngoài nước, đặc biệt là các hồi ký của nhiều người đã từng là đảng viên cộng sản nay tỉnh ra. Từ ngày kỹ thuật Internet ra đời cách đây 25 năm, sinh hoạt văn hóa này càng nở rộ (*). Dù vậy, các ấn phẩm vẫn chỉ thu hẹp phần lớn trong phạm vi tiếng Việt, hạn chế đối với các thế hệ trưởng thành hoặc sinh ra và lớn lên ở hải ngoại.


Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2021

Trùng Dương: Nhân bộ báo Sóng Thần ‘tái xuất’ trên Mạng, duyệt qua các trang mạng sách báo Miền Nam


Bài này gồm hai phần, như nêu trong tựa bài. Phần đầu giới thiệu bộ báo Sóng Thần và một số báo khác do anh Võ Phi Hùng ở Virginia thực hiện, và được Kho Sách Xưa của ông Hùynh Chiếu Đẳng phổ biến gần đây. Và phần thứ hai nhằm duyệt lại và bổ túc một bài tôi soạn cách đây trên hai năm về các nỗ lực phục hồi sách báo xuất bản ở Miền Nam truớc 1975. Có thể còn những nỗ lực khác mà người viết không được biết tới, xin độc giả tùy nghi bổ túc.

Bộ báo Sóng Thần & kho báo Miền Nam


Vào đầu tháng Chín vừa qua, Võ Phi Hùng, một cựu học sinh Petrus Ký hiện đang cư ngụ tại tiểu bang Virgnia, viết thư cho nguyên tổng thư ký Uyên Thao và tôi, nguyên chủ nhiệm nhật báo Sóng Thần (Saigon, 1971-1975), thông báolà đã gần hoàn tất việc scan xong bộ báo Sóng Thần từ toàn bộ bẩy cuộn microfilm 35mm mượn của thư viện Đại học Cornell qua chương trình Interlibrary Loan. Anh Hùng cho biết “đang tiến hành công việc chụp lại từng film một tại thư viện địa phương Fairfax Regional Library ở Fairfax, VA, và sau đó về nhà ráp từng trang lại thành một số báo.” Anh hy vọng trong hai tuần nữa thì hoàn tất.

Sóng Thần là một trong những bộ báo xuất bản tại Miền Nam, từ 1971 tới 1975, mà anh Hùng “vì yêu đọc sách báo và muốn phổ biến cho việc tham khảo các báo chí Việt Nam đã phát hành ở Miền Nam trước năm 1975” nên đã bỏ công sức ra thực hiện. Những báo kia, Hùng cho biết, hoặc đã hoàn tất, gồm có Phụ Nữ Tân Văn, Tiếng Dân, Thần Chung, và An Hà Nhật Báo, đã gởi đăng trên trang mạng Kho Sách Xưa; hoặc đang thực hiện, ngoài nhật báo Sóng Thần, là Chính Luận (tồn tại lâu nhất trong làng báo Miền Nam, từ 1964 đến 1975), Đông Pháp Thời Báo, và Đuốc Nhà Nam.