Hiển thị các bài đăng có nhãn Tiên Lãng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tiên Lãng. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

Hiệu Minh - Email gửi Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Blog Hiệu Minh  - 

Thưa anh Nguyễn Văn Thành,

Tôi viết thư này đúng lúc nghe tin ông Robert (Bob) Zoellick, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), tuyên bố không ứng cử vào nhiệm kỳ tiếp theo.

Năm 2007,  WB trải qua khủng hoảng về lãnh đạo do ông Paul Wolfowitz, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ từ Lầu Năm Góc, về làm chủ tịch.


Trong thư gửi nhân viên, ông Bob Zoellick tự tin tổng kết, WB đã vượt lên số phận, tiếp tục đóng vai trò lãnh đạo thế giới trong phát triển, giúp nhiều quốc gia thoát nghèo trong đó có Việt Nam, bảo vệ môi trường, nâng cao giáo dục, chống tham nhũng, xây dựng chính phủ minh bạch và nhiều thành tựu khác.

Nhớ lại năm 2007, hàng chục ngàn cán bộ ưu tú của WB đã nổi giận vì cách thức mà ông Paul Wolfowitz điều hành, lại còn tăng lương cho người tình vô lối. Cuối cùng do sức ép của dư luận, Paul phải từ chức.
Ông Bob Zoellick đến với nhiệm vụ xử lý “WB đổ nát” mà người tiền nhiệm để lại. Nhìn những comment của nhân viên viết dưới bức thư, Chủ tịch sắp ra đi có thể tự hào vì đã làm được nhiều điều kỳ diệu.
Thật hạnh phúc, khi thủ trưởng rời nhiệm sở, có thể tự tin viết về những gì mình đã làm và được hàng ngàn nhân viên dưới quyền ca ngợi.

Là đồng hương Ninh Bình của anh, tôi muốn viết đôi chút về Hoa Lư. Vua Đinh Bộ Lĩnh cho rằng, miền đất địa linh nhân kiệt này xứng ngang tầm thủ đô Bắc Kinh cách đây hơn 1000 năm, nên ông gọi là Tràng An và sau đổi là Trường Yên.

Xã của chúng ta có họ Giang, tương truyền có họ hàng với nhà tiên tri mọi thời đại Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Theo gia phả họ Giang, người con thứ hai của Nguyễn Bỉnh Khiêm về ở ẩn tại Hoa Lư, thấy Hoàng Long Giang (sông Hoàng Long) và phong cảnh hữu tình nơi đây, nên đã đổi thành họ Giang và ông tự gọi là Hàn Giang Hầu (Giang Hàn Hầu).


Bia công đức nói về họ Giang. Ảnh: HM

Các cụ trong họ còn nói, ông Giang Văn Minh, được mệnh danh là vị sứ thần “Bất nhục quân mệnh” (Không để nhục mệnh vua), vì đã đối đáp thẳng thắn ở Trung Quốc và bị vua Minh Tư Tông hành hình vào năm 1638.

Theo các bậc trưởng lão thì tôi là hậu duệ thứ 34 hay 35 của ông cố tổ Giang Hàn Hầu. Đương nhiên, chuyện này cần có chứng minh bằng lịch sử rõ ràng hơn.

Viết đôi dòng mang tính truyền thuyết về dòng họ, tôi chỉ muốn nói rằng, Trường Yên người tài đức không thiếu.

Quê mình có Thượng tướng Nguyễn Hữu An, đánh đông dẹp bắc, từ thời Điện Biên Phủ đến đường 9 Nam Lào, vào Tây Nguyên rồi, sang Lào chiến thắng cánh đồng Chum, tới Campuchia diệt Pol Pot.

Hiện nay, xã có hơn một chục ngàn dân mà có nhiều người làm to. Thượng tướng CA Đặng Văn Hiếu đương chức, cựu Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, và nhiều cán bộ cao cấp khác.

Đọc tin hôm nay lại nhận ra thêm một người nổi tiếng khác, chính là anh, Nguyễn Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, gốc Trường Yên. Làm tới Bí thư Thành ủy một thành phố quan trọng nhất nhì ở Việt Nam, người Ninh Bình rất tự hào.

Lâu lâu rồi, nghe tin anh Tiến mắc chuyện PMU18, dân trong xã cũng buồn. Nhưng  đóng góp của anh Tiến cho con đường từ quốc lộ 1 về cố đô Hoa Lư được dân mấy xã Ninh Mỹ, Ninh Hòa, Ninh Giang và Trường Yên khen hết lời. Đường làm hơn chục năm mà vẫn tốt.

Những người nổi tiếng làm cho danh thơm của quê hương Đinh Bộ Lĩnh thêm lan tỏa khắp thế giới. Họ làm tốt được dân nhớ tới. Nếu làm sai dân cũng khó quên. Có những người như sứ thần Giang Văn Minh hay Trạng Trình danh nhân nước Việt, mấy trăm năm sau dân vẫn tôn thờ.


Nhà thờ họ Giang. Ảnh: HM

Mấy tháng gần đây, vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng đã làm cả nước sôi sục. Thủ tướng cũng phải vào cuộc vì những bất cập do cách hành xử lạ lùng của chính quyền địa phương.

Chuyện sai trái đã rõ. Đẩy người lương thiện vào chân tường, đưa bộ đội, công an vào những trấn áp sai nghiêm trọng. Lạm dụng quyền lực, dối trên, lừa dưới, đổ thừa lỗi cho người khác một cách ngang nhiên mà các quan địa phương không biết xấu hổ.

Chiến thắng hay thất bại, được và mất ở địa phương nào dù to nhỏ, trách nhiệm và cả công lao thuộc về Bí thư đảng. Vì ở nước mình, Đảng lãnh đạo, Chính quyền thực hiện.

Dù Thủ tướng đã kết luận rõ ràng, thế nhưng tại CLB Bạch Đằng, trước 500 bô lão Hải Phòng, anh Thành đã ngang nhiên nói với người tham dự : “Báo chí nói sai, ghép ảnh chỗ khác chứ đâu có chuyện xe ủi nhà ông Vươn, không ca ngượi công an-bộ đội, có biểu hiện bôi nhọ; Có bậc lão thành nói không chuẩn; Ông Vươn xây nhà không có trong quy hoạch- trốn nợ thuế- không có tí công tích gì-trong khí đó Tiên Lãng tạo mọi thuận lợi cho anh Vươn. Đã gây dư luận phủ nhận công lao quá khứ của huyện Tiên Lãng, nhân dân cả nước chỉ tập trung vào vụ này để ngưng trệ sản xuất”.

Nếu cấp dưới như đại tá Đỗ Hữu Ca, chủ tịch huyện Tiên Lãng, chủ tịch xã Vinh Quang,  hay kể cả phó chủ tịch Hải Phòng nói như vậy, đã là quá sai.

Nhưng từ miệng một người lãnh đạo tối cao về Đảng ở Hải Phòng, thì quả thật, anh Thành đã đi quá xa.
Nhân dân, rồi báo chí, và blog đã bình chán về lời anh rồi. Kể cả các vị lão thành cách mạng cũng bức xúc vì những gì chính quyền Hải Phòng gây ra cho gia đình anh Đoàn Văn Vươn. Tôi không muốn gợi lại nỗi đau.

Tôi chỉ muốn nói, con đường công danh của anh còn khá vì sinh năm 1957, có thể vào Bộ Chính trị, lên cao nữa. Đã có nhiều người thành đạt rất cao từ đất cảng. Ở anh có cả hai yếu tố trời cho: người gốc Cố đô Hoa Lư, trưởng thành ở Hải Phòng hoa phượng đỏ.

Vụ việc Tiên Lãng đang ở trong tay, nếu biết xử lý, anh sẽ tiến xa. Nếu chỉ lo ôm ghế, bảo vệ thuộc hạ làm sai, thì tôi tin, số phận anh sẽ giống như Paul Wolfwitz, cựu chủ tịch WB, ra đi trong sự cười chê của thiên hạ.


Cố đô Hoa Lư. Ảnh: HM

Người dân mong khi từ nhiệm, anh tự tin viết vài trang về những đóng góp lớn lao cho Hải Phòng như anh Bob Zoellick đã nói ở trên.

Hay anh muốn ra đi trong sự thở dài ngao ngán của hàng triệu người dân, nhất là huyện Tiên Lãng, quê nhạc phụ của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Muốn làm người cố đô địa linh nhân kiệt, để khi anh về quê, có xe đưa lọng đón, hay đi trong lặng lẽ, chẳng dám ngẩng đầu chào ai. Có người ở quê mình từng làm quan to đã và đang như thế rồi.
Việc đó tùy thuộc vào cung cách anh xử lý vụ việc Tiên Lãng hôm nay. Hoàn toàn chưa muộn. Quả bóng vẫn trong chân anh.

Chúc Bí thư Nguyễn Văn Thành…thành đạt, xứng tầm con cháu  Đinh – Lê và giúp cải thiện hình ảnh quê ngoại Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Tiên Lãng, không còn xấu hổ vì chuyện cưỡng chế đất vừa qua.

Cuối thư, xin chép tặng anh bài thơ, được cho là của Trạng Trình viết cách đây hơn 500 năm mà vẫn còn nguyên giá trị cho thời đại này


Trạng Trình trong nhà thờ họ Giang.
Ảnh: HM

THÓI ĐỜI 1 – Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm
Thế gian biến cải vũng nên đồi,
Mặn nhạt, chua cay, lẫn ngọt bùi.
Còn bạc còn tiền, còn đệ tử,
Hết cơm hết rượu, hết ông tôi.
Xưa nay đều trọng người chân thực,
Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi.
Ở thế mới hay người bạc ác,
Giàu thì tìm đến, khó tìm lui.

Cảm ơn bác LVS và bác Codamanxoi đã giúp sửa cái tít cho đúng nguồn.

Hiệu Minh. Gửi từ Washington DC. 21-02-2012.

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

LS Trịnh Minh Tân – Ba Câu Chuyện Về Ðất


Luật sư TRỊNH  MINH  TÂN

Không phải là nhà lý luận nên tôi không dám mạo muội tranh luận thế nào là “lỗi hệ thống”. Xoay quanh câu chuyện thu hồi, cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng – Hải Phòng đã làm cho tôi phải liên hệ đến những sự việc đã diễn ra cách đây nửa thế kỷ và những  năm sau năm 1975. Câu chuyện sai ngày nay và câu chuyện sai của ngày xưa của chính quyền từ cấp làng cho đến cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh thuộc lỗi gì? Mong mọi người bình luận và phân tích. Đây là những câu chuyện có thật.



Câu chuyện thứ 1.
Năm 1962, nhà tôi bị hợp tác xã (HTX) nông nghiệp chiếm đất vườn để làm nhà kho và sân phơi của HTX. Lúc đó việc chiếm đất không hề có một văn bản nào hết, chỉ là cuộc họp của chi bộ, cuộc họp của xã viên  đồng ý lấy vườn nhà ông Tịch làm nhà kho và sân phơi. Thế là họ làm.

Trước khi chiếm đất vườn nhà tôi thì có ý kiến đề xuất là: nên lấy khu đất Vườn Cao ở cuối làng thì rộng rãi và lại là đất của làng, không phải đất tư. Nhưng có ý kiến khác nói là: lấy đất Vườn Cao làm kho và sân phơi cho HTX thì mùa đông rét sun dái lại, và họ đề xuất luôn là lấy mảnh vườn nhà tôi ở ngay giữa làng để khỏi phải “rét sun dái lại”.

Thời gian đó cậu (tức bố) tôi chỉ mới hồi phục được cả về tinh tần lẫn thể xác mấy năm sau cơn chấn động cải cách ruộng đất mà ông là một trong số những người bị bắt giam, quy oan, không phải bị quy là địa chủ (vì ông bà nội tôi chỉ có mấy sào ruộng thì không thể là địa chủ được) nên họ quy cậu tôi là đảng viên quốc dân đảng (có lẽ họ thấy cậu tôi da trắng, dáng vẻ thư sinh, lại biết một chút tiếng Pháp nên nghĩ là đảng viên của đảng tư sản). Sau khi sửa sai, cậu tôi được minh oan và phục hồi sinh hoạt đảng và các quyền lợi khác. Cậu tôi tham gia cách mạng từ năm 1942, là đảng viên ĐCS đầu tiên, bí thư chi bộ đầu tiên của xã tôi. Ông bà nội tôi là cơ sở bí mật của Xứ ủy Bắc kỳ, nuôi giấu, đưa đón các cán bộ của đảng từ cuối những năm 30, đầu 40. (xem lịch sử Đảng bộ xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây). Sau cải cách ruộng đất cậu tôi làm y tá. Năm 1960, ông đi học y sĩ khi đã 40 tuổi (ông nói ông không làm chính trị nữa). Đất vườn nhà tôi bị HTX chiếm khi ông đang đi học, không có mặt ở nhà. Mợ (tức mẹ) tôi thì đi chợ xa để bán hàng. Đến chiều bà về thì vườn cây đã trở thành bãi đất trống…  Lúc đó anh chị em chúng tôi còn nhỏ, chị tôi lớn hơn một chút thì ra ôm gốc mít khóc. Đất vườn nhà tôi bị chiếm đã phá vỡ kế hoạch của cậu mợ tôi là sẽ làm nhà trên mảnh đất đó vì nhà đang ở nhỏ và chật chội.

Lúc đó HTX cũng nói là đền bù hoa màu với giá 2 hào một gốc cây. Nhưng cho đến bây giờ chưa thấy hào nào!

Năm 1983, cậu tôi ốm nặng. Tôi từ Sài Gòn xin nghỉ phép về chăm sóc ông, được một tháng thì ông qua đời. Trước đó thì các đồng chí bí thư đảng ủy xã, chủ tịch xã, chủ nhiệm HTX xã đến thăm ông, ông có trăng trối lại với các đồng chí của mình (lúc đó có mặt tôi), đại ý: tôi có 3 thằng con trai, các anh hãy bù lại một diện tích đất tương đương mà HTX đã lấy của tôi làm nhà kho và sân phơi của HTX để cho các cháu có đất làm nhà. Các đồng chí của cậu tôi quan sát căn nhà đơn sơ, thua xa nhà của các đồng chí đó, thoáng một vẻ ái ngại, nhìn nhau không nói. Ngay lúc đó tôi biết rằng nguyện ước của cậu tôi sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực. Cho đến lúc chết ông vẫn trung thành tuyệt đối với Đảng, chết đi mang theo một nỗi đau mất đất.

Câu chuyện thứ 2
Năm 1978 xảy ra một vụ án giết người do một ông nông dân (tôi không nhớ tên, chắc bản án Tòa án vẫn còn lưu) ở Củ Chi thực hiện tội phạm. Nội dung câu chuyện như thế này:
Phong trào động viên nông dân vào HTX, tập đoàn sản xuất nông nghiệp được phát động rầm rộ với mục đích đưa nông dân cá thể vào làm ăn tập thể nhanh chóng. Ông nông dân này không chịu đưa ruộng đất vào tập đoàn. Bà tập đoàn trường chỉ đạo các tập đòan viên xuống ruộng nhà ông để cày xới. Ông tuyên bố: đứa nào xuống mần ruộng của tao, tao chém. Không ai dám xuống vì trên tay ông đang lăm lăm con dao phạt cỏ bờ có cán dài và sắc lẹm. Bất chấp lời thách thức của người nông dân Củ Chi – đất thép thành đồng, bà tập đoàn trưởng gương mẫu lội xuống ruộng của ông để cho những người khác làm theo. Lập tức ông nông dân cầm dao chém đứt cổ bà tập đoàn trưởng. Bà tập đoàn trưởng tử vong, ông nông dân bị bắt về tội giết người. Tòa án ND TP tuyên xử ông 20 năm tù.

Câu chuyện thứ 3
Năm 1981, khi tôi đang là kiểm sát viên VKSND quận 8. có một vụ án “hủy hoại tài sản XHCN” xảy ra tại phường 22, quận 8 (lúc đó là phường nông nghiệp).

Tóm tắt câu chuyện:
Tập đoàn sản xuất nông nghiệp của phường động viên ông Nguyễn Văn Cám (tự Sáu Cám) đưa ruộng đất của ông vào tập đoàn để làm ăn tập thể. Lúc đó ông Sáu Cám 60 tuổi. Ông Sáu và gia đình không chịu vào tập đoàn. Tương tự như ở Củ Chi, tập đoàn đã huy động tập đoàn viên xuống làm đất và cấy lúa trên ruộng nhà ông. Ông Sáu Cám đã xuống nhổ lúa của tập đoàn mới cấy. Ông bị bắt và bị khởi tố về tội  “cố ý hủy hoại tài sản  XHCN” theo Khoản 1, Điều 6 Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm TSXHCN năm 1970 có mức hình phạt từ 2 đến 10 năm tù. Sau đó ông được tại ngoại vì tuổi cao.

Khi thụ lý vụ án này, tôi nói với đồng chí Viện trưởng là không nên xử ông  Sáu Cám, vì tập đoàn ép ông vào, ông không đồng ý nên phản ứng như vậy. Lê-nin đã nói: phải để cho người nông dân suy nghĩ trên luống cày của họ. Ông Sáu Cám đã suy nghĩ và ông đã quyết định không đồng ý vào tập đoàn, phải tôn trọng quyết định của người nông dân này. Đồng chí Viện trưởng nói đây là chỉ đạo của Quận ủy, phải chấp hành thôi.

Là người được giao nhiệm vụ duy trì quyền công tố (luật bây giờ gọi là thực hành quyền công tố) vụ án này, mất mấy đêm không ngủ, rồi tôi cũng viết xong được bản luận tội, viết một cách máy móc, giáo điều, những lời lẽ trong bản luận tội đó không phải là suy nghĩ thật tâm, mà là lời lẽ mang tính khuôn mẫu áp đặt. Phiên tòa được đưa ra xử lưu động tại phường 22. Nhìn người nông dân thật thà chất phác, cả đời chưa vi phạm pháp luật, nay bị xét xử về một tội tày đình là “cố ý hủy hoại tài sản XHCN, tôi cảm thấy như mình có lỗi, mặc dù biết rằng đó là công vụ mình phải thực thi. Tôi đề nghị xử phạt ông từ 18 đến 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo (lúc đó mà nói bị cáo không phạm tội thì chắc chắn bị kỷ luật). Hội đồng xét xử đã tuyên phạt ông 2 năm tù cho hưởng án treo.

Lời kết:
Từ 3 câu chuyện của nhà và của nghề, tôi rút ra kết luận là: Nhà nước cần phải sửa đổi Hiến pháp, làm cơ sở cho việc sửa đổi căn bản Luật đất đai, xác lập quyền sở hữu đất đai của người dân. Chỉ có như vậy mới an dân được. Bằng ngược lại thì mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền chỉ là giấc mơ viển vông, không hiện thực.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 02 năm 2012
TMT

Tác giả gửi cho QC
Nguồn: Blog Quê Choa

Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2012

Ngô Nhân Dụng - Nguyễn Tấn Dũng giơ cao đánh khẽ



Ngô Nhân Dụng
Ông Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: CP 
Ông ĐoànVăn Vươn đã thắng một hiệp đầu. Phải nói, giới nông dân Việt Nam đã thắng một hiệp đầu. Muốn biết kết cục ra sao, phải chờ xem hồi sau mới rõ.
Ba chục năm nay trên toàn quốc đã xẩy ra hàng ngàn vụ nông dân biểu tình ôn hòa chống việc cướp đất, cướp ruộng của họ. Đây là lần đầu tiên một vị thủ tướng của đảng Cộng sản phải đích thân ra trước công chúng nhận các lỗi lầm của chính quyền và hứa hẹn các phương pháp giải quyết một vụ cướp mồ hôi nước mắt của dân. Từ thời cải Cách Ruộng Đất mới có một hành động công khai nhận lỗi như vậy. Nhưng cũng như lần trước, khi ông Nguyễn Tấn Dũng họp báo, ông vẫn đổ lỗi cho cấp dưới làm sai chứ không hề nhắc tới nguyên nhân sâu xa gây ra những sai lầm chồng chất. Nguyên nhân chính, là chế độ độc tài đảng trị khiến cho những nỗi oan ức của người dân không thể nào được nói lên trước khi quá muộn. Nếu gia đình ông ĐoànVăn Vươn không bị đẩy đến chân tường phải dùng vũ khí kháng cự, thì chắc đến giờ này không ai biết đến nỗi uất hận của họ; các quan chức Hải Phòng và Tiên Lãng có thể đang ăn mừng chia nhau “quả thực” sau khi vụ cướp đất thành công. Hành động táo bạo vì cùng quẫn của ông ĐoànVăn Vươn bất ngờ gây thành dư luận phẫn nộ trong nước, tin tức được loan đi khắp thế giới! Vì thế một ông thủ tướng cộng sản phải đích thân xuất hiện giải quyết dù nội vụ chỉ liên can đến một gia đình, về quyền sở hữu 40 mẫu đất.
Đây là một bài học cho tất cả các nông dân Việt Nam có dịp rút kinh nghiệm. Người ta không thể cúi đầu chịu đựng oan khiên nhục nhục nhã mãi được. Can đảm đứng lên bảo vệ quyền lợi của chính mình thì những thế lực đen tối dù lớn trùm khắp thiên hạ cũng phải lùi.
Nhưng, cuối cùng thì ông Nguyễn Tấn Dũng đã giải quyết những gì trong cuộc họp báo hôm qua? Rất ít. Rất mơ hồ. Và hời hợt.
Đặc điểm thứ nhất: Rất ít, vì tựu chung ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn chỉ hô toàn những khẩu hiệu quen thuộc như đọc trong báo Nhân Dân, và chỉ nói đến vài việc cụ thể. Thứ nhất là rút lại các quyết định thu hồi đất của ông ĐoànVăn Vươn vì làm sai luật. Thứ hai là điều tra, truy tố những người tổ chức phá nhà ông ĐoànVăn Vươn. Và sau cùng là truy tố ông Vươn về tội “giết người” cũng như việc chống lại nhân viên công lực.
Rút lại các quyết định cũ thu hồi đất vì làm sai luật, có nghĩa là sau này vẫn có thể sẽ thu hồi nhưng làm sao khéo léo, đúng luật hơn. Mà luật đất đai, như chính ông Nguyễn Tấn Dũng thú nhận, đã sửa đi sửa lại bao nhiêu lần, muốn bẻ cong theo hướng nào chẳng được? Vì thế mới có chuyện sẽ truy tố gia đình ông ĐoànVăn Vươn, với chỉ thị cho tòa án địa phương (gọi là “kiến nghị”) hãy “xem xét tình hình tiết giảm nhẹ” tội. Chắc chắn sẽ có một vụ mặc cả với gia đình họ Đoàn, để họ chịu một số điều kiện nếu muốn được tòa án “nương tay!” Ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị cho cấp dưới truy tố ông ĐoànVăn Vươn với tội “giết người,” một tội có thể đưa tới án tử hình, trước khi các cơ quan tư pháp thụ lý! Với cái án tử hình treo trên đầu, chắc ông ĐoànVăn Vươn sẽ phải suy nghĩ rất nhiều về các điều kiện họ đưa ra!
Điểm thứ hai là những giải pháp của ông Nguyễn Tấn Dũng cũng rất mơ hồ. Không hề có một quyết định nào về tội trạng của những người cầm quyền ở huyện, ở thành phố ngoài việc ngưng chức một số người bị tiếng xấu nhiều nhất. Những điều ông Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, từ nhóm lãnh đạo Hải Phòng cho xuống dưới đều là “kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc” và “làm rõ trách nhiệm.” Tức là không hề có một cuộc điều tra nào từ cấp trung ương để nghiên cứu các nguyên ủy sâu xa, về các hành động của cấp địa phương, trong khi vụ này đã kéo dài năm, bẩy năm trời. Không hề có ý kiến gì về việc lợi dụng cả quân đội, đem lính tráng, súng ống đi phụ tay với công an và du đãng trong việc cướp đất, phá nhà. Có quân đội bị lôi dính vào việc cướp đất, nhưng trong cuộc họp báo của ông Nguyễn Tấn Dũng đông đủ bá quan mà lại thiếu đại diện của bộ Quốc phòng!
Trao việc kiểm điểm về cho các cấp chỉ huy cấp dưới, có nghĩa là quý vị đứng đầu Hải Phòng, Tiên Lãng sẽ đóng vai trọng tài thổi còi một trận đá bóng mà chính họ cũng đóng vai cầu thủ. Người ta biết trước kết quả: Sẽ không ai bị kết tội cả. Ông thủ tướng “giơ cao đánh khẽ” vì vẫn hết lòng bảo vệ địa vị và quyền lợi những người đồng đảng với ông ở Hải Phòng, những người đã bảo đảm cho ông đắc cử đại biểu quốc hội! Rồi sẽ có một ít người nhận đã phạm sai lầm. Sẽ được chuyển từ công tác này sang công tác khác; có khi lại được đưa về trung ương hưởng những suất ngon lành hơn! Vì họ đã được che chở bằng một cái mộc do chính ông Nguyễn Tấn Dũng trao cho.
Vì trước khi các “đồng chí” ngồi xuống kiểm điểm với nhau, ông thủ tướng đã hết lời khen ngợi họ rồi! Chắc để họ yên tâm, không đứa nào phản thùng! Trong cuộc họp báo, trước khi tuyên bố các quyết định ông Nguyễn Tấn Dũng đã hát “mào đầu” với những lời ca ngợi nồng nàn đối với đám lãnh đạo huyện Tiên Lãng và thành phố Hải Phòng. Hãy nghe “mèo khen mèo” như thế này: “Trong những năm qua, cấp uỷ, Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đã quan tâm lãnh đạo chỉ đạo thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai, không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng đất nói chung và đất bồi ven biển nói riêng, góp phần phát triển kinh tế xã hội khá nhanh và toàn diện, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.” Với những thành tích được ông thủ tướng đề cao “tuyệt vời” như vậy, họ thiếu gì lý do để “xá tội” cho nhau? Ông còn không quên “hoan nghênh việc lãnh đạo thành phố Hải Phòng nghiêm túc kiểm điểm, nhận khuyết điểm, trách nhiệm và đã lãnh đạo, chỉ đạo cần thiết đối với vụ việc này.” Làm như ông không hề biết việc ông Phó chủ tịch Đỗ Huy Thoại nói rằng vụ cướp đất là “đúng pháp luật,” việc đập phá nhà ông Vươn là do “dân chúng bức xúc” nên (lái xe ủi đất) tới phá! Một nhà bình luận trên mạng đã hỏi: Thành ủy Hải Phòng chỉ phải rút kinh nghiệm! Thế thì ông Vươn liệu có được phép “rút kinh nghiệm” một cách đơn giản như thế không, về những hành động đề kháng của gia đình ông? Ông Vươn có thể tự bào chữa về tội danh “giết người” lấy lý do phải tự bảo vệ trước cuộc tấn công vũ bão của bọn quan lại tham ô hay không?
Cuối cùng, cuộc họp báo của ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ nói đến những chuyện hời hợt, bồng bềnh nổi bên trên, không hề nói đến những căn nguyên sâu xa, thấu đáo, của biến cố ĐoànVăn Vươn. Một nguyên nhân làm hàng vạn nông dân phẫn uất là chủ trương không cho người dân có quyền sở hữu trên mảnh đất mà họ đổ mồ hôi khai khẩn, trồng trọt. Căn nguyên lớn hơn, là một chế độ không cho dân được tự do bầu cử, không có quyền tự do phát biểu, báo chí không được tự do điều tra và thông tin. Chế độ như vậy thì phải đẻ ra tham nhũng, lạm quyền, không cách nào tránh được. Chính nó gây ra bao nhiêu nỗi oan ức, mà việc cướp đất của nông dân chỉ là một hiện tượng nổi bật. Chính nó đẻ ra một thứ quốc hội bù nhìn, khiến một đại biểu vùng Tiên Lãng như Nguyễn Tấn Dũng không hề biết đến những cảnh oan trái mà người dân chịu đựng từ bao nhiêu năm qua, cho tới khi súng nổ. Cũng giống như hồi Đảng Cộng sản nhận lỗi về cải cách ruộng đất, Nguyễn Tấn Dũng không hề nói đến lỗi lầm của chính mình cũng như của cả đảng Cộng sản.
Một đảng viên cộng sản trong nước đã nhận xét biến cố Đoàn Văn Vươn là một tiếng chuông thức tỉnh cho đảng Cộng sản Việt Nam. Để họ nhìn thấy rõ “tất cả sự thối nát, hiếp đáp dân chúng của các cấp chính quyền.” Và “Người dân sẽ phẫn uất, và sẽ có nhiều vụ như ông Đoàn Văn Vươn diễn ra trong cả nước.” Quả thật, một người “liều mạng” tiên phong như ĐoànVăn Vươn sẽ làm gương cho tất cả các nạn nhân khác, đã đau khổ trong quá khứ cũng như trong tương lai. Đài phát thanh quốc tế của Pháp đã ghi nhận: “Cái tên Đoàn Văn Vươn từ nay đã đi vào lịch sử.”
Một bài học khác cho các nhà nông Việt Nam rút kinh nghiệm là cuộc phản kháng của nông dân Trung Quốc tại Ô Khảm (Wu kăn,乌坎), tỉnh Quảng Đông, vào tháng Chín năm ngoái, đã hoàn toàn thắng lợi. Làng Ô Khảm, đúng tên gọi dịch là Vũng Quạ, vốn là một vùng đầm lầy ven biển, được nhiều thế hệ nông dân rút nước mặn, đắp bùn biến thành đất ruộng, không khác gì vùng đất mà gia đình Đoàn Văn Vươn đã đổ mồ hôi khai khẩn, với một đứa con gái đã hy sinh. Chính quyền địa phương cũng cướp đất, nhưng họ làm ăn lớn hơn, 250 mẫu tây đất, đem bán làm đất công nghiệp. Dân Ô Khảm không ngăn cản được, nhưng cuối cùng vẫn nổi dậy đòi bồi thường xứng đáng. Chắc họ cũng không “nổi loạn” nếu không vì vụ ông Tiết Cẩm Ba (Xue Jinbo, 薛錦波),một người đại diện của dân bị công an giữ lại, rồi chết trong đồn công an. Việc thường dân bị giữ rồi chết trong đồn công an đã xẩy ra nhiều lần ở Việt Nam, hầu như thường xuyên; nhưng dân Quảng Đông họ không chấp nhận. Họ biểu tình, tấn công trụ sở đảng Cộng sản, tấn công đồn công an, đốt xe công an biệt kích; rồi kéo năm, bẩy ngàn người (làng có 20,000 dân) lên huyện, trương biểu ngữ xanh đỏ rợp đường. Ở Trung Quốc có 180,000 vụ nông dân phản đối việc cướp đất ruộng trong năm 2010. Tại Ô Khảm, sau ba tháng dân biểu tình không nghỉ, chính quyền Bắc Kinh phải can thiệp, đứng ra thỏa hiệp, bắt các quan chức địa phương phải nhượng bộ nông dân.
Trước khi ông Nguyễn Tấn Dũng đích thân giải quyết vụ cướp đất của Đoàn Văn Vươn, chắc ông cũng đã nhận được những tín hiệu từ Bắc Kinh về vụ Ô Khảm. Đồng bào nông dân của chúng ta, nhờ các mạng lưới trong nước, chắc cũng đã nhận được các tín hiệu từ các nông dân Ô Khảm. Một thông điệp “Dậy Mà Đi” được họ truyền đi trên mạng kêu gọi: “Hãy thức dậy, bà con ơi! Nếu bây giờ chúng ta không đoàn kết thì chúng nó sẽ đem bán hết đất đai của tổ tiên chúng ta, cho đến thước đất cuối cùng! Nếu không đoàn kết ngay, con cháu chúng ta sẽ hết đất để sống!”
Tất nhiên, người dân Ô Khảm chỉ nói đến việc các tham quan bán đất của người Trung Hoa cho những người Trung Hoa khác. Ở Việt Nam, tình trạng còn có thể bi đát hơn: Cướp đất của dân bán cho người ngoài! 

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Gia Minh - Kết luận của Thủ tướng về vụ Tiên Lãng

Gia Minh, biên tập viên RFA


Chủ nhiệm văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam trả lời báo chí về kết luận
của Thủ tướng về vụ Tiên Lãng hôm 10-02-2012. Courtesy Dantri online

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chiều hôm nay 10-2 đã về Hải Phòng họp với các bộ ngành và cơ quan chức năng địa phương để có kết luận về vụ cưỡng chế đầm và phá nhà ông Đoàn Văn Vươn tại Tiên Lãng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với các cấp chính quyền Hải Phòng hôm 10-02-2012, về vụ cưỡng chế nhà, đầm của ông Đoàn Văn Vươn.

Nhiều người trông đợi
Trước cuộc làm việc mà mọi người quan tâm đang chú ý, Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam cho biết ba điểm mà thủ tướng muốn các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan làm rõ, đó là:
- Điểm thứ nhất là việc giao - thu hồi đất đối với ông Đoàn Văn Vươn đúng sai ở đâu, trách nhiệm thuộc về cơ quan, cá nhân nào?

- Thứ hai, hoạt động cưỡng chế tổ chức có theo đúng qui định và trong qui định pháp luật khi nào cần sử dụng đến biện pháp cưỡng chế ; và nếu không đúng thì sai ở điểm nào, tổ chức nào, cấp nào chịu trách nhiệm?

- Điểm thứ ba có chủ trương hủy tài sản trong vụ cưỡng chế không; nếu có thì chủ trương đó do cấp nào, do ai đưa ra?

Kết luận của Thủ tướng
Tin cho biết cuộc làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hải Phòng bắt đầu từ lúc 2 giờ chiều, và đến 5 giờ Chủ nhiệm văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam có cuộc họp báo thông tin về kết luận của T
hủ tướng tại Trung tâm hội nghị quốc tế.

Theo ông Vũ Đức Đam thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận hai quyết định giao đất QĐ447 và QĐ220 của huyện Tiên Lãng đều không đúng pháp luật.

Đến hai quyết định thu hồi 460 và 461 cũng trái pháp luật. Vì quyết định thu hồi không đúng nên việc cưỡng chế cũng không đúng.

Còn về việc hủy hoại tài sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, thủ tướng yêu cầu xử lý theo đúng qui định của pháp luật.

Huyện Tiên Lãng sai phạm trong vụ cưỡng chế đất đầm gia đình ông Đoàn Văn Vươn, tuy nhiên theo ông Nguyễn Tấn Dũng còn có nguyên nhân khách quan từ những bất cập của luật đất đai Việt Nam.

Vì những bất cập này mà có đến 70% vụ khiếu kiện là khiếu kiện đất đai, và nhiều vụ chưa xử lý dứt điểm.
Ông thủ tướng cũng không quên nhắc phải khẩn trương đưa vụ án giết người ra xét xử với những tình tiết giảm nhẹ.


Phản ứng của gia đình ông Vươn
Có thể bản thân bốn người trong gia đình họ Đoàn đang bị giam chờ ngày ra tòa vì bị khởi tố tội danh giết người và chống người thi hành công vụ không biết được những gì đang diễn ra bên ngoài những bức tường nhà giam từ ngày 5 tháng giêng cho đến nay.

Tuy nhiên, hai người phụ nữ được tại ngoại có thể nói từng ngày từng giờ mong mỏi công lý được thực thi đối với gia đình họ. Những điểm không chỉ thủ tướng mà nhiều người thắc mắc trong vụ cưỡng chế hôm ngày 5 tháng 1, cùng những khúc mắc khác về đất đai khu đầm nuôi trồng thủy sản tại Tiên Lãng được mọi người trông đợi ánh sáng công lý sẽ soi rõ.

Ngay sau khi được biết kết luận của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối với vụ cưỡng chế buộc chồng và người thân của họ phải nổ súng hoa cải và mìn tự tạo làm cho bốn công an và hai dân quân bị thương, và họ bị buộc tội chống người thi hành công vụ, thì cảm tưởng đầu tiên của họ được bộc bạch như sau.
Trước hết của bà Nguyễn thị Thương, vợ ông Đoàn Văn Vươn:
Gia đình rất mừng. Chúng tôi nhờ Đảng, chính phủ xử lý thích đáng đúng người đúng tội. Tôi mừng quá không nói được những điều mong muốn.

Và bà Phạm thị Báu (Hiền), vợ ông Đoàn Văn Quý:
Gia đình đang theo dõi trên mạng và rất mừng. Gia đình mong mỏi thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các cấp xử lý vụ việc nhà chúng tôi một cách nhanh chóng, công bằng. Bây giờ mình phải chấp nhận hy sinh vì cái mất của nhà tôi là cái được của toàn xã hội. Như thế mới có bài phát biểu của thủ tướng hôm nay.

Tiếp đến là những người cùng tham gia Liên chi hội Nuôi trồng Thủy sản Nước lợ huyện Tiên Lãng, những người suốt hơn tháng qua cũng lo lắng nhưng cương quyết lên tiếng vì sự thật và lẽ phải cũng chờ đợi giây phút thủ tướng ra kế luận về vấn đề liên quan đến khu đất đầm mà họ lâu nay nuôi trồng thủy sản để sinh kế.

Ông tổng thư ký liên chi hội Vũ Văn Luân cho biết:
Đầu tiên rất vui vì đó là chân lý mà chúng tôi đã khẳng định từ năm 1993. Dân chúng hoan nghênh quyết định đúng lòng dân của chính phủ.

Vụ việc này do yếu kém trong quản lý và ý đồ khuất tất của họ từ năm 93 đến nay; thứ ba là việc vào cuộc của các cấp chính quyền chậm. Đây là vấn đề lớn liên quan đến khiếu nại, tố cáo, việc ban hành văn bản pháp luật.

Vấn đề thực thi còn thời gian, chúng ta phải chờ đợi.

Xin được nhắc lại, ông Nguyễn Tấn Dũng vừa là ủy viên Bộ chính trị Đảng CSVN, vừa là đại biểu quốc hội đơn vị Hải Phòng, vừa là thủ tướng chính phủ. Theo nhiều người dân trong nước lâu nay thủ tướng từng có ý kiến đối với một số vụ việc lớn ở Việt Nam nhưng rồi việc thực hiện theo chỉ đạo đó cũng chẳng mấy rõ ràng.

Dù đã có kết luận của thủ tướng về vụ gia đình họ Đoàn tại Tiên Lãng, Hải Phòng nhưng quá trình đi đến thực thi những chỉ đạo đó thực tế thời gian sẽ trả lời và mọi người tiếp tục chờ đợi.

Trong khi đó cuộc sống của gia đình ông Đoàn Văn Vươn biết đến bao giờ mới được trở lại như cũ. Bản án dành cho bốn người trong gia đình họ Đoàn nặng, nhẹ thế nào tiếp tục làm dư luận xôn xao, dân chưa thực sự an lòng trước mọi diễn biến xảy ra.


Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Blog Kami - Xử lý vụ Tiên Lãng: Thách thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và chế độ

Kami


Tới hôm nay là tròn một tháng xảy ra sự kiện chống trả người thi hành công vụ ở Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải phòng của anh em gia đình ông Đoàn Văn Vươn, một nông dân, cựu chiến binh và kỹ sư nông nghiệp. Hành động phòng vệ mang tính manh động của anh em gia đình ông Đoàn Văn Vươn, xuất phát trong tình thế quẫn bách. Khi gia đình họ bị dồn tới bước đường cùng, khi mà toàn bộ cơ ngơi và thành quả lao động là bằng mồ hôi nước mắt sau gần 20 năm giành giật với trời đất đã bị tước đoạt một cách vô luật pháp của lũ cường hào ác bá mới ở nông thôn Việt nam. Từ đó đã dẫn tới kết quả 6 trong hơn một trăm nhân viên cảnh sát, quân đội và chó nghiệp vụ của chính quyền tham gia cưỡng chế được trang bị đầy đủ đến tận chân răng bị thương.

Sự kiện này đã chấn động dư luận trong nước và quốc tế, ở Việt Nam trước trong và sau tết đâu đâu cũng thấy người ta nói đến chuyện động trời này. Khi người dân oan đã bất đắc dĩ buộc phải dùng vũ khí để chống lại cường quyền với hy vọng đánh động dư luận xã hội và công lý về sự bất công kéo dài triền miên liên quan đến vấn đề sở hữu đất đai. Một vấn đề này từ trước đây đã được LS. Lê Công Định cảnh báo đất chính là tử huyệt của đảng CSVN và chế độ hiện tại. Vì như ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên trung ương Đảng CSVN, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trong cuộc giao lưu trực tuyến của báo Giáo dục Việt nam tổ chức ngày 06.2.2012 đã nói rằng "Nếu tôi là ông Đoàn Văn Vươn, tôi cũng khó tránh khỏi những tâm tư, bức xúc, thậm chí uất ức giống như ông Đoàn Văn Vươn. May ra, khi đó, tôi có thể tỉnh táo hơn 1 chút, thì sẽ không dẫn đến những hành động manh động như ông này". Công thần của chế độ còn bức xúc như vậy, thì trách sao được hành động của những người nông dân hiền lành bình thường như anh em các ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Qúy?

Lực lượng cưỡng chế Huyện Tiên Lãng phá nhà ông Đoàn Văn Vươn

Tin liên quan:

Cách Mạng Hoa Cải ở Việt Nam đã bắt đầu

Tàu Trung Quốc lại giở trò khiêu khích bao vây Đảo vào sáng mồng một Tết

Chuyện đáng bàn ở đây là trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan liên quan đã kịp thời chưa, có bảo đảm công khai, minh bạch không? Như tin của báo chí nhà nước đã đưa cho biết tại cuộc họp báo chiều 4/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì cuộc họp nghe các ý kiến, báo cáo. Cũng theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, sau khi sự việc xảy ra, UBND TP Hải Phòng đã có báo cáo sơ bộ nhưng chưa đạt yêu cầu, chưa chi tiết, cụ thể, nên Thủ tướng yêu cầu Hải Phòng tiếp tục báo cáo làm rõ. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng họp, thống nhất quan điểm, làm rõ ba nội dung: giao đất, thu hồi đất đúng ở điểm nào, sai điểm nào, trách nhiệm thuộc cơ quan, cá nhân nào; việc tổ chức cưỡng chế có đúng quy định của pháp luật không, nếu không đúng thì sai ở đâu, tổ chức nào, cá nhân nào chịu trách nhiệm; ai có chủ trương phá hủy tài sản của công dân như ao cá, nhà…, có hay không có chủ trương này, của cấp nào? Bộ trưởng cho biết trong cuộc họp do Thủ tướng chủ trì tới đây sẽ xem xét cả trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan liên quan đã kịp thời chưa, có bảo đảm công khai, minh bạch không?

Đọc đoạn tin trên có nhiều người tỏ ra mừng rỡ và hy vọng phen này chắc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ ra tay trừng trị luc cường hào ác bá mới ở Tiên Lãng Hai phòng, mà theo họ thì đây là lần đầu tiên Thủ Tướng trực tiếp chỉ đạo, xem xét một vụ án có liên quan đến đất đai, nỗi bức xúc của người dân, và những việc làm của những người lãnh đạo huyện Tiên Lãng đẩy người dân đến thế chẳng đừng, buộc phải đứng lên chống lại.

Tôi thì không tin điều đó, vì với kinh nghiệm cá nhân cho thấy ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xuất thân từ công an, và chính ông đã tạo nên một lực lượng công an, nay là cả lực lượng quân đội đang trở thành công cụ chỉ biết còn đảng còn mình. Nếu chú ý chúng ta sẽ thấy lời nói và việc làm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xung quanh vấn đề Tiên Lãng, nơi ông là là đại biểu Quốc hội ở đây, nhưng có nhiều biểu hiện bất thường, đó là:

Thứ nhất ở cương vị đại biểu của nhân dân khu vực này, lẽ ra ông Thủ tướng phải xuống ngay trực tiếp địa bàn Tiên Lãng để thể hiện trách nhiệm của mình đối với cử tri, chứ không phải đợi họ phải lên tiếng rằng "Tại sao trong toàn bộ sự việc không hề thấy bóng dáng các đại diện của nhân dân ở đâu?". Trong khi vụ việc ở Tiên Lãng xảy ra đã có 3 quan chức cao cấp xuống Hải Phòng đó là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Tổ chức Tô Huy Rứa và Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang.

Thứ hai là chắc chắn quan hệ giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các quan chức Hải phòng sẽ có mối quan hệ đặc biệt hơn các tỉnh thành khác trong cả nước. Đó chính là lý do ngay sau khi xảy ra vụ Tiên Lãng thay vì xuống Tiên Lãng, thì ngày 11.01.2012 sau khi xảy ra sự kiện Tiên lãng 6 ngày Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện về tăng cường bảo vệ lực lượng công an trong khi hành nhiệm vụ và chưa hề có ý kiến về vụ việc nghiêm trọng này.

Thứ ba là tới ngày 16.01.2012, khi ông Lê Đức Anh nguyên Chủ tịch nước, người đỡ đầuThủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trả lời phỏng vấn báo Người Lao động cho rằng "Tôi đang theo dõi sát vụ việc này nên có thể khẳng định chính quyền sai từ xã đến huyện", thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn im lặng cho tới ngày 04.02.2012 mới có ý kiến cụ thể qua cuộc họp báo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam. Thời gian này họ đã bàn mưu tính kế gì để giúp cho đám quan chức Hải phòng thoát tội hay không?.

Thứ tư là vụ việc ở Tiên Lãng được đánh giá là một trong những vụ việc mà báo chí nhà nước và các blog cá nhân có chung một tiếng nói, cộng với sự lên tiếng của các vị lãnh đạo cao cấp như Đại tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước; ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường... và hàng loạt các nhân sĩ trí thức tố cáo vạch trần sự giả dối, bất chấp luật pháp của đám quan chức Hải phòng trong việc vi phạm pháp luật, xuyên tạc, bóp méo sự thật. Thì ngược lại có hai tờ báo Công An Nhân dân và Báo Công lý Cơ quan của Tòa án Nhân dân Tối cao đã có nhiều bài viết cố ý bao che hòng chạy tội cho đám quan chức Hải phòng gây bất bình trong dư luận quần chúng. Sự việc này đã bị bạn đọc nghi vấn các báo này ký hợp đồng tuyên truyền theo ý huyện Tiên Lãng? Mà theo đánh giá của họ cho rằng " Hoàn toàn vô tác dụng và đổ thêm dầu vào lửa. Đừng ép dân nữa. Đã thế, Công Lý còn dùng từ "báo chí đang có nhiều luồng thông tin nhiễu loạn", một phát ngôn hồ đồ và ác ý, vu khống hàng loạt tòa báo là đồng nghiệp đang rất trong sáng trong vụ việc này. Nó cũng ám chỉ đến các bậc lão thành cách mạng được các tòa soạn trích dẫn đúng nhân tâm.". Không hiểu họ ký hợp đồng hay có sự chỉ đạo của một thế lực vô hình nào?

Nên nhớ vụ việc ở Tiên lãng hiện nay được coi như một thùng thuốc súng đang chờ mồi lửa sẽ phát nổ và tiêu hủy toàn bộ chế độ hiện tại. Sự bức xúc không chỉ trong dư luận xã hội và đông đảo quần chúng nhân dân, mà còn là vấn đề bức xúc cực lớn của nhiều tướng lĩnh, sĩ quan trung cao cấp, các quân nhân đang tại ngũ hay đã phục viên. Số đông họ đã và đang nghi ngờ về bản chất của đảng CSVN và chế độ hiện tại mà họ đang phục vụ, mà theo họ đảng CSVN và chính quyền hiện tại đã biến chất trầm trọng và đang dần bị lưu manh hóa. Đã biến Quân đội nhân dân Việt nam, một quân đội mà mỗi quân nhân chỉ biết vì nước quên thân, vì dân quên mình nay đã quay súng bắn lại đồng bào và đồng chí của chính họ. Nguy cơ đó được thể hiện ngày càng rõ, mà bằng chứng là trong mục Chính luận báo Quân đội Nhân dân số ra Chủ Nhật ngày 05.02.2012 đã có bài "Chuẩn bị khả năng đề kháng của quân nhân" cảnh báo sự “tự diễn biến” đang ngày càng lan rộng, không ngoại trừ một tổ chức, cá nhân nào, ngay cả trong tập thể quân nhân. Mà theo họ cho rằng "... chỉ cần một quân nhân vô tình đọc được những thông tin “ngoài luồng” rồi “rỉ tai” đồng đội thì liền sau đó sẽ có nhiều quân nhân khác đọc theo. Và lập tức những thông tin này âm ỉ lan truyền như những tế bào độc cư trú ngay trong tư tưởng mỗi quân nhân rồi phát triển, “di căn”... nếu không được giải quyết dứt điểm".

Đó là nguy cơ tiềm ẩn, là mối đe dọa sự tồn vong của chế độ mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ là người đóng vai trò cầm mồi lửa đứng trước thùng thuốc súng: Vụ án cưỡng chế Tiên lãng. Mọi quyết định của ông ta trong việc xử lý nghiêm hay bao che cho đám quan chức Hải phòng hòng bảo vệ thanh danh của đảng CSVN qua vụ Tiên Lãng là một thử thách quan trọng không chỉ riêng với sinh mệnh chính trị cá nhân của ông ta mà của cả Đảng CSVN và chế độ hiện nay.

Xã hội Việt nam hiện nay tiếp theo quả bom Đoàn Văn Vươn sẽ là quả bom nổ chậm cực lớn đang chờ kích nổ. Mà người bấm nút không ai khác sẽ là ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phát nổ hay không, nhanh hay chậm phụ thuộc vào sự tỉnh táo của cá nhân ông Thủ tướng trong việc ra quyết định. Xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật, đúng người đúng tội, mọi người bình đẳng trước pháp luật sẽ nâng uy tín của ông Thủ tướng đồng nghĩa với việc tháo kíp kích nổ, còn làm ngược lại sẽ là hành động Thủ tướng tự sát.

Chúng ta hãy theo dõi tình hình thật sát sao, để xem bản lĩnh của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong việc thực hiện chỉ thị của Thái thượng Hoàng Lê Đức Anh "Muốn được lòng dân thì phải xử lý nghiêm những cán bộ làm sai, không xử lý nghiêm sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân”.

Không thực hiện đúng điều đó sẽ là thách thức hơn 80 triệu người Việt nam chúng ta. Khi ấy chỉ còn cách duy nhất là cầm vũ khí để đứng lên.

Hãy đợi đấy!

Hà nội, ngày 06 tháng 02 năm 2012

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

BBC - Kỷ luật quan chức đầu tiên vụ Tiên Lãng

BBC


Ông Lê Văn Hiền bị đình chỉ chức Chủ tịch UBND Tiên Lãng

Hai quan chức đứng đầu Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng vừa nhận quyết định đình chỉ công tác vì 'sai phạm' trong vụ cưỡng chế đất của ông Đoàn Văn Vươn.

Truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin từ cuộc họp báo của Thành ủy Hải Phòng chiều thứ Ba 7/2/2012, trong đó Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành thông báo quyết định đình chỉ công tác hai ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, và Nguyễn Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND.
Ông Lê Văn Hiền còn là Phó bí thư huyện ủy Tiên Lãng.

Ông Nguyễn Văn Khanh được nói là người trực tiếp chỉ đạo vụ cưỡng chế thu hồi đất gia đình nhà ông Đoàn Văn Vươn, vốn gây chấn động dư luận trong nước một tháng nay.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành được dẫn lời nói trong cuộc họp báo rằng Thường vụ Thành ủy Hải Phòng "đã họp kiểm điểm và ra quyết định kiểm điểm tập thể Ban thường vụ huyện ủy Tiên Lãng".

Ông Thành nói sau kiểm tra bước đầu, việc chống đối người thi hành công vụ của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, vốn làm sáu chiến sỹ công an và bộ đội bị thương, là do "huyện Tiên Lãng đã chưa thực hiện đầy đủ một số nội dung theo quy định về trình tự đền bù, hỗ trợ và thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai".

Ông bí thư thành ủy còn chỉ ra nhiều sai phạm khác của chính quyền cấp huyện.

Trong đó, các sai phạm đầu tiên là không công khai với gia đình ông Vươn phương án sử dụng đất sau khi thu hồi, không thành lập hội đồng đền bù hỗ trợ trước khi thu hồi và cũng không tổ chức đối thoại với người bị cưỡng chế.

Thời điểm tổ chức cưỡng chế ngay trước Tết Nguyên đán cũng bị cho là "không hợp lý, gây phản ứng trong nhân dân về đạo lý"...

Ngoài hai ông Hiền và Khanh, các ông Lê Văn Mải, Trưởng công an huyện Tiên Lãng; Phạm Đăng Hoan, Bí thư Đảng ủy huyện và Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang là nơi ông Đoàn Văn Vươn cư trú, cũng bị kiểm điểm.

Thủ tướng triệu tập họp

Cuộc họp báo của Thường vụ Thành ủy Hải Phòng diễn ra ngay trước khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng triệu tập một cuộc họp với các ban ngành trung ương và Ủy ban Nhân dân TP Hải Phòng về vụ cưỡng chế thu hồi đất đai ở huyện Tiên Lãng.

Trong cuộc họp sắp tới, các bộ Nông nghiệp, Tài nguyên Môi trường, Công an và Tư pháp đều được huy động tham vấn.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Hội Nông dân Việt Nam cũng được mời tham gia ý kiến.


Ông Vươn bị báo Công an tố giác cho người khác thuê lại đất Nhà nước giao

Thành phần cuộc họp cho thấy độ chú ý của người đứng đầu chính phủ dành cho vụ cưỡng chế đất, trong đó bốn người đang bị giam giữ với cáo buộc Giết người.

Cuộc họp báo chiều 7/2 cũng là lần đầu tiên lãnh đạo Hải Phòng xuất hiện và chính thức trả lời các câu hỏi của báo giới.

Tuy nhiên câu hỏi mà nhiều người đặt ra lúc này, là liệu việc kỷ luật kiểm điểm sẽ liên quan tới những ai khác trong giới lãnh đạo địa phương và thành phố.

Thêm vào đó, phương án xử lý đối với ông Đoàn Văn Vươn và thân nhân của ông sẽ như thế nào?

Vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng còn khơi mở các vấn đề lớn hơn liên quan tới chính sách đất đai của nhà nước, khi các vụ khiếu kiện đất đai diễn ra gần như liên tục trên cả nước.

'Đoàn Văn Vươn và đồng bọn'?

Trong khi đó, một số cơ quan truyền thông cũng đăng tải các thông tin phân tích sai phạm của ông Đoàn Văn Vươn và gia đình.

Báo Công an Nhân dân của Bộ Công an Việt Nam cũng hôm thứ Ba 7/2 đăng bài 'Đoàn Văn Vươn với hàng loạt sai phạm trong quá trình sử dụng đất'.

Trong bài, báo của ngành công an kêu gọi "hành vi giết người trong vụ chống người thi hành công vụ của Đoàn Văn Vươn và đồng bọn cần phải sớm được nghiêm trị".

Bài này nói thông tin mà phóng viên bản báo thu thập được "khá mới, chưa được dư luận biết đến".
Ông Đoàn Văn Vươn bị cáo giác trên báo Công an Nhân dân là đã lấn chiếm 19,3 ha đất công thông qua việc "khai hoang, phục hóa".

Tuy nhiên, báo này bình luận rằng "rất tiếc lúc đó, lãnh đạo UBND huyện thời kỳ này đã không xử lý nghiêm và dứt điểm hành vi lấn chiếm đất của ông Vươn".

Ông Vươn còn bị cáo buộc hành vi phá 27 ha rừng phòng hộ, đã bị phạt; và thêm nữa là "trong suốt 14 năm được giao sử dụng 40,3 ha đầm, Đoàn Văn Vươn chỉ mới làm nghĩa vụ tài chính hơn 48 triệu đồng, còn lại chây ì không nộp".

Các phóng viên công an cũng tố giác việc ông Đoàn Văn Vươn "khi được Nhà nước giao sử dụng đất lại đem chính đất đó cho người khác thuê để thu lợi", với bảy nông dân địa phương cho hay họ đã phải thuê lại đất của ông Vươn.

Các thông tin nói trên đã được cung cấp cho cơ quan chức năng trước cuộc họp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Nguyễn Hữu Vinh - Vụ Đoàn Văn Vươn: Quan chức bất nhân, bất nhất, chính quyền bất minh, luật pháp bất ổn, nhà nước bất lực nên người dân bất an

Blog Nguyễn Hữu Vinh -
Máy xúc vào phá nhà ông Vươn
Sự kiện Đoàn Văn Vươn đã tròn một tháng kể từ sáng 5/1/2012 khi chùm đạn hoa cải nổ thẳng vào đám công an và quân đội bao vây chiếm đất tại Tiên Lãng. Đến nay đã có hàng trăm bài báo, hàng chục quan chức lên tiếng, người dân trong và ngoài nước xôn xao về một hiện tương mới: Hiện tượng Đoàn Văn Vươn.
Vụ việc trở thành đề tài thời sự nóng bỏng trong cái tết vừa qua, khi rượu sớm, khi trà trưa, sau những lời chúc mừng năm mới là câu chuyện Đoàn Văn Vươn nổ thay pháo tết từ Nam đến Bắc.
Thế nhưng, một tháng trôi qua, ta thấy gì?
Cho đến nay, hầu như chỉ là việc bắt giam các bị can Đoàn Văn Vươn và anh em, ngoài ra chỉ là lời qua tiếng lại giữa quan chức Tiên Lãng, sự biện hộ thô thiển của quan chức Hải Phòng, sự lên án mạnh mẽ của công luận và sự phản ứng ngược chiều lỳ lợm và lẻ loi của tờ báo Hải Phòng, vài bài viết làm trò hề trên tờ Công an Nhân dân và mỉa mai thay lại cả tờ báo mang tên “Công Lý”… Ngoài ra, chưa có tiến triển gì hơn.
Thậm chí đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được ai đã phá nhà ông Vươn?
Vì sao có trình trạng này? 
Quan chức bất nhân, bất nhất
Trước hết là sự bất nhân. Những người đã theo dõi vụ án hoặc đã đối diện với biển với nước không ai không biết rõ công sức mồ hôi xương máu của anh em nhà Đoàn Văn Vươn cũng như những người dân nuôi trồng hải sản ở đây đã đổ ra biết bao nhiêu để làm nên cơ nghiệp này. Họ đã không chỉ hi sinh công sức, tiền của mà cả máu, cả tính mạng con cháu mấy chục năm trời… Bỗng dưng bằng một mảnh giấy, tất cả mọi công sức bị cướp trắng trái pháp luật. Thậm chí trước đó, các cơ quan công quyền đã cùng hùa nhau để đưa những nạn nhân này vào vòng vây mê hồn trận của mớ pháp lý, tòa án và những lời hứa hẹn.
Không rõ ông Chủ tịch huyện Lên Văn Hiền có luôn em trai làm chủ tịch xã cũng như các quan chức Hải Phòng và những kẻ manh tâm đi bao che cho những hành động đó có thấy việc làm của mình là bất nhân?
Ngay sau khi những phát đạn hoa cải hạ gục mấy chiến sĩ công an và bộ đội, báo chí nhanh chóng đưa tin thì ông Lê Văn Hiền – Chủ tịch UBND Huyện Tiên Lãng lên tiếng khẳng định rằng đã phá nhà ông Vươn vì đó là nơi trú ẩn của những người chống lại lực lượng cưỡng chế.
Đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an Hải Phòng
Câu nói này ngay lập tức bị công luận lên án mạnh mẽ vì vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Khi đó một quan chức đàn anh khác là Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Đỗ Trung Thoại lại nói việc phá ngôi nhà của ông Quý là do “nhân dân bất bình”?.
Câu nói này cũng lập tức nhận được sự phản ứng dữ dội của công luận và nhân dân Tiên Lãng, người ta nói rõ rằng chẳng có nhân dân nào bất bình, người dân chỉ bất bình với chính nhà cầm quyền Tiên Lãng vô đạo đức khi muốn cướp không công sức người dân mấy chục năm bỏ ra khai hoang, lấn biển và việc quan chức Hải Phòng cố tình vu vạ cho dân là điều không thể chấp nhận được.
Ngay sau khi bị dư luận chỉ rõ sự bất nhân và vô luật pháp trong các phát biểu này, cả UBND Huyện Tiên Lãng và Đỗ Trung Thoại đều leo lẻo nói ngược lại là không phá, không ra lệnh, không ai tham gia phá nhà ông Vươn và cuối cùng là “Chưa rõ ai phá nhà ông Vươn”(Sic).
Quả thật cha ông ta đã có quá nhiều kinh nghiệm khi đúc kết câu nói “Miệng quan, trôn trẻ”. Nếu như trôn một đứa trẻ nhiều khi làm nhọc lòng, xấu hổ đến bố mẹ và người thân, thì miệng quan chức này đã làm chán nản và nhận lấy sự khinh bỉ từ chính người dân.
Người nắm sức mạnh bạo lực lớn nhất Hải Phòng lúc bấy giờ là ông Đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an Hải Phòng – người mà cư dân mạng gọi là “Đại Ca” – có mặt tại chỗ chỉ đạo lực lượng Công an Hải Phòng vây bắt. Khi Công an, Quân đội nã súng với “phương án tiêu diệt” không thể thiếu vai trò ông Đỗ Hữu Ca. Để rồi sau đó ông chém gió rằng: “Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này”.
Thế nhưng, khi được hỏi ai đã phá nhà ông Vươn, “Đại Ca” này cũng khẳng định không biết ai.
Chính từ sự bất nhân, không hợp lòng người, trái đạo lý đã đẩy đưa chính họ vào chỗ bất nhất theo đúng nguyên lý “Đường đi hay tối, nói dối hay cùng”.
Và họ đã thi nhau dẫm đạp lên vết trượt này không cách nào khác.
Ai cầm loa tay chỉ đạo bên cạnh ngôi nhà này?
Khi đã có những lời bất nhất như vậy, liệu ai có thể tin được những lời nói tốt đẹp khác của các quan chức này như “Bản chất của chế độ ta không cho phép nhục hình bức cung. Nếu ai vi phạm điều này sẽ bị cách chức, ai không thực hiện đúng chính sách với phạm nhân thì chúng tôi xử lý nghiêm minh”?.

Chính quyền bất minh, luật pháp bất ổn
Nói đến chuyện luật lệ liên quan đến đất đai, chuyện nhà nước quản lý, sử dụng, chuyển đổi, bán chác, thu hồi… là một mê hồn trận đã từng gây nên bao nhức nhối giai đoạn vừa qua. Luật pháp bất ổn, bất nhất đã đặt người dân không phải một nơi mà cả nước, không chỉ thành thị mà khắp thôn quê, không chỉ miền xuôi mà cả miền ngược đảo lộn cuộc sống, đảo lộn mọi giá trị truyền thống về đạo đức, về nhân cách qua những luật lệ này.
Từ khi thành lập nước VNDCCH đến nay, quyền hạn về đất đai cứ như một trò mèo vờn chuột. Đầu tiên là người cày có ruộng, cướp đoạt của chủ đất chia cho dân cày, rồi nhóm lại vào một lò chung là Hợp tác xã, rồi chia ruộng đất khoán sản, khoán nông. Rồi các đại gia lập dự án, rồi nhà nước dùng súng đạn cưỡng chế cướp của dân với giá rẻ mạt bán với giá trên trời bỏ túi chia nhau… đủ cả mọi cách cứ tít mù vòng quanh. Mấy chục năm qua, chuyện đất đai vẫn như mớ bòng bong càng gỡ càng rối. Khắp nơi người dân khiếu kiện, từng đoàn, từng lượt đổ về đầu não chính trị để kêu oan. Và như thế công an lại có việc để làm, để bắt bớ, để đàn áp… cứ như những cuộc chiến không hứa hẹn ngày ký kết thỏa ước ngừng bắn chừng nào còn đất.
Đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an Hải Phòng người đeo kính đứng phía ngoà
Tựu trung lại cái luật lệ không giống ai cố tình không công nhận quyền tư hữu về ruộng đất với định nghĩa rất khác người là “Đất đai sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý…” đã tạo ra mớ bòng bong đó. Điều này đi ngược lại với nguyên lý cơ bản, quyền tư hữu về đất đai của người dân đã ngang nhiên bị tước bỏ, và có như vậy thì nhà nước mới dễ dàng thu hồi cái không phải của mình, lấy đi cái trong tay người khác.
Việc dùng công an, quân đội cưỡng chế đất đai, tài sản của nhà ông Vươn không có bồi thường là việc làm bất nhân. Như trên đã phân tích, để làm được những việc đó thì điều cần thiết là sự bất minh. Ngay sau khi xảy ra sự việc, báo chí đã trực tiếp hỏi quan chức chính quyền địa phương việc thu hồi nhằm mục đích gì? Câu trả lời là “không thể trả lời”, rồi sau đó là “để cho ông Vươn thuê lại” sau khi đã bị báo chí và dư luận vạch rõ việc làm không minh bạch của chính quyền Tiên Lãng. Cũng trước đó, báo chí đã đưa tin rằng UBND Tiên Lãng thu hồi nhằm phục vụ “dự án sân bay Quốc tế Hải Phòng”. Nhưng khi người ta vạch rõ việc thu hồi này có quyết định trước cả dự án, thì cái dự án đó không cánh mà bay trong lời nói quan chức Hải Phòng mà không được ai nhắc đến nữa.
Không chỉ là việc thu hồi để làm gì, mà ngay cả Tòa án Nhân dân TP Hải Phòng đã có những động tác mà qua đó, người dân thừa lòng tin đã tưởng rằng được luật pháp bảo hộ nên gia đình Đoàn Văn Vươn mới nên cơ sự này. Cuộc dàn xếp giữa UBND Huyện và gia đình người có đất được Tòa án ND Tỉnh tổ chức, đâu có ai nghĩ là sự lừa bịp hoặc đưa người ta vào một âm mưu. Nhưng điều đó đã xảy ra, chứng tỏ sự bất minh càng rõ ràng để phục vụ những mưu đồ đã có sẵn.
Không chỉ việc dùng công an, quân đội, chó, súng đạn… cưỡng chế phá nhà ông Vươn, bắt bớ đánh đập phụ nữ, con trẻ trước công chúng đã thể hiện bản chất sự việc, mà ngay cả việc để toàn bộ tài sản của gia đình ông Vươn trong Đầm bị cướp sạch, lấy sạch sau đó cũng đã nói lên sự bất minh của việc làm này.
Nhà nước bất lực
Đã một tháng tròn, từ Hà Nội xuống Hải Phòng chỉ hơn 100 km, nếu đi xe bình thường hết 2 giờ ô tô, nếu đi xe có còi hụ dẫn đường như quan chức Việt Nam vẫn dùng hàng ngày ở Hà Nội thì chắc không đến chừng đó thời gian. Nhà nước Việt Nam “của dân, do dân, vì dân” có đội ngũ công an “vững mạnh, trong sạch và bách chiến bách thắng”. Vụ việc Đoàn Văn Vươn chỉ là một việc nhỏ trong muôn vàn vụ việc khác nhau, chỉ là một vụ “cưỡng chế” trong trăm ngàn vụ cưỡng chế đã và đang xảy ra trên đất nước này. Việc huy động một lực lượng mấy trung đội cảnh sát, các cơ quan đoàn thể, quân đội để tiến hành vụ việc, đập phá hai ngôi nhà giữa thanh thiên bạch nhật, trước hàng ngàn người dân… rõ ràng đến mức hỏi một nông dân mù chữ cũng có thể thuật lại được.
Nhà nước mượn Tu viện Dòng CCT Hà Nội và không muốn tr
Vậy mà đến nay ba chục ngày trôi qua, vẫn cứ lùng nhùng trong những cuộc cãi vã, phân tích của báo chí về việc làm vô luân, vô pháp của nhà cầm quyền Tiên Lãng và Hải Phòng, vẫn lằng nhằng trong những phát biểu ngược dòng của các quan chức Hải Phòng và Tiên Lãng như cố tình thách thức và trêu ngươi dư luận.
Trước hết, dù cho ông Đỗ Hữu Ca có “chém gió” rằng: “Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này” thì khách quan mà nói, vẫn phải công nhận sự bất lực của hệ thống công an và quân đội hiện nay. Lý do để kết luận điều này là với lực lượng mà ông Ca đã tiết lộ bao gồm: “Trong sự vụ này, 2 trung đội cảnh sát đặc nhiệm đã được điều động xuống hiện trường phối kết hợp với lực lượng ở đồn biên phòng phục ngoài bờ sông. Ngoài ra còn lực lượng cảnh sát bảo vệ…” lại còn “có sự kết hợp giữa địa phương, giữa công an, quân đội, biên phòng…”  nhưng chỉ có vài người trong căn nhà bị cô lập và thậm chí còn sử dụng cả “phương án tiêu diệt” mà không bắt được ai, đối tượng vẫn ra khỏi đó như chỗ không người thì quả là sự bất lực rõ ràng của lực lượng vũ trang không thể nói gì hơn.
Nếu đây không phải là anh em Đoàn Văn Quý chỉ là mấy nông dân, mà là một lực lượng vũ trang nào đó chính quy chẳng hạn, thì thử hỏi sự “bách chiến bách thắng” được bao nhiêu phần trăm?
Thứ hai, là dù ở đó có cả Giám đốc Công an TP, có cả các sĩ quan, chiến sĩ biên phòng, chính quyền cấp xã, huyện, Thành phố… nhưng đến nay vẫn chưa biết ai đã phá nhà ông Vươn, không biết việc mất mát tài sản trong đầm ông Vươn ra sao? vẫn loanh quanh lấp lửng thì rõ ràng đây là sự yếu kém, bất lực của chính quyền và lực lượng chức năng ở Hải Phòng mà trước hết là đám công an của ông Đỗ Hữu Ca.

Lực lượng cưỡng chế hùng hậu với phương án tiêu diệt,
nhưng anh em nhà Đoàn Văn Quý vẫn bình thản ra khỏi nhà
Thứ ba, cơ quan Thành ủy Hải Phòng là cơ quan quyền lực nhất ở Hải Phòng theo thể chế chính trị hiện nay, lẽ ra là nơi người dân có thể đặt lòng tin vì đảng đã tự cho mình là cha mẹ của dân, “Dân tin đảng, đảng thương dân, tình đảng tình dân như tình mẫu tử” – Lời bài hát – nhưng qua cơ quan ngôn luận mình là báo Hải Phòng, cũng như bài phát biểu của Trưởng ban Tuyên giáo Huyện Tiên Lãng với 300 đảng viên, họ đang cố tình thể hiện rằng “ý đảng” ở đây đang đi ngược lòng dân Tiên Lãng và khắp nơi.
Thứ tư, các cơ quan Quốc hội, Chính phủ mà ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng chính phủ cũng là Đại biểu Quốc hội tại Hải Phòng, ngay sau vụ việc đã có công điện số 57 yêu cầu “Xử lý nghiêm trường hợp chống đối người thi hành công vụ”. Nhưng liên quan đến vụ việc quyền lợi công dân này, thì đến nay vẫn chỉ là chỉ thị và lời hứa làm rõ vụ việc sau tròn một tháng với tư cách Thủ tướng, còn lại các cơ quan khác của Hải Phòng chỉ nhằm bao che, giải thích loanh quanh hoặc lẩn tránh.
Giải thích việc chậm trễ này, ông Vũ Đức Đam cho là “Tất cả cơ quan Nhà nước cấp tỉnh hay, bộ, ngành đều làm việc theo quy định và trình tự”.
Điều này càng khẳng định sự cồng kềnh, của một bộ máy đồ sộ khổng lồ của nhà nước hiện nay nhưng kém hiệu quả.
Rõ ràng, trong khi các quan chức và cựu quan chức cũng đã phải thốt lên rằng việc này không giải quyết rõ ràng, nhanh chóng thì có hại lớn cho hệ thống chính trị hiện nay. Nhưng cách xử sự đến nay đã chứng tỏ sự bất lực của nhà nước. Đó là sự bất lực trong khả năng giải quyết nhanh chóng các vấn đề liên quan đến đời sống chính trị xã hội và tính mạng người dân.
Người dân bất an
Chính một thứ luật pháp bất ổn kết hợp với chính quyền bất minh gồm những quan chức bất nhân và bất nhất thì việcngười dân sống luôn thấy bất an là điều không có gì phải lạ.
Không người dân nào (trừ các quan chức có thế lực) có thể chắc chắn rằng ngôi nhà mình đang ở, mảnh đất mình đã chắt chiu bao đời nay mà có, ngôi nhà thờ, đình chùa miếu mạo đang thờ tự có  thể ổn định và yên chí làm ăn. Khi mà sẵn sàng có một dự án nào đó của những kẻ lắm tiền nhằm vào chỗ của họ đang sống, thì có thể sau đó là công an, là chó, là súng đạn đến “cưỡng chế” họ ra khỏi nhà để giao đất cho người khác. Nếu họ không đồng ý, thì sau đó là nhà tù hoặc cùng quẫn lắm thì là súng đạn, hoặc tự thiêu.
Trong một xã hội công bằng, văn minh và luật pháp rõ ràng, thì người dân Cồn Dầu không bao giờ nghĩ là họ sẽ phải vất vưởng ngay trên mảnh đất tổ tiên của họ xây dựng lên bao đời. Giáo dân Thái Hà không bao giờ nghĩ rằng Tu viện của họ sẽ bị biến thành nơi chứa bệnh tật truyền nhiễm và nhục mạ nơi linh thánh. Những người như Đoàn Văn Vươn sẽ yên tâm mà khai hoang lấn biển nhằm đem lại lợi ích cho cộng đồng, cho gia đình.
Linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà xuống đường yêu cầu "Mượn thì phải trả" tu viện cho họ
Nhưng, khi tất cả những điều nói trên không đảm bảo, thì điều gì cũng có thể xảy ra, số phận những người dân và tài sản của họ luôn trong tư thế cá nằm trên thớt, vì các dự án bất thần đổ xuống, các quyết định bất thần tung ra, cảnh sát, quân đội bất thần kéo đến… hỏi tìm đâu ra sự “an cư” để mà “lạc nghiệp”?
Phải chăng, đó chính là đặc điểm của một nền kinh tế thị trường có kèm cái đuôi “Định hướng XHCN”?
Sự việc Đoàn Văn Vươn là một điểm mốc, là một tiếng bom cảnh báo một giai đoạn, một tình trạng xã hội mà nếu không có những điều chỉnh cần thiết, không có những thay đổi kịp thời thì sự bình yên giả tạo trong xã hội chỉ là sự bình lặng tạm thời của mặt biển trong mùa bão tố.
Bởi lòng dân là sóng biển.
Hà Nội, ngày 5/2/2012 
J.B Nguyễn Hữu Vinh