Hiển thị các bài đăng có nhãn Thanh Hà. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thanh Hà. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2021

Thanh Hà (RFI): Trung Quốc - Yếu tố cản trở việc nâng quan hệ Mỹ - Việt lên "đối tác chiến lược"

Giới quan sát đã nhiều lần đề cập đến hình ảnh Việt Nam bắt tay với Mỹ nhưng mắt vẫn nhìn về phía Bắc Kinh. Trong hai tháng liên tiếp, bộ trưởng Quốc Phòng rồi phó tổng thống Hoa Kỳ đã công du Việt Nam. Washington và có lẽ là Hà Nội đều muốn nâng cấp quan hệ song phương lên mức “đối tác chiến lược”, nhưng yếu tố Trung Quốc vẫn cản trở việc này.

Trước giờ tiếp nhân vật số 2 trong chính quyền Mỹ, thủ tướng Việt Nam đã có một buổi làm việc với đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội. Phải chăng đó là những dấu hiệu cho thấy một số giới hạn trong bang giao Việt - Mỹ và phản ánh thế khó xử của Hà Nội trên bàn cờ ngoại giao ?

Trả lời trang mạng nghiencuuquocte.org hôm 23/08/2021, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute) tại Singapore lưu ý bang giao Việt Mỹ “chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay” và bên cạnh những lợi ích về kinh tế, vế an ninh quốc phòng và chiến lược ngày càng thu hút chú ý của đôi bên. Vẫn theo ông Lê Hồng Hiệp, chính việc có cùng những lợi ích về chiến lược, đặc biệt là “trên Biển Đông” đang thúc đẩy “hai nước xích lại gần nhau hơn”.

Hà Nội và Washington đã bình thường hóa quan hệ từ năm 1995. Mỹ là đối tác thương mại quan trọng thứ nhì của Việt Nam sau Trung Quốc. Từ năm 2015, bộ Quốc Phòng Mỹ đã cho phép xuất khẩu một số trang thiết bị quân sự sang Việt Nam và cũng từ 2018, hàng năm, lãnh đạo Lầu Năm Góc vẫn dành thời gian đến Hà Nội.

Trong bối cảnh tình hình tại Biển Đông đã nóng lên, Việt Nam tỏ ra tâm đầu ý hợp với Mỹ về chiến lược an ninh biển. Dù vậy, về mặt chính thức, đến nay Việt Nam vẫn xem Hoa Kỳ là “một đối tác hàng đầu trong chính sách đối ngoại” và tránh né cụm từ “đối tác chiến lược” khi nói về quan hệ với Mỹ. Thái độ thận trọng đó phần nào cho thấy Hà Nội không được thoải mái giữa một nước cựu thù là Hoa Kỳ và một nước láng giềng quá lớn là Trung Quốc.

Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2021

Thanh Hà (RFI): Vị đắng trong dấu chấm hết sau 20 năm chiến tranh Afghanistan

« Đã đến lúc chấm dứt một cuộc chiến không có hồi kết », Joe Biden nhấn mạnh điều này trong bài diễn văn hôm 14/04/2021 và hứa không để thêm một đời tổng thống thứ năm phải bị chia trí về Afghanistan. Các phí tổn chiến tranh cùng với các khoản viện trợ nhân đạo tính tới nay lên tới gần 1.000 tỷ đô la.

Về thiệt hại nhân mạng, trong 20 năm qua, hơn 4.200 công dân Mỹ, trong đó bao gồm các quân nhân và thường dân cộng tác với quân đội Hoa Kỳ chết tại Afghanistan. Nhìn rộng ra hơn, 20 năm chiến tranh tại quốc gia Nam Á này là một thảm họa nhân đạo : 165.000 người thiệt mạng, hàng triệu người phải di dời chỗ ở và hàng chục ngàn người bỏ xứ ra đi.

Năm 2001, vài ngày sau loạt khủng bố 11 tháng 9 nhắm vào cùng lúc Tháp Đôi ở New York, vào Lầu Năm Góc – trụ sở Bộ Quốc Phòng Mỹ, và một chiếc máy bay thứ tư rơi tại bang Pennsylvania trước khi nhắm trúng mục tiêu, chính quyền Bush quyết định đưa quân sang Afghanistan, sào huyệt của trùm khủng bố Al Qaeda. Và cũng chính từ quốc gia Nam Á này, Ben Laden đã lên kế hoạch tấn công nước Mỹ. Đó cũng là nơi quân Taliban, điểm tựa của Ben Laden, đang hoành hành. Chiến tranh Afghanistan khai mào.

Hai thập niên sau, Taliban vẫn tồn tại, Afghanistan vẫn triền miên trong « thế yếu » cả về chính trị lẫn quân sự. Trong khi đó, các phí tổn cả về tài chính lẫn nhân mạng về phía Hoa Kỳ tiếp tục tăng lên thêm. Đó là động lực thúc đẩy chính quyền Trump từ năm ngoái đàm phán trực tiếp với quân Taliban để vãn hồi hòa bình cho Afghanistan : Washington khi đó đã cam kết rút hết lính Mỹ khỏi Afghanistan vào ngày 01/05/2021, đổi lại Taliban chia sẻ quyền lực với chính quyền ở Kabul do Hoa Kỳ dựng lên.

Nhưng Nhà Trắng đã đổi chủ, sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2020. Tiến trình chuyển giao quyền lực giữa các nhóm cộng sự của Trump và Biden đã « bế tắc » cho đến tận ngày tổng thống Mỹ thứ 46 nhậm chức. Tân chính phủ Mỹ giải thích đó là lý do vì sao Washington cần thêm thời gian để « đưa các quân nhân trở về nhà ».

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

Thanh Hà (RFI): 2020 - Làn sóng bài Trung Quốc dâng cao cùng Covid-19

Trong suốt 12 tháng, virus corona được nhắc đến hàng ngày trong mỗi bản tin thời sự và hầu như tất cả các tạp chí của RFI. 2020 là năm đại dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán làm chi phối toàn thế giới và làm hủy hoại hình ảnh của Trung Quốc trong mắt cộng đồng quốc tế.

Hai nghiên cứu liên tiếp, của viện Pew Researche Center tại Washington và của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp- IFRI tại Paris, cùng đưa ra một nhận định : tinh thần bài Trung Quốc gia tăng tại các nước Tây phương. Nguyên nhân chính là dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,7 triệu người trên toàn cầu, hơn 78 triệu người trên hành tinh bị lây nhiễm. Kèm theo đó là hàng trăm triệu người mất việc làm, một số không nhỏ rơi vào cảnh bần cùng. Ngoại trừ Trung Quốc và một số rất ít các quốc gia, trong đó có Việt Nam, kinh tế điêu đứng ở những nơi khác từ ở Nga đến Nhật Bản, từ của Brazil đến Canada hay từ Ấn Độ đến Liên Hiệp Châu Âu và cả Hoa Kỳ.

Mỹ, Nhật đã bơm hàng ngàn tỷ đô la để khắc phục hậu quả tai hại Covid-19 gây nên. Anh Quốc đối mặt với tình trạng kinh tế tệ hại nhất kể từ sau Thế Chiến 2. Pháp đã hai lần áp dụng các biện pháp phong tỏa trong tổng cộng 14 tuần lễ, toàn bộ các hàng quán phải đóng cửa. 

Tại Hoa Kỳ Covid-19 thổi bay các thành tích kinh tế trong bốn năm nhiệm kỳ tổng thống Trump. Lãnh đạo Nhà Trắng tới nay vẫn gọi virus corona là siêu vi Trung Quốc.

Theo thăm dò của viện nghiên cứu Mỹ Pew Research Center thực hiện trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay, 86 % người Nhật được hỏi tỏ rõ thái độ bài Trung Quốc. Tỷ lệ này tại Úc là 81 % ; Ở Anh là 74 % và tại Canada là 73 %.

Tại Thụy Điển nơi mà từ 10 năm qua, dân chúng đã có cái nhìn « tiêu cực » về ông khổng lồ châu Á này, thì tỷ lệ bài Trung Quốc lên tới 85 %. Pháp và Đức là 70 %. Với công luận Mỹ, 73 % xem Trung Quốc là một mối đe dọa. Đáng chú ý hơn nữa là 2018 chỉ có 43 % những người được hỏi có cái nhìn không hay về Bắc Kinh mà thôi.

Về lý do khiến tinh thần bài Trung Quốc tăng lên nhanh trong vài tháng vừa qua, trung tâm nghiên cứu Mỹ cho biết 14 nước trong các quốc gia được hỏi đưa ra yếu tố « Bắc Kinh xử lý không đích đáng dịch Covid-19 » để thế giới vạ lây.

Ác cảm với Trung Quốc : Bắc Kinh đứng thứ nhì trong mắt dân Pháp


Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

Thanh Hà (RFI): Donald Trump và chiến dịch "tiêu thổ kháng chiến"

Dập tắt ngọn hải đăng dân chủ của Hoa Kỳ, cản đường người kế nhiệm trên mọi hồ sơ lớn, từ chính sách đối ngoại đến môi trường, để mặc cho đại dịch và khủng hoảng kinh tế tàn phá Hoa Kỳ. Giới quan sát quốc tế cho rằng Donald Trump đang tiến hành chiến dịch "tiêu thổ kháng chiến" để đến ngày ông ra đi, nước Mỹ sẽ chỉ còn là một "bãi chiến trường".

Tổng thống Trump không còn điều hành đất nước từ ba tuần qua mà chỉ tập trung vào việc cáo buộc rằng bầu cử ngày 03/11/2020 bị gian lận, cho dù ông và dàn luật sư vẫn chưa đưa ra được bằng chứng cụ thể nào. Việc ứng viên đảng Dân Chủ Biden hơn Trump đến hơn 6 triệu lá phiếu phổ thông, theo dự phóng của Cơ quan Census Bureau và USA Election Project, vẫn chưa đủ sức thuyết phục chủ nhân Nhà Trắng nhìn nhận thất bại.

Tệ hơn cả là thái độ của tổng thống Mỹ thứ 45 càng lúc càng biến Hoa Kỳ thành "trò cười cho thiên hạ", như ghi nhận của Gilles Paris, thông tín viên báo Le Monde tại Washington.

Từ đầu tháng 11 tới nay, chính quyền trong thế như "rắn không đầu". Lịch làm việc của nguyên thủ Mỹ gần như là một tờ giấy trắng, ngoại trừ cuộc họp trực tuyến ngắn ngủi với các lãnh đạo nhóm G20 trước khi Donald Trump và đoàn tùy tùng hối hả đi đánh golf giải trí. 

Về đối nội, trước ngày ra đi, chính phủ Mỹ để ngỏ khả năng cho phép khai thác dầu khí tại một khu vực cần được bảo tồn ở bang Alaska. Đối với nhiều nhà phân tích, đây là biện pháp nhằm cản trở chính quyền Joe Biden quay trở lại với thỏa thuận chống biến đổi khí hậu. Qua cử chỉ này, chính quyền Trump muốn chứng tỏ họ bảo vệ quyền lợi của các nhà sản xuất dầu khí Mỹ.

Nhưng cùng lúc, ngày 20/11/2020, bộ trưởng Tài Chính Mnuchin đơn phương yêu cầu Ngân Hàng Trung Ương ngừng hỗ trợ kế hoạch khắc phục hậu quả kinh tế do dịch Covid-19 gây nên. Hành động này, theo thông tín viên báo Le Monde từ Washington, không hơn không kém là cách để ông Trump "khóa tay" Biden, để cho người kế nhiệm lên cầm quyền trong những "điều kiện tệ hại nhất".

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2020

Thanh Hà (RFI): RCEP, Việt Nam cần thận trọng với Trung Quốc

Thêm một hiệp định tự do mậu dịch cho Việt Nam. Ngày 15/11/2020 Việt Nam đã ký kết Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện Khu Vực –RCEP. Làm thế nào để thỏa thuận này là bàn đạp cho kinh tế phát triển hơn, để thúc đẩy xuất khẩu mà không quá lệ thuộc vào một thị trường lớn là Trung Quốc ? Đó là những thách thức RCEP đặt ra cho phía Việt Nam theo phân tích của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Nếu như dịch Covid-19 không đe dọa một phần lớn nhân loại, chắc hẳn lãnh đạo 15 nước tham gia RCEP đã tề tựu về Việt Nam chứng kiến lễ ký kết một hiệp định tự do mậu dịch toàn diện với quy mô lớn hơn cả USMCA bao gồm ba nước Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Canada và Mêhicô) và hiệp định của Liên Âu cộng lại. Nhưng rốt cuộc sự kiện hằng mong đợi đó, sau tám năm đàm phán, đã chỉ có thể diễn ra qua cầu truyền hình.

RCEP là một sáng kiến được Bắc Kinh đề xuất từ năm 2012 và đã được 10 thành viên Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, New Zealand hưởng ứng. Hiệp ước liên quan đến 2,2 tỷ dân toàn cầu, gần 1/3 tổng sản lượng của thế giới.

Một trong những mục tiêu hiệp định là xóa bỏ đến 90 % các hàng rào quan thuế giữa 15 nước, liên quan đến 29 % tổng trao đổi mậu dịch toàn cầu.

Các bên tham gia đang trông thấy viễn cảnh khu vực xuất khẩu sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ một khi các hàng rào quan thuế gần như không còn nữa. Đây là điểm thu hút các quốc gia lấy xuất khẩu làm chủ đạo - đứng đầu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và kể cả đối với hầu hết các thành viên ASEAN.

Riêng trong trường hợp của Việt Nam, vừa thâm hụt mậu dịch với các đối tác ASEAN và vừa với Trung Quốc thì Hà Nội có thể chờ đợi gì từ Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện Khu Vực ? RFI đặt câu hỏi với kinh tế gia Phạm Chi Lan từ Hà Nội, nguyên phó chủ tịch, tổng thư ký Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam :

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2020

Thanh Hà (RFI): Truyền thông Mỹ lo âu đánh mất con gà đẻ trứng vàng Donald Trump

 Các đài truyền hình và báo chí Hoa Kỳ dù có khuynh hướng bài Donald Trump chưa chắc sẽ mở rượu ăn mừng trong trường hợp tổng thống đương nhiệm phải rời Nhà Trắng sau cuộc bầu cử ngày 03/11/2020. Sự xuất hiện trên bầu trời chính trị của chính khách ngoại hạng này đã làm giàu cho không ít các cơ quan truyền thông Mỹ.

Trump từ trước khi đắc cử hồi 2016 đã là một chủ đề “ăn khách”. Một khi bước vào Nhà Trắng, sức thu hút của tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 lại càng lớn. Những tranh cãi khốc liệt giữa phe bênh và chống đối Donald Trump khiến dân Mỹ ráo riết chạy đua tìm kiếm thông tin để củng cố thêm cho quan điểm của chính mình.

Những đòn tấn công trực tiếp của tổng thống Mỹ nhắm vào báo giới, những phát biểu lúc thì thô bạo như khi ông tấn công các đối thủ chính trị, lúc lại đến nực cười như khi lên tiếng về các biện pháp chống virus corona của chủ nhân Nhà Trắng đã biến toàn cảnh chính trị Hoa Kỳ thành một sân khấu thường trực với những vở tuồng gay cấn và đầy rẫy những hồi kết bất ngờ.

Từ cuộc điều tra kéo dài về nghi vấn Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 ủng hộ Donald Trump, cho đến những tiết lộ về khoản đóng thuế ít ỏi đến ngạc nhiên của nhà tỷ phú địa ốc luôn khoe khoang làm ăn rất thành đạt hay thủ tục luận tội đòi truất phế tổng thống Trump… đều là những truyện dài nhiều tập đã bắt công luận Mỹ phải theo dõi.

Nhờ thế mà số khán giả theo dõi các chương trình truyền hình đã tăng lên đáng kể, số độc giả ghi tên mua báo giấy và báo mạng cũng đã được thổi phồng lên nhờ “hiệu ứng” Donald Trump. Tiền quảng cáo đổ vào các cơ quan truyền thông này qua đó đã tăng theo.


Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

Thanh Hà (RFI): Quân sự - Trung Quốc chuẩn bị đương đầu với Mỹ ?

Việc không quân Trung Quốc công bố video mô phỏng một cuộc tấn công nhắm vào một căn cứ quân sự rất giống địa bàn của quân đội Mỹ trên đảo Guam ở Thái Bình Dương là một bước ngoặt trong chính sách phô trương sức mạnh quân sự của Bắc Kinh. Nhưng còn quá sớm để cho rằng Trung Quốc chuẩn bị một kế hoạch quân sự tấn công Hoa Kỳ.

Trung Quốc dồn dập tập trận tại eo biển Đài Loan, điều máy bay vượt qua đường trung tuyến vốn được xem là ranh giới giữa Hoa lục và Đài Loan đúng vào lúc thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Keith Krack có mặt tại Đài Bắc.

Hành động đó dường như chưa đủ. Ngày 19/09/2020 Bắc Kinh lao vào một cuộc chiến hình ảnh khi tung lên mạng Vi Bác video với hình ảnh oanh tạc cơ H-6 của Trung Quốc đang nhắm vào mục tiêu trông rất giống căn cứ không quân Andersen của Mỹ trên đảo Guam với lời giải thích : “Nếu nổ ra chiến tranh, đây là hành động chúng tôi đáp trả”.

Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Vương Văn Bân không che giấu tức giận, xem sự hiện diện của quan chức trong chính quyền Mỹ tại Đài Bắc là “hành vi khiêu khích chính trị và cổ vũ cho thái độ ngạo mạn của những lực lượng ly khai Đài Loan”.

Trả lời hãng tin Anh Reuters, nhà nghiên cứu Collin Koh, thuộc Viện Nghiên Cứu Quốc Phòng và Chiến Lược IDSS của Singapore cho rằng, hành động nói trên là một “lời cảnh báo nhắm tới Hoa Kỳ” với thông điệp chính là ngay cả những vị trí được coi là an toàn nhất của quân đội Mỹ cũng có thể bị đe dọa nếu như “xảy ra xung đột tại Đài Loan hay Biển Đông”.

Nhìn từ Pháp, các chuyên gia thận trọng hơn khi cho rằng, kịch bản Trung Quốc đối đầu quân sự không phải là không có. Dù vậy có ít nhất ba yếu tố cho thấy là còn quá sớm để cho rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị một kế hoạch quân sự nhằm đáp trả Hoa Kỳ trong trường hợp nổ ra xung đột tại eo biển Đài Loan hay Biển Đông.


Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

Thanh Hà (RFI): Biển Đông - Nhượng bộ Trung Quốc, Việt Nam không hẳn là thua

Khi chấp nhận hủy hợp đồng và bồi thường cho Repsol dưới áp lực của Trung Quốc, Việt Nam “lùi một bước đế tiến thêm hai bước” trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích kinh tế tại Biển Đông. Trên đây là phân tích của chuyên gia về Biển Đông, giáo sư Ngô Vĩnh Long, đại học Maine Hoa Kỳ.

Khi bắt chẹt Việt Nam hủy hợp đồng khai thác dầu khí ở Biển Đông với tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha và một số công ty nước ngoài khác, Trung Quốc đã đi sai một nước cờ ? Về phía Việt Nam, Hà Nội đã nhượng bộ Bắc Kinh để đánh động công luận quốc tế về tham vọng vô hạn của Trung Quốc ở Biển Đông và lôi kéo Mỹ, Nga vào cuộc.

Việt Nam tăng tốc đàm phán với ExxonMobil của Mỹ trong dự án Cá Voi Xanh. Hà Nội trực tiếp vận động Matxcơva về hợp tác giữa các tập đoàn Việt Nam với Rosneft của Nga. Trả lời RFI tiếng Việt, giáo sư Ngô Vĩnh Long, đại học Maine - Hoa Kỳ, cho rằng sự hiện diện của các đại tập đoàn Mỹ và Nga sẽ ngăn chận Bắc Kinh chèn ép và uy hiếp các nước trong khu vực để khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. 

Phỏng vấn GS Ngô Vĩnh Long về Biển Đông


RFI : Xin kính chào giáo sư Ngô Vĩnh Long, động lực nào thúc đẩy Việt Nam chấp nhận hủy các hợp đồng thăm dò dầu khí với các công ty nước ngoài và phải trả giá đắt để bồi thường thiệt hại cho các đối tác, như tiết lộ của truyền thông quốc tế gần đây ?

GS Ngô Vĩnh Long : ”Tất cả các dự án liên quan đều nằm trên thềm lục địa của Việt Nam. Ngoại trừ các dự án của tập đoàn Tây Ban Nha, Repsol, các dự án này nằm ở ngoài rìa xa nhất, rìa ngoài, nhưng vẫn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đó là nơi Trung Quốc đã quấy nhiễu từ mấy năm nay, từ 2017. Vừa qua Repsol đã phải dừng khoan ở các bãi 07/03 và 135-136/03.

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

Thanh Hà: Đóng cửa tòa lãnh sự, bước ngoặt trong quan hệ Mỹ Trung?

Viễn cảnh Bắc Kinh và Washington chung tay cứu nguy kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19, thân thiện trong mối bang giao song phương, càng thêm xa vời. Quan hệ Mỹ-Trung càng lúc càng rơi xuống vực thẳm sau đòn “ăn miếng trả miếng” đóng cửa lãnh sự quán của nhau. Từ tôn giáo đến môi trường, tất cả đều có thể là những mặt trận mới trong cuộc đọ sức giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.

Căng thẳng Mỹ-Trung liên tục kéo dài từ đầu nhiệm kỳ của tổng thống Donald Trump liệu đã đạt tới đỉnh điểm? Hình ảnh nhân viên ngoại giao Trung Quốc phi tang tài liệu trước khi rời khỏi tòa lãnh sự tại Houston, Texas, hồi cuối tuần trước, rồi cảnh nhân viên Mỹ hạ quốc kỳ vào sáng sớm ngày 27/072020 trước khi Trung Quốc tiếp quản văn phòng đại diện ngoại giao ở Thành Đô, cho thấy Mỹ và Trung Quốc « thực sự không muốn nói chuyện với nhau chút nào vào thời điểm này”, như chính tổng thống Trump từng tuyên bố hồi tháng 5/2020.

Không phải tình cờ mà Houston hay Thành Đô là những mục tiêu bị nhắm tới. Houston là địa điểm đầu tiên được chọn làm văn phòng lãnh sự của Trung Quốc tại Mỹ, được khánh thành năm 1979 là một biểu tượng mạnh mẽ cho việc bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung. Nhưng chính quyền Trump đã quả quyết đây là “ổ gián điệp của Trung Quốc trên lãnh thổ Hoa Kỳ”.

Về phía Bắc Kinh, Trung Quốc cũng có nhiều lý do để chọn khai tử văn phòng ngoại giao của Mỹ ở Thành Đô. Theo tiết lộ cửa cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, là một trong những địa điểm hoạt động của CIA, với lợi thế là “gần với Tân Cương và Tây Tạng” hai điểm nhạy cảm trong chính sách an ninh nội bộ của Trung Quốc. Chưa hết : Đây cũng là nơi mà một trong những quan chức của đảng Cộng Sản Trung Quốc từng ẩn náu trong đợt thanh trừng nhắm vào cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, một trong những đối thủ chính trị của ông Tập Cận Bình.

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2020

Thanh Hà (RFI): Trung Quốc, bài toán đau đầu của Liên Hiệp Châu Âu

Bruxelles đang tìm một chiến lược mới trong quan hệ với Bắc Kinh cho giai đoạn hậu Covid-19. Với Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu dùng đòn “vừa đấm vừa xoa”, tránh lao vào một cuộc “chiến tranh lạnh” như thể để giữ khoảng cách với đồng minh Hoa Kỳ trước một đối tác thương mại quan trọng là Trung Quốc.

Trong thông cáo của Ủy Ban Châu Âu chiều ngày 10/06/2020 liên quan đến chiến lược chống xuyên tạc thông tin, Trung Quốc cùng với Nga bị Liên Âu nêu đích danh nhúng tay vào “các chiến dịch gây ảnh hưởng trong công luận và phao tin thất thiệt” liên quan đến đại dịch Covid-19. Mục tiêu của các chiến dịch bóp méo thông tin đó, theo Bruxelles, là nhằm phá hoại các tranh luận lành mạnh của các nền dân chủ châu Âu, gây chia rẽ trong công luận châu Âu.

Tuy nhiên lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Âu, Josep Borrell cho biết trong cuộc họp trực tuyến hôm 09/06/2020 với đồng nhiệm Trung Quốc, ngoại trưởng Vương Nghị, ông đã trấn an Bắc Kinh rằng kịch bản “chiến tranh lạnh” sẽ không xảy ra và lưu ý chiến dịch chống bóp méo thông tin của Liên Âu không nhắm vào Trung Quốc.

Châu Âu không chỉ xoa dịu Trung Quốc trên mặt trận thông tin, mà ngay cả về phương diện quân sự. Ngày 09/06/2020, đối thoại chiến lược Âu – Trung lần thứ 10 đã diễn ra lâu hơn dự kiến. Josep Borrell và Vương Nghị đã thảo luận trong hơn ba giờ đồng hồ, và sau đó phía Bruxelles đã khẳng định rằng Liên Âu “không xem Trung Quốc là một mối đe dọa quân sự”, “không đe dọa hòa bình thế giới” cho dù Liên Âu từng xem Trung Quốc là một “đối thủ mang tính hệ thống – systemic rival”.

Điều đó không cấm cản Josep Borrell khi trả lời báo chí đã nhìn nhận rằng Trung Quốc có thói quen “nói một đằng làm một nẻo” : Ngoại trưởng Vương Nghị đã nhấn mạnh với đồng nhiệm châu Âu “Trung Quốc không có tham vọng quân sự” nhưng Bruxelles “hoàn toàn ý thức được rằng Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng”.

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2020

Thanh Hà (RFI): Căng thẳng Mỹ- Trung càng gia tăng, Hoa Kỳ càng ngọt ngào với Đài Bắc

Trong những tháng gần đây, Hoa Kỳ ngày càng thể hiện rõ sự ủng hộ với Đài Loan. Trong ảnh, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) tái đắc cử, tháng 1/2020. REUTERS/Ann Wang
Hiếm khi nào Đài Loan lại chiếm một vị trí quan trọng trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ như ở vào thời điểm này. Chính quyền Trump không ngớt lời ca ngợi thành công vượt bực của Đài Bắc trong việc xử lý khủng hoảng Covid-19, đòi cho Đài Loan phải có một chỗ đứng xứng đáng hơn trong các định chế quốc tế và tăng tốc cung cấp vũ khí cho chính quyền của tổng thống Thái Anh Văn.

Nhưng không chắc Mỹ sẵn sàng thay đổi nguyên tắc “một nước Trung Hoa” vốn là nền tảng bang giao Mỹ-Trung.

Vào lúc virus corona gây nhiều thiệt hại về nhân mạng và kinh tế cho nước, dịch Covid-19 “đổ thêm dầu vào lửa” trong quan hệ Mỹ- Trung, Đài Loan trở thành một “vũ khí” của chính quyền Trump để tấn công Bắc Kinh : Nhà Trắng đề cao thành tích rực rỡ của Đài Loan chống dịch Covid-19 chỉ nhằm chứng minh là một nước lớn như Trung Quốc đã bất lực trước một con siêu vi, tệ hơn thế nữa Bắc Kinh đã thiếu minh bạnh trên hồ sơ này để gây ra đại dịch. Tổng thống Trump chỉ trích Tổ Chức Y Tế Thế Giới là “con rối” trong tay Trung Quốc, gạt bỏ mọi cảnh báo và thông tin do Đài Loan cung cấp về virus corona chủng mới.

Về mặt quân sự, ngoài việc điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan, Hoa Kỳ chọn đúng thời điểm tổng thống Thái Anh Văn tuyên thệ nhậm chức thêm nhiệm kỳ thứ hai để thông báo hợp đồng bán ngư lôi cho Đài Bắc.

Theo quan điểm của chuyên gia Elizabeth Economy thuộc trung tâm nghiên cứu về quan hệ quốc tế Mỹ Council on Foreign Relations, từ trước tới nay, Quốc Hội Mỹ luôn có khuynh hướng ủng hộ Đài Loan, nhưng ở cấp chính quyền, Washington “tránh lộ liễu phô trương quan điểm đó nhằm duy trì thế cân bằng vốn dễ vỡ” giữa hai siêu cường kinh tế và quân sự của thế giới này.

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

Thanh Hà (RFI): Nghi vấn về số nạn nhân Covid-19 tại Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm người dân Vũ Hán bị cách ly vì dịch Covid-19. Ảnh chụp ngày 10/03/2020. REUTERS - XINHUA
Số người chết vì virus corona tại Trung Quốc trong hơn hai tháng chỉ bằng một một nửa so với tại Tây Ban Nha trong hơn ba tuần lễ và bằng một phần ba so với tại Ý tính từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 3/2020. Hoa Kỳ có số bệnh nhân cao hơn so với Trung Quốc. Giới y khoa quốc tế ngày càng hoài nghi về những số liệu chính thức của Bắc Kinh về dịch viêm phổi do virus corona chủng mới gây ra.

Vào lúc tỉnh Hồ Bắc và thành phố Vũ Hán đang hoạt động trở lại sau hai tháng bị "cách ly", các câu hỏi được đặt ra : Có thực là Trung Quốc đã khống chế được dịch Covid-19 ? Có thực là trên toàn đất nước rộng lớn với 1,4 tỷ dân này chỉ có 81.400 người dương tính với virus corona và hơn 3.000 ca tử vong ? Truyền thông Tây phương không tin vào các con số chính thức của Bắc Kinh.

Trả lời trên đài truyền hình LCI ngày 29/03, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Saint Antoine, Paris, Karine Lacombe, cho rằng "dịch bệnh đã bùng phát từ tháng 9, tức là sớm hơn nhiều so với thời điểm chính thức Bắc Kinh thông báo. Bắc Kinh có lẽ đã che giấu về số người tử vong và con số đó cao hơn nhiều so với hơn 3.000 ca tử vong trong thống kê chính thức".

Vào thời điểm Vũ Hán nới lỏng các biện pháp phong tỏa, và một tuần lễ trước lễ Thanh Minh, điều tra của tờ báo kinh tế Tài Tân (Caixin) của Trung Quốc cho thấy chỉ trong hai ngày 25 và 26/03/2020 một lò thiêu tại Vũ Hán đã nhận 5.000 hũ tro. Con số này cao hơn báo cáo chính thức là 2.535 người chết vì virus corona tại Vũ Hán. Đó là chưa kể cả thành phố Vũ Hán có tổng cộng 7 nhà thiêu, và vẫn theo điều tra của thời báo Tài Tân, nếu mỗi đơn vị đều nhận được một số hũ tro như vậy, thì đã có tới 35.000 người chết trong hai tháng qua.

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2019

Thanh Hà (RFI): Thương chiến Mỹ - Trung : Việt Nam trong thế trên đe dưới búa

Một dây chuyền sản xuất hàng may mặc tại Việt Nam.REUTERS/Kham
Theo báo cáo của bộ Thương Mại Mỹ công bố ngày 03/07/2019, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2019 tăng 36 % so với cùng thời kỳ năm 2018, cao hơn cả khối lượng hàng hóa của Ấn Độ bán sang Hoa Kỳ. Nếu chỉ nhìn vào số liệu trên, Việt Nam thực sự hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. 

Vậy Việt Nam giờ đây có nguy cơ rơi vào tầm ngắm của chính quyền Trump hay không ? Đây là câu hỏi được nhật báo tài chính Nhật Bản Nikkei nêu lên đúng vào lúc Mỹ đánh thuế hơn 400% vào mặt hàng thép Việt Nam bán sang thị trường Hoa Kỳ nhưng có xuất xứ Hàn Quốc và Đài Loan. 

Tuần trước, trên đường đến Osaka dự thượng đỉnh nhóm G20 mà Việt Nam là một trong những khách mời của nước chủ nhà Nhật Bản, tổng thống Donald Trump đã đe dọa : Việt Nam nhỏ hơn Trung Quốc nhưng "còn tệ hơn" cả Trung Quốc khi lợi dụng Hoa Kỳ. 

Theo số liệu của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, trong năm 2017, trao đổi mậu dịch giữa Hoa Kỳ với Việt Nam đã lên tới 58,2 tỷ đô la, nhưng cán cân thương mại nghiêng về phía Việt Nam nhiều hơn. Trong năm 2018, mức xuất siêu của Việt Nam đối với Mỹ lên tới gần 35 tỷ đô la. 

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018

Thanh Hà: Quan hệ "đặc biệt" Anh - Mỹ đi về đâu khi Donald Trump dồn dập chỉ trích Theresa May ?

Thủ tướng Anh Theresa May đã bị tổng thống Mỹ Donald Trump 
chỉ trích nặng lời về chính sách Brexit. -- REUTERS/Toby Melville

Thứ Sáu ngày 13 liệu có là một ngày đen tối cho quan hệ Mỹ - Anh ? Donald Trump và Theresa May cùng làm việc tại khu nhà nghỉ mát của thủ tướng Anh, xa không khí bài Trump của người dân Luân Đôn. Nhưng liệu lãnh đạo hai nước sẽ giải thích với nhau những gì khi Nhà Trắng đã nặng lời chỉ trích số 10 Downing Street về chính sách Brexit của bà May, đồng thời ca ngợi đối thủ chính trị của bà là ông Boris Johnson có thể là một "vị thủ tướng tài giỏi" cho nước Anh ?

Tháng 01/2017, khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng, Theresa May là vị thượng khách đầu tiên của tổng thống Hoa Kỳ thứ 45. Đôi bên từng hy vọng phát triển một mối bang giao mật thiết tương tự như dưới thời Ronald Reagan và Margareth Thatcher. Nhưng kịch bản đó đã vấp phải nhiều trở ngại. Nhất là khi, ngay trong lúc có mặt tại vương quốc Anh, "người bạn Mỹ" của thủ tướng May đã không ngần ngại khai hỏa tấn công Luân Đôn và ông đặc biệt chĩa mũi dùi vào kế hoạch Brexit vừa được bà Theresa May công bố.

Thứ Hai, 2 tháng 7, 2018

Thanh Hà/RFI: Hoài nghi về thực tâm giải trừ hạt nhân của Bắc Triều Tiên

Truyền hình Hàn Quốc loan tin về việc phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri 
ngày 24/05/2018. . REUTERS/Kim Hong-Ji

Bình Nhưỡng tiếp tục làm giàu chất uranium để chế tạo vũ khí nguyên tử. Ngoài cơ sở hạt nhân Yongbyon, nhiều cơ sở khác của Bắc Triều Tiên vẫn bí mật hoạt động. Căn cứ trên nhiều nguồn tin tình báo và các quan chức trong chính quyền Washington, truyền thông Mỹ liên tục tiết lộ những tin trên. Trong khi đó, tổng thống Trump một mực khẳng định tin tưởng vào tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, không nghi ngờ cam kết của Kim Jong Un.

Ba tuần sau thượng đỉnh Singapore, Bình Nhưỡng vẫn chưa đưa ra lịch trình và những thể thức cụ thể giải trừ vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên. Một số dấu hiệu mà tình báo Hoa Kỳ thu thập được từ sau cuộc tiếp xúc lịch sử giữa Donald Trump và Kim Jong Un ngày 12/06/2018 cho thấy Bắc Triều Tiên vẫn bí mật triển khai các hoạt động chế tạo vũ khí nguyên tử và che giấu nhiều cơ sở hạt nhân khác ngoài hai địa điểm được nhắc tới nhiều là Yongbyon, cách thủ đô Bình Nhưỡng 100 cây số về hướng bắc và bãi thử Punggye Ri gần biên giới Trung Quốc - Nga.

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

Thanh Hà: Chuyên gia Pháp : Dân chủ cho Trung Quốc, một kịch bản rất xa vời

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến viếng thăm Hà Nội. 
Ảnh ngày 12/11/2017. -- Reuters

Trả lời trên tạp chí Pháp trên mạng Diploweb.com ấn bản ngày 24/06/2018, giáo sư Jean-Pierre Cabestan, giảng dậy tại đại học Hồng Kông, phân tích về thế mạnh, những nhược điểm của Đảng Cộng Sản Trung Quốc và nêu ra bốn lý do vì sao tầng lớp trung lưu tại nước đông dân nhất địa cầu không có nhu cầu dân chủ.

Giáo sư Cabestan, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp CNRS vừa cho ra mắt cuốn sách mới mang tựa đề : Demain la Chine : démocratie ou dictature ?- Ngày mai ở Trung Quốc : dân chủ hay chế độ độc tài ?, Nhà xuất bản Gallimard. RFI xin lược dịch phân tích mà giáo sư Cabestan đã dành cho trang mạng nghiên cứu Diploweb.com.

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

Thanh Hà/RFI: Thương mại : Căng thẳng tối đa giữa Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hôm nay, 31/05/2018, 
hoặc mai sẽ phải ra quyết định tăng thuế thép với châu Âu.

--REUTERS/Kevin Lamarque

Nhôm, thép : Sau Trung Quốc, tổng thống Trump dồn nỗ lực tấn công châu Âu. Cuộc đọ sức gay gắt hơn bao giờ hết giữa Hoa Kỳ với đồng minh chiến lược Liên Hiệp Châu Âu trên mặt trận thương mại.

Le Figaro, ấn bản được cập nhật trên mạng chạy tựa lớn : "Donald Trump chuẩn bị trừng phạt nhôm và thép của Liên Hiệp Châu Âu". Hạn chót được tổng thống Hoa Kỳ đưa ra là vào nửa đêm 31/05/2018. Theo tờ báo tài chính Mỹ, Wall Street Journal, không hy vọng Nhà Trắng "tha cho châu Âu". Nếu đúng là như vậy, thép và nhôm của Liên Âu bán sang Hoa Kỳ sẽ bị đánh thuế 25 và 10%. Điều đáng lo ngại ở đây là Bruxelles sẽ trả đũa và mở ra chiến tranh thương mại do Washington khơi mào.

Le Figaro bình luận : Mỹ đối xử với châu Âu tương tự như với Nhật Bản, một đồng minh thân thiết khác của Hoa Kỳ ở châu Á. Tới nay Washington không tha Tokyo. Trả lời tờ báo này, bộ trưởng Thương Mại Mỹ Wilbur Ross để ngỏ khả năng đàm phán với châu Âu tránh để nổ ra "chiến tranh thương mại". Theo quan điểm của ông Ross, Mỹ muốn giải quyết thâm thủng mậu dịch và muốn chấm dứt tình trạng sản xuất nhôm thép dư thừa. Việc Liên Hiệp Châu Âu trả đũa, đương nhiên sẽ dẫn tới hiện tượng "căng thẳng leo thang".

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2018

Thanh Hà/RFI: Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung : Đôi bên muốn gì ?

Chiếc iPhone X mới được giới thiệu với báo chí 
tại Bắc Kinh ngày 31/10/2017.
REUTERS/Thomas Peter/File Photo

Sau nhiều tuần lễ đấu khẩu với các đòn hù dọa lẫn nhau, Trung Quốc lần đầu tiên khai hỏa. Bộ Thương Mại áp dụng biện pháp tăng thuế từ 15 đến 25 % nhắm vào gần 130 sản phẩm của Hoa Kỳ nhập vào thị trường đông dân nhất hành tinh. Dù vậy quả pháo đầu tiên này được các nhà quan sát đánh giá là khá chừng mực.

Đây có phải là một nước cờ để nắn gân Mỹ, trong lúc Bắc Kinh vẫn kỳ vọng Washington không lao vào một cuộc chiến tranh thương mại mà cả hai cùng biết là sẽ bất lợi cho cả đôi bên ? Về phía Nhà Trắng, tổng thống Trump và dàn cố vấn của ông thực sự đang tính toán những gì ?

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018

Thanh Hà/RFI: Thương mại : Trump tuyên chiến với Bắc Kinh, tạm tha châu Âu

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký chỉ thị áp thuế về sở hữu trí tuệ 
đối với hàng công nghệ cao của Trung Quốc, Washington 
ngày 22/03/2018. REUTERS/Jonathan Ernst

"Dịu giọng với châu Âu", "tập trung hỏa lực nhắm vào Trung Quốc", tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ "chiến lược trên trận địa thương mại". "Trump chống Bắc Kinh, chiến tranh thương mại leo thang gây lo ngại" là đề tài nổi bật trên các trang báo lớn của Pháp ngày 23/03/2018.

"Châu Âu thở phào, viễn cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ tạm thời được xua tan", Le Monde trích lời nhiều quan chức châu Âu đến Washington tiếp tục đàm phán với bộ Tài Chính và Thương Mại để tránh bị áp thuế lên mặt hàng nhôm thép như ông Trump loan báo từ hôm mồng 8 tháng 3. Tờ báo đặt câu hỏi, phải chăng thái độ cứng rắn dọa "ăn miếng, trả miếng" của Bruxelles đã đem lại hiệu quả ?

Le Figaro đưa ra một lập luận khác : Hoa Kỳ "tha châu Âu" để lôi kéo thêm đồng minh nhắm vào chính sách cạnh tranh bất bình đẳng của Trung Quốc.

Thứ Năm, 14 tháng 12, 2017

Thanh Hà: Trung Quốc chính thức cảnh cáo Mỹ về việc cho chiến hạm ghé cảng Đài Loan

Ba tầu sân bay Mỹ cũng tầu chiến Hàn Quốc 
tại Thái Bình Dương, ngày 12/11/2017.
Courtesy Aaron B. Hicks/U.S. Navy/Handout via REUTERS

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Lục Khảng (Lu Kang) ngày 14/12/2017 tuyên bố "mạnh mẽ chống đối mọi hình thức trao đổi chính thức và quan hệ quân sự giữa Hoa Kỳ với Đài Loan", và việc Mỹ cho tàu chiến ghé thăm cảng Đài Loan là một hành vi "can thiệp vào công việc nội bộ" của Trung Quốc.

Bản tin của AFP nhắc lại tới nay Bắc Kinh luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ "không thể tách rời" của Trung Quốc. Ông Lục Khảng trong cuộc họp báo sáng 14/12 nhấn mạnh rằng đã "mạnh mẽ và chính thức phản đối" với phía Hoa Kỳ về khả năng Washington điều chiến hạm đến thăm cảng Cao Hùng của Đài Loan.

Hôm 12/12/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành một đạo luật về ngân sách quốc phòng mở đường cho việc tăng cường quan hệ giữa Hải Quân của Hoa Kỳ với Đài Loan.

Tuần trước, báo chí Bắc Kinh trích lời một nhà ngoại giao Trung Quốc tuyên bố là Trung Quốc sẽ "lập tức đổ bộ Đài Loan nếu như Mỹ cho tàu chiến cặp bến cảng Cao Hùng".

Washington không duy trì quan hệ ngoại giao một cách chính thức với Đài Bắc nhưng Mỹ là một nhà cung cấp vũ khí cho Đài Loan.