Hiển thị các bài đăng có nhãn Tham nhũng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tham nhũng. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Hùng Tâm - Diệt trừ tham nhũng, những ai có thể góp phần?


Trong tháng này, có thể là nhân hội nghị kỳ 5 của Ban Chấp Hành Trung Ương Khóa 18, lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ thông báo hoàn tất đợt ba và là đợt cuối của chiến dịch diệt trừ tham nhũng do Chủ Tịch Giang Trạch Dân phát động từ gần ba năm qua. Nhân dịp này, chúng ta sẽ ngó vào hồ sơ tham nhũng, nhưng từ một giác độ khác.

Tham nhũng là hiện tượng đã có từ thời cổ đại, nằm trong mạch giao tiếp giữa chính trị và kinh tế, là dùng đặc quyền chính trị để tìm đặc lợi kinh tế bất chánh cho mình và cho thân tộc. Khi nhớ đến câu thành ngữ “một người làm quan cả họ được nhờ,” hoặc một trong ba tội bất hiếu là “bất vi lộc sĩ,” là không ra làm quan thì chẳng có bổng lộc cho cha mẹ, người ta có thể nghĩ tham nhũng có nguyên nhân văn hóa. Vì nhiều xã hội không chia sẻ nét văn hóa ấy vẫn bị nạn tham nhũng nên Hồ Sơ Người Việt sẽ nhân chuyện Trung Quốc (và dĩ nhiên cả Việt Nam ngày nay) mà đào sâu hơn một chút vào kinh nghiệm của các nước.

Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Tham nhũng và khủng hoảng

Ðồ cổ Tống-Thanh của Trung Quốc

Khi Tập Cận Bình mở chiến dịch bài trừ tham nhũng, từ ruồi con đến cọp lớn đều bị diệt, ta có thể nêu câu hỏi: phải chăng, nếu không diệt tham nhũng thì lãnh tụ mới lên từ gần hai năm nay không thể đưa công cuộc phát triển kinh tế của Trung Quốc qua một hướng tốt đẹp hơn? Nếu hiểu rõ thực tế ngàn năm của xứ này, điều cần thiết cho người Việt Nam vì đang bị Trung Quốc uy hiếp, ta có thể nhìn ra một quy luật khác.

Tham nhũng là một thuộc tính của hệ thống chính trị Trung Quốc và đưa đến sự thịnh suy hay lẽ hợp tan của quốc gia này.

Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

Lê Diễn Ðức - ‘Chống tham nhũng cần kiên trì’... bằng mắt!


Ngày 12 tháng 6 năm 2014, trả lời chất vấn của một đại biểu Quốc Hội Cộng Sản Việt Nam, Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, “tham nhũng cả thế giới chứ không riêng của nước ta, nên phải kiên quyết kiên trì có bước đi thích hợp, có giải pháp mạnh mẽ.”

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Thanh Quang - Liệu Đảng có thật sự chống tham nhũng?


Thanh Quang, RFA 

Tờ Quân Đội Nhân Dân số ra ngày Chủ Nhật 26/08 vừa rồi có bài tựa đề “Một kiểu ‘mượn gió bẻ măng’!”, qua đó mạnh mẽ cáo giác những “luận điệu cũ rích” từ bên ngoài nhằm xuyên tạc Việt Nam.


Ảnh minh họa nạn hối lộ, tham nhũng - AFP photo

Thanh Quang nêu lên những luận điểm chính của bài báo và ghi nhận phản biện của nhà báo Bùi Tín từ Paris, từng là phó tổng biên tập của báo Nhân Dân, đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Trong nỗ lực gọi là “làm thất bại chiến lược ‘diễn biến hoà bình’ ”, bài “Một kiểu ‘mượn gió bẻ măng’!” trích dẫn điều mà bài báo cáo giác là “luận điệu cũ rích” của các trang mạng, báo, đài ở nước ngoài, kể cả Đài RFA, nhằm quy tội Đảng CS “đẻ ra” tham nhũng, quan liêu suy thoái.

Vẫn theo bài báo, thì đây là một cách trong muôn phương, ngàn kế để “các thế lực thù địch” kích động tư tưởng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, thực hiện xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN và Nhà nước VN.
Luận điệu cho rằng "tham nhũng chỉ có ở những quốc gia do một đảng lãnh đạo, tham nhũng là “con đẻ” của Đảng cộng sản" là hoàn toàn không có cơ sở. Báo Quân đội Nhân dân

Nhưng nhà báo Bùi Tín nhận xét rằng đấy vẫn là những “lập luận cũ” của Hà Nội nhằm đối phó với tình hình hiện nay ở trong nước, giữa lúc không những ngày càng có nhiều nhân sĩ, trí thức, mà còn cả giới trẻ đều nêu lên một yêu cầu chính trị lớn nhất, đòi hỏi nhà cầm quyền phải thực thi tự do, dân chủ. Qua đó, theo nhà báo Bùi Tín, điều quan trọng nhất là thay đổi hệ thống chính trị hiện nay tại VN. Ông nói:
Chúng ta biết trên thế giới hiện có hai hình thái chính trị: Thứ nhất là thể chế độc đoán, độc đảng theo kiểu phát xít, không dân chủ; và thứ hai là thể chế đa nguyên, đa đảng, tự do, dân chủ. Thế thì điểm yếu của chế độ và của những nhà tuyên truyền trong nước hiện nay là không thể rao bán được chế độ gọi là độc đảng mà lại dân chủ vì trên thế giới này đã là độc đảng thì không thể có dân chủ, tự do. Độc đảng không bao giờ đi đôi với quyền công dân cả.

Do đó, đã là dân chủ thì tất nhiên phải đa nguyên, đa đảng. Trước sự thức tỉnh của quần chúng, nhân dân đòi phải đi theo đa số các nước, thay đổi hẳn hệ thống từ độc đảng sang đa đảng trong trật tự, thì những nhà tuyên truyền trong nước hay “lu loa”, lập luận rằng nếu dân chủ sẽ đại loạn. Nhưng chúng ta thấy đại đa số các nước trên thế giới hiện nay dân chủ có đại loạn đâu, mà chính dân chủ mới thực sự ổn định đất nước.
Lập luận thứ hai của những nhà tuyên truyền ở trong nước là nhân dân VN hiện nay chưa đòi hỏi tự do và dân chủ, mà đòi là phải có cuộc sống vật chất trước đã. Đây là nói ngược, bởi vì muốn có đời sống vật chất thì phải có công bằng, muốn công bằng phải có độc lập, tự do, dân chủ. Nếu không có được tự do, đa nguyên, đa đảng thì không thể nào cải thiện được đời sống, và không bao giờ có thể chống được tham nhũng.

Tham nhũng cao....

Bài “ Một kiểu ‘mượn gió bẻ măng” trong tờ Quân đội Nhân dân cũng cho rằng “tham nhũng có thể diễn ra ở bất cứ chế độ xã hội nào, dù độc đảng hay đa đảng, dù CS hay tư bản…”. Bài báo trích dẫn Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) rằng tham nhũng nghiêm trọng ở các nước như Afghanistan, Somalia, Cameroon, Uganda…để chứng minh các quốc gia đa nguyên, đa đảng “tham nhũng nghiêm trọng” trong khi các nước như VN, TQ “đứng ở mức giữa”.

Bài báo nhân tiện đề cập tới chỉ số nhận thức tham nhũng của các quốc gia độc đảng CS “cao hơn nhiều so với nhiều nước đa đảng, đa nguyên, từ đó, khẳng định những “luận điệu cũ rích” trên mạng, báo, đài bên ngoài là “hoàn toàn không có cơ sở”. Về vấn đề này, nhà báo Bùi Tín cho đây cũng chỉ là cách nói quanh co, giả dối, không cơ sở:

Tôi có đầy đủ cơ sở để chứng minh rõ rằng các nước phát triển nhất, ổn định nhất, có chỉ số hạnh phúc, tự do nhất chính là những nước đa nguyên, đa đảng. Có thể nói là trong 50 nước có bình quân đời sống người dân cao nhất, tất cả đều là những nước đa nguyên, đa đảng. Chúng ta xem trong chỉ số những nước minh bạch nhất cũng là những nước đa nguyên, đa đảng. Đó là những nước ở Âu Châu như Đan Mạch, Thuỵ Điển, Phần Lan, Đức, hay ở Á Châu như Nhật Bản.v.v…Tại những nước ấy không có tham nhũng, hay tham nhũng rất ít.

Tôi có đầy đủ cơ sở để chứng minh rõ rằng các nước phát triển nhất, ổn định nhất, có chỉ số hạnh phúc, tự do nhất chính là những nước đa nguyên, đa đảng. Bùi Tín, cựu Phó tổng biên tập báo Nhân Dân
Trong khi VN là một trong những nước tham nhũng cao nhất, và TQ cũng thuộc một trong những nước tham nhũng tệ nhất, chỉ có thể hơn được một số nước lạc hậu ở Châu Phi thôi. Do đó tôi nghĩ bài báo này trong tờ Quân Đội Nhân Dân rất khập khiễng, giả dối, không minh bạch rõ ràng. Nếu mà họ có thể đưa ra thống kê của Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế, thì thấy rất rõ tất cả những nước ổn định, có đời sống cao, hài hoà, có bình đẳng xã hội, tất cả những nước đó đều là đa nguyên, đa đảng.

...và ngày càng phức tạp

Bài báo vừa nói quả quyết – nguyên văn - “Đảng ta…đã kiên trì và kiên quyết lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc đấu tranh cam go này” (tức chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu cùng các tệ nạn xã hội khác) trong suốt mấy chục năm qua, và khẳng định việc phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ “cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc XHCN của đảng, nhà nước và nhân dân”.

Như vậy câu hỏi cần được nêu lên là thực tế ở VN hiện nay cho thấy có đúng như vậy không? Nhà báo Bùi Tín nhận xét:
Họ nói ngược lại với lãnh đạo của họ, họ nói ngược lại với phiên họp Quốc Hội vừa rồi. Phiên họp Quốc Hội đã nói rõ là chúng ta ra sức chống tham nhũng, thậm chí thủ tướng cũng nói là chống tham nhũng quyết liệt 5 năm nay, nhưng càng ngày, nạn tham nhũng càng nặng nề hơn, tinh vi hơn, nguy hiểm hơn trước.

Cho nên ai cũng đều kết luận rất rõ là không có nước nào như VN hiện nay lại diễn ra những vụ như là Vinashin, Vinalines, như Tổng Công ty Điện lực EVN…lãng phí và tham nhũng lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng – đến năm, sáu, bảy tỷ đô la tiền tham nhũng.

Chính Quốc Hội cũng phải công nhận với nhận định rằng việc chống tham nhũng chưa được kết quả. Nhà nước càng kêu gọi chống tham nhũng bao nhiêu, thì nạn tham nhũng càng diễn biến phức tạp và nặng nề bấy nhiêu. Càng chống tham nhũng gọi là quyết liệt bao nhiêu, thì nạn tham nhũng càng biến thành “5 đầu 6 tay” và càng ngốn ngân sách nhà nước không biết bao nhiêu mà kể.

Vẫn theo bài “Một kiểu ‘mượn gió bẻ măng’ ” trong tờ Quân đội Nhân dân, thì sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết Trung ương 5, việc Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng sẽ trực thuộc Bộ Chính trị, việc lập Ban Nội chính Trung ương… chứng tỏ “Đảng CSVN không chấp nhận, không thoả hiệp với tham nhũng”.

Bài báo cho đây là cơ sở để “phủ nhận những luận điệu xuyên tạc mà những kẻ hiềm khích đã cố tình bịa đặt”. Có lẽ một câu hỏi nữa cũng cần nêu lên ở đây là liệu những dẫn chứng như vậy có ổn không ? Nhà báo Bùi Tín khẳng định:
Tôi thấy là không ổn một tí nào cả. Đó cũng là một cách nói lanh quanh thôi. Bởi vì ban chỉ đạo, phòng chống tham nhũng trước kia thuộc về thủ tướng, thuộc về chính phủ, bây giờ thuộc về tổng bí thư. Điều này chỉ là biểu hiện hai nhóm đặc quyền, đặc lợi đấu đá với nhau thôi.

Ngày nào còn cơ chế độc đảng này, còn cơ chế không có dân chủ, tự do này, còn cơ chế không có tự do báo chí để phanh phui tham nhũng này, thì tệ nạn nhất định chỉ có tăng thêm lên, chứ không thể nào bị đẩy lùi được.

Trong khi bài báo “Một kiểu ‘mượn gió bẻ măng’! ” ra sức chỉ trích những “luận điệu cũ rích” từ bên ngoài như vừa nói, thì hồi tháng Sáu mới đây, đại biểu Lê Như Tiến từ Quảng Trị lưu ý tới quốc nạn tham nhũng có nguy cơ “hạ đo ván” quốc sách của nhà nước, khi ông liệt kê “không xuể” những “mảnh đất” màu mỡ cho tham nhũng đang tràn lan khắp xã hội VN.

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Đất nước đột quỵ nếu không trị nổi tham nhũng

Bùi Tín (VOA)

Photo:Google Images
Năm năm trước, khi Việt Nam gia nhập WTO, các nghị quyết của đảng CS đều liên tiếp lên giọng hứa hẹn một mức phát triển kinh tế cao, đời sống nhân dân được cải thiện, bảo đảm xã hội đang hướng đến mục tiêu dân chủ, bình đẳng, văn minh và hạnh phúc cho toàn dân. Nghe thật hay, như rót mật vào tai. Bức tranh tương lai lúc ấy hứa hẹn bao điều tốt đẹp, sáng lên một màu hồng, nức lên niềm hứng khởi lạc quan, theo như phác họa của những người lãnh đạo cao nhất và bộ máy tuyên huấn.

Nhưng thực tế thật phũ phàng. Bộ Chính trị luôn căn dặn nhìn thẳng vào sự thật. Thì đây, hiện thực trước mắt rõ ràng là một màu xám. Lạm phát vào loại cao nhất châu Á. Tham nhũng vẫn xếp hạng  112 của thế giới. Tự do báo chí còn tệ hơn, đứng thứ 153. Đại công ty quốc doanh Vinashin chìm nghỉm cuốn theo hơn 5 tỷ đôla, đại công ty quốc doanh VN Petro đang đứng bên bờ vực. Chứng khoán VN từ 600 điểm năm ngoái nay rơi tự do xuống còn 340. Xã hội băng hoại chưa từng thấy. Cướp đất, cướp của giết người khắp nơi, tàn bạo hơn, rộng khắp hơn. Từ trong đảng vang lên lời báo động đảng viên cộng sản sa sút đạo đức đến độ nghiêm trọng, số vào tù về tội ăn cắp của công, ăn hối lộ lớn, tham nhũng lớn hàng chục triệu đôla có nhân tố nước ngoài toàn là đảng viên CS cấp cao cả.

Những “kỷ lục” không lấy gì đẹp đẽ trên đây chứng minh đầy đủ đảng CS đã thất bại nặng nề trong lãnh đạo xã hội, nói một đằng làm một nẻo, kết quả thật sự bi đát, lời hứa danh dự quyết liệt chống tham nhũng chỉ là điều mỉa mai dối trá. Lời hứa đưa đất nước bay cao, ra khơi cũng trôi theo chiều gió. Tội lỗi lớn nhất của đảng CS, đặc biệt của Bộ Chính trị, là đã phung phí, tước đoạt của cải nhà nước, chia chác nhau tài sản quốc gia cho các phe nhóm cầm quyền trên quy mô lớn, để hầu hết cán bộ cấp cao đang tại chức đều trở thành đại gia giàu có – bổng và lộc gấp không biết bao nhiều lần lương danh nghĩa. Họ có nhà cao cửa rộng, biệt thự lớn nhỏ, tiền bạc, của cải thừa mứa, có tài khoản ngân hàng lớn cả trong lẫn ngoài nước. Nhiều người cùng con cháu ăn chơi ngông kiểu phá của - chơi cờ tướng ăn thua một ván 1 tỷ đồng, đãi nhau những bát phở bạc triệu, trong khi lương tối thiểu của công nhân viên chức chỉ quanh 1 triệu đồng/một tháng.

Cần chỉ rõ không ít đảng viên Cộng sản có quyền lực lớn đã phản bội lý tưởng và lời thề của mình, không còn thương xót kẻ nghèo hèn, bênh vực người bị bóc lột, trái lại họ trở thành những nhà tư sản lớn, địa chủ lớn, chủ địa ốc lớn, chủ chứng khoán lớn, nghĩa là những đối tượng họ từng coi là xấu xa nhất trong xã hội tư bản mà họ từng chủ trương loại bỏ không thương tiếc.

Mỉa mai hơn nữa là họ cố tình đi quên bài học vỡ lòng về đạo đức của người đảng viên CS là lo trước cái lo của thiên hạ và chỉ hưởng sau những gì người dân được hưởng. Nay họ lao đi “tiên phong” trong việc vơ vét tiền của của nhân dân không chút hổ thẹn, hối hả làm giàu bất chính ngay trên cái lưng gầy còm của đồng bào mình. Họ là tiêu biểu cho những kẻ bất nhân, bất nghĩa và bội tín. Chính họ tự xóa bỏ vai trò gương mẫu hy sinh, tự phủ định tính cầm quyền chính đáng của mình.

Chưa bao giờ uy tín của đảng lại sa sút tệ hại như ngày nay. Niềm tin của đông đảo nhân dân là điều quý giá nhất. Đánh rơi niềm tin và sự quý trọng là mất tất cả. Đông đảo nhân dân nay đã hiểu ra rằng đảng đã thoái hóa biến chất tận gốc rễ do lòng tham lam hưởng thụ quá lớn không sao kiềm chế nổi, từ những vị trí cao nhất, nhà dột từ trên nóc. Cấp dưới nhìn lên cấp trên, theo gương cấp trên, thậm chí ganh đua với cấp trên, thi nhau ăn cắp của công, tham nhũng trở thành phong trào chung, trở thành thời thượng, ai không tham gia là dại.

Người xưa quen nói tệ "dốt nát" - vì “dốt” nên “nát”, đất nước tan nát vì người cầm quyền ngu dốt. Không, họ đều có học cả, không ít thì nhiều. Chỉ vì lòng tham, lòng tham không hạn độ; đất nước ỳ ạch, không bay cao được, chẳng ra khơi nổi chỉ vì lòng tham. Tham nên mù quáng. Tham nên nát.

Do trong Bộ Chính trị cá mè một lứa, không có một ai thanh liêm trong sạch, không có một ai có uy tín lớn đối với dưới, đóng vai Bao Công duy trì công lý nghiêm minh, nên đảng có nguy cơ tan rã nhanh chóng, phân ra thành những phe cánh chỉ gắn bó với nhau bằng lòng tham và danh lợi.

Hãy nhớ lại sự tan rã của đảng CS của Ceausescu ở Romania, của Tito ở Nam Tư, của Honecker ở Đông Đức, gần đây sự tan vỡ các đảng của Bel Ali ở Tunisia, của Mubarak ở Ai Cập, của Gadhafi ở Libya, tất cả giống nhau ở chỗ oai phong hung bạo làm dân khiếp sợ, nhưng đồng thời cũng bị dân khinh ghét, oán thù vì bản chất cực kỳ tham nhũng. Các chế độ này đã có thời tác oai tác quái ghê gớm tưởng chừng sẽ tồn tại lâu dài, bỗng đột quỵ khi nhân dân bừng tỉnh, tay không vùng dậy xuống đường để tự cứu, và thành công.

Ở nước ta, tai họa tham nhũng đang trở nên tai họa gốc gác, trở thành kẻ thù nội xâm nguy hiểm nhất đe dọa tận gốc rễ uy tín vốn đã giảm đến mức tệ hại của đảng CS. Nó đe dọa đến cả sự tồn vong của chế độ. Nó tạo nên sự bất công kinh hoàng chưa từng có trên đất nước ta, người đã giàu ngày càng giàu sụ không giới hạn, người lao động lương thiện bị dồn vào nghèo đói cực nhục, oán hận chế độ đã hoàn toàn buông rơi mình. Cảnh bất công phơi bày ra trước mắt mỗi người: nhà cao, biệt thự, xe cộ đời mới nhất, cảnh ăn chơi phá của của các đại gia và bọn “con cháu các cụ” ngày ngày nuôi dưỡng sự khinh bỉ và lòng căm giận của quần chúng yêu chuộng công lý. Một số blogger tự do cho biết bà con thủ đô gọi họ là “chúng nó”, là “mafia đỏ”, là “bầy giòi bọ”, những tên “cướp ngày”, gần đây còn gọi là những tên “Gadhafi Việt”, hoặc “Mubarak châu Á”, hay “Ceausescu da vàng“ chờ ngày bị hỏi tội.

Quyết liệt diệt trừ tận gốc rễ quốc nạn tham nhũng, không có khu cấm, vùng cấm nào, không lần lữa bênh che, không úp úp mở mở như vụ án Securency, không thể chạy tội mãi cho viên Đại tá công an Lương Ngọc Anh và nguyên Thống đốc ngân hàng Trần Đức Thúy… khi chứng cứ đã quá đủ. Đó là con đường tất yếu tiên quyết để giữ cho chế độ khỏi tan vỡ như Liên Xô hay Ba Lan trước đây. Nhưng điều kiện để diệt trừ tận gốc rễ quốc nạn quái ác này lại là xây dựng nền pháp chế công minh, một nền tư pháp hiện đại, một loạt Bao Công thanh liêm lòng dạ sáng trong giương cao thanh gươm luật pháp sắc bén làm nản long, gây kinh hồn cho bọn gian thần. Muốn vậy không có con đường nào khác là thay đổi hẳn hệ thống cơ chế cầm quyến, chuyển từ độc đoán sang dân chủ, độc đảng sang đa đảng trong trật tự và pháp luật.

Trung Quốc hạ bệ, bỏ tù cả ủy viên Bộ Chính trị, xử tử hình cả tỉnh trưởng - ủy viên trung ương đảng, xử bắn một loạt đảng viên cấp cao tham ô trên 1 triệu Yuan, vậy mà vẫn bị người dân cho là quá mềm yếu trong chống tham nhũng, vẫn chỉ là xua muỗi, làm trò, hời hợt, giơ cao đánh khẽ, kiểu mỵ dân.

Một lần nữa, hãy nhớ lời khuyên chân thành của “Lão Lý” – ông Lý Quang Diệu. Cẩm nang 3 điểm:

-luật pháp thật nghiêm
-lương bổng đủ ăn
-truyền bá nếp sống giản dị trong sạch.

Để viên chức các cấp đều nhất loạt:

-không dám tham nhũng, rất sợ vào tù, sẽ nhục cho bản thân, vợ con, gia đình,
-không cần tham nhũng, cũng đủ sống, kinh tế lên mọi người được hưởng,
-không nỡ tham nhũng, tự coi tham nhũng là kẻ cướp, kẻ trộm, kẻ móc túi, ô nhục.

Ông Lý Quang Diệu dặn kỹ cán bộ các cấp phải coi đồng tiền là phương tiện chứ không phải là mục đích. Ông có tiêu chuẩn đi xe ô tô Mercedes đắt tiền nhất, nhưng chỉ đi xe Honda bình dân nhất. Vẫn lấy đó làm vui. Ông dặn: cử chỉ nhỏ gương mẫu có tác dụng hơn trăm lời nói suông về chống tham nhũng.

Riêng các khoản lãng phí và tham nhũng đủ kiểu hàng năm ở nước ta – hàng vài chục tỷ đôla - thừa đủ để nâng ngân sách lương bổng lên đáng kể. Hãy nhớ câu chuyện chủ tịch thủ đô trước đây vừa nhậm chức thì việc đầu tiên là lo sắm ngay chiếc xe con đắt tiền nhất, bị dân thủ đô chế diễu là cưỡi con trâu vàng 1 triệu đôla. Một anh nhà quê nghèo văn hóa hám của, vụ lợi, dại dột, học làm sang, mang nhục, bị coi khinh về nhân cách, tiếng xấu để đời.

Cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương 4/khóa XI vừa ra nghị quyết tập trung về củng cố, chỉnh đốn đảng, phục hồi đạo đức, kiên quyết chống tham nhũng. Biện pháp không có gì mới, vẫn chỉ là hô hào suông. Lại sẽ vẫn như cũ, mỗi lần tuyên chiến với nó, quốc nạn tai quái này lại lộng hành hơn, chén bẫm của cải của dân hơn, nó như ngạo nghễ cười khỉnh với 14 vị trong Bộ Chính trị rằng:”Tớ đâu biết sợ, vì tớ với đằng ấy tuy hai mà một, 2 chúng ta tuy một mà hai. Chả lẽ mình lại tự diệt mình à“.

Chính vì vậy nên nếu chọn con người tiêu biểu cho năm 2011 của nước ta, tôi chọn bà Lê Hiền Đức, con người yêu nước, thương dân theo hướng quyết liệt chống tham nhũng, chống bằng cả nghị lực và tài trí của mình, chống đến cùng, không nhân nhượng. Bà đích thực là người của tình thế.

Ông Trương Tấn Sang từng gọi kẻ tham nhũng là con sâu, gọi bọn tham nhũng là bầy sâu. Hy vọng ông thật lòng chống tham nhũng, tự tách ra khỏi bầy đàn tham ô. Ông nên áp dụng đúng lời khuyên của “Lão Lý” nói trên, ông nên chống tham nhũng quyết liệt như bà Lê Hiền Đức, nhưng hiệu quả sẽ gấp ngàn vạn lần vì ông ở vị thế chủ tịch nước. Ông nên tận dụng Uỷ ban trung ương chống tham nhũng, nhưng chọn kỹ lại phải toàn là người liêm khiết và có ý chí chống tham nhũng, nắm chặt bộ máy ấy. Ông và bộ máy ấy hãy ra tay quét bầy sâu lớn nhỏ ở mọi nơi, bền bỉ, nghiêm minh, thu hồi các tài khoản bất minh trả về cho ngân sách, tịch thu mọi tài sản bất chính trả về cho nhà nước. Ông hãy làm gương, đi xe con loại trung bình, ở nhà vừa phải, gương mẫu tiết kiệm trong chi tiêu công quỹ, giảm hẳn chi phí mọi mặt của Phủ chủ tịch, làm gương cho các bộ, cho các tỉnh thành. Cả xã hội sẽ hoan hỉ hơn Tết.

Nếu làm được việc đẩy lùi quốc nạn tham nhũng do tự mình ra tay và làm gương, ông Sang sẽ trở nên nhà lãnh đạo đáng quý trọng của nhân dân, được nhân dân hiện nay và hậu thế nức lòng ghi công. Nếu như năm 2012 Việt Nam từ vị thế thứ 112 về chống tham nhũng vọt lên thứ 50 hay 60 chẳng hạn do ông Sang ra tay, ông sẽ được cả thế giới ngợi ca, vì chống tham nhũng hiện là chuyện hàng đầu của mọi quốc gia.

Còn nếu ông Trương Tấn Sang cũng chỉ chống tham nhũng bằng mồm, vậy thì còn có những ai khác trong hàng ngũ lãnh đạo sẽ phất cờ cứu đảng và cứu nước đây? Nếu không, cả đất nước sẽ chìm đắm trong bất công và lạc hậu, biết bao giờ mới ngẩng đầu lên được, chỉ vì thiếu những nhà lãnh đạo kiên cường thật lòng chống tham nhũng.

Như vậy đất nước sẽ bế tắc rồi đột quỵ vì con quỷ nội xâm do chính đảng CS bao che và nuôi dưỡng. Xã hội sẽ rã rời. Sự thật hiển nhiên là như thế, không một ai có thể nói khác.

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Tính “đồng chí” hôm nay

Hồ Phú Bông

Chỉ nhắc lại vài chuyện cũ dưới đây thôi, vì hôm nay, ngày mai, hay ngày mốt những câu chuyện tương tự chắc sẽ còn tiếp diễn và có cơ nguy, mỗi ngày một nhiều hơn, hung dữ hơn và trắng trợn hơn!

Ngày 28 tháng 5 năm 2010, công an Thanh Hóa “cướp cò” giết chết tại chỗ cháu trai mới 12 tuổi và một người bị thương ở đầu, chết tại bệnh viện mấy hôm sau đó trong vụ chống “giải phóng mặt bằng” xây nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn! [1] Công an ở Nghệ An chỉ “bắn chỉ thiên” lại trúng lưng nạn nhân. Công an mặc thường phục ở Thái Nguyên, cũng bị “cướp cò”, làm nát đùi nữ sinh viên. Cũng tại Thái Nguyên, anh con trai và mẹ vì bất hòa về 3 con vịt nên mẹ anh nhờ công an bắt anh để “giáo dục cho nó ngoan hơn” nhưng, chỉ sau một ngày “giáo dục”, công an trả về cho bà cái quan tài chứa xác con với biên bản ghi là “bị ngã và có tiền sử sử dụng ma túy”! [2] Cháu Lê Xuân Dũng và ông Lê Hữu Nam bị ông Đội trưởng đội cảnh sát cơ động 113 Nguyễn Mạnh Thư bắn chết, đã đi vào lòng đất đến nay hơn 10 tháng nhưng mấy ai biết nội vụ trôi về đâu?