Hiển thị các bài đăng có nhãn Thụy My. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thụy My. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 1 tháng 9, 2021

Thụy My (RFI): Bắc Kinh đòi các tàu phải khai báo khi đi qua "lãnh hải" Trung Quốc

Cuối tuần qua, Bắc Kinh tuyên bố kể từ ngày 01/09/2021, tức là chỉ vài ngày sau khi thông báo, các tàu nước ngoài đi qua vùng biển được coi là « lãnh hải » của Trung Quốc phải khai báo các thông tin chi tiết.

Theo Hoàn Cầu Thời Báo, quy định mới của Cơ quan An ninh Hàng hải Trung Quốc yêu cầu các tàu ngầm, tàu nguyên tử, tàu chở vật liệu phóng xạ, dầu lửa, hóa chất, khí hóa lỏng và các chất độc hại khác phải cung cấp các thông tin khi đi qua « vùng lãnh hải » Trung Quốc. Ngoài ra, « các tàu có thể gây nguy hiểm cho an toàn hàng hải Trung Quốc » cũng phải tuân thủ quy định này.

Những tàu này phải khai báo tên, số hiệu, vị trí, cảng sắp ghé và giờ dự định đến nơi. Tên các vật liệu nguy hiểm và trọng tải của tàu cũng phải được báo cáo.

Trang The Interpreter của Lowy Institute có trụ sở tại Úc cho biết, việc dung hòa giữa vấn đề an toàn và tự do hàng hải đã được quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Theo công ước này, các quốc gia ven biển không được ngăn trở tàu ngoại quốc đi qua vô hại trong lãnh hải của mình, trừ trường hợp đe dọa đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các hoạt động vũ trang.

Vấn đề ở đây là khái niệm « lãnh hải » của Bắc Kinh. Theo điều 2 Luật Biển và vùng tiếp giáp của Trung Quốc ngày 25/02/1992, « vùng lãnh hải » là vùng nước tiếp giáp với lãnh thổ Trung Quốc, mà lãnh thổ đó được cho là bao gồm cả Đài Loan và các nhóm đảo khác như Điếu Ngư, Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (tức Trường Sa). Có nghĩa là nằm trong « đường lưỡi bò » mà Bắc Kinh tự vẽ, bao phủ gần như toàn bộ Biển Đông.

Một điểm nhập nhằng khác là chiến hạm các nước nhất là của Mỹ có thể bị diễn giải là « tàu gây nguy hiểm cho an toàn hàng hải Trung Quốc ».

Thứ Năm, 1 tháng 7, 2021

Thụy My (mục Điểm báo Pháp của RFI): Đảng Cộng Sản Trung Quốc, cỗ máy viết lại lịch sử

Đảng Cộng Sản của Liên Xô cũ chẳng bao giờ có dịp kỷ niệm 75 năm cuộc cách mạng 1917, còn đảng Cộng Sản Trung Quốc cầm quyền từ 71 năm qua, chưa bao giờ mạnh như thế. Tuy nhiên chế độ ngày càng độc tài hơn, cố tình xóa đi những chương đen tối trong lịch sử và trở thành mối đe dọa cho các láng giềng.

Cổ vũ chích ngừa để ngăn một làn sóng dịch mới, đầu tư quy mô cho ngành y tế, cuộc đua vào điện Elysée sắp tới, thất bại của đội tuyển bóng đá Pháp là các chủ đề chính của báo chí Paris hôm nay 30/06/2021. Trung Quốc cũng là đề tài rất được chú ý.

Trung Quốc : Mối đe dọa cho thế giới tự do


Bắc Kinh tưng bừng kỷ niệm 100 năm đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), do một nhóm trí thức thành lập vào tháng Bảy năm 1921 tại Thượng Hải, dưới sự giám sát chặt chẽ của Matxcơva. Bài xã luận của Le Monde mang tựa đề « Các nền dân chủ trước thách thức Trung Quốc » nhận định, từ đó đến nay, học trò đã qua mặt ông thầy. Đảng Cộng Sản của Liên Xô cũ chẳng bao giờ có dịp kỷ niệm 75 năm cuộc cách mạng 1917, còn ĐCSTQ cầm quyền từ 71 năm qua, chưa bao giờ mạnh như thế.

Cũng không có đảng nào lãnh đạo bằng ấy người lâu như vậy. Trong vòng 40 năm, Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới, mỗi ngày lại đào sâu thêm khoảng cách với đối thủ Ấn Độ và nhanh chóng tiến gần với Hoa Kỳ. Kinh tế Trung Quốc thậm chí còn có thể vượt qua Mỹ trước cuối thập niên này, và việc ngăn chận được đại dịch Covid làm gia tăng uy tín của đảng nơi người dân.

Tuy nhiên theo Le Monde, thành công này chưa hoàn hảo. Bởi vì kèm theo đó là vi phạm nhân quyền trầm trọng, ngăn trở các quyền tự do. Bởi vì dựa một phần vào mô hình phát triển không bền vững, và vì Trung Quốc xáo trộn trật tự quốc tế, bác bỏ đa phương mỗi khi thấy không có lợi.

Thứ Ba, 20 tháng 4, 2021

Thụy My (mục Điểm Báo Pháp): Bí ẩn về nguồn gốc Covid khuấy động xung đột Mỹ-Trung

« Thật kỳ lạ khi đại dịch lại xuất phát ngay chính thành phố duy nhất của Trung Quốc có được một phòng thí nghiệm sở hữu bộ sưu tập lớn nhất về virus corona trên loài dơi ». Nếu Covid khởi đầu từ vùng Essonne ở ngoại ô Paris, nơi đặt trụ sở một trong ba phòng thí nghiệm P4 của Pháp, thì ai có thể tin rằng đó chỉ là một sự ngẫu nhiên như Trung Quốc đang tuyên truyền ?

Trang nhất của Le Figaro hôm nay dành cho tổng thống Pháp, trong bài phỏng vấn độc quyền ông Emmanuel Macron khẳng định quyết tâm làm giảm tình trạng tội phạm, « vì quyền được sống yên ổn » của người dân. Libération quan tâm đến những người mà việc giải phẫu phải hoãn lại để dành chỗ cho bệnh nhân Covid, Le Monde nói về nỗ lực trị liệu của ngành y tế để những thủ phạm bạo hành tình dục không tái phạm. Les Echos cảnh báo « Nợ công, quả bom nổ chậm », khi nợ của 35 nước giàu nhất đã tăng gấp bốn lần trong 25 năm qua. La Croix đặt câu hỏi « Một hiệp ước nguyên tử Iran, liệu vẫn còn có thể ? »

Đại dịch xảy ra tại nơi có phòng thí nghiệm P4 : Ngẫu nhiên ?


Về quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Les Echos có bài phân tích « Bí mật về nguồn gốc Covid càng làm tăng thêm sự đối địch Mỹ-Trung ». Chính quyền Biden muốn buộc Bắc Kinh phải trả giá vì đã dối trá, giấu diếm nguyên nhân xảy ra đại dịch, đây sẽ là mối đe dọa nặng nề cho Trung Quốc.

« Vụ con virus thoát ra khỏi phòng thí nghiệm P4 một cách bí ẩn », nghe chừng như là tựa đề của một truyện phiêu lưu Tintin, nhưng lại là một thực tế đang làm gay gắt thêm cuộc đối đầu thế kỷ giữa Washington và Bắc Kinh. Giáo sư Matt Ridley của đại học Oxford khẳng định đây là một giả thiết khả tín, ông nói : « Thật kỳ lạ khi đại dịch lại xuất phát ngay chính thành phố duy nhất của Trung Quốc có được một phòng thí nghiệm sở hữu bộ sưu tập lớn nhất về virus corona trên loài dơi ».

Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2021

Thụy My (trích mục Điểm Báo của RFI): Dân các nước châu Á ngày càng thù địch với Trung Quốc

Les Echos nhận xét tại châu Á, tình cảm chống Trung Quốc không ngừng tăng lên. Nếu cứ tiếp tục ngạo mạn và hung hăng như hiện nay, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với tâm lý bài Hoa ngày càng lớn mạnh trên thế giới.

Dư luận quốc tế ngày càng thù địch với Trung Quốc


Về châu Á, Les Echos phân tích « Tại châu Á, tình cảm chống Trung Quốc không ngừng tăng lên ». Theo tờ báo, nếu không thay đổi mục tiêu, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với tâm lý bài Hoa ngày càng lớn trên thế giới. Tại Miến Điện, phong trào tấn công vào các lợi ích Trung Quốc có nguy cơ gia tăng thập bội, bên cạnh đó một bộ phận thanh niên Đông Nam Á tham gia trên mạng xã hội theo cách của mình, tạo thêm sức mạnh cho mặt trận này.

Hồi năm 2017 tại Davos, Tập Cận Bình không giấu sự hãnh diện khi Trung Quốc đóng vai trò lớn trong toàn cầu hóa. Vài năm sau đó, chính quyền Bắc Kinh gây ra không ít ngờ vực cộng với xu hướng chống Trung Quốc ngày một lan rộng. Biển Đông, Duy Ngô Nhĩ, Hồng Kông, Đài Loan : Trung Quốc mở ra nhiều mặt trận và phải gánh chịu làn sóng chỉ trích dữ dội, vốn hiếm khi nghe thấy cho đến nay.

Những « chiến lang » tức chiến binh sói, các nhà ngoại giao thế hệ mới tả xung hữu đột bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh, với thái độ vừa ngạo mạn vừa cố chấp, càng làm dư luận quốc tế thêm thù địch với Trung Quốc.

Bắc Kinh gây thù chuốc oán khắp nơi


Miến Điện là ví dụ mới nhất. Đầu tháng Ba, khi gọi vụ đảo chính của quân đội chỉ là « cải tổ nội các » và từ chối lên án, Bắc Kinh tạo cảm tưởng ủng hộ các tướng lãnh đảo chính. Người biểu tình đã tấn công vào các nhà máy Trung Quốc ở ngoại ô Rangoon, đa số là dệt may. Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất ở Miến Điện, khoe rằng đã tạo ra 400.000 việc làm, nhưng chính ảnh hưởng lớn lao về kinh tế đã khiến người ta phải cảnh giác. Không phải là ngẫu nhiên khi trong thăm dò, 3/4 người Miến Điện đòi hỏi Bắc Kinh phải tôn trọng chủ quyền lãnh thổ.

Thứ Tư, 17 tháng 3, 2021

Thụy My (mục Điểm Báo Pháp của RFI): Miến Điện - Dân trút giận vào Trung Quốc, giới sư sãi đứng ngoài

Tâm lý thù ghét Trung Quốc, vốn sở hữu những lợi ích kinh tế vô cùng to lớn ở Miến Điện ngày càng gia tăng. Ít nhất hai nhà máy dệt may Trung Quốc gần Rangoon đã bị phóng hỏa, các cơ sở của Đài Loan đã phải treo lá cờ màu xanh đỏ của Đài Bắc để phân biệt với công ty Trung Quốc. Bắc Kinh nói rằng « 32 nhà máy Trung Quốc đã bị đốt », đòi bồi thường thiệt hại 37 triệu đô la.

Tại Miến Điện, con số người biểu tình thiệt mạng tiếp tục tăng lên, hôm Chủ nhật ít nhất 50 người, và theo tờ The Irrawady được Libération dẫn lại, là 73 người, chỉ bốn ngày sau khi Hội Đồng Bảo An lên án. Trong sáu tuần qua, ít nhất 183 người biểu tình đủ mọi lứa tuổi hoặc chỉ là người qua đường, đã bị thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

Bên cạnh đó, có 2.156 người bị bắt hoặc bị kết án, chỉ có 319 người được trả tự do. Hàng loạt trí thức, công chức đình công nay đã vào tù ; và theo lệnh thiết quân luật tại sáu quận của Rangoon sau ngày Chủ nhật đẫm máu vừa rồi, tất cả những ai bị ra trước tòa án quân sự sẽ bị ít nhất ba năm tù khổ sai, internet thường xuyên bị cắt. Bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc thêm tội danh nhận hối lộ 600.000 đô là và 11 ký vàng.

Tâm lý thù địch với Trung Quốc ngày càng tăng


Dù bị đàn áp, cuộc biểu tình ngồi vẫn diễn ra hôm qua và thêm 15 nạn nhân. Nhà nghiên cứu Sophie Boisseau du Rocher nhấn mạnh đến lòng can đảm của người Miến Điện, họ đấu tranh để bảo vệ một mô hình dân chủ, đối kháng với mô hình độc đoán của Bắc Kinh, với một thiểu số quyết định thay cho đa số.

Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021

Thụy My (mục Điểm Báo của RFI): Mục tiêu hàng đầu của Trung Quốc - Biến Biển Đông thành ao nhà

Mục tiêu số 1 của Trung Quốc là biến Biển Đông thành ao nhà mình, đẩy người Mỹ ra bên ngoài. Rất có thể những sự cố trên biển sẽ thường xuyên diễn ra. Hải quân Hoa Kỳ luôn chiếm thượng phong, Bắc Kinh đang dần thu ngắn khoảng cách, nhưng dù đầu tư rất nhiều vào các tàu sân bay, quân Trung Quốc không có được những kinh nghiệm nhiều thập niên như quân đội Mỹ.

Libération ghi nhận « Tập Cận Bình đặt Trung Quốc vào tư thế chiến đấu ».Trong kỳ họp Quốc Hội, chủ tịch Trung Quốc vừa tự ca ngợi thành tích chống Covid và xóa đói giảm nghèo, vừa nhấn mạnh đến « răn đe chiến lược » và sáng tạo về quân sự, như để thách thức Washington và « phương Tây đang suy tàn ».

Tập Cận Bình đòi hỏi quân đội Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu


Tập Cận Bình đòi hỏi quân đội phải « sẵn sàng trong mọi lúc để đáp trả nhiều tình huống phức tạp và khó khăn ». Chủ tịch Quân ủy Trung ương nhấn mạnh đến « răn đe chiến lược ở cấp cao » và tăng cường sáng tạo công nghệ trong lãnh vực quân sự, hiện đại hóa để quân đội Trung Quốc được xếp trong những hàng đầu trên thế giới từ nay đến 2050. Ngân sách quốc phòng được tăng 6,8% trong năm 2021, đạt 260 tỉ đô la ; cộng vào đó là những chi tiêu cho nghiên cứu tăng 7% mỗi năm trong kế hoạch 5 năm.

Những xung đột với láng giềng của Trung Quốc là không thể đếm xuể, từ cao nguyên Himalaya cho đến Biển Đông, Đài Loan, tuy nhiên Mỹ vẫn bị coi là « mối đe dọa lớn nhất cho sự phát triển và an ninh của Trung Quốc ». Nhà Trắng xác nhận đang thảo luận về đối thoại cấp cao ở Alaska, một địa điểm trung lập đối với Trung Quốc, nhưng tuần này lý thuyết thống trị là « sự trỗi dậy của phương Đông và một phương Tây đang suy tàn ».

Tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc loan báo đã chấm dứt tình trạng cực nghèo, mà theo ông là một « phép lạ », tuy Trung Quốc định nghĩa người nghèo là có thu nhập dưới 2,3 đô la/ngày, trong khi Ngân hàng Thế giới quy định ngưỡng 5,5 đô la/ngày đối với các nước trung bình. Với « thành công » này, ông Tập đang xây dựng quyền lực cá nhân tương đương với Mao, chuẩn bị một nhiệm kỳ thứ ba và có thể trọn đời.

Mục tiêu số 1 của Bắc Kinh : Biến Biển Đông thành ao nhà Trung Quốc


Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

Thụy My (Mục Điểm Báo Pháp của RFI): Trung Âu - Trung Quốc thất bại khi ngạo mạn với Cộng hòa Séc

Báo Le Monde hôm nay 02/09/2020 nhận định ”Chuyến thăm Đài Bắc của một quan chức Cộng hòa Séc cho thấy Bắc Kinh đã thất bại tại Trung Âu”.

Chủ tịch Thượng Viện Séc, ông Milos Vystrcil đi thăm Đài Loan sáu ngày từ 30/08 đến 04/09/2020, trong khi các chính khách châu Âu không dám đặt chân đến vì sợ làm mất lòng Bắc Kinh. Thứ Hai 30/08 ông với các sinh viên tại trường đại học mà Vaclav Havel từng phát biểu năm 2004, và sáng hôm qua 01/09 trước Quốc Hội Đài Loan, ông nói bằng hai thứ tiếng Séc và Hoa ngữ ”Tôi là người Đài Loan”. Câu nói gợi nhớ đến câu của tổng thống Kennedy tại Berlin năm 1963 ”Ich bin Berliner” (Tôi là người Berlin), thông điệp cho tự do trước chủ nghĩa cộng sản.

Ban đầu thủ tướng Andrej Babis và nhất là tổng thống Milos Zeman nổi tiếng thân Nga và Trung Quốc đều không ủng hộ chuyến đi của chủ tịch Thượng Viện. Nhưng ông Milos Vystrcil thuộc cánh hữu đối lập, thân phương Tây vẫn lên đường với phái đoàn gồm các đại biểu đối lập và tự do, cùng với thị trưởng Praha có quan điểm chống Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang công du châu Âu đe dọa ông Vystrcil ”sẽ phải trả giá rất đắt”. Phản ứng thô bạo này khiến chính giới Cộng hòa Séc trở nên đoàn kết, đại sứ Trung Quốc tại Praha bị triệu mời để phản đối.

Nhà nghiên cứu Filip Jirous ghi nhận động thái mạnh mẽ hiếm hoi của ngành ngoại giao Cộng hòa Séc cho thấy sự thất vọng của giới tinh hoa nước này trước những lời hứa hão của Bắc Kinh. Tổng thống Zeman hồi năm 2015 đã mời chủ nhân tập đoàn CEFC của Trung Quốc vào chức cố vấn, hy vọng sẽ được đầu tư ồ ạt nhưng ông này bị bắt tại Bắc Kinh vì tham nhũng năm 2018. Các dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ “Con đường tơ lụa mới” thì vẫn lửng lơ.

Việc người tiền nhiệm của ông Milos Vystrcil đột tử hồi tháng Giêng trong lúc đang chuẩn bị đi Đài Loan khiến chủ đề này thêm nhạy cảm. Người vợ góa khẳng định ông bị lên cơn đau tim dưới áp lực mạnh mẽ của chính quyền Séc và Bắc Kinh yêu cầu hủy chuyến đi. Theo nhà phân tích Ivana Karaskova, có nhiều thuyết âm mưu và tuy không có gì chứng minh nhưng tất cả các quan chức Cộng hòa Séc đều tỏ ra rất thận trọng trước Trung Quốc từ sau vụ đột tử trên.

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2020

Thụy My (Mục Điểm Báo của RFI): Belarus - Giấc mộng cha truyền con nối của Loukachenko tan vỡ

Ngay từ khi lên nắm quyền, Loukachenko tổ chức lại cơ quan an ninh, vẫn giữ tên cũ là KGB. Nhiều nhà đối lập bị bắt cóc, ám sát hoặc mất tích. Đối mặt với những cuộc biểu tình rầm rộ hiện nay, mưu toan cho con trai cưng Nikolai một ngày nào đó lên nối ngôi đang dần tan thành mây khói.

Kinh tế Pháp trước dịch bệnh là chủ đề chiếm trang nhất của nhiều tờ báo Paris hôm nay, 26/08/2020. La Croix nói về trợ giúp của chính phủ Pháp cho các doanh nghiệp trong mùa dịch, Le Figaro nhấn mạnh "Trước Covid, các công ty được kêu gọi hãy lạc quan”. Libération chạy tựa ”Những gì người dân Pháp chờ đợi” ở tổng thống Macron, Le Monde cho biết ”Covid-19 : Lo ngại lại tăng lên tại các viện dưỡng lão”. Riêng nhật báo kinh tế Les Echos đề cập đến ”Một tập đoàn Trung Quốc làm rung chuyển tài chính thế giới”.

“Hoàng tử bé” Nikolai có mặt bên tổng thống “trên từng cây số”


Về tình hình Belarus, theo Le Figaro, “Giấc mộng cha truyền con nối của Loukachenko tan vỡ”. Đối mặt với những cuộc biểu tình rầm rộ, mưu toan cho con trai cưng Nikolai một ngày nào đó lên nối ngôi của ông Loukachenko đang dần trở thành bất khả thi.

Tờ báo mở đầu bài viết là hình ảnh đầy ấn tượng tối Chủ Nhật tuần trước, sau cuộc biểu tỉnh 100.000 người ở thủ đô Minsk. Tổng thống Alexandre Loukachenko bước xuống từ trực thăng, mặc áo giáp, mang súng AK. Nhìn quảng trường Độc Lập, nơi xuất phát cuộc biểu tình nay đã vắng lặng, ông phán : ”Chúng nó đã lủi như chuột !”. Người ta chú ý đến sự hiện diện của con trai ông là Nikolai, 15 tuổi bên cạnh, cũng đeo một khẩu Kalachnikov.

Nikolai hay còn gọi là “Kolia”, “Hoàng tử bé”, luôn có mặt bên cạnh cha từ năm lên ba, xuất hiện bên cạnh Obama, đức giáo hoàng... Cậu bé tóc vàng này thường được so sánh với hoàng tử William nước Anh. Cùng với video trên đây, Phủ tổng thống còn phổ biến một tấm ảnh khác : Loukachenko ngồi tại một chiếc bàn hội nghị lớn, thành viên tham dự cuộc họp chỉ có tùy viên báo chí của ông và… con trai cưng Kolia.

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

Thụy My/RFI: Thượng Viện Canada ra nghị quyết lên án Trung Quốc gây hấn tại Biển Đông

Các công trình xây dựng của Trung Quốc 
trên Đá Chữ Thập, Trường Sa, Biển Đông, 
nơi đang có tranh chấp với nhiều bên. 
(Ảnh vệ tinh do CSIS công bố ngày 6/06/2017 -- (CSIS)

Thượng Viện Canada hôm qua 24/04/2018 đã thông qua nghị quyết chỉ trích thái độ hung hăng và sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Tờ Globe and Mail xuất bản tại thủ đô Ottawa cho biết như trên.

Nghị quyết tố cáo « sự leo thang và thái độ thù địch của Trung Quốc », kêu gọi các bên tranh chấp tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không, theo như quy định của luật quốc tế và Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Bên cạnh đó cần chấm dứt việc xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông.

Việc Thượng Viện Canada điểm mặt chỉ tên Trung Quốc như vậy là hành động hiếm thấy, vào thời điểm chính phủ của ông Trudeau đang tìm cách mở ra các cuộc đàm phán về thương mại với Bắc Kinh. Nghị quyết được thông qua với 43 phiếu thuận trong đó có các lá phiếu của đại diện chính phủ đảng Tự Do, 29 phiếu chống và 6 vắng mặt.

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2018

Thụy My: Hàng không mẫu hạm, sức mạnh thống trị đại dương thế kỷ 21

Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson tại cảng Đà Nẵng, Việt Nam 
ngày 05/03/2018. -- REUTERS/Kham


Le Figaro hôm nay đặt vấn đề «Vai trò địa chính trị mới của các hàng không mẫu hạm là gì ? ». Những chiếc tàu sân bay đang quay lại với đại dương, không gian chiến lược mà nhiều Nhà nước đang bày tỏ tham vọng hơn bao giờ hết.

Câu hỏi đầu tiên : Vì sao hàng không mẫu hạm lại trở thành mốt ?

Trước đây người ta cho rằng chúng quá nặng nề chậm chạp, quá đắt tiền, và dễ tổn thương trước các lại vũ khí hiện đại chống hạm. Nhưng ngày nay, cơn sốt hàng không mẫu hạm lại trở nên mạnh mẽ nhất kể từ sau Đệ nhị Thế chiến. Nhà nghiên cứu Jean-Sylvestre Mongrenier của Viện Thomas More giải thích : « Hồi trước hàng không mẫu hạm được coi là lực lượng hỗ trợ, nhưng nay lại trở thành ưu thế chính của Hải quân ».

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2018

Thụy My: Trung Quốc bách hại người Công giáo không « yêu nước »

Một nhà thờ ở Trung Quốc. Ảnh minh họa.
Wikimedia

Le Figaro có bài phóng sự « Tại Phúc Kiến, các tín đồ trung thành với Roma phải trốn tránh để cầu nguyện ». Trong lúc Bắc Kinh và Vatican đang xích gần lại với nhau, những người Công giáo lâu nay từ chối quy phục đảng Cộng Sản lo ngại phải hành đạo theo Giáo hội « chính thức » dưới sự điều khiển của Nhà nước Trung Quốc.

Đặc phái viên Le Figaro ở Lạc Giang (Luojiang) cho biết bốn thế kỷ qua, từ khi các sư huynh dòng Đa Minh đến vùng Mân Đông ở phía bắc tỉnh Phúc Kiến, Công giáo đã bám rễ tại khu vực ngư nghiệp này. Các nhà truyền giáo bị cấm đoán trong hơn 100 năm vào triều đại nhà Thanh, cho đến khi phương Tây chiến thắng trong cuộc chiến tranh nha phiến thế kỷ 19. Sau đó cộng đồng Công giáo tiếp tục bị bách hại dưới thời Mao Trạch Đông, đặc biệt trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa.

Cho dù trải qua các thời kỳ căng thẳng dữ dội với chính quyền, niềm tin của giáo dân không hề suy suyển. Ông Zhang, một tín đồ 74 tuổi, kể lại : « Khi tôi còn nhỏ, tất cả các nhà thờ đều trở thành đống gạch vụn. Chúng tôi phải bí mật cầu nguyện tại nhà ».

Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

Thụy My: Biển Hoa Đông : Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn với Nhật Bản

Máy bay tiêm kích SU-27 của Trung Quốc 
trên không phận Biển Hoa Đông. Ảnh chụp ngày 24/05/2014 
và được Bộ Quốc phòng Nhật công bố. -- REUTERS

Tân Hoa Xã hôm qua 30/01/2018 bình luận, vào lúc quan hệ Trung-Nhật gần đây có nhiều tiến triển, Tokyo cần biến lời nói thành hành động nếu muốn cải thiện quan hệ. Thế nhưng về phía Bắc Kinh thì lời nói có gắn liền với hành động hay không ? Tác giả Ben Brimelow trên tờ Business Insider tố cáo « Quân đội Trung Quốc đang chuyển sang chiến thuật hung hăng hơn với Nhật Bản trên Biển Hoa Đông ».

Theo tác giả, các hành động khiêu khích của Bắc Kinh trên Biển Đông lâu nay thì đã quá rõ. Trung Quốc dùng đủ mọi biện pháp để tranh giành chủ quyền các hòn đảo tại đây với năm quốc gia khác, còn việc tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản tại Biển Hoa Đông tương đối ít gay gắt hơn.

Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Thụy My/RFI: Donald Trump làm lung lay thế giới tự do, Nga-Trung thủ lợi

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Maryland, 06/01/2018.
REUTERS/Yuri Gripas

Trong bài phân tích trên Le Monde mang tựa đề « Sự quan trọng về mặt lịch sử của ông Trump », cây bút Alain Frachon nhận định lợi dụng sự xuống cấp của tự do dân chủ do Donald Trump gây ra, đã giúp Nga và Trung Quốc thủ lợi.

Cứ mỗi lần Donald Trump gây rắc rối, có ít nhất hai « đồng nghiệp » đắc chí, đó là Vladimir Putin và Tập Cận Bình. Riêng về việc làm xấu đi hình ảnh của nền tự do dân chủ, ông Trump là vô địch. Tổng thống Mỹ tỏ ra rất tài ba trong khía cạnh này, ngay từ khi mới bước vào Nhà Trắng. Thái độ « lịch sự » mới nhất, gọi Haiti và các nước châu Phi là những nước « thối tha »,đã được lan truyền rộng rãi ở Matxcơva và Bắc Kinh. Truyền thông Nga và Iran đưa tin bằng tiếng Ả Rập, China Global Television Network phát ở châu Á và châu Phi…

Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

Thụy My/RFI: Nghi án Nga can thiệp bầu cử : Steve Bannon ra điều trần trước bồi thẩm đoàn

Ông Steve Bannon, cựu cố vấn đặc biệt 
của tổng thống Donald Trump, 
tại Washington ngày 16/01/2018. -- REUTERS/Joshua Roberts

Ông Steve Bannon, cựu cố vấn chiến lược của tống thống Donald Trump hôm qua 16/01/2018 đã từ chối trả lời các câu hỏi của ủy ban tình báo Hạ Viện Mỹ, về công việc của ông tại Nhà Trắng trong khuôn khổ cuộc điều tra về nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Song song đó, ông Bannon còn bị triệu tập ra trước một bồi thẩm đoàn, trong khuôn khổ cuộc điều tra về vụ Nga can thiệp vào chiến dịch bầu cử Mỹ. Thông tin này được tờ New York Times đưa ra, và nếu là sự thật, thì đây sẽ là lần đầu tiên một người thân cận của tổng thống thứ 45 của nước Mỹ phải ra điều trần.

Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

Thụy My/RFI: Châu Phi mơ về «Con đường tơ lụa mới» của Trung Quốc

Các doanh nhân dự hội thảo trong Diễn đàn đầu tư Trung Quốc 
- Phi Châu tại Marrakech, Maroc ngày 27-28/11/2017. -- CAIF

Các cơ hội từ « Con đường tơ lụa mới » và chính sách chuyển dịch sản xuất công nghiệp của Bắc Kinh, cùng với viễn cảnh đầu tư đã mang lại giấc mộng phát triển cho Châu Phi, nhân diễn đàn Trung Quốc – Châu Phi tổ chức tại Marrakech bắt đầu từ hôm qua 27/11/2017.

Hội nghị chiến lược về các nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc – Châu Phi quy tụ trên 400 doanh nhân trong đó có 150 người từ Hoa lục đến. Hãng tin Pháp AFP cho biết trong ngày khai mạc, ông Vương Dũng (Wang Yong), phó giám đốc Quỹ Phát triển Trung Quốc – Châu Phi, đã khẳng định ý hướng « đẩy nhanh việc hợp tác trong lãnh vực đầu tư ». Ông cho biết Đại hội Đảng Trung Quốc 19 họp hồi tháng 10 « đã đưa ra những dấu hiệu rõ ràng và mạnh mẽ : Trung Quốc phải tăng tốc chương trình Con đường tơ lụa mới ».

Trong không đầy 20 năm, Trung Quốc đã trở thành đối tác kinh tế số một của Châu Phi. Trao đổi thương mại đạt 190 tỉ đô la năm 2016, lớn hơn cả doanh số của Châu Phi với Ấn Độ, Pháp và Hoa Kỳ cộng lại – theo như số liệu được đưa ra trong diễn đàn.

Tú Anh, Thụy My/RFI: Nhân quyền Việt Nam : Human Rights Watch khuyến nghị châu Âu

Logo của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch. -- Wikipedia

Trước cuộc đối thoại nhân quyền giữa Bruxelles và Hà Nội vào tháng 12/2017, tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch công bố bản phúc trình về tình trạng đàn áp tại Việt nam trong hai năm qua và đưa ra một số khuyến nghị cụ thể. HRW đã lập trang mạng danh sách 105 tù nhân chính trị tại Việt Nam hồi tháng 10.

Bản báo cáo dài 6 trang, được Human Rights Watch công bố ngày 27/11/2017, liệt kê danh sách dài các trường hợp cụ thể ai bị đàn áp, bị đánh đập như thế nào, nạn « tự tử » trong đồn công an và thái độ của công an dung túng « côn đồ ».

Theo Human Rights Watch, từ tháng Giêng năm 2015 đến tháng 4/2017, ít nhất 36 blogger và nhà hoạt động dân chủ bị « những người mặc thường phục tấn công ». Nhiều nhà hoạt động nhân quyền bảo vệ dân oan, bảo vệ môi trường bị kết tội « vi phạm an ninh quốc gia » hoặc bị cấm xuất ngoại và sách nhiễu.

Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

Thụy My/RFI: Việt Nam được gì từ APEC ?

Lãnh đạo các nền kinh tế dự thượng đỉnh APEC, Đà Nẵng, Việt Nam: 
Hàng đầu từ trái qua: Tập Cận Bình, Trần Đại Quang, Joko Widodo. 
Hàng sau, từ trái qua: Rodrigo Duterte, Vladimir Putin, Donald Trump 
-- REUTERS

Hội nghị thượng đỉnh APEC đã được tổ chức trong hai ngày 10 và 11/11/2017 tại Đà Nẵng, và ngay sau đó đã diễn ra hai chuyến thăm Việt Nam cấp Nhà nước của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhận định về các sự kiện này, nhật báo The Diplomat cho rằng nước chủ nhà Việt Nam có vẻ đã tìm được một vị trí thoải mái hơn giữa hai đại cường.

Trong bài diễn văn chính tại hội nghị thượng đỉnh APEC 2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã gởi một thông điệp rõ ràng đến các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, yêu cầu các nước tự lo cho mình bằng cách đặt lợi ích quốc gia trên hết, giống như ông luôn luôn đặt « Nước Mỹ trước hết ».

Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

Thụy My: Tập Cận Bình, người cầm lái một Trung Quốc ngập nợ


Vào lúc Đại Hội lần thứ 19 của đảng Cộng Sản Trung Quốc khai mạc, sẽ tiếp tục trao quyền lãnh đạo nền kinh tế thứ nhì thế giới cho ông Tập Cận Bình, nhiều chuyên gia bày tỏ mối lo ngại trước hiện tượng kinh tế Trung Quốc chậm lại. Lần đầu tiên từ 1/4 thế kỷ nay, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể xuống dưới ngưỡng 6% vào năm 2018.

Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế FMI đã cảnh báo trước về nguy cơ ngày càng rõ nét là tăng trưởng Trung Quốc chậm lại do món nợ khổng lồ. Các cơ quan thẩm định tài chính Moody’s và Standard & Poor's đã hạ điểm về nợ của Trung Quốc. Tổng số nợ Trung Quốc, ngoài lãnh vực tài chính, có thể vượt qua 290% của GDP Trung Quốc từ đây đến 2022, so với 235% vào năm ngoái.

Thứ Ba, 3 tháng 10, 2017

Thụy My/RFI: Biển Đông : «Tứ Sa» còn tệ hơn cả «đường lưỡi bò»

Lính hải quân Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa ngày 09/02/2016. 
-- REUTERS/Stringer/File Photo

Tuần trước, báo mạng Washington Free Beacon có trụ sở tại Washington đã tiết lộ một chiến thuật mới của Trung Quốc trong mục tiêu độc chiếm Biển Đông : thay vì yêu sách đường 9 đoạn, thường gọi là « đường lưỡi bò », Bắc Kinh lại nêu ra khái niệm « Tứ Sa ».

Trong một cuộc họp kín với các viên chức bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vào ngày 28 và 29/08/2017 tại Boston, ông Mã Tân Dân (Ma Xinmin), cục phó Cục Hiệp định và Pháp luật thuộc bộ Ngoại Giao Trung Quốc, đã khẳng định « quyền lịch sử của Trung Quốc tại Tứ Sa ». Tờ báo cho biết các viên chức Mỹ tỏ ra rất ngạc nhiên về cách diễn dịch mới này.

Theo ông Mã Tân Dân, Trung Quốc có « chủ quyền và quyền hàng hải » kéo dài xung quanh bốn nhóm đảo ở Biển Đông là Đông Sa (Dongsha, tức Pratas Islands của Đài Loan), Tây Sa (Xisha, tức Hoàng Sa), Nam Sa (Nansha, tức Trường Sa), Trung Sa (Zhongsha, tức bãi cạn Macclesfield, là một bãi ngầm nằm cách Hoàng Sa 75 hải lý). Bắc Kinh gọi chung là « Tứ Sa », đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh nhóm đảo này.

Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

Thụy My/Thanh Phương/RFI: Hội Đồng Bảo An chuẩn bị họp về hồ sơ Rohingya

Người Rohingya chờ được phân phát hàng viện trợ 
tại Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 24/09/2017 -- REUTERS

Hội Đồng Bảo An sẽ họp vào thứ Năm 28/09/2017 để nêu ra vấn đề bạo lực tại Miến Điện và cuộc khủng hoảng liên quan đến người thiểu số Rohingya. Một nhà ngoại giao giấu tên hôm qua 25/9 cho biết như trên.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres sẽ phát biểu trước Hội Đồng nhân dịp này.

Liên Hiệp Quốc đã nhiều lần lên án nạn « thanh lọc chủng tộc » tại Miến Điện. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuần rồi thậm chí còn gọi là « diệt chủng », trong khi đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdodan nói về nạn « Phật giáo  khủng bố». Bảy nước gồm Mỹ, Pháp, Anh, Thụy Điển, Ai Cập, Kazachstan, Sénégal đã đề nghị Hội Đồng Bảo An họp bàn về hồ sơ này.