Hiển thị các bài đăng có nhãn Tự Lực Văn Đoàn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tự Lực Văn Đoàn. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2022

Trần Mộng Tú: Tình Yêu trong tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn

Thi sĩ Xuân Diệu, một thành viên trong Tự Lực Văn Đoàn (TLVĐ) đã viết: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu.”


Tình yêu và thơ rất giống nhau vì đó là hai “chủ đề” khó định nghĩa nhất. Nó là  hai thế giới không có lằn ranh, không ai biết bắt đầu từ đâu và kết thúc chỗ nào.


Thơ thì “Hay” và có ý nghĩa với tác giả nhưng với độc giả, phần nhiều: “Chẳng hiểu thi sĩ định nói cái gì?”


Tình yêu trong tiểu thuyết còn mông lung hơn nữa. Chấm dứt trong hạnh phúc hay trong nỗi buồn của những nhân vật đều do tác giả quyết định, không phải theo ức đoán của độc giả. Tác giả đưa ta đến một chỗ ta chưa nghe đến bao giờ, và làm cho ta tin đó là nơi chốn có thật, đặt nhân vật vào một hoàn cảnh vô lý rồi mặc ta tha hồ cười khóc hộ tác giả.


Nhưng cả tình yêu và thơ luôn luôn biến chuyển theo thời gian và không gian.


Hãy hình dung ra tình yêu của thời đại điện toán ngày hôm nay.


Thói quen thỉnh thoảng uống cà phê trong quán một mình, tôi mới có vào khoảng vài năm nay, và tôi thấy nó bỗng trở nên cần thiết. Ngồi một mình, muốn nghĩ gì thì nghĩ, nhìn ngang nhìn dọc ra ngoài cửa kính xem xe cộ, người đi, tha hồ tưởng tượng và đặt cho những nhân vật bên ngoài đó một cuộc đời, một cuộc tình hay một vai kịch mà mình thích cho họ đóng tùy theo dáng dấp, y phục, tuổi tác của từng người. Nhìn ra ngoài mãi, mới nhâm nhi hết một nửa ly cà phê, chán, lại nhìn trong quán ngay chung quanh mình. Ở Starbucks có những cái bàn đơn cho những cái laptop và một người lơ mơ ngồi viết hay đọc một cái gì không rõ rệt hoặc cho sinh viên làm vội bài trước khi đến lớp, cũng có đám ba bốn người họ chập hai cái bàn nhỏ ngồi với nhau uống cà phê trong giờ trưa của một cơ sở gần đó, cũng có cái bàn cho một cặp tình nhân trẻ, ngồi xuống không đầy mười phút cho một cái hẹn vội.


Hôm nay tôi vào Starbucks với một chồng sách của Tự Lực Văn Đoàn (TLVĐ). Chọn một cái bàn trong góc để ngồi lâu và không ai chú ý đến mình. Tôi đứng lên mua một ly cà phê đen, tự pha đường lấy, ngồi xuống nhâm nhi và ngắm nghía.


Trần Mộng Tú: Tình Yêu trong tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn (Tiếp theo)

Xóm Cầu Mới của Nhất Linh với mối tình giữa Siêu và Mùi hai anh em họ, con dì con già là một mối tình rất lạ.Trong đó, vai nữ cô Mùi là cô gái con một cụ Lang, ngoài việc cô xinh đẹp, đảm đang, tốt bụng, dễ tức, hay khóc, biết uống rượu và thích được say nữa, cô còn rất thông minh trong tình yêu, cô luôn luôn đoán trước được ý định của Siêu và gần như dẫn dắt Siêu trong cuộc tình của hai người; Siêu bị cô cuốn đi mà không biết, mặc dù Siêu là người am hiểu về đời sống, có học và lớn tuổi hơn cô. Lồng trong cuộc tình của Siêu-Mùi còn cuộc tình của Bé và Đỗi, chuyện tình của Bác Hòa hàng cơm và Nhỡ. Mỗi nhân vật có một cá tính riêng nhưng rất gần gũi đời thường, với văn phong tinh tế, dí dỏm, chi tiết và lãng mạn một cách trong sáng. Đọc xong cuốn truyện, gấp sách lại ta có một cảm tưởng nhẹ nhàng, khoan khoái, thấy truyện nó tự nhiên như thế, phải diễn tiến như thế, phải khép lại như thế. Nó tự nhiên đến nỗi cho người đọc cái cảm tưởng là: Nếu mình là Mùi, là Siêu, là Nhỡ, là Bé…thì mình cũng “Yêu” như thế.


Siêu hơn Mùi năm tuổi, nên khi Siêu bế ẵm Mùi là sự tự nhiên trước mắt mọi người, cho đến khi Mùi khoảng mười hai tuổi, đã hơn cả năm Siêu không còn bế nữa. Một buổi trưa cả nhà đi vắng, Siêu kéo Mùi nằm ngả vào ngực mình, Siêu cúi đầu vào tóc nàng, áp mặt vào má nàng và môi chàng đưa đi đưa lại mấy cái nhẹ trên má. Mới mười hai tuổi nhưng cô Mùi hình như đã biết thế nào là tình yêu, cô giơ hai tay ôm vòng lấy cổ Siêu, kéo đầu chàng xuống và để hai môi chàng đặt lên môi mình.


“Nàng không nhớ rõ lắm, mà nàng nhớ làm sao được rõ vì nàng có biết nàng làm gì lúc đó đâu; nàng bàng hoàng về một thứ khác; lúc đưa môi cho Siêu hôn không phải nàng chỉ cốt được cái thú Siêu hôn mình, có một thứ gì to tát hơn nhiều mà ngay lúc đó nàng chỉ cảm thấy mơ màng, không sao rõ được là thứ gì.” 


Siêu lúc đó mười bẩy tuổi, vốn tính nhút nhát chưa dám một lần nào ngồi nói chuyện với con gái. Mùi là em họ Siêu, nên chàng muốn thử hôn cho biết ra sao, nhưng chàng sợ vì thấy Mùi tự ý ôm lấy cổ chàng, đặt môi chàng lên môi nàng. Từ đó chàng lờ đi như câu chuyện chưa hề xẩy ra. Mùi còn bé quá, lại là em họ chàng, vẻ mặt Mùi lúc đó cũng không đẹp đến nỗi làm chàng mê đến dại dột. Chàng cũng không ngờ là Mùi yêu mình bắt đầu từ hôm đó.


Thứ Ba, 7 tháng 7, 2020

Đỗ Lai Thúy: Nhất Linh - Công Trình Hiện Đại Hóa

Người quay tơ đôi bạn tối tăm anh phải sống chứ sao đoạn tuyệt? 
Đời mưa gió lạnh lùng bướm trắng buổi chiểu vàng đâu nhỉ nắng thu?

Vũ Hoàng Chương (Câu đối khóc Nhất Linh)

Thường với các nhà văn, trong một con người bao giờ cũng có nhiều con người. Nhất Linh càng như vậy. Bởi thế, người ta có thể đến với ông từ nhiều phương diện: báo chí, văn học, mỹ thuật, văn hóa, chính trị... Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn ông ở những phương diện biệt lập thì dễ dẫn đến những ngộ nhận của kẻ sờ voi. Vậy, phải tìm một cách tiếp cận nào đó để có thể thống nhất được các mặt đối lập trong ông nhằm tạo ra một Nhất Linh duy nhất mà vẫn không làm mất đi sự đa diện ở một con người. Tôi nghĩ chỉ có thể đặt ông vào tiến trình hiện đại hóa của văn học dân tộc, đặc biệt trong bối cảnh văn hóa giai đoạn 1932 - 1940 của thế kỳ trước.

Từ năm 1900 đến năm 1932 là giai đoạn của những "trí thức Nam Phong", những người vừa giỏi Hán học vừa giỏi Tây học, muốn dung hòa văn hóa Đông Tây nhằm đặt nền móng lâu dài cho sự phát triển của văn hóa, văn học Việt Nam theo chiểu hướng hiện đại hóa. Họ đã dịch, biên khảo, giới thiệu những tư tưởng Đông Tây nhằm thâu thái lấy tinh hoa cho một nển quốc học đang manh nha. Tuy nhiên, đến 1932, xã hội Việt Nam đã trưởng thành một thế hệ trí thức mới, tạm gọi là trí thức Tây học bản địa, mà trình độ căn bản là Tây học hoặc hoàn toàn Tây học. Họ học trung học vào những năm 1925-1926 và trưởng thành vào đầu 1930. Mang nhiệt huyết của những phong trào đòi ân xá Phan Bội Châu và đưa tang Phan Chu Trinh, mang thất vọng bởi cuộc khởi nghĩa Yên Bái không thành công, họ dồn lòng yêu nước của mình vào xây dựng một nền văn hóa mới để thúc đẩy sự canh tân đất nước mau chóng hơn. Khác với thế hệ đàn anh, thế hệ này không muốn làm khảo cứu nữa, mà muốn sáng tác. Một phần để khẳng định tài năng cá nhân của mình, phần khác để nâng văn hóa Việt ngang bằng thế giới, giống như thế giới.

Trước đây, thế hệ trí thức Nho giáo Lê Quý Đôn muốn khẳng định văn hóa Việt Nam bằng việc làm cho nó trở nên giống như văn hóa Trung Hoa. Thế hệ trí thức Tây học bản địa cũng muốn khẳng định văn hóa Việt Nam bằng việc xây dựng nó giống như văn hóa châu Âu. Có lẽ, cho đến bây giờ chúng ta chưa đủ vốn và đủ bản lĩnh để không khẳng định giống, mà khẳng định khác với các nển văn hóa bên ngoài. Tuy vậy, tầng lớp trí thức Tây học bấy giờ cũng đã tạo dựng được một thời đại văn hóa hiện đại rực rỡ với những thể loại mới như Thơ Mới, tiểu thuyết hiện đại, kịch nói, tân nhạc, hội họa sơn dầu và sơn mài...

Triển Lãm - Hội Thảo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn nhân dịp Kỷ niệm 80 năm thành lập Tự Lực Văn Đoàn: tháng Bảy 1933 - tháng Bảy 2013

Phóng viên Tiểu Muội hỏi chuyện trưởng ban tổ chức Phạm Phú Minh

Phần I: Triển Lãm



Hỏi: Thưa nhà văn Phạm Phú Minh, được biết tờ báo mạng Diễn Đàn Thế Kỷ mà ông là đại diện sẽ tổ chức một cuộc Triển lãm và Hội thảo về hai tờ báo Phong Hóa, Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn vào hai ngày 6 và 7 tháng 7 năm 2013 tại hội trường nhật báo Người Việt. Đây là một sinh hoạt văn học hiếm thấy tại hải ngoại, ông có thể cho biết lý do tổ chức công cuộc triển lãm và hội thảo này không?

Đáp: Kể ra, tại các nơi có đông đảo người Việt Nam tị nạn trên thế giới lâu nay cũng có tổ chức những sinh hoạt liên quan đến văn học, với tầm vóc lớn nhỏ khác nhau, đề tài khác nhau. Ví dụ năm 1995 một nhóm thân hữu của nhà văn Võ Phiến có tổ chức một Đêm Võ Phiến tại Washington DC để nhằm vinh danh sự nghiệp văn chương của ông; một đêm tưởng niệm các nhà văn đã chết trong tù hay chết vì từng bị tù đày trong nhà tù cộng sản cũng đã được Hội Văn Bút Hải Ngoại tổ chức; ba tờ báo Thế Kỷ 21, Người Việt và Xây Dựng (San Jose) đã tổ chức Ngày Phạm Quỳnh (triển lãm và hội thảo) tại Little Saigon vào ngày 8 tháng 5 năm 1999; cuộc hội thảo "Văn học hải ngoại: thành tựu và tiềm năng" do các tạp chí Thế Kỷ 21, Văn Học, Hợp Lưu cùng tổ chức tại Little Saigon, Nam California vào ngày 27 tháng 01 năm 2007, v.v...

Vậy cuộc triển lãm và hội thảo lần này cũng là theo nếp các sinh hoạt cùng loại trước nó.

Hỏi: Nhưng lại là một đề tài khá xa trong quá khứ: về hai tờ báo và một văn đoàn được lập ra cách đây 80 năm. Có một động lực gợi ý cho quyết định này không?