Hiển thị các bài đăng có nhãn TỪ THỨC. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn TỪ THỨC. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2023

Từ Thức: Nghĩ về một ‘’chiến thắng lịch sử’’

Các nghệ sĩ tham dự Liên hoan phim Cannes (ảnh được chụp vào những năm 1990 và 2000). Wikipedia

Báo chí trong nước lại được dịp gáy khản cổ: Việt Nam vừa "đoạt chiến thắng lịch sử" tại đại hội điện ảnh Cannes. Quên rằng cả hai đạo diễn được giải, đều là những "khúc ruột ngàn dặm", đang sống và hành nghề ở nước ngoài, Trần Anh Hùng ở Pháp, Phạm Thiên Ân ở Mỹ, và đã gặp đủ khó dễ, cấm đoán ở Việt Nam. Trần Anh Hùng, sau khi phim Cyclo bị cấm chiếu ở Việt Nam, nói không muốn về thực hiện phim ở Việt Nam nữa

Là người Việt, không ai không vui mừng khi thấy người đồng hương thành công ở nước ngoài.

Nhưng thay vì vác cờ reo hò chiến thắng, những người nắm vận mệnh quốc gia cũng nên tự hỏi: tại sao nhân tài Việt Nam phải ra nước ngoài mới có thể hành nghề, mới phát triển được tài năng? 


Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2023

Từ Thức: Tô Thùy Yên. Kinh Khổ

Nhà văn, nhà báo Từ Thức

Tô Thuỳ Yên ra đi ngày 21 tháng 5/2019.


Những lúc lạc lõng, không biết mình đang ở đâu, đi đâu, nhiều người quay về với thơ phú, với thi sĩ. Nhất là một thi sĩ, ngoài cái ngổn ngang tâm sự riêng, còn chia cái đau chung của đồng bào. Một thi sĩ chứng nhân của một cơn ác mộng, một thời đại khủng khiếp, một thi sĩ mang cái đau của mình để nói lên cái đau chung của  cả một dân tộc. Dùng ngôn ngữ rất riêng tư, cái nhìn rất riêng tư, để nói thay những người đau, nhưng không biết diễn tả cái đau của mình.


Có người nói sách để đọc một vài lần, thơ để đọc cả đời, càng đọc càng thấm, mỗi lần đọc tìm thấy một cảm giác lạ, một xúc động mới. Nhất là khi thơ đã đạt, như thơ Tô Thuỳ Yên (TTY).


Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2023

Truyện ngắn Từ Thức: VVH

VVH là V.Văn Hoá. V. là cái tên tắt, vì đưa tên cúng cơm của thiên hạ ‘đi nhựt trình’ là điều nên tránh. Văn hoá là chuyện sẽ giải thích sau.

Tôi gặp lại V. trên phi trường trong khi chờ đổi máy bay. Tôi chờ đi Gibralta cho sở làm. V. đi Rio de Janeiro, dự một cái hội nghị gì đó.

V. nói gặp ông ở đây, may quá. Mấy lần tới Paris, gọi điện thoại cho ông, không thấy trả lời.

V. bô bô, những người chung quanh quay lại nhìn, làm tôi ngượng.


Cái ngượng ấy tôi cảm thấy mỗi lần gặp một đám du khách Tầu ở khách sạn hay tiệm ăn, gào thét như vỡ chợ. Ngượng lây vì da vàng, tôi không phải là người Tầu, chưa phải là người Tầu.


Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2023

Từ Thức: 48 năm và những câu hỏi nhức nhối

Nhà văn, nhà báo Từ Thức. 

 48 năm!

Gần một nửa thế kỷ trôi qua, vết thương vẫn chưa lành. Và chắc sẽ không bao giờ lành đối với hàng triệu gia đình, trong khi có những người khác, đứng đầu là nhà nước, có cơ hội ‘’hát trên những xác người’’ để ăn mừng chiến thắng. Có cơ hội để khoe khoang, đánh bóng quá khứ, để dân quên thực tại đất nước không có gì đáng kiêu hãnh.

Vài câu hỏi nhức nhối nhiều người đặt ra, hay tự hỏi. 

Thứ nhất, có nên tổ chức tưởng niệm ngày 30/4, nửa thế kỷ sau? 

Thứ hai, có nên tiếp tục hoạt động chống Cộng, trong khi ‘’càng chống, Cộng sản càng mạnh?’’

Thứ ba, mỗi người, dù chân yếu tay mềm, dù không phải là anh hùng, có thể làm gì, đóng góp gì cho công cuộc chung? (1)


1. CÓ NÊN TƯỞNG NIỆM MỖI NĂM?


Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Những câu hỏi cho ngày 30 tháng Tư

Đã 48 năm trôi qua kể từ khi nền dân chủ non trẻ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ và Việt Nam thống nhất trở thành một quốc gia độc tài toàn trị dưới sự cầm quyền của đảng cộng sản. Trái ngược với nước Đức, Đông Đức cộng sản chấm dứt tồn tại, nước Đức thống nhất trong một thể chế dân chủ tự do năm 1990 và ngày nay có thể nói gần như không người dân Đức nào phải băn khoăn về quá khứ, hiện tại hay con đường đi đến tương lai của đất nước, thì người Việt sau gần nửa thế kỷ vẫn có quá nhiều nỗi dằn vặt, quá nhiều câu hỏi phải đặt ra, quá nhiều vấn đề cần phải cùng nhau tiếp tục giải quyết vì một hiện tại và tương lai tốt đẹp hơn.


Nhân dịp này, Diễn Đàn Thế Kỷ đã đặt ra một số câu hỏi cho các văn nghệ sĩ trí thức trong và ngoài nước là nhà văn Nguyễn Viện hiện đang sống ở Sài Gòn - Việt Nam, nhà văn, nhà báo Từ Thức ở Paris - Pháp và nhà văn Võ Thị Hảo ở Berlin - Đức.


***

Nhà văn Nguyễn Viện, nhà văn, nhà báo Từ Thức và nhà văn Võ Thị Hảo.


Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2023

Từ Thức: Huxley, Orwell, Ionesco – Mô hình nào cho Việt Nam?

Đài truyền hình Pháp-Đức ARTE gần đây đặt câu hỏi: mô hình xã hội nào cho thế giới, Huxley hay Orwell? Aldous HUXLEY và George ORWELL, hai nhà văn tiên tri của thế kỷ 19, đã tiên đoán thế giới sẽ đi tới đâu dưới sự cai trị của các chế độ độc tài, toàn trị. Ngày nay, tất cả những gì họ tiên đoán đang xẩy ra trước mắt, khắp nơi, đặc biệt là bên Tàu

Cả hai đều nghĩ độc tài sẽ biến con người thành cái máy, không còn cá tính, không còn nhân phẩm, không suy nghĩ, không phẫn nộ, không bất bình, hoàn toàn vô cảm, chỉ biết cúi đầu tuân lệnh để được yên ổn thở, sống và hưởng thụ.

Câu hỏi rất đáng đặt cho Việt Nam. Khẩn cấp. 

                                                      

XÃ HỘI TÊ GIÁC


Có lẽ phải thêm mô hình IONESCO. Trong tác phẩm Rhinocéros, Những Con Tê Giác, Eugène Ionesco mô tả một xã hội trong đó mọi người trở thành những con tê giác, mặt mũi giống nhau, hình dạng giống nhau, suy nghĩ như nhau, nghĩa là không còn cá tính, không suy nghĩ, chỉ sống, cư xử theo bầy đàn. 


Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2023

Hải Di Nguyễn: 50 năm Hiệp định Paris: Việt Nam trên ván cờ chính trị thế giới

 27/1/2023 là tròn 50 năm ngày ký Hiệp định Paris, để Mỹ rút quân khỏi cuộc chiến Việt Nam. 

Nhìn lại Hiệp định Paris sau nửa thế kỷ, tôi phỏng vấn ông Từ Thức, ký giả của miền Nam có mặt theo dõi hội đàm từ đầu đến cuối; sử gia Lê Mạnh Hùng; và kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng, người sáng lập và đứng đầu Tập hợp Dân chủ Đa nguyên. 

Hiệp định Paris có những lỗ hổng nào? 

Hiệp định Paris là hiệp định chấm dứt chiến tranh, ký ngày 27/1/1973. Các bên đàm phán chính thức là Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Bắc Việt), Việt Nam Cộng hòa (Nam Việt Nam), và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam). 

Ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam “được coi như là một trong hai “bên miền Nam” trong khi ai cũng biết nó không có thực chất nào cả mà chỉ là một danh xưng rỗng nghĩa. Lực lượng cộng sản chiến đấu tại miền Nam hoàn toàn của Hà Nội và do Hà Nội điều khiển.


Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2023

Từ Thức: Bên bờ vực

Hai người lên tới đỉnh núi lúc trời vừa nhá nhem tối. Gã thanh niên vạm vỡ đứng ôm bụng thở dốc, mồ hôi chẩy trên mặt như nước mưa. Người đồng hành, một ông già râu tóc bạc phơ, y phục, dáng vẻ như một đạo sĩ, đứng ung dung ngắm cảnh, nhàn hạ như vừa uống xong một tuần trà.

Gã thanh niên nhìn vách núi dựng đứng, chân núi thăm thẳm, mất hút trong mây mù, nói hổn hển :

    - Con sợ thầy thực. Leo núi suốt từ sáng mà không biết mệt. Không biết bao giờ con mới tập luyện được như vậy.

    

Lão trượng vuốt râu, cả cười : 

    -Cần nhất là đừng sốt ruột. Phải tập luyện mỗi ngày, nhưng không tìm cách đốt giai đoạn. Một ông tướng nổi danh nói với binh sĩ :  hãy đi từ từ, chúng ta gấp lắm đẩy.

Khi mệt thì nghỉ. Ta ngủ đây đêm nay. 

    

Gã thanh niên lục trong cái túi cồng kềnh y vẫn đeo sau lưng ra một cái lều vải, lúi húi dựng lều. Ông già không cần lều; vẫn ngủ ngoài trời, lấy cỏ làm nệm, phiến đá làm gối. Sương, gió, nóng lạnh, ngoại vật không ảnh hưởng gì tới ông, muỗi không đốt, hay ông không cảm thấy muỗi đốt.

    


Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Từ Thức: Tôi

N. hẹn sẽ gọi khi trở về Paris. Tôi có thói quen không trả lời điện thoại vì, với đàn ông, nói chuyện qua điện thoại là một cực hình, câu chuyện không ra khỏi ''oui, non, ờ, vậy hả ?, OK'', nhưng ngày đó ngồi, nằm, đi lại, đánh răng hay tắm rửa, lúc nào cũng rình chuông điện thoại.


Suốt ngày N không gọi. Gọi, N không trả lời.

Đâm lo. Đời sống thiếu gì những bất trắc. Hôm qua truyền hình loan tin một trực thăng rớt xuống một tiệm ăn. Một xe lửa trật đường rầy. Những người đàn bà bị bắt cóc khi chạy jogging. Hàng ngàn người ở Á Châu vào nhà thương vì ăn lẹ, nghẹn cơm. Cuộc đời không phải là một con sông êm đềm

Đi ra đi vào không yên, bồn chồn, lửa đốt trong bụng.

Gởi cho N. vài cái SMS, vẫn không thấy tăm hơi. N. ở trong một tình trạng không thể xử dụng điện thoại di động?

Mở laptop, tính viết cho N. một e–mail. Ngạc nhiên thấy hộp thư trống, không nhận được một cái mail nào.


Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2022

Từ Thức: Thay Đổi Tư Duy, Dễ Hay Khó ?

Trong một bài trước (Tại sao, 47 năm sau, vẫn chưa có thay đổi ở VN?) (1), người viết đã đặt câu hỏi: tại sao, sau gần nửa thế kỷ, một chế độ kỳ quái là chế độ Cộng Sản (CS) vẫn ngự trị trên đầu gần 100 triệu người, ở thế kỷ 21 ?

Trả lời: bởi vì CS đã thành công trong công cuộc ‘’thụ nhân’’ (trồng người) ở miền Nam, sau khi đã thành công ở miền Bắc. 

Sau gần nửa thế kỷ, CS đã tạo được một thế hệ những người dân hài lòng với thân phận nô lệ của mình, không tìm cách ra khỏi nhà tù nữa. Những người nhai đi nhai lại những câu thần chú: ngày nay, VN không thua ai, có tiền là có tất cả; xứ nào cũng có tham nhũng; thời nào cũng có bất công.

Muốn thay đổi xã hội, phải thay đổi tư duy. 

Người dân chỉ đòi thay đổi chế độ, nếu ý thức được mình đang nằm trong một nhà tù lớn, ý thức được xã hội sẽ bế tắc, tương lai con cháu họ sẽ đen tối, nếu coi chuyện mất nước là chuyện của thiên hạ, không phải chuyện của một cá nhân nhỏ bé như mình. 

Hai câu hỏi đặt ra:

1.Thay đổi tư duy: dễ hay khó ?

2.Thay đổi tư duy: chuyện có thể làm được, hay chỉ là mơ mộng viển vông ? (2)


Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

Từ Thức: 30/4. Tại Sao, 47 Năm Sau, Vẫn Chưa Có Thay Đổi Tại V.N ?

30 tháng Tư. Đã đến lúc đặt câu hỏi nhức nhối: tại sao, 47 năm sau, vẫn chưa có thay đổi tại Việt Nam ? Tại sao thế giới đã biến đổi không ngừng, với một vận tốc chóng mặt, nhưng VN vẫn ù lì dẫm chân một chỗ, vẫn còn là một trong những nước hiếm hoi bám chặt, như đười ươi giữ ống, một chủ nghĩa đã bị nhân loại chối bỏ ?

1001 LÝ DO


Người ta đã nêu rất nhiều lý do, nhưng những lý do đưa ra có thực sự giải thích hiện tượng đáng buồn là chế độ Cộng Sản vẫn đứng vững ở VN ?


-Lý do lịch sử : VN là nạn nhân của chế độ thuộc địa, nhu cầu đòi độc lập, cuộc tranh đấu đòi tự do đã đẩy đất nước rơi vào quỹ đạo Cộng Sản quốc tế. Tệ hại hơn nữa, quỹ đạo Trung Cộng. Nhưng rất nhiều quốc gia đã là nạn nhân của chế độ thuộc địa, rất ít rơi vào rọ. Rất nhiều quốc gia đã bị chủ nghĩa CS cám dỗ lúc đầu, nhưng thức tỉnh kịp thời.


-Lý do địa lý: VN có cái bất hạnh là ở sát cạnh nước Tàu, nhưng VN không phải là trường hợp duy nhất. Trung Cộng giáp ranh với 14 quốc gia.


-Lý do chính trị: chế độ Cộng Sản tàn bạo, cai trị bằng khủng bố, cái sợ trở thành một bản năng để sống còn, một dân tộc tính; chính sách ngu dân, nhồi sọ của CS đã thành công trong nghĩa vụ biến người dân thành một đàn cừu.


Nhưng chế độ độc tài nào cũng tàn bạo, tàn bạo là một định nghĩa của độc tài. Điều đó đã không ngăn được các chế độ độc tài thi nhau sụp đổ. Chế độ Công Sản nào cũng cai trị bằng khủng bố, tẩy não, điều đó đã không ngăn được Xô Viết Nga tan rã, bức tường ô nhục Berlin sụp đổ, các nước Đông Âu tìm được tự do.


Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2022

Từ Thức: Bầu Cử Pháp - Nước Pháp, Âu Châu Đi Về Đâu ?

Mười ngày tới, 24 tháng Tư, nước Pháp sẽ biết ai sẽ là Tổng thống trong 5 năm tới: đương kim tổng thống Emmanuel Macron hay lãnh tụ cực hữu, bà Marine Le Pen.

Chuyện bầu cử Tây, chắc ít người ngoài nước Pháp lưu ý, vì Pháp không còn là cường quốc hàng đầu thế giới, nhưng lần này, kết quả bầu cử có thể ảnh hưởng lớn tới tương lai của cả Âu Châu, và cục diện thế giới, vì Pháp và Đức là nước cột trụ của Liên Hiệp Âu Châu, và Âu Châu đang đóng vai quan trọng trong cuộc đương đầu với Putine (Putin) ở Ukraine, dù không trực tiếp tham chiến.

Nếu Marine Le Pen đắc cử, nước Pháp sẽ cô lập, dần dần ra khỏi NATO (hay OTAN, tiếng Pháp), hờ hững với Liên Hiệp Âu Châu, thân thiện với Nga, từ chối những biện pháp kinh tế trừng phạt Putin, chấm dứt nỗ lực đi tới một quốc phòng chung của Âu Châu.

Không phải vô tình báo chí Nga mấy ngày nay chào mừng hy vọng chiến thắng của Le Pen.

Tóm lại, dân Pháp sẽ lựa chọn, không phải chỉ giữa hai ứng cử viên, nhưng giữa hai đường đi, hoàn toàn đối lập.

Một bên là Macron, 45 tuổi, theo chủ nghĩa kinh tế thị trường, mở rộng cửa với thế giới, củng cố Liên Hiệp Âu Châu, gia tăng nỗ lực quốc phòng Âu Châu, nhất là sau khi Nga xâm lấn Ukraine.

Một bên là Le Pen, 54 tuổi, theo chủ nghĩa quốc gia cực đoan, đóng cửa với thế giới bên ngoài.

Le Pen muốn áp dụng chủ trương ‘’France First’’, theo kiểu ‘’America First’’ của Donald Trump, quên rằng nước Pháp, với 68 triệu dân, chỉ là một nước nhỏ, khó đứng một mình, đối diện với Hoa Kỳ, Trung Cộng, Nga và các thế lực khác.

Liên Hiệp Âu Châu, không hoàn hảo như người ta mong muốn, vẫn là một chỗ dựa, bảo đảm an ninh quốc phòng, an toàn kinh tế cho 27 quốc gia hội viên của Liên Hiệp Âu Châu.


Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2020

Từ Thức: Cái Tôi Của Người Việt

Gặp một người bạn. Trong một giờ, anh ta nói về anh 57 phút, anh đã làm những gì khiến Tây phải le lưỡi. Ba phút còn lại, trước khi chia tay, anh ta mới hỏi : À, hồi này bạn làm gì, sống chết ra sao?

Tại sao cái tôi, cái "égo" của người Việt lớn thế ? Gặp không biết bao nhiêu người vỗ ngực, tự cho mình là vĩ nhân. Không phải chỉ vỗ ngực, còn trèo lên nóc nhà gào khản cổ : tôi giỏi quá, tôi phục tôi quá, tại sao tôi tài ba đến thế?

Một lần ngồi nhậu với 5 ông , có cảm tưởng ngồi với 5 giải Nobel văn chương. Nói chuyện với một ông bác sĩ trong hẻm, tưởng ông ta đã kiếm ra Pénicilline. Những ông như vậy, nhan nhản. Nói "ông", vì hầu như đó là một cái bệnh độc quyền của đàn ông. Như ung thư vú là bệnh của đàn bà.

In một hai cuốn sách tào lao tặng bố vợ, nghĩ mình ngồi chung một chiếu với Marcel Proust, Victor Hugo, Beaudelaire, Nguyễn Du. Lập một cái đảng có ba đảng viên, kể cả em gái và mẹ vợ, nghĩ mình là lãnh tụ, ăn nói như lãnh tụ, đi đứng , tắm rửa như lãnh tụ. Viết vài bài lăng nhăng, đầu Ngô mình Sở, nghĩ mình là triết gia, đại trí thức, sẵn sàng dẫn dân tộc đi lên ( hay đi xuống ). Học gạo được cái bằng ( chưa nói tới chuyện mua được cái bằng ), nghĩ mình đã kiếm ra điện và nước nóng.

TÔI, TÔI, TÔI


Một ông bạn in một tấm danh thiếp khổ lớn, dầy đặc những chức tước, trong đó có ‘’ nhà nghiên cứu ‘’. Những người quen không biết ông ta nghiên cứu cáí gì, lúc nào. Người viết bài này đáng nhận là nhà nghiên cứu hơn, vì thỉnh thoảng vào Google tìm mẹo trị mắc xương cá, hay cách nấu canh hẹ tầu hũ.

Bất cứ người Việt nào cũng là một cái nhà gì đó. Hơn một cái nhà, đó là những lâu đài

Cũng lạ, cái TÔI to tổ bố ở một xứ như VN. VN, xứ người ta nói ảnh hưởng văn hoá Phật giáo, tôn giáo của vô ngã , cái tôi không có . Nơi chịu ảnh hưởng Lão giáo, những người đã ra suối rửa tai khi nghe thiên hạ nhắc tới tên mình. Nơi người công giáo hành đạo nhiệt thành, và Công giáo coi vị tha, nghĩ tới người khác, là đức tính hàng đầu. Khổng giáo ? Khổng tử nói : biết, nói là biết ; không biết, nói là không biết ; thế là biết đấy. Người Việt ta cái gì cũng biết, quên rằng thỉnh thoảng nhận mình không biết là dấu hiệu của sự thông minh.

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

Từ Thức: Nhân Phẩm, Một Xa Xỉ Phẩm?


Một hình ảnh điển hình của xã hội VN ngày nay. Những thiếu nữ bị còng tay, gục đầu tìm miếng ăn.

Doanh nghiệp tổ chức cuộc làm nhục tập thể này nói đó là phương pháp huấn luyện nhân viên vượt qua mọi thử thách, để ‘’đạt mục tiêu trong đời, để có cuộc sống tốt đẹp hơn’’.

‘’Khi các bạn đang nỗ lực thì những người ngoài kia nỗ lực hơn các bạn rất nhiều. Thử thách này, nếu các bạn không vượt qua thì quá tầm thường’’, nghĩa là không xứng đáng trở thành…nhân viên bán hàng đa cấp !

Tóm lại, muốn có một chỗ đứng bán hàng kiếm tiền đong gạo, phải tự làm nhục, phải đặt mình ngang hàng với súc vật, phải quẳng vào thùng rác nhân phẩm con người.


Người ta hiểu hơn những thái độ, những hành động còn vô liêm sỉ hơn nữa, khi mục tiêu lớn hơn, hàng tỷ dollars. 

Angela Merkel nói: về nhân phẩm con người, chúng ta không thể nhân nhượng.

Ý thức về nhân phẩm, liêm sỉ là thành trì cuối cùng để ngăn chặn con người trở thành con vật, nhất là trong hoàn cảnh thiếu thốn, đói khát, trong một xã hội bất công, bệ rạc, tất cả có thể, và phải mua bằng tiền.

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020

Từ Thức: Giới hạn của sự chịu đựng

Những người như bà Tâm, gia đình bà Thêu, bắt họ rất dễ, dễ hơn mang quân ra Tư Chính, Hoàng Sa chống xâm lăng, hay vác đơn khiếu nại mất đất, mất biển đảo lên toà đại sứ Tàu. Nhưng chụp mũ họ rất khó. Trong khi truyền thống của cộng sản là chụp mũ cho nạn nhân, trước khi bỏ tù hay khai tử.

Không thể chụp cho họ cái mũ “ba que”: họ là nông dân, sinh ra, lớn lên trong lòng chế độ.

Không thể chụp cho họ cái mũ Việt Tân: họ không thuộc một tổ chức nào, không đòi lật đổ ai.

Không thể gán cho họ tham vọng chính trị: họ chỉ mong yên thân, cày cấy trên ruộng vườn của chính mình.

Họ chỉ là những người dân còn lương tri để nổi loạn trước những bất công trước mắt.

Bắt họ rất dễ, nhưng càng dễ, hậu quả càng tệ hại cho tập đoàn cầm quyền.

Hình ảnh trước mắt những người thờ ơ nhất, là cả một lực lượng an ninh được huy động để bắt những người đàn bà chân yếu tay mềm, những thanh niên tay không. Những người thuộc đám đông thầm lặng. Giữa lúc kinh tế cực kỳ khó khăn, sơn hà cực kỳ nguy biến, nỗi lo đè lên vai dân, nước ngập tới cổ.

Bắt họ rất dễ, nhưng không dập tắt được bạo loạn, trái lại, chỉ làm cho sự phẫn nộ gia tăng. Có thể làn sóng bạo hành, nhằm gieo kinh hoàng trên đầu dân, theo nguyên tắc Lê Nin. để nhắc dân ai là chủ, ai có quyền sinh sát trên đất nước này, sẽ làm giảm bớt các phong trào chống đối trong một thời gian ngắn, nhưng sẽ làm cho ngọn lửa bất mãn âm ỷ, chỉ chờ cơ hội để bùng nổ

“Sự bất công đưa tới sự nổi loạn, bất tuân luật pháp. Đó là một môi trường bất an đưa tới hỗn loạn”. (L’injustice appelle la révolte, le contournement des lois. C'est un environnement instable qui conduit au chaos. Didier Decourt)

Những kẻ gây ra sự hỗn loạn đó là tập đoàn cầm quyền.

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2020

Từ Thức: Chuyện Kỳ Thị

Chuyện xẩy ra khi tôi còn trẻ, nghĩa là chuyện cổ tích. 

Chạy xe trên xa lộ Paris-Caen. Một chiếc xe từ đằng sau, vượt ẩu, khi mình đã chạy vận tốc tối đa. Rồi ngoằn ngoèo trước mặt. như rắn say rượu.

Bực mình, tôi cằn nhằn:

-Cái thằng đen này, chơi trò gì vậy ?

Hai đứa con gái ngồi đằng sau. Cô lớn, 12, 13 tuổi gì đó, phản kháng:

-Mais ça n’a rien à voir avec sa couleur de peau! (Chuyện đó không liên hệ gì tới mầu da của anh ta !)

Con nít sống ở ngoại quốc, khi cần nói cái gì nhanh, hơi phức tạp, đều dùng tiếng địa phương. Câu đối đáp tiếp theo bằng tiếng Pháp, cho lẹ.

Bác tài hơi ngượng, chợt nhớ ở Âu Châu, con nít được dạy từ nhỏ kỳ thị chủng tộc là một điều cấm kỵ, thói xấu. Người ta nhìn nhận dễ dàng những tính xấu, trừ thói kỳ thị.

Thay vì nhận lỗi, nhưng một ông bố An Nam không thể xin lỗi, bèn chống chế:

-Đùa một chút, không được à ?

-Có những chuyện không đùa được !

Ông bố thấm đòn, cô ái nữ thứ hai bồi thêm:

-Et c (ce n’est) même pas drôle. (và câu đùa cũng chẳng có gì vui).

Nhờ con cái dạy bảo, từ đó ông bố bớt kỳ thị, bớt ngạo nghễ, và bớt nguỵ biện đôi chút. 

BẤT ĐỒNG VĂN HOÁ


Nhớ chuyện cũ, tôi nói với vài người bạn đồng hương: người ta có quyền phản đối chuyện cảnh sát đè cổ George Floyd tới chết, bởi vì ‘’lives matter’’, cũng như các bạn có quyền phản đối, đả kích những kẻ lợi dụng cơ hội để đập phá, ăn cướp. 

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2020

Từ Thức: TƯỞNG NIỆM TÔ THUỲ YÊN

Một năm đã trôi qua, ngày TÔ THUỲ YÊN từ trần.

Những lúc lạc lõng, không biết mình đang ở đâu, đi đâu, nhiều người quay về với thơ phú, với thi sĩ. Nhất là những thi sĩ, ngoài cái ngổn ngang tâm sự riêng, còn chia cái đau chung của đồng bào, của dân tộc. Còn là chứng nhân của một cơn ác mộng, một thời đại khủng khiếp. Như Tô Thuỳ Yên.

Nếu tình yêu dễ diễn tả qua thơ hơn là văn vần, hơn là diễn văn, cái đau thương uất nghẹn cũng vậy. Phải bao nhiêu trang mới nói được tất cả cái đau đớn trong 2 câu thơ Tô Thuỳ Yên, diễn tả cuộc chạy giặc:

Xứ khổ, gây chi mùa thảm khốc
Hỡi ơi trời đã bỏ rơi dân

Hay tia hy vọng le lói trong bể khổ: 

Xin cám ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui vì những chuyện lẻ loi

Người Việt làm thơ rất nhiều, nhưng thi sĩ, rất hiếm. Thi sĩ một mình một chiếu như Tô Thuỳ Yên (TTY) còn hiếm hơn nữa. 

Để tưởng niệm nhà thơ đã ra đi, không gì hơn là đọc lại ‘’ Ta Về ‘’. Tất cả ngôn ngữ, phong thái TTY phảng phất trong đó

Thơ TTY chững chạc, cổ điển như thơ Đường, nhưng mới lạ, táo bạo hơn thơ mới. Đạo mạo như một người đứng tuổi, một ông đồ già, từng trải, ngồi nhâm nhi bên tách trà, ngẫm nghĩ về nhân tình thế thái, về cuộc đời dâu biển:

Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ 
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay
Chỉ có thế. Trời câm đất nín 
Đời im lìm đóng váng xanh xao 

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2020

Từ Thức: Virus. Nước Pháp Đóng Cửa

Nước Pháp đóng cửa tất cả những nơi công cộng để đương đầu với coronavirus vì các chuyện gia cho rằng virus sẽ lan tràn như ở Ý, chỉ chậm hơn vài ngày. Nước Pháp, cũng như các nước khác ở Âu Châu, có trên dưới một tuần lễ để chuẩn bị, thi hành những biện pháp gắt gao để tránh kịch bản bi đát đã xẩy ra ở Ý. 

Thủ tướng Pháp Édouard Philippe quyết định đóng cửa, ngay từ 12 giờ đêm thứ Bẩy 14/03, tất cả những nơi công cộng không tuyệt đối cần thiết cho đời sống của quốc gia. 

Tất cả các tiệm ăn, tiệm café, rạp hát đóng cửa, các sinh hoạt văn hoá, xã hội, thể thao hủy bỏ. Chỉ còn được phép mở cửa những tiệm thực phẩm, tiệm thuốc tây, trạm xăng, ngân hàng, tiệm bán thuốc lá và các sạp báo. 

Các công sở vẫn mở cửa, nhưng huỷ bỏ tất cả những tụ họp, lễ hội. Các phương tiện lưu thông công cộng sẽ giảm bớt trong những giờ tới, dù chưa ngưng hoạt động, để tránh tình trạng quốc gia hoàn toàn tê liệt. 

Trước đó, nước Pháp đã quyết định cấm tất cả những cuộc tụ tập quá 100 người, đóng cửa tất cả các trường học các cấp, các nhà giữ trẻ và khuyến khích chuyện làm việc tại gia, nếu có thể 

Việc học hành vẫn tiếp tục qua internet. Những phụ huynh có con dưới 16 tuổi có thể ở nhà, tiếp tục lãnh lương như cũ trong ít nhất 2 tuần lễ, không qua một thủ tục hành chánh nào. 

30 TỶ EUROS 


Chính phủ Pháp đã quyết định áp dụng các biện pháp sau khi các chuyên gia Y tế cho hay mức độ lây lan như ở Ý sẽ diễn ra ở các nước Âu Châu, chỉ chậm một hay tối đa hai tuần lễ. 

Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2020

Từ Thức: Virus - Từ cái sợ của dân tới cái sợ của Đảng

16.000 công nhân hãng Domex ở Quảng Nam, ngày 4/2, đã đình công vì nghi một người Tàu trong công ty bị nhiểm coronavirus. Cái sợ virus lớn hơn cái sợ Nhà nước. 

Dân hết sợ: hơn cả những thiệt hại về nhân mạng, kinh tế, đó là điều mà tập đoàn cầm quyền e ngại nhất. Chế độ độc tài nào cũng xây dựng, và tồn tại, trên sự sợ hãi. Những bản án nặng dành cho những người chống đối, những cuộc đàn áp dã man không có mục đích gì khác hơn là reo rắc kinh hoàng, để củng cố quyền lực. 

Giao kèo 


Người dân, trước bạo lực, chấp nhận tất cả: một chính quyền thiếu khả năng, vô tư cách, tham nhũng, tàn phá môi trường, chà đạp nhân quyền, và ngay cả bán nước. Vì tất cả những điều đó có thể coi như “chính trị”, không liên hệ trực tiếp tới mỗi cá nhân. Nhưng virus là chuyện khác. Đó là cái chết trước mắt. Cái sợ virus lớn hơn cái sợ công an. 

Các chính quyền độc tài, dù độc ác tới đâu, dù quyền uy tới đâu, cũng luôn luôn muốn chứng tỏ họ bảo đảm an ninh cho xã hội, và cái giá của cái an ninh giả tưởng đó là sự hy sinh tất cả quyền làm người. 

Chính quyền độc tài chỉ sợ một điều: người dân thấy tập đoàn cầm quyền không nắm vững tình hình nữa, an ninh xã hội bị đe doạ. Khi đó, bạo lực hết hiệu quả. 

Sự liên hệ giữa dân và Đảng giống như sự liên hệ giữa mafia và người buôn bán. Giao kèo ngầm là tôi đóng tiền cho anh, tôi tự bịt mắt, bịt tai, bịt miệng trước những điều trái tai, gai mắt, cướp của, giết người của anh, với điều kiện anh bảo vệ an ninh cho tôi sống, cho tôi làm ăn. 

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2019

Từ Thức: Vinh danh người Việt - Sừng Tê



Ngồi tán gẫu với vài người Pháp. Lại có dịp được ngượng chín người, tiếc không có người đồng hương nào bên cạnh để ngượng chung. 

Trên TV , đài truyền hình Đức, Pháp Arte, vào giờ đông người coi nhất, trong chương trình thời sự ‘’ 28 Minutes ‘’ ( 14/12 ), chiếu một video về tệ trạng tàn sát tê giác để lấy sừng. 

Ngày nay, mặc dầu luật pháp các nước bảo vệ tê giác, chuyện chặt sừng một cách dã man vẫn tiếp diễn, vì vẫn có người tin là sừng tê giác có chất cường dương và trị bá bệnh. Tê giác bị đe dọa tuyệt chủng, loài tê giác trắng chỉ còn vài con. 

Trước kia, đề cập tới chuyện man rợ này, người ta chỉ đích danh người Tàu. Sau đó, người ta thêm : người Tàu và người Việt Nam, từ ngày VN càng ngày càng nhiều ung thư, càng ngày càng nhiều ‘’ đại gia ‘’, đầy tớ tỉ phú, sẵn sàng bỏ những số tiền khổng lồ để mua thần dược trị bá bệnh, và giúp các cụ phục vụ bồ nhí cùng một lúc với phục vụ nhân dân, ở cái tuổi gần đất xa trời .