Hiển thị các bài đăng có nhãn Tản văn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tản văn. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2023

Tương Lai: "Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông" (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 137)

Trong cơn lốc của những sự biến và hội họp biểu quyết liên miên với nhữn lời hùng biện đao to búa lớn, rồi thề thốt mùi mẫn, rồi tràng giang đại hải của những ngợi ca, bốc thơm bình luận của những “cây cao bóng cả”, rồi những “lũ ngẩn ngơ “Ong non ngứa nọc châm hoa rữa , Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa” của một “lũ ngẩn ngơ”* bỗng nhớ đến câu thơ của “thiên tài kỳ nữ” Hồ Xuân Hương “Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông…”* nhằm nhẹ nhàng mượn hình tượng thơ để chuyển tải đôi điều suy ngẫm. Thế thôi.

 Đứng xem chuông thì có gì phải nói? Tịnh không có gì phải bàn bạc, xem xét chỉnh sửa quan điểm lập trường, hoặc soi xem liệu trong đó có cài cắm ý tưởng chống đối hay xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách gì không, hoặc có luận điệu phản động nào trong đó không? Câu tiếp theo là câu tường thuật nôm na, hiền hoà pha chút tinh quái của nụ cười nghịch ngợm của bà chị xoa đầu lũ trẻ ranh :“chúng bảo nhau rằng ấy ái uông”* ,không có chút gì nguy hiểm cho chế độ cả.  

Ấy thế mà, đọc mấy cuốn sách do Nhà xuất bản Văn học trình làng từ cuối những năm 1982 cho đến 2002 [đấy là tạm dẫn trong 20 năm] trong các bài thơ của Hồ Xuân Hương được dẫn ra đều không có câu thơ trên. Thậm chí, trong “Tác phẩm và Dư luận”  kể cả những “dư luận” được dẫn ra từ những bài viết của những cây bút có uy tín, có trách nhiệm và phóng khoáng trong tư duy nghệ thuật cũng không có câu thơ nói trên. 


Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2022

Đào Như: Ngày hòa bình đầu tiên

Anh đến gặp tôi vào một sáng mùa Thu tại Chicago, cho tôi hay anh mắc phải bịnh co thắt động mạch chủ. Hiện giờ thường xuyên huyết áp lên cao, khiến anh nhức đầu kinh khủng đến độ nhiều lúc chán nản và vô vọng. Các bác sĩ giải phẫu tim mạch của bịnh viện Cook County–Chicago cho biết bịnh của anh cần phải được điều trị bằng phẫu thuật thay van. Nếu không, anh sẽ sớm phải gặp nhiều tai biến nguy hiểm đến tánh mạng. Còn nếu được giải phẫu, khả năng tử vong cao, nhưng nếu qua được, anh sẽ có cuộc sống vui vẻ hạnh phúc trong một vài năm. Các bác sĩ đã giới thiệu anh vào trong nhóm ‘Selfhelp Group’ gồm những người bị bịnh như anh. Trong bọn họ có những người chờ mổ thay van, cũng có những người đã mổ thay van trong vòng hai năm trở lại, phần nhiều họ là cựu chiến binh của Vietnam War, không một ai sống quá ba năm sau khi mổ.

Vụt anh đứng dậy, hai tay đấm mạnh vào tường, anh tức tối: tôi phải chết trong oan nghiệt thế này sao? Tôi phải chết trong cô đơn như thế này sao? Tôi chết như một kẻ vô gia đình, vô tổ quốc? Tôi chết trong thân phận lưu đày. Chiến tranh đã hủy hoại đời tôi và định mệnh vây bủa vùi dập tôi. Tôi là một phi công, tôi đã từng là pilot đưa các nhà ngoại giao, những vị nguyên thủ quốc gia, đi đến hơn 30 quốc gia trên thế giới. Tôi sống nhiều năm ở Pháp, Maroc, Alger, Marakech, Mỹ...Tôi biết cả trăm con đĩ và đàn bà của gần hơn cả trăm quốc tịch khác nhau. Tôi lái C130 rải thuốc dioxine khai hoang nữa...Và anh tự xỉ vả: như vậy đó, như vậy đó, tội ác của mày lớn lắm... 

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2022

Nguyễn Đức Tùng: Trà chiều

Hình minh hoạc, Pfüderi, Pixabay

Thỉnh thoảng bạn tham dự buổi trà chiều trong những quán trà thanh lịch của người Nhật, người Tàu, người Anh. Bạn nhớ ra rằng khi còn bé, cũng có những buổi như vậy. Sau một ngày giúp việc lặt vặt nhân kỳ nghỉ hè, một ngày đạp xe một mình loăng quăng đường cái quan làng này sang làng khác, bạn dừng lại, dựng xe đạp thềm nhà, mắc áo sơ mi đẫm mồ hôi lên cánh cửa, sau những cơn gió từ đồng lúa, sau tiếng động ồn ào bên đường, bạn ngồi xuống giữa người khác, mình trần, nhắm mắt lại. Bạn nhìn thấy ánh nắng ngả màu vàng nhạt, buồn buồn, chiều tới sớm, mặt trời lấp ló sau lá thưa, bóng nắng di chuyển trên mặt đất thơm hương, mùi lá lúa mới cắt lặng xuống, mùi rơm rạ, tảng đá bốc lửa bay hơi mờ mờ. Trước khi đêm xuống, mọi người tụ tập lại lần nữa trước chia tay. Mọi người nghĩ đến việc ăn và uống một thứ gì. Có người bắc ấm nước lên bếp lửa đun bằng củi sim hay tre nành khô mới lượm. Một người khiêng đâu về rổ bắp tươi mới hái gần sông, bạn tò mò mở mấy lớp vỏ xanh ra coi, những hạt bắp trắng bóng như răng sữa trẻ con, tròn như hạt cườm, mùi thơm của râu bắp mát rượi. 

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

Đào Như: Tìm lại thiên đường

Tôi đi tìm màu xanh hòa bình trong suốt hơn bốn mươi lăm năm xuyên qua màu khói lửa của thời hậu chiến. Tôi gặp toàn ánh mắt buồn của các anh em nhìn nhau qua lô cốt của những pháo đài cũ của hai chiến tuyến. Những lời uất hận, ăn năn, tự thú, tự đáy lòng chưa kịp thốt lên. Những cảnh huống nghiệt ngã của chiến tranh còn đọng lại trong mắt từng người chiến binh, từng người mẹ, từng người vợ, từng người con, từng người góa phụ. Nỗi băn khoăn trăn trở vẫn còn nguyên đó. Nghĩa trang quốc gia Arlington, Virginia, lặng lẽ soi mình dưới dòng sông Potamac. Tôi đã đi qua những thổ ngơi, những nghĩa trang của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa ở Biên Hòa, tôi đã từng nghe tiếng khóc của mẹ tìm xác con, của vợ tìm xác chồng suốt dọc các nghĩa trang ở Trường Sơn. Những buồn tủi khôn nguôi của những chinh phụ hai bên bờ biển Thái Bình Dương, chờ người chinh phu không bao giờ trở lại trong những đêm chăn đơn gối lẻ...

Cuộc chiến Vietnam War đã giết chết: 59,000 thanh niên yêu nước Mỹ và gây ra 270,000 thương bịnh binh Mỹ. Hàng trăm ngàn Vietnam Veterans là nạn nhân của “hội chứng hậu chiến”-Post Traumatic Stress Disorders Syndromes- PTSD. Trong khi đó Việt Nam có hơn 4 triệu người (bằng 1/10 dân số Việt Nam vào thời đó) quân đội và thường dân bị giết chết; hơn 4 triệu thường dân, thương bịnh binh và có trên 10 triệu cô nhi quả phụ bị lãng quên sau cuộc chiến. Hơn 200,000 gái mãi dâm ngơ ngác thất lạc ngay chính trên quê hương mình. Với hơn 19 triệu gallon dioxine, thuốc độc khai hoang, một loại vũ khí chiến lược diệt chủng nguy hiểm nhất của Mỹ đã thả xuống suốt dọc vùng núi rừng Trường Sơn, đồng bằng sông Cửu Long và khắp ruộng vườn miền nam Viêt Nam. Với chừng ấy số liệu của tội ác chiến tranh, tưởng chừng không ai có thể vượt thoát để quên đi cái quá khứ man rợ ấy của loài người.

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2019

Tống Văn Thụy: Nắng Mùa Thu Trên Thành Quách Cũ



‘’Con đã đi bao năm/ mẹ không rời ngưỡng cửa/ và nay/gió cũng tang bồng…’’ (Ngô Kha). Tôi quay về Huế trong gió hiu hiu và nắng vàng thắm thiết mùa thu. Nếu có một thành phố trên đất nước tôi mà bước thời gian xào xạc trên cỏ lau, in dấu trên thiên nhiên, thành quách, đền đài và cả con người… thì có lẽ chỉ là Huế.

Sau mấy cơn mưa đầu mùa, Huế dường như được tắm gội, trời xanh vươn cao, hàng cây bên đường sà xuống thấp. Lá xanh mướt. Con đường Đoàn Thị Điểm chạy trước cửa Hiển Nhơn và phòng thành phía Đông buổi sáng vắng xe. Bạn đưa tôi vào quán cà phê nhà rường không gian thoáng mát có cái tên phảng phất mùi thuốc Nam, hình như ngày xưa đây là Thái Y Viện của triều Nguyễn.

Quán đông khách, từ trong nhà ra đến sân vườn nhưng không gian trầm lắng. Khách ngồi quán phần lớn là phụ nữ. Thật thú vị khi nhấp tách cà phê nhìn bâng quơ thấp thoáng xuân thì.

Từ góc quán nhìn ra bờ thành Đại Nội, phía cửa Hiển Nhơn, lớp tường rêu bên ngoài đã bong tróc lộ ra những mảng màu gạch đỏ loang loang trong nắng. Nắng mùa này không gắt, chỉ thoáng chút cô liêu, thêm nỗi hoang mang hoài nhớ tháng ngày tuổi trẻ đã qua.

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2019

Đỗ Hồng Ngọc: “Để Làm Gì?”

André Maurois trong cuốn “Nghệ thuật già” (L’art de vieillir) có nói rằng khi nào trong đầu mình nảy ra cái ý “Để làm gì?” thì lúc đó mình đã già thiệt rồi!

Tôi vừa mới nói “già thiệt” phải không? Ấy, bởi vì lâu nay mình vẫn biết là đã già, đang già tốc hành, già khú đế mà vẫn cứ nghĩ là mình đang “già giả” thôi! Mà không phải mình tôi nghĩ đâu nha. Ông họa sĩ “trời ơi” là Picasso có cái hình này bạn coi nè.


Ông vẽ cái “già” chẳng qua chỉ là cái mặt nạ thôi, đeo chơi vậy, trong khi trong ta là một cậu thanh niên trai trẻ, tươi non, hừng hực lửa yêu thương đó thôi. Tôi vừa gọi Picasso là ông họa sĩ “trời ơi” phải không? Là bởi vì theo tôi, trường phái “trườu tượng” của ông thực ra chỉ vì ông có quá nhiều người yêu, vẽ mà như thực chắc chịu hổng nổi với mấy bà, bèn vẽ bà này cái mũi, bà kia cái mắt, bà nọ cái môi… rồi chồng chéo lên nhau thế là ổn cả, mặc cho các nhà phê bình nghệ thuật diễn giải, ổng chỉ cười tủm tỉm một mình thôi!

Tôi bây giờ cứ định làm gì đó thì bỗng nảy ra ý: Để làm gì? Chẳng hạn gặp một chuyện gì đó vui vui, hay hay, xưa thì đã “thư gởi bạn xa xôi” kể cho bạn nghe, hoặc cũng “Ghi chép lang thang” chút gì đó, nhưng nay “Để làm gì?”. Ngay cả những vấn đề cần tranh luận, cần giải thích, cần đưa quan điểm chung riêng gì đó, nhưng rồi cũng… “để làm gì?”. Vậy đó.

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Huy Phương - Thư viết cho con


Thay vì nhận những lời chúc tụng từ con, 
ba muốn dành một khoảnh khắc ngắn ngủi
 để cám ơn những gì con đã đành cho ba mẹ.

Câu hỏi con vẫn thường đặt ra với ba, là sang đây, con “không được thành đạt như con cái của bạn bè ba, vậy ba có buồn không?”

Hình như ba đã trả lời với con rồi, nhưng hôm nay, nhân ngày Nghiêm Phụ, ba muốn nói với, không những riêng con, mà với tất cả các con, sau này là những đứa cháu của ba nữa.

Về chuyện “thành đạt,” Dale Carnegie đã nói, “Thành công là đạt được những gì mình mong muốn. Hạnh phúc là muốn những gì mình đạt được.” Như vậy thì con đã “thành đạt” rồi. Theo cha mẹ sang đây, bù lại tuổi ấu thơ nhọc nhằn, con chỉ muốn có công ăn việc làm, được một mái ấm gia đình. Ðạt được những mong muốn đó, chắc chắn là hạnh phúc đã đến với con.

Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

Tuấn Khanh - Chiến Tranh là gì?

Ảnh minh hoạ (hình: internet)
Một ngày xế trưa của Saigon lười biếng và thinh lặng. Ngồi cùng với một đứa học trò nhỏ, sinh vào giữa thập niên 90, khi cả hai đang chăm chú đọc tin tức về chuyện quân Nga tràn vào Ukraine. Bất chợt tôi nghe hỏi: “Thầy ơi, chiến tranh ra sao?”.  

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Đoàn Thanh Liêm - Một chút Tâm Tình nhân Mùa Lễ Tạ Ơn năm nay



Đoàn Thanh Liêm - 

I - Tôi thật tâm đắc với câu nói rất xúc tích ngắn gọn, rõ ràng dễ hiểu dễ nói - với chỉ vẻn vẹn có 4 chữ thôi – mà lại được phổ biến rộng rãi khắp nơi trong dân gian. Đó là câu : “Ân Nghĩa Ở Đời”. Câu này chủ ý nhắc nhở cho mọi người phải luôn nhớ đến những ân huệ mình lãnh nhận được từ bao nhiêu người khác - và để đền đáp lại, thì mình phải biết cư xử thế nào cho xứng đáng với cái tấm lòng tốt đó của mọi người trong xã hội. Trong phạm vi nhỏ bé của một gia đình, thì đó là điều hiển nhiên rồi -  như trong ca dao tục ngữ thường nói đến. Cụ thể như những câu: “Công Cha, Nghĩa Mẹ”, “Tình Phụ Tử”, “Nghĩa Anh Em” v.v…


Nhưng trong phạm vi rộng lớn hơn là cuộc sống với nhân quần xã hội, với quê hương đất nước, thì cái Ân Nghĩa này lại càng nặng nề sâu đậm hơn. Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam, thì từ lâu nay xuất hiện một tổ chức tôn giáo có tên là “Phật Giáo Tứ Ân” hay là “Tứ Ân Hiếu Nghĩa” với chủ trương đặt nặng về Bốn thứ Ân Nghĩa như sau :
1 – Ân Tổ Tiên
2 – Ân Đất Nước
3 – Ân Tam Bảo
4 – Ân Đồng Bào.

 Ta nên chú ý đến hai mục số 2, số 4 là : Ân Đất Nước và Ân Đồng Bào - đó là lời nhắc nhở thật quan trọng về nghĩa vụ cụ thể đối với Quốc gia Dân tộc - mà không người dân nào lại có thể coi nhẹ hay sao lãng bỏ qua đi được. Vùng đất miền Tây Nam Bộ này tuy mới do bà con người Việt đến định cư khai phá từ mấy trăm năm dưới thời Chúa Nguyễn, ấy thế mà giới nông dân ở đây đã thiết lập ra được một tổ chức tôn giáo với  tôn chỉ tinh thần lành mạnh sáng suốt như vậy - thì rõ ràng đây là điều thật đáng phải đề cao và phát huy phổ biến cho thật tốt đẹp rộng lớn hơn mãi vậy.

II – Hiện chúng ta có chừng 2 triệu người Việt tỵ nạn định cư trên khu vực Bắc Mỹ gồm hai nước Canada và Hoa Kỳ. Mỗi năm, người dân tại cả hai nước này đều tổ chức mừng Ngày Lễ Tạ Ơn Thanksgiving vào tháng Mười ở Canada và vào tháng Mười Một ở Mỹ. Ngòai ý nghĩa tôn giáo truyền thống theo Thiên chúa giáo, Thanksgiving càng ngày càng có thêm tính chất thế tục – mà cụ thể là sự Xum họp Gia đình và Bằng hữu, sự bày tỏ lòng Biết ơn đối với xã hội, đối với đất nước nữa.

Và người Việt chúng ta, phần đông ai nấy cũng đều hoan hỷ tham gia cuốn hút vào trong Lễ Hội này – theo cái đà hội nhập êm thắm của những thế hệ di dân vào với dòng chính của xã hội sở tại ở Bắc Mỹ. Có rất nhiều người Việt đã viết về đề tài nói lên sự biết ơn đối với nhân dân Mỹ.  Điển hình nhất là tờ Nhật báo Việt Báo tại miền Nam California từ 15 năm nay đã có sáng kiến thật độc đáo là mở riêng một mục thường xuyên “Viết Về Nước Mỹ” để các độc giả tham gia trao đổi với nhau về kinh nghiệm sống trên đất Mỹ của mỗi người. 

Lại còn có một nhóm người khác đã quy tụ lại với nhau để tổ chức những buổi Tập hợp số đông quần chúng lấy tên là “Thank you, America” (Cảm ơn nước Mỹ) – để bày tỏ lòng Biết ơn của tập thể người Việt tỵ nạn đối với nhân dân và chánh quyền nước Mỹ - vì đã đón nhận và chăm sóc cho gia đình mình được định cư sinh sống an tòan trên đất nước này.

 Đó quả thật là những việc làm rất đáng khuyến khích ca ngợi, vì đã thực hiện đúng theo lời chỉ dậy của cha ông chúng ta xưa nay, đó là : “ Khi được ăn quả, thì phải nhớ đến kẻ trồng cây” vậy.

III – Tạ ơn Đời, Tạ ơn Người.

Trận cuồng phong Hải Yến vào đầu tháng 11 năm 2013 vừa mới đây đã tàn phá dữ dội đến độ kinh hòang tại Phi Luật Tân - đến nỗi cả thế giới đều phải mủi lòng và hiện đang ra sức góp phần tiếp cứu cho hàng vạn những nạn nhân xấu số ở đó. Riêng đối với số đông người Việt hải ngọai, thì đây cũng là một cơ hội để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đối với nhân dân nước Phi - vì họ đã ra tay cưu mang giúp đỡ bao nhiêu vạn những thuyền nhân Việt nam vào lúc liều mình chạy trốn khỏi chế độ cộng sản tàn ác hai ba chục năm trước. Nay những vị ân nhân đó đang gặp thiên tai nặng nề, thì công việc phải tiếp cứu họ nhất định là một nghĩa vụ luân lý đặc biệt đối với riêng người Việt chúng ta.

Và tôi thật vui mừng phấn khởi được thấy hiện đang có rất nhiều cố gắng nơi các cộng đồng người Việt ở hải ngọai để cùng nhau ra sức góp phần xứng đáng vào công cuộc cứu trợ rộng lớn này cho các nạn nhân ở Phi Luật Tân. Điều này làm chúng ta nhớ lại câu hát thật cảm động của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng từ trên 10 năm trước – cũng nhân vụ cứu giúp những thuyền nhân chúng ta bị kẹt lại ở Phi Luật Tân. Câu hát đó như sau : 
 Xiết tay nhau, cúi đầu gạt lệ. Tạ Ơn Trên : Người Vẫn Thương Người.

Đây thiết tưởng là những lời tâm tình chân thật nhất, có ý nghĩa sâu sắc nhất của số đông người Việt tỵ nạn chúng ta nhân dịp Mùa Lễ Tạ Ơn năm 2013 này vậy.

Costa Mesa California ngày 26 tháng 11 năm 2013
Đoàn Thanh Liêm


Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

Nguyễn Hưng Quốc - Tết, nhớ bạn

 Nguyễn Hưng Quốc

Mấy ngày Tết, buồn buồn, tôi mang tập Thơ chữ Hán của Nguyễn Du ra đọc lại. Thỉnh thoảng tôi lại ngừng lại, chẳng đọc được gì cả. Chỉ vì nhớ bạn: họa sĩ kiêm điêu khắc gia Lê Thành Nhơn (1940-2002).[1]
Kể từ lúc Lê Thành Nhơn qua đời vào cuối năm 2002 cho đến nay, tôi vẫn thường nhớ đến anh. Có khi nỗi nhớ đến một cách bất chợt, tự phát. Nhưng nhiều nhất là lúc tôi chọn cà vạt. Mấy năm trước ngày anh mất, sau một chuyến đi Pháp về, Nhơn có tặng tôi một chiếc cà vạt màu vàng. Đó không phải là chiếc cà vạt đẹp nhất hay cái màu tôi thích nhất. Tuy vậy, sau khi anh mất, mỗi lần chọn cà vạt, giữa hàng chục cái cà vạt đủ màu và đủ loại treo trong tủ áo, tự nhiên tay tôi hay mân mê chiếc cà vạt màu vàng nhạt ấy nhất. Thoạt đầu, tôi cũng không hiểu tại sao. Sau, một vài người bạn của tôi nhận xét: Chọn cà vạt vì nhớ bạn. Lúc ấy, tôi mới nhận ra điều đó. Một điều lẩn lút đâu từ trong vô thức.
Tết này, tôi không đi đâu nên không cần cà vạt. Tôi nhớ Lê Thành Nhơn vì một lý do khác: Tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Trước, tôi có hai cuốn. Cũng không nhớ vì sao. Nhưng tôi thấy cũng tiện: một cuốn để ở nhà và một cuốn để trong văn phòng. Bất cứ khi nào cần, cũng có thể với tay cầm cuốn sách ấy lên được. Một lần, Lê Thành Nhơn đến tôi chơi, mang theo mấy chục bức tranh minh họa Kiều bằng bút chì của anh.[2] Bức nào cũng đẹp. Hôm ấy, chúng tôi vừa nhâm nhi uống rượu vừa bàn về Truyện Kiều và về tranh minh họa Kiều của Nhơn cả mấy tiếng đồng hồ. Một lúc, nổi hứng, tôi lấy trên kệ xuống tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du do Lê Thước và Trương Chính sưu tầm và dịch thuật, tặng anh với ý nghĩ: để anh đọc thêm về Nguyễn Du, từ đó, có hứng vẽ thêm những bức tranh khác về Truyện Kiều. Sau này, anh khoe với tôi là rất thích tập thơ ấy. Cứ đọc đi đọc lại mãi.
Nhớ đến Lê Thành Nhơn, tôi cũng nhớ đến một người bạn khác: Huỳnh Bội Trân (còn có tên khác: Boitran Huynh-Beattie).
Thứ Sáu, ngày 13/1, khoảng hơn 11 giờ đêm, lúc tôi đang ở Canberra, một người bạn của tôi, Võ Quốc Linh, từ Sydney gọi điện thoại báo cho tôi biết là Bội Trân bị tai biến mạch máu não ở Singapore, nơi chị đang dự một cuộc hội nghị quốc tế về mỹ thuật. Anh nhấn mạnh thêm: Tình trạng rất nguy kịch, có lẽ sẽ không qua khỏi được. Mà đúng như vậy, mấy ngày sau, cũng Võ Quốc Linh báo tin Bội Trân đã qua đời. Chỉ một tuần trước Tết.
Tôi quen với Bội Trân là qua Lê Thành Nhơn. Khi làm luận án tiến sĩ về lịch sử mỹ thuật Việt Nam từ sau năm 1925,[3] Bội Trân tập trung chủ yếu vào mỹ thuật miền Nam trong giai đoạn từ 1954 đến 1975, ở đó, chị đặc biệt chú ý đến Lê Thành Nhơn. Chị gặp và phỏng vấn Lê Thành Nhơn khá nhiều lần. Trong đám tang Lê Thành Nhơn ngày 10 tháng 11 năm 2002, tôi đã mời chị lên phát biểu về sự nghiệp của Nhơn. Chị nói rất cảm động, vừa nói vừa giàn giụa nước mắt, đôi lúc dừng lại vì nghẹn ngào. Từ đó, tôi cảm thấy gần gũi hơn với Bội Trân. Chị thường tâm sự với tôi biết những dự án liên quan đến mỹ thuật Việt Nam mà chị đang thực hiện. Mà những dự án ấy khá nhiều. Người nhỏ nhắn và yếu đuối, nhưng chị lại làm việc gần như không biết mệt mỏi. Lúc nào cũng nghe nói chị đang làm một cái gì đó.[4]
Để tưởng niệm cả hai người, tôi xin đăng lại dưới đây một bài viết của Huỳnh Bội Trân về Lê Thành Nhơn đã được đăng trên Tiền Vệ (http://tienve.org).
Đọc lại để nhớ người bạn đã qua đời gần 10 năm về trước và để thương một người bạn khác vừa mới mất. - NHQ
***
Lê Thành Nhơn trong Việt Nam Diaspora
(Huỳnh Bội Trân)
Người ta sẽ nhớ gì về một tác giả sau khi tác giả đã qua đời? Dĩ nhiên trước hết là tác phẩm. Đó là căn cước cụ thể trung thực chứng minh cho tài năng. Lê Thành Nhơn thao lược từ điêu khắc, hội họa cho đến gốm; cái nào anh cũng làm “hết mình”, chữ của anh, đến nỗi người ta có thể tin rằng, một cách dị đoan, anh đã sống hơn một kiếp người với chừng đó tài năng; 62 năm hiện hữu của anh là một sự cô đặc.
Người đời sẽ nhớ đến Lê Thành Nhơn nhiều, nhiều hơn cả mức người ta có thể hình dung. Anh là nhân chứng đứng ở một ngả rẽ lịch sử của Việt Nam, và đồng thời anh là một tác nhân trong dòng lịch sử đó. Việc di tản của những người Việt Nam sau 1975 đã mở ra một hiện thực mới, một Diaspora Việt Nam – cộng đồng Việt Nam tha hương ở khắp các lục địa trên thế giới, Hoa Kỳ, Pháp hay Australia. Diaspora Việt Nam này cho thấy sức mạnh của tính Việt Nam, và Lê Thành Nhơn biểu lộ nó qua công việc của mình. Anh là bằng chứng rực rỡ nhất cho một Diaspora Việt Nam sống đàng hoàng trong một nền văn hoá khác, đi vào nền văn hoá khác bằng cổng chào. Năng lượng của một Diaspora Việt Nam ở chỗ nó không mất đi sắc thái của mình khi hội nhập vào xã hội định cư mà còn làm phong phú thêm chính mình và môi trường văn hoá chủ nhà. Anh là một trong những nhân tố trong Diaspora Việt Nam, và là nhân tố trội. Sự có mặt của Lê Thành Nhơn ở đất nước Kangaroo này là một “fair play”; anh không những đóng thuế như một công dân Úc, như mọi công dân khác, mà còn để lại những cái đẹp ngoài sức mong đợi của miền đất cưu mang. Anh là đối trọng của những nhân vật “ngày nào cũng ngồi chờ ăn giỗ ở nhà mẹ” (chữ của Lê Thành Nhơn) khi nhân danh bảo vệ truyền thống mà thực ra chỉ bào mòn nó.
Nhưng trước hết, người ta nhớ đến anh, vì anh nói lên tiếng nói của con người: lòng tin, niềm hoan lạc, nỗi trăn trở, tình yêu, sự khao khát, đam mê…
Lê Thành Nhơn làm việc nhiều, tác phẩm của anh ở trong nhiều bộ sưu tập của chính phủ và tư nhân khác nhau. Một màn điểm danh đầy đủ tác phẩm của anh sẽ cần đến một công trình nghiên cứu dài. Cái gì đã làm nên một dấu ấn Lê Thành Nhơn, hay phong cách Lê Thành Nhơn? Cái gì là mẫu số chung của những tác phẩm của anh từ điêu khắc, gốm sang đến hội họa? Có thể có nhiều ý kiến khác nhau. Riêng tác giả bài viết này tin rằng tính biểu tượng (Symbolism) và sự biểu cảm (Expressiveness) là hai thành tố có mặt trong mọi tác phẩm của Lê Thành Nhơn. Lê Thành Nhơn quí trọng truyền thống, nhưng không “ăn mày truyền thống” theo nghĩa sao chép những motif ngày xưa để vỗ ngực nói về một tính Việt Nam bất biến. Anh hiểu được mỹ thuật truyền thống của Việt Nam nằm trong khả năng khai thác tính biểu tượng, việc dùng một hình ảnh để miêu tả căn nguyên của một sự kiện khác, do đó khiến tác phẩm ôm ấp nhiều lớp nghĩa khác nhau. Đồng thời mỹ thuật sẽ không còn là mỹ thuật nếu nó không bộc bạch được cảm xúc và mang lại cho người ta cảm xúc. Vậy thì, biểu tượng và biểu cảm có thể so sánh với “lý” và “tình” mà người nghệ sĩ phải cân bằng khi muốn đưa tác phẩm của mình vào một cuộc đời lâu bền.
Chân dung của nhà soạn nhạc Hoàng Ngọc-Tuấn bằng đồng được miêu tả hết sức sinh động và đầy ngẫu hứng, giống như một bản tốc họa từ tay một họa sĩ tài ba, hay như một snapshot của một nhiếp ảnh gia nhà nghề. Lê Thành Nhơn giữ lại một khoảnh khắc tiêu biểu cho cá tính của một con người. Nhà soạn nhạc của chúng ta đang tròn miệng say sưa hát, má tóp vào, đôi mày nhíu lại trên cái trán vồ, hai bên trán li ti những đường gân. Chân dung Hoàng Ngọc-Tuấn là một biểu tượng cho tuổi trẻ Việt Nam sôi nổi, người ta tưởng như nghe được nhạc của Trịnh Công Sơn đang được hát từ bức tượng. Chất thô ráp mà Lê Thành Nhơn thể hiện trên chân dung này ngược lại với sự phẳng phiu đường hoàng của tượng Phật ở Canberra, nó cũng khác với tính biểu hiện trong tác phẩm Joy đặt ở sân trường Monash. Ngoài cái giống về diện mạo, Lê Thành Nhơn còn lột tả được tinh thần của người bạn trẻ của ông, và nếu chúng ta biết rằng Lê Thành Nhơn đã làm tượng này từ trí nhớ chỉ sau một lần gặp lại duy nhất ở miền đất định cư. Hai nhà văn nghệ làm bạn với nhau từ ở Việt Nam khi Lê Thành Nhơn giảng dạy tại Trường Đại Học Duyên Hải ở Nha Trang từ 1973 cho đến 1975. Năm 1985, Hoàng Ngọc-Tuấn trình diễn trong một buổi hoà nhạc ở Collingwood Town Hall tại Melbourne, và ngạc nhiên vô cùng khi buổi diễn kết thúc, khán giả Lê Thành Nhơn đã bước lên sân khấu ôm chầm lấy anh. Hai người bạn cũ hội ngộ được hai ngày ở Melbourne thì Hoàng Ngọc-Tuấn phải quay về Sydney. Chỉ hai ba tháng sau, Hoàng Ngọc-Tuấn nhận được món quà từ Lê Thành Nhơn với lời nhắn nhủ: “Tôi đóng đinh bạn như là người ta đã đóng đinh Chúa Jesus, bạn là người duy nhất còn sống mà tôi làm chân dung. Bạn phải đi cho hết con đường nghệ thuật của mình”. Khi đó Hoàng Ngọc-Tuấn còn là một “tên Việt Nam mới định cư, cầu bơ cầu bất” như lời anh tự nhận xét, còn Lê Thành Nhơn thì đang làm nghề bán vé trên xe điện với mức thu nhập không phải là dồi dào cho việc đúc đồng một tác phẩm mang đi tặng bạn. Đó là sự hào phóng của dân miền Nam mà không phải dân giàu có nào cũng có thể sánh kịp. Đó là một lời tiên tri của một tâm hồn nghệ sĩ lớn, thấy được sự phát triển sắp tới trên cái nền tảng hiện hữu. Đó là sự mẫn cảm của tài năng thiên phú Lê Thành Nhơn cộng với trí nhớ mang tính thị giác kỳ diệu của nghệ sĩ. 


Một tác phẩm của Lê Thành Nhơn nữa cũng mang đầy tính biểu tượng: Tuổi Già, 1987, trong loạt điêu khắc Sinh Lão Bệnh Tử của anh. Tuổi già qua tay Lê Thành Nhơn là một nhân vật chống gậy lưng khòm, hai yếu tố tiêu biểu cho mọi người già. Tuy nhiên lưng khòm biến thành một đường thẳng ngang đối lập với bước chân xoạc dài tạo ra một đường cong. Tuổi già của anh là cái nhìn lạc quan về quãng đường mà con người đó đã đi qua, bước chân xoạc dài. Chiếc gậy chống tạo ra một lực để con người đó hướng về phía trước. Như vậy hình thể và đường nét được xử lý vô cùng thích đáng và tinh tế để nói lên tinh thần nhân bản của Lê Thành Nhơn trong nghệ thuật. Anh yêu cuộc đời và con người biết bao để có thể cảm nhận tuổi già một cách tích cực như vậy! Ấy vậy mà anh không có tuổi già. 
 




Chiếc lục bình Hai Bà Trưng là một tác phẩm gốm độc đáo cao 87 cm, đường kính 96 cm, thực hiện năm 1988. Phù điêu cao trải tràn trề trên thân cái lục bình truyền thống kể lại lịch sử Hai Bà Trưng cưỡi voi đuổi giặc. Những vầng mây sóng cuộn nâng đỡ và theo đuổi những tráng sĩ cầm gươm xông pha trên lưng ngựa, một đoàn quân ra trận khí thế oai hùng. Các nhân vật và chi tiết phụ trồi lên trên mặt phẳng ở nhiều độ cao khác nhau chạy tròn theo thành bình làm thành một nhịp điệu dồn dập. Và khi đưa mắt mình đi theo vòng tròn của tác phẩm để đọc những chi tiết ấy, người xem bất giác hiểu ra rằng lịch sử có rất nhiều khúc quanh và nếp cuộn ẩn nấp. Hình ảnh hai bà như hình ảnh người mẹ Việt Nam, trong chiếc áo dài tha thướt nổi bật trên thành ngoài của bình, như hình của một bà tiên hiện ra vừa thống trị trong bố cục mà lại vừa tao nhã trong những đường nét. Trong khi những tác phẩm gốm khác mang nhiều tính nhục cảm thì chiếc lục bình này là một bản hùng ca đầy hào khí bằng hình ảnh, khối và màu sắc. Lê Thành Nhơn dùng màu da vàng rất gốm Bình Dương, cộng với màu xanh đồng và xanh biếc. Kỹ thuật nung của anh tuyệt vời ở chỗ thành bình có độ dày lồi lõm khác nhau nhiều, mà tuyệt nhiên không có một vết rạn xương cốt hay men. Người ta tin rằng anh đã trải qua rất nhiều thử nghiệm trong xưởng làm của anh tại Dandenong để có được một tác phẩm vuông tròn. Lê Thành Nhơn không ngại; anh bao giờ cũng muốn “làm cho đàng hoàng” và “sống đàng hoàng”. - Bội Trân

----------------
Chú thích (của Bội Trân): Những chữ trong ngoặc kép là chữ của anh Lê Thành Nhơn.
 
Chú thích (của NHQ):
[1] Có thể xem tiểu sử và tác phẩm của Lê Thành Nhơn trên Tiền Vệ: http://tienve.org/home/authors/viewAuthors.do?action=show&authorId=63
[2] Tất cả các bức này đã được đăng trên Tiền Vệ, dưới nhan đề chung “Vẽ Kiều”. Có thể xem trên http://tienve.org/home/visualarts/viewVisualArts.do?action=viewArtwork&artworkId=4899
[3] Nhan đề luận án là “Vietnamese Aesthetics from 1925 onwards”, đệ trình tại University of Sydney năm 2005. Có thể xem trên http://ses.library.usyd.edu.au/handle/2123/633

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Câu chuyện Đầu Xuân Nhâm Thìn: Dĩ Thân Nhi Giáo

Đoàn Thanh Liêm -  

Luật sư Ðoàn Thanh Liêm


Trong gia đình của tôi ở miền nông thôn thuộc vùng đồng bằng sông Hồng ngòai Bắc, thì có rất đông anh chị em, tất cả đến 11 người. Trên tôi thì có một người anh và năm người chị, và dưới tôi thì lại có đến bốn người em nữa. Vì thế mà cha mẹ chúng tôi thường hay nhắc nhở mấy anh chị lớn là phải làm gương lành, gương tốt để cho các em noi theo. Mẹ tôi lại còn hay cảnh giác rằng : “ Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó”, tức là lớp đàn em thường đi theo sát với cái nền nếp, cái vết chân của lớp đàn anh đàn chị để lại. Do đó mà cái trách nhiệm của mấy anh chị lớn trong việc hướng dẫn mấy em nhỏ lại càng nặng nề, không thể xem nhẹ được. Và quả thật, chúng tôi thật may mắn, vì mặc dầu cha mẹ mất sớm, thì những đứa em nhỏ như tôi vẫn lại tiếp tục được các anh chị lớn chăm sóc chu đáo và hướng dẫn tận tình cho - để tất cả đã trở thành những con người lương thiện và hữu dụng trong xã hội ngày nay.

* Lớn khôn hơn, thì tôi lại được nghe nói đến lời khuyên dậy của cha ông ta ngày trước – mà được tóm gọn trong 4 chữ như sau : “Dĩ thân nhi giáo “, tức là cần phải lấy cái nhân cách của bản thân mình ra mà làm tấm gương cho người khác noi theo – hơn là chỉ dùng lời nói hay chữ viết mà khuyên bảo người khác phải làm như thế này, thế nọ. Trong tiếng Anh, người ta cũng hay dùng mấy từ ngữ như : “living example”, “examplary life”..., thì cũng đều có ý nghĩa tương tự như câu “Dĩ thân nhi giáo” như ta đang thảo luận ở đây vậy. Điều này, mấy người bạn từng dậy học nhiều năm ở Việt Nam như Đỗ Quý Toàn hiện ở California, Nguyễn Thành Lộc ở Minnesota, thì cũng đều tâm đắc với cái chủ trương mà các anh thu gọn lại trong có hai chữ, đó là “Thân Giáo”. Vào năm 2002, trong một cuộc hội thảo tại một trường đại học ở Virginia, tôi cũng đã đề cập đến ý nghĩa của chủ trương “Thân Giáo” này. Cử tọa gồm các nhân vật đến từ nhiều quốc gia – đã rất chú ý đến sự trình bày của tôi, và có một vị giáo sư còn đòi tôi viết hai chữ Thân Giáo này bằng tiếng Trung Hoa nữa. Tôi phải thú thực là tôi không còn nhớ rõ hai chữ này viết bằng chữ Hán ra sao, và nghĩ bụng thật là hổ thẹn cho mình vốn là một đứa cháu của một cụ đồ xưa kia đã từng dậy chữ Nho!

* Áp dụng lời chỉ dẫn này trong gia đình riêng của mình, tôi đã cố gắng hướng dẫn cho lũ con của tôi theo đuổi việc học hành nghiêm túc và sống một cuộc đời lương hảo – bằng cách chính bản thân mình nêu cái gương nghiên cứu làm việc cần mẫn, miệt mài để hòan thành mọi nhiệm vụ được trao phó - chứ không tự mình buông thả trong nếp sống bon chen, đua đòi ích kỷ chỉ biết vui chơi thỏa thích cho riêng cá nhân, mà sao lãng cái phần trách nhiệm đối với gia đình, với dòng tộc nhà mình và với cộng đồng xã hội.

Lại nữa, mỗi khi các cháu gặp bà con trong thân tộc, thì hay được bà con khuyến khích nhắc nhở là : “ phải noi gương bố để mà học hành tiến bộ cho nên người, hầu góp phần làm rạng danh cho gia đình và dòng họ”. Đó là điều càng làm cho các cháu có thêm sự tự tin và quyết tâm theo đuổi nếp sống lương hảo của dòng tộc nhà mình. Và may mắn làm sao – đến nay các cháu đều đã trưởng thành chững chạc, có nghề nghiệp sinh sống đàng hòang, và có một vài cháu lại còn tự nguyện tham gia với công việc từ thiện văn hóa xã hội nữa.

* Trên đây là cái kinh nghiệm bản thân trong phạm vi nhỏ bé của gia đình, còn ra ngòai xã hội, thì tôi cũng tiếp thu được một số kiến thức thật bổ ích đại lọai như sau. Vào hồi cuối thập niên 1960, lúc đang ở vào cái tuổi “tam thập nhi lập”, mà lại hăng say dấn thân với công tác xã hội tại vùng ngọai ô thành phố Saigon, thì tôi thường có dịp gặp gỡ và hợp tác sát cánh với những vị tu sĩ thuộc Phật giáo, Công giáo và Tin Lành. Tất cả các vị tu sĩ này đều kêu gọi vận động tín đồ tham gia tích cực vào việc cứu trợ các nạn nhân chiến cuộc, đặc biệt là giúp đỡ trong công cuộc tái thiết nhà cửa bị tàn phá nặng nề do những cuộc giao tranh dữ dội hồi Tết Mậu Thân 1968 gây ra. Tôi nhận thấy tiếng nói của các vị tu sĩ này được quần chúng tín đồ răm rắp nghe theo, nhờ vậy mà công cuộc tái thiết tại vùng ngọai ô Saigon hồi đó đã được tiến hành hết sức mau lẹ khả quan, góp phần quan trọng vào việc phục hồi sự an cư lạc nghiệp của khối đông đảo bà con nạn nhân ở địa phương 3 quận 6,7 và 8 là khu vực bị tàn phá tệ hại nhất trong thành phố.

Tôi thật nhớ câu nói của Thầy Tâm Quang là một tu sĩ trẻ thuộc Giáo Hội Phật giáo Việt nam Thống nhất, Thầy tâm sự với tôi như sau : Người tu sĩ có nhiệm vụ phải “ tự giác để giác tha”, “tự độ để độ tha”- tức là bản thân người tu sĩ phải tự rèn luyện mình trước đã, rồi mới có thể giúp cho tha nhân giác ngộ và sinh sống hạnh phúc thanh thản được. Về phía bên đạo Công giáo cũng như Tin Lành, thì đều có lời khuyên bảo tương tự, cụ thể là mỗi người tín hữu phải đích thực là một “chứng nhân sống động của Chúa Kitô” (living christian witness) trong cuộc sống giữa lòng xã hội – tức là phải có hành động cụ thể thiết thực nhằm bày tỏ lòng yêu thương quý trọng đối với hết thảy mọi người anh em đồng lọai, đặc biệt giữa lúc họ gặp khó khăn - vì tất cả họ cũng như mình thì đều là con cái của một người cha chung là Thiên chúa ở trên trời.

* Nhưng tiếc thay, trong hàng ngũ của giới tu sĩ được gọi là lãnh đạo tinh thần này, thì vẫn có một số người lại có một đời sống trái ngược hẳn với lý tưởng tu hành đạo đức truyền thống của tôn giáo mà mình theo đuổi – để mà bị dân gian chê bai rằng đó là những “kẻ buôn thần bán thánh”, “con chó sói đội lốt thầy tu”… Điển hình như các vụ tu sĩ bị truy tố về tội “xâm phạm tình dục đối với trẻ vị thành niên” mà gần đây đã bị tòa án ở Mỹ đem ra xét xử, khiến cho Giáo hội công giáo phải gánh chịu trách nhiệm bồi thường rất là nặng nề.

Vì có cái chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” như thế, mà ảnh hưởng của tôn giáo ngày nay đang có nguy cơ bị sa sút yếu kém đi rất nhiều, khiến cho cả đến xã hội cũng bị thiệt thòi vì bị mất đi cái sức mạnh đạo đức tinh thần truyền thống vốn là rường cột thiết yếu của quốc gia từ ngàn xưa. Sự xuống cấp suy đồi đáng buồn về mặt đạo đức luân lý này là biểu hiện của một tình trạng thường được gọi là “thời kỳ mạt pháp” theo ngôn ngữ của Phật giáo vậy.
  • Như người viết đã có nhiều dịp trình bày, Tôn giáo là một thành phần tối ư quan trọng của khu vực Xã hội Dân sự. Điển hình như tại nước Mỹ, thì có đến 60% trong số hàng triệu các tổ chức phi chính phủ và bất vụ lợi (non-governmental, non-profit organisations) là bắt nguồn từ một niềm tin tôn giáo – mà được gọi là “faith-based social action organisations”. Vì thế, mà trong bài viết này, tôi đặc biệt muốn lưu ý quý bạn đọc về cái mối nguy cơ phát xuất từ sự sa sút về phương diện đạo đức tâm linh trong các tổ chức tôn giáo – mà giới tu sĩ phải chịu trách nhiệm chính yếu, bởi lẽ chính bản thân của nhiều vị trong số này đã sao lãng việc rèn luyện tu thân tích đức - để mà có thể thực sự áp dụng cái lối “dĩ thân nhi giáo” đối với các tín đồ dưới sự hướng dẫn tinh thần của mình. Rõ rệt là các bài thuyết giảng, thuyết pháp - cho dù có được quý vị tu sĩ soạn thảo công phu hấp dẫn đến mấy đi nữa – thì cũng chẳng thể có một tác động tốt đẹp sâu xa bền vững nào đối với đông đảo khối quần chúng tín đồ - nếu mà chính quý vị lại không có được cái điều mà nhân gian thường nói, đó là “Đạo cao Đức trọng của một vị Chân Tu”. Dứt khóat là mỗi quý vị phải thực sự có được cái ngọn lửa nồng cháy trong sâu thẳm tâm hồn của bản thân mình - thì mới có thể truyền được sự ấm áp của lòng nhân ái, của sự thiện hảo đến cho từng cá nhân mỗi tín đồ được – như người ta thường nói : “Dĩ tâm truyền tâm” (from heart to heart).
*Câu chuyện Đầu Xuân đến đây kể đã dài rồi, tôi chỉ xin ghi lại ngắn gọn trong ít chữ nữa, đó là các bậc huynh trưởng, bậc làm cha làm mẹ, các nhà giáo dục và đặc biệt là các vị tu sĩ được gọi là giới lãnh đạo tinh thần trong các tôn giáo, thì tất cả đều phải nêu được tấm gương tốt đẹp về lòng nhân ái, về tính lương thiện và nhất là về tinh thần đạo hạnh khiêm nhu - để mà khả dĩ có sức thuyết phục lôi cuốn mọi người cùng noi theo – trong ý hướng kiến tạo được một xã hội chan hòa tình yêu thương và tình liên đới gắn bó mật thiết với nhau. Đó thiết nghĩ là điều mong ước thiết tha nhất của những ai từng có sự quan tâm đến niềm hạnh phúc đích thực của tòan thể nhân quần xã hội vậy.

California, Đầu năm Nhâm Thìn 2012
Đoàn Thanh Liêm

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

niềm tin từ tha nhân: món quà Giáng Sinh vô giá

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

“Có nhớ Chú không?”

Cái giọng Bắc rất nhẹ này, cái khuôn mặt gầy gầy có nụ cười rất hóm hỉnh này – dĩ nhiên là tôi nhớ chứ! Tôi nhanh nhẩu trả lời:

-          Nhớ chứ! Cháu học chung lớp ESL của Thầy Duane với Chú. Hồi đó, Chú nói tiếng Anh nhiều hơn cháu. Bây giờ, cháu viết tiếng Việt nhiều hơn Chú.

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

TRÍCH NHẬT KÝ CỦA MỘT Y TÁ

Thu Dao


 Bệnh viện ngày…tháng…năm…

Ba giờ chiều.

Phòng cấp cứu gọi khẩn cho hay sắp chuyển đến một ca chấn thương nguy kịch. Nạn nhân bị đâm sáu nhát dao ở vai, ngực và vùng bụng, trong đó có một nhát rất hiểm, xuyên từ bẹ sườn bên phải lách ra buồng phổi thấu tới tim. Mình quẳng miếng sandwich đang ăn vào tủ lạnh. Hai chân mình run run. Nạn nhân mười lăm tuổi. Theo tường trình thì vụ xô xát xảy ra trong trường học, ngoài toán cứu thương có ba cảnh sát viên mặc đồng phục đi kèm. Máu nhểu lốm đốm suốt dọc hành lang từ chỗ người ta khiêng nạn nhân ra khỏi xe hồng thập tự cho tới chiếc giường trong phòng chấn thương dành cho những ca hiểm nghèo. Nhìn thây người trắng nhợt xanh lè, không mạch, không huyết áp, nếu gọi là còn nước còn tát thì cái thứ nước đen ngòm dậy mùi tử khí ấy đã ồng ộc ngập lún cả chiếc xuồng sinh mệnh của nạn nhân rồi.

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

CÂY ỚT CHIM KÉT (1)

Ngự Thuyết

Người đàn ông không còn trẻ, gầy, con mắt lanh, nhưng tóc đã bạc nhiều. Lúc đó khoảng một giờ chiều chủ nhật. Nhà vắng, ông ngồi một mình lơ đãng mở T.V. hết đài này đến đài khác. Hình như ông không tìm ra được chương trình nào vừa ý, lại xoay qua mở radio.

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

Ở GIỮA SỰ HUYỀN BÍ CỦA MỖI NGƯỜI

Cao Thanh Phương Nghi

Một nhạc sĩ chuyên viết tình ca suốt 50 năm đời ông cho đến ngày gần đất xa trời bỗng tuyên bố một câu xanh dờn thế này với khán giả bốn phương: “Những bài nhạc tôi viết là viết theo… đơn đặt hàng hoặc là do tôi bịa đặt cho mùi mẫn chớ thật sự tôi không có mối tình nào đáng gọi là mối tình cả.” Một bác lớn tuổi đang ôm cháu vào lòng vừa đút cho nó ăn vừa theo dõi chương trình phỏng vấn nhạc sĩ trên truyền hình nghe vậy giận quá tới tắt màn ảnh cái cụp. “Nghe ổng nói muốn dộng cho vài cái.” Chưa hả, bác gái còn lập tức lục hết trong nhà đem ra tất cả các băng, đĩa của nhạc sĩ này giao cho… tôi. “Nè. Mày đem về nghe hay làm gì làm đi. Tao chán ổng quá.” Tôi thừ người giữa đống băng, đĩa ngổn ngang. Tôi ở kẽ giữa, tôi thương cả hai người. Một nhạc sĩ sáng tác gần 300 bản tình ca đến cuối đời thú nhận là ông “không có mối tình nào đáng gọi là tình hết ráo”, mọi sự là giả hết đấy thôi bạn ơi, có đáng thương hay không? Còn bác gái (đã con đàn cháu đống thế kia), bác đã từng có một tình yêu ra rít nào trong đời chăng hay giữa những ê chề ngán ngẫm bác chỉ có thể làm mỗi một việc là chăm chút gắn những lời ca lóng lánh như sao kia lên bầu trời tối thui của thân phận mình để đêm đêm ngước lên tự an ủi mà rồi bỗng đùng một cái, những ngôi sao ấy tắt ngúm không còn. Biểu bác không thất vọng, không muốn “dộng” cho ông nhạc sĩ kia sao đặng?

Samurai và hoa Anh Đào

Trần Mộng Tú

Khi nói đến nước Nhật, người ta liên tưởng ngay đến những ngôi chùa cổ kính, với mái ngói xanh lam phủ rêu xanh ngọc, ẩn hiện trong những rừng tùng xanh biếc của mùa xuân, hay những nóc chùa thấp thoáng trong mơ hồ của một rừng tuyết trắng xóa mùa đông. Nước Nhật với cầu kỳ trang trọng của trà đạo; nghệ thuật mang thiền tính trong hoa đạo; lãng mạn với những chiếc gáy gợi tình của các cô gái hé ra ở cái cổ áo kimono hơi trễ về phía sau, trong những ngày quốc lễ hay ngày hội hoa Anh Đào và vẻ quyến rũ của ngọn Phú Sĩ quanh năm tuyết phủ đã lôi cuốn du khách khắp nơi trên thế giới hàng năm đến Nhật. Nhưng bên trên những vẻ đẹp nên thơ và nặng về văn hóa đó là một nước Nhật với tinh thần Võ Sĩ Đạo dũng cảm.

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011

KẺ VIẾT NGƯỜI ÐỌC

Võ Phiến

Các ca sĩ, các diễn viên kịch tuồng, các đào kép già trẻ xưa nay, nhiều người kể khổ về những đòi hỏi gắt gao của nghề nghiệp (cuộc sống thất thường, cảnh đời lênh đênh, những vất vả khuya sớm...), thường kêu rằng lắm khi họ muốn bỏ nghề; nhưng bỏ rồi vẫn quay lại, năm lần bảy lượt không dứt tình được. Sao vậy? Nghệ sĩ bảo: Vì nhớ ánh đèn, nhớ sân khấu quá, không chịu thấu.

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011

QUÀ TẶNG

- Viết cho cháu ngoại Oliver Tam Thể

Thằng cu sinh thiếu bốn tuần, hơi bé so với đứa bé đủ ngày tháng. “Bà ngoại mới tinh” đứng ngắm nghía đứa cháu đầu tiên của mình. Trong đôi mắt ngân ngấn lệ, bà thấy: Đó là một viên sỏi nhỏ có sắc hồng, Mẹ thiên nhiên vừa đặt xuống bãi biển loài người, một viên sỏi nằm giữa ngàn ngàn viên sỏi trong bãi cát, nhưng sao nó vẫn lấp lánh, trong suốt và rất riêng tư thuộc về mình. Viên sỏi nằm đối diện với đại dương hùng vĩ, sóng đập ầm ầm như thế mà sao nó không hề sợ hãi,vẫn mỉm cười bình thản. Đó là một hạt mưa do đám mây an hòa trên từng cao vừa rắc xuống, rơi trên mặt chiếc lá sen, long lanh như một viên hạt trai, bà thấy mình đưa tay nhón lấy đeo trên cổ mình; đó là một con chim sâu vừa nứt ra khỏi cái vỏ trứng mẹ, còn ướt nhẹp, run rẩy, đã kêu chim chíp, mẹ nó đang xòe cánh ôm sát vào lòng, bố nó bay đi tìm mồi, bà thấy mình vừa cho tay vào ngực, lấy ra những cọng rơm thương yêu đặt thêm vào tổ; đó là một con cá nhỏ xíu vừa tách ra từ cái bọc trứng, bơi rụt rè bên cá mẹ, bà thấy trên tay mình có sẵn một nắm thính gạo, bà rắc xuống cho cả hai mẹ con; đó là một con lợn sữa tròn vo, hồng hào, mũm mĩm đang rúc vào vú mẹ kêu ủn ỉn, bà thấy mình giơ tay đắp lên mái chuồng thêm một tàu lá để che mưa cản nắng cho cả hai; đó là một con mèo con mới biết kêu meo meo, cái sợi rốn chưa cắt còn máu me, một đầu trên bụng mèo con, một đầu còn trong bụng mèo mẹ, bà thấy mình đang đi tìm cái đĩa đổ sữa vào cho cả hai mẹ con. Cu Mèo kêu hơi to.Tiếng kêu to làm bà giật mình ra khỏi những điều mình vừa lơ mơ thấy.

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011

CHIẾC ÁO CHOÀNG MÙA CHAY

Trần Mộng Tú

Mỗi khi tôi ngồi trong giáo đường, hít thở cái không khí thánh thiện trong sạch chung quanh mình, nhìn lên tượng Chúa trước mặt, ngước lên vòm cung của tòa nhà thánh , tôi đều có cảm tưởng tôi được khoác lên mình một cái áo choàng. Cả ngôi giáo đường như một tấm áo thanh khiết, thánh thiện, thơm tho, bao chùm lên hình hài thế tục của tôi. Tôi ngồi im lặng, chăm chú cảm nhận cái cảm giác của tấm áo chạm vào mình.

Thứ Hai, 21 tháng 2, 2011

Chuyện Chàng Nàng

Hoàng Quân

Chuyện hoa
Thuở còn là tình nhân, chàng chạy xe mấy trăm cây số đến thăm nàng.

Chàng đem tặng nàng một cái hoa. Chỉ hoa thôi, không có lá. Thật ra, nàng thấy cái hoa giống cái lá màu đỏ. Hình như nàng chưa thấy loài hoa này bao giờ. Chàng nói:
- Anh chọn hoa này vì cô hàng hoa bảo hoa này lâu tàn và… Chàng cười cười - Giá cũng phải chăng.