Hiển thị các bài đăng có nhãn Tạp ghi. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tạp ghi. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Bùi Bích Hà: Cuộc hí trường


“Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,” câu thơ đầu trong bài “Thăng Long Thành Hoài Cổ” của Bà Huyện Thanh Quan đã khắc ghi đậm nét trong trí nhớ tôi từ những năm ngồi ghế trung học Ðệ Nhất cấp, giờ cổ văn với cô Hòe lớp Ðệ Ngũ trường Ðồng Khánh.

Ðối với tôi ngày ấy, câu thơ không chỉ thuần là câu thơ nổi tiếng của một bài thơ nổi tiếng trong văn học sử nước nhà, được một bậc nữ lưu thi tài lỗi lạc ngẫu hứng viết xuống khi về qua cố đô một buổi chiều phai nắng, nhìn cảnh vật tiêu điều qua bao lớp sóng phế hưng: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.”

Mà hơn thế, câu thơ còn diễn đạt nỗi ngậm ngùi trước những cảnh đời đổi thay hệt như những màn kịch trên sân khấu, khiến tôi không khỏi ngạc nhiên và thầm cảm phục nhân sinh quan đầy đạo vị của nhà thơ ngày ấy.

Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

Tạp ghi Huy Phương: Học chữ để làm gì?

(Hình minh họa: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

Chưa bao giờ cái học trở nên vất vả cho nhiều học sinh như ở Việt Nam ngày nay. Phải đi bộ mất cả nửa ngày đường mới đến được trường để học “cái chữ,” các học sinh ở các vùng cao nguyên của Bình Định vẫn phải đến trường.

Ai cũng mủi lòng khi trời trở lạnh, mà thấy các em đến trường mong manh trong chiếc áo mỏng, chân đất không giày dép, đầy bùn đất, đỏ ửng. Trường thì bốn bề gió lộng, không có vách che chắn. Phần ăn trưa mang theo chỉ có nắm cơm với muối.

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

Đoàn Thanh Liêm - Tâm tình nhân Mùa Lễ Tạ Ơn 2015

Tác giả Ðoàn Thanh Liêm
Vào dịp Lễ Thanksgiving năm 1960, mấy sinh viên du học tại Washington DC chúng tôi được một gia đình người Mỹ đón về nhà riêng tại một thành phố kế cận trong tiểu bang Virginia. Bà chủ nhà là một giáo sư về âm nhạc, nên có mời thêm cả vài môn sinh nữa để cùng tham dự buổi Họp Mặt Gia Đình thân mật với chúng tôi là những sinh viên ngọai quốc. Đầu tiên, chúng tôi được chở đến dự Thánh Lễ trong một nhà thờ Tin Lành. Sau đó, thì đến nhà gia chủ để dùng cơm trưa với tòan thể gia đình. Bữa ăn khá thịnh sọan đặc biệt với món gà tây đút lò (roasted turkey) truyền thống mà tôi được thưởng thức lần đầu tiên trong đời.

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

Bùi Văn Phú - Quà quê nhà

Bánh đậu xanh đặc sản Hải Dương và cà-vạt lụa (ảnh Bùi Văn Phú)
Thỉnh thoảng ra phi trường đưa đón người thân quen, tôi thấy những chuyến bay về các nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Philippines có nhiều khách đi mang theo hành lý là những kiện hàng vuông vuông vừa đúng kích thước của luật hàng không.

So với những chuyến bay đi châu Âu, hành khách ít khi mang theo thùng hàng mà chỉ những chiếc vali to.

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Tuấn Khanh - Vũng lầy của chúng ta

viết từ Sài Gòn

Nhạc sĩ Tuấn Khanh (Hình: Uyên Nguyên)
Bạn tôi,

Bạn có thấy mạng xã hội hôm nay giống như một đại dương? Tất cả những gì có khả năng trôi dạt và dễ bám đều ở trên bề mặt của của nó, và phần còn lại nằm trong thẳm sâu bao la, với vô vàn điều không thể tỏ bày.

Bạn và tôi cũng đang sống cùng dòng chảy timeline trên Facebook, mọi thứ ào ạt trồi lên như tư duy của thế giới sống chung quanh. Cái gì không bám lại được trong trí nhớ con người sẽ dạt đi, nhường chỗ cho những cái mới hơn ập đến, níu kéo, thu hút mắt nhìn.

Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Nhạc sĩ Tuấn Khanh - Lắng nghe thanh âm

viết từ Sài Gòn

Thủ tướng Nhật, ông Shinzo Abe đã khóc trong bài diễn văn 

và xin lỗi người dân của mình vì nỗ lực hành động ngoại giao thất bại -  AFP 


Những ngày gần đến Tết âm lịch con Dê của Việt Nam, người ta bắt gặp nhiều lời xin lỗi trên các dòng tin thời sự. Trong đó, những lời xin lỗi được đưa ra từ nhiều sự kiện khác nhau, nhưng mô tả được các góc nhìn đẹp nhất còn lại về con người trong thế kỷ đang lụi tàn này.

Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

Nhạc sĩ Tuấn Khanh - Cafe cuối năm, internet

Hình minh họa (Nhật Giang)
viết từ Sài Gòn

Những buổi sáng cafe ở Sài Gòn 10 năm trước cho đến nay dường như vẫn không có gì thay đổi. Vẫn ly cafe nhạt đó, những câu chuyện hỏi han nhau lệ thường, những cuộc tranh cãi vu vơ giữa người với người để chứng minh sự tồn tại như lẽ thật trên trần gian. Khác chăng là những đứa trẻ đánh giày nhiều hơn, những người già vé số tuyệt vọng hơn. Và đặc biệt lượng người trầm ngâm với điện thoại hay máy tính bảng ở mọi góc, ở mỗi giờ.

Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

Đoàn Thanh Liêm - Con ơi, phải cố gắng để sống cho xứng đáng


Các cháu thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba trong gia đình của anh chị em, của bà con trong thân tộc và của đông đảo các bạn hữu thân thiết của tôi – thì có thể lên đến con số cả ngàn người, mà nay đã ở vào lứa tuổi khôn lớn cả rồi. Các cháu lại sinh sống rải rác khắp mọi nơi, ở trong nước cũng như ở hải ngọai – mà trẻ nhất thì cũng đã vào lứa tuổi 10 – 15 bắt đầu có đủ trí khôn để suy xét việc này chuyện nọ. Mà lớp cháu lớn nhất, thì cũng đã ở vào lứa tuổi 50 – 60 được kể là trưởng thành chín chắn hết mức nữa rồi.

Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

Tuấn Khanh - Khi người nghệ sĩ xuống đường


Thật khó tưởng tượng nổi đêm cuối cùng của cuộc Cách Mạng Dù ở đường Harcourt Road tại khu Admiralty, khi hàng ngàn cảnh sát Hồng Kông được trang bị tận răng đánh đập, bắt bớ… những người biểu tình, trong đám đông quả cảm đó, có cả nữ ca sĩ Denise Ho (Hà Vận Thi). Mặc một chiếc áo thun đen và tay cầm chiếc dù vàng, gần như không trang điểm, người nữ ca sĩ lừng danh của dòng Canto-pop này bị lôi đi cùng với nhiều người khác, lẫn trong tiếng hô uất nghẹn của giới sinh viên đòi dân chủ “rồi chúng ta sẽ quay trở lại”.

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

Tạp ghi Huy Phương - Ô nhục này dành cho ai?

Tác giả đứng bên một đoạn Bức Tường Berlin hồi năm 2000. 
(Hình: Huy Phương cung cấp)
Ngày 9 Tháng Mười Một mỗi năm, kể từ năm 1989, cả thế giới chào mừng ngày Bức Tường Berlin sụp đổ. Không phải chỉ là những phiên bản, mà bức tường này được cắt từng mảnh, vận chuyển đến nhiều nơi trên thế giới, lắp đặt lại xem như một di tích cần ghi nhớ, bài học của một giai đoạn ô nhục của chế độ Cộng Sản. Một đoạn của bức tường này được để tại Thư Viện Tổng Thống Ronald Reagan ở Simi Valley, California.

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Nguyễn Tường Thụy - Người phụ nữ đằng sau ánh hào quang ở Los Angeles


Thương tặng Dương Thị Tân – người bạn, người em mà tôi quý trọng thương yêu

Khi Điếu Cày được đón tiếp nồng nhiệt lúc đặt chân xuống Sân bay quốc tế Los Angeles, có lẽ ít ai để ý đến một người phụ nữ từ Sài Gòn buồn bã hướng về nơi hào quang tỏa sáng mà đồng bào Việt ở Mỹ dành cho anh.

Tuấn Khanh - Để gió bay đi


Thật không may cho anh Tấn trong buổi tối định mệnh đó. Khi tất cả mọi thứ cùng quẩn đổ xuống đầu anh. Mẹ già và con bệnh đang nằm bệnh viện. Trong tay không còn gì để nghĩ đến ngày mai, anh Tấn đã cầm dao chạy ra lề đường và chận 2 người đi đường dừng lại để doạ cướp. Một người bị cướp 20.000 đồng và một người khác bị cướp 30.000 đồng. Anh Tấn muốn dùng số tiền đó để mua đồ đi thăm bệnh cho con vào sáng ngày mai. Thế nhưng chiều hôm sau, anh Tấn bị bắt và bị Toà án xử 7 năm tù vì tội “cướp tài sản”.

Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Tuấn Khanh - Những câu chuyện về đàn bà



Người đàn bà ngồi tựa vào tường trên lối mòn của một con hẻm. Mệt mỏi và thiếp đi cạnh quang gánh của mình. Hai đầu gánh là đủ thứ quà vặt như bánh tráng, kẹo, đến chanh, ớt… rồi có cả đồ chơi trẻ con chằng cột. Chị như muốn kéo cả thế giới chung quanh đi theo mình trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn không có ngày tháng cuối.

Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Huy Phương - Hồi ký và cái ‘tôi’ đáng ghét!


Hồi ký là sáng tác thuộc nhóm kể chuyện mà nhân vật ở ngôi thứ nhất số ít, là tôi (người xưng tôi là tác giả) viết lại những sự kiện có thực xảy ra trong quá khứ mà tác giả là vai chính hay tham dự, chứng kiến. 

Hồi ký không đòi hỏi ngày tháng rõ ràng như trong lịch sử mà viết theo trí nhớ, không hư cấu nhưng đậm chất chủ quan, nhận định phê phán sự việc dưới quan điểm của tác giả, đương nhiên đôi khi là thiên lệch, “xấu che, tốt khoe,” đôi khi dùng để bài bác, đả kích hay tâng bốc những nhân vật khác hiện diện trong hồi ký. Tuy nhiên trong văn học Việt Nam không thiếu những hồi ký chân thật có giá trị, mà các nhà viết sử có thể tìm thấy tài liệu, cũng là những kinh nghiệm hay có những bài học bổ ích.

Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Huy Phương - Bước đường cùng

“Bạn ơi, nguồn thảm sầu kia bởi
Số phận hay do chế độ này!”
(Vú Em-Tố Hữu)

Ngày 15 Tháng Tám, Bộ Thông Tin và Truyền Thông Việt Nam ra quyết định đình bản 3 tháng báo điện tử Trí Thức Trẻ và phạt 207 triệu đồng vì ngày 12 Tháng Tám báo này đã đăng một bài có tựa đề là “Gái miền Tây và 3 chữ 'N' nổi danh thiên hạ” của tác giả Trai Toàn Cầu.

Một cô gái quảng cáo bia Anchor của Singapore tại Hà Nội. 
(Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)


Ba chữ N đó là Ngoan, Ngon và Ngu. Bài này xem như đã vi phạm luật báo chí và chính ban biên tập đã ngỏ lời xin lỗi độc giả vì đã “gây nên sự tổn thương sâu sắc cũng như tạo cảm giác xúc phạm tới nhiều phụ nữ Việt Nam.”

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Huy Phương - Người Việt tỵ nạn và món nợ thương binh VNCH

(Nhân Ðại Nhạc Hội “Cám Ơn anh, Người Thương Binh VNCH” kỳ 8 sắp tổ chức vào ngày Chủ Nhật, 3 Tháng Tám, tại sân vận động trường Bolsa Grande, Garden Grove, Nam California).


Ở đây chúng tôi không hề muốn nhắc lại những điều ân nghĩa mà ai cũng ý thức được, có thể làm phiền lòng một đôi người, trong khi với lòng hảo tâm, từ bi hoặc bác ái, hầu hết đồng bào hải ngoại đã làm rất nhiều việc giúp đỡ thiện nguyện cho những người kém may mắn hơn mình hiện đang sống ở quê nhà. Hiện nay ở hải ngoại có rất nhiều tổ chức thường trực quyên góp tiền để đem về giúp Việt Nam. Từ chuyện nhỏ như mổ mắt vá môi, chuyện người cùi, bệnh tật hay già yếu, chuyện chén cơm cho người già, bát cháo giúp người đau ốm, cho đến những chuyện khá quy mô “đỡ tay” cho nhà nước cộng sản như xây trường, làm đường, phát học bổng... Không làm thì không ngồi yên trước thảm cảnh nghèo đói, bệnh tật của bà con ruột thịt, mà làm cũng thấy nhiều điều phi lý. Trong khi ngoài nước, chúng ta gom góp từng chục bạc, thì ở trong nước hàng triệu đô la chui vào túi tham nhũng, đục khoét, với những trò cá độ, tẩu tán tài sản hay với lối ăn chơi huy hoắc từ các thành phố lớn cho đến cả nông thôn của các cán bộ, đảng viên cộng sản.

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Huy Phương - Xì dầu và nước mắm


Thời thơ ấu, tôi lớn lên trong một thành phố nhỏ miền Trung, một thành phố nghèo nàn, quanh quẩn có mấy con phố chính, “đi dăm phút đã trở về chốn cũ.” Những nhân vật của thành phố này, trong ký ức bề bộn của gần 70 năm qua, tôi còn nhớ rõ, lạ lùng đối với tôi là những nhân vật người Hoa. Trên con đường ra chợ, tôi ít khi dám nhìn thẳng vào những ngôi nhà người người Hoa, với bàn ghế chất đầy, những khung ảnh treo la liệt trên tường và nhân vật làm tôi sợ hãi nhất là một bà già, chân bó những lớp vải dày, khuôn mặt quắt queo như xác ướp, với những móng tay dài, cong vút thường ngồi bất động trên một chiếc ghế, nhìn ra đường.

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Huy Phương - Khôn vặt

 Huy Phương

“Dân hai nhăm triệu ai người lớn?
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”
-Tản Ðà: “Mậu Thìn Xuân Cảm”

Thuở còn trẻ đọc các chuyện đi sứ trong đó có chuyện Mạc Ðĩnh Chi, tôi thấy rất phục tài ứng đối của ông Trạng Nguyên này. Một lần Mạc Ðĩnh Chi đến thăm phủ Thừa tướng nhà Nguyên, trong phủ trang hoàng lộng lẫy, giữa phòng có treo một bức trướng thêu hình con chim sẻ đậu trên cành trúc trông rất sinh động, Trạng ngỡ là chim sẻ thật nên đưa tay ra bắt, Thừa tướng và các quan quân nhà Nguyên đều phá lên cười và có ý cho là người phương xa bỉ lậu. Mạc Ðĩnh Chi nhanh trí chữa thẹn, vội lấy bức họa xuống và xé toạc thành nhiều mảnh. 

Ngoại Trưởng Vương Nghị (trái) của Trung Quốc được Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh 
của Việt Nam tiếp tại Hà Nội hôm 4 Tháng Tám. Văn hóa hai nước 
có một số điểm na ná giống nhau, nhất là trong lãnh vực ngoại giao. 
(Hình minh họa: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
Trong khi mọi người đều kinh ngạc, ông nghiêm mặt giải thích: “Tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẻ, chứ chưa thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Trúc là bậc quân tử, chim sẻ là kẻ tiểu nhân, nay tể tướng thêu lại thêu cành trúc với chim sẻ như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy. Tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân.”

Ngoại Trưởng Vương Nghị (trái) của Trung Quốc được Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh của Việt Nam tiếp tại Hà Nội hôm 4 Tháng Tám. Văn hóa hai nước có một số điểm na ná giống nhau, nhất là trong lãnh vực ngoại giao. (Hình minh họa: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Nay trên đầu đã hai thứ tóc, nghĩ lại chuyện xưa, muốn chửi gia chủ là ngu, treo tranh không biết ý nghĩa, hay mượn cớ chửi quần thần của nước người ta là đám tiểu nhân, mà làm trò “vờ vĩnh” rồi hung hãn xé tranh nhà người thì tài ngoại giao của Ðĩnh Chi quả thực cũng còn nhiều vấn đề cần bàn. Xem lại những chuyện thuộc giai thoại làng nho, đến những chuyện tiếu lâm dân gian thì giật mình thấy dân Việt trong đó có mình, xem chừng rất thích những trò nghịch lỡm, khôn vặt hay miệng lưỡi trí trá, đốp chát với người hơn là làm việc đứng đắn.

Những chuyện như Trạng Quỳnh gạt tiền bà chúa Liễu, làm sớ dâng sao chữa bệnh cho công chúa bị lên sởi, hay ăn cắp mèo của Chúa hay đến chuyện hai anh chàng “thông minh nhưng thất bại trong khoa cử,” Ba Giai tuột quần giữa chợ để đôi co với cô bán hàng là “nâu này của cô hay của tôi,” Tú Xuất giả mù qua cầu để nhìn các cô tắm truồng dưới suối, ra chợ mua chim để tìm cách bóp vú cô bán hàng, hay lừa quán cơm để đòi bồi thường mấy chục lạng bạc. Những chuyện lưu manh trò trí trá như vậy lại được dân chúng truyền tụng, viết thành tuồng, chèo, kịch để công diễn và già trẻ lớn bé xem chừng đọc một cách hả hê thỏa mãn. Không tin bạn cứ google “Trạng Quỳnh” và “Ba Giai Tú Xuất” thử xem tìm được bao nhiều trang web có “chuyên đề” về những nhân vật này.

Chắc chắn khả năng ngôn ngữ là một phần của trí thông minh, nhưng khả năng này có khi biểu hiện qua những bài hiệu triệu cảm động lòng người hay phân tích tổng hợp nâng cao dân trí, thì có khi chỉ là những trò “xảo ngôn” lừa lọc hay miệng lưỡi ganh đua vụn vặt, thứ vụn vặt quanh bữa cỗ ngoài đình làng. Thế nhưng ganh đua đốp chát nhỏ mọn ngoài đình lại không phải là trò của đám “tiểu nông” như các nhà trí thức chuyên nghiên cứu văn hóa Việt Nam vẫn thường hay đổ tội, mà là của đám nhà nho “tiểu trí thức,” trong đó quyền lực của quan lại cũng không mà sức lực của nông dân cũng không.

Người có quyền lực hay sức lực muốn can thiệp hay thậm chí áp chế người khác chắc không ai cần “nói cạnh nói khóe.” Ký cho đối phương một cái lệnh tống giam hay “quai” cho một cú vào hàm là giải quyết ngay công việc. Thế nhưng nếu không có sức có quyền, nói thẳng thì sợ bị đáp trả, thì tốt hơn hết có lẽ là “chỉ tang mạ hòe” (chỉ vào cây dâu mà lại mắng cây hòe). Ðối phương có biết mình ám chỉ thì không có bằng chứng cụ thể để đáp trả. Chẳng lẽ lại tự nhận là người ta đang chửi mình, rồi chửi lại.

Trò “chỉ tang mạ hòe” quả là khôn. Nhưng thiết nghĩ nó là loại khôn vặt, xuất phát từ thế của kẻ yếu. Mà đã chuyên khôn vặt thì khó mà có đầu óc khôn lớn. Người Việt chúng ta không nhiều thì ít thường hãnh diện về cái khôn ngoan lanh lẹ này nhưng qua thực tế lịch sử cái khôn vặt này chưa thấy đem đến phát minh sáng kiến, chính sách ích quốc lợi dân nào mà chỉ dẫn đến những trò tham vặt gian vặt.

Lại trong một xã hội mà “thẳng thắn thật thà thường thua thiệt, lọc lừa lươn lẹo lại lên lương” như hiện nay ở Việt Nam, thì số người muốn dùng trí tuệ, tài năng, và công sức của chính mình để thành công lại càng khan hiếm. Ða số chỉ muốn dùng thủ thuật, mánh mung để đạt được kết quả hay tìm kiếm lợi nhuận trước mắt.Cẩm nang khôn vặt của Việt Nam chứa không ít ca dao tục ngữ, “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau;” “lanh mồm miệng, đỡ chân tay,” “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn,” v.v. . .

Báo chí trong nước tường thuật không ít về những trò của dân Việt “hiện đại.” Trong lãnh vực học thuật có chuyện ông Tiến sỹ- Phó Giáo Sư Nguyễn Chí Bền, Viện Trưởng Viện Văn Hóa- Thông Tin (!)ăn cắp tài liệu nghiên cứu của GS Tô Ngọc Thanh về văn hóa chiêng cồng của đồng bào dân tộc để in sách làm của mình. Chơi trội hơn với tầm mức quốc tế là Thạc sỹ Lê Ðức Thông sinh năm 1981 bị các chuyên san Natural Science, Journal of Modern Physics, Physics Letters B, Europhysics Letters, tuyên bố rút bỏ các bài “nghiên cứu” của ông này và nhóm đồng tác “giả” vì tội đạo văn.

Trong lãnh vực văn nghệ thì nhạc sĩ trẻ Trương Tuấn Huy thú nhận lấy sáng tác “Chút Tình”của Trường Nhân, sửa tên thành “Chút Tình Phai” đem bán. Một nhạc sĩ tương đối có tên tuổi là Bảo Chấn thì cũng bị tố cáo “đạo” bản “Frontier” và “Crescendo” của Keiko Matsui để hô biến thành bài “Tình Thôi Xót Xa” và “Dường Như.” Nói về nạn nhân thì nhạc sĩ Trần Duy Ðức ở hải ngoại cũng bị các nhạc sĩ “tài hoa” ở trong nước “thuổng” bài “Nếu Có Yêu Tôi.” Chuyện ma của Nguyễn Ngọc Ngạn thì được một nhà xuất bản trong nước “cầm nhầm” đổi nhan đề, đổi tên tác giả và đem xuất bản, bán lấy tiền.

Trong chuyện chính trị Việt Nam thì ông tổ khôn vặt là Hồ Chí Minh. Từ chuyện cướp danh hiệu và công trình các bậc tiền bối như Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, chuyện tổ chức tổ chức đón tiếp Pháp đến Hà Nội ngày 19-5 mà lại nói là mừng sinh nhật của mình, đến chuyện viết sách ký tên người khác để tự tâng bốc mình trước sau gì cũng bị phơi bày sự thật.

Một trong những chuyện tiêu biểu cho sự “khôn ngoan” của người đứng đầu miền Bắc được nhân dân “truyền tụng” là chuyện bắt tay một bộ trưởng Pháp của Hồ Chí Minh. Trong lần tới thăm Bộ trưởng Bộ Hải Ngoại Marius Moutet năm 1946, ông Hồ đang đi lên các bậc tam cấp thì ông Moutet giơ tay ra bắt tay khi đang đi xuống. Ông Hồ vờ không thấy, cúi xuống bế và âu yếm bé gái đi cùng ông bộ trưởng trong khi vẫn bước tiếp lên. Chỉ khi ở bậc thang ngang hàng với Moutet, ông Hồ mới đưa tay ra bắt. Chỉ tội nghiệp cháu bé gái.

Nối tiếp tấm gương tiền bối lãnh tụ, các quan lại Cộng Sản đời nay lại tiếp tục ngụy tạo bằng chứng trốn thuế để bắt giam Ðiếu Cày và Lê Quốc Quân, ném đồ dơ vào nhà người đấu tranh dân chủ như Bùi Minh Hằng và Huỳnh Ngọc Hiếu, chụp mũ bằng bao cao su “qua sử dụng” như Cù Huy Hà Vũ, cho công an giả dạng côn đồ hay cho côn đồ giả dạng công an.

Không chỉ quê nhà mà chuyện quê người cũng lắm, chuyện “ở quanh đây, đâu là chuyện bất ngờ.” Từ chuyện nhỏ kiểu “thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ.” Làm trong công sở thì ăn cắp giấy bút, làm bệnh viên ăn cắp bao tay, kim chích đem về nhà. Lại nghe chuyện một bà chủ tiệm nail không dám bỏ ra mấy đồng mua bao thư, mà đến nhà băng ăn cắp bao thư deposit ở chỗ máy ATM, để bỏ tiền trả lương nhân viên.

Ðến chuyện lớn, một số tổ chức đấu tranh dân chủ hải ngoại đôi khi cũng đâm lén vài dao vào lưng nhau, tranh công đoạt lợi, hay thập thò đi đêm, rồi chờ đèn xanh đèn đỏ, thay vì tập trung trí khôn xây dựng lực lượng, phát triển đường lối, ngày đêm chờ ngày phục quốc.

Ngẫm nghĩ lui tới thì quả thật khôn vặt sẽ dẫn đến tham vặt mà tham vặt lại dẫn đến khôn vặt. Cái trí khôn nhỏ bé thì chỉ thấy lợi trước mắt, không nghĩ đến hậu quả lâu dài hay sâu rộng. Cái lòng tham nhỏ bé thì chỉ vận dụng trí khôn vừa phải để học hành đối phó, để lừa lọc vài người.

Ðất nước bây giờ tụt hậu cả vài trăm năm so chỉ với những quốc gia trong vùng. Với cái “đỉnh cao” khôn vặt tham vặt đó thì có đến ngàn năm sau cũng khó thấy dân tộc này “rồng bay” hay “hổ nhảy.” Biết đến khi nào dân mình mới bớt cái khôn vặt và trưởng thành để hết là “trẻ con” như nhà thơ Tản Ðà đã phán?

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

Huy Phương - Chỉ tiêu và con đường dối trá



Huy Phương

Từ ngày vào trại tập trung cộng sản, tôi mới nghe nhiều đến hai tiếng “chỉ tiêu,” và cũng khốn khổ vì hai tiếng này. Người tù ăn theo định mức nhưng làm theo chỉ tiêu. Mỗi ngày theo lệnh trại, dưới sự quản chế của cai tù, nhất là với sự đốc thúc của những tên đội trưởng chỉ huy, đội phó kế hoạch, mà trước đây chính là “chiến hữu” của mình, theo dõi, kiểm soát. Một người tù phải lao động vất vả để hoàn tất mỗi ngày việc vun 6 luống khoai, 15 hố sắn, chặt đủ 12 cây luồng, 2 bó củi hay cuốc nửa sào đất tùy theo “lệnh” mỗi ngày. Chỉ tiêu chưa đủ, tranh thủ làm thêm. Nghĩ đến phải đào những cái hố sắn, mỗi bề chỉ có 8 tấc trên những ngọn đồi đất đá, mỗi lần nhát cuốc chạm vào những hòn đá, sức mạnh bật ngược trở lại cái thân thể ốm đói của người tù, như những ngọn roi tra tấn khó quên. Người lính thất trận hao gầy, ốm yếu theo năm tháng tù đày, và không ít người đã nằm lại trên những vùng đồi núi, không bao giờ trở về.


Chế độ cộng sản dùng chỉ tiêu để cai trị và dùng thành tích để khoa trương, lừa dối dân chúng. Chỉ tiêu này đã nhiều lần vấy máu, mà dù lịch sử đã được những người cộng sản viết lại cũng không bao giờ rửa hết mùi tanh. Cuộc “cải cách ruộng đất” tại vùng đất “độc lập-tự do-hạnh phúc” Bắc Việt từ năm 53-56, theo sự “chỉ tiêu” thỏa thuận của cố vấn Tàu và Trường Chinh, tổng bí thư đảng, trưởng ban chỉ đạo cuộc đấu tố “cải cách ruộng đất” là phải có 5% địa chủ trên tổng số nông dân. Theo tài liệu của Vũ Thư Hiên, con số địa chủ bị thảm sát rất khó thống kê, ước tính từ 4,000 đến 5,000 người.

Hai tiếng “chỉ tiêu” đã giết và cầm tù bao nhiêu người dân. Chỉ tiêu “làm sạch tệ nạn xã hội” không căn cứ vào thực trạng của mỗi địa phương, mà đảng ra lệnh mỗi xã bao nhiêu dân thì phải có bao nhiêu thành phần cần tập trung vào trại “cải tạo,” do đó đã xẩy ra không biết bao nhiêu số phận oan khuất.

Năm 1980, ở trại tù Phú Sơn, Bắc Việt, tôi đã được gặp một người tù trẻ tuổi, nhưng khuôn mặt già cỗi và thân hình ốm yếu, nhỏ bé của em khó có thể đoán được tuổi đời. Em cho biết tuổi của em là 13, nhưng đã có 5 tuổi tù, bị đày đọa qua nhiều trại “cải tạo,” bây giờ chẳng còn biết cha mẹ là ai, nhà cửa ở đâu. Năm em lên 8 tuổi, tại trường học, chỉ vì đánh lộn với một thằng bé, con trưởng công an xã, nhân lấy cho đủ chỉ tiêu, em được liệt vào thành phần băng đảng xã hội, chúng giật em ra khỏi vòng tay của cha mẹ, cho em làm người tù không bản án. Từ đó đến nay, mỗi lúc nhớ đến những trại tù cộng sản, tôi lại nhớ đến hình ảnh của em. Thực tâm, tôi không mong là em còn sống trên đời này, khi cuộc sống còn thua một con chó, khi tôi trông thấy em lần mò dưới những chiếc bàn để kiếm một miếng xương vịt của những người “tù cải tạo” chúng tôi vừa nhả ra, trong một bữa ăn “bồi dưỡng” trước khi phải lên đường chuyển đến một trại tù khác.

Chính vì chỉ tiêu và chiến dịch thi đua, vượt chỉ tiêu trước ngày hạn định nên những công trình xây dựng chỉ chuộng hình thức, ngay cả những phương tiện liên quan đến sự chết sống của dân, như những cây cầu, những hầm xuyên núi, những con đường, những đập chắn nước, chưa khánh thành đã phải tu sửa. Các công trình này chỉ cố gắng làm cho nhanh để hoàn tất trước thời hạn và chỉ tiêu được cấp trên giao phó, mà không chú trọng đến chất lượng...


Huy Phương

Cần đạt được chỉ tiêu để báo cáo thành tích, nên con người phải gian dối cho vừa lòng cấp trên của chế độ. Thời chiến tranh, dân nghèo miền Bắc, mỗi năm ngày lễ Tết, dân nghèo mới có được một bát cơm trắng, mà Nguyễn văn Tý cũng đẻ ra được một “Bài Ca 5 Tấn” để ca tụng thành tích của nông dân.

Chỉ một việc “hạn chế đà gia tăng dân số” tại Việt Nam đã là một chuyện buồn cười. Ðược trung ương giao “chỉ tiêu,” suốt hai năm liền, huyện Châu Thành A, Hậu Giang dẫn đầu tỉnh về phong trào triệt sản. Một người triệt sản được phát 2 triệu đồng, không có tiền thì quy ra gạo. Có người đàn ông độc thân cũng được ghi danh triệt sản để lãnh tiền. Có người đã có con, vợ đã bị mổ tử cung, không còn sinh nở được cũng có tên trong danh sách tình nguyện triệt sản. Nguyên tắc triệt sản là tự nguyện và không ai đi vận động những người chưa có gia đình hay chưa có con. Chính quyền địa phương, điển hình là huyện Châu Thành A, Hậu Giang, vận động không đúng người hay gian dối để “vượt chỉ tiêu” bằng cách ghi tên một phụ nữ không còn sinh nở được vào danh sách những người tình nguyện triệt sản. Do đó địa phương này đã “vận động” được 329 trường hợp, có thị trấn trong khi chỉ tiêu là 8, nhưng vượt chỉ tiêu đến 98. Vừa được bằng khen vì thành tích, vừa có cơ hội kiếm tiền, đó là “ưu điểm” của những tên “đầy tớ của nhân dân.”

Giáo dục hẳn là quan trọng đối với một quốc gia. Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo Việt Nam vừa công bố “chỉ tiêu” đào tạo tiến sĩ ở ngoại quốc theo đề án 911 năm 2013, là 1,100 người. Hèn chi Hà Nội ngày nay tiến sĩ chạy đầy đường như xe gắn máy!

Trong các trường học, thầy, cô giáo chỉ chú trọng đến vấn đề làm sao tỉ lệ học sinh tốt nghiệp cao vượt qua chỉ tiêu đã đặt ra, để vượt qua các trường bạn, kết quả là học sinh nào cũng tốt nghiệp, dẫn đến hiện tượng một nhà giáo tốt nghiệp đại học, với kiến thức “canh gà Thọ Xương” cũng đại loại như “bánh cuốn Thanh Trì” hay “nem Thủ Ðức!” Ðạt chỉ tiêu để “lập công dâng đảng” là điều quan trọng, còn chất lượng, kiến thức thì sao?

Không nghe nói đến “chỉ tiêu” vơ vét của cấp lãnh đạo thì bao nhiêu cho đủ và các ông đã vượt chỉ tiêu, nâng thành tích lên được bao nhiêu? 16 tấn vàng vu oan cho ông Nguyễn Văn Thiệu đem ra nước ngoài, được chở về Bắc, các đồng chí trong Bộ Chính Trị, mỗi người “cấu” một ít, hay 5 tấn vàng sau vụ đánh tư sản, mại bản miền Nam, hơn 5 nghìn kg vàng trong vụ đuổi người Tàu ra khỏi nước, không tính kim cương, hột xoàn, bất động sản, xe cộ, tàu bè đã chia chác với nhau ra sao, để cho đảng giàu dân đói. Nhưng hiện nay đa số dân chúng nghèo, mà Bộ Chính Trị và quan chức nhà nước thì giàu “nứt đố, đổ vách.”

Chỉ tiêu của Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng đưa ra trong Ðại hội Ðảng lần thứ IV năm 1976, rất khiêm nhường là mỗi gia đình có được một cái “phích” nước và bữa ăn có nước chấm, nay đã vượt bực rồi. Nhưng làm sao hạn chế, đừng để gian dối, bất nhân, vô đạo “vượt chỉ tiêu,” may ra mới cứu được đất nước này.

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Câu chuyện Đầu Xuân Nhâm Thìn: Dĩ Thân Nhi Giáo

Đoàn Thanh Liêm -  

Luật sư Ðoàn Thanh Liêm


Trong gia đình của tôi ở miền nông thôn thuộc vùng đồng bằng sông Hồng ngòai Bắc, thì có rất đông anh chị em, tất cả đến 11 người. Trên tôi thì có một người anh và năm người chị, và dưới tôi thì lại có đến bốn người em nữa. Vì thế mà cha mẹ chúng tôi thường hay nhắc nhở mấy anh chị lớn là phải làm gương lành, gương tốt để cho các em noi theo. Mẹ tôi lại còn hay cảnh giác rằng : “ Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó”, tức là lớp đàn em thường đi theo sát với cái nền nếp, cái vết chân của lớp đàn anh đàn chị để lại. Do đó mà cái trách nhiệm của mấy anh chị lớn trong việc hướng dẫn mấy em nhỏ lại càng nặng nề, không thể xem nhẹ được. Và quả thật, chúng tôi thật may mắn, vì mặc dầu cha mẹ mất sớm, thì những đứa em nhỏ như tôi vẫn lại tiếp tục được các anh chị lớn chăm sóc chu đáo và hướng dẫn tận tình cho - để tất cả đã trở thành những con người lương thiện và hữu dụng trong xã hội ngày nay.

* Lớn khôn hơn, thì tôi lại được nghe nói đến lời khuyên dậy của cha ông ta ngày trước – mà được tóm gọn trong 4 chữ như sau : “Dĩ thân nhi giáo “, tức là cần phải lấy cái nhân cách của bản thân mình ra mà làm tấm gương cho người khác noi theo – hơn là chỉ dùng lời nói hay chữ viết mà khuyên bảo người khác phải làm như thế này, thế nọ. Trong tiếng Anh, người ta cũng hay dùng mấy từ ngữ như : “living example”, “examplary life”..., thì cũng đều có ý nghĩa tương tự như câu “Dĩ thân nhi giáo” như ta đang thảo luận ở đây vậy. Điều này, mấy người bạn từng dậy học nhiều năm ở Việt Nam như Đỗ Quý Toàn hiện ở California, Nguyễn Thành Lộc ở Minnesota, thì cũng đều tâm đắc với cái chủ trương mà các anh thu gọn lại trong có hai chữ, đó là “Thân Giáo”. Vào năm 2002, trong một cuộc hội thảo tại một trường đại học ở Virginia, tôi cũng đã đề cập đến ý nghĩa của chủ trương “Thân Giáo” này. Cử tọa gồm các nhân vật đến từ nhiều quốc gia – đã rất chú ý đến sự trình bày của tôi, và có một vị giáo sư còn đòi tôi viết hai chữ Thân Giáo này bằng tiếng Trung Hoa nữa. Tôi phải thú thực là tôi không còn nhớ rõ hai chữ này viết bằng chữ Hán ra sao, và nghĩ bụng thật là hổ thẹn cho mình vốn là một đứa cháu của một cụ đồ xưa kia đã từng dậy chữ Nho!

* Áp dụng lời chỉ dẫn này trong gia đình riêng của mình, tôi đã cố gắng hướng dẫn cho lũ con của tôi theo đuổi việc học hành nghiêm túc và sống một cuộc đời lương hảo – bằng cách chính bản thân mình nêu cái gương nghiên cứu làm việc cần mẫn, miệt mài để hòan thành mọi nhiệm vụ được trao phó - chứ không tự mình buông thả trong nếp sống bon chen, đua đòi ích kỷ chỉ biết vui chơi thỏa thích cho riêng cá nhân, mà sao lãng cái phần trách nhiệm đối với gia đình, với dòng tộc nhà mình và với cộng đồng xã hội.

Lại nữa, mỗi khi các cháu gặp bà con trong thân tộc, thì hay được bà con khuyến khích nhắc nhở là : “ phải noi gương bố để mà học hành tiến bộ cho nên người, hầu góp phần làm rạng danh cho gia đình và dòng họ”. Đó là điều càng làm cho các cháu có thêm sự tự tin và quyết tâm theo đuổi nếp sống lương hảo của dòng tộc nhà mình. Và may mắn làm sao – đến nay các cháu đều đã trưởng thành chững chạc, có nghề nghiệp sinh sống đàng hòang, và có một vài cháu lại còn tự nguyện tham gia với công việc từ thiện văn hóa xã hội nữa.

* Trên đây là cái kinh nghiệm bản thân trong phạm vi nhỏ bé của gia đình, còn ra ngòai xã hội, thì tôi cũng tiếp thu được một số kiến thức thật bổ ích đại lọai như sau. Vào hồi cuối thập niên 1960, lúc đang ở vào cái tuổi “tam thập nhi lập”, mà lại hăng say dấn thân với công tác xã hội tại vùng ngọai ô thành phố Saigon, thì tôi thường có dịp gặp gỡ và hợp tác sát cánh với những vị tu sĩ thuộc Phật giáo, Công giáo và Tin Lành. Tất cả các vị tu sĩ này đều kêu gọi vận động tín đồ tham gia tích cực vào việc cứu trợ các nạn nhân chiến cuộc, đặc biệt là giúp đỡ trong công cuộc tái thiết nhà cửa bị tàn phá nặng nề do những cuộc giao tranh dữ dội hồi Tết Mậu Thân 1968 gây ra. Tôi nhận thấy tiếng nói của các vị tu sĩ này được quần chúng tín đồ răm rắp nghe theo, nhờ vậy mà công cuộc tái thiết tại vùng ngọai ô Saigon hồi đó đã được tiến hành hết sức mau lẹ khả quan, góp phần quan trọng vào việc phục hồi sự an cư lạc nghiệp của khối đông đảo bà con nạn nhân ở địa phương 3 quận 6,7 và 8 là khu vực bị tàn phá tệ hại nhất trong thành phố.

Tôi thật nhớ câu nói của Thầy Tâm Quang là một tu sĩ trẻ thuộc Giáo Hội Phật giáo Việt nam Thống nhất, Thầy tâm sự với tôi như sau : Người tu sĩ có nhiệm vụ phải “ tự giác để giác tha”, “tự độ để độ tha”- tức là bản thân người tu sĩ phải tự rèn luyện mình trước đã, rồi mới có thể giúp cho tha nhân giác ngộ và sinh sống hạnh phúc thanh thản được. Về phía bên đạo Công giáo cũng như Tin Lành, thì đều có lời khuyên bảo tương tự, cụ thể là mỗi người tín hữu phải đích thực là một “chứng nhân sống động của Chúa Kitô” (living christian witness) trong cuộc sống giữa lòng xã hội – tức là phải có hành động cụ thể thiết thực nhằm bày tỏ lòng yêu thương quý trọng đối với hết thảy mọi người anh em đồng lọai, đặc biệt giữa lúc họ gặp khó khăn - vì tất cả họ cũng như mình thì đều là con cái của một người cha chung là Thiên chúa ở trên trời.

* Nhưng tiếc thay, trong hàng ngũ của giới tu sĩ được gọi là lãnh đạo tinh thần này, thì vẫn có một số người lại có một đời sống trái ngược hẳn với lý tưởng tu hành đạo đức truyền thống của tôn giáo mà mình theo đuổi – để mà bị dân gian chê bai rằng đó là những “kẻ buôn thần bán thánh”, “con chó sói đội lốt thầy tu”… Điển hình như các vụ tu sĩ bị truy tố về tội “xâm phạm tình dục đối với trẻ vị thành niên” mà gần đây đã bị tòa án ở Mỹ đem ra xét xử, khiến cho Giáo hội công giáo phải gánh chịu trách nhiệm bồi thường rất là nặng nề.

Vì có cái chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” như thế, mà ảnh hưởng của tôn giáo ngày nay đang có nguy cơ bị sa sút yếu kém đi rất nhiều, khiến cho cả đến xã hội cũng bị thiệt thòi vì bị mất đi cái sức mạnh đạo đức tinh thần truyền thống vốn là rường cột thiết yếu của quốc gia từ ngàn xưa. Sự xuống cấp suy đồi đáng buồn về mặt đạo đức luân lý này là biểu hiện của một tình trạng thường được gọi là “thời kỳ mạt pháp” theo ngôn ngữ của Phật giáo vậy.
  • Như người viết đã có nhiều dịp trình bày, Tôn giáo là một thành phần tối ư quan trọng của khu vực Xã hội Dân sự. Điển hình như tại nước Mỹ, thì có đến 60% trong số hàng triệu các tổ chức phi chính phủ và bất vụ lợi (non-governmental, non-profit organisations) là bắt nguồn từ một niềm tin tôn giáo – mà được gọi là “faith-based social action organisations”. Vì thế, mà trong bài viết này, tôi đặc biệt muốn lưu ý quý bạn đọc về cái mối nguy cơ phát xuất từ sự sa sút về phương diện đạo đức tâm linh trong các tổ chức tôn giáo – mà giới tu sĩ phải chịu trách nhiệm chính yếu, bởi lẽ chính bản thân của nhiều vị trong số này đã sao lãng việc rèn luyện tu thân tích đức - để mà có thể thực sự áp dụng cái lối “dĩ thân nhi giáo” đối với các tín đồ dưới sự hướng dẫn tinh thần của mình. Rõ rệt là các bài thuyết giảng, thuyết pháp - cho dù có được quý vị tu sĩ soạn thảo công phu hấp dẫn đến mấy đi nữa – thì cũng chẳng thể có một tác động tốt đẹp sâu xa bền vững nào đối với đông đảo khối quần chúng tín đồ - nếu mà chính quý vị lại không có được cái điều mà nhân gian thường nói, đó là “Đạo cao Đức trọng của một vị Chân Tu”. Dứt khóat là mỗi quý vị phải thực sự có được cái ngọn lửa nồng cháy trong sâu thẳm tâm hồn của bản thân mình - thì mới có thể truyền được sự ấm áp của lòng nhân ái, của sự thiện hảo đến cho từng cá nhân mỗi tín đồ được – như người ta thường nói : “Dĩ tâm truyền tâm” (from heart to heart).
*Câu chuyện Đầu Xuân đến đây kể đã dài rồi, tôi chỉ xin ghi lại ngắn gọn trong ít chữ nữa, đó là các bậc huynh trưởng, bậc làm cha làm mẹ, các nhà giáo dục và đặc biệt là các vị tu sĩ được gọi là giới lãnh đạo tinh thần trong các tôn giáo, thì tất cả đều phải nêu được tấm gương tốt đẹp về lòng nhân ái, về tính lương thiện và nhất là về tinh thần đạo hạnh khiêm nhu - để mà khả dĩ có sức thuyết phục lôi cuốn mọi người cùng noi theo – trong ý hướng kiến tạo được một xã hội chan hòa tình yêu thương và tình liên đới gắn bó mật thiết với nhau. Đó thiết nghĩ là điều mong ước thiết tha nhất của những ai từng có sự quan tâm đến niềm hạnh phúc đích thực của tòan thể nhân quần xã hội vậy.

California, Đầu năm Nhâm Thìn 2012
Đoàn Thanh Liêm