Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022
Nguyễn Hưng Quốc: Để Nhớ 7 Năm Ngày Võ Phiến Mất - Những Năm Tháng Cuối
Mỗi lần có dịp qua Nam California, một trong những người đầu tiên tôi đến thăm bao giờ cũng là Võ Phiến (1925-2015). Chủ yếu là vì tình thân. Tôi quen với khá nhiều người cầm bút Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, nhưng người tôi gần gũi nhất có lẽ là Võ Phiến. Gần, chủ yếu là vì, trong thời gian viết cuốn Võ Phiến (1996), tôi đọc ông nhiều và rất kỹ; và cũng vì, trong suốt thời gian chuẩn bị tài liệu cho cuốn sách ấy, kéo dài cả mấy năm, tôi và Võ Phiến thường xuyên liên lạc thư từ với nhau. Thư, thoạt đầu, khá khách sáo; sau, cứ dần dần thân thiết. Sự thân thiết, thoạt đầu, giống như tình bạn, thứ bạn vong niên trong văn nghệ, dần dần, giống như tình gia đình: Tôi xem Võ Phiến như một ông bác. Khi đã xem như bác, việc thăm viếng trở thành một cái lễ, một thứ bổn phận.
Mà kể cũng lạ. Trong giới cầm bút nổi danh trước năm 1975 sau này sống ở hải ngoại hầu như chỉ với Võ Phiến là tôi xem như một ông bác. Với những người khác, ngay cả với Mai Thảo, chỉ nhỏ hơn Võ Phiến hai tuổi và lớn hơn tôi đến 30 tuổi, tôi chỉ xem như là anh. Nói chuyện với Mai Thảo, theo đề nghị của chính ông, tôi gọi bằng “anh” và xưng “em”. Không những vậy, có lúc tôi còn xem ông như một đứa em nữa là khác. Đó là những lần, lúc tôi còn ở Paris, ông bay từ California sang chơi. Sau khi ăn uống hay đi dạo phố, đưa ông xuống trạm xe điện ngầm để về nhà Trần Thanh Hiệp, nơi ông ở trọ, sau khi dặn dò đường đi nước bước, rồi nhìn cái ánh mắt lúc nào cũng mơ mơ màng màng, cái dáng người cao lêu nghêu và cái bước chân hơi liêu xiêu của ông, tự dưng tôi thấy bất an. Sợ ông đi lạc. Sợ ông băng qua đường ẩu, xe đụng. Sợ vu vơ đủ thứ. Như sợ cho một đứa em ngơ ngác giữa phố lạ. Những lúc ấy, tôi quên bẵng là ông đã từng qua Paris nhiều lần và rất giỏi tiếng Pháp. Với Võ Phiến, chưa bao giờ tôi có cảm giác ấy. Nhìn ông và nói chuyện với ông, tôi có cảm giác như đang đối diện với một công chức tỉnh lẻ hiền lành. Từ dáng dấp đến vẻ mặt, có vẻ gì hơi hơi thật thà, hơi hơi chất phác, nhưng đôi mắt của ông thì khác: Lúc nào cũng tinh anh, cũng nhanh nhẹn, toát lên vẻ gì vững vàng, có thể đương đầu với mọi tình huống và mọi bất trắc.
Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2022
Trần Yên Hòa: Nhớ thương cậu Hối (Họa sĩ Vũ Hối)
Tôi biết tên Vũ Hối từ ngày đó.
Thư họa của Vũ Hối |
Cũng những năm tôi được 14, 15 tuổi, một hôm, Trịnh Tộ đem đến khoe với tôi một cuốn Thế Giới Tự Do, trong đó có đăng hình ông Vũ Hối. Ông được đi thăm nước Mỹ, được mời vào tòa Bạch Ốc để vẽ hình cho tổng thống Kenedy. Tôi cảm thấy thật hãnh diện. Cầm tờ báo Thế Giới Tự Do trên tay, nhìn ông Vũ Hối mặc áo quần rất lịch sự, đứng bên mấy bức tranh của ông được giải thưởng, tôi thấy nể trong bụng quá.
Thời gian như nước chảy qua cầu, thời cuộc cũng xoay chuyển, 30-4- 75 đến làm thay đổi bao nhiêu cuộc đời. Tôi vào tù vì tội sĩ quan chế độ cũ, còn họa sĩ Vũ Hối cũng vào tù vì tội văn nghệ sĩ phản động. Sau này qua Mỹ, gặp ông Vũ Hối, nghe ông nói đã bị cai tù đánh hư một con mắt, và ông được hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc bảo trợ qua Mỹ.
Khoảng 2001, tôi có viết một hồi ức có tên là "Ký Ức Mẹ, Đi Về Phía Hoàng Hôn" đăng trên các báo Việt Ngữ ở Mỹ, sau đó được trích đăng trong nhiều tờ báo ở Úc, Pháp... trong đó có đoạn như sau:
"Trong những ngày phát động chiến dịch cải cách ruộng đất, tôi luôn nhớ những đêm tối có những tiếng loa vang vang khắp thôn xóm. Tiếng loa thông báo hôm nay có đấu tố tên địa chủ nào, ở đâu, và kêu gọi đồng bào đi tham dự đấu tố. Tôi còn nhớ hai lần mẹ tôi đã đi. Mẹ tôi bỏ hai ngày làm ruộng cùng dân chúng trong xã lên đến tận xã Kỳ Long, nơi có cuộc đấu tố ông Vũ Ấn, được gọi là “tên địa chủ ác ôn” (ông Vũ Ấn là cha giáo sư Vũ Ký và họa sĩ Vũ Hối) và cuộc xử tử ông Hồ Đệ, một đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng."
Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022
GIÁO SƯ PHẠM TRỌNG LỆ QUA ĐỜI
Một văn hữu của Diễn Đàn Thế Kỷ, Giáo sư Phạm Trọng Lệ đã qua đời vào ngày 22 tháng Bảy 2022 tại nhà riêng ở Virginia, thọ 84 tuổi.
DĐTK xin thành kính chia buồn cùng Tang Quyến, và nguyện cầu Hương Linh GS Phạm Trọng Lệ sớm được tiêu diêu nơi Cõi Vĩnh Hằng.
Để tưởng niệm Giáo Sư Phạm Trọng Lệ, chúng tôi xin đăng dưới đây bài thơ SAY của nhà thơ Trần Mộng Tú với bản dịch sang Anh ngữ của GS. Phạm Trọng Lệ.
DĐTK
SAY
Em vừa uống xong ly rượu
mặt em đỏ như mặt trời
tim em mặt trăng òa vỡ
bàn tay em như cành hoa
nở những đóa hoa sao nhỏ
Em đi bằng những ngón chân
mà sao không chạm mặt đất
nghê thường múa khúc dọc ngang
em bay vào vùng huyễn hoặc
vứt áo lạnh vào góc phòng
chiếc khăn thả rơi trên đất
em thả em vào câu thơ
không làm sao ra được nữa
Này anh, bàn tay đâu nhỉ
cho em mượn nắm được không
ngụm rượu chiều nay rót xuống
cho dòng sông thêm mênh mông
Em đỏ hay là rượu đỏ
em say hay rượu say em
cả dòng sông cũng túy lúy
cứ đòi nắm lấy tay em
chao ôi dòng sông say rượu
dắt tay em đi tìm anh
thế nào cả hai cũng lạc
Vì tình yêu ở khúc quành.
Trần Mộng Tú
10/08
Bản dịch tiếng Anh của PHẠM TRỌNG LỆ
DRUNK
I just had a goblet of wine
my face got crimson like the sun
my heart the exploding moon
my hand a sprig of flowers
blossoming into tiny stars
I walked on tiptoe, somehow
I felt I did not touch the earth
I danced the Rainbow Skirt
backward, forward, sideways
and flew into the land of phantasmagory
I tossed my coat to the corner
and dropped my scarf on the floor
then let myself drifted along a stream of verse
and of it found no way out
Was I red or the wine red
was I drunk from wine, or wine infatuated with me
the river, too, being dead drunk
insisted on holding me
O my! the drunken river grasped my hand
leading me in search of you
we both will sure get astray
As love lies where the river winds.
(Translated by Phạm Trọng Lệ, Virginia 6/12/08)
Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022
Hoàng Xuân Trường: Nguyễn Xuân Vinh - Một đời Người trong Chuyến Bay Siêu Thanh
Nhan đề “Một đời người trong chuyến bay siêu thanh” (A Life In Supersonic Flight) là đề tựa của một bài viết của ba giáo sư Aron A Wolf (giáo sư đại học Cal Tech),, Daniel J. Scheeres (giáo sư đại học Colorado, một môn đệ của giáo sư Vinh)) và Ping Lu (giáo sư đại học UC San Diego) trong tập san của Hội Những Nhà Khoa Học Không Gian Hoa Kỳ (Amarican Astronomical Society) số 18-126 và website www,trs.jpl.nasa.gov để tôn vinh giáo sư Nguyễn Xuân Vinh.
Tôi đọc bài viết này khi được tin giáo sư Vinh vừa qua đời vì tôi có cơ may được tiếp xúc với ông khoảng chục lần (phải nói thêm là mỗi lần khoảng trên dưới 5 phút !! ), và khi thấy tên ông, một người mà tôi kính trọng và cảm phục, tôi lại nhớ tới những tiếp xúc ngắn ngủi với ông, tôi thấy giờ đây chúng trở nên quí giá.
Tôi được biết về giáo sư Vinh rất sớm, khoảng năm 1959, khi tôi mới khoảng 14,15 tuổi, ở với ông anh là sĩ quan Không Quân trong Tân Sơn Nhất và thường thấy ông ngồi xe (Peugeot hay Citroen) màu đen có tài xế lái đưa ông đi làm. Thời gian đó cũng là lúc tôi được đọc cuốn Đời Phi Công của ông. Văn pháp của cuốn sách giản dị, nhưng trong sáng và thơ mộng như những bài tản văn, rất hấp dẫn với một học sinh mới lớn. Ngoài cuốn sách, tôi còn đọc những bài viết (hay dịch) của ông trên báo Phụng Sự của quân đội hồi đó như cuộc đời phi công Richard Bong, về đô đốc Yamamoto, về trận Trân Châu Cảng. Trong bài viết về trận Trân Châu Cảng, ông có làm mấy câu thơ tưởng niệm những phi công Nhật mà giờ đây tôi còn nhớ:
Như những cánh hoa anh đào tan vỡ
Xuôi trùng dương, theo vạn nẻo về đâu
Vịnh Trân Châu, muôn lớp sóng bạc đầu
Đem tro bụi ai xuôi về cố lý
Hai năm sau, khoảng 1960, tôi lại “thấy” ông lần nữa trong dịp ông dẫn đầu một phái đoàn Không Quân đến hai trường Petrus Ký và Chu Văn An nói chuyện về KQ, có lẽ để “dụ” mấy anh sắp thi tú tài đi KQ. Sau đó được biết ông từ chức và đi Mỹ.
Phạm Tín An Ninh: Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh Và Trường Trung Học Võ Tánh Nha Trang
Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh vừa mới qua đời vào lúc 2 giờ 39 phút chiều ngày 23 tháng 7 năm 2022 tại tư gia, thành phố Costa Mesa - California, hưởng thọ 92 tuổi. Người ta biết danh và hết lòng ngưỡng mộ, không chỉ vì ông là một nhà toán học tài ba, một khoa học gia không gian lỗi lạc, đã đóng góp nhiều công trình quí giá cho nhân loại, mà còn từng ái mộ ông là một nhà văn dưới bút hiệu Toàn Phong với tác phẩm nổi tiếng Đời Phi Công, ra đời năm 1959, nhận được giải thưởng văn chương toàn quốc, và được giới thiệu trên Le Journal d’ Extrême-Orient của Pháp, khi ông đang là vị Tư Lệnh Không Quân trẻ tuổi nhất của QLVNCH (28 tuổi).
Một con người vĩ đại như vậy, với cá nhân và ngòi bút quá nhỏ bé của mình, tôi thực sự không thể (và cũng không dám) viết điều gì về ông, ngay cả với danh nghĩa là một đứa học trò nhỏ nhất. Bởi vì trên thực tế, tôi chưa và không bao giờ được vinh dự làm học trò của ông, mặc dù ông đã từng dạy ở ngôi trường trung học mà tôi có thời theo học (nhưng khi tôi chuyển vào lớp đệ Tam thì ông đã rời khỏi nơi này cả mấy năm trước đó). Điều duy nhất mà tôi có thể viết, đó là niềm hãnh diện, sự cảm kích và lòng biết ơn về tình quí mến mà ông đã đặc biệt dành cho. Mặc dù ông khiêm nhường bảo đó là tình đồng ngũ và thầy trò.
Lần đầu tiên, cách nay khoảng 15 năm, một hôm tôi rất bất ngờ và ngạc nhiên khi nhận được điện thư của ông gởi thăm, nói vài cảm nghĩ sau khi đọc một vài câu chuyện của tôi viết về đời quân ngũ, những năm tháng tù đày và đặc biệt là những kỷ niệm về Nha Trang, cùng ngôi trường Võ Tánh mà tôi từng theo học trước kia. Ông cho biết những bài viết ấy đã gây cho ông nhiều cảm xúc, về một cuộc chiến mà ông không có mặt để cùng gánh vác, sẻ chia trong những thời điểm tàn khốc và bất hạnh nhất, và một thành phố biển đẹp đẽ thơ mộng đã làm cho ông cảm thấy được an ủi, thú vị trong hơn một năm ông bị “đi đày”, khi còn mang cấp bậc trung úy, và cũng ở đó ông rất vui với công việc dạy Toán cho học sinh lớp Đệ Nhị của một trường trung học, đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Nguyễn Văn Tuấn: Ông Tô Văn Lai (1937 – 2022) ‘đi mang theo quê hương’
Ông Tô Văn Lai (1937 – 2022), người sáng lập Trung tâm Thuý Nga. Ảnh của báo Người Việt. |
Ông Tô Văn Lai, một trong những người có ảnh hưởng lớn đến đời sống âm nhạc và văn hoá ở hải ngoại, mới qua đời ở tuổi 85. Ông để lại cho đời một sân khấu mang tên ‘Thuý Nga Paris by Night’ như là một tài sản tinh thần của hàng trăm triệu khán giả trong và ngoài nước.
Kỉ niệm những ngày đầu xa quê
Dạo đó (đầu thập niên 1980s), tôi mới định cư ở Úc và quần quật làm lại cuộc đời ở quê hương mới, nên ít khi nào chú ý đến nhu cầu văn nghệ. Bạn bè gặp nhau ngày cuối tuần thì chủ yếu là ăn uống và ca hát theo kiểu ‘cây nhà lá vườn’. Người cầm đờn, kẻ nghêu ngao ca hát những ca khúc nổi tiếng thời trước 1975 hay những ca khúc thương nhớ về quê nhà mà chúng tôi nghe được từ bên trại tị nạn. Đời sống âm nhạc và văn hoá của người Việt xa xứ thời đó chỉ có vậy.
Video ca nhạc “Paris by Night” đầu tiên của Trung tâm Thuý Nga phát hành vào năm 1983. |
Nguyễn Văn Lục: Tưởng nhớ Tô Văn Lai. Một người bạn cùng lớp Đại Học Sư Phạm Triết Đà Lạt
Tôi viết với tư cách một trong những người bạn lâu năm của Tô Văn Lai về những gì còn nhớ trong tình trạng hiện nay bạn bè cùng lớp rơi rụng gần hết. Và chỉ còn dăm người còn liên lạc với nhau: Trương Đình Tấn, Phạm Phú Minh, còn có bút hiệu Phạm Xuân Đài, Nguyễn Văn Lục, Minh Pat Boone, Vĩnh Phiếu, Hồ Công Danh (ở trong nước). Tôi cũng xin nói thật là tôi e ngại viết về một người bạn đã thành đạt ở một tầm kích vượt trội từ trong nước ra hải ngoại. Sự e ngại ấy có cái lý của nó. Hễ một người có danh vọng, khi nằm xuống thì sẽ có nhiều người lên tiếng ca ngợi như một thứ “Văn chương phúng điiếu”. Ca ngợi người mà chính là gián tiếp cho mình. Tôi cũng chẳng muốn làm công việc mà bạn mình không cần. Nhiều khi người chết cũng chẳng cần thứ gia tài đó. Vì thế, tôi ráng giữ nguyên tắc cho riêng mình là: Bài học ngữ pháp về tang chế (Grammaire du Deuil). Như thế rồi thì tôi có thể thong dong viết về bạn mình.
Trước hết, xin nói qua về việc thành lập Đại học Đà Lạt nơi chúng tôi đã thành đạt. Nó chỉ bắt đầu từ niên khóa 1957-1958 với hai ban Đại học Sư phạm quốc gia : Triết Học và Pháp Văn. Cơ sở trường Đại Học Đà Lạt vốn là Trung tâm an dưỡng của Sĩ quan Pháp có tên là Camp Robert. Camp Robert có hai khu. Một ở phía trường Yersin, một phía trong rừng, xa thành phố, rộng 40 mẫu, nơi có 40 ngôi nhà lớn nhỏ. Nơi đây được gọi là Thụ Nhân (trồng người) đã đào tạo tất cả chúng tôi thành những trí thức miền Nam, đi gieo trồng môn triết học lan tỏa khắp các tỉnh thành miền Nam (Xem thêm đầy đủ bài của Đỗ Hữu Nghiêm (Kỷ niệm 10 năm Viện Đại Học Đà Lạt).
Từ cơ sở ấy, linh mục Nguyễn Văn Lập đã nhiều năm xây dựng và phát triển nên cơ ngơi ngày hôm nay. Nhất là khi mở thêm phân khoa chính trị, Kinh Doanh mà sỉ số sinh viên lên cả ngàn.
Số giáo sư giảng dạy về môn Triết còn nhớ được
Thật ra, việc học ra trường với thứ bậc cao thấp chẳng có gì để đáng nói. Chỉ cần chăm một chút là có thể đạt được. Sự thành công sau này chủ yếu là lúc ra đời. Việc học chỉ là giai đoạn chuẩn bị như bước nhảy vào đời. Nó giống như cái ván nhún trong hồ bơi (tremplin). Cái vấn đề không phải là cái ván nhún, mà là sự thao luyện giày công trong nhiều tư thế nhào lộn đúng chuẩn mực, để ngụp sâu và ngoi dậy. Sự thành công bao giờ cũng có giá phải trả bằng nhiều cách khác nhau.
Phạm Phú Minh: Bơi Qua Hồ Xuân Hương Giữa Đêm Khuya
Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2022
Tưởng nhớ bạn TÔ VĂN LAI
Xin điểm danh theo trí nhớ, từ trái qua phải : người thứ 2 Tô Văn Lai; thứ 4 Phạm Phú Minh (Phạm Xuân Đài); thứ 5 Trương Đình Tấn; thứ 7 Nguyễn Văn Lục; thứ 9 Hồ Công Danh; thứ 10 Nguyễn Thị Loan (nữ sinh viên duy nhất của lớp); Giáo sư Linh Mục Pineau (áo trắng); kế tiếp là Dương Văn Ba; người thứ tư từ DVBa là Huỳnh Thanh Tâm (nhà văn Huỳnh Phan Anh); kế tiếp là Huỳnh Đạt Bửu.
Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2022
Trần Mộng Tú: Gửi Một Người Bỏ Đi
Tưởng Niệm Nhà Văn Bùi Bích Hà
(1938 - 2021)
Nhân ngày giỗ đầu của nhà văn, 14 tháng 7 năm 2022
Bùi Bích Hà và Trần Mộng Tú |
Một năm rồi đấy, thời gian đi nhanh lắm,
nhất là với những người chịu cảnh mất nhau trong đời sống.
Em không thể nghĩ ra cả năm nay chúng ta không gọi nhau, không nghe thấy tiếng nhau, không gửi tin nhắn cho nhau. Chuyện này quả thật quá khó khăn cho cả chị và em.
Chị bây giờ chỉ là “hồn sương bóng quế”
còn em vẫn đặt trong đầu những câu hỏi “Tại sao” rất ngu ngơ. Cuối cùng chỉ là những giọt lệ rơi xuống ly cà phê buổi sáng,
giọt nước mắt trên lưng bàn tay mỗi lần đi bộ buổi chiều,
là khoảng trống mênh mông mỗi lần đứng trên sân thượng nhìn xuống cái hồ trước nhà.
Em nhớ chị nhiều lắm và em hồn nhiên tin là dù ở nơi đâu chị cũng rất nhớ em.
Nhật Nguyệt
Người đi không hề quay đầu lại
Gió thổi lá vàng bay thật xa
Mình tôi trơ vơ quãng đường vắng
nhật, nguyệt nào đứng giữa hai ta.
Chênh Vênh
Một năm không gặp mặt
Một năm không gọi tên
Một năm thư không nhắn
Chênh vênh giữa nhớ quên.
Chiều Ơi!
Bước từng bước từng bước
Buổi chiều, buổi chiều ơi!
Tiếng ai cười khúc khích
Ngoảnh đầu chiếc lá rơi.
Nằm Mơ
Gặp nhau ở trong mơ
Hai ta cùng tay nắm
Bước ra khỏi giấc mơ
Em nắm lấy tay mình.
Vũng Nước Buồn
Hôm đó chị bỏ đi
Em ngỡ chị quay lại
Nào ngờ chị như mưa
Để lại vũng nước buồn.
Hoa Mộc Liên
Tháng bẩy hoa Mộc Liên
Nở thơm dưới mái nhà
Chị không còn gọi nữa
Để chia mùi hương xa
Em không còn gọi nữa
Rụng rồi…một đóa hoa.
Tháng Bảy
Tháng Bảy ai ngồi nhớ ai
Câu thơ giọt lệ có dài như nhau
Tháng bẩy sợi tóc cũng đau
Lược nào gỡ được nỗi sầu chẻ hai
Tháng bẩy nắng cũng thở dài
Rụng bông hoa trắng rát vai áo người
Tháng bẩy đi tìm tiếng cười
Nghe trong viên sỏi tiếng cười vỡ tan.
Áo và Thơ
Chiếc áo em tặng chị
Ai đang mặc bây giờ
Có cho tay vào túi
Tìm ra được bài Thơ
Bài Thơ gửi hôm đó
Chị đã kịp đọc chưa
Hay vẫn còn trong túi
Áo đã bị đem cho
Áo trên vai người lạ
Hơi chị còn vương hương
Bài Thơ chắc đang khóc
Khói nhang nào còn thơm
Bài Thơ và chiếc áo
Đã bị lấy đi xa
Nhưng trên ngực của chị
Thơ cài một nhánh hoa.
tmt - Tháng 7-14-2022
Lê Hữu: Xem tranh, nhớ người
(Ảnh: LH) |
“Nhìn bức tranh này lại nhớ chị Hà.”
Thỉnh thoảng vợ tôi vẫn lặp lại câu ấy khi ngước nhìn tấm tranh treo ở phòng ăn. Những lúc ấy tôi chỉ gật gù tỏ sự đồng tình chứ không ngoái nhìn bức tranh hay có ý kiến gì thêm, chỉ vì tranh ấy quá quen mắt rồi.
Bức tranh khổ 14”x18”. Một người bạn tôi nói đấy là bức ảnh hơn là bức tranh. Tôi thì vẫn quen gọi là tranh và cũng không nhớ được ở đâu tôi có bức tranh hay ảnh này. Nếu có nhớ là nhớ tôi bắt gặp nó trong “bộ ảnh sưu tập” online của mình, thấy hay hay bèn nhờ tiệm Office Depot in ra và mang về treo nơi góc khuất ở phòng ăn.
Bức tranh cũng chẳng có gì đặc biệt cho lắm. Dăm bảy khách bộ hành tay cầm những chiếc dù đủ màu sắc bước đi vội vã dưới cơn mưa nặng hạt dọc theo vách tường một building trên đường phố nào. Những mảng màu xám tối. Những giọt mưa đan chéo nhìn thấy được và hè phố loang loáng nước. “Điểm nhấn” trong tranh là người phụ nữ mặc áo khoác màu đỏ nép vào vai người đàn ông cầm chiếc dù cũng màu đỏ che mưa cho cô. Sáng sáng, vừa ngồi nhâm nhi tách cà-phê vừa nhìn ngắm bâng quơ bức tranh mưa lẫn trong tiếng nhạc lãng đãng từ Youtube những bài rainy soft jazz không lời, cũng khá thư giãn và cũng… đỡ buồn.
Có điều, chuyện sở thích và gout thẩm mỹ không phải ai cũng giống như ai.
“Bộ không còn tranh nào khác hay sao mà anh treo tranh này vậy,” vợ tôi lên tiếng, “trông tối tăm, ảm đạm quá.”
“Cảnh trời mưa thì làm sao mà sáng sủa được,” tôi trả lời cho qua chuyện.
Không riêng gì nàng, những bạn bè tôi cũng chẳng ai ngó ngàng gì đến tranh ấy. Chỉ có một lần, bức tranh được chị Tú chiếu cố. Ngắm nghía một lúc, chị đặt tên tranh là “Seattle”.
Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2022
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
Được tin buồn
Ông NGUYỄN TUẤN KHANH
Tức là
nhà văn Kinh Dương Vương
họa sĩ Rừng
nhà thơ Dung Nham
Đã qua đời ngày 8 tháng Sáu, 2022
Tại California – Hoa Kỳ
Hưởng thọ 81 tuổi.
Diễn Đàn Thế Kỷ xin thành kính phân ưu cùng tang quyến.
Nguyện cầu Hương Linh ông Nguyễn Tuấn Khanh được sớm tiêu diêu nơi miền Cựu Lạc.
DĐTK
![]() |
Chân dung tự hoạ – tranh hoạ sĩ Rừng. 1971 |
Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2022
Trần Huy Bích: Câu Đối Tưởng Niệm Nhạc Sĩ Cung Tiến
(Chỉ trừ các chữ “vút, thiên tài” trong vế trước và chữ “nghệ sĩ” trong vế sau,
tất cả các chữ khác đều từ tên các tác phẩm của nhạc sĩ Cung Tiến)
Nguyệt Cầm Hoài Cảm Hương Xưa,
VÚT VÚT Tung Cánh Hạc THIÊN TÀI,
Đêm Hoa Đăng Yêu Em Mắt Biếc;
Tấu Khúc Chim Bay Hoa Nở,
Vang Vang Trời Vào Xuân NGHỆ SĨ,
Chiều Nắng Hanh Qua Xóm Thu Vàng.
Trần Huy Bích
Tuấn Khanh: Nhạc sĩ Cung Tiến - Cây đại thụ trút lá trong lặng lẽ
Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2022
Trùng Dương: Văn Quang mà tôi biết
Trước 1975 chúng tôi không quen nhau. Ngoài tuổi tác chênh lệch—anh Văn Quang hơn tôi trên 10 tuổi--cũng còn vì… “phe nhóm” văn chương khác nhau. Tôi cũng chẳng hề đọc anh và ngược lại, có lẽ anh chẳng bao giờ đọc tôi.
Nhưng vào giữa thập niên 1990 thì chúng tôi quen nhau và trở nên thân thiết qua điện thư. Hồi ấy tôi đang cộng tác với một tờ báo Mỹ địa phương ở Stockton, Cali. Anh Hồng Dương, nguyên ký giả báo Chính Luận xưa, đã định cư tại đây từ giữa thập niên 1980. Chúng tôi có biết nhau song cũng chỉ sơ giao ở Sài Gòn. Đồng hương gặp nhau, lại cùng đồng nghiệp xưa, mặc dù Hồng Dương đã sinh hoạt trong ngành khác, nên hai chúng tôi gặp nhau thường xuyên, và vì cùng thích chuyện kỹ thuật điện toán,nên trở nên thân.
Hồi ấy máy computer cá nhân còn tương đối mới, điện thư qua lại còn là chuyện có phần lạ, song ai đã làm quen với nó thì dễ trở nên gắn bó vì thấy bỗng dưng liên lạc được với những người ở tận đẩu tận đâu mà chỉ cần ngồi ở bàn giấy tại gia, nghe có cái gì mầu nhiệm là đàng khác. Qua Hồng Dương và điện thư tôi quen thêm với những người bạn của anh, trong đó có Văn Quang ở Sài Gòn. Chúng tôi họp thành một nhóm điện thư gồm năm người: ngoài tôi, là Hồng Dương, Văn Quang, Tạ Quang Khôi, và Hoàng Ngọc Liên—là những nguời nay đều đã bỏ cuộc chơi.
Trong những chuyện trao đổi với nhau qua điện thư trong thời gian này, hai chuyện liên quan tới Văn Quang mà tôi còn nhớ hơn cả. Thứ nhất là việc băn khoăn đi hay ở của anh sau khi bị tù cộng sản ra và được nhận đi Mỹ qua chương trình HO vào giữa thập niên 1990. Và chuyện thứ hai liên quan tới việc gây quỹ giúp mẹ con nhà văn Nguyễn Thị Thuỵ Vũ.
Nói là băn khoăn nhưng có lẽ anh Văn Quang cũng đã nhiều phần quyết định ở lại. Có lần, qua điện thư, anh kể có một bà nọ có nhiều tiền bạc của cải cất giấu ở đâu đó có đến đề nghị với anh cho bà đi cùng, bà sẽ đền bù hậu hĩ. Tất nhiên là anh không nhận. Tiền bạc đối với anh không phải là một vấn đề trong thời kỳ này khi mà những bài phóng sự về Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung trong loạt bài “Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự” đang được độc giả hải ngoại khắp nơi đón nhận. Đó là những bài viết về các thân hữu văn nghệ còn ở lại trong nước, hay điểm tin tức báo chí hàng ngày qua cái nhìn thẳng thắn của anh. Loạt bài này được nhiều báo hải ngoại đăng tải và chăm chỉ trả nhuận bút cho anh, nhờ vậy anh Văn Quang có một đời sống không phải ưu lo về vật chất. Anh bảo nhiều người anh quen biết ở vào diện như anh cần đi Mỹ phần lớn vì nhu cầu gia đình, như con cái còn vị thanh niên cần có một tương lai. Còn anh một thân một mình, các con thì đã khôn lớn có đời sống ổn thoả ở nước ngoài, anh chẳng còn gì để bận tâm.