Hiển thị các bài đăng có nhãn Túy Hồng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Túy Hồng. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Tư, 19 tháng 7, 2023
Truyện ngắn Túy Hồng: Lòng thành
![]() |
Nhà văn Túy Hồng (12/10/1938 –19/7/2020) |
Nhà văn Tuý Hồng tên thật Nguyễn Thị Tuý Hồng, sinh ngày 12/10/1938 tại Chí Long, Phong Điền, Thừa Thiên. Tốt nghiệp đại học sư phạm 1 năm tại Huế. Nghề chính: dạy học trường Hàm Nghi (Huế), trường Mạc Đĩnh Chi (Saigon). Bắt đầu viết truyện ngắn “Bát Nước Đầy” năm 1961 rồi nghỉ hai năm liền, sau đó mới viết lại. Từ 1969 đến 1973: viết tiểu thuyết hàng ngày cho các nhật báo. Được giải nhất Văn học Nghệ thuật Sài gòn 1970 với tác phẩm "Những Sợi Sắc Không".
Sang Mỹ năm 1975 và định cư tại Seattle, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ từ năm 1976.
Đã cộng tác với: Văn Hữu, Bách Khoa, Lập Trường, Văn, Văn Học, Tin Sách, Nghệ Thuật, Kịch Ảnh, Con Ong, Diều Hâu, Tia Sáng, Độc Lập, Tin Sáng, Thần Phong, Thời Nay, Đời Nay, Khởi Hành, Tiền Tuyến, Vấn Đề…
Tản mạn Túy Hồng: Thanh Nam
Thành phố Ramsey khốn khổ ngâm lạnh. Bầu dưỡng khí chúng tôi đang thở toàn một màu xám chì. Lề đường, cột điện đóng tuyết buốt băng, hàng cây cao cố gắng đứng thẳng. Thời gian lo âu thở dài. Gió thổi thốc ngược từ dưới lên đập mạnh vào hông nhà. Trời màu lam tê tái, mây màu lưu huỳnh, giá băng đóng trên mặt đường màu trắng.
Không một con chó nào dám xông ra khỏi nhà đi đêm, không một con mèo nào nhẩy lên mái ngói gào kêu. Khi chúng tôi theo họ đạo đi lễ về thì tấm khăn len choàng cổ Thanh Nam đóng băng và hơi thở chàng nặng.
Trước khi đi nhà thờ, Thanh Nam đã nướng sẵn trong lò sưởi một viên gạch để khi trở về sẽ gói vào tấm vải len cho vào mền. Mấy thằng con kêu: “nóng quá bố ơi!” rồi chúng đạp tung tấm chăn xuống thảm.
Không một con chó nào dám xông ra khỏi nhà đi đêm, không một con mèo nào nhẩy lên mái ngói gào kêu. Khi chúng tôi theo họ đạo đi lễ về thì tấm khăn len choàng cổ Thanh Nam đóng băng và hơi thở chàng nặng.
Trước khi đi nhà thờ, Thanh Nam đã nướng sẵn trong lò sưởi một viên gạch để khi trở về sẽ gói vào tấm vải len cho vào mền. Mấy thằng con kêu: “nóng quá bố ơi!” rồi chúng đạp tung tấm chăn xuống thảm.
Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2020
Trần Doãn Nho: Văn Túy Hồng
![]() |
Nhà văn Túy Hồng và thủ bút (Hình: trang mạng Gió-O) |
Nhà văn Túy Hồng vừa qua đời vào hôm 19-7-2020, tại tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ, để lại một niềm luyến tiếc sâu xa trong lòng những người yêu mến văn chương của chị. Đã có rất nhiều bài viết phân tích, hồi ức, chia xẻ cũng như tưởng nhớ chị trên nhiều trang mạngở trong và ngoài nước. Bài viết ngắn này,giới hạn trong việc phân tích qua vài đặc điểm trong cách viết của chị, là một nén hương lòng thắp lên tiễn biệt một nhà văn Việt Nam mà cũng là một người đồng hương tài hoa, xuất sắc.
Bàn về cách viết của Túy Hồng, nhà nghiên cứu văn học Tôn Nữ Nha Trang cho rằng, “Đọc bà là thấy cái độc đáo của tiếng Huế chộn lộn với tiếng mẹ đẻ vốn phong phú trong so sánh và ẩn dụ, và đầy âm điệu. Sự so sánh của bà thật bất ngờ và thông minh, do đấy không hề buồn chán; thay vì thế, chúng cho ta cái thú vị ở chỗ tìm thấy cái gì đó quen thuộc cách lạ lùng.”[1]
Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2017
Túy Hồng: Gia vị tuổi già
Khi cây bạch dương sau nhà trở mình thì lá mùa thu cũng đã chuyển sang màu vàng nguyên chất. Nắng ngọt dịu của tháng mười một ấm như nắng hanh vàng ngày nào nướng chín trái bí ngô, quả cam, trái chuối.
Tháng ba lưng lưng chim hót ngang trời thật ra
không làm người di tản thấy vui như mấy tháng dài mùa thu len lén vào tim.
Trong những khu vườn Việt Miên Lào ở Oregon,
mùa thu ánh lên màu vàng từ trái hồng ngâm và màu cám gạo lứt của trái lê. Hai
thứ trái cây trân quý này hương vị ngọt thanh nhưng về hình thức, trái hồng đội
một cái nón trên đầu trông như cái chụp đèn nên không đẹp.Thứ quả này lại chín
vào cuối thu nên không đủ nắng để ngọt.
Tháng
bảy ngày rầm xá tội vong nhân. Tháng
tám chơi đèn kéo quân, Trở
về tháng chín chung chân buôn hồng.
Câu ca dao cho thấy hồng là một thứ quả đắt
giá, các con buôn phải góp tiền hùn vốn với nhau mới bán mua nổi cái thứ trái
cây này.
Trong truyện Tàu, hồng là một thứ trái cây của
lính: đoàn quân viễn chinh Trung Hoa ngày xưa , buổi mai thức dậy từ bốn giờ
sáng tập luyện môn võ công Tài chi đã điểm tâm một trái hồng và một chén cháo
kê.
Túy Hồng: Gia vị tuổi già (Tiếp theo)
Sau bao nhiêu
ngày dài từ Seattle Thúy điện thoại về. “Mẹ, mấy ngày đầu, ông via bà via của Jeffrey
theo dõi con như thám tử rình thủ phạm. Ngày thứ nhất, con không rửa bát, cái
máy làm. Ngày thứ hai, ông bà ấy bí mật coi ngó từng cử động con làm, họ to mắt
ngạc nhiên thấy con dọn dẹp đồ dơ trên bàn ăn vào bếp nhưng tại sao con không
dụt mấy cái khăn giấy lau miệng vào sọt rác mà lại cất vào một chỗ rất cẩn
thận. Khi con rửa bát xong, họ thấy con dùng mấy cái giấy tissue đó để lau bếp,
lau floors... họ bèn bỏ ra ngoài coi ti vi. Từ đó , họ thôi không rình rập và
dòm ngó con nữa! Cuối tuần, Jeffrey về thăm cha mẹ và ăn cơm nhà. Hắn và con đi
chơi vui lắm.”
Đêm sau, Thúy lại gọi về. “Mẹ... khi cất thịt
gà trong tủ lạnh, mẹ nhớ gói thật kỹ trong túi nylon nghe! Mẹ dạy con nấu cháo
gà đi! Ông via bà via của Jeffrey thích ăn cháo gà lắm. Mẹ, đi đâu về, mẹ nhớ
khép dù lại truớc khi bước vào nhà nghe mẹ, và khi đi đâu, mẹ nhớ chỉ mở dù ra
khi đã bước ra khỏi nhà nghe mẹ! Phải kiêng nghe mẹ.”
Thời gian này, nhà băng ở Portland rục rịch
phá sản để sau đó nhập vào nhà băng Wells Fargo. Nhiều khi ngồi trước máy
computer không có việc gì mà làm. Ngồi đợi xếp ban ơn đưa việc đến tay cho mà
làm, đời buồn như giấy đi cầu.
Hảo là thư ký hạng hai chịu trách nhiệm gửi
lại thư cho khách hàng đổi địa chỉ không thông báo! Giờ ăn trưa, nhân viên bị
cấm không được ngồi lại trong phòng, Hảo lén lút dấu một xấp thư vào túi áo ấm
và đi ra ngoài ngồi trên ghế đá công viên khung trời đại học Portland, không mở
cơm ra ăn mà phải xếp mấy chục lá thư vào bì trước đã. Việc làm này nếu
supervisor biết được! Hảo nhớ câu nói của ông bạn người Huế: “Chị với mụ vợ tui
là hai con cua què... cua gãy càng. Chị với mụ vợ tui đúng là hai bà xã trái
đời... khó khó lắm... phải có tài lanh mới có việc làm.”
Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012
Túy Hồng - Gia vị tuổi già (tt)
Túy Hồng
(Tiếp theo và hết)
Hảo chưa ngủ được gì hết
thì đã sáng chủ nhật. Hôm nay, điện thoại chỉ reo một
lần.
Hảo bảo con: “Mẹ nghĩ con nên
có hai ba người bạn trai một lúc để tuyển lựa một
người. Đàng này con chỉ đi lại với một người thôi
rồi lấy người đó.”
Thúy cãi: “Có sao đâu mẹ, mẹ
thật lộn xộn.”
Hảo bực tức: “Nếu bố mầy
còn sống, chắc chuyện sẽ xảy ra một cách khác. Nếu
mày đem thằng bồ Mỹ về nhà ra mắt bố mày!!! Từ ngày
sang Mỹ, bố mày không nói chuyện với người Mỹ, không
đến nhà Mỹ, không ăn cơm không uống nước với người
Mỹ. Mỗi lần người Mỹ đến nhà, bố mày đùn mẹ ra
tiếp, bố mày chạy xuống basement trốn. Đó, những cái
bố mày không làm thì bây giờ chúng mày làm đủ.”
Ngoài kia, gió mát trời xanh.
Thảm cỏ dày bên kia láng giềng, bà hàng xóm cắt cụt
như cắt tóc. Hảo vẫn nhìn ra ngoài, nói tiếp:
“Jeffrey... mẹ chỉ sợ nó sẽ bỏ con sau này.”
Giọng Thúy chán nản: “ Đó,
bản cũ sao lại, mẹ tôi sắp lôi chuyện cũ ra nói rằng
người Mỹ phản bội, người Mỹ bỏ chạy... Mẹ, giáo
sư Kallas có cho con mấy tài liệu cũ về chiến tranh Đông
Dương. Người Mỹ có chính sách Monroe của họ. Trước
giờ phút cáo chung của Nam Việt Nam dưới tay Bắc Việt
Nam, nước Mỹ phải lo cho cái thân của nước Mỹ trước
đã, nước Mỹ không thể cứu Nam Việt Nam được, và
cũng không cứu Campuchia với Laos được. Nước Mỹ, họa
may, chỉ có thể cứu nước Canada mà thôi nếu nước này
lâm nạn. Chính sách Monroe nói rằng bất cứ quốc gia nào
bị Cộng sản tấn công, nước Mỹ cũng phải đứng
ngoài không được nhảy vào. Khi kinh đô Moscow hắt hơi
sổ mũi, toàn thể thế giới ngứa cổ cảm cúm ho khan.”
Hảo cãi: “Năm 1947, chính sách
Truman viện trợ kinh tế và quân sự cho bất cứ quốc
gia nào bị Cộng sản hành hung. Mười lăm năm sau, những
người Việt Nam chống cộng không quên được nụ cười
thân ái của Tổng thống Kennedy.”
Trong bốn đứa con của Hảo,
chỉ có đứa con gái đọc sách và không coi tivi quá độ
như ba thằng con trai. Con cái không chống Cộng, đó là
một chuyện Hảo thấy được. Còn rất nhiều chuyện
khác, giữa mẹ và con có những bức tường ngăn cách.
Thúy nói tiếp. “Theo tài liệu
giáo sư Kallas cho con, khoảng gần cuối năm 1974 quân
Khờ-me đỏ đánh Cao Miên, mất sáu tháng tàn sát, họ
mới vào được kinh đô Pnom Penh giết chết ba triệu
người. Tiếp theo 1975, quân Bắc Việt tổng tấn công Nam
Việt Nam, và miền Nam đã tan ra, rã ra và rớt xuống như
trái sầu riêng rụng.”
Hảo ngồi nghe đứa con gái đọc
bài tiếp. “Báo chí miền Nam hồi đó đã đăng tin về
sự can đảm của một người Miên, Hoàng thân Phó thủ
tướng Sirik Matak. Khi kinh đô Pnom-Penh thất thủ, người
Mỹ cuốn gói ra về đem theo những ai đã từng cộng tác
với họ. Một viên chức bộ ngoại giao Hoa Kỳ hỏi hoàng
thân Sirik Matak: “Ông có đi theo chúng tôi không?” Hoàng
thân gật đầu, viên chức Mỹ dục: “Vậy thì ông hãy
nhanh tay lên, máy bay chúng tôi đang chờ, ông hãy mang theo
ít đồ thôi, bỏ những cái không cần thiết lại, không
được, không được ôm theo nhiều thứ như vậy, nhanh
lên ông, bỏ cái này lại, bỏ cái nớ lại... nhanh lên.”
Lập tức ông Phó thủ tướng Miên kêu lên. “Hỡi người
Mỹ hãy cút về nước đi! Mới ngày nào, các ông đến
quê hương tôi, hứa hẹn này nọ... giờ đây ông la hét
tôi phải thế này thế nọ... ông coi than phận những
thằng mãn phu... thân phận tôi như như... Người Mỹ hãy
cút về nước, hãy cút đi! Tôi không đi theo ông, tôi ở
lại.”
Hảo bảo con: “Bởi đó, mẹ
càng không thích người Mỹ chút nào hết, họ cứ nói
xấu người Việt Nam quốc gia hoài và họ cứ khen, cứ
nói tốt người Việt Nam cộng sản hoài.”
Thúy kêu: “Mẹ, hãy tốp bớt
nỗi niềm chống Cộng trong lòng mẹ lại. Bây giờ, cái
quan trọng của cuộc đời mẹ nhất là giữ lấy công ăn
việc làm của mẹ. Con lo cho mẹ lắm. Con sợ mẹ sẽ bị
thất nghiệp.”
Hảo bực mình nhìn ra ngoài kia
trời thanh vắng và nắng hanh vàng. Thúy nói tiếp: “Nói
chung chung, nước Mỹ là một xứ sở của đồ ăn nước
uống, nó không để cho ai chết đói, chết khô. Và nước
Mỹ cũng là một xứ sở của quần áo, nó không để cho
ai chết queo, chết lạnh. Nhưng, sống ở Mỹ mẹ phải
làm việc... để tránh nghèo đói và lạnh lẽo... Thôi
con chào mẹ, thời tiết hôm nay khá tốt, mẹ làm việc
nhà đi.”
Hảo đem mớ áo quần bẩn ra
giặt, nghĩ đến những món đồ dơ khác như màn cửa, và
mấy tấm ra trải giường, vạt cỏ phải cắt. Hảo vừa
cho máy giặt chạy thì Thúy lại gọi. “Mẹ, hãy cố
gắng đến cùng đừng để mất việc. Bố chết, mẹ vẫn
đi làm việc như thường, đó mới là mẹ ngoan. Bố chết,
nếu mẹ về hưu non, hoặc để mất công ăn việc làm...
vậy là mẹ hư. Nếu mẹ để mất cái job mẹ đang làm,
mẹ sẽ không thể nào xin được một việc làm nào nữa.”
Hảo mở rồi đóng cánh cửa
máy sấy lại nghĩ rằng con bé này bây giờ lanh quá. Hiện
tại, hai mẹ con tiêu tiền chung, ký chi phiếu chung...
nhưng mai mốt rồi sẽ đến lúc nó mở trương mục riêng
ở một nhà băng nào đó, và mình phải đứng ngoài rìa
cuộc đời nó, mình không nắm được cái đầu và cái
đời nó sống.
Thúy nghiêm giọng tiếp: “Khi
chiến tranh lạnh giữa Nga và Mỹ chấm dứt, những anh
hùng lạnh của Mỹ trở về nước, họ bị cưỡng bức
phải về hưu non và về hưu bất đắc dĩ... Nước Mỹ
không tàn nhẫn, nhưng nạn thất nghiệp trên đất Mỹ
thật vô nhân đạo. Mẹ, đừng để thất nghiệp...”
Hảo đứng trước cái máy sấy
kê sát máy giặt, đôi chân bỗng mất hơi ấm, cái bụng
chợt bóp mạnh. Hảo đến bên bồn nước cạnh đó và
mở cửa sổ. Nắng thu với vài lớp mây bão dầy như
những tấm ván đang đi về thành phố New York miền đông
nước Mỹ để lại vài vết nám lớn trên da trời. Đời
tôi cũng có người đi qua và để lại chữ ký. Con chó
Nicky nhà hàng xóm có lẽ đói bụng lễ phép sủa gâu gâu
vài tiếng ngắn.
Sáng hôm sau trở lại sở làm,
anh bạn Hawai thở dài: “Thất nghiệp... đến nơi rồi.
Mới ngày nào, những sĩ quan tình báo của chiến tranh
lạnh đã thất nghiệp.”
Chàng trai Hạ Uy Di đưa cho Hảo
một ít địa chỉ và số điện thoại của những cơ
quan tìm việc. Chàng trai này lúc còn ở hải đảo chắc
cũng khá đa tình! Hắn nói tiếp: “Nhiều người đang
làm đơn xin được nhà băng Wells Fargo lưu dụng sau khi
sáp nhập.”
Chiều thứ sáu mây vẫn ba màu.
Hảo gọi con thì nó nói: “Ngày mai con sẽ dẫn Jeffrey đi
Portland gặp mẹ.”
Sau khi buông điện thoại, Hảo
vội vã lái xe đi chợ ngay rồi về nhà rút xương hai
mươi cái cánh gà, rồi bâm hành đập tỏi, rồi thái củ
đậu, bóc tôm, bằm thịt quấn bốn mươi cuốn chả giò.
Sáng hôm sau ngủ dậy, Hảo ướp cá halibut nấu cháo.
Theo lời chỉ dẫn của cô em dâu, Hảo mở hai lon nước
xúp gà, hai lon sò hến nhỏ, rồi rang gạo, nhặt hành ngò
nấu một nồi cháo ấm. Nhà văn Dương Thu Hương dặn
rằng khi cháo sôi thì phải xuống lửa ngay đừng để
hạt gạo nát ra như tương Cự Đà. Nồi cháo này chắc
sẽ thành công, Hảo cảm thấy vui khi nghĩ đến những
nồi cháo đặc sệt mình đã nấu để mà, ngoài mình ra
không ai ăn được.
Chàng rể Jeffrey của Hảo là
một người như mọi người. Hắn không phải là “Người
Mỹ thầm lặng” hoặc “Người Mỹ... ugly” hai tác
phẩm bán chạy trong giai đoạn người Mỹ Việt Nam hóa
cuộc chiến để chuẩn bị rút quân về nước. Hai cuốn
sách này đối với Hảo bây giờ chỉ còn là những ngọn
đèn mờ đục, không soi thấu hết nỗi niềm kỳ thị
trong lòng kẻ phản chiến cũng như nỗi hoài vọng của
kẻ chống Cộng.
Jeffrey ăn uống vừa phải và
nói ít. Khi nhìn cánh cửa bếp mở rộng, Jeffrey bảo:
“Không nên mở cửa nhiều lần, nên đóng cửa lại ngay
vì những con bọ con bug bay vào nhà.”
Tức thì con gái Hảo vui thích
kêu lên: “Mẹ tôi không sợ nhện.”
Rồi hai người đưa mắt nhìn
nhau. Hảo hoang mang không hiểu hai người muốn gì? muốn
ngụ một ý nghĩa nào đây.
Sau buổi ăn trưa, Jeffrey đề
nghị đi coi vườn hồng và vườn Nhật, hai cảnh đẹp
nổi tiếng của tiểu bang Oregon.
Trở về nhà ăn cơm tối, cháo
cá và cánh gà rút xương. Jeffrey gật gù khen “very good”
rồi quay sang Thúy.
“Rút xương gà mất bao nhiêu
công phu.”
Rồi Jeffrey nhìn Hảo: “Nếu
Thúy nấu ăn được một phần mười như thế này, tôi
chắc chắn là một người hạnh phúc nhất trần đời.”
Hảo vui vẻ nói đỡ cho con gái:
“Nó biết làm chả giò. Nó cuốn chả giò nhanh lắm.”
Thúy chỉ vào Hảo cười: “Mẹ
tôi ăn được hột vịt lộn.”
Rồi hai người lại đưa mắt
nhìn nhau và Hảo lại hoang mang không hiểu hai người ấy
muốn tỏ ra một điều gì nữa. “Mẹ tôi không sợ nhện
và mẹ tôi ăn hột vịt lộn.” Người không sợ nhện
có phải là một người anh hùng, can đảm có thừa? Và
mức độ gan góc của một kẻ không sợ nhện lên cao tới
bao nhiêu, có đáng phục như một kẻ không sợ cọp beo
cá sau? “Mẹ tôi ăn hột vịt lộn.” Ăn hột vịt lộn
là một hành động cao cả hay thấp nhỏ? Tiểu nhân hay
quân tử? Liều lượng của lòng can đảm trong tim gan một
chiến sĩ ăn hột vịt lộn to bao nhiêu? Trong quả trứng
lộn có bao nhiêu chất bổ chất béo chất xơ? Mẹ tôi có
nên tiếp tục ăn cái thứ trứng lộn tròng đó nữa
không? Hay là phải tốp lại vì ở Việt Nam mẹ đã xơi
bao nhiêu đủ rồi?
Lúc từ giã, hai người ôm Hảo.
Hảo đứng nhìn theo xe họ chạy chậm rồi bước vô nhà
ngó vào một tá hột gà bà hàng xóm muối mặn đem cho.
Hình như ai đó nói rằng hột vịt lộn là một bào thai
tóc đen và khi bị nấu nóng, bào thai sợ hãi bài tiết
ra chất độc. Điều này hoàn toàn trái ngược hẳn với
sách thuốc Tàu. Nhà văn kỳ cựu Bình Nguyên Lộc nói với
bạn bè rằng ăn hột vịt lộn bổ khỏe như ăn phở
vậy. Người Huế ngủ đò trên sông Hương ăn trứng lộn
vào lúc đêm khuya trời mát gió trăng giao tình. Người
Huế đập nhẹ cái đầu và cái đít của quả trứng rồi
ngửa cổ hút.
“Mẹ tôi không sợ nhện” câu
nói vẫn còn theo Hảo tới lúc đi ngủ. Hảo hồi tưởng
những năm tháng đỏ lửa, quân lính Mỹ nhảy vô chiến
cuộc Việt Nam. Mỡ của họ đã sôi vì cái nóng trước
khi máu của họ chảy ra trong những trận giao tranh. Có
những cậu lính học trò tuổi từ mười tám, họ tự
gọi họ là “boy.” Thằng con trai khi mới đặt đế
giầy đinh xuống phi trường Đà Nẵng để thấy mặt
nước Việt Nam xa lạ lần đầu, nó kêu hoảng lên, nó
phát hỏa lên vì hơi nóng nhiệt đới mà nó gọi là lửa.
Bộ quân phục bảnh bao của nó ướt đẫm mồ hôi và nó
bước đi loạng choạng trong cơn sốt: mắt của nó trít
lại vì bụi và cát mù mịt. Bụi Phú Bài, bụi Mang Cá,
bụi Huế bu kín tất cả các lỗ chân lông trên người
nó. Hai lỗ mũi nghẹt cứng lại, nó há miệng ra thở thì
lập tức cát Cam Ranh, cát Đà Nẵng, cát Nha Trang luồn
vào kẽ răng, lọt xuống yết hầu và rớt vô khí quản.
Nó không nghe được tiếng người nữa vì gió mậu dịch
từ Hạ Lào thổi sang đập vào hai tai nó.
Charlie Việt-cộng không bao giờ
dàn bày một chiến trường đúng đắn để hai bên dễ
dàng đánh nhau. Quân du kích ở đâu cũng có mặt nhưng
không thấy hình. Trong chiến cuộc Việt Nam, Charlie có bao
giờ ở yên một chỗ để lực lượng hai bên cài răng
lược ăn thua nhau, Charlie ám hết mọi vị trí và làm chủ
tất cả tình hình với lối dụng binh theo chính đạo của
đức Thánh Trần Quốc Tuấn và xảo thuật du kích Mao tse
Tung:
Mỹ Ngụy xông lên, phe ta te chạy
Mỹ Ngụy cắm lều, phe ta ra
tay.
Mỹ Ngụy nằm ngơi, phe ta đại
chiến.
Mỹ Ngụy thụt lùi, phe ta rượt
tới.
(The enemy advances, we retreat;
The enemy camps, we harras;
The enemy tires, we attack;
The enemy retreats, we pursue.)
Thêm vào đó, lính Mỹ khổ đau
hơn nữa vì những con bọ, những con vật bé tí ti không
thể dùng súng M-16 mà bắn được. Danh sách những con bọ
có công giúp Cộng sản đánh Mỹ gồm có kiến, muỗi,
vắt, đĩa, ruồi, ốc sên, thằn lằn, gián... nhưng dũng
cảm hơn hết là con nhện. Đang ngồi, nằm la liệt ra đó
để nghe nhạc, đánh bài hoặc viết thư nhưng hễ thấy
một con nhện bò ngang qua là lập tức họ hô lên, tán
loạn đi tìm bình thuốc sát trùng xịt mù mịt rồi bỏ
đi chỗ khác. Con nhện chắc dốc tổ khi thấy người
lính Hoa Kỳ, ngày nào là người hùng của đệ nhị thế
chiến, lại sợ nhện, kẻ lãnh đạo đoàn ‘bọ
binh’chống Mỹ.
Đối lại với nỗi sợ của
người lính Mỹ, người Việt Nam khi đến Hoa Kỳ đã
không sợ những gì? Ngủ không sợ muỗi đốt, không mất
công treo mùng. Uống nước không cần đun sôi mất thì
giờ.Và hay hơn hết là được sống trong thời tiết lành
mạnh và thở khí trời trong sạch chưa bị ô nhiễm. Tuy
nhiên, những an toàn đó không đủ làm cho ngôi nhà của
người di tản có một hồn phách riêng, một ngôi nhà có
thể xác không quan trọng bằng một ngôi nhà có linh hồn,
một chỗ ở có nền văn hóa riêng: nhà Việt Nam ngày xưa
có linh hồn tổ tiên, có đức Phật, đức Khổng và bậc
đại hiền Lão Tử.
Ngày xưa Huế, những ngày xưa
tôi phá sản đời con gái, những ngày xưa không có người
xưa tôi bị đàn ông cho ế, mỗi đám mây đi qua tháp
chuông nhà thờ Phú Cam đều đã đi qua lòng tôi và để
lại một chữ ký, một nỗi vui ngậm ngùi. Ngày xưa Huế
và bây giờ thì còn gì nữa đâu ngoài Huế, đi đâu thì
đi, đứng đâu thì cũng chỉ đứng một chỗ thôi, tôi
vẫn không bao giờ quên được mùi dầu dừa xứt tóc cho
láng khi thân thể còn con gái. Ngày xưa Huế, cô giáo già
lam đi chùa Từ Đàm nhiều hơn đi những nơi khác, tôi đã
ngắm chùa Từ Đàm nhiều lần hơn những nơi cảnh đẹp
hữu tình. Các vì vua triều Nguyễn đã đúc cho chùa Từ
Đàm một pho tượng Phật rất to lớn và chùa chỉ thờ
một bức tôn tượng này mà thôi. Tôi đi những ngôi chùa
khác để ngắm những bức tượng nhỏ. Chùa nào cũng rất
nhiều tượng nhỏ. Tượng Phật, tượng Bồ tát, tượng
La Hán.
Hảo bỗng giật nảy người lên
vì một quả điện thoại đểu reo trong lúc mãi suy nghĩ.
“Mẹ, mẹ... chúng con sẽ làm
đám cưới...”
“Sao gấp vậy Thúy?” Hảo
hoảng hốt hỏi.
“Con định nói với mẹ lúc ăn
cơm chiều nhưng mắc cỡ quá không nói được. Mẹ, con
sẽ cưới Jeffrey cuối tháng tới.”
Hảo vẫn còn mất bình tĩnh.
“Sao lẹ quá vậy?”
“Không lẹ đâu mẹ ơi, chúng
con biết nhau hơn mười năm rồi mà mẹ. Đám cưới sẽ
được tổ chức tại nhà thờ. Đám cưới chúng con lớn
lắm mẹ ơi... lớn lớn lắm.”
Hảo dịch một câu cách ngôn
Việt ra English: ‘Không ai khen đám cưới, chẳng ai cười
đám ma.’ Người ta không khen đám cưới tổ chức sang
trọng, đầy đủ mặt quan khách; và người ta không ai
coi nhẹ gia đình chết nghèo không đủ sức chi phí đám
ma.
“Mẹ, không phải đám cưới
lớn là một đám cưới giàu, mà là một đám cưới tốt
được tổ chức tại nhà thờ do các ông cha đứng ra chủ
hôn, đúng nghi lễ và giấy tờ hôn thú.”
Hảo lo lắng hỏi. “Mời bao
nhiêu người? đãi ăn món gì?”
“Ăn cá salmon ám khói... Ngon
lắm mẹ ơi.”
Hảo cười. “Bố mày chỉ ăn
thịt thôi, bố mày tẩy chay cá.”
“Mẹ, cá salmon, tiêu biểu cho
tiểu bang Washington, còn con cá halibut tiêu biểu cho tiểu
bang Oregon, nhưng cá halibut mắc lắm.”
Hảo cảm thấy vui: “Hoa sơn
lựu tiêu biểu cho tiểu bang Washington...”
Thúy ngắt lời. “Chi phí do cả
hai đứa chịu, mẹ chỉ đóng góp ba trăm cái chả giò
thôi.”
Ui chao thân già này phải đứng
thẳng cái lưng còng để quấn ba trăm chả giò đem tới
nhà thờ, cái sức khỏe này phải cầm dao phay thái mấy
chục củ đậu to đại chang, chưa kể tôm thịt hành tỏi
phải băm hạt lựu rồi thì phải gỡ bánh tráng đang
dính nhau ra khỏi nhau... rồi thì đứng chiên... Đầu bếp
chính hiệu Trung Hoa không có làm phần việc cắt thái rau
quả hành tỏi, cá thịt... Đó là phần việc của đầu
bếp phụ, đầu bếp chính chỉ giữ việc nêm và nấu
thôi... Đức mẹ La Vang ơi! con vừa là đầu bếp chính
vừa là đầu bếp phụ!
Thúy nói: “Mẹ còn một phần
việc nữa là mẹ walk con, mẹ sẽ được thực tập phần
việc walk cô dâu trong đêm rehearsal dinner do nhà trai đãi.”
“Thúy, mẹ chưa thấy một
phim, hoặc một màn ảnh ti vi nào chiếu cảnh đám cưới
mà người mẹ phải ‘goát’ con gái mình đi từ phòng
thay quần áo ra tới chỗ ông cha chủ lễ đứng để trao
đứa con gái mình tận tay chàng rể, mẹ chỉ thấy người
đàn ông dìu con gái mình đi chầm chậm theo nhịp nhạc
‘here comes the bride’...”
“Mẹ, bố chết rồi, các cha
bảo mẹ phải walk con.”
Hảo kêu. “Mẹ sẽ điện thoại
cho cậu ở Cali và nhờ cậu làm chuyện đó. Mẹ chưa
thấy người đàn bà nào ‘goát cô dâu’ cả.”
Thúy cương quyết: “Cha Slivers
muốn vậy. Bố mất, mẹ còn, mẹ phải walk con.”
Hảo không trả lời, ngó con
chim nhỏ bay lại gần bếp phẹt bậy lên mặt cửa kính.
Hai cây lê hàng xóm chín thơm khiến đàn bướm kéo tới
rắc phấn trên những trái tròn mọng nước. Da trái lê
nhám chắc tại đánh phấn bướm.
Sau đó, Hảo điện thoại cho
chàng em trai. “Cuối tháng tới, con Thúy làm đám cưới.”
Giữa hai giây im lặng, cậu em
trả lời: “Vậy là con đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy.”
“Chị nhờ Văn thay mặt nhà
gái, dẫn nó đi trong nhà thờ. Nó đòi đi với chị.”
Văn chưa trả lời, Hảo vội nói
luôn. “Đám cưới phải tổ chức tại nhà hàng Tàu mới
vui. Phải không em?”
Đâu đây chừng hai giây im lặng
nữa rồi người em đọc cho Hảo nghe hai câu thơ:
Liễu tích nghiệp chướng bổn
lai không.
Vị liễu ưng tu hoàng túc
trái.
Hảo nói nịnh: “Em giỏi tiếng
Tàu quá, chắc em là đệ tử của Hòa thượng Thích Mãn
Giác?”
Rồi Hảo nói lảng sang chuyện
ăn uống hằng ngày. “Chị ăn gạo lứt. Chị làm sữa
đậu nành... đúng theo lời em khuyên.”
“Em khuyên chị thêm một lời
nữa. Đừng ở một đời riêng, phải giao thiệp với bạn
bè nhiều hơn. Sống chung hòa bình với tất cả mọi
người trong cộng đồng. Có người có ta thì mới vui.”
Hảo nghĩ đến nỗi vui khe khẽ
và tiếng nói nhè nhẹ nằm trong câu hát ‘nắng có buồn
bằng đôi mắt em, mưa có buồn bằng đôi môi em’ trong
khi chàng em tiếp:
“Bây giờ, chị hãy tưởng
tượng con Thúy lấy một thằng chồng Việt Nam đàng
hoàng, hai bên cha me đứng ra tổ chức một đám cưới
lớn, một đám cưới long trọng được đôi bên bốn bậc
phụ mẫu mời ăn ở một nhà hàng Tàu hoặc một tiệm
Mỹ sang trọng... Trước đó, thời gian tổ chức, cỡ một
tháng rưỡi, thiệp hồng đã được gửi đi theo đường
bay. Bạn bè của hai nhà trai gái có đủ thì giờ để
chuẩn bị đi mừng một phong bì đúng theo như... như...
lâu nay trong cộng đồng vẫn đi lại với nhau. Nếu đi
dự cả hai ông bà hai phần ăn, thì phải đưa ra một cái
phong thư trong đó có bao nhiêu đô-la. Nếu chỉ một nhân
mạng đi dự tiệc thôi thì trong bao thư số tiền chỉ
bằng một nửa chẳng hạn. Cái đó đã có giá nhất định
trong cộng đồng rồi. Chỗ mời của tiệc cưới phải
là tại nhà hàng ăn Tàu — đồ ăn ngon- hoặc là nhà
hàng Mỹ —chỗ ngồi sang trọng. Sau đó một thời gian,
có hai nhân vật rất uy tín trong cộng đồng, một đại
diện cho nhà trai, một đại diện cho nhà gái hy sinh đôi
chút thì giờ để kêu điện thoại hoặc nói chuyện trực
tiếp thân mật thuyết phục mọi người hãy đi dự đám
cưới thật đông. Sau hết, phụ huynh của đôi trẻ mới
gọi giây nói mời miệng một lần nữa cho chắc và để
biết số người sẽ đi dự là bao nhiêu để đặt phần
ăn.
“Đến khi đám cưới, tưng
bừng đại nhạc hội và dập dìu khiêu vũ, khi quan khách
ăn uống vừa lưng bụng, đôi bên cha mẹ dẫn đôi trẻ
đi chào từng bàn ăn một, giờ phút thắm tươi nhất,
các phong bì được đưa ra. Người Việt nam trước đám
cưới đám ma thường ăn ở phúc hậu. Khi tiệc vui tàn,
ai nấy về nhà, đôi trẻ cũng theo cha mẹ về nhà, mở
bao thư ra đếm tiền. Và, số tiền mừng sau khi trang trải
mọi thứ tốn kém, số tiền mừng đó... đủ cho đôi
trẻ sang năm mua được một ngôi nhà trả góp.”
Hảo lắng nghe lời nói của
chàng em mà ngậm ngùi! Đức Giáo hoàng Phao-Lồ ơi! Con
vừa mất một cái nhà. Chàng em nói tiếp: “Đàng này,
chỉ tôi tổ chức đám cưới ở nhà thờ Mỹ, ăn uống
trước mặt đức Chúa chứ không phải trước mặt đức
Đạt Lai Lama! Khách khứa tham dự đem quà đến mừng, ôm
đồm một cái hộp gói giấy màu rực rỡ, cột giây
satin bóng loáng, ghim vào một cái nơ to như cái bông thược
dược đang nở... Đến giờ phút mở quà, cô dâu chú rể
hồ hởi nêu lên tên người tặng quà, và mở cái hộp
ra, trong đó có khi chỉ đựng một hòn đá mài dao mài
kéo!
Chàng em trai Hảo là con trai một
trong gia đình nhiều con gái. Hắn vốn rất ít nói, nhưng
hôm nay khá nhiều lời. “Đây là kinh nghiệm được rút
tỉa sau hơn ba mươi năm xa xứ. Nếu chị sống tách riêng
ra khỏi cái bè mà tất cả cộng đồng Việt Nam đang
cùng nhau chèo chống, đời chị sẽ lúa.”
Hảo không ưa kiểu nói năng
chắc nịch như những câu định nghĩa trong từ điển
Oxford nên gác máy. Từ điển thì chỉ nói đúng thôi,
không bao giờ hay. Trước giấc ngủ có ai đọc từ điển
bao giờ đâu.
Hảo thường hay nhìn ra cửa
kính. Thiên nhiên có liên can gì đến tấc lòng? Từ lâu
Trời đã cuối mùa hạ, nhưng không có nghĩa là cuối
tháng tám, mà hình như đang giữa tháng chín, có đúng vậy
không? Nhưng chắc không phải là thời kỳ thu phân. Lễ
lao động đã qua, mùa hè của người Indian đã đến. Hảo
ngồi xuống cái ghế đan bằng cọng cây wicker với những
ý nghĩ giản dị đang kéo tới trong đầu. Cái đầu như
cái máy hút bụi bên trong có một khoảng trống tối ám.
Cái đầu như trái dừa thốt nốt dẹp lép. Tôi đã lấy
một người chồng không uống được nước, chỉ uống
rất nhiều budweiser và mỗi ngày có thể giải cứu được
ngót hai chục lon bia bị giam cầm lạnh lẽo trong nước
đá cục.
Hôm sau, Hảo trả lời chàng em:
“Để con gái tự do lấy Mỹ và... lại còn làm đám
cưới ở nhà thờ Mỹ không có tiền mừng để mua một
cái nhà như con người ta. Lỗ to em ơi! Nhưng... nhưng
thôi, hãy đặt hi vọng vào tương lai, cái sẽ xảy ra về
sau vậy. Nếu mình là người tốt, ăn ở tốt... very
nice, người Mỹ họ không ly dị mình, họ đi làm vì mình
và khi họ chết, họ để của cải lại cho mình.”
Chàng em lật đật đổi sang
giọng an ủi: “Thỉnh thoảng em thấy trong vài đám cưới
tại nhà thờ Mỹ, có người đi mừng cả bộ nồi niêu
son chảo, có người cho cô dâu chú rể hai cái va li bằng
da để đi du lịch. Chị đừng buồn rầu tiếc của quá
hại cho sức khỏe.”
Hảo vẫn ngồi nhìn trời qua
cửa kính và vẫn nói chuyện đều đều với chàng em khi
trên cao những đám mây vẫn cụm vào nhau để sau đó
tách riêng ra từng giải.
Tiếng chàng em vẫn đều đều.
“Chị hãy dùng thì giờ rảnh để lên mạng đọc những
bài viết trên computer. Có nhiều bài viết về đạo Phật
vô cùng quý giá và những tài liệu về chiến tranh chị
không bao giờ tìm thấy trên sách báo.”
Hảo vội ngắt lời chàng em:
“Lâu nay chị thích đọc sách trên giấy hơn trên màn
kính vì có nhiều câu văn cần phải tra từ điển... ngồi
trước computer chị đọc không kỹ.”
Chiều cuối tuần làm biếng
trôi qua, chiều thứ hai khá nhiều công việc, ngày thứ
ba đi làm về Hảo ghé chợ mua nửa cân đường phèn giả
nhỏ để dành nêm vào nhân món chả giò thay bột ngọt.
Hành tây thái mỏng, tỏi phải băm chứ không được đâm
nát. Mọi thứ đem cất vào ngăn đá trước mấy tuần
lễ, gần ngày cưới mới đem ra quấn chả giò. Công phu
nhất là việc thái hạt lựu từng củ đậu Mễ Tây Cơ
to như cái sọ người. Có khi cả mấy công việc cùng
hiện ra một lúc, có khi cả hai tay đều rảnh để Hảo
lo lắng đến cái áo cái quần sẽ mặc trong ngày cưới.
Con Thúy sẽ là một cô dâu trắng tươi kéo lê một cái
áo cưới dài quét đất đi trong tiếng nhạc chậm ‘Here
comes the bride.’ Con Thúy sẽ mặc áo rộng quấn khăn
vành, ngọc giắt vàng giát giống như ba cô trong Nội,
những nàng công chúa cấm cung mặt nhồi phấn nụ, tay
đeo vòng mã não. Một bạn ở Florida gửi Hảo chiếc áo
vẽ để tặng Thúy, một bạn ở Seattle mua cho nó cái áo
thêu. Chàng em trai bỏ chút thì giờ gọi điện thoại:
“Chị thấy đó, trong cộng đồng rất nhiều người
tốt, rất ít người xấu.”
Hảo vui vẻ tiến hành công tác
làm ba trăm cái chả giò. Hành, tỏi, củ đậu, đường
phèn... Người Huế gọi chả giò là ram. Ông xã Hảo hồi
còn sống nói rằng tất cả những món ăn Huế ông chỉ
thích ăn ram. Người Huế làm nhân ram với bún Tàu và tôm
quết tươi cho thật nhiều hành hương vào. Hảo mơ màng
nghĩ tới những ngày xưa tươi thắm xác pháo vu quy, mẹ
Hảo mang áo Cẩm-tự màu vàng phủ ngoài tấm áo dài Vân
Nội thướt tha. Bên trong, sau lớp áo kép kín bưng và
nóng bức đó , mẹ Hảo mặc áo cụt hàng vân vảy cá và
quần chân què bằng hàng anbel màu trắng. Hảo như nhìn
thấy lại nhiều và hơi nhiều... Ông nội gửi lời mời
cả tỉnh Thừa Thiên đến dự đám cưới con trai. Bà nội
Hảo làm hai trăm cái ram, thơm nức cả làng Chí Long. Trẻ
con bu lại coi đứng chật đường sá. Hảo mơ màng nghĩ
tới một xã hội sống chung vui vẻ, một cộng đồng của
ngày xưa, thật xa xưa, một thời kỳ cổ điển nghèo
túng, người dân thiếu ăn thiếu mặc, những ngày xưa
đó, ca dao và tục ngữ đã xuất hiện, và xuất hiện
thật nhiều. Ngàn xưa đó, đã có văn nhân, đã có thi sĩ
rồi... nhưng những người đó không biết họ là ai,
không biết cây bút, không biết quyển sách, và công việc
viết lách là gì. Họ không sống tách riêng lẻ loi mà
hòa mình chung vui với mọi người trong cộng đồng. Gặp
nhau trong đám cưới, trong tiệc vui, hội hè đình đám,
thi sĩ nói ra ca dao giữa thính giả tức cộng đồng và
văn sĩ thốt ra lời vàng, ý bạc tức là những câu tục
ngữ cách ngôn... trước mặt toàn thể công chúng... Cho
đến lúc cuộc đời đổi mới nới cũ, các ông bà văn
nhân thi sĩ tự biết mình là chút gì đó. Họ có tư
tưởng, có nguồn hứng, có tình cảm, họ không thổ lộ
cùng người trong cộng đồng nữa, họ giấu, họ giữ
kín bưng để làm vốn liếng sáng tác xuất bản, họ
viết văn làm thơ đăng báo và in sách!
23 tháng 9 năm 2006
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)