Thứ Ba, 16 tháng 5, 2023
Thành phần "phản động" bây giờ là những ai?
Chúng ta thấy, khoảng 20, 25 năm đầu sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, những người chống lại đảng và nhà nước cộng sản, chống lại mô hình thể chế độc tài toàn trị lúc ấy đa phần là người thuộc chế độ VNCH cũ, trong đó rất nhiều người từng làm việc cho quân đội, chính quyền VNCH cho tới trí thức, văn nghệ sĩ, tu sĩ, linh mục…
Nhưng ít nhất hai mươi năm trở lại đây đa phần những người dám đứng lên chỉ trích chế độ cộng sản là ai? Là những người sinh ra và lớn lên dưới chế độ này, từng tham gia vào lực lượng quân đội của cộng sản trong những cuộc chiến tranh khác nhau, từng hoạt động trong bộ máy nhà nước cộng sản, từng là đảng viên, hay là những người không dính dáng đến đảng nhưng đang có công ăn việc làm tốt, thành đạt trong xã hội chứ không phải là những người thất bại, bất mãn. Ví dụ, những người vừa là nhà văn, nhà báo vừa là cựu chiến binh như nhà báo Bùi Tín, nhà văn Phạm Đình Trọng, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà thơ Nguyễn Đức Thạch, nhà báo Nguyễn Tường Thụy, nhà hoạt động Lê Đình Lượng…cho tới những người từng làm việc trong các cơ quan khác nhau của nhà nước cộng sản như nhà văn Phạm Thành (cựu thư ký tòa soạn Đài Tiếng Nói Việt Nam), nhà báo Trương Duy Nhất (từng làm việc cho báo Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, báo Đại Đoàn kết, văn phòng miền Trung), nhà báo thuộc loại “con nhà cách mạng nòi” như Phạm Chí Dũng, nhà báo Phạm Đoan Trang, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, luật sư Lê Công Định, luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân… Kể không xiết.
Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2022
Nguyễn Tiến Cường, Võ Văn Tạo: "Người tù thế kỷ" Nguyễn Hữu Cầu qua đời
Ông Nguyễn Hữu Cầu (1947–2022) cựu sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa, thường được gọi là “người tù thế kỷ” vì đã phải trải qua 37 năm trong ngục tù của chế độ cộng sản, đã từ trần ngày 19.12.2022 tại Rạch Giá, Kiên Giang. Được biết, ông bị đột quỵ cộng với thân thể mang nhiều bệnh tật lâu ngày do hậu quả của lao tù.
Trải qua nhiều năm bị giam cầm, ông luôn giữ vững lập trường, cương quyết không nhận tội, không xin ân xá trước một bản án mà ông cho là vô lý. Dưới áp lực của quốc tế và do sức khỏe của ông ngày càng suy giảm nghiêm trọng, cuối cùng nhà cầm quyền Việt Nam buộc phải thả ông ra vào tháng 3.2014.
Sau khi ông mất, trên facebook rất nhiều người đưa tin, viết bài về cuộc đời, tính cách, về sự ra đi của ông. Dưới đây là 2 trong số những bài viết đó, của tác giả Nguyễn Tiến Cường từ Đức và nhà báo Võ Văn Tạo từ Việt Nam.
Diễn Đàn Thế Kỷ
![]() |
Tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Cầu, Ảnh Wikipedia |
Tưởng niệm người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu.
Nguyễn Tiến Cường
Tôi được tin anh Nguyễn Hữu Cầu – một người bạn tù của tôi ở trại 3 tù binh Hiệp Đức, thuộc tổng trại 1 tù binh do trung tá cộng sản Trần Tốc là giám đốc tổng trại – đã qua đời qua bài viết của nhạc sĩ Tuấn Khanh. Thành thật chia buồn cùng gia đình anh, cầu mong anh được an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng.