Hiển thị các bài đăng có nhãn Tô Thuỳ Yên. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tô Thuỳ Yên. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

Phạm Tín An Ninh: Tô Thùy Yên và những bài thơ viết trong tù

Một người dốt đặc về thơ phú như tôi mà lại từng được làm bạn và lạm bàn về thơ cùng với một nhà thơ nổi danh như Tô Thùy Yên thì đúng là chuyện lạ. Cho dù đó là chuyện ở trong tù. Vì vậy, khi biết tin anh qua đời, một số bạn tù khuyên tôi nên viết một bài để tưởng niệm anh, nhưng tôi không dám. Vì thấy rất nhiều nhà văn nhà thơ tên tuổi bậc thầy đã viết về anh, hơn nữa tôi ngại người đời thường dị nghị chuyện “thấy người sang bắt quàng làm họ.” Hôm nay nhân ngày giỗ lần thứ ba của anh (*), theo tập tục Việt nam, là ngày chính thức mãn tang anh, tôi xin viết đôi điều để tưởng nhớ anh và nhắc lại vài kỷ niệm cùng anh trong tù. 

Khi còn ngoài Bắc, có thời gian tôi đã từng ở chung trại tù với anh Đinh Thành Tiên (tên khai sanh của Tô Thùy Yên), nhưng khác đội, lúc ấy chưa biết nhiều về anh và cũng chưa có dịp thân quen anh. Mãi đến tháng 9 năm 1981, chuyển vào Nam, đến Trại Z- 30 C Hàm Tân, anh và tôi được “biên chế” ở cùng một đội, và nắm gần nhau trong gần hai năm, cho đến khi tôi ra tù. Đặc biệt trong đội này có cả anh Đặng Trần Huân, cũng nằm cách chúng tôi vài ba người. Và tôi được hân hạnh thân thiết với cả hai. Khi ấy, tôi biết danh anh Đặng Trần Huân nhiều hơn là anh Đinh Thành Tiên, vì quanh năm  hành quân trong núi rừng, chưa có cơ hội được đọc nhiều thơ Tô Thùy Yên, chỉ biết mỗi bài Chiều Trên Phá Tam Giang được phổ nhạc và loáng thoáng chuyện tình giữa anh và nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ. Riêng anh Đặng Trần Huân thì có nhiều chuyện vui trên báo Chiến Sĩ Cộng Hòa, và “Chuyện Cấm Đàn Bà” mà tôi thường đọc. Cả hai anh đều lớn tuổi hơn tôi, và sau khi biết cha tôi bị chết ở một trại tù khác trong Nam, vợ con nheo nhóc, tôi trở thành một trong những con bà Phước trong tù nên hai anh đều thương quí tôi. Nằm bên cạnh anh Tô Thùy Yên, nên tôi thường được anh đọc cho nghe những đoạn thơ anh ứng khẩu hay sáng tác. Anh có thói quen làm bài thơ nào cũng dài. Bất cứ lúc nào, ngay cả khi đang phải lao động, anh thì thầm ứng khẩu một vài câu hay vài đoạn, đến tối nằm đọc lại, ghi vào tờ giấy nhỏ để sau đó ghép thành một bài dài. Có khi cả năm mới đủ một bài. Nghe anh thì thầm những câu thơ anh viết, thét rồi tôi thuộc lòng và còn nhớ hơn cả chính anh. Tôi dốt về thơ nhưng lại có tính mê thơ từ nhỏ. Vì vậy có nhiều khi anh quên, tôi có nhiệm vụ phải nhắc bài thơ đã đến đâu rồi, để anh tiếp tục. Anh làm thơ trong trí, lẩm bẩm một mình, đọc cho tôi nghe, rồi chép vội vào một mảnh giấy nhỏ, nhét ở đâu đó. Thỉnh thoảng anh nhờ tôi giữ hộ một số. Có lần anh bỏ vào cuốn tự điển Anh-Việt được gia đình thăm nuôi, ngụy trang bằng cái bìa của cuốn truyện “Thép Đã Tôi Thê Đấy”nên qua mắt được gã công an kiềm soát. Anh học Anh văn bằng cách say sưa đọc cuốn sách gối đầu giường của người cộng sản, tác phẩm nổi tiếng của văn hào Nga Nikolai A. Ostrovsky, nhưng kỳ thực, chỉ có cài bìa, còn cả phần ruột là cuốn tự đỉển Anh – Việt của tác giả Nguyễn Văn Khôn. Có một lần không may, bất ngờ cả trại bị khám xét “đột xuất”. Các tù nhân có lệnh mang theo tất cả tư trang ra ngoài sân để chuyển trại. Một tên công an lục lọi đủ mọi


Ý Nhi: Thức Cho Xong Bài Thơ [1]

Tô Thùy Yên

1.Năm 1993.


Tôi đã được nghe Trường Sa hành, Chiều trên phá Tam Giang, Thi sĩ…trước khi gặp Tô Thùy Yên. Vì vậy, có phần bất ngờ khi đối diện với tôi, con người từng mộng du trên trái đất tròn, từng chạy cắm đầu trên sợi kinh hoàng/giăng qua đôi bờ vực lạnh hư vô, con người từng hỏi han hiu quạnh lớn, từng bay trên phá Tam Giang với những suy nghĩ ở một tầng cao đáng kinh ngạc về cuộc chiến tàn khốc đang diễn ra, lại là một người đàn ông tầm thước, lịch duyệt, từ tốn. Bất ngờ khác, ông gần như không có sự ngại ngần khi trò chuyện với tôi- một nhà thơ từ Hà Nội vào. Có lần, ngồi ở quán nước vỉa hè cùng nhà văn Nguyễn Đình Toàn, sau khi nghe tôi kể một giai thoại chính trị, ông cười: tôi hiểu vì sao tôi chơi được với cô rồi. Nhưng có lẽ, không chỉ do những giai thoại.

Ông thường ghé qua nơi tôi làm việc- Chi nhánh Nhà xuất bản Hội nhà văn tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi ông có thể gặp những nhà văn miền Nam còn ở Sài Gòn như Huỳnh Phan Anh, Bùi Giáng, Nguyễn Đình Toàn, Thế Phong…và những nhà thơ trẻ như Nguyễn Quốc Chánh, Bùi Hoằng Vỵ,Thảo Phương, Phạm Thị Ngọc Liên… Hồi đó, hẻm 361 Hai Bà Trưng (nơi có trụ sở Nhà xuất bản) còn vắng vẻ. Phía trước mặt trụ sở có một khoảnh đất trống.  Gia đình nọ đã dựng tạm gian quán lợp giấy dầu bán cà-phê nước ngọt, kiểu một cái quán cóc. Chúng tôi thường “tụ tập” ở đó. Nhiều khi chúng tôi là những người khách duy nhất. Sáng nọ, trong gian quán quạnh quẽ, Tô Thùy Yên đã đọc cho chúng tôi nghe bài thơ Quán vắng vẻ của ông: Quán vắng vẻ/ không ai người đến gặp/ ngọn đèn như nỗi đợi thiên thu…Giọng ông nhẹ nhàng, cách đọc chậm rãi khiến người nghe dễ dàng nhập vào tâm trạng của tác giả: Việc đời lầm lẫn vậy/ Hối mấy chẳng hơn gì/ Thôi thì hãy cố nán/ Cho đáng một lần đi… Nghe đâu, trong tù, ông còn hát vang lên một ca khúc của Trịnh Công Sơn, để báo với bạn tù sự có mặt của mình, để thiên hạ biết mình vẫn có thể hát. Hỏi, ông cười, tôi hát cũng được lắm đó cô.


Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2021

nguyễn đức tùng: tô thùy yên, ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới

Con người có thể bị số phận vây khổn, bị lỗi lầm săn đuổi, bị thời gian ruồng bỏ, nhưng khi đêm tối xuống, vầng trăng là của hắn.

Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi

Thơ Tô Thùy Yên là một đứa trẻ. Đó là tấm lòng thương yêu đối với cuộc đời.

Con người là sự sống tự ý thức về nó. Không những ý thức về nó mà còn về người xung quanh, về những mối quan hệ, ý thức về sự yếu đuối của cá nhân, cô đơn, sự cần thiết của người khác. Con người biết rằng khi tách khỏi nhân loại, tồn tại đơn lẻ, cuộc sống trở nên không thể chịu đựng được. Con người chỉ có thể tìm ra bản thể của mình trong mối quan hệ với người khác. Toàn bộ những quan hệ ấy đặt trên một điều cốt lõi, khởi thủy và kết thúc, đó là tình yêu. Không có nó, mọi thứ khác sụp đổ.

Trời dậy sáng
Như một lời nói mới
Hồng loang đám ruộng xa, hồng lên khóm tre cao
Mặt trời xao xuyến mọc
Ôi có hừng đông nào chẳng làm ta muốn khóc
Một ngày nữa xuống với đời ta
Vui biết mấy
Mà cũng buồn biết mấy

Bất cứ một giây lát nào cũng có thể làm bạn ngạc nhiên nếu bạn mở lòng ra. Buổi trưa, nhìn vạt nắng khi băng qua đường, buổi tối dừng lại trên cỏ, trong chớp mắt, bạn nghe tiếng rì rào của vũ trụ. Tình yêu mà chúng ta dành cho cuộc sống vừa là tình yêu nam nữ, gia đình, bè bạn, vừa là tình yêu lớn lao, nhân loại; cả hai thứ là một, nhưng khác. Con người suy nghĩ và con người hành động là một ở Tô Thùy Yên, tấm lòng của ông đối với cuộc đời, vì thế, nguyên vẹn, hoàn toàn, liên tục. Tồn tại cùng thời hai nguồn cảm xúc trong thơ ông, tưởng như đối nghịch: một bên, cuộc đối thoại thường xuyên với vũ trụ, câu hỏi siêu hình về tâm và vật về ta và thế giới về ý nghĩa của tồn tại về không và thời gian và một bên là trái tim cháy ấm áp ngọn lửa nhân sinh hướng tới căn nhà, người nữ, cõi quyến luyến.

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2020

Tô Thùy Yên: Đi về

Hình minh hoạ, FreePik
Khuya rồi, nước đã đầy trăng,
Đi về suốt bãi sông Hằng, gặp ai ?
Lạnh trời, đâu lửa hơ tay ?
Đêm còn, cứ bãi sông này lại đi.
Thấy gì chăng, chẳng thấy gì,
Nước rào, trăng rạt, ta thì mỏi mê…
Chầy khuya, nước ủ trăng ê,
Uổng công, bãi ấy đi về một ta…
Mãi rồi trời cũng sáng ra,
Phần trăng trăng lặn, phần ta ta về.
Vẫn sông, vẫn bãi bốn bề,
Sang đêm, ai nữa đi về, gặp ai ?

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2020

Từ Thức: TƯỞNG NIỆM TÔ THUỲ YÊN

Một năm đã trôi qua, ngày TÔ THUỲ YÊN từ trần.

Những lúc lạc lõng, không biết mình đang ở đâu, đi đâu, nhiều người quay về với thơ phú, với thi sĩ. Nhất là những thi sĩ, ngoài cái ngổn ngang tâm sự riêng, còn chia cái đau chung của đồng bào, của dân tộc. Còn là chứng nhân của một cơn ác mộng, một thời đại khủng khiếp. Như Tô Thuỳ Yên.

Nếu tình yêu dễ diễn tả qua thơ hơn là văn vần, hơn là diễn văn, cái đau thương uất nghẹn cũng vậy. Phải bao nhiêu trang mới nói được tất cả cái đau đớn trong 2 câu thơ Tô Thuỳ Yên, diễn tả cuộc chạy giặc:

Xứ khổ, gây chi mùa thảm khốc
Hỡi ơi trời đã bỏ rơi dân

Hay tia hy vọng le lói trong bể khổ: 

Xin cám ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui vì những chuyện lẻ loi

Người Việt làm thơ rất nhiều, nhưng thi sĩ, rất hiếm. Thi sĩ một mình một chiếu như Tô Thuỳ Yên (TTY) còn hiếm hơn nữa. 

Để tưởng niệm nhà thơ đã ra đi, không gì hơn là đọc lại ‘’ Ta Về ‘’. Tất cả ngôn ngữ, phong thái TTY phảng phất trong đó

Thơ TTY chững chạc, cổ điển như thơ Đường, nhưng mới lạ, táo bạo hơn thơ mới. Đạo mạo như một người đứng tuổi, một ông đồ già, từng trải, ngồi nhâm nhi bên tách trà, ngẫm nghĩ về nhân tình thế thái, về cuộc đời dâu biển:

Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ 
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay
Chỉ có thế. Trời câm đất nín 
Đời im lìm đóng váng xanh xao 

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2019

Ngự Thuyết: Trở Lại Với “Đêm Qua Bắc Vàm Cống” Và Mấy Bài Thơ Đầu Đời Của Tô Thùy Yên

Tôi đã viết khá vội vàng về Đêm Qua Bắc Vàm Cống [i]ngay sau khi nghe tin nhà thơ Tô Thùy Yên không còn nữa. Nhưng sự ngưỡng mộ của tôi đối với Tô Thuỳ Yên rất lớn, không khác gì đối với Thanh Tâm Tuyền. Trong khi đó tôi đã “kể lể dài dòng” nhiều lần về nhà thơ sau. Cho nên tôi cảm thấy có bổn phận trở lại với Tô Thùy Yên, Trở Lại với Đêm Qua Bắc Vàm Cống để nói lên “mối tình thủy chung và kín đáo” của tôi đối với bài thơ ấy, và đồng thời nêu vài ý nghĩ về mấy bài thơ đầu đời nhưng rất quan trọng của Tô Thùy Yên. 

Đấy chỉ là bước đầu của tôi đối với những bài thơ đầu tiên của nhà thơ. Tôi mong sẽ có dịp đề cập thêm về sự nghiệp thi ca lớn lao mà Tô Thùy Yên đã để lại cho nền Văn Học Việt Nam.

*

Thỉnh thoảng tôi hát một mình, không muốn cho ai nghe, vì hát nhảm, hoặc huýt sáo miệng,một vài điệu nhạc bất chợt hiện lên trong đầu khi gặp một cảnh ngộ lạ lạ nào đó. Thường thì điệu nhạc đó là do cảnh ngộ đang xẩy ra trước mắt gợi hứng, thì hát lên cho đỡ ngứa miệng. Nhưng cũng có khi điệu hát và cảnh ngộ chẳng ăn nhập gì với nhau, hoặc còn trái ngược nữa. Mà vẫn cứ hát. Một cách vô thức. Một cách khật khùng. Chẳng hạn trưa hè nắng gắt, lại hát, Mùa Đông đang đến trong thành phố/Buổi chiều ngủ vùi ...Hay mưa phùn gió bấc “nước lạnh như đồng, khổ lắm chồng tôi”, lại nghêu ngao, Trời hồng hồng sáng trong trong, ngàn phượng rung nắng ngoài song.

Nhưng đối với thơ, khác. Có “quy củ, nề nếp” hơn. Có lẽ vì tôi thiên vị thơ, thích thơhơn ca khúc chăng. Trên đường vượt biên, câu thơ Nguyễn Du luẩn quẩn trong đầu, rồi biến thành tiếng thì thầm trên cửa miệng:

Lối mòn cỏ nhạt màu sương
Lòng quê đi một bước đường một đau

Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2019

Đặng Tiến: Tô Thùy Yên (1938-2019) nhà thơ Việt Nam

Nhà thơ Tô Thùy Yên (1938 - 2019) - Photo by Triet Tran

Nhà thơ Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, từ trần tại Houston (Hoa Kỳ) lúc 21g15 ngày 21-5-2019, thọ 81 tuổi. Vào tuổi ấy, và sau bao nhiêu gian truân, ông ra đi vẫn gây ra nhiều tiếc nuối trong giới độc giả trong và ngoài nước. Cái tang chung cho giới văn học đặt ra một câu hỏi khẩn thiết: tác phẩm Tô Thùy Yên đứng ở đâu trong dòng văn học Việt Nam hôm nay?

Tựa đề bài này khẳng định: Tô Thùy Yên là nhà thơ Việt Nam. Không phải là nhà thơ hải ngoại hay của Miền Nam cũ. Lý do đơn giản: ông là người Việt Nam, viết văn, làm thơ bằng tiếng Việt Nam. Huống hồ đời ông gắn bó với lịch sử đất nước trong mỗi chặng đường, thơ ông đầy ắp tình tự dân tộc, thắm thiết phong cảnh quê hương, ngôn ngữ Việt Nam phong phú, đa dạng, vừa uyên bác vừa sâu đậm lời ăn tiếng nói dân gian, tục ngữ, ca dao. Thơ ông đặc sắc, từ nội dung nhân đạo, tư tưởng cao sâu đến lời thơ tài hoa, hào sảng, giàu hình ảnh lạ trong tiết điệu thân quen. Nghệ thuật vi diệu của ông làm vinh dự cho tiếng Việt và văn hóa Việt. Tô Thùy Yên là nhà thơ Việt Nam bên cạnh Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Tản Đà.

Tôi đã ngần ngại nhiều ngày trước khi đưa ra nhận định như trên, e rằng mình chủ quan, quá lời, cho đến khi đọc trên mạng ngày 28-5, bài của nhà thơ Thanh Thảo, không được đăng trên các báo giấy trong nước, có đoạn: “Tô Thùy Yên là một nhà thơ lớn (…) khi một nhà thơ Việt được công nhận bởi tài năng và nhân cách của mình, thì dù họ sống ở xa tổ quốc, thơ họ vẫn thuộc về đất nước, về dân tộc Việt Nam. Đó là thơ của một nhà thơ Việt thuần chất, trong đau khổ vẫn giữ được phẩm chất người của mình, vẫn yêu thương mà không oán hận, dù số phận mình hết sức trớ trêu”. Thanh Thảo, sau 20 năm đọc thơ Tô Thùy Yên đã nắm bắt được hai yếu tố chính: chất dân tộc và chất người, làm nên nhân cách nhà thơ. Tôi đặt tên cho bài viết: Tô Thùy Yên nhà thơ Việt Nam, tưởng là đã chắc nịch, trong khi Thanh Thảo dùng chữ “nhà thơ Việt” ngắn gọn hơn, nhưng sắc bén, sâu xa hơn cái quốc hiệu tôi đưa ra. Thanh Thảo, cùng với Tô Thùy Yên là nhà thơ, họ sử dụng ngôn ngữ theo trực cảm, từ đáy vực tâm linh của lời nói. Lại nhớ đến Trần Đĩnh, tác giả Đèn Cù khi anh nhận xét “Tô Thùy Yên là nhà địa chất học đầu tiên nhặt lên những quặng chữ chưa ai từng phát hiện để đặt chúng bên nhau mà phát xạ” (Văn Việt 28-5-2019). Tôi thấy an tâm vì mình vinh danh thơ Tô Thùy Yên, nhất là vào giờ vĩnh biệt nhà thơ, không phải là chủ quan quá đáng.

Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2019

Ngự Thuyết: Đêm Qua Bắc Vàm Cống

Đêm Qua Bắc Vàm Cống, một bài thơ ngắn, ra đời cách đây lâu lắm, hơn 60 mươi năm khi tác giả của nó, Tô Thùy Yên, chưa tới tuổi hai mươi. Thỉnh thoảng tôi đọc lại bài thơ ngắn đó, và lại nhớ mấy lần qua cái bắc ấy,trước 1975, trên đường đi về Lục Tỉnh, qua Sa Đéc, Long Xuyên. Lần nào cũng thế, qua đó, cái buồn bỗng dưng ập tới. Tại sao? Tại vì bến bắc hồi đó còn quạnh quẽ lắm, nước sông Cửu Long chảy miên man, lục bình trôi hàng nối hàng như không bao giờ dứt? Thì Tô Thuỳ Yên cùng với bài thơ đó hiện về. Thế là cũng tại vì bài thơ có sức ám ảnh lớn. Đọc lại nó, nghe lại nó, như nghe lời nguyền của định mệnh.

Nhiều người đã viết về Tô Thùy Yên từ nhiều năm nay. Nhà thơ vừa qua đời, những bài nhận định càng mọc lên như nấm sau cơn mưa. Đều là những lời ca ngợi, thán phục. Chẳng hạn Thơ Tô Thuỳ Yên là những băn khoăn siêu hình, là triết lý, chênh vênh giữa siêu thực và hiện thực, là đau đớn vì sự nhỏ nhoi của kiếp người, đem ý thức về bản ngã, về nỗi hoang tưởng của con người vào thi ca; là nhân chứng sống động qua những giai đoạn khác nhau của lịch sử; là tài hoa, uyên bác, sâu lắng; là thấm đẫm tình quê hương, tình người ... Đã thế, còn thay đổi cái ngôn ngữ thi ca quen thuộc lâu đời của Đông Phương; tinh vi, cô đọng, trau chuốt; chữ nghĩa cổ điển hoà lẫn với hiện đại,cách diễn tả dân gian, sử dụng ca dao, tục ngữ,hoà lẫn với văn chương bác học; và còn có khả năng sáng tạo ra từ ngữ mới ... 

Tô Thuỳ Yên, một nhà thơ lớn vừa giã từ cõi đời này, rất xứng đáng với tất cả những nhận xét ấy. 

Một trong những bài thơ dài hơi, rất nổi tiếng của Tô Thuỳ Yên, đã được đón nhận với lòng quý mến, trân trọng, và ngưỡng mộ, đó là bài Ta Về.Hầu như tất cả những lời nhận định, ca ngợi vừa nêu trên đều có thể trao lại cho bài thơ này. Nhưng nó như viên ngọc quý có nhiều mặt chạm trổ, ánh sáng tỏa long lanh, đa dạng, huyền bí. Cho nên, mỗi lần đọc lại bài thơ, là mỗi lần ta có thể khám phá vài ba tia sáng lạ. 

Ta về? Từ đâu về, và về đâu? 
Từ đâu về? 
Từ địa ngục của trần gian:

Vĩnh biệt ta mười năm chết dấp
Chốn rừng thiêng ỉm tiếng nghìn thu
Mười năm mặt xạm soi khe nước
Ta hoá thân thành vượn cổ sơ

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2019


Vài hình ảnh Tô Thùy Yên với bạn bè

Ngồi, từ trái : ông và bà Nghiêu Đề, nhà văn Võ Phiến, nhà thơ Tô Thùy Yên. Đứng : Ông và bà Trúc Chi Tôn Thất Kỳ
Hình chụp tại nhà ông bà Tôn Thất Kỳ, Nam California, 1996.
Từ trái : Tô Thùy Yên, Hoàng Khởi Phong, Phạm Phú Minh
Hình chụp tại Minnesota năm 1994.
Tô Thùy Yên tại Boston.
Từ trái : Chân Phương, Tô Thùy Yên, Nguyễn Trọng Khôi, Trần Doãn Nho



Trần Doãn Nho: Nhớ Tô Thùy Yên

Sau nhà văn Hoàng Ngọc Biên, đến lượt nhà thơ Tô Thùy Yên đã vĩnh viễn giã từ chúng ta vào lúc 9:15 tối ngày 21/5/2019.

Đúng ba tháng trước đây, vào ngày 22 tháng 2/2019, sau khi nghe tin Tô Thùy Yên đột quỵ, tôi đã lái xe gần 5 tiếng đồng hồ, từ Dallas về Houston thăm anh. Lúc đó, anh đã tương đối khỏe và được chuyển từ bệnh viện về tĩnh dưỡng tại “Nursing and Rahabilitation Center”, trên đường Woodland Park Dr., Houston, Texas. Anh ngồi xe lăn, rất tỉnh táo. Thấy tôi vào, anh nhận ra ngay. Có mặt trong phòng, ngoài anh và tôi, còn có chị Diệu Bích, vợ anh, cùng người con trai út, cháu Đinh Kinh Hiệt và một người bạn cùng đi với tôi, anh Lê Hữu Dinh, một độc giả rất ái mộ thơ anh. 

Chúng tôi cùng nhắc nhở những kỷ niệm cũ, mới và bàn về tập thơ mới in của anh. Trong lúc đó, anh Trịnh Cung từ California, bất ngờ gọi điện thoại, hai người hỏi thăm nhau, trò chuyện vui vẻ. Trước khi chúng tôi ra về, chị Diệu Bích mang ra mười mấy tập “Tuyển tập Tô Thùy Yên”, bảo anh ký tên. Dù tay cầm bút khá khó khăn, lại mệt, nhưng anh vẫn kiên nhẫn, cố gắng ký từng tập một để nhờ tôi chuyển tặng một số thân hữu như Nguyễn Trọng Khôi, Chân Phương, Trần Trung Đạo, Hoàng Hưng, Trịnh Cung, Trần Văn Thành, Lâm Chương…

(Từ trái: Trần Doãn Nho, Lê Hữu Dinh, chị Diệu Bích, Tô Thùy Yên. Hình: TDN, 22/2/2019)

Tô Thùy Yên làm thơ từ hồi còn rất nhỏ. Bài thơ đầu tiên đưa đăng báo được in ở tạp chí Ðời Mới do nhà văn Nguyễn Ðức Quỳnh chủ trương, vào lúc ông 16 tuổi. Năm 1956, một bài thơ khác in ở trên Sáng Tạo, tạp chí mở ra một thời kỳ mới của văn học nghệ thuật Việt Nam: Cánh đồng, con ngựa, chuyến tàu. Ðó là một bài thơ mà những ai yêu mến văn học nghệ thuật không thể quên. Nó đánh dấu một chuyển biến sâu xa trong nền văn học miền Nam, mà cũng là trong nền văn học Việt Nam. 

Lúc đó, tôi đang học lớp Nhất (lớp 5 bây giờ).

Nguyễn Đức Tùng: Tô Thùy Yên, Chia Xẻ Chút Tình Cay Mặn Cũ

Nhà thơ Tô Thuỳ Yên
Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, sinh năm 1938 tại Gò Vấp, Gia Định, là cựu học sinh Petrus Ký và Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ông dạy học, làm báo tại Sài Gòn và mang cấp bậc Thiếu tá trong quân đội miền Nam trước 1975. Sau 1975 ông bị giam gần 13 năm, từ 1993 cùng gia đình sang Hoa Kỳ theo diện cựu tù nhân chính trị. 

Tô Thùy Yên, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, cùng với các hoạ sĩ Duy Thanh, Ngọc Dũng, là những người nòng cốt của nhóm Sáng Tạo, một nhóm sáng tác đã từng được biết đến với phong trào khai sinh "Thơ tự do" trên văn đàn miền Nam vào thập niên 60. 

Tác phẩm: Thơ tuyển (1995), Thắp tạ(2004), Tô Thùy Yên Tuyển Tập Thơ (2018) *. 

*
Trong thời kỳ hai mươi năm của thơ miền Nam, và giai đoạn kéo dài của nó, Tô Thùy Yên giữ một vị trí rất đặc biệt. 

Đó là người khởi đi từ giai đoạn khai phóng đầu tiên, những năm 60, với sự nổi loạn chống ảnh hưởng của văn học tiền chiến. Nhà thơ của chiến tranh Việt Nam, của những suy nghiệm triết học, nhà thơ của những ngày tù tội cải tạo, và cuối cùng của giai đoạn lưu vong. Đời sống của ông đầy biến động. Tô Thùy Yên lúc nào cũng chăm chú sống cuộc đời mình, để tâm hồn rung lên theo nhịp điệu của thời thế. Nhưng đó không phải là thơ thời sự hay thơ trữ tình thế sự. Đó là một loại thơ trữ tình thực sự, tuy vậy mang dấu ấn lịch sử. 


Trần Mộng Tú: Hãy Cài Bài Thơ Lên Ngực Mới

Hình ROBYN BECK/AFP/Getty Images

Thi Sĩ Tô Thùy Yên, một nhà Thơ nổi tiếng của nền văn học miền Nam Việt Nam trước 1975, một nhà thơ trong quân ngũ VNCH, một nhà Thơ của “Tù Cải Tạo Cộng Sản” vừa ra đi tối ngày 21 tháng 5 năm 2019.

Các trang mạng, nhất là những trang mạng văn học trong và ngoài nước cùng loạt đăng tin buồn này. 

Tôi đọc Thơ Tô Thùy Yên cũng khá lâu, tìm thấy thơ anh chất giấu trong đó những hệ lụy về kiếp nhân sinh:Lịch Sử, Đất Nước, Chiến Tranh, Tình Yêu và Cô Đơn. Đôi khi thơ anh trầm uất quá, như kéo mình xuống một con vực tối om. 

Trời đất thì buồn như xác rỗng
Ta thì như gió, tuyệt bơ vơ
Trăm năm, cửa khép hờ mưa nắng…
Mãi chẳng ai về qua gọi cho. (Nỗi Đợi)

Cũng may dưới đáy vực đó là những con chữ lấp lánh như sao, soi tỏ mặt người, những chữ như hoa cỏ làm đẹp cho mất mát. Anh mang hoa cỏ cài vào cái chết.

Trong Thơ anh tôi tìm thấy khá nhiều bài, có những đoạn hoa cỏ và nỗi chết được gắn liền với nhau.

Em đắp mặt anh mười ngón tay nhánh huệ
Anh biết anh đã trút linh hồn (Trối Trăng)

Có phải Thi Sĩ muốn thăng hoa sự chết cho thiên nhiên và mất mát đó lại được đền bù bằng cây cỏ, những chiếc nấm bi thương và những cây xanh biết khóc.

Đặng Tiến: Ngựa Phi Đường Xa

Tô Thùy Yên đến với văn học trên “Cánh đồng Con ngựa Chuyến tàu”, bài thơ làm năm 1956, đăng trên báo Sáng Tạo thời đó và được độc giả hoan nghênh ngay, nhất là trong giới thanh niên, học sinh. Thời ấy sinh viên chưa nhiều, quần chúng văn chương còn thưa thớt, một thế hệ độc giả mới đang chớm thành hình. Với thời gian nhìn lại, bài thơ có thể xem như là một sự kiện văn học, vì lời thơ tân kỳ, ý thơ mới lạ, không giống một bài thơ nào khác trước kia – mà đã được độc giả không chuyên môn yêu thích ngay. Chuyện hiếm, vì độc giả Việt Nam, nói chung là thủ cựu. Chuyện đẹp vì bài thơ của tác giả 18 tuổi đi thẳng đến độc giả 18 tuổi.

Ngày nay Tô Thùy Yên là tác giả tên tuổi. Bài thơ thanh xuân được những lớp phù sa bồi thêm nhiều ý nghĩa mới.



Trên cánh đồng hoang thuần một mầu
Trên cánh đồng hoang dài đến nỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu
Tàu chạy mau, tàu chạy rất mau
Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu.

(...)
Mặt trời mọc xong, mặt trời lặn.
Ngựa gục đầu, gục đầu, gục đầu.

(...)
Ngựa ngã lăn mình mướt như cỏ,
Chấm giữa nền nhung một vết nâu.

(Tô Thùy Yên, Thơ Tuyển, tr 13)

Trần Hữu Thục: Thơ Tô Thùy Yên, chênh vênh siêu hình/hiện thực

Tô Thùy Yên (TTY) [1]làm thơ từ hồi còn rất nhỏ. Bài thơ đầu tiên đưa đăng báo được in ở tạp chí Ðời Mới do nhà văn Nguyễn Ðức Quỳnh chủ trương, vào lúc ông 16 tuổi. Theo ông, bài thơ đó, “chắc chắn không phải là một bài thơ hay và ngày nay tôi chẳng còn nhớ nó như thế nào nữa”[2]. Năm 1956, một bài thơ khác in ở trên Sáng Tạo – tạp chí mở ra một thời kỳ mới của văn học nghệ thuật Việt Nam: Cánh đồng, con ngựa, chuyến tàu. Ðó là một bài thơ mà những ai yêu mến văn học nghệ thuật không thể quên. Nó là dấu mốc của một chuyển biến sâu xa trong nền văn học miền Nam mà cũng là trong nền văn học VN. Gần 40 năm sau, tập thơ đầu tay mới ra đời: Thơ Tuyển Tô Thùy Yên, xuất bản ở Hải Ngoại năm 1995, lúc nhà thơ đã …56 tuổi đầu. Thêm chín năm nữa, tháng 8/2004, tập thơ thứ hai ra đời: Thắp Tạ. Bìa trước của tập thơ mới này ghi:

thức cho xong bài thơ
mai sớm ra đi
cài hờ lên cửa tặng

Ðây là bài thơ ngắn nhất của tác giả (trong lịch sử thi ca, chắc cũng không có mấy bài thơ ngắn hơn), Tặng phẩm. Lời thơ nghe như có ý nói rằng “Thắp tạ” là tập thơ cuối cùng trong đời ông? Mong rằng tôi hiểu sai.

Cảm giác đầu tiên của tôi khi đọc thơ TTY là ngạc nhiên vì một số điểm có vẻ như “tương phản” trong thơ ông.

- Bài thơ (được xem) như đầu tay, “Cánh đồng, con ngựa, chuyến tàu” làm lúc còn là một thiếu niên - không phải là một bài thơ tình học trò với những rạo rực yêu đương, mộng tưởng, nhớ nhung vớ vẩn - mà lại là một bài thơ đẫm triết lý; không phải là một thứ triết lý vớ vẩn, mà là chứa chất một cái nhìn rất bao quát, được tiếp tục được triển khai qua nhiều bài thơ về sau này, dưới những cách diễn đạt khác nhau về hữu hạn/vô hạn. Suốt mười lăm câu, tuyệt không có một từ ngữ triết lý nào, cũng không ám chỉ một ý niệm triết lý nào. Toàn bài là một bức tranh sinh động, rất đẹp, rất hoành tráng và chấm dứt bằng một bi kịch đầy ấn tượng: tàu chạy mất và con ngựa thì gục ngã. Một gục ngã êm đềm, thẩm mỹ! Một ẩn dụ triết lý tuyệt vời!

Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2019

Bùi Vĩnh Phúc: Tô Thùy Yên – thơ, như một vinh dự lầm than của kiếp người (Tiếp theo và hết)

.3. Thời gian trong thơ Tô Thùy Yên


Thời gian trong thơ của Tô Thùy Yên không phải là thời gian của Salvador Dali, thời gian với đặc trưng nổi bật là lững lờ trôi chảy, lỏng ra, nhão ra, và chùng lại với thiên thu. Thời gian ấy cũng không phải là thời gian của Giorgio de Chirico, kỳ dị một cách âm u, khiến cho người đối diện với nó có một cảm giác hoảng hốt và mất lối. Nếu có thể làm một so sánh nào đó về tính thời gian trong thơ Tô Thùy Yên với thời gian được biểu hiện trong hội họa hiện đại, thì thời gian trong thơ Tô Thùy Yên đã chia sẻ nhiều nét với thời gian của René Magritte. Cũng là siêu thực, nhưng Magritte đã đi theo một con đường khác với Dali và Chirico. Thời gian của Dali là một thời gian ám ảnh, tàn rữa, và chứa đầy chất ảo. Thời gian của Chirico đóng vào những khung cảnh vật lý thê lương và kỳ bí, giam nhốt người ta trong cái siêu hình của những giấc mơ nghiêng về những chiều kích của vực thẳm. Thời gian của René Magritte là một thời gian bám sát vào thiên nhiên. Nhưng thiên nhiên trong tranh ông là một thứ thiên nhiên thật mà ảo, với những yếu tố cấu thành đổi chỗ lẫn cho nhau, dan díu vào nhau, khiến cho người thưởng ngoạn dễ mất định hướng khi nhìn vào tác phẩm của Magritte. 

Thời gian của Tô Thùy Yên có những lúc đã chia sẻ những nét siêu thực của Magritte như thế. Ngoài ra, nó còn mang chứa trong nó những ấn tượng kỳ dị khác, mới, lạ, và đặc biệt Tô Thùy Yên. Cái thời gian ấy gần như luôn luôn tìm cách gắn bó, dan díu với thế giới vật chất của thiên nhiên bên ngoài (Vậy thì thời gian là một cái gì trôi chảy bên trong chăng? Bên trong cái gì? Đây là những câu hỏi rất siêu hình mà may ra chỉ có thơ và hội họa là thỉnh thoảng mới có thể đến gần để trả lời một cách huyền bí và thơ mộng.) 

Thời gian trong thơ Tô Thùy Yên gắn bó, dan díu với thiên nhiên. Nhưng đó là một thiên nhiên đứt rễ. Một thiên nhiên nhiều lúc hình như không còn gắn bó, ràng buộc vào nhau theo một trật tự vật lý thông thường. Những cấu tố của nó như bị tách ra để bám vào những mảnh thời gian khác biệt trong tâm thức nhà thơ. 

Thời gian đứt quãng dài vô định
Như sợi dây diều băng mất tăm
Lòng anh thảng thốt, sông chao sóng
Kỷ niệm buông tay rú ngất chìm (...)

Mùa hè đi khuất kêu không lại
Bãi mía điêu tàn gốc cháy thui (...)

Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2019

Bùi Vĩnh Phúc: Tô Thùy Yên – thơ, như một vinh dự lầm than của kiếp người

Biểu dương—hãy biểu dương cùng tận
Vinh dự lầm than của kiếp người
Hy hữu một lần trên trái đất
Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai.
TTY
Hình Internet

.1.


Tô Thùy Yên là một giọng thơ đặc thù, có một, và vô cùng u hiển của nền thi ca Việt Nam trong dòng văn học miền Nam kể từ Sáng Tạo. 

Từ cuối thập niên năm mươi cho đến thời điểm bị cắt đứt 1975, dòng thi ca miền Nam Việt Nam không phải là không thấy nổi bật lên những khuôn mặt khôi ngô của thơ, những tiếng nói mới lạ của tình cảm, của cảm xúc, của trí tuệ; không phải là nó không thấy rạo rực lên trong chính thân xác và tâm hồn mình cái thiết tha và mạch sống của thời đại. Mà không phải chỉ ở Việt Nam, nơi các luồng ý thức hệ trái chiều đã dùng làm địa bàn để thử nghiệm những con toán suy tư của mình, nơi những con sóng của các triều nước lý trí, dâng lên từ phương Tây và từ châu Mỹ, thỉnh thoảng hắt lên trên mặt đất này những lượng nước cuối mùa từ cái dòng trào của nó, con người nói chung, ở Việt Nam cũng như ở khắp nơi trên thế giới, nơi ánh sáng của văn minh nhân loại vẫn còn có cơ hội soi rọi đến, trong những thập niên ‘50, ‘60 và ‘70, đều đã tìm thấy cho mình một hơi thở mới, một tiếng

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2018

Tô Thùy Yên: Tuyển Tập Thơ


Cuối năm 2018, bỗng có tin vui : Tuyển Tập Thơ Tô Thùy Yên đã in xong, từ Đài Loan đã về đến Hoa Kỳ. Cuốn thơ nghe nói dự định đã mấy năm trời, nhưng trùng trình mãi, đến năm nay mới có một nhóm bạn bè chung nhau in ấn và xuất bản theo đúng các tiêu chuẩn của nhà thơ.

Đây là một tuyển tập bao trùm cả một đời làm thơ của Tô Thùy Yên, mỗi giai đoạn là một số bài tiêu biểu nhất, từ bài Cánh Đồng Con Ngựa Chuyến Tàu đăng trên tạp chí Sáng Tạo năm 1956, cho đến Chiều Trên Phá Tam Giang (1972), Trường Sa Hành (1974); rồi biến cố 1975 tới, tác giả đi tù cải tạo với Mùa Hạn (Nghệ Tĩnh 1979), Tàu Đêm (1980); rồi 10 năm sau ra khỏi tù với Ta Về. Và nhiều bài khác làm trong nước và khi ra hải ngoại. Tổng cộng 96 bài trải dài hầu như cả một cuộc đời làm thơ của một thi sĩ độc đáo sâu thẳm vào bậc nhất của Việt Nam thời hiện đại.


Để chào đón Tuyển Tập Thơ Tô Thùy Yên, chúng tôi xin đăng lại sau đây một bài trích từ Tuyển Tập, như tiếng nói chứng nhân của một giai đoạn lịch sử bi thảm của Việt Nam khi chế độ cộng sản ngập tràn đất nước.

TA VỀ


Tiếng biển lời rừng nao nức giục 
Ta về cho kịp độ xuân sang.

Ta về - một bóng trên đường lớn.
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai...
Sao vẫn nghe đau mềm phế phủ ? 
Mười năm, đá cũng ngậm ngùi thay.

Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp 
Chốn rừng thiêng ỉm tiếng nghìn thu. 
Mười năm, mặt xạm soi khe nước,
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ.

Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2018

Tô Thùy Yên: Thấm thoắt đời ta

Hình: Getty Images

Tôi bây giờ cha mẹ chẳng còn,
Các em tứ tán, bạn thưa vắng...
Đời rẽ quặt vô chừng,
Người đi cùng nhau chỉ một đỗi...
Rồi thôi, chẳng lẽ rồi thôi sao ?
Gió dứt, tan hình tướng.
Chim qua trời mang theo vệt bay.
Mây nước chuyến làm người.
Câu thơ soi mệnh viết mà khóc,
Hồn chữ nhuần lần nữa nỗi đau.
Sống đã phải đa mang...
Lòng mình vốn nặng nhất.

Nợ dẫu dứt, còn dây tiếng nợ...
Nghiệp dữ theo chân, bị đuổi xua,
Náu lẫn vào mê hãi.
Nắng mưa thấm thoát đời ta.
Mối mọt căn nhà rệu rã
Đòi phen năm tháng cũ dò về,
Chó già lạ hơi sủa
Chuyện đời như thất thiệt.
Vàng đá còn không giữ nổi mình,
Biết nhờ đâu xác chứng ?

Tuổi hạc cách ly ta.
Cõi người xa ngoài tầm
Những giác quan suy đuối
Có đi ngàn dặm cũng là quẩn,
Càng nhìn trời đất, càng hoang mang.
Bữa qua bữa dọn mình,
Cầu gặp chút vui rớt,
Làm của ăn đường đi phôi pha.
Ngóng quanh quất nghe vang quạnh quẽ,
Thấy trăng sáng quá, ngủ không đành,
Những mong có người thức chuyện vãn,
Mai chia tay, mang theo phần trăng.

Thế giới những ba ngàn,
Trước giờ qua được mấy ?
Quê nhà nghe nói có,
Chỉ dấu không tìm ra.
Con vượn non xa khóc ảo ảnh.
Còn ta lộn chuyến, nén mà đi...
Sức già, đến lúc phải bỏ bớt,
Bỏ lại bên đường cái bóng ta.

7- 2002