Hiển thị các bài đăng có nhãn Tô Thùy Yên. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tô Thùy Yên. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2023

Trần Mộng Tú: Tháng Năm đọc lại thơ Tô Thùy Yên

Nhà thơ nhà văn Trần Mộng Tú
(Ảnh:Uyên Nguyên)
Tô Thùy Yên (20/10/1938-21/5/2019) tên thật là Đinh Thành Tiên, sinh tại Gò Vấp, Gia Định, là cựu học sinh Petrus Ký và Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ông dạy học, làm báo tại Sài Gòn và mang cấp bậc Thiếu tá trong quân đội miền Nam trước 1975. Sau 1975 ông bị nhà cầm quyền cầm tù ba lần, tổng cộng gần 13 năm. Cuối năm 1993 cùng gia đình sang Hoa Kỳ định cư theo diện cựu tù nhân chính trị.

Tô Thuỳ Yên, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, cùng với các hoạ sĩ Duy Thanh, Ngọc Dũng, là những người nòng cốt của nhóm Sáng Tạo, một nhóm sáng tác đã từng được biết đến với phong trào khai sinh “Thơ tự do” trên văn đàn miền Nam vào thập niên 60.

Tháng Năm, đọc lại thơ Tô Thùy Yên, thơ của ông có rất nhiều bài được đông đảo người biết, thậm chí thuộc lòng, nhưng cũng có những bài như dưới đây, ít được biết đến hơn…

Nguyễn Viện: Tô Thùy Yên giữa nhân quần thoi thóp

Nhà văn Nguyễn Viện. Photo: Nhạc sĩ Tuấn Khanh.

Nói về thơ Việt Nam hiện đại, theo tôi có ba người đáng kể nhất tính từ sau 1945, đó là Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên. Họ là những thi sĩ đã đặt dấu chấm hết cho thơ văn tiền chiến. Và mở ra một chân trời khác cho thi ca Việt Nam. 

Cũng theo tôi, Việt Nam chỉ có hai thiên tài thi ca là Nguyễn Du và Bùi Giáng. Điều thú vị là họ rất trái ngược nhau. Tiêu biểu cho tính cách thời đại mà họ sống. Một Nguyễn Du trau chuốt trang trọng với số phận con người và một Bùi Giáng buông thả bông phèng giữa thời thế gùn ghè gây cấn của ý thức hệ phân tranh. Cả hai đều phong lưu chữ nghĩa và dồi dào nội lực sáng tạo. 


Từ Thức: Tô Thùy Yên. Kinh Khổ

Nhà văn, nhà báo Từ Thức

Tô Thuỳ Yên ra đi ngày 21 tháng 5/2019.


Những lúc lạc lõng, không biết mình đang ở đâu, đi đâu, nhiều người quay về với thơ phú, với thi sĩ. Nhất là một thi sĩ, ngoài cái ngổn ngang tâm sự riêng, còn chia cái đau chung của đồng bào. Một thi sĩ chứng nhân của một cơn ác mộng, một thời đại khủng khiếp, một thi sĩ mang cái đau của mình để nói lên cái đau chung của  cả một dân tộc. Dùng ngôn ngữ rất riêng tư, cái nhìn rất riêng tư, để nói thay những người đau, nhưng không biết diễn tả cái đau của mình.


Có người nói sách để đọc một vài lần, thơ để đọc cả đời, càng đọc càng thấm, mỗi lần đọc tìm thấy một cảm giác lạ, một xúc động mới. Nhất là khi thơ đã đạt, như thơ Tô Thuỳ Yên (TTY).


Trần Hữu Thục: Thơ Tô Thùy Yên, chênh vênh siêu hình/hiện thực

Từ trái: Chân Phương, Tô Thùy Yên, Nguyễn Trọng Khôi, Trần Doãn Nho

(Hình: TDN, Boston tháng 4/2017)


Tô Thùy Yên (TTY)[1] làm thơ từ hồi còn rất nhỏ. Bài thơ đầu tiên đưa đăng báo được in ở tạp chí Ðời Mới do nhà văn Nguyễn Ðức Quỳnh chủ trương, vào lúc ông 16 tuổi. Theo ông, bài thơ đó, “chắc chắn không phải là một bài thơ hay và ngày nay tôi chẳng còn nhớ nó như thế nào nữa” [2]. Năm 1956, một bài thơ khác in ở trên Sáng Tạo – tạp chí mở ra một thời kỳ mới của văn học nghệ thuật Việt Nam: Cánh đồng, con ngựa, chuyến tàu. Ðó là một bài thơ mà những ai yêu mến văn học nghệ thuật không thể quên. Nó là dấu mốc của một chuyển biến sâu xa trong nền văn học miền Nam mà cũng là trong nền văn học VN. Gần 40 năm sau, tập thơ đầu tay mới ra đời: Thơ Tuyển Tô Thùy Yên, xuất bản ở Hải Ngoại năm 1995, lúc nhà thơ đã …56 tuổi đầu. Thêm chín năm nữa, tháng 8/2004, tập thơ thứ hai ra đời: Thắp Tạ. Bìa trước của tập thơ mới này ghi:


Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2021

Võ Phiến: Tô Thùy Yên

Trước, một thi sĩ Nam (là Kiên Giang) có giọng thơ giống một thi sĩ Bắc (là Nguyễn Bính). Sau đó, Tô Thùy Yên là thi sĩ Nam có giọngbBắc. Ông không giống ai, không giống người Bắc nào; ông bắt kịp cái điêu luyện của ngôn ngữ Bắc, thế thôi.

Kiên Giang giống Nguyễn Bính chỉ giống Nguyễn Bính tiền chiến, Nguyễn Bính “Lỡ bước sang ngang”, Nguyễn Bính của những tâm hồn mộc mạc, đơn sơ: cái đó dễ, vì là sở trường của miền Nam. Trái lại, Tô Thùy Yên bắt ngay vào cái sở trường của miền Bắc. Ông tinh vi, cô đọng, trau chuốt đâu kém ai.

Nói “bắt kịp”, nói thế e có thể gây một sự hiểu lầm, rằng có sự hơn thua giữa Bắc Nam. — Không phải vậy. Giá trị của nghệ thuật đâu phải ở chỗ tinh vi trau chuốt mà thôi? Trau chuốt có cái đẹp của trau chuốt; sù sì gân guốc có cái đẹp của gân guốc. Chẳng qua là những phong cách khác nhau, những vẻ đẹp khác nhau. Không hơn không kém, nhưng tinh tế là đặc trưng của một nền văn hóa cố cựu, của thời gian. Và thời gian cho thêm cái này thì cũng thu bớt cái kia: người sống nhiều, lịch duyệt nhiều, tất khéo léo tinh tế thêm; đồng thời lại sinh ngại ngùng, cầu an, mất cái quả quyết, cái tích cực của tuổi trẻ.

Lâm Ngữ Đường cho rằng ở nước ông người miền nam viết hay vẽ giỏi, tài tình rất mực; trái lại người miền bắc cao lớn, dũng mãnh, oai hùng. Người Hoa Nam làm văn nghệ thì hoa mỹ tuyệt vời; người Hoa Bắc không theo kịp đâu, người Hoa Bắc chỉ giỏi làm... vua thôi: hầu hết những kẻ đánh đông dẹp bắc, những bậc khai sáng các triều đại vua chúa hơn hai nghìn năm lịch sử Trung Hoa đều ra đời ở miền Bắc. Nói cho cụ thể hơn là ra đời tại một vùng xung quanh thiết lộ Lũng Hải, tức cái vùng bao gồm các khu vực đông Hà Nam, nam Hà Bắc, tây Sơn Đông và bắc An Huy. Trung quốc văn minh lâu đời, vì thế con người sinh ra bạc nhược. Người văn minh thoát lần khỏi áp lực của thiên nhiên, rút về chỗ đô thị đông đảo và nhiều tiện nghi, họ trau dồi giao tế, nói năng hay ho, và ngại xông pha, ngại dùng sức. Con người văn minh, vì thế, về phương diện đấu tranh, đâm ra hỏng. Nhiều nền văn minh trên thế giới đã sụp đổ do cái hỏng ấy. Trung Quốc lẽ ra cũng thế: thỉnh thoảng lại bị các “rợ” miền bắc xông vào đánh cho tơi bời, có khi đè đầu cai trị một thời gian dài (nhà Nguyên, nhà Thanh). Nhưng cũng chính nhờ các cuộc xâm lăng ấy mà Trung quốc không sụp đổ: các dân tộc xâm lăng kéo vào đã tiếp một nguồn sinh lực mới mẻ cho dân tộc Trung Hoa, đặc biệt là dân Hoa Bắc. Đại khái cứ mỗi chu kỳ tám trăm năm cuộc tiếp máu diễn ra một lần, và dân tộc Trung Hoa được trẻ lại từ phía bắc.

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2019

Tô Thùy Yên: Đi Về

Hình minh họa, FreePik

Khuya rồi, nước đã đầy trăng,
Đi về suốt bãi sông Hằng, gặp ai ?
Lạnh trời, đâu lửa hơ tay ?
Đêm còn, cứ bãi sông này lại đi.
Thấy gì chăng, chẳng thấy gì
Nước rào, trăng rạt, ta thì mỏi mê...
Chầy khuya, nước ủ trăng ê,
Uổng công bãi ấy đi về một ta...
Mãi rồi trời cũng sáng ra,
Phần trăng trăng lặn, phần ta ta về.
Vẫn sông, vẫn bãi bốn bề,
Sang đêm, ai nữa đi về, gặp ai ?

Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2017

Tô Thùy Yên: CHIA TAY ẢI TÂY



Tặng Thanh Tâm Tuyền

Mới độ nào chia tay ải Tây.
Đi đâu hay chỉ cốt rời đây ?
Mây trôi, dăm mảng nhớ hư hoặc,
Gom chẳng thành câu chuyện thuận tai.

Lời kiệm, quanh ba cái ý quẩn,
Tiễn đưa vừa một quãng mây bay.
Ra về, thấy nhật nguyệt điên đảo,
Ray rứt chưa tròn hẹn ải Tây.

Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

Tô Thùy Yên: Đêm Quan Ngoại


Tạt vào, giũ phủi bóng đêm bám,
Xoa nhận lại mặt, ngồi định hình,
Nghe trong đầu chưa ngớt tán loạn,
Gió lền vung lưới chụp mông mênh.


Nhen nuôi một điểm lửa cô quạnh,
Cầu những hồn dâu biển ghé qua.
Lưới bứt rã, mông mênh sổng thoát,
Gió lại thần săn riết chẳng tha.


Bất giác nghe đâu đó khuất thẳm,
Tiếng hỏi : Vì sao đến nỗi này ?
Dặm cát phỏng dăm lần ngoảnh lại,
Ngỡ ngàng ai khác đã qua thay.


Gối đầu lên một chỗ không lý,
Ráp lại xương, từng thỏi rã rời.
Giờ này đã khuya khoắt thiên cổ,
Chớp hiện mình soi dội lẻ loi.


Cố ngủ, mong thay được mộng mới,
Đỡ thiu hồn rữa những tiền sinh.
Mai nữa, lại đi cùng gió quẩn,
Mịt mờ theo đuổi tiếp mông mênh.
                           
3-2000



Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

Tô Thùy Yên: Huế Oan


Nửa khuya, vua trẻ rời kinh khuyết,
Từ đó, thâm cung lạnh lửa đèn...
Trường thành nhiều chỗ đã sụt lở,
Thương em còn thơm hồn nhãn sen.
Mấy bận, sóng thần lấp cửa phá,
Đêm giông, mẹ nhắc chuyện năm Thìn.
Bạn về quê bạn, đường xa ngái,
Trong nớ, ngoài ni, nhớ chẳng yên.
Tóc mai rụng đã bao nhiêu sợi,
Mãi chẳng nguôi thầm một lỡ duyên.
Sông chậm lặng trôi đời ẩn nhẹm,
E tản đi hương bóng chập chờn.
Nắng mưa đâu chẳng là mưa nắng,
Sao nắng mưa này da diết hơn ?
Một buổi, mây qua tầng tháp cổ,
Trăm năm, em khóc lẽ vô thường.
Mùa nhãn, mùa sen chừng đã quá,
Lâu rồi, công chúa chưa về thăm.
Khói sương trúc đá nỗi vương vất,
Nhang thắp, nghe đời chạng vạng thêm.
Đèo cao, phá rộng, sông trăm nhánh...
Chuyển bước làm sao khỏi động tâm ?
Chim kêu, ghềnh khóc, sóng tan dạ...
Người lỡ thời đi tới xứ mô ?
Một mai, chắc mỗi điều duy nhất :
Rêu mốc mờ thêm những đã mờ.
10 - 1999



Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016

TÔ THÙY YÊN: NHỚ CÓ LẦN, TRÊN BẾN BẮC KHUYA, NGHE MỘT ÔNG LÃO ĐÀN HÁT

 Ông lão khô quắt như thanh đước,
Đàn hát mưu sinh bến bắc đêm,
Cổ vương oan khuất, tay u hồn,
Miết giây, xé giọng, khóc nhân thế...
Âm bóng xưa về quanh chiếu manh.
Trăng thiếp, sao mê, sông ráo gió.

Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

Nguyễn Hưng Quốc - 'Trường Sa Hành' của Tô Thùy Yên


Nguyễn Hưng Quốc

Trong bài “Biển Đông: Quyền lợi quốc gia và tinh thần dân tộc”, tôi có in lại trong phần chú thích, bài thơ “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” của Trần Đăng Khoa. Bài thơ ấy được nhắc nhở nhiều và thường xuất hiện trong các tuyển tập thơ ở Việt Nam. Nhưng thành thực mà nói, nó không hay, hoặc nếu hay, chỉ hay ở mức vừa phải. Không có gì đặc sắc. Thơ viết về biển đảo của Việt Nam, cho đến nay, hay nhất có lẽ là bài “Trường Sa hành” của Tô Thùy Yên. Nhân lúc mọi ánh mắt đều hướng về Biển Đông, đặc biệt Hoàng Sa và Trường Sa, chúng ta cũng nên đọc lại bài thơ này.

Hải quân Việt Nam tuần tra ở Trường Sa
Bài thơ có ý nghĩa lịch sử: được sáng tác vào tháng 3 năm 1974, hai tháng sau ngày Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa lúc ấy thuộc Việt Nam Cộng Hòa - là một dấu mốc đáng nhớ. Nó lại có ý nghĩa chính trị: nối liền quá khứ với hiện tại, miền Nam lúc trước và cả nước sau này, vấn đề lãnh thổ và chủ quyền, những người lính ngày xưa và những người còn tha thiết đối với vận mệnh của đất nước bây giờ. Đặc biệt, nó có giá trị thẩm mỹ: ngay cả khi gạt bỏ hết hai ý nghĩa trên, “Trường Sa hành”, tự nó, là một bài thơ hay. Đủ hay để thách thức không những thời gian mà còn cả những âm mưu vùi dập tàn bạo của nhà cầm quyền Việt Nam kể từ năm 1975 đến nay.

Xin nói một chút về Tô Thùy Yên: Theo tôi, ông là một trong những nhà thơ lớn nhất của miền Nam trong giai đoạn 1954-75, hơn nữa, cũng là một trong những nhà thơ lớn nhất của Việt Nam nói chung trong cả nửa sau thế kỷ 20.

Thơ ông có một số đặc điểm đáng chú ý.

Một, Tô Thùy Yên viết ít và xuất bản rất muộn: Tập thơ đầu tay của ông, Thơ tuyển, gồm 37 bài, được xuất bản lần đầu năm 1995 (1), tức khoảng 40 năm sau khi ông có thơ đăng báo, tính trung bình mỗi năm ông làm chưa tới một bài. Vậy mà, ngay từ trước 1975, ông đã nổi tiếng và được nhiều người đánh giá rất cao.

Hai, nét nổi bật nhất trong phong cách thơ Tô Thùy Yên là sự giao thoa: thứ nhất, giao thoa giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống và cách tân. Đó hẳn là một sự kết hợp rất nhiều người mong muốn. Nhưng không phải ai cũng làm được. Ngay cả Thanh Tâm Tuyền dù từng tuyên bố, trong bài “Một bài thơ”: “không đa đa siêu thực / thẳng thắn / khởi từ ca dao sang tự do” nhưng thơ ông vẫn nghiêng hẳn về phía hiện đại hơn truyền thống. Ở nhiều người khác cũng thế: hoặc nghiêng bên này hoặc lệch về phía bên kia. Chỉ ở Tô Thùy Yên, người ta mới thấy được sự cân bằng. Cũng xin nói thêm: Ở đây, tôi chỉ ghi nhận một đặc điểm chứ không phải đánh giá. Thứ hai, sự giao thoa giữa cảm xúc và tư tưởng: từ cảm xúc đến hình tượng trong thơ ông đều thấp thoáng chút màu sắc siêu hình với những nghĩ ngợi về cuộc sống và về con người; nói chuyện với ai và về cái gì, với ông, dường như cũng là một cuộc trò chuyện với hư không, với cái mênh mông của trời đất và với cái vô tận của thời gian. Có lúc ông như một Trần Tử Ngang lạc loài ở thời hiện đại. Hai sự giao thoa ấy làm cho thơ Tô Thùy Yên vừa quen vừa lạ, vừa bình dị vừa sâu sắc, vừa rất dễ đọc vừa thấp thoáng rất nhiều bí ẩn, vừa sáng sủa vừa thăm thẳm đến không cùng.

Bài “Trường Sa hành” dưới đây có thể được xem như một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của Tô Thùy Yên. Tiêu biểu về thể thơ: Mặc dù Tô Thùy Yên thử nghiệm khá nhiều hình thức, từ lục bát đến tự do, nhưng thể thơ tạo nên phong cách đặc thù và thể hiện cái tài hoa cao ngất của ông, theo tôi, là thể bảy chữ: sau năm 1954, không có nhà thơ Việt Nam nào có nhiều bài thơ bảy chữ hay bằng ông.

Tiêu biểu về tư tưởng: vẫn là một cái “hữu hạn” khao khát hỏi han “Hiu Quạnh Lớn”. Tiêu biểu về nghệ thuật xây dựng hình tượng: Vẫn là những vật bình thường, nhưng dưới ngòi bút của ông, bao giờ cũng có vẻ gì như khốc liệt, từ “sóng thiên cổ khóc” đến “biển tang chế”, từ “đám cây bật gốc chờ tan xác” đến cảnh “trùng dương khóc trắng trời”, từ “mặt trời chiều rã rưng rưng biển” đến “vầng khói chim đen thảng thốt quần”. Tiêu biểu trong cách liên tưởng: Dùng tâm lý để đo lường khoảng cách không gian (“Bốn trăm hải lý nhớ không tới”), dùng cảnh vật trong không gian để nghĩ đến thời gian (“Thời gian kết đá mốc u tịch”), và dùng thời gian để nói đến những sự “nhỏ nhoi” và những “nỗi tả tơi”. Tiêu biểu trong ngôn ngữ: Lúc nào cũng thật nhiều hình dung từ và hình dung từ nào cũng mạnh và cũng gắt. Đảo thì “chếch choáng”, gió thì hoặc “miên man thổi” hoặc “thổi trùng điệp”, lòng thì “rách tưa”, khóc cười thì “như tự bạo hành”, mây đỏ thì đỏ đến “thảm thê”; nắng thì “chói chang như giũa”, còn ánh sáng thì “vang lừng điệu múa điên”.

Tất cả đều mang dấu ấn của Tô Thùy Yên. Không lẫn với ai khác.

***

TRƯỜNG SA HÀNH
Tô Thùy Yên

Toujours il y eut cette clameur,
Toujours il y eut cette fureur...
(Saint John Perse)

Trường Sa! Trường Sa! Đảo chuếnh choáng!
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề
Lính thú mươi người lạ sóng nước
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi

Mùa Đông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa
Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh Lớn
Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ

Đảo hoang, vắng cả hồn ma quỉ
Thảo mộc thời nguyên thủy lạ tên
Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh
Lên xác thân người mãi đứng yên

Bốn trăm hải lý nhớ không tới
Ta khóc cười như tự bạo hành
Dập giận, vác khòm lưng nhẫn nhục
Đường thân thế lỡ, cố đi nhanh

Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời

Mùa gió xoay chiều, gió khốc liệt
Bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi
Đám cây bật gốc chờ tan xác
Có hối ra đời chẳng chọn nơi?

Trong làn nước vịnh xanh lơ mộng
Những cụm rong óng ả bập bềnh
Như những tầng buồn lay động mãi
Dưới hồn ta tịch mịch long lanh

Mặt trời chiều rã rưng rưng biển
Vầng khói chim đen thảng thốt quần
Kinh động đất trời như cháy đảo...
Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân

Ta ngồi bên đống lửa man rợ
Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi
Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi

Chú em hãy hát, hát thật lớn
Những điệu vui, bất kể điệu nào
Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ
Cho mái đầu ta chớ cúi sâu

Ai hét trong lòng ta mỗi lúc
Như người bị bức tử canh khuya
Xé toang từng mảng đời tê điếng
Mà gửi cùng mây, đỏ thảm thê

Ta nói với từng tinh tú một
Hằng đêm, tất cả chuyện trong lòng
Bãi lân tinh thức âm u sáng
Ta thấy đầu ta cũng sáng trưng

Đất liền, ta gọi, nghe ta không?
Đập hoảng Vô Biên, tín hiệu trùng
Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc
Con chim động giấc gào cô đơn

Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên
Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ
Kêu dòn như tiếng nứt hoa niên

Ôi lũ cây gầy ven bãi sụp
Rễ bung còn gượng cuộc tồn sinh
Gắng tươi cho đến ngày trôi ngã
Hay đến ngày bờ tái tạo xanh

San hô mọc tủa thêm cành nhánh
Những nỗi niềm kia cũng mãn khai
Thời gian kết đá mốc u tịch
Ta lấy làm bia tưởng niệm Người

3-1974

***

Chú thích: Tập thơ này, sau đó, đã được phổ biến dưới ấn bản điện tử trên Talawas


Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

Tô Thùy Yên - TRƯỜNG SA HÀNH


Tô Thùy Yên



Trường Sa! Trường Sa! Đảo chuếnh choáng!
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề.
Lính thú mươi người lạ sóng nước,
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi.

Mùa Đông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa.
Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh lớn
Mà Hiu Quạnh lớn vẫn làm ngơ.

Đảo hoang, vắng cả hồn ma quỷ.
Thảo mộc thời nguyên thủy lạ tên
Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh
Lên xác thân người mãi đứng yên.

Bốn trăm hải lý nhớ không tới.
Ta khóc cười như tự bạo hành,
Dập giận, vác khòm lưng nhẫn nhục,
Đường thân thế lỡ, cố đi nhanh.

Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế.
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời.

Mùa gió xoay chiều, gió khốc liệt,
Bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi.
Đám cây bật gốc chờ tan xác,
Có hối ra đời chẳng chọn nơi?

Trong làn nước vịnh xanh lơ mộng,
Những cụm rong óng ả bập bềnh
Như những tầng buồn lay động mãi
Dưới hồn ta tịch mịch long lanh.

Mặt trời chiều rã rưng rưng biển.
Vầng khói chim đen thảng thốt quần,
Kinh động trời đất như cháy đảo.
Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân.

Ta ngồi bên đống lửa man rợ,
Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi,
Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi.

Chú em hãy hát, hát thật lớn
Những điệu vui, bất kể điệu nào
Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ,
Cho mái đầu ta chớ cúi sâu.

Ai hét trong lòng ta mỗi lúc
Như người bị bức tử canh khuya,
Xé toang từng mảng đời tê điếng
Mà gửi cùng mây, đỏ thảm thê.

Ta nói với từng tinh tú một,
Hằng đêm, tất cả chuyện trong lòng.
Bãi lân tinh thức, âm u sáng.
Ta thấy đầu ta cũng sáng trưng.

Đất liền, ta gọi, nghe ta không?
Đập hoảng Vô Biên, tín hiệu trùng.
Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc.
Con chim động giấc gào cô đơn.

Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa.
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên.
Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ
Kêu dòn như tiếng nứt hoa niên.

Ôi lũ cây gầy ven bãi sụp,
Rễ bung còn gượng cuộc tồn sinh,
Gắng tươi cho đến ngày trôi ngã
Hay đến ngày bờ tái tạo xanh.

San hô mọc tủa thêm cành nhánh.
Những nỗi niềm kia cũng mãn khai.
Thời gian kết đá mốc u tịch,
Ta lấy làm bia tưởng niệm Người.


3-1974