Hiển thị các bài đăng có nhãn Tâm Tịnh An. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tâm Tịnh An. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2023

Tâm Tịnh An: Du lịch miền Đông Bắc Việt Nam

Hoàng Su Phì, Hà Giang. Ảnh Quang Nguyen Vinh, Pixabay

Du lịch miền Đông Bắc Việt Nam là một ước mơ từ lâu của tôi, nhất là từ khi có tin Trung Quốc đã chiếm một phần thác Bản Giốc. Tôi muốn xem tận nơi để coi họ chiếm như thế nào. Lại thêm có người nói, “Chưa đi Mã Pí Lèng là chưa biết đi đường đèo.” Tôi nghĩ mình đã đến tuổi “cổ lai hy”, nếu không đi bây giờ thì có thể không còn cơ hội nữa. Thế là tôi huy động anh chị em và bạn bè tuổi cũng xấp xỉ “cổ lai hy” như tôi để làm một chuyến Bắc du. Lúc đăng ký tour, cô nhân viên hãng du lịch nhẹ nhàng nói, “Thưa cô, tour này là tour trải nghiệm, không phải tour nghỉ dưỡng. Nhóm của cô toàn là người lớn tuổi nên công ty đề nghị cô chọn các tour khác nhẹ nhàng hơn đi ạ.” Tôi bèn đem ba tấc lưỡi ra để thuyết phục, rằng thì là các cô các chú tuy có tuổi nhưng sức khỏe rất tốt, rằng thì là các cô các chú đã từng trèo lên đỉnh Fansipan, đã từng bò lên tới Chùa Đồng Yên Tử, mới mấy năm trước đây thôi mà! Cô nhân viên thấy tôi hăng quá chắc cũng động lòng nên đành nói, “ Thôi được, vậy cô làm ơn ký tên vào tờ bảo lãnh sức khỏe cho cả nhóm, cam đoan chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu có sự cố gì xảy ra nhé.” Ừ, ký thì ký, sợ gì! Thế là được đi.

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2020

Tâm Tịnh An: Thầy Tôi

Kính tặng hương hồn Thầy NVT

Chiều hôm ấy như thường lệ, sau giờ học chúng tôi ở lại để trả cho Thầy những cuốn sách đã mượn tuần trước và đổi lấy sách mới. Sau khi các bạn tôi đã về hết, Thầy tìm một lúc rồi kéo ra một cuốn sách mỏng khổ lớn giấy vàng khá cũ kỹ và nói, “Đây là quyển Chùa Đàn của Nguyễn Tuân, bản in đầu tiên, Thầy quí lắm nên ít cho ai mượn, Thầy nghĩ em đọc sẽ thích”. Sách để lâu trong tủ phảng phất một mùi thơm nhẹ của gỗ. Tôi cảm động ôm quyển sách mà nghẹn ngào muốn khóc, hít mùi gỗ thơm như nén vào lòng tất cả sự ưu ái của Thầy.

Khi tôi học lớp đệ ngũ thì Thầy T. đang vừa làm giám thị vừa dạy một số lớp Anh văn và Pháp văn. Nghe nói Thầy chỉ tự học mà thông thạo nhiều thứ tiếng. Thầy nổi tiếng nghiêm khắc và học trò lớn bé đứa nào cũng sợ Thầy một phép. Nếu thấy Thầy từ đàng xa, mấy đứa học trò trai lật đật bỏ áo vô quần, đứa nào tay áo đang xăng lên thì vội bỏ xuống gài nút lại. Một lần tôi thấy một anh học trò tay áo đang xăng lên, gặp Thầy thì Thầy bắt đứng ngay ngắn lại rồi Thầy vả cho một cái. Thầy nói xăng tay áo lên nghĩa là sắp đánh lộn với Thầy, vậy thì Thầy phải đánh trước! Với nữ sinh thì Thầy không đến nỗi khó như vậy nhưng bọn tôi vẫn cố tránh mặt Thầy. Nếu thấy không thể tránh được thì vội đứng ngay ngắn lại, nón lá cầm tay lí nhí cúi đầu chào Thầy rồi thở phào nhẹ nhõm khi Thầy đi qua.

Ấy vậy mà một hôm trong bữa cơm chiều, ba tôi thủng thỉnh nói, “Ba nghe nói Thầy T. dạy Anh văn hay lắm và Thầy có mở lớp dạy tư ở nhà, hôm nào rảnh ba sẽ dắt con tới xin học với Thầy.” Trời ơi!

Tôi nghe bỗng rụng rời.

Nhìn ba luống nghẹn lời…

Chén cơm đang ăn tôi nuốt không vô nữa. Những ngày sau đó tôi buồn bã và lo lắng không yên, mỗi lần nghĩ tới phải đi học Thầy là lòng tôi chùng xuống, đang vui cũng mất vui, cứ vái trời cho ba tôi quên luôn vụ đó. Vậy mà ba tôi không quên và ngày tôi lo sợ đã đến. Hôm ấy sau khi ăn cơm chiều xong, ba tôi lấy xe đạp chở tôi đến nhà Thầy. Ngồi sau lưng ba, tôi lâm râm khấn vái Quan Thế Âm Bồ Tát cho Thầy không có ở nhà. Khi Thầy bước ra mở cửa tôi tiếp tục vái cho Thầy đừng nhận tôi.