Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2022
Song Thao: Nước Mắm Vạn Vân
Tên của làng tôi cũng lôi thôi như vậy. Tên chính thức trên giấy tờ là Giáp Bát, tên dân chúng gọi nôm na là Làng Tám nhưng ngôi nhà thờ làng thì lại mang tên xứ Kẻ Sét. Nói cho rõ thì Giáp Bát là một trong 9 giáp của làng Sét (Thịnh Liệt). Về sau các giáp tách ra thành làng mang tên Giáp Nhất, Giáp Nhị…, dân gọi là làng Nhất, làng Nhì…Giáp Bát là làng Tám. Đầu thế kỷ 19, Giáp Bát là một thôn thuộc tổng Thịnh Liệt, còn gọi là tổng Sét, thuộc huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam Thượng, từ năm 1831 thuộc tỉnh Hà Nội. Năm 1904 đổi thành thuộc tỉnh Hà Đông, từ năm 1942 thuộc Đại Lý Đặc biệt Hà Nội và cuối cùng thành dân…Tràng An. Nói về quê hương bản quán của mình, ai cũng để vào đó một trái tim. Tôi cũng như vậy nên hơi dài dòng về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Nhân tiện cũng nói thêm một chút về cái tôi. Tôi quê quán làng Giáp Bát nhưng nhau của tôi lại chôn tại Sơn Tây. Khi tôi ra đời, ông cụ tôi làm việc tại Sơn Tây nên bà cụ sanh tôi tại đó. Vì muốn khai sanh nơi quê quáncho có gốc gác nên phải chờ một thời gian sau (ông cụ tôi kề lại chỉ khoảng một tháng), tôi mới được làm giấy khai sanh tại làng. Biến cố này khiến tôi không có tử vi để nhờ ông Võ Kỳ Điền giải về hậu vận khiến cuộc đời tôi trôi ngoài vòng tay với của ông bạn họ Võ.
Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2022
Song Thao: Happy Birthday Mr. President
Sau khi cầu sập, trên mạng xuất hiện một video do một công dân Ukraine làm. Video được chia ra hai phần. Phần bên trái là đoạn quay cảnh cây cầu đang bốc lửa, bên phải là đoạn video cô đào cũng bốc lửa Marilyn Monroe hát bài “Happy Birthday Mr. President”. Coi đoạn video này, tôi thầm phục người đã sáng chế ra lối chọc quê ông Putin một cách hóm hỉnh và cay đắng. Ông Putin chắc phải chửi thề khi nhận được món quà sinh nhật này.
Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022
Song Thao: Ngày Cao Niên
Từ trái sang phải: Song Thao - nhà thơ Hoàng Chiều Nhân - nhà thơ Nguyễn Minh Đức - nhà thơ Trang Châu - nhà văn Hồ Đình Nghiêm (ngồi trên sàn nhà) - nhà thơ Lưu Nguyễn - nhà thơ Hoàng Xuân Sơn - nhà thơ Luân Hoán tại nhà Song Thao (Montréal, 1996) |
Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022
Song Thao: Nhạc Bolero
Tôi không nhớ năm nào nhưng trước 1975, khi bản nhạc Hàn Mặc Tử của Trần Thiện Thanh đang phổ biến hết cỡ, một nhà trong xóm tôi ở Thị Nghè ngày nào cũng mở oang oang như muốn có lòng tốt cho cả xóm được nghe ké. Tội cho Hàn Mặc Tử, sáng sớm, khoảng 7 giờ mỗi ngày, đều bị đánh thức dậy đi bán trăng. Có lẽ trăng khó bán nên rao bán cả ngày cũng chưa xong. Ngày hôm sau bán tiếp. “Ai mua trăng tôi bán trăng cho / Trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ / Ai mua trăng tôi bán trăng cho / Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò”.
Tôi không phải là người thích nghe nhạc bolero nên cũng có lúc khó chịu. Nhưng biết nói sao, dân chúng mải mê với chuyện bán trăng, có kêu cảnh sát can thiệp về chuyện làm ồn ào cả xóm cũng không nỡ. Xóm giềng qua lại nhìn mặt nhau hàng ngày, ai nỡ cản chuyện bán buôn của ông nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Nhạc bolero ngày đó quả đã lấn át tất cả các loại nhạc khác. Với lời ca trữ tình bình dân, giản dị được viết trên những giai điệu chậm buồn đều đều có pha âm hưởng dân ca, hát bằng giọng thứ quãng âm trung hoặc trầm, nhạc bolero dễ nghe, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người, chất chứa nỗi niềm của lớp người bình dân trong xã hội. Hầu như mỗi người nghe đều tìm được niềm tâm sự hoặc kỷ niệm của mình trong những bản nhạc này. Nhạc bolero có tại miền đất phía Nam trong những năm từ 1955 tới 1975. Theo một tài liệu chưa thật chính xác thì bài bolero đầu tiên của Việt Nam là bài “Duyên Quê” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ:“Em gái vườn quê /cuộc đời trong trắng/ Dầm mưa giãi nắng mà em biết yêu trăng đẹp ngày rằm / Anh biết mặt em / một chiều bên thềm / Giọng hò êm đềm và đôi mắt em long lánh sau rèm / Ai hát ngoài ao / chừng ngồi giặt áo / Giọng hò êm quá mà anh ngỡ ai rót mật vào lòng / Anh cuốc vườn sau mặt trời trên đầu / Ruộng vườn lên màu vì em ước mong đây đó chung lòng”. Nhưng nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, trong bài báo “Bài Bolero Đầu Tiên Trong Âm Nhạc Việt Nam”, đã cho bài “Nắng Chiều” của Lê trọng Nguyễn, được sáng tác vào năm 1952, mới đích thị là bản bolero đầu tiên của Việt Nam. Nhưng có người phản biện là bài “Nắng Chiều” không phải là bolero mà là rumba-bolero! Tôi mù tịt về nhạc nên chẳng dám có ý kiến.
Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2022
Song Thao: Cờ Tây
Một buổi sáng, mắt nhắm mắt mở ngủ dậy, thấy có một e-mail của một anh bạn ở Toronto gửi mà giật mình. Dụi mắt nhìn cho rõ mà lòng còn hồ nghi. E-mail cho biết là tại Toronto vừa có một công ty chuyên bán thịt chó mời khách vãng lai nếm thử tại một công viên đông người.
Logo của « Elwood’s Organic Dog Meat”.
Thiệt không? Ngụ cư tại Canada gần bốn chục năm, tôi chưa hề nghe nói là ở đây có bán cầy tơ công khai. Lùng sục một hồi trên mạng, tìm thấy bài báo của tờ báo địa phương Thời Báo cho biết sự tình. Ngày thứ năm 4/8/2022, công ty Canada chuyên bán thịt chó Elwood’s Organic Dog Meat đã thiết lập một lều ngay trong công viên Christie Pits của thành phố Toronto và mời khách vãng lai ăn thử thịt chó. Công ty này có trụ sở tại Labrador thuộc miền Bắc Canada. Chó được làm thịt là chó được thả chạy tự do trong vườn, không cho ăn những chất hóa học, nuôi với mục đích cung cấp thực phẩm cho người chứ không phải là chó kiểng hay chó hoang. Vậy đây là thịt chó organic đàng hoàng!
Thử tìm vào báo tây cho chắc ăn, tôi đọc được trên trang TO. Họ cho biết là chuyện này có thật. Khách vãng lai được mời ăn thử. Có người ăn và nói cũng giống như thịt bò thôi. Có người kinh tởm, tức giận khi được mời nếm thử. Công ty Elwood’s Organic Dog Meat phát cho khách tờ quảng cáo có ghi: “Thịt chó ngon, từ năm 1981. Hãy dọn lên bàn ăn thứ thịt được ưa thích nhất. Nếu thịt chó của chúng tôi làm quý vị bối rối, xin nghĩ lại: thịt chó của chúng tôi làm từ chó được nuôi để ăn thịt. Ăn thịt chó là sự lựa chọn của từng người. Có người thích vị của thịt chó. Thịt này cung cấp nhiều chất bổ dưỡng. Chó được giết một cách êm thắm”. Họ có hẳn một website. Tôi tìm vào ngay, chuyện…sống chết vậy mà không tò mò ngay tức thì sao đặng. Họ viết như sau: “Hãy dọn bàn ăn với thứ thịt ngon nhất. Elwood’s Organic Dog Meat là một công ty gia đình đã hoạt động qua hai thế hệ. Chúng tôi cam đoan gửi tới các bạn thứ thịt chó ngon nhất được nuôi để ăn thịt. Chúng được nuôi trong các cánh đồng trong những ngày tháng hạ và chỉ được ăn những thực phẩm organic và không có đậu. Chó của chúng tôi: được chạy nhảy tự do, giống chó địa phương, organic, tươi ngon không bao giờ đông lạnh, không ăn thực phẩm có trụ sinh, được nuôi cẩn thận, giết thịt một cách êm ái, được thương yêu. Website ghi rõ: khách hàng có thể mua một miếng, một phần tư con, nửa con hay nguyên con. Công ty cũng có một số ít nước hầm xương chó, khách có thể đặt mua trước”.
Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022
Song Thao: World Cup 2022
Khi tôi trở lại Montreal, vui chuyện với bạn bè, tôi cho biết mới từ Doha về, ông nào ông nấy há hốc miệng. Doha là cái xứ quỷ quái chi, nằm ở đâu. Doha là thủ đô của xứ Qatar, nằm trong vùng vịnh Trung Đông. Thường thì người ta biết nhiều tới Dubai của Liên hiệp Ả Rập Emirates trong vùng này hơn. Nhìn vào bản đồ thì Dubai và Doha nằm ngang nhau, cách một eo biển có tên là Persian Gulf. Khoảng cách chỉ có 380 cây số, gần xịt. Nhưng Dubai danh vang cuồn cuộn, còn Doha khỉ ho cò gáy, ít người biết tới, ngay cả chỉ cái tên. Thực ra tôi chẳng điên gì mà nhắm đi du lịch Doha, chỉ là một sự tiếc của trời. Tôi đi Thái Lan bằng máy bay của hãng Qatar Airways, trên đường về, máy bay ghé Doha rồi đi tiếp. Nếu muốn ở lại để đi chuyến khác sau đó cũng chẳng tốn thêm đồng nào nên tôi ghé chơi, vừa có dịp duỗi chân duỗi cẳng vừa biết thêm một nơi chốn ít người biết. Đặt chân xuống phi trường tôi mới biết Doha sẽ tổ chức giải Bóng Tròn Thế Giới năm 2022.
Khi tôi tới Doha thì còn đúng 3 năm nữa nơi đây mới quần hùng tụ hội nhưng cả thành phố đã nhộn nhịp chuẩn bị. Các sân vận động đang được xây cất. Tôi có tới một sân, chỉ mới có cái khung nhưng coi hình thấy đẹp hết biết. Là nơi có trữ lượng dầu hỏa hàng đầu thế giới, Qatar không tiếc tiền để cho thế giới rõ mặt cái xứ sở ẩn khuất này. Họ dự trù chi ra tới 220 tỷ đô Mỹ cho dịp ra mắt thế giới này. Tất cả có 12 sân được xây cất hoặc trùng tu, mỗi sân đều là một công trình kiến trúc ngoạn mục. Sân Al Shamal, Al Gharrafa, Education City, Al Khor, Lusail Iconic, Sports City, Al Rayyan, Qatar University, Umm Slal, Doha Port, Al Wkrah và Khalifa International . Sân nào cũng có sức chứa trên 45 ngàn khán giả. Lớn nhất là sân Lusail Iconic với sức chứa khủng là 86.250 khán giả. Tha hồ sút bóng. Trận chung kết sẽ diễn ra tại đây.
Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2022
Song Thao: Ông Văn Nghệ
Ông Võ Thắng Tiết |
“Ông Văn Nghệ” tôi nói tới đây là Đại Đức Từ Mẫn hay ông Võ Thắng Tiết. Muốn gọi thế nào cũng được. Lần đầu gặp ông tại Quận Cam, tôi gọi ông bằng “thầy”, ông nhỏ nhẹ vào tai tôi: “Đừng gọi tôi bằng thầy!”.
Thực ra ông đã từng là thầy. Ông đi tu từ năm 13 tuổi. Khi đó ông đang theo học tại trường Thạnh Mỹ Lợi ở Giồng Ông Tố, Gia Định. Rồi trường bị Nhật bỏ bom tan nát. Ông phải nghỉ học đi chăn trâu. Một bữa ông đang ở ngoài đồng thì cha ông gọi về đưa lên chùa tu. Thế là ông đi tu tuy ông là con trai độc nhất. Ba người kia đều là gái. Ông rất ham mê đọc sách tuy vẫn không trễ nải việc kinh kệ.
Cơ duyên với sách đến với ông vào đầu năm 1964. Năm đó, phu nhân bác sĩ Hiệu, một nữ Phật tử thuần thành, muốn cúng dường cho vài thầy ở Sài Gòn một số tiền. Số tiền này là tiền bà bán một căn villa khá lớn ở khu cư xá Lữ Gia, Sài Gòn, sau khi chồng mất, để qua định cư tại Mỹ với con trai. Con trai bà cũng là một bác sĩ tại Mỹ căn dặn bà không mang tiền bán nhà theo mà hiến tặng cho các cơ quan từ thiện. Số tiền bán được khá bộn. Bà tặng cho thầy Nhất Hạnh 35 ngàn, một số tiền được coi là rất lớn vào thời điểm đó. Thầy Nhất Hạnh họp với một số thầy để bàn coi sẽ sử dụng số tiền này như thế nào. Họ quyết định lập một nhà xuất bản mang tên Lá Bối. Thầy Thanh Tuệ được chọn phụ trách nhà xuất bản này. Thầy Thanh Tuệ sống rất đơn giản. Thú vui của thầy là sách và giao du với giới văn nghệ sĩ. Nói tới thầy Thanh Tuệ, thầy Từ Mẫn cho biết : “Thầy là một tu sĩ nhưng cũng còn là một nghệ sĩ nữa”. Thầy thân thiết với Bùi Giáng, Phạm Công Thiện và đam mê sách của nhà sách Xuân Thu. Nhà sách Xuân Thu trước đó mang tên Albert Portail, chuyên nhập cảng sách báo ngoại quốc. Thầy Thanh Tuệ mê sách tới độ mỗi khi nhìn thấy một cuốn sách ngoại quốc trình bày đẹp hay lạ mắt, in trên giấy tốt, là nhắm mắt mua dù giá cả ra sao. Thầy mang sách về săm soi một cách thích thú.
Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022
Song Thao: Cỏ Dại
Madonna, Miley Cyrus, Julia Roberts, Beyoncé, Drew Barrymore, Sophia Loren, Britney Spears, là ai? Trăm phần trăm chúng ta, nếu có nghía tới màn bạc, đều biết rõ họ là những nữ tài tử nổi tiếng của Holywood. Nhưng ít ai biết họ đều là những người để lông nách! Cái thứ cỏ nằm dưới nách ai cũng có nhưng hầu như các bậc nữ lưu đều cho đó là thứ cỏ dại cần nhổ bỏ. Nhất là những người nữ có danh vọng trong làng giải trí. Thường thì vùng nối giữa thân mình và cánh tay, nơi các minh tinh hay phô bày khi mặc những chiếc áo dạ hội, đều bóng láng, không một sợi lạc loài.
Từ trước tới nay, chẳng chỉ các nàng trong làng giải trí mà hầu như tất cả các chị em phụ nữ đều một mực xua đuổi những sợi lông mất thẩm mỹ nơi rất dễ lấp ló này, khiến nơi vùng tối này trơn láng sạch sẽ hơn. Đó là một…đạo mà họ tuân theo từ thời ông bành tổ tới chừ.
Nhưng chừ bành tổ già hung, họ lờn mặt. Cả một phong trào sống tự nhiên như nhiên khiến chuyện tưởng đã thành chân lý bỗng sụp đổ. Các bà thi nhau sum suê nơi góc tối này. Phong trào này được các ông cổ võ tức thời. Họ vẫn nghĩ chỗ này nhắc nhở tới chỗ khác. Như một thứ chim báo bão. Nơi đây sao nơi đó cũng vậy. Đàn ông là thứ được trời phú cho chí mạo hiểm. Cái chi cũng muốn tỏ tường tới nơi tới chốn. Khi không tới nơi tới chốn được, họ dùng óc tưởng tượng. Chuyện “cách mạng” của các bà làm cho trí tưởng tượng có chỗ dựa. Nơi này là hình bóng của nơi kia.
Các ông nghĩ chi, mặc các ông, chuyện các bà làm thì đường ta ta cứ đi, chẳng quan tâm tới những ánh mắt dại khờ chung quanh. Ngay từ năm 2014, nữ hoàng nhạc pop Madonna đã đăng trên trang cá nhân bức hình để lộ đám cỏ dưới nách với lời chú thích: “Lông dài, không sao cả. Đây là chuyện bình thường, không vi phạm pháp luật hay đạo đức”. Người ca sĩ có phong cách riêng này rất tự tin, muốn được là chính mình chứ không phải chạy theo những chuẩn mực sắc đẹp do người khác đặt ra. Bà có ngay một đệ tử, chính là cô con gái Lourdes Léon của bà. Cô này chủ trương để lông trên cơ thể phát triển tự nhiên. Khi đi dự Met Gala 2021, Lourdes còn cố tình mặc áo không tay để lộ phần kín phía dưới. Người đẹp trẻ tuổi này nói: “Thời học trung học, tôi thấy cách các cô gái nổi tiếng trong trường hành động để cua những chàng trai họ thích. Tôi biết mình không phù hợp với cung cách đó. Bởi vậy, tôi quyết định làm ngược lại. Tôi không trang điểm, không tạo kiểu tóc, không cạo lông chân và lông nách như số đông”. Năm 2015, nữ ca sĩ trẻ hay le lưỡi gợi tình Miley Cyrus không những xum xuê mà còn nhuộm mớ loăn xoăn cho nổi đình nổi đám. Màu nhuộm thay đổi xoành xoạch tùy theo sở thích.
Sophia Loren, thần tượng của thế hệ chúng tôi với thân hình bốc lửa, là một trong những ngôi sao tiên phong trong việc ủng hộ nữ quyền, đã được tờ Vogue đăng hình với lời bình luận: “Nàng đã chứng minh lông nách không khiến phụ nữ bớt thanh lịch. Tấm hình này nói lên điều đó”. Trong một buổi xuất hiện trước công chúng vào năm 1999 khi ra mắt cuốn phim Notting Hill, Julia Roberts mặc một chiếc áo đỏ, thấp thoáng dưới nách là vệt lông đen. Nàng tỉnh bơ rất tự tin khi các phóng viên xúm vào chụp khoảnh khắc rất thật này. Julia phát biểu: “Tấm hình thực sự sống động trong tâm trí tôi. Tôi nghĩ tôi chỉ thực sự chưa tính toán được chiều dài tay áo và cách vẫy tay. Hai thứ đó kết hợp với nhau và đã tiết lộ những điều cá nhân về tôi. Điều này không phải là một tuyên bố gì to tát, nó chỉ là một phần của việc thể hiện tôi với tư cách là một con người trên hành tinh sống cho bản thân mình”. Khi đến dự buổi ra mắt “Hồ Sơ Cadillac” vào năm 2009, Beyoncé bị giới chụp hình phát hiện chuyện lơ thơ tơ liễu dưới nách. Cô biện bạch đó là chuyện cô thích làm. Drew Barrymore, người đã xuất hiện trên màn ảnh từ thời thơ ấu, là một khuôn mặt khá dễ thương. Từ năm 2000, cô để cho cỏ mọc tự do, không thèm dọn dẹp chi. Britney Spears cũng vậy. Người ta đã thấy rất nhiều lần cô xuất hiện với vùng nách rậm rạp. Hỏi thì cô cho biết cô lười biếng không cạo. Thiệt vậy không, chẳng ai tin như vậy.
Khi các thần tượng màn bạc hùa nhau để cho cỏ dại um tùm nơi vùng mà từ trước tới nay phụ nữ thường cạo láng, các tín đồ của họ nhất định sẽ chạy theo.
Nữ sinh viên người Anh tên Laura Jackson đã khởi xướng phong trào Jamuhairy nuôi lông nách lông chân trong một tháng, được nhiều thanh nữ hưởng ứng, trưng hình rậm rạp lên mạng xã hội. Laura Jackson cho biết muốn tạo ra phong trào này vì muốn thách thức những gì gọi là “chuẩn mực vẻ đẹp xã hội”, những gì gọi là “điều cấm kỵ” đối với phụ nữ. Xã hội chị em đang sống là một xã hội tự do, không ai phải ép mình tuân theo những tiêu chuẩn không tự nhiên, không thực tế và cũ kỹ lỗi thời. Mục tiêu của phong trào Januhairy là khuyến khích tất cả các bạn gái tự tin vào chính mình, đẹp theo cách riêng của chính bản thân, không thèm theo một áp đặt nào của xã hội.
Nơi quê hương của Khổng Tử tưởng là sẽ yên ắng theo nếp cũ ngàn năm đông cứng nhưng cũng cựa mình dữ. Năm 2015, trên trang mạng Weibo, một thứ Facebook của Trung quốc, bà Xiao Meili phát động một cuộc thi “khoe lông nách” với mong muốn phụ nữ sẽ đạp tung những quan niệm xã hội lỗi thời để được tự do hơn với cơ thể của mình. Bà nói: “Tôi có nên cạo lông nách? Các cô gái thường lo âu về lông nách như thể nó là biểu hiện của dơ dáy, thiếu văn minh. Nhưng chúng ta cần được tự do để lựa chọn cho lông nách được mọc tự nhiên trên cơ thể”. Bà mang ngay ông Khổng Tử ra để biện minh khi nhắc lại lời dạy: không nên gây tổn thương tới cơ thể, lông tóc, da thịt do cha mẹ ban tặng. Chuyện “cách mạng” tại một đất nước bao ngàn năm sống trong những lời dạy của các bậc thánh hiền không phải là suông sẻ. Một người phản đối trên mạng: “Để lông nách hoặc không cạo râu đều là bất lịch sự cho dù là nam hay nữ”. Một phụ nữ phản bác: “Chẳng ai bắt tôi phải cạo lông nách cả. Tôi làm điều này chỉ vì tôi muốn làm như thế!”. Một nữ sinh viên dữ dội hơn. Cô post tấm hình cô đứng dựa vào chiếc giường trong một ký túc xá, khoe cánh tay: “Tôi là một sinh viên đại học. Tôi thích lông nách của tôi. Tôi ủng hộ lông nách tự nhiên, tự tin và bình đẳng”. Một nhà hoạt động cho nữ quyền rất năng nổ, cô Li Tingting, cũng đã post tấm hình bán khỏa thân với chùm lông nách và ghi chú: “Tôi nghĩ cuộc vận động này rất có ý nghĩa. Thị trường hiện nay tràn ngập các sản phẩm cạo lông dành cho phụ nữ. Chúng ta cần suy nghĩ xem tại sao phụ nữ lại có nghĩa vụ cạo lông nách? Phụ nữ chúng ta cần giải phóng tư tưởng và cơ thể. Đàn ông Trung Quốc có thể cởi trần đi lại trên đường suốt ngày, tại sao phụ nữ lại không thể? Đối với tôi, cơ thể là chiến trường!”.
Một anh đực rựa tên Shen Dian Tong Ji Lin chẳng…chiến trường chi. Anh là một blogger trên mạng Weibo được hơn 10 triệu lượt người theo dõi. Sau khi nhận được một tấm hình của một fan với lời than phiền về việc lông tay lông chân mình quá dài, anh nảy ra ý mở cuộc thi hình selfie độc đáo với hashtag# Girls BodyhairCompetition# với giải thưởng khá bèo. Giải nhất có 88 nhân dân tệ, nhì 66 tệ và ba 55 tệ. Tính ra tiền Mỹ giải nhất chỉ có 13 đô! Vậy mà cũng có tới 190 triệu lượt người vào theo dõi. Anh mở màn: “Giờ đang là mùa hè ở Trung quốc, các cô thường lựa chọn mặc áo cộc tay hoặc áo ba lỗ nhưng có người lại lo ngại về lông của mình. Vì vậy tôi đã đứng ra phát động phong trào này”. Tấm hình được mọi người khoái nhất, có tới 43 ngàn comment và 22 ngàn rưởi like là hình cánh tay của một cô gái phủ kín lông đen và dài, đôi chân cũng lún phún cỏ đen với một chú muỗi leo trèo trên mớ lông. Cô giải thích: “Đến vòi của muỗi còn không xuyên qua được lớp áo giáp này. Mình là con gái nhé. Có ai có nhiều lông hơn mình không?”. Một nàng khác hưởng ứng: “Mẹ em hay bảo em là con đàn ông. Thế mà vào xem hình của mấy chị (không biết có phải là chị không nữa), em thấy mình tự tin hơn nhiều”. Cô Yuan Jiayu, 20 tuổi, cho phổ biến một tấm hình lông ơi là lông: “Tôi nghĩ rằng đã là con gái, dù có nhiều lông hay không, da trắng hay da màu, hoặc cả cách ăn mặc nữa, đều phụ thuộc vào gu thẩm mỹ của mỗi người. Vì thế tôi chẳng mấy quan tâm đến việc cạo lông hay những điều người ta bàn tán về tôi”.
Thấy đàn bà con gái khoe khoang sự rậm rạp, một cậu trai tủi phận khi đăng một tấm hình tay trắng nõn, không một cọng lông với hàng chữ: “Mình cảm thấy lạc lõng và nữ tính quá đi mất!”.
Thiệt là một cuộc cách mạng thú vị. Nhiều ông bạn tôi chê ỏng chê eo cuộc cách mạng này. Các ông ấy bị sốc khi thấy khu rừng U Minh lồ lộ trên vùng chiến thuật. Trông không được mắt. Tôi nghĩ mắt các ông ấy quen với sự nhẵn nhụi từ bé tới chừ, nay bỗng thấy sự nhẵn nhụi biến mất, trông không được sáng sủa. Rừng lá thấp phải ở đúng nơi đúng chốn. Các ông này có cái nhìn cổ điển. Rừng nào chẳng là rừng. Rừng lá thấp hay rừng lá cao, khác chi mô mà bận tâm.
Sự nhẵn nhụi nơi cánh gà của các bậc nữ lưu là chuyện có từ xưa, xưa lắm rồi. Từ thời kỳ đồ đá lận. Thời kỳ đó, phương tiện để triệt lông chưa hiện đại và tiện lợi ngày nay. Họ dùng vỏ sò, sáp ong và một vài chất tẩy thô sơ khác. Người La Mã quan niệm da dẻ càng mịn thì càng có đẳng cấp cao. Ở Trung Đông và Đông Nam Á, người ta dùng sợi chỉ để tẩy lông trên mặt. Người Ba Tư cho rằng tẩy lông và tạo hình lông mày là dấu hiệu của tuổi trưởng thành và sẵn sàng đi vào hôn nhân của các thiếu nữ. Từ khi Nữ Hoàng Elizabeth I lên ngôi vào năm 1558, bà đã nâng việc tẩy lông mày lên thành mốt được nhiều người theo. Mãi tới thập niên 1800, phụ nữ ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương mới biến việc tẩy lông là một phần không thể thiếu trong quy trình làm đẹp của phụ nữ. Mãi tới đầu thế kỷ 20, các phụ nữ da trắng thuộc tầng lớp thượng lưu và trung lưu mới coi da trắng mịn màng là biểu hiện của nữ tính. Lông lá trên người bị coi là một thứ ghê tởm, chỉ có ở những người nhập cư là thành phần thấp hơn trong xã hội.
Thứ cỏ dại dưới cánh tay mà chúng ta nói tới chỉ bị chỉ mặt vào năm 1915, khi tạp chí của nữ giới Harper’s Bazaar phát động chiến dịch tẩy thứ cỏ không được ưa chuộng này. Cùng năm đó, hãng làm dao cạo Gillette tung ra thị tgrường chiếc dao cạo đầu tiên dành cho phụ nữ. Tạp chí Harper’s Bazaar là một tạp chí lâu đời rất có uy tín về thời trang và trang điểm của phụ nữ. Ra đời từ năm 1867, sống liên tục tới nay, tạp chí vừa tái xuất hiện sau thời gian đình bản vì Covid-19. Từ thập niên 1930, nhiều phụ nữ Mỹ bắt đầu chú ý tới việc dọn dẹp lông chân. Khi chiếc áo tắm hai mảnh bikini ra đời vào năm 1946, cỏ dại nơi khu trung tâm vũ trụ của chị em mới được dọn dẹp. Năm 1953, tạp chí dành cho các ông Playboy ra đời, hình các người mẫu xuất hiện trên báo trơn láng tạo ra một tiêu chuẩn mới về sự gợi cảm khiến chị em phụ nữ ồ ạt làm theo. Từ năm 1964, người ta tính có tới 98% phụ nữ Mỹ từ 15 đến 44 tuổi thường xuyên cạo lông chân và các loại sáp và phương pháp triệt lông bằng laser ra đời.
Gió đổi chiều vào thập niên 1960. Giáo sư Heather Widdows của Đại học Birmingham, Anh, tác giả cuốn “Perfect Me: Beauty as a Ethical Ideal”, cho biết: “Vào cuối thập niên 1960 và 1970, làn song nữ quyền thứ hai và sự lan rộng của văn hóa hippie đã từ chối những cơ thể không có lông. Đối với rất nhiều phụ nữ, lông trên cơ thể là biểu tượng của cuộc chiến bình đẳng giới tính”.
Giáo sư Breanne Fahs của Đại học Arizona, Mỹ, từ năm 2010, nhìn thấy hiện tượng cỏ dại lan tràn như một trào lưu mới của giới trẻ. Bà nói: “Thông qua phong trào #MeToo, người ta nhận thức sâu sắc hơn về những hạn chế trên cơ thể phụ nữ, về nữ quyền, giới tính, tình dục và sẵn sàng đầy lùi tất cả, hoặc ít nhất là thoát ra khỏi vùng an toàn”.
Trên tạp chí Harper’s Bazaar, nữ diễn viên Emily Ratajkowski đã khoe bộ lông nách không cạo. Kể cũng tức cười. Chính tạp chí này từ khi ra đời vào năm 1915 để hướng dẫn các bà làm đẹp theo thời trang với sự làm láng da thịt, sau khoảng trăm năm, đã quay ngược 180 độ!
Các hãng làm dao cạo dành cho phụ nữ dọn dẹp thân hình cũng phải đằng sau quay để khỏi bị việt vị. Công ty chế tạo dao cạo Billie dành cho phụ nữ, được thành lập vào năm 2017, thay vì quảng cáo bằng những thân hình người mẫu trơn láng, đã trưng ra những hình ảnh của các người đẹp lông lá đó đây. Nhà sáng lập công ty Billie này vớt vát: “Lâu nay quảng cáo chỉ củng cố những đều cấm kỵ xung quanh chủ đề này. Chúng tôi muốn truyền tải thông điệp rằng phụ nữ có lông trên cơ thể hãy khoe nó vì tẩy lông chỉ là một lựa chọn”. Nhiếp ảnh gia Ashley Armitage của Billie thêm thắt: “Lông trên cơ thể là một lựa chọn cá nhân. Cạo, tẩy hay nuôi lông đều là lựa chọn hợp lệ và tất cả tùy thuộc vào từng người”.
Vậy là phe ta toàn thắng. Các giai nhân không có tí lấp ló dưới cánh tay coi bộ hụt hẫng. Phải có với người ta mới đúng trào lưu tân tiến.
Đó là chuyện cỏ dại của mấy bà. Đối với các ông, cỏ dưới nách không phải là cỏ dại mà là cỏ khẳng định nam tính. Có ông nào, trong phim ảnh hay ngoài đời, khi giơ tay lên mà chẳng một nạm.“Vai u, thịt bắp, mồ hôi dầu / Lông nách một nạm, chè tàu một hơi” là câu tục ngữ bỉ thử người đàn ông cục mịch quê mùa. Nhưng các công tử lịch thiệp, các văn nhân nho nhã cũng vẫn... một nạm. Chẳng thấy ông nào nghĩ tới chuyện vạt đi mớ cỏ bề bộn mỗi khi giơ tay ba hoa chích chòe. Cỏ này là cỏ quý. Cỏ của chị em phụ nữ ngày nay cũng... quý. Làm chi có cái thứ gọi là cỏ dại!
07/2022
Website: www.songthao.com
Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2022
Song Thao: Bún Chả Hà Nội
Ông Obama đã đánh cắp cái tên”bún chả Hà Nội”. Từ ngày ông ngồi trên chiếc ghế nhựa xanh thấp lè tè, không có lưng, trong một quán ăn bình dân ở Hà Nội để trình diễn màn ăn bún chả Hà Nội cùng ông đầu bếp lừng danh Anthony Bourdain thì thiên hạ gọi món ăn có hàng trăm năm tuổi của đất kinh kỳ là “bún chả Obama”. Bún chả đã mất tên. Tôi thường hay hóa giải nỗi nhớ Sài Gòn bằng cách vào coi trong YouTube những video quay cảnh đường xá của thành phố cũng đã mất tên và đã thấy một tiệm ăn to đùng mang bảng hiệu cũng to đùng nằm kín phía trước tiệm cái tên: “Bún Chả Obama”. Nhìn vào tên, thực khách nào cũng hiểu đó là tiệm bán bún chả Hà Nội. Cái tên mới phổ thông tới nỗi tôi cũng đã nhiều lần dùng với bạn bè rủ đi ăn cái món tôi yêu thích. Tiệm Liên Hương ở phố Lê văn Hưu, Hà Nội, nơi có cái hân hạnh đón bước chân của người quyền lực nhất thế giới tới ăn vào tối ngày 23/5/2016, đã giữ lại trong một tủ kính cả bộ bàn ghế, bát đĩa, chai bia, đôi đũa của “ngài ngự” như cố ý nhắc nhớ tới cái ngày “lịch sử” đó. Nói với phóng viên đài BBC, bà chủ tiệm Nguyễn Thị Hằng Nga hãnh diện: “Khách hàng của chúng tôi rất thích, họ chụp nhiều ảnh cạnh cái bàn này. Đối với chúng tôi, đây là một kỷ niệm đẹp mà chúng tôi sẽ trân trọng mãi mãi. Đây không phải là một chiêu quảng cáo. Tôi không nghĩ chúng tôi sẽ có nhiều khách hàng hơn. Tủ kính này làm xong trước tết và tôi chưa
Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2022
Song Thao: Gỏi Đu Đủ
Gỏi đu đủ bò khô. |
Tôi đã chết mệt với món đu đủ bò khô từ những ngày non dại đó. Cho tới ngày nay tôi vẫn…non dại. Vẫn mê món đu đủ bò khô. Vào nhà hàng nào có bán là tôi ít khi bỏ qua. “Bệnh” này bắt nguồn từ những ngày Hà Nội nhưng nặng thêm từ khi di cư vào Sài Gòn, khi nếm mùi gỏi đu đủ của ông già áo đen trước cửa tiệm nước mía Viễn Đông nơi góc đường Lê Lợi và Pasteur. Thời sinh viên, đậu chiếc xe Goebel hai màu vàng và cam bên lề, anh chàng tuổi trẻ ngày đó nhào vào hàng ông già áo đen, bưng chiếc đĩa nhôm ra ngồi trên yên xe đắm đuối với cái vị mằn mặn, chua chua, cay cay, nồng nồng không thể có trong các món ăn khác. Đĩa gọi đĩa, thường phải ít nhất hai đĩa mới dứt áo ra đi được. Có những ngày nặng túi, hai đĩa còn chưa ra đâu vào đâu, hai đĩa tiếp nữa mới…đủ. Còn tiếc rẻ húp hết nước trong đĩa. Báo hại bữa cơm chiều đó sao thờ ơ uể oải khiến bà già đưa mắt dò hỏi.
Anh bạn trẻ tuổi Phạm Công Luận, quen trên giấy bút nhưng chưa bao giờ giáp mặt, nhắc nhớ tới ông già áo đen của thời đó. “Những anh chị tôi, lứa tuổi nay đã bước vào tuổi 60, 70 rất quen thuộc với hàng bò khô, nay gọi là gỏi khô bò của ông già áo đen bán trên đường Pasteur. Họ vẫn nhớ những buổi chiều chưa tắt nắng của Sài Gòn nửa thế kỷ trước, tan trường Sư Phạm, trường Luật là phóng xe ra ngay góc ngã tư Lê Lợi – Pasteur, ngồi trên xe gọi mấy đĩa khô bò đu đủ cùng một lúc. Từ xa đã thấy bóng ông chủ xe khô bò, luôn luôn bận áo đen nên chết tên. Phải canh làm sao để ăn được gỏi khô bò của “ông già chemise noire” hay “ông già áo đen” này dù khu đó có tới bốn người bán gỏi khô bò đu đủ bào. Không mấy ai biết tên gì, chỉ gọi biệt danh như vậy”.
Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022
Song Thao: Hát Cô Đầu
Cũng lại tên Khánh Giang! Những ngày của thập niên 1960-1970, Thư Ký Tòa Soạn bán nguyệt san Thời Nay luôn luôn là tên đầu têu chuyện ăn nhậu của chúng tôi. Hồi đó, gần khu hồ bơi Đại Đồng bên Bình Thạnh có một nhà hát cô đầu nhỏ. Sau một cuộc rượu, Khánh Giang bỗng nảy ra ý đi hát cô đầu. Thời chúng tôi chuyện hát cô đầu là chuyện xưa quá là xưa, chúng tôi không nghĩ là còn nhà hát. Khoảng chục tên làm báo đổ bộ vào nhà hát nhỏ. Khi họ đưa cho chiếc trống cầm chầu thì các “quan viên” ngó quanh. Có tên nào biết chi đâu. Khánh Giang nói tôi cầm chầu vì tôi là dân Bắc Kỳ. Rượu đã có trong máu, tôi gật đầu. Khi cô đầu hát, tôi chẳng biết trống triếc ra sao mà từ cô đầu tới các nhạc công mở to mắt nhìn. Tôi gõ lung tung, chẳng biết tại sao mình gõ.
Chầu hát cô đầu hôm đó, lần đầu và là lần cuối, tôi thất bại nặng. Coi như một kỷ niệm không đáng nhớ. Nhưng cho tới nay, khi định viết về hát cô đầu, tôi đọc một số tài liệu mới thấy mình điếc không sợ súng. Tác giả Bùi Trọng Hiền luận về cầm chầu như sau: “Trong quan hệ cung cầu, giá trị quan viên cầm chầu chính là một trong những yếu tố hấp dẫn, thu hút khán giả. Nó như một sự thách đố, kích thích tầng lớp thức giả cô đầu phố thị. Bởi đi nghe hát mà không biết cầm chầu thì sẽ bị coi là chưa biết thưởng thức ả đào. Nên ai cũng có tâm lý phải tập, phải đi nghe nhiều để học hỏi chúng bạn, những mong nâng tầm nhận thức nghệ thuật. Thưởng thức các thể cách, khách chơi - quan viên được coi là sành điệu tất phải am hiểu lề luật âm nhạc, thơ ca để có thể khen thưởng hay điểm chầu khớp với các khổ phách/ khổ đàn. Những quan viên sành điệu bao giờ cũng được giới đào kép nhất mực nể trọng. Ở Hà Nội thời đầu thế kỷ 20, lịch sử đã ghi nhận những cuộc thi lớn được tổ chức thường niên giữa các nhà hát cô đầu. Bên cạnh giải thưởng cho đào kép, cũng có cả giải thường dành riêng cho giới quan viên cầm chầu. Nó chứng tỏ một mối quan hệ cung cầu, một đời sống nghệ thuật phát triển sôi động của thể loại. Nhu cầu làm quan viên của khán giả đô thị thể hiện rõ qua việc Tân Dân Thư Quán xuất bản cuốn “Sách Dạy Đánh Chầu” ở Hà Nội vào năm 1927. Cuốn sách bán chạy tới mức nó đã được tái bản ngay 2 năm sau đó (1929)”.
Tái mặt với nhận xét của tác giả Bùi Trọng Hiền, tôi còn bị một cú ca dao giũa cho te tua. “Quan viên ba bảy quan viên / Chém cha cái loại lấy tiền vung văng / Cầm chầu roi trống vụt xằng / Say tình nhập nhằng rờ mó hơn ma!”.
Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2022
Song Thao: Già Khú Đế
Bạn bè tôi, bỏ rẻ cũng đã tám chục niên kỷ. Người đời bảo già rồi. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chơi ác hơn. Trong bài viết “Già Khú…Đế”, ông luận như ri: “Già khú là giai đoạn một, thêm một bước nữa thì gọi là “già khú đế”. Khú, từ điển tiếng Việt bảo là “để thâm lại và có mùi hôi”, thí dụ dưa khú, tức là một thứ dưa để lâu quá, sắp hư. “Khú đế” là “vua” của khú, hơn hẳn các khú”.
Bác sĩ - nhà văn, nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc
Tám chịch hay hơn nữa có phải là già khú đế không, hình như không ai trong chúng tôi nghĩ như vậy tuy mỗi lần tụ họp với nhau là một kịch bản khác. Gần như toàn thể chúng tôi đều là những vận động viên môn thể dục dụng cụ. Ông thì chơi gậy thường, ông gậy bốn chấu, ông chơi môn đẩy cái walker, có ông chơi nguyên chiếc xe lăn. Kềnh càng như vậy nhưng vẫn vui vì còn được nhìn thấy nhau. Già đâu mà già! Tuổi chỉ là những con số!
Theo phép lịch sự đương đại, người ta không nên hỏi tuổi một phụ nữ. Tôi muốn thêm vào một chút: người ta cũng không nên hỏi tuổi một người cao tuổi. Phiền phức cho các bậc quân tử lắm. Ngày xưa ngài Nguyễn Công Trứ khi bị gái nhí hỏi tuổi đã lách: ngũ thập niên tiền nhị thập tam. Năm chục năm trước tớ hăm ba!
Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2022
Song Thao: Nước Mắm
Nước mắm Red Boat. |
Mỗi khi đi chợ Á đông, tôi thường la cà vào quầy nước mắm. Thấy có nhãn nước mắm mới là đứng…nghiên cứu. Dân nước mắm mà lỵ! Dân Mít ta vẫn cừ đùa giỡn với nhau là dân nước mắm nhưng thực ra dùng nước mắm không phải là chỉ dấu của người Việt. Trên thế giới có tới 500 triệu người sử dụng nước mắm trong nấu nướng. Toàn vùng Đông Nam Á là dân nước mắm. Thái Lan có nam-pla, Malaysia có budu, Indonesia có ketjap-ikem, Hàn Quốc có aek jeot, Kampuchia có toeuk trey, Philippine có patis. Tôi đã có thời gian gần một năm phải dùng patis của Philippine khi ngụ tại Quezon City vào năm 1973. Dở ẹc. Cũng phải thôi vì patis chỉ là phụ phẩm của mắm nêm bagoong. Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Thời gian đó có patis cũng đỡ khổ cho cái miệng đã quen với nước mắm. Mới đây, khi vào một chợ Á đông ở Montreal, tôi chợt nhìn thấy patis. Nhớ lại một thời, cũng bồi hồi ra gì!
Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc cũng dùng nước mắm nhưng ít hơn. Hai nước đậm mùi nước mắm là Việt Nam và Thái Lan. Nhưng có một chút khác biệt. Không biết các nước khác ra sao nhưng dân Thái chỉ dùng nước mắm để nấu nướng chứ không dùng để chấm trên bàn ăn. Nếu dân các nước khác cũng chỉ để chai nước mắm trong bếp như Thái Lan thì chỉ có dân Việt ta thượng nước mắm trên bàn ăn. Vậy thì dân Mít tự cho là dân nước mắm là đúng chỉ số!
Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2022
Song Thao: Cu Tin
Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2022
Song Thao: Đọc “Thành Tôn, Một Đời Thắp Tình”
Nhà thơ Phan Xuân Sinh kể lại một chuyện xưa, khi Thành Tôn làm Bí Thư cho Đại Tá Hoàng Đình Thọ, Tiểu Khu Trưởng Quảng Tín. Khi nhà thơ Hạ Đình Thao ra trường Thủ Đức và được đổi về Quảng Tín, Phan Xuân Sinh nhắc: “Mầy thân với anh Thành Tôn, nhờ ảnh nói với ông Thọ một tiếng để ấm thân chút đỉnh. Nó trả lời với tôi là không được đâu, anh Thành Tôn rất ngại những chuyện này, đứng làm khó ảnh tội nghiệp. Chính lúc đó tôi mới biết cái tính ngay thẳng của anh Thành Tôn. Ngồi một cái nơi dễ dàng tham nhũng, sống giữa một đám tham nhũng có hệ thống mà anh không một chút hệ lụy với nó. Như vậy đủ biết con người của anh như thế nào, còn hơn một vị Bồ Tát!”
Nhiều người nói anh hiền thì chắc anh phải hiền thật. Mỗi lần qua chơi Cali, tôi thường “bắt nạt” ông người Quảng hiền hậu này. Ở chơi một tuần thì bắt nạt anh Thành Tôn một tuần, hai tuần thì bắt nạt anh hai tuần. Anh bị tôi bắt nạt mà chẳng bao giờ tắt nụ cười. Chuyện bắt nạt này là việc nhờ anh chở đi nơi này nơi khác. Thực ra chẳng có một ông Uber nào có thể đưa tới nơi, trả về tới chốn như Thành Tôn. Anh rành đường đi nước bước tới nhà các bạn văn như có cả một cái google map trong đầu. Tư gia của Võ Phiến, Nguyễn Đình Toàn, Du Tử Lê, Nguyễn Mộng Giác, Phạm Phú Minh, Khánh Trường và nhiều khuôn mặt văn hóa khác anh đều thường lui tới. Đúng ra tôi không bắt nạt nhưng Thành Tôn tự nguyện. Nhà thơ Phan Xuân Sinh cũng đã từng hưởng sự tự nguyện của Thành Tôn như tôi: “”Khi đến Cali tôi là người làm phiền anh nhiều nhất. Anh biết tôi không có xe nên đi đâu anh cũng đến chở đi thăm người này người kia, và cũng nhờ anh một phần tôi mới có dịp đến thăm các bậc văn nghệ đàn anh”.
Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2022
Song Thao: Cứ Tưởng Bở
Cảnh "bắt vợ" ở Hà Giang ngày 7 tết Nhâm Dần.
Trước đó một ngày, tại Sa Pa, Lào Cai, cũng xảy ra một vụ tương tự. Một cô gái bị một nhóm thanh niên nắm chặt tay chân bắt về làm vợ. Cô gái chống cự kịch liệt, nắm chặt tay cô bạn đi cùng nhưng vẫn bị khiêng đi dưới trời lạnh giá. Cô đã phản ứng kịch kiệt. Khi thì ngồi xuống khóc, khi thì nằm xuống đường trì kéo nhưng đám thanh niên vẫn không dừng lại.
Quả là người H’Mong có tục bắt vợ nhưng không phải bắt khơi khơi ngoài đường xá như vậy. Theo Tiến Sĩ Nguyễn Hùng Vĩ, Giảng viên Đại Học Xã Hội và Nhân Văn Hà Nội, thì tục bắt vợ là một hình thái đặc biệt của hôn nhân ngày xưa của người Việt chứ không riêng gì của người H’Mong. Tập tục này đã chết trong cộng đồng người Kinh từ lâu nhưng vẫn được duy trì trong cộng đồng người H’Mong. Nhưng thấy một cô gái vừa mắt đi ngoài đường, hè nhau bắt về làm vợ, không phải là tục “bắt vợ”. Bắt vợ trong phong tục của người H’Mong chỉ là một màn kịch. Trai H’Mong chỉ bắt tình nhân của mình. Hai người đã yêu nhau nhưng vì một lý do nào đó gặp trắc trở trong chuyện cưới xin, thường là vì không đủ tiền cưới, đồng lòng diễn màn kịch bắt vợ để đi tắt. Người con gái trong trường hợp này cũng sẽ chống cự nhưng cuối cùng sẽ bằng lòng theo chàng trai về nhà.
Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2022
Song Thao: Đọc “Bốn Biển Là Nhà” Của Nguyễn Lê Hồng Hưng.
Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2022
*Song Thao: Tìm Lại Tam Cúc
Dễ thường gần bảy chục năm tôi không nhìn lại được cây bài tam cúc. Những ngày Hà Nội, mỗi dịp tết đến, lũ trẻ chúng tôi cùng những người lớn trong gia đình gầy bàn tam cúc đón xuân. Lớn chơi theo khả năng của lớn, bé chơi theo những đồng tiền mỏng lét của bé. Tết ngày đó nằm trong những cây bài giản dị. Bộ bài tam cúc chỉ có 32 quân gồm tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã, tốt. Mỗi loại có đen và đỏ. Đỏ trên chân đen. Tướng có tướng đen và tướng đỏ, dân chơi tam cúc gọi là tướng ông và tướng bà. Ông phải trên bà. Chuyện chi cũng vậy. Sĩ cũng có Sĩ đen và sĩ đỏ. Thường gọi lá sĩ đen và sĩ điều. Tượng hay tịnh có hai lá vẽ hình con voi và gọi là tượng thâm và tượng hồng. Xe, pháo, mã, tốt. Trong bộ bài chỉ có tướng có một lá đen và một lá đỏ, tốt có năm tốt đen và năm tốt đỏ, các loại khác đều có bộ đôi đen và đỏ.
Tam cúc là một loại bài dễ đánh, nam phụ lão ấu đều có thể ngồi vào chiếu bài được hết. Đây là một thú tiêu khiển trong ngày tết kéo mọi người trong gia đình ngồi cạnh nhau. Hiếm khi thấy đánh tam cúc ở ngoài đường. Đầu đường xó chợ chỉ có bài tây ba lá, xúc xắc dưới ba cái bát cốt mà mắt người khác để lấy tiền. Trong Nam, có thêm môn bầu cua cá cọp là trò chơi ngoài đường phổ biến nhất, chỉ dựa vào hên xui may rủi.
BA thế hệ chơi tam cúc. |
Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021
*Song Thao: Ngày Của Phở
Doodle “Ngày của Phở” của Google. |
Tính ra tôi đã viết về phở nhiều lần. Chắc chẳng còn chi để viết thêm. Vậy mà lại…phở. Ngày 12/12/2021, vào internet, tìm vào Google bỗng thấy hoa mắt. Chuyện thật sao ta! Cái doodle thường ngày bỗng thay đổi. Hình vẽ cách điệu tô phở nằm giữa chanh ớt, hành ngò, quế hồi đinh. Bộ tây cũng là đệ tử của phở như mình sao? Tây đầm ăn phở là chuyện thông thường. Cứ vào tiệm phở là thấy liền. Nhưng tôn vinh phở bằng cái doodle rất phở của Google quả là chuyện lạ. Đọc hàng chữ phía dưới thấy lý do tại sao Google bỗng tôn vinh phở. “Việt Nam tuyên bố ngày 12/12 là ngày truyền thống của món ăn dân tộc. Đây là một món súp thơm tho với nước dùng đầy mùi vị, hành ngò tươi, thịt thái mỏng, thường là bò hay gà. Cái làm cho món phở nổi bật là một quá trình nấu phở công phu để đạt được nhiều hương vị trong nước phở rất trong. Các thành phần như gừng nướng, hạt thì là, hồi, quế được cho vào nước dùng để tạo thành hương vị cho từng tô phở”.
Doodle này xuất hiện, ngoài phiên bản Việt Nam, còn nơi các phiên bản của 16 nước khác gồm: Áo, Bulgaria, Canada, Tiệp Khắc, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hung, Iceland, Do Thái, Lithuania, Ba Lan, Thái Lan, Anh và Mỹ. Nhìn kỹ danh sách thấy chỉ có một nước Á châu là Thái Lan, kể cũng lạ. Nhất là không có Nhật Bản.