Hiển thị các bài đăng có nhãn Quỳnh Chi. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Quỳnh Chi. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Năm, 25 tháng 2, 2021
Quỳnh Chi: Sức hút của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư Thái Lan
TheLEADER : Nhanh chóng nhận diện và nắm bắt được những cơ hội tốt ở một thị trường tiềm năng như Việt Nam, Tập đoàn WHA đang đẩy nhanh quá trình mở rộng đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác nhau, bên cạnh mảng “xương sống” là logistics và giải pháp tiện ích công nghiệp.
Ông David Nardone, Giám đốc điều hành WHA Industrial Development Plc đã có cuộc trao đổi với TheLEADER về hành trình chuyển mình của WHA Việt Nam cũng như những kế hoạch mở rộng trong thời gian tới của doanh nghiệp này.
Là lãnh đạo một doanh nghiệp FDI, ông thấy Việt Nam đã có những thay đổi như thế nào trong suốt bốn năm qua, kể từ khi WHA chính thức được cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án ở Nghệ An?
Ông David Nardone: Kể từ năm 2017, nền kinh tế của Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ nhờ những yếu tố nền tảng vững chắc. Đặc biệt, với các nhà đầu tư quốc tế tiềm năng thì Việt Nam có một sức hút lớn với sự kết hợp của nhiều thế mạnh nổi bật.
Thứ nhất, nhìn chung, Việt Nam có vị trí chiến lược hết sức thuận lợi. Việt Nam là cửa ngõ đến các thị trường lớn nhờ cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại. Việt Nam nằm ở vị trí huyết mạch của nền kinh tế khu vực nơi có các nền kinh tế phát triển mạnh và năng động, là động lực tăng trưởng của khu vực và thế giới, là cầu nối giữa hai vùng kinh tế biển và kinh tế lục địa của các nước Đông Nam Á và châu Á.
Thứ hai, nguồn nhân lực thực sự là một tài sản lớn của Việt Nam. Lực lượng lao động đông đúc, trẻ trung, năng động và có kỹ năng đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển của đất nước.
Thứ ba, sau hơn 35 năm đổi mới, mở cửa hòa nhập với nền kinh tế thế giới, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có độ mở lớn nhất về kinh tế. 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới đã được ký kết mà gần đây nhất và có tác động lớn nhất có lẽ là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ 2019 và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ 2020. Hiện tại, Việt Nam cũng đã ký kết xong hai FTA mới là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA).
Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012
Quỳnh Chi - Quốc tế chỉ trích Việt Nam kết án tù các bloggers
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
Ngay sau khi phiên xử dành cho ba blogger Câu lạc Nhà báo Tự do kết thúc, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và các tổ chức quốc tế đồng loạt lên án về bản án mà họ cho là quá nặng nề.
Lực lượng an ninh trước Tòa án Nhân dân TPHCM sáng 24/9/2012, nơi đang diễn ra phiên xử 3 blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần và AnhbaSaigon - AFP photo
Những bản án nặng nề
Phiên tòa diễn ra chóng vánh nhưng dư luận dành cho các bản án lại không tan đi nhanh chóng. Bản án phiên sơ thẩm mà Tòa án Nhân dân Tp.HCM đưa ra cho ba blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải, 60 tuổi); Tạ Phong Tần (34 tuổi), AnhbaSG (LS Phan Thanh Hải, 43 tuổi) lần lượt là 12 năm tù giam, 10 năm tù giam và 4 năm tù giam. Đây được đánh giá là một trong những bản án nặng cho các nhân vật đấu tranh dân chủ và cho giới blogger. Trao đổi với đài RFA sau khi phiên tòa kết thúc, ông Phil Robertson, phó GĐ khu vực Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW – New York) gọi đây là bản án “kinh khủng”:
"Rõ ràng đây là điều kinh khủng, nó đi ngược lại trách nhiệm của chính phủ về quyền con người trong đó có quyền tự do ngôn luận. Nó chỉ rõ là Việt Nam không thực hiện những cam kết về quyền con người theo tiêu chuẩn quốc tế”.
Tại phiên tòa hôm 24 tháng 9, blogger Điếu Cày và Tạ Phong Tần không nhận những việc làm của mình là vi phạm pháp luật. Ông Phil Robertson đồng ý với tuyên bố này; nhấn mạnh rằng các blogger trên bị đối xử quá khắt khe và lẽ ra chính phủ không nên bắt những người này vì họ không có tội:
“Nếu mà những blogger này làm những điều tương tự như vậy ở Hoa Kỳ thì sẽ không có chuyện gì xảy ra. Sẽ có người đọc blog của họ hoặc không đọc blog của họ hoặc là phê bình… sẽ chẳng có gì lớn lao cả. Chính phủ Việt Nam cho rằng những gì họ viết trên blog là đe dọa an ninh quốc gia thì cách suy nghĩ đó rất hoang tưởng”.
Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội có thông cáo báo chí lên án phiên tòa ngay sau khi bản án được tuyên. Còn các tổ chức bênh vực nhân quyền và báo chí như tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF - Paris), Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ - New York), Ân xá Quốc tế (AI - New York) cũng nhanh chóng đồng loạt chỉ trích bản án cho thấy phiên tòa thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế.
Thông cáo của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội nhấn mạnh rằng những gì mà Điếu Cày làm chỉ đơn giản là thể hiện quan điểm công dân một cách ôn hòa. Theo đó, thông cáo này không quên kêu gọi Việt Nam thực hiện những nguyên tắc trong Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và chính trị cũng như Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền mà Việt Nam đã thông qua.
Thông cáo báo chí của tổ chức Phóng viên Không Biên giới, và Ân xá Quốc tế đánh đi từ New York đều gọi phiên tòa hôm thứ Hai là “đáng xấu hổ”, nhấn mạnh rằng bản án của ba thành viên CLB Nhà báo Tự do là “kinh khủng” và “phi công lý”. Ông Shawn Crispin, đại diện cao cấp Châu Á của Ủy ban Bảo vệ Ký giả - CPJ cho rằng bản án này một lần nữa gởi thông điệp mạnh mẽ đến các blogger tự do:
“Bản án hôm nay dĩ nhiên là nhằm gởi ra một thông điệp mạnh mẽ cho các blogger khác. Nhưng mà chính phủ từ lâu cũng đã gởi ra thông điệp này. Theo ghi nhận của chúng tôi có 14 nhà báo Việt Nam bị cầm tù trong đó có 13 người là dân viết blog”.
Phiên tòa xử blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần và AnhbaSG diễn ra sau nhiều lần bị trì hoãn. Cả ba blogger trên bị xử theo điều 88 BLHS Việt Nam – “truyên truyền chống Nhà nước”. Bản cáo trạng cho biết từ tháng 9 năm 2007, trang web CLB Nhà báo Tự do đã đăng tổng cộng 412 bài viết. Bản cáo trạng cũng nêu rằng tất cả những bài viết của bà Tạ Phong Tần (khoảng 90 bài) và LS Phan Thanh Hải (khoảng 20 bài) “đều có nội dung chống Nhà nước”.
Quốc tế lên án
Blogger Điếu Cày tại phiên tòa sơ thẩm sáng 24/9/2012. Photo by Nguyễn Lân Thắng
Tại phiên tòa, cả blogger Điếu Cày và Tạ Phong Tần đều bác bỏ cáo buộc vi phạm pháp luật Việt Nam, nhấn mạnh rằng họ chỉ thực hiện quyền con người. Bản án trên 10 năm tù giam dành cho những cây bút tự do mặc dù không phải là hình phạt nặng nhất trong khung hình phạt có thể lên đến 20 năm tù giam của điều 88 BLHSVN nhưng nó đủ gây bất mãn cho các cơ quan bênh vực cho nhân quyền và các chính phủ dân chủ. Ông Shawn Crispin nhấn mạnh:
“Họ ra một bản án nặng nề cho thấy sự đàn áp trên diện rộng về vấn đề tự do internet. Chúng tôi mạnh mẽ lên án bản án và quan ngại về đàn áp tự do báo chí đang diễn ra tại Việt Nam.
Trường hợp ba blogger này thu hút sự quan tâm của thế giới quá nhiều. Tổng thống Hoa Kỳ từng lên tiếng về Điếu Cày. Việc này cho thấy chế độ đang cầm quyền rất sợ hãi và cho thấy hành động đàn áp này đi ngược lại chính sách của nhiều quốc gia”.
CLB Nhà báo Tự do là một trong những trang web tiên phong tại Việt Nam trong việc đăng tải những bài viết không chịu sự quản lý của Nhà nước và ĐCSVN. Trong suốt 4 năm qua, cộng đồng quốc tế nhiều lần lên tiếng quan ngại về trường hợp blogger Điếu Cày nói riêng và tình trạng tự do báo chí nói chung tại Việt Nam. Các tổ chức quốc tế cũng đã nhiều lần yêu cầu trả tự do các blogger của CLB Nhà báo Tự do.
Tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” và “âm mưu lật đổ chế độ” (theo điều 88 và 79) là hai tội danh bị quốc tế lên án nhiều nhất trong BLHS Việt Nam với lý do đây là những điều “mù mờ” và được dùng để đàn áp các tiếng nói đối lập.
Blogger Điếu Cày hiện nay 60 tuổi, được biết đến với vai trò sáng lập viên CLB Nhà báo Tự do. Trước đó, ông đã bị bắt với cáo buộc “trốn thuế” – một bản án cũng từng bị chỉ trích rất mạnh mẽ. Sau khi mãn hạn tù, cả ba blogger sẽ chịu từ 3-5 năm quản chế. Hồi tháng 5 năm nay, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama từng nhắc tên Điếu Cày trong ngày Tự do Báo chí Thế giới như một trường hợp mà quốc tế không nên bỏ quên.
Sau khi phiên tòa kết thúc, nhiều tổ chức quốc tế, bao gồm cả Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đều kêu gọi trả tự do cho các blogger trên, chú ý rằng Việt Nam nên thực hiện những cam kết của mình với quốc tế. Ủy ban Bảo vệ Ký Giả khẳng định bản án là một bằng chứng nữa nói lên “nhược điểm” của chính phủ. Ông Shawn Crispin khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ và kêu gọi quốc tế hành động đối với tình trạng thiếu tự do báo chí tại Việt Nam.
Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012
Quỳnh Chi - Blogger và nhà báo tự do lên tiếng về Hoàng Khương
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
Mười ngày sau khi bản án 4 năm tù giam được tuyên cho nhà báo Hoàng Khương với cáo buộc tội đưa hối lộ; các blogger và nhà báo tự do Việt Nam lên tiếng về bản án này.
Bạn bè, đồng nghiệp của Hoàng Khương - Photo courtesy of tuoitre
Bản án gây phẫn nộ
Phiên tòa của nhà báo Tuổi Trẻ Hoàng Khương hôm 7 tháng 9 kết thúc với những giọt nước mắt của gia đình bị can cùng với sự bức xúc, hụt hẫng của những người cầm bút. Những cảm xúc này cho đến bây giờ vẫn còn chưa lắng xuống và có nguy cơ trỗi lên khi một số nhà báo tự do, giới blogger, những người sử dụng Facebook… đồng loạt ký tên lên tiếng về bản án 4 năm này. Blogger Mẹ Nấm, một trong những người soạn thảo bản lên tiếng cho biết lý do vì sao những người cầm bút tại Việt Nam lại cho ra đời bản lên tiếng này:
Với một nhà báo phải gánh bản án bất công như thế mà gây ra phản ứng cho toàn xã hội mà giới blogger không lên tiếng thì hơi tiếc. Cho nên một số những người cầm bút nghĩ họ nên có bản lên tiếng để mọi người biết là vẫn còn nhiều người khác sẽ lên tiếng vì lẽ phải.
Bản lên tiếng gọi hành động tác nghiệp của nhà báo Hoàng Khương là “can đảm, xứng đáng với đạo đức, danh dự và lương tâm của một nhà báo chân chính”. Bản lên tiếng khẳng định ông Hoàng Khương là nhà báo “đặt lợi ích chung của xã hội lên trên hết” và là một công dân có trách nhiệm góp phần phát triển đất nước.
Hoàng Khương bị bắt vào năm đầu năm nay với cáo buộc đưa hối lộ vì đã cầm tiền của người khác đưa hối lộ cho một cảnh sát giao thông trong lúc đang tham gia thực tế để viết bài. Nhiều người cho rằng đây chỉ là một tai nạn nghề nghiệp và so với công trạng viết nhiều bài báo về tham nhũng, thì Hoàng Khương không đáng bị bản án trên. Tuy nhiên, tòa án đã cho đây là hành vi đưa hối lộ và Hoàng Khương phải nhận hậu quả của nó.
Nguyễn Lân Thắng, một người thường sử dụng mạng xã hội Facebook để nói lên những vấn nạn đất nước cũng ký tên vào bản lên tiếng và cho biết:
Mặc dù không phải là nhà báo nhưng các hoạt động của tôi cũng giống như nhà báo. Tôi thấy đây là một sự bất công. Hoàng Khương là một người đấu tranh cho sự thật, nói lên những “vấn đề” của ngành công an. Anh không đáng bị một bản án nặng như vậy.
Chúng tôi chỉ quan tâm đến khía cạnh là những người dám phản ánh sự thật xã hội để đưa đến công chúng những thông tin chuẩn xác. Chúng tôi không quan tâm đến vấn đề “nhà báo hay không nhà báo.
Dường như bản án 4 năm với cáo buộc vi phạm điều 289 BLHSVN về đưa hối lộ không làm thỏa mãn người dân, đặc biệt là báo giới và những người hiểu biết pháp luật. LS Trần Quốc Thuận (nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc Hội), và LS Nguyễn Thanh Lương (phó Chủ nhiệm LS đoàn tỉnh Bến Tre) từng chia sẻ tương tự với đài RFA sau khi phiên tòa kết thúc. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (trụ sở tại Pháp) cũng nhận định trong thông cáo của mình rằng đây là “Bản án này vừa bất công vừa gây phẫn nộ”.
Ở một khía cạnh nào đó, nhiều người cầm bút đều cảm thấy hụt hẫng thậm chí bất mãn. Sau khi phiên tòa kết thúc, nhà báo Hương Trà viết trên Facebook của mình bài “Làm báo để làm gì” trong đó trích lời các nhà báo khác trong nước thể hiện những thắc mắc về sứ mệnh của những người làm báo. Nhà báo Hương Trà trích đoạn chia sẻ của nhà báo Đỗ Hoàng Dương (Doanh nhân) cho rằng bản án “thách thức lòng kiên nhẫn của nhân dân Việt Nam”.
Khi “lề trái” bênh vực “lề phải”
Hoàng Khương tại phiên sơ thẩm hôm 06/9/2012. Photo courtesy of news.go.vn
Còn bản lên tiếng nhấn mạnh rằng bản án 4 năm tù giam cho nhà báo Hoàng Khương là bất công không chỉ với Hoàng Khương mà còn với những nhà báo chống tham nhũng khác; lưu ý rằng bản án này đi ngược lại tinh thần bài trừ sai trái, lạm quyền, tham nhũng. Blogger Huỳnh Thục Vy thừa nhận mình ký tên vào bản lên tiếng phản đối bản án của nhà báo Hoàng Khương, không quên lưu ý rằng hoạt động báo chí là trọng yếu trong xã hội và cần phải được ủng hộ:
Đây là một bản lên tiếng cụ thể bảo vệ nhà báo Hoàng Khương nhưng nó mang một nội hàm lớn hơn. Nó ủng hộ và vinh danh tất cả những nhà báo nói lên những bất công trong xã hội đặc biệt là tình trạng tham nhũng trở thành quốc nạn như hiện nay.
Từ khi ông Lê Doãn Hợp (người từng đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông của Việt Nam) đưa ra khái niệm về báo “lề phải” và “lề trái” thì nó giống như một cách phân loại báo chí đi theo sự chỉ đạo của ĐCSVN và ngược lại. Sự phân chia này ở một mức độ nào đó cũng vô hình chung tạo sự phân chia giữa những nhà báo. Điểm đặc biệt của bản lên tiếng là nó lên tiếng cho một phóng viên báo chính thống; nhưng được viết và ký tên bởi những người làm báo không dưới sự chỉ đạo của ĐCSVN hay còn gọi là “lề trái’ theo cách gọi của ông Lê Doãn Hợp.
Theo blogger Mẹ Nấm, khái niệm về báo “lề trái” hay “lề phải” không phản ánh đúng bản chất của hai dòng thông tin hiện nay mà nó nên được gọi là “lề Đảng” và “lề dân”. Blogger này cũng khẳng định một khi phải lên tiếng cho sự đúng đắn thì không quan trọng mình đang ủng hộ ai:
Về một chuyện đúng đắn trong xã hội mà quá đầy bất công thì không có sự phân biệt nào là lề. Nếu đây là điều đúng thì phải nói.
Mình thực sự hy vọng là qua việc lên tiếng chung như thế này thì những nhà báo của báo chí nhà nước sẽ thấy rằng những người dùng blog, dùng Facebook để nói lên tiếng nói của mình đều quan tâm và sẵn sàng đồng hành với những việc làm đúng đắn vì sự tốt đẹp của xã hội.
Bản lên tiếng về Hoàng Khương hay những thư ngỏ, kiến nghị tương tự về các sự việc khác là những động thái được thấy đang ngày càng xuất hiện nhiều tại Việt Nam nhằm nên lên phản ứng về các sự kiện xã hội. Đã có nhiều tiếng nói của những người cùng “lề” bênh vực cho nhau; nhưng sự việc của nhà báo Hoàng Khương đã thu hút những tiếng nói đến từ tất cả các “lề”. Và đó là điều khiến người ta phải suy nghĩ.
Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012
Quỳnh Chi - “Mẹ không cần hoa hồng”
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
Trong khi nhiều đấng sinh thành, đặc biệt là những bà mẹ tại Việt Nam đang hạnh phúc vì thấy con mình cài một hoa hồng đỏ trên ngực trong mùa Vu Lan báo hiếu, thì có những người mẹ từ chối một đóa hoa hồng.
Cài hoa hồng trắng cho những người không còn mẹ và hoa hồng
đỏ cho những người còn mẹ trong Ngày lễ Vu Lan. - AFP photo
Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí
Tiếng chuông chùa ngày rằm tháng Bảy vang lên như báo hiệu “mùa hiếu hạnh”. Trong dòng người chen nhau tấp nập, một cụ già 65 tuổi móm mém chen chân tại một ngôi chùa nhỏ ở Cần Thơ, nơi bà đang tạm trú. Đó là bà Nguyễn Thị Bé.
Vào những ngày này, Phật tử và dân chúng cài hoa hồng đỏ hoặc trắng trên ngực, nô nức kéo nhau cầu phước cho cha mẹ. Ánh mắt khắc khổ đượm chút u sầu của bà Bé như nói cho người ta biết rằng có lẽ bà cũng ước ao được có người cài một cành hoa hồng đỏ thắm; tuy nhiên, sự khao đó đã bị dập tắt vì một nỗi lo khác:
Bông hồng thì cũng quan trọng nhưng mà hồi con chưa phát bệnh thì còn nghĩ đến chuyện đó chứ bây giờ tôi không dám nghĩ đến nữa. Hoàn cảnh gia đình em hẹp lắm. Khó khăn lắm.
Ai cũng bị sức hấp dẫn của một đóa hồng mê hoặc, nhưng không phải ai cũng có điều kiện thưởng thức nó. Bà Bé hòa cùng dòng người nhộn nhịp không phải để dâng lời cầu nguyện, cũng chẳng mong được nhận một đóa hồng đỏ mà để tìm cho mình những món quà từ thiện trong các ngày Rằm lớn.
Bà Bé có tất cả 6 người con, tất cả đều đã trưởng thành, trong đó 3 người con lớn đã lập gia đình. Tuy nhiên, sự bần cùng đã không trang bị cho họ một kiến thức cơ bản để có thể trở thành công nhân và họ đành chấp nhận kiếp làm thuê, cuốc mẫm. Còn ba người con khác cũng không thể đỡ đần cho đôi vợ chồng ở tuổi xế chiều. Bà Bé không hiểu hết câu chuyện của Mục Kiều Liên và mẹ để biết về sự tích lễ Vu Lan, nhưng bà chỉ biết rằng đối với người mẹ quê như bà thì một năm 365 ngày đều là những ngày như nhau. Đó là những ngày bà phải lo lắng cho những đứa con nghèo khổ:
Lúc nào tôi cũng thấy mình khổ cực, chứ không được sung sướng, rảnh rang như người khác. Tai họa ở đâu cứ dồn dập hoài.
Từ năm 2008, người con thứ 6 của vợ chồng bà Bé được bác sĩ cho biết bị chứng suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận 3 lần mỗi tuần để kéo dài sự sống. Từ đó, tất cả những gì hai vợ chồng già tích góp được lần lần đội nón ra đi, từ cái TV cho đến chiếc xe cũ.
Đầu năm ngoái, một người con khác của bà bị tai nạn giao thông nên chấn thương sọ não, tỉ lệ thương tật đến 82%. Cả hai người con bệnh cho đến giờ vẫn chưa phục hồi sức lao động. Từ đó bà Bé và chồng như quỵ ngã. Quê ở tỉnh Sóc Trăng nhưng mấy năm gần đây, bà Bé phải khăn gói lên Cần Thơ ở nhà trọ cùng con để trị bệnh cho họ. Cả gia đình chỉ trông chờ vào một mảnh vườn trái cây nhỏ cùng số tiền lương ít ỏi của người con út thì việc điều trị cho hai người con cùng lúc là quá khó khăn.
Buồn rầu lo sợ lắm, lo là nếu không lo tiền được thì sự sống như thế nào. Từ lúc hai đứa bị bệnh thì cũng một tay tôi nuôi chứ ai. Không có thì cũng phải đi hỏi người ta, chứ không lẽ lại buông xuôi”.
Lúc nào tôi cũng thấy mình khổ cực, chứ không được sung sướng, rảnh rang như người khác. Tai họa ở đâu cứ dồn dập hoài. - Bà Nguyễn Thị Bé
Bà bé ốm nhăn nheo, người gầy gộc, cứ tưởng sau lớp da đồi mồi khét nắng kia không có gì ngoài bộ xương khô. Đó có lẽ là hậu quả của những ngày gánh gồng đàn con bệnh tật. Vợ chồng bà có một mảnh vườn nhỏ, trồng được vài chục gốc nhãn. Nhưng với sức vóc của người chồng trên 70 tuổi của bà Bé chỉ có thể giúp ông thu được hơn một triệu mỗi năm từ mảnh vườn.
Khi có tiền là nhờ bán được chút gì trồng ngoài vườn hoặc là thằng út có chuyện làm. Còn khi không có những điều đó là không có tiền.
Như đã bị dồn vào đường cùng, từ mấy năm nay, bà Bé nuôi con bằng cách vay mượn và nhờ người khác giúp đỡ. Một buổi sáng tháng 4 vừa qua, khi không còn cách nào khác để có tiền chạy thận cho con ngày hôm đó, từ sáng sớm bà Bé ngồi chờ tại văn phòng Hội Chữ thập đỏ Cần Thơ để kêu cứu.
Hình ảnh bà già đen đủi, với chiếc nón lá cũ tất tả chạy đi xin từng kg gạo khiến bà Bé chẳng khác nào cánh cò gầy nhom đang lặn hụp dưới ao kiếm từng con cá cho con của mình. Anh Giảng Hoàng Đây, con trai út bà Bé, người duy nhất làm ra tiền trong nhà với nghề phụ bán trái cây, cũng không khỏi đau xót khi nghĩ về mẹ mình:
Buồn thì cũng buồn nhưng lúc này em cũng eo hẹp. Cha mẹ sinh mình ra, nuôi mình cực khổ mà không lo được cho cha mẹ thì cũng buồn lắm.
Ước mơ của người con
Lựa chọn hoa hồng thích hợp trong Ngày Lễ Vu Lan. Photo courtesy of dantri
Anh Đây nói rằng mẹ anh là một người đàn bà kém may mắn vì quá lo cho chồng con. Thậm chí, nếu có một điều ước, anh nghĩ rằng có lẽ mẹ anh sẽ dành điều ước đó cho con, hơn là dành phần cho mình mặc dù bà đã đến tuổi sắp gần đất xa trời. Đối với Đây, anh chưa bao giờ mình thấy mẹ dám mua một bữa ăn ngon hay gắp một miếng cá tươi trên mâm cơm. Hình ảnh mà anh nhớ nhất về mẹ là một bà già còng lưng tay run rẩy cầm chén cơm trắng với miếng cá khô. Chính vì thế, anh đã từng ước rằng trong ngày lễ Vu Lan, anh sẽ cho mẹ ăn một bữa ngon:
Người ta có tiền thì mua sắm này nọ cho mẹ, nhưng mình không có thì chỉ nấu một bữa ăn hoặc mua một món nào đó cho mẹ. Quan trọng là tấm lòng. Mẹ ăn cực khổ lắm, tiền để dành lo cho hai anh hết rồi, đâu có tiền mà ăn ngon như người ta…
Tuy nhiên, bữa ăn đó chỉ diễn ra trong mong ước của chàng trai hiếu thảo và bà mẹ già luôn ước “một bữa no”. Thực tế, trong ngày Lễ Vu Lan, bà Bé chẳng thiết tha gì đến việc con cái sẽ làm gì cho bà. Trái lại, bà vẫn làm cái công việc hằng ngày của mình là kiếm đủ 160 ngàn đồng cho con chạy thận vào hôm sau. Mỗi khi vào dịp Rằm Âm lịch, bà lại len lỏi tại các nơi từ thiện với hy vọng có được chút gạo, chút muối. Nhưng ăn uống thì bà còn kham khổ được, chứ còn chạy thận cho con thì bà không biết thêm bớt như thế nào. Một tuần của bà trôi qua không bằng thời gian của 7 ngày mà bằng 3 ngày chạy thận cho con.
Chính vì thế mà trong đêm Rằm tháng Bảy, người mẹ này vẫn tự trách mình:
Nhiều khi mình thấy không có khả năng lo cho con đầy đủ nên cũng hơi buồn chỗ đó.
Người ta có tiền thì mua sắm này nọ cho mẹ, nhưng mình không có thì chỉ nấu một bữa ăn hoặc mua một món nào đó cho mẹ. Quan trọng là tấm lòng. - Anh Giảng Hoàng Đây
Có lẽ cho đến lúc mắt đã hết nhìn thấy được, chân không bước nổi nữa và tay cũng không còn đủ sức nâng bước con, bà Bé cũng sẽ không ngừng lo cho con của mình. Đó là hình ảnh của sự hy sinh, chịu thương chịu khó của tất cả những ai từng mang nặng đẻ đau. Những người con của bà Bé quá nghèo để có thể nghĩ đến điều gì khác ngoài mang đến cho bà “một bữa no” và cả đời bà cũng chưa bao giờ dám nghĩ đến điều gì hơn như thế.
Nhưng biết đâu rồi sẽ đến những mùa Vu Lan mà bà Bé được tưởng nhớ bằng một đóa hoa hồng đỏ thắm trên ngực áo; để bà còn được nghe câu cầu nguyện “Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời, cầu cho cha mẹ sống đời với con”.
Mời quý vị đóng góp ý kiến về chương trình cũng như các bài viết của Quỳnh Chi tại Quynhchi@rfa.org; hoặc quý thính giả cũng có thể kết nối với Quỳnh Chi trên Facebook và Twitter.
Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012
Quỳnh Chi - Blogger Điếu Cày có thể bị kéo dài thời gian điều tra
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2012-07-18
Sau khoảng 21 tháng blogger Điếu Cày bị tạm giam để điều tra, gia đình ông cho biết quá trình điều tra có thể kéo dài hơn nữa.
Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải - RFA files
Trả lại hồ sơ cho Viện kiểm sát
Ngày 18 tháng 7, có tin cho biết Tòa án NDTPHCM đã gởi văn bản trả lại hồ sơ của blogger Điếu Cày, tức ông Nguyễn Văn Hải cho Viện kiểm sát TP. Xác nhận với đài RFA vào tối ngày 18 tháng 7, LS biện hộ cho ông Hải - Hà Huy Sơn cho biết ông đã thông báo cho gia đình về văn bản này nhưng không công bố rộng rãi cho dư luận biết. Trả lời đài RFA tối cùng ngày, bà Dương Thị Tân, vợ cũ của blogger Điếu Cày cũng cho biết bà đã được luật sư thông báo về văn bản trên.
Trước tin Tòa án trả lại hồ sơ cho Viện KS, nhiều người quan ngại rằng đây cũng đồng nghĩa với việc thời gian tạm giam điều tra của blogger Điếu Cày sẽ bị kéo dài nhiều hơn. Trước quan ngại này, LS Hà Huy Sơn cho biết “thực tế nó là như thế”.
Dường như văn bản không nói rõ lý do vì sao Tòa án lại trả lại hồ sơ của blogger Điếu Cày, nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Hải suy đoán rằng có lẽ do một thời gian dài không tìm ra được chứng cứ nên cơ quan chức năng muốn “kéo dài thời gian”. Bà Dương Thị Tân cho biết:
“Bản thân tôi nghĩ là đã 21 tháng (bị tạm giam) cộng với 2 năm rưỡi tù trước đó mà an ninh luôn tới làm việc nhưng mà họ cũng không tìm được bằng chứng gì để chứng minh cho những cáo buộc của họ. Cho nên chính bản thân tòa án cũng thấy rằng không đủ bằng chứng nên phải điều tra bổ sung. Tôi nghĩ là dù có điều tra như thế hay hơn nữa thì cũng chẳng có bằng chứng gì để kết án oan cho những người yêu nước”.
Blogger Huỳnh Công Thuận, một người từng tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm biển Đông năm 2007 cùng blogger Điếu Cày cho biết ông nghi ngờ rằng vì dư luận quốc tế đang quan tâm đến Điếu Cày nên tòa án cần những bằng chứng chắc chắc nếu có để tạo ra một phiên tòa không gây tranh cãi. Chính vì thế mà tòa phải trả hồ sơ về viện KS để thu thập thêm những chứng cứ cần thiết.
Trường hợp blogger Điếu Cày đã được nhiều cơ quan quốc tế cũng như giới chức Hoa Kỳ lên tiếng quan ngại vì bị tạm giam quá lâu mà không có một phiên tòa xét xử. Thậm chí, trong ngày Tự do Báo chí Quốc tế vào đầu tháng 5 vừa qua, tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã lên tiếng kêu gọi mọi người “đừng quên những người như Điếu Cày” trên một thông cáo đăng trong trang web của Tòa Bạch Ốc.
Blogger Điếu Cày, tên thật là Nguyễn Văn Hải, là một cựu chiến binh và là thành viên chủ chốt của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, nơi đăng tải những bài viết phản ánh tình trạng đất nước.
Năm 2007 và 2008, blogger Điếu Cày cũng là một trong những nhân vật tiên phong biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 10 tháng 9 năm 2008, blogger Điếu Cày bị tuyên án 30 tháng tù giam vị tội trốn thuế.
Sau ngày mãn hạn 2 năm 6 tháng tù giam, ông Hải không được trả tự do mà bị tạm giam điều tra theo tội danh “tuyên truyền chống phá Nhà nước” vì đăng tải những bài viết được cho là “gây bất lợi cho Nhà nước” trên CLB Nhà báo Tự do cùng với blogger Tạ Phong Tần và LS Phan Thanh Hải (tức AnhbaSG). Từ đó đến nay đã hơn 20 tháng, nhưng ông vẫn chưa được mang ra xét xử. Trong thời gian bị tạm giam, ông cũng bị cách ly trong một thời gian dài làm dấy lên nhiều đồn đoán về tình trạng sức khỏe của ông cũng như về ngày sẽ diễn ra phiên tòa của ông. Hồi tháng 4 vừa qua, sau khi có tin phiên tòa của ông sẽ diễn ra vào giữa tháng thì tổ chức Theo Dõi Nhân quyền HRW và Ân Xá Quốc tế cũng lên tiếng kêu gọi Việt Nam miễn tố tội trạng cho ông Nguyễn Văn Hải.
Hiện trạng sức khỏe
Blogger Điếu Cày trước khi bị bắt
Ngày 3 tháng 7 vừa qua, anh Nguyễn Trí Dũng, con trai ông Nguyễn Văn Hải được vào thăm bố và cho biết ông Hải tinh thần có “rất lạc quan về tiến trình sẽ phải thay đổi” tại Việt Nam. Ngoài ra, anh Dũng cũng nói rằng ông Hải gởi lời cám ơn những người đã quan tâm ông. Tuy nhiên, con trai blogger Điếu Cày cũng cho biết sức khỏe ông đã kém hẳn. Bà Dương Thị Tân thuật lại thay lời con mình như sau:
“Trước đó ông đã có vấn đề về bao tử, sau khi tuyệt thực xong thì bao tử loét 5 chỗ và cộng thêm việc bị phù thận”.
Gia đình cho biết blogger Điếu Cày tuyệt thực tại trại giam B34 vào tháng 2 năm ngoái. Hậu quả của việc tuyệt thực khoảng 1 tháng là ông bị đưa vào bệnh viện. Gia đình ông Nguyễn Văn Hải cho biết họ sẽ khiếu nại để ông được tại ngoại:
“Tôi và con trai tôi ngày mai (ngày 19 tháng 7) sẽ làm một cái đơn yêu cầu cho ông Nguyễn Văn Hải được tại ngoại vì tình trạng sức khỏe của ông không được tốt vì bệnh tật và do thiếu thốn về vật chất do giam giữ lâu ngày”.
Xác nhận với đài RFA, LS Hà Huy Sơn cho biết ông đã được gia đình ông Nguyễn Văn Hải thảo luận về khả năng này:
“Chị ấy cũng có trao đổi với tôi và tôi cũng nói nói với chị ấy là nên làm điều đó, còn quyết định như thế nào thì phụ thuộc vào Tòa án”.
Hiện tại, blogger Điếu Cày đang bị tạm giam tại số 4 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh (Cơ quan an ninh điều tra TPHCM). Từ khi bị bắt giam lần hai để điều tra tội “tuyên truyền chống Nhà nước”, ông Hải nói cho gia đình biết mình đã bị gia hạn tạm giam tổng cộng 7 lần. Trong thời gian đó, vợ cũ của ông không được gặp mặt; riêng con của ông thì gặp được hai lần trong vài tháng trở lại đây. Mặc dù vậy, bà Dương Thị Tân khẳng định bà “chưa một lần bỏ cuộc” trong việc “đòi công lý” cho chồng mình. Bà cho biết từ khi ông Hải bị tạm giam, bà luôn đi thăm cùng con mặc dù biết rằng khi đến nơi thì sẽ không được vào:
“Các cháu có đôi lúc mất kiên nhẫn nhưng tôi luôn động viên là cuộc đấu tranh cho công lý này cần phải có thời gian và kiên nhẫn. Chúng tôi chuẩn bị với tinh thần như vậy nên không bao giờ nản chí và chùn bước”.
Blogger Huỳnh Công Thuận cũng chia sẻ rằng, sự cố gắng và kiên nhẫn của gia đình bà Dương Thị Tân không chỉ là sự đơn độc, vì vẫn còn nhiều những người biết phải, trái sẵn sàng lên tiếng và mong chờ một phiên tòa minh bạch, công tâm cho người Việt Nam mà không hề sợ sệt:
“Bây giờ không còn gì để quan ngại nữa hết. Nếu họ bắt thêm nhiều người nữa thì họ sẽ thấy thái độ của dân chúng như thế nào. Bây giờ đã khác bốn năm trước. Hồi trước thấy công an bắt là sợ nhưng bây giờ càng bị bắt là họ càng mạnh mẽ”.
Xin được nhắc lại, blogger Điếu Cày là một trong số rất nhiều trường hợp bị cáo buộc vi phạm điều 88 BLHSVN. Đây là một trong những điều luật bị quốc tế lên án là “mơ hồ” và thường được dùng để trấn áp những người bất đồng chính kiến.
Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012
Quỳnh Chi - Việt - Mỹ và Việt – Trung
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
Trong khi chuyến viếng thăm đến Việt Nam lần thứ ba trong vòng 2 năm của bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ có thể mở ra một tương lai mới làm sâu sắc thêm mối quan hệ Hà Nội – Washington, thì những tranh chấp lãnh hải dường như đang làm mối quan hệ Việt – Trung trở nên căng thẳng.
Việt – Mỹ siết tay
Bà Hillary Clinton rời Việt Nam sau hai ngày thăm viếng với lời khẳng định “Việt Nam đang ngày càng quan trọng ở Đông Nam Á”, trong lúc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định cần nâng tầm quan hệ hai nước. Lần này đến Việt Nam, người đứng đầu bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mang theo một lịch trình dày đặc, không kém các chuyến đối thoại nhộn nhịp của giới chức Hà Nội, Washington trong thời gian gần đây.
Mới đầu tháng trước, Tổng trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta cũng đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Hình ảnh ông Tổng trưởng vẫy chào trên tàu USNS Richarcd. E Byrd neo đậu tại cảng Cam Ranh đánh dấu bước chân đầu tiên của một bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đến đây từ sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Tiếp theo chuyến viếng thăm của người đứng đầu bộ Quốc phòng Hoa Kỳ là cuộc đối thoại quốc phòng giữa trợ lý ngoại trưởng đặc trách vấn đề chính trị và quân sự Andrew J. Shapiro cùng Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Lương Minh. Những hoạt động ngoại giao này diễn ra trong một thời gian ngắn sau những bước phát triển của 15 năm bình thường hóa quan hệ cho phép người ta lạc quan về một mối quan hệ mới giữa hai nước cựu thù.
Tháng 7 là tháng quan trọng đánh dấu nhiều mốc tích cực trong quan hệ Việt - Mỹ. Tháng 7 năm 1995, Tổng thống Bill Clinton đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ hai nước.
Bản đồ chỉ rõ 9 lô dầu khí mà Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) mở thầu quốc tế hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam.
Tháng 7 năm 2010, bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ đến Việt Nam lần đầu tiên trong nhiệm kỳ với nổ lực thúc đẩy nâng tầm quan hệ hai nước. Và tháng 7 năm nay, bà Ngoại trưởng đến Việt Nam lần thứ ba trong vòng hai năm với những hứa hẹn mới cho sự hợp tác quan trọng.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với đài RFA, học giả về Châu Á Michael Auslin cũng cho biết vì sao Hoa Kỳ cần Việt Nam:
“Cả hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ đều đang có những quan ngại giống nhau về Trung Quốc. Trung Quốc hiện đang trở thành một đối tác thương mại quan trọng đối với cả 2 quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ. Vì thế dưới góc độ kinh tế, tôi nghĩ rằng cả Hà Nội và Washington đều đang nỗ lực để duy trì sự ổn định cũng như phát triển hơn nữa mối quan hệ thương mại với Bắc Kinh. Thế nhưng, dưới góc độ an ninh, thì sự quan ngại là rất rõ ràng. Trung Quốc ngày càng tăng cường củng cố quân sự, cách thức họ gây áp lực lên Việt Nam, cách thức họ tuyên bố chủ quyền ngoài Biển Đông và cả những động thái của họ đối với Hoa Kỳ nữa”.
…trên cơ sở “đôi bên cùng có lợi”
Điểm đặc biệt trong chuyến đi này của bà Hillary Clinton là bà trực tiếp gặp Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng. Nằm trong bộ Chính trị, nắm ngành an ninh, quân đội trên thực tế, ĐCSVN được cho là nhân tố quan trọng trong các chính sách của Việt Nam. Tuy nhiên, theo Washington, ĐCSVN “rất thận trọng trong mối quan hệ với Hoa Kỳ”.
Ngày 21 tháng 6 vừa qua quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua Luật Biển. (Source VTV9)
Theo một thông cáo của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đánh đi từ Hà Nội ngày 10 tháng 7 ghi lại cuộc họp thường kỳ của cơ quan này, thì mục đích cuộc tiếp xúc của bà Ngoại trưởng và ông Nguyễn Phú Trọng là vì Hoa Kỳ chủ động nâng cao niềm tin của ĐCSVN với Washington.
“Thận trọng” có thể là một từ dùng để chỉ mối quan hệ hiện nay của Hà Nội – Washington nhưng nó không phải là một mối quan hệ thụt lùi hay dậm chân tại chỗ. Nếu so sánh với mối quan hệ 60 năm giữa Việt Nam – Trung Quốc, có nhiều dấu hiệu cho thấy mối quan hệ Việt – Mỹ được xây dựng trên một cơ sở chắc chắn hơn và không ngừng phát triển.
Năm 2000, hai nước ký kết hiệp định thương mại song phương. Năm 2007, Quốc hội Hoa Kỳ phê duyệt việc bình thường hóa thương mại vĩnh viễn (PNTR). Năm 2006, Việt Nam được ra khỏi danh sách các nước cần được quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo. Cũng năm đó, Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Tất cả những điều đó đã làm thương mại hai nước từ hầu như bằng không hồi năm 1995 đã tăng lên 22 tỷ đô la trong năm 2011.
Về quân sự, năm 2008, cuộc đối thoại quân sự - chính trị đầu tiên về an ninh khu vực và các vấn đề chiến lược được thực hiện. Tháng 8 năm 2010, hai nước đã đồng ý tổ chức đối thoại an ninh quốc phòng mỗi năm 2 lần. Tất cả những ký kết sẽ không mang một ý nghĩ thực tiễn nếu nó không được thực hiện bởi những chuyến viếng thăm, trao đổi dày đặc giữa cơ quan an ninh, quốc phòng hai nước diễn ra trong vòng hai năm nay, mà điển hình nhất là những cuộc thăm viếng của các tàu chiến quan trọng của Hoa Kỳ tại các cảngViệt Nam.
Mặc dù các tàu chiến Hoa Kỳ chỉ đến các cảng dân sự Việt Nam, và mặc dù vấn đề nhân quyền có thể cản trở việc hợp tác thương mại về mua bán vũ khí nhưng việc tìm ra một lợi ích chung là cơ sở tháo bỏ những rào cản. Đây chính là một chính sách xuyên suốt của Hoa Kỳ từ những năm 50 nhằm phát triển quan hệ đồng minh với các nước khác.
Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam và Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ hôm nay gặp nhau tại Hà Nội. tháng 6/2012. AFP
Hồi tháng 6 vừa qua, tại Việt Nam, ông Bộ trưởng Leon Panatta cũng khẳng định có cùng mục đích với những điều mà Bộ trưởng Phùng Quang Thanh muốn thúc đẩy: “điều quan trọng là phải đảm bảo làm sao các nước có thể phát triển năng lực, kinh tế, thương mại. Điều đó sẽ đem các nước xích lại với nhau”. Trong bài viết “For China, It’s all about America” (“Đối với Trung Quốc, Hoa Kỳ là điểm tập trung duy nhất”) đăng trên The Diplomat hôm đầu tháng 7 của học giả Michael Auslin, ông cũng khẳng định rằng “mặc dù các nước khác luôn ngờ vực những ý định thực sự của Washington… nhưng người ta cũng phải nhìn nhận rằng Hoa Kỳ thường tìm kiếm một loại quan hệ dựa vào nguyên tắc hai bên cùng có lợi”.
Thực tế, Hoa Kỳ đã khẳng định “lợi ích quốc gia” của mình tại biển Đông và gần đây Quốc hội nước này đã bắt đầu lên tiếng muốn thông qua UNCLOS, một dấu hiệu cho thấy có điểm đồng thuận chung giữa Việt – Mỹ trong việc giải quyết tranh chấp biển Đông.
Việt - Trung giãn dần
Trong khi đó, mặc dù mối quan hệ Việt – Trung đã được thiết lập hơn 60 năm, nhưng khó có thể gọi đây là một mối quan hệ không nhập nhằng hay cân bằng. Chủ thuyết cộng sản đã gắn kết hai nước Việt – Trung nhưng nó cũng tạo ra một mối quan hệ giữa hai Đảng hơn là giữa hai nhà nước độc lập, mà trong đó Việt Nam được đánh giá là nước chịu thiệt thòi. Điều này thể hiện qua những văn kiện được ký kết giữa hai Đảng nhưng được cho là của hai nước mà trong đó Việt Nam đã có những ứng xử “nhún nhường”, như nhận xét của GS Nguyễn Đăng Hưng (Bỉ quốc, hiện giảng dạy tại việt Nam):
Trung Quốc đưa 4 tàu hải giám hiện đại vào tuần tiểu trong khu vực tranh chấp khu vực quần đảo Trường Sa. Báo TQ/ sinaimg.cn
“Tôi nghĩ là cho đến bây giờ Việt Nam vẫn có chủ trương nhún nhường và giải quyết êm đẹp giữa hai nước có thể chế tương đồng. Tôi cho rằng đây là một sai lầm”.
Đây là lần đầu tiên QH nước CHXHCNVN khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Từ năm 1949, khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập, có thể chia quan hệ Việt – Trung ra năm giai đoạn: giai đoạn từ năm 1949 đến 1978 (với sự tin tưởng và hỗ trợ); giai đoạn từ 1979 đến 1990 (với những cuộc chiến tranh biên giới và tại biển Đông); giai đoạn từ 1991 đến khoảng năm 2007 (với việc phục hồi mối quan hệ từ sau chuyến viếng thăm của đại tướng Lê Đức Anh); giai đoạn từ năm 2008 đến cuối năm 2011 (với ngày càng nhiều các cáo buộc xâm phạm lãnh hải từ phía Việt Nam); và giai đoạn hiện tại khi giới chức Việt Nam bắt đầu phản bác lại lập luận của Trung Quốc một cách cứng rắn hơn.
Hôm 21 tháng 6 vừa qua, QH Việt Nam thông qua luật biển Việt Nam với điều 1 khẳng định chủ quyền của Hà Nội tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo nhà nghiên cứu biển Đông Đinh Kim Phúc, việc này có một ý nghĩa quan trọng:
“Đây là lần đầu tiên QH nước CHXHCNVN khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa. Nó còn là một văn bản chính thức khai tử công hàm năn 1958 của ông Phạm Văn Đồng mà Trung Quốc luôn dùng nói để khẳng định chủ quyền của mình tại Biển Đông”.
Việt Nam thông qua luật biển đã làm Trung Quốc phản ứng gay gắt bằng việc triệu hồi đại sứ, chính thức tuyên bố thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” trong đó bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và cho tàu hải giám đi tuần tra. Căng thẳng hơn, Trung Quốc kêu gọi mời thầu tại 9 lô dầu khí mà trong đó có các lô nằm trong quyền đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Cũng theo thông tin vừa loan hôm 10 tháng 7, sáu tàu cá Quảng Ngãi vừa bị Trung Quốc bắt giữ trong vòng một tuần qua, trong đó chỉ có ba tàu vừa được thả về nước.
Việc Trung Quốc bắt ngư dân Việt Nam tại Hoàng Sa vừa bị phó chủ tịch thường trực hội nghề cá Việt Nam phản đối. Các hành động trước đó của Trung Quốc cũng bị bộ Ngoại giao Việt Nam, Hội luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, và tập đoàn dầu khí Việt Nam cực lực phản đối. Còn người dân Việt Nam trong hai tuần qua cũng xuống đường tuần hành ôn hòa phản đối Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ mất bạn?
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 5 nhiệm kỳ 2012 – 2017 Hội Hữu nghị Việt – Trung được tổ chức hôm 10 tháng 7 tại Hà Nội, phó TT Nguyễn Thiện Nhân vẫn tiếp tục khẳng định mối quan hệ “mười sáu chữ vàng”, “bốn chữ tốt”. Tuy nhiên, nhìn những diễn biến trong quan hệ Việt - Trung và những cuộc biểu tình chống Trung Quốc, khó có thể nói mối quan hệ Hà Nội – Bắc Kinh đang đi đúng hướng.
Khó có thể nói mối quan hệ thực tế giữa Việt Nam – Trung Quốc là mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi” khi trong những vụ phân chia biên giới, những cuộc chiến chủ quyền và những cuộc đua trên thương trường, Việt Nam luôn là người đổ máu và thiệt thòi.
Khó có thể nói mối quan hệ thực tế giữa Việt Nam – Trung Quốc là mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi” khi trong những vụ phân chia biên giới, những cuộc chiến chủ quyền và những cuộc đua trên thương trường, Việt Nam luôn là người đổ máu và thiệt thòi. Ngay cả việc giải quyết tranh chấp tại biển Đông, giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng chưa đạt được ý tưởng đồng thuận khi Trung Quốc chủ trương giải quyết song phương và không có chủ trương dựa vào COC để giải quyết tranh chấp.
Đã có những đồn đoán cho rằng Trung Quốc đang dần mất đi người bạn của mình và mối quan hệ này của hai nước “là một cuộc hôn nhân gượng ép”. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc vừa có bài viết cảnh cáo Việt nam “sẽ đau đớn nếu thân Mỹ”, cho thấy phía Trung Quốc không phải kém khôn ngoan để không nhìn thấy quan hệ Việt – Mỹ đang tiến từ từ. Nhà nghiên cứu biển Đông Dương Danh Dy nhận xét:
“Đồng thời, chúng tôi rất coi trọng sự ủng hộ về tinh thần, thậm chí cả về vật chất của các nước có lòng tốt trên thế giới. Trong đó, chúng tôi không loại trừ Mỹ. Cho nên Mỹ giúp đỡ được chúng tôi về tinh thần, về vật chất hay về bất kỳ điều gì nữa trong việc làm cho tình hình biển Đông ổn định; làm cho sự xung đột giảm căng thẳng đi, chúng tôi đều hoan nghênh.”
Chủ thuyết cộng sản có lẽ là sợi dây ràng buộc mà những ai lạc quan vào mối quan hệ Việt – Trung dựa vào. Tuy nhiên, một chủ thuyết chưa bao giờ được lịch sử chứng minh là nhân tố quyết định cho mối quan hệ lâu dài của hai nước mà lợi ích mới chính là yếu tố quyết định. Trung Quốc sẽ mất bạn? Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ đối tác chiến lược quan trọng? Điều đó rồi tương lai sẽ trả lời. Thế nhưng, giới thạo tin cho biết tháng 11 này, tổng thống Barack Obama có thể sẽ ghé thăm Việt Nam và người ta mong đợi rằng việc cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam sẽ được bãi bỏ. Còn đối với Trung Quốc, những hoạt động nào sắp diễn ra trong thời gian tới? Có lẽ là những cuộc biểu tình của người Việt và việc hiện đại hóa quân sự của Việt Nam.
Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012
Quỳnh Chi - Vì sao Đan Mạch ngừng 3 dự án tài trợ cho VN?
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
Bộ trưởng Bộ Phát triển Đan Mạch, ông Christian Friis Bach vừa quyết định ngừng ba dự án tại Việt Nam do chính phủ nước này tài trợ vì nghi có gian lận.
Bộ trưởng Bộ Phát triển và Hợp tác Đan Mạch Christian Friis Bach tại Lễ khai mạc Hội nghị năng lượng bền vững ở trụ sở EU - Brussels vào ngày 16 tháng 4 năm 2012.- AFP PHOTO
Quản lý kém hay gian lận?
Chi tiết sự việc như thế nào và liệu việc này sẽ ảnh hưởng đến các khoản tài trợ sau này của chính hủ Copenhagen dành cho Hà Nội? Đó là nội dung Quỳnh Chi tìm hiểu qua cuộc trao đổi với ngài Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông John Neilsen hôm 1 tháng 6. Trước tiên, ông cho biết lý do đưa đến quyết định dừng dự án:
Ông John Nielsen: “Chúng tôi nghi ngờ có những dấu hiệu bất thường trong khi thực hiện vài nghiên cứu tại bốn dự án ở Việt Nam. Qua điều tra chúng tôi đã phát hiện có nhiều dấu hiệu bất thường ở 3 dự án trong tổng số 4 dự án. Chúng tôi sẽ tìm hiểu và điều tra thêm để xác định rõ chuyện gì đang xảy ra. Về 3 dự án đó, chúng tôi đã dừng hẳn và sẽ không có thảo luận gì thêm về các dự án đó nữa”.
Quỳnh Chi: Thưa ông, sự cố xảy ra có gây bất ngờ cho phía chính phủ Đan Mạch không và đã có phản ứng nào được ghi nhận từ phía Hà Nội?
Ông John Nielsen: “Những sự cố như thế cũng xảy ra một vài lần trước đây, dựa vào nghiên cứu của chúng tôi. Tuy nhiên, nó xảy ra với một qui mô nhỏ hơn. Những gì mà chúng tôi sẽ làm là thảo luận với chính phủ Việt Nam để giải quyết vấn đề. Tôi cũng muốn nói là phản ứng đần tiên của phía chính phủ Việt Nam nhằm giải quyết vấn đề này cho đến giờ này là có dấu hiệu tích cực.”
Quỳnh Chi: Ông có nghĩ là việc dừng dự án một cách đột ngột có làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa chính phủ hai nước? Hay ít ra là ảnh hưởng đến các khoản đầu tư sau này của phía Đan Mạch?
Ông John Nielsen: “Không, nó sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ hai nước.Trong những cuộc đối thoại với Việt Nam, chúng tôi cũng rất nghiêm túc về vấn đề tham nhũng và nói rõ cho phía Hà Nội biết quan điểm của chúng tôi.
Bản đồ các nơi tại Việt Nam có dự án tài trợ của Danida. Photo courtesy of Danida.
Cho nên chúng tôi không thể chấp nhận sự cố nào liên quan đến các tài trợ cho chương trình phát triển tại Việt Nam. Chúng tôi vẫn sẽ thể hiện quan điểm rõ ràng và kiên định. Bất cứ khi nào chúng tôi có cơ hội đối thoại với phía Việt Nam, chúng tôi đều tìm cách thảo luận phương hướng giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói rằng hiện tại thì chúng tôi vẫn đang tiến hành điều tra thêm. Chúng tôi cần thêm thời gian và sự trợ giúp của phía Hà Nội. Tôi nghĩ là hãy còn quá sớm để có thể kết luận rằng số tiền dùng sai mục đích là do lỗi quản lý kém hay do gian lận.”
Quỳnh Chi: Quyết định dừng ba dự án được Danida tài trợ được đưa ra trong lúc sắp diễn ra Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ giữa kỳ (CG) 2012, ông cho rằng đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là cách mà Copenhagen muốn đưa ra một thông điệp mạnh mẽ hơn đối với Hà Nội và các nhà tài trợ khác?
Ông John Nielsen: “Quyết định này được đưa ra không liên quan gì đến Hội nghị tư vấn các nhà đầu tư (CG) cho Việt Nam sắp diễn ra. Thật ra thì chính phủ Đan Mạch luôn thể hiện quan điểm rất rõ ràng và cởi mở của mình về vấn đề minh bạch đối với tất cả mọi người. Đó là vì chúng tôi muốn có những kênh đối thoại cởi mở và tự do về các vấn đề xảy ra. Tôi có thể khẳng định một lần nữa là việc đưa ra quyết định này là việc làm tiếp sau những gì chúng tôi điều tra được. Nó rơi vào thời gian nhóm họp CG là hoàn toàn do trùng hợp.”
Quỳnh Chi: Thưa ngài Đại sứ, trước khi diễn ra hội nghị CG thì diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2012. Tại đây, các cơ quan quốc tế kêu gọi Việt Nam cải thiện yếu tố minh bạch để thu hút đầu tư. Ông đánh giá thế nào về lời kêu gọi này?
Ông John Nielsen: “Chúng tôi vẫn đang tiếp tục đối thoại với phía chính phủ Việt Nam về vấn đề minh bạch. Nhưng mọi người có thể thấy là tình trạng này không cải thiện chút nào. Nếu nhìn vào bảng xếp hạng chỉ số minh bạch của các nước trên thế giới thì vị trí Việt Nam cũng không cải thiện trong mấy năm qua. Đây là một điều đáng quan ngại. Khi chọn quốc gia để bỏ tiền vào đầu tư, thì vấn đề minh bạch và chống tham nhũng là hai yếu tố quan trọng đối với các cơ quan, tổ chức nước ngoài. Nhưng tôi nghĩ rằng có thể ngồi xuống nói chuyện với nhau để hiểu rõ ràng vấn đề và giải quyết vấn đề. Việt Nam là một quốc gia rất cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á, nếu muốn thu hút thêm đầu tư trong tương lai, thì phải cải thiện yếu tố minh bạch.
Sẽ giám sát kỹ hơn"
Quỳnh Chi: Ông nói rất nhiều về đối thoại giữa hai chính phủ. Xem ra thì Đan Mạch chọn con đường ngoại giao để giải quyết vấn đề. Theo ông thì sau sự cố lần này, cách ứng xử của Đan Mạch có thể khác đi không?
Ông John Nielsen: “Dĩ nhiên là chính phủ Đan Mạch luôn muốn đi lối ngoại giao để giải quyết vấn đề thông qua các cuộc đối thoại. Tuy nhiên, trong trường hợp này, những nghi ngờ đã đụng mức mà chúng tôi phải dừng dự án. Nghĩa là nếu những điểm bất thường vượt ra khỏi mức độ có thể chấp nhận được thì chúng tôi phải xử lý khác đi. Từ giờ trở đi, ngoài các kênh đối thoại, chúng tôi cũng sẽ cải thiện cung cách quản lý trong các dự án khác của Đan Mạch tại Việt Nam. Chúng tôi cũng sẽ theo dõi và quản lý các dự án khác để biết được những gì đang diễn ra.”
Quỳnh Chi: Đan Mạch luôn được xem là một trong những quốc gia có chỉ số minh bạch và chống tham nhũng cao nhất thế giới. Ông có thể chia sẻ hệ thống giám sát và kiểm tra của nước ông hay không?
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông John Neilsen,
ảnh chụp trước đây. Photo courtesy of vietnam.um.dk.
ảnh chụp trước đây. Photo courtesy of vietnam.um.dk.
Ông John Nielsen: “Tôi nghĩ là Đan Mạch có một truyền thống về một xã hội mở, nơi mà chúng tôi có tự do báo chí và cho phép tự do bày tỏ, than phiền. Nói chung mọi người trong xã hội Đan Mạch bao gồm các tổ chức, cá nhân, nhà nước … hiểu được minh bạch là yếu tố quan trọng. Thiếu minh bạch không phải là những gì mà chính phủ Đan Mạch muốn làm. Minh bạch là một sự hiểu biết đã được xây dựng dựa trên lòng tin giữa người dân, giữa những người làm chính trị và giữa các tổ chức khác.
Quỳnh Chi: Nghĩa là các cơ quan chống tham nhũng phải là những tổ chức độc lập?
Ông John Nielsen: “Trước tiên phải có một hệ thống thương mại, kinh doanh độc lập. Thứ hai là phải có tự do báo chí. Thứ ba là người dân có một cơ quan để họ có thể khiếu nại hay than phiền. Tuy nhiên, tôi có thể nói là Đan Mạch cũng đang cùng chính phủ Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm của Copenhagen. Tôi nghĩ là đã có một chút cải thiện vì Quốc hội Việt Nam cũng ngày càng giám sát nhiều hơn đến nhiều hoạt động trong nhiều lĩnh vực.
Quỳnh Chi: Xin phép hỏi ông câu cuối trước khi kết thúc câu chuyện, phía chính phủ Đan Mạch hy vọng gì từ các chương trình tài trợ của mình?
Ông John Nielsen: “Mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục cuộc chiến xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam. Từ năm 1994, Đan Mạch đã hợp tác nhằm nâng cao phát triển; giảm nghèo đói tại Việt Nam. Chúng tôi tập trung giảm nghèo cho vùng nông thôn và khu vực miền núi. Trước mắt đây vẫn là điểm nhấn chính của Copenhagen.”
Quỳnh Chi: Xin cám ơn ngài Đại sứ John Nielsen.
Người đứng đầu Bộ Phát triển Đan Mạch cuối tháng 5 vừa ra quyết định dừng ba dự án tại Việt Nam do Cơ quan hỗ trợ phát triển quốc tế Đan Mạch Danida (thuộc chính phủ Đan Mạch) tài trợ. Quyết định được đưa ra sau khi tổ chức đánh giá độc lập Price Waterhouse Coopers đưa ra báo cáo cho rằng có “gian lận” trong dự án. Báo chí Đan Mạch cũng trích lời Bộ trưởng Bộ Phát triển, ông Christian Friis Bach nói rằng “Những hành vi gian dối cần được chặn đứng và trừng phạt”. Theo thông tin ban đầu, số tiền bị sử dụng sai mục đích có thể tương đương 550 ngàn đô la. Cũng xin được nói thêm là Hội nghị trung ương ĐCSVN kết thúc hôm trung tuần tháng 5 vừa qua đã thống nhất chủ trương thành lập Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị.
Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012
Quỳnh Chi - Văn Giang một ngày sau cưỡng chế
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
Tình hình bà con tại ba xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao thuộc huyện Văn Giang ra sao sau khi chính quyền thực hiện cưỡng chế xong đối với 6 hecta đất nằm trong tổng số diện tích 72 hecta?
Người dân huyện Văn Giang trong ngày bị cưỡng chế đất - Photo courtesy of danlambao
Sợ sệt, không tin tưởng
Như tin đã đưa, để có thể giao 72 hecta vào đợt hai cho chủ thầu xây dựng, chính quyền các cấp tỉnh Hưng Yên thực hiện san phẳng cả khu vực và cưỡng chế 5,8 hecta đất của 166 hộ dân thuộc xã Xuân Quan – là những hộ dân không chịu nhận bồi thường. Theo bà con cho biết, việc cưỡng chế được chuẩn bị từ đêm 23 tháng 4 và bắt đầu thực hiện vào rạng sáng ngày 24 tháng 4. Hình ảnh quay lại từ vụ cưỡng chế được truyền đi trên mạng cho thấy rất đông cảnh sát mặc cảnh phục và thường phục được trang bị dùi cui, đạn cay đến thực hiện cưỡng chế. Nhiều nguồn tin giấu tên chứng kiến vụ cưỡng chế cho biết nhiều người đang hoảng sợ trước vụ cưỡng chế đầy quyết tâm của chính quyền. Một người dân giấu tên cho biết từ Phụng Công:
“Nói chung bà con đang hoảng sợ quá trước sự cưỡng chế của chính quyền”.
Người đàn ông này còn cho biết, có trên 20 người bị bắt về tỉnh khi chính quyền thực hiện cưỡng chế. Riêng bản thân gia đình ông có 2 người thân bị bắt cho đến chiều ngày 25 vẫn chưa được gặp mặt thăm hỏi.
Báo chí trong nước trích lời ông Bùi Huy Thanh, Chánh văn phòng UBND tỉnh cho biết vào chiều ngày 24 tháng 4 rằng “Công an tạm giữ 20 người có hành vi quá khích”. Tuy nhiên, theo một nguồn tin khác, có 26 người bị bắt, trong đó đa số là bà con tại xã Phụng Công. Hiện tại, RFA chưa xác định được chính xác chi tiết này.
Sau khi cưỡng chế một ngày, nhiều người dân ở đây đã hạn chế tiếp xúc báo chí và người ngoài, Thậm chí, nhiều người đã thẳng thừng từ chối khi tiếp xúc với người lạ:
“Nói thật với chị, mấy ngày nay từ các nơi gọi đến cho bà con nhưng bà con cũng nghi ngờ các vị không phải đứng về phía sự thật. Cho nên nhiều người đã thay số điện thoại hoặc không nghe. Nói thật khi trả lời chị, tôi cũng đắn đo. Nhưng tôi quyết định trả lời vì tôi muốn nói tiếng nói của sự thật. Nói thật là người ta quá đau xót khổ sở vì chỉ có một mảnh ruộng mà cũng bị ủi hết, người dân kêu cứu mà biết kêu ai”.
Bức xúc
Công an tham gia cưỡng chế đất ở Văn Giang hôm 24/4/2012.
Sau khi tỉnh Hưng Yên thực hiện cưỡng chế xong, nhiều tờ báo trong nước đồng loạt loan tin về vụ cưỡng chế, trong đó trích lời ông Bùi Huy Thanh cho rằng vụ cưỡng chế đã “thành công và an toàn tuyệt đối” khi không có công an hay người dân bị thương. Theo các nguồn tin này, có khoảng “500 cảnh sát tham gia thực hiện cưỡng chế, không có quân đội tham gia”. Báo VNexpress cũng trích lời ông Thanh nói rằng lực lượng cảnh vụ đã dùng hai quả đạn khói để giải tán những người tụ tập. Tuy nhiên, các clip quay được từ vụ cưỡng chế cho thấy lực lượng chính quyền khá đông đảo. Chia sẻ với đài RFA sau khi vụ cưỡng chế được thực hiện xong, bà Lê Hiền Đức cho biết con số đó là 2 ngàn người. Một người dân Văn Giang cho biết:
“Họ dùng rất nhiều đạn hơi cay. Trên phần đất thuộc xã Phụng Công là họ bắn xối xả hơi cay, mù mịt. Họ bắn thẳng vào những người đang ngồi để giữ đất. Xong thì họ dùng lực lượng xua đuổi hết. Chứ không phải dùng chỉ hai quả đạn cay như họ nói. Còn tại khu vực cánh đồng bị cưỡng chế thì khói bay mù mịt không nhìn thấy gì”.
Theo hình ảnh quay và chụp được từ vụ cưỡng chế, cánh đồng hơn 70 ha được phủ khói mù mịt cho thấy nhiều đạn khói đã được sử dụng. Một blogger chứng kiến sự việc còn đăng tải trên Facebook của mình là có lúc lực lượng cưỡng chế sử dụng hết đạn khói nên phải chờ tiếp viện. Một clip khác được đăng tải trên mạng cho thấy một nhóm công an và người mặc thường phục đeo băng đỏ xúm vào đánh một người dân như một bằng chứng cho thấy cảnh sát dùng bạo lực quá mức cần thiết khi cưỡng chế. Các tin tức trái chiều làm nhiều người bức xúc, nhất là những người chứng kiến sự việc:
“Người ta là chính quyền, là chế độ một đảng nên họ nói như thế. Ví dụ chúng tôi đi khiếu kiện thì Trung ương cho biết Tỉnh làm như thế là sai luật nhưng Tỉnh vẫn cưỡng chế thì Trung ương có làm gì đâu?”.
Tiếp tục giữ đất
Người dân huyện Văn Giang.
Hiện tại, cánh đồng hơn 70 hecta đã được san phẳng để giao cho nhà đầu tư. Phần đất bị cưỡng chế gần 6 hecta nằm trong vùng qui hoạch cũng bị phá sạch và đa số người dân không thể mang cứu được các cây trồng của mình. Cánh đồng rộng 5,8 hecta của khoảng 166 hộ bị cưỡng chế đa phần được dùng để trồng cây cảnh.
Theo ước tính của một người dân chia sẻ với đài RFA, tổng thiệt hại của bà con từ vụ cưỡng chế lên đến nhiều tỉ đồng. Trước tình hình hiện tại, nhiều người quyết tâm canh tác tiếp và trồng lại cây. Một người dân cho biết:
“Những người có trồng cây cảnh thì có thể họ trở lại cánh đồng cưỡng chế, còn tôi thì chỉ trồng lúa nên vẫn đang chờ xem chính phủ giải quyết đơn kiện như thế nào”.
Một người dân khác nói thêm rằng, gia đình ông vẫn sẽ tiếp tục canh tác và kêu gọi chính quyền:
“Gần 100 máy ủi hôm qua phá cả cánh đồng 72 hecta. Bà con xót xa cánh đồng của mình thì vẫn phải ra làm để giữ đất chứ làm sao để cho người ta làm đất của mình? Việc cưỡng chế là của chính quyền, còn người dân thì vẫn tiếp tục ra đồng làm chứ làm sao bỏ được. Vẫn phải tiếp tục đến các cơ quan nhà nước để đòi hỏi quyền lợi của bà con.”
Mỗi hộ gia đình tại đây có khoảng hơn 1 sào ruộng để canh tác. Số tiền bồi thường mà công ty chủ quản dự án đưa ra là 36 triệu đồng một sào ruộng. Nhiều người phản đối và kiên quyết không nhận tiền bồi thường vì với số tiền ấy họ không thể tái lập cuộc sống mới. Chính vì thế, hiện tại, phương án của bà con là quyết tâm bám đất để sống:
“Tôi vẫn phải đi làm (ngoài đồng) chứ không thì chết đói à? Tôi vẫn đi làm vì vẫn có gia đình, con cái. Nếu người ta có quyền lực trong tay, người ta thực hiện cưỡng chế thì chúng tôi là dân đen phải chịu. Cũng căm phẫn lắm nhưng không biết phải làm thế nào? Một bên là chính quyền đa cấp từ trung ương đến địa phương. Một bên là người dân đen. Người dân mỗi người chỉ có hơn 1 sào ruộng. Chúng tôi chỉ mong muốn giữ được đất để làm ăn”.
Dự án khu đô thị Văn Giang được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt và cấp phép rồi giao cho công ty Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng làm chủ đầu tư, diện tích khoảng 500 ha. Toàn bộ vùng đất này thuộc sở hữu của khoảng 4 ngàn hộ dân. Trong đó, còn khoảng 1 ngàn 800 của ba xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao chưa nhận tiền bồi thường.
Báo người cao tuổi số ra ngày 20 tháng 4 cũng cho biết quyết định cưỡng chế của tỉnh Hưng Yên là trái pháp luật vì theo luật đất đai, chỉ những dự án phục vụ quốc phòng, an ninh… Nhà nước mới thu hồi đất. Còn những dự án khác, Nhà nước chỉ làm trung gian để nhà đầu tư thỏa thuận.
Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012
Quỳnh Chi - Đừng chĩa súng vào dân!
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
Mặc dù gặp sự phản đối quyết liệt của người dân huyện Văn Giang nhưng vụ cưỡng chế cánh đồng 70 hecta của xã Xuân Quan vẫn diễn ra sáng sớm ngày 24-04-2012.
Lực lượng công an dày đặc trong ngày cưỡng chế đất tại huyện Văn Giang hôm 24/4/2012. Thính giả gửi RFA
Cưỡng chế, bắt người
Tin cho biết phía quyền có rất đông người, trong khi người dân tập trung tại cánh đồng lên đến 2 ngàn người. Cuối buổi cưỡng chế, có khoảng 10 người bị bắt. Bà Lê Hiền Đức chứng kiến sự việc và kể lại với Quỳnh Chi của đài Á Châu Tự do. Đầu tiên, bà cho biết về việc bà bị ngăn chặn không cho đến hiện trường:
Bà Lê Hiền Đức: Không có vấn đề gì. “Họ” không muốn cho tôi có mặt ở hiện trường nhưng dù sao người dân cũng đưa tôi đến để có vài lời động viên với bà con nhân dân và nhắn nhủ với lực lượng công an nhân dân rằng “Cầm súng chĩa vào bọn tham nhũng, đừng cầm súng quay vào nhân dân. Những người nông dân lao động lam lũ chính là những người làm ra hạt lúa nuôi chúng ta”. Tôi nói như thế thì có một cháu công an khóc. Nhưng nói chung là cũng cưỡng chế xong hết rồi. Tuy nhiên, tôi nghĩ dân không thể dừng lại đây được.
Quỳnh Chi: Vì sao mà bà cho rằng người dân sẽ không dừng lại?
Bà Lê Hiền Đức: Không thể dừng lại được vì càng ngày “họ” càng tham nhũng, càng ngày “họ” càng đàn áp dân. Mọi người không thể hiểu được là người dân khổ như thế nào. Hôm nay, không phải chỉ có người dân Văn Giang mà còn nhiều người xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cũng kéo sang hỗ trợ. Nhân dân Dương Nội, Hà Đông cũng nhiều lần mặc áo đỏ đi đến các cơ quan khiếu kiện. Nói chung nhân dân rất đoàn kết.
Quỳnh Chi: Sau khi vụ cưỡng chế được thực hiện xong thì thái độ hiện tại của người dân ra sao?
Bà Lê Hiền Đức: Trông người dân thương lắm. Bây giờ họ sống bằng gì đây? Tôi xót ra lắm. Thái độ người dân tất nhiên là buồn lắm nhưng họ vẫn có nhiều quyết tâm trong bụng. Tôi hiểu như thế. Tôi biết rằng dân bức xúc lắm.
Quỳnh Chi: Đài RFA có nhận được tin là có vài người bị bắt về đồn công an. Việc này bà có được chứng kiến không?
Bà Lê Hiền Đức: Cho đến bây giờ (7 giờ tối 24 tháng 4) tôi vẫn không biết những người bị bắt ấy bị giữ ở đâu. Người dân cũng chưa biết. Khoảng mười người bị bắt.
Quỳnh Chi: Lý do họ bị bắt là gì? Có phải là trong lúc cưỡng chế, một số người có hành động quá khích?
Bà Lê Hiền Đức: Không có gì là quá khích cả. Người ta cầm gộc gậy, thuổng cuốc đi làm đồng vì có những khu vực không phải là khu bị cưỡng chế. Nếu công an dùng súng hơi cay bắn vào nông dân, dùng dùi cui điện đánh vào dân thì người ta phải chống cự lại để tự vệ. Tôi đã hỏi “Tại sao lại bắt những người đó?” thì một số công an giải thích là tại “chống cự”, nghĩa là “dùng gậy gộc”. Bản thân tôi đi cùng với người dân ra hiện trường để xem thì có chỗ xe không đi được, tôi cũng không bước qua được. Lúc đó nhiều thanh niên chìa lưng vào cõng tôi nên tôi rất cảm động. Trong khi đó, công an thấy tôi cầm cái gậy chống thì hỏi “Bà đánh tôi à?” Một bà già chân đi không vững, phải có người cõng, vịn vào gậy mà họ lại hỏi như vậy. Tôi vừa buồn cười vừa bức xúc.
Quỳnh Chi: Theo bà thì lực lượng công an tham gia cưỡng chế có đông không? Thái độ của họ ra sao?
Bà Lê Hiền Đức: Gần hai nghìn người. Tôi buồn là chính quyền không tôn trọng người dân. Tôi không thể cầm được nước mắt.
Quỳnh Chi: Thưa bà, ĐCS Việt Nam lúc trước có khẩu hiệu là “Người cày có ruộng”. Nhưng thực tế cho thấy ngày càng xảy ra vụ cưỡng chế đất đai trái với ý muốn của người dân. Đây có phải là một nghịch lý?
Bà Lê Hiền Đức: Tôi không phát biểu về vấn đề này nhưng tôi chỉ muốn nhắc nhở rằng ngày xưa chúng tôi hy sinh cả tuổi thanh xuân. Cho đến bây giờ gần như cả cuộc đời tôi chiến đấu đem lại ấm no cho người dân, cho nông dân có ruộng cày. Nhưng bây giờ thì đồng ruộng của nông dân đang bị tước đoạt gần hết, có nơi bị tước đoạt hết giống như Văn Giang hay Dương Nội hôm nay. Tại những nơi đó, bây giờ những người nông dân chỉ có hai bàn tay trắng. Bây giờ họ sẽ sống bằng gì trong khi tiền đền bù vô cùng rẻ mạt. Một mét vuông đất chỉ đáng bát phở. Đồng ruộng như xương máu của người nông dân. Lấy hết đất của họ thì họ trồng lúa vào gầm giường à? Nông dân trồng lúa để nuôi bao nhiêu người và còn có bao nhiêu lúc để xuất khẩu mà bây giờ họ lại tước đoạt hết ruộng của nông dân. Tôi đau xót lắm. Tôi thương họ và đặt tất cả niềm tin vào sức mạnh của họ. Họ sẽ đi tìm công lý.
Nông dân khánh kiệt
Người dân huyện Văn Giang bị cưỡng chế đất hôm 24/4/2012. RFA screen capture
Quỳnh Chi: Việc ngày càng có nhiều khiếu kiện liên quan đến đất đai thường xuất phát từ đâu thưa bà?
Bà Lê Hiền Đức: Hoàn toàn là do nông dân cứ bị thu hồi đất. Tôi cũng không đồng ý việc chính quyền dùng từ “thu hồi”. Người ta chưa nhận được một đồng nào tiền đền bù thì tại sao lại dám nhổ hết cây cối của họ đi? Hôm qua tôi đã ở với dân và tìm hiểu cả ngày. Một người nông dân nói với tôi rằng “Nhà cháu chưa chạy được một cây nào cả”. Cánh đồng của bà ta có mấy ngàn cây hoa Hải Đường. Bây giờ mang cây chạy đi đâu? Chẳng lẽ đào lên hết rồi mang về nhà? Trông họ xót xa lắm.
Quỳnh Chi: Nhiều người cho rằng việc ngày càng có các khiếu kiện đất đai là do chế độ công hữu về tư liệu sản xuất đang được ĐCS Việt Nam áp dụng. Ý kiến của bà ra sao?
Bà Lê Hiền Đức: Tôi không dám phân tích xa xôi nhưng tôi chỉ biết bênh vực quyền lợi người dân và chống tham nhũng. Tôi nói là dân sẽ vùng lên nếu họ có trình độ. Bởi vì chủ yếu chính quyền cấp quận huyện cướp đất của dân và ăn chia với cấp tỉnh, thành phố. Cho nên, dân có kiện lên cấp thành phố thì cũng bị trả về tỉnh.
Quỳnh Chi: Trong hơn 60 năm phục vụ đất nước thì bà thấy khoảng thời gian nào xảy ra nhiều bất đồng giữa người dân và chính quyền nhất?
Bà Lê Hiền Đức: Đó là thời gian hiện tại. Hoàn toàn trước mắt tôi như thế. Hơn sáu mươi năm hy sinh cả tuổi trẻ và cuộc đời mình, chiến đấu để mang lại lợi ích cho người dân nhưng tôi thấy dân càng ngày càng khổ và càng bức xúc. Cho nên làm sao tôi có thể ngồi yên mà bưng bát cơm ăn được.
Quỳnh Chi: Thế thì nếu tình trạng bất đồng giữa chính phủ và người dân cứ kéo dài như thế thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước như thế nào?
Bà Lê Hiền Đức: Tôi thấy chắc chắn không thể phát triển được bởi vì bao nhiêu của cải đều rơi vào tay bọn nhà giàu. Người giàu càng giàu mà người nghèo thì gần như khánh kiệt.
Quỳnh Chi: Cám ơn bà đã dành thời gian cho đài RFA.
Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012
Ông Đoàn Văn Vươn bị đánh đập trong trại giam?
Quỳnh Chi, phóng viên RFA, Bangkok
Về vụ việc cưỡng chế đất đai tại Tiên Lãng, Hải Phòng hồi ngày 5 tháng 1 vừa qua, một người ở cùng trại tạm giam với người chủ đầm bị cưỡng chế, ông Đoàn Văn Vươn, vừa được tại ngoại.
Chị Thương vợ anh Đoàn Văn Vươn nói tấm bạt cũ này là nhờ bà con trong thôn cho để dựng lều
Người này liên lạc với chị Nguyễn Thị Thương cùng chị Phạm Thị Báu (Hiền), vợ của hai anh em ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý, và cho biết ông Đoàn Văn Vươn bị đánh đập trong trại giam. Quỳnh Chi trường trình trong phần sau:
Chị Hiền, em dâu ông Đoàn Văn Vươn cho biết, một người cùng trại giam với ông Vươn đã gọi cho gia đình vào hôm qua (ngày 25 tháng 1) và thông báo về tình hình sức khỏe ông Vươn. Chị nói:
“Chúng tôi chỉ trao đổi qua điện thoại với người đó. Anh này cũng kể là bị quản giáo đánh”.
Hiện tại, do vấn đề an toàn cho người đưa tin, RFA chưa nêu tên hay liên lạc với người này để xác minh chi tiết. Tuy nhiên, trên blog của nhà văn Nguyễn Quang Vinh, một trang blog có uy tín và được nhiều người đọc, chiều hôm qua đã cho đăng tải một đoạn nói chuyện của người đàn ông này.
Trong đó, người đàn ông này cho biết “Anh Vươn mới vào trại liền bị quản giáo buồng giam K nện cho trên 10 gậy cao su vào mông và vào đùi với lý do “không báo cáo cán bộ”.
Chị Hiền, em dâu ông Đoàn Văn Vươn cho biết, một người cùng trại giam với ông Vươn đã gọi cho gia đình vào hôm qua (ngày 25 tháng 1) và thông báo về tình hình sức khỏe ông Vươn. Chị nói:
“Chúng tôi chỉ trao đổi qua điện thoại với người đó. Anh này cũng kể là bị quản giáo đánh”.
Hiện tại, do vấn đề an toàn cho người đưa tin, RFA chưa nêu tên hay liên lạc với người này để xác minh chi tiết. Tuy nhiên, trên blog của nhà văn Nguyễn Quang Vinh, một trang blog có uy tín và được nhiều người đọc, chiều hôm qua đã cho đăng tải một đoạn nói chuyện của người đàn ông này.
Trong đó, người đàn ông này cho biết “Anh Vươn mới vào trại liền bị quản giáo buồng giam K nện cho trên 10 gậy cao su vào mông và vào đùi với lý do “không báo cáo cán bộ”.
Bài đăng trên blog Nguyễn Quang Vinh cũng trích lời người đàn ông này cho biết người cai ngục trên vừa đánh vào mông và đùi anh Vươn vừa văng tục:
“CIA Mỹ huấn luyện cho chúng mày này! Bố mày giết chết này… Mày thích gẫy tay không?”
Nhà ông Đoàn Văn Vươn không nằm trong diện tích cưỡng chế nhưng vẫn bị phá ủi sập. Source nld.com
Lời người ở chung phòng giam với anh Vươn cho biết gia đình nên gởi chăn và thức ăn vào cho anh Vươn vì phòng giam chật hẹp, và điều kiện sinh hoạt, ăn uống khó khăn. Ông Vươn cũng bị giam cùng các bị can phạm tội hình sự khác. Cũng theo blog của nhà văn Nguyễn Quang Vinh, đây chỉ là “1% của câu chuyện”.
Hiện tại, đường link này trên blog Nguyễn Quang Vinh bị lấy xuống nhưng nhanh chóng được các trang mạng khác trích đăng lại.
Cũng theo chị Hiền, khi nghe tin anh Đoàn Văn Vươn bị đánh, gia đình rất lo lắng và dự định sẽ viết một lá đơn kêu oan đến các cơ quan chức năng. Chị nói:
“Hôm nay chúng tôi cũng định làm cái đơn ý muốn nói là mong các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc sớm, nếu không thì sợ là các anh ấy không đảm bảo sức khỏe.
“Chúng tôi cũng định làm đơn thôi chứ cũng chưa làm vì cũng lu bu quá. Nhưng chúng tôi rất lo lắng”.
Chị Hiền cũng cho biết, gia đình đã nhiều lần đến trại tạm giam ở Hải Phòng xin gặp và tìm hiểu thông tin về ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý nhưng vẫn chưa có một tin tức gì dù là những thông tin cơ bản.
Về tình hình gia đình họ Đoàn, sáng mồng một Tết, chị Thương, chị Hiền cùng các cháu ra bãi đầm nhà chị dựng một cái lều bạt cũ để ở tạm sau khi những người đánh bắt tôm cá tại đầm này đã rút về hết. Chị Hiền nói:
“Hôm mùng một Tết thì những người giữ đầm rút hết nên chúng tôi về lại đầm dựng một cái lều bằng bạt ở ngoài đó. Gia đình hiện đang tập trung ở ngoài đó. Bây giờ phải chấp nhận thôi, chúng tôi sống vất vả quen rồi”.
Xin được nhắc lại, ngày 5/1, hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế, thu hồi khoảng 20 ha đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn - là đất do ông lấn biển mà có. Một số người trong gia đình ông Vươn đã gài mìn tự chế trong vườn và chống lại bằng súng hoa cải. Hậu quả là bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương. Bốn người trong gia đình họ Đoàn bị bắt sau đó.
Trước đó, gia đình họ Đoàn cũng gởi đơn cầu cứu các cơ quan chức năng vì quyết định cưỡng chế có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, quyết định cưỡng chế vẫn diễn ra.
Vụ án cưỡng chế đất ở huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng vào đầu năm nay đang gây chú ý cho dư luận khắp nước từ cấp trung ương đến người dân thường. Vấn đề này cũng thu hút sự quan tâm của báo chí quốc tế.
Hiện tại, đường link này trên blog Nguyễn Quang Vinh bị lấy xuống nhưng nhanh chóng được các trang mạng khác trích đăng lại.
Cũng theo chị Hiền, khi nghe tin anh Đoàn Văn Vươn bị đánh, gia đình rất lo lắng và dự định sẽ viết một lá đơn kêu oan đến các cơ quan chức năng. Chị nói:
“Hôm nay chúng tôi cũng định làm cái đơn ý muốn nói là mong các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc sớm, nếu không thì sợ là các anh ấy không đảm bảo sức khỏe.
“Chúng tôi cũng định làm đơn thôi chứ cũng chưa làm vì cũng lu bu quá. Nhưng chúng tôi rất lo lắng”.
Chị Hiền cũng cho biết, gia đình đã nhiều lần đến trại tạm giam ở Hải Phòng xin gặp và tìm hiểu thông tin về ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý nhưng vẫn chưa có một tin tức gì dù là những thông tin cơ bản.
Về tình hình gia đình họ Đoàn, sáng mồng một Tết, chị Thương, chị Hiền cùng các cháu ra bãi đầm nhà chị dựng một cái lều bạt cũ để ở tạm sau khi những người đánh bắt tôm cá tại đầm này đã rút về hết. Chị Hiền nói:
“Hôm mùng một Tết thì những người giữ đầm rút hết nên chúng tôi về lại đầm dựng một cái lều bằng bạt ở ngoài đó. Gia đình hiện đang tập trung ở ngoài đó. Bây giờ phải chấp nhận thôi, chúng tôi sống vất vả quen rồi”.
Xin được nhắc lại, ngày 5/1, hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế, thu hồi khoảng 20 ha đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn - là đất do ông lấn biển mà có. Một số người trong gia đình ông Vươn đã gài mìn tự chế trong vườn và chống lại bằng súng hoa cải. Hậu quả là bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương. Bốn người trong gia đình họ Đoàn bị bắt sau đó.
Trước đó, gia đình họ Đoàn cũng gởi đơn cầu cứu các cơ quan chức năng vì quyết định cưỡng chế có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, quyết định cưỡng chế vẫn diễn ra.
Vụ án cưỡng chế đất ở huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng vào đầu năm nay đang gây chú ý cho dư luận khắp nước từ cấp trung ương đến người dân thường. Vấn đề này cũng thu hút sự quan tâm của báo chí quốc tế.
Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011
Học viện Khổng Tử ở Việt Nam: những gì cần cân nhắc?
Quỳnh Chi, RFA
Nhân chuyến công du vừa qua, Phó chủ tịch nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, nhắc Việt Nam mau chóng thành lập “Học viện Khổng Tử” để tăng cường hợp tác trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Việc này sẽ đem lại những gì cho Việt Nam?
Wikimedia Commons
Ảnh minh hoạ Khổng Phu Tử trong cuốn Thần thoại
và Truyền thuyết Trung Hoa, 1922, của E.T.C. Werner
và Truyền thuyết Trung Hoa, 1922, của E.T.C. Werner
Hối thúc
Trong cuộc hội đàm ngày 21/12/2011 của ông Tập Cận Bình với các nhà lãnh đạo Việt Nam, vị Phó Chủ tịch nước Trung Quốc cho biết mong muốn “thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện tiến lên 5 phương diện”. Một trong những phương diện ấy là lĩnh vực khoa học kỹ thuật, giáo dục, văn hóa, y tế, đào tạo nguồn nhân lực. Nhấn mạnh điểm này, ông Tập cho biết mong muốn “nhanh chóng xây dựng Học viện Khổng Tử tại Việt Nam”.Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011
Hoa Kỳ sẽ mang gì đến Thái Bình Dương?
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
![]() |
Tổng thống Barack Obama nói chuyện với quân đội Úc và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tại căn cứ Darwin vào ngày 17 tháng 11 năm 2011. AFP photo |
Bắt đầu từ đầu năm nay, đã có những nghi ngờ cho rằng Hoa Kỳ sẽ trở lại vùng Thái Bình Dương.
Từ khi Tổng thống đến Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ trong thời gian qua có những phát biểu về việc thực hiện kế hoạch này thì đó không còn là vấn đề nằm trong nghi vấn nữa.
Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011
Nếu Ấn Độ không hợp tác với Việt Nam
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
Tuần qua, đại sứ R S Kalha, cựu Ngoại trưởng Ấn Độ, có bài lên tiếng cho rằng Ấn Độ nên suy xét lại việc hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam tại Biển Đông.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (P) và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (T) chào đón các đại biểu tại Lễ bế mạc kỷ niệm 60 năm quan hệ Ấn-Trung tại New Delhi hôm 16 tháng 12 năm 2010 - AFP photo
Ông này cho rằng việc hợp tác này có thể mang đến xung đột cho Trung Quốc và nước này. Cùng thời gian, giáo sư Ấn Độ Virendra Sahai Verma, từng là cựu sĩ quan tình báo cũng viết bài thể hiện sự quan ngại tương tự. Nếu không hợp tác với các nước khác, Việt Nam phải làm gì để vừa bảo vệ chủ quyền, vừa có thể khai thác vùng thuộc đặc quyền kinh tế của mình?
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)