Hiển thị các bài đăng có nhãn Phong Tử Khải. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phong Tử Khải. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2021

Phong Tử Khải: Dẫn Ngôn (Nguyễn Văn Thực dịch từ nguyên văn chữ Hán.)

引言
Dẫn Ngôn
豐子愷
Phong Tử Khải

1.

Tôi thấy dường như trái tim con người có một lớp bao bì. Chất liệu và trọng lượng của lớp bao bì này khác nhau tùy người. Có người có trái tim dường như được bao bọc bởi một lớp vải mùng, che sơ sơ, và người ta có thể thấy dáng dấp chân thực của trái tim màu đỏ lung linh ẩn ẩn hiện hiện. Có người có trái tim được bao bọc bởi một lớp giấy, thoạt nhìn thì mặc dầu không thể thấy, những nếu rờ nhè nhẹ, có thể cảm thấy được. Rồi có lúc giấy phải rách, tim lộ ra đỏ thắm. Có người dùng bao bì bằng sắt, thậm chí dùng tám chín lớp. Làm gì thì làm, người ta cũng chẳng sờ tới được, chẳng phá ra được, và dáng dấp của trái tim, làm gì thì làm, vẫn không hiển lộ ra được.

Trái tim của Chiêm Chiêm 3 tuổi của nhà chúng tôi, chẳng bao bọc gì, ngay cả bởi một lớp vải mùng. Tôi thấy trái tim của nó thường trần trụi mà tươi đỏ.*

* Bài này chọn những tuỳ cảm rời rạc của tác giả mà thành, chứ không viết một mạch.

2.

Khi chuyện trò, người ta hay dùng lời, nghĩ ngợi trước sau, thủ thế chặt chẽ, tính toán cặn kẽ, như chơi cờ tướng. Tôi thấy thật căng thẳng, thật dễ sợ, nên tôi chỉ biết nín thinh.

Làm sao mà có được những người bạn khi chuyện trò không dùng thủ pháp đánh cờ tướng, mà buông mà phơi tim mình ra cho ta thấy, như đoá hoa nở ra trong ánh sáng mặt trời.

3.

Trong luống hoa tôi gây giống ba nhánh đậu ván. Tôi cấy chúng vào một xẻo đất trống, và rồi dùng các nhánh tre làm một cái giàn để chống và chư chúng. Mỗi ngày, sáng sớm, tôi sửa sang cho ngay ngắn nhành lẫn lá, ngắm chúng tươi tốt phơi phới, lòng tôi tự nhiên cũng cảm thấy hứng thú.

Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2021

Phong Tử Khải: Thu (Nguyễn Văn Thực dịch từ nguyên văn chữ Hán)

Thu

Phong Tử Khải

豐子愷

Nguyễn Văn Thực dịch từ nguyên văn chữ Hán

Vô ngôn độc thướng tây lâu, nguyệt như câu: Im lặng một mình lên lầu tây, trăng như móc câu/ Văn Trị Tiên Sinh Thôi Mã: Ông Thôi Mã, người Văn Trị/ Tranh: Tử Khải

Lễ gia quan (1) của tôi phải tới năm “ba mươi” tuổi mới cử hành được; và bây giờ thì đã qua hai năm. Tôi là kẻ không hiểu sao bén nhạy với chuyện đời, nên nhận được không phải là ít những gợi ý và chịu ảnh hưởng khá nhiều từ hai chữ “ba mươi” ấy. Tuy nhiên, tôi biết rõ là sức khoẻ thể lý cũng như tinh thần của tôi so sánh với lúc tôi hai mươi tuổi, thì chẳng khác gì nhau, ngoại trừ tôi thấy cái ý niệm “ba mươi” ấy là một chiếc dù trương ra che toàn thân tôi và làm cho tôi trở thành một cái bóng mờ mờ, và ý niệm ấy còn phảng phất như một tờ lịch có chữ lập thu (2) xé từ cuốn lịch treo tường; lập thu mà trời vẫn nóng hừng hực không giảm, nhiệt độ trên hàn thử biểu không xuống, và phải chờ cho tới khi sức nóng chỉ còn rơi rớt, tàn lụi, lúc sương rơi, lá rụng cái đã, thì lúc ấy khí hậu của trời đất mới trao thân cho thu.

Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2021

Phong Tử Khải: Cuốn Sổ Lớn (Nguyễn Văn Thực dịch từ nguyên văn chữ Hán)

Cuốn Sổ Lớn
大帳簿
Phong Tử Khải
豐子愷
(1898-1975)

Pháo đạn tác hoa bình/
Vạn thế lạc thái bình/
Nhật bản bản giáng tự cổ/
Tử Khải/
/Đạn pháo làm bình hoa/
Vạn đời vui thái bình/
(bài)Nhật Bản đã thua liểng xiểng từ xưa /
Tử Khải//(Chú: Hai con lật đật người Nhật)
Hồi còn nhỏ, tôi đã có lần đi tàu về quê tảo mộ. Khi tôi tựa vào cửa sổ tàu mà chăm chú nhìn lớp lớp sóng không cùng cạnh mép thân tàu sát nước, con lật đật giữa lòng bàn tay tôi, trong một thoáng, trở thành hình bóng mờ mịt thăm thẳm và hoá thân vào một thế giới mênh mông bát ngát, rồi nhìn lớp sóng bạc điệp trùng không cùng dưới cửa sổmột chốc, đoạn, với cái lòng sầu muộn của con lật đật không chân,một lần nữa, tôi buồn bã nhìn vói làn nước bạc mêng mang phía sau đuôi tàu. Lòng tôi đột nhiên lo lắng và buồn rười rượi. Tôi ngờ vựcvề hướng của chuyến đi này và cuối cùng chuyến đi sẽ ra sao. Con lật đật có thể giạt vào bờ sông, mép nước nào đó, rơi vào tay một đứa bé nào đó nơi thôn làng, hay mắc vào lưới, và từ đó trở thành con lật đật trên thuyền đánh cá, hoặc mãi mãi chìm nơi đáy một con sông, và sau những năm tháng dài sẽ biến thành bùn đất, người thế từ đó về sau chẳng còn gặp lại nó. Tôi biết rằng hiện tại con lật đật đang ở đây với tôi, nhưng trong tương lai rốt cuộc nó nhất định sẽ ở đâu đó, nhưng ai sẽ kiếm ra nó? Ai có thể nói lên được cái vận mệnh không thể biết trước được của nó? Cái mối ngờ vực và sầu muộn này, chúng cứ chờn vờn trong đầu tôi. Cuối cùng tôi nghĩ ra: Cha tôi có thể biết được kết cục của chuyện này và có khả năng gỡ tôi ra khỏi mối ngờ vực và sự sầu muộn này, nếu không, khi tôi khôn lớn, tôi rốt cuộc sẽ biết được, và có thể tự gỡ tôi ra khỏi mối ngờ vực và sự sầu muộn như vầy.

Thế rồi đến lúc tôi đã thực sự lớn khôn. Tuy nhiên, ngờ vực và sầu muộn không những chẳng bỏ đi mà theo năm tháng chúng càng tăng lên, và trở nên thâm sâu hơn. Tôi cùng với một anh bạn cùng lớp thời tiểu học đi dạo nơi khu ngoại ô, và tôi đột nhiên bẻ một cành cây. Sau khi dùng nó làm gậy một lúc, tôi vứt nó vào một khoảnh ruộng, nhưng tôi như thường lệ nhìn nó một lúc, và tự hỏi, tự đáp trong lòng: ”Mình chẳng biết lúc nào sẽ gặp lại nó nữa. Từ nay về sau không biết nó sẽ ra sao đây? Mình sẽ vĩnh viễn không gặp lại nó?” Nếu tôi đi một mình, mà gặp chuyện đại loại như vậy, thì tôi còn nán lại lâu hơn nữa vì lòngtôi dằng dặc lưu luyến, chẳng thể bỏ đi được. Cũng có lúc mới bước được vài bước, tôi đã quay lại,nhặt lại vật vừa mới vứt, trịnh trọng nói lời từ biệt, rồi mới cắn răng quay mặt mà đi. Thế rồi tôi lại cười cho cái trạng thái bệnh tật ấy, nhưng sau đó thì hiểu ra rằng đó chẳng qua chỉ là những chuyện lặt vặt trong đời mà có hối đi nữa rồi sau lại vẫn cứ phải làm, và sự ngờ vực cùng lòng sầu muộn ấy cứ nằm lỳ trong đầu tôi, thành ra không làm thế, không được.

Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2021

Phong Tử Khải: Sức Sống (Nguyễn Văn Thực dịch từ nguyên văn chữ Hán)

生機
Sức Sống
豐子愷
Phong Tử Khải
(1898-1975)


Trần Cảng Thụ,
"Thuỷ tiên & linh thạch đồ:
Tranh thuỷ tiên và đá linh thiêng” (1)

Trước giao thừa tôi đã mua một giò thuỷ tiên, chư đã hơn hai tháng, mãi cho tới hôm nay mới nở hoa.

Xuân năm nay khí hậu rất lạnh, cỏ cây hoa lá khác đâm chồi nẩy lộc chậm, mà thuỷ tiên của tôi lại càng chậm hơn. Vì từ khi hoa đến nhà tôi, hoa tình cờ gặp nhiều tai nạn, sức sống bị ngăn trở.

Tai nạn thứ nhất chính là hạn tai, tình hình như sau: Trước giao thừa, thuỷ tiên đến nhà tôi, lúc ấy, vì nơi tôi ở riêng, không có chậu cho thuỷ tiên, tôi đành chạy đến tiệm buôn đồ sành sứ mua một cái chậu trắng tinh để chư nó. Cái chậu này thì quá to, quá nặng vì đó không phải là chậu cho hoa thuỷ tiên. Căn cứ vào lời ông già tiệm sành sứ, đấy là hàng đời vua Quang Tự (2), người ta dùng trong yến tiệc nơi chốn quan trường để đựng món thịt nấu đặc biệt nào đó. Về sau không có người dùng nó nữa, và mãi tới nay không bán nó được. Tôi nghĩ rằng cái chậu cho hoa thường thường như hoa thuỷ tiên mà lại có hình chữ nhật, hình cánh quạt như trong tranh Trung Quốc xưa, thì rởm lắm, và xét theo hình thức, trông không đẹp bằng một cái chậu đựng đồ ăn. Và rồi cái gọi là đồ đựng đồ ăn này đã trở thành cái chậu cho hoa thuỷ tiên đặc biệt của riêng tôi mà tôi đã mua vì hoa thuỷ tiên của tôi ăn khớp với chậu, hình thái và sắc màu thật hài hoà. Xem chúng dưới khung cửa sổ lạnh xanh nhuộm nắng, thấy chúng chiếu vào nhau, mộc mạc, tươi đẹp làm cho lòng vui vẻ, ai mà tin được rằng một thời đó là cái chậu đựng đồ ăn nơi cửa quan? Thế rồi chúng bên nhau không quá một tháng, thì phải xa nhau. Lý do là tôi phải về quê ở vịnh Thạch Môn ăn Tết âm lịch, và tính sẽ ở ngôi nhà chính có cái tên là Duyên Duyên hơn một tháng, hi vọng sẽ mang được hoa thuỷ tiên về theo, cảm thấy rằng hoa sẽ nở đẹp vào dịp tết. Mang nó đi bằng cách nào? Phải chần chừ suy tính: Kêu anh đầy tớ A (2) Mao ôm cả chậu cùng hoa thuỷ tiên mà đi xe lửa, e rằng có người sẽ chê khéo anh đầy tớ là khách phong nhã; bỏ nó trong va li da, lại càng không thể. Vì thế A Mao đề nghị: ”Con đâu cần mang cả chậu đi. Lôi thuỷ tiên ra, rồi gói trong hộp bánh quy, cầm nó lên xe, tới nhà đâu quá ba giờ, không thể làm nó chết.” Tôi liền đồng ý. Thuỷ tiên tạm biệt chậu, nằm trong hộp bánh quy mà đi.

Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2021

Phong Tử Khải: Từ từ (Nguyễn Văn Thực dịch từ nguyên văn chữ Hán)


Từ từ

Phong Tử Khải
豐子愷
(1898-1975)

Anh nông dân Chi Lãnh và cũng là bạn/ Tranh Tử Khải

Yếu chỉ vi diệu làm cho cuộc sống của con người được diễn ra trơn tru, không gì hơn là “từ từ”; cái thủ đoạn của Con Tạo hay lừa người, thì cũng không gì hơn là “từ từ”. Đám trẻ ngây thơ, trong sáng “từ từ” biến thành bọn thanh niên bừng bừng khí thế mà không hay biết; bọn thanh niên hào kiệt, hiên ngang “từ từ” biến thành những người lớn lạnh lùng, tàn ác; những người lớn khí huyết linh hoạt “từ từ” biến thành những lão già ngoan cố vì tiến trình biến hoá của Con Tạo được tiến hành năm này qua năm khác, tháng này tới tháng khác, ngày này tới ngày khác, giờ này tới giờ khác, phút này tới phút khác, giây này tới giây khác, như một cuộc đi bộ thật chậm rãi trên một lối đi thật dài, thật xa, từ trên núi đồi mà xuống, làm cho người ta không để ý tới vết chân lần lượt dẫm xuống của mình, không thấy các giai đoạn của cảnh giới, mà hồ như thấy vị trí cứ vẫn như một và thật giống nhau, hằng cữu bất biến; các giá trị, ý vị của một cuộc sống không biến động, mỗi ngày như mọi ngày, nên cuộc sống sẽ tiến hành trơn tru, không trật vào đâu được. Giả như sự tiến hành ta không ví như núi đồi mà ví như bàn phím đàn phong cầm: bỗng nhiên chuyển từ đô tới , thì giống như đứa bé từ đêm tới sáng biến thành thiếu niên, hoặc như một giai điệu có ghi dấu biến tấu comodo: vừa phải, mà đột nhiên từ đô nhảy lên mi, thì cũng như sáng đang là thiếu niên mà tối đã thành bô lão, người ta nhất định sẽ sững sốt, than thở, buồn bã, hoặc đau xót cho cái chóng qua của kiếp người và người ta không cách chi mà vui cho được. Cho nên mới biết cuộc sống con người có được gìn giữ hay không là do “từ từ” vậy. Điều này e rằng lại rất quan trọng cho bọn đàn bà: thiếu nữ đẹp như hoa trong ca kịch, trên sân khấu, nay mai sẽ là bà già ngồi bên bếp lửa cời than, cái câu này, chợt nghe thì khó mà tin, và các cô gái trẻ không chịu thừa nhận, nhưng quả thật các bà già của bây giờ là từ thiếu nữ tươi như hoa “từ từ” mà biến thành cả.

Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2021

Phong Tử Khải: Tuỳ bút về Xuân (Nguyễn Văn Thực dịch)

Phong Tử Khải
(1898 – 1975)

Nguyễn Văn Thực dịch từ nguyên bản chữ Hán*

Đề tranh: Nghiêm sương, nhiệt nhật giai kinh quá/ Thứ đệ xuân phong đáo thảo lư: Sương buốt, ngày nóng thảy đều qua/Gió xuân đến lượt tới nhà tranh (bài Quốc nghiệp thường sinh, của Nhã Điểu) // Tranh: Tử Khải

Năm Mới


Từ vô thuỷ vô chung, thời gian di chuyển trong trời đất mênh mông, vốn không thể nói là nhanh hay chậm. Chỉ vì một khi thời gian được cắt ra từng khúc, lúc đó người ta mới cảm thấy thời gian qua nhanh, đồng thời cũng cảm thấy khoan khoái; và giống như khi di hành trong nơi mờ mịt, nếu thời gian không được chia cắt, người ta sẽ có cảm giác mình đi chậm, đồng thời cảm thấyủ dột tối tăm. Những chuyện hay ho như âm nhạc, khi trình tấu một bản nhạc vốn đầy tràn âm thanh mà không ngắt quãng, thì sự trình tấu ấy sẽ gây phiền và làm cho người nghe chán ngán và mệt mỏi. Nếu phân bản nhạc ra từng chương, từng khúc, từng câu, lại còn biến tấu nhiều thì sẽ làm cho người ta vui vẻ, dễ chịu.