Hiển thị các bài đăng có nhãn Phan Vũ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phan Vũ. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012
Du Tử Lê - Tính nhân bản trong thơ Phan Vũ, thành viên cuối cùng của nhóm Nhân Văn
Du Tử Lê
(Tiếp theo kỳ trước)
Tôi không biết những người cùng tôi (luôn bàn ghế, ngôi quán, cái nóng, con đường, thành phố xế chiều) nghe “Alexis Zorba” Phan Vũ đọc trường khúc “Hà-Nội-phố” của ông, nghĩ gì, cảm gì?
Phan Vũ. (Tranh Lê Quân)
Riêng tôi có bất ngờ to lớn, là sự kiện ông cho biết, bài thơ được viết vào tháng 12 năm 1972. Khi Hà Nội trân mình chịu đựng những đợt B-52, ném bom. Trải thảm.
Tiết lộ của tác giả, chỉ như một chú giải hoàn cảnh ra đời đứa con tinh thần của mình. Nhưng với tôi, vô tình ấy, lại như khối lửa và, thất thanh tiếng sét, thình lình xé toang bóng tối bưng bít, hiển lộ ký ức bài thơ (đoạn trường tác giả).
Tôi muốn nhấn mạnh hai chữ “ký ức, vì ký ức tôi không có Hà Nội, 72. Bài thơ cho tôi những hình ảnh tương phản ngột ngạt, giữa một Hà Nội thanh bình xưa và, hình ảnh một Hà Nội sơ tán. Một Hà Nội trống hoác. Một Hà Nội chết nghẹn. Một Hà Nội chín, nẫu hoang vu:
Cơn mưa đầy
Những hố sâu trước cửa
Chiếc thuyền giấy lang thang
Không bến đỗ...
(......)
Ta còn em cánh cửa sắt
Lâu ngày không mở.
Nhà ai?... (1)
Ký ức tôi vẫn xanh thẫm một Hà Nội những gốc bàng sưng, khô sẹo hưng, phế. Những hàng sấu, chứng nhân buồn/vui bao đời hai hè phố. Những cây phượng giấu diếm tiếng ve mùa Hè, trên cao. Con đường bờ sông dẫn ra đê Hồng Hà cát bồi, ngút mắt. Những cây soan lá nõn, reo, ngân ngày nở hoa, đơm trái. Những búp đỏ lựng, thơm tho hoa gạo - Trôi từ Kim Bảng / Sông Ðáy tới Năm cửa ô. Tiếng rao phở đêm, quyến rũ tới chảy nước miếng. Như những sớm mai tôi, cổng trường Hàng Vôi táo dầm, mùa Thu; bài vè kẹo kéo, mùa Ðông. Ngây ngất.
Ký ức tôi vẫn bâng khuâng, huyền bí tiếng chuông, mõ từ ngôi chùa nép mình lòng ngõ Tràng An. Con ngõ mạch máu nối Triệu Việt Vương nhập thân Phố Huế, nơi tôi ở những ngày cuối cùng, Hà Nội. Nhưng ký ức tôi không có một Hà Nội, 72, Phan Vũ.
Hà Nội, 72 của họ Phan, là những tháng, ngày B-52, ném bom-trải-thảm tử/sinh, còn/mất trộn lẫn... mù, điếng phận người:
Ta còn em tiếng dương cầm.
Trong khung nhà đổ
Lả tả trên thềm
Bettho và Sonate Ánh Trăng.
Nốt nhạc thiên tài lẫn trong mảnh vỡ...
(......)
Ta còn em những tràng pháo tay vang dậy.
Ðêm lộng lẫy!
Cô gái dương cầm đứng giữa rừng hoa,
Nước mắt lã chã trên áo đỏ.
Rồi một ngày tả tơi,
Loạn gió.” (1)
Ký ức tôi cũng không có tiếng đàn câm. Như những phần số bỗng dưng, một sớm chia ly hình/bóng:
Ta còn em một đam mê.
Một vật vã,
Một dang dở,
Một trống không,
Một kiếp người,
Những phím đàn long... (2)
Hay:
Em ơi! Hà-Nội-Phố.
Ta còn em đường lượn mái cong
Ngôi chùa cổ.
Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương.
(......)
Ta còn em một cuộc tình
Như một bài thơ.
Mỗi nỗi đau gặm mòn thêm phận số.
Nhật ký sang trang ghi thêm nỗi nhớ... (3)
Không có trong ký ức nghèo nàn Hà Nội của mình, nhưng tôi cảm nhận được nhiều (rất nhiều) những nốt lặng giữa “Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương.” Hay “Mỗi nỗi đau gặm mòn thêm phận số,” của Hà Nội, 72, Phan Vũ, tán lạc hồn vía. Trắng xóa ngày mai!
Tôi vẫn nghĩ, tùy kiến thức, tập quán cảm nhận mà, mỗi cá nhân tiếp cận, đi vào tác phẩm văn chương, công trình nghệ thuật thuận/nghịch khác nhau.
Tuy nhiên, nếu có những tác phẩm hiện ra như một cánh rừng, thách đố người thưởng ngoạn tự tìm lối... Thì, cũng có những tác phẩm, cung cấp cho ta những cụm từ hay, chỉ một chữ, (tôi gọi là từ-chìa-khóa,) giúp ta dễ dàng khám phá khu rừng thi ca nguyên sinh của tác giả.
Từ-chìa-khóa trong trường khúc “Hà-Nội-phố” của Phan Vũ là tính-từ “Còn.” “Còn,” (nghịch nghĩa với “Mất,”) là chìa khóa tác giả trao cho người đọc, để mở cửa vào mọi đền đài ký ức trong cảnh thổ Hà Nội, 72, của họ Phan.
Bất cứ ai, dù bước vào cảnh thổ Hà Nội, 72 của Phan Vũ, qua cửa ngõ ca khúc “Em ơi, Hà Nội phố” (do Phú Quang phổ nhạc;) hay qua khá nhiều dị bản “Hà-Nội-phố” của Phan Vũ, có dễ đều ngạc nhiên khi thấy dọc lộ trình tháng, ngày Hà Nội, 72 mình, họ Phan tịnh không một từ kết án B-52, ném bom-trải-thảm. Tác giả không “xỏ nhầm giầy” của những người làm công tác tuyên truyền. Ông cũng không mặc áo khín của những chuyên viên gia công cưỡng bức chữ nghĩa.
Phố đông. (Tranh Phan Vũ)
Suốt lộ trình trường khúc 443 câu, họ Phan không mang vào trong thơ ông, những khẩu hiệu. Những con số máy bay “Mỹ-Ngụy” bị bắn rớt. Những “giặc lái không tim” bị nhân dân ta trói giựt cánh khuỷu, cúi đầu, nhục nhã đi trong ánh mắt căm thù đám đông. Dọc lộ trình trường khúc 443 câu, người đọc cũng không thấy hình ảnh đấu tố, xỉa xói giặc ngoại xâm... Thay vào đấy là những nhức buốt thân phận, kiếp người, nạn nhân chiến cuộc. Cụ thể hình ảnh:
Ðôi tân hôn chưa kịp nằm chiếu hoa
Ðã có tên trong vòng hoa tưởng niệm...
Một tháng chạp trắng khăn sô,
Khói hương dài theo phố.
Một tháng chạp
Thâu đêm
Mẹ
Thức.
Hóa vàng... (4)
Làm người đọc chấn động tâm can, ngàn lần hơn biểu ngữ, khẩu hiệu.
Hoặc:
Tháng chạp con đường ngẩn ngơ,
Dãy phố thành tọa độ.
Khu trắng không người ở,
Dòng chữ phấn ghi trên cánh cửa,
Lời thề của người bỏ phố:
“Còn một đống gạch, còn trở về nhà cũ!”
Sập gụ, tủ chè, sách xưa và bình cổ,
Thí thân cho mất cho còn! (5)
Cũng một ngàn lần hơn những gào thét phát thanh, hô hào Hà Nội vùng lên.
Hoặc nữa:
Một tháng chạp,
Cây bàng mồ côi, mùa đông,
Nóc phố mồ côi, mùa đông,
Mảnh trăng mồ côi mùa đông.
Tháng chạp năm ấy in hình bao mộ phố! (6)
“Mộ phố” chỉ hai chữ đó thôi, trong thơ Phan Vũ, đủ thay thế hàng ngàn bài báo Hà Nội căm thù chiến tranh!
Tôi quan niệm, tính nhân bản, cảm thức không “lề trái, lề phải” mà, chỉ có lề duy nhất: Lề của nhãn quan và, rung động tự thân, độc lập, mới có thể làm thành nhân cách thi sĩ. Làm thành thước đo độ lớn tác phẩm!
Tác giả “Hà-Nội-phố,” theo tôi, là một trong những tác giả hiện thân của nhân cách thi sĩ, làm nên giá trị tác phẩm.
Du Tử Lê
Chú thích:
(1) (2) (3) (4) (5) (6): Theo bản chung quyết, do chính tác giả cung cấp.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)