Hiển thị các bài đăng có nhãn Phan Thanh Tâm. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phan Thanh Tâm. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 15 tháng 8, 2023

Phan Thanh Tâm: Nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh: Hai cột trụ của nghề báo-kiến thức và đạo đức

Nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh (2/10/1921- 12/8/2012) tự nhận thuộc thế hệ già nhất trong làng báo tiếng Việt hải ngoại, khẳng định rằng "Hai cột trụ của nghề làm báo là kiến thức và đạo đức”. Ông còn cho biết năm 1965 là năm nền tảng nghề làm báo về cách viết tin cũng như về kỹ thuật làm báo của Việt Nam không còn theo lối thời Pháp nữa mà đã được chuyển sang cách làm báo hiện đại ở Mỹ cũng như nghề làm báo nói chung ở các nước tân tiến trên thế giới.

Theo nhà báo lão thành, kiến thức là trí, đạo đức là tâm. Nếu có trí giỏi mà không có tâm lành, nghề viết cũng chẳng thành tựu được bao nhiêu. Khi đã viết, không phải chỉ viết bằng tay mà viết bằng cả con tim. Bí quyết của trau dồi kiến thức là khiêm tốn và học từ sách vở tra cứu, học từ bạn và đồng nghiệp; quan trọng nhất là học từ độc giả. Nhà báo Sơn Điền sinh ở Bắc Giang, hưởng thọ 92 tuổi, qua đời ngày 12/8/2012 tại Cali. Bài báo cuối cùng là bài Kinh Động Vũ Trụ trên mạng ngày 19/7/12 nói về các nhà thiên văn Mỹ đã tạo ra một loại máy khám phá những bí mật của Hoả tinh.

Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2022

Phan Thanh Tâm: Nhà báo là nhà văn của thế hệ mới

https://gdb.voanews.com/A1CC0306-6A75-4BD0-BE2A-07CD6E7C002B_w400.jpg
Trà Mi ký giả ban Việt ngữ đài VOA

Nhà báo là nhà văn của thế hệ mới. Văn chương báo chí thời đại là văn chương thông tin; không phải là văn chương tưởng tượng, sáng tác. Văn phong báo chí cần chính xác, gọn gàng, trong sáng, chi tiết phải cụ thể. Nhiệm vụ của văn chương báo chí là thông tin. Không có nó con người sẽ tụt hậu, mai một, thụt lùi. Đó là nhận định của cô Trà Mi, ký giả truyền thông đa phương tiện (truyền thanh, truyền hình và internet) với gần 25 năm kinh nghiệm làm phóng viên, xướng ngôn viên, biên tập viên, người dẫn chương trình, người điều khiển các cuộc hội luận/talkshow truyền thanh-truyền hình.

Trong 25 năm trong ngành truyền thông, cô Trà Mi từng làm việc tại một đài truyền hình ở VN (1997-2001), làm ký giả quốc tế của đài Á Châu Tự do gần bảy năm trước khi gia nhập đài VOA từ năm 2009. Ban biên tập Việt ngữ VOA có 14 người trong đó có ba người nữ, cô là nữ ký giả lâu năm nhất. Hiện cô là chủ biên/biên tập viên của Ban Việt ngữ và là người mở ra chương trình TV ‘VOA Express’, bản tin truyền hình hàng ngày của VOA Việt ngữ. Theo cô, câu “nhà báo, nhà văn tuy hai mà một, tuy một mà hai” đúng nhưng không đúng hẳn. Nhà báo có viết văn giỏi thì mới hỗ trợ thành nhà báo giỏi.

 

Cô Trà Mi nói, người viết văn có sự rộng rãi, phóng túng trong sáng tác, tư duy tưởng tượng tự do bay nhảy. Nếu họ có tố chất nghề báo thì văn phẩm của họ sẽ được trình bày rành rẽ, dễ đọc hơn. Ngược lại, người viết báo mà dùng chữ nghĩa bay nhảy, tối tăm, khó hiểu thì “chết chắc”. Thực tế cho thấy, có nhiều nhà văn tên tuổi lẫy lừng thường xuất thân từ nhà báo. Tên cô có vẻ Huế nhưng sinh ở Sài Gòn. Giọng Nam hoàn toàn. Cô bay qua Mỹ từ năm 2001 nhờ học bổng của California State University, Fullerton. Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Giáo dục năm 2003 cô xin vô làm ký giả quốc tế cho RFA. Bút danh Trà Mi có từ lúc đó.

 


Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2021

*Phan Thanh Tâm: Vua “Đá Nói” Huyền Vũ - Nhà Báo Làm Đẹp Văn Chương Thể Thao

Tuy không phải là mũi tên vàng nước Việt, là vua sân cỏ, là cầu thủ có cú sút độc, chạy mau, lừa đẹp, giao banh khéo hay thủ môn có bàn tay nhựa bắt banh như để nhưng tên tuổi Huyền Vũ đã vang danh một thời với môn thể thao đá banh và được coi như linh hồn của các trận cầu. Chỉ nghe qua đài phát thanh thôi mà cả triệu người, trước tháng 4/75 từ thành thị cho đến thôn quê khắp miền Nam, già trẻ, lớn bé, trai gái, ai ai cũng có dịp say sưa theo dõi cảc trận đá banh quốc tế ở cầu trường Tao Đàn hay Cộng Hòa. Đó là nhờ tài của vua đá nói số một làng báo Saigon. Chẳng những vậy, ký gỉả Huyền Vũ còn làm đẹp và làm giàu văn chương thể thao. Ông đã có công dịch những từ thể thao ngoại quốc và đưa những từ trong lãnh vực quân sự vào môn đá banh để trận đấu qua radio thêm phần hào hứng và hồi hộp.

Chính giọng nói oang oang, dồn dập, hối thúc, không ngắt quãng, có lúc la thật lớn cùng với âm vang òa vỡ cuả cả vạn khán giả đã như có một ma lực cuốn hút khiến người nghe ở khắp nơi, trong nhà ngoài ngõ cho đến quán hàng, thôn xóm, không hẹn mà cùng một lượt la lên,vừa chưởi thề ỏm tỏi, vừa vung tay múa chân loạn xạ như có mặt quanh sân cỏ. “Tam Lang đa trái banh thọc sâu xuống cánh trái, Nguyễn Văn Tư như mũi tên xé gió; thoát xuống, xuống nữa, xuống nữa, xâm nhập vùng cấm địa, gây rối hàng ngũ địch, nguy hiểm, nguy hiểm dứt mau như chớp. Thủ môn Nam Hoa phóng người cố đấm banh qua sà ngang; nhưng zô, zô …, banh đã tung lưới, phá màn trinh bạch của đội khách. Tả biên Tư, đã không bỏ lỡ cơ hội bằng vàng, san bằng cách biệt, chỉ trong mấy phút phù du”.

Những cụm chữ “một con én không làm được mùa xuân, cơ hội bằng vàng, san bằng cách biệt, tung lưới phá màn trinh bạch, gây rối hàng ngũ địch, phóng người nhanh như cắt đấm banh qua sà ngang, mũi tên vàng nước việt, vua phá lưói, mở tỷ số, như mũi tên xé gió, tràn xuống như nước vỡ bờ, xâm nhập vùng cấm địa, dứt mau như chớp nhưng banh ra ngoài trong gang tấc, trong mấy phút phù du, bàn tay nhựa, bắt banh như để, thọc sâu xuống thành trì kiên cố, xuyên phá, chận đứng, lách người qua hàng phòng vệ, đá móc banh xẹt chui vào lưới, phá vỡ thế công” đã mô tả rõ mồn một các pha gay cấn dang diễn ra ở cầu trường. Nhờ giọng nói trời cho, với nhửng cụm chữ do ông sáng tạo đã mê hoặc cả miền Nam, khiến họ hình dung ngay trận đấu, lúc thì khẩn trương, lúc thì chậm lại; nhưng lúc nào cũng thấy gay go, chờ đợi một đột biến.


Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2021

Phan Thanh Tâm: Hoài Nghi Tin Vịt và Sự Thật

Thế kỷ 21 nhân loại bị hai nạn dịch: Corona-19 và dịch Fake news, tin vịt. Tuy không sắc, không mùi, Covid-19 hay vi khuẩn Vũ Hán đã làm thế giới đảo điên. Sinh hoạt toàn cầu xáo trộn tận gốc. Hiện có trên trăm triệu người mắc bệnh và gần ba triệu người chết; trong đó có hơn nửa triệu người ở Mỹ; nhiều hơn số người Mỹ tử trận trong chiến tranhViệt Nam (58,000), Triều Tiên (36,000) và Thế chiến II (405,000) cộng lại (495,000).Toà Bạch ốc đổi chủ một phần vì đạo quân quá lạ kỳ. Theo khám phá của các nhà bào chế thuốc chống dịch, vi khuẩn nàylà một tế bào có gai lởm chởm, cực kỳ mạnh, khó trị.

Còn dịch Fakenews, Tin vịt thì như những cơn lũ tràn lên trên mạng xã hội, báo nói, báo in, báo hình và lời đồn đại mang theo một loại virus không tên, không dáng, không màu, không mùi gieo rắc tính hoài nghi. Đây không phải hoài nghi cha đẻ phát minh (Doubt is the father of invention) của nhà thiên văn học, vật lý học, toán học, triết học người Ý Galileo Galilei (1564- 1642) từng nói; mà là bệnh hoài nghi dễ sinh ra vô cảm, ngờ vực, đưa đến trầm cảm, hoang tưởng, vẽ ra mưu này, kế nọ, và có thể khiến mức tin cậy nơi báo chí bị suy giảm.

Lịch sử loài người đã trải qua nhiều trận đại dịch: sốt da vàng ở Philadelphia, đại dịch cúm năm 1889-1890, dịch bại liệt ở Mỹ năm 1916, dịch cúm Tây Ban Nha 1918-1920, dịch cúm Á Châu 1957-1958, bệnh Aids năm 1981, dịch H1N1 2009-2010, dịch Zika 2015 và ngày nay dịch Covid-19 hay cúm Tàu. Trước sau gì chúng cũng bị các nhà khoa học truy diệt. Riệng bệnh hoài nghi thì chỉ có tự chữa, tự biết loại trừ giữa thật và giả, biết truy tầm nguồn tin đáng tin cậy. Khốn nỗi, thời đại này là thời đại đồ giả lộng hành: bác sĩ giả, vaccine giả, khẩu trang giả, bằng giả, vú giả, phi công giả, gạo giả, trai giả, gái giả… Tin tức thì ít xít ra nhiều, cắt xén, thêm mắm muối, kèm theo lời bàn khiến người đọc phân vân: có những chuyện khó tin nhưng là thật; thật nhưng lại khó tin.

Trong dân gian đã có câu “làm báo nói láo ăn tiền”. Đài nói láo, báo nói thêm. Nay còn bị tố: truyền thông thổ tả, kẻ thù của nhân dân. Báo chí bị liệt vào loại báo hại, báo đời, báo cô; không còn là báo bổ nữa. Mấy chữ fake news, tin vịt đã có từ lâu, đượcTổng Thống Trump nhắc hằng ngày để chỉ trích báo giới. Đối lại, ông bị tờ Washington Post gán cho là “bậc thầy nói dối”. Cuộc tranh cãi giữa Tổng Thống Trump và quyền lực thứ tư gay go đến nỗi Thống Đốc Dân Chủ ở New York Andrew Cuomo phải phê bình về những giọng điệu của nhà báo với một Tổng Thống. Sự kiện đám đông tràn ngập Quốc Hội ngày 01/06/21 đã khiến các mạng xã hộiTwitter, Instagram, Facebook và Youtube nhập cuộc, áp lệnh cấm đối với tài khoản của Donald Trump vì ông đã có những lời lẽ kích động đám đông.

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2020

Phan Thanh Tâm: Kỷ sự - Nhà Báo Lê Thiệp Qua Đời Nhưng Không Mất

Nhà báo Lê Thiệp qua đời năm 2013 thọ 69 tuổi vì bệnh ung thư nhưng không mất. Anh có một cuốn sách viết dang dở "Ung Thư Ơi, Chào Mi”; nhung sự nghiệp báo chí của anh không dang dở vì anh đã để lại cuốn Lững Thững Giữa Đời. Cuốn sách cho thấy Lê Thiệp đích thực là một nhà báo chuyên nghiệp quí hiếm; trong đó có những bài giá trị giúp biết thêm về Văn Hóa Nhật Trình Saigon của thời Việt Nam Cọng Hòa. Những ai muốn nghiên cưú về báo chí Miền Nam trước 1975 nếu không đọc cuốn này sẽ là một thiếu sót lớn.

Còn cuốn "Ung Thư ơi, chào mi" là một cuốn sách có tựa đề rất thân ái nhằm, để mọi người đừng quá sợ hãi, tuyệt vọng nếu bị xác nhận mắc bệnh; vì ung thư thường được xem như là một bản án tử hình. Tuy nhiên, nhờ tiến bộ của khoa học nhiều bản án đã trở thành án treo. Căn bệnh này không còn thuộc loại hết thuốc chữa. Nhà báo Lê Thiệp trong khi bị ung thư gan ở thời kỳ cuối nhưng vẫn tự tin, đầy lạc quan cho rằng mình sẽ vượt qua được và sẽ toàn thắng. Chẳng may anh đã qua đời ngày 5 tháng bảy năm 2013. ” Ung thư ơi, chào mi" trở thành một tác phẩm dang dở.

Trước đó vài tháng, ngày chủ nhật 24/3/2013, Lê Thiệp đã làm một chuyện mà hiếm người làm là khai báo trước 200 cử tọa, trong một buổi ra mắt sách ở Fall Church Va, gần Washington, thủ đô nước Mỹ, của Tủ Sách Tiếng Quê Hương (TSTQH), được thành lập từ năm(2000), do nhà văn Uyên Thao 80 tuổi, hiện đang mang án treo ung thư có tới 10 năm, điều hành là: "tôi vừa được chẩn trị và bác sĩ sau nhiều lần thử nghiệm đã xác nhận tôi bị ung thư gan tới thời kỳ cuối. Bệnh tật, một trong tứ khổ Sinh, Lão, Bệnh, Tử là điều trong chúng ta không ai thoát khỏi.”

Dịp này, Lê Thiệp đã khẳng định, "sẽ có ngày sách của chúng ta sẽ in và phổ biến tại Việt Nam”. Nhà báo kêu gọi những ai nếu có tình cờ cầm một cuốn sách của TS/TQH thi hãy tiếp tay TS/TQH với cái ước vọng rằng mai này khi trở lại quê hương chúng ta sẽ có không chỉ vài chục mà vài trăm hoặc có khi cả vài ngàn cuốn sách để đồng bào được “nghe, nhìn, đọc thấy một lịch sử do những người Việt đích thực viết về một lịch sử đúng như những gì đã và đang diễn ra.” Theo Lê Thiệp, chúng ta cần In sách để hậu thế có một phản biện ngược lại một guồng máy tuyên truyền khổng lồ với tài chính không giới hạn.

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2020

*Phan Thanh Tâm: Ký sự Saigon Execution - Bức Ảnh Định Mạng



Có một bức ảnh không phải chỉ bằng vạn lời nói mà còn tiềm ẩn một sức mạnh vạn năng, làm bùng phát các phong trào phản chiến khắp toàn cầu, tạo ra một cơn sóng thần, làm thay đổi cả một chính sách, xoay chiều một cuộc chiến, đồng thời trù dập một đời người và cùng đem lại danh vọng, tiền tài cho người chụp ảnh Eddie Adams. Đó là bức hình với lởi chú giải “Tướng Nguyễn Ngọc Loan xử bắn một tù binh Việt Cộng tại Saigon”. General Nguyen Ngoc Loan executing a Viet Cong prisoner in Saigon. Bức ảnh có tên Saigon Execution. Phong trào phản chiến và giới truyền thông Tây phương dùng nó làm biểu tượng cho cuộc chiến Việt nam. 

Thế nhưng, Eddie Adams không muốn ai nhắc đến chuyện bức ảnh đã đem lại cho ông giải báo chí cao quí Pulitzer. Tác giả chụp giây phút sống chết đó nói, bức hình chỉ có nửa sự thật. Ông đã khóc (there are tears in my eyes) khi nghe tin tướng Loan qua đời tại Virginia, hưởng thọ 68 tuổi vì bệnh ung thư. Chẳng những vậy, phóng viên nhiếp ảnh làm việc cho hãng AP còn khẳng định: Tướng Nguyễn Ngọc Loan (1930-1998) là một đại anh hùng (goddamn hero); giữa lúc báo chí Mỹ gọi ông là một kẻ sát nhân tàn nhẫn. Tấm hình lịch sử, trở thành định mạng, góp phần vào việc làm Saigon mất tên, chụp ngày mồng hai Tết ta tức ngày 1 tháng 2 năm 1968 thuộc khu Chợ Lớn, Saigon hai ngày sau khi Hànội, lợi dụng một tuần hưu chiến, mở cuộc tổng công kích-tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân trên cùng khắp miền Nam.

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2020

Phan Thanh Tâm: Nghệ sĩ Võ Đình - một họa sĩ yêu viết

Nghệ sĩ không phải chỉ là người sáng tạo nên tác phẩm. Nghệ sĩ còn là kẻ sáng tạo nên bản thân mình. Không ngừng. Họa sĩ Võ Đình khẳng định như vậy trong cuốn Mây Chó. Về cuối đời ông viết nhiều hơn vẽ. Sau 10 năm sống ở Pháp, sang Mỹ năm 1960 qua nhiều tiểu bang, nơi đâu ông cũng thích ngụ ở vùng thôn dã. Một số bài của ông, gồm 10 truyện ngắn và tùy bút hay tiểu luận được in trong hai cuốn Xứ Sấm sét (1987) và Sao Có Tiếng Sóng (1991), do Văn Nghệ xuất bản, gói ghém tình tự của cố họa sĩ muốn gởi đến độc giả khi ông đề cập tới Huế, tới song thân, tới mỹ thuật, tới Võ Phiến và tới cái mùi của dân tộc: mắm ruốc. Võ Đình (1933- 2009) sinh trưởng ở “cố đô Huế thanh lịch” , học ở trường Quốc học, “bị bắt buộc đi Pháp” năm 1950; theo học văn ở Sorbonne, họa ở Academie de la Grande Chaumière và trường Mỹ Thuật Paris. 

Trong Lời Tác Giả của cuốn thứ hai, Võ Đình cho biết, những điều nói ra không được; viết ra không được thì ông vẽ. Ngược lại, có những điều ông vẽ không được, nhưng cần nói ra thì ông viết. Không vẽ ra được, ông “khổ sở như bị đui mù”; không nói ra, viết ra được ông “đớn đau như bị câm điếc”. Bài đầu tiên Sáng Tác và Tự Do trong cuốn này, đề cập tới buổi hội thảo về “Người Việt và Việt học” tại Đại Học George Mason ở Virginia tháng 12 năm 1981, Võ Đình xác quyết rằng, đối với văn nghệ sĩ tự do là tự do sáng tác, tự do tìm tòi, tự do làm cách mạng văn nghệ; khai phá những con đường mới nhưng không quên thân phận ly hương. Còn sáng tác cho ai là sáng tác cho một nước Việt Nam. Đó là “một thực tại vĩ đại và vĩnh cữu hơn bất cứ một chính thể nào hết”.

Qua cuốn Mây Chó do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ in năm 2004, gồm 10 truyện ngắn và 10 chuyện, cho thấy ông là một nghệ sĩ dấn thân.Võ Đình: “Cam kết rằng suốt đời tận tụy với nghệ thuật. Một cam kết tủy xương. Một commitment. For life.” Ông tự hỏi “nghệ sĩ là cái quái gì? Vịn vào Pablo Picasso ông trả lời: một thằng ngớ ngẩn; chỉ có được mỗi đôi mắt nếu hắn là họa sĩ, mỗi đôi tai nếu hắn là nhạc sĩ, hay cây đàn trong tim nếu hắn là thi sĩ, hay hắn chỉ có những bắp tay cực khỏe nếu hắn là một võ sĩ quyền Anh. Không phải đâu, hắn cũng là một sinh vật chính trị, luôn luôn nhạy cảm với tất cả những gì xảy ra trên trái đất này […] tất cả những gì đó, không cách này thì cách khác, đều có khả năng uốn nắn nhào nặn tinh thần và tâm hồn hắn…” Ngoài ra, trong cuốn Rừng Mắm Văn Nghệ, Võ Đình còn cho rằng, từ cõi hỗn mang, Trời Đất đã cấy vào người nghệ sĩ một cái “mầm” nghệ thuật; sau một thời gian cưu mang họ đẻ ra một tác phẩm.

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

Phan Thanh Tâm: Một Thời Quái Dị



*  Khi nói đến thơ tình người ta thường để ý đến các bức thơ tình của các ngôi sao vang bóng một thời trên sân khấu chính trị, màn ảnh, nghệ thuật hay mấy bức thư của các danh nhân, của ông vua, bà chúa, Napoléon Đại Đế, Hoàng Hậu Josephine, của Tổng Thống Washington, Lincoln, Roosevelt, của các văn hào thi bá Voltaire, Victor Hugo, Beethoven. Mới đây thư tình năm 1943 của viên phi công George H.W. Bush hồi thế chiến thứ II trước khi trở thành Tổng Thống thứ 41 của nước Mỹ gởi cho vị hôn thê Barbara Pierce sau này là Cựu Đệ Nhất Phu nhân Barbara Bush qua đời ngày 17/4/18 ở tuổi 92 cũng đã được nhắc tới. Chẳng ai nghĩ đến thư tình của những cặp tình nhân trong đám đông thầm lặng. Ấy vậy mà ông Võ Chinh Chiến, cựu Đại Úy VNCH vẫn nhớ như in từng dòng, từng chữ bức thư của một cán bộ gác cổng gởi cho người yêu nấu bếp vì ông thấy bức thư quá độc đáo, phản ảnh cả một thời đại.
{Đồng Chí H.. thân mến,
Qua nhiều đêm đấu tranh với tư tưởng anh đã nhất trí yêu em.
Nếu em đồng ý anh sẽ mời ba má anh tới tham quan nhà em. Anh hứa sẽ quản lý tốt đời em và làm đúng theo lời Bác và Đảng dạy.
 Một thiếu, hai vừa, ba thừa, bốn lạc hậu.
Chào đoàn kết để xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa.}

Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

Phan Thanh Tâm: Vinh Danh Cụ Phan Thanh Giản Trên Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Cọng Sản


Tuy cụ Phan Thanh Giản qua đời từ thế kỷ thứ 19 năm 1867 trước khi có chủ nghĩa cọng sản ra đời nhưng cụ đã được một nhóm “Cựu học sinh PhanThanh Giản- Đoàn Thị Điểm và Thầy Cô cùng bạn hữu”  vinh danh trên Đài tưởng niệm nạn nhân cọng sản trên toàn thế giới Arc of Memory (Vòng Cung Tưởng Niệm). Đài sẽ được khánh thành tại thủ đô Ottawa (Canada) vào năm 2018 với kinh phí ba triệu đô ($3,000,000.00)  Số còn lại do cộng đồng các sắc dân gây quỹ từ năm 2009 đóng góp.

Bài viết vinh danh về Cụ Phan có ba bản Việt, Pháp, Anh cho rằng cụ Phan là một nạn nhân đặc biệt của Cọng Sản. Các cựu học sinh đã gởi tài liệu này cho ban điều hành trang nhà  www.tributetoliberty.ca, trong danh mục Contribute. Theo đó, năm 1975 cụ bị xử tử ngay tại sân trường mang tên cụ ở Cần Thơ về tội bán nước và tội tự tử vì hèn nhát. Hai bộ đội cụ Hồ (Hồ Chí Minh, một đảng viên cọng sản quốc tế), đã dùng búa đập tượng cụ, cho đến khi chiếc đầu lìa khỏi cổ trước sự chứng kiến của nhiều quân cán chính Việt Nam Cọng Hòa. Họ bị tâp trung để xem án lệnh đấu tố cụ.

Tin từ cựu học sinh của hai trường nói trên hiện định cư ở Toronto (Canada) còn cho hay, viên gạch tưởng niệm cụ Phan Thanh Giản mang số thứ tự từ 1303 -1312 trên the pathway to liberty. Tên tiếng Anh của nhóm là “The Phan Thanh Giản - Đoan Thi Điem Alumni Group/Teachers and Friends”. Đài tưởng niệm ghi lại những biến cố lịch sử khắp nơi do cộng sản gây ra trên bức tường hướng Bắc và ghi danh tính nạn nhân của các biến cố này trên bức tường nằm ở hướng Nam.

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

phan thanh tâm: Vết Thương Lòng Của Một Thế Hệ


Tuy
n tập Thơ Lính Chiến Miền Nam (ARVN Soldiers Poetry) tập hợp 125 bài thơ của hơn 50 tác giả là tuyển tập có nhiều hình ảnh sống động của thuở tao loan trườc 1975, được vẽ lên bằng chữ về người đi đánh trận với balô, nón sắt, súng dài, súng ngắn, bản đồ, địa bàn; ở một tiền đồn xa xôi, hay trong một cuộc hành quân trên kinh rạch vào một đêm đen kịt, hoặc đang nằm kích ở  một khu rừng vào một buỏi chiều tà lúc trăng vừa ló lên ở bên kia đồi. Tuyển tập còn vang vang tiếng  bom, tiếng đạn, tiếng ca, tiếng khóc, tiếng gió, tiếng lá khô xào xạc, cùng tiếng chửi thề và cả tiếng sóng trong lòng của những người trong cuộc; và dường như có phảng phất cả  mùi tử khí của nhiều xác chết đủ kiểu.

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2016

Phan Thanh Tâm - Nguyễn Ngọc Bích: Một Cái Chết Rất Đẹp


Nhà trí thức dấn thân Nguyễn Ngọc Bích đã có một cái chết đẹp khi anh lìa đời  ngày 3/3/16 trên chiếc phi cơ bay hướng về quê hương để đến Manila thủ đô của Phi Luật Tân nhằm trình bày về việc bảo vệ quyền lợi quốc gia và lợi ích dân tộc Việt Nam trong các buổi hội thảo của Tĩnh Hội/Họp Mặt Dân Chủ lần thứ 15 và Hội Nghị về tình hình Biển Đông Nam Á  lần thứ  hai do bốn tổ chức dân sự gồm hai Việt HMDC, VOICE và hai Phi US Pinoys for Good Governance, Pinoy Patriots United Movement tổ chức; có sự tham dự của  một số sinh viên Phi, và sinh viên Việt đang du học tại Manila.
Anh Bích đã chết quá bất ngờ, quá đột ngột  -  có người ví như một tráng sĩ ngã gục trên mình ngựa khi ra trận tiền – đã khiến những người quen biết anh sững sờ, hụt hẫng, tiếc thương không nguôi. Đây là sự mất mát to lớn cho cộng đồng, cho Việt Nam vì anh là một chiến sĩ văn hóa hàng đầu của đất nước. Không ai có thể thay thế anh được. Cái quan luận định. Đúng vậy. Sau khi anh qua đời tất cả những ngôn từ hay nhất đều gom về gởi tặng anh. Hãy xem lại buổi tang lễ; hãy đọc các phân ưu, chia buồn và các bài viết của nhiều người, nhiều giới trên các phương tiện truyền thông khắp thế giới.

Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

Phan Thanh Tâm - Ngồi


Ai cũng phải có lúc ngồi. Chẳng ai có thể đi đứng mãi. Chỉ có người bệnh nặng mới phải nằm hoài thôi. Theo Việt Nam Tự Điển của nhà sách Khai Trí ở Saigon ấn hành năm 1970 ngồi là đặt đít xuống hoặc gặp chân lại cho đít hỏng. Có tới hơn trăm lối ngồi: ngồi bẹp, ngồi bệt, ngồi trệt, ngồi chem bẹp, ngồi lì, ngồi chóc ngóc, ngồi xó ró, ngồi xếp bằng, ngồi ngom ngỏm, ngồi nhao nháo, ngồi tót, ngồi một đống, ngồi buồn, ngồi cho hỏ, ngồi chong ngóc, ngồi chum hum, ngồi ghé, ngồi xếp chè he... nhưng tôi không thấy tự điển nói tới lối ngồi được viết
 trong Những Lời Dạy Từ Các Thiền Sư Việt Nam (Teaching From Ancient Vietnamese Zen Masters ).                              

Sách này là bản dịch tiếng Anh kèm theo bản tiếng Việt về kho tàng pháp báo của Phật Giáo Việt Nam. Ngoài phần dịch, cư sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải còn viết phẩm bình bằng tiếng Anh và dịch luôn sang tiếng Việt. Đây là những bài pháp, bài thơ và kệ của các thiền sư trải dài 16 thế kỷ, từ Ngài Khương Tăng Hội, vị khai tổ của Phật Giáo Việt Nam ở thế kỷ thứ ba sau Tây lịch đến thế kỷ 19. Tác phẩm “chứa đựng tất cả những tinh yếu của Phật Pháp, đặc biệt và nổi bật nhất là về thiền”.

Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

Phan Thanh Tâm - Cô Gái Huế Thời Tiền Chiến

Hình minh họa: Nguyễn Tuán Khanh

Huế đâu chỉ có sông Hương, núi Ngự, cầu Trường Tiền mà còn có Thôn Vỹ. Thôn này có bóng dáng một cô gái Huế thời tiền chiến: Cô Hoàng Thị Kim Cúc (1913-1989), người tình trong mộng của thi sĩ Hàn Mạc Tử. Cô còn là “Chị Cả” của tất cả anh chị em gia đình Phật tử  ba miền đất nước và Cô còn để lại một di sản văn hóa cho thế hệ mai sau: hai bộ sách nổi tiếng Những Món Ăn Nấu Lối Huế & Cách Nấu Chay. 

Bài thơ Ở Đây Thôn Vỹ Dạ, được Hàn Mạc Tử viết từ năm 1939, đã đưa địa danh Vỹ Dạ và mối tình đầu của một thi sĩ tài hoa nhưng mệnh yểu vào văn học sử. Đó là một kỷ niệm của một mối tình trong trắng, thanh cao và bất diệt giữa hai tâm hồn khác tôn giáo.  Cô Hoàng Thị Kim Cúc, người đẹp trong cuộc, đã xác nhận như vậy. Tuy thế, vẫn có nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi trong hơn nửa thế kỷ qua đã viết về chuyện tình Hàn Mạc Tử + Kim Cúc không trung thực, “có khuynh hướng liêu trai hóa”.   Vì vậy, gần đây mới có cuốn Lá Trúc Che Ngang Chuyện Tình Của Cô Tôi ra đời ở Huế.

Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Phan Thanh Tâm - Một tài liệu bổ túc về trường hợp Phạm Quỳnh

LTS. Sau khi bài “Những ngày cuối cùng trong cuộc đời làm chính trị của học giả Phạm Quỳnh” của Phạm Cao Dương được đăng trên DĐTK ngày 30 tháng 10, 2014, chúng tôi nhận được những dòng góp ý sau đây của độc giả Phan Thanh Tâm. Thực ra sự việc Hồ Chí Minh đã nộp đơn xin học trường Thuộc Địa của Pháp năm 1911 trong đoạn góp ý này không nhằm bổ túc cho bài của Gs Phạm Cao Dương, mà có vẻ nhằm giải thích cho một việc khác: Hồ Chí Minh ra lệnh thủ tiêu Phạm Quỳnh năm 1945. Hãy hình dung tâm trạng của Hồ Chí Minh: khi mình đã nộp đơn vào trường Thuộc Địa mà đơn bị bác bỏ, thì mười năm sau, Phạm Quỳnh đã được ca ngợi nhiệt liệt khi diễn thuyết tại chính trường này.

Trường hợp này có thể gợi ý cho việc nghiên cứu một trong những động lực giết chóc vô số những trí thức yêu nước của Hồ Chí Minh sau 1945, phải chăng trong thâm sâu là để trả thù cho những căm phẫn thua thiệt trong quá khứ? - DĐTK

*

Trong chuyến Tây Du năm 1922, ngày 31/5/1922 Phạm Quỳnh được mời diễn thuyết tại trường Thuộc Địa. Đề tài "Sự Tiến Hóa`Của`Dân An Nam từ Khi Đặt Bảo Hộ Pháp"; trong 1giờ 30 phút bằng tiếng Pháp, được chính giới và báo giới Pháp ca ngợi và nhiều báo xin đăng lại bài thuyết trình.

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Phan Thanh Tâm - Giới thiệu sách: TRẦN ĐỨC THẢO NHỮNG LỜI TRĂNG TRỐI: Hồ Chí Minh: con khủng long ba đầu, chín đuôi

Đã có nhiều tác giả tây ta viết về nhân vật Hồ Chí Minh (HCM) riêng cuốn Trần Đức Thảo Những Lời Trăng Trối là cuốn rất đặc biệt vì sách đã “phân tích sự thật về những hành động khủng khiếp” của họ Hồ bởi một triết gia “lỗi lạc của Việt Nam và thế giới”. Năm 1951 ông bỏ Paris về bưng, qua ngả Mạc Tư Khoa, tham gia kháng chiến chống Pháp; đã từng “trải nghiệm gian khổ trong chiến tranh, trong cách mạng” suốt 40 năm. Nhà triết học họ Trần trước khi mất đã khẳng định, Marx đã gây ra mọi sai lầm và tội ác. Ông còn nói, chính “cuồng vọng lãnh tụ” đã khiến “ông cụ” (Hồ Chí Minh) là một con người “cực kỳ vị kỷ, bất chấp những chuẩn mực của lương tri, của đạo lý”. Theo ông, đây là “một Tào Tháo muôn mặt của muôn đời” và  “là một con khủng long ba đầu, chín đuôi”.

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Phan Thanh Tâm - Người Tù Trong Phòng Giam Tuyết Trắng


 * Phan Thanh Tâm

Chuyện ném xuống biển Nam Hải từ độ cao 10 ngàn bộ một cán bộ cao cấp của Cọng Sản Bắc Việt có biệt danh "The Man in the Snow White Cell" sau hơn bốn năm bị giam trong một phòng lạnh sơn trắng toát bị chê là “không đúng sự thật”, đã khiến nhà báo nổi tiếng Frank Snepp cựu viên chức CIA tại Saigon từ năm 1969 đến 1975, nỗi quạu dằn chai bia xuống mặt bàn. Người chỉ ra sự sai trật là cựu sĩ quan từng liên hệ với CIA khi phục vụ ở Phủ đặc ủy Trung ương Tình báo Việt Nam Nguyễn Tri Tông.

Cựu Đại Úy Nguyễn Tri Tông nói với tác giả cuốn “Decent Interval” (khoảng cách thích đáng) - viết về sự hỗn loạn của Việt Nam Cọng Hoa` năm 1975 - là ông biết rõ nội vụ hơn những điều viết trong sách về người tù đó và là người được lệnh xử dụng trực thăng riêng của Đại sứ Bunker dẫn độ y từ trại Đồng Tâm Mỹ Tho về Saigon. Nguyễn Tri Tông đã dùng còng cột tay mình và tay Nguyễn Tài, tên của cán bộ Cọng sản, trong một chuyến bay đêm đem về giam ở bến Bạch Đằng. Nguyễn Tài đã lạy người đưa mình ra khỏi phòng giam vì tuởng rằng sẽ bị giết vào phút chót của ngày 30/4/75. Để đền ơn, người này về sau được cấp một giấy chứng nhận có công với cách mạng.

Nguyễn Tri Tông tại Củ Chi trước 1975 với nhà báo Zalin Grant

Sách “Lớn Lên Với Đất Nước” của Vy Thanh có nhắc tới sự việc nói trên: dịp may nói chuyện với sĩ quan K. của Phủ đặc ủy Trung ương Tình báo, người đã dẫn độ Nguyễn [văn] Tài từ trại Đồng Tâm ở Mỹ Tho về Saigon. Ông cho biết Nguyễn [Văn] Tài còn sống nhăn cho đến ngày 30-4-75. Giờ chót, Nguyễn Tài hay Nguyễn Văn Tài, bí danh Tự Trọng được người lính gác trại giam số 3 Bến Bạch Đằng tên “Đinh Râu” quê Hóc Môn, từ nóc phòng giam thọc gậy thang xuống giải thoát. Chẳng ai giết Nguyễn Tài, người mà senior official muốn cho chết.

Sách của Frank Snepp năm 1977 viết gì? “Just before North Vietnamese tanks rolled into Saigon, a senior CIA official suggested to South Vietnam authorities that it would be useful if he [Nguyen Van Tai] “disappeared”. Since Tai was a trained terrorist, he could hardly be excepted to be a maganimous victor. The South Vietnamese agreed. Tai was loaded onto an airplane and thrown out at ten thousand feet over the South China Sea. At that point he had spent over four years in solitary confinement, in a snow –white room, without ever having fully admitted who he was” .

Ngoài ra, năm 2000 một tác gỉa khác, A. J. Langguth trong cuốn “Our War. The War  1954-1975 “ cũng có nhắc lại chuyện này. From the CIA office, a senior American agent called the Saigon authorities to suggest that they attend to one loose end before the Communists arrived. Nguyen Van Tai, the North Vietnamese agent Snepp had interrogated, should be made to disappear. The instructions were simple: Lead Tai from  solitary confinement, herd him onto a plane and take him ten thousand feet above the South China Sea. Open the plane door. Push Tai out.

Nguyễn Tài: tài sản quý của đảng

Trong cuốn” Hồi ký Đối Mặt Với CIA”, do Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn Hà Nội, phát hành năm 1999, chính Nguyễn Tài đã trích và dịch lại đoạn văn của Frank Sepp: Ngay trước khi xe tăng Bắc Việt tràn vào Saigon một quan chức cao cấp của CIA đã gợi ý với nhà chức trách Saigon là tiện nhất là y [chỉ Nguyễn Văn Tài] "biến mất". Bởi vì Tài là một tay khủng bố có kinh nghiệm nên khó có khả năng mong đợi y là một người thắng trận rộng lượng. Người Nam Việt đồng ý. Tài bị đưa lên máy bay và bị ném xuống biển Nam Hải từ độ cao 10 ngàn bộ. Đến đây thì ông ta đã trải qua hơn 4 năm bị biệt giam trong một phòng sơn trắng toát và cũng chưa khi nào xác nhận một cách đầy đủ mình là ai.

Điều này chứng tỏ ‘người tù trong phòng giam tuyết trắng” không có bị thủ tiêu như hai tác gỉa Mỹ đã viết. Nhưng Nguyễn Tài là ai? Năm 2004 trong “Khúc khuỷa Đường Đời - Mười năm liên tục đấu tranh để sự thật và lẽ phải được thực hiện”  thuộc loại hồi tưởng và suy nghĩ, đăng trên talawas.org, tác giả cho biết, mình được gỉai thóat khỏi phòng giam ở Bến Bạch Đằng trưa ngày 30/4/75;  sau đúng  4 năm 4 tháng 10 ngày bị cầm tù; đã từng trực tiếp phụ trách an ninh chính trị chế độ; năm 1964 tình nguyện vào Nam; là Ủy viên An ninh Trung ương cục miền Nam; ngày 23/12/1970, bị bắt trên đường đi công tác; lúc đầu còn giữ được tung tích; nhưng sáu tháng sau thì bị lộ.

Nguyễn Tài sau khi được  giải thoát năm 1975


Nguyễn Tài rất có kinh nghiệm trong việc truy lùng ám sát những kẻ phải bị diệt trừ từ năm 1947; là người có cấp bậc cao nhất của miền Bắc vào Nam, đã chỉ huy hơn năm năm các hoạt động tình báo và khủng bố tại Sài Gòn; đã chứng tỏ bản lĩnh trong thời gian bị tra vấn. Dư luận cho rằng, Nguyễn Tài thăng cấp rất nhanh, một phần nhờ tham gia trong đợt đấu tố cha mình, nhà văn Nguyễn Công Hoan và cũng đã tham gia tích cực vào  vụ thanh trừng các phần tử “xét lại”. Cũng có tin nói rằng, từ giữa thập niên 60, Hồ Chí Minh đã điện vào Nam là phải bảo vệ Nguyễn Tài, có  biệt danh Tự Trọng, sinh năm 1926; vì Nguyễn Tài là  tài sản quý của Đảng.

Mùa thu năm 1971, Trần Bạch Đằng, Bí thư Thành ủy Sài Gòn–Gia Định, trong một bức thư qua một tù binh Mỹ được thả, đề nghị trao đổi Tài với Douglas Ramsey, một nhân viên ngoại giao Mỹ, bị Việt Cọng bắt từ năm 1966. Tài trở thành một con bài chính trị cấp cao; đến ngày 30/4/75 thì được giải thoát; gặp lại gia đình sau 11 năm xa cách; về Hà Nội làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ từ đầu năm 1976; không bao lâu thì bị kiểm điểm về một số vấn đề chưa rõ trong thời gian bị địch bắt giam; rồi  được cử làm cục trưởng Tổng cục Hải quan; năm 2002, được tuyên dương là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời chống Mỹ.

Trên đây là một chuyện xưa cũ của thế kỷ trước, nhưng rất cụ thể và điển hình; cho thấy rằng, rất nhiều sự việc trong hai mươi năm nội chiến từng ngày, tuy được kể lại từ một người trong cuộc; nhưng vẫn không tránh khỏi sai trật. Ấy thế mà các ông thầy bàn, các tay phản chiến, các thành phần thứ ba, thứ tư hay chủ nhật lại thích viện dẫn tài liệu của các cây viết ngoại quốc xa lạ, đầy thiên kiến để hù thiên hạ. Frank Snepp, người thẩm vấn Nguyễn Tài, trong một bữa họp mặt Giáng Sinh ở thủ đô Washington năm 1984, sau khi nghe Nguyễn Tri Tông nói rõ nội vụ mới dịu giọng, “thôi bỏ qua cho”; và phân trần sách chẳng đem lợi lộc gì. Cơ quan CIA đã thắng kiện vì cuốn “Decent Interval” phạm luật, tiết lộ nhiều điều chưa được phổ biến.

Thiên Đàng Hạ Giới

Nguyễn Tri Tông, đã về hưu, qua Mỹ năm 1975, làm việc trong ngành kỹ thuật truyền thông, danh thiếp đề Retired Principal Engineer; trước 1975, giữ chức phó giám đốc thư viện quốc gia; cựu giáo chức, động viên Thủ Đức; phục vụ trong các đơn vị tác chiến ở miền Trung; về làm việc ở Phủ đặc ủy Trung ương tình báo; từng được CIA huấn luyện thành thẩm vấn viên. Nguyễn Tri Tông là cháu đời thứ năm của Nguyễn Tri Phương, vị Tổng chỉ huy quân đội triều đình Nguyễn chống lại quân đội Pháp ở Đà Nẵng, Gia Định Hà Nội. Tuy bị thương, vị đại thần không cho chữa trị, tuyệt thực đến chết ngày 20/12/1873, thọ 74 tuổi.



Nhờ gặp Nguyễn Tri Tông trong dịp đi theo nhà tôi dự Đại Hội XVII Phan Thanh Giản – Đoàn Thị Điểm tại Hawaii hồi tháng 10 năm 2013 nên tôi biết thêm chuyện người tù Nguyễn Tài. Nhờ là hậu duệ của những vị đại thần cùng thời (người viết bài này là cháu cụ Phan Thanh Giản, anh Tông là cháu cụ Nguyễn Tri Phương), chúng tôi đã trò chuyện cùng nhau trong một niềm tin cậy và cảm thông, và qua đó, trường hợp người tù binh được trình bày ở phần trên một lần nữa được xác định một cách chắc chắn.



Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

Phan Thanh Tâm - Kiều Việt Nhân Hậu - Kiều Tàu Ác Hiểm

Phan Thanh Tâm 

Hễ nhắc đến nàng Kiều thì ai cũng nghĩ đến số kiếp long đong của nhân vật Thúy Kiều trong truyện thơ của cụ Nguyễn Du. Tên đó đã trở thành biểu tượng cho cái Mệnh Bạc của người Tài Sắc, cái Ngang Trái của Khách Má Hồng bị trôi sông lạc chợ, ba chìm bảy nổi, vùi dập trong chốn phong trần. Giáo sư Đàm Quang Hưng, người chuyển ngữ sang tiếng Việt, một văn phẩm Trung quốc ở thế kỷ 17 của Thanh Tâm Tài Nhân, còn cho rằng, “Kiều Việt nhân hậu chớ không hiểm ác như Kiều Tàu”; khi ông so sánh Thúy Kiều của tác giả bản gốc chữ Hán và cô Thúy Kiều của cụ Nguyễn Du.

Giáo sư Đàm Quang Hưng và Phan Thanh Tâm

Giáo sư Hưng, nguyên Trưởng Khoa Toán trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, một thuyền nhân tị nạn cộng sản, đến Mỹ ông cắp sách đi học lại ở Đại Học Minnesota, cho biết ông có ý định chuyển ngữ bản gốc Truyện Kiều chữ Hán từ trước 1975. Tuy bận bịu còn dạy toán ở trường đại học cộng đồng từ năm 1989, ông đã hoàn thành dự án này tại Houston, Texas ngày Thứ Sáu 21/12/2012. Ông thông thạo chữ Hán là nhờ hồi nhỏ học từ ông ngoại Tổng Đốc Phạm Đình Hoè. Ngày nay, tuy đã 83 tuổi ông còn thuộc nằm lòng Tam Tự Kinh; có thể đọc làu làu 3234 câu thơ Kiều. Giá trị số Pi 3.1416 trong công thức tính chu vi hay diện tích hình tròn, ông cũng có thể nhớ đến 50 số thập phân. 

Trong lời giới thiệu đọc bản dịch Kim Vân Kiều Truyện, Giáo sư Đặng Phùng Quân viết “Dịch giả là một giáo sư toán, việc ông làm văn chương không có gì phải lạ, dường như tinh thần toán học thiên về những hình thái trừu tượng cũng như tinh thần văn chương thiên về những hình thái giả tưởng, mà giả tưởng và trừu tượng là hai mặt bổ sung trong sáng tạo”. Giáo sư Đàm Quang Hưng còn là dịch giả bộ truyện ngắn Liêu Trai Chí Dị cuả Bồ Tùng Linh, một danh phẩm văn chương Trung quốc thế kỷ thứ 17, viết về chồn tinh ma quỷ; có chỗ đứng vững chắc trong văn học sử Trung Quốc vì cốt truyện kỳ lạ cũng như vì thể văn độc đáo.

Dịch giả Hưng năm 2011 đã từ chối thư mời của Giáo sư Tiến sĩ Mai Quốc Liên Giám đốc Trung tâm Quốc học Việt Nam về diễn thuyết về chữ Nôm và truyện Kiều ở Viện Hán Nôm Hà Nội. Ông đã viết trả lời  thẳng rằng “chỉ về nước khi nào chế độ Cộng sản không còn tồn tại ở Việt Nam”. Đọc bản chuyển ngữ, ta thấy cách viết tiểu thuyết của thế kỷ 17. Trước các Hồi đều có câu tóm lược ý chính. Đây không phải là bản chuyển ngữ đầu tiên. Bản dịch gốc này, Truyện Kiều được chia làm 30 hồi thay vì 20 hay 22 hồi như các bản dịch khác. Thời Việt Nam Cộng Hoà, Nha Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa năm 1971 có xuất bản một cuốn do Tô Nam Nguyễn Đình Diệm dịch. 

Kim Vân Kiều Truyện là chuyện một người đàn bà sắc tài toàn vẹn, du xuân gặp nho sinh Kim Trọng. Tài tử giai nhân đính ước. Kiều vì chữ hiếu, bán mình chuộc cha, bị đưa vào  thanh lâu. Thúc sinh tay chơi lấy Kiều làm thiếp; Kiều bị Hoạn Thư vợ cả hành hạ phải trốn; lại gặp ma đầu, bán cho một thanh lâu khác. Tại đây, kỹ nữ gặp người hùng Từ Hải nhưng là một tướng giặc. Kiều dựa thế lấy Đức trả ơn người tốt, lấy Thắng giết kẻ hãm hại mình trong những ngày sống trong ô nhục. Từ Hải chết đứng vì nghe lời Kiều.  Kiều tự vận ở sông Tiền Đường được vãi Giác Duyên vớt.  Lúc Kiều giang hồ lưu lạc, Thúy Vân thay chị lấy Kim Trọng. Sau 15 năm xa cách truân chuyên, Kiều đoàn tụ gia đình; tái hợp người tình xưa nhưng chỉ giao duyên qua thơ nhạc. 

Phù thủy của tiếng Việt

Thúy Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân đoan trang thanh thoát, đẹp, đằm thắm, đa cảm nhưng lại có một trái tim hiểm độc. Nếu ta không báo được cái thù tàn ác của các người thì khi chết ta sẽ làm quỷ dữ để nhai hồn người. Kiều đã tâm niệm như vậy lúc bị sa cơ lỡ vận. Khi thành phu nhân, Kiều ra tay báo thù rửa nhục, hạ lệnh, “”Bạc bà đã đẩy người xuống giếng, sẽ bị chém đầu, thủ cấp bêu lên cây cao. Bạc Hạnh mua con gái nhà lành bắt làm nghề mại dâm, sẽ bị cưa thành trăm mảnh, thịt cho ngựa ăn”. Trả thù vợ cả, Kiều ra lệnh: “lột y phục, giày tất y thị, treo ngược lên mà đánh trăm roi”. Hoạn thị quằn quại như trạch trong tro nóng, như lươn trong nước sôi la hét ầm ĩ. Hai gia nhân vợ cả Hoạn Thư là “Hoạn Ưng, Hoạn Khuyển thì hãy chém đầu”. Trong chốc lát, đao phủ đem vào trình hai thủ cấp be bét máu.

Báo oán ba kẻ ở lầu xanh Lâm Truy, xử Mã Tú, Kiều thét, “Quân sĩ! dắt mụ này đi, dùng nhựa tưới vào thân mụ, treo ngược mụ lên xà ngang giàn cột, đầu chúc xuống đất, chân chổng lên trời, cho đúng lời thề ngày trước”. Với Mã Bất Tiến Kiều bảo, “dẫn đi dùng dao nhọn cắt da ở tứ chi để rút hết gân sao cho tứ chi gã đều bị rũ liệt, cho đúng lời thề của gã”. Đối với Sở Khanh, Kiều phán, “nấu một nồi nhựa thông với vỏ gai, lấy một ang nước lạnh để bên, lột hết y phục gã; một lính múc nhựa sôi mà tưới lên thân gã, một lính múc nước lạnh mà tưới lên sau”. Xong Kiều cám ơn Từ: “nhờ có uy Trời của Đại vương, thiếp báo được hết mối thâm thù”. Trước đó, Kiều đã đền ân cho những người giúp mình, thời bị trôi giạt, phải tiếp người cửa trước rước người cửa sau; và mời họ cùng ngồi coi Kiều rửa hận.

Thúy Kiều của cụ Nguyễn, trái lại thì khác, nhân hậu hơn. Khi quân sĩ dẫn Hoạn Thư ra trình dưới trưóng, Kiều nghĩ chuyện ghen tuông thì cũng người ta thường tình nên truyền quân lệnh xuống trường tiền tha ngay hai mẹ con vợ cả. Trong hơn 40 câu thơ xử oán không hề thấy cảnh dã man: châm lửa đốt kẻ bị treo ngược, dùng móc câu tận lực rút gân Mã Bất Tiến ba bốn lần, chậu nước vôi tưới lên thân Sở Khanh khiến máu chín đen, hay tiếng kêu đau ầm ĩ của mụ Tú khi bị quân sĩ phun nước vào mặt cho tỉnh lại. Tác giả cuốn truyện thơ đã sửa đổi, thêm thắt, sáng tạo cho hợp với tâm tình người Việt; lược bỏ rất nhiều chi tiết rườm rà, thô tục hay dã man, và sắp xếp tình tiết cho diễn biến câu chuyện hợp với luận đề tài mệnh tương đố.

Trăm  năm trong cõi người ta; chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau là hai câu mở đầu bao hàm ý chính cuốn truyện. Mấy câu thơ cuối tác giả bảo, muôn sự tại trời, bắt phong trần, phải phong trần; có tài đừng cậy chi tài; đừng trách trời gần trời xa; mà tất cả đều ở tại lòng ta. Theo Trần Trọng Kim, hiểu truyện Thúy Kiều là hiểu được một phần đạo Phật; có hiểu đạo Phật mới hiểu rõ truyện Kiều. Ở đời bất cứ việc gì hay dở, lớn nhỏ đều là cái quả của một cái nhân tự mình đã tạo ra. Khi đền ân xưa báo oán cũ, Kiều Việt không cậy thế để hành xử dã man, ti tiện như trong truyện chữ Hán. Truyện thơ của cụ hợp với luận đề ác giả ác báo. Kiều hưởng ngay cái nghiệp mới. Trùng phùng với mẹ cha và nối lại tình xưa nhưng chỉ là duyên bạn cho đến già. 

Nguyễn Du phỏng theo truyện này, gửi gấm nỗi lòng, viết thành truyện Đoạn Trường Tân Thanh, theo thể lục bát, rất hợp với cảm quan người Việt, trở thành một áng văn bất hủ. Cụ một lòng với nhà Lê, nhà Lê không còn, phải thờ nhà Nguyễn. Chẳng khác gì Thúy Kiều tình thâm với Kim Trọng nhưng vì gia cảnh, phải xa lìa người tình mơ mà còn phải chịu cái oan khổ trầm luân. Nguyễn Du, bậc kỳ tài, khéo dùng câu, dùng chữ, lời văn lại hay, thâu tóm tất cả cái đẹp của tiếng Việt vào trong một truyện thơ. Đến nay vẫn không có ai bì được. Cố nhà thơ Nguyên Sa có lần nói với Giáo sư Hưng, Nguyễn Du là phù thủy của ngôn ngữ. Học giả Phạm Quỳnh thì cho rằng, truyên Kiều còn, tiếng ta còn mà tiếng ta còn thì nước ta còn.

Một truyện thơ linh ứng

Lại nữa, trong bất cứ cảnh ngộ nào của đời người và người đời hay bất cứ tầng lớp nào trong xã hội từ cao sang quyền quí, thơ ngây trong sáng, cho đến hạng đá cá lăn dưa, đầu đường xó chợ, cùng cực gian ác hoặc hiền lương đức độ cũng được cụ vẽ ra chân dung bằng một vài câu thơ rất khéo, rất thần tình; dù rằng truyện thơ Thúy Kiều được viết từ hơn 200 năm trước. Chữ và nghĩa trong truyện thơ không lỗi thời, không chết. Có thể nói, ai trong chúng ta cũng từng nghe hay từng thuộc lõm bõm vài câu thơ của cụ. Nhà văn Nhất Linh viết trong Mấy lời bình luận về văn chương Truyện Kiều: một bức tranh vẽ cuộc đời cho người biết nhân tình thế thái, một quyển bói cho người hay tin, một tập văn mẫu rất bổ ích cho người làm văn. 

Thơ của cụ Nguyễn Du chẳng những làm say lòng người đọc mà là cuốn thơ duy nhất linh ứng. Cô Ngọc trong cuốn Lều Chõng của Ngô Tất Tố, đã lạy Vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy Tiên Thúy Kiều xin một quẻ trước khi lấy chồng. Nhiều người vuợt biên tìm tự do cũng đã bói Kiều. Họ cho rằng Kiều là một tác phẩm sâu thẳm, bao trùm mọi tình huống. Lỡ chân đã bước vào đây, Khóa buồng xuân để đợi ngày đào non, Người còn thì của cũng còn, Tìm nơi xứng đáng làm con cái nhà là bốn câu thơ đã giúp Phạm Phú Minh, 13 năm tù cải tạo, hiện chủ biên trang mạng diendantheky.net, khi còn ở tù vẫn giữ vững niềm tin rằng, sẽ có ngày, được sống thoải mái ở một nơi khác. Anh cho biết, anh xin được quẻ này trong một đêm rằm Trung Thu năm 1975 ở trại tù cô nhi Long Thành. 

Tuy vậy, cũng có người nêu lên vấn đề đạo đức để chống đối, chê bai Truyện Kiều. Đàn ông chớ kể Phan Trần, Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều. Họ nhắc đền chuyện gái mới lớn lên mối manh chưa có mà đã gian díu với trai; cả gan lén sang nhà Kim Trọng ban ngày còn cả ban đêm để mà đờn địch thơ phú. Ngoài ra, trong cuốn Truyện Kiều Nghệ Thuật Và Lan Toả tác giả Đặng Cao Ruyên ghi lại cảnh thời Cộng sản miền Bắc đốt sách năm 1948, kết án Truyện Kiều là văn chương uỷ mị, văn chương tư sản, văn chương phản cách mạng. Những gì liên quan đến nàng Kiều cũng không thoát được chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất. Nhiều đền thờ và năm gian nhà chứa đầy thư tịch của dòng họ Nguyễn Du ở làng Tiên Điền, tỉnh Hà tĩnh bị tiêu hủy. Nhiều người thân thuộc gia đình cụ bị bắt giam, chết trong tù.

Dù vậy, truyện thơ của cụ Nguyễn Du vẫn được coi như là một áng văn tiêu biểu độc nhất cho văn hóa Việt Nam. Theo cuốn Truyện Kiều Nghệ Thuật Và Lan Toả do Tổ hợp Miền Đông Hoa Kỳ xuất bản, truyện này đã được dịch sang tới 13 thứ tiếng, Á Rập, Anh, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Đức, Hy Lạp (Grec modern), Nga, Nhật, Lỗ Ma Ni (Rumani), Pháp, Tiệp, Trung Quốc và Ý Đại Lợi. Vì nó được dịch trở lại chữ Hán nên từ thập niện 50 thế kỷ XX mới có phong trào nghiên cứu về nguồn gốc của Truyện Kiều. Khi tìm hiểu bản gốc của Thanh Tâm Tài Nhân thì thấy nó tầm thường; đúng như vua Minh Mạng phê bình, tác giả người Trung Hoa viết lan man như nước lụt lan tràn, không chảy thành dòng. Nhờ cụ Nguyễn Du, Thúy Kiều đã vượt không gian thời gian và còn đi vào nhiều bộ môn nghệ thuật khác như âm nhạc, phim ảnh, kịch, hội hoạ. 

Giáo sư Đàm Quang Hưng tuy chỉ chuyển ngữ bản Hán văn của Thanh Tâm Tài Nhân (1607-1677), người tỉnh Sơn Đông, Trung quốc, nhưng thực ra Giáo sư đã đóng góp vào việc tôn vinh đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820). Giáo sư cho biết, bản gốc lấy xuống từ trên mạng trong thư viện văn học của Bắc Kinh. Để có dịch phẩm Kim Vân Kiều Truyện, liên lạc qua diện thoại với giáo sư 832-798-5983.

(Bài nói chuyện buổi giới thiệu sách Kim Vân Kiều Truyện tại Việt Nam Center, Saint Paul, Minnesota chiều ngày 18/5/2013).

Phan Thanh Tâm
Saint Paul, 5/2013

Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

Phan Thanh Tâm - Ai Giữ Tập bản thảo Hoa Địa Ngục?


Phan Thanh Tâm

Tập thơ Hoa Địa Ngục được ai cất giữi kể từ khi Nguyễn Chí Thiện xộc vào Tòa Đại Sứ Anh ở đường Lý Thường Kiệt Hà nội ngày 16/7/79. Bà Lê Mạnh Hùng tức nhà báo Lê Phan cho biết tập thơ được gửi về Bộ Ngọai Giao London. Vì không hiểu nội dung, họ chuyển cho Giáo sư Patrick G. Honey. để tham khảo. Ông là cố vấn, chuyên viên số một về Việt Nam của Bộ.


Bà Trưởng Ban Việt ngữ cũ đài BBC Judy Stowe cho Lê Phan hay là sau khi nhận được trả lời của Giáo sư Honey về tập đó là gì, "họ viết báo cáo và coi như mọi chuyện đã xong". Còn tập thơ, họ hỏi ông Honey có muốn giữ không? Nếu không họ đem hủy. Là một học giả, vị giáo sư này mới xin trao cho ông để làm tài liệu.

Lê Phan trong một điện thư viết rằng, "văn khố nào mà cất một tập bản thảo chưa được xuất bản không tên tuổi". Văn khố Anh Quốc mỗi ngày phải tiếp nhận biết bao nhiêu cuốn sách, thời giờ đâu mà tiếp nhận một bản thảo như vậy. Vả lại, Nguyễn Chí Thiện lúc bấy giờ là "một người vô danh tiểu tốt". Bộ Ngoại giao Anh chẳng muốn giữ thì đưa vào văn khố để làm gì?

Giáo sư Honey, về hưu không còn muốn dính tới vấn đề Việt Nam nữa, đã tặng nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến tập Hoa Địa Ngục khi gặp lại ông bạn già, sau hơn hai chục năm xa cách vì thời cuộc, trong dịp ông Như Phong sang viếng Anh Quốc năm 1997. Thời gian ở Anh, Như Phong tá túc nhà hai vợ chồng Lê Mạnh Hùng. Trước khi về Mỹ, giấy tờ, tài liệu sách báo nhiều quá, ông gửi lại một số. Chẳng được bao lâu, ông lâm trọng bệnh; qua đời ngày18/12/2001, hưởng thọ 79 tuổi.

Ông có ba người anh đều bị Cọng sản giết năm 1945. Nhà báo Như Phong sau 1975 bị đi học tập cải tạo mãi đến năm 1994 mới định cư ở Mỹ. Năm 1993, Tổ Chức Human Rights Watch chọn ông để trao giải thưởng Tự Do Phát Biểu Tư tưởng. Ông từng làm cố vấn cho Cựu Thủ Tướng Phan Huy Quát và Chủ Tịch Uỷ Ban Hành Pháp Trung Ương Nguyễn Cao Kỳ. Từ năm 1962, ông được thế giới biết đến qua những loạt bài viết cho các tạp chí nghiên cứu ở Luân Đơn trên tờ The China Quarterly hay The Forum World Features.

Lê Phan cho biết nhân một buổi dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc, soạn thấy tập thơ của Nguyễn Chí Thiện nên mới định bụng là sẽ trả cho tác giả vì Như Phong đã mất. Lê Phan viết "việc chỉ có vậy thôi. Tụi này hoàn toàn là kẻ đưa thư". Hôm sang Cali vì quá ít ngày, lại không biết ông Nguyễn Chí Thiện nên mới phải nhờ Đinh Quang Anh Thái chuyển lại cho ông này.

Tập Hoa Địa Ngục xuất hiện lần đầu tiên hồi tháng 9/80 do Thời Tập ở Virginia in ra, không tên tác giả, không đầu đề, nhưng đã gây xôn xao trong dư luận vì những vần thơ "có sức phá vạn lần hơn trái phá". Gần hai năm sau, người ta mới biết tác giả là Nguyễn Chí Thiện bị chế độ của Hồ Chí Minh, chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cọng Hoà đày đến tầng cuối địa ngục trần gian,

Phan Thanh Tâm
Saint Paul 28/12/08


Hai Tập Thơ Tù Nguyễn Chí Thiện & Hồ Chí Minh


Tản mạn của Phan Thanh Tâm


Từ tù lớn đến tù nhỏ, từ tù thời Tây cho đến tù thời nay, Việt Nam là nước có số lượng văn thơ tù ngục nhiều nhất thế giới. Đố ai đếm được nước mình có bao nhiêu thơ tù thì cũng như đố ai biết lúa mấy cây, biết mây mấy từng hay đố ai nằm ngủ mà không mơ vậy. Tuy thế, hầu như mọi người trong chúng ta đều nghe nói tới hai tập thơ Hoa Địa Ngục của Nguyễn Chí Thiện và Nhật Ký Trong Tù của Hồ Chí Minh.

Hoa Địa Ngục với “những vần thơ từ đau khổ bao la” xuất hiện lần đầu tiên hồi tháng 9/80 một cách khá ly kì, do Thời Tập ở Virginia in ra, không tên tác giả, không đầu đề , “song sức phá vạn lần hơn trái phá” của tập thơ đã gây xôn xao trong dư luận. Gần hai năm sau, người ta mới biết tác giả là Nguyển Chí Thiện, một cái tên lạ hoắc, bị chế độ của Hồ Chí Minh, chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cọng Hoà, tác giả tập thơ Nhật Ký Trong Tù, đày đến tầng cuối địa ngục trần gian, khiến ông phải than rằng: “Tôi sợ bác Hồ vạn lần hơn bác Hổ.”


Nguyễn Chí Thiện, tác giả 'Hoa Ðịa Ngục'

 Nhật Ký Trong Tù được công bố đầu tiên năm 1960, sau vụ Nhân văn Giai Phẩm; năm 1990 mới cho xuất bản toàn bộ gồm 133 bài. Các bộ máy công quyền Việt Nam đã vận dụng mọi phương tiện để năm châu biết Hồ Chí Minh, chẳng những là một nhà cách mạng mà còn là một nhà thơ, một nhà văn hóa nữa. Khác với Hoa Địa Ngục, tập thơ của họ Hồ viết bằng chữ Hán về tù ngục bên Tàu, từ 29-8-1943 đến 10-9-1943, thời Tưởng Giới Thạch, được dịch ra tiếng Việt để giảng dạy ở các trường trong nước.

Có thể nói sách nào viết về Hồ Chi Minh cũng đề cập tới Nhật Ký Trong Tù. Nó như đứa con cưng được cung phụng đủ điều. Viện Văn Học trong cuốn Suy Nghĩ Mới Về Nhật Ký Trong Tù, với sự cọng tác của 21 Giáo sư và nhà nghiên cứu chuyên ngành cho biết “Nhật Ký Trong Tù của Hồ Chí Minh đã được tìm hiểu, nghiên cứu hầu như về tất cả mọi phương diện và công bố dưới nhiều hình thức khác nhau: khảo luận, giảng dạy, bình thơ...” Tác phẩm này được dịch in ở nhiều nước trên thế giới như Liên sô (cũ), Pháp, Balan (cũ), Hungari (cũ), Trung Quốc, Tiệp Khắc (cũ), Mỹ...

Trái lại, Hoa Địa Ngục “tưới bằng xương máu thịt” trong các nhà tù miền Bắc thì lại là một tai họa, lại có cơ bị chôn vùi theo người cưu mang ra nó. Nguyễn Chí Thiện đã phải mất ba ngày moi trong bộ nhớ ở đầu mình, viết lên giấy 400 bài thơ để đưa đứa con tinh thần đào thoát. Ngày 16/7/1979, ông dứt khoát xộc vào Toà Đại Sứ Anh, xin tị nạn nhưng bị từ chối. Ông trao cho họ tập thơ và ba tấm hình. Ông khẩn khoản mong họ cho Hoa Địa Ngục phổ biến ở các nước tự do.

Vào Tù Vì Sự Thật

Bước ra ông bị Cảnh sát bắt đưa thẳng vô Hoả Lò, được gọi là “Hanoi Hilton”, nơi giam giữ phi công Mỹ bị hỏa tiễn Nga bắn hạ. Đây là lần thứ ba ông sống với “rận, chấy, kẹp cùm, thối khai, dớt dãi”. Lần thứ nhất ông bị bắt năm 1961 sau khi dạy Sử thay cho một người bạn; vì lời nói “nước Nhật đầu hàng bởi Mỹ thả hai quả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki” chớ không như cuốn Cách Mạng Tháng Tám năm 1945 của nhà sách Sự Thật viết “quân Nhật đầu hàng vì thua quân Nga ở Manchuria.”

Lần thứ hai bị tù, năm 1966, vì công an gán ông là tác giả các bài thơ phản động, truyền miệng trong dân chúng ở Hải Phòng và Hà Nội. Ông hay nhẩm thơ trong đầu vì ở tù, giấy bút không có và bị khám trại thường xuyên.  Qua lời tựa tập thơ Hoa Địa Ngục do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ in năm 2006, Nguyễn Chí Thiện thố lộ, “Có những ngày mưa rét, vừa nhẩm đọc, vừa ứa nước mắt, lưng tựa vào tường, người run rẩy”. Để nhớ, ngày nào ông cũng đọc thơ đã làm, “làu làu như một cuộn băng.”

Còn Hồ Chí Minh nếm mùi tù mấy lần? Lần đầu gần hai năm từ 6/1931 đến 1/1933 ở nhà tù Trung Ương Hồng Kông và nhà tù Victoria vì Tống Văn Sơ - tên Hồ Chí Minh bấy giờ - hoạt động cho Cọng Sản quốc tế, bị giam chung với ông già họ Lý “độ 60 tuổi, hòa nhã, mưu trí, và gan góc, giỏi chữ Trung Quốc, làm được thơ.”  Lần thứ hai ở huyện Đức Bảo tỉnh Quảng Tây ngày 27/8/1942. Ông rời hang Pác Bó – mà Nguyễn Chí Thiện gọi là hang Ác Thú – ngày 13/8/1942 trở lại Trung Quốc nhằm tìm sự hỗ trợ cho lực lượng của ông từ các nước đồng minh chống phát xít với cái tên mới là Hồ Chí Minh.

Theo sách báo Cọng sản, sau nửa tháng băng rừng, Hồ Chí Minh bị bắt ở Túc Vinh ngày 27/8/1942; bị giải giam qua 30 nhà tù thuộc 13 huyện tỉnh Quảng Tây. Nhờ sự can thiệp, vận động từ đảng bộ Cọng sản và Liên sô cùng các nhân vật trong chính giới Trung quốc ông được thả ngày 10/9/1943. Hồi ký của nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh cho biết, “Hồ Chí Minh bị bắt vì khám trong người, cảnh sát Tầu phát hiện có rất nhiều đôla. Nghe nói hồi ở Pác Bó, có người đã thấy ông phơi đôla cho khỏi ẩm mốc.”

Con vua thì được làm vua. Thơ vua thì buộc cả nước vỗ tay reo hò khen hay. Đó là thơ tù của Chủ tịch nhà nước dù sinh ở Tàu, viết tiếng Hán. Thơ tù “của người dân đen, của lớp người sống cực nhọc nhất, thê thảm nhất” ở trong nước phải trốn chui trốn nhủi, phải cao chạy xa bay. Hoa Địa Ngục ra khỏi Việt Nam, vọt xa và cao như rồng gặp mây. Nó ghi chép cảnh thực, tình thực, của một giai đoạn lịch sử đớn đau tột độ, không cường điệu, khuếch đại, bôi đen; lấy chất liệu từ muôn ngàn cuộc đời bị tan nát, chôn vùi.

Uy danh của Hồ Chí Minh đã tỏa sáng cho Nhật Ký Trong Tù. Trái lại, Hoa Địa Ngục thì mang tác giả ra khỏi cuộc đời đen thui. Giờ đây Nguyễn Chí Thiện là một trong những tên tuổi Việt Nam lẫy lừng nhất thế giới. Trước đó, tuy chưa biết của cha căn chú kiết nào nhưng báo nói, báo in các nơi đã đua nhau phổ biến “tiếng của cuộc đời nức nở” trong tập thơ. Hơn hẳn Nhật Ký Trong Tù, chưa có nhạc sĩ người Việt nào phổ nhạc; nhiều bài trong Hoa Đia Ngục đã được nhạc sĩ Phạm Duy,  Phan văn Hưng, Trần Lãng Minh, Nguyễn Văn Thành (Dân Chủ Ca) đưa vào âm nhạc. Một số bài có cả lời Anh nữa.

Giải Nobel Về Văn Chương

Ba lần được đề cử lãnh giải Nobel về Văn chương; vào tự điển Who’s Who in Twentieth-century World Poetry; hội viên danh dự của nhiều trung tâm văn bút Pháp, Hoà Lan…; được nhiều giải thưởng: Giải thưởng thơ Rotterdam (1984), Freedom to Write Prize của Trung tâm Văn bút Hoa Kỳ, và ba năm làm khách danh dự của International Parliament of Writers; dịch ra tiếng Anh, Pháp, Đức, Tiệp, Hòa Lan, Trung Hoa, Đại Hàn… bởi các dịch giả nổi tiếng như: Huỳnh Sanh Thông, Nguyễn Ngọc Bích, Ỷ Lan, Võ Văn Ái, Nguyễn Hữu Hiệu, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Ngọc Phách, Bùi Hạnh Nghi, Bùi Xuân Quang, Nguyễn Ngọc Quỳ, Jachym Topol, Dominique Delaunay…

Ngoài ra, nhân Nghị Hội Quốc tế các Nhà văn (Parlement des Ecrivains) ở Âu Châu bảo trợ để giúp ông phục hồi sức khỏe ở St-Lô gần Normandie (Pháp) và  nghiên cứu, diễn thuyết từ 1999 đến đầu tháng 6/2001, ông đã hoàn thành tập truyện Hỏa Lò, gồm sáu truyện ngắn, một truyện vừa. Đôi khi trong cái rủi nằm phục một điều hay. Nhờ bị tống vào “Hỏa Lò gần Trung Ương nhất” nơi “con người gần con vật nhất,” nền văn học Việt Nam có thêm một tác phẩm văn xuôi nói về một địa ngục có thật. Sống tổng cọng 27 năm trong tù, Nguyễn Chí Thiện  đích thực là một chứng nhân của thời đại mả tù và mả lính.

Trong www.vietnamlit.org của G.S Dan Duffy bằng tiếng Anh, mục tự truyện (autobiography), với sự nhuận bút của Jean Libby, một nhà hoạt động xã hội, tác giả Hoa Địa Ngục kể rõ việc xộc vào toà Đại sứ Anh và các lần bị tù cùng thân thế của mình. Nguyễn Chí Thiện sinh ở Hà nội ngày 27/2/39, thành công dân Mỹ  ngày 20/10/04. Qua Mỹ nhờ sự vận động của Đại tá Noboru Masuoka và các tổ chức nhân đạo. Ông có người anh, ông Nguyễn Công Giân, cựu trung tá trong QLVNCH. Ông viết, quả là nhờ số mệnh và sống được là một phép lạ.

Đứa con tinh thần mà ông đưa đào thoát ra nước ngoài ở Toà Đại sứ Anh, gần 30 năm sau đã về lại với người viết ra nó. Trên nhật báo Người Việt, Nguyễn Chí Thiện cho biết khoảng tháng Sáu năm 2008, ông có nhận từ Giáo Sư Lê Mạnh Hùng nguyên bản tập thơ Hoa Ðịa Ngục mà Bà vợ của Giáo Sư Patrick Honey (Phòng Nghiên Cứu Phi Châu và Phương Ðông tại Luân Ðôn) đã cho Giáo Sư họ Lê giữ bản này sau khi Giáo Sư Honey mất (2005). Bản ông viết hai mặt giấy, có nhiều trang bằng mực đỏ. Dưới lá thư viết bằng tiếng Pháp, có ghi tên ông và địa chỉ “136 Rue de La Gare, Hải Phòng.”

Theo Ông, “để giữ an ninh cho tôi, Bộ Ngoại Giao Anh đã cắt bỏ phần này.” Bản  Văn Nghệ Tiền Phong thì do ông Châu Kim Nhân giao cho từ ông Ðỗ Văn. Ông Hùng và ông Văn đều từng làm cho BBC. Hoa Địa Ngục xuất hiện đầu thập niên 80; có lẽ vì vô đề nên Thời Tập lấy câu thơ Tiếng Vọng Từ Đáy Vực làm tựa và Văn Nghệ Tiền Phong thì đặt tên là Chúc Thư Của Một Người Việt Nam. Nhà Xuất Bản Tổ Hợp Miền Đông Hoa Kỳ cho hay, tập tuyển dịch sang tiếng Anh năm 1984 của Huỳnh Sanh Thông (Flowers from Hell) đã khẳng định tựa đề là Hoa Địa Ngục và tên tác giả chính xác là Nguyễn Chí Thiện, dựa trên một bức thư của Giáo sư Honey.

Tác Giả Dởm

Nguyễn Chí Thiện họp báo ngày 25/10/08 ở Quận Cam Cali để phản bác lại chuyện có người nghi ông là Thiện “dởm”; tác giả Hoa Địa Ngục đã chết; Lý Ðông A mới là tác giả thực. Ông thách người tố giác $200,000, nếu chứng minh ông là người giả mạo. Nguyễn Chí Thiện còn trưng dẫn tài liệu việc giảo nghiệm chữ viết, hình ảnh để xác nhận: “Tôi là tác giả tập thơ Hoa Ðịa Ngục”. Một số tên bạn tù hiện ở quận Cam, Hà Nội, Pháp và ngay cả còn trong tù cọng sản cũng được ông nêu ra. Nguyễn Chí Thiện quả quyết nói, “tôi thường đọc thơ cho họ nghe trong tù.”

Thật ra, nếu trường Ecole Coloniale của Pháp năm 1911 cho Hồ Chí Minh xin vào học làm quan, lúc đó tên là Nguyễn Tất Thành thì Việt Nam chắc sẽ không có Việt Gian, Việt Cộng, Việt kiều, không có Đấu tố, Mậu Thân, Mỹ Lai, Chất độc da cam; không thuyền nhân vượt biển, không trại cải tạo; không có Nhật Ký Trong Tù, Hoa Địa Ngục; không có thơ: Yêu biết mấy con nghe tập nói, Tiếng đầu lòng, con gọi Xít ta lin; hay bài hát: 1-2-3, ta là cha thằng Mỹ, 4-5-6, ta là cháu bác Hồ, 7-8-9, ta là lính thủ đô, 10-20, ta là người Xô viết; hoặc câu ca dao: Chiều chiều trên bến Ninh Kiều, Dưới chân tượng bác, đĩ nhiều hơn dân; và tuyệt nhiên không có dịnh nghĩa đầy tính Việt gian: yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa.

Theo dòng đời, ông thành đảng viên Cọng sản năm 1920, được huấn luyện tại Đại học Phương Đông (1923) và Đại học Lénine (1934), Hồ Chí Minh chọn chủ nghĩa Mác Lê làm “cẩm nang thần kỳ” vì ông có một Tổ quốc Cách Mạng Nga để phục vụ; có một sứ mệnh xây dựng phong trào vô sản ở Châu Á để hoàn thành; và có một “người cha, thầy học, đồng chí và cố vấn” là Lénine để tuân phục. Trước đó, năm 1919 ông đã đạo danh Nguyễn Ái Quốc, tên chung của Hội Những Người An Nam Yêu Nước do Phan Châu Trinh đứng đầu, để làm tên của mình.

Tập thơ Hoa Địa Ngục và tập truyện Hỏa Lò của Nguyễn Chí Thiện gây ấn tượng mạnh hơn Nhật Ký Trong Tù và Những Mẩu Chuyện Về Đời Hoạt Động của Hồ Chủ Tịch do Trần Dân Tiên - tức Hồ Chí Minh - viết. Những cảnh bị trói cánh khuỷu, cổ mang vòng xích, ăn không đủ hay ở chung với tù bệnh giang mai cùng tháng ngày tù ngục ở bên Tàu mà họ Hồ tả chẳng thấm vào đâu nếu so với những thống khổ mà Nguyễn Chí Thiện phải chịu trong chế độ lao tù Miền Bắc. Hơn nữa, đảng Cọng sản có cả một mạng lưới bảo vệ Hồ Chí Minh. Thời gian tù Hồng Kông, hai luật sư người Anh bào chữa cho ông và ông còn được ăn cơm Tây, ngủ giường tốt.

Phần Nguyễn Chí Thiện thì đã “sống bẩn thỉu, hôi hám như một con chuột cống, có điều thua con chuột cống ở chỗ đói, rét, ốm, đi không vững.” Thân cô, thế cô, nhiều lúc quá tuyệt vọng, rũ rã, ông muốn chết. Nguyễn Chí Thiện tồn tại được là nhờ “Thơ và Mơ”; phải sống để đưa ra khỏi nước “mầy vần thơ ai oán”. Còn Nhật Ký Trong Tù tung ra chỉ để tuyên truyền, làm đẹp cuộc đời Hồ Chí Minh. Trong  Những Mẩu Chuyện của Hồ Chủ Tịch, ông tự cho mình là cha già dân tộc. Danh xưng dân Ấn tôn vinh Mohandas Gandhi (1869-1948), người đã thuyết phục được Anh Quốc trả độc lập cho Ấn bằng con đường hòa bình ngày 15/8/1947. Hồ Chí Minh đã ăn cắp ý này.

Ai là tác giả Nhật Ký Trong Tù?

Sự nghiệp và cuộc đời hai tác giả khác hẳn nhau. Gần nửa đời người, Nguyễn Chí Thiện chỉ biết hết tù nhỏ đến từ lớn, không vợ con, chay tịnh. Tài sản của ông là Hoa Địa Ngục và Hỏa Lò, được kết nụ, nung nấu trong lòng chế độ mà Hồ Chí Minh đã xây dựng sau 30 năm bôn ba hải ngoại. Sự nghiệp Hồ Chí Minh là làm cách mạng chuyên nghiệp, cướp chánh quyền. Có cả trên trăm lần thay tên đổi họ. Chỉ Đệ tam quốc tế của Liên sô mới thấu rõ “con đường bác đi” vì tên ông có trong sổ lương. Vợ Tăng Tuyết  Minh (1), con Nguyễn Tất Trung (2), nhưng vẫn sống lối độc thân tại chỗ, được tôn làm vua đạo dụ. Một điều giống nhau, cả hai ông đều bị tố: kẻ đạo thơ.

Ở Việt Nam, chẳng ai dám bàn nhiều về chuyện này. Trong bài “19/5 không phải là ngày sinh của Hồ Chí Minh” (3), Đinh Tiểu Nguyễn cho biết, “Ngày 15 tháng 10 năm 1998, tại Ban Việt học của Đại Học Paris VII, Giáo sư người Nhật, ông Kenichi Kawaguchi, Hội viên Văn Bút Nhật bản, Giáo sư tại Đại học Tokyo, Ban Bang giao quốc tế, thuật chuyện ông về Hà Nội. Nghe nói tập thơ Tù của Hồ Chí Minh, ông đã đến Hà Nội tìm đọc và có thể sẽ dịch ra tiếng Nhật. Một giáo sư người Việt thấy vậy, vỗ vai ông vừa cười và bảo tập thơ ấy có phải của ông Hồ đâu mà ông mất công nghiên cứu.”

Theo Wikipedia tiếng Việt, Nhật ký trong tù, nguyên gốc tập thơ chỉ là một quyển sổ tay nhỏ, bìa xanh đã bạc màu, ghi bốn chữ "Ngục trung nhật ký" (tức Nhật ký trong tù), kèm theo bốn câu thơ và một hình vẽ hai nắm tay bị xích; bên trong gồm hơn 100 bài thơ chữ Hán và một số ghi chép; ở trang đầu ghi 29.8.1932 và ngày 10.9.1933, trang sau ghi 29-8-1942 và 10-9-1943 là lúc Hồ Chí Minh bị bắt ở Quảng Tây.  Điều này làm nảy sinh nhiều nghi vấn về tác giả và thời điểm sáng tác của tập thơ.       


Đã có nhiều bài báo bàn ra tán vào về nghi vấn ai là tác giả. Trước hết là con số bài thơ trồi sụt bất thường. Ngày tháng tù của ông Hồ ở bìa sách và lưng sách sai biệt 10 năm. Chữ viết có vẻ khác. Trang đầu dùng chấm, chữ nghiêng trái. Trang chót dùng gạch ngang, chữ hơi ngã phải. Hầu hết các bài báo cho là Hồ Chí Minh lấy thơ người khác rồi viết thêm thơ mình vào; nên Hồ Chí Minh không thể là tác giả của Ngục Trung Nhật Ký gốc được. Mặt khác, trong cuốn “Vừa Đi Đường Vừa Kể Chuyện,” tác giả T. Lan cũng là tên của Hồ Chí Minh cho biết: Ở Quảng Tây ông chỉ bị bắt “giải đi suốt 18 nhà lao”.

Giáo sư Lê Hữu Mục, dạy Triết trường Quốc Học Huế và các Đại Học Văn Khoa trước 1975, nhờ còn ở Việt Nam sau 30/4/75 nên ông đã “thọc sâu vào được cái bóng tối dày đặc bao bọc chung quanh tập thơ.” Qua Canada ông đã viết tập “Hồ Chí Minh không phải là tác giả Ngục Trung Nhật Ký.” Theo ông, ban tuyên giáo Cộng Sản đã rất công phu trong việc gán ép quyền tác giả tập thơ cho Hồ Chí Minh. Trong tương lai, vẫn theo giáo sư, “nó sẽ bị đánh bật ra khỏi tay Hồ Chí Minh, sẽ được trao trả cho tác giả đích thực của nó là già Lý.” Đó là ông lão hay làm thơ, cùng bị giam với Hồ Chí Minh ở Hồng Kông những năm 1932-1933.

Vụ Đạo Thơ lớn Nhất Trong Lịch Sử

Tập biên khảo, được xuất bản bởi Ủy Ban Tố Cáo Tội Ác Hồ Chí Minh năm 1990 ở Paris còn cho biết, “quốc tịch Trung Hoa của con người trong tập thơ nổi bật lên một cách dễ dàng,” nếu đọc kỹ các bài thơ. Con người này là Ông già Lý, chúa một dãy núi, kể lại đời sống ở những vùng rừng núi khi còn trẻ qua nhiều bài thơ trong cuốn sổ tay đó. Ngoài ra, có những từ liên hệ trực tiếp với Hồng Kông hơn là ở Quảng Tây; phù hợp với con số 1932-1933 mà nhà văn Đặng Thái Mai đã nêu ra, mới đúng là năm viết Nhật Ký Trong Tù.        
                         
Viện Văn Học trong cuốn Suy Nghĩ Mới Về Nhật Ký Trong Tù đã bác lập luận của  Lê Hữu Mục bằng bài “Câu Chuyện Tác Giả Ngục Trung Nhật Ký” của Phó Giáo sư Phan Ngọc tức Nhữ Thành. Phó giáo sư này, khẳng định là tập thơ “viết cùng một thứ chữ; xuất xứ đâu có phải mơ hồ.”  Tác giả Nhữ Thành còn cho rằng, “Quyển sách Lê Hữu Mục viết ra thực tế là hành động giơ dao.”  Ông khuyên Giáo sư này, “Nên buông dao thì hơn.” Về dòng chữ đề ngày 29.8.1932 – 10.9.1933 ở ngoài bìa, Viện văn học biện minh là để “nguỵ trang.”  

Dù vậy, những phản biện của Viện Văn Học không đủ thuyết phục, không đánh tan được nghi vấn ăn cắp thơ của Hồ Chủ Tịch từ nửa thế kỷ nay. Đây là một vụ án đạo văn thơ lớn nhất trong lịch sử văn học Việt Nam, có sự hỗ trợ của quyền lực. Thời gian chỉ làm dịu vơi nỗi khổ, niềm đau; chớ không thể xóa bỏ sự hoài nghi hay gian ác được. Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử Việt Nam bằng con đường cách mạng vô sản, để lại nhiều mả tù, mả lính, xương trắng Trường sơn, và gây cảnh Nam Bắc phân ly, huynh đệ tương tàn. Đường vào văn học sử thì khác. Rất dễ nhưng rất khó. Nó đòi hỏi sự thật và nghệ thuật.

Tù nhân Nguyễn Chí Thiện, trước các làn sóng tố cáo “Thiện giả, ăn cắp thơ,” đã chấp nhận giảo nghiệm hình ảnh và chữ viết của mình để minh chứng tên tác giả thực của Hoa Địa Ngục. Đảng Cọng Sản Việt Nam thừa kế di sản Hồ Chí Minh tổ chức cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ 3/2/2007 đến 3/2/2011 thì không gì cụ thể và ngay thẳng hơn: cho công bố cuộc giảo nghiệm chữ viết và con số cùng bút tự chữ Hán trong các di cảo của ông Hồ với cuốn sổ gốc Nhật Ký Trong Tù. Nếu hô hào suông, thần tượng Hồ Chí Minh chỉ là: Trông xa ngỡ tượng tô vàng; Nhìn gần lại hóa toàn là đồ gian.

Thật vậy, thực tiễn mới là thước đo chân lý. Muốn biết về thời đại Hồ Chí Minh thì “Hãy lắng nghe tiếng vọng từ đáy vực” bằng cách đọc Hoa Địa Ngục và Hỏa Lò.  Kinh nghiệm Cọng sản là một cái gì cụ thể. Trong “Hồi kí Nguyễn Hiến Lê”, một học giả có cả trăm đầu sách, rất có ảnh hưởng ở miền Nam, ông viết, muốn thấy chế độ đó ra sao thì phải sống dưới chế độ. Đó là bài học đầu tiên và vô cùng quan trọng mà tôi và có lẽ cả 90% người miền Nam rút được. Mấy ông Tây bà đầm, các nhà khoa bảng lẫy lừng khi nói đến họ Hồ nên nhớ đến lời này. Mong lắm thay!

Phan Thanh Tâm
Saint Paul, 12/08

(1)      http://www.gio-o.com/NguyenDuyChinhTangTuyetMinh.htm
(2)      http://www.geocities.com/xoathantuong/bt_sophanntt.htm
(3)      http://www.geocities.com/xoathantuong/dtn_1905hcm.htm
   


Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Phan Thanh Tâm - Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Ông Già và tivi


  Phan Thanh Tâm

“Ông già và Biển cả” của văn hào Ernest Hemingway ấn hành năm 1962 là một người nghèo khổ nhưng không chút buồn nản trước mọi hoàn cảnh; lấy biển khơi làm lẽ sống; còn các ông già ở Mỹ thì sống cô đơn, không phải lo về sinh sống mà lại có một nỗi buồn ray rứt thật khó tả vì các ông thấy sự sống của các ông đã bắt đầu ra đi bằng những bước chậm rãi. Tuy chán đời, nhưng vì thế giới của những năm đầu Thiên niên kỷ III có nhiều chuyện lạ khiến các ông xem TV nhiều hơn. Nhờ vậy, các ông mới nhận thấy có một người bạn chung thủy vẫn luôn luôn ở trong phòng ngủ các ông. Người bạn đó là cái TV.

Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh
Từ đây, cái máy TV không chỉ là bạn mà còn là một người Thầy rất hấp dẫn. Hấp dẫn hơn cả những người tình của các ông khi còn trẻ. Các ông ghiền ông Thầy, ghiền cái máy TV vì nó đã cho các ông biết từng giờ, từng phút các sự việc xảy ra trên khắp thế giới. Các ông tò mò chăng? Không, học hỏi đấy!  Và các phim điện ảnh trên TV là trò giải trí chăng? Nó còn hơn gấp bội lần giải trí, vì đó là những câu chuyện về con người, về những cuộc sống với những tình tiết éo le, phức tạp, khiến các ông đôi khi cười lên như nắc nẻ, hay nhỏ lệ thương đau. Ông Thầy TV đã dạy những bài học thấm thía về tình, tình đời cũng như tình người, chữ thời cổ là nhân tình thế thái, nhất là tình yêu của trai gái.

Đây là những giòng trích trong bài báo ÔNG GIÀ VÀ TIVI của một ông cụ 89 tuổi. Ông cụ này là cố nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh. Ông trao cho tôi mẫu bài này hồi mùa hè năm 2009 khi tôi đến San Jose’ ở lại nhà ông hai ngày nhân dịp sinh viên báo chí Vạn Hạnh miền Đông Bắc và một số anh em Việt Nam Thông Tấn Xã cùng tổ chức mừng 60 năm làm báo của ông. Bài báo còn viết, con người học từ cái máy, không phải để bắt chước y hệt mà phải biết sàng lọc, loại bỏ những vu khống, lạm dụng. Ông cụ nhắn nhủ, hãy mở bộ óc ra để thâu vào những tư tưởng tự do trong sáng của thời đại mới, thay vì đóng óc để giữ chặt chủ trương bảo thủ cực đoan đã lỗi thời.

Sinh ở Bắc giang năm 1921, qua đời ngày Chủ Nhật 12 tháng 8 năm nay, hưởng thọ 92 tuổi, nhà báo Sơn Điền thuộc thế hệ già nhất trong làng báo tiếng Việt hải ngoại.  Ông vào nghề nhờ cuốn “A.B.C du Journalisme” rách nát của bậc đàn anh Trần Việt Sơn trao cho từ năm 1948 và viết truyện ngắn dưới bút hiệu Tùng Khanh. Suốt đời sống đạm bạc bắng ngòi bút; bài báo cuối cùng của ông là bài Kinh Động Vũ Trụ  ngày 7/19/12 nói về các nhà Thiên Văn Mỹ đã tạo ra một loại máy khám phá những bí mật của Hoả tinh. Tại sao không an dưỡng với tuổi già mà viết nhiều vậy? Ông nói vì có mối sầu vong quốc. Ông mượn lời nhà văn được gỉải Nobel năm 2000 Cao Hành Kiện để trả lời: viết cho dịu đi những nỗi thống khổ trong lòng. Để theo dõi thời sự, ngoài xem TV, Internet ông còn đọc nhiều loại sách báo ngoại quốc.

Theo nhà báo lão thành, báo mà không có tin tức thì không thể là báo. Tuy báo đọc không thể có tin sốt dẻo, đưa tin nhanh bằng tin chớp nhoáng (breaking news) của CNN, CBS, NBC, ABC... hay Headline News của mấy đài phát thanh; nhưng báo đọc sẽ không thua báo nhìn (TV), báo nghe (Radio) và sẽ không biến mất. Tin nhanh cần; nhưng báo đọc cung cấp nhiều chi tiết làm nổi bật ý nghĩa thực sự của tin. Những chi tiết đó chỉ có thể có với thời gian và với lời bình của các nhà phân tách thời sự. Trong bài Bước Nhỏ, Đường Dài (tháng 8, 1966) viết về nghề mà ông đã cống hiến cả đời, từ lúc ban mai cho đến lúc xế chiều, ông đặc biệt nói đến đạo đức, kỹ cương và tinh thần trách nhiệm nằm trong lương tâm của người ký giả chuyên nghiệp hay nghiệp dư.

Trong bài báo, ông còn cho thấy ước vọng xây dựng ngay tại hải ngoại một nền tảng cho một ngành báo chí hiện đại và lành mạnh cho đất nước Việt Nam trong tương lai, khi chế độ độc tài đảng trị phải nhường bước cho một chế độ tự do dân chủ, tôn trọng nhân quyền. Việc viết báo tiếng Việt ở các nước tự do có cộng đồng người Việt cư ngụ có sứ mạng bảo tồn ngôn ngữ mẹ đẻ và phong phú hóa tiếng Việt bằng việc dịch ra tiếng Việt các từ ngữ mới mỗi ngày một nhiều ở những nước đứng hàng đầu về phát triển truyền thông.  Vẫn theo ông, định luật số một của nghề làm báo là khiêm tốn, ký giả không được coi thường độc giả. Độc giả là người thầy của nghề làm báo.

Nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh làm việc cho Việt Nam Thông Tấn Xã, thường được gọi là Việt Tấn Xã (VTX) từ năm 1951 ở Hà Nội; từng làm phóng viên, đặc phái viên; phiên dịch viên Anh, Pháp, phụ trách các bản tin quốc nội, quốc tế; tu nghiệp, thực tập tại thông tấn Kyoto, thông tấn Jiji, nhật báo Mainichi, nhật báo Asahi; mê say các môn Vật lý, Không gian, Vũ trụ nên ngoài việc viết bình luận về thời cuộc, ông còn viết về các đề tài khoa học. Thông thạo Anh, Pháp và Nhật, cộng tác với các báo Thần Chung, Đuốc Nhà Nam, Dân Chủ Mới, Saigon Mới, Tiếng Chuông, Trắng Đen, Quyết Tiến, Hoà Bình, Độc lâp…; dịch thuật tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, Nghê Khuông, Gia Cát Thanh Vân từ nguyên chữ Hán cho các báo Việt Ngữ ở Saigon.

    Một nhà báo quí hiếm

Năm 1965  ông được cử làm Tổng Thư Ký Việt Tấn Xã, chịu trách nhiệm ba ấn bản Anh, Pháp, Việt, điều hành hàng trăm nhân viên; cơ quan này có tổ chức như một Tổng Nha tự trị, nhưng ông vẫn có cung cách một nhà báo. Việt Tấn Xã sinh hoạt như một toà soạn, coi nhau như anh em một nhà; ai cũng kính trọng quí mến ông, gọi ông bằng Anh. Sau 1975, ông bị đi tù 12 năm ở Gia Trung Pleiku, cùng với nhiều nhà văn, nhà báo, nhà thơ khác. Thời gian bị giam cầm, ông “bao giờ cũng là tấm gương sáng hiểu biết, bình tĩnh, hòa nhã”. Tháng 2/1992, ông bà sang Mỹ đoàn tụ với các con ở San Jose’, lúc đó đã hơn thất thập, ông không dừng bút mà tiếp tục viết cho mục Trước Thời Cuộc cho đến khi hết ngồi viết nổi. Người bạn đời mất trước ông bảy năm.

Trong cuốn “Tâm Pháp Khí Công”, xuất bản mùa thu năm 2009 mà ông là tác giả, nhà bình luận thời cuộc cho biết nhờ tập luyện như những điều viết trong sách, tinh thần và thể xác ông còn kháng kiện, làm việc bình thường 6, 7 tiếng đồng hồ một ngày, trừ chủ nhật, “tôi chỉ làm có 4 tiếng”. Trong cuốn sách này, ông còn kể lại hồi trẻ ông cũng có học võ Thiếu Lâm; thời gian ở Nhật học “Kiếm đạo”, (Kendo), tìm hiểu về Nhu đạo, Thiền, nghiên cứu về Yoga, Hiệp khí đạo (Aikido) của Nhật và Thái Cực Đạo của Đại Hàn. Ngoài ra, ông còn có để ý đến nhiều phương pháp luyện công, luyện khí bắt nguồn từ sự khai sáng của Đạt Ma Tổ Sư ở chùa Thiếu Lâm, liên quan tới Phật pháp.

“Vô Tư, Trung Thực, Tôn Trọng Độc Giả; chúng tôi đưa tin, độc giả phán xét”. Đó là những lời trong bài góp ý với Đại Hội truyền thông hải ngoại hồi tháng 4 năm 2003 tại Cali, của nhà báo lão thành. Ông nói, hai cột trụ của nghề làm báo là kiến thức và đạo đức. Theo ông, học vấn giản dị chỉ là sự tích lũy kinh nghiệm. Trau dồi kiến thức không nhất thiết chỉ ở trường học mọi cấp mà ở trường đời. Nghề báo là môi trường tốt nhất cho sự học hỏi. Hành nghề báo chí phải kiên nhẫn chiụ khó tự học, ngày ngày phải học và học mãi cho tới già. Nghề này là một nghề tự do, không ai đòi hỏi bằng cấp hay giấy phép. Có kiến thức rộng mới có tư duy sâu sắc, luận bàn chín chắn.

Về báo chí và đạo đức, ông cho rằng nó nằm trong những đạo lý thông thường về nhân phẩm và tư cách của con người. Đây là một mảnh đất rất mông lung vì cái đạo đức của tôi có khi không giống cái đạo đức của anh. Tuy nhiên, tất cả tùy thuộc vào chữ Tâm, nơi chứa toàn bộ năng lượng con người. Đó là tinh thần trách nhiệm. Ông kể chuyện Trần Quang Ngọc trong Tiêu Sơn Tráng Sĩ của Khái Hưng, giả làm nhà sư hoạt động chung với nữ hào kiệt tài sắc vẹn toàn Nhị Nương trong thời Mạc Lê. Trai tài, gái sắc tình chiến hữu sâu đậm nhưng vẫn trong sáng. Có người hỏi, Quang Ngọc đáp, “ta nhờ chiếc áo cà sa này để tranh đấu thì không nên làm cho nó nhọ nhem đi”.

Vẫn theo nhà báo này, cái khó nhất của nghề báo bổ là dễ mắc sai lầm vì phải chạy đua với đồng nghiệp, cọng thêm với sự hăng say của nghị luận trong tư tưởng. Kỹ thuật truyền tin càng mau lẹ, sai lầm càng dễ mắc. Ông nói, nắng mưa là bệnh của trời, làm sai là bệnh của người thế gian. Vấn đề là có biết nhìn nhận những sai lầm đó để sửa chữa hay không? Cũng trong bài góp ý nói trên, nhà bình luận thời cuộc lão thành còn viết, làng báo chúng ta tuy có những cá nhân độc lập về chính trị nhưng lại có một nền tảng chính trị vững chắc không ai dị nghị, là tự do ngôn luận, tự do báo chí. Chế độ nào bóp nghẹt những tự do đó, chúng ta chống lại.

Năm 1965 nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh dạy môn báo chí tại các trường Đại Học Vạn Hạnh và Chính trị kinh doanh Đà lạt. Ra hải ngoại năm 2007 ông cho xuất bản tuyển tập “Những Mùa Xuân Trở Lại” và năm 2009 cuốn “Tâm Pháp Khí Công”.  Cụ Sơn Điền hưởng thọ 92 tuổi, qua đời nhưng không mất, chỉ mờ dần thôi  như câu nói của Đại Tướng Douglas Mac Arthur Old Soldiers never die, They just fade away (Những người lính già không bao giờ chết. Họ chỉ mờ dần đi). Một nhân viên từng làm việc dưới quyền ông và cũng là sinh viên của ông khi nghe tin ông ra đi đã viết Thầy Khánh là một nhân vật quí hiếm trên đời, tôi rất nể phục và kính yêu, nghe tin thầy qua đời thật là buồn.

Phan Thanh Tâm,
Saint Paul  8/12