Hiển thị các bài đăng có nhãn Phan Tấn Hải. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phan Tấn Hải. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2023

Thơ tình cho ngày Valentine

Hình minh hoạ, Jamie Street
Trần Mộng Tú: Tình Yêu 

Anh hỏi em


Tình yêu là gì?


Làm sao em biết được

nó không có nắp

không có đáy

không có chiều ngang

không có chiều dài

nên không chạm tay vào được

không phải lửa

không phải nước

cũng không phải khí trời

nhưng thiếu nó

làm anh nghẹt thở

nó đốt ngực anh cháy đến cấp ba

và có lúc làm anh

sặc sụa


Tình yêu

không có bắt đầu

không có chung cuộc

nên khi một người nói

“thôi đi”

thì người kia lại đi treo cổ


Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2021

Phan Tấn Hải: Ngô Thế Vinh ấn hành bản song ngữ "Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch / Mekong The Occluding River"

Bạn muốn biết về tình hình Sông Mekong, nơi nuôi sống 20 triệu dân Việt Nam và cũng là dòng sông chiến lược đang bị Trung Quốc chẹn họng đầu nguồn? Tác phẩm song ngữ "Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch / Mekong The Occluding River" dày 700 trang của Ngô Thế Vinh đã ghi lại các dữ kiện độc giả Việt cần biết về sông Mekong dài hơn 4.800 km bắt nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng chảy ra tới Biển Đông. Trong sách này, độc giả sẽ nhận ra vì sao Trung Quốc đã dựng lên chuỗi các con đập thủy điện dọc sông Mekong để vắt cạn dòng hạ lưu, làm khô cạn nguồn sống của Đồng Bằng Sông Cửu Long nơi từng là vựa lúa của dân Việt Nam. Dân tộc Việt có cách nào tìm ra đường sống mới hay không, khi đầu nguồn đã bị nghẽn mạch?

Tác phẩm dày 700 trang, với 362 trang tiếng Việt và phần còn lại viết bằng tiếng Anh, sẽ giúp mọi gia đình hiểu biết về một dòng sông đang trở thành chiến trường thầm lặng giữa đại bá phương Bắc và nước nhỏ phương Nam. Tương lai dân tộc sẽ đi về đâu, một phần cũng từ cuộc tranh chấp nơi sông Mekong.

Tác phẩm song ngữ "Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch / Mekong The Occluding River" Của Ngô Thế Vinh vừa do Văn Học Press & Việt Ecology Press ấn hành đầu tháng 6/2021. Trên mạng Amazon, nơi phần giới thiệu tác phẩm, ghi lời Giáo sư Võ Tòng Xuân (Rector Emeritus, An Giang University, Vietnam) viết về tác phẩm này:

"Bác sĩ Ngô Thế Vinh từ lâu đã quan tâm sâu xa tới các biện pháp bảo vệ hệ sinh thái Sông Mekong và Đồng Bằng Sông Cửu Long. Ông đã thu thập một khối lượng dữ kiện quý giá liên quan tới con Sông Mekong dài hơn 4,800 km bắt nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng chảy ra tới Biển Đông. Rất nhiều bài viết tâm huyết của ông đã cung cấp cho bạn đọc trong nước Việt Nam cũng như ở hải ngoại những thông tin hữu ích về chuỗi các con đập thuỷ điện khổng lồ Vân Nam cùng với những ảnh hưởng tác hại ra sao trên đời sống của bao nhiêu triệu cư dân ven sông. Ông không ngừng tạo sự quan tâm tới vấn đề này không chỉ ở Việt Nam mà cả với dư luận quốc tế. Đáp ứng sự khẩn trương ấy, ông cũng đã hoàn tất một cuốn ký sự có tên "Mekong - Dòng Sông Nghẽn Mạch" là những ghi nhận sống động về những trải nghiệm trong suốt cuộc hành trình dọc theo con Sông Mekong. Bác sĩ Vinh tuy không sống ở Việt Nam nhưng trái tim và trí tuệ ông vẫn luôn luôn gắn bó với sinh mệnh của dòng sông Mekong - Cửu Long."

***

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2019

Phan Tấn Hải: Nhà Biên Khảo Vy Thanh Ấn Hành - Ho Chi Minh, A Documentary Study

Nhà biên khảo Vy Thanh và tác phẩm “Ho Chi Minh: A Documentary Study.” (Photo PTH)

Bạn muốn tìm một tác phẩm nói đầy đủ về cuộc đời ông Hồ Chí Minh, người mang Chủ nghĩa Cộng sản vào Việt Nam, bằng tiếng Anh để hế hệ trẻ hải ngoại hiểu được vì sao bạn kinh sợ Chủ nghĩa CS và trở thành người tỵ nạn? Bạn muốn giải thích cho thế hệ trẻ về những thảm cảnh dân tộc đã trải qua dưới chế độ CS? Bạn muốn thế hệ trẻ đọc các hồ sơ mật bằng Anh văn về ông Hồ Chí Minh từ các văn khố an ninh của Nga, Trung Quốc, Pháp quốc… để biết về khuôn mặt thật của người khai sáng chế độ CSVN? Bạn muốn thế hệ trẻ đọc về ông Hồ với một số giấy tờ nêu nghi vấn ông thủ tiêu một số lãnh đạo CSVN thời kháng Pháp (như Hoàng Đình Giong) để giành quyền lãnh đạo, hay về chuyện Nguyễn Thị Minh Khai (vợ chính thức của Lê Hồng Phong) có đứa con gái với ông Hồ, hay về hồ sơ và hình ảnh nhân vật Thiếu Tá Hồ Quang có phải đã đóng thay ông Hồ sau khi Nguyễn Ái Quốc có tin đã chết… Có một tác phẩm nghiên cứu viết bằng tiếng Anh đi tìm câu trả lời cho bạn.

Tác phẩm “Ho Chi Minh: A Documentary Study” (sẽ viết tắt: HCMDS) viết bằng tiếng Anh của tác giả Vy Thanh – tức Giáo sư Nguyễn Văn Thùy, tốt nghiệp Tiến sĩ Giáo dục tại Michigan State University năm 1970 – vừa ấn hành tuần qua, và dự kiến sẽ lưu hành qua mạng Amazon. Tác giả đã để ra nhiều tháng bay sang Paris, Moscow, Bắc Kinh để tìm các hồ sơ từ Văn Khố Pháp, Nga, Trung Quốc về các lãnh tụ CSVN thời sơ kỳ.

Tác phẩm dày 330 trang, chứa đựng nhiều hình ảnh chưa từng được phổ biến về ông Hồ, về những người liên hệ ông Hồ (kể cả các tình nhân, bạn gái), thẻ căn cước từ thời Pháp, các thủ bản lưu giữ trong các văn khố quốc tế…

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2018

Phan Tấn Hải: Đọc Thơ Trần Yên Hòa: Hơn Năm Mươi Lăm Năm Thơ



Nhà thơ Trần Yên Hòa vừa phát hành thi tuyển “Trần Yên Hòa: Hơn Năm Mươi Lăm Năm Thơ”… Đó là một tuyển tập gói trọn một đời thơ, cũng là nơi mang rất nhiều tình tự với quê nhà, với những khung trời kỷ niệm tình ca. 

Đó là một tập thơ, khi bạn mở ra đọc vài trang, sẽ thấy như bị lôi cuốn đi mãi theo dòng ngôn ngữ. Bởi vì, thơ Trần Yên Hòa có nơi không còn là chữ, mà đã là cái gì rất gần gũi với chính bạn. Tuyển tập thơ của anh không chỉ là dấu mốc sáng tạo thi ca Trần Yên Hòa, mà cũng là một tấm gương soi mặt hồn thơ cho một một thế hệ, những người sinh ra và trưởng thành trong một cuộc nội chiến, và đã đào tỵ vào thơ như một thế giới hòa bình bay bổng riêng.

Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2017

Phan Tấn Hải: Nhà Thơ Hoàng Xuân Sơn với Thơ Quỳnh


Mở ra trang đầu thi tập "Thơ Quỳnh" chúng ta gặp ngay lời tự tình của Hoàng Xuân Sơn:

... quỳnh ám ảnh suốt một đời anh
có thể là một đóa quỳnh nào đó
nhú mớm từ vườn đêm thẳm sâu
có thể là một dáng quỳnh nào đó
vừa thức giấc vừa tan biến đi
trong giấc mùa đông côi góa
có thể là giọng điệu thơ quỳnh lơi lả
khỏa thể vào âm nghi...

Đó là một dòng thơ sang trọng, quý tộc trong cõi đời rất bình thường này. Và những hình ảnh cực kỳ thơ mộng trong chữ đã biến đời thường này trở thành một cõi thơ dị thường, tinh khôi. Thơ Hoàng Xuân Sơn lúc nào cũng thế, như trong cõi mộng, một nơi ẩn mật của ngôn ngữ.