Hiển thị các bài đăng có nhãn Phạm Phú Minh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phạm Phú Minh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 11 tháng 4, 2023

Họ đã “gặp lại” nhau ở nơi xa đó!

Kết thúc bài bút ký “Đi thăm Nguyễn Xuân Hoàng” lúc nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đang bị bệnh nặng, nhà văn-nhà báo Phạm Phú Minh viết “Rồi sẽ đến lúc chỉ còn một. Và đến một lúc nữa, sẽ không còn ai cả”. Điều đó đã trở thành sự thật. Nhà văn-nhà báo-nhà giáo Nguyễn Xuân Hoàng qua đời ngày 13/9/2014. Và mới đây, ngày 9/4/2023, hiền thê của ông, nhà văn-nhà thơ Trương Gia Vy cũng đi gặp chồng ở thế giới bên kia.

Xin mời đọc lại bài viết của nhà văn-nhà báo Phạm Phú Minh kể lại lần đi thăm nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, và bài thơ nhà văn Trương Gia Vy viết tặng chồng hồi tháng 7 năm 2014, hai tháng trước khi nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng qua đời.

DĐTK

Phạm Phú Minh - Ði thăm Nguyễn Xuân Hoàng



Để chuẩn bị cho cuộc hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn vào tháng Bảy 2013 vừa rồi, tôi đã mời nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng tham dự ban điều khiển các buổi hội thảo, và anh đã nhận lời, khoảng nửa năm trước. Tôi rất yên tâm, vì ban điều hành gồm Bùi Bích Hà, Đỗ Quý Toàn và Nguyễn Xuân Hoàng thì coi như là "mạnh"; đề tài nào, tình huống nào những nhà cầm bút lão luyện này cũng có thể lèo lái xuôi chèo mát mái được.


Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2022

Phạm Phú Minh: Người dịch Tây Hành Nhật Ký sang tiếng Pháp

Toàn bộ cuốn Tây Hành Nhật Ký của Phạm Phú Thứ đã được dịch giả Quang Uyển dịch sang tiếng Việt và xuất bản lần đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1964. Trong bài Lời Người Dịch ở đầu sách, có đoạn :

Hơn bốn mươi năm về trước, trong “Nội san của Hội đô thành hiếu cổ” (Bulletin des Amis du vieux Huế) xuất bản tại Huế, người ta đã dịch ra tiếng Pháp quyển Thượng (1919) và quyển Trung (1921), dưới tiêu đề là “L’Ambassade de Phan Thanh Giản” (Sứ bộ Phan Thanh Giản).



Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

Phạm Phú Minh: Bơi Qua Hồ Xuân Hương Giữa Đêm Khuya

Bây giờ ở tuổi xế chiều, nhớ lại quãng đời lúc còn trẻ, tôi thấy thời tươi đẹp nhất là ba năm học Đại học Sư phạm tại Đà Lạt.

Đậu Tú Tài 2 vào mùa hè năm 1960, tôi ghi danh vào lớp Dự Bị Văn Khoa của Đại học Sài Gòn. Học được nửa năm thì thấy Thông cáo cuộc thi tuyển vào Đại Học Sư Phạm của bộ Giáo Dục, tôi bèn ghi danh đi thi hai ban : Triết học và Anh văn. Tự thấy mình cũng đã lớn rồi, phải tìm nghề ngỗng mà sống, chứ làm sao có thể ở trong tình trạng “cơm cha, áo mẹ, chữ thầy” mãi được. Cuối cùng là đến kỳ thi, và tôi đậu vào ban Triết học. Tôi có nhận được thư thông báo là tôi phải đi Đà Lạt để học lớp Triết trên đó, năm thứ nhất bắt đầu từ niên khóa 1961-1962. Học ba năm, nếu song suốt trong các kỳ thi lên lớp và thi mãn khóa, chúng tôi sẽ ra trường vào mùa hè 1964, và nhận nhiệm sở đi dạy đầu tiên vào niên khóa 1964-65.

Đến Đà Lạt, tôi như rơi vào cõi mộng mơ. Đà Lạt có một cảnh trí thiên nhiên tuyệt vời, không khí mát mẻ, rừng thông, hồ nước, đồi núi… giàn trải một cách hài hòa và mỹ thuật không khác nào một bức họa lớn. Khi ghi danh nhập học tại văn phòng Viện Đại Học Đà Lạt tôi có cảm giác như đang làm thủ tục để vào cư ngụ trong một cõi thần tiên.

Tôi không xin vào nội trú trong đại học xá ở ngay trong trường, vì tôi có một nhà bà con tại thành phố này, và chú tôi, người đã đến đây lập nghiệp từ lâu, khuyên tôi ở nhà chú tôi để đi học. Tôi rất hạnh phúc khi mới tới xứ lạ, gặp được tình cảm ấm áp của bà con giòng họ như ôm ấp lấy mình.

Ngày tựu trường, lớp tôi sĩ số khoảng 30 người, từ tứ xứ tới đây, bắt đầu làm quen với nhau. Người tôi để ý đầu tiên là Tô Văn Lai vì anh là người đỗ đầu của cuộc thi tuyển vào lớp này. Anh có vẻ rất thư sinh, quần áo chỉnh tề, ăn nói vừa điềm đạm vừa vui vẻ. Lớp chúng tôi có đến ba người tên Minh mà anh em trong lớp dần dần dựa vào đặc tính của mỗi người để đặt cho mỗi người một biệt hiệu để phân biệt. Một bạn cao lớn đẹp trai như tài tử điện ảnh, anh em đặt tên là Minh Pat Boone; một bạn khác được đặt biệt hiệu là Minh Cờ Bạc (có thể trong đời sống nội trú anh này hay tổ chức cờ bạc để giải trí chăng); còn tôi, có biệt danh là Minh Xe Lam, vì sau mấy tháng nhập học tôi được gia đình gửi tiền để mua một chiếc Lambretta cũ để đi học, vì nhà chú tôi cách trường đến sáu cây số.


Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2022

Điếu Văn Của Phạm Phú Thứ Viếng Phan Thanh Giản (Dịch thuật : Nguyễn Duy Chính; Giới thiệu : Phạm Phú Minh)

LTS. Dù toàn bộ bài này đã được đăng trên DĐTK vào tháng 8 năm 2021, nay vì một “lý do đặc biệt”, chúng tôi xin đăng lại trong số báo này. Lý do là vào chiều ngày 15 tháng 5, 2022 trong buổi ra mắt cuốn sách Phan Thanh Giản và Vụ Án ‘Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân’ của tác giả Phan Đào Nguyên, diễn giả Phạm Phú Minh đã dùng bài Ai Điếu của Phạm Phú Thứ viếng Phan Thanh Giản làm đề tài cho bài thuyết trình của mình. Nhiều khán giả tỏ ý muốn biết rõ hơn về bài Ai Điếu này, chúng tôi đã hứa sẽ đăng lại toàn bài trên số DĐTK hôm nay để ai quan tâm sẽ có tài liệu để xem lại kỹ càng hơn. DĐTK
***
Trong thế kỷ 19, Việt Nam đã nếm trải bao nỗi cay đắng trước sự xâm lăng bằng vũ lực mà một triều đình nhà Nguyễn mặc dù đã rất vững chãi với một lãnh thổ lần đầu tiên rộng lớn nhất trong lịch sử kéo dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, đã cuối cùng cũng phải mất nước trước kẻ cướp đến từ phương Tây. Nếu phải chọn một nhân vật Việt Nam điển hình đã trực tiếp đương đầu với cái kịch bản đấu trí đấu lực suốt cái quá trình đau khổ ấy, thì thiết nghĩ không ai khác hơn là Phan Thanh Giản. Ông đã phục vụ suốt ba triều Minh Mạng (1820 – 1841), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1847-1883), đặc biệt trong triều Tự Đức ông đã nổi lên như một rường cột chính phục vụ quốc gia cho đến hơi thở cuối cùng, để thấy đời ông cũng chính là hình ảnh cái bi kịch của nước ta khi chống chọi với sự xâm lăng của người Pháp.

Sau khi quân Pháp đã chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, ông Phan Thanh Giản là người được vua Tự Đức cử làm chánh sứ, Lâm Duy Hiệp làm phó sứ đi vào Gia Định thương thuyết với Pháp để nghị hòa. Kết quả là hòa ước Nhâm Tuất 1862 đã được ký kết, Việt Nam nhượng cho Pháp ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường. Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, vua Tự Đức bất đắc dĩ phải chấp nhận hòa ước Nhâm Tuất nhưng trong bụng vẫn muốn cố hết sức để chuộc lại vì đất Gia Định là đất khai nghiệp của nhà Nguyễn và lại là đất quê ngoại của nhà vua. Chính vì lý do này mà năm 1863 vua Tự Đức mới cử một phái đoàn Việt Nam gồm Phan Thanh Giản chánh sứ, Phạm Phú Thứ phó sứ và Ngụy Khắc Đản bồi sứ, qua tận Pháp để thương thuyết chuộc lại ba tỉnh ấy. Nhưng đã gọi là thực dân, đã chiếm được đất của người ta rồi, làm sao có chuyện trả lại! Không trả lại, mà còn lấy thêm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ và đưa đến cái chết bi tráng của Phan Thanh Giản.

Chúng ta đều biết bản án mà triều đình Huế dành cho Phan Thanh Giản sau khi Pháp chiếm nốt ba tỉnh miền Tây và ông đã tuẫn tiết : tước bỏ hết quan tước và đục xóa tên trong bia tiến sĩ. Một đời làm quan suốt ba triều nhà Nguyễn, nhiều lần xin rút lui vì tuổi già sức yếu mà vua khăng khăng không chấp thuận, bắt phục vụ cho đến giây phút cuối cùng, để rồi sau cái chết đã bị xóa trắng bao công sức mà suốt đời ông đã bỏ ra cho vua, cho dân, cho nước. Bi kịch ấy của cuộc đời Phan Thanh Giản rất thấm thía trong lịch sử nước ta, mà các thế hệ về sau đã ra công điều chỉnh để giữ gìn công đạo của một dân tộc có lương tâm.

Nhưng ít ai biết ngay trong thời gian xảy ra vụ án này, ngay giữa triều đình Tự Đức, đã có một tiếng nói cất lên để bênh vực Phan Thanh Giản. Đó là bài điếu văn của Phạm Phú Thứ viếng Phan Thanh Giản. Đúng hơn đây là một tài liệu mượn hình thức là điếu văn để khẳng định bao công lao, mưu lược, tài kinh bang tế thế của vị lão thần Phan Thanh Giản, dù tuổi già sức yếu đã mấy lần xin về hưu, đã bị nhà vua khư khư đưa ra tuyến đầu đại diện cho triều đình để đương đầu với một thế lực cướp nước quá hùng cường. Gọi là điếu văn mà không có một tiếng khóc Ô Hô!, không một từ ngữ đã thành sáo ngữ để tưởng niệm người quá cố. Trái lại, như một bài chính luận đanh thép nhằm đặt để lại giá trị của vị lão thần đã đem hết sức tàn lực kiệt để lo cho nước, và đã được “trả ơn” bằng một bản án có thể gọi là bất nhân, bất cận nhân tình. Với bản án đó, sau khi chết, cụ Phan Thanh Giản ra đi tay trắng, chẳng còn một sự nghiệp “hợp pháp” nào để lại cho người đời và con cháu.

Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2022

Phạm Phú Minh: Ði thăm Nguyễn Xuân Hoàng

Để chuẩn bị cho cuộc hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn vào tháng Bảy 2013 vừa rồi, tôi đã mời nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng tham dự ban điều khiển các buổi hội thảo, và anh đã nhận lời, khoảng nửa năm trước. Tôi rất yên tâm, vì ban điều hành gồm Bùi Bích Hà, Đỗ Quý Toàn và Nguyễn Xuân Hoàng thì coi như là "mạnh"; đề tài nào, tình huống nào những nhà cầm bút lão luyện này cũng có thể lèo lái xuôi chèo mát mái được.

Tại nhà Nguyễn Xuân Hoàng, San Jose. 

Từ trái : Phạm Phú Thiện Giao, Hà Tường Cát, Phan Huy Đạt, Nguyễn Xuân Hoàng, 

Phạm Phú Minh, Vy, Đinh Quang Anh Thái, Đỗ Quý Toàn, Hoàng, Vy và nhóm anh em Người Việt


Thế nhưng hai tuần trước ngày hội thảo thì Hoàng gọi cho tôi từ San Jose, giọng yếu ớt, cho biết không thể xuống quận Cam tham dự hội thảo được, vì lâm trọng bệnh một cách bất ngờ. Vé máy bay đã mua nay đã phải trả lại, chứng đau lưng tưởng là thông thường hóa ra có nguyên do trầm trọng từ cột sống, và đang chuẩn bị một chương trình chữa chạy dài ngày trong nhà thương. Hoàng tỏ ý tiếc bỏ lỡ một chương trình hội thảo quan trọng và hứa hẹn nhiều hào hứng. Tôi vội trấn an Hoàng là đừng lo gì về cuộc hội thảo, mà hãy lo chữa bệnh, sức khỏe của bạn là cái quan trọng nhất hiện nay. Tuy vậy trong lòng tôi dấy lên một nỗi tiếc nuối và lo lắng về chỗ trống do Hoàng vừa để lại trên bàn chủ tọa đã phác họa, vì Hoàng là một người điều khiển các chương trình hội thảo văn học đầy kinh nghiệm và kiến thức. Cách đây sáu năm, vào năm 2007, khi tổ chức hội thảo về văn học Việt Nam hải ngoại cũng tại Little Saigon, tôi cũng đã mời Hoàng vào ban điều khiển chương trình, và buổi hội thảo đã diễn ra rất tốt đẹp. Hoàng tiếp nhận nội dung thuyết trình nhanh và chính xác, tóm tắt ngắn gọn và thông minh để khán giả nắm vấn đề, từ đó lèo lái cuộc thảo luận lịch sự và xây dựng.

 


Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2022

Phạm Phú Minh: Symphony “Vietnam 1975” Của Nhạc Sĩ Lê Văn Khoa Đã Thành Tựu

(Đã được phát biểu tại hai buổi ra mắt đĩa nhạc tại Quận Cam ngày 22 và 23 tháng Tư 2005)


Thưa quý vị,


Tôi đọc trên tờ flyer giới thiệu đĩa nhạc Symphony Việt Nam 1975 dòng chữ này: “Niềm hãnh diện của người Việt sau 30 năm ly hương: Symphony Vietnam 1975 đã thành tựu.”


Tôi nghĩ đó là một câu nói rất đúng để chỉ về một biến cố trong tháng Tư năm 2005 này. Biến cố này không phải là một cuộc xuống đường rầm rộ, một buổi meeting đông người, hay một hình thức nào như cộng đồng của chúng ta vẫn thường làm liên quan đến việc tưởng niệm ngày mất miền Nam vào tay cộng sản 30 tháng Tư 1975. Đã nhiều năm qua chúng ta tưởng niệm trong sự ân hận, đau buồn, nhưng năm nay, như câu của tờ flyer mà tôi vừa trích dẫn, chúng ta cảm thấy một sự hãnh diện. Một niềm hãnh diện rất chính đáng, cho tất cả mọi người, vì những nỗi niềm sâu kín của tập thể tị nạn chúng ta đã được một người nói hộ một cách trọn vẹn, bằng một phương tiện nghệ thuật rất cao, là nhạc cổ điển Tây phương. Đó là Giao hưởng khúc 1975 của nhạc sĩ Lê Văn Khoa.


Từ biến cố 1975 đến nay là 30 năm. Trước đó 30 năm là chiến tranh. Từ 1945 đến nay là 60 năm, trong đó Việt Nam trải qua 30 năm chiến tranh, 30 năm hòa bình. Chúng ta đang đứng trước những con số rất tròn trịa. Từ thời điểm này, chúng ta có thể đưa mắt nhìn về quá khứ để xem với những biến cố lớn lao như vậy, đất nước Việt Nam đã có sản sinh ra những tác phẩm nghệ thuật nào, về văn, về thơ, về nhạc, về họa tương xứng với tầm vóc của các biến chuyển lịch sử mà chúng ta đã sống hay không. Xứng đáng với tầm vóc của lịch sử, kiểu như cuốn trường thiên tiểu thuyết Chiến Tranh và Hòa Bình của Leon Tolstoi vẽ nên một bức bích họa vĩ đại của đất nước và dân tộc Nga thời kỳ đầu thế kỷ 19 trước sự xâm lăng của Napoleon, hay là bản Giao hưởng Ouverture 1812 của Tchaikowsky mô tả cụ thể về biến cố này, hoặc cuốn tiểu thuyết Cuốn Theo Chiều Gió của Margarete Mitchell nói về cuộc chiến tranh Nam Bắc của nước Mỹ vào giữa thế kỷ 19 cùng tác phẩm điện ảnh quay theo tiểu thuyết này. Hoặc xa hơn về quá khứ của nước Trung Hoa, thời Tam Quốc sở dĩ còn lưu lại trong trí nhớ của biết bao thế hệ chính là nhờ bộ tiểu thuyết lịch sử Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, hoặc chuyến du hành thỉnh kinh có một không hai sang Ấn Độ của nhà sư Trần Huyền Trang đời nhà Đường mãi mãi còn sống động đến bao đời sau chính là nhờ bộ trường thiên tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân. 



Phạm Phú Minh: Đọc Tuyển Tập Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa Của Ngô Thế Vinh

 

 

Thời gian bắt đầu thế kỷ 21, tác giả Long Ân trong một bài nhận định về cuốn sách mới nhất của Ngô Thế Vinh hồi đó, đã viết: 

 

“Ở cuốn sách mới nhất của anh Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông dậy sóng, người đọc đã thấy những hóa thân Ngô Thế Vinh biến thái liên tục theo từng trang mở rộng. Ngô Thế Vinh con người xanh của môi sinh, Ngô Thế Vinh con người chính trị nhân bản, Ngô Thế Vinh con người phiêu lưu trong khu rừng già địa lý chính trị, Ngô Thế Vinh con người tiên tri lịch sử...”

 

Đây là một nhận định rất tinh tế và chính xác về con người viết lách của bác sĩ Ngô Thế Vinh, cho đến thời điểm 2001. Ngày nay, 16 năm sau, chúng ta có thể thêm vào các dòng chữ trên: Ngô Thế Vinh con người của văn học nghệ thuật và tình cảm bạn hữu. Ít ra, đây sẽ là những đặc tính mà người đọc sẽ tìm thấy khi đọc cuốn sách mới nhất của anh: Tuyển Tập Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa. 

 

Cho đến năm 2001, nhà văn Long Ân đã nhìn thấy một Ngô Thế Vinh trên “tầm vóc vĩ mô” của những vấn đề lớn như địa lý chính trị, số phận của một dòng sông dài chảy qua nhiều nước, những vận động đa quốc gia để giữ gìn sinh thái cho cả một vùng Đông Nam Á v.v... với một hùng tâm hùng khí không bao giờ lùi bước và một tài năng sắc bén cùng một tấm lòng thiết tha không lay chuyển. Nhưng 16 năm sau, vào cuối năm 2017, với tác phẩm mới nhất của mình, có thể nói Ngô Thế Vinh đã lần đầu tiên đưa ngòi bút vào lãnh vực “vi mô” : chân dung văn học nghệ thuật và văn hóa của từng con người cụ thể với tất cả các nét tế vi của lãnh vực này.

 


Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2022

Phạm Phú Minh: Phỏng Vấn Nhà Văn Thảo Trường

Ảnh trên đây trích từ đoạn phim truyền hình ghi cuộc phỏng vấn nhà văn Thảo Trường do Phạm Phú Minh thực hiện vào tháng Chín năm 2008, đã được đăng cùng bài phỏng vấn trên tạp chí Phụ Nữ Diễn Đàn số 294, xuất bản tại Little Saigon California, tháng Chín 2008. 

Dưới đây là nguyên văn bài phỏng vấn được sao chép lại.


Phạm Phú Minh- Thưa nhà văn Thảo Trường, chúng tôi nhận được tin vui là anh vừa in xong Tuyển Tập của anh, xin được chúc mừng anh. Sau một thời gian dài cầm bút, nay in Tuyển Tập thì chắc là anh có ý định tạm thời làm tổng kết cho việc viết lách của mình ?  Tính đến bây giờ thì anh đã viết văn trong bao nhiêu năm, và đã xuất bản được bao nhiêu tác phẩm ?

THẢO TRƯỜNG-  Tôi bắt đầu thích thú với công việc viết văn làm thơ từ thời đi học, tức thời trước năm 1954 tại thành phố Nam Định. Lúc đó tôi học trung học, và có một ông thầy là cụ Trần Văn Hào, tôi đã được nghe thầy giảng mấy trăm bài Đường thi và truyện Kiều cùng rất nhiều ca dao tục ngữ. Từ thời ấy tôi đã ao ước trong đời tôi sẽ làm một điều gì đó giống như những điều mình đã học. Mới 15, 16 tuổi mà tôi đã tính… ra một tờ báo !

Sau đó vào Nam tôi thất bại trong việc học hành, vì tôi đi có một mình, ông cụ tôi mất và mẹ tôi lại ở lại miền Bắc. Sau khi rớt Tú Tài, tôi đi vào quân trường Thủ Đức. Ra trường Thủ Đức tôi đóng ở Quảng Trị, vùng vĩ tuyến 17, thời gian này tôi bắt đầu cầm bút, và cuốn truyện đầu tiên của tôi là tập Thử Lửa, viết cách đây hơn 50 năm.


Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2022

Phạm Phú Minh: Làm báo - nghề và nghiệp

Ở tuổi đã ngoài tám mươi, bây giờ nhìn lại cuộc đời mình thì tôi thấy cái “nghiệp” của mình chính là làm báo. Mà không phải một mình tôi, một số bạn bè thân thiết từ hồi còn đi học, cùng mình thực hiện những “tờ báo Xuân” của thời trung học, sau ra đời cũng gắn bó với nghề báo giống như mình. Nhân Tết năm nay là năm Dần, năm tuổi của tôi, cũng nên ôn lại một số hoạt động báo chí của tôi và bạn bè, từ thuở còn đi học cho đến lúc trưởng thành.

Tôi học trung học đệ nhất cấp tại trường Trần Quý Cáp, Hội An, quê tôi. Năm lên lớp Đệ Ngũ, niên khóa 1955-56, với tư cách là trưởng lớp, tôi làm tờ báo đầu tiên, in ronéo, có tên là Đoàn Kết. Nhà trường chỉ kêu gọi các lớp làm bích báo trong sinh hoạt Hiệu đoàn thôi, nhưng tôi “chơi trội” muốn thực hiện hẳn một tờ báo in cho riêng lớp mình, vì thế đã bị nhà trường phạt rất nặng nề : đuổi học.

Suốt niên học 1956-57 tôi ngồi nhà tự học, cuối năm đậu trung học Đệ Nhất cấp, đi vào Sài Gòn, được nhận vào lớp Đệ Tam C trường Petrus Trương Vĩnh Ký, mở ra một thời kỳ mới cho việc học hành của tôi. Trong lớp, tôi chơi thân với hai bạn mới, là Trần Đại Lộc và Đỗ Ngọc Yến. Lễ Phục sinh năm ấy trường nghỉ đến mười ngày, Yến, Lộc và tôi cùng ba người bạn cùng lớp tổ chức đi đóng trại bên hồ Than Thở ở Đà Lạt. Đây là một chuyến đi chơi có tính cách mạo hiểm của các chàng trai mới lớn, và là tiền đề cho việc làm báo của chúng tôi vào năm ấy cũng như năm sau khi lên lớp Đệ Nhị.

Gs. Nguyễn Văn Binh và một nhóm học sinh Đệ Tam C Petrus Ký niên khóa 1957-58.

Đi chơi Đà Lạt về chúng tôi thân thiết với nhau hơn, và cùng nhau làm một tờ báo chuyền tay vào dịp cuối niên học theo công thức mỗi người tự tay viết và trình bày bài của mình, rồi đóng chung lại thành một tập. Tập ấy cuối cùng do Trần Đại Lộc giữ, nhiều năm sau tôi hãy còn thấy tại nhà Lộc, nhưng bây giờ thì quả thật đã mất hút với thời gian.

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2021

Phạm Phú Minh: Học Triết Với Thầy Trần Bích Lan

Giáo sư Trần Bích Lan

Mùa hè năm 1959, lớp Đệ nhị C trường Petrus Ký chúng tôi với sĩ số 40 người, đã thi Tú tài 1 và đậu được đúng 9 người. Với số người đậu Tú tài 1 quá ít như vậy, Petrus Ký không thể mở lớp Đệ nhất C, và cả 9 đứa chúng tôi : Cao Văn Bảy, Nguyễn Thiện Giao, Quan Trung Hiếu, Trương Thanh Hoàn, Tân Văn Hồng, Lê Tấn Kiệt, Trần Đại Lộc, Phạm Phú Minh, Phạm Quang Trung được đưa qua “học nhờ” lớp Đệ nhất C của trường Chu Văn An.

Hồi đó vì trường mới chưa xây xong, các lớp học của Chu Văn An vẫn còn dùng những tòa nhà trong khuôn viên rất rộng của trường Petrus Ký. Riêng lớp Đệ nhất C thì được học trong một cái nhà một tầng khá lớn nằm ngay gần sân vận động, có cổng mở ra đường Trần Bình Trọng. Suốt một năm học trong cái phòng học đơn độc này (mà chúng tôi nghe loáng thoáng trước kia là chuồng nuôi ngựa của người Pháp), chúng tôi không bao giờ biết văn phòng của trường Chu Văn An nằm ở chỗ nào, chưa từng thấy mặt ông Hiệu trưởng lần nào. Thời gian về sau Trung tâm Học liệu của bộ Giáo Dục được xây cất trên mảnh đất này.

Học sinh của lớp Đệ Nhất C Chu Văn An năm đó là một tổng hợp khá phức tạp. Ngoài học sinh ban C của chính trường Chu Văn An thi đậu Tú tài 1 lên lớp học tiếp tục, những học sinh tương tự của các trường Petrus Ký, trường Võ Tánh Nha Trang, trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho đều được thu nhận để học tiếp lớp Đệ Nhất C. Cho nên lớp Đệ Nhất C năm đó rất đông đúc và nguồn gốc địa phương của học sinh cũng không thuần nhất : người Bắc di cư, trộn lẫn với dân Sài Gòn chính cống, với dân ven biển miền Trung, và với con em miền Lục tỉnh… Thật là một tập hợp của tứ chiếng giang hồ.

Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

Phạm Phú Minh: Tình Bạn Lâu Năm

Tôi không ngạc nhiên lắm khi nghe tin Bé Ký qua đời. Khoảng vài mươi năm qua tuần nào tôi cũng gặp Hồ Thành Đức tại quán cà phê, và thỉnh thoảng cũng ghé nhà thăm hai ông bà. Những năm gần đây tôi thấy Bé Ký sức khỏe ngày một kém dần. Thì cũng cho là chuyện bình thường thôi, tất cả chúng tôi ai cũng ngày một già, và yếu đi.

Năm 1966, tôi làm việc với Chương Trình Phát Triển Thanh Niên Học Đường (CPS) có trụ sở tại những dãy nhà tiền chế trên nền Khám Lớn Sài Gòn cũ. Ít lâu sau Hội Họa Sĩ Trẻ được thành lập cũng có trụ sở trên miếng đất rất rộng rãi này. Là láng giềng của nhau, tôi có dịp quen biết với nhiều “họa sĩ trẻ” mà trước kia chỉ mới nghe tên, trong đó có Hồ Thành Đức, trở nên khá thân nhau vì cùng đồng hương Quảng Nam.

Vì không thể “thanh niên” và “trẻ” mãi, năm bảy năm sau chúng tôi lập gia đình và rời mảnh đất trẻ trung ấy. Gia đình Hồ Thành Đức và gia đình tôi lại có dịp ở gần nhau, tôi trong hẻm 220 đường Trương Minh Giảng (bên cạnh đại học Vạn Hạnh), còn Hồ Thành Đức-Bé Ký thì trong một hẻm bên đường Trần Quang Diệu, chỉ cần lội quanh co trong xóm một lúc là đến nhà nhau. Ngày cuối tuần bạn bè thường tụ họp tại nhà tôi, Đức với tôi và vài ba người bạn nữa gầy một sòng phé còm, trong khi Bé Ký thì trò chuyện, có khi nấu nướng với bà xã tôi và bồng bế chơi đùa với hai đứa con nhỏ của tôi. Bé Ký yêu trẻ con lắm.

Khoảng năm 1972, nhà thơ Thành Tôn từ Đà Nẵng vào Sài Gòn và tìm tới thăm nhà Hồ Thành Đức-Bé Ký. Nghe tiếng nhau từ lâu mà chưa gặp mặt lần nào, Hồ Thành Đức mời Thành Tôn tối hôm đó tới nhà mình ăn tối để chuyện vãn nhiều hơn. Buổi tối Thành Tôn tới nhà thì Đức… đi vắng. Bé Ký mời Thành Tôn vào nhà, chỉ trên bàn có một mâm cơm dọn sẵn và mời Thành Tôn dùng bữa… một mình, nói rằng Đức xin lỗi vì tối hôm đó có một buổi họp với nhóm hội họa mà buổi sáng khi hẹn với Thành Tôn chàng đã quên bẵng. Trước tình thế “éo le” như thế, cuối cùng Thành Tôn phải ngồi vào bàn dùng bữa cơm một mình, với Bé Ký ngồi trò chuyện với tất cả chân tình, mộc mạc, đơn giản. Sau này Thành Tôn còn nhớ mãi món cá kho tộ “ngon tuyệt” do đầu bếp Bé Ký khoản đãi.

Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2021

Phạm Phú Minh: Thăm Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ Trong Mùa Đại Dịch

Ngày 25 tháng Ba 2021 vừa rồi, một nhóm anh chị em quen biết lâu năm đã đến thăm nhà văn Doãn Quốc Sỹ tại nhà và dùng bữa cơm trưa do cô Liên, con gái nhà văn khoản đãi. Khách tới nhà gồm có anh Trần Huy Bích, anh chị Đỗ Quý Toàn – Hà Dương Thị Quyên, anh chị Trần Dạ Từ - Nhã Ca và cô con gái Sông Văn, và Phạm Phú Minh.

Từ trái, hàng ngồi : Trần Dạ Từ, Doãn Quốc Sỹ, Đỗ Quý Toàn
Hàng đứng : Nhã Ca, Hà Dương Thị Quyên, Trần Huy Bích, Phạm Phú Minh

Thật ra trước đó Liên đã liên lạc với anh Trần Huy Bích, thông báo một kế hoạch gặp gỡ rộng lớn hơn : khoảng vài mươi người sẽ gặp nhau trong một tiệm phở trên đường Beach để cùng ăn phở và trò chuyện với nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Lý do, sau một năm vì dịch bệnh mọi người đều “tu tại gia”, nay tình hình đã có chút khả quan “nếu bố em được gặp đông đủ bạn bè thì bố sẽ rất vui” như lời cô Liên trình bày lý do với anh Bích. Nhưng sau, có lẽ vì tình hình dịch bệnh chưa đủ lạc quan để có một buổi hội họp đông đảo như thế, gia đình nhà văn đã thu gọn buổi gặp gỡ đầu tiên bằng một bữa cơm trưa thân mật trong gia đình.

Chủ Nhật, 14 tháng 3, 2021

Phạm Phú Minh: Đọc ‘Mùa Hạ Năm Ấy’ Của Nguyễn Tường Thiết

Anh Nguyễn Tường Thiết ngỏ ý muốn tôi viết lời Tựa cho tập truyện Mùa Hạ Năm Ấy của anh, tôi nghĩ chỉ vì một lý do duy nhất, là tôi đã đi song hành cùng anh suốt thời gian anh viết những truyện này. Thời gian ấy, độ năm bảy năm trở lại đây, anh là người sáng tác, tôi là người phổ biến các truyện của anh trên tạp chí Thế Kỷ 21. Bây giờ, ở thời điểm anh và tôi đều đã quá tuổi về hưu, anh lo gom bài để xuất bản sách, thì tôi cũng đã rời chức vụ Chủ bút của Thế Kỷ 21. Có lẽ cả hai đều có cảm tưởng đang bắt đầu “tổng kết” một cái gì đó, mặc dù ý niệm này hãy còn mơ hồ.

Các sáng tác của tác giả Nguyễn Tường Thiết đều dựa trên chuyện thật, đó là điều dễ nhận ra, nhất là đối với những người có quen biết với tác giả. Những kỷ niệm của thời niên thiếu ở Đà Lạt, những chuyến đi câu ở vùng Tây Bắc nước Mỹ, hồi ức về một thời tranh đấu và hoạt động vừa văn hóa vừa chính trị trong thập niên 1960, 70 tại Việt Nam, cuộc du ngoạn trên sông Danube, hay những cuộc gặp gỡ các nhà văn tại Hà Nội gần đây v.v… đề tài nào cũng bắt nguồn từ chuyện thực của bản thân tác giả, thực đến nỗi ta dễ có cảm tưởng như đây là những trang hồi ký hay du ký. Quả thực khi đọc Nguyễn Tường Thiết tôi luôn luôn có sự tin cậy tuyệt đối rằng tất cả những gì anh viết ra đều là có thực cả; nhưng đồng thời tôi cũng trải qua những giây phút thú vị bay bổng mà nếu toàn là chuyện thực thì không tạo ra được. Nhà văn Võ Đình đã sớm phân biệt thành hai loại “truyện” và “chuyện” để chỉ một bên là do hư cấu mà có, một bên chỉ là câu chuyện thực được kể lại. Thông thường “truyện” hấp dẫn người đọc hơn vì được viết theo trí tưởng tượng, tha hồ bịa đặt dẫn người đọc đi đến chân trời nào cũng được, trong khi “chuyện” thì không đi quá sự thô nhám và ranh giới rất gần gũi của sự việc trong chính đời sống thường. Nhưng cái đặc biệt của Nguyễn Tường Thiết là trong câu chuyện của chính mình, anh đã có cách làm siêu việt những điều mình kể để nó không là câu chuyện thường nữa. Cách ấy rất giản dị: anh dùng văn chương.

Việc giản dị ấy chỉ đòi hỏi nơi người viết một điều kiện thôi, là phải có văn tài. Dầu là chuyện của mình hay là chuyện bịa ra, người có văn tài đều có những nhận xét tinh tế, và diễn đạt ra đúng lúc, đúng chỗ, một cách rất dung dị tự nhiên. Để tả sự tưng bừng của một buổi sáng mùa xuân, Nguyễn Tường Thiết chỉ cần nói đến tiếng chim:

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2021

Phạm Phú Minh: Họa sĩ Thái Tuấn và báo Thế Kỷ 21

một mảnh ký ức nhỏ của Phạm Phú Minh 

Một số các bức tranh bản gốc họa sĩ Thái Tuấn gửi cho báo Thế Kỷ 21

Suốt mấy tháng trong năm 2016, nhà văn Trần Doãn Nho và tôi, như là việc hỏi đáp trong một cuộc phỏng vấn, liên tục trao đổi nhiều e-mail về nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động báo chí, văn hóa của tôi từ ngày đến Mỹ, trong đó có việc tôi tham gia tòa soạn tạp chí Thế Kỷ 21 kéo dài 15 năm từ 1993 cho đến 2007. Về phần đóng góp mặt mỹ thuật cho tờ báo, tôi có ghi lại như sau :

Nhưng tôi sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc tới các họa sĩ đã đóng góp tài hoa của mình để giúp cho phần mỹ thuật của tờ báo. Trước hết là đôi nghệ sĩ Nguyễn Đồng-Nguyễn Thị Hợp, suốt 18 năm từ số đầu tiên cho đến số cuối cùng của Thế Kỷ 21 đã giữ công việc trình bày bìa báo và đóng góp các minh họa cho các trang trong. Họa sĩ Ngọc Dũng và Vũ Thái Hòa (Pháp) ngay trong những số đầu tiên đã đóng góp nhiều hình vẽ trang trí, các năm sau có các họa sĩ Thái Tuấn, Đinh Cường gửi tranh đóng góp rất tích cực lâu dài. Các họa sĩ cũng nhiều lần gửi hình chụp các bức tranh yêu thích của mình để làm bìa báo. Thời đó, thập niên cuối của thế kỷ 20 và những năm đầu của thế kỷ 21, quý vị họa sĩ đều gửi họa phẩm trên giấy, bằng đường bưu điện. Về hý họa, các số đầu thường có tác phẩm ký tên Gúc và Kúm (cho tới nay tôi cũng chưa được biết quý vị này là ai), rồi đến họa sĩ Hiếu Đệ cộng tác một thời gian. Họa sĩ Babui Mamburao vẽ hý họa cho Thế Kỷ 21 trong mười mấy năm liền cho đến ngày báo đóng cửa.

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2020

Phạm Phú Minh: Từ Bình Sơn đến Đông Bàn (Tiếp theo và tạm hết)

Ông nội tôi là một ông già hiền lành, người dong dỏng cao và nước da trắng, đi lại chầm chậm đôi khi có chống gậy, nhưng sức khỏe tốt, tôi không thấy ông đau ốm gì. Tôi và anh Hiển “làm bạn” với ông tương đối nhanh chóng. Hằng ngày ông hay đọc tiểu thuyết chữ nho, thường là bộ Tam Quốc, tôi biết vì ông chỉ vào các hình vẽ trong sách và giới thiệu các nhân vật cho tôi: “Ông có râu rậm ni là ông Trương Phi, còn ông cỡi ngựa là ông Quan Công ngồi trên con ngựa Xích Thố...” Đó là những nhân vật truyện Tàu đầu tiên mà tôi biết. Ông rất coi trọng chữ nho, coi là chữ của thánh hiền, không bao giờ ông cho phép chúng tôi chơi với một mảnh giấy có chữ nho mà bắt đem vào bếp đốt đi, dù đó chỉ là cái toa của chai dầu Nhị Thiên Đường. Bây giờ nhớ lại tôi cũng lấy làm lạ vì sự sùng kính gần như tôn giáo đó của ông tôi đối với chữ của nước Tàu. Lạ hơn nữa thân phụ của ông nội tôi là ông Phạm Phú Thứ, dĩ nhiên cũng là một nhà nho, nhưng có tư tưởng rất là duy lý, trong chuyến đi sứ bên Pháp đã cố gắng tìm hiểu và ghi chép lại bằng chữ nho những tiến bộ về khoa học của Âu Tây một cách rất cặn kẽ, nhiều khi phải chế ra chữ mới hoặc phiên âm tiếng Pháp để diễn tả những hiện tượng, sự kiện và những ý niệm mới mẻ mà phương Đông chưa hề biết. Nhưng đến đời ông nội tôi lại chìm đắm vào thế giới chữ nghĩa “của thánh hiền”, coi đó như là cái gì linh thiêng không được xúc phạm, như thế chứng tỏ tất cả những cố gắng canh tân của ông cố tôi không có ảnh hưởng gì vào sự giáo dục của thời đó, có chăng chỉ đánh thức một số sĩ phu ưu thời mẫn thế.

Đọc sách chán thì ông nội tôi ra ngồi chơi trên cái chõng ngoài hiên, sai tôi hay anh Hiển mang cái chén bằng đất nung xuống bếp lấy lửa cho ông hút thuốc. Thật ra cái dụng cụ để lấy lửa ấy không phải gọi là cái chén, nó có hình dáng như một cái lò nhưng chỉ nhỏ bằng cái chén, ngày nay tôi đã quên mất tên gọi của nó là gì. Tôi mang xuống bếp, gắp bỏ vào trong đó vài viên than hồng rồi mang lên cho ông. Nếu hút thuốc điếu thì ông vấn thuốc rê bằng giấy quyến, rồi châm lửa từ cục than hồng. Hút gần hết điếu thuốc, ông dụi cho tắt rồi dán phần còn lại lên cây cột, cây cột chỗ ông ngồi chi chít những tàn thuốc dán lên. Có lần vừa hút thuốc, ông nói với tôi và anh Hiển có muốn xem ông phà khói ra hai mắt không, nếu muốn thì phải ngồi lại gần nhìn vào mắt ông. Chúng tôi nhao nhao chịu liền, leo lên giường chăm chăm nhìn vào mắt ông, cho đến khi tôi cảm thấy nóng ở bàn tay mới biết ông đưa điếu thuốc từ từ dí vào tay tôi. Dĩ nhiên ông dí đùa thôi không làm phỏng tay tôi, nhưng khi phát giác thì tôi hoảng hồn la lên và nhảy vọt xuống giường, khiến ông phá lên cười lên ha hả. 

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2020

Phạm Phú Minh: Từ Bình Sơn tới Đông Bàn

Bắt đầu viết sau khi được tin anh Chu qua đời tại Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2011, thọ 77 tuổi.

Thầy mợ tôi có cả thảy bảy người con, hai chị đầu rồi đến một dọc năm đứa con trai. Anh Hòa là con trai đầu, kế đến là anh Chu. Sau anh Chu là anh Hiển, đến tôi là Minh rồi đến Lợi là út. 

Chu là tên gọi ở nhà, chứ tên khai sinh của anh là Hiệp, Phạm Phú Hiệp. Một lần tôi nghe thầy tôi kể về nguồn gốc tên Chu: khi anh Hiển tôi ra đời, anh Chu mới lên ba, một hôm vào buồng mợ tôi thấy em bé đang trần truồng, bèn chỉ vào và nói to lên với giọng còn ngọng: “Chon chu kìa, chon chu kìa!” Mọi người đều bật cười và từ đó gọi anh là Chu.

Dù gia đình gốc tỉnh Quảng Nam, các anh em trai chúng tôi đều sinh tại làng Tiên Đào, phủ Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, trong thời gian thầy tôi làm hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Sơn, từ khoảng cuối thập niên 1920 đến 1945. Đó là phủ lỵ có quốc lộ 1 chạy qua, gồm một ngôi chợ tên là chợ Châu Ổ, một trạm y tế, một rạp hát, một trường học và dĩ nhiên, một phủ đường là nơi tri phủ và bộ phận hành chánh của phủ làm việc. Con sông Trà Bồng chảy qua chia thị trấn phủ lỵ ra làm hai phần: phía hữu ngạn có chợ Châu Ổ và trạm y tế, coi như là khu thương mại, tả ngạn có phủ đường, trường học, rạp hát, tạm coi là khu văn hóa. Nối liền hai bên là cây cầu Bình Sơn của quốc lộ 1, nơi xe hơi, xe đạp, xe kéo và người đi bộ qua lại hằng ngày. Nhà thầy tôi cũng như hầu hết giáo viên trong trường Bình Sơn đều nằm bên tả ngạn.

Tôi ra đời năm 1938, khi bắt đầu có nhận thức (chắc vào khoảng bốn tuổi) thì thấy trong nhà tôi rất đông đúc, vì anh chị em tôi vốn đã đông, lại thêm nhiều học trò trọ học. Những người trọ học ấy đều từ Quảng Nam vào, là con cái của bà con, bạn bè của thầy mợ tôi gởi gắm. Đã có nhiều đợt học trò ngụ tại nhà của thầy tôi khi tôi còn quá nhỏ, thậm chí khi tôi chưa ra đời, nhưng khi tôi bắt đầu nhận biết thì trong đám đông đúc ấy lờ mờ có hình ảnh các anh Tạ Ký, Hoàng Dũng (anh Ngọ, anh họ tôi), Hà Xân, Phạm Phú Kiền..., họ họp với các anh của tôi thành một tập thể nghịch ngợm, năng động và rất vui. Nhưng có vẻ tôi thân với anh Chu của tôi hơn cả, vì anh có một quyển vở chép bài hát mà tôi rất thích giở ra coi. Tôi rất mê hình ảnh mà anh vẽ ngay trang đầu, gần như nguyên một trang: một cậu bé ngồi nhìn lên trời, và trên trời có một mặt trăng rất to với mấy vệt mây bên cạnh. Ngay dưới bức tranh có chép mấy câu hát, tôi nhớ vì anh Chu của tôi hát cho tôi nghe chứ hồi đó tôi chưa biết đọc:

Trăng lên kia rồi
Như gương lưng trời
Cùng nhau múa hát ngắm trăng chơi

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2020

Phạm Phú Minh: Tết Trung Thu - Xem Tranh Thiếu Nhi, Tìm Lại Sự Trong Sáng Đã Đánh Mất

 LTS. Trong dịp Tết Trung Thu năm 2003, một cuộc thi vẽ thiếu nhi đã được tổ chức tại báo Người Việt, thành phố Westminster, miền Nam California. Từ đó mỗi dịp Trung Thu cuộc thi vẽ này lại được tổ chức, tạo nên một sinh hoạt rất có ý nghĩa cho con em của cộng đồng tị nạn Việt Nam tại miền Nam California. Rất tiếc, kể từ năm 2016, sau 13 năm hoạt động, vì những điều kiện khách quan không thuận lợi, cuộc thi vẽ này không còn tiếp tục nữa.

Sau đây mời quý độc giả xem lại bài viết của người sáng lập và là trưởng ban tổ chức cuộc thi đầu tiên vào ngày 7 tháng 9, 2003, như là một đúc kết ý nghĩa cũng như các kết quả của cuộc thi năm ấy. Bài này đã được đăng trên báo Thế Kỷ 21 số 174, tháng Mười, 2003.

Hình ảnh cuộc thi vẽ tại báo Người Việt

Tổ chức thi vẽ thiếu nhi, và hơn nữa, chấm giải tranh thiếu nhi, là một kinh nghiệm đặc biệt hiếm hoi và thú vị cho tôi. Vốn ham thích cái đẹp – của người, của vật, của thiên nhiên – tôi trước sau chỉ là một người thưởng ngoạn chứ không đóng góp được gì để tạo ra cái đẹp cống hiến cho đời. Và thưởng ngoạn với một trực giác rất chủ quan chứ chẳng được đào tạo “chính quy” trong một môn nghệ thuật nào.


Ý nghĩ tổ chức một cuộc thi vẽ cho các em thiếu nhi nhân dịp Tết Trung Thu năm nay đến với tôi bất chợt vào một lúc đêm khuya chỉ hơn một tháng trước rằm tháng Tám, vào đúng khoảnh khắc tôi bấm delete một bức thư e-mail. Khi bức thư đang biến đi trên màn ảnh máy điện toán thì tôi thoáng thấy ba chữ “vẽ thiếu nhi” và lập tức trong đầu bừng lên ý nghĩ: tại sao báo Người Việt lại không tổ chức một cuộc thi vẽ cho các em nhỏ của cộng đồng mình vào dịp Tết Trung Thu năm nay? Tôi không chắc lắm ba chữ “vẽ thiếu nhi” là từ bức thư đang bị xóa đi, có thể  đó chỉ là một ảo giác do thức khuya mang lại, hoặc hiểu đó là một nhắc nhở của một ai đó từ một cõi xa xôi nào, thì cũng được... Tôi vẫn tin thỉnh thoảng có nhận được các tín hiệu như vậy từ những người bạn đã qua đời, như Lộc, như Điểu.

 


Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2020

Phạm Phú Minh: Thanh Tuệ Và An Tiêm

Vào ngày 16 tháng Tám năm 2004, ông Thanh Tuệ, giám đốc nhà xuất bản An Tiêm tại Paris, Pháp Quốc, đã đột ngột qua đời tại Quận Cam, Nam California, khi ông từ Pháp sang đây để lo việc ấn hành sách cho nhà xuất bản của ông. Ông là một người của sách vở, tuy không phải là một người sáng tác hay biên khảo nhưng những tác phẩm ông để lại cho đời thật là nhiều. Từ bốn mươi năm qua, ông chính là người phát hiện ra những giá trị của sáng tác và biên khảo của biết bao nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu Việt Nam, đưa chúng đến với người đọc với một tấm lòng trân trọng và trìu mến. Chính công việc và cung cách xuất bản sách của ông đã cho thấy ông là một người nghệ sĩ thứ thiệt, một nhà văn hóa nhiệt tình với đất nước. Có thể nói Thanh Tuệ là sách, sách là Thanh Tuệ, và chữ sách ở đây phải được hiểu theo nghĩa tốt đẹp nhất, thanh tao nhất mà từ xưa đến nay nhân loại đã dành cho thứ sản phẩm văn hóa này.

Ông Thanh Tuệ (phải) và tác giả 

tại Little Saigon đầu tháng Tám 2004.

(hình lấy từ báo Thế Kỷ 21, Sept 2004)

Một người thích sách vở sống vào giữa thập niên 1960 tại Sài Gòn thì không thể không để ý đến một nhà xuất bản mới ra đời cũng trong khoảng thời gian này, là nhà xuất bản An Tiêm. Thời đó, sau khi có sự thay đổi chính quyền ở miền Nam thì tình hình báo chí sách vở trở nên tự do thoải mái hẳn lên, khiến người ta háo hức đi tìm những giá trị mới. An Tiêm góp phần của mình với những sách chọn lọc, in ấn mỹ thuật, khiến độc giả cảm thấy giá trị của mình như được nâng lên cao hơn khi cầm trên tay cuốn sách của An Tiêm.

Thanh Tuệ là cha đẻ của An Tiêm.

Ông vốn gốc người Bình Định, sinh năm 1936 tại Đơn Dương, Đà Lạt. Ông họ Trương, tên Phú, khi thành tu sĩ có pháp danh là Thanh Tuệ, nhưng về sau, tên Thanh Tuệ thành một cái tên thông tục, ngay cả khi ông không còn là tu sĩ nữa. Mồ côi mẹ sớm, lúc nhỏ ông được đưa lên ở một chùa tại Đà Lạt, rồi vào Sài Gòn tu ở chùa Vạn Hạnh. Ông khởi sự vào nghề xuất bản khi làm việc với nhà xuất bản Lá Bối năm 1964. 

Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2020

Phạm Phú Minh: Người Mở Đường Cho Văn Chương Quốc Ngữ

(Đã được tác giả trình bày trong cuộc Hội thảo về Trương Vĩnh Ký ngày 8 tháng 12, 2018 tại Little Saigon)

Diễn giả Phạm Phú Minh

Cụ Trương Vĩnh Ký được coi như là người viết văn xuôi đầu tiên bằng chữ quốc ngữ. Đáng kể nhất, có thể coi là tiêu biểu, là hai quyển Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi và Chuyện Đời Xưa.

Cuốn Chuyến đi Bắc kỳ là một du ký, ghi chép mọi chuyện trong chuyến đi, với một lối văn khá bình thường, không quá địa phương khiến người vùng khác hoặc người đời sau phải có chỗ khó hiểu. Có thể nói với du ký này, Trương Vĩnh Ký đã đạt đến lối viết tiêu chuẩn của tiếng Việt, không mấy khác với cách viết của thời nay.

Nhưng cuốn Chuyện Đời Xưa thì khác hẳn. Cụ viết theo lối kể chuyện và tạo nên một văn phong riêng, với cách dùng từ ngữ riêng. Giáo sư Phạm Thế Ngũ đã nhận xét về cuốn này : “Về hình thức có thể coi đây là bước đầu lối truyện ngắn, nhất là bước đầu của văn xuôi quốc ngữ. Ý tác giả muốn viết như người ta nói (...) ông muốn viết câu nói annam ròng, diễn câu nói trơn tuột ở cửa miệng bình dân.” Điều này đúng, chuyện đời xưa là để kể, và lời kể dù viết xuống thành chữ cũng nên giữ phong cách kể chuyện và dùng những từ ngữ rất bình dân rất phổ biến của địa phương mình. Và TVK đã giữ được điều đó. Gs Phạm Thế Ngũ nhận xét đó là “lối văn lủng củng, khi cộc lốc nhát gừng, khi lôi thôi lòng thòng”, nhưng đối với riêng tôi TVK đã thể hiện đúng cách nói của người kể chuyện theo giọng Nam Kỳ. TVK đã đem vào văn viết kỹ thuật của người kể chuyện bằng lời, với một số người ngồi quanh lắng nghe. Qua lối viết này, tôi có cảm tưởng TVK là người có tài kể chuyện, biết ngắt câu để tạo sự hồi hộp, biết cách viết câu kết ngắn gọn rất duyên dáng để tạo một cảm giác kết thúc thấm thía nơi người nghe.

Và cũng từ các cố gắng của Trương Vĩnh Ký cùng với nhóm những người cộng tác với cụ, mà đã phát sinh một nền văn xuôi bằng quốc ngữ đầu tiên tại miền Nam, làm tiền đề cho cả nền văn học mới của toàn cõi Việt Nam trong thế kỷ 20. Muốn hiểu hiện tượng này, ta phải hình dung tình hình Việt Nam thời ấy.
Từ đầu thế kỷ 17 (1600), cuộc phân tranh Bắc Nam giữa chúa Trịnh (miền Bắc) và chúa Nguyễn (miền Nam) chính thức nổ ra, miền Nam coi như độc lập với miền Bắc. Một chính quyền mới do chúa Nguyễn lập nên để cai quản từ sông Gianh trở vào Nam, gọi là Đàng Trong. Các chúa Nguyễn một mặt kháng cự với chúa Trịnh, và về sau với cả nhà Tây Sơn nữa, một mặt liên tục mở mang bờ cõi vào phía Nam. Sau suốt hai thế kỷ 17 và 18 nội chiến liên miên, ở phía Nam dân Việt Nam đã chiếm hết Thủy Chân Lạp của nước Cao Miên lập nên vùng Lục Tỉnh trên châu thổ của hai con sông Tiền và sông Hậu là hai nhánh của sông Mekong. Từ nhiều thế hệ, công việc của đám dân tiên phong này là luôn luôn phải lo chiếm đất, canh tác, kiếm sống để tạo nên một đời sống vật chất ổn định trên đất mới, có thể là êm đềm với sông nước và đồng ruộng mênh mông nhưng cũng đầy bất trắc hiểm nguy “hùm tha sấu bắt”. Cuộc sống trên đất mới là một cuộc phấn đấu không ngừng, phải vận dụng cả sức mạnh của tâm trí lẫn của bản năng để tồn tại và ổn định. Và cuối cùng Gia Long đã thống nhất đất nước và lên ngôi năm 1802, mở ra triều đại nhà Nguyễn cho đến năm 1945.
Như vậy, sau hai thế kỷ chia rẽ bởi phân tranh và nội chiến, chúng ta có thể thấy với đám lưu dân định cư tại miền Nam, ảnh hưởng về mặt văn hóa từ miền Bắc hầu như không có gì, vì đã bị cắt đứt từ lâu. Ký ức về gốc gác của họ có khi trở nên rất mù mờ, đến nỗi trong dân gian miền Nam vào giữa thế kỷ 20 vẫn còn nghe câu nói này : “Người ngoài Huế không giống như người mình.” Người mình đây là dân Nam Kỳ, mới chỉ Huế mà họ đã coi là một nước khác rất xa xôi, nói gì đến Thăng Long, Hà Nội ! Lịch sử nội chiến đã biến những lưu dân miền Nam thành một tập thể độc lập, từ đó họ có tập quán riêng, nếp sống riêng, và nhất là ngôn ngữ riêng dù vẫn nói tiếng Việt. Và chính từ thứ tiếng Việt riêng của dân Nam Kỳ mà đã thành hình các câu văn xuôi đầu tiên bằng chữ quốc ngữ, họ viết ra một cách tự nhiên như họ nói, chưa có và cũng không biết đến cái gọi là văn chương văn vẻ. Nhưng người miền Nam chính là những người Việt Nam đầu tiên sáng tác văn học bằng văn xuôi, hoàn toàn không bị ảnh hưởng của ngôn ngữ miền Bắc hay miền Trung, các cuốn tiểu thuyết đầu tiên đó có dấu ấn duy nhất là ngôn ngữ miền Nam, từ cuối thế kỷ 19 đến ngày nay dấu ấn ấy vẫn không phai mờ.
Chúng ta hãy đọc một đoạn văn của Hồ Biểu Chánh trong truyện Con Nhà Nghèo, để thấy cái đặc trưng trong ngôn ngữ miền Nam :
“Xóm Đập Ông Canh nằm dựa bên Gò Công qua Mỹ Tho, ngang qua ngã ba tẻ vô Ụ Giữa, bây giờ nhà chen rất đông đảo, cây đua mọc sum suê. Cái nhà việc cũ sùm sụp của làng hồi trước đã đổ bao giờ mà cất lại một toà nhà mới, nền cao khoảng khoát, nóc phơi đỏ lòm. Vài cái nhà lá tum hùm, cửa xịt xạc, vách tả tơi, hồi trước ở rải rác chung quanh đó cũng điêu tàn bao giờ mà nhường chỗ lại cho hơn chục cái nhà khác, tuy cũng lợp bằng lá dừa, song cột kê táng, vách đóng be, coi rất đẹp đẽ thơ thới”.

(Người viết bài này nhấn mạnh bằng chữ đậm) 

Chúng ta có thể đi ngược thời gian tìm lại Trương Vĩnh Ký để thấy sự độc lập về ngôn ngữ ấy đã bắt đầu như thế nào. Tờ Thông Loại Khóa Trình là tờ báo đầu tiên do một ng

Thứ Ba, 7 tháng 7, 2020

Triển Lãm - Hội Thảo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn nhân dịp Kỷ niệm 80 năm thành lập Tự Lực Văn Đoàn: tháng Bảy 1933 - tháng Bảy 2013

Phóng viên Tiểu Muội hỏi chuyện trưởng ban tổ chức Phạm Phú Minh

Phần I: Triển Lãm



Hỏi: Thưa nhà văn Phạm Phú Minh, được biết tờ báo mạng Diễn Đàn Thế Kỷ mà ông là đại diện sẽ tổ chức một cuộc Triển lãm và Hội thảo về hai tờ báo Phong Hóa, Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn vào hai ngày 6 và 7 tháng 7 năm 2013 tại hội trường nhật báo Người Việt. Đây là một sinh hoạt văn học hiếm thấy tại hải ngoại, ông có thể cho biết lý do tổ chức công cuộc triển lãm và hội thảo này không?

Đáp: Kể ra, tại các nơi có đông đảo người Việt Nam tị nạn trên thế giới lâu nay cũng có tổ chức những sinh hoạt liên quan đến văn học, với tầm vóc lớn nhỏ khác nhau, đề tài khác nhau. Ví dụ năm 1995 một nhóm thân hữu của nhà văn Võ Phiến có tổ chức một Đêm Võ Phiến tại Washington DC để nhằm vinh danh sự nghiệp văn chương của ông; một đêm tưởng niệm các nhà văn đã chết trong tù hay chết vì từng bị tù đày trong nhà tù cộng sản cũng đã được Hội Văn Bút Hải Ngoại tổ chức; ba tờ báo Thế Kỷ 21, Người Việt và Xây Dựng (San Jose) đã tổ chức Ngày Phạm Quỳnh (triển lãm và hội thảo) tại Little Saigon vào ngày 8 tháng 5 năm 1999; cuộc hội thảo "Văn học hải ngoại: thành tựu và tiềm năng" do các tạp chí Thế Kỷ 21, Văn Học, Hợp Lưu cùng tổ chức tại Little Saigon, Nam California vào ngày 27 tháng 01 năm 2007, v.v...

Vậy cuộc triển lãm và hội thảo lần này cũng là theo nếp các sinh hoạt cùng loại trước nó.

Hỏi: Nhưng lại là một đề tài khá xa trong quá khứ: về hai tờ báo và một văn đoàn được lập ra cách đây 80 năm. Có một động lực gợi ý cho quyết định này không?