Hiển thị các bài đăng có nhãn Phạm Phú Khải. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phạm Phú Khải. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 23 tháng 9, 2021

Phạm Phú Khải: Nguyên nhân và bối cảnh hình thành AUKUS

 Vào ngày thứ Năm 16 tháng 9 (múi giờ Úc), ba lãnh đạo của Úc – Anh – Mỹ, gồm Thủ tướng Scott Morrison và Boris Johnson, và Tổng thống Joseph Biden, đã họp báo trực tuyến để công bố sự hình thành quan hệ đối tác an ninh chung giữa ba nước AUKUS.

Một ngày trước đó, thứ Tư 15 tháng 9, Morrison đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp liên quan đến an ninh quốc phòng với một số thành viên nội các của mình, và bốn nhân vật hàng đầu phe đối lập cũng được mời. Có lẽ Morrison muốn bảo đảm rằng phía cầm quyền hay đối lập đều hỗ trợ quyết định này, và dù ai lên nắm quyền sau này cũng có đầy đủ thông tin từ quyết định hệ trọng này. Vì gần như toàn nước Úc đang bị phong tỏa, những thành viên thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia đã được chính quyền tiểu bang cấp giấy thông hành đặc biệt để có thể bay đến thủ đô Canberra tham dự. Tình trạng khẩn cấp như thế này không phải là điều xảy ra thường xuyên.

Rõ ràng quyết định hợp tác chung với Mỹ và Anh để xây tàu ngầm xử dụng nhiên liệu hạt nhân là một quyết định vô cùng quan trọng và sẽ ảnh hưởng lâu dài. Nó sẽ thay đổi sâu sắc chính sách ngoại giao và quốc phòng Úc, không chỉ với Trung Quốc mà còn trong vùng và quốc tế. Với quyết định này, Úc chỉ còn con đường tiến, không phải lùi, trong việc đối đầu với Trung Quốc. Trong ba nước, Úc nằm ở trong vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gần Trung Quốc hơn Anh và Mỹ. Sự ảnh hưởng của Trung Quốc lên nước Úc trong nhiều thập niên qua là rất lớn, nhất là về mặt kinh tế. Vì thế, quan hệ giữa hai nước kể từ 16 tháng 9 sẽ đi qua một bước ngoặc lớn mới. Như Thủ tướng Morrison xác định, Úc đang bước vào một thời kỳ mới, mà tương lai của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ ảnh hưởng đến tất cả tương lai của Úc.

Tuy nhiên, những gì chính quyền Morrison hay giới truyền thông cho biết và đưa tin trong những ngày qua, vẫn chưa trả lời thỏa đáng vì sao quyết định xây tàu ngầm dùng hạt nhân cũng như quan hệ đối tác AUKUS được hình thành một cách khẩn cấp, và được công bố đột ngột như thế?

Thái độ của lãnh đạo Bắc Kinh

Chính trị, hay mọi điều khác, đều có nguyên lý nhân (và) quả. Sự kiện 16 tháng 9 chỉ là hệ quả của chuỗi sự kiện kéo dài bao năm qua.


Thứ Tư, 4 tháng 8, 2021

Phạm Phú Khải: Công ước Tị nạn tròn 70 tuổi

Ngày 28 tháng 7 vừa qua đánh dấu 70 năm Công ước Tị nạn 1951 (The 1951 Refugee Convention), hay còn gọi là Công ước Liên quan đến Tình trạng Tị nạn (Convention Relating To The Status Of Refugees) được thông qua sau Hội nghị Liên Hiệp Quốc tại Geneva kéo dài từ ngày 2 đến 25 tháng 7 năm 1951. Công ước Tị nạn chính thức có hiệu lực vào ngày 22 tháng 4 năm 1954, lúc đó chỉ có 19 trong 146 quốc gia ký kết.

Công ước Tị nạn ra đời gần 2 năm rưỡi sau bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (TNQTNQ 1948). Lúc bấy giờ, nhu cầu để bảo vệ người tị nạn chủ yếu giới hạn đối với những người chạy trốn trước ngày 1 tháng 1 năm 1951 và trong phạm vi châu Âu thôi. Các biến cố này đã thôi thúc Hội đồng LHQ tìm biện pháp lâu dài. Công ước Tị nạn đến từ Điều 14 trong TNQTNQ, có ghi rằng:

14.1 Khi bị đàn áp, mọi người đều có quyền tìm tị nạn và được hưởng quyền tị nạn tại các quốc gia khác.

14.2 Quyền này không được viện dẫn trong trường hợp sự truy tố thực sự chỉ căn cứ vào những tội trạng không có tính cách chính trị hay vào những hành động trái với mục đích và nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc.

Công ước Tị nạn 1951 ra đời là kết quả thực tiễn để tìm giải pháp. Công ướcđịnh nghĩa từ ‘tị nạn’ là gì, khẳng định các quyền của họ, và những ràng buộc có tính cách pháp lý đối với các quốc gia cam kết bảo vệ. Nguyên tắc cốt lõi của Công ước là không trả về (non-refoulement), khẳng định rằng một người tị nạn không thể bị trả về lại một quốc gia nơi họ phải đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống hoặc sự tự do của họ. Trang nhà của UNHCR có để hình của John Peters Humphrey, tác giả chính của TNQTNQ, lúc đó giữ vai trò Giám đốc Bộ Nhân Quyền của LHQ, đã ngồi ký vào công ước mang tính lịch sử này vào năm 1951.

Thứ Ba, 27 tháng 7, 2021

Phạm Phú Khải: Ngày tàn của kiến thức chuyên môn?

Hôm nay, lên nhật báo The New York Times, thì thấy tình hình Covid-19 tại Mỹ do biến thể Delta gây ra làm cho số ca nhiễm gia tăng đáng kể trên 50 bang. Số ca ngày 21 tháng 7 là 41.310 ca, và ngày 22 tháng 7 là 45.343. Hơn một nửa dân số Mỹ vẫn chưa chích ngừa (49% hoàn chích). Số tử vong là 609.870.

Đầu tháng 7, một bài viết của Jamie Seidel trên báo tại New Zealand có tựa đề “Sự thiếu hiểu biết là lý do tại sao Hoa Kỳ phải đối mặt với 100.000 ca nhiễm mới mỗi ngày” (Ignorance is why US faces 100,000 new infections every day) đã đề cập nhiều đến giáo sư Tom Nichols. Bài này đã được Chu Văn chuyển ngữ và có đăng trên trang Thông Luận.

Xin mở ngoặc ở đây để nói rằng, tuy từ Ignorance có nghĩa là thiếu thông tin hay kiến thức, nó hàm chỉ thái độ của con người. Thông tin dù có cung cấp đầy đủ nhưng người ta không muốn biết, hay dù muốn biết nhưng chỉ chọn lọc những gì hợp với nhãn quan của mình, mà không tìm hiểu đầy đủ, sâu sắc và kỹ lưỡng, thì đó là Ignorance. Ignorance đến từ động từ Ignore, nghĩa là từ chối để ý hay ghi nhận, hoặc phủ nhận một cách cố ý.

Từ đầu đến cuối bài này, tác giả Jamie Seidel đã trích nhiều đoạn từ bài viết của giáo sư Nichols để dẫn chứng cho các lập luận của mình. Seidel cũng dùng kết luận của Nichols cho kết luận của mình: “Trừ khi có thể khôi phục được sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau nào đó, nếu không, công luận sẽ bị ô nhiễm bởi sự tôn trọng không chính đáng đối với những ý kiến vô căn cứ. Và trong một môi trường như vậy, bất cứ điều gì và mọi thứ đều có thể xảy ra, kể cả sự kết thúc của nền dân chủ.”

Nguyên do nào người ta không còn tin vào các nhà chuyên môn nữa để rồi họ bác bỏ kiến thức chuyên môn, khoa học, kể cả phương thức hay toa thuốc có thể cứu lấy mạng sống của mình? Nguyên do nào người ta chọn lọc nghe một thiểu số người hoàn toàn không chuyên môn tung ra những thông tin hay nhận định thiếu căn cứ hoặc phản khoa học?

Thứ Ba, 18 tháng 5, 2021

Phạm Phú Khải: Chuyện cờ Vàng - Giá trị nằm ở đâu?

Hơn hai tuần qua, một số người Việt khắp nơi, đặc biệt tại Úc, trông có vẻ bị cuốn vào sự kiện một sinh viên du học tại tiểu bang NSW đã kéo cờ vàng xuống, giẫm lên lá cờ và nói những lời đầy thách thức đối người Việt tị nạn cộng sản. Người du sinh Dương Đức Thịnh này lại được sự hưởng ứng của các bạn mình.

Nhiều cơ quan truyền thông Việt, Cộng Đồng người Việt tại NSW và khắp Úc, các tổ chức người Việt khắp nơi, và bao nhiêu cá nhân, trong lẫn ngoài nước, đã bày tỏ quan điểm trên Facebook hay các diễn đàn khác, về đề tài này. Tôi dự định không viết về đề tài này, một phần vì nghĩ quá nhiều người đã nói rồi. Vả lại chắc mình cũng không có gì hay ho hoặc mới lạ để chia sẻ. Trong khi đó chuyện cờ bấy lâu nay vẫn là đề tài gây tranh cãi và chia rẽ sâu sắc.

Nhưng vấn đề cờ Vàng nói riêng, hoặc lá cờ nói chung, chắc sẽ không dừng lại ở đây. Điển hình là trong khi Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt tại NSW, và các tiểu bang khác đang tìm cách giải quyết sự việc này với các cơ quan công quyền tại NSW và liên bang Úc, thì lại có bao sự chụp mũ, vu khống với một số những người khác, chỉ vì khác quan điểm. Tinh thần trao đổi, thảo luận hay tranh luận bằng sự tương kính và tôn trọng khác biệt thì hoàn toàn không có, mà chỉ thấy toàn sự phỉ báng và chụp mũ. Chẳng hạn trường hợp của luật sư Trần Kiều Ngọc. Cô Kiều Ngọc đã trình bày vấn đề pháp lý về trường hợp này, và phương pháp tiếp cận vấn đề, trong phỏng vấn với BBC, và trên Facebook của cô. Về mặt pháp lý thì cái nhìn của cô cũng không khác bao nhiêu so với các ý kiến của luật sư Philip Chan và Andie Lam được phỏng vấn trên SBS. Thay vì lắng nghe các ý kiến này, hay phản biện lại bằng chính kiến của mình, người ta lại đội nón cối lên cô, chửi mắng cô không còn gì, hay đặt nghi vấn rằng cô… thuyết khách cho cộng sản v.v…

Cờ, lẽ ra một biểu tượng đoàn kết dân tộc, nhưng lại trở thành sự chia rẽ nhức nhối nhất, trong suốt bao thập niên qua.

Thứ Tư, 21 tháng 4, 2021

Phạm Phú Khải (VOA Blog): Xung đột Mỹ – Trung là về giá trị hay quyền lực?

Cuộc gặp gỡ giữa hai phái đoàn Mỹ - Trung tại Anchorage, Alaska vào hai ngày 18, 19 tháng Ba cho thấy sự đối đầu ngày càng leo thang giữa hai cường quốc. Chính sách ngoại giao mềm mỏng thông thường đã nhường bước; chính sách tố cáo, công khai chỉ mặt điểm tên, đã lên ngôi. Động cơ của sự xung đột đối đầu trên bề mặt là quyền lực. Nhưng bên dưới là sự khác biệt, hay đối nghịch, về nguyên tắc và giá trị. Nhất là giá trị về quyền con người.

Như đã trình bày trong bài trước, trước buổi gặp mặt này, chính quyền Biden đã dồn Bắc Kinh vào góc chân tường: từ cuộc họp thượng đỉnh Bộ tứ QUAD, cho đến việc bổ nhiệm Kurt Campbell, và các tuyên bố thẳng thừng và không khoan nhượng của Mỹ về tình trạng nhân quyền của Trung Quốc tại Hồng Kông và Tân Cương, gọi là tội diệt chủng, cũng như các trò hiếp đáp cưỡng bức kinh tế của Trung Quốc với Úc và bao nước khác. Chính quyền Biden cũng đã trừng phạt 24 viên chức Trung Quốc và Hồng Kông về sự vi phạm nhân quyền trước buổi họp. Ngay từ giây phút đầu của cuộc gặp gỡ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thẳng thừng tấn công và cảnh báo Trung Quốc ở những vấn đề nhạy cảm nhất của họ.

Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi thấy sự lên gân và phản ứng gay gắt từ phái đoàn Trung Quốc. Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì đã cảnh báo Mỹ không nên can thiệp vào "công việc nội bộ" của Trung Quốc, vu khống Mỹ là "nhà vô địch" của các cuộc tấn công mạng, chế nhạo sự ổn định trong nước của Mỹ và thách thức hồ sơ riêng của Mỹ về nhân quyền v.v…

Dường như phái đoàn Mỹ cũng đã tiên liệu phản ứng này. Theo một viên chức cao cấp của Mỹ, phái đoàn Mỹ đến gặp phái đoàn Trung để khẳng định các nguyên tắc, lợi ích và giá trị thúc đẩy cam kết đối với Bắc Kinh, chứ không phải để có những lời thuyết trình cường điệu nhắm vào khán giả trong nước.

Tuy nhiên, để đáp trả phái đoàn Bắc Kinh, Blinken trình bày các điểm chính sau đây: Mỹ luôn quan niệm, từ thời lập quốc đến nay, rằng cung cách lãnh đạo của Mỹ đối với quốc gia là một nhiệm vụ không ngừng để xây dựng một hiệp chủng quốc hoàn hảo hơn. Điều đó có nghĩa là, thừa nhận những điểm không hoàn hảo của chúng tôi, thừa nhận rằng chúng tôi không hoàn hảo. Vâng, Mỹ mắc phải sai lầm. Có lúc nước Mỹ có những bước lùi. Nhưng những gì Mỹ đã làm trong suốt lịch sử của mình là đương đầu với những thách thức đó - một cách công khai, công cộng, và minh bạch – chứ không cố gắng phớt lờ chúng, không cố gắng giả vờ như chúng không tồn tại. Blinken ghi nhận đôi khi nó đau đớn, đôi khi nó xấu xí, nhưng mỗi lần vượt qua được thử thách đó thì nước Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn, tốt hơn, đoàn kết hơn, với tư cách là một quốc gia.

Thứ Tư, 7 tháng 4, 2021

Phạm Phú Khải (VOA Blog): Nhân quyền theo định nghĩa Bắc Kinh

Vào ngày 22 tháng Hai năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị (Qang Yi), đã có bài phát biểu tại phiên họp thứ 46 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc.

Trong bài phát biểu này, Vương Nghị muốn định nghĩa lại nhân quyền. Ông Vương nêu lên bốn quan điểm chính sau đây. Một, chúng ta nên ôm lấy một triết lý nhân quyền đặt trọng tâm vào người dân. Hai, chúng ta nên đề cao tính phổ biến lẫn tính đặc thù của quyền con người. Ba, chúng ta nên thúc đẩy một cách hệ thống tất cả các khía cạnh của quyền con người. Bốn, chúng ta nên tiếp tục thúc đẩy đối thoại và hợp tác quốc tế về nhân quyền.

Thoạt nghe bốn nguyên tắc trên, thì chắc khó ai mà phản đối, hay phản biện, các quan điểm này. Người nghe cũng có thể tưởng rằng nó đến từ Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, hay một nền dân chủ cấp tiến, chứ không phải từ một nước vi phạm nhân quyền trầm trọng mà người dân Trung Quốc, và cả thế giới, đều biết. Nhưng nếu đi sâu vào bên trong, thì nội dung lại rất khác. Khác đến độ trái nghịch.

Để biện minh cho các nguyên tắc trên, ông Vương cho rằng: Hòa bình, phát triển, công bằng, công lý, dân chủ và tự do là những giá trị chung của toàn nhân loại và được tất cả các quốc gia công nhận; nhưng mặt khác, các quốc gia khác nhau về lịch sử, văn hóa, hệ thống xã hội và trình độ phát triển kinh tế, xã hội. Hơn nữa, ông Vương nhấn mạnh rằng nhân quyền không phải là độc quyền của một số ít quốc gia, và hơn nữa không nên được sử dụng như một công cụ để gây áp lực với các quốc gia khác và can thiệp vào công việc nội bộ của họ.

Ở đây, có vài điều đáng nói.

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2021

Phạm Phú Khải: 'tình yêu sẽ trở thành di sản của chúng ta'

Thi sĩ Amanda Gorman ngâm thơ tại lễ nhậm chức của ông Biden.Hình Patrick Semansky-Pool/Getty Images

Nếu kết hợp lòng thương xót với sức mạnh, và sức mạnh với lẽ phải
Thì tình thương trở thành di sản
Và thay đổi quyền bẩm sinh
Trích từ bài thơ “Ngọn đồi chúng ta leo lên” (The hill we climb) do nhà thơ trẻ Amanda Gorman sáng tác và ngâm tại lễ nhậm chức 20 tháng Giêng 2021 của tổng thống Joe Biden.

Lễ nhậm chức tân Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kalama Harris là một biến cố lịch sử về nhiều phương diện. Thay vì hàng trăm ngàn đến cả triệu người tham dự trực tiếp, thì kỳ này con số thật là khiêm nhường. Nó trở thành một sự kiện của truyền hình và truyền thông mạng hơn là trực tiếp. Mối lo ngại an ninh và dịch bệnh Covid-19 là nguyên nhân chính đáng để lễ nhậm chức cho tổng thống thứ 46 của Mỹ không diễn ra như thông lệ trước nay.

Thử thách đối diện của tân chính phủ là vô số, nhưng lớn nhất là: một, đại dịch Covid-19; hai, suy thoái kinh tế; ba, dân tình Mỹ phân hóa; bốn, những thách thức đối diện với dân chủ từ các chế độ chuyên chế bên ngoài Mỹ, và từ các phần tử cực đoan và nổi loạn bên trong Mỹ.

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2021

Phạm Phú Khải (VOA): Trung Quốc muốn hòa hoãn thật sự với Úc?

Quan hệ hiện nay giữa Trung Quốc với Mỹ, và với Úc, có lẽ là thấp nhất, từ khi Trung Quốc nối lại mối bang giao với hai nước này vào đầu thập niên 1970s.

Căng thẳng giữa Úc và Trung Quốc đã lên đến gần tột đỉnh vào giữa tháng 12 năm vừa qua, khi Trung Quốc liên tục cấm nhập cảng các mặt hàng của Úc, và Úc vì thế quyết định kiện Trung Quốc với WTO. Vài ngày sau, Ngoại trưởng Vương Nghị (Wang Yi) ra vẻ hạ giọng như muốn hòa hoãn trong bài nói chuyện do Asia Society tổ chức, ông Kevin Rudd giới thiệu và điều hợp, vào ngày 18 tháng 12. Vương Nghị cho rằng Trung Quốc không muốn thấy mối quan hệ với Úc xấu đi và muốn mối quan hệ trở lại đúng hướng càng sớm càng tốt.

Có thật Trung Quốc muốn vậy không? Và không có điều kiện ràng buộc nào?

Trước hết, không chỉ mối quan hệ giữa Trung Quốc với Úc tồi tệ hơn, mà còn với Mỹ và bao quốc gia khác. Cuối năm 2019, khảo sát của cơ quan PEW về quan điểm của người dân trên thế giới đối với Trung Quốc cho thấy cái nhìn khá tiêu cực, đặc biệt tại các nước có GDP cao nhất như Mỹ, Hòa Lan, Thụy Điển và Đức. Năm 2020, vụ việc ém nhẹm Covid-19 để nó lây lan toàn thế giới và qua đó thay đổi toàn diện lối sống con người toàn cầu đã làm cho cái nhìn tiêu cực càng gia tăng. Trong 14 quốc gia mà PEW khảo sát năm 2020 thì trung bình 61% phản hồi cho rằng Trung Quốc đã quản lý Covid-19 rất tồi tệ. Ba phần tư người dân trong 14 quốc gia này có cái nhìn không thiện cảm với Trung Quốc.

Năm 2020, Trung Quốc đã gia tăng thái độ hống hách của mình, kể cả việc bắt bớ giam cầm các công dân và ký giả ngoại quốc trong những tháng qua, trong đó có các ký giả của Úc.

Vào giữa tháng 11 năm 2020, tài liệu gồm 14 tranh chấp được tòa đại sứ Trung Quốc tiết lộ cho một số cơ quan truyền thông Úc như The Age, The Sydney Morning Herald và Nine News. Nó được tiết lộ kiểu này nhằm để gia tăng áp lực lên chính quyền Morrsion hiện nay.

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

Phạm Phú Khải: Độc tài, nhân quyền và tin giả

Sự thật sẽ giải thoát con người – “The Truth will set you free”

Tin giả (bao gồm thông tin gây thất thiệt/ disinformation và thông tin tuyên truyền/ propaganda) đang là một trong các mối đe dọa lớn nhất hiện nay đối với nhân quyền và mọi nền dân chủ.

Trước hết, chúng ta cần nhớ rằng nó không ảnh hưởng bao nhiêu lên các thể chế độc tài/cộng sản. Lý do? Một, họ kiểm soát mọi phương tiện truyền thông một cách chặt chẽ, kể cả các mạng truyền thông xã hội. Facebook đồng ý kiểm duyệt thông tin có vẻ “bất hợp pháp” tại VN (tức chống chính quyền) từ tháng Tư năm nay, và ngày càng nhượng bộ chính phủ Việt Nam trước yêu cầu phải kiểm soát nội dung nhiều hơn nữa, nếu không sẽ bị đóng cửa. Tại Thái Lan, Facebook cũng hành xử tương tự như thế. Hai, họ là chủ mưu tạo ra các thông tin một chiều và kể cả dựng chuyện. Với bản chất trí trá và thiếu chính danh/nghĩa, họ phải dồn bao nỗ lực để tuyên truyền đánh bóng cho chính mình, để người dân tiếp tục tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của họ. Vì thế, những gì được phổ biến chính thức thì đã được nhào nặn, bóp méo, hay có khi được đổi trắng thành đen, để định hình và uốn nắn tư tưởng của người dân.

Chống lại cung cách nhìn nhận và quản lý thông tin độc đoán như thế là điều mà tất cả những ai yêu chuộng lẽ phải và công lý cần phải làm. Nhưng điều nghịch lý là nhiều người có lập trường chống cộng/độc tài cũng bị rơi vào các vòng luẩn quẩn như vậy. Một, dễ tin vào các tin giả mà có khi mục tiêu sâu xa, thầm kín của nó là đi ngược lại lẽ phải và sự thật. Hai, đi phát tán tin giả mà họ tin là thật, chẳng khác gì làm cái loa tuyên truyền cho chuyên chế. Ba, chính nhiều người chống cộng/độc tài lại tạo ra bao nhiêu tin giả. Trong thâm tâm, họ nghĩ rằng để chống lại tuyên truyền thì cũng phải tuyên truyền.

Rốt cuộc tuyên truyền và phản tuyên truyền tưởng đối nghịch nhau, tưởng hai thái cực, nhưng nếu bẻ cong lại thành vòng tròn, thì gặp nhau. Chung điểm.

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2020

Phạm Phú Khải: Trung Quốc - xiết tin thật, tung tin giả

Một poster Văn Phòng Điều Tra của Đài Loan kêu gọi công chúng nhận diện tin giả từ Trung Quốc. Hình minh họa.

Trung Quốc và Nga là hai ổ lớn làm ra tin giả trên thế giới. Họ thường làm âm thầm kín đáo để không lộ diện. Nhưng gần đây dường như Trung Quốc thấy không cần giấu nữa.

Cuối tháng 11 năm 2020, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tạo ra hình giả của một người lính Úc cầm dao dính máu kề cổ một em bé người Afghanistan đang ôm con cừu, với câu kèm “Đừng sợ, chúng tôi đến để mang hòa bình cho bạn”.

Sự kiện một viên chức cao cấp Trung Quốc dùng hình thức này để lên án cung cách hành xử của quân đội Úc tại Afghanistan ghi dấu mốc điểm thấp nhất trong quan hệ giữa hai nước, kể từ khi nối lại bang giao vào đầu thập niên 1970s.

Thủ tướng Úc Scott Morrison họp báo để phê phán Trung Quốc bằng những lời lẽ thẳng thừng và mạnh mẽ nhất. Ông dùng từ “ghê tởm” (repugnant) để diễn tả hành động này, yêu cầu gỡ bỏ bài này trên Twitter, và lời xin lỗi chính thức từ Bắc Kinh.

Liên quan đến sự kiện tin giả này, các chuyên gia Úc và công ty chuyên về an ninh mạng của Do Thái có tên Cyabra cho biết, hình ảnh này được lan rộng trên mạng, trong đó một nửa nhờ các tài khoản giả trên mạng xã hội. Điều tra của Cyabra cho biết, 57.5% các tài khoản tiếp cận với vấn đề này là giả. Điều này cho thấy đủ chứng cớ về một chiến dịch thông tin sai lệch chủ yếu để dàn dựng. Các chuyên gia cho rằng, nhiều tài khoản này đã từng được dùng để nói về Hồng Kông. Cuộc điều tra cũng cho biết có khoảng 37 ngàn tài khoản dùng để tấn công Úc kể từ tháng Sáu năm nay.

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2020

Phạm Phú Khải (VOA): Vấn đề chuyển giao quyền lực

Trong lịch sử, sự thay đổi quyền lực thường mang tính cách bạo động, bất ổn, xáo trộn, và có khi còn máu đổ đầu rơi hay chiến tranh nữa. Cho đến khi nền dân chủ đích thực ra đời, trong đó người dân thay đổi quyền lực chính trị bằng chính tiếng nói/lá phiếu của họ.

Sự chuyển giao quyền lực chính trị trong các nền dân chủ thường mang tính ổn định và hiệu quả, dù ai hay đảng nào lên nắm quyền đi nữa. Đó là một trong những khác biệt lớn nhất so với các thể chế phi dân chủ, bán dân chủ hay độc tài.

Nhưng cuộc chuyển giao quyền lực kỳ này quả là chưa từng có trong lịch sử.

Trước khi bàn về những vấn đề chuyển giao quyền lực từ chính quyền Trump sang Biden, bài này xin chia sẻ vài khía cạnh lịch sử trước.

Vào ngày 12 tháng 4 năm 1945, trong lúc quân đội đồng minh tiến về phía Bá Linh, cách khoảng 80km, Tổng thống Franklin Delano Roosevelt (FDR) đã bị một cơn xuất huyết não lớn và qua đời [1]. Ông không sống để nhìn thấy sự kết thúc của Hitler và đầu hàng của Đức chỉ vài tuần sau đó (8 tháng 5 năm 1945).

Sử gia Doris Kearns Goodwin kể rằng, ông FDR qua đời vào 3:30 giờ chiều. Bác sĩ gọi đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt, trong lúc bà đang đi thuyết trình và tham dự buổi trình diễn dương cầm sau đó. Về đến Nhà Trắng, bà Roosevelt mới được cho biết ông FDR đã qua đời. Bà cùng cô con gái Anna thay áo đầm đen, sau đó gọi báo tin cho bốn người con trai, cả bốn đều đang tham chiến trong nhiều vai trò khác nhau lúc đó. Bà triệu tập Phó Tổng thống (PTT) Mỹ, Harry Truman. Truman đến Nhà Trắng lúc 5:30 giờ chiều, lúc đó Truman chưa biết gì. Bằng giọng nói bình tĩnh và nhẹ nhàng, bà Roosevelt nói: “Harry, tổng thống đã qua đời”. Khi được Truman hỏi là ông có thể làm gì cho bà không, bà Roosevelt trả lời: “Chúng tôi có thể làm gì cho ông không? Bởi vì chính ông là người đang gặp khó khăn đấy” (Is there anything we can do for you? For you are the one in trouble now.) [2].

Quả thật là PTT Truman đang đối diện với bao nhiêu thử thách. Tuy Mỹ và đồng minh đang chiếm ưu thế, nhưng cuộc chiến vẫn còn một chặng đường xa để đến thắng lợi toàn diện. Vào thời điểm bấy giờ và trước đó, trong truyền thống chính trị Mỹ, Phó Tổng thống không trực tiếp điều hành công việc quốc gia mà chỉ mang giá trị tượng trưng. Truman cũng chỉ gặp riêng FDR vài lần sau cuộc bầu cử [3]. Nên Truman vừa thiếu kinh nghiệm vừa thiếu thông tin. Dự án Manhattan, tức chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân đầu tiên, bắt đầu vào năm 1939, bí mật đến độ PTT Truman cũng không hề biết vào thời điểm đó [4].

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

Phạm Phú Khải (VOA): Thế giới sẽ đến điểm 'không thể quay trở lại'?

 Chỉ còn ba tuần nữa là đến bầu cử Mỹ.

Kết quả cuộc bầu cử kỳ này có khả năng thay đổi nước Mỹ sâu sắc, và toàn cầu.

Nếu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử, bốn năm tới dưới sự lãnh đạo của ông Trump sẽ vẫn theo chiều hướng gần như bốn năm qua. Từ khi lên nắm quyền, ông Trump đã đảo lộn các nguyên tắc nền tảng của chính sách ngoại giao Mỹ kể từ Thế Chiến II, như đồng minh, tự do thương mại, và hỗ trợ cho dân chủ và nhân quyền [1]. Nếu tái đắc cử, ông Trump sẽ được khuyến khích và có động lực để tiếp tục thúc đẩy chủ trương “Nước Mỹ Trước hết” (America First) làm nền tảng chính sách đối nội và đối ngoại của mình.

Còn nếu ông Joe Biden đắc cử, dựa trên bài viết trên tạp chí Foreign Affairs, phỏng vấn của Council on Foreign Relations, và nghiên cứu từ chuyên gia độc lập, chúng ta có thể tin rằng, chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ sẽ khác xa con đường và phương cách của ông Trump [2]. Quan điểm của ông Biden về đồng minh, thương mại và dân chủ nhân quyền vốn mang tính truyền thống Mỹ. Nhưng với thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc, và nhiều thách thức khác đối diện với Mỹ và thế giới hiện nay, ông Biden chủ trương củng cố nền dân chủ tại Mỹ và thế liên minh với các quốc gia khác, và muốn giữ vai trò lãnh đạo thế giới, đề cao tự do dân chủ và uy tín khắp nơi.

Nếu đa số người dân Mỹ bầu cho ông Trump kỳ này, 4 năm sau và tương lai Mỹ về sau sẽ khác nhiều. Cho nên sự chọn lựa bầu cho ai kỳ này được xem là điểm không trở lại (the point of no return). Nó sẽ là con đường khác, và sẽ dẫn đến một tương lai rất khác. Bài viết mới nhất của Michael Beckley, sẽ đăng trên số Tháng 11/12 của Foreign Affairs với tựa đề “Siêu cường xảo quyệt, Tại sao đây có thể là thế kỷ Mỹ phi tự do” (Rogue Superpower - Why This Could Be an Illiberal American Century), đưa ra những biện luận rất đáng được quan tâm, suy nghĩ [3].

Một cách tóm tắt, Beckley đưa ra các luận điểm chính sau đây. Một, “Nước Mỹ Trước hết” của ông Trump, thật ra, là chủ trương của phần lớn lịch sử nước Mỹ. Hai, đa số người dân Mỹ ngày nay tiếp tục muốn Mỹ chọn con đường này, và với tỷ lệ dân số người già ngày càng gia tăng, cộng với kỹ nghệ tự động (automation) thì Mỹ sẽ tiếp tục chọn con đường này vì nó mang lại lợi ích và lợi thế nhiều nhất cho Mỹ, so với các quốc gia khác. Ba, với thực trạng này thì con đường tốt nhất, là một chính sách dựa trên chủ nghĩa quốc tế cấp tiến nhưng nghiêng theo chiều hướng dân tộc (tức dung hợp/hybrid).

Chủ trương “Nước Mỹ Trước hết”

Theo Beckley, nhiều chuyên gia ủng hộ cái gọi là Trật tự Quốc tế Cấp tiến (Liberal International Order) mong rằng, khi ông Trump rời khỏi Oval Office, Mỹ sẽ trở lại vai trò lãnh đạo thế giới tự do. Nhưng đối với Beckley thì đừng mong thế, bởi vì phương thức giao dịch (transactional approach) của Trump về chính sách ngoại giao thật ra là điều bình thường trong phần lớn lịch sử của Mỹ. Cho nên dấu ấn của Trump để lại sẽ tồn tại lâu dài sau khi Trump ra đi.


Thứ Ba, 13 tháng 10, 2020

Phạm Phú Khải (VOA BLOG): Tâm lý bất lực trước bất công

Trong 10 bộ phim được xem nhiều nhất từ xưa đến năm 2019, đo lường qua số tiền thu hoạch được, có đến 6 phim về siêu anh hùng, trong đó ba tập Avengers của Marvel chiếm áp đảo [1]. Các phim còn lại, gồm Avatar, Titanic, Jurassic World và Furious 7, đều đề cao tính gan dạ, anh hùng của các nhân vật chính trong các phim này.

Đến năm 2020 thì có chút thay đổi thứ tự, với phim The Lion King, phim làm lại năm 2019, chiếm thứ 6 về tổng thu hoạch; Frozen II, chiếm thứ 10; Harry Potter and the Deathly Hallows Part 2, chiếm thứ 12 [2].

Ngay cả với phim The Lion King, Frozen I và II, Harry Potter v.v… thì cũng đều đề cao cái thiện, gan dạ và chính nghĩa chống lại cái ác, hèn nhát và vô luân.

Câu hỏi là, “Tại sao thế giới phim ảnh cũng như các sản phẩm liên quan đến (siêu) anh hùng lại có sức thu hút người ta mãnh liệt đến thế?”.

Phải chăng nó liên quan mật thiết đến sự bất lực và công lý?

Có phải vì phần lớn con người khắp nơi chỉ biết lo cho bản thân và thiếu tinh thần gan dạ để bảo vệ công lý cho chính mình và người khác?

Đã là con người, tất cả chúng ta, đều ít hay nhiều đã từng trải qua những kinh nghiệm đau thương về sự bất công. Mức độ có thể khác nhau, tùy theo hoàn cảnh, môi trường, xã hội/đất nước đang sống, mà sự cảm nhận của mỗi người về công lý cũng khác.

Nhưng hầu như ai cũng trải nghiệm về bất công, ngay cả khi còn rất nhỏ. Nó có thể đeo đuổi cả đời người. Giáo sư Morton Deutsch, thuộc đại học Columbia, một trong những người sáng lập về lĩnh vực giải quyết xung đột, đã đóng góp đáng kể trong ngành tâm lý để góp phần làm cho thế giới công bằng và bình an hơn [3]. Deutsch, từ lúc 5 tuổi, đã bắt đầu trải nghiệm bất công, và khi lớn lên cũng có trải nghiệm về loại trừ, phân biệt và định kiến. Những kinh nghiệm này đã thôi thúc ông một nhu cầu lớn. Đó là để tìm hiểu và giải quyết sự bất công.


Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

Phạm Phú Khải (VOA Blog): Nước, nắng và quyền lực

Nước và nắng, cái nào sẽ cho ra năng lượng tái tạo cần thiết và bền vững cho con người hôm nay và mai sau?

Câu trả lời là nắng, ánh nắng mặt trời [1]. Năng lượng tái tạo do ánh nắng mặt trời không cho ra khí thải CO2, không làm ô nhiễm môi trường hay làm nóng địa cầu. Trong khi đó, các thủy đập có thể phá vỡ hệ sinh thái sông và cộng đồng xung quanh, gây hại cho động vật hoang dã và làm cho người dân phải dời nơi ở.

Đặc biệt đúng cho lưu vực sông Mekong.

Một nghiên cứu quy mô vào năm 2017 của cơ quan Stockholm Environment Institute với sựhỗ trợ của UNESCO đưa ra một số kết luận đáng chú ý: một, nếu tất cả các đập ở hạ lưu sông Mekong được xây thì 96% phù sa sẽ bị mắc kẹt, chỉ còn lại 4% so với hiện nay xuống vùng đồng bằng; hai, nếu tất cả các đập này xây thì Việt Nam có thể mất đi 203.300 tấn lúa trong 10 năm tới; ba, mất phù sa và dinh dưỡng do các đập, và mất môi trường sống, thì sẽ làm giảm 12 đến 27 phần trăm năng suất chính của thực vật thuộc khu vực đồng bằng [2].

Điều đáng lo hơn nữa là năm quốc gia ở hạ nguồn, bao gồm Thái Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia và Việt Nam, đều độc tài, tuy hình thức khác nhau. Thái Lan và Miến Điện thì quân đội vẫn nắm quá nhiều quyền lực trong tay. Campuchia, Lào và Việt Nam thì do một cá nhân hay một nhóm người thuộc đảng cộng sản hay từng là đảng viên cộng sản nắm quyền hành trong tay.

Bốn chính phủ này, không kể Miến Điện, thành lập Ủy hội Sông Mekong(Mekong River Commission/MRC) năm 1995. 25 năm qua, MRC đã thực hiện được nhiều nghiên cứu hữu ích, nhưng ảnh hưởng của MRC đối với các quốc gia thành viên rất giới hạn, khoan nói đến ảnh hưởng lên Trung Quốc [3]. Một phần là vì MRC chủ trương không can thiệp vào chuyện nội bộvà quyết định phải dựa trên đồng thuận chung. MRC cũng không thể đồng thuận ngay cả trên các vấn đề sống còn của các nước trực tiếp ảnh hưởng. Chẳng hạn như các đề nghị dựa trên một nghiên cứu kéo dài 5 năm, về Phát triển và Quản lý Bền vững Sông Mekong từ năm 2012 đến 2017, kể cả các ảnh hưởng của đập nước thượng nguồn, thì không được hưởng ứng [4]. Chỉ có Việt Nam mới ủng hộ các biện pháp đề nghị từ nghiên cứu này; còn Lào, Thái Lan và Campuchia thì không [5]. Trong khi đó, tổng giá trị thủy sản từ sông Mekong lượng giá là 11 tỷMỹ kim (có nguồn khác ước tính 17 tỷ Mỹ kim), và nghiên cứu này phỏng đoán sẽ có 35%- 40% giảm sinh khối cá vào năm 2020. Tuy biết vậy nhưng một số quốc gia thành viên không chấp nhận.

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2020

Phạm Phú Khải (VOA): Kỳ thị và bản sắc, nhìn từ nước Úc


Các thông điệp được ghi và gắn xung quanh tượng TT Andrew Jackson tại công viên Lafayette, đối diện tòa Bạch ốc, 15 tháng Sáu.

Làm người đi tìm sự thật hôm nay cũng thật khó!

Đa số người Mỹ cho rằng sự phẫn nộ về cái chết của người da đen dưới bàn tay của cảnh sát đưa đến các cuộc biểu tình khắp nước trong thời gian qua là điều chính đáng, mặc dầu họ không nhất thiết đồng tình với hành động xảy ra, theo khảo sát vào đầu tháng Sáu của trường đại học Monmouth. 76 phần trăm người Mỹ, kể cả 71 phần trăm người Mỹ da trắng, cho rằng kỳ thịchủng tộc và phân biệt là một vấn đề lớn tại Hoa Kỳ, tăng 26 phần trăm so với khảo sát năm 2015.

Mọi mạng sống đều quan trọng


Vào ngày 22 tháng Sáu, một chiếc phi cơ bay ngang sân Etihad Stadium khi hai đội banh Manchester City và Burnley thi đấu. Chiếc máy bay chở một tấm phướn lớn có chữ “White Lives Matter Burnley”. Liền sau đó, đội Burnley bị chỉ trích nặng nề vì bị cho rằng thông điệp này coi thường phong trào đấu tranh Black Lives Matter hiện nay. Giám đốc đội Burnley, ông Sean Mark Dyche, liền họp báo lên án hành động này và xin lỗi vì sự việc xảy ra ngoài ý muốn của ông. Còn đội trưởng Ben Mee cho biết anh cảm thấy nhục nhã và xấu hổ đối với những ủng hộ viên nồng nhiệt nhưng hành xử như thế.

Giám đốc đội Manchester City thì ôn tồn hơn khi phản ứng về sự kiện này. Ông Pep Guardiola cho rằng “Tất nhiên mạng sống người da trắng là quan trọng nhưng mạng sống người da đen cũng quan trọng. Con người quan trọng. Mọi người, chúng ta đều giống nhau. Mỗi ngày chúng ta phải chiến đấu không chỉ vì tình huống này mà còn vì tất cả những bất công trên toàn thếgiới.” Trước đó, vào ngày 18 tháng Sáu, khi nói về phong trào Black Lives Matter, Guardiola cũng nhận xét rằng ông cảm thấy "xấu hổ" về lịch sử đối xử của người da trắng đối với người da đen.

Tự hào hay phủ nhận bản sắc


Cái chết của ông George Floyd tại Mỹ do một cảnh sát da trắng quỳ gối lên cổ đã làm cho nhiều người phẫn nộ, trong đó những người da trắng tại Mỹ cũng như khắp nơi cảm thấy nhục nhã vì hành động này và vô tình cảm thấy xấu hổ lây vì mình là da trắng.

Một đàn ông da trắng Damian Cawthorne chụp tấm hình mình mặt áo có hàng chữ “Tôi yêu được làm người da trắng (I Love Being White), rồi phổ biến trên Twitter với lời giới thiệu “Một đàn ông da trắng người Anh tự hào” (Proud white English man).

Hân là một người bạn Việt Nam của tôi. Cô qua Úc lúc chỉ 7 tuổi nên cô rành tiếng Anh hơn tiếng Việt. Theo dõi phong trào Black Lives Matter trong những ngày qua, từ bên ủng hộ đến bên chống đối, cô liền dùng hình ảnh của Cawthorne để gửi cho 6 người bạn của cô trên Twitter, tất cả đều là da trắng, là công dân của Mỹ, Úc, Anh, Ba Lan, Tây Ban Nha, và Hoà Lan. Cô hỏi mấy anh nghĩ gì về tấm hình này? Tất cả đều trả lời Hân rằng gã đàn ông này quả thật ngu xuẩn, không tế nhị khi mặc áo và đăng các hình và chữ này, và có hàm ý ngầm là kỳ thị chủng tộc.

Hân ngạc nhiên hỏi sáu ông này rằng từ lúc nào tự hào về bản sắc của mình trở thành một vấn đề? Hân lý luận rằng kỳ thị chủng tộc là khi nào trong tư tưởng mình có suy nghĩ sắc tộc của mình ưu việt hơn một hay nhiều sắc tộc nào đó, và/hoặc như thế coi thường và đối xử phân biệt với sắc tộc đó. Còn ghi nhận và tự hào về bản sắc (identity) của mình thì đâu có gì sai. Hân biện luận “Các ông thấy không, tôi tự hào là người da vàng, tôi tự hào là người Việt Nam. Tôi không thể thay đổi màu da của tôi. Nhưng tôi tự hào về bản sắc của mình”.

Tất cả sáu người đàn ông da trắng này đều ngạc nhiên với lý luận của Hân. Quả thật họ không thể nghĩ ra hay nhìn vấn đề này ở khía cạnh như thế, nhất là khi các vấn đề tranh cãi qua phong trào Black Lives Matter trở thành vô cùng tế nhị và nhạy cảm hiện nay. Bởi nói không khéo người da trắng dễ làm cho người không phải da trắng nghĩ mình có óc kỳ thị. Cho nên có những người da trắng chọn thái độ nói khéo, nói an toàn, nói phải đạo (politically correct), để khỏi mất lòng hay gây hiểu lầm.

Một trong sáu người đàn ông này hỏi lại Hân rằng nếu ông ta nói “Tôi không muốn làm người Việt Nam. Người Việt Nam có những tính xấu. Vậy cô có tức giận không?”. Cô Hân trả lời “Không, tôi sẽ không tức giận. Bởi vì ông không phải là người Việt Nam. Ông là một người da trắng. Ông không có quyền hưởng làm người Việt Nam bởi vì ông không phải là vậy (You are not entitled to be Vietnamese, because you are simply not)”. Người đàn ông này kinh ngạc với cách nhìn của Hân bởi vì quen Hân đã lâu nhưng không ngờ Hân lại có lối suy nghĩ và biện luận như thế. Hân tiếp tục “Tuy nhiên, tôi sẽ tức giận nếu một người Việt Nam nào đó lại đi phủ nhận mình là người Việt Nam”. Hân kết luận “Chúng ta nên chấp nhận mình là ai, nên tự hào về bản sắc của mình, và nên tôn trọng các sắc tộc khác và tôn trọng sự khác biệt.”

Những trò “đấu tố” thời nay


Cũng qua sự kiện George Floyd, luật sư Trần Kiều Ngọc đại diện cho Phong Trào Giới Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền có ra một thông cáo nhận định rằng “Chúng tôi luôn kiên định lập trường ủng hộ hoàn toàn các mục tiêu đấu tranh cho công lý, công bằng xã hội, và sự bình đẳng cho tất cả mọi sắc dân, chủng tộc.” Phong Trào cũng khẳng định “All Lives Matter (Mạng Sống Của Mọi Người Đều Quan Trọng).” Thông cáo này có thông điệp ôn hoà, quan điểm cũng không khác gì Pep Guardiola hay tổng thống George W. Bush.

Thông cáo này cho đến nay được 659 thích, và 531 còm. Số còm gần bằng số thích. Tuy có nhiều người ủng hộ hơn chống, phần lớn chỉ bấm thích nhưng không bình luận. Còn các còm thì phần lớn đều tố cáo cô Trần Kiều Ngọc và PTGTTGVNQ bằng mọi nhãn hiệu tồi tệ nhất có thể. Đặc biệt họ cho rằng cô lợi dụng cơ hội này để ủng hộ cho đảng Dân chủ và hạ bệ ông Donald Trump của đảng Cộng hoà, trong khi toàn nội dung chỉ nói về nhân quyền, và chẳng đềcập gì đến đảng phái chính trị tại Hoa Kỳ.

Không biết từ khi nào các cuộc tranh luận về quyền làm người, hay các cuộc đấu tranh cho nhân quyền nhân phẩm, lại bị tóm gọn và đơn giản hóa tối thiểu thành các khẩu hiệu chính trịnhư thế này.

Nhìn các trò ném đá này, những trò vu khống chụp mũ vô tội vạ trên mạng xã hội, tôi cứ nghĩ đến tác phẩm “Từ Thực Dân Đến Cộng Sản” của Hoàng Văn Chí, và cảm thấy rùng mình bởi các hình thức “đấu tố” thời đại mới.

Sẽ thật là tích cực và văn minh hơn, và hiệu quả hơn nếu muốn người khác thay đổi, khi chúng ta học cách phê bình nhau bằng những lời lẽ ôn tồn, với lý luận chính đáng và trình bày các bằng chứng khả tín.

Đi tìm sự thật lúc này cũng khó!


Giáo sư Nguyễn Thanh Việt có viết một nhận định ngắn trên Facebook rằng trong cùng một ngày, ông bị một người theo cánh tả bên Pháp gọi ông là con rối chống Cộng, trong khi người Việt tại Mỹ gọi ông là Cộng sản; ông cũng thường bị một số người Mỹ yêu nước bảo ông về lại nước Việt Nam Cộng Sản nếu ông yêu chủ nghĩa cộng sản nhiều như thế trong khi đó phần lớn những gì ông làm không được phép xuất bản tại Việt Nam. Thật là bối rối quá.

Quả là đi tìm sự thật hay dám nói lên những gì mình tin là đúng vào lúc này có rủi ro đụng chạm bao nhiêu xu hướng khác nhau trong xã hội: những người cả tin, những kẻ cuồng tín, những thành phần dân tộc quá khích, từ cực tả sang cực hữu v.v… Vì thế nên nhiều người ôn hoà chọn thái độ im lặng là vàng.

Nhưng vẫn có những tiếng nói công chính.

Vào ngày 2 tháng Sáu, sau sự kiện George Floys, cựu Tổng thống Hoa Kỳ George Walker Bush ra một tuyên bố có đoạn như sau:

“Những người hùng của nước Mỹ - từ Frederick Douglass đến Harriet Tubman, từ Abraham Lincoln đến Martin Luther King Jr. - là những vị anh hùng của sự đoàn kết. Lời kêu gọi của họkhông dành cho kẻ yếu tim. Họ thường tiết lộ sự cuồng tín và bóc lột - những vết nhơ của dân tộc mà đôi khi không dễ cho cộng đồng đa số suy xét. Chúng ta chỉ có thể nhìn ra nhu cầu của đất nước qua cặp mắt của người bị đe doạ, áp bức và bỏ rơi.”

Ông Bush quả quyết “Đạt được công lý cho tất cả là trách nhiệm của tất cả mọi người”, và kết luận “Tôi tin rằng cùng nhau người Mỹ sẽ chọn con đường tốt hơn”.

Tổng tống John Fitzgerald Kennedy từng nhận định rằng “Khi quyền của một người bị đe doạ, quyền của mọi người bị giảm sút theo.” (The rights of every man are diminished when the rights of one man are threatened.”

Tổng thống Franklin Delano Roosevelt thì xác định rằng “Tự do có nghĩa là sự thượng đẳng của nhân quyền mọi nơi. Chúng ta ủng hộ những ai đấu tranh để giành và giữ các quyền này. Sức mạnh của ta đến từ sự đoàn kết trong mục đích. Vì quan niệm cao cả đó, mục tiêu cuối cùng phải là chiến thắng.”

Kỳ thị và bản sắc có lẽ là hai đề tài phức tạp và nhạy cảm lớn hiện nay. Nhưng mọi thứ đều có thể đơn giản hơn nếu mỗi chúng ta bớt đi sự tự ti cũng như sự tự tôn. Tự tôn quá trở thành lốbịch và kỳ thị. Tự tin quá trở thành khôi hài và bị kỳ thị. Trắng hay đen, vàng hay nâu, cũng chỉ là màu, và chỉ là bề ngoài. Bên trong mỗi chúng ta, từ tâm thức đến hành động, mới là quan trọng. Muốn hiểu bên trong thì cần nhìn sâu một chút, lâu một chút, và bằng tấm lòng thành và sự đồng cảm của mình cho người khác, với tư cách là một con người đúng nghĩa.

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2020

Phạm Phú Khải: Nước Mỹ và vấn nạn nô lệ thời lập quốc


Biểu tình tại Los Angeles liên quan đến cái chết của ông George Floyd. Hình MARK RALSTON/AFP via Getty Images

“Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc.” – Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, công bố ngày 4 tháng Bảy năm 1776.

Một trong năm tác giả chính của tuyên ngôn này là Thomas Jefferson, như chúng ta đã biết [1]. Vị Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, vì thế, đã trở thành biểu tượng của tự do, bình đẳng, và nhân quyền trên toàn cầu.

Mọi người là gồm những ai?


Vấn đề là, Jefferson vào lúc đó có xem người da đen, người nô lệ, là con người không?

Không riêng gì Jefferson, những nhà lập quốc Hoa Kỳ khác, như George Washington, James Madison (một trong các tác giả chính của Hiến pháp Hoa Kỳ), Benjamin Franklin, James Monroe v.v… nghĩ sao về người da đen, về vấn đề nô lệ?

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2020

Phạm Phú Khải: ĐCSVN có yêu nước không? (và 'yêu nước' là gì?)

Hình minh họa.
Trong suốt 80 năm qua, ĐCSVN tiếp tục tuyên truyền rằng sự ra đời của họ là “một bước ngoặt vô cùng quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam, quyết định sự phát triển của dân tộc, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ 20”. Tạp chí Tuyên Giáo của chế độ, và hầu như mọi cơ quan truyền thông nhà nước, cứ tiếp tục ra rả như thế từ năm này sang năm khác.

Có thật rằng Đảng Cộng Sản Việt Nam yêu nước không?

Trước hết, thế nào là yêu nước? Yêu nước nên được định nghĩa ra sao?

Theo từ điển Oxford, và nhiều từ điển khác, yêu nước (patriotism) có nghĩa là sự cống hiến và ủng hộ mãnh liệt cho một quốc dân/dân tộc (nation). Xin nhấn mạnh chữ quốc dân ở đây, thay vì là quốc gia, đất nước, hay tổ quốc.

Quốc dân/ tộc là gì? Là một bộ phận lớn nối kết con người với nhau bằng nguồn gốc tổ tiên, lịch sử, văn hóa, hay ngôn ngữ, chung sống ở một nước hay một lãnh thổ nào đó.

Nhiều nhà khoa học chính trị cho rằng quốc dân/tộc chỉ là một cộng đồng tưởng tượng (imagined community) hoặc cộng đồng trừu tượng (abstract community), hơn là hiện thực.

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020

Phạm Phú Khải (VOA): Covid-19 sẽ thay đổi thế giới ra sao?

Đa số các chuyên gia này nhận định rằng đại dịch Covid-19 sẽ củng cố chủ nghĩa dân tộc khắp nơi và gia tăng quyền lực của nhà nước tại nơi đó.

Trước năm 2020, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc định hình mối bang giao quốc tế. Mối quan hệ này được thể hiện bằng cuộc thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày một leo thang. Nhưng đằng sau đó thật ra là sự leo thang quyền lực chính trị giữa một bên là Hoa Kỳ muốn tiếp tục duy trì ngôi vị bá chủ toàn cầu, và một bên là Trung Quốc muốn thách thức và thay đổi trật tự hiện có để ngày càng có lợi cho mình, trong vùng và toàn cầu.

Nhưng nạn đại dịch Covid-19 đã thay đổi sâu đậm bàn cờ chính trị quốc tế hiện nay.

Sau đây là nhận định của 12 chuyên gia với tầm nhìn toàn cầu, được đăng trên tạp chí Foreign Policy, với tựa đề “Thế giới sẽ nhìn ra sao sau đại dịch Coronavirus”.

Đa số các chuyên gia này nhận định rằng đại dịch Covid-19 sẽ củng cố chủ nghĩa dân tộc khắp nơi và gia tăng quyền lực của nhà nước tại nơi đó; tạo ra một thế giới ít rộng mở hơn, ít thịnh vượng hơn, và ít tự do hơn; chấm dứt toàn cầu hóa như chúng ta đã biết; đưa đến toàn cầu hóa quanh trục Trung Quốc; làm tệ hơn mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay và làm yếu đi tiến trình hội nhập Âu châu; Covid-19 sẽtiếp tục giảm hoạt động kinh tế và gia tăng căng thẳng giữa các quốc gia; về lâu dài, đại dịch có thể sẽ làm giảm đáng kể năng lực sản xuất của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt nếu các doanh nghiệp đóng cửa và các cá nhân tách khỏi lực lượng lao động.

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2020

Phạm Phú Khải (VOA Blog): Covid-19 - WHO có làm đúng chức năng chưa?

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, người đứng đầu WHO.

Sau Thế Chiến II, nhiều người mới nhận ra rằng tất cả mọi con người, và mọi quốc gia, đều tương thuộc nhau. Xung đột của một nơi lạ hoắc hoặc xa lắc vẫn có thể tác động lên các vấn đềcon người (human affairs) ở bình diện vùng và toàn cầu.

Hoa Kỳ, vì thế, đã cùng các đồng minh nỗ lực thiết lập Liên Hiệp Quốc và các định chế quốc tếkhác để đối phó với an ninh, tài chánh, kinh tế, thương mại cũng như các Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization) v.v… để giải quyết các vấn đề này trên bình diện vùng và toàn cầu.

Trước khi Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền ra đời khoảng 7 tháng, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã bắt đầu hoạt động kể từ ngày 7 tháng Tư năm 1948 với một cam kết chung là “để đạt được sức khỏe tốt hơn cho mọi người, ở mọi nơi.”

Nhưng từ đó đến nay, vai trò và trách nhiệm của WHO chưa bao giờ bị thử thách nặng nề nhưvào lúc đại dịch Covid-19 này.

Hiện nay, đã có gần 2 triệu người nhiễm bệnh trên toàn cầu với gần 130 ngàn người chết. Trong số này, Mỹ bị nặng nhất, nhiều hơn tất cả các nước khác, kể cả Ý, Tân Ban Nha, và Trung Quốc, về số ca nhiễm và số ca chết.

Với tình hình đại dịch như thế, chính phủ Hoa Kỳ - nước giàu nhất thế giới - đã thông qua 2 ngàn tỷ đô la (2 trillion) gói kích thích kinh tế - lớn chưa từng thấy - để cố gắng duy trì các hoạt động kinh tế căn bản trong quốc gia, và hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn nhỏ, các tổ chức và cá nhân để duy trì và cầm cự trong thời gian ngắn tới hầu có sau đó thể vực dậy được [1].

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2020

Phạm Phú Khải (VOA Blog): Mẹ Nấm, nước Mỹ, quyền có ý kiến và quyền phê bình

Mẹ Nấm và TT Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc, 7 tháng 11, 2019. (Hình: Facebook Nguyen Ngoc Nhu Quynh)

Vào ngày 23 tháng Ba, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (NNNQ), tức Mẹ Nấm, viết một bài trên trang Facebook của mình, với tựa “Cuộc tranh luận về thuốc điều trị sốt rét sẽ đi đến đâu?”. Trong bài này, NNNQ bày tỏ sự quan tâm khi một số người Việt, trong cũng như ngoài Việt Nam, xem thuốc điều trị sốt rét có thể chữa Covid-19. NNNQ biện luận rằng cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng vì tác hại của thuốc này là rất lớn. Bài viết gây nhiều tranh cãi và thu hút được sựquan tâm của nhiều người. Cho đến lúc viết bài này (28 tháng Ba) thì đã có 697 người thích, 992 còm, và 745 chia sẻ (share).

Xin mở ngoặc một chút ở đây. Tôi không biết NNNQ. Nhưng tôi có dịp xem phim Mẹ Vắng Nhà do VOICE thực hiện. Tôi đã viết một bài về đề tài này. Chưa đầy ba tháng sau bài này, nghe tin NNNQ được trả tự do và đang trên đường bay sang Mỹ vào ngày 17 tháng 10 năm 2018, tôi rất mừng cho NNNQ, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, và hai con của cô. Tôi luôn cảm phục tinh thần dấn thân, quyết tâm và can trường của những người như NNNQ. Không phải ai cũng làm được. Đó là một cái giá đắt phải trả, không chỉ riêng NNNQ mà còn bao nhiêu người khác. Mẹ cô và hai con cô không có tội tình gì mà cũng bị liên lụy. Điều đó rất bất công. Chỉ có một xã hội cộng sản và độc tài mới đối xử công dân của mình như thế! (*)

Trở lại status của NNNQ về đề tài thuốc sốt rét, thì lý do tại sao nó gây nhiều tranh cãi gây gắt đến thế?

Hẳn nhiên có rất nhiều lý do mà người ta ủng hộ hoặc chống đối status này. Nhưng tôi xin tóm gọn vào ba điều sau đây, theo nhận xét riêng của tôi: đụng chạm đến ông Trump, đến một sốngười Việt tại Mỹ, và vì có những nhận xét hơi vội vàng.