Hiển thị các bài đăng có nhãn Phương Nghi. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phương Nghi. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022
Phương Nghi: Người Khách Lạ
Đêm ấy hai đứa chúng tôi ngồi mãi bên đống lửa cháy lách tách với bình rượu vang, dĩa khô nai và dăm trái bắp nướng mà chẳng ai nói với ai câu nào. Trăng đã lên tới ngọn cây toả ánh sáng bàng bạc khắp khu rừng. Trong nhà thì hai người phụ nữ- vợ của tôi và Chung cùng bốn đứa trẻ đã ngủ. Thỉnh thoảng Chung lại lấy cái que dài cời cho lửa cháy bùng lên cũng như lâu lâu lại châm thêm củi. Quanh chỗ chúng tôi ngồi là rừng, rừng mênh mông, đen thăm thẳm, âm u và bí mật. Đợi mãi không thấy tôi nói gì Chung lập lại câu hỏi khi nãy:
-Tuấn nè, ông nghĩ gì về chuyện thằng Tí kể hồi nãy? Sao tự nhiên tôi ớn quá. Hay sáng mai mình ra báo cho bảo vệ đi…
Tôi rót rượu ra hai ly nhỏ cho Chung và cho mình rồi bảo:
-Thôi. Làm hớp Thập Toàn Đại Bổ này đi cho khỏe rồi đi ngủ. Chuyện mấy đứa con nít… Có gì đâu. Để từ từ coi có thêm gì không rồi hãy báo. Chưa chi đã đi báo người ta nói mình là báo động giả kỳ chết…
Chung cầm ly rượu lên xoay xoay dường như chưa đồng ý lắm với quyết định của tôi nhưng rồi cuối cùng cũng đưa lên miệng ngửa cổ uống sạch. Xong Chung đứng lên, kéo cổ áo vẻ co ro bảo:
-Thôi vô ngủ Tuấn ơi. Lạnh rồi. Ông vô sau nhớ gài cửa cẩn thận đó nghe.
Vẻ nhớn nhác của Chung tự nhiên cũng làm tôi chột dạ. Làm ra vẻ tự nhiên và hết sức bình thản tôi bảo:
-Ngủ ngon. Để tôi trấn ngay cửa cho. Lót dưới gối con dao phay là yên bụng. Hồi xưa ông gan lắm mà. Sao giờ có vợ có con rồi càng ngày càng nhát vậy cha nội?
Chung không cười cũng chẳng nói gì lẳng lặng vô nhà rồi chui vào phòng đóng cửa lại. Tôi gom dĩa thức ăn và đem hết chỗ bắp nướng còn lại vào nhà. Người ta vẫn khuyên những người cắm trại trong rừng là trước khi đi ngủ nên mang hết thức ăn vào nhà hoặc cho vào thùng đậy kín lại kẻo ban đêm thú rừng ra lục lọi bươi móc bừa bãi. Xong đâu đó tôi thay đồ rồi trải cái nệm mỏng ra sát cửa ra vào nằm trấn ở đó với con dao phay như đã hứa với Chung.
Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2022
Phương Nghi: Ash release
![]() |
Hình minh hoạ,Nat Aggiato, Pixabay |
Hương linh theo gió về trời
Tàn tro để lại ngủ vùi tháng nămTro giờ cũng đã xa xăm
Chìm trong biển lạnh Vĩnh Hằng hư vô
Tìm thăm chỉ sóng vật vờ
Chỉ con ốc biển bên bờ vô danh
Êm đềm cá lội loanh quanh
Rong rêu thay cỏ nước xanh thay mồ
Bao la biển thẳm mịt mờ
Mộ bia đâu để đợi chờ khói hương
Thôi thì còn nhớ còn thương
Ngó ra tít tắp một đường chân mây
Chỗ trời nước gặp nhau đây
Coi như phần mộ níu dây tương phùng
Chỗ trăm con sóng xa gần
Vẽ trong hư ảo một vầng thênh thang
Như hoa tươi mãi không tàn
Có đâu tử biệt vẫn tràn tình thân
Mà thôi , nghĩ nữa thêm gàn
Thiên thu mất dấu rồi Càn Khôn ơi…
8/6/2022
Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2020
Phương Nghi: Mảnh Vải Hoa Lốm Đốm
![]() |
Hình minh hoạ, ALAIN JULIEN/AFP via Getty Images |
Thế là đi. Đi theo tiếng gọi nơi hoang dã. Vũ lái xe đi mà hoàn toàn không để tâm xem mình đang lái trên con đường gì, ở đâu, chỉ nhắm vào cái hồ thoắt ẩn thoắt hiện sau những thân cây mà lái. Anh chạy trong trạng thái ngây ngất, bàng hoàng. Thiên nhiên quá phi thường đã làm Vũ không còn tự chủ nữa. Thỉnh thoảng có một cái xe bấm còi. Vũ nép vào vệ đường cho nó qua mặt rồi đi tiếp. Đường núi quanh co, ngoằn nghoèo, một bên là vách đá, một bên là vực thẳm, càng đi càng thăm thẳm, ngút ngàn. Mặt hồ vẫn chập chờn trước mắt anh, nửa hư, nửa thực, vừa mời gọi, vừa khuyến khích. Chạy một quãng khá xa vẫn chưa thấy đường xuống hồ anh nghĩ bụng: “Coi chừng lạc thì khổ. Có ai đâu mà hỏi đường.” Thế nhưng Vũ lập tức gạt ý nghĩ ấy ngay: “Kệ. Lỡ tới đây rồi. Bỏ về tiếc quá.” Vũ lại cắm đầu chạy tiếp. Nhác thấy có một con đường nhỏ đổ dốc về bên trái, Vũ mừng quá lái xe về hướng đó và đậu lại. Vừa mở cửa xe anh đã có ngay cảm giác khoan khoái khi gió rừng mơn man làn da và len vào từng sợi tóc trên đầu. Hình như anh cảm thấy được hơi nước mát lạnh đang phả vào mặt mình. Anh nhìn quanh quất nghĩ chắc con đường đó sẽ dẫn đến hồ.
Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020
Phương Nghi: Theo Mãi Cùng Thuyền
Từ Phước Lý đến Phước Hải nếu có đường tráng nhựa và xe hơi như ngày nay thì đi chỉ mất hai tiếng đồng hồ nhưng 50 năm trước với cây dầm và chiếc ghe thì người ta phải mất đến hai ngày. Thời gian chèo không lâu lắm nhưng di chuyển trên sông thì phải phụ thuộc vào con nước. Nước lên xuống hai lần trong ngày. Những khi nước ròng cạn quá thì ghe không đi được, phải neo lại bờ chờ nước lớn.
Trên mặt đất còn ẩm ướt sương đêm của ngày hôm đó có hai người đàn ông lặng lẽ chuyển đồ đạc xuống ghe để chuẩn bị cuộc hành trình. Một người là Thiết. Một người là tôi. Cây cầu ván bắc de ra sông oằn xuống và kêu ken két dưới bước chân của hai người. Thiết cúi gầm mặt. Những ngôi sao trên trời vẫn còn le lói. Sóng vỗ vào bờ oàm oạp. Tôi hỏi: “Còn quên gì nữa không?” Thiết lắc đầu. Tôi tháo dây buộc thuyền đẩy cho đò tách bến.
Chèo được một lát thì nắng bắt đầu lên. Nắng lên rất nhanh. Bình minh như ôm choàng cả bầu trời mênh mông, âu yếm vuốt ve mặt sông bằng những tia nắng ban mai mềm mại. Dòng sông vắng lặng và cô đơn khủng khiếp. Tôi chèo lái. Minh Thiết chèo mũi. Trong khoang thuyền là quày chuối xiêm, một bao cà ròn khoai mì, xôi đậu phọng, muối mè và bình nước. Gió lớn và nước cũng lớn. Sóng cứ đập vào mạn thuyền rồi bắn lên tung tóe. Chiếc nón lá tôi đội cứ bật ngược về phía sau.
Đang chèo bỗng tôi nhác thấy trên bờ, dưới những lùm cây và lau sậy um tùm xuất hiện bóng dáng một người phụ nữ chạy theo thuyền. Không hiểu cô ta bắt đầu đi theo chúng tôi từ khi nào mà không ai hay. Cô chạy lúp xúp. Cô có tật ở chân nên dáng đi khập khiễng, người vẹo qua một bên. Thuyền đi chậm thì cô chạy chậm. Thuyền đi nhanh thì cô chạy nhanh. Tôi hết hồn bảo: “Thiết. Huệ nó chạy theo mình.” Thiết dớn dác quay nhìn trên bờ. Anh bắc tay làm loa nói lớn: “Về đi. Đừng đi theo tôi nữa.” Nhưng nói mấy lần cô ấy không nghe, cứ tiếp tục đi theo nên Thiết mặc kệ cô ấy không thèm nói nữa. Anh cắm cúi chèo. Tôi biết là Thiết muốn chèo cho thật nhanh để tới ngã ba sông, thuyền sẽ rẽ hướng khác thì khi đó người phụ nữ kia sẽ không cách nào đi theo chúng tôi được nữa. Thế nhưng Thiết càng chèo nhanh thì tôi càng chèo chậm, thậm chí buông cả chèo, thẫn thờ như không còn muốn nhấc lên hai cánh tay thừa thãi. Người phụ nữ đã lẽo đẽo đi theo chúng tôi cả hai cây số rồi. Tôi nói:
Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2020
Phương Nghi: Tiếng Tích Tắc Đồng Hồ
![]() |
Hình minh hoạ, FreePik |
Đã lâu tôi muốn viết về tiếng tích tắc đồng hồ bạn ạ vì tôi đã ở trong một căn nhà có rất nhiều đồng hồ. Bạn không tưởng tượng được đâu… Có đến hơn 300 cái đồng hồ. Bọn đồng hồ thi nhau chí chóe cả ngày làm tôi gần phát điên. Nhưng thôi, chuyện dài và xảy ra đã lâu, tôi sẽ thong thả kể. Còn bây giờ thì tôi đang ở trong một phòng trọ bạn ạ. Phòng này thì chỉ có một cái đồng hồ treo trên vách mà thôi.
Tôi và bà xã tôi ghé lại Boulder như một trạm dừng rồi mai tiếp tục cuộc hành trình. Vì vậy chúng tôi không mướn phòng ở khách sạn mà chọn một phòng trọ trung bình trong hệ thống B&B. Chủ phòng trọ là một người đàn ông Á Châu, có lẽ là người Phi Luật Tân, dáng người thấp bé nhưng nhanh nhẹn, nói năng lịch sự. Ông mở cửa phòng trọ đưa chúng tôi vào và quay đi sau khi dặn dò:
-Tôi là Ray. Ông bà có cần gì thì gọi tôi nhé. Gọi lúc nào cũng được.
Chúng tôi mỉm cười cám ơn ông và bước vào trong. Mưa lúc ấy bắt đầu rơi.
Tôi không có gì phàn nàn về phòng trọ của mình cả. Mọi thứ đều sạch sẽ, tươm tất. Trên bàn có bình hoa và tấm giấy ghi hàng chữ:” Chúng tôi có phục vụ điểm tâm, trưa và tối nếu quí khách cần. Xin vui lòng cho biết trước.” Tôi và bà xã tôi đều đồng ý ăn tối tại đây vì mưa càng lúc càng lớn nên chúng tôi quyết định không đi đâu ra ngoài cả. Lúc ấy là đã 7 giờ tối và chúng tôi đã đói meo.
Tôi bước ra quầy nơi phòng khách, gọi Ray và bảo là muốn dùng cơm tối tại đây. Ông đưa ra thực đơn và bảo:
- Chắc ông bà là người Việt Nam? Chúng tôi có các món ăn Việt Nam. Chắc ông bà sẽ thích đấy.
Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2019
Thơ Phương Nghi
HỒNG NHAN
Nụ cười con gái buổi ban mai
Chắc là em biết mùa xuân đến
Nên hé môi cười xuân có hay
Này em, em đã có ai chưa
Để lá trên cây mãi đợi chờ
Để rừng hò hẹn từ lâu lắm
Em bỏ đi rồi cây ngẩn ngơ
Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2019
Phương Nghi: Cái Gương Lạ
Có anh kia một hôm rảnh rỗi đi vòng vòng chơi tìm mua đồ cũ ở chợ trời. Đi suốt ngày suốt buổi không mua được gì. Cuối ngày, chợ sắp vãn, anh tình cờ dừng lại trước một gian hàng bán đồ lạc xoong đủ thứ hằm bà lằng. Hàng vắng, đồ đạc chất đầy nhưng chẳng thấy ai bán ai mua. Anh ngồi xuống và bắt đầu cầm lấy từng món hàng lên xem.
Cạnh anh, để dựa tường là một tấm gương hình chữ nhật, dài, có khung gỗ, trông không có gì đặc biệt. Anh liếc nhìn vào ảnh mình trong gương và sửng sốt thấy người trong gương vẫn là mình nhưng trẻ đến lạ lùng giống như anh thời sinh viên vậy. Cho là mình trông lầm anh dí mắt sát vào gương. Không có gì lầm lẫn cả. Người trong gương vẫn là anh nhưng là anh của ba mươi năm về trước với mái tóc dày và đen, hai mắt nâu trong trẻo, dáng cao gầy, trẻ trung nhanh nhẹn, đầy sức sống. Quá hốt hoảng anh đứng dậy ngó dáo dác tìm người bán và ơ kìa, ông ta đã ở ngay sau lưng anh tự hồi nào không biết.
Đó là một ông già thấp bé, loe hoe tóc, mặc áo ghi lê, đội mũ dạ trông kỳ quặc thế nào. Hai mắt ông ta tinh ranh nhìn anh qua hai tròng kính trong veo. Anh hỏi:
-Gương này sao lạ vậy bác? Tôi thấy mình trong ấy trẻ lạ lùng.
Ông già bảo:
-Đây là một cái gương đặc biệt. Ai nhìn vào cũng thấy mình trẻ hơn người thực bên ngoài đến bốn , năm lần.
Thứ Năm, 6 tháng 12, 2018
Nhà văn Phương Nghi phỏng vấn ông Phạm Phú Minh, đại diện ban tổ chức Cuộc Triển lãm và Hội thảo về Trương Vĩnh Ký
![]() |
Học giả Trương Vĩnh Ký |
Kính thưa nhà báo Phạm Phú Minh, động cơ nào đã khiến ông và các bạn của ông chọn học giả Trương Vĩnh Ký làm chuyên đề cho buổi hội thảo và triển lãm tại Nhật báo Người Việt vào ngày 8 tháng 12 sắp tới đây?
Ngày nay hầu như ai cũng đồng ý rằng hội thảo là phương cách rất tốt để trao đổi ý kiến với nhau về một vấn đề chung nào đấy. Đặc tính của hội thảo là công khai, có nhiều người tham dự, để các thông tin được tiếp nhận và thảo luận một cách rộng rãi.
Trong cuộc sống lưu vong tại hải ngoại, hội thảo những vấn đề liên quan đến văn hóa Việt Nam trở nên cần thiết, vì đó là những dịp nhắc nhở những di sản tinh thần thuộc quê hương xứ sở mà chúng ta đã rời bỏ.
Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2018
Phương Nghi: Con rắn hai đầu
Cách nay lâu lắm vào cái thuở trời đất còn hoang sơ, con người còn mông muội thì ở khúc sông Bồn chỗ khoét lõm vào chân núi dưới dãy Trường Sơn bỗng xuất hiện một con thuỷ quái vô cùng tinh khôn và tàn ác là con rắn hai đầu.
Chưa ai có thể mô tả đầy đủ hình dạng con thuỷ quái này ra sao bởi vì nó luôn trầm mình dưới nước khi ló lên khúc đầu, khi khúc đuôi, khi khúc giữa. Những cái vảy của nó cứng, dày và lấp lánh như bạc bao bọc lấy cái thân láng lẫy to như cột đình. Dễ sợ nhất là hai cái đầu của nó. Chỉ cần nó hả miệng ra là một người can đảm nhất cũng đủ chết ngất vì cái mồm ấy trông như cái miệng hang hun hút, tối thui và sặc sụa mùi tanh tưởi. Tuy có hai đầu nhưng con rắn này chỉ nhai nuốt bằng cái miệng của một đầu, còn cái miệng của đầu kia thì có ngậm một viên ngọc quí nên không bao giờ mở ra. Đó là viên ngọc có một không hai trên đời. Chỉ cần thảy viên ngọc vào đống lửa đang cháy phừng phừng thì tự nhiên lửa tắt ngúm như chưa hề cháy bao giờ.
Con quái thú này thường mai phục dưới những lớp rong dày dưới đáy sông, chờ thuyền bè đi ngang thì chồm lên đánh đắm và xơi tái những người trên thuyền. Sau này không thuyền bè nào dám đi qua khúc sông ấy nữa thì nó ăn thịt những người câu cá hay những người đi hái củi lượm cành khô men bờ nước. Kết quả là khúc sông Bồn thơ mộng ngày nào nay trở thành một nơi không người lai vãng và những đống xương trắng hếu cứ mọc lên càng lúc càng nhiều hai bên bờ sông. Con sông Bồn hiền lành được đổi tên
Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2018
Phương Nghi: MỘT NGƯỜI CÓ TÊN LÀ THUỶ hay CÂU CHUYỆN PHÍA SAU CHÙA TỪ VÂN
Câu chuyện phía sau chùa Từ Vân là một
câu chuyện lạ lùng nhiều bí ẩn kéo dài một thời gian mà tôi không tìm được lời
giải thích. Đêm qua tôi
tình cờ đọc được một bài báo trên mạng (không hiểu cơ duyên nào đưa đẩy tôi tới
bài báo ấy) thì những uẩn khúc ngày đó mới được hé lộ từ từ. Thú thật tôi vừa đọc vừa run bắn cả người,
run y như cái hồi tôi cúi nhìn xuống cái lu nước phía sau chùa vậy... Cái lu ấy
- tạm gọi là lu - thật sự là cái thùng nhựa cao, to chùa mua về để chứa nước
thay vì lu đất như
loại thường dùng ở quê nhà. Cái lu có màu nâu đỏ như đất sét mà nước
thì sóng sánh như sắp trào ra ngoài, gợn thành từng vòng, từng vòng... Chao ôi,
tôi có thể nào quên được đâu... Mà, trời ơi, xin lỗi bà con, tôi vội vã quá mất
rồi, chưa chi đã đâm sầm vô chuyện lu nọ lu kia mà chưa ai biết tôi là ai, đến
chùa Từ Vân để làm gì, can dự thế nào đến những sự việc xảy ra ở đó...
Dạ, tên tôi là Ánh, một phụ nữ bình thường,
vô danh, chìm lỉm như hằng hà sa số những phụ nữ khác trên thế gian này. Phải nói là tính tình tôi rất khép kín.
Tôi sợ đám đông, sợ bàn tiệc, sợ những không gian ồn ào huyên náo bởi nó làm
cho tôi ngộp thở và tức ngực. Tôi hay tìm tới những nơi xa xôi, vắng vẻ, ít tiếng
động, càng ẩn khuất chừng nào càng tốt chừng đó. Bởi cái tính tình như vậy mà tôi tìm đến
chùa Từ Vân. Tôi xin vào làm công quả cho chùa, mỗi thứ năm hàng tuần. Có hai người cũng đến làm công quả như
tôi. Một bác đứng tuổi là bà Mười, một chị còn trẻ là cô Hoa. Lát nữa tôi sẽ
nói thêm về hai người này.
Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012
Phụng Cầu Hoàng
Phương Nghi
Thầy tôi hai mươi năm trước rất nghèo, ở tận cùng một con hẻm lầy lội bên cầu chữ Y. Nhà chín người, chỉ có một cái giường duy nhất dành cho bà cụ, tám người còn lại trải chiếu nằm dưới đất. Thầy dạy tôi chơi đờn thập lục. Tôi thương thầy từ cái buổi đầu tiên tôi bước vào căn nhà nửa tôn nửa lá đó. Thầy tôi ra mở cửa. Những người đang nằm ngủ ở gian trước thấy có học trò đến thì vội vàng cuốn mền chiếu lủi vào nhà trong. Tôi ngồi học. Không gian như mớ bùi nhùi với tiếng con nít khóc, tiếng rao hàng, tiếng chẻ củi rầm rầm, tiếng chưởi lộn, tiếng gà, tiếng vịt lẫn lộn với tiếng song lang và tiếng réo rắt của những bản Phú Lục, Kim Tiền, Hành Vân, Lưu Thủy…
Thầy tôi hiền. Có lẽ vì vậy mà tôi thương? Hay vì lẽ gì tôi chẳng biết nữa. Tôi thường đến học vào buổi chiều, dạy xong, thầy chuẩn bị ăn cơm để tối vào đờn cho một đoàn cải lương lưu động. Tôi vào dàn đờn chơi với thầy. Những nhạc sĩ ngồi trong bóng tối sát sân khấu, mỗi người có một bóng đèn trái ớt tù mù kẹp vào giá nhạc để soi bản đờn. Thầy đang lui cui lên dây, thấy tôi vào thì ngẩng lên mỉm cười: “Ờ, em” rồi thôi, không nói gì nhiều. Tôi ngồi thụp xuống bên thầy, vừa say mê, vừa khâm phục. Tôi nói: “Thầy ơi, em muốn mai mốt cũng đi đờn gánh hát như thầy.” Thầy tôi nói: “Em ráng lo học, có cơ hội thì ra nước ngoài. Gánh hát sống rày đây mai đó, cuộc đời lang bạt, rượu chè trai gái bừa bãi, chính thầy cũng không thích. Thầy thích dạy học trò và viết sách. ” Giờ giải lao thầy tôi vẩn vơ đâu đó có một mình, những diễn viên thì chưa thay áo diễn đã ngồi sòng. Một anh kép phấn sáp rất đậm, ngoạm trái xoài nhểu nhão, hết nhìn tôi lại nhìn thầy, cái ý dơ dáy lộ hết trong ánh mắt tung tẩy. Vãn hát tôi đến chào thầy rồi ra về. Thầy tôi xếp đờn cho vào hộp, vẫn chỉ nói có ít lời: “Ờ em, thôi về đi.”
Tôi muốn đờn giỏi như thầy nên rất cố công tập luyện. Thầy dạy tôi bản Phụng Cầu Hoàng. Thầy biểu: “Những chữ xự ở câu một và vài câu khác là để diễn tả lời nói có ý trách hờn của nàng Trác Văn Quân với chàng Tư Mã. Ngày nay sân khấu cải lương đổi xự thành xang, chữ này để diễn tả một tình cảm âu yếm khác, lệch đi sự nguyên thủy của bài.” Chữ “xự” nghe nát ruột nát gan, nghe rất ai oán trong khi chữ “xang” thì lại bình lặng, chứa chan như bầu trời đằm thắm, như mặt nước bao dung. Về sau tôi cứ tự trách mình là đã không hỏi thầy tại sao nàng Trác Văn Quân lại giận chàng Tư Mã, giận như vậy là trước hay sau khi nàng đã trốn đi cùng chàng, chàng đã làm điều gì thất thố? Học trò ngày xưa ít dám hỏi, biểu sao nghe vậy. Trác Văn Quân giận? Vì lẽ gì? Tôi cố bắt chước đờn chữ “xự” cho thật sâu, thật não nuột như thầy nhưng không làm được, sửa tới sửa lui cũng chỉ nghe ra lạt nhạt, tầm thường. Tôi lúc ấy còn chưa biết yêu ai thì làm sao biết giận ai, làm sao nắn nót cho được cái nghiến răng, cái cau mày của một Văn Quân đa tình, đắm đuối.
Tôi ít khi nào gặp cô, tức là người vợ của thầy. Một đôi lần tôi thấy bóng cô thấp thoáng trong gian bếp tù mù khói và tôi có cúi đầu chào. Cô bán chuối sấy, người hơi thấp, ô dề, tóc ngắn và thưa, trong khi thầy thì rất thanh tao, rất tài hoa, rất nghệ sĩ. Nhiều khi tôi cảm thấy tiếc, tiếc ngẩn tiếc ngơ vì cái sự không tương xứng ấy. Thầy với cô lại không có một mụn con nào. Thầy có hạnh phúc không? Tôi không biết. Tôi có cảm tưởng thầy là một Tương Như cô độc, lỡ thời, lạc vận, đêm đêm khắc khoải bên tiếng muỗi vo ve của căn nhà tum húm, lạc lõng trong cái xô bồ tạp nhạp của những pha chọc cười hạ cấp, những màn đánh kiếm, đeo mặt nạ, đu dây… Thầy bảo muốn đổi qua âm nhạc Tây phương chớ đeo đẳng mãi nhạc cổ truyền rồi trôi nổi theo gánh hát, muôn đời như cánh bèo vô định. Thầy mượn cây organ điện của ai về tập, được một dạo phải trả cho người ta, mua thì mua không nổi. Cái giấc Nam Kha thêm một lần eo sèo, áo não…
Bản Phụng Cầu Hoàng còn dang dở thì tôi phải từ giã thầy ra đi. Tôi mếu máo: “Thầy ơi, em không muốn đi. Em muốn ở lại học cho giỏi như thầy rồi mai mốt em đi đờn với thầy. Thầy đi tới đâu em cũng đi theo.” Thầy ôn tồn: “Đừng nghĩ vậy. Em đi đi. Qua bên đó gầy dựng tương lai, có điều kiện thì học đờn trở lại. Ở đây rồi làm gì? Chui vào gánh hát, ăn miễu ngủ đình suốt đời sao?” Thầy xé tờ nhật trình gói một mớ con nhạn và bốn sợi dây đờn đưa cho tôi tha thiết bảo: “Em giữ lấy. Qua bên đó lỡ mất nhạn, đứt dây thì có mà thay vào.” Tôi ngồi xuống bên thầy nước mắt chực tuôn: “Thầy ghi địa chỉ cho em. Tới nơi em viết thư về liền cho thầy.” Thầy cầm bút viết xong dặn dò chậm rãi: “Em có gửi thư về thì nhớ để tên cô ngoài bì thư, đừng để tên thầy.” Tôi cúi đầu dắt xe đạp ra khỏi ngõ, nghe tiếng thầy cài lại then cửa ở bên trong. Bầu trời như rách ra giữa những sợi dây điện, dây phơi quần áo, những xóm nhà bẩn chật, những mái tôn, mái lá lau nhau gần cụng đầu. Chim én ở đâu bay về đen kịt…
Tôi cầm gói giấy có những con nhạn và bốn sợi dây đờn của thầy đạp xe lên dốc cầu chữ Y trong buổi chiều chênh chao, đắng chát nhất đời tôi và mím môi quẳng tất cả xuống dòng nước. Tại sao nếu viết thư về thì phải để tên cô ngoài bì thư mà không được để tên thầy? Thầy không biết là tôi thương thầy như thế nào sao, mỗi một chữ tôi viết cho thầy có buộc tấm lòng nặng trĩu của tôi mà sao tôi phải để tên cô? Tôi dính dáng gì với cô hoặc cô dính dáng gì với tôi? Giữa dòng xe cộ bươn bả, bon chen, người người dẫm lên nhau mà đi, mà chạy, có ai để ý tới đứa con gái mắt đỏ hoe đứng tựa thành cầu nhìn dòng nước đục ngầu nhấp nhô rác rến cuốn những tâm tình của nó mất tăm, chìm lỉm. Tôi giận thầy. Lần đầu tiên tôi giận thầy, mờ mịt nộ khí như bầu trời sắp có cơn giông lớn. Tôi đấm tay lên thành cầu nói với dòng nước: “Đã đi là đi biệt, không hẹn buổi trùng phùng. Thầy đừng chờ đừng đợi. Ngã ba sông rộng từ đây. Mãi mãi không bao giờ gặp lại…”
Tôi không gởi một bức thư nào về cho thầy. Một dòng cũng không. Một chữ cũng không. Cây đờn cũ nằm buồn thiu trong cái hộp phủ bụi trên gác nhà kho. Tôi bỏ bê nó mà rồi tôi cũng nhớ nó điếng lòng điếng dạ. Nó tội tình gì đâu. Thời tiết nóng lạnh thất thường làm thân đờn bị nứt một đường dài, đen xỉn, những vảy ốc xà cừ bong ra mà vẫn còn lấp lánh như kỷ niệm xưa chưa nỡ nhạt nhòa. Tôi không thể không nhớ thầy. Một đêm buồn rã rượi tôi lôi cây đờn ra, vặn trục, lên dây, gảy bản Phụng Cầu Hoàng, trong lòng bi ai, thổn thức. Trăng lu, gió lạnh… tôi chỉ có một mình… Ngọn đèn thắp dưới mái hiên lù mù, ám khói. Ngoài cửa sổ thoắt ẩn hiện một mỹ nhân ăn vận cổ trang, xiêm y phất phới, đi hài, cài thoa, một vạt tóc vắt ngang gương mặt đẹp não nùng nhìn tôi thương cảm. Tôi nhận ra người ấy là ai rồi. Tôi ngừng đờn ngước lên buồn bã: “Văn Quân…Chữ xự tôi đờn thế này đã đúng với cái tình cái cảnh của nàng ngày xưa chưa?”
Hai mươi năm sau tôi tình cờ gặp lại thầy trong một đoàn nghệ thuật cổ truyền sang đây biểu diễn. Trên sân khấu thầy lại gảy bản Phụng Cầu Hoàng của ngày xưa với những chữ “xự” đã kết tụ trong trái tim tôi như những mảnh vàng ròng với tất cả niềm nhớ thương da diết. Những sôi sục ngày nào đã nguội lạnh. Đời tôi đã trải qua lắm nỗi đoạn trường. Tôi chạy đến ôm cánh tay thầy, trong lòng trào lên nỗi xót xa. Thầy tôi đã già. Già hơn xưa nhiều lắm. Tôi kể với thầy rằng tôi đã có chồng có con, rằng cái duyên của tôi với âm nhạc đã đứt đoạn từ buổi ra đi. Thầy tôi ngậm ngùi: “Sao em không viết thư về? Em đi rồi ngày nào thầy cũng ngóng ra cửa chờ người đưa thư.”
Tôi nhìn xuống không trả lời. Thầy không bao giờ hiểu cũng như tôi sẽ không bao giờ nói cho thầy nghe cái nguyên nhân vì sao tôi chẳng viết thư về. Không bao giờ tôi nói ra. Chuyện ấy đã trôi theo dòng nước dưới chân cầu chữ Y, vĩnh viễn không bao giờ tôi nhắc lại. Tôi lảng qua chuyện khác, hỏi thăm thầy về đời sống hiện tại, hỏi thăm cô. Thầy nói cô cũng được mời đi theo đoàn với thầy nhưng qua được mấy hôm thì ngã bệnh. Tôi ngỏ ý muốn đến chào cô. Thầy đưa tôi về căn nhà của một người trong đoàn mà thầy cô trú ngụ. Cô nằm trên giường, đi lại rất khó khăn, cạnh bên còn chai dầu và cái cây cạo gió.
Cô cũng đã quá già. Mái tóc ngày xưa vốn đã thưa nay càng thưa hơn, lại bạc trắng. Cô chống tay ngồi gượng dậy, giọng nói mừng rỡ, ánh mắt hiền từ: “Lâu quá thầy cô không có tin tức gì của em. Em qua đây làm ăn sinh sống ra sao? Em có còn làm bánh? Cô nhớ hồi xưa em làm bánh rất khéo. Có lần em đem đến cho thầy một ổ bánh bông lan vừa ngon vừa đẹp. Cô nhớ mà.”
Tôi thảng thốt bàng hoàng. Bánh? Bánh nào? Có phải cái bánh đã lạc mất từ đời thuở nào trong trí nhớ lùng bùng của tôi, có phải cái lần do tình cờ nghe thầy thích bánh bông lan mà tôi đã làm đem tới. Cô còn nhớ? Nhớ làm gì? Cái tình của tôi hai mươi năm trước đã lắng sâu xuống tận đáy rồi, nay bàn tay nào lại khoắn lên lần nữa. Cô nhìn tôi mỉm cười, không nói thêm được vì mệt. Thầy đỡ cô nằm xuống rồi tiễn tôi ra cửa. Tôi hiểu rằng mình không có quyền. Tôi không thể… Chữ “thương” kia cũng có năm bảy đường. Tôi nhìn vào đôi mắt của người mà tôi từng nhớ nhung hết sức mà cũng trách hờn hết sức, nói: “Thầy. Những chữ xự trong bản Phụng Cầu Hoàng có thể đổi thành chữ xang. Từ nay em sẽ đờn chữ xang, không đờn chữ xự nữa.” Thầy nắm tay tôi. Tôi nghe rõ xúc cảm trong lòng thầy và trong lòng tôi chan hoà như nước lớn dâng đầy mặt sông. Giọng thầy ấm áp bên tai tôi: “Thầy thương em lắm.” Tôi sẽ nhớ suốt đời bốn chữ ấy. Tôi lảo đảo bước ra cửa. Giờ thì tôi đã rõ. Tôi biết là cô hiểu tôi. Và chính thầy cũng hiểu tôi, hơn ai hết, từ hai mươi năm trước…
Tới lúc rồi đoàn hát cũng ra đi và tôi trở thành người đưa tiễn. Chưa bao giờ tôi nhớ tới ngày xưa hơn lúc này. Tôi giữ tay thầy trong tay tôi lần chót: “Thầy nhớ viết thư cho em.” Tôi tưởng như trước mặt mình là cây cầu chữ Y, là những đốm nắng rơi xuống mặt nước cánh bèo, là ngã ba sông sụt sùi xa ngái. Tự nhiên tôi nhớ đến một câu trong vở hát mà tôi từng lẽo đẽo đi theo nghe thầy đờn, từng thụp xuống trong bóng tối sát bục sân khấu nghểnh cổ lên mê mẩn: “Thôi. Thế này thì cũng toại lòng nhau.” Một người lên ngựa, một kẻ trông theo. Dàn đờn rớt chữ xang mùi rệu, mấy chị bán xôi, mấy cô gánh nước sụt sà sụt sịt. Có phải vậy không thầy? Thế này thì cũng toại lòng nhau. Trong vầng mây bồng bênh, bãng lãng ở chân trời tôi chợt như vừa nhìn thấy đôi mắt cong vút vời vợi của Văn Quân nhìn tôi trìu mến. Ngày xưa chắc nàng cũng đã đổi chữ “xự” thành chữ “xang” trong bản nhạc lòng muôn thuở ấy…
12/2011
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)