Hiển thị các bài đăng có nhãn Phóng sự. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phóng sự. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2022

Trần Huy Quang (1943–2022): Linh Nghiệm và Lời khai của một bị can

Nhà văn Trần Huy Quang. TL. Nguồn: Báo Thanh Niên

Lời giới thiệu: Nhà văn Trần Huy Quang, một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam giai đoạn đổi mới, đã qua đời vào lúc 17 giờ 40 chiều 15.12.2022 vì bệnh ung thư, thọ 80 tuổi. DĐTK xin đăng lại một vài sáng tác của ông, trong đó có truyện ngắn Linh nghiệm được viết cách đây 30 năm, nhưng vẫn không hề mất đi ý nghĩa và tính thời sự; và phóng sự “Lời khai của một bị can” về ông Vua Lốp Nguyễn Văn Chấn (19262013), người đã gây dựng nên một tài sản lớn từ hai bàn tay trắng, nhưng đã phải chịu nhiều oan trái, tù tội một cách phi lý. Cuộc đời Vua Lốp là một trong bằng chứng “sống” cho sự bất công của nền pháp luật XHCN Việt Nam và sự ngu dốt, nghi kỵ, hẹp hòi của những cá nhân, cơ quan phụ trách điều tra, thực thi pháp luật ở Việt Nam.

Đáng tiếc là cho đến tận bây giờ, cả nền pháp luật và những con người như thế vẫn không khá hơn bao nhiêu…

xxxx

 

Một số tác phẩm của
nhà văn Trần Huy Quang.
TL. Nguồn: Báo Pháp Luật TP.HCM 


Thứ Tư, 21 tháng 2, 2018

Văn Lang/Người Việt: Sài Gòn, chuyện ba ngày Tết

Chiều 30 Tết ghe thương lái rời bến Bình Đông "nhẹ tênh" 
vì hàng đã bán hết. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Chuyện Tết Sài Gòn không biết kể từ đâu? Có lẽ nên bắt đầu từ chiều 30 Tết, trên Bến Bình Đông, Quận 8, nơi bắt đầu và kết thúc những vui, buồn, hỉ, nộ, ái, ố của một ngày cuối năm.

Nắng chiều nhẹ, dòng nước không mấy đen như mọi năm. Con nước lên, mới chỉ khoảng hơn 5 giờ chiều, nhiều ghe bán bông đã quay đầu để rời bến. Nhiều chiếc ghe nhẹ tênh, lướt trên dòng nước, phơi phới vì hàng bông, trái cây đã bán hết.

Năm nay, chợ hoa bến Bình Đông tan sớm, không kéo dài như những năm rồi, nhiều khi tới tận 9-10 giờ đêm.

Hàng bông năm nay về ít, chủ yếu là mai miền Tây nên bán hết sớm. Trừ một số ghe tắc kiểng bị ế phải chở về. Còn mai bán gần hết, số còn lại nhà vườn quyết định đem về, sang năm bán tiếp chứ không bán “đại hạ giá” như mọi năm.

Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

Phi Khanh - Việt Nam đang 'chảy máu' nhà cổ

QUẢNG NAM (NV) - Nhà cổ Việt Nam có ba dòng căn bản: nhà miền Nam; nhà miền Trung và nhà miền Bắc. 

Nhà cổ trên 100 tuổi của cụ Nghè Trần Huỳnh Sách.
Ba dòng nhà cổ này có chung đặc điểm là mái ngói nhọn (còn gọi là “nhổn”), có ba gian ngang hoặc năm gian ngang, lợp ngói âm dương, ngói vảy chuốt hoặc lợp tranh, tường vôi hoặc vách đất. Nhưng giữa ba dòng nhà cổ này lại mang những đặc trưng rất riêng, thể hiện khí chất, cơ địa của mỗi miền đất nước.

Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

ĐẶNG PHÚ PHONG - HỘI THẢO 20 NĂM VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975. (Phần tiếp theo vào ngày 7/12/14)

Buổi Hội thảo được tiếp thục vào ngày 7/12/14 tại hội trường Việt Báo. Chủ tọa là hai nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc Tuấn đến từ Úc . Diễn già đầu tiên là nhà biên khào, lý luận văn học Đinh Từ Bích Thúy với chủ đề:
“Trách Nhiệm của Người Trí Thức Trong Môi Trường Đa Nguyên của Miền Nam Trước 1975: Đọc (Truyện Vừa) Khi Từ Thức Về Trần của Bình Nguyên Lộc”

Nhà biên khảo Đinh Từ Bích Thúy
Tiểu sử:  Đinh Từ Bích Thúy là biên tập viên tạp chí văn chương mạng Da Màu, chuyên về lãnh vực phê bình, dịch thuật và biên khảo. Tốt nghiệp ngành Luật và cử nhân danh dự môn văn chương Anh/Pháp từ University of Virginia. Ngoài Da Màu, cũng từng cộng tác với Việt Báo, Hợp Lưu, Diacritics, Amerasia Journal, Manoa và Rain Taxi Review of Books.

Nhà biên khảo Đinh Từ Bích Thuý (ĐTBT) giải thích tại sao chọn đề tài thuyết trình truyện vừa “Khi Từ Thức Về Trần” của Bình-Nguyên Lộc trong Hội Thảo Văn Học Miền Nam: “Ông là một tác giả vừa đặc thù vừa tiêu biểu cho nền văn học miền Nam Việt Nam. Văn nghiệp ông phong phú, có thể nói rằng không gian văn chương của Bình-Nguyên Lộc rất rộng, rất đa nguyên, nó bao gồm lịch sử, văn hóa, và bản sắc dân tộc. Văn chương của ông quan tâm về nhận thức học (epistemology), vì nhận thức học đi liền với khái niệm về bản sắc và truyền thống văn hóa. Bài khảo cứu của ông về nguồn gốc địa danh thành phố Sàigòn cũng là một câu chuyện rất thú vị về lịch sử di dân và nền tảng văn hóa của người dân miền Nam. Cái tên Sàigòn có phải từ gốc tiếng Miên là Prây Kor (Rừng Bò), hoặc từ tiếng Tàu, trước được phiên âm là Thầy Gòn, Sài Gòng, Xì Cống hay Sài Côn? Văn chương của Bình-Nguyên Lộc có sự nối kết giữa các thời đại, nhưng cũng cho ta thấy những đặc điểm về phong tục, tâm lý, và ngôn ngữ của một chặng điểm nhất định trong lịch sử miền Nam.”

Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

ĐẶNG PHÚ PHONG - HỘI THẢO 20 NĂM VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975.

Nhà văn Đặng Phú Phong (Hình: Uyên Nguyên)
LITTLE SAIGON.  Trong 2 ngày 6-7/12/2014, nhật báo Người Việt và nhật báo Việt Báo  kết hợp với 2 trang mạng văn học là Da Màu và Tiền Vệ đã tổ chức một cuộc hội thảo khá quy mô với 16 diễn giả nói về các đề tài trong phạm vi văn học miền Nam Việt Nam từ 1954 đến 1975.

Ngày đầu tiên (6/12/14)  được tổ chức tại phòng hội của báo Người Việt bắt đầu lúc 10:00 sáng. Mở đầu bằng nghi thức chào cờ VNCH và phần mặc niệm  tưởng nhớ các văn nghệ sĩ  đã mất, đặc biệt những người mất trong các trại cải tạo sau năm 1975. Sau đó LS. Phan Huy Đạt, Chủ Nhiệm báo Người Việt  tuyên bố khai mạc, chào mừng quan khách. 

Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2014

Kalynh Ngô/Người Việt - Văn Học Miền Nam 54-75 'chỉ 20 năm, nhưng vô cùng quan trọng'

Hội thảo 20 năm Văn học miền Nam.
WESTMINSTER, CALIFORNIA (NV) – Tám nhà văn, nhà thơ từ Úc Châu, Boston và các thành phố khác ở California tề tựu về tòa soạn Nhật báo Người Việt cho ngày đầu tiên của Hội Thảo 20 Văn Học Miền Nam 1954-1975. 

Nguyễn Hưng Quốc: VHMN, nền văn học “bất hạnh”

“Tổng quan văn học miền Nam 1954-1975” là nội dung phần khai diễn của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, đến từ Úc Châu.

Có ba điều được ông nhắc đến ngay khi bắt đầu phần thuyết trình. Điều đầu tiên ông gọi là “sự bất hạnh của văn học miền Nam.”

Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

Cao Huy Huân - Văn hóa xe máy ở Việt Nam


(Nguồn: VOA)

Nghe nhỏ bạn nói ở Ý xe máy chỉ dùng để đi giao báo và cho nhân viên làm vệ sinh đường phố di chuyển cho thuận tiện. Chẳng biết đúng hay sai nhưng ở những nước Ðông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Ðài Loan thì xe máy cũng chỉ để dùng cho nhân viên giao hàng. Sở dĩ như vậy là vì, do hình dáng nhỏ gọn và khả năng di chuyển nhanh chóng, phương tiện này được ưa chuộng để đi đến mọi ngõ ngách của thành phố. Thế nhưng xe máy không phải là phương tiện phổ biến ở các quốc gia này. Người Nhật, người Hàn và người Ðài Loan sản xuất xe máy không phải để bán cho dân của họ. Họ sản xuất để bán cho các thị trường gắn bó truyền thống với xe máy và xem xe máy là phương tiện di chuyển chính ở Châu Á và Châu Phi, trong đó có Việt Nam. 

Nguyễn Ðạt/Người Việt - Gian lận, chuyện thường ngày tại các cây xăng ở Việt Nam

SÀI GÒN (NV) - Chuyện thường ngày ở những cây xăng tại Sài Gòn mà chúng tôi nói tới trong bài viết này, là chuyện gian lận xăng dầu.

Hằng ngày, các cây xăng tại khắp Sài Gòn đều đông nghẹt người tới đổ xăng. Không kể các loại xe khác, chỉ nói riêng xe gắn máy, người người tới đổ xăng hầu như luôn phải chen nhau. Do vậy, không thấy ai sau khi xe đã được đổ xăng, lại xem xét xăng được đổ có thiếu hụt không.

Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

J.B. Nguyễn Hữu Vinh - Một cuộc tọa đàm công phu và… quyết liệt

Ngày 26/11/2014, tại Nhà thờ Thái Hà đã diễn ra một cuộc Tọa đàm với chủ đề: Cơ chế của Liên Hợp Quốc về bảo vệ Người bảo vệ nhân quyền. Cuộc Tọa đàm do Diễn Đàn Xã hội Dân Sự và Nhóm Công tác UPR Việt Nam tổ chức.



Lẽ ra, sẽ chẳng có gì quá lớn lao và nghiêm trọng khi có một cuộc Tọa đàm như vậy. Bởi số lượng người tham gia không lớn lắm và nội dung cũng không có gì quá ghê gớm, ảnh hưởng nghiêm trọng, tức thời đến đời sống xã hội ngay lập tức hoặc có nội dung chống đối, phá phách.

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Ðỗ Dzũng - 'Sửng sốt' Hồng Kông

Phải nói là tôi vô cùng sửng sốt trong sáu ngày công tác làm phóng sự biểu tình ở Hồng Kông vì tính cách và sự văn minh của người dân ở đây.


Một du khách ủng hộ “Cuộc Cách Mạng Dù” (Umbrella Revolution) ở khu Mong Kok, Hồng Kông. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

Tôi cùng nhà báo Ðinh Quang Anh Thái được nhật báo Người Việt cử đến vùng cựu thuộc địa của Anh một cách bất ngờ, chỉ có sáu tiếng đồng hồ chuẩn bị trước khi lên máy bay.

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Ðinh Quang Anh Thái và Ðỗ Dzũng - Sinh viên Hồng Kông ‘không sợ Thiên An Môn’

Phóng sự từ Hồng Kông

Sinh viên Hồng Kông nghỉ ngơi chờ biểu tình tiếp. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

HỒNG KÔNG (NV) – Các sinh viên Hồng Kông tham dự biểu tình đòi dân chủ cho biết họ “không sợ Thiên An Môn.”

Có mặt ngay tại trung tâm tài chánh Hồng Kông hôm 2 Tháng Mười, anh Sunny Young, sinh viên tiếp thị Đại Học Hồng Kông, nói với phóng viên nhật báo Người Việt rằng: “Chúng tôi không sợ sự kiện như ở Thiên An Môn xảy ra. Nếu sợ, chúng tôi không có mặt ở đây.”

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

Hà Giang/Người Việt - Tòa Kháng Án: Không trục xuất Nguyễn Tấn Vinh về Việt Nam


Ông Nguyễn Tấn Vinh (phải) và em trai là ông Võ Đức Văn tại tòa soạn nhật báo Người Việt, sau khi được tin ông Vinh không bị trục xuất về Việt Nam. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

WESTMINSTER, Calif (NV) – Vào trung tuần tháng Tám, nhà đấu tranh Nguyễn Tấn Vinh nhận được tin ông hằng mong mỏi: Tòa Kháng Án Khu Vực 9 ở Passadena quyết định ngừng lệnh trục xuất ông về Việt Nam do tòa Di Trú Hoa Kỳ ban ra cách đây 5 năm.

Thở phào nhẹ nhõm, ông Vinh cho biết phán quyết này “kết thúc một giai đoạn cũ” của cuộc đời mình.

Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Nguyễn Ðạt/Người Việt - Từ ga Metro tới cổ thụ Sài Gòn

SÀI GÒN (NV) - Từ mấy tuần lễ nay, khi công trình xây dựng đường tàu điện ngầm (métro) Bến Thành-Suối Tiên chuẩn bị tiến hành, Sài Gòn dấy lên một không khí xôn xao khó tả, với nhiều hoang mang và cảm hoài tiếc nuối.

Ðiều chúng tôi muốn nói tới những hàng cổ thụ, linh hồn của đường phố Sài Gòn.

Hàng cây dầu tại đường 3 tháng 2.

Trong công trình xây dựng đường tàu điện ngầm, đầu tiên là xây dựng tháp thông gió nhà ga métro trước Nhà Hát Thành Phố (trụ sở Quốc Hội của Sài Gòn cũ), mấy chục cây xanh đã bị đốn hạ.

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Nguyễn Cao Nguyên - Ðà Lạt cà phê bụi và đậu nành vỉa hè

Khách hàng thưởng thước món sữa đậu nành. (Hình: Nguyễn Cao Nguyên/Người Việt)

ÐÀ LẠT (NV) - Những chiều mưa phùn sương nhạt trùm lên khắp núi đồi Ðà Lạt. Từ một góc phố ở đầu đường Trương Công Ðịnh giáp ranh với Trung Tâm Khu Hòa Bình, Tăng Bạt Hổ, mùi hương lan tỏa từ gánh đậu nành của bà Năm đang khiêm nhường bày ra trên vỉa hè.

Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

Tuấn Khanh - Đi giữa dòng bạo động (P.2)

Vì muốn để người đọc dễ tìm kiếm liền mạch, xin được giữ lại tựa cũ, chỉ đánh dấu là phần 2. Thật ra, tôi muốn đặt phần viết này cái tên “Những nhân vật bí ẩn trong dòng người” nhằm muốn nhấn mạnh thêm những điều lạ lùng mà chúng tôi chứng kiến, mà từ đó, chúng tôi tin rằng đó là những điều bất thường, không đơn giản là bạo động “tự phát”.
Trong các bảng giới thiệu mình “yêu VN” để tránh bị đập phá, có cả làm thơ
Chạy khỏi đám đông hỗn loạn và hung dữ đó, cả 3  chúng tôi lạnh toát người, dù trời trưa nắng, nhiệt kế chỉ 37 độ C. Điều đầu tiên khi đã an toàn, tôi nhắc mọi người đi mua khẩu trang.
Lúc này, đám đông xuất hiện ở các con đường đã nhiều hơn. Họ đang cần cái gì đó để giải tỏa, cần một cái gì đó để đập phá, thể hiện sức mạnh của mình. Vừa chạy vừa điểm lại các sự kiện, Văn nhắc tôi rằng phần lớn những người có vẻ như chỉ huy, hướng dẫn mọi người, đều chạy trên các xe có biển số 36 – số Thanh Hóa. Tôi sực nhớ đến một người bạn ở Bình Dương đã nhắn tin nói với tôi về các cuộc bạo động xảy ra, một cách buồn phiền rằng “người Bình Dương không tệ như vậy, phần lớn các người gây bạo loạn đều đi xe số ba mươi mấy”. Quả là như vậy thật. Những người chạy trên những chiếc xe có số như 36, đều trang bị kỹ lưỡng bằng ống sắt, xà beng, cờ trống… như một cách có tính toán trước.

Tuấn Khanh - Đi giữa dòng bạo động (P.1)

Công ty bị đốt, nhưng mọi thứ vẫn lặng lờ. Người áo xanh theo dõi và nhìn chúng tôi với ánh mắt rất khó chịu - Hình: Tuấn Khanh
Lúc 10g sáng ngày 14/5, Tôi cùng 2 người bạn là Thiên Văn và Phạm Thy quyết định chạy xuống khu Gò Vấp, gần Lái Thiêu, khi nghe nghe tin các công ty ở khu Tân Thới Hiệp bắt đầu có đình công. E rằng sẽ có đập phá và bạo động, chúng tôi không dám mang theo nhiều máy móc, chủ yếu là mang theo sự liều lĩnh, để tìm hiểu vì sao lại có những chuyện đập phá và cướp bóc như trên các trang mạng xã hội mô tả.

Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

Văn Lang - Sài Gòn, những trưa Hè nóng bức



Sài Gòn mặc dù đã có mấy cơn mưa từ tháng 4, nhưng tháng 5 này mới thực sự mở đầu cho những ngày nắng, nóng khủng khiếp. 

Những trưa Hè thực sự khiến người ta phải “tùy nghi di tản,” đi trốn nắng, đi “tị nạn” cái nóng trong điều kiện có thể.

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

Nguyễn Tấn Cứ - 'Hung thần' xe buýt Sài Gòn


SÀI GÒN (NV) - Xe buýt Sài Gòn đích thực là một hung thần khổng lồ theo mọi cách mà bạn có thể tưởng tượng ra. Nó giống như một người máy phản diện cực kỳ nguy hiểm kỳ lạ của đô thị đang lù lù càn tới trong khi dưới chân nó là những đàn châu chấu nhỏ xíu đang thản nhiên rầm rì qua lại.

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Thiện Giao & Ðinh Quang Anh Thái - Những phận người bị bỏ quên trong bão Haiyan


Thiện Giao & Ðinh Quang Anh Thái -
(tường trình từ Cebu)

BOGO, Philippines (NV) - Nỗ lực cứu trợ nạn nhân bão Haiyan tại Philippines được tập trung vào nơi thiệt hại nặng nhất, là thành phố Tacloban. Trong khi đó, tại nhiều nơi khác, đặc biệt là những thị trấn, làng mạc nhỏ và nghèo, người dân dường như hoàn toàn bị bỏ quên.

Chúng tôi đi vào thị trấn Bogo, nằm về hướng Bắc thành phố Cebu vào buổi chiều ngày 20 tháng 11. Xe chạy dọc tỉnh lộ, càng hướng về phía Bắc, càng thấy cảnh lam lũ. Tại một địa điểm phát chẩn, vài trăm người chen chúc nhau trước một căn lều nhỏ, bên trong để các túi thực phẩm. 

Khu liên gia với 20 căn nhà đã tróc nóc tại thị trấn Bayantad, phía Bắc Cebu. Một người dân leo lên cây, sửa mái nhà và vẫn chờ đợi cứu trợ từ chính quyền trung ương. (Hình: Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt)

Cô Arnica Sala, phụ tá một dân biểu địa phương, tiếp chúng tôi. Cô cho biết buổi phát chẩn hôm nay là của riêng Dân Biểu Salinibagan, đại diện Ðịa Hạt 4. “Chúng tôi có 200 phần quà, có gạo, đường, cà phê, giá trị khoảng 200 pesos, gần $5 đô la.”

Thị trấn Bogo, với gần 2,000 dân, dường như hoàn toàn bị bỏ quên kể từ khi cơn bão đánh vào miền Bắc thành phố này. 

Chính quyền trung ương chưa hề đến đây. Còn buổi phát chẩn là nỗ lực riêng của ông dân biểu địa phương.

Trong nét mặt vừa mệt mỏi vừa lo âu, cô Sala nhắc đi nhắc lại với chúng tôi: “Người dân cần gạo và cần được giúp đỡ mua vật liệu xây nhà.”

Mỗi phần quà được phát hôm nay có vài kg gạo, “loại gạo rẻ nhất, giá 14 pesos/kg.”
Thêm 10 cây số về hướng Bắc, chúng tôi đi vào thị trấn Bayantad. Trong một khu liên gia với khoảng 20 gia đình, không căn nhà nào còn nóc. Chiều chạng vạng, khoảng chục đứa trẻ leo hết lên một cây cao, vô tư nô đùa. Bên dưới, người lớn đứng nhìn đoàn khách lạ, vừa nhẫn nại, vừa tò mò, xen chút hy vọng. 

Phía trước căn nhà của bà Jose Auman, một cư dân trong khu liên gia ở Bayantad. Bà cho biết “thực phẩm chỉ còn đủ cho buổi tối hôm nay.” (Hình: Thiện Giao/Người Việt)

Bà cụ Jose Auman, một cư dân trong khu liên gia, cho biết: “Thực phẩm chỉ còn đủ cho buổi tối hôm nay.” Trước khi cơn bão đánh vào khu vực này, bà Auman làm nghề nấu ăn, lương được khoảng $50 một tháng. “Nay thì không còn việc làm.”

Hàng xóm của bà là gia đình ông Jose Auman. Căn nhà của ông Auman cũng đã tan hoang. Ông cho biết, tất cả 20 căn trong xóm đều hư hại nặng. Toàn thị trấn không có điện, không ai có tiền để dựng lại cái nóc nhà. Và con nít thì đã nghỉ học.

Bà Auman đưa chúng tôi đi thăm căn nhà, bên trên không còn nóc, dưới nền thì loang lổ nước mưa. Trong góc phòng có hai thùng hàng của Hội Hồng Thập Tự và Lưỡi Liềm Ðỏ, mở ra xem thì thấy toàn những thứ không ăn được; giấy toilet, giấy lau tay, bột giặt, xà bông tắm, kem đánh răng, và... dao cạo râu.
  
Buổi cứu trợ tại thị trấn nghèo Bogo. Mỗi gia đình được nhận một gói quà, có gạo, đường, cà phê, giá trị chưa đến $5. (Hình: Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt)

Trước khi từ Manila đi về các vùng bị bão tàn phá, chúng tôi nói chuyện với bà Jessica Soto, làm việc cho một tổ chức NGO. Bà Soto đưa ra quan ngại: “Ðành rằng Tacloban là nơi đáng được giúp đỡ nhất. Ðiều đáng quan tâm là người ta bỏ quên tất cả những nơi khác.”

Anh Hoàng Văn, đại diện tổ chức VOICE, có mặt trong chuyến đi Bogo cùng chúng tôi, đưa ra nhận định tương tự bà Soto. Ông nói: “VOICE sẽ thảo luận và có thể có các hoạt động hỗ trợ tại những vùng như thế này chứ không phải chỉ tập trung vào Tacloban.”

Ông nói, Tacloban đã có tất cả các tổ chức quốc tế và NGO lớn tập trung giúp đỡ, trong khi người dân ở các địa phương khác cũng bị thiệt hại nặng do bão nhưng hầu như bị bỏ quên.

Tại thành phố Ormoc, cũng bị tàn phá nặng nề, dưới một lá cờ Mỹ người dân treo tấm bảng có dòng chữ: “Please help us and all the people in Ormoc and Tacloban City.” (Xin giúp đỡ chúng tôi, cả người dân Ormoc và người dân Tacloban).


Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Thiên An - Luật sư gốc Việt tại Hoa Kỳ mở hội nghị NCVAA

Thiên An/Người Việt

Hội Nghị Toàn Quốc Luật Sư Mỹ Gốc Việt, NCVAA, kéo dài hai ngày 16 và 17 Tháng Tám, vừa được tổ chức tại khán phòng của khách sạn Encore, thành phố Las Vegas, với khoảng một trăm người đến từ khắp các tiểu bang.

"Không giống như các hội nghị của các nhóm luật sư khác của Mỹ, ở NCVAA của luật sư gốc Việt, hầu hết người tham dự là dưới 40 tuổi," LS Hà Trần Lapple, một người tham dự, nhận xét. Đúng như lời cô, trẻ và giỏi là ấn tượng đầu tiên mà người đối diện thấy được từ các thanh niên gốc Việt thuộc thế hệ thứ hai này.

GS Joseph Trần, 40 tuổi, giảng dạy về Hiến Pháp tại Đại học Oklahoma,
nói chuyện với các luật sư khác. (Hình: Thiên An/Người Việt)

Sau 38 năm tại Hoa Kỳ, cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ nay có ít nhất 2,000 người theo ngành luật khắp các tiểu bang, từ luật sư, giáo sư luật, đến các vị thẩm phán, chánh án cấp tiểu bang và liên bang. Tuy không ít, con số này nhỏ hơn nhiều so với cộng đồng các sắc dân khác. Bốn nơi có luật sư đoàn của người gốc Việt là Bắc California, Nam California, thủ đô Washington, và Louisiana, với thành viên thuộc địa phương mình.

Theo lời các luật sư tham dự NCVAA, đây là hội nghị duy nhất quy tụ tất cả những người gốc Việt làm việc trong ngành luật trên toàn Hoa Kỳ. Vậy là, chỉ từ bảy năm trở lại đây, họ mới có một hoạt động chung ở cấp quốc gia.

LS Tita Nguyễn, chủ tịch NCVAA 2012-1013, cho biết, "Hội Luật Sư Gốc Việt Bắc California là những người đầu tiên muốn liên kết tất cả các người gốc Việt trong ngành luật lại với nhau. Bắt đầu là ở California, lúc đó có khoảng 1,000 người. Đến nay, chúng tôi vẫn còn rất mới, và trong quá trình phát triển."

Hội nghị NCVAA có  tôn chỉ hoạt động: “thúc đẩy sự phát triển của người Mỹ gốc Việt trong lĩnh vực làm luật, ủng hộ giáo dục và nghiên cứu về các vấn đề luật pháp ảnh hưởng đến cộng đồng người Mỹ gốc Việt, và cung cấp một cầu nối giữa người gốc Việt để trao đổi kinh nghiệm, sáng kiến liên quan đến ngành luật.” Hội nghị từng được tổ chức tại California và Washington, nơi có nhiều luật sư gốc Việt hoạt động, lần này tại Las Vegas, và năm tới sẽ ở Florida.

Hội thảo về cách giành chiến thắng trước toà án, do hai thẩm phán tối cao
và một luật sư làm chủ toạ. (Hình: Thiên An/Người Việt)

Năm nay là lần thứ bảy của hội nghị thường niên NCVAA, với chủ đề “Breaking Barriers”, nhắm về việc phá bỏ các định kiến về người gốc Á nói chung và người gốc Việt nói riêng, trong giới luật sư và thẩm phán tại Hoa Kỳ.

Tại hội nghị, người tham dự có thể bắt gặp nhiều gương mặt tên tuổi nhất trong giới, như Thẩm phán liên bang Jacqueline Hong-Ngoc Nguyễn, thẩm phán liên bang đầu tiên là phụ nữ, gốc Á, Thẩm phán tối cao John Trần của quận Fairfax, Virginia, người gốc Việt đầu tiên trong chức vụ này, Thẩm phán tối cao Nathan Mihara của Địa hạt Sáu, California, hay Giáo sư Joseph Thái của đại học Oklahoma...

Mở đầu cho chương trình Thứ Sáu là bữa tiệc khai mạc. Người tham dự được chào mừng bởi ban tổ chức NCVAA và đại diện giám đốc khách sạn. Tờ chương trình được trao từng người cung cấp thông tin về các tiết mục, hội thảo, kèm theo thư chúc mừng do các hội đoàn lớn trong ngành luật gửi đến NCVAA.


Các luật sư trẻ chụp hình kỷ niệm cùng các luật sư tên tuổi, thẩm phán,
và giáo sư luật gốc Việt. (Hình: Thiên An/Người Việt)

Thứ Bảy, NCVAA có gần 100 người tham dự. Giáo sư Joseph Thái là vị diễn giả chính cho buổi sáng hôm đó. Ông trình bày về việc chính phủ Hoa Kỳ theo dõi dân chúng là đối nghịch với sự tự do mà Điều 4 Hiến Pháp dành cho người dân. Những thính giả trẻ ngồi phía dưới theo lõi chăm chú phần diễn giải của vị giáo sư cũng rất trẻ. Các cánh tay liên tục đưa lên, trao đổi với người đang trình bày từ bục chủ toạ.

Sau buổi trưa, bốn cuộc hội thảo của NCVAA bắt đầu.

Hội thảo “The Art of Wining at Trial and on Appeal” do Thẩm phán tiểu bang Nathan Mihara, Thẩm phán liên bang  Jacqueline Hong-Ngoc Nguyễn, Luật sư Daniel Polsenberg làm chủ tọa. Đề tài xoay quanh các điều mà luật sư cần biết để thắng trong các vụ kiện cáo và khiếu nại. Hội thảo “Protecting Innovation Beyond Our Borders” bàn về luật bản quyền, một trong các lĩnh vực chủ chốt hiện nay của các luật sư tại Hoa Kỳ, một quốc gia mạnh về kỹ thuật và công nghệ. Tiến sĩ hóa sinh Liz Bùi cùng ba luật sư gốc Việt trình bày những điều cần lưu ý khi đăng ký bản quyền và thương hiệu tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác, các điểm giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho thân chủ... Hội thảo “The Poker Face: Negotiation and Mediation Strategies” do năm luật sư làm chủ tọa, giới thiệu các cách thương thuyết với phía đối nghịch trong một vụ kiện. Cuối cùng là hội thảo “ Risks and Rewards: The Nuts and Bolts of Starting and Running a Successful Small Firm” do bốn vị luật sư trình bày, về cách mở một văn phòng luật tư nhân.

Sau phần hội thảo, ban tổ chức NCVAA giới thiệu về chương trình Mentoring Program, tạo điều kiện cho các sinh viên luật hay các luật sư trẻ mới ra trường có cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ bậc đàn anh đàn chị gốc Việt. Luật sư Bill Phạm, người giúp thành lập chương trình mới này của NCVAA, nói: “Ban đầu, tôi chỉ mong có khoảng 30 người tình nguyện làm người hướng dẫn cho các em, nhưng sau đó được sự ủng hộ nhiệt tình khắp nơi."

Ban tổ chức NCVAA vinh danhThẩm phán liên bang Jacqueline Hong-Ngoc Nguyễn
(thứ hai từ phải). (Hình: Thiên An/Người Việt)

Bữa tiệc bế mạc chiều hôm Thứ Bảy có phần nói chuyện của chủ tịch NCVAA 2012-2013, LS Tita Nguyễn, cám ơn sự có mặt của người tham dự, Thẩm phán liên bang Jacqueline Hong-Ngoc Nguyễn và Thẩm phán tiểu bang John Trần của Virginia, nói về hành trình đạt được các thành công hiện tại, và LS Nguyễn Vũ nhận chức vụ chủ tịch NCVAA cho nhiệm kỳ mới.

LS Nguyễn Vũ, đến từ Washington D.C. và sẽ là chủ tịch NCVAA 2013-2014, chia sẻ: “Làm một người Việt là một thử thách lớn trong ngành luật, với tính cách khiêm nhường, ít nói của chúng ta. Gặp gỡ các đồng nghiệp đồng hương khác từ khắp Hoa Kỳ là điều giữ tôi vào NCVAA. Thấy những anh chị đã vượt qua những khó khăn giống mình, và thành đạt, có ý nghĩa rất nhiều. Tôi sẽ cố gắng để tiếp tục sự phát triển của NCVAA.”

Nhiều người tham dự NCVAA năm nay đánh giá tích cực về chương trình.

LS Andy Nguyễn, một luật sư đến từ San Jose ra trường vào năm ngoái, nói về hội thảo chỉ cách mở phòng luật tư, “Tôi học được nhiều thứ rất thú vị.” LS Thuý Hằng Nguyễn, từ Dallas, Texas, tương tự nói: “Tôi rất hào hứng khi thấy những nét mặt quen thuộc của người Việt Nam. Có rất nhiều luật sư (gốc Việt) ở Texas, nhưng hoạt động rất riêng biệt. Đến đây, mọi người đoàn kết, giúp đỡ nhau, và hiểu nhau.”