Hiển thị các bài đăng có nhãn Phân tích. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phân tích. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Ba, 3 tháng 10, 2017
Thanh Hà/RFI: Kịch bản nào nếu Trung Quốc bỏ rơi Bắc Triều Tiên ?
Hai lá cờ hữu nghị Trung Quốc - Bắc Triều Tiên.
Ảnh chụp trên tường một nhà hàng Bắc Triều Tiên
ở tỉnh Chiết Giang (Zhejiang), Trung Quốc,
nay đã đóng cửa. Ảnh chụp ngày 12/04/2016.
- REUTERS/Joseph Campbell
Tiếp tục bảo vệ Bắc Triều Tiên hay bỏ rơi chế độ Bình Nhưỡng kịch bản nào có lợi hơn cho Trung Quốc ? Đó là câu hỏi đáng giá ngàn vàng, đang được các chuyên gia và chính giới ở Bắc Kinh cân nhắc.
Về mặt chính thức, Trung Quốc đưa ra cùng một lập trường với Nga : cộng đồng quốc tế không nên dồn Bắc Triều Tiên vào chân tường. Đến nay, Bắc Kinh vẫn xem đối thoại là giải pháp tốt nhất để thuyết phục Bình Nhưỡng đàm phán về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nhưng ở hậu trường, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy một số các nhà chiến lược của Trung Quốc đang nêu lên nhiều kịch bản đối phó "khẩn cấp".
Một tuần lễ sau vụ Bắc Triều Tiên thử nguyên tử hôm đầu tháng 9/2017, trưởng khoa quan hệ quốc tế trường Đại Học Bắc Kinh, Giả Khánh Quốc (Jia Qingguo) chính thức lên tiếng "khuyên" Trung Quốc nên tính tới phương án cùng thảo luận với Mỹ và Hàn Quốc về thời kỳ hậu Kim Jong Un.
Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014
Lê Diễn Ðức - Sẽ chẳng có biến chuyển chính trị nào cả
Trong tình hình các diễn biến quanh sự kiện Trung Quốc mang giàn khoan HD-981 vào khu vực thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, một số người đưa ra nhiều nhận định về thời cuộc, trong đó có người cho rằng, có thể “đây là một trong những bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển của chính trị Việt Nam trong mấy thập niên vừa qua.”
Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014
Hạ Long Bụt Sĩ - Văn Hóa Nam Bộ là Tương Lai của Việt Nam
![]() |
Hình: internet |
Vô Chiêu hoá giải tà chiêu !
Vô Tư thuần hoá giáo điều khô cứng
Vô Tâm dần dần phủ lên mưu đồ mánh mung.
Sông nước MIỀN NAM rất mới trong lịch sử dân tộc, mới khoảng hơn 200 năm, nhưng
chính nơi đây là cánh cửa mở rộng mênh mông cho vùng đất cổ Việt đã rất chật,
rất cũ, suy tàn, cứng nhắc trong khung cũi giáo điều Tống Nho phong kiến, kiềm
tỏa trong lũy tre làng mạc...Người ta ví mảnh đất Việt hình chữ S hai đầu là
hai thúng gạo, ở giữa là đòn gánh... hình ảnh rất tiêu biểu, đồng bằng sông
Hồng, đồng bằng sông Cửu, ruộng lúa phù sa nuôi sống triệu triệu dân, đòn gánh
Trường Sơn gánh trĩu, gánh nặng quá, suốt 200 năm, từ đời Gia Long thống nhất
lần đầu, đến thời cờ đỏ thống nhất lần hai, hai lần giống nhau, thúng gạo hai
đầu dân tình đồng bằng có nhu cầu tương đồng. Nhưng thúng gạo mới đồng bằng Cửu
Long so với đồng bằng Hồng Hà, phì nhiêu gấp bội, tôm cá vớt lên là có ăn, mật
độ dân số chưa đẩy tới nạn kèn cựa sát phạt nhau, đấu tố nhau... Một bữa cơm
thường ngày của một tiểu công chức miền Tây, thời 1960-70, một tô canh chua
thật lớn, tôm càng nướng... thịnh soạn hơn bữa ăn một nhà giầu quan chức ở miền
Bắc thời xưa. Nếp sống thảnh thơi, không mưa phùn gió bấc, tạo nên một xã hội
Việt Nam mới, rộng lượng, hiền hòa, có thực tất vực được đạo, dân no bụng mới
hướng về đạo nghĩa. Cho nên miền Nam, Tiền giang Hậu giang, lại là nơi tiếp tục
dòng đạo lý cổ truyền dân tộc, dân tình chất phác lễ độ, trọng và nghe những
ông thầy có học, có tu... Thất sơn linh thiêng, Bà Ðen huyền bí, Phật Thầy Tây
An vào thời Tây sang, Hòa Hảo, Cao Ðài vào thời kháng Pháp, khất sĩ Tiểu thừa
sâu rễ bền gốc khắp nẻo... rồi đến ông Ðạo Dừa... tạo một dòng đạo sĩ đôn hậu,
mang chút kỳ bí, có dân dã bao bọc tin cậy tôn kính đi theo, sinh hoạt hồn
nhiên trên vùng đất mới.
Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014
Phạm Chí Dũng - "Kịch bản Putin” cho chính khách Việt?
![]() |
Vladimir-Putin (hình: internet) |
Không ai có tiên định được tương lai chính trị Việt Nam sẽ biến động thế nào. Cũng không ai đoán định được số phận của các chính khách cao cấp Việt Nam sẽ kết thúc ra sao…
Chỉ đến khi chợt hình dung ở cuối dòng sông sẽ hiện ra một vực xoáy khủng khiếp, các chủ nhân ông mới cuống cuồng sục tìm một lối thoát đỡ va đập nhất từ con thuyền sắp đắm.
Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014
Đức Tâm/RFI - Ukraina : Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan
![]() |
Hình: Internet |
Cuộc khủng hoảng Ukraina đặt Trung Quốc thế khó xử. Trước việc Ukraina thay đổi chính quyền, Nga đưa quân vào vùng Crimée, Trung Quốc đã có lập trường rất mập mờ, bởi vì Bắc Kinh bị mắc kẹt trong nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, lo sợ các cuộc cách mạng mầu và cần phải giữ mối quan hệ đồng minh với Nga.
Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013
Nguyễn-Xuân Nghĩa - Nền kinh tế cưỡi cọp của Trung Quốc
Nguyễn-Xuân Nghĩa -
Từ lâu, người viết thường nói rằng việc quản lý kinh tế Trung Quốc cũng tựa như cưỡi xe đạp, xe không lăn bánh thì đổ. Bây giờ thì có lẽ phải điều chỉnh lại là cưỡi lưng cọp. Vất vả không kém mà nguy hiểm gấp bội - vì bước xuống là bị cọp vồ. Khi tổng kết cuối năm về chuyện kinh tế, xin được nói về hiện tượng đó...
Mọi sự khởi đầu, hay kết thúc, với tin Chu Vĩnh Khang sẽ lãnh án tử hình.
Sinh năm 1942, cho đến đại hội 18 vào cuối năm ngoái họ Chu là một trong chín ủy viên của Thường vụ Bộ Chính Trị, cơ chế quyền lực cao nhất đảng Cộng Sản Trung Hoa. Là trưởng ban chính pháp trung ương, Chu Vĩnh Khang chỉ huy mạng lưới tòa án lẫn hai bộ công an và quốc an. Công an là Bộ Nội Vụ.
Quốc gia An toàn bộ thì phụ trách hệ thống tình báo và phản gián. Một nhân vật quyền thế như vậy mà bị tống giam và điều tra, như vừa xác nhận hồi đầu tháng, và nay mai thì sẽ có tin là bị án tử hình!
Chuyện còn lạ hơn vụ Jang Song Thaek (Trương Thành Trạch) bị người cháu là lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chính Ân bắt giữ, truy tố và hành quyết nội trong hai ngày vào hôm 12 vừa qua. Từ khi đảng Cộng Sản cầm quyền tại Trung Quốc vào năm 1949, chưa khi nào có chuyện thanh trừng bằng luật pháp lên đến cấp cao như vậy. Hơn hẳn vụ kết án Bí Thư Thượng Hải Trần Lương Vũ vào năm 2006, Bộ Trưởng Hỏa Xa Lưu Chí Quân bị tử hình hồi Tháng Bảy vừa qua, hay nguyên bí thư Trùng Khánh là Bạc Hy Lai bị cách chức đầu năm ngoái rồi ra tòa và lãnh án tù chung thân vào Tháng Tám vừa rồi.
Ly kỳ hơn vậy là lý do kết án họ Chu: Tham nhũng. Trùm an ninh và tình báo mà lại liên hệ đến số tiền vĩ đại là 100 tỷ đồng Nguyên, bằng 16 tỷ Mỹ kim? Tại sao vậy?
Thì kinh tế cũng là chính trị!
***
Trước khi có tin Chu Vĩnh Khang bị bắt, nguyên chủ tịch tập đoàn Dầu Khí Quốc Gia CNPC là Tưởng Cát Mẫn và năm đảng viên cao cấp khác trong ngành dầu khí đã bị điều tra. Tưởng Cát Mẫn vừa rời ngành dầu khí lên làm trưởng ban cải cách và quản lý doanh nghiệp nhà nước SASAC có mấy tháng thì vào tù. Ði theo là nhiều đàn em trong khu vực năng lượng, các đảng viên đã quản lý hai giếng dầu lớn nhất là Ðại Khánh tại tỉnh Hắc Long Giang và Thắng Lợi ở tỉnh Sơn Ðông và tổ hợp tài chánh Côn Luân của doanh nghiệp CNPC. CNPC là tập đoàn dầu khí số một của Trung Quốc, quản lý một tài sản hơn 480 tỷ đôla và cả PetroChina, doanh nghiệp có kết giá tài sản đứng hàng thứ nhì thế giới, chỉ sau ExxonMobile của Mỹ.
Mà họ Tưởng này lại là thuộc cấp ngày xưa, và đàn em ngày nay, của Chu Vĩnh Khang.
Trước khi làm trùm an ninh, họ Chu là chuyên gia dầu khí, đã lập thành tích quản lý năng lượng, làm thứ trưởng về dầu khí, chủ tịch CNPC, bộ trưởng điền thổ và tài nguyên quốc gia rồi bí thư tỉnh Tứ Xuyên, một khu vực giàu năng lượng và bao trùm lên thành phố Trùng Khánh.
Năm ngoái, khi quyết định kỷ luật Bí Thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang là ủy viên duy nhất của thường vụ Bộ Chính Trị đã bỏ phiếu chống và gây ra nhiều suy luận về sự cấu kết giữa hai người, và cả tin đồn là họ dự tính tiến hành đảo chánh... Phải chăng khởi đi từ việc hạ bệ Bạc Hy Lai vào đầu năm ngoái, hai năm thanh trừng chính trị đã tạm kết thúc với việc kết án Chu Vĩnh Khang vào cuối năm nay?
Vì chính trị cũng là kinh tế, chúng ta cần nhìn sâu hơn vậy.
Qua vụ tống giam các đảng viên cao cấp của ngành năng lượng, người ta được biết là việc điều tra ngấm ngầm đã khởi sự từ năm 2011. Mục tiêu chính thức là diệt trừ tham nhũng, y như vụ Trần Lương Vũ ở Thượng Hải hay Lưu Chí Quân trong Bộ Hỏa Xa, và đấy là phương châm được Tập Cận Bình phổ biến sau khi lên lãnh đạo: đánh cả cọp chứ không chỉ đập ruồi. Cọp là các ông kễnh trong mạng lưới tham nhũng.
Nhìn vào chiến lược kinh tế thì mới thấy rằng mục tiêu thật lại còn xa hơn vậy.
Từ thời cách mạng kiểu Mao, kỹ nghệ nặng và năng lượng được coi là xương sống của kinh tế xã hội chủ nghĩa và các đảng viên phụ trách về dầu khí đều là đại công thần. Một nhân vật khét tiếng là Tướng Dư Thu Lý, ủy viên Bộ Chính Trị, lên cầm đầu hệ thống dầu khí từ thành tích khai thác giếng dầu Ðại Khánh. Họ Dư được coi là thủ lãnh của “phái dầu khí” trong hệ thống quyền lực cho tới khi bị Ðặng Tiểu Bình đánh bạt vì chủ trương bảo thủ và duy trì thế độc quyền của nhà nước. Sau đó, khu vực dầu khí bị phân tán thành ba tập đoàn để giảm bớt thế lực.
Nhưng từ hai chục năm nay, khi dầu khí lại trở thành nhu yếu phẩm cho kỹ nghệ hóa, các lãnh tụ thời cách mạng được dần thần thay thế bởi chuyên gia về dầu khí, như Tăng Khánh Hồng hay Chu Vĩnh Khang. Họ lặng lẽ xây dựng lại thế lực, và qua ba đợt chuyển quyền từ đại hội 14 vào năm 1992, luôn luôn vận động để có một người lên tới thường vụ Bộ Chính Trị ở trên cùng. Bên dưới thì có nhiều người giữ vị trí trọng yếu ở các tỉnh và trong Quốc Vụ Viện là Hội đồng Chính phủ. Phái dầu khí này hỗ trợ nhau để thời nào cũng có ảnh hưởng. Người lên tới tột đỉnh là Chu Vĩnh Khang còn nắm bộ máy an ninh, tình báo - và nhiều hồ sơ nhạy cảm của trung ương.
Chiến lược kinh tế Trung Quốc lấy đầu tư làm đầu máy tăng trưởng bất kể tới nạn tham ô lãng phí. Ðó là nền kinh tế đi xe đạp và đạp xe chậm thì đổ, tăng trưởng thấp thì khủng hoảng. Sự bất công của chiến lược là đảng viên ở trên uống sâm cho nhân dân ở dưới đạp xe. Vì vậy xứ này có nhiều tỷ phú nhất thế giới trong khoảng thời gian ngắn nhất, mà cũng bị động loạn nhiều nhất khi quần chúng bất mãn biểu tình phản đối đảng viên cường hào ác bá và đại gia tham nhũng.
Chiến lược kinh tế có tính chất trưng thu và bóc lột đó khiến lãnh đạo rơi vào hoàn cảnh cưỡi lưng cọp và có ngày bị cọp vồ là khi dân chúng nổi loạn, như đã từng thấy trong lịch sử.
Chính là vì vậy mà ba thế hệ lãnh đạo nối tiếp, từ Gang Trạch Dân đến Hồ Cẩm Ðào rồi Tập Cận Bình, đã lần đầu tiên nhất trí là phải cải cách, nếu không thì đảng bị khủng hoảng. Mà việc cải cách phải khởi sự từ bên trong, từ bên trên, là triệt hạ các thế lực cứ liên thủ với nhau để duy trì nguyên trạng và bảo vệ quyền lợi. Một trong các thế lực đó là phái dầu khí và phe an ninh của Chu Vĩnh Khang.
Có thể là hệ thống lãnh đạo có quyết định này trước đại hội 18, vì không họp Bộ Chính Trị mà mở ra hội nghị bán chính thức tại Bắc Ðới Hà vào cuối Tháng Năm 2012. Ðây là loại hội nghị xa xưa từ thời Mao mà rất hiếm sau này, khi lãnh đạo trung ương và địa phương cùng các lão đồng chí đã về hưu gọi nhau đi nghỉ mát ngoài ven nước. Nơi đó, họ bàn thảo chuyện quốc sự bên ngoài sự theo dõi của bộ máy thông tin và tình báo hiện hành.
Chúng ta có thể liên tưởng đến chuyện ngũ đại gia của Mafia không họp tại New York mà đi nghỉ mát ở Florida, ngoài hệ thống thông tin và bảo vệ đã “có vấn đề”. Khi trở về thì họ giải quyết vấn đề!
Việc Tập Cận Bình giáng cấp trưởng ban Chính Pháp Trung ương ra khỏi thường vụ Bộ Chính Trị, đưa một chuyên gia tài chánh là Vương Kỳ Sơn lên vị trí trưởng ban kỷ luật và giám sát trong Thường vụ Bộ Chính Trị để thanh trừng đảng viên tham nhũng và lập ra Hội đồng An ninh Quốc gia để tập trung quyền lực cho thấy là vụ Chu Vĩnh Khang mới chỉ là màn đầu.
Màn kế tiếp là lần lượt phá vỡ các thế lực cưỡng chống việc chuyển hướng kinh tế. Chuyện an ninh quốc gia chính là an ninh của đảng, tiết mục đáng theo dõi trong năm tới...
Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013
Hà Giang - Có phải dân Thái thích đảo chánh?
Hà Giang/Người Việt -
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan bước qua một khúc quanh mới, khi Thủ tướng Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra, sáng thứ Hai, giải tán Quốc hội, và kêu gọi một cuộc bầu cử sớm. Nhưng lãnh đạo phe biểu tình nhất định dùng cuộc xuống đường vĩ đại, ước tính khoảng 150,000 người, để tạo áp lực, đòi lập ngay một chính phủ mới.
Khoảng 150,000 người biểu tình tụ họp tại trước tòa nhà chính phủ ở Bangkok hôm 9 tháng Mười Hai, đỏi Thủ Tướng Yingluck Shinawatra từ chức để lập chính phủ mới. Bà Yingluck giải tán Quốc Hội, đề nghị bầu cử sớm, mong làm dịu tình thế. (Hình: PHILIPPE LOPEZ/AFP/Getty Images)
Ngay sau khi tuyên bố từ chức, ông Abhisit Vejjajiva, lãnh đạo đảng Dân chủ, cũng là cựu Thủ tướng Thái, phát biểu với báo chí: "Thủ tướng chưa bao giờ tỏ ra có trách nhiệm hay lương tâm.”
Việc toàn thể các thành viên của đảng Dân Chủ, đảng đối lập lớn nhất, đứng về phe người biểu tình hiện đang đòi bà Yingluck từ chức, cho thấy tình hình chính trị của Thái Lan ngày càng trở nên bế tắc.
Quân đội Thái, từng lật đổ Thaksin Shinawatra, anh ruột của Thủ Tướng Yingluck, trong cuộc đảo chính năm 2006, đến giờ vẫn giữ vai trò trung lập, cho biết không muốn tham gia vào tranh chấp này.
Nếu biểu tình dẫn đến đảo chánh, đây sẽ là lần đảo chánh thứ 18 của Thái Lan, kể từ thập niên 1930s. 18 cuộc đảo chánh trong vòng bảy thập niên, so với bất cứ quốc gia nào, cũng là một mức độ quá cao.
Tại sao Thái Lan có một nồng độ đảo chánh cao như vậy? Có phải dân Thái thích đảo chánh?
Một phân hóa sâu xa
Mọi việc bắt đầu vào ngày 24 tháng Mười Một, khi trên 100,000 người xuống đường tại Bangkok, đòi nữ Thủ Tướng Yingluck Shinawatra phải lập tức từ chức.
Thủ Tướng Yingluck khá bất ngờ trước biến cố này.
Vài năm đầu trong nhiệm kỳ của bà Yingluck, người đắc cử vẻ vang trong cuộc bầu cử năm 2011, có vẻ an bình. Dưới quyền lãnh đạo của Yingluck, Thái Lan hồi phục từ cuộc khủng hoảng lũ lụt tồi tệ nhất trong 50 năm, với tốc độ tăng trưởng kinh tế là 6.5 phần trăm trong năm 2012.
Nhưng không phải người dân nào cũng hài lòng với chế độ của người nữ thủ tướng đầu tiên của đất Thái.
Tuy bà Yingluck Shinawatra chính thức cầm quyền, nhưng không ai nghĩ rằng vị nữ thủ tướng này cai trị đất nước Thái Lan mà không có bàn tay xen vào, thậm chí điều khiển, của ông anh ruột tỷ phú. Nội các của Yingluck đầy rẫy đồng minh thân cận nhất của Thaksin, thường xuyên truyện trò với Thaksin qua Skype, đồng thời, nhiều nhà lập pháp đảng Puea Thai thường xuyên ra nước ngoài để gặp Thaksin tại nhà riêng của ông ta ở Hồng Kông và Dubai.
Thủ tướng Yingluck Shinawatra, qua vài năm trị vì yên ổn, có thể đã đánh giá sai tình hình, châm ngòi cho cuộc biểu tình mới nhất này, bằng cách ủng hộ một dự luật ân xá, mà nếu được thông qua, sẽ xóa tan tội tham nhũng của Thaksin, mở đường cho ông anh tỷ phú đầy quyền lực này trở về nước.
Phe đối nghịch gọi dự luật này là một “động thái trắng trợn” nhằm “xóa hết tội lỗi” của Thaksin để đưa ông về nước tìm cách lấy lại quyền lực.
Dự luật cuối cùng bị thất bại ở Thượng Viện, bà thủ tướng xếp xó nó, nhưng đã quá trễ. Hàng trăm ngàn người Thái vẫn tràn ra biểu tình ở các đường phố Bang Kok, đòi hỏi bà Yingluck, mà họ gọi là "phe nhóm của Thaksin" từ chức.
Việc Yingluck ủng hộ dự luật ân xá gây phẫn nộ cho nhiều thành phần dân chúng, vốn sẵn cho rằng Yingluck chỉ là bù nhìn của Thaksin, cũng như tin rằng Thaksin dùng tiền để mua phiếu cho cô em trong cuộc bầu cử năm 2011. Kẻ thù chính trị lâu năm của Thaksin được dịp đang cố gắng tận dụng sự giận dữ của công chúng để nắm quyền kiểm soát.
Thitinan Pongsudhirak, một nhà phân tích chính trị tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok nhận định:
"Dự luật ân xá thất bại này phản tác dụng. Các phong trào chống Thaksin, dịu đi được một thời gian, được khơi mào trở lại, và mọi dấu hiệu cho thấy sẽ không dừng lại ở đây."
Tình trạng bất ổn này cho thấy một hố sâu chia cách giữa phần lớn người nghèo nông thôn với giới thương lưu thành thị. Phân cách này đã dẫn đến nhiều biến động ở Thái Lan trong những năm gần đây, mặc dù người ở trung tâm cuộc phân hóa, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, đã không có mặt ở Thái Lan kể từ năm 2008 đến nay.
Trước khi bị quân đội đảo chánh năm 2006, Thaksin là một tỷ phú, tạo được tài sản khổng lồ trong ngành viễn thông vào cuối thập niên 80s và đầu thập niên 90s. Thaksin bị cáo buộc tội thao túng chính sách của chính phủ để tạo lợi thế cho đế chế kinh doanh của mình.
Phe ủng hộ chính quyền Yingluck nói rằng hành động của phe biểu tình làm suy yếu đi nền dân chủ non trẻ của Thái Lan.
Phe ủng hộ biểu tình nói rằng ngay cả khi gia tộc Shinawatra, trên nguyên tắc, có thể nói rằng họ được thắng cử đàng hoàng, thực sự họ đã không đắc cử một cách dân chủ, vì đã dùng tiền mua phiếu.
Hai phiên bản dân chủ khác nhau
Điều đáng nói là cả người biểu tình trên các đường phố Bangkok và chính quyền Thái Lan xin họ thôi đừng chống đối nữa, đều nói mình đứng về phía dân chủ.
Ông Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế Chulalongkorn, nhận định rằng hai phe "tin vào hai phiên bản dân chủ khác nhau."
"Đó là một cuộc đấu tranh cho linh hồn của dân tộc, cho tương lai của đất nước", ông nói. Một bên muốn "được lắng nghe", trong khi phe người biểu tình "muốn sự hợp pháp của chính quyền bắt nguồn từ căn bản đạo đức. Họ quan niệm là, nếu một bên trích một số tiền, mà do tham nhũng họ mới có được, để mua phiếu của người nghèo, thì đó không phải là dân chủ thật sự.”
Đảng Dân chủ, đã không dành được phiếu của đa số cử tri từ hơn 20 năm nay, bị đảng Pheu Thai và bà Yingluck đánh bại thảm thương trong cuộc bầu cử năm 2011, nói rằng bà thắng cử được là nhờ tiền mua phiếu do Thaksin bỏ ra.
"Không thể gọi đây là một nền dân chủ", Sombat Benjasirimongkol, một người biểu tình đang đứng bên ngoài một bót cảnh sát tuần này khẳng định.
"Chính phủ này là một chế độ độc tài, lên nắm quyền bằng cách mua phiếu. Giới ủng hộ Yingluck là những người nghèo, thất học, thiếu hiểu biết, rất dễ mua phiếu của họ.”
Giáo sư Pavin Chachavalpongpun, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Kyoto, không đồng ý. Ông nói lập luận “dễ mua phiếu của người nghèo” chỉ là một cái cớ phe đối thủ của ông Thaksin sử dụng để giành chính quyền.
Giải thích quan điểm của mình, giáo sư Pavin nói phong trào biểu tình phản đối chính phủ chỉ đơn giản là "một thiểu số từ chối không muốn công nhận kết quả bầu cử.”
“Họ (đảng Dân Chủ) không thể cạnh tranh nổi với Thaksin, không thể thắng cử. Vì vậy, họ đưa ra lý thuyết là người dân quê ít học không biết cách bỏ phiếu. Thực tế là, những người này (người ủng hộ Thaksin) không hề ngu ngốc. Họ có ý thức chính trị."
Thói quen đảo chánh
Giáo sư Nicholas Farrelly, thuộc Đại học Quốc gia Australia có quan điểm là Thái Lan có vẻ nghiện đảo chính, và có thói quen sử dụng những sự can thiệp bên ngoài hiến pháp, để giải quyết xung đột chính trị.
Ông Farrelly nhận định rằng qua nhiều thập niên dựa vào đảo chính “như một biện pháp mặc định” để khôi phục sự ổn định, Thái Lan đã tạo ra một loại "văn hóa đảo chính", trong đó việc lặp đi lặp lại các cuộc đảo chính khiến giới trí thức nước này nghĩ rằng đó là lối thoát duy nhất khi có bế tắc chính trị . Nói một cách khác, càng đảo chính nhiều thì càng mê đảo chính, Farrelly kết luận.
Joshua Kurlantzick, một nhà nghiên cứu về Đông Nam Á của Council on Foreign Relations, đồng ý với giáo sư Nicholas Farrelly, và đưa ra một số giải thích, chẳng hạn, sở dĩ Thái Lan hay có những cuộc đảo chánh, một phần là vì thặng dư tướng lãnh.
Theo Kurlantzick, so với gần như tất cả quân đội trên thế giới, quân đội Thái Lan có quá nhiều sĩ quan cao cấp không cần thiết cho bộ quốc phòng và cho việc chiến đấu. Mặc dù không có kẻ thù nào, Thái Lan có hơn 1,700 tướng lĩnh và đô đốc, một tỷ lệ quá cao so với quân đội Mỹ.
Theo Kurlantzick, hầu hết các sĩ quan cao cấp của Thái Lan “không có việc làm thực sự.” Sự rảnh rỗi khiến họ nghĩ rằng để có thể đạt được uy tín, tiền bạc, thậm chí cảm thấy mình cần thiết, họ chỉ còn cách can thiệp vào chính trị.
Ngoài việc thặng dư tướng lãnh, vẫn theo phân tích của ông Kurlantzick, Thái Lan có một thể chế phức tạp, không là một chế độ quân chủ tuyệt đối, mà cũng không phải là một chế độ quân chủ lập hiến thực sự.
Không là nền quân chủ lập hiến thật sự là vì, nhà vua, là vua trị vì lâu nhất trên thế giới, qua nhiều thập kỷ, đã tích lũy được quyền hạn cá nhân khổng lồ. Trong một vài trường hợp, chẳng hạn như năm 1973 và năm 1992, nhà vua đã can thiệp trực tiếp vào chính trị để chấm dứt các cuộc biểu tình, cũng như phân xử các vụ tranh chấp lớn. Làm như vậy, có thể ông đã giúp Thái Lan trong ngắn hạn, nhưng lại làm suy yếu sức mạnh của tổ chức chính thức có trách nhiệm giải quyết tranh chấp.
Sự can thiệp của hoàng gia vô hình chung củng cố quan điểm rằng chia rẽ chính trị của Thái Lan chỉ có thể được giải quyết một cách không chính thức, bởi một vị minh quân từ cung điện hoặc một tướng lãnh từ quân đội.
Muốn bỏ được thói quen dựa vào những biện pháp nằm bên ngoài hiến pháp, Joshua Kurlantzick cho rằng mọi phía liên quan phải có những thay đổi.
Trước hết, theo Kurlantzick, ông Suthep Thaugsuban lãnh đạo của Đảng Dân chủ, người đã nhiều lần bác bỏ kết quả bầu cử, và điều động các cuộc biểu tình đầy bạo lực để châm ngòi cho các cuộc đảo chính, sẽ phải chấp nhận tranh cử, và cố gắng để được đắc cử.
Kurlantzick giải thích:
“Dù các biểu tình có thể giúp cho phe đối nghịch đạt mục đích trong thời gian ngắn hạn, liên tục dùng biện pháp này để loại bỏ phe ủng hộ Shinawatra sẽ làm cho Thái Lan suy yếu, mà cũng không giúp cho Đảng Dân chủ ở một vị trí cạnh tranh tốt hơn trong những cuộc bầu cử tới."
"Đảng Dân chủ đã không giành được một cuộc bầu cử quốc gia kể từ đầu những năm 1990 và vì thế cần phải hiểu nhu cầu của giới nghèo, trở nên hấp dẫn hơn với người dân Thái ở nông thôn, nếu muốn giành chiến thắng." Ông nói.
Cung điện cũng phải thay đổi để tiếp tay trong việc phá vỡ văn hóa đảo chính của Thái Lan. Thay đổi trong cung điện hoàng gia của Thái Lan có thể đang diễn tiến. Vị vua tôn kính vừa ăn mừng sinh nhật thứ 86 trong tình trạng sức khỏe suy yếu. Sau khi nhà vua qua đời, người kế nhiệm ông sẽ không có lợi thế của một quyền lực được tích tụ qua nhiều thập niên vận động chính trị, Thái Lan nhờ đó có thể sẽ phát triển thành một chế độ quân chủ lập hiến thực sự, và phải củng cố vai trò của các cơ quan được chính thức được thiết lập để giải quyết tranh chấp, chẳng hạn như tòa án.
Thay đổi quân đội có lẽ sẽ mất nhiều thời gian nhất. Nhưng, Kurlantzick lập luận, nếu ở các nước khác trong khu vực, như Myanmar và Indonesia, nơi quân đội tham gia nhiều hơn vào chính trị, còn có thay đổi được, thì Thái Lan cũng làm được. Giống như Indonesia, chính phủ Thái Lan có thể giảm bớt quân số, nhất là các cấp lãnh đạo, một mặt dùng tiền này đảm bảo lương hưu cho binh sĩ, và bổ nhiệm các lãnh đạo cấp cao của quân đội vào các cơ quan chính phủ khác, để họ khỏi quá rảnh tay, mà trở thành thực sự hữu dụng cho đất nước.
Để xoa dịu tình hình, nữ thủ tướng Yingluck Shinawatra đã dẹp bỏ tự ái, giải tán quốc hội, đề xướng một cuộc bầu cử sớm. Liệu những điều này có đủ giúp Thái Lan giữ vững nền dân chủ, và rũ bỏ được thói quen đảo chánh?
Thế giới đang chăm chú theo dõi. (H.G.)
Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013
Thanh Phương - Thương mại Việt-Trung : càng gia tăng, càng mất cân đối ?
Thanh Phương
Bản tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc nhằm « phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong thời kỳ mới », được công bố ngày hôm qua trong chuyến viếng thăm của thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, đã đề ra mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên tới 60 tỷ đôla năm 2015. Khi gặp các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam tại Hà Nội hôm qua, thủ tướng Lý Khắc Cường còn đi xa hơn khi tuyên bố là hai nước sẽ đạt mục tiêu nâng trao đổi mậu dịch lên mức 100 tỷ đôla vào năm 2017.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà
Đông (Hà Nội),
do Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc cấp vốn
và
tổng thầu, và một bộ phận của Viện Nghiên cứu
Thiết kế Công trình Đường sắt Bắc
Kinh giám sát xây dựng. (DR)
Những chỉ tiêu nói trên được đề ra trong bối cảnh mà trong trao đổi mậu dịch với Trung Quốc, Việt Nam bị thâm hụt thương mại ngày càng nặng nề. Từ 9 năm qua, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Năm 2012, kim ngạch thương mại hai chiều Việt-Trung đạt hơn 41 tỷ đôla, nhưng với cán cân nghiêng hẳn về phía Trung Quốc (Việt Nam phải nhập siêu tới hơn 16 tỷ đôla). Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm 2012, Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất tới Việt Nam (với giá trị gần 29 tỷ đôla), nhưng chỉ là thị trường nhập khẩu lớn thứ ba của Việt Nam (với hơn 12 tỷ đôla ). Như vậy là trong vòng 10 năm, thâm hụt mậu dịch của Việt Nam với Trung Quốc đã tăng hàng chục lần mới, từ mức 210 triệu đôla năm 2001 lên đến hơn 16 tỷ đôla năm 2012.
Theo các số liệu do báo chí Trung Quốc đưa ra, chỉ riêng trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều đã vượt hơn 40 tỷ đôla, tức là đang có chiều hướng gia tăng, với nguy cơ là thâm hụt mậu dịch từ phía Việt Nam cũng tăng theo.
Trong bản tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc đưa ra ngày hôm qua, hai nước đã cam kết thi hành các biện pháp để « thúc đẩy cân bằng thương mại song phương ». Riêng phía Trung Quốc thì cam kết sẽ khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng nhập khẩu hàng hóa có tính cạnh tranh của Việt Nam, ủng hộ doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam đầu tư kinh doanh, đồng thời sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc mở rộng thị trường.
Nhưng những cam kết nói trên, cho dù có được thực hiện, chưa chắc là sẽ đủ để giảm bớt tình trạng mất cân đối trong trao đổi mậu dịch Việt-Trung, một khi mà những nguyên nhân của tình trạng này chưa được giải quyết.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng nhập siêu là do có đến 85% hàng nhập khẩu của Việt Nam là nguyên liệu đầu vào nhập từ Trung Quốc và các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu của Trung Quốc. Các doanh nghiệp trong nước cũng thường có xu hướng chọn mua máy móc thiết bị của Trung Quốc, vì giá rẻ hơn.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục trúng thầu các công trình và dự án lớn, thường được thực hiện theo hình thức EPC, có nghĩa là các nhà thầu Trung Quốc làm trọn gói từ khâu thiết kế, mua sắm thiết bị đến xây dựng, còn các chủ đầu tư trong nước làm công đoạn cuối là vận hành và sử dụng, và dĩ nhiên là nhà thầu Trung Quốc nhập máy móc thiết bị từ nước họ.
Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nước ta như giày dép, dệt may... thì lại không thể xâm nhập được thị trường Trung Quốc, do họ cũng đang có lợi thế so sánh ở các mặt hàng này, cho nên Việt Nam chỉ có thể xuất sang các thị trường châu Âu hoặc Hoa Kỳ.
Tóm lại, viễn cảnh gia tăng kim ngạch thương mại với Trung Quốc là một thách thức lớn đối với Việt Nam, với nguy cơ là thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng và kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào láng giềng phương Bắc.
Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013
RFI - Chính sách nhân quyền mâu thuẫn của Việt Nam
RFI
Chính sách nhân quyền của Việt Nam được đánh dấu bằng những mâu thuẫn và nghịch lý, thể hiện qua việc tăng cường mở cửa nhưng tiếp tục trấn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến. Để làm rõ vấn đề này, giáo sư Carlyle Thayer đưa ra ba giả thuyết. Bài viết được đăng trên trang web Asian Currents thuộc Hiệp hội nghiên cứu Châu Á của Úc, tháng Tám năm 2013.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (P) tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
tại Nhà Trắng hôm 25/07/ 2013.) - REUTERS/Yuri Gripas
tại Nhà Trắng hôm 25/07/ 2013.) - REUTERS/Yuri Gripas
Bất kỳ đánh giá nào về nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay đều phải đối mặt với những mâu thuẫn trong việc thực hiện chính sách và nghịch lý lớn.
Hiến pháp Việt Nam năm 1992 có điều khoản về tự do ngôn luận. Điều 69 quy định « Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật ». Mâu thuẫn trong thực hiện chính sách phát sinh từ Điều 4 về việc thành lập một hệ thống chính trị độc đảng. Điều này quy định, « Đảng Cộng sản Việt Nam ... là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội ».
Đồng thời Việt Nam phải đối mặt với một nghịch lý lớn. Kể từ đại hội Đảng gần đây nhất được tổ chức vào đầu năm 2011, Việt Nam đã tìm cách chủ động hội nhập vào hệ thống toàn cầu. Do tìm cách mở rộng quan hệ với Hoa Kỳ và Châu Âu, Việt Nam đã phải chịu áp lực yêu cầu cải thiện tình hình nhân quyền.
Ví dụ, Quyền Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông Joseph Yun, đã điều trần trước Tiểu ban Châu Á và Thái Bình Dương, Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện ngày 05/06 : Chúng tôi đã nhấn mạnh với các lãnh đạo Việt Nam rằng người dân Mỹ sẽ không hỗ trợ việc nâng cấp đáng kể mối quan hệ song phương nếu không có những tiến bộ rõ ràng về nhân quyền. Các quan chức khác của Mỹ đã gắn vấn đề bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí và đạt thoả thuận về Hiệp định Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với « những tiến bộ rõ ràng về nhân quyền ».
Nghịch lý lớn là ở chỗ tình hình nhân quyền Việt Nam đã trở nên tồi tệ, không được cải thiện trong những năm gần đây, do đó gây khó khăn hơn cho mục tiêu tự đề ra là chủ động hội nhập quốc tế.
Bởi vì Việt Nam là một Nhà nước độc đảng không có cơ quan độc lập để bảo đảm là các quyền tự do nêu trong Điều 69 được tôn trọng. Những mâu thuẫn vốn có của thực tế chính trị này đã dẫn đến tình hình hiện nay, mở cửa chính trị chưa từng thấy thông qua internet và trấn áp cùng đồng thời tồn tại.
Trong đánh giá về nhân quyền ở Việt Nam, trong năm 2012, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã kết luận thẳng thừng: Việc đàn áp những người chỉ trích chính phủ và các nhà hoạt động trở nên tồi tệ, với những hạn chế nghiêm trọng về tự do ngôn luận, hội họp. Ít nhất 25 nhà bất đồng chính kiến ôn hòa, bao gồm cả blogger và nhạc sĩ, đã bị kết án tù nhiều năm trong 14 vụ xét xử không theo chuẩn mực quốc tế.
Đồng thanh với kết luận này, báo cáo hàng năm về nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đề cập đến các sự kiện trong năm 2012, ghi nhận là « có một xu hướng đàn áp và khủng bố ngầm do Nhà nước yểm trợ nhắm vào những cá nhân có các phát biểu vượt qua ranh giới và đề cập đến các vấn đề nhạy cảm như chỉ trích các chính sách đối ngoại của Nhà nước liên quan đến Trung Quốc hoặc chất vấn về sự độc quyền nắm giữ quyền lực của Đảng Cộng sản ». Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng nhận thấy là « ở bề ngoài, ngôn luận cá nhân, báo chí công khai, và thậm chí phát biểu chính trị tại Việt Nam cho thấy có những dấu hiệu tự do hơn ».
Một đánh giá về sự phát triển quyền con người ở Việt Nam trong nửa đầu năm 2013 cho thấy vẫn tiếp tục có những mâu thuẫn trong thực hiện chính sách nhân quyền của Việt Nam và nghịch lý của việc vừa tìm kiếm gia tăng cam kết với Hoa Kỳ vừa đẩy mạnh đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền trong cùng một thời gian.
Vào cuối năm 2012, cuộc đàn áp của Việt Nam đối với các nhà bất đồng chính kiến đã khiến Hoa Kỳ đột ngột hủy bỏ tham gia vào các cuộc đối thoại nhân quyền hàng năm với Việt Nam tại Hà Nội. Cuộc đối thoại này đã được tổ chức vào tháng Tư năm 2013. Đại diện của Hoa Kỳ là ông Daniel Baer, Quyền Phó Trợ lý Ngoại trưởng về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động. Trong chuyến thăm này, ông đã bị ngăn chặn, không cho gặp những người bất đồng nổi tiếng Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) và Phạm Hồng Sơn.
Hai tháng sau, ông Baer điều trần trước Tiểu ban Châu Á và Thái Bình Dương, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ và lưu ý đến những mâu thuẫn trong việc thực hiện nhân quyền của Việt Nam. Một mặt, ông Baer ghi nhận : Các bước tích cực như việc thả nhà hoạt động Lê Công Định (cho dù đi kèm với những hạn chế tự do), tạo thuận lợi cho một tổ chức nhân quyền quốc tế thăm Việt Nam, và số lượng đăng ký hoạt động công giáo gia tăng một cách khiêm tốn ở Tây Nguyên ... các cuộc thảo luận giữa Chính phủ và Tòa thánh Vatican, và cũng như diễn biến tích cực tiềm tàng trong vấn đề nhân quyền cho những người LGBT [đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng giới, hoán tính/chuyển đổi giới tính] ... [và] tràn ngập ý kiến của công chúng về dự thảo Hiến pháp ...
Mặt khác, ông Baer kết luận : Thế nhưng, những bước tiến này không đủ để đảo ngược xu hướng tồi tệ kéo dài trong những năm qua. Cũng không có các biện pháp tích cực riêng rẽ tạo dựng một mô hình phù hợp. Với số lượng ngày càng tăng, các blogger tiếp tục bị quấy rối và bị bỏ tù vì những phát biểu ôn hòa trên mạng và các nhà hoạt động tiếp tục phải sống dưới đám mây đen ...
Giờ đây thì mọi người biết rằng, vào cuối tháng Ba và tháng Tư năm 2013, các quan chức Mỹ và Việt Nam đã bắt đầu thảo luận về chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Việt Nam kể từ sáu năm qua. Hoa Kỳ chính thức ngỏ lời mời vào tháng Bảy và Việt Nam đã chấp nhận. Không có bằng chứng cho thấy Việt Nam đã tìm cách dàn xếp chuyến thăm của ông Sang bằng cách thả bất kỳ các nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nào. Có một dấu hiệu mong manh. Ngày 08/07, chính quyền Việt Nam đột ngột hoãn phiên tòa xét xử nhà hoạt động vì dân chủ nổi tiếng, luật sư Lê Quốc Quân.
Tuy nhiên, vẫn trong sự mâu thuẫn, Việt Nam tiếp tục đàn áp các nhà bất đồng chính kiến, có thể gây ra rủi ro cho chuyến viếng thăm Washington của Chủ tịch Sang. Trong hai tháng Năm - Sáu, Việt Nam kết án và áp đặt bản án khắc nghiệt đối với hai sinh viên đại học (Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha) và bắt giữ ba blogger nổi tiếng (Đinh Nhật Uy, Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào), nâng tổng số tù nhân chính trị và các blogger bị bắt trong nửa đầu năm 2013 lên tới 46 người.
Tổng thống Obama và Chủ tịch Sang đã gặp nhau tại Nhà Trắng ngày 25 tháng Bảy. Trong cuộc họp báo chung, Tổng thống Obama tuyên bố, "chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện rất thẳng thắn về sự tiến bộ mà Việt Nam đang thực hiện và những thách thức tồn tại". Ông Sang thừa nhận sự khác biệt và tiết lộ rằng Tổng thống Obama hứa sẽ làm hết sức mình để tới thăm Việt Nam trước khi hết nhiệm kỳ.
Một tuyên bố chung được công bố sau cuộc gặp, xếp vấn đề nhân quyền đứng hàng thứ tám trong số chín chủ đề thảo luận. Hai nhà lãnh đạo ghi nhận lợi ích của đối thoại thẳng thắn và cởi mở để tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thu hẹp các bất đồng về nhân quyền. Không thấy đề cập đến những vấn đề nhân quyền mà Tổng thống Obama nêu lên. Điểm thứ tám của tuyên bố chung dành bảy trong chín dòng để tổng kết những gì Chủ tịch Sang đã thảo luận với đồng nhiệm Mỹ. Đáng chú ý, Chủ tịch Sang khẳng định rằng Việt Nam sẽ ký Công ước Liên Hiệp Quốc chống tra tấn và sẽ mời Báo cáo viên Đặc biệt về Tự do Tôn giáo và Tín ngưỡng đến thăm Việt Nam vào năm 2014.
Chuyến thăm của Chủ tịch Sang đã bị lu mờ bởi một cuộc tuyệt thực kéo dài của nhà hoạt động chính trị Nguyễn Văn Hải. Ông Hải thành lập Câu lạc bộ các Nhà báo tự do và hoạt động vì nhân quyền và cải cách dân chủ. Mặc dù có các quy định về tự do ngôn luận trong Hiến pháp, ông đã bị kết án tù 12 năm vì tiến hành « tuyên truyền chống lại Nhà nước xã hội chủ nghĩa » thông qua các blog trên internet và các bài trên các đài phát thanh nước ngoài. Khi ông Hải bị bắt giam, Tổng thống Obama công khai kêu gọi trả tự do cho ông.
Ông Hải bắt đầu tuyệt thực vào cuối tháng Sáu để phản đối cách đối xử với ông ở trong tù, trong đó có việc kéo dài thời gian biệt giam. Hai ngày sau khi Chu tịch Sang kết thúc chuyến thăm Mỹ của ông, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao của Việt Nam thông báo là họ sẽ điều tra những lời tố cáo của ông Hải. Ông Hải đã chấm dứt cuộc tuyệt thực vốn kéo dài trong 35 ngày.
Vậy làm thế nào có thể giải thích những mâu thuẫn trong việc thực hiện chính sách nhân quyền của Việt Nam ? Hơn nữa, làm thế nào có thể giải thích được nghịch lý là Việt Nam tìm cách gia tăng quan hệ với Mỹ đồng thời cùng lúc lại đẩy mạnh trấn áp ?
Có thể có ba giải thích, nhưng chúng không loại trừ lẫn nhau, về những mâu thuẫn và nghịch lý của Việt Nam.
Trước tiên, việc tiếp tục đàn áp chính trị là kết quả của quá trình quan liêu của Bộ Công an (MPS). Khi một nhà hoạt động chính trị thu hút sự chú ý, Bộ Công an thường bắt đầu lập hồ sơ qua việc thu thập chứng cứ. Sau khi Bộ Công an xác định rằng một nhà bất đồng chính kiến đã vi phạm luật an ninh quốc gia được diễn đạt một cách mơ hồ của Việt Nam, cơ quan này bắt đầu một chiến dịch đe dọa và sách nhiễu nhà bất đồng chính kiến và gia đình, bạn bè của người bất đồng chính kiến. Nếu nhà bất đồng chính kiến từ chối sự kiềm tỏa của Bộ Công an, thì bộ này tìm kiếm sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền cao hơn để bắt giữ và tổ chức một phiên tòa.
Tại sao một số người chống đối bị đàn áp trong khi những người khác được phép phát biểu ý kiến tương tự mà không bị trả thù? Nói cách khác, tại sao lại có sự mâu thuẫn giữa gia tăng mở cửa và tiếp tục đàn áp?
Việt Nam công khai thúc đẩy mạng Internet và khuyến khích các công dân nói lên một số vấn đề. Tuy nhiên, các nhà bất đồng chính kiến sẽ là đối tượng bị trấn áp nếu họ vượt qua lằn ranh đỏ mà ai cũng biết như tiếp xúc với người Việt hải ngoại, đặc biệt là các nhóm hoạt động chính trị như Việt Tân mà chế độ coi là phản động. Tóm lại, Bộ Công an kết luận rằng những nhà bất đồng chính kiến là một bộ phận của "âm mưu diễn biến hòa bình", theo đó các lực lượng thù địch bên ngoài liên kết với bọn phản động trong nước để lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Một giải thích khác cho rằng sự mâu thuẫn trong việc đồng thời mở cửa và trấn áp là đấu đá trong nội bộ Đảng Cộng sản. Các nhà bất đồng chính kiến, đặc biệt là các blogger, nêu các vấn đề nhạy cảm liên quan đến tham nhũng, gia đình trị và lợi ích kinh doanh của các nhân vật chính trị hàng đầu. Trong những trường hợp này, các nhà bất đồng chính kiến bị lôi ra để trừng phạt theo lệnh của các quan chức cao cấp của Đảng hay những người ủng hộ họ. Nói cách khác, các tính toán cân nhắc chính trị nội bộ là động lực chính của hoạt động trấn áp.
Giải thích thứ ba cho rằng việc đàn áp chính trị gia tăng tại Việt Nam được chỉ đạo bởi những người bảo thủ trong Đảng tìm cách cản trở gây rối, nếu như không phá hoại, sự phát triển mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh. Ví dụ, người ta cho rằng các nhân vật bảo thủ trong Đảng chỉ huy cuộc đàn áp các blogger hồi tháng Sáu, để phá hoại chuyến thăm Washington đầu tiên của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Các nhân vật bảo thủ trong Đảng sợ rằng quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ sẽ làm cho quan hệ với Trung Quốc xấu thêm. Đặc biệt, họ nhắm vào các blogger và các nhà hoạt động, những người chỉ trích việc xử lý mối quan hệ với Trung Quốc của chính phủ. Các nhân vật bảo thủ trong Đảng bác bỏ áp lực của Mỹ về nhân quyền, kêu gọi Hoa Kỳ gia tăng tài trợ để giải quyết những di sản chiến tranh bom mìn và chất độc da cam, và đòi Mỹ chấm dứt phân biệt đối xử cấm vận vũ khí. Lời giải thích thứ ba này giải thích nghịch lý của việc vì sao Việt Nam không giải quyết hồ sơ nhân quyền để củng cố quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ trong bối cảnh có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.
(Carlyle A. Thayer là Giáo sư danh dự, Đại học New South Wales ở Úc Học viện Quốc phòng).
Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012
Kai Strittmatter - Những hoàng đế cuối cùng
Kai Strittmatter
Marcus Vũ dịch
Hàng tỷ thuộc về gia đình những quan chức lớn, và một chút cho mỗi người Hoa. Câu chuyện thần thoại về một đảng cộng sản theo đường lối chủ nghĩa tư bản.
Kỳ quan chính trị
Trung Hoa – kỳ quan kinh tế? Biết rồi khổ lắm nói mãi. Điều thú vị thực ra là: Trung Hoa là một kỳ quan chính trị. Một quốc gia vươn lên hàng thứ hai thế giới về sức mạnh kinh tế với những lãnh đạo không chịu trách nhiệm với bất cứ ai về chuyện họ làm, với thể chế què quặt, một đất nước mà luật pháp không được coi trọng bằng lời nói của một quan chức đảng cấp vùng. Một đảng, dù đã được dự báo là ngắc ngoải nhiều lần, gửi người bay vào quỹ đạo và đẩy thị trường chứng khoán thế giới lúc lên voi lúc xuống chó. Một đảng tự gọi là cộng sản đã khai phá chủ nghĩa tư bản theo kiểu mới.
Trung Hoa chưa từng bao giờ giàu có như bây giờ.
“Và Trung Hoa cũng chưa từng yếu như bây giờ.”
Câu này là của Đái Tình[1], một phụ nữ từng sinh trưởng giữa vòng bao bọc của quyền lực, người đã từng chung lớp mẫu giáo với một số lãnh đạo hiện nay.
“Nếu giờ ai mà hỏi tôi”, bà nói, “lựa chọn sau chót của tôi mới là kiếp sau sinh ra lại làm người Hoa.”
Đảng Cộng sản Trung Quốc. Được thành lập bởi một nhóm những nhà cách mạng trẻ vào tháng Bảy năm 1921 tại Thượng Hải. Đảng[2] hiện có 82 triệu thành viên – tương đương dân số nước Đức, nhưng có vẻ là mắn đẻ hơn: Trong vòng 10 năm qua đã có trên 26 triệu thành viên mới gia nhập. Đảng lèo lái đường đi nước bước của các công ty lớn, chỉ đạo quân đội lớn nhất hành tinh, dẫn dắt cả một đất nước – những hành động mà ta không thể nhận biết ngay được. Thoạt trông ta chỉ thấy các sếp tổng công ty, một bộ trưởng quốc phòng, một chính phủ. Vâng, Trung Hoa cũng có một chính phủ, chỉ có điều: chính phủ không điều hành. Đảng làm chuyện đó.
Đái Tình năm nay 71 tuổi. Bà từng là nhà báo nổi tiếng nhất nước. Cha bà thuộc đội ngũ những thành viên đầu tiên của Đảng. Cha bà mất trong cuộc chiến kháng Nhật, bà được người bạn của cha bà – nguyên soái Diệp Kiếm Anh[3], một đồng chí chiến đấu của Mao, nhận về làm con nuôi. Trong vai trò con ông cháu cha được bảo bọc, Đái Tình lớn lên trong khu Trung Nam Hải thuộc vườn thượng uyển cũ của Tử Cấm Thành, là nơi mà những ông quan thế hệ mới lưu trú cách biệt với quần chúng, ngay sau khi cách mạng thành công.
“Ở trong kia”, bà vừa nói vừa chỉ tay vào Tây Môn của Tử Cấm Thành, “đó là cái thư viện mà khi còn ở tuổi thiếu niên tôi thường ngồi trong đó cả ngày.” Thời còn là hồng vệ binh, bà tôn thờ Mao, thời là phóng viên trẻ bất mãn, bà tôn sùng Đặng Tiểu Bình và chính sách cải cách của ông ta. Sau ngày thảm sát Thiên An Môn, vào mùa thu năm 1989, bà tự ra khỏi Đảng.
Kể từ đó bà hầu như biến mất: Một người thuộc “nhóm thái tử”[4] – cách người ta thường gọi con cái các quan chức cấp cao của Đảng – đã trở thành kẻ phản kháng. Đái Tình từ đó không được phép xuất bản một dòng nào nữa ở Trung Hoa, một công an được cử túc trực ngày đêm canh chừng bà.
“Đảng như là Thánh”, một giáo sư thuộc trường Đại học Nhân dân Bắc Kinh từng nói. “Thánh hiện diện ở khắp nơi. Bạn chỉ không nhìn thấy Thánh thôi.”
Đang có một sự đổ vỡ
Vào thứ Năm tới, ngày 8 tháng 11 năm 2012, đảng này sẽ họp. Kỳ họp thứ 18 trong lịch sử của nó. Lần này chắc sẽ là một trong những lần quan trọng nhất, vì tính sống còn của nó. Người đàn ông quyền lực nhất Trung Hoa sẽ được bầu, đồng thời cũng là dịp để Đảng cho thấy liệu nó thực sự có đủ năng lực cải cách chính trị hay không. Từ ngoài nhìn vào thì quốc gia này có vẻ giàu có, mạnh mẽ và tự tin hơn bao giờ hết – nhưng chính người Hoa, dù trong hay ngoài Đảng, đang “cảm thấy một cuộc khủng hoảng sâu sắc”, tạp chí Học tập Thời báo của Đảng cho hay.
Kỳ họp Đảng này có ý nghĩa không nhỏ với cả Trung Hoa lẫn thế giới, dù rằng cho tới gần đây cả hai thậm chí chưa được biết ngày chính thức khởi họp là ngày mấy. Có vẻ như là chính Đảng còn đang bị mắc kẹt một chân ở dưới mặt đất. Và thực sự ai sẽ là người nắm trọng tâm quyền lực, thế giới sẽ chỉ được biết chắc chắn vào ngày cuối cùng. Khi đó, lúc cánh cửa Đại lễ đường Nhân dân mở ra và một nhóm lãnh đạo mới đi vào theo hàng một và đúng thứ tự quyền lực. Cảnh tượng này hơi giống ở đất nước của Giáo hoàng, khi khói trắng bay lên cao.[5]
Một lần, Đái Tình kể, người canh gác bà thắc mắc với vẻ ngạc nhiên vì sao một người có dòng dõi như bà lại không thâu tóm được nhiều của cải cho cá nhân mình. “Tụi con ông cháu cha bị khinh ghét trong dân chúng. Cũng đúng thôi”, Đái Tình nói. “Anh chỉ cần thốt lên một tiếng là được tất cả chẳng khó khăn gì. Vấn đề ở nước tôi là, các ông bố thậm chí không kiểm soát được con cái. Tôi đã từng chứng kiến ngay tại gia đình tôi, với người cha nuôi. Nguyên soái Diệp đã rất buồn rầu về những đứa con đã lợi dụng tên tuổi ông ấy để tạo dựng sự nghiệp hay đạt được quyền lợi. Đó là một phần của chế độ: Anh chỉ cần vơ vét thôi, quá dễ dàng. Anh nghĩ lý do vì sao mà hiện nay người ta còn vào Đảng? Vì họ tin vào chủ nghĩa cộng sản ư? Tôi chẳng còn biết ai như thế. Không: Vì họ sẽ được bổng lộc, và trên hết là: Tiền.”
Đối với Đảng, năm qua chẳng tốt đẹp gì. Trước hết là vụ bê bối xung quanh Bạc Hy Lai – người từng là ngôi sao chính trường, khi vợ ông ta tổ chức thủ tiêu một doanh nhân người Anh và gia đình ông ta thâu tóm tài sản trị giá hàng trăm triệu đô la Mỹ. Sau đó là vụ phanh phui khối tài sản lên tới hàng tỷ của gia đình một số quan chức lãnh đạo cao nhất: đầu tiên là gia đình của Tập Cận Bình, người trong kỳ họp Đảng sắp tới nhiều khả năng sẽ được bầu làm lãnh đạo mới của Trung Hoa, rồi đến gia đình của Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Người Hoa có bất ngờ không? “Có lẽ tôi sẽ bất ngờ nếu như gia đình các ông ấy không tham nhũng”, Yang Lin[6] – một phụ nữ 34 tuổi làm trong ngành quảng cáo ở Bắc Kinh, nói. Dù vậy nhiều người vẫn bị sốc về mức độ và con số mà họ trước nay khó tưởng tượng nổi. Ngay cả Ôn Gia Bảo ư? Vị Thủ tướng mà người ta đồn rằng ông thực sự muốn cải cách. “Ông Ôn có lẽ trong sạch thật. Nhưng chính điều đó làm tôi mất hết hy vọng, bởi ông ta thậm chí không thể kiểm soát được gia đình mình.” Yang Lin trích dẫn một câu nói của vị Thủ tướng: “Sự ngay thẳng và công lý ngời sáng hơn mặt trời.” Rồi cô hỏi: “Các con ông ấy có cười thối mũi vào cha mình không nhỉ?”
Có thể nắm bắt được cảm giác thất vọng và chông chênh. Trong một cuộc trưng cầu của Hoàn cầu Thời báo – một tờ do Đảng kiểm soát, kết hợp với mạng Sina hai năm trước đây, 88% trong số 7000 người được hỏi cho rằng, họ mong nhất là có thể rời khỏi Trung Hoa.
Đang có một sự đổ vỡ.
Chính trị kiểu du kích
Hiệp ước mà Đảng ký với nhân dân sau sự kiện thảm sát Thiên An Môn là: “Tụi bay câm miệng lại, tụi tao đảm bảo rằng tụi bay sẽ ngày càng được sung sướng hơn” – cái này còn giá trị không? “Bên ngoài nhìn vào bạn thấy một cái cây lớn xanh tươi sum suê, nhưng rễ của nó đã mục. Một cơn gió mạnh là cây đổ.” Tuần trước, hai lần liền chúng ta được nghe các hình ảnh ẩn dụ này, và cả hai lần đều là phát ngôn của những đảng viên.
Nói đi cũng phải nói lại: Điều này đã từng được nghe rồi. Hai mươi năm trước đây. Năm 1989, Đảng cho xe tăng cán nhân dân của nó, Bức tường Berlin sụp đổ, rồi Liên Xô tan rã – Đảng Cộng sản Trung Quốc bị cô lập và coi thường, nó có vẻ yếu đuối như chưa từng thế. Nhưng nó đã không chỉ củng cố được quyền lực, mà bên cạnh đó còn chôn luôn chủ nghĩa cộng sản, cứ tám năm lại tăng gấp đôi sức mạnh kinh tế, quản trị cuộc đô thị hóa lớn nhất toàn cầu và kéo hàng triệu người Hoa ra khỏi nghèo đói.
Đảng này thật khôn ngoan, vô áy náy và uyển chuyển, một bậc sư phụ về sống sót. Tất nhiên nó tiếp tục dùng sự đe nẹt và ép buộc khi cần. Trong năm nay, chính phủ dành 110 tỷ đô la Mỹ từ ngân sách cho việc “ổn định xã hội”, có nghĩa: cảnh sát, công an, và tình báo – nhiều hơn 5 tỷ so với ngân sách dành cho quân đội.
Và tất nhiên kiểm duyệt cũng như tuyên truyền quyết định cái gì là sự thật ở Trung Hoa. Chúng xóa bỏ lịch sử: 40 triệu người chết đói mà Đảng liên đới trách nhiệm, thảm sát những người biểu tình ôn hòa. Và chúng khoác thêm tấm áo mới cho ngôn ngữ. Dân chủ? “Đó là chính phủ của Đảng Cộng sản vì dân”. Trên hết, những năm vừa qua Đảng chú trọng vào một giấc mơ về tầm vóc quốc gia và viễn cảnh can dự vào sự cường thịnh: Nhờ đó nó được sự ủng hộ của phần đông quần chúng. Cho tới nay.
Thực chất của đảng này là thế nào? Sẽ dễ hiểu hơn nếu ta quên đi những hình ảnh trước đây của Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Đức và Đảng Cộng sản Liên Xô. Đảng của Trung Hoa là một thực thể khác hẳn, nhà chính trị học Sebastian Heilmann thuộc Đại học Trier – người nghiên cứu Đảng hàng chục năm nay và đã phỏng vấn hàng trăm cán bộ và kế hoạch gia trên toàn đất nước, cho biết. Không phải kiểu máy móc khô cứng. Một mạng lưới của những mạng lưới, hay của những bè phái, trong đó đổi chác và đàm phán đã thay thế chuỗi ra lệnh theo cấp bậc. “Một bộ máy rất uyển chuyển, kiểu như túi mật, biết cách thích nghi với dòng chảy cuồn cuộn của phát triển”. Đảng, Heilmann nói, không chỉ thành công vì nó vứt bỏ đi những gánh nặng cũ, mà chính vì còn giữ được thứ gì đó từ thời đấu tranh ngầm.
Học từ Mao ư, thật thế sao? Chính xác, Heilmann cho biết, bí quyết là: “Chính trị kiểu du kích”. Có nghĩa: Chuyển động như một con cá đang bơi, thích nghi liên tục, tận dụng mọi cơ hội củng cố quyền lực bằng mọi giá. Thử những đường lối không theo lệ thường ở các vùng. “Đảng dưới thời Mao đã làm cách mạng thành công bởi cuộc tìm kiếm phương cách luôn được thực hiện từ dưới lên”, Heilmann nói. “Điều này đã được ghi vào trong ADN[7] của Đảng.“
Cách này không chỉ dẫn đến việc thành lập nước Cộng hòa Nhân dân vào năm 1949, mà gần nửa thế kỷ sau còn là những đặc khu kinh tế và công ty tổ hợp, những doanh nhân sở hữu hàng tỷ tự hào nhận sổ đảng viên và những tập đoàn nhà nước niêm yết trên thị trường chứng khoán. Một quái vật kỳ dị nảy sinh: Cơ thể hệ thống cộng sản mọc ra những chân tay tư bản và những sức mạnh kinh tế mới. Một thứ chủ nghĩa tư bản cán bộ đã làm đất nước giàu lên, và các cán bộ của nó, tất nhiên.
Sự hình thành nên thực thể này đã từng là thành công vĩ đại nhất của chế độ, và giờ đây là nguy cơ lớn nhất. Bởi chất keo kết dính Đảng giờ đây là gì? “Đảng có cả hai: độc quyền quyền lực và thâu tóm những tài sản quan trọng nhất”, Sebastian Heilmann nói. “Điều này còn tồn tại một cách sáng tạo và bình ổn một khi quyền lực và kinh tế nhà nước kiếm được đủ lợi nhuận cho tất cả các bè phái và nhóm lợi ích.”
Thế khi những rạn nứt có thể nhìn thấy được như hiện nay? “Các tranh chấp sẽ diễn ra.”
Vơ vét rồi biến
Một vùng ngoại ô Bắc Kinh. Lẩu kiểu Trùng Khánh: thịt cừu, tôm, nấm trong nước lèo cay xé. Chủ xị bữa này, một người đàn ông nhỏ nhắn lanh lợi ngoại ngũ tuần, nâng cốc. Hãy gọi ông là Zeng Hong.
Zeng là một doanh nhân tư nhân, chuyên nhập khẩu khoáng sản từ Đông Nam Á cho nền kinh tế đói khát của Trung Hoa, nhưng chưa đầy mười năm trước, ông cũng từng là một phần của bộ máy, trong vai trò thư ký của một chủ tịch tỉnh. Ông nói, hồi đó sự xấu hổ còn đặt giới hạn cho những viên chức như ông. “Ừ thì chúng tôi cũng chấp nhận lời mời đi ăn những thứ cao lương mĩ vị đắt tiền, đi hát karaoke, tiêu khiển với gái”, ông kể. “Nhưng mà tất cả những tiền bạc có thể vơ vét được hiện giờ? Không thể tưởng tượng được.” Zeng châm một điếu thuốc lá. “Bạn bè tôi hồi đó giờ đều làm chủ tịch hay cái gì đó tương tự. Và tất cả họ đều giàu sụ. Biệt thự của các anh, đồng hồ Thụy Sĩ của các anh – các anh đều trả được bằng lương à, tôi thường hỏi họ thế.”
Ông liệt kê những gì đã xảy ra từ hồi đó: Bán số lượng lớn đất công, kèn cựa doanh nghiệp tư nhân, sự hồi sinh các xí nghiệp nhà nước trong vòng mười năm qua. “Giờ đây Tiền và Quyền đi đôi với nhau, khác với hồi xưa. Kinh tế trong tay cán bộ, đó là một mô hình thảm họa. Đúng, kinh tế nước tôi tăng trưởng, nhưng tiền có đến được với dân không? Khoảng cách giàu nghèo thật khủng khiếp. Nhân dân đã mất hết niềm tin. Và cũng vì những kẻ trục lợi biết rằng đang đứng trên cái nền chao đảo, nên chúng cố gắng vơ vét nốt càng nhiều càng nhanh càng tốt. Rồi biến.”
“Điều tồi tệ là ở Trung Hoa chưa có một kẻ quyền lực nào bị lãnh trách nhiệm cho việc làm sai trái của hắn”, Đái Tình – nhà phản kháng nói. “Nếu không phải vì anh vừa thua một cuộc chiến quyền lực, anh luôn vô tội.”
Một cuộc điều tra nội bộ trong Đảng cho thấy ở cấp huyện 48% tất cả các cán bộ đều tham nhũng, theo lời một thành viên của một viện nghiên cứu thân thiết với Đảng. Vậy là cứ hai người có một người tham nhũng.
Cải cách hay suy vong
Mùa hè vừa qua xuất hiện một văn bản tả chân đáng chú ý về tình hình xã hội: lạm dụng quyền lực, cướp đất, những phiên tòa thối nát không thể là chỗ dựa của nạn nhân, bạo lực chống lại người thỉnh nguyện, những viên chức chỉ chăm chú vào các cuộc trao đổi ngầm. Ngắn gọn: “Những nhóm lợi ích đầy quyền lực dập tắt mọi hình dung về công lý và đẩy xã hội tiếp tục về hướng một nhà nước mafia.” Ở một đoạn khác: “Nếu ngay cả sư sãi và giáo viên cũng đều tham nhũng, thì đất nước đã thối đến tận ruột rồi.” Trung Hoa trên đường tiến tới một nhà nước mafia? Văn bản này không được viết bởi một nhà bất đồng chính kiến, mà tác giả của nó là Tôn Lập Bình[8], một nhà xã hội học thuộc trường Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, và trên hết, ông từng là giáo sư hướng dẫn luận văn tiến sĩ của Tập Cận Bình – người đàn ông quyền lực mới của Trung Hoa.
Phải chăng ta có thể chờ mong gì ở vị hoàng tử nối ngôi này? Thậm chí là cải cách? Ông Ngô Tư[9]Wu Si, nhà văn và tổng biên tập của tạp chí Viêm Hoàng Xuân Thu[10] – ấn phẩm của một số thành viên kỳ cựu và mang tinh thần tự do thuộc Đảng, cho rằng không phải nhân sự làm ông thấy lạc quan, mà là thực trạng. “Chúng tôi đang đi tới một điểm mà cải cách là tất yếu.”
Những tháng qua xuất hiện một cơn lũ các bài luận, ngay cả của những người tiên phong thuộc Đảng, tất cả cùng đồng thanh hát một câu như nhau: Cải cách hay suy vong! Những nhà phân tích yêu cầu trước hết phải phá bỏ thế độc quyền. Và họ đòi hỏi thể chế nhà nước pháp quyền. Chống lại chuyên chế nhà nước, nhưng cũng là phương tiện duy nhất chống tham nhũng. Không hẳn là những người cầm đầu không thấy mối nguy hiểm từ tham nhũng. “Nó có nguy cơ làm xói mòn toàn bộ nền tảng chính trị”, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cảnh báo. “Hãy kiểm soát vợ chồng, con cái, họ hàng và bạn bè của các đồng chí”, hoàng tử nối ngôi Tập Cận Bình lưu ý.
Đợi chờ và hy vọng
Giáo sư người Bắc Kinh Hà Gia Hoằng[11] là một trong những luật gia nổi tiếng nhất Trung Hoa. Ông cũng viết cả tiểu thuyết trinh thám. Hai năm trước đây ông khởi xướng một “ngành học chống tham nhũng” tại trường Đại học Nhân dân Bắc Kinh. Bước thứ nhất của ngành đào tạo: Sinh viên không được phép mời các giảng viên đi ăn hay tặng quà. Ai lắng nghe người giáo sư dũng cảm sẽ hiểu được ngay giới hạn những cố gắng của ông. Vẫn còn tình trạng những thanh tra nội bộ Đảng giải quyết vấn đề với các đảng viên bị nghi vấn và tước đoạt quyền can dự của luật pháp. “Là một giáo sư luật, tôi rất buồn phiền về điều này”, ông Hà nói. “Tại đó, dưới sự bao che của Ủy ban Thanh tra Đảng, diễn ra rất nhiều điều bất hợp pháp. Đáng lẽ trong một nhà nước pháp quyền các công tố viên phải làm nhiệm vụ điều tra.”
Trong một nhà nước pháp quyền. Và tại Trung Hoa? Hà thở dài. “Ở Trung Hoa các công tố viên bị đặt dưới quyền kiểm soát của các quan chức cấp vùng. Họ phải lấy ý kiến từ bí thư Đảng trước khi thực thi công việc.” Làm gì bây giờ? “Chúng tôi đợi quyết định từ thế hệ lãnh đạo mới”, Hà nói. “Chúng tôi đợi.”
Tháng Mười vừa qua cả Trung Hoa vui Tết Trung thu. Ngay trước ngày hội có bài thơ sau được lan truyền trên mạng: “Hy vọng, hy vọng mãi / Thất vọng, thất vọng luôn / Ông Trăng trên nước Trung Hoa già cỗi / tròn rồi lại khuyết / khuyết rồi lại tròn / và rồi trong cái thất vọng lại mở ra hy vọng.”
Người ta có thể hy vọng gì? Nhiều người đồn đại rằng những tiết lộ động trời về khối tài sản hàng tỷ của gia đình Thủ tướng Ôn Gia Bảo chỉ được phanh phui, vì ông và nhóm nhà cải cách của mình đã muốn động chạm đến khối tư bản cán bộ, vì muốn tăng sức ép cạnh tranh hay thậm chí là chia nhỏ những tập đoàn nhà nước quá lớn và đầy quyền lực. “Đó là một cuộc chơi lớn ở phía sau”, Sebastian Heilmann nói. “Sự phản đối cải cách rất mạnh mẽ.”
Kỳ họp thứ 18 của Đảng sẽ lên kế hoạch 5 năm chống tham nhũng. Tiếp tục như mọi khi. Và cái kế hoạch này cũng sẽ thất bại, khi nào mà Đảng còn tự thanh tra tham nhũng nội bộ. Cho tới nay nhà lãnh đạo mới nào, bất kể người ta gán cho ông ta những nỗ lực cải cách ra sao, cuối cùng đều trở thành tù nhân của hệ thống.
“Giá như họ dừng được”, Đái Tình nói, “đó sẽ là điều kỳ diệu vĩ đại nhất.“
Nguồn: Dịch từ nguyên bản tiếng Đức “Die letzten Kaiser” của tác giả Kai Strittmatter – nhật báo Süddeutsche Zeitung số ra ngày 2 tháng 11 năm 2012, trang 3. Toàn bộ chú thích của người dịch. Các tiêu đề đoạn do người dịch đặt.
Bản tiếng Việt © 2012 Marcus Vũ & pro&contra
[1] Dai Qing (戴晴)
[2] Đảng (viết hoa): “die Partei” hay “die KP” trong nguyên bản, chỉ Đảng Cộng sản Trung Quốc.
[3]Ye Jianying (葉劍英)
[4] Nguyên văn tiếng Đức: “Prinzenclique”
[5] Tác giả liên hệ đến sự kiện bầu Giáo hoàng mới tại Vatican: Khi khói đen bốc lên từ ống khói của Vatican có nghĩa là chưa ngã ngũ, còn khi khói trắng là đã có một vị được bầu.
[6] Người dịch giữ nguyên tên phiên âm Latinh của các tên người trong bài viết, trừ trường hợp tên người đã có phiên âm tiếng Việt được đông đảo người đọc biết đến.
[7] Acid Deoxyribo Nucleic: phân tử mang thông tin di truyền mã hóa.
[8]Sun Liping (孙立平)
[9]Wu Si (吴思)
[10]Yanhuang Chunqiu (炎黄春秋)
[11]He Jiahong (何家弘)
Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012
Đinh Xuân Quân - SAU TRANH LUẬN LẦN THỨ 3 CỬ TRI MỸ GỐC VIỆT SẼ QUYẾT ĐỊNH THẾ NÀO?
TS. Đinh Xuân Quân
Sau các cuộc tranh luận giữa hai ứng viên Tổng Thống, bây giờ cử tri Hoa Kỳ trong đó có người Mỹ gốc Việt đã thấy rõ lập trường hai bên. Thực ra các ứng cử viên đã đề cập tới quá nhiều vấn đề, về kinh tế, thất nghiệp, nợ công, hàng triệu nhà bị nhà băng xiết, chuyển hướng về Á châu, v.v... trong đó có khi họ nói sai hay thay đổi lập trường đã tuyên bố từ trước.
Vài ví dụ ông Obama nói sai: Về Lao động: “Sau 10 năm phải sa thải bớt công nhân, nước Mỹ đã tạo được nửa triệu việc làm cho các ngành kỹ nghệ.” Không đúng: từ năm 2009, nước Mỹ sa thải khoảng 1 triệu công nhân làm việc cho các nhà máy, bây giờ mới có một nửa có việc làm trở lại. Về Phá thai: “Cả hai ông Romney và Ryan đều muốn hủy bỏ luật cho phụ nữ được quyền phá thai, kể cả trường hợp mang thai vì bị hiếp hay loạn luân.” Không đúng: Ông Romney chấp nhận cho những phụ nữ bị hiếp hay loạn luân được quyền phá thai.
Vài ví dụ ông Romney nói sai: Kinh tế: “Chúng ta chỉ còn vài inch nữa là sẽ trở thành một quốc gia không có nền kinh tế tự do.” Không đúng: phúc trình do viện nghiên cứu The Heritage Foundation của phe Cộng Hòa cho biết Hoa Kỳ là một trong 10 quốc gia có nền kinh tế tự do vững chắc nhất thế giới, hơn cả những cường quốc kinh tế khác như Nhật, Ðức và Anh. Y tế: “Kế hoạch tốn cả ngàn tỉ đô la để chính phủ liên bang kiểm soát hệ thống y tế mà ông Obama thực hiện là kế hoạch gây thảm họa.” Không đúng: nhiều điều khoản trong đạo luật y tế “Obamacare” đang được tranh cãi, nhưng không hề có chuyện chính phủ liên bang kiểm soát hệ thống y tế. Thương mại: “Chúng ta phải mở rộng thị trường để bán hàng hóa. Ông Obama không mở rộng được thị trường cho nước Mỹ.” Không đúng: chính phủ Obama ký hiệp ước thương mại với Colombia, Panama và Nam Hàn.
Tham gia bầu cử là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người dân, vậy người Mỹ gốc Việt sẽ bầu cho ai? Bài nầy sẽ cố gắng phân tích lập trường của hai ứng cử viên Thống Đốc Romney (CH) và Tổng Thống Obama (DC) hầu giúp cử tri sử dụng lá phiếu của mình một cách tốt nhất.
Tiêu chuẩn:
Các tiêu chuẩn chọn lựa cho các vấn đề quốc nội là kinh tế, thuế, an sinh xã hội, giáo dục, xem chủ trương nào giúp cộng đồng chúng ta nhiều hơn, trong khi về đối ngoại liệu chính sách ngoại giao sẽ thiên về Á châu hay thiên về Trung Đông?
Phân Tích Đối Nội
Về kinh tế: TT Obama thừa hưởng nền kinh tế với quá nhiều khó khăn và đang cố gắng vượt qua những khó khăn. Ông đầu tư vào giáo dục, đào tạo, và cắt giảm thuế là con đường hữu hiệu nhất cần theo đuổi.
Phe Cộng Hòa - TĐ Mitt Romney nói rằng nước Mỹ phải chọn một con đường khác. Ông nói rằng các kế hoạch của ông bao gồm cả việc gia tăng sản xuất năng lượng, mở cửa hơn nữa cho giao thương quốc tế, đào tạo nhiều hơn nữa, cân bằng ngân sách và hỗ trợ cho sự phát triển doanh nghiệp nhỏ.(Xin xem bảng so sánh).
Về thuế trong một quốc gia tự do dân chủ và công bằng thì người giàu nên đóng góp nhiều và người nghèo đóng góp ít.
Lập trường DC về thuế là giảm thuế cho giới trung lưu và tăng thuế cho người giàu để giảm bội chi ngân sách (deficit). Đa số các gia đình Mỹ gốc Việt (theo census 2010) có lợi tức thấp hay trung bình thì chủ trương của DC có phần có lợi cho mình.
Lập trường CH ông Romney hứa không tăng thuế, hơn nữa có thể giảm, với tỷ lệ thuế ở mức 20%. Trung tâm “non-partisan Tax Policy Center” cho là như thế nhà giàu lợi nhiều hơn.
Về An sinh xã hội, ông Romney nay hứa không thay đổi chương trình an sinh XH (khác với khi tranh cử sơ khởi), hứa bỏ Obama care (ACA) và các thế hệ dưới 50 có quyền chọn. Theo census 2010 thì trên 20% gia đình Mỹ gốc Việt còn tùy thuộc và An sinh xã hội vì còn lợi tức thấp. Thành phần này được hưởng Housing, SSI, Medicare, Medical, v.v. tùy thuộc vào trợ cấp của chính phủ Liên Bang. Nhưng phải nói là còn nhiều lạm dụng về Housing, SSI, vv. và cộng đồng chúng ta cũng không ngoại lệ.
Tóm lại, về quốc nội Obama thiên về Giáo dục, An sinh xã hội, hạ tầng cơ sở trong khi Romney thiên về giảm thuế và chương trình của ông không rõ và không mấy thuyết phục và sẽ gây nợ công.
Phân Tích Đối Ngoại
Chính sách mới về ngoại giao/ [Chính sách này cho là Saddam Hussein, Ghadafi hay Assad là độc tài. Nhưng cũng công nhận là các chế độ thay thế “chưa chắc là khá hơn” do đó Hoa Kỳ công nhận chính dân chúng của các nước liên hệ phải có trách nhiệm thay đổi, hoặc nếu cần chính các nước trong vùng phải can thiệp]. Các nước như Lybia hay tại Syria không đe dọa Mỹ cho nên không có lý do để Mỹ can thiệp trực tiếp, mà chỉ làm một cách gián tiếp qua NATO, (ủng hộ Pháp, Anh giải quyết Lybia), hay yểm trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Arập về Syria.
Theo thuyết này thì khi Iran xây dựng vũ khí hạt nhân sẽ dọa Israel. Hoa Kỳ sẽ không gây chiến đánh Iran hay giúp Israel đánh Iran. Mỹ chỉ dùng khí giới gián tiếp là kinh tế - cấm vận để áp lực Iran. Mỹ sẽ can thiệp quân sự trong trường hợp không làm gì khác được.
Với chính sách ngoại giao này, Mỹ đã chuyển về Á Châu và sẽ rút khỏi Âu Châu trong 10 năm tới.
Tại Á Châu, Mỹ “tuyên bố chuyển hướng.” Mỹ đã thay đổi chính sách đối với Trung Quốc trong việc tranh chấp tại Biển Đông và Hoa Đông, muốn nói “thẳng thừng” với Trung Quốc về các “giới hạn.” Quốc Hội Hoa kỳ đã ra một nghị quyết năm 2011, chỉ trích việc Trung Quốc sử dụng võ lực tại Biển Đông, kêu gọi giải pháp hòa bình, đa phương cho các tranh chấp ở Đông Nam Á.
Đầu năm 2012 Tổng thống Barack Obama đã công bố chiến lược quốc phòng mới của Hoa Kỳ. Hướng chủ đạo của chiến lược này là duy trì sức mạnh của quân đội Mỹ tại Á Châu –Thái Bình Dương. Bản phúc trình của Pentagon/ nêu các ưu tiên cho Á châu. Chiến lược quân sự của Hoa Kỳ nhắm vào Trung Quốc là nước đang thách thức vai trò siêu cường Hoa Kỳ đang nắm giữ. TT Obama nhắc Hoa Kỳ sẽ sử dụng tất cả các phương tiện quân sự, ngoại giao, phát triển kinh tế, tình báo và an ninh quốc nội cho mục tiêu này.
Hiện nay Hoa Kỳ đã để các đồng minh như Philippines, Nhật và Nam Hàn chơi quân cờ của họ trong các vùng biển trong khi hải quân Hoa Kỳ “có thể” can thiệp. Mỹ khuyến khích Philippines, Nhật và các nước trong vùng giúp đỡ nhau trong thế liên hoàn- và Mỹ đứng đàng sau. Ví dụ hiện nay Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ cho biết là hàng không mẫu hạm (HKMH) USS G. Washington đang ở Biển Đông trong khi một hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis cũng đang tiến hành các hoạt động ở biển Hoa Đông. Hai HKMH này phô trương sức mạnh Hoa Kỳ trên các vùng biển đã trở thành một trọng điểm trong chính sách đối thủ chiến lược của Washington đối với Bắc Kinh.
Tại Virginia Military Institute/ Thống Đốc Romney chỉ trích chính quyền Obama, và đòi thay đổi chính sách ngoại giao tại Trung Đông nhưng không đưa ra nhiều chi tiết. Ông Romney cho là TT Obama thiếu lãnh đạo – không giúp phe nổi dậy Syria. [Hè 2012 Thống đốc Romney tuyên bố nghiêng về Israel. Nay thay đổi lập trường chấp nhận chính sách của chính phủ Mỹ công nhận hai nước Palestine và Israel sống chung hòa bình. Ông Romney muốn tăng cường quốc phòng.]
Trong tranh luận kỳ 3 / ông Romney thay lập trường, cho nên hiện nay chủ trương về Trung Đông hai bên gần giống như nhau.
Theo khảo cứu của Pew Research center / thì 45 % dân cho là chính sách của TT Obama đối với TQ không đủ mạnh trong khi đa số chuyên gia cho là đủ. TT Obama “mềm dẻo” dùng ngoại giao nhưng cũng không “ngần ngại sử dùng quân đội – sức mạnh” để bảo vệ lợi ích của Mỹ. Chính sách ngoại giao và quân sự của TT Obama cho thấy quan tâm đặc biệt của ông này đối với Á châu – một quan tâm mà các phe thân Israel đang chỉ trích trong bầu cử vào tháng 11 này.
Nói tóm về vấn đề quốc ngoại ông Obama thiên về Á châu, tránh chiến tranh (vì chi tiêu chiến tranh đã làm nước Mỹ kiệt quệ), nhưng có chính sách “bàn tay sắt bọc nhung”, trong khi ông Romney thiên về Trung Đông, nói tăng chi phí quốc phòng nhưng chưa thấy ông nói cụ thể sẽ làm gì.
Thượng nghị sĩ và Dân biểu Liên Bang hay Tiểu Bang
Dân Mỹ sẽ không những bầu TT mà còn đi bầu TNS và DB và các đại diện ở cấp tiểu bang và cấp quận hay thành phố. Các vị này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các luật lệ quốc nội và các chính sách quốc ngoại của chính phủ Mỹ.
Tiêu chuẩn đánh giá TNS và DB hay chính quyền địa phương sẽ dựa trên việc ủng hộ các ưu tư người Mỹ gốc Việt (các vấn đề về nhân quyền, dân chủ và Biển Đông). Ví dụ dân biểu Sanchez (DC) của quận Cam ủng hộ nhân quyền tại VN trong khi dân biểu Ed Royce (CH) ủng hộ đài Á châu Tự do – RFA hay nghị quyết về Biển Đông, vv. Yếu tố đảng phái không quan trọng bằng việc ủng hộ lập trường của cử tri người Việt.
Tạm kết
Theo tác giả các tiêu chuẩn quốc nội có thể là công ăn việc làm, giáo dục cho con em và an sinh xã hội trong khi về đối ngoại thì phải nhằm đến việc chú ý vào VN.
Đối với dân biểu ở cấp liên bang hay tiểu bang là các vị dân cử trực tiếp giúp đỡ như đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC (vì đàn áp tôn giáo) hoặc vận động Quốc Hội thông qua Dự Luật Nhân Quyền, hay về Biển Đông vv.), nếu họ giúp giải quyết các ưu tư của người Việt chúng ta sẽ dồn phiếu cho họ không phân biệt đảng phái.
Cử tri hãy chọn lựa theo lời hai ứng viên/: ông Obama - chấm dứt hai cuộc chiến tranh tốn kém, chuyển trọng tâm về Á châu và xây dựng trở lại nền kinh tế suy sụp từ thời tổng thống tiền nhiệm trong khi ông Romney muốn tranh đua, hứa xây dựng kinh tế và thiên về Israel nhiều hơn. Chúng ta sẽ dồn phiếu cho người nào giải quyết các ưu tư của chúng ta (Giáo dục, An sinh xã hội, Kinh tế, Chính sách ngoại giao).
Cuộc bầu cử này là cuộc bầu cử quan trọng nhất của thập niên và lá phiếu của cử tri Mỹ gốc Việt rất quan trọng.
Cần phải bầu - dùng lá phiếu một cách tối ưu. Phải suy nghĩ kỹ vì nó sẽ ảnh hưởng đến chúng ta và con cái chúng ta trong 4 năm tới.
TS. ĐXQ
Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012
Việt-Long - Mỹ đứng vào trước sân ngôi nhà Trung Quốc
Việt-Long, RFA
Tuần này có nhiều sự kiện liên quan đến Việt Nam và Đông Nam Á. Được quốc tế chú ý nhiều nhất là hoạt động của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tại Việt Nam, chuyến thăm lịch sử của bà Ngoại trưởng Mỹ tại Lào, nhưng sự chú ý hơn hết của châu Á và Việt Nam hướng vào bài diễn văn của bà Clinton trong buổi khai mạc hội nghị các bộ trưởng ngoại giao ASEAN- Hoa Kỳ tại Phnom Penh lúc chiều thứ tư.
![]() |
Bà Clinton nhận hoa tặng trước buổi họp báo ở Hà Nội -RFA screen capture |
Mục đích chuyến thăm Việt Nam của bà Clinton là thúc đẩy mậu dịch, mở rộng và tăng tiến mối quan hệ song phương về thương mại, giáo dục, song song với những khuyến cáo liên quan đến dân chủ, nhân quyền.
Bà Clinton nhấn mạnh đến việc gia tăng trao đổi thương mại cùng những biện pháp, những phương thức thực hiện chương trình đó. Quan hệ về giáo dục trong đó các chương trình học bổng và trao đổi sinh viên được xem là một phương thức để siết chặt quan hệ song phương, đưa hai nước lại gần nhau hơn nữa, đồng thời giúp Việt Nam nâng cao phẩm chất nền giáo dục cùng với năng lực của hệ thống nhân sự cấp cao.
Nhiều ý kiến cho rằng bà Clinton đưa ra những khuyến cáo mạnh mẽ với những giới chức lãnh đạo của Việt Nam về vấn đề dân chủ và nhân quyền, quyền tự do bày tỏ ý kiến và phổ biến quan điểm, là do sự chỉ trích mạnh mẽ chưa từng thấy của dân biểu Frank Wolf đối với hành pháp Mỹ, nhất là bộ ngoại giao và toà đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội.
Dân biểu Frank Wolf khi trả lời cuộc phỏng vấn của RFA đã gọi đại sứ David Shear là người dối trá. Ông đã hứa mời những nhân vật bất đồng chính kiến nổi bật đến toà đại sứ nhưng sau lại nói với ông Wolf là cần phải giữ cân bằng trong hoạt động ngoại giao. Nghĩa là ông đại sứ có thể đã không mời ai hoặc đã huỷ bỏ cuộc hẹn.
Vì sao đành thất hứa?
Đây là điều khá lạ lùng trong nền nếp hoạt động của chính quyền Hoa Kỳ, vì trong một buổi điều trần trước đây tại Hạ viện, phụ tá ngoại trưởng Mỹ về nhân quyền và lao động có hứa với dân biểu Frank Wolf là sẽ chỉ thị cho toà đại sứ mở rộng cửa đón mời những nhà dân chủ Việt Nam. Đại sứ David Shear cũng hứa là sẽ
Ngoại trưởng Hillary Clinton phát biểu tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN-Hoa Kỳ - RFA sreenshot
mời, nhưng vì sao ông lại đổi hướng nhanh như vậy?
Đó là một việc rất tế nhị về ngoại giao. Người ta còn nhớ đã có lần những người bất đồng chính kiến được mời đến toà đại sứ Mỹ nhưng nhiều người bị công an ngăn cản quyết liệt ngay trước cổng toà đại sứ. Cho nên chắc chắn đã phải có sự phản đối quyết liệt của Hà Nội về sự kiện này, và bộ ngoại giao Hoa Kỳ, vào lúc Ngoại trưởng Cllinton sắp đến Việt Nam, đã phải nhượng bộ.
Thêm nữa, bây giờ đang là thời gian hai đảng chính trị của Hoa Kỳ cạnh tranh quyết liệt cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới, nên dân biểu Frank Wolf thuộc đảng Cộng hoà đã không bỏ lỡ dịp đả kích chính quyền Obama của đảng Dân Chủ. Dân biểu Frank Wolf còn nói ông mong với vị Tổng thống sắp tới, ý nói người thay thế ông Obama, thì vị đại sứ Mỹ tại Việt Nam sẽ là một người Mỹ gốc Việt.
Nhưng dù sao cũng khó cãi được với những điều ông Wolf lên án đại sứ David Shear vì vị sứ thần đã hứa mà không làm. Ông Shear còn bị chê là người kém khả năng, hay là cả một sự thất bại, khi vị dân biểu nhắc đi nhắc lại “he’s a failure”.
Phải chứng tỏ bênh vực tự do
Và có lẽ vì bị thúc đẩy và chỉ trích như vậy nên ngoại trưởng Clinton đã nêu những khuyến cáo khá mạnh mẽ với Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, mà tin tức quốc tế nói là đã khiến ông Trọng đang vui vẻ xã giao thì đã nghiêm mặt lại.
Bà Clinton đề cập ngay đến vấn đề tự do phổ biến quan điểm tại Việt Nam, và bà nhấn mạnh rằng dân chủ và thịnh vượng phải cùng nắm tay đi với nhau, đổi mới chính trị và tăng trưởng kinh tế có liên quan với nhau. Bà nhắc lại điều đã phát biểu tại Mông Cổ với ý phản bác quan điểm của lãnh đạo Việt Nam cũng như tại các nước độc tài, là muốn giành ưu tiên cho phát triển kinh tế thì phải có ổn định chính trị. Đây là điều bà Clinton đã nêu ra với lãnh đạo Mông Cổ khi thăm xứ này, và được cho là còn nhằm khuyến cáo cả Trung Quốc.
Sau đó bà Clinton thăm Lào trong một chuyến đi lịch sử kể từ khi ngoại trưởng John Foster Dulles thăm xứ Vạn Voi trong một ngày,cách nay đã 57 năm. Bà cổ võ tăng tiến quan hệ thương mại song phương và hứa hẹn mở rộng quan hệ, rồi vội vã rời nước Lào sau 4 giờ đồng hồ để bay qua Phnom Penh, đọc diễn văn khai mạc hội nghị ngoại trưởng ASEAN-Hoa Kỳ. Bài diễn văn này có gì đáng chú ý?
Sáu trụ cột chiến lược
Ngoại trưởng Hillary Clinton đã xác định quyết tâm của Hoa Kỳ đặt chân trở lại và đứng vững mãi trên khu vực những láng giềng ở ngay sân trước của ngôi nhà Trung Quốc.
Ngoại trưởng Clinton bắt tay Ngoại trưởng Dương trước khi vào họp song phương- AFP photo
Bà Clinton nhấn mạnh những điều gọi là quan thiết đối với Hoa Kỳ là an ninh hàng hải, chống phổ biến vũ khí nguy hiểm, cũng hàm ý chống bành trướng, và tăng trưởng kinh tế, trong khi bà xác định lại một lần nữa việc Hoa Kỳ chuyển trục chiến lược về kinh tế cũng như quân sự sang châu Á.
Bà cho biết Hoa Kỳ đầu tư ở các nước ASEAN nhiều hơn ở Trung Quốc! Bà hứa hẹn lắng nghe mọi nhu cầu khẩn thiết của ASEAN để hợp tác và giải quyết, trong đó có nhu cầu cần Hoa Kỳ gia tăng sự hiện diện ở Đông Nam Á. Bà công bố một kế hoạch mới gọi là “Sáng kiến can dự chiến lược ở châu Á Thái Bình Dương” gọi tắt là APSEI, và nhiều vấn đề khác.
Kế tiếp đó Ngoại trưởng Mỹ nêu ra những nét tổng quát của kế hoạch ấy, cùng với những yếu tố chủ đạo trong chiến lược của Hoa Kỳ dành cho châu Á Thái Bình Dương. Bà nói Hoa Kỳ chú trọng vào sáu cột trụ chiến lược, gồm hợp tác vì an ninh khu vực, hội nhập kinh tế và trao đổi mậu dịch, khai mở vùng hạ lưu Mekong, thứ tư là đối phó những nguy cơ liên quốc gia, thứ năm là phát huy dân chủ, và thứ sáu là giải quyết những di hại của chiến tranh.
Bà Hillary Clinton hứa hẹn sẽ “đặt cược” cho kế hoạch này tại Diễn đàn Khu vực của ASEAN trong tuần này. Sau đó bà nói đến kế hoạch cứu trợ thiên tai cho Đông Nam Á, mà có thể hiểu là thường liên quan chặt chẽ đến hải quân Hoa Kỳ cũng như hải quân của những nước ven biển Đông, cũng đồng nghĩa với sự chuẩn bị cho những hoạt động sâu rộng của hải quân Mỹ ở biển Đông.
Trụ cột chống ngăn ai?
Về những hoạt động của bà ngoại trưởng Hoa Kỳ tại Phnom Penh trong các hội nghị của ASEAN, có thể nói tóm tắt là Hoa Kỳ đang đẩy mạnh việc thực hiện công cuộc chuyển trục chiến lược sang châu Á. Hoa Kỳ đang tiến vào đặt mối liên lạc chặt chẽ ở những vùng lân cận, những quốc gia “môi hở răng lạnh” cạnh Trung Quốc.
Thứ trưởng ngoại giao Phó Oánh của Trung Quốc tuyên bố không có gì e ngại trước chiến lược của Mỹ. Nhưng cùng lúc, Thứ trưởng ngoại giao Thôi Thiên Khải nói với Úc rằng các nhà lãnh đạo Mỹ vẫn áp dụng những tư tưởng từ thời chiến tranh lạnh trong quan hệ với Bắc Kinh, qua ý đồ bao vây Trung Quốc trên vùng biển Thái Bình Dương.
Mỹ và đồng minh phương Tây vừa thắng lớn ở Miến Điện. Gần đây kế hoạch đặt một cơ sở của NASA tại Thái Lan đang bị quốc hội Thái đình hoãn, cũng nằm trong kế hoạch chiến lược này.
Hoa Kỳ rõ ràng đã quyết tâm tranh thắng cùng Trung Quốc ngay trong sân trước của Bắc Kinh, nơi địa bàn chiến lược trước cửa ngôi nhà Trung Quốc, nơi chứa đựng nguồn nguyên nhiên liệu sinh tử cho sức mạnh kinh tế, nơi thị trường quan yếu của nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển.
Và ba nước Đông Dương Việt Lào Cambodia đang chiếm vị trí quan trọng nhất trên trận đồ quốc tế này.
Liệu Mỹ có để Trung Quốc tung hoành trên biển Đông như con hổ dữ giữa bầy dê tan tác?
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)