Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhã Thuyên. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhã Thuyên. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Nguyễn Hưng Quốc - Trận Chiến Nhã Thuyên


Vụ án Nhã Thuyên”đang bước sang một bước ngoặt mới, gần đây, với bức thư ngỏ của nhiều học giả, trí thức trong và ngoài nước, gửi cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục cũng như Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để phản đối quyết định thu hồi bằng Thạc sĩ  viết về thơ của nhóm Mở Miệng của Nhã Thuyên (Đỗ Thị Thoan). Quyết định ấy, theo họ, đã (1) vi phạm quy định của chính Bộ giáo dục về việc thu hồi bằng cấp; (2) đi ngược lại các nguyên tắc công lý căn bản; và (3) vi phạm nghiêm trọng quyền tự do học thuật. 

Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

Nguyễn Hiếu Quân thực hiện - Luận văn Nhã Thuyên: tiếng nói của một số người trong cuộc

Đỗ Th Thoan (hình internet)
Lun văn Thc sĩ V trí k bên l: Thc  hành thơ ca nhóm M Ming t góc nhìn văn hóa” ca Đỗ Th Thoan (dưới đây gi tt theo tên ph biến hơn là Lun văn Nhã Thuyên -   LVNT) đang đưc dư lun quan tâm đc bit, nht là khi Lun văn này đưc mt Hi đồng thm định li và sau đó Trưng Đại hc Sư phm Hà Ni (ĐHSP HN) ra quyết định s 667/QĐ- ĐH SP HN không công nhn Lun văn này.

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Thùy Linh - Vị trí của kẻ ngoài rìa

Nhà văn Nhã Thuyên
Chọn một tối thư thả, tôi đọc một mạch luận án thạc sỹ của Nhã Thuyên. Để nghe cho hết một câu chuyện buồn mà Nhã Thuyên cố gắng giãi bày qua ngôn ngữ học thuật. Dù Nhã Thuyên cố gắng kìm giữ tình cảm, thái độ khách quan của người làm khoa học thì vẫn có thể tìm thấy sự trân trọng, yêu mến, ủng hộ nhóm thơ “Mở miệng”. Cô đã tạo được mối thâm tình tri kỷ giữa cô và đối tượng quán xét của cô, mà không để tình cảm lấn lướt. Và đồng thời, cô gắn người đọc vào tình cảm tri kỷ này…

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Nguyễn Vĩnh Nguyên - Từ câu chuyện một luận văn

Hình: Internet
1.

Giải văn hóa Phan Châu Trinh lần 7, năm 2014 vừa được trao tối 24.3.2014 tại Sài Gòn. Hạng mục Giải giáo dục năm nay gây chú ý đặc biệt khi chủ nhân là một nhà giáo dục người Mỹ có tư tưởng cấp tiến, một tên tuổi không xa lạ gì với những ai quan tâm đến Chương trình Fulbright, ông Thomas J. Vallely.

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Thư Hiên - Kỳ án Nhã Thuyên


Mấy tuần qua, dư luận cộng đồng mạng rúng động bởi “kỳ án” Nhã Thuyên. Diễn biến gần đây nhất là sự kiện ngày 27/3, cô Đỗ Thị Đoan bị Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mời đến để nhận các quyết định thu hồi bằng và hủy luận văn thạc sĩ nhưng cô từ chối không nhận các quyết định này. Trước đó thì PGS TS Nguyễn Thị Bình, người hướng dẫn Nhã Thuyên làm luận văn này không được kéo dài thời gian làm việc dù luật định cho phép.

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Trần Mạnh Hảo - Chính trị hóa khoa học và văn học để ‘đánh’ Nhã Thuyên là không chính danh


Thạc sĩ văn học Đỗ Thị Thoan ( bút danh Nhã Thuyên), sinh năm 1986, từng là giảng viên khoa văn trường đại học sư phạm Hà Nội ( mới bị đuổi việc) đang cực kỳ nổi tiềng với luận văn thạc sĩ :“Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa” do PGS.TS Nguyễn Thị Bình, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hướng dẫn” đã được hội đồng các giáo sư phản biện cho điểm tuyệt đối 10/10 vào tháng 11-2010; sau ba năm, nay nhờ nhà phê bình văn học Chu Giang ( Nguyễn Văn Lưu) và GS. Phong Lê và ngót một trăm bài “đánh” khác trên các báo “ lề phải” …mà Nhã Thuyên đường đường chính chính bước vào lịch sử văn học, một mình làm thành hiện tượng kỳ vĩ ngang ngửa với vụ án “ Nhân Văn giai phẩm” ngày xưa.

Nguyễn Hưng Quốc - Vụ án Nhã Thuyên

Nhân vụ nhà văn Nhã Thuyên (Đỗ Thị Thoan) bị tước bằng Thạc sĩ đang làm xôn xao dư luận trong và ngoài nước, tôi xin đăng lại một bài viết trên VOA blog vào giữa năm 2013:

Nhà văn Nhã Thuyên
Suốt mấy tuần vừa qua, trên báo chí trong nước, người ta thấy rộ lên những đợt tấn công nhắm vào luận văn Thạc sĩ của nhà văn Nhã Thuyên (tên thật Đỗ Thị Thoan) một cách ào ạt và dữ dội. Hình như chưa bao giờ, từ năm 1975 đến nay, có một đợt tấn công nào nhắm vào nhà văn được tiến hành với một quy mô rộng lớn và với một mức độ tàn nhẫn đến như vậy.

Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

Vũ Thị Phương Anh - Viết nhanh nhân vụ luận văn của Đỗ Thị Thoan, hay "Chúa đã bỏ loài người..."

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và cây bút trẻ Nhã Thuyên (Ảnh: TrẻBook)
Bài viết này của tôi không liên quan trực tiếp đến các vấn đề lý luận của giáo dục học, nhưng liên quan đến những hiện tượng đang diễn ra trong ngành giáo dục, mà theo tôi là đáng được lưu ý và cần được diễn giải trên cơ sở khoa học. Tất nhiên để lý giải nó thì cần có đầy đủ dữ kiện từ những người bên trong, là điều mà hiện nay tôi chưa thể (không thể?) có. Nên entry này tôi chỉ viết nhanh những cảm nhận đầu tiên của mình liên quan đến sự việc ấy mà thôi, hoàn toàn không có ý định đưa ra những kết luận gì cả.

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

Diên Vỹ - Những Tiếng Nói Ngầm và một thái độ nghiên cứu, phê bình cần được trân trọng


Diên Vỹ


Gửi Chu Giang, tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh,

Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội

Bài viết này bàn về “thái độ chính trị” Nhã Thuyên thể hiện trong tập tiểu luận Những tiếng nói ngầm đăng trên Da Màu từ 18 đến 26 tháng 10 năm 2012. Nó phản hồi bài viết “Có giải thiêng lịch sử được không?” của Chu Giang đăng trên tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh số 256, xuất bản ngày 30 tháng 5 năm 2013. Theo quan điểm của tôi “thái độ chính trị” của Nhã Thuyên không mâu thuẫn với một vị trí trong trường đại học chính thống của nhà nước. Tôi là bạn đọc, không có thẩm quyền gì để quyết định giữ Nhã Thuyên ở lại hay không, nhưng vẫn muốn góp lời. Khi một tác phẩm đã được biết tới thì người đọc là người có trách nhiệm với nó hơn.

Tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh không đăng ý kiến trái chiều. Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội đã yêu cầu Nhã Thuyên thôi việc. Sau đó báo chí dòng chính chuyển sự chú ý sang luận văn thạc sỹ về nhóm Mở Miệng Nhã Thuyên thực hiện và bảo vệ năm 2010, một văn bản chưa được công bố rộng rãi. Như Chu Giang viết trong số tiếp theo của Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, loạt tiểu luận của Nhã Thuyên không đáng bàn nhiều vì nó chỉ đăng trên internet, không mang tính pháp quy như luận văn. Tôi tưởng bài viết của mình đã thành “cũ” thì gần đây bắt gặp một bài báo lật lại Những tiếng nói ngầm với những phán xét nặng nề khiến tôi lại thấy mình muốn lên tiếng. Khi tiếp cận một tác phẩm chúng ta cần suy xét kĩ lưỡng từng câu chữ của nó chứ không nên căn cứ vào đề tài nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu hay một chuyện bên ngoài là tác giả nhận được tài trợ của một tổ chức quốc tế để quy kết những điều xấu. Nếu như người ta muốn phê phán những tư tưởng “sai lệch” thì tôi e rằng việc lấy Nhã Thuyên ra làm đối tượng là một nhầm lẫn đáng tiếc. Để góp lời vào một câu chuyện chung, tôi xin gửi bài viết của mình cho các diễn đàn, báo chí. 

Hà Nội ngày 01 tháng 08 năm 2013

Nhà văn Nhã Thuyên

1. Giới thiệu

Trước cùng một văn bản người ta có thể có những đọc hiểu rất khác nhau. Dù không đồng tình, tôi xin ghi nhận cách Chu Giang tiếp cận chuỗi tiểu luận Những tiếng nói ngầm của Nhã Thuyên với bài viết “Có giải thiêng lịch sử được không?” đăng trên trang 16-17 tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh số 256, bộ mới, xuất bản ngày 30 tháng 5 năm 2013. Theo tôi hiểu, Chu Giang quan tâm đến việc đánh giá thái độ chính trị của người viết thể hiện qua tác phẩm. Ông cho rằng Nhã Thuyên đã lựa chọn một vị trí rõ ràng là chống đối chính quyền và phỉ báng lịch sử dân tộc, giống như những tác phẩm, tác giả mà cô ca tụng. Một người có thái độ chính trị như vậy theo ông không đủ tư cách để đảm nhận công tác giáo dục văn học trong nhà trường xã hội chủ nghĩa và bài viết của ông đề gửi Khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nơi Nhã Thuyên công tác. Đó là một nỗ lực bảo vệ thế hệ trẻ, chính quyền hiện thời và lịch sử của dân tộc đã qua. Nỗ lực này không phải là vô ích; tuy nhiên, tôi hiểu Nhã Thuyên khác với Chu Giang nên mong được trao đổi.

Tại thời điểm này cá nhân tôi đang làm việc cho một cơ quan nhà nước, có lòng tự hào dân tộc, kính trọng Hồ Chí Minh và ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng. Tuy vậy tôi vẫn xin được bất đồng với tất cả những luận điểm của Chu Giang về Nhã Thuyên. Thái độ chính trị của Nhã Thuyên nếu đúng như Chu Giang mô tả có mâu thuẫn với nhiệm vụ giảng dạy văn học trong nhà trường chính thống hay không, không phải là điều mà tôi quan tâm bởi thực sự tôi thấy Nhã Thuyên không có thái độ như thế. Trong bài viết này, tôi sẽ trình bày cách hiểu của tôi về thái độ chính trị Nhã Thuyên thể hiện qua chuỗi tiểu luận Những tiếng nói ngầm đăng trên Da Màu từ 18 đến 26 tháng 10 năm 2012. Tôi cho rằng cô ấy đã thể hiện một thái độ đúng đắn với đạo đức của một người làm công tác nghiên cứu và phê bình văn học. Đó là một thái độ trung lập với các đảng phái chính trị và chế độ xã hội nhưng cam kết theo đuổi trí tuệ và các giá trị nhân văn trong phạm vi nghiên cứu của mình. Theo tôi đây không phải là thái độ đúng đắn duy nhất nhưng đó là một lựa chọn cần được tôn trọng nếu như ngành nhân văn của Việt Nam muốn đem lại những giá trị nhân văn cho đời sống. Những tiếng nói ngầm chưa tìm được chỗ đứng trên diễn đàn văn học chính thống (Da Màu là một diễn đàn văn học mạng phi chính thống) nhưng việc Nhã Thuyên giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội là một dấu hiệu đáng mừng hơn là đáng lo.

2. Vị trí của nhà phê bình: trung lập với các đảng phái chính trị, chế độ xã hội và cam kết với những giá trị nhân văn

Tôi không thấy Nhã Thuyên lựa chọn vị trí ca tụng “những tiếng nói ngầm”. Nhã Thuyên lựa chọn tìm hiểu “một phiến cảnh thơ ca còn chưa sáng rõ” và đã làm điều đó với sự trân trọng đối tượng nghiên cứu của mình. Người nghiên cứu, ngay cả khi tìm hiểu kẻ thù hay những tội nhân bị cả xã hội nguyền rủa, có lẽ cũng cần giữ cái đức ấy.

Tôi xin dẫn lại đoạn văn trong lời ngỏ của Nhã Thuyên mà chính Chu Giang đã trích: “Tôi muốn làm nổi bật lên qua các tiểu luận hình ảnh của một không gian văn học năng động với những tác giả tỏ ra cam kết với lựa chọn phản biện và đổi mới văn chương, những người dường như đang giữ chặt lấy vị trí bên lề của mình để nuôi dưỡng một kinh nghiệm chống đối, nuôi dưỡng tiềm năng sáng tạo một năng lực chống đối, sáng tạo một thế giới thay thế.”

Khi đọc đoạn văn bản này tôi để ý đến việc Nhã Thuyên dùng hai từ “tỏ ra” và “dường như” để bày ra một thái độ cẩn trọng. Còn không gian văn học đó có “năng động” hay không thì tùy quan niệm của từng người. Tôi đồng tình với cách dùng từ “năng động” của tác giả và không cho rằng tính từ ấy có nghĩa ngợi ca. Những sáng tác và ấn phẩm phi chính thống đang có đời sống của chúng. Dòng văn học phản kháng tồn tại trong bất cứ một chế độ xã hội nào chứ không phải chỉ là sản phẩm riêng của Việt Nam.

Đoạn văn vừa trích dẫn chỉ thể hiện đối tượng nghiên cứu của tác phẩm còn vị trí của người nghiên cứu được Nhã Thuyên trình bày ở một đoạn văn khác trong lời ngỏ: “Tôi đang ở giữa cái bên lề và trung tâm, ở giữa hiện tại và quá khứ, ở giữa những đứt gãy và kết nối, giữa những phân lập và sự nhập nhằng, giữa sự sáng tỏ và rối loạn, giữa sự đi lên và thoái hóa, tôi đang đứng chênh vênh để nhìn ra bên ngoài và nhìn vào bên trong, vừa như kẻ ngoại cuộc vừa như người trong cuộc, nhưng là lựa chọn không đứng về phía sự trấn áp.”

Vị trí Nhã Thuyên lựa chọn là sự chênh vênh ở giữa. Chu Giang trích dẫn lại rằng Nhã Thuyên lựa chọn “không đứng về phía trấn áp” và tự ngầm hiểu phía trấn áp là phía chính quyền. Thật ra bất cứ một cá nhân nào cũng có thể trấn áp những người khác. Theo tôi hiểu, “không đứng về phía trấn áp” có nghĩa là nhà phê bình không tìm hiểu dòng văn học phản kháng với sẵn mong muốn trấn áp nó.

Nhã Thuyên không viết phê bình với sự khách quan lạnh lùng của khoa học. Cô ấy chọn một đường hướng nghiên cứu nhân văn cam kết với sự trân trọng giá trị văn chương của “những hiện diện vắng mặt”. Sự trung lập mà tôi muốn nói ở đây là sự trung lập với các tham vọng chính trị nhằm xây dựng hay lật đổ một chính quyền. Nhã Thuyên đã rất kỹ tính khi không tự mình dùng một từ ngữ nào thể hiện định kiến với chính quyền và lịch sử dân tộc. Không biết nhầm lẫn của Chu Giang đã diễn ra như thế nào nhưng toàn bộ những từ ngữ thể hiện định kiến với chính quyền và lịch sử dân tộc là của các tác giả và tác phẩm mà Nhã Thuyên nghiên cứu hoặc chúng mô tả một vấn đề là đối tượng quan tâm của các tác giả và tác phẩm đó. Tôi đã cất công tìm xem cụm từ “sự thống trị dai dẳng của tư tưởng Hồ Chí Minh” mà Chu Giang trích dẫn được Nhã Thuyên sử dụng trong trường hợp nào và tìm thấy nó trong một câu viết tại đó nó được nhắc tới như một vấn đề mà các nhà thơ phản kháng quan tâm. Trong khi các nhà thơ phản kháng bày tỏ thái độ chống đối chế độ thì Nhã Thuyên không chọn vị trí đó. Người ta có thể đặt ra câu hỏi rằng tại sao Nhã Thuyên lại hứng thú với không gian văn học phản kháng nếu như cô ấy không muốn trấn áp hay tuyên truyền những luận điểm chống chính quyền. Tôi không biết rõ câu trả lời, và cũng không cần phải biết, nhưng nếu thử suy đoán, ta có thể thấy những lý do rất con người. Sự cấm kỵ một số đề tài nghiên cứu trong nhà trường có thể đã khơi gợi trí tò mò của nhà nghiên cứu. Cũng có thể cô ấy giàu lòng trắc ẩn với các thân phận bên lề. Hoặc thơ ca phản kháng có những giá trị văn chương thực sự cuốn hút.

3. Vấn đề nghiên cứu của Những tiếng nói ngầm: Mối quan hệ giữa thơ ca và chính trị

Tôi đã dành nhiều công sức để đọc các tiểu luận của Nhã Thuyên và thấy rằng nhà phê bình này xác định công việc của mình là đi tìm giá trị văn chương của những tiếng nói chống đối chứ không phải là phán xét thái độ chính trị của những tiếng nói ấy. Dòng văn học ngầm thường hấp dẫn người đọc bởi thái độ chính trị của nó, và Nhã Thuyên muốn hướng sự quan tâm của mình và bạn đọc sang một vấn đề khác: tính văn học nghệ thuật của những sáng tác có đặc trưng chính trị đó. Có thể nói văn học nghệ thuật không tách khỏi chính trị, nhưng chúng cũng không trùng khớp hoàn toàn nên tra vấn mối quan hệ giữa thơ ca và chính trị là một lao động trí tuệ có ý nghĩa. Với tôi, cách đặt vấn đề của nhà phê bình không hề gượng ép, nó hợp với những băn khoăn của tôi. Tôi không sẵn một tâm thế ngợi ca dòng văn học phản kháng. Tôi đã gặp những tác phẩm mà nếu không phải là bàn chuyện chính trị thì chẳng đáng chú ý vì chúng không có gì thú vị về ý tưởng hay ngôn từ. Ở một chiều khác, tôi nghĩ rằng không tìm hiểu giá trị văn chương của dòng văn học này thì không công bằng, với bản thân mình và nhất là với văn chương.

Chu Giang có thể không thừa nhận những giá trị văn chương của các tác phẩm và tác giả như Nhã Thuyên nêu ra, nhưng Nhã Thuyên không hề ca ngợi lập trường chống chế độ và phỉ báng lịch sử. Nhã Thuyên chỉ nhận định rằng trong lịch sử văn học Việt Nam thì dòng văn học phản kháng mà cô nghiên cứu đặt ra những câu hỏi về mối quan hệ giữa nhà thơ và thể chế, trình diễn những quan niệm mới về thi ca, và để lại một vài bài thơ làm cô xúc động. Nhã Thuyên xúc động trước Nguyễn Quốc Chánh chắc chắn không phải là vì cô có chung quan điểm chống chế độ và phỉ báng lịch sử mà vì ông là một con người có những nỗi đau, những tìm tòi và những câu thơ đẹp. Cô viết: “Đến giờ, tôi vẫn xúc động khi lần giở những trang sách cũ, lần giở những trang mạng để đọc ông, không phải một biểu tượng của chịu đựng và phản kháng, mà như một thi sĩ, kẻ luôn tìm cách vượt qua những giới hạn của cá nhân mình để tra vấn những tiềm năng thơ ca mới, những không gian mới cho thơ.” Chu Giang phê phán tư tưởng của Nguyễn Quốc Chánh, tuy nhiên điều này lại không hề liên quan tới Nhã Thuyên bởi cô không quan tâm tới việc phán xét thái độ chính trị của các tác giả đúng hay là sai, lợi hay hại cho sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Nhã Thuyên không thể trả lời câu hỏi nghiên cứu của Chu Giang vì đây không phải là công trình cộng tác giữa Nhã Thuyên và Chu Giang. Chu Giang sẽ cần tự viết riêng một tập tiểu luận khác để phát triển cách nhìn của mình. Những tiếng nói ngầm là sự xử lý hai câu hỏi nghiên cứu chính:
Mối quan hệ giữa nhà thơ về thể chế được gợi ra như thế nào từ những tiếng nói ngầm?

Đâu là những đóng góp mang tính thi ca của những tiếng nói ngầm?

Theo tôi đó là những câu hỏi nghiên cứu có chất lượng – nghĩa là chúng đáng để hỏi và có thể trả lời.

Khi một nhà phê bình tìm kiếm giá trị văn chương của dòng văn học ngầm thì chưa chắc ấy đã là một sự thiên vị bởi càng khát khao nhìn thấy cái hay cái đẹp thì người ta lại càng phải chất vấn những gì mình gặp. Nhã Thuyên chất vấn những tiếng nói ngầm một cách quyết liệt, nhưng không phải là chất vấn về tính đúng sai của quan điểm chính trị. Như tôi đã trình bày ở trên, đó không phải là câu hỏi nghiên cứu Nhã Thuyên đặt ra. Cô chất vấn tính thi ca và diễn đạt những chất vấn của mình với một thứ ngôn ngữ tôn trọng mọi người. Những người chờ đợi một thứ ngôn ngữ nhạo báng dòng văn học chống đối có thể thất vọng, nhưng những người có một số khúc mắc về giá trị văn chương của dòng văn học này có thể tìm thấy những sẻ chia. Nhã Thuyên không chỉ trình bày về các đóng góp của những tiếng nói ngầm mà còn chỉ ra những nguy cơ mà thơ ca phản kháng chế độ có thể rơi vào. Từ những phần viết của Nhã Thuyên tôi nhìn thấy ba nguy cơ chính. Một là phản kháng chế độ có thể bị biến thành một yếu tố câu khách. Nó thỏa mãn sự hiếu kỳ của người đời hoặc có thể tận dụng cho các mưu đồ chính trị. Hai là thơ ca phản kháng có thể không có giá trị thơ ca mà chỉ giống như việc người ta chống đối hoặc ủng hộ chế bộ bằng các hành vi khác. Ba là thơ ca phản kháng có khi cũng chỉ là sản phẩm nô lệ mà thôi. Cô viết: “Có điều, tự do là bất khả nếu chúng ta chỉ là sản phẩm nô lệ, dù ngợi ca hay chống đối…” Ở tiểu luận “Thơ ca của sự phủ định và sự phủ định thơ ca”, Nhã Thuyên gợi ra rằng tính chính trị của thơ ca không thể chỉ hiểu đơn giản là sự quan tâm tới việc chống đối hoặc ủng hộ chế độ. Thơ phản kháng cũng chẳng khác vì những văn bản tuyên truyền mà chính nó ghét bỏ nếu như nó không đạt tới tính chính trị của thơ ca- sự khơi dậy những điều mới mẻ.

Tóm lại, với cách đọc hiểu của tôi, tác phẩm Những tiếng nói ngầm của Nhã Thuyên về cơ bản là một nghiên cứu mang tính chất vấn chứ không phải là một trình hiện những luận điểm ca tụng. Nếu có cái gì đó khiến người ta có thể nhầm lẫn với sự tán dương thì ấy là sự trân trọng tác giả dành cho đối tượng nghiên cứu, sự tìm tòi và nâng niu những giá trị nhân văn.

4. Lời kết

Tác phẩm phê bình của Nhã Thuyên “có vấn đề” có lẽ chủ yếu là vì nó tìm hiểu một chủ đề bị cho là cấm kỵ. Cô nghiên cứu một mảng thơ ca viết bởi những người chống lại các định chế xã hội, nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là cô ra sức ủng hộ sự chống chế độ và giải thiêng lịch sử. Lẽ dĩ nhiên người ta có thể lý luận rằng những xúc động của Nhã Thuyên trước dòng văn học ngầm có thể xui khiến người đọc có cảm tình với dòng văn học này và từ đó họ có thể bị tiêm nhiễm những quan điểm, ngôn ngữ độc hại nào đó. Cứ cho là có khả năng như vậy đi thì tôi nghĩ rằng khả năng đó là quá nhỏ. Văn chương của Nhã Thuyên không phải là thứ dễ đọc. Người đọc của cô là những người có học và tự chủ về lập trường chính trị.

Chu Giang và Nhã Thuyên là những người phê bình ở những thế hệ cách nhau khá xa. Trong đời sống chính trị của cả nước, có những chủ đề cấm kỵ thời xưa nay đã được đem ra thảo luận công khai trước Quốc hội, ví dụ như luật hôn nhân đồng tính và đề xuất đổi tên đất nước. Có cần coi dòng văn học phản kháng là một đề tài cấm kỵ nữa không? Về bản chất, dòng văn học này khác với các vấn đề xã hội nêu trên ở chỗ nó công khai chống lại chính quyền hiện thời. Tôi không cho rằng các diễn đàn chính thống của nhà nước cần ủng hộ dòng văn học này bằng cách xuất bản những tác phẩm của nó hay đem vào nội dung giảng dạy của nhà trường phổ thông. Tuy nhiên, tôi cũng không cho rằng cần phải cản trở và loại trừ những nỗ lực tìm hiểu dòng văn học phản kháng hay quy định sẵn rằng bất cứ nghiên cứu nào về dòng văn học này cũng phải nói xấu nó. Chúng ta có thể cần quan tâm tới thái độ chính trị của một người để xét duyệt một vị trí trong nhà trường chính thống, thì ngay cả khi ấy thái độ chính trị Nhã Thuyên thể hiện ở Những tiếng nói ngầm là một thái độ mang tính xây dựng nên được hệ thống trân trọng. Việc cô có một vị trí ở Khoa Văn trường Đại học Sư phạm đem lại một hình ảnh tốt đẹp về một chính quyền tôn trọng tự do tư tưởng và ngôn luận. Đấy chẳng phải là một thành tựu hay sao?

© 2013 Diên Vỹ & pro&contra


Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Nguyễn Hưng Quốc - Vụ án Nhã Thuyên


Nguyễn Hưng Quốc

Suốt mấy tuần vừa qua, trên báo chí trong nước, người ta thấy rộ lên những đợt tấn công nhắm vào luận văn Thạc sĩ của nhà văn Nhã Thuyên (tên thật Đỗ Thị Thoan) một cách ào ạt và dữ dội. Hình như chưa bao giờ, từ năm 1975 đến nay, có một đợt tấn công nào nhắm vào nhà văn được tiến hành với một quy mô rộng lớn và với một mức độ tàn nhẫn đến như vậy.


Các bài phê phán, được viết bởi nhiều người, xuất hiện trên nhiều tờ báo khác nhau, từ trung ương đến địa phương, từ các báo văn nghệ đến các báo thời sự. Bài nào cũng đầy giọng hằn học. Người thì xem đó là một thứ tác phẩm “phản văn hóa”, hoặc nếu là văn hóa, thì đó là thứ “văn hóa phản nhân văn, bất nhân bất nghĩa”. Người thì xem đó là một “công trình ngụy khoa học […] chứa đựng đầy rẫy những sai trái, lệch lạc về quan điểm tư tưởng học thuật và lộn xộn trong phương pháp nghiên cứu.” Người thì cho đó là “một luận văn phi văn hóa, phi đạo đức, phi lịch sử, phi khoa học, phi chính trị”.

Cuối cùng, có người đề nghị: Một, hủy bỏ luận văn ấy; hai, tước bằng Thạc sĩ của Nhã Thuyên; ba, đình chỉ việc giảng dạy của Nhã Thuyên tại trường đại học; bốn, xem xét lại tư cách của giáo sư hướng dẫn Nhã Thuyên, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bình; năm, xem xét lại trách nhiệm của hội đồng chấm luận văn (cho luận văn này điểm tuyệt đối 10/10); sáu, yêu cầu các nhà phê bình và nghiên cứu đảng viên từng lên tiếng khen ngợi và biện hộ cho luận văn của Nhã Thuyên (như Tiến sĩ Nguyễn Đăng Điệp, nhà nghiên cứu Văn Giá và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên) trả lại thẻ đảng và từ bỏ các bằng cấp cũng như chức vụ họ có! Vân vân.

Cần lưu ý đến các chữ “luận văn” ở trên: Đối tượng của đợt tấn công dữ dội này không phải là một cuốn sách đã được xuất bản như các vụ án văn học trước đây. Đó chỉ là một luận văn có nhan đề là Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa do Nhã Thuyên đệ trình tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào đầu năm 2011. Đối với một luận văn, nếu muốn phê phán, người ta chỉ cần đến thẳng trường, thậm chí, chỉ cần đến Khoa, mang nghiên cứu sinh và giáo sư hướng dẫn ra đấu tố, cần gì phải làm lớn chuyện một cách ghê gớm đến vậy? Các cán bộ tuyên huấn dày dạn kinh nghiệm ở Việt Nam thừa hiểu việc làm lớn chuyện như vậy bao giờ cũng có những tác dụng ngược nguy hiểm: Nó giúp quảng bá cho tên tuổi của Nhã Thuyên, và cùng với Nhã Thuyên, tên tuổi của nhóm Mở Miệng, khiến cho họ có nhiều người đọc hơn, và không chừng, ngưỡng mộ hơn. Họ đã từng có nhiều kinh nghiệm về điều đó: Cho đến nay, tất cả các tác phẩm bị cấm đều được bán chạy như tôm tươi và tác giả trở thành nổi tiếng ngay tức khắc. Vậy tại sao họ vẫn làm vậy?

Câu hỏi ấy cho thấy mục tiêu của giới tuyên huấn Việt Nam không phải chỉ tập trung vào Nhã Thuyên. Nhã Thuyên chỉ là một cái cớ và có lẽ, sẽ là nạn nhân gánh chịu nhiều đòn trừng phạt nặng nề và đau đớn nhất, nhưng chắc chắn người ta còn nhắm đến những mục tiêu khác, với những mục đích khác, ngoài Nhã Thuyên và cái luận văn Thạc sĩ mỏng mảnh chỉ hơn 100 trang của chị.

Mục tiêu đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là nhóm Mở Miệng, đề tài được nghiên cứu, phân tích và ca ngợi trong luận văn. Nhóm Mở Miệng với hai cây bút trụ cột là Lý Đợi và Bùi Chát có bốn đặc điểm nổi bật: Một, họ hoạt động trong khá nhiều lãnh vực, từ làm thơ… chui đến lập nhà xuất bản… chui (Giấy Vụn); và tuy chui, nhưng, về chất lượng, rất chọn lọc; về hình thức, rất đẹp; và về uy tín, rất lớn, không những được giới cầm bút Việt Nam yêu thích mà còn thu hút sự chú ý của nhiều tổ chức quốc tế.

Hai, họ không những sáng tác mà còn thích phát ngôn về quan điểm sáng tác với những cách nói rất ấn tượng, đặc biệt trong giai đoạn đầu. Ba, họ đều là những người có tài, không những có tài về văn học mà còn có tài khuấy động dư luận, khiến họ trở thành hình ảnh tiêu biểu nhất của giới cầm bút trẻ ngoài luồng tại Việt Nam hiện nay. Và bốn, họ táo bạo và can đảm, dám nói thẳng nhiều điều vốn bị xem là cấm kỵ trong xã hội Việt Nam, kể cả những cấm kỵ về phương diện chính trị.

Thơ của nhóm Mở Miệng có hai đặc điểm chính: Một, phá cách về ngôn ngữ (đặc biệt dùng khá nhiều từ tục tĩu vốn bị cấm kỵ ở Việt Nam) và hình thức (đặc biệt họ sử dụng khá nhiều hình thức giễu nhại), và hai, táo bạo về nội dung (họ không ngần ngại chế giễu cả Hồ Chí Minh cũng như đảng Cộng sản).

Từ lâu, nhà cầm quyền chắc chắn không thích gì nhóm Mở Miệng, nhưng họ không làm gì vì có thể họ cho đó chỉ là những trò nghịch ngợm vô hại của những nhà thơ trẻ tuổi ngỗ ngáo. Bây giờ, khi nhìn thấy họ trở thành đề tài nghiên cứu trong đại học, có thể giới tuyên huấn mới giật mình…

Mục tiêu thứ hai, theo tôi, quan trọng hơn, nếu không muốn nói là mục tiêu chính, đó là giới tuyên huấn muốn nhắm vào giới đại học tại Việt Nam. Không còn hoài nghi gì nữa, trong nhiều năm qua, thành phần được đi du học ở ngoại quốc và tiếp nhận cái mới nhiều nhất chính là giới đại học. Cũng trong nhiều năm qua, do bận bịu với các lãnh vực khác nóng hơn, nhà cầm quyền ít nhiều lơ đễnh, hiếm khi ngó ngàng đến các sinh hoạt học thuật trong các đại học. Hậu quả là các trường đại học được khá tự do. Một trong những xu hướng tự do đó là người ta bắt đầu rục rịch nghiên cứu về văn học miền Nam và một ít về văn học hải ngoại. Đã có nhiều luận án Thạc sĩ và Tiến sĩ đã hoặc đang viết về một số tên tuổi nổi bật ở miền Nam lúc trước và/hay ở hải ngoại hiện nay. Được sự đồng thuận âm thầm của các giáo sư, các hội đồng Khoa, nhiều luận văn đã trót lọt êm thắm. Luận văn của Nhã Thuyên về nhóm Mở Miệng cũng đã từng được trót lọt êm thắm như vậy, cách đây gần ba năm…

Việc các nghiên cứu sinh chọn viết luận án về các tác giả miền Nam, hải ngoại hay ngoài luồng như thế, khi bị phát hiện, chắc chắn làm nhiều người không vui. Giới cầm bút chính thống không vui: Họ thấy như bị “tước đoạt” cái vị thế độc tôn trên sân khấu văn học lâu nay. Giới tuyên huấn lại càng không vui: Họ thấy những giá trị họ xây dựng và bảo vệ chung quanh cái gọi là văn học cách mạng dường như sắp sửa bị lật đổ. Có điều, họ không thể buộc tội một nghiên cứu sinh làm luận án về Võ Phiến hay Thanh Tâm Tuyền, chẳng hạn. Lý do: Nó dễ bị buộc tội là kỳ thị Nam/Bắc và kỳ thị người Việt ở hải ngoại, một điều khá nguy hiểm về chính trị, nhất là trong thời điểm họ đang cố gắng tranh thủ cộng đồng người Việt hải ngoại và muốn chứng tỏ một chính sách hòa giải trong mức độ nào đó. Chọn luận văn của Nhã Thuyên là một điều an toàn: nhóm Mở Miệng tuy khá ồn ào nhưng lại không có một lực lượng nào đứng bảo vệ, nhất là khi mũi dùi lại không nhắm vào họ mà lại nhắm vào một người khác: Nhã Thuyên, một nhà văn trẻ (sinh năm 1986), rất có tài, can đảm và đầy triển vọng. Nhưng lại thân cô thế cô.

Tuy nhiên, dù vì bất cứ lý do gì thì việc bộ máy tuyên huấn nhảy xổ vào lãnh vực học thuật ở đại học, gây sức ép để đuổi việc một cán bộ giảng dạy và cách chức trưởng bộ môn của một giáo sư cũng là một điều hết sức thô bạo. Nó gợi nhớ đến các Hồng vệ binh thời Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông cách đây mấy chục năm.


Lê Tuấn Huy - Thẩm định Luận văn Thạc sỹ của Đỗ Thị Thoan: tính pháp lý và sự hợp lý


Lê Tuấn Huy

Về chuyên môn, sơ bộ, một số khía cạnh của Luận văn Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa đã được TS. Vũ Thị Phương Anh nêu ra trong bài “Về nhóm Mở miệng và chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism)”, và có thêm ý kiến qua cuộc phỏng vấn của RFA [i]. Về pháp lý, nhà văn Phạm Xuân Nguyên đã nêu quan điểm tại báo Pháp luật TP. HCM.

Nhà văn Nhã Thuyên

Thật ra, việc Đỗ Thị Thoan bị cắt hợp đồng, PGS, TS. Nguyễn Thị Bình bị cách chức có thể được những người ra quyết định biện minh “hợp lý” bằng cách viện dẫn thẩm quyền nội bộ và lý do chuyên môn nào đó ít nhiều không liên quan, mà lời của người ngoài chỉ được tiếp nhận một cách vô thưởng vô phạt. Nhưng khi ta kêu gọi nếu có “thẩm định” Luận văn thì phải đúng mực về mặt khoa học (vấn đề giữa hai hội đồng) và pháp lý (về trình tự và chứng lý), là đã rơi vào cái bẫy mà những người muốn tiêu diệt nó đang tìm cách giăng ra để hợp lý hóa cho việc làm ấy.

Thực tế, không có cơ sở pháp lý cho việc được gọi là “thẩm định” đối với bất cứ luận văn thạc sỹ nào.

Văn bản pháp lý hiện hành liên quan đến học vị Thạc sỹ là Quy chế Đào tạo Trình độ Thạc sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 10/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ký ngày 28 tháng Hai 2011. Theo đó, chỉ có thẩm quyền về việc thẩm định kết quả tuyển sinh (Điều 19), chứ không có thẩm quyền về việc thẩm định kết quả chấm luận văn hay thẩm định hội đồng chấm luận văn.

Điều 26 của Quy chế này đã bao hàm toàn bộ vấn đề đánh giá một luận văn. Nội dung đó, chỉ có các vấn đề về thành lập hội đồng đánh giá luận văn, nhóm họp hội đồng và tiêu chí về kết quả của luận văn. Ngoài ra, hoàn toàn không có một điều nào, khoản nào, ý nào cho phép lập hội đồng thẩm định để đánh giá lại một luận văn đã có kết quả đánh giá.

Cách duy nhất để có thể chặn lại một luận văn là bị khiếu nại, tố cáo về nội dung khoa học (Điều 25, khoản 4, điểm c), nhưng điều này chỉ thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị đưa luận văn ra đánh giá, chứ không phải để tái thẩm.

Kể cả những nội dung về thanh tra, kiểm tra (Điều 30), và khiếu nại, tố cáo (Điều 31) cũng không thể vận dụng được để làm công việc đó. Trong nội dung mà Bộ Giáo dục và Đào tạo được quyền thanh tra, kiểm tra (Điều 30, khoản 2), chữ “quản lý đào tạo” mang nội hàm của công việc quản lý hành chính đối với học viên và chương trình đào tạo (việc chấp hành quy chế đào tạo, xét điều kiện thỏa mãn để đưa luận văn ra bảo vệ, điều tiết chương trình, điều động giảng viên, xét gia hạn thời gian bảo vệ luận văn, khen thưởng, kỷ luật…), mà không bao hàm việc đánh giá kết quả luận văn, vốn là công việc khoa học độc lập và cụ thể của mỗi hội đồng chấm luận văn (và đã được quy định trọn trong Điều 26).

Như vậy, việc lập hội đồng thẩm định Luận văn của Đỗ Thị Thoan – nếu có – là phi pháp.

Phải chăng đây là sơ hở của pháp luật, do những người làm Quy chế đã không lường hết tình huống?

Không phải như thế. Đơn giản là, về điểm này, Quy chế đã được xây dựng phù hợp với đặc trưng của giáo dục sau đại học.

Khác giáo dục phổ thông – cấp phổ cập kiến thức cơ bản, khác với giáo dục đại học – cấp truyền thụ kiến thức và phương pháp chuyên môn, giáo dục sau đại học truyền đạt kiến thức và phương pháp nghiên cứu chuyên sâu. Về chuyên môn, khác biệt giữa bậc thạc sỹ và tiến sỹ là ở bậc sau, tiêu chí là cái mới về mặt khoa học cùng với giá trị lý thuyết (lý luận) và thực tiễn của nó, trong khi ở bậc trước chỉ chú trọng vào phương pháp nghiên cứu, sự riêng biệt về ý tưởng cùng với tính hệ thống và logic về nội dung và trình bày.

Do khác biệt đó mà ở cấp phổ thông, học sinh có thể làm bài giống nhau, một đề có đáp án chung tất cả, ai có chức năng và chung bộ môn, chung phạm vi đều có thể chấm bài. Do có chuẩn định về nội dung, thẩm quyền về chấm phúc khảo, phúc tra được đặt ra. (Tất nhiên, giữa hệ thống giáo dục thiên về áp nội dung với hệ thống thiên về mở nội dung, những điều vừa nói có biến thiên.)

Đến bậc đại học, trọng tâm là hướng dẫn để sinh viên tự trang bị kiến thức và nhắm vào một hệ thống kiến thức mở, nên dù vẫn còn chuyện sinh viên làm bài tương đối như nhau, thì mức độ độc lập của người học và người đánh giá đã có, bởi vậy việc phúc khảo và phúc tra không còn là thẩm quyền cố định.

Ở bậc sau đại học, sự giống nhau dù vô ý hay cố ý đều bị xem là đạo văn, và là tiêu chí (cấm) tuyệt đối duy nhất về nội dung. Ngoài ra, người làm luận văn, người hướng dẫn, người phản biện, người chấm, người nhận xét luận văn, với tư cách những người nghiên cứu khoa học độc lập, hoàn toàn có quyền độc lập nhau về quan điểm, phương pháp (miễn có nền tảng phương pháp luận phù hợp) trong trình bày và đánh giá. Không có chuẩn pháp lý hay giáo (dục) lý về nội dung cho các luận văn vốn đã khác biệt nhau. Cho nên, chỉ có hội đồng chấm luận văn lần hai dành cho học viên không đạt ở lần bảo vệ đầu, chứ không cần có hội đồng phúc khảo cho luận văn đã có kết quả không đạt. Lần bảo vệ sau mà vẫn không đạt, theo quy chế, học viên không có quyền trình bày luận văn lần thứ ba. Do đó – xuất phát từ tính độc lập nghiên cứu khoa học của học viên, tính độc lập của hội đồng chấm (từng) luận văn, và từ quy trình quyết định trực tiếp đối với kết quả việc bảo vệ luận văn – càng không cần gì đến hội đồng phúc tra.

Bên cạnh đó, nghiên cứu sau đại học không phải là hoạt động tư pháp mà cần đến thẩm quyền phúc thẩm hay tái thẩm của cấp cao hơn khi học viên hay thành viên hội đồng chấm luận văn chống lại kết quả đã chấm (giống như hai bên bị hại bị cáo, nguyên đơn – bị đơn có thể chống lại phán quyết). Cũng vậy, nghiên cứu sau đại học không nhằm bảo vệ công lý tư pháp mà cần đến thẩm quyền giám đốc thẩm khi có những bên bất kỳ “phát hiện tình tiết mới” và yêu cầu trình tự xử lý mới từ đầu.

Các bên thứ ba – không phải học viên, không phải thành viên hội đồng chấm luận văn – có thể có thẩm quyền công luận, thẩm quyền khoa học trong việc nhận xét nội dung và phương pháp, nhưng không có thẩm quyền khoa học trong việc phán xét kết quả, càng không có thẩm quyền pháp lý trong việc định đoạt hay thúc đẩy định đoạt kết quả chấm luận văn.

Những người chống đối, với tư cách thành viên của xã hội dân sự, có thể phản bác từng điểm một của luận văn, có thể tập hợp lại, ra tuyên bố phủ nhận nội dung của nó, nhưng đó quyết không phải là quan điểm quyết định hay có thẩm quyền quyết định đối với kết quả luận văn[ii].

Tất nhiên, trong một xã hội cai trị bằng sắc lệnh dưới nhiều hình thức và ở nhiều cấp (từ luật định giới hạn lại hiến pháp, rồi nghị quyết, nghị định, thông tư, công văn, cho đến cả thư tay), thì việc ban hành thông tư khác thay cho thông tư đang có hiệu lực về đào tạo thạc sỹ, mở đường hợp pháp hóa việc tiêu diệt Luận văn của Đỗ Thị Thoan và diệt cả từ trong trứng nước những luận văn theo hướng độc lập trong tương lai, là việc làm hết sức dễ dàng. Nhưng mong rằng tất cả những người liên quan hãy cân nhắc những điều sau đây:
1. Đối với Thạc sỹ Đỗ Thị Thoan và Phó giáo sư Nguyễn Thị Bình, nếu vào lúc cần thiết mà không tự vệ khoa học trên cơ sở pháp lý cho phép, để phủ nhận bất cứ thẩm quyền phi pháp và phi lý nào đối với mình, thì đó không chỉ là cái nhược về khoa học vì không biết bảo vệ những gì tâm đắc của chính mình, mà có thể còn tạo tiền lệ cho việc đầu hàng của giới nghiên cứu trong môi trường hàn lâm khi có sự xâm phạm từ bên ngoài.

2. Đối với giới khoa bảng, nếu im lặng để chấp nhận sự thay đổi theo hướng tước bỏ quyền bất khả xâm phạm của việc đánh giá kết quả khoa học trong đào tạo, xin các vị hãy thử hình dung một tương lai không xa, là bên cạnh các hội đồng chấm luận văn thạc sỹ, tiến sỹ sẽ là những “hội đồng giám sát (của) nhân dân” hoặc “hội đồng tư vấn (của) nhân dân” mà thành viên sẽ là đại diện của quân đội nhân dân, công an nhân dân, lão làng nhân dân, đoàn thể nhân dân, và cả địa phương nhân dân; hoặc có thể, họ sẽ là thành phần chính thức trong cơ cấu của hội đồng chấm luận văn của các vị.

3. Đối với những người làm chính sách giáo dục, nếu có thay quy chế để cho phép quyền phúc tra, thẩm tra đối với kết quả luận văn, xin đừng quên một điều hợp lý gắn liền, là phải quy định công khai hóa tất cả luận văn thạc sỹ, tiến sỹ từ thời điểm 10, 15 năm qua (thời gian mà Việt Nam đã hóa siêu rồng trong đào tạo sau đại học), để toàn bộ nhân dân có thể thực thi quyền yêu cầu “giám đốc tra” đối với luận văn của bất cứ ai.

4. Đối với các nhà lãnh đạo, nếu muốn khoa học phủ phục trước chính trị, thì xin trước hết ôn lại hai bài học sau đây ở nơi từng là đất nước xã hội chủ nghĩa vĩ đại nhất:
Thứ nhất là một trường hợp trong khoa học tự nhiên. Đó là sự thao túng tư tưởng hệ đối với sinh học ở Liên Xô cho đến tận giữa những năm 1960. Nhà sinh học Trofim Lysenko (1898-1976) được sự đồng tình của giới lãnh đạo, đã kiên quyết phủ nhận thuyết di truyền học Mendel-Morgan, khăng khăng về cuộc đấu tranh ý thức hệ của sinh học[iii]. Hậu quả của việc cưỡng bức khoa học quỳ gối, là trong khi các ngành vật lý, hóa học, thiên văn Xô Viết có độ phát triển ngang tầm Phương Tây, thì các ngành thuộc sinh học như di truyền học, sinh nông học, sinh y học, sinh dược học cho đến tận thời nước Nga ngày nay vẫn chưa bắt kịp kẻ thù ý thức hệ khi xưa.

Thứ hai là chính ngay trường hợp của khoa học lý luận. Nó phải tuyệt đối tuân thủ những chỉ đạo chủ quan về ý thức hệ khi xây dựng triết lý về một chủ nghĩa xã hội đã ở giai đoạn phát triển hoàn thiện, chuẩn bị tiến vào thời kỳ của chủ nghĩa cộng sản, mà hậu quả là không có sự báo động của lý luận khoa học về một xã hội trì trệ mọi mặt, và vực thẳm mà nó sắp rơi xuống thay cho thiên đường “đáng lý” phải bay lên.

Quay về Việt Nam, gần gũi với vấn đề ở đây, xin các vị thử nghĩ xem, văn học phải quy buộc vào cái chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã đạt được thành quả nhân loại nào không, dù chỉ so với người anh em cùng ý thức hệ cận kề?

29-30/07/2013
© 2013 Lê Tuấn Huy & pro&contra

[i] Một trình bày ít nhiều có tính chuyên môn khác, là bài “Từ một công trình ngụy khoa học, lệch lạc về tư tưởng học thuật…” của PGS, TS. Nguyễn Ngọc Thiện. Tuy nhiên, với nhận định mang thái độ miệt thị ngay từ đầu, rằng “Trong cái mớ xô bồ lý thuyết từ Âu – Mỹ dội vào, ảnh hưởng vào nước ta…”, thì tác giả này đã thiếu ngay đến cả năng lực khách quan tối thiểu. Đó là chưa kể, ở cuối bài, dù ông kêu gọi rằng những người có “vai trò liên đới trách nhiệm” của luận văn này “cần được nhìn nhận thấu đáo, có lý, có tình” thì đó chỉ là [cách đề xuất xử lý cả về hành chính lẫn chính trị] theo “Luật Công chức và theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng”. Đó cũng là chưa kể ông đã cố tình đánh lộn sòng, từ việc hiển nhiên là thơ của nhóm Mở Miệng tuyệt đối không thể nào xuất hiện trên các kênh “chính thống”, lại trở thành “họ không dám xuất hiện một cách đàng hoàng, phải lén lút tự ấn hành, photocopy, tự xuất bản theo kiểu đối phó với sự kiểm duyệt của Nhà nước, gọi là kiểu xuất bản Samizdat”.
[ii] Cần nói thêm, Luận văn Thạc sỹ của Đỗ Thị Thoan không phải là văn học mà là nghiên cứu khoa học về văn học (dẫu là văn học bên lề), nên không phải là đối tượng cho những người phê bình theo kiểu đọc văn, đọc thơ rồi khen chê về văn phong, hình tượng, giá trị tư tưởng của tác phẩm.
[iii] Gần gũi với đề tài sinh học, có thể tìm đọc cuốn Những vấn đề triết học của y học (Nxb Khoa Học, HN, 1966), là tài liệu dịch của Liên Xô, ta sẽ thấy buồn cười vì những lý lẽ ý thức hệ kỳ quặc của những phê phán về sự duy tâm và siêu hình trong y học, vì những yêu cầu về nhận thức luận và biện chứng trong chẩn đoán…


Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Nguyễn Văn Phú - Hận cá, chém thớt


Nguyễn Văn Phú

(về luận văn của Nhã Thuyên – Đỗ Thị Thoan)

Có lẽ nhiều người biết đến Hầu tước de Sade, một nhà văn Pháp sống ở thế kỷ 18, viết toàn tiểu thuyết dâm dục, miêu tả cặn kẽ chuyện làm tình, cảnh bạo dâm, khổ dâm còn ghê hơn nhiều truyện khiêu dâm chính cống. Nhưng dù muốn dù không người ta vẫn xem ông là nhà văn, thậm chí có người còn cho ông là tiên phong của chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa siêu thực… 


Giả thử có một sinh viên cao học làm luận văn thạc sĩ về ông này, với luận đề “tình dục trong văn de Sade là biểu hiện nổi loạn của một người theo chủ nghĩa cá nhân cực đoan”. Có thể nào chê trách luận văn này tràn đầy những câu trích “trắng trợn” về tình dục? Có thể nào lên án người sinh viên cổ xúy cho lối sống phóng túng, bạo dâm? 

Những người phê phán luận văn “Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa” của Đỗ Thị Thoan cũng rơi vào chỗ tương tự: thay vì ném sự phẫn nộ của họ vào nhóm Mở Miệng họ lại chĩa mũi dùi vào người nghiên cứu nó, tạo ra một tiền lệ chưa từng thấy: báo chí phổ thông, nhà phê bình văn học lại đi phê bình một luận văn thạc sĩ của một trường đại học. Bởi vậy họ không nói gì đến phương pháp luận, tính khoa học, cách thể hiện của luận văn, họ chỉ tìm những câu trích phục vụ cho việc phê phán nói trên.

Đáng sợ là những trường hợp, dù thú nhận chưa đọc luận văn nhưng cũng “hai lần lên diễn đàn đề nghị các cơ quan chức năng phải làm việc nghiêm khắc và xử lý thích đáng đối với tác giả bản luận văn cũng như hội đồng chấm luận văn”. 

Có thể nói ngay luận văn của Đỗ Thị Thoan là một công trình nghiêm túc, công phu, được viết một cách cẩn trọng, với những quan sát sâu sắc, cách diễn đạt lôi cuốn, tính thuyết phục khá cao. Lớp già như tôi có thể tự hào về một lớp trẻ như Đỗ Thị Thoan, hoàn toàn không như định kiến thường có về một lớp trẻ hời hợt, chỉ biết sao chép. Toát lên từ luận văn này là nền học vấn rất tốt, sự làm việc tới nơi tới chốn, sự độc lập trong suy nghĩ, và sự thành thực trong nhiều nhận định. 

Một số điểm làm tôi khâm phục cô giáo trẻ này:

- Không dùng lý thuyết phương Tây để lòe người đọc vì hiểu rõ hạn chế của cách tiếp cận này. (Cho nên đừng nghĩ luận văn nói về chuyện hậu hiện đại, nó thấm đằng sau những câu chuyện thực tế của văn học Việt Nam).

- Hiểu rõ tính nhạy cảm của đề tài khi phải gắn với chính trị, kể cả sự xứng đáng hay chưa của đối tượng nghiên cứu nhưng biết dùng nó làm đòn bẩy cho lập luận của mình.

- Hiểu rõ những sự lợi dụng hiện tượng Mở Miệng ở một số người bên ngoài, dùng nó như một cách thúc đẩy ý đồ riêng của họ.

Để đánh giá một luận văn, cần xem thử luận đề nó là gì, sau đó cách tác giả triển khai chứng minh, biện giải, thuyết phục người đọc tin vào luận đề đó như thế nào, có thành công không.

Luận văn xác định, “vấn đề then chốt là tra vấn về vị thế bên lề như một điểm tham chiếu để bình luận về những cách tân và tính cách mạng trong tư tưởng và nghệ thuật [thực hành thơ của Mở Miệng]”. 

Mặc dù chương về vị thế bên lề khá dài, phần bối cảnh “hậu đổi mới” dễ gây phản ứng ở những người đọc thuộc “dòng chính” (đây là đoạn được trích dẫn nhiều nhất để gán nhãn “phản động” cho luận văn, có thể tóm tắt lập luận của người viết ở phần này như thế này: Nhóm Mở Miệng chọn vị thế bên lề như là điều kiện để có thể cách tân một cách trọn vẹn bởi “cách tân như một lẽ sống còn của nghệ thuật mới là lý do tồn tại thực sự” của họ. Như vậy mọi sự phản kháng chỉ là biểu hiện của chọn lựa vị thế bên lề, còn cách tân mới là mục đích. 

Cách tân trước hết thể hiện ở hình thức tự xuất bản với những phá cách, tạo ra một không gian hoạt động riêng, là nội dung chương hai. Phần còn lại của luận văn miêu tả, bình giải những nỗ lực mà khi miêu tả chi tiết sẽ làm hoảng sợ những người bình thường vì sự vô nghĩa của ngôn từ, sự tục tĩu, bế tắc, giễu nhại, giải thiêng… khi Mở Miệng thực hành thơ. 

Nếu xét về góc độ học thuật, hoàn toàn không có gì ngạc nhiên khi thấy Hội đồng chấm luận văn cho điểm 10 tuyệt đối. 

Tuy nhiên, sự phẫn nộ của một số nhà phê bình, nhà văn, nhà báo là điều cũng dễ hiểu. Bởi Đỗ Thị Thoan đã chọn sai thời điểm để công bố luận văn. Như cô tự nhận xét cô không giữ được sự khách quan khi viết luận văn vì phải can dự, vì phải chọn làm kẻ ngoài lề, vì thế luận văn chọn vị trí của người nhìn vào bối cảnh đời sống chính trị hiện đại như một người bên ngoài dòng chính thống. Chỉ cần một sự phân tích khách quan, tỉnh táo, hơi lạnh lùng như thế cũng đủ làm luận văn là cái gai trong cách nhìn chính thống. 

Khách quan mà nói, thời nào, nơi nào cũng sẽ có những nhóm như Mở Miệng. Lúc nào cũng có sự phản kháng, sự tác động của kẻ ngoài lề dội vào dòng chính. Để phá vỡ cái trì trệ của dòng chính, kẻ ngoài lề phải phá phách, quậy nát, phải ồn ào, tức phải đẩy tới chỗ cực đoan, quá khích. Và như một quy luật, dòng chính nhờ vậy tiến lên một mức độ mới, rồi lại rơi vào trì trệ, cần sự thúc đẩy của kẻ ngoài lề phá phách mới. Đó có thể là sự trói buộc của thần quyền thời Sade, của chủ nghĩa tư bản, của tư duy toàn cầu hóa, của các thiết chế xã hội; chứ đâu nhất thiết là thể chế hiện nay. Kẻ ngoài lề vì vậy luôn luôn là kẻ ngoài lề, khó được chấp nhận rộng rãi, chưa kể là sẽ gây dị ứng cho nhiều người (tôi đoán 10 người bạn của tôi sẽ có 9 người trong đó có tôi, dị ứng với Mở Miệng) nhưng nó phải đóng trọn vai trò của nó, rồi thôi. Dù gì đi nữa nó cũng cần được nghiên cứu và Đỗ Thị Thoan đã làm được điều đó, không khích lệ thì thôi sao lại vùi dập.


Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Đào Trung Đạo - Khả năng thành công/thất bại của ‘Vụ Xử’ Nhã Thuyên


Đào Trung Đạo

Tôi muốn mượn tựa đề truyện ‘Vụ Xử’ của Kafka để nói đến tính chất mông muội vây bủa quanh vụ truy sát Nhã Thuyên, một nữ giảng viên đại học và một cây viết trẻ có bản lãnh đang được giới trẻ quan tâm tới văn học nghệ thuật tìm đọc. Vụ việc đã xảy ra ngót nghét tháng nay, khởi đầu bùng lên với phát biểu báo động và chỉ điểm của Chu Giang Nguyễn văn Lưu vào ngày chót của hội nghị Lý luận Phê bình Toàn quốc do đảng tổ chức ở Tam Đảo. Với những người để ý theo dõi ‘hành tung’ của ‘vệ binh’ Chu Giang thì tuyên bố chỉ điểm này ở Tam Đảo không có gì lạ, hơn thế nữa: thôi đành chặc lưỡi ‘miễn bàn’. Vì Chu Giang cũng chính là ‘cây bút phê bình’ (sic) đã dai dẳng truy sát Nguyễn Huy Thiệp bằng những bài báo ‘luận chiến’ đăng trên Tuần báo Văn nghệ Tp HCM năm ngoái nhưng không đem lại kết quả nào. Tiếp theo Chu Giang, báo đảng xông lên với nào là Cẩm Khê trên tờ Nhân Dân, Tuyên Hóa trên tờ Quân Đội Nhân Dân, và mới đây nhất là ‘nhà phê bình’ Nguyễn Văn Dân trên VanVn.net. Về những tiếng nói phản biện chúng ta có bài ‘Cú giẫy cuối cùng của nền phê bình chính huấn’ của Phạm Thị Hoài trên mạng Pro/Contra, và mới nhất là bài ‘Phê bình kiểm dịch’ của Gs Trần Đình Sử. Qua bài viết của mình vị giáo sư này cho thấy ông có sự trong sáng trí thức (probité intellectuelle), tuy không trực tiếp đề cập tới án xử Nhã Thuyên nhưng trên một diện rộng gián tiếp báo động giới làm văn học nghệ thuật về sự trỗi dậy của những ‘phê bình gia kiểm dịch’ trong hiện tình văn học nghệ thuật hiện tại, và đồng thời cũng có ý đánh thức lương năng của những nhà phê bình kiểm dịch với giả thuyết họ còn lương năng.

Nhà văn Nhã Thuyên
Thông tin về hậu quả tức thời của án xử Nhã Thuyên đã được các trang mạng lề dân loan tải: Nhã Thuyên bị cho thôi việc ở Đại học Sư phạm Hà nội, PGS TS Nguyễn Thị Hòa Bình, người bảo trợ cho luận văn thạc sĩ của Nhã Thuyên sẽ ‘nghỉ hưu non’.

Nhưng vì câu hỏi của giới bình luận gần đây được nêu lên nhân vụ việc này là: ‘Phải chăng một vụ án dập khuôn Vụ án Nhân văn Giai phẩm (NVGP) một lần nữa lại tái diễn?’ nên chúng tôi thiết nghĩ để tìm được câu trả lời cho câu hỏi này trước hết chúng ta thử nêu câu hỏi: Trong tình thế hiện nay Tuyên giáo TW tính toán ra sao? Chúng tôi đặt câu hỏi này ra và thử đưa ra những dự đoán.

Ta hãy quay lại vụ án NVGP. Trước hết là điểm mặt những nhà phê bình kiểm dịch thời xảy ra vụ án này. Nhà văn Phạm Thi Hoài đã liệt kê khá đầy đủ:
Trong cuộc truy sát Nhân văn-Giai phẩm, ít ra chúng ta biết: Người “vạch trần bộ mặt thật” “trụy lạc phản động” của Trần Dần là nhạc sĩ Đỗ Nhuận; người hô hào cả nước “phải chặn lại không cho Trương Tửu được tự do truyền bá những tư tưởng phản động, những tác phong đồi bại” là nhà phê bình Hoài Thanh, cũng chính là người xác định tính chất “xuyên tạc”, “vu khống”, “phản động” của bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần; người tố giác cả một “hệ thống những sai lầm xấu xa”, những “dụng ý rất đen tối” của Tử Phác là nhạc sĩ Lương Ngọc Trác; người lột “cái mặt gian xảo” của Lê Đạt như “một kẻ ẩn núp, tàng hình, đã từng quay quắt được một thời gian, nhưng rốt cục cái bản chất phản lại giai cấp vô sản lòi ra mồn một” là nhà thơ Xuân Diệu, cũng chính là người phát hiện Văn Cao “gài mìn chống phá Đảng và nhân dân”; người quyết “vạch rõ tội lỗi của Phan Khôi đã bao nhiêu năm làm tay sai cho đế quốc, nịnh hót phong kiến, huyễn hoặc, lừa bịp, đầu độc nhân dân để kiếm bát cơm, manh áo”, “chống Đảng, chống cách mạng, phản nhân dân, phản Tổ quốc”, “từ bé đến già bóc lột của nông dân, ăn cướp của nhân dân” là nhà văn Nguyễn Công Hoan; người gọi tác phẩm của Trần Duy là cái thứ “văn nghệ vô nhân đạo của thần chết”, là “những thứ cỏ độc, mà chúng ta phải nhổ sạch, quét sạch, để vứt vào rác, hoặc làm một thứ phân bón cho những bông hoa chân chính trong vườn văn nghệ của ta” là nhà phê bình Vũ Đức Phúc…; chưa kể hàng trăm văn nghệ sĩ không kém danh tiếng khác – từ Thế Lữ, Bửu Tiến, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Đoàn Giỏi, Tú Mỡ, Đoàn Văn Cừ, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tuân…, đến Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Đình Thi, Võ Huy Tâm, Đào Vũ, Bùi Huy Phồn… – hăng hái góp đinh cho những chiếc búa tạ nêu trên chốt quan tài những đồng nghiệp “nổi loạn” của họ. (Trích Pro/Contra).

Thôi thì đủ mặt ‘anh hào’ lưu xú danh hậu thế.

Câu hỏi: với ‘Vụ Xử’ Nhã Thuyên trong tình thế hiện nay liệu Tuyên huấn TW có khả năng huy động được con số đông đảo những tay phê bình kiểm dịch như thời trước không?

Dự đoán của chúng tôi là: Không. Củng cố cho dự đoán này là những lý do sau.

Thứ nhất, chính quyền hiện tại không còn có quyền năng tuyệt đối như ở những năm cuối thập niên 50 đầu thập niên 60 thế kỷ trước. Tình thế nay đã khác, điều này hẳn những vị lãnh đạo Tuyên giáo TW phải hiểu rõ hơn ai hết. Trong giới làm văn học nghệ thuật hiện nay, việc áp lực đông đảo giới này làm theo lệnh Tuyên giáo TW là bất khả. Thế nên, khi những đội trưởng truy sát như Phong Lê, Phan Trọng Thương, tốt đen Chu Giang, Cẩm Khê, Tuyên Hóa, và Nguyễn văn Dân (chỉ cần đọc sơ bài ‘Văn học nhìn từ lý thuyết trung tâm – ngoại vi’ của vị GSTS này cũng thấy ngay tiến sĩ (sic) của chúng ta đã “lạc đề”, “gượng gạo”, “viết /nói về hùa đánh hôi” như thế nào) có xếp hàng sẵn sàng ra tay chờ chỉ thị thì Tuyên giáo TW – nhìn quanh quất chỉ thấy lèo tèo vài vệ binh - quá lắm cũng chỉ đành liếc mắt bảo “các chú mày để từ từ”, và vì vụ việc đã loan truyền rộng rãi cả trong lẫn ngoài nước nên chẳng đặng đừng đành phải xử lý hành chính cô giáo Nhã Thuyên Đỗ Thị Thoan và giáo sư Nguyễn Thị Hòa Bình. Và rất có thể hồ sơ vụ xử này sẽ tạm thời được khép lại ở thời điểm này. Để củng cố cho hành xử răn đe này (nói theo kiểu TBT Nguyễn Phú Trọng về hiệu quả việc chỉnh đốn đảng vừa qua là cũng khiến “khối anh run đấy!”. Một kết luận mượn cách đùa cợt nhẹ nhàng để che dấu sự bất lực và thất bại. Nhưng câu nói nửa đùa nửa thật này của TBT NPT không phải là không có phần đúng) là Lớp tập huấn “Quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật và hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật năm 2013″ diễn ra khắp các tỉnh thành trong nước. Chúng tôi đánh giá đây là những động thái chỉ có mục đích răn đe, chỉnh đốn mà thôi. Về hình thức xử lý hành chính đối với giảng viên Đỗ Thi Thoan, chúng tôi nghĩ hiệu quả không đáng kể vì chức vụ giảng viên không còn có cái danh giá và quyền lợi như trước đây nên hiện nay chẳng đáng quan tâm (vì mới chỉ nhận chức vụ giảng viên trên dưới một năm nên việc bảo vệ ‘sổ lương’ dĩ nhiên là không thành vấn đề đối với Nhã Thuyên Đỗ Thị Thoan). Còn với Gs Nguyễn Thị Hòa Bình chúng tôi nghĩ ‘hưu non’ là giải pháp tối hảo để cho lương tâm được bình yên, trong sáng trí tuệ và thanh danh được bảo toàn. Vả lại thời nay kinh tế thị trường việc “thắt bao tử”, trù dập vây bủa kinh tế không còn hữu hiệu: Gs Nguyễn Thi Hòa Bình và giảng viên Đỗ Thị thoan hẳn không đến nỗi phải về quê đập đá mưu sinh như thi sĩ Hữu Loan trước đây! Ngoài ra cũng phải kể đến hậu quả ngược của vụ xử: đối với giới trẻ, nhất là những sinh viên ở đại học sư phạm Hà Nội, rất có thể họ không đồng tình, và khinh bỉ, cách ứng xử của Tuyên giáo TW và các quản lý giáo dục, sự bày tỏ này sẽ lan rộng, có tác động tiêu cực trong xã hội. Xa hơn nữa, từ không đồng tình, khinh bỉ đến phản kháng, con đường dẫn đến bày tỏ thái độ phản biện bấy lâu chưa hiện rõ để được trung thành với bản thân và lương tâm trong sáng của giới trẻ sẽ không xa.

Thứ nhì, vì những vấn đề Tuyên giáo TW cấp thiết, sinh tử, phải ứng phó như những vụ bắt nhốt những blogger như Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào…, những việc khuấy động dư luận xã hội như vụ tuyệt thực của Cù Huy Hà vũ, Điếu cày Nguyễn văn Hải, vụ xét xử Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Khang cũng như nhiều vụ án chính trị khác trong mấy tháng nay, và làm sao bịt miệng được những tiếng nói phản biện ‘không trung thành’ ngày càng mạnh dạn lên tiếng nhắm vào tử huyệt, triệt hủy tính chính danh của đảng về toàn vẹn lãnh thổ và biển đảo. Cũng phải kể ngay đến nan đề thành tích nhân quyền tệ hại của chính quyền VN đang bị đặt dưới áp lực ngày càng đè nặng từ những nước phương Tây, nhất là từ quốc hội và chính quyền Mỹ vào thời điểm xảy ra chuyến công du Mỹ để gặp tổng thống Obama của chủ tịch nước Trương Tấn Sang v.v… Đấy là chưa kể đến một yếu tố ‘ngầm’ quan trọng hơn cả: trong cơn lốc xoay chiều chính trị đang diễn ra, những vị trong Tuyên giáo TW rất có thể nếu không ‘nín thở chờ thời’ thì cũng càng ‘bất động’ được bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Do đó không khó nhận ra nhóm các ‘phê bình gia kiểm dịch’ đã tính toán sai lầm về thời điểm (timing) để đưa ra ‘án xử’. Vào thời điểm này “chuyện lý luận (ný niếc) phê bình (phê biếc) hãy tạm thời dẹp sang một bên! Sao các chú rách việc quá!” [Các chú phải biết thân biết phận, các chú có hiểu địa vị của các chú chỉ ở bậc gần như thấp nhất trong các bậc thang quyền lực không?] Đó là sách lược tưởng như khó hiểu của người cộng sản với bản chất muôn thuở của anh du kích chuyên trị ‘đối phó’ để tồn tại. Do đó khả năng thất bại của mưu toan truy sát của những vệ binh đỏ bảo vệ đường lối chính thống này nhiều phần đang lộ rõ.

Lý do sau chót: nhóm Mở Miệng – nhất là thành viên Bùi Chát – hiện đang trong tầm ngắm của chính quyền, nhất là sau vụ việc Bùi Chát cùng hai người bạn học lập nhóm chủ trương trang mạng kêu gọi hậu thuẫn xã hội cho “tiếng súng hoa cải Đoàn Văn Vươn,” và tiếp đó là công khai thách thức những người lãnh đạo của đại học Luật TP HCM công khai tranh luận về việc phỉ báng và vi phạm pháp luật khi công bố nhân thân cũng như thành tích học tập của nhóm này. Việc lãnh đạo TP HCM và đại học Luật của thành phố này “ngậm tăm” không có nghĩa Bùi Chát và hai bạn học cũng như Mở Miệng đã ra khỏi tầm ngắm trả thù.

Để kết luận chúng tôi cũng nhân ‘án xử’ Nhã Thuyên không thể không đặt câu hỏi: Không kể “nền” phê bình văn học tản mạn cảm tính của những Hoài Thanh Hoài Chân, Đặng Thái Mai, Vũ Ngọc Phan… tụt hậu so với thế giới cả thế kỷ ở thời điểm của nền phê bình này xuất hiện, nhận định nói ra tuy đau lòng nhưng là sự thực: rằng từ 1955 đến nay không những không hề có lý thuyết và phê bình văn học đích thực, vậy đến bao giờ lý thuyết và phê bình văn học nước ta mới thoát khỏi thảm họa do sự ngu xuẩn mông muội đã vây bủa hơn nửa thế kỷ nay để mở ra một sinh khí, một tinh thần mới?

Đào Trung Đạo