Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhã Duy. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhã Duy. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 10 tháng 11, 2023

Nhã Duy: Những người gốc Việt bị truy tố trong vụ bạo loạn 6 tháng 1

Đầu tuần tháng 11 này, tòa liên bang tại Washington DC đã tiếp tục xử những người gốc Việt tham gia vụ bạo loạn vào tòa Quốc Hội.

Trước khi đi vào từng trường hợp, có thể nhắc lại bốn tội danh hình sự mà phần lớn những người tham gia bạo loạn đã bị truy tố theo sau:

1. Xâm nhập và ở lại trái phép trong toà nhà và khuôn viên cấm – Khoản 18 U.S.C. § 1752(a)(1), án tù đến một năm tù giam hay 10 năm tù nếu có vũ khí hoặc gây thương tích cho người khác và phạt tiền.

Thứ Ba, 18 tháng 7, 2023

Dư luận nghĩ gì về vụ án gọi là “những chuyến bay “giải cứu”?

Các bị cáo tại phiên tòa trong ngày đầu tiên xét xử. (Ảnh: TTXVN)

Nguyên Tống: GIẢI PHÓNG-GIẢI CỨU. Giống nhau ở chữ GIẢI.

Cái gọi là “chuyến bay giải cứu” thực ra đã bị sai ngay từ gốc, như bao việc theo kiểu nửa dơi nửa chuột, nhập nhèm, mập mờ khái niệm, đầu Ngô mình Sở đã xảy ra trên đất nước này, ở cơ chế này. Nên nó mới ra cơ sự ngày hôm nay.

Đầu tiên, nếu rạch ròi thì không được gọi nó là Bay Giải cứu để gây nhầm lẫn với những gì Chính phủ các nước khác đã và đang làm với công dân của họ trong các thảm hoạ dịch bệnh, chiến tranh, thiên tai…. Nếu thực sự là Giải cứu thì nó phải là một chủ trương được ban hành từ cấp cao nhất của Chính phủ để giải cứu công dân của nước mình, giao cho Vietnam Airlines chủ trì thực hiện rồi về thanh toán với Chính phủ. Nó phải hoàn toàn miễn phí và vô điều kiện, miễn là có hộ chiếu Việt nam.

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2022

Nhã Duy: "Trumpty, Dumpty", Donald Trump đã hết thời

Kết quả thắng thua trong cuộc bầu cử giữa kỳ thế nào vẫn chưa được phân định rạch ròi, nhưng có một "ứng viên" bị xem đã hoàn toàn thất bại lần này. Đó là cựu Tổng thống Donald Trump.

Hai năm qua, kể từ ngày rời Bạch Ốc, bên cạnh việc tiếp tục tấn công vào các định chế dân chủ lâu đời của Hoa Kỳ qua việc tiếp tục rêu rao về sự gian lận bầu cử tại Mỹ, cản trở vào công việc điều hành quốc gia của chính phủ đương nhiệm, tiếp tục thực hiện những hành động bị xem là phạm pháp, Donald Trump còn dành nhiều thời gian để vận động cho hàng trăm ứng viên Cộng Hòa được chính Trump chọn lựa hay hậu thuẫn cho cuộc bầu cử vừa qua.

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2022

Nhã Duy: Tính độc lập của tòa án Hoa Kỳ

Sau vụ khu nghỉ mát Mar-a-Lago của Donald Trump bị FBI khám xét có trát tòa, truyền thông cánh hữu và người ủng hộ Trump đưa hay dẫn lại những mẩu tin với hàng tít rằng, thẩm phán ký trát xét nhà là một người từng ủng hộ tài chánh cho cựu tổng thống Obama.

Những mẩu tin một nửa sự thật này rõ ràng muốn hướng vụ xét nhà thành một hành động chính trị và do người của phía đảng Dân Chủ thực hiện. Nhưng như các thẩm phán liên bang Hoa Kỳ thường minh định, họ là những thẩm phán độc lập và phán quyết dựa trên hiến pháp và pháp luật, bất kể được ai bổ nhiệm.

Thẩm phán Bruce Reinhart ký trát xét nhà là một thẩm phán tòa hành chánh (magistrate court). Các thẩm phán này không được tổng thống Hoa Kỳ bổ nhiệm mà do các thẩm phán liên bang phỏng vấn và chọn lựa. Đây là những tòa hành chánh và dân sự địa phương, ký lệnh xét nhà, đóng tiền tại ngoại, hỗ trợ pháp lý cho các thẩm phán liên bang. Trong một số trường hợp đặc biệt, các tòa này cũng có thể giải quyết một vài vấn đề hình sự không nghiêm trọng.

Thẩm phán Bruce Reinhart từng là một công tố viên và luật sư pháp đình, được tín nhiệm và nổi tiếng là một thẩm phán rất thận trọng và uy tín tại khu vực Palm Beach, Florida, nơi có khu nghỉ mát Mar-a-Lago.

Ông từng đóng góp vào quỹ tranh cử cho ứng viên cả hai đảng, không chỉ góp riêng cho tổng thống Obama mà cả cho Jeff Bush thuộc đảng Cộng Hòa khi ra tranh cử tổng thống với số tiền nhỏ, từ vài trăm đến một ngàn đô la. Việc ký trát tòa trong khu vực hành chánh của ông không chỉ là trách nhiệm mà còn dựa vào những bằng chứng khả tín do FBI đưa ra, đúng theo thủ tục pháp lý và hành chánh.

Nếu xét thêm các phán quyết của tòa liên bang trong việc buộc Donald Trump giao nộp hồ sơ thuế cho Quốc Hội sẽ hiểu hơn về tính độc lập của tòa án Mỹ.

Sau các tranh luận giữa đôi bên, Thẩm phán Trevor McFadden do chính Donald Trump bổ nhiệm đã phán quyết Quốc Hội có quyền xem hồ sơ thuế của Trump tại tòa sơ thẩm liên bang hồi tháng 12 năm trước.

Phía luật sư của Donald Trump kháng án, hồ sơ được chuyển lên tòa phúc thẩm D.C để hai bên tiếp tục tranh cãi. Sau 8 tháng xem xét, tòa phúc thẩm D.C vừa tuyên bố giữ nguyên quyết định tòa sơ thẩm, với sự đồng thuận tuyệt đối của cả ba thẩm phán.


Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2022

Nhã Duy: Tranh cãi luật súng

Hồi tháng Tám năm 2019, một thanh niên 21 tuổi đã lái xe từ khu vực Dallas-Fort Worth đến El Paso cũng thuộc tiểu bang Texas để xả súng sát hại 23 người và gây thương tích cho 23 người khác.

Thanh niên này bị truy tố hàng chục tội sát nhân vì lòng thù hận sắc tộc khi tấn công vào các nạn nhân gốc Mễ với lý do là họ đã "xâm lấn" Texas. Dù quay lại lịch sử thì đây là vùng đất từng thuộc về Mexico và có nhiều gia đình gốc Mễ đã sống ở đây từ nhiều đời, lâu hơn nhiều so với các sắc dân khác, họ cũng như là những người Mỹ bình thường khác.

Thống đốc, phó Thống đốc cùng các dân biểu tiểu bang, liên bang của Texas lên tiếng cầu nguyện và chia buồn, hứa sẽ có những biện pháp. Để rồi tiếp tục thông qua luật súng dễ dàng hơn. Luật xem như không có luật.

Từ năm 2021, luật súng mới cho phép người dân Texas được mang súng công khai không cần giấy phép. Texas không giới hạn các loại súng liên thanh, súng tự động hay bán tự động tương tự trong quân đội và có độ sát thương cao mà luật liên bang cấm. Texas cũng không buộc các tiệm súng tư nhân phải kiểm tra hồ sơ nhân thân. (*)

Người dân có thể lận súng trong người vào đại học hay bệnh viện nếu các nơi này không đề bảng cấm. Tội phạm có thể sở hữu súng nếu đã mãn hạn quá năm năm. Các hãng hoạt động tại Texas phải cam kết có thái độ trung dung, không được lên tiếng phản đối súng.

Nói chung là luật súng dễ dàng đến độ hung thủ trong vụ giết người hàng loạt lần này mua súng hợp pháp chỉ sau sinh nhật 18 tuổi của mình có vài ngày và chưa có cả bằng lái. Dễ hơn cả việc không được mua thuốc lá, bia rượu vốn bị cấm cho đến khi tròn 21 tuổi theo luật.

Bên trên chỉ là một vài điều trong luật súng Texas. Dễ dàng bởi giới chức Cộng Hòa tiểu bang này được Hiệp Hội Súng NRA bỏ khá nhiều tiền vào quỹ tranh cử của họ.


Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2022

Jill Biden: Những bà mẹ Ukraine đã dạy tôi điều gì về cuộc chiến này (Nhã Duy chuyển dịch)

Bạn không thể đến một vùng chiến sự và rời đi mà mình chẳng bị thay đổi gì. Bạn không cần phải dùng mắt để thấy được nỗi buồn vì bạn có thể cảm nhận được nó bằng con tim.

Chuyện đau buồn thì cứ lộ trên mặt người. Tựa như một đám mây mờ đã phủ xuống. Những giọt nước mắt của những bà mẹ cứ thường trực trên khóe mắt, như thể họ khó cầm được nỗi buồn. Họ nắm tay con hoặc vuốt tóc con mình như thể họ không thể kham nổi sự chia lìa thể lý. Họ mang những bộ mặt cương nghị nhưng cảm xúc của họ hiện rõ trên đôi vai trĩu nặng cùng nỗi bất an gánh trong mình.

Thiếu vắng một điều gì đó. Tiếng cười, ngôn ngữ chung của phụ nữ.

Các bà mẹ Ukraine tại các trường học Romania và Slovakia mà tôi đến thăm đã kể cho tôi nghe về nỗi kinh hoàng trong cuộc di tản về phía Tây trong những quả bom rơi từng mỗi đêm. Nhiều người đã phải trải qua những ngày không có thức ăn và ánh sáng mặt trời khi phải trốn dưới hầm trú bom.

Một người mẹ trẻ mà tôi gặp ở Uzhhorod, Ukraine đã kể với tôi rằng khi cô và gia đình của cô đánh liều ra ngoài tìm thức ăn thì những lính Nga sẽ bắn vào hàng người đang chờ một mẩu bánh mì. Những bà mẹ Ukraine này rất biết ơn người dân Romania và Slovakia đã giúp đỡ họ. Còn một người mẹ khác là Anna đã nói với tôi rằng, "không có ranh giới nào giữa những con tim chúng ta".

Những người lính biên phòng đã kể cho tôi nghe những câu chuyện về hàng ngàn người mang theo chút ít hành lý băng vào Slovakia. Một biển người tuyệt vọng, những người mà cuộc sống của họ đã vĩnh viễn bị đổi thay vào ngày 24 tháng Hai, cái ngày mà Nga đi xa hơn trong một cuộc chiến xâm lược phi nghĩa đã bắt đầu từ nhiều năm trước.

Trong cái lạnh của tháng Hai, nhiều người đến bằng chân không, vượt bộ nhiều dặm đường. Họ chạy trốn trong cơn sợ hãi, mang theo khát khao có thể được trở về nhà. Một cậu bé 11 tuổi đã tự mình đến với số điện thoại liên lạc gia đình được ghi vào tay. Rồi có cả những chú chó, mèo cũng chạy giặc cùng với chủ. Những người lính bảo tôi, “Chúng tôi chưa chuẩn bị cho những điều như vậy”.

Thứ Ba, 7 tháng 9, 2021

Nhã Duy: Bãi nhiệm Thống Đốc Gavin Newsom và cuộc thử thách chính trị

Năm 2003, chàng ủy viên trẻ tuổi và đẹp trai của ban giám sát thành phố là Gavin Newsom đắc cử vào chức thị trưởng thành phố kỹ nghệ San Francisco giàu có nhất nhì của nước Mỹ, khá nhiều chính khách đã xem Newsom là một khuôn mặt chính trị trẻ tài năng và sáng giá của California trong tương lai. Bởi ở tuổi 36 lúc bấy giờ, Newsom là thị trưởng trẻ nhất trong lịch sử hàng trăm năm của thành phố quan trọng này.

Không phải ngẫu nhiên mà chính những cựu lãnh đạo nước Mỹ và của đảng Dân Chủ như TT Bill Clinton, Phó TT Al Gore cho đến Mục Sư Jesse Jackson đã vận động cho ông ở cuộc bầu cử cấp thị trưởng như vậy. Ông đắc cử thị trưởng qua đường lối của một người Dân Chủ ôn hòa, có chính sách giúp đỡ các doanh nghiệp và chú trọng các vấn đề dân sinh, giáo dục. Newsom tái đắc cử thị trưởng vào năm 2007 với tỉ lệ 72% đã cho thấy là người dân thành phố này tín nhiệm vào sự lãnh đạo và khả năng điều hành hiệu quả của ông rất cao.

Nên không ngạc nhiên khi Newsom lần lượt đắc cử phó thống đốc rồi thống đốc California, tiểu bang mà nền kinh tế sẽ đứng hạng năm thế giới nếu là một quốc gia riêng biệt. Chỉ còn trên dưới 10 ngày là đến cuộc trưng cầu dân ý về việc bãi nhiệm Thống Đốc Gavin Newson, ủng hộ hay chống đối cuộc bãi nhiệm này, có lẽ điều quan trọng cũng nên biết thêm Thống Đốc Gavin Christopher Newsom là ai và chính sách của ông cho người dân cùng việc phát triển California ảnh hưởng đến mình như thế nào.

Sinh năm 1967 ngay tại San Francisco, Thống Đốc Newsom sẽ tròn 54 tuổi vào tháng 10 này, nằm trong nhóm những thống đốc trẻ của nước Mỹ. Cha ông là một thẩm phán tòa phúc thẩm tiểu bang và gia đình ông có những nhân vật khá nổi tiếng trong giới học thuật và nghệ thuật.

Tốt nghiệp chính trị học tại đại học Santa Clara University, Newsom trở thành một nhà doanh nghiệp thành công nhờ vào sự đầu tư và giúp đỡ của một người bạn thân gia đình thuộc dòng họ tỉ phú Getty, người xem ông như con trai của mình. Từ một tiệm rượu, ông sáng lập ra một tập đoàn chưng cất rượu, tiệm rượu, nhà hàng, khách sạn PlumpJack lúc chưa đến tuổi 30.

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2021

Thư ký giả Dan Rather gởi các nhân viên y tế (Nhã Duy chuyển dịch)

Lời giới thiệu của người dịch: Dan Rather là nhà bình luận kỳ cựu trên hệ thống CBS và là một ký giả tên tuổi của làng truyền thông Hoa Kỳ trong nhiều thập niên. Cùng với Peter Jennings của ABC và Tom Brokaw của NBC, ông thuộc về nhóm "Big Three" đầy ảnh hưởng này của nước Mỹ. Ở tuổi 89 hiện nay, ông vẫn tiếp tục dự phần vào các hoạt động truyền thông một cách thông tuệ, luôn gởi ra những thông điệp đáng suy nghĩ và lan truyền cảm hứng đến hàng triệu khán-thính-độc giả đang luôn theo dõi các bài viết, những cuộc nói chuyện cùng các cuộc phỏng vấn, trò chuyện của ông với một vài nhân vật nổi tiếng.

Xin giới thiệu lá thư rất chân thành mới nhất của ký giả Dan Rather gởi đến các nhân viên y tế, nhưng chắc chắn cũng gây nên những suy nghĩ cho nhiều người nói chung. (Nhã Duy)

Các bạn nhân viên y tế Hoa Kỳ thân mến!

Thay mặt cho quốc gia của chúng ta, tôi xin lỗi các bạn. Tôi rất tiếc là chúng ta phải ở trong tình trạng đại dịch vẫn còn đang hoành hành hiện tại, trong khi lại có sẵn các loại vaccine miễn phí rất hiệu nghiệm.

Tôi xin lỗi là các trung tâm ICU và phòng cấp cứu nằm đầy những người lẽ ra không cần phải vướng bệnh như vậy. Tôi xin lỗi vì sự ích kỷ, vô tri và cao ngạo đã làm cuộc khủng hoảng này thêm trầm trọng và các bạn đã phải chịu gánh nặng của những cuộc tranh giành giữa sự sống và cái chết, hối hả qua lại các giường bịnh. Tôi rất tiếc vì có những vị dân cử đã cố lấy điểm chính trị bằng cách tung ra những câu chuyện phản khoa học dựa trên những dối trá chung quanh loại virus này, quanh vaccine và các phương pháp điều trị không có thật, đồng thời tấn công cả uy tín và sự phục vụ của các bạn. Thật đáng xấu hổ. Tôi xin lỗi vì các bạn đã bị sách nhiễu bằng lời nói và thậm chí cả thể chất trong khi các bạn đã đặt cược tính mạng mình cùng của cả gia đình.

Tôi còn nhớ vào những ngày đầu tiên của đại dịch khi chúng ta tụ tập hàng đêm tại New York để tán dương sự hy sinh của các bạn. Trong những ngày đó, chưa có thuốc chủng ngừa, chưa có kỳ vọng sẽ sớm có bất kỳ sự bảo vệ nào. Vậy mà ngày qua ngày, các bạn đã lao vào cuộc chiến, đã cố gắng cứu sống bao sinh mạng. Nó vẫn hiển hiện như mới hôm qua. Qua bao nhiêu dâu bể, có người còn giữ hy vọng, nhiều người đã quá nhụt chí.

Thứ Ba, 17 tháng 8, 2021

Nhã Duy: Hòa ước Doha và cuộc sụp đổ báo trước của Kabul

Cuối cùng thì kết cục của một cuộc chiến dài nhất mà Mỹ từng can dự và đã từng được dự đoán từ nhiều năm qua cũng đã xảy ra: Kabul thất thủ và quân Taliban đã kiểm soát được Afghanistan để thành lập một tân chính phủ.

Sau vụ khủng bố 9/11 năm 2001, khi tổng thống George W. Bush ra lệnh đưa quân vào Afghanistan trong cuộc chiến chống khủng bố mà Afghanistan đã được trùm khủng bố Bin Laden chọn làm căn cứ huấn luyện và trú ẩn, hầu như cuộc chiến đã được đa số dân Mỹ cùng các chính khách cả lưỡng đảng ủng hộ.

Nhưng rồi cuộc chiến đằng đẵng 20 năm, qua bốn đời tổng thống - hai Cộng Hòa hai Dân Chủ, đã làm Hoa Kỳ và người dân Mỹ mệt mỏi với những thiệt hại nhân mạng và phí tổn chiến tranh hơn 2,000 tỉ đô la, gấp đôi kế hoạch tái thiết cấu trúc hạ tầng nước Mỹ vừa được thông qua, trong khi chẳng có lối thoát nào khả dĩ trong tương lai nếu vẫn còn kéo dài. Sớm hay muộn nó phải cần chấm dứt. Và hôm nay nó đã chấm dứt.

Quyết định của tổng thống Joe Biden rút quân khỏi Afghanistan không phải là việc bỏ rơi Afghanistan mà đúng ra, ông chỉ là người cuối cùng dứt khoát thực hiện những kế hoạch chưa thực hiện được của các tổng thống tiền nhiệm, dựa trên lợi ích của nước Mỹ.

Tổng thống Barack Obama đã có ý định rút quân ra khỏi Afghanistan trong các nhiệm kỳ của ông. Năm 2011, đúng 10 năm sau vụ khủng bố 9/11 và Bin Laden đã bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt trên đất Pakistan, công luận Mỹ đã xem sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Afghanistan là không còn cần thiết. TT Obama đã đưa lộ trình rút quân khỏi Afghanistan cho đến năm 2014, rồi Hè 2016. Các cuộc tấn công của quân Taliban đã trì hoãn kế hoạch của TT Obama vì các cố vấn của ông e ngại chính phủ Afghanistan sẽ không đủ sức chống cự. Khi ông rời nhiệm sở thì quân đội Mỹ còn giữ khoảng 8,400 lính Mỹ, chủ yếu làm nhiệm vụ cố vấn, huấn luyện và tình báo.

Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

Nhã Duy: Đây, lẽ phải là quan trọng

Một ngày tháng Bảy năm 2019, Trung Tá Giám Đốc Cơ Quan Âu Châu Sự Vụ thuộc ban Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ là Alexander Vindman bước vào phòng em trai sinh đôi của mình là Trung Tá Luật Sư Eugene Vindman cũng thuộc ban an ninh quốc gia. Anh đóng cửa văn phòng rồi nói nhỏ với em trai, "Eugene, nếu những gì anh đã nghe mà được công bố, tổng thống sẽ bị truất phế".

Là một trong những cố vấn ban an ninh quốc gia và là người gốc Ukraine, Trung Tá Vindman là chuyên gia cố vấn và đã hiện diện trong cuộc điện đàm giữa Tổng Thống Donald Trump với Tổng Thống Ukraine là Volodymyr Zelensky vào ngày 25 tháng Bảy năm 2019. Trong cuộc trò chuyện này, Trump đã lạnh lùng áp lực Zelensky phải điều tra cha con Phó Tổng thống Joe Biden để nhận được viện trợ và được mời sang Bạch Ốc. Dù đó là một điều vô cùng cấp thiết với quốc gia cùng uy tín cho một tân tổng thống trẻ đang đối diện với sự đe dọa của Nga, Zelensky đã khôn khéo và im lặng từ chối vì không muốn trở thành một quân cờ can dự vào chính trường Hoa Kỳ.

Điều Trump áp lực Zelensky đã đi ngược lại chính sách và quyền lợi quốc gia Hoa Kỳ tại Châu Âu, cũng như có dấu hiệu lạm quyền khi yêu cầu quốc gia khác can dự vào vấn đề chính trị và nền an ninh quốc gia. Đó là một tội phản quốc. Donald Trump cùng các thuộc cấp của mình hiểu rõ điều này nhưng Trump vẫn tự tin rằng, trong số những thuộc cấp bao quanh mình, nỗi sợ hãi hay lòng trung thành sẽ buộc họ phải im lặng.

Nhưng điều này không đúng với Trung Tá Alexander Vindman. Dù đó là thử thách một đời người, là sự nguy hiểm cùng rủi ro đánh đổi cả sự nghiệp mà Vindman đã gầy dựng và cống hiến cho quốc gia thứ hai của mình trong nhiều năm trời.

Thứ Ba, 20 tháng 7, 2021

Nhã Duy: Tại sao thuốc chủng ngừa Covid ra đời nhanh chóng?

Khi tình hình Covid-19 tại Việt Nam nói riêng diễn ra với những chiều hướng gia tăng đáng lo ngại hiện nay, hầu như các tin tức và dư luận của công chúng đều tập trung vào việc bao giờ người dân được chủng ngừa và với loại thuốc chủng ngừa nào? Bởi thuốc ngừa Covid được xem là chiếc phao cứu sinh trong cơn đại dịch hiện nay.

Điều này đã tạo ra câu hỏi và tranh luận đó đây rằng, tại sao và nhờ ai mà thuốc chủng ngừa được ra đời nhanh chóng như vậy? Donald Trump từng đăng đàn nhận công về phần mình và được những người ủng hộ mình lặp lại. Nhân việc này, thử nhìn nhận lại chiến dịch vaccine thần tốc "Operation Warp Speed" (OWS) của chính phủ Donald Trump ra sao?

Với kỹ thuật mRNA hay các kỹ thuật khác đã được nghiên cứu từ hàng chục năm qua trong việc đi tìm thuốc chữa trị ung thư hay các dịch bệnh khác, hàng chục tập đoàn dược phẩm thế giới đã lập tức chuyển ngay sang cuộc nghiên cứu và thử nghiệm thuốc ngừa Covid ngay khi đại dịch bắt đầu. Không chỉ là nhu cầu cấp bách của việc tạo ra thuốc ngừa, mà đây còn là cơ hội cạnh tranh thương mại bởi bất cứ hãng nào cho ra thuốc ngừa đầu tiên cũng đồng nghĩa với sự thành công to lớn về tài chính.

Theo các công bố từ hai hãng Pfizer và BioNTech, hãng BioNTech của Đức đã bắt đầu nghiên cứu vaccine vào ngày 10 tháng 1 năm 2020 và chi phí nghiên cứu phát triển vaccine vào khoảng một tỉ đô la sau khi hai hãng cùng hợp tác. Cũng vậy, hãng Moderna thông báo đã nghiên cứu vaccine của mình ngay trong tháng Một năm 2020.

Đây là giai đoạn mà Donald Trump đã liên tục chối bỏ đại dịch, ngay từ đầu đã phủ nhận sự hiện hữu của Covid và xem nó như "cúm mùa" hay đòn phép chính trị của phía Dân Chủ. Ông ta lặp lại rất nhiều lần rằng Covid sẽ tự biến mất như "phép lạ", đến tháng Tư (năm 2020) sẽ tự hết. Con rể Trump là Jared Kushner, thành viên chủ chốt của ban chống dịch quốc gia cũng lặp lại lời cha vợ mình khi bảo đến tháng Bảy thì nước Mỹ sẽ lại mở tiệc, mọi hoạt động sẽ bình thường trở lại.

Thứ Năm, 8 tháng 7, 2021

Nhã Duy: Truy tố tập đoàn Trump là một vụ án chính trị?

Trong cuộc tụ tập cuối tuần qua tại Florida, Donald Trump đã vô tình thừa nhận các cáo buộc của văn phòng biện lý Manhattan với giám đốc tài chính (CFO) và tập đoàn của mình khi phát biểu rằng, các quyền lợi bên lề (fringe benefit) là bình thường, hãng nào cũng áp dụng nên cuộc truy tố của New York vào tập đoàn của ông ta mang mục đích chính trị. Đó cũng là điều mà hầu hết người ủng hộ Trump đã tin và lặp lại.

Vậy thử tìm hiểu các cáo buộc trong vụ truy tố này thật sự dựa vào các điều gì và có phải là một "vụ án chính trị" hay không?

Đầu tiên có thể nói sơ qua về "fringe benefit" - quyền lợi bên lề theo sở thuế vụ IRS là gì. Ngoài các quyền lợi chính cho nhân viên như bảo hiểm y tế, ngày phép, ngày bệnh..., một số hãng còn giúp trả học phí cho nhân viên, cung cấp xe, điện thoại của hãng, trợ giúp giữ trẻ, cho mua hàng hay dịch vụ giảm giá, ăn uống miễn phí... Đó là một số quyền lợi bên lề hợp pháp và miễn thuế, đúng theo luật của IRS.

New York đã truy tố tập đoàn Trump cùng CFO Allen Weisselberg là gian lận và trốn thuế chứ không liên quan đến "quyền lợi bên lề". Với Allen, tập đoàn đã mua xe Mercedes riêng cho vợ ông ta, trả tiền học cho cháu ngoại/nội, trả tiền mua sắm vật dụng nội thất, tân trang nhà cửa cho con cái ông, cung cấp cho ông chung cư sang trọng miễn phí...

Hơn nữa, các bằng chứng còn cho thấy ông được cung cấp một khoản tiền mặt xài riêng, được trả một phần lương bằng tiền mặt và lương theo mẫu 1099 như nhân viên độc lập (self-employment) thay vì chỉ W2 trong tư cách nhân viên chính thức, nhằm có thể khấu trừ và trốn thuế thu nhập. Tất cả những điều kể trên lẽ ra Allen và tập đoàn Trump cần phải khai báo như thu nhập để đóng thuế. Allen còn bị cáo buộc một tội danh trốn thuế thành phố khi khai gian tình trạng cư trú, dù sống và làm việc ngay trung tâm New York nhưng đã khai không phải cư dân của New York City. Đó là một vài cáo buộc trong tổng cộng 15 tội danh mà CFO Allen Weisselberg đã bị truy tố.

Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021

Nhã Duy: Ngày truyền thông xã hội - Giới thiệu một hoạt động truyền thông Việt ngữ tích cực khác

Ngày 30 tháng Sáu này là ngày Truyền Thông Mạng Xã Hội Thế Giới (World Social Media Day) hàng năm. Từ những ngày truyền thông thế giới còn sử dụng những phương tiện truyền thống để truyền tải và cung cấp tin tức, mạng xã hội ra đời là một cuộc cách mạng to lớn trong ngành truyền thông nói riêng. Các mạng xã hội ra đời trong mục đích nối kết người thân, bạn bè ban đầu đã nhanh chóng trở thành một nền tảng kỹ thuật và phương tiện truyền thông quyền năng và hữu hiệu hiện nay.
Các số liệu mới nhất từ DataReportal cho biết hiện có khoảng 4.3 tỉ người sử dụng mạng xã hội, chiếm khoảng hơn 55 % dân số thế giới. Sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội cùng sự gia tăng người sử dụng là một môi trường thuận lợi và đầy tiện dụng cho cả hai bên: cho giới truyền thông lẫn các khán-thính-độc giả. Nó cũng tạo ra cơ hội để những người dân thường có thể trở thành một "nhà báo công dân", theo ý nghĩa người và nguồn thông tin được ghi nhận theo trực giác, hơn là ý niệm, trách nhiệm và kỹ năng nghề nghiệp.

Việc này đã lộ ra những viên ngọc quý, với một số trí thức, các nhà hoạt động và một giới trẻ tài năng, thích hợp trong vai trò truyền thông. Đồng thời nó cũng dẫn đến một vấn nạn to lớn mà nước Mỹ cùng thế giới đã đối diện trong vài năm qua: nạn tin giả và những điều phi lý, bịa đặt có mục đích. Chúng được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Những người sử dụng mạng xã hội thiếu thời gian và kỹ năng kiểm chứng, cả tin vào những điều phù hợp với niềm tin, chính kiến của mình nên đã dễ dàng tiếp tay cho nạn tin giả lan tràn.

Cộng đồng mạng người Việt không là ngoại lệ hay có phần hỗn loạn, mất kiểm soát hơn. Một số cá nhân và kênh tiếng Việt mà nếu những ai từng thử xem qua sẽ nhận thấy ngay rằng, từ các nguồn tin tức, bình luận phi lý, bịa đặt, phản khoa học cho đến khả năng, tư cách người trình bày đều nằm dưới những tiêu chuẩn đạo đức lẫn hành xử trong xã hội văn minh thông thường, chưa kể đến các chuẩn mực truyền thông căn bản. Nhưng đáng tiếc chúng lại trở thành những kênh "đắt khách", có hàng chục ngàn người theo dõi hay tiếp tay phát tán tin giả. Đơn giản là chúng đáp ứng được cảm xúc người xem, bất chấp sự thật, sự đúng sai.

Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2021

Nhã Duy: Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ xác nhận không bỏ phiếu cấm Tổng thống Joe Biden rước lễ

Chỉ vài ngày sau nghị hội đưa ra quyết định gây sự chú ý và tranh cãi của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (USCCB), được cho là dường như để cấm Tống Thống Joe Biden và các chính khách Công Giáo cấp tiến không được phép rước lễ, Hội Đồng đã lập tức đưa ra lời đính chính về điều này, trong đó bản công bố mới ghi rõ là "không mang tính chất kỷ luật cũng như nhắm vào bất cứ một cá nhân hay giới nào". (*)

Là một tổng thống Công Giáo thứ nhì và là người được đánh giá là một trong những chính khách ngoan đạo nhất từ trước nay, giáo luật tôn giáo đã là một vũ khí của phía đảng Cộng Hòa cùng những người Ky-tô giáo ủng hộ Donald Trump để chống lại tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Tuy nhiên theo thăm dò hậu bầu cử từ Edison Research, ngoại trừ cử tri Tin Lành đã bỏ phiếu áp đảo cho Donald Trump trong khi tỉ lệ ủng hộ của cử tri Công Giáo đã nghiêng hẳn về tổng thống Biden với tỉ lệ 52 % so với 47 % bỏ phiếu cho Donald Trump. (**)

Cuộc bỏ phiếu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nhằm tiến đến việc soạn thảo một văn kiện chính thức về các bí tích thánh thể đã gặp sự phản đối của chính nội bộ các giám mục Hoa Kỳ. Đã có 55 Giám Mục bỏ phiếu chống và 6 vị bỏ phiếu trắng. Nó cũng đã thu hút sự chú ý của công luận chung và sự phản đối của người Công Giáo cấp tiến nói riêng, cùng giới truyền thông với các tranh cãi nặng nề.

Đức Giáo Hoàng Francis đã không đưa ra bất cứ tuyên bố chính thức nào theo sau cuộc bỏ phiếu của USCCB, tuy nhiên sự lên tiếng từ các chức sắc tôn giáo thân cận và cố vấn của giáo hoàng đã cho thấy ý định của Vatican khi các ngài cảnh báo rằng, Hội Đồng Giám Mục HK không thể vũ khí hóa bí tích thánh thể.

Các ý kiến cá nhân cho đến những bài bình luận của giới truyền thông đã không ngần ngại sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ để chỉ trích động thái của Hội Đồng Giám Mục HK là "gây phương hại cho chính giáo hội Công Giáo" hay "đạo đức giả" (hypocrite). Nhóm Công Giáo Catholics for Choice còn cho là "lố bịch và đáng chỉ trích" (grotesque and reprehensible).

Thứ Ba, 18 tháng 5, 2021

Nhã Duy: Xung đột Do Thái và Palestine, cuộc chiến và lý lẽ kẻ mạnh

Vài ngày qua trên mạng có lan truyền một bài viết về vấn đề lịch sử tại dải Gaza trước cuộc chiến giữa Palestine và Do Thái hiện nay. Bài viết trích câu nói rằng, "hãy đi tìm lịch sử bởi chỉ có lịch sử mới đi kể cho bạn về nguồn gốc của vấn đề", cũng như kết luận rằng "Tôi chỉ là người kể lại lịch sử, để bạn biết căn nguyên vấn đề vì sao có súng nổ, chứ không phải để phán xét". Bài viết khá chi tiết và tóm lược một số cột mốc lịch sử của vùng đất giao tranh này.

Nhưng rất tiếc, như một vài ký giả nước ngoài viết về cuộc chiến Việt Nam chỉ dựa vào các tài liệu của "bên thắng cuộc", lịch sử dường như nghiêng về một chiều hay có những điều chưa chính xác. Tỏ như trung dung và chỉ dựa vào các sự kiện lịch sử nhưng bài viết đã cho cảm giác tổ chức Hamas của Palestine như một nhóm khủng bố với "hơn 1,000 rocket bắn về Do Thái" và người Do Thái là "những con người cầm chắc tay súng để bảo vệ vùng đất tổ tiên" đã có từ 3,000 năm trước. Có phải vậy không?

Trước khi quay lại đôi nét sơ lược lịch sử của dải đất Gaza này, nhắc đến bài viết trên vì cuộc chiến giữa Palestine và Do Thái hiện nay đã xuất hiện khá nhiều thông tin sai trái và ngụy tạo hay dẫn dắt công luận. Nó xuất hiện ngay từ chính phủ và quân đội Do Thái.

Vài ngày trước, phát ngôn viên của Thủ Tướng Do Thái Benjamin Netanyahu là Ofir Gendelman đã tung lên một video chiếu cảnh quân Hamas phóng rocket về khu dân cư Do Thái, cáo buộc nhóm này đang thực hiện một "tội ác chiến tranh khủng khiếp" nhằm giành lấy chính nghĩa và quyền "tự vệ chính đáng" của mình. Đáng tiếc là clip phim này được phát hiện là lấy trên YouTube và đã có từ hơn hai năm trước, lấy cảnh giao tranh đâu đó tại Syria. Sau khi bị phát hiện, clip này đã bị xóa. Ofir Gendelman còn chia sẻ một clip khác từ Tik-Tok về tình trạng hiện nay nhưng thật ra nó đã có từ tháng Ba và không liên quan gì đến Hamas.

Không những vậy, Lực lượng Phòng vệ Do Thái IDF vừa lừa cả truyền thông thế giới một cú ngoạn mục khác khi khuya hôm qua họ nhắn tin và xác nhận là quân đội Do Thái tiến quân vào dải Gaza. Sau khi hầu hết các hãng tin đã tung tin ra thì IDF lại gởi lời xin lỗi vì đã ... nhầm do lỗi phiên dịch, không có chuyện đưa lính vào Gaza. Lý do chính của việc này là IDF muốn sử dụng truyền thông để lừa quân Hamas chui vào các đường hầm, rồi cho hơn 150 phi cơ sang oanh tạc. Họ chỉ xin lỗi và rút lại lời sau khi thực hiện xong phi vụ.

Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

Nhã Duy: Thuyền trưởng Joe Biden, người ra khơi giữa cơn bão

Cột mốc 100 ngày của tân nội các tổng thống Joe Biden quả khó làm mỗi người xác định chính xác về ý niệm thời gian. Một mặt nó tạo phản xạ thói quen rằng, 100 ngày có vẻ như đến quá nhanh. Nhưng đồng thời nó cũng cho người ta một cảm giác ngỡ như ông đã nhậm chức từ rất lâu, khi nhìn vào biết bao nghị trình, cải đổi liên tục được đưa ra, cùng các công việc đã làm. Suy nghĩ và cảm xúc thế nào trong mỗi cá nhân, thì vâng, đã tròn 100 ngày nhậm chức của tổng thống Joe Biden để nhìn lại dăm điều.

Khi tổng thống Joe Biden bất ngờ qua mặt các ứng viên đảng Dân Chủ trong vòng bầu cử sơ bộ để trở thành ứng viên tổng thống đối đầu cùng Donald Trump, có lẽ không ít cử tri Dân Chủ đã cảm thấy phân vân và nghi ngờ về khả năng của ông, đặc biệt nơi giới trẻ và những người cấp tiến đang ủng hộ các ứng viên khác. Một nhóm cử tri khác thì ủng hộ ông chỉ vì họ muốn truất phế Trump, bất kể ai được đề cử.

Có thể tổng thống Joe Biden không phải là ứng viên sáng giá nhất của những thế hệ như tổng thống John F. Kennedy, Bill Clinton hay Barack Obama, những chính khách trẻ trung, trí tuệ và đầy sức thu hút cử tri. Nhưng trong số hàng chục ứng viên khác, ông lại là người có nhiều cơ hội đánh bại được Donald Trump. Chiến thắng của ông đã cho thấy chọn lựa chiến lược của đảng Dân Chủ là đúng đắn và thành công. Với người dân Mỹ, ít ra cũng đã cảm ơn ông vì đã giúp họ thoát khỏi nỗi ám ảnh kéo dài từ Donald Trump.

Nhưng rồi 100 ngày đầu tiên với lời nói và hành động của tổng thống Joe Biden ắt đã làm thay đổi suy nghĩ của vô số người. Bởi đó là chân dung và phẩm cách của một lãnh đạo vô cùng cần thiết cho nước Mỹ hiện nay: kinh nghiệm, bản lãnh và trách nhiệm, là một cấp lãnh đạo đặc biệt quan tâm đến lợi ích quốc gia và người dân.

Trong cuốn hồi ký "A Promise Land", tổng thống Obama đã kể lại chi tiết lý do tại sao ông đã cân nhắc chọn Joe Biden để làm phó trong liên danh của mình. Tổng thống Obama kể rằng, nếu có những cử tri còn phân vân với những người mới và trẻ như ông thì họ có thể tin vào Joe Biden, một thượng nghị sĩ với hơn 35 năm chính trường, có kinh nghiệm đối ngoại sâu rộng, một con người nghị lực và đầy quyết tâm, can cường và bền bỉ vượt lên thử thách. Và hơn hết là một con người chính trực, chân thật và yêu nước, quan tâm đến người khác. TT Obama đã không sai lầm vì đó là những phẩm hạnh thật sự của tổng thống Joe Biden mà người dân có thể thấy được hiện nay.

Thứ Năm, 22 tháng 4, 2021

Nhã Duy: Công lý và kỳ thị - Nhận thức và thực tại

Khá nhiều người đã từng bào chữa vấn đề kỳ thị tại Mỹ bằng lập luận và dẫn chứng rằng, khi tổng thống Obama đắc cử tổng thống, khi có vô số người da đen thành đạt trong nhiều lãnh vực và đạt đến các chức vụ cao, thì làm sao xem là người da đen bị kỳ thị?

Đó cũng là lý do không ít người Việt, phần lớn những người từng ủng hộ cuồng nhiệt Donald Trump đã viện dẫn mọi lý do để cho rằng không có sự kỳ thị nói chung, không có làn sóng tấn công vào người Châu Á hiện nay mà chỉ là các xách động của truyền thông nhằm chia rẽ nước Mỹ.

Mới nhất là sự lên tiếng phản đối của họ về kết quả chung cuộc vụ xét xử cựu cảnh sát viên Derek Chauvin phạm tội sát nhân. Cho dù phần lớn người dân Mỹ và thế giới xem đây là kết quả đương nhiên và cần thiết cho nền công lý nước Mỹ, mở ra hy vọng về sự thay đổi của hệ thống cảnh sát cùng sự thuyên giảm các vụ bạo hành với người da đen hay người da màu nói chung.

Những nhận thức và lý luận này có điểm gì để bàn luận?

Hãy quay lại với vấn đề của Việt Nam trước khi bàn sang vấn đề tại Hoa Kỳ. Nếu năm 2017, trong Bộ Chính Trị khóa 12 của Việt Nam có ba phụ nữ trong số 18 thành viên thì báo chí Việt Nam đã xem đây là một cuộc cách mạng, xem vai trò phụ nữ được đề cao cho dù tỉ lệ này cũng chỉ là 16%. Đến khoá 13 này, ngoài bà Trương Thị Mai còn sót lại, cả hai bà Nguyễn Thị Kim Ngân và Tòng Thị Phóng đã ra khỏi Bộ Chính Trị, đưa tỉ lệ này xuống còn khoảng 5%. Tỉ lệ thành viên chính phủ cũng chẳng chẳng khác hơn khi chỉ có hai phụ nữ trong số 28 thành viên nhưng người Việt dường như xem đây là điều bình thường, ít nhắc đến. Và liệu có thể lý luận rằng, nếu đã có phân biệt nam-nữ thì tại sao những phụ nữ này đạt đến vị trí quyền lực như vậy trong bộ chính trị hay chính phủ Việt Nam?

Thứ Ba, 13 tháng 4, 2021

Nhã Duy: Một ngày không có Mễ

(*) Bản đồ nước Mỹ với các tiểu bang màu xanh từng là lãnh thổ của Mexico trước đây.

"Một ngày không có người Mễ Tây Cơ" (A day without a Mexican) là một phim hài phát hành năm 2004, kể về sự xáo trộn của California khi cộng đồng gốc Latino, phần lớn là người Mexican bỗng một ngày kia bị biến mất. Từ trong chính trường, truyền thông, giáo dục cho đến xây dựng, nông nghiệp, chuyện chân tay, công việc đình trệ, mùa màng không thu hoạch. Đến lúc đó người dân cùng các chính khách Cali mới thấy vai trò của những người Mexican.

Người Mexican, tức Mễ Tây Cơ mà người Việt tại Mỹ quen gọi tắt là "người Mễ" hay có người còn gọi kiểu xách mé, xem thường là "dân Xì", không biết từ "Mexican" hay "Spanish" - tiếng Tây Ban Nha họ nói. Phần lớn thì cũng ít người phân biệt được nhóm này thuộc nhóm Latino- người Mỹ La Tinh hay người Mễ nói riêng, cũng tựa họ không phân biệt được các sắc dân Á Châu vậy.
<!>

Chiếm khoảng trên 11% dân số nước Mỹ và khoảng hai phần ba cộng đồng Latino, người Mễ là một cộng đồng lâu đời và khá mạnh trong nhiều lãnh vực tại Hoa Kỳ với khoảng 37 triệu dân, trong đó hơn 10 triệu người là sinh đẻ tại Mỹ.

Cộng đồng người Mễ có thể xem là một cộng đồng di dân, vừa là một cộng đồng bản địa của Hoa Kỳ. Sau cuộc chiến tranh tranh giành biên giới với Hoa Kỳ vào giai đoạn 1846-1848, bị thua trận, Mexico phải ký kết hiệp ước Guadalupe Hildago, đồng ý bán lại một phần lãnh thổ cho Hoa Kỳ vào năm 1848 và về sau. Một phần hay toàn bộ 10 tiểu bang của Mỹ hiện nay là đất của Mexico, từ Texas sang đến California, trong đó phần lớn California ngày nay từng là đất Mexico (* xem bản đồ đính kèm).

Thứ Ba, 6 tháng 4, 2021

Nhã Duy: Canh tân nước Mỹ - Một "New Deal" thế kỷ 21

Nhắc đến Tổng Thống Franklin Delano Roosevelt (1882-1945), người ta thường ghi công ông như vị tổng thống Hoa Kỳ đã lãnh đạo nước Mỹ và thế giới tự do dành được chiến thắng trong Đệ Nhị Thế Chiến. Nhưng một nghị sự đối nội quan trọng khác của ông phải kể đến là chương trình tái thiết nước Mỹ "New Deal" rất thành công. Đó là lý do không phải ngẫu nhiên mà ông được xem là một tổng thống cận đại vĩ đại nhất của Hoa Kỳ, chỉ thua sau Tổng Thống George Washington thời lập quốc và Abraham Lincoln của thời nội chiến Hoa Kỳ.

Thuộc đảng Dân Chủ, Tổng Thống Roosevelt là tổng thống Mỹ duy nhất đắc cử bốn nhiệm kỳ, trước khi Quốc Hội thông qua Tu Chính Án 22 chỉ còn tối đa là hai nhiệm kỳ như hiện nay vào năm 1947. Nhậm chức ngay giai đoạn Đại Khủng Hoảng (Great Depression) vào năm 1933 với tỉ lệ thất nghiệp lên đến 25%, trọng trách và tài năng của ông là phải vực dậy nền kinh tế Hoa Kỳ lúc bấy giờ với bất cứ giá nào. Kế hoạch tái thiết nước Mỹ qua các chương trình xây dựng cấu trúc hạ tầng và tạo công ăn việc làm cho người dân với tên gọi "New Deal" ra đời theo mục tiêu này.

Đây là chương trình liên bang nhằm cải tổ hệ thống tài chính để tránh tái diễn sự sụp đổ của thị trường chứng khoán vào năm 1929 rồi dẫn đến cuộc đại khủng hoảng, cũng như tái thiết hệ thống công chánh, xây dựng thêm hàng chục ngàn công trình công cộng, năng lượng, y tế, giáo dục, nghệ thuật, công viên... tại các thành phố lớn nhỏ khắp nước Mỹ.

"New Deal" không chỉ giải quyết công ăn việc làm trước mắt cho người dân thời kỳ hậu khủng hoảng thập niên 30s mà còn để lại cho các thế hệ sau này nhiều công trình giá trị, có thể nhiều người không chú ý là đã được xây dưới thời Tổng Thống Roosevelt.

Nên có thể kể ra một vài công trình và kiến trúc công cộng quen thuộc và nổi tiếng của Mỹ trong vô số công trình khác thuộc "New Deal" như phi trường LaGuardia tại New York, cầu Golden Gate tại San Francisco, phố Riverwalk tại San Antonio, đập Hoover Dam tại vùng ven Las Vegas, cụm kiến trúc Griffith Observatory tại Los Angeles... mà người dân vẫn còn đang sử dụng hiện nay.

Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Nhã Duy: Việt-Trump, tâm lý mâu thuẫn và xung đột

Nếu những cuộc tuần hành ủng hộ Donald Trump từng nổ ra với cờ xí ồn ào và liên tục trước kia trong cộng đồng người gốc Việt ở Mỹ, thì hầu như các tổ chức cộng đồng đều im bặt hay gượng gạo lên tiếng trước nạn tấn công vào người gốc Á châu hiện nay, ngoại trừ một nhóm nhỏ các cá nhân và tổ chức cấp tiến người Việt lên tiếng.

Các bản tin về các cuộc tuần hành hay thắp nến bày tỏ thái độ chống lại nạn kỳ thị và bạo lực nhắm vào người gốc Á, trong đó người Việt cũng là nạn nhân, cho thấy chỉ có một số nhỏ người gốc Việt tham gia. Nếu những cá nhân, cơ quan truyền thông Việt từng ủng hộ Trump cuồng nhiệt, liên tục đăng hình ảnh, tin tức ủng hộ Trump trước kia, thì hiện nay có vẻ họ né tránh sự việc này, một phần vì công luận cho rằng Trump là nguyên nhân.

Cộng đồng người gốc Việt ủng hộ Trump (gọi vắn tắt là Việt-Trump) ở Mỹ, dường như luôn đứng bên lề, hay đúng hơn là luôn đi ngược lại với xã hội Mỹ mà họ đang sống. Cộng đồng này vốn là một cộng đồng tự mâu thuẫn trong nhiều vấn đề. Là những người di dân, họ chống đối người di dân. Là người thiểu số, họ kỳ thị các sắc dân thiểu số khác. Là người phụ thuộc vào các chính sách dân sinh lâu đời của đảng Dân Chủ, họ chống đối đảng Dân Chủ. Là sắc dân nghèo, họ ủng hộ các chính sách dành cho người giàu. Là nhóm bị kỳ thị, họ ủng hộ những nhóm kỳ thị. Nhóm nhỏ có học vấn và thành đạt hơn thì ích kỷ, không muốn san sẻ những gì họ từng được giúp đỡ trước đây để có được hôm nay. Có thể kể thêm vô số điều khác nếu cần phải kể thêm.

Đó là lý do trong khi các cộng đồng thiểu số, kể cả người Mỹ bản xứ đã phản đối và truất phế Donald Trump, cũng như tỉ lệ người dân đồng thuận với tổng thống Joe Biden tăng cao thì trong cộng đồng Việt, nhiều người vẫn còn đang hoang tưởng về Trump và tiếp tục phản đối vô cớ tổng thống Joe Biden cùng hệ thống nước Mỹ, dù chỉ là những lời lẽ bất nhã hay một số câu chuyện tiểu tiết trên mạng xã hội.

Hãy thử phân tích hiện tượng này qua những xung đột tâm lý của nhóm người Việt này với ba yếu tố mâu thuẫn và xung đột nội tại, cộng đồng và vô thức ra sao.