Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhân vật. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhân vật. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

Nguyễn Hưng Quốc: Bạn Văn (2) - Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trong những người cầm bút nổi tiếng trước năm 1975, hai người đầu tiên tôi thân là Mai Thảo và Nguyễn Mộng Giác. Thân hầu như ngay tức khắc khi tôi gửi bài cho VănVăn Học. Nhận được bài, bao giờ anh Giác cũng viết thư khen ngợi. Tôi xem anh và Mai Thảo như những tri âm thứ nhất của mỗi bài mình viết. Tháng 3, 1989, tôi mới gặp Nguyễn Mộng Giác trong một cuộc hội nghị văn học ở Chicago. Gặp nhau, có cảm tưởng như đã thân thiết từ bao giờ. Chuyện trò miên man không dứt. Sau đó, anh Giác rủ tôi về California chơi. Tôi ở nhà anh mấy ngày. Lại chuyện trò. Đêm nào cũng chuyện trò đến khuy lơ khuya lắc. Năm sau, anh Giác sang Pháp. Anh ở nhà chị Thuỵ Khuê nhưng vẫn gặp tôi khá thường xuyên. Lại vẫn chuyện trò. Từ những buổi chuyện trò ấy, tôi nhận ra các cuộc đàm thoại của giới cầm bút ít nhiều tâm đắc với nhau có hai đặc điểm nổi bật: Một là, cuộc chuyện trò, dù là lần đầu tiên, cũng là một sự tiếp tục những cuộc chuyện trò dở dang đâu đó, từ trước. Không có những giây phút lúng túng gợi chuyện, hỏi han những chuyện tào lao trời ơi đất hỡi. Về vợ con. Về mưa nắng. Hai là, đề tài phổ biến nhất bao giờ cũng giống nhau: văn học. Không có gì khác. Không về tác giả thì cũng về tác phẩm. Không về vấn đề thì cũng về sự kiện. Không vui thì buồn. Nhưng chúng chỉ là một. Riêng với Nguyễn Mộng Giác, các cuộc chuyện trò về văn học bao giờ cũng để lại cho tôi thật nhiều ấn tượng tốt đẹp. Anh đã bắt đầu cầm bút trước năm 1975 nên biết khá nhiều chuyện về văn học miền Nam thời ấy. Sau năm 1975, ở lại Sài Gòn, anh có dịp tiếp xúc với một số người cầm bút mới từ Hà Nội vào nên cũng biết ít nhiều tình hình văn học miền Bắc. Ở Mỹ, anh cộng tác chặt chẽ với tờ Văn Học Nghệ Thuật của Võ Phiến, rồi sau đó, làm chủ bút tờ Văn Học, nên biết rất nhiều về sinh hoạt văn học hải ngoại. Anh có trí nhớ tốt. Óc phân tích cũng tốt. Cách nói năng mạch lạc. Lại có chút dí dỏm và biết lắng nghe. Nên nói chuyện với anh rất thích.


Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

Ngô Thế Vinh: In Retrospect, Nguyễn Văn Trung nhìn lại

GS Nguyễn Văn Trung, Đại học Văn Khoa Sài Gòn 1969. [nguồn: album gia đình Nguyễn Quốc Linh]

GS Nguyễn Văn Trung, Đại học Văn Khoa Sài Gòn 1969. [nguồn: album gia đình Nguyễn Quốc Linh]


Một hành trình trí thức lận đận

“… những cố gắng suy nghĩ của một người vẫn ước muốn tự đặt cho mình một kỷ luật đồng thời cũng là một lý tưởng là phải tìm kiếm không ngừng, bằng cách tự phủ nhận, bất mãn với quãng đường mình vừa qua và cứ như thế mãi mãi…” [Cùng bạn độc giả, Lược Khảo Văn Học I] [1] 


Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

Nguyễn Đức Tùng: Trần Quang Quý, Ta Lẻ Loi Đơn Chiếc Biết Nhường Nào

Thơ hôm nay không viết về đời sống, nó viết về cái thiếu của đời sống. Cũng vậy, nhà thơ không đi tìm giải thoát ra khỏi khổ đau, họ đi xuyên qua, sống với, những đau khổ, vì chúng làm nên tâm hồn chúng ta bây giờ. Không phải sự thật nào cũng đẹp, không phải chúng ta làm điều gì cũng đúng, đôi khi trái lại. Nhưng chúng ta làm, như thể đó là con đường, và không hối hận về sau. Con người không nắm giữ tương lai trong tay mình, không biết được tình yêu nào chờ ta cuối ngày. Nhưng khi một khoảng khắc tới, bạn lập tức nhìn ra nó, như khuôn mặt trong gương. Lúc ấy, Trần Quang Quý (1955- 2022) trở nên đằm thắm:


Trong nỗi đau tôi

Đêm nay bạn đến

Không hoa

Không rượu

Ánh mắt thẳm nỗi người

Tôi tin cậy nắm bàn tay im lặng

Nỗi riêng tôi

Hình như lặn bớt vào tim bạn

Hình như sự im lặng của bạn

Ngọn lửa không màu nhóm lại trái tim tôi


Nhận thức về sự thật, công bằng, bất công, chưa chắc đã làm thay đổi hiện thực, nhưng làm bạn sống thành thật, cao quý hơn. Nỗi buồn trong thơ hôm nay làm chúng ta thức tỉnh, biết tập trung chú ý, tăng cường sự tỉnh thức. Từ trong sự tỉnh thức ấy, tương lai tìm thấy hướng đi của nó. Đó là lúc con người rời bỏ, cắt đứt một niềm tin, thách thức một số phận. Đó là lúc chúng ta bắt đầu khung cảnh mới, chọn lấy thời gian của chúng ta, chọn lấy tình yêu. 


Cúi xuống là đất

đất ken kín vết người

trong thẳm sâu bóng tối

Ngẩng lên là khoảng rỗng

nhưng sẽ thấy bầu trời


Lê Chiều Giang: Nguyễn Đình Toàn - Mưa Hà Nội

NguyễnĐToàn/LêCGiang 10/21

“...Mổ trái tim.

Xem:

Không gì trong đó

Mở đôi bàn tay

Những thứ chẳng còn…”

[ LCG ]


Mưa rơi trong màn hình laptop, tôi thèm nghe tiếng mưa. Đêm nay.

Mưa Cali hiếm hoi, cứ như chẳng bao giờ muốn có.

Nhưng dù đã cố gắng cách mấy, tôi vẫn không thể nhận ra cái rì rào ướt át, chút rét mướt của gió đêm, qua những giọt “mưa giả”, ” mưa máy móc”, “ mưa trong computer”.


Tôi mong, tôi ước ao tìm cho ra cái sướt mướt của anh Nguyễn Đình Toàn, nỗi nhung

nhớ về những đêm mưa Hà Nội, dù là đêm mưa nho nhỏ, mưa bão bùng, hay mưa dầm suốt hết cả đêm thâu.

Có ai tìm ra “mưa” của những năm xưa Hà Nội trong một Saigon vừa bước đến, một Saigon còn lạ xa? Saigon không ấp ủ những cơn mưa mơ màng tuổi mới lớn, khi Anh Toàn bỏ Hà Nội ra đi.

Mưa Saigon xầm xập, chấp chới trong ánh sáng kinh đô. Mưa ào ào, mưa bạt mạng như tiếng reo vui giữa lòng thành phố với trăm ngàn ánh đèn rực rỡ, yêu kiều.


Mưa Saigon chỉ đủ cho Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo… xót xa, tiếc nhớ thêm về những dấu yêu xưa, những kỷ niệm cũ thời sống với Hà Nội.

_________


Nhưng Saigon là của tôi, nơi sanh ra, ngày mới lớn.

Saigon những chiều Thứ Năm. Thoáng trong gió xa xăm có tiếng nói của Nguyễn Đình Toàn dặt dìu, ấm áp như thơ. Âm vang nhẹ rơi trong chút mơ màng của nắng chiều sắp tắt.

Saigon Thứ Năm, bàng bạc văn chương Nguyễn Đình Toàn với “Nhạc Chủ Đề”.

Nhạc như hương thơm rải trong lòng thanh thoát. Chúng tôi, những cô học trò nhỏ, đã thả hồn mơ theo mưa chiều, nắng sớm. Mắt nồng nàn đếm những chiếc lá vàng lao xao rơi rụng trước sân trường.

Saigon mưa vui, nắng hắt. Saigon líu lo.

Saigon. Chết.


Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2022

Song Thao: Ông Văn Nghệ

Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc gọi ông là “Ông Bụt Sách”. Tôi gọi ông Thành Tôn là “Ông Đạo Sách”. Hai ông nhân tình của sách này bị cột chặt vào nhau từ kiếp nào không biết. Kiếp này họ bên cạnh nhau từ ngày còn ở trong nước tới khi ra hải ngoại. Chuyện dây dưa này tôi sẽ nói sau.

Ông Võ Thắng Tiết

“Ông Văn Nghệ” tôi nói tới đây là Đại Đức Từ Mẫn hay ông Võ Thắng Tiết. Muốn gọi thế nào cũng được. Lần đầu gặp ông tại Quận Cam, tôi gọi ông bằng “thầy”, ông nhỏ nhẹ vào tai tôi: “Đừng gọi tôi bằng thầy!”. 


Thực ra ông đã từng là thầy. Ông đi tu từ năm 13 tuổi. Khi đó ông đang theo học tại trường Thạnh Mỹ Lợi ở Giồng Ông Tố, Gia Định. Rồi trường bị Nhật bỏ bom tan nát. Ông phải nghỉ học đi chăn trâu. Một bữa ông đang ở ngoài đồng thì cha ông gọi về đưa lên chùa tu. Thế là ông đi tu tuy ông là con trai độc nhất. Ba người kia đều là gái. Ông rất ham mê đọc sách tuy vẫn không trễ nải việc kinh kệ.


Cơ duyên với sách đến với ông vào đầu năm 1964. Năm đó, phu nhân bác sĩ Hiệu, một nữ Phật tử thuần thành, muốn cúng dường cho vài thầy ở Sài Gòn một số tiền. Số tiền này là tiền bà bán một căn villa khá lớn ở khu cư xá Lữ Gia, Sài Gòn, sau khi chồng mất, để qua định cư tại Mỹ với con trai. Con trai bà cũng là một bác sĩ tại Mỹ căn dặn bà không mang tiền bán nhà theo mà hiến tặng cho các cơ quan từ thiện. Số tiền bán được khá bộn. Bà tặng cho thầy Nhất Hạnh 35 ngàn, một số tiền được coi là rất lớn vào thời điểm đó. Thầy Nhất Hạnh họp với một số thầy để bàn coi sẽ sử dụng số tiền này như thế nào. Họ quyết định lập một nhà xuất bản mang tên Lá Bối. Thầy Thanh Tuệ được chọn phụ trách nhà xuất bản này. Thầy Thanh Tuệ sống rất đơn giản. Thú vui của thầy là sách và giao du với giới văn nghệ sĩ. Nói tới thầy Thanh Tuệ, thầy Từ Mẫn cho biết : “Thầy là một tu sĩ nhưng cũng còn là một nghệ sĩ nữa”. Thầy thân thiết với Bùi Giáng, Phạm Công Thiện và đam mê sách của nhà sách Xuân Thu. Nhà sách Xuân Thu trước đó mang tên Albert Portail, chuyên nhập cảng sách báo ngoại quốc. Thầy Thanh Tuệ mê sách tới độ mỗi khi nhìn thấy một cuốn sách ngoại quốc trình bày đẹp hay lạ mắt, in trên giấy tốt, là nhắm mắt mua dù giá cả ra sao. Thầy mang sách về săm soi một cách thích thú.


Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2022

Ngô Thế Vinh: Việt Nam -- Những Ngày Trở Lại Của Cựu Chiến Binh Eric Henry

 Lời Dẫn Nhập: Bài viết về TS Eric Henry với dự kiến ban đầu kết hợp với Chân Dung Phạm Duy. Nhưng rồi, riêng phần Phạm Duy đã dài tới ngót 50 trang giấy, nên Chân Dung Eric Henry phải tách ra một bài khác, vẫn mong bạn đọc có cái nhìn kết hợp hai chân dung do tính bổ sung của hai nhân vật Phạm Duy và Eric Henry trên chặng đường tìm hiểu nền Tân nhạc Việt Nam cùng với các bước gian truân để hình thành và xuất bản bộ Hồi Ký tiếng Anh The Memoirs of Phạm Duy, dự trù sẽ do Cornell University Press xuất bản. Tưởng cũng cần nói thêm, Thư viện Đại Học Cornell là nơi còn lưu trữ đầy đủ nhất di sản 20 năm Văn học Miền Nam 1954-1975, và  “ngọn lửa phần thư” của những người Cộng sản Việt Nam muốn tận diệt nền văn hóa ấy đã không sao lan tới được.

Hình 1: Chân dung TS Eric Henry, ảnh trích từ Jacket cuốn Garden of Eloquence / Thuyết Uyển, của Lưu Hướng, do Eric Henry dịch và giới thiệu, University of Washington Press xuất bản 2021. [nguồn: photo by Nguyễn Phong Quang] 

ERIC HENRY VÀ TÔI 

Lần đầu tiên tôi gặpTS Eric Henry,cách đây 5 năm (2017), và ngạc nhiên khi biết Eric – là một cựu chiến binh Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam, nhưng lại rất “ít chất lính”. Bước vào lứa tuổi 20, tới hạn quân dịch Eric quyết định đơn giản: nhập ngũ làm bổn phận một công dân, sau đó trở  về đi học lại.Ngay trong thời gian quân ngũ, Eric vẫn rất ham đọc, và đã có được một số hiểu biết về nền văn hóa Đông phương, đặc biệt là Việt Nam và Trung Hoa. Eric có năng khiếu về ngôn ngữ, nói tiếng Việt khá thông thạo và tinh tế, không có âm hưởng thứ tiếng Việt tục tằn của mấy chú GI’s học được từ các quán bars trong thời gian phục vụ ở Việt Nam. Tới một đất nước chiến tranh lại có nhiều tôn giáo như ở Việt Nam, Eric cũng đã học được cách trả lời dí dỏm và an toàn cho mấy câu hỏi dễ phân cách lòng người, như“Anh theo đạo gì?” -- “Tôi theo đạo vợ”, và đạo vợ mặc nhiên được công nhận như một thứ đạo phổ quát cho đám đàn ông lính tráng lúc đó, cho dù khi sang Việt Nam, Eric vẫn đang còn là một thanh niên độc thân. 


      Khi biết tôi cũng là người cầm bút, mới vỡ lẽ ra Eric đã đọc cuốn tiểu thuyết Vòng Đai Xanh, từ một ấn bản tiếng Việt do Nxb Văn Nghệ California tái bản năm 1987. Eric cho biết vẫn giữ cuốn sách đó trên kệ sách và anh cũng rất quan tâm tới người Thượng trên Cao nguyên. Do “văn kỳ thanh”, chúng tôi đã dễ dàng nói chuyện với nhau hơn.



Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022

Nguyễn Đức Tùng: Hà Nội, Dương Tường

(Xin đăng lại bài này để mừng nhà thơ chín mươi tuổi 4. 8. 1932- 4. 8. 2022. NĐT)


Ngày 6 tháng 4 năm 2007 tại Hà Nội, chúng tôi đến thăm nhà thơ Dương Tường tại nhà riêng. Dương Tường ngồi sau một chiếc bàn nhỏ và thấp chất đầy sách vở và ly tách giữa một căn phòng rộng dùng làm phòng triển lãm tranh. Tranh treo kín các tường. Chúng tôi gồm có Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Trọng Tạo, Du Tử Lê, Nguyễn Đức Tùng, và nhiều bạn bè văn nghệ khác, người từ Sài Gòn ra, người ở ngay Hà Nội. Trưa hôm đó Dương Tường dẫn chúng tôi đi thăm phố và ăn trưa. Chiều hôm sau, 7 tháng 4, một mình tôi quay lại địa chỉ trên theo lời hẹn.


Buổi chiều Hà Nội nhiều nắng, nhưng mát, dịu dàng. Chiếc ngõ dẫn vào nhà ông sâu, quanh co, vắng người, như ở chốn quê. Anh chị Dương Tường đón tôi ở cửa, tươi cười, thân ái.


Ngồi gần bên nhà thơ, hai người trong căn phòng rộng và im vắng, tôi có cảm giác chất nghệ sĩ trong người Dương Tường toả ra thành một với những bức tranh trên tường. Buổi chiều có vẻ siêu thực.

 

Nguyễn Đức Tùng: Xin đọc một bài thơ của anh. “Tình khúc 24”.

24 phím cầm chiều

24 nhành sương mím

24 tiếng ve sầu đại lộ tháng tư

Gửi lại em

cầu thang 24 bậc

tờ thư 24 gác mưa

làn menuetto 24 âm xưa

Gửi lại em

Mùi hoa sữa 24 miền hoài niệm

Ga khuya 24 lần đưa đón

Bài huê tình 24 lối sân sau


Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2022

Bs Phan Thượng Hải: Thơ Và Việt Sử - Nguyễn Đình Chiểu

Ông Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) là một nho sĩ sống ở Nam Kỳ trong thế kỷ thứ 19. Ông bắt đầu nổi danh từ công cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Kỳ và sau đó truyện thơ Lục Vân Tiên của ông trở thành nền tảng văn hóa của xã hội Nam Kỳ cho đến thời Việt Nam Cộng Hòa. Ông Nguyễn Đình Chiểu được hậu thế kính trọng nhất là ở Nam Kỳ và Miền Nam. Bài viết nầy tìm hiểu tư tưởng và công nghiệp của ông Nguyễn Đình Chiểu và vô tình khám phá vài đặc điểm mới mà cho đến nay ít người để ý tới.

Kháng Pháp ở Nam Kỳ


Sau khi Thực Dân Pháp đánh và chiếm những tỉnh của Nam Kỳ từ năm 1858, quân đội của vua nhà Nguyễn bị đánh bại. Mặc dù nhà Nguyễn dùng chính sách ngoại giao, quân dân Nam Kỳ tự nổi lên kháng chiến chống Pháp để dành lại lãnh thổ. Công cuộc kháng Pháp ở Nam Kỳ ảnh hưởng từ hai nhà Nho lúc bấy giờ là ông Nguyễn Đình Chiểu và Bùi Hữu Nghĩa.

Image result for nguyễn đình chiểuImage result for bùi hữu nghĩa

 (Ông Đồ Chiểu)                          (Ông Thủ Khoa Nghĩa)

Ông Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) đậu Tú Tài vào năm 1843 ở trường Gia Định. Ông ra Huế học nhưng khi mẹ chết phải trở về Nam chịu tang và vì quá than khóc nên bị mù mắt (vào khoảng 1848-1849) và không đi thi được nữa. Do đó ông được gọi là Đồ Chiểu (Tú Tài=Sinh Đồ, gọi tắt là Đồ). Ông chạy giặc Tây về ở Ba Tri (Bến Tre).

Phạm Tín An Ninh: Đỗ Trường – Người Chuyên Chở Văn Học Miền Nam Qua Vũng Lầy Lịch Sử

Đầu năm 2022, tôi bất ngờ đọc được bài viết “Níu Một Đời, Giữ Một Thời” của tác giả Ban Mai, một nhà văn trẻ trong nước. Cô đang là giáo sư giảng dạy về Khoa Học Công Nghệ và Hợp Tác Quốc Tế tại Trường Đại Học Qui Nhơn

Mở đầu bài viết, tác giả đã vẽ lại bức tranh đen tối, kinh hoàng sau ngày 30.4.75:

“…phần lớn người Miền Nam làm việc cho chính phủ Cộng Hòa đều bị tập trung cải tạo. Cuộc sống của nhiều gia đình đảo lộn. Vì sau khi đổi đời, họ bị thất nghiệp, nhiều người lâm vào cùng quẫn. Cảnh quan thành phố tiêu điều xơ xác, thiếu lúa gạo khiến dân phải ăn độn bo bo và mì sợi. Trầm trọng hơn nữa: Sự xơ xác tinh thần của trí thức Miền Nam không còn được tự do trình bày suy nghĩ, không còn được tự do hấp thu tri thức nhân loại. Thay vào đó là những đợt học tập chính trị triền miên, theo một định hướng duy nhất: Chủ nghĩa Marx. Tất cả sách báo, văn học nghệ thuật bị tịch thu tiêu hủy, nền văn chương Miền Nam hoàn toàn bị bôi xóa. Giống như thời man rợ của Tần Thủy Hoàng năm 210 trước công nguyên…

 Bắt đầu sau năm 1975, những thế hệ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam không hề biết đã từng có một nền văn học nghệ thuật Miền Nam vô cùng giá trị với nhiều thể loại “trăm hoa đua nở”, đề cao tự do, dân chủ, với ý thức khai phóng, nhân bản, theo kịp trào lưu thế giới…”

Và tác giả cho biết sự tình cờ được may mắn tiếp cận với dòng văn chương miền Nam:

“Mùa hạ năm 2010, tôi tình cờ đọc bài viết của nhà thơ Du Tử Lê giới thiệu về tác phẩm “Những cơn mưa mùa Đông” của tác giả Lữ Quỳnh do nxb Thư Ấn Quán ở Mỹ xuất bản, thời gian này tôi đang tìm hiểu dòng văn chương Miền Nam nên liên hệ, ngay lập tức nhà văn Trần Hoài Thư và Lữ Quỳnh trả lời, tôi biết họ từ ngày ấy.

Bắt đầu từ đó, tôi tìm đọc dòng văn chương Miền Nam Việt Nam do nxb Thư Ấn Quán phát hành, vì ngày xưa trước năm 1975 tôi còn quá nhỏ chưa hiểu biết gì, tôi sinh ra và lớn lên ở Quy Nhơn, thuộc Miền Nam Việt Nam vì vậy tôi không muốn văn chương Miền Nam bị thất lạc và bôi xoá, tôi cần phải tìm hiểu và phổ biến lại cho thế hệ trẻ ở trong nước biết.


Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2022

Phạm Xuân Đài: “Ông Khai Trí” Và Giấc Mộng Sách Vở (Trích báo Thế Kỷ 21 tháng 12, 2004).

Ông Nguyễn Hùng Trương tại nhà sách Khai Trí
(hình Người Việt)
Tháng Tám năm 2004, chúng ta đã đưa tiễn ông Thanh Tuệ giám đốc nhà xuất bản An Tiêm về bên kia thế giới, nay lại vừa hay tin ông Nguyễn Hùng Trương, giám đốc nhà sách, nhà xuất bản Khai Trí qua đời ngày 11 tháng Ba 2005 tại Sài Gòn, thọ 80 tuổi. Đối với một lớp người ở miền Nam trước 1975, những cái tên An Tiêm hay Khai Trí có một ý nghĩa đặc biệt, nó gợi một cảm giác trong sáng của trí tuệ, cái vui sướng của sinh hoạt tinh thần, văn hóa. Riêng Khai Trí đối với thành phố Sài Gòn qua bao nhiêu năm như là một pháo đài của chữ nghĩa, suốt một thời hai mươi năm Việt Nam Cộng Hòa nhà sách kiêm nhà xuất bản ấy đã phát hành, phổ biến, bày bán không biết cơ man nào là ấn phẩm, đã “khai tâm mở trí” cho biết bao nhiêu tâm hồn và trí óc Việt Nam.

Ra đời từ năm 1952 tại số 62 đường Lê Lợi Sài Gòn (lúc đó hình như còn tên Bonard) cho đến tháng Tư năm 1975, không biết Khai Trí đã đón tiếp bao nhiêu lớp người bước vào cửa hàng sách to lớn của mình. Nhưng cần phải ghi nhớ rằng từ lâu trước khi hiệu Khai Trí chính thức mở cửa, chủ nhân của nó, vốn người Thủ Đức, đã làm công việc buôn bán văn hóa phẩm tại một quầy sách trên lề đường Lê Lợi. Và trớ trêu thay, tháng Năm 1975, trước khi bị bắt, chính ông chủ ấy lại trải một tấm ny lông lớn trên lề đường ngay trước hiệu sách của ông để bán nốt những số báo Thiếu Nhi và một ít sách khác còn lại do nhà Khai Trí xuất bản. Có vẻ như là ông khởi nghiệp và kết thúc sự nghiệp ở ngoài lề đường, còn hiệu sách Khai Trí do ông tạo lập ra và hoạt động suốt hai mươi mấy năm sung sức nhất của đời ông thì thuộc về lịch sử chứ không thuộc về ông nữa.

Một người bạn cũ thời học trung học của chủ nhân nhà Khai Trí, ông Phụng Nghi, đã có những dòng viết về người bạn của mình như sau:

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2022

Nguyễn Đức Tùng: Thái Hạo, Tiếng Nói Mới, Vang Rền

C:\Users\BST\Desktop\thai hao.jpg


Thế giới thường xuyên thay đổi, nhưng chưa bao giờ thay đổi nhanh đến thế, như trong những năm qua. Dịch bệnh, chiến tranh, tra tấn, dân tộc chia rẽ, môi trường thiên nhiên bị tàn phá đến cùng kiệt. Con người ngày càng tham lam, ngày càng sống hời hợt và giả dối.

Và bên dưới tất cả những thứ ấy, có một điều gì sâu hơn nữa, sâu xa nhất, chi phối tất cả: sự sợ hãi.

Tại sao chúng ta sợ hãi?

Tôi đã tự hỏi ngàn lần

Tại sao chúng ta sợ hãi?

Loài linh trưởng trong tôi gào thét

Đại ngàn trút lá

Tôi thèm làm người

Nguyên sinh

Trăng vỡ trên đỉnh trời

Tại sao chúng ta sợ hãi?

Câu hỏi làm tôi nổi giận

Thèm một que diêm

để châm lửa vào cánh rừng


Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2022

Liễu Trương: Sáng Tạo Của Thảo Trường

 Văn học miền Nam tuy có một tuổi thọ rất ngắn, nhưng chỉ trong vòng hai mươi  năm,  biết bao tác phẩm đã nở  rộ trong một  bầu không khí tự do, ngoài  sự thống  trị  của  mọi  hệ  tư  tưởng,  ngoài  mọi  áp  bức  chính  trị.  Tác  phẩm  của  Thảo Trường  đã  thành  hình trong bối  cảnh đó,  và đã  góp phần  xây dựng  nền văn học miền Nam mà Thảo Trường là một trong những nhà văn trụ cột.


Năm 1954, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, một thanh niên 18 tuổi tên Trần Duy Hinh, về sau trở thành nhà văn lấy bút hiệu Thảo Trường, đã rời bỏ quê hương miền Bắc, đành giã từ người mẹ thân yêu để theo làn sóng di cư vào Nam. Đối với người thanh niên này, một cuộc phiêu lưu bắt đầu từ đây, phiêu lưu qua những biến cố lịch sử, qua khói lửa chiến tranh, qua ngục tù cộng sản, để cuối đời trôi giạt đến một cái xứ xa lạ, và từ biệt cõi đời ở đấy. Nhưng cuộc phiêu lưu đã đem lại cho nền văn học Việt Nam những tác phẩm để đời.

Cũng như Thanh Tâm Tuyền, Thảo Trường cầm bút rất sớm, đồng thời ông cũng làm bổn phận của một người trai thời loạn. Ông nhập ngũ và dấn thân cho chính  nghĩa  Quốc  gia.  Ở  Thảo  Trường,  chữ  nghĩa  đồng  hành  mật  thiết  với  trải nghiệm và suy tư. Chữ nghĩa được cân nhắc, nâng niu, quý trọng để nói dùm tác giả bao ưu tư, bao sầu muộn trước sự đảo điên của thế cuộc.


Nguyễn Ðình Toàn: Thảo Trường - Bỡn cợt với cả những điều nghiêm chỉnh

Tại sân nhà Thảo Trường khoảng năm 2009. Từ trái: Nguyễn Đình Toàn, Thảo Trường, Phạm Phú Minh, Thành Tôn, Đạm Thạch.

Thảo Trường là một trong những nhà văn quan trọng đã đóng góp vào việc hình thành nền văn học miền Nam Việt Nam trong hai thập niên từ 1955 đến 1975. Ông có một văn phong mạnh mẽ, ngắn gọn, nhưng súc tích. Cách bố cục truyện của ông chặt chẽ, mới mẻ. Có thể nói, truyện ngắn Việt Nam đến những Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Thảo Trường đã hoàn toàn đổi mới, so với dòng văn học trước đó.

Viết truyện không còn thuần túy là kể một câu truyện. Mà hình như nó hàm chứa tất cả những gì liên quan đến thân phận con người nằm trong câu chuyện ấy, hiểu theo nghĩa siêu hình, triết học và thực tế. Nói như thế cũng chỉ là một cách nói. Thực tế, người ta không thể tách rời những điều ấy ra khỏi nhau, cũng từa tựa như người ta không thể tách rời đời sống ra khỏi cái chết.

Chẳng hạn, một nhân vật trong một truyện ngắn của Thảo Trường, một người lính, bị thương cụt cả chân lẫn tay, anh muốn tự vẫn, nhưng nghĩ đại khái như thế này:

“Nếu tôi còn sống thì xã hội còn những hình hài bẩn thỉu. Nếu tôi chết thì nhân loại mất đi một bằng chứng kinh tởm về chiến tranh.”


Nguyễn Văn Lục: Thảo Trường- nhà văn dấn thân và nhập cuộc - đi tìm con người qua chiến tranh và lao tù

Có những nhà văn mà phong cách trí thức cũng như tình người để lại trong tôi những dấu ấn sâu sắc đến khó quên. Nó ở bên trong cuộc chiến mà như thế đứng bên lề cuộc chiến. Nó bỏ qua những hận thù, những tuyên truyền dối trá từ hai phía. Nó nhân danh con người để nói về con người trong những bi kịch chiến tranh. Đó là trường hợp nhà văn Thảo Trường.

Nhà văn Thảo Trường tên thật là Trần Duy Hưng, sinh 1936 tại Nam Định. Năm 1954 di cư vào miền Nam một mình vì bố chết, mẹ ở lại. Sau 1975, đi tù 17 năm. 1993 đến Mỹ theo diện Đoàn tụ gia đình mà vợ con ông đã sang Mỹ từ 1975. Ông có vẻ “yên ổn” một thời gian để cầm bút viết lại. Nhưng đến ngày 14-09-2008, chị Thảo Trường ra đi sau một thời gian bị bạo bệnh. Và chỉ hai năm sau, đến lượt Thảo Trường mất ở quận Cam, California, ngày 26-08-2010 vì bệnh ung thư gan, thọ 74 tuổi.

 Vào Nam 1954, nhà văn bắt đầu viết cho báo Sáng Tạo với truyện ngắn Hương gió lướt đi. Ký bút hiệu Thao Trường và tập truyện ngắn đầu tay Thử Lửa.

Bạn đọc có thể đọc thêm một cách đầy đủ bài của Đặng Tiến Orléans, bên Pháp, 6- tháng 9, 2010. Hoặc trên Talawas Blog. Hoặc Nguyễn Lệ Uyên cũng trên Talawas Blog. Hoặc cũng Nguyễn Lệ Uyên trên tạp chí Tân Văn, số 41, tháng 12, 2010, từ trg 118.

 Tôi chỉ xin trích dẫn vài ý tưởng của Thảo Trường để lại: “ Công việc nối liền hai miền, xóa đi cái ranh giới trong tâm hồn chúng ta là công việc làm của chúng ta” Thử Lửa, trg. 26-27). “ Biên giới của đất đai, nó không là biên giới của tư tưởng..(..) Tôi đứng gác ở tiền tuyến cho nửa dân tộc yêu nhau và tin tưởng con sông trước mặt tôi sẽ không là biên giới” (trg 88).

Phần Nguyễn Văn Trung nhận xét về Thử Lửa. : “ Tôi coi Thảo Trường như một trong những người đang đi vào truyền thống của những nhà văn mà sứ mệnh là  là nhắc nhở con người những giá trị làm người thường xuyên bị quên lãng hay bị chà đạp bởi chính con người” ( Trích Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết của Nguyễn Văn Trung, Tự Do Sàigòn xuất bản 1962, trg 110-114).


Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2022

Ngô Nhân Dụng: Sống Tỉnh Thức với Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Trang web Làng Mai thông báo về sự ra đi của Hòa Thượng Nhất Hạnh. (Hình: Trích xuất từ plumvillage.org)
Trang web Làng Mai thông báo về sự ra đi của Hòa Thượng Nhất Hạnh. (Hình: Trích xuất từ plumvillage.org)


Trong cuốn “Không Diệt, Không Sinh, Đừng Sợ Hãi” (dịch tiếng Anh: No Death, No Fear), Thiền sư Nhất Hạnh nói rằng sống và chết chỉ là những ý niệm không có thật. Biết như vậy thì mình không còn sợ cái chết nữa. Các đệ tử của ông đang cần suy ngẫm điều này sau khi nghe tin thầy qua đời.

Tháng Hai năm 2019, tuần báo Time ở Mỹ viết, “Vị sư dạy Thế giới về Sống Tỉnh Thức đang chờ ngày chấm dứt cuộc đời;” nhận xét rằng: “Nhất Hạnh được nhiều người Tây phương gọi là cha đẻ của mindfulness. Ông dạy rằng ai cũng có thể là những vị bồ tát, bằng cách sống hạnh phúc trong những công việc tầm thường – như khi gọt một trái cam hay nhấp một hớp trà, một cách tỉnh thức.”

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh không phải chỉ đóng góp vào việc phổ biến phương pháp “Sống Tỉnh Thức.” Ông đã nối kết các tư tưởng sâu xa trong kinh điển đạo Phật Bắc Tông (thường gọi là Đại Thừa) với những các phương pháp hành trì được Nam Tông chú trọng, như Thiền hành và Thiền Minh Sát, Vipassana.

Đây là một truyền thống của Phật Giáo Việt Nam, từ nhiều đời. Thích Nhất Hạnh cho thế giới nhìn thấy và công nhận có một nền Phật Giáo Việt Nam mà ông là người tiêu biểu, bên cạnh các truyền thống Phật Giáo Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Tạng, Miến Điện, Thái Lan, vân vân, đã được truyền bá rộng từ trước.


Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2022

Tiểu Ký: Phụ tử tình thâm - HAI ĐẠI NHẠC SĨ HỌ TRẦN

Giới âm nhạc Việt Nam và quốc tế mới mất thêm một thiên tài: nhạc sĩ Trần Quang Hải đã ra người thiên cổ ngày cuối năm 30 tháng 12, 2021 tại Paris.  Phu nhân của nhạc sĩ là ca sĩ nổi tiếng Bạch Yến, tuổi đã lớn nhưng tiếng hát vẫn rất ấm và cao vút, kỹ thuật rất đáng khâm phục…

Trần Quang Hải (trái) và Trần Văn Khê, 2014

 Giáo sư Trần Quang Hải đã trình diễn hàng ngàn buổi tại nhiều quốc gia; tham gia hàng trăm đại hội liên hoan quốc tế nhạc truyền thống; giảng dạy tại nhiều trường đại học; sáng tác hơn 400 bản nhạc cho đàn tranh, đàn môi, muỗng, hát đồng song thanh, nhạc tùy hứng... Ông  cũng thực hiện 23 đĩa nhạc truyền thống Việt Nam, viết 3 quyển sách, làm 4 DVD, 4 phim và hội viên của trên 20 hội nghiên cứu thế giới.

"Con đường nghiên cứu của tôi nhắm về sự giao lưu các loại nhạc cổ truyền tạo thành loại nhạc thế giới (world music), pha trộn nhạc tùy hứng, jazz, nhạc đương đại với nhiều loại nhạc khí và kỹ thuật giọng hát để tạo thành một loại nhạc hoàn toàn mới lạ" - giáo sư Trần Quang Hải chia sẻ trên blog cá nhân của ông.


Ngô Thế Vinh: Đi Tìm Chân Dung Y Sĩ Tiền Tuyến Nghiêm Sỹ Tuấn Với Thông Điệp Mùa Xuân

Dẫn nhập – Chiến tranh, không phải là chấp nhận hiểm nguy, không phải là chấp nhận giao tranh. Ở một thời khắc nào đó, với người chiến binh, là sự chấp nhận thuần túy và giản đơn cái chết.La guerre, ce n’est pas l’acceptation du risque, ce n’est pas l’acceptation du combat. C’est, à certaines heures, pour le combattant, l’acceptation pure et simple de la mort.A. de Saint-Exupéry (Pilote de guerre)


*


Hình 1:trái, Di ảnh Y sĩ Trung úy Nghiêm Sỹ Tuấn, Y sĩ trưởng Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù tử trận tại chiến trường Khe Sanh ngày 11/4/1968; phải,Chân dung Nghiêm Sỹ Tuấn qua nét vẽ của Y sĩ Đại úy Lê Văn Công, Quân Y Hiện Dịch khóa 15 YKSG, Virginia, USA 2018.[size 6 x 20” acrylic on canvas, sưu tập Ngô Thế Vinh]


TIỂU SỬ


Nghiêm Sỹ Tuấn, bút hiệu là Yển Thử, [bút hiệu này chỉ được dùng một, hai lần cho mấy bài thơ 28 Sao trên báo Tình Thương], sinh ngày 7 tháng 2 năm 1937 (tuổi Bính Tý) tại Nam Định, Bắc phần trong một gia đình thanh bạch và đông anh em. Cắp sách tới trường muộn màng ở tuổi 14. Hoàn tất học trình Trung học và Đại học trong khoảng thời gian 14 năm. Những năm học Y khoa, Nghiêm Sỹ Tuấn là Thư ký tòa soạn báo Sinh viên Y Khoa Tình Thương từ số ra mắt tới số 13 [khoảng thời gian từ 01-1964 tới 01-1966] khi Anh ra trường, là tác giả nhiều bài viết sâu sắc, mang nặng những suy tư về các vấn đề văn hóa, xã hội và vận mệnh đất nước.



Trịnh Thanh Thủy: Nguyễn Đình Toàn, người gõ cửa ký ức

Nhà văn Nguyễn Đình Toàn


Là một người Việt ly hương, hình như ai cũng có đôi lúc nhớ quê, hình dung lại nơi mình từng sinh ra, quay quắt thương cái chốn mình đãđi về trong tháng ngày quá khứ. Chỉ cần một hình ảnh, một cơn mưa, một vạt nắng, một nhành hoa thơm ngái hương vị quê nhà là lòng người lại bồi hồi tưởng tiếc.Nhất là khi đọc một bài thơ, nghe một khúc nhạc, hát lên một ca từ sóng sánh những âm vang kỷ niệm xưa, ai mà không tự dưng nhè nhẹ mở toang cánh cửa kýức của lòng mình. Tôi đã làm điều đó khi đọc các bài thơ trong tuyển tập "Thơ và ca từ" của tác giả Nguyễn Đình Toàn.

Là một nhà văn, ông viết dưới nhiều dạng,tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói, bút ký. Tác phẩm Áo mơ phai của ông đoạt Giải Văn học Nghệ thuật của Việt Nam Cộng hòa năm 1973. Ngoài ra ông còn là một thi sĩ kiêm xướng ngôn viên của đài phát thanh VTVN trước năm 1975. Chính ông đã phổ những bài thơ của mình thành những bài nhạc được nhiều người yêu thích. Người bạn rất thân lâu năm của ông là Thi sĩ Thành Tôn đã gom góp những bài thơ của ông thành một tập thơ in riêng tặng ông. Gần đây, bạn bè thương mến ông, đãchung lưng giúp ông thiết kế và xuất bản để đứa con tinh thần, tuyển tập "Thơ và Ca từ" được ra đời.


Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2021

Ngô Thế Vinh: Dohamide - Giấc Mơ chàm Và Bangsa Champa


Hình 1: từ trái, cây bút chuyên khảo văn minh Champa trên tạp chí Bách Khoa Dohamide, chủ nhiệm Bách Khoa Lê Ngộ Châu, Ngô Thế Vinh, nhà văn Võ Phiến. [hình chụp 1994 tại Little Saigon, tư liệu Ngô Thế Vinh] 



TIỂU SỬ

Dohamide, người gốc Chăm, sinh năm 1934 tại làng Katambong, Châu Đốc (An Giang), có thêm ba bút hiệu nhưng ít được biết đến: Linh Phương, Châu Giang Tử, Châu Lang. Khi Dohamide có bài viết đầu tiên Người Chàm tại Việt Nam ngày nay” đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1962, Chủ nhiệm Lê Ngộ Châu đã giới thiệu anh với độc giả như sau:


“Bạn Dohamide, tác giả loạt bài sau đây, là người gốc Chàm, sanh tại làng  Katambong, Châu Đốc (An Giang). Bạn đã có can đảm thoát ly những ràng buộc khắt khe của tập tục địa phương để lên thủ đô Sài Gòn vừa đi làm nuôi gia đình vừa đi học, và hiện nay bạn đã tốt nghiệp ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Ngoài tiếng Chàm là tiếng mẹ đẻ, bạn Dohamide biết nói và viết các thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Á Rập, Mã Lai, Cam Bốt, những thứ tiếng này đã giúp bạn Dohamide rất nhiều trong những thiên khảo cứu như trình bày với bạn đọc.” [Bách Khoa, số 135, 15/8/1962]