Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn thị Từ Huy. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn thị Từ Huy. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2023

Nguyễn Thị Từ Huy: Những tình huống mới trong ngày cuối cùng của năm cũ

Ngày 31/12/2022 khép lại một năm với “Những tình huống mới”, bộ tranh mới của Bùi Chát, được trưng bày tại Lele Atelier, An Phú, Sài Gòn.

Đôi khi, tôi muốn đến sống ở một đô thị nhỏ, yên tĩnh hơn, trong lành hơn, hoặc cũng có thể về lại quê nhà. Nhưng tôi biết rằng, ít nhất là lúc này, tôi chưa thể rời xa Sài Gòn. Bởi, bên cạnh sự ồn ào, bụi bặm, quán nhậu, kẹt xe, ngập nước, đắt đỏ…, Sài Gòn căn bản được đặc trưng bởi sự giàu có về tinh thần, về các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, học thuật. Ngày tranh của Bùi Chát là một trong những biểu hiện của sự phong phú đó. Thành phố này luôn làm ta bất ngờ vì những bí ẩn và năng lực tạo tác của nó.

Chọn ngày cuối cùng của năm để mở ra “Những tình huống mới” hẳn không phải là một lựa chọn ngẫu nhiên của tác giả. Quả thực, thời gian được sử dụng như là một phần của cuộc trưng bày tác phẩm nghệ thuật. Đưa thời gian vào trong kết cấu của một triển lãm, không phải lúc nào cũng có thể làm được như vậy.

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

Nguyễn Thị Từ Huy - Chuyện kể của một cựu nhân viên Bộ ngoại giao VN (phần 1)

Ông Đặng Xương Hùng, cựu Lãnh sự CHXHCNVN tại Genève, Thụy Sĩ
Được biết ông Đặng Xương Hùng đã từ bỏ tương lai nghề nghiệp trong ngành ngoại giao để dấn thân đấu tranh cho quá trình dân chủ hóa ở Việt Nam, chúng tôi thực hiện cuộc trò chuyện với ông để hiểu thêm về cách thức vận hành và tổ chức của bộ máy quyền lực ở Việt Nam.
Nguyễn Thị Từ Huy : Trước tiên, ông có thể cho biết, ông đã đến với ngành ngoại giao như thế nào, là một lựa chọn cá nhân, hay là tuân theo mong muốn của gia đình… ?
Đặng Xương Hùng : Tôi đến với ngành ngoại giao là do yếu tố gia đình. Bố và anh trai cả của tôi đều làm ở Bộ Ngoại giao. Bố tôi là bạn của ông Nguyễn Cơ Thạch, cố Bộ trưởng Ngoại giao. Hai ông là đồng hương với nhau, quê tại Nam Định, đã cùng nhau làm việc ở Ủy ban kháng chiến liên khu ba (trước 1954). Khi Bộ ngoại giao được thành lập, ông Thạch đã rủ (hoặc đưa) Bố tôi về đây làm cùng nhau. Vốn tiếng Pháp của Bố tôi cũng khá.

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

Nguyễn Thị Từ Huy - Chủ nghĩa xã hội dẫn tới sự diệt vong của dân tộc

Cử tri bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở Hà Nội
vào ngày 22 tháng 5 năm 2011.
Có thể bài viết này (cũng như nhiều bài khác) của tôi sẽ bị luật pháp của chính quyền đảng trị sử dụng để buộc tội cho tôi theo một trong các điều 79, 88, 258. Nhưng như thế thì nực cười lắm, vì tôi chỉ làm công việc phân tích, tôi (cũng như nhiều tù nhân chính trị và các nhà hoạt động dân chủ khác) không thể nào lật đổ chính quyền được. Chúng tôi không có cách gì để lật đổ chính quyền. Muốn buộc tội chúng tôi trước hết phải đưa bà Nguyễn Thị Kim Ngân và Quốc hội 13 ra tòa và buộc tội họ rồi đưa họ vào nhà tù, bởi vì chính bà Chủ tịch Quốc hội và Quốc hội 13 mới là những người đã thực sự lật đổ chính quyền để lập nên một chính quyền mới.

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Nguyễn Thị Từ Huy - Thông điệp của Bộ chính trị mới?


TBT Nguyễn Phú Trọng được chúc mừng bởi các ông Đinh Thế Huynh, 
Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc và bà Nguyễn Thị Kim Ngân 
tại Hà Nội vào ngày 27 tháng 1 năm 2016.

Có lẽ rất nhiều người Việt Nam, khi theo dõi diễn biến của Đại hội XII của Đảng cộng sản Việt Nam, bị đặt trước câu hỏi : trong tình hình nguy ngập về mọi phương diện hiện nay của đất nước, ĐCSVN, vốn kiên quyết tự giành cho mình độc quyền lãnh đạo tuyệt đối, liệu có đủ khả năng tiến hành những cải cách chính trị, để giải quyết các vấn đề trầm trọng của đất nước hay không ?
Câu hỏi này là của tất cả những người Việt Nam quan tâm đến vận mệnh quốc gia. Vì đất nước này không phải của riêng của đảng, mà là của tất cả mọi người, thậm chí của cả những bào nhi còn nằm trong bụng mẹ.
Và vì thế, hiện nay mỗi một động thái của chính quyền, tức là của đảng, đều là một câu trả lời cho câu hỏi này. Mỗi một quyết định của Bộ Chính trị sẽ là một câu trả lời cho câu hỏi này.

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2015

Nguyễn Thị Từ Huy - «Tòa án nhân dân» Trần Nhật Quang và những bi hài của nền tư pháp xã hội chủ nghĩa

Dư luận viên Trần Nhật Quang xuất hiện trong cuộc biểu tình đòi trả tự do
cho chị Bùi Thị Minh Hằng vào sáng hôm 23/3/2014 tại Hà Nội.
Vụ phe nhóm Trần Nhật Quang tấn công Nguyễn Lân Thắng và gia đình một lần nữa cho thấy chính quyền đương nhiệm muốn quay trở lại sử dụng một số biện pháp của chủ nghĩa toàn trị thời kỳ đầu, thời kỳ đẫm máu và tàn bạo với các vụ thanh trừng và giết người hàng loạt mà Việt Nam cũng không tránh khỏi, được thể hiện qua những vụ thanh trừng Nhân văn Giai phẩm và cải cách ruộng đất.

Vài năm nay dồn dập các vụ thanh trừng được thông báo rộng rãi trên các phương tiện tuyên truyền của nhà nước, mục đích của những vụ khủng bố này là để nhấn chìm toàn xã hội trong không khí sợ hãi, có thể nêu một số vụ việc : vụ Nhã Thuyên (giáo dục/văn học), vụ Kim Quốc Hoa (báo chí), vụ Nguyễn Đăng Trừng (luật), và gần đây nhất là vụ Đỗ Hùng (báo chí).

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Nguyễn Thị Từ Huy - Những tử tù oan, luật pháp xã hội chủ nghĩa và lương tâm xã hội

Hai tử tù oan Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng.

Bên cạnh "dân oan", "tử tù oan" đang xuất hiện như một hiện tượng đặc thù của chế độ chính trị Việt Nam đương đại. Có thể tìm thấy một cách dễ dàng trên mạng hồ sơ của những tử tù Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải, Lê Văn Mạnh đã được công khai với tất cả các dấu hiệu oan sai.

Cái giá phải trả cho những sai lầm cố tình của cơ quan tư pháp có thể là sinh mạng của những người dân vô tội.

Quyền sống là quyền tối cao của mỗi người. Hiến pháp Việt Nam cũng ghi nhận quyền này, như hiến pháp của mọi nước khác.

Điều trớ trêu ở Việt Nam là các cơ quan có nhiệm vụ phải bảo vệ quyền sống cho người dân rất có thể lại là cơ quan tước đoạt quyền tối cao ấy của người dân, không cần bằng cớ, hoặc trầm trọng hơn, nguỵ tạo bằng cớ để cướp sinh mạng của người dân. Những vụ án tử tù oan cho thấy như vậy.

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

Nguyễn Thị Từ Huy - Nghịch lý nhân sự (IV)


viết từ Paris

Thời điểm này, một năm trước đây, tôi bắt đầu công việc đặt câu hỏi trên blog RFA. Và một trong những câu hỏi đầu tiên của tôi liên quan đến vấn đề nhân sự của đảng cộng sản Việt Nam. Những ý tưởng của bài « Nghịch lý nhân sự IV » này đã có từ lâu, nhưng còn thiếu một vài điều kiện để cho bài viết có thể hình thành.

Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

Nguyễn Thị Từ Huy - Quý vị có ở trong số…?

Cuộc gặp gỡ của nhóm Văn đoàn Độc lập Việt Nam tại Sài Gòn hồi tháng 1 năm 2014.
Courtesy FB Phạm Đình Trọng
Vụ gạch tên chín nhà văn và vụ việc hai mươi nhà văn rời bỏ Hội Nhà Văn Việt Nam (HNVVN) đã và sẽ còn được bàn đến. Cũng như vụ Nhã Thuyên, nó đã bước chân vào lịch sử văn học, cái nền văn học buồn thảm của Việt Nam thời kỳ này.

Dĩ nhiên, như mọi người, tôi cũng quan sát và cũng quan tâm tới câu chuyện này. Ở bài này tôi chỉ đề cập đến một khía cạnh của vụ việc. Tôi đặt câu hỏi về những người đã cầm bút để gạch tên chín nhà văn, không cho họ đi dự đại hội nhà văn toàn quốc.

Tôi băn khoăn không biết những ai đã ngoan ngoãn vâng lời Hữu Thỉnh, cầm bút lên mà gạch tên các đồng nghiệp đáng kính của họ. Trong đầu tôi hiện lên vài gương mặt nhà văn của Tp HCM mà tôi từng gặp. Những gương mặt còn trẻ, những gương mặt đứng tuổi và những gương mặt không còn trẻ…

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Nguyễn Thị Từ Huy/rfa - Cho ngày Ba mươi tháng Tư: Nỗi đau và Tình yêu


viết từ Paris

Một phụ nữ đi ngang những áp phích tuyên truyền cho ngày 30 tháng 4 được trưng bày tại Saigon hôm 11/4/2015.
Nếu một cộng đồng có một ngày mà trong ngày đó một nửa số người cảm thấy hạnh phúc và một nửa số người cảm thấy đau khổ thì ta nên đứng về nửa nào?
Những người có hiểu biết và lương tri sẽ chọn đứng về phía nỗi đau.
Tôi chưa bao giờ dám nói gì về ngày ba mươi tháng tư. Bởi vì thực tế quá phức tạp và những gì tôi biết là quá ít ỏi và rất có thể là không chính xác so với sự thật của cuộc chiến, một cuộc chiến mà chỉ tên gọi của nó thôi cũng đã có thể gây ra cả một cuộc chiến khác.

Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015

Nguyễn Thị Từ Huy - Toàn trị hay không toàn trị?

Cảnh sát mặc thường phục bắt giữ sinh viên biểu tình chống Trung Quốc. - AFP Photo 
Cách đây mấy tháng, nhân sự việc cuộc tranh chấp quyền lực tại một trường đại học tư trở thành một cuộc chiến truyền thông và gây sốt trên báo chính thống một thời gian dài, vì muốn hiểu thực chất của vấn đề, tôi bỏ thời gian tìm hiểu phương thức tổ chức của trường học Việt Nam thì đi tới chỗ phát hiện ra rằng : không chỉ ở các trường công, mà ở tất cả các trường học, tổ chức đảng được phát triển rất mạnh mẽ, chi phối chặt chẽ các hoạt động của trường.

Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

Nguyễn Thị Từ Huy - Nhật ký ngày 11 tháng 1



Một áp phích to dán kín khoảng cách giữa hai bức tượng trên đó
ghi dòng chữ Charlie – Tôi tư duy là tôi tồn tại

Bên cạnh tên Charlie và một số nhà báo của tờ Charlie Hebdo vừa bị giết hôm thứ tư có thêm tên của một số nhà báo Việt Nam đang bị bắt giam. 

Ở đây ai cũng biết rằng chiều nay sẽ có rất nhiều người trên đường phố, tôi cũng vậy. Nhưng tôi muốn ra phố sớm hơn, từ buổi sáng, vì nghĩ rằng trong đời không phải lúc nào cũng được sống một ngày như thế này, không nên bỏ lỡ. Quan sát các biểu hiện trong đời sống Pháp trong ba ngày liên tiếp họ bị khủng bố và những ngày tiếp theo khiến tôi nghĩ như vậy.

Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

Nguyễn Thị Từ Huy - Những lời cuối cho một năm cũ


Công nhân với biểu tượng búa liềm trang trí thành phố Hà Nội vào năm mới 2015. - AFP photo

Còn vài ngày nữa năm 2014 sẽ qua đi.

Ở Việt Nam nó sẽ qua đi và để lại rất nhiều đau đớn.

Năm 2014 để lại rất nhiều người trung thực và can đảm ở trong tù. Nó cũng để lại những người lương thiện đang trong nguy cơ bị tòa án lấy mạng sống để thế cho những kẻ có tội thực sự. Nó để lại bao nhiêu người dân lương thiện bị đánh chết ở cái nơi mà lẽ ra họ phải được bảo vệ, bởi những người sống bằng tiền thuế của họ và lẽ ra phải bảo vệ họ. Nó để lại những người phụ nữ quả cảm đang tuyệt thực đòi công lý. Nó để lại cả một xã hội trong tình trạng chấn thương tinh thần tập thể triền miên : oan ức nối tiếp oan ức, bất công nối tiếp bất công, mất mát nối tiếp mất mát, xót xa nối tiếp xót xa, phẫn nộ nối tiếp phẫn nộ. Ngay giữa thời bình mà hầu như chẳng có ngày nào được yên.

Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

Nguyễn Thị Từ Huy/RFA - Tiếp tục suy nghĩ về những vụ bắt bớ gần đây


Tái toàn trị hóa?

Những gì diễn ra trong những năm gần đây và nhất là trong những ngày gần đây khiến tôi tự đặt cho mình câu hỏi này: Phải chăng đang diễn ra một quá trình tái toàn trị hóa (trở lại với thời kỳ toàn trị) tại Việt Nam?

Những nghiên cứu của Hannah Arendt cho phép bà xác định rằng khái niệm chủ nghĩa toàn trị (totalitarisme) được áp dụng cho hai hệ thống duy nhất: Hệ thống Cộng Sản Liên Xô dưới thời Staline và hệ thống quốc xã Đức thời Hitler. Sau cái chết của hai lãnh tụ toàn trị này, hệ thống toàn trị sụp đổ, cái còn tiếp tục tồn tại được gọi là hệ thống độc tài Cộng Sản.

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Nguyễn Thị Từ Huy - Những câu hỏi chưa được trả lời


Từ khi Quyết định số 667/QĐ-ĐHSPHN ngày 11 tháng Ba năm 2014 và Quyết định số 708/QĐ-ĐHSPHN ngày 14 tháng Ba năm 2014 được Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSPHN) ban hành và bị Đỗ Thị Thoan từ chối,  tôi luôn băn khoăn bởi một số câu hỏi, trong đó có những câu sau đây (dĩ nhiên, phải nói trước rằng đây chỉ là những câu hỏi mang tính bề mặt, còn có những câu hỏi cho phép chạm tới những tầng sâu hay những góc khuất của vụ việc, nhưng chúng được để dành cho dịp khác):

1. Tại sao Hiệu trưởng một trường đại học lớn, từng có kinh nghiệm hợp tác làm việc với các trung tâm nghiên cứu nước ngoài, có nhiều công trình đăng tạp chí quốc tế, lại có thể ra một quyết định vi phạm hết các quy chế, quy trình và thông lệ đào tạo như thế ?

Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

Mặc Lâm/RFA - Tiểu thuyết Gửi người yêu và tin của Nguyễn Thị Từ Huy

Tác phẩm Gửi Người Yêu và Tin và tác giả Nguyễn Thị Từ Huy (Hình: RFA)
Tiểu thuyết Gửi người yêu và tin của Nguyễn Thị Từ Huy vừa được nhà xuất bản Người Việt phát hành tại hải ngoại với lời giới thiệu đầy trân trọng của ba ngòi viết uy tín là Hoàng Ngọc Tuấn, Đỗ Quý Toàn và Phan Huy Đường.

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Dạ Thảo Phương - Đàn ông, đàn bà, và thủ tướng (trao đổi với tiến sĩ Từ Huy)

Hình: internet
Đọc bài "Dù là đàn ông hay đàn bà" tiến sĩ Từ Huy phản hồi lại bài "Nhục", tôi mừng quá khi cuối cùng chị cũng đến được cùng quan điểm với tôi là về các vấn đề xã hội thì "không chỉ Đảng và Nhà nước phải chịu trách nhiệm, và tất cả các công dân trên đất nước này đều phải chịu trách nhiệm, dù là nam giới hay nữ giới".

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Nguyễn Thị Từ Huy - Dù là đàn ông hay đàn bà


Tôi vừa đọc bài « Nhục » của Dạ Thảo Phương. Cảm ơn Thảo Phương. Tôi thực sự rất vui mừng khi đọc bài này. Bạn không đồng ý với tôi là đúng.

Giới thiệu tác phẩm của nhà văn trẻ NGUYỄN THỊ TỪ HUY:"GỬI NGƯỜI YÊU VÀ TIN"

Nhà văn Nguyễn Thị Từ Huy (hình internet)
Lời giới thiệu của Nhà Xuất Bản 
Ðỗ Quý Toàn

Đề tài chính của cuốn sách Gửi Người Yêu và Tin là Dối Trá. Sống trong một xã hội chỉ thấy toàn gian dối, người ta cần một chỗ nương tựa, cần tâm sự với một người mình có thể tin, một người mình yêu thì càng quý báu. Vì vậy, cuốn sách này gồm những lá thư của một người đàn ông viết gửi cho người yêu. Cô nàng là một phụ nữ không thuộc cùng một chủng tộc mà lại sống ở một xứ rất xa xôi. Cô sống hoàn toàn ngoại cuộc, không chia sẻ hoàn cảnh của anh, mà cũng không mang chung những hoài vọng, ước ao mà anh ôm ấp muốn thực hiện cho đồng bào của mình. Vì vậy, anh có thể nói thật, nói đầy đủ những tư tưởng, ý kiến, hy vọng hay nghi ngờ của mình.

Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

Nguyễn Thị Từ Huy - Thư gửi cộng đồng đại học và cộng đồng nghiên cứu Việt Nam


Sáng nay, 18/3/2014, tôi đọc được trên trang Bauxite Việt Nam bài “Tư liệu: Công văn của Ban Tuyên giáo Trung ương”, và biết được rằng Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã ra quyết định thành lập Hội đồng Khoa học thẩm định lại luận văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan. Hội đồng Khoa học này (không rõ gồm những ai) đã ra quyết định thu hồi luận văn, không công nhận học vị thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan.

Bauxite Việt Nam - Tư liệu: Công văn của Ban Tuyên giáo Trung ương

Dưới đây là trích đoạn từ một công văn của Ban Tuyên giáo Trung ương. Sau này, nếu ai có hứng thú nghiên cứu, xin mách một đề tài hay, xứng đáng tầm luận án tiến sĩ: Tự do ngôn luận nhìn từ công văn của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Quả là Ban Tuyên giáo Trung ương có “con mắt nhìn sáu cõi”, quán xuyến từ nhỏ đến to, từ trong nước đến quốc tế.
Chuyện luận văn của Đỗ Thị Thoan ba năm sau khi bảo vệ với đánh giá xuất sắc, bị “phê bình tập thể” và nay bị “hội đồng thẩm định” ra quyết định thu hồi luận văn và không công nhận học hàm [sic!] thạc sĩ, Ban Tuyên giáo chỉ thị “báo chí không đăng tải ý kiến, đơn thư trái chiều”, nghĩa là bịt miệng dân. Nhân tiện, xin hỏi: Có công khai được danh sách các nhà “khoa học” tham gia cái “hội đồng thẩm định” đó không ạ? Ý kiến cụ thể của từng vị ra sao ạ? (Và cũng xin nhắc để mọi người nhớ rằng, PGS TS Nguyễn Thị Bình vì ‘tội” hướng dẫn cho cô Đỗ Thị Thoan, đã bị cho về hưu sớm đấy – xin xem ở đây). Chuyện nhỏ mà, chứ có to như chuyện máy bay trở [sic!] khách MH370 của Malaysia bị mất tích đâu, xin cứ công khai để bàn dân thiên hạ biết “hội đồng” đã làm việc một cách đầy lương tâm chức nghiệp như thế nào.
Chuyện Ucraina cách Việt Nam mấy ngàn cây số cũng được Ban Tuyên giáo quan tâm sâu sát. Không phải vì Việt Nam có quyền lợi gì ở xứ Ucraina xa xôi, như EU hay Mỹ, mà hẳn là vì Ban lo xa, sợ dân Việt liên hệ với tình hình trong nước, thì bất lợi cho việc “trị an”. Chứ không sao?!
Báo chí Việt Nam bị “cầm tay chỉ việc” như thế, mà Việt Nam vẫn tự hào là đảm bảo quyền tự do ngôn luận, vẫn đường đường là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, cơ đấy!
Hình như một nhân vật của Nam Cao, để tán thưởng, thường hay vỗ đùi kêu lên: “Tài thật! Tài thật! […]”.
Bauxite Việt Nam
Nguồn ảnh: FB Nhị Linh