Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Xuân Hoàng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Xuân Hoàng. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 11 tháng 4, 2023

Họ đã “gặp lại” nhau ở nơi xa đó!

Kết thúc bài bút ký “Đi thăm Nguyễn Xuân Hoàng” lúc nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đang bị bệnh nặng, nhà văn-nhà báo Phạm Phú Minh viết “Rồi sẽ đến lúc chỉ còn một. Và đến một lúc nữa, sẽ không còn ai cả”. Điều đó đã trở thành sự thật. Nhà văn-nhà báo-nhà giáo Nguyễn Xuân Hoàng qua đời ngày 13/9/2014. Và mới đây, ngày 9/4/2023, hiền thê của ông, nhà văn-nhà thơ Trương Gia Vy cũng đi gặp chồng ở thế giới bên kia.

Xin mời đọc lại bài viết của nhà văn-nhà báo Phạm Phú Minh kể lại lần đi thăm nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, và bài thơ nhà văn Trương Gia Vy viết tặng chồng hồi tháng 7 năm 2014, hai tháng trước khi nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng qua đời.

DĐTK

Phạm Phú Minh - Ði thăm Nguyễn Xuân Hoàng



Để chuẩn bị cho cuộc hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn vào tháng Bảy 2013 vừa rồi, tôi đã mời nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng tham dự ban điều khiển các buổi hội thảo, và anh đã nhận lời, khoảng nửa năm trước. Tôi rất yên tâm, vì ban điều hành gồm Bùi Bích Hà, Đỗ Quý Toàn và Nguyễn Xuân Hoàng thì coi như là "mạnh"; đề tài nào, tình huống nào những nhà cầm bút lão luyện này cũng có thể lèo lái xuôi chèo mát mái được.


Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017

NGÔ THẾ VINH: NGUYỄN-XUÂN HOÀNG VÀ MÙA THU NHẬT BẢN

Hình 1: Nguyễn-Xuân Hoàng, photo by Trần Cao Lĩnh

Nếu bảo qua tuổi 70 xưa nay là hiếm, thì Nguyễn-Xuân Hoàng sinh năm 1937 cũng đã bước qua tuổi 77, nhưng đó là ý niệm tuổi tác của thế kỷ trước. Sang đến thế kỷ 21, với tiến bộ của y khoa, qua tuổi 80 nay cũng không còn là hiếm. Quen được Nguyễn-Xuân Hoàng trong hoàn cảnh nào thì tôi không nhớ, nhưng đó là một tình bạn khá lâu năm. Khoảng giữa thập niên 1960-1970 Nguyễn-Xuân Hoàng đã cùng với Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Đình Toàn, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Nhật Duật và Nguyễn Quốc Trụ chủ trương nhà xuất bản Đêm Trắng. Họ đều ở lứa tuổi trên dưới 30, sức sáng tác đang sung mãn với phong cách riêng mỗi người, được coi như là nhóm “Tiểu Thuyết Mới”, với quán La Pagode như một điểm hẹn sinh hoạt. Và tên tuổi mỗi người trong nhóm, sau này đều trở thành nhân dáng những nhân vật tiểu thuyết của Nguyễn-Xuân Hoàng. 

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2016

Đàm luận giữa Võ Phiến và Nguyễn Xuân Hoàng: họp tan, tan họp

Nhà văn Võ Phiến

LTS. Như đã ghi ở trên, bài này là một cuộc đàm thoại giữa hai nhà văn Võ Phiến và Nguyễn Xuân Hoàng được ghi lại. Nhưng  cuộc nói chuyện đã diễn ra như thế nào, được ghi lại ra sao? Xin mời độc giả đọc lại đoạn ký sự sau đây để hiểu cách sáng tác có vẻ như tay đôi này (trích từ bài Đi Thăm Nguyễn Xuân Hoàng của Phạm Phú Minh, kể chuyện đi San Jose thăm nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đang bị bệnh nặng, vào ngày 10 tháng Tám 2013).
 
... Tôi hỏi tiếp: "Năm 1993, từ tháng Tư cho đến tháng 12, tạp chí Thế Kỷ 21 có đăng một loạt bài chín kỳ có tên gọi là 'Một hoàn cảnh mới cho sáng tác văn nghệ', ký tên hai người: Võ Phiến và Nguyễn Xuân Hoàng. Các bài đều dưới hình thức đàm thoại. Vậy cách thức hình thành của loạt bài này như thế nào?" 
Sở dĩ tôi đặt câu hỏi này là vì gần đây tôi tìm những bài cũ có giá trị của Thế Kỷ 21 để đăng lại trên báo mạng Diễn Đàn Thế Kỷ, và đã đăng gần trọn loạt bài này. Hai nhà văn này đã nhìn ra lắm cái hoàn cảnh mới cho sáng tác văn nghệ, ví dụ sự tương quan giữa sách và người, ngày nay con người không còn chịu nhiều ảnh hưởng của sách như các thế kỷ trước, mà chịu ảnh hưởng của tin tức, của TV, của đời sống xã hội nhiều hơn. Rồi đề tài sách và nhà, rồi cuộc sống vội vàng v.v... Câu chuyện đối thoại nào cũng hấp dẫn, cũng thấu tình đạt lý. Và một hôm tôi bỗng nhận ra điều này: dù là dưới dạng đàm thoại, văn phong tất cả các bài này là của Võ Phiến, vậy cuộc chuyện trò đã diễn ra như thế nào giữa hai nhà văn? Tôi định đến thăm nhà văn Võ Phiến để hỏi vấn đề này, nhưng sực nhớ ra từ mấy năm nay trí nhớ của nhà văn lão thành này đã lãng đãng lắm, chắc là khó có được câu trả lời chính xác. Và định bụng hỏi Nguyễn Xuân Hoàng. May quá trong chuyến đi thăm Hoàng lần này, cái trí nhớ cũng đã bắt đầu lãng đãng của tôi lại nhớ ra chuyện này, và tôi vội vàng đem ra hỏi Hoàng. Chứ lỡ không còn dịp để hỏi nữa thì làm sao? Thì tôi lại ân hận như đã lỡ dịp hỏi nhiều điều tôi cần biết, với Lê Trọng Nguyễn, với Đỗ Ngọc Yến, với Phạm Duy... May quá, Hoàng đã trả lời một cách rõ ràng. 

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Đàm luận giữa Võ Phiến và Nguyễn Xuân Hoàng: họp tan, tan họp

NGUYỄN XUÂN HOÀNG (N.X.H.): Kỳ trước nói xấu ti-vi đã đời, kỳ này chúng ta nói về cái gì nhỉ?
VÕ PHIẾN (V.P.): Về những chuyện ông Quayle viết chính tả, chuyện ông Đỗ Quí Toàn lấn đất giành dân v.v... Được không?
N.X.H.: Ủa, Đỗ Quí Toàn hiền khô, ngày ngày ngồi thiền ở làng Cây Phong; ổng lấn đất giành dân hồi nào? ai loan tin đồn nhảm vậy cà?
V.P.: Không có gì để la hoảng lên như thế. Ổng muốn dạy con nên người Việt, tốt thôi. Ổng dặn con đừng mở ti-vi trong giờ ăn. Giờ ăn thì “mời anh ti-vi đi chỗ khác chơi”, kẻo mất cha mất mẹ. Mở ti-vi lên, trẻ con bị cuốn hút vào đám nhân vật nhốn nháo trên màn ảnh, còn mắt đâu trông thấy cha mẹ ngồi cạnh bên mình nữa? (Và các bậc cha mẹ e cũng có khi bị cuốn luôn vào ti-vi, mà quên mất con.) Cha mẹ muốn giữ con cái, con cái muốn giữ lấy cha mẹ, thì phải tranh nhau với kẻ cướp, là cái ti-vi. Gian nan đa. Một cuộc thăm dò năm 1991 cho biết nửa số người Mỹ xem ti-vi vào bữa ăn chiều. Bên ti-vi chiếm một nửa, bên ông Đỗ chiếm một nửa: Hiện thời đôi bên tạm ngừng lại ở bờ sông Bến Hải. Không khéo lấn e có ngày bị đẩy xuống tận mũi Cà Mau, rồi di tản luôn; ai nỡ trách ông Đỗ hung hăng trong sự giành lấn?

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Nhớ Nguyễn Xuân Hoàng


Hôm nay Diễn Đàn Thế Kỷ mời độc giả cùng nhớ tới nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng nhân ngày giỗ đầu của anh. Để phù hợp với tính tình thanh tao nhẹ nhàng của anh, chúng ta sẽ cùng nhau nhớ tới anh một cách đơn sơ không ồn ào, với vài bài mới viết về anh và một số bài viết cũ của anh hoặc liên quan tới anh.

Một nhà văn của Việt Nam Cộng Hòa đã trải qua cuộc đổi đời năm 1975 thì khó mà không mang nỗi truân chuyên trong tinh thần. Viết văn, từ chỗ giống như con ngựa phóng khoáng phi trên đồng cỏ, thì từ 30-4-1975 nó đã được đóng một cái ách vào cổ, và cài thêm hai miếng che hai bên mắt. Con ngựa vẫn chạy, nhưng từ nay phải theo một hướng nhất định, không được nhìn trái nhìn phải, không được tùy ý chạy mau chạy chậm như trước nữa. Nó chạy dưới một cái roi điều khiển.

Nguyễn Xuân Hoàng từ vai trò một nhà giáo, một nhà văn, một người làm báo văn học của miền Nam bỗng rơi vào cái truân chuyên đó, đã tự mình cảm nghiệm những điều anh đã biết rồi một cách lý thuyết qua những tin tức về Phan Khôi, Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang, Boris Pasternak, Solzenitsin... Và rồi anh đã thoát ra, đã “làm lại” ở hải ngoại công việc viết văn và làm báo.

Sợi dây nối với thời kỳ đó là cuốn Bụi và Rác, mà hôm nay chúng tôi xin mời bạn đọc thưởng thức bài điểm sách của Trần Hồng Châu, một bài phân tích vô cùng uyên bác, hiếm có trong các trang điểm sách văn học Việt Nam. Bài được scan lại từ tạp chí Thế Kỷ 21 số 49, tháng Năm, 1993.

Hai bài viết mới, một của nhà văn Phùng Nguyễn một thời gắn bó với nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng trong sinh hoạt văn học tại California, một của cô Tanaka Aki, cô gái Nhật Bản, người chưa từng gặp Nguyễn Xuân Hoàng nhưng đã quyết định dịch cuốn NgườiĐi Trên Mây sang tiếng Nhật.

Một bài thơ nhân giỗ đầu Hoàng của nhà thơ Trần Mộng Tú, người làm thơ suốt bốn mươi năm tại hải ngoại, đã chứng kiến biết bao văn hữu từ Việt Nam đến, tụ lại rồi ra đi.

Về tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, chúng tôi chọn đăng hai bài, một là trích  Chương II của cuốn Bụi và Rác, bài thứ hai: Tự truyện một người vô tích sự.


DĐTK

Trần Hồng Châu - Bụi và Rác của Nguyễn Xuân Hoàng: Bi kịch của Trần LâmThăng và nỗi đau của tất cả chúng ta


Tanaka Aki - Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng

cô Tanaka Aki
Lời giới thiệu: Tác giả bài này, cô Tanaka Aki, là một cô gái Nhật Bản. Hiện cô đang theo học Cao học về Văn học Việt Nam tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo.
Năm 1997, ở tuổi hai mươi, cô đã đến Việt Nam làm việc cho một số công ty Nhật đang hoạt động tại đây, và ở lại đất nước này tổng cộng 13 năm. Một trong các công việc của cô là làm thông dịch, phiên dịch giữa người Việt và người Nhật. Năm 2013, cô Tanaka Aki đã được mời sang Mỹ để tham gia và phát biểu trong cuộc “Triển Lãm và Hội Thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn” tổ chức vào hai ngày 6 và 7 tháng Bảy. 

Tháng 7 năm 2013 tôi đã tham dự cuộc hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn tại Little Saigon, Nam California, tôi được biết ông Nguyễn Xuân Hoàng là một người đã được ban tổ chức mời để điều hợp các buổi hội thảo. Đáng tiếc là bệnh trạng của ông Hoàng vào thời điểm này đột ngột trở nên trầm trọng nên ông không thể tham dự hội thảo, và tôi đã không được gặp ông trong dịp ấy.

Phùng Nguyễn - Xuôi dòng ký ức

Hommage à Nguyễn Xuân Hoàng
Đinh Cường – 20.9.2014

Gởi anh Hoàng chị Vy

13 tháng 9 năm nay là ngày giỗ đầu của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. Khi nhận lời chăm sóc blog “Rừng & Cây” trên mạng VOA tiếng Việt, tôi đã quyết định sẽ tiếp tục tinh thần “Nguyễn Xuân Hoàng và Bạn Hữu” trên sân chơi của mình như là một nhắc nhở thường xuyên về anh, nhà văn và cũng là “người bạn của các nhà văn,” một cách gọi để diễn tả sự mến mộ mà các ngòi bút khác dành cho anh. Vậy mà tôi lại cảm thấy rất khó khăn khi nói về anh. Bởi vì, có điều gì tôi muốn nói về Nguyễn Xuân Hoàng mà không có ai đó đã nói/viết ra trước đó?

Nguyễn Xuân Hoàng - Bụi và Rác (Chương II)


Mùa Nghi Hoặc  
 

…Đường phố đầy người. Tù chính trị Cộng sản, thân Cộng, thiên Cộng đã được thả hết, nhưng cùng lúc tù hình sự cũng tuôn ra theo. Ở nhiều ngã đường những người tù hình sự có thể cúi xuống nhặt một khẩu súng. Và họ tự đeo lên cánh tay một băng vải đỏ, lấy một chiếc xe jeep nào đó nằm ở lề đường, lái nghênh ngang giữa phố bóp còi inh ỏi. Họ tự cho mình là dân quân cách mạng và họ cướp bóc, dọa dẫm người khác.

Thiếu người cảnh sát công lộ, các đường phố trở nên hỗn loạn, mạnh ai nấy đi. Những ngọn đèn lưu thông xanh-vàng-đỏ ở các ngã tư tắt ngúm như một người câm.

Nguyễn Xuân Hoàng - Tự truyện một người vô tích sự


Trong đời sống, mất mát nhiều hơn là thu nhận. 
Cây lúa sẽ không trổ bông, nếu trước đó nó không chết đi. 
Hãy sinh động một cách không mệt mỏi, nhìn về tương lai 
và nuôi dưỡng bằng những nguồn dự trữ sống chất chứa 
từ trí nhớ và sự lãng quên. 
—Boris Pasternak


Tôi là đứa con thứ mười hai trong một gia đình mười ba anh chị em. Mười ba người con trong một gia đình, con số ấy đâu có nhỏ, phải không? Nhưng biết làm sao! Có ai trên đời này được quyền chọn nơi chốn, gia đình hay dân tộc để chào đời đâu. Tóm lại, tôi là một người Việt Nam ra đời ở miền Trung, trong thời chiến, dưới một mái nhà “đông dân” và “kinh tế gia cảnh” đang hồi sa sút.

Trần Mộng Tú - tro than rồi cũng nguội

(Gửi Hoàng và Vy)

Chị Trương Gia Vy, phu nhân của cố nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng
  
Đêm cắt ra từng miếng
một miếng đêm… miếng đêm
hai miếng đêm… miếng đêm
ba miếng đêm… miếng đêm

ngày chẻ ra từng sợi
một sợi ngày… sợi ngày
hai sợi ngày… sợi ngày
ba sợi ngày… sợi ngày

tôi ngồi đếm từng miếng
tôi ngồi nhặt từng sợi
tôi gọi anh Hoàng ơi
hết mười hai tháng rồi

hôm qua Vy ngồi khóc
gọi thời gian trở về
chiếc bóng trên bực cửa
như một vệt thơ buồn

Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

Nguyễn Xuân Hoàng - Giáng Sinh Hãy Chờ

Chị Trương Gia Vy (Hình: Tư liệu gia đình)
1.

Vy yêu dấu,

Tôi đang viết cho em giữa những âm thanh quen thuộc của một mùa Giáng Sinh. Một người bạn làm báo cho tôi biết rằng tình hình chính trị đang có nhiều chuyển biến lớn. Có lẽ chiến tranh sẽ chấm dứt và hòa bình sắp được tái lập. Hòa bình! Đó là niềm mơ ước lớn nhất không phải của riêng chúng ta, mà là của cả dân tộc. Em biết không, căn phòng tôi giờ đây đang tràn ngập những âm thanh của khúc hát Đêm Thánh Vô Cùng, ấy vậy mà tôi vẫn như nghe lẫn trong đó từng chữ từng lời của bài Giáo Đường Im Bóng, ca khúc mà em đã hát cho tôi nghe chiều hôm qua trong quán nước Hoàng Gia vắng vẻ trên đường Tự Do trước khi em trở về Đà Lạt. Trong trí nhớ của tôi vẫn còn hình ảnh em với mái tóc đen dài, đôi mắt màu hạt dẻ và một nụ cười rụt rè như lần đầu chúng mình quen nhau.

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Nam Dao - Về Quê

Ảnh NX Hoàng và Nam Dao do NB Trạc chụp.

Nhớ tiếc Nguyễn Xuân Hoàng

1

Ông bạn Nguyễn Bá Trạc như ‘’ngọn cỏ bồng’’ [i].

Bạn mai về nhà?

Ờ, thì mai trở lại San Jose.

Rồi bạn hắng giọng, tại sao lại về? Mình ở đâu khi quay lại nơi đó thì nói là về!  Nhưng tôi trú ở Phần Lan sau khi ngụ tại Mỹ khá lâu, miệng lại  bảo về Việt Nam, nơi tôi vắt chân lên cổ thoát thân đã gần 40 năm, mà không nói như nói tôi đi Pháp, sang Ý, ghé Nga, trở lại Mỹ…Khỉ thế! Có lẽ về, là về nơi mình gắn bó hơn mọi nơi khác trên  trái đất này chăng?

Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

Phan Nhật Nam - Chung quanh... Bụi, Rác, Và Nỗi Đau!


1963- Trường Trung Học Ngô Quyền, Biên Hòa vào giờ tan học buổi trưa. Đám học sinh khi qua cổng mất cách huyên náo thường lệ, cụ thể với những nữ sinh đệ nhị cấp, lớp thiếu nữ đang thành những nhân dáng riêng với tuổi học trò đang độ lớn, đến mức trưởng thành, rộ nở. Bởi ngay cổng đang đứng trấn bởi một gã sĩ quan cấp thiếu úy. Áo quần hoa nhảy dù với những hình khối màu nâu, đỏ ngang dọc mạnh mẽ, độc đáo, chiếc mũ đỏ đội lệch và điếu thuốc lá trên môi.. Gã trẻ tuổi còn nguyên vẻ của người mới rời khỏi giảng đường, trường học, dẫu cố làm ra dáng cứng rắn, lính tráng. Viên thiếu úy nhìn săm sắp, tìm kiếm... Đám học sinh chợt ngưng câu chuyện, hạ thấp giọng thì thầm khi đi qua. Cũng bởi, người tỉnh nhỏ đã nhiều lần chứng kiến những hành vi mạnh mẽ quá độ của những gã lính trẻ sống nay, chết mai. Thành phố nằm trong khu bản lề của chiến khu D, chiến khu Hắc Dịch, Rừng Lá, vùng xôi đậu Tân Uyên, Tân Tịch.. của những tỉnh Bình Dương-Biên Hòa- Long Khánh-Phước Tuy, nên dân chúng thường chứng kiến xe GMC chở quan tài lính phủ Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ qua thành phố. Cảnh tượng gây nên thương cảm xót xa.. Người chết trận phần đông là con em gia đình trong khu phố. Người ta báo cho nhau những tin chết chóc.. Trung sĩ X Biệt Động Quân cháu ông Tám Mg đầu đường Công Lý. Thiếu Úy Q, anh cả con của gia đình em bác Hai L ngoài Cù Lao Phố.. Tuy nhiên gã thiếu úy hẳn là người xứ lạ đến đây tìm kiếm một điều gì. Hiệu Trưởng Bảo thân hình chắc nịch vạm vỡ, nhân dáng của một võ sĩ hơn là nhà giáo tiến tới tự tin.. Xin lỗi, thiếu úy tìm ai? Gã sĩ quan đổi sắc mặt, vất vội điếu thuốc, lột chiếc nón đỏ xuống cầm tay ấp úng.. Thưa thầy! Hiệu trưởng Bảo thoáng ngạc nhiên.. Anh học tôi ở đâu? Thưa, thưa em không học thầy, nhưng em học thầy B, thầy H.. bạn của thầy; em học Phan Châu Trinh, nhưng thầy hỏi oral em kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp đầu tiên ở Đà Nẵng năm 1958. Hiệu Trưởng Bảo cười vui.. Thế hôm nay cậu đến đây có việc gì? Em đến tìm anh Hoàng, Nguyễn Xuân Hoàng, người Nha Trang, học trên Đà Lạt đến đây dạy.          

Trần Trung Ðạo - Kính tiễn biệt anh, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng

Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng (Photo: Cuong Tran)
Gặp nhau không nhiều, chỉ vỏn vẹn hai lần mà lần nào cũng ngắn ngủi. Anh ghé nhà trong dịp tham dự một sinh hoạt văn nghệ ở Boston khoảng đầu năm 2000 và một lần khác ở San Jose.

Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

Song Thao - Hoàng

Nguyễn Xuân Hoàng (Hình: Da Màu)
Dẫn: Bài viết về Nguyễn Xuân Hoàng sau đây được viết khi được tin Hoàng lâm trọng bệnh. Tháng 4/2014 tôi đã gửi Hoàng đọc bài này, và anh có nhuận sắc một số chi tiết. Ngày 24/4, Hoàng mail cho tôi: "OK. Mày sửa như vậy là tốt lắm". 

Hoàng và tôi là bạn “mày tao”. Kể cũng lạ. Thường thì bạn kiểu xưng hô “mày tao” với nhau là bạn từ thời còn đi học. Chỉ có những ngày thơ dại đó mới đủ thân tình để gọi nhau một cách sỗ sàng như vậy. Tôi vẫn còn mấy ông bạn thời đó. Ông thì từ hồi học tiểu học, ông thì từ hồi đệ ngũ đệ lục thời trung học. Ông nào ông nấy nay đã đầu bạc, răng long lại mọc thêm một cái chân gỗ hoặc chân sắt. Gặp nhau vẫn cứ “mày tao” khiến cho mấy bà nhăn mặt. Già rồi, ăn nói cho đàng hoàng kẻo tụi trẻ nó cười cho. Mặc, thấy mặt nhau vẫn cứ rổn rảng “mày tao”.

Nguyễn Hưng Quốc - Khi một cây bút ra đi

Tác giả và nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng
Một người quen mất: Buồn. Khi người quen ấy lại là một nhà văn/nhà thơ, hơn nữa, một nhà văn/nhà thơ mình yêu thích: càng buồn hơn nữa. Cũng là người quen cả, nhưng với nhà văn/nhà thơ, qua tác phẩm của họ, bao giờ chúng ta cũng cảm thấy gần gũi hơn, thân mật hơn, do đó, việc ra đi của họ, dù muốn hay không, cũng làm chúng ta buồn rầu nhiều hơn.

Trịnh Thanh Thủy - đốm lửa, cơn gió và khoé nhìn của nguyễn xuân hoàng

Từ trái: Hoàng Đình Bình, Nguyễn Xuân Hoàng, Trịnh Thanh Thủy, Hoàng Ngọc-Tuấn, 
Đặng Thơ Thơ và Nguyễn Thị Thanh Bình — Hội thảo “Văn học Hải ngoại: Thành tựu và Tiềm năng” 
(California, 27.01.2007, Hội trường Việt Báo) 
Từ một cuộc điện đàm giọng anh Hoàng chập chùng, nhẹ và mỏng như mây, tôi đang nói chuyện với “Người đi trên mây” có mái tóc bồng trải cụm rừng trắng ra vũ trụ. Tôi nhắc nhở đến những sáng tác của anh, có lẽ tôi gợi anh trôi về lãng đãng đại dương ký ức. Những dòng chữ trong cuốn Văn, sổ tay mùa hè năm 2001 được lần lượt lật ra trước mắt tôi. Anh viết về những nhặt nhạnh quanh cuộc sống, của mình, của người, bạn thân cũ, nhận xét, tư duy và quan niệm sống. Sắc bén, nhân hậu, sáng suốt và thấm đẫm nhiều tư tưởng triết lý nhân sinh là những đặc thù trong dòng suy tưởng của anh. Anh đã viết “Tôi là một người nhà quê. Cái thứ người tưởng là thành phố mà trời ơi sao nó cải lương đồng bóng [nói như thế là đã xâm phạm cải lương rồi!]…. Tôi càng không phải và không bao giờ là một nhà trí thức…. Tôi có học đôi ba chữ để đọc để viết. Mẹ tôi không học chữ nhiều. Cha tôi chỉ học ở đời sống. Tôi học được lòng nhân của mẹ. Tôi cũng học được cái triết lý của cha: không có gì lớn mà không bị một cái lớn vượt qua, không có gì đẹp mà không bị cái đẹp khác lấn át. Cái mình biết bao giờ cũng rất nhỏ. Cái mình tưởng là chân lý, đôi khi chỉ là một hạt bụi thôi… Hiền lành không bao giờ đồng nghĩa với sự ngu dốt. Làm thinh không phải là không biết nói. Bất bạo động không phải là không có khả năng tấn công. Tôi biết thế nào là một đứa trẻ bụi đời. Tôi từng là một đứa trẻ như thế.”

Trần Mộng Tú - Những con chim cánh đen đã trở lại


Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng (Photo: FB Daniel Quoc-Dang Ho)

Gửi Nguyễn Xuân Hoàng và Vy


Những con chim cánh đen đậu trên nóc nhà đập đập đôi cánh/ tiếng đập khô/anh nằm nghe như trong một giấc mơ/nó bay đi chưa em nhỉ.

Anh nghiêng đầu nhìn vào khoảng trống lặng im/hình như có đàn kiến vừa đi qua da thịt đánh thức anh dậy/ hình như vo vo có cả tiếng ong bay/anh đếm thêm một ngày bắt đầu ngoài cửa sổ.

CHIA BUỒN: NHÀ VĂN NGUYỄN XUÂN HOÀNG

Nhà văn Nguyên Tâm Nguyễn Xuân Hoàng (Photo: Cuong Tran)

Chia Buồn

Được tin
Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng
Pháp danh Nguyên Tâm
Đã từ trần vào lúc 10 giờ 50 sáng
ngày 13 tháng 9 năm 2014 tại San Jose
Thọ 74 tuổi.

Tạp chí Diễn Đàn Thế Kỷ xin chân thành chia buồn
cùng chị Trương Gia Vy, các cháu và toàn thể tang quyến.
Nguyện cầu Hương Linh nhà văn Nguyên Tâm Nguyễn Xuân Hoàng
được sớm tiêu diêu nơi miền Cựu Lạc.


DĐTK