Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Vạn An. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Vạn An. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2021
Nguyễn Vạn An : Chuyện Các Bà Già Trong Quán Ngựa
(tranh minh họa) |
Gần nhà gia đình tôi có một quán cà phê lớn. Chúng tôi thường gọi là Quán Ngựa. Quán lúc nào cũng đầy người, phần lớn là các ông bà già đã về hưu, và người nghèo, thợ thuyền, dân ngoại quốc tới xứ Pháp làm ăn. Họ đến đây để gặp nhau, trò chuyện tiếng xứ họ, và thi nhau đánh cá ngựa.
Điều đặc biệt với tôi là quán này có một cái bàn rất lớn, đặt trong góc phải khi đi vào, dành cho người Việt. Mà người Việt đây toàn là đàn bà. Toàn là các bà già ! Bà nào cũng ít nhất 70 tuổi, có bà đã tới 90.
Sáu bảy bà mà châu lại với nhau trong một quán cà phê thì ai không để ý. Nhất là còn có thêm hai lý do. Lý do thứ nhất là bà nào người cũng bé nhỏ chút xíu. Cho nên cái bàn đó từ xa nhìn thấy như trũng hẳn xuống, so với các bàn chung quanh, phần lớn là bàn các ông thợ thuyền vai u thịt bắp. Lý do thứ hai là, tuy nhỏ người, các bà lại nói rất to, và chỉ nói tiếng Việt. Tiếng các bà lanh lảnh, tiếng cười khanh khách, chẳng coi ai ra gì hết. May là quán cũng nhiều tiếng nói chuyện ồn ào, và chủ tiệm cũng như khách hàng đã quá quen với các bà, nên cũng chẳng ai than phiền gì.
Tôi tò mò nhiều lần đến đứng ở quầy uống cà phê để có dịp quan sát các bà và tìm hiểu thêm. Dĩ nhiên là tôi không qua mắt các bà được, và các bà, thấy tôi người Việt, lần nào cũng lên tiếng chào mời hỏi thăm. Các bà bô bô hỏi chuyện, mặc dù tôi đứng uống ở quầy xa bàn các bà tới năm sáu thước. Và không hiểu từ đâu, tôi được đặt tên là « cậu Ba » ! « Cậu Ba có khỏe không ? », « Cậu Ba có vợ con gì chưa ? », « Cậu Ba hồi này mần ăn ra sao ? », vân vân.
Các bà là những người Việt Nam đã qua Pháp từ lâu. Tuổi trung bình là 80, như đã nói. Các ông chồng thì đã theo nhau chết hết cả rồi. Con cháu đã trưởng thành ra ở riêng. Không bà nào chịu ở với con cái dâu rể, bất kể dâu rể là người ngoại quốc hay người Việt. Các bà phần lớn đều có căn nhà riêng, hoặc đã mua khi còn trẻ, hoặc con cái mua cho. Trong nhóm cũng có mấy người nghèo, không ai thân thuộc, đi ở đậu hết chỗ này đến chỗ kia. Tuy vậy, cả nhóm sống điều hoà với nhau, ai đói thì chia cho ăn, ai rách thì tìm quần áo cho mặc. Thỉnh thoảng cũng nghe tiếng la lối om sòm, nhưng nói chung họ cùng tình cảnh lẻ loi xứ người, biết đùm bọc lấy nhau.
Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021
Nguyễn Vạn An : Bàn Chân Em Trên Thảm Lá Me Vàng
Tôi dịch sang tiếng Pháp lời bài ca « Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui » của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đưa bản thảo bạn bè xem, ai cũng nói : Lời ca Trịnh Công Sơn rất thâm trầm, súc tích. đầy hình ảnh độc đáo lãng mạn. Dịch sang tiếng khác quả là một thử thách và là một thú vị.
Thật vậy, bài này cũng nhiều hình ảnh, đặc biệt có hai câu rất hay :
Tôi đợi em về bàn chân quen quá
Thảm lá me vàng lại bước qua
Các bạn nói : Lá me trên cây màu xanh, TCS tả thảm lá me vàng rụng trên đất, hình ảnh thật đẹp. Tôi than : Làm sao dịch « bàn chân quen » sang tiếng Pháp ? TCS nhớ nhung « bàn chân » cô ý đi trên thảm lá me vàng! Tình tứ đến thế là cùng.
Sau đó đi tìm một bàn chân. Tìm mãi mới được một mẫu, hơi mập và thô, bèn dựa theo, đổi dạng cho chân thật dài và thon. Rồi đặt đôi chân lên thảm lá me vàng, chăm chiu tỷ lệ kích thước cho đẹp. TCS và đám lá me vàng kia thế nào cũng thích đôi chân này !
Mới đầu vẽ cái thảm rất lớn. Đôi chân trên thảm thấy nhỏ quá, nhìn không đã. Sau tôi cắt một tấm thảm lá me nhỏ thôi phóng to lên để quý vị chiêm ngưỡng đôi bàn chân thon. Đây là bức tranh, bài dịch, tấm thảm và bài gốc, bài này chắc các bạn đã thuộc rồi. Có địa chỉ vidéo do chính nhạc sĩ hát. Xin mời…
Chaque jour je choisis une source de joie
traduction : Nguyễn vạn An
Chaque jour je choisis une source de joie
Je choisis les fleurs, je choisis les sourires
Je ramasse le vent du ciel et t'invite à le choyer
Pour que tes yeux sourient
comme des feuilles en volée
Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2021
Nguyễn vạn An : Hôm qua bố cháu đã vào chết ở trong rừng
Ở bên này, giới tự coi là “trí thức” đều đọc báo Le Monde. Tờ báo này không những cho đầy đủ tin tức thời sự, mà còn có nhiều bài luận rất giá trị về chính trị, văn hóa, nghệ thuật, vân vân. Tranh ảnh rất đẹp, phần lớn là trắng đen, gần đây mới có ảnh mầu. Báo có rất nhiều tài liệu, muốn đọc hết phải bỏ cả giờ, nên nhiều khi chiều về mệt mỏi tôi chỉ đọc phớt qua, chờ cuối tuần, hay khi nào rảnh, mới lấy ra đọc tiếp.
Nhưng có một trang mà tôi đọc đều đều. Đó là trang “Le carnet du Monde”. Trong đó có các tin hôn nhân, sanh con, đẻ cái, và rất nhiều tin… cáo phó. Phải có tiền hay có tiếng mới đăng vào đó. Tôi đọc thấy rất thư giãn. Tin sanh đẻ, cưới gả thì thường chẳng có gì hay, nhưng tin cáo phó thì rất đáng đọc. Khi những người nổi tiếng chết, thì báo Le Monde viết một bài nhỏ, kể tiểu sử và công trình đóng góp của họ. Đọc mới thấy có nhiều người mình chỉ quen hay biết về phạm vi chuyên môn, thực ra còn có nhiều hoạt động khác trong đời tư, như chơi nhạc, hội họa, chụp ảnh, làm thơ, viết sách ngoài ngành chuyên môn, làm thể thao giỏi, nấu bếp, làm việc thiện, vân vân. Khi họ chết mới biết họ có một cuộc đời thật đáng sống! Khi đăng cáo phó, gia đình hay gắn một câu kỷ niệm, thường là những câu trong thánh kinh, hay những câu triết lý về thế sự, hay một câu nào đáng nhớ của người đã mất. Nhiều câu rất sâu xa, đọc không khỏi bùi ngùi cảm động, suy nghĩ mông lung…
Một hôm tôi đọc cáo phó một người không biết là ai, thì thấy dòng chữ này:
“Hôm qua bố cháu đã vào chết ở trong rừng.”
Câu viết ngắn ngủi đó đã ám ảnh tôi suốt cả buổi tối. Dĩ nhiên đó là câu của một đứa bé. Mẹ nó đã đăng lên cho nó. Nó bao nhiêu tuổi mà đã mồ côi? Tôi đoán nó thương bố nó lắm, và chắc nó chưa hiểu rõ thế nào là cái chết. Tôi nhớ đến cuốn phim “La ballade de Narayama” của nhà đạo diễn Shohei Imamura, kể chuyên ở một xứ nghèo bên Nhật, lạnh lẽo, hẻo lánh, một bà cụ già đã sống đủ đời, biết là đã đến lúc ra đi, bảo đứa con trai bế mình lên núi, xa lánh làng mạc, để bình yên chết một mình trên đó.
Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2020
Nguyễn Vạn An : Nhớ Mẹ
(tranh Nguyễn Vạn An. Vẽ theo một bức ảnh trên mạng) |
"Tối nay ngồi vẽ mẹ. Vẽ một người mẹ của đồng quê đất Việt. Da mặt mẹ đã xạm đen vì dãi dầu. Đôi mắt mẹ đã trĩu xuống vì suy nghĩ, vì chịu đựng, vì lo lắng cho các con. Đôi môi mẹ đã khô khan nứt nẻ, vì tranh thủ, vì buôn bán, vì cãi cọ, vì van xin, vì cầu nguyện. Cứ mỗi nỗi nhớ là vẽ một nét nhăn trên mặt mẹ. Vẽ một lúc thì mặt mẹ đầy nét nhăn nheo. Vậy mà nỗi nhớ vẫn chưa nguôi. Làm sao con có thể vẽ được hết nỗi nhớ mẹ !
Từ lúc sanh đứa con đầu, mẹ chỉ sống vì chúng con. Bây giờ chúng con đã khôn lớn, đã nên người. Mẹ muốn gì chúng con cũng có thể đem về cho mẹ được. Nhưng mà mẹ đã đi rồi !"
Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2020
Nguyễn vạn An : Giới thiệu Bài thơ Liên Ngâm, nhiều tác giả.
Hồi đầu năm 2007, một thành viên trong mạng Vietshare (VS) ở Việt nam, ký hiệu là Tâm Nguyên (TN), có một ý kiến rất thú vị : Anh đề nghị các thành viên trong mạng cùng nhau viết một “Bài Thơ Liên Ngâm” ! Chủ đề là “Quê Hương Yêu Dấu”. Thể thơ là “Song Thất Lục Bát”. Mỗi người đóng góp 4 câu, và có thể đóng góp nhiều lần. Liên Ngâm nghĩa là người viết sau phải tiếp vần với người viết trước.
Đề nghị này đã được cư dân VS hưởng ứng nhiệt liệt, và các đóng góp được liên tiếp gửi về. Nhưng ngay lúc đầu mọi người đã thấy có vấn đề. Vì theo nguyên tắc, người sau phải tiếp vần với người trước, nhưng nhiều người viết cùng một lúc, thành ra các bài gửỉ đến không tiềp vần với nhau nữa. Nhiều bạn lại viết thơ lục bát thay vì song thất lục bát. Tình hình dần dần trở nên rất phức tạp.
TN đã cố gắng xếp lại. Một công trình vĩ đại! Sau nhiều thì giờ, cả bộ vẫn chưa hoàn toàn thành một bản liên ngâm. Sau Anh kêu gọi 3 người, Hồ Như Mai, Huỳnh Mai và tôi đóng góp. Kết quả, tuy chưa hoàn toàn, đã được Nguyễn Gia viết thành video với nhiều hình ảnh đất nước, trình bầy rất công phu. Nhưng Nguyễn Gia chỉ làm một phần đầu thôi, chắc vì không đủ thì giờ (bấy giờ là dịp tết tây).
Tôi tiếp tục cố gắng sắp xếp các khổ thơ cho tất cả xuôi vần với nhau. Có vài chỗ phải sửa lại đôi chút cho lời thêm chau chuốt, thuần nhất, và cho vần thêm xuôi. Làm mãi cũng không được, tôi bèn viết chèn thêm 2 đoạn. Viết thêm hai khổ thơ chèn vào này rất mất công, vì câu đầu phải nối vần khổ thơ trước, và câu cuối phải reo vần cho khổ thơ sau. Cuối cùng bài liên ngâm được 40 khúc, đọc thấy khá xuôi. Tôi đã đăng trên mạng, và hỏi nếu các tác giả có ai không đồng ý với các chỗ tôi đã sửa đôi chút, muốn đổi lại như thế nào, tôi sẽ sửa lại. Nhưng không có người nào phản đối. Có một vài chỗ tác giả reo vần không chuẩn lắm, mọi người đều vui vẻ bỏ qua.
Xin phép TN và các tác giả được ghi lại đây cho mọi người cùng thưởng thức.
Hôm nay đọc lại bài thơ tôi rất vui, vì đây là tác phẩm chung, nói lên tình quí mến nhau trong mạng VS lúc bấy giờ và lòng tha thiết của mọi người đối với quê hương.
NVA
Bài Thơ Liên Ngâm (nhiều tác giả)
Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2020
Nguyễn Vạn An : Chuyện Xứ Người - Bà Năm.
Gần nhà gia đình tôi ở Ba Lê, có một quán cà phê bình dân khá lớn. Chúng tôi thường gọi là Quán Ngựa. Quán lúc nào cũng đầy người. Phần lớn là dân thợ thuyền, từ ngoại quốc tới xứ Pháp làm ăn. Rất nhiều các ông bà già đã về hưu. Họ đến đây để gặp nhau, gặp người đồng hương, trò chuyện nói tiếng xứ mình, uống bia, cà phê, xem đá bóng trên ti vi màn ảnh to, đánh lô tô và nhất là để đánh cá ngựa.
Điều đặc biệt với tôi là quán này có một cái bàn rất lớn, đặt trong góc phải khi đi vào cửa chính, gần như dành cho một nhóm người Việt. Nhóm này toàn là đàn bà. Toàn là các bà già! Bà nào cũng ít nhất 70 tuổi, có bà đã trên 90 !
Sáu bẩy bà già người Á Châu mà châu lại với nhau trong một bàn thì ai không để ý. Nhất là còn có thêm hai lý do. Lý do thứ nhất là, vì bà nào người cũng bé nhỏ, nên cái bàn đó nhìn từ xa như trũng hẳn xuống, so với các bàn xung quanh, phần lớn người ngồi là đàn ông thợ thuyền, ai cũng to lớn mập mạp. Lý do thứ hai là, tuy nhỏ người, các bà lại nói rất to và chỉ nói tiếng Việt. Tiếng các bà lanh lảnh, tiếng cười khanh khách, chẳng coi ai ra gì hết. May là quán cũng đầy tiếng nói chuyện ồn ào, đủ thứ tiếng ngoại quốc, và chủ tiệm cũng như khách hàng đã quá quen với các bà, nên cũng chẳng ai than phiền gì.
Tôi tò mò nhiều lần đến đứng ở quầy uống cà phê để có dịp quan sát các bà. Dĩ nhiên là tôi không qua mắt các bà được. Thấy tôi người Việt, lần nào các bà cũng lên tiếng chào mời hỏi thăm. Rồi thi nhau bô bô hỏi chuyện, mặc dù tôi đứng ở quầy, xa bàn các bà tới mấy thước. Không hiểu từ đâu, tôi được đặt tên là “cậu Ba “ ! “Cậu Ba có khoẻ không, vợ con gì chưa ? “, “Cậu Ba hồi này mần ăn ra sao ? “, vân vân.
Các bà là những người Việt Nam đã qua Pháp từ lâu. Tuổi trung bình là 80, như đã nói. Các ông chồng thì đã chết hết cả rồi. Con cháu đã trưởng thành ra ở riêng. Không bà nào chịu ở với con cái dâu rể, dù dâu rể là người ngoại quốc hay người Việt. Họ phần lớn đều có một căn nhà riêng, hoặc đã mua khi còn trẻ, hoặc con cái mua cho. Trong nhóm có mấy người nghèo, không ai thân thuộc, đi ở đậu hết chỗ này đến chỗ kia. Tuy vậy, tất cả sống điều hoà với nhau, ai đói thì chia cho ăn, ai rách thì tìm quần áo cho mặc. Thỉnh thoảng cũng nghe tiếng la lối um xùm, cãi nhau ỏm tỏi, nhưng nói chung họ cùng tình cảnh già nua góa bụa, lẻ loi xứ người, biết đùm bọc lấy nhau.
Trong nhóm này có một bà tôi rất để ý. Người ta gọi bà là bà Năm, chắc vì bà là người con thứ tư. Người bà cái gì cũng nhỏ. Thân nhỏ, đầu nhỏ, mắt nhỏ, mũi nhỏ, miệng nhỏ, răng nhỏ. Nói chung nét mặt thanh thoát, chắc ngày xưa cũng xinh xắn.
Tuổi khoảng 70-75, tóc vẫn còn đen, tuy nhiều lúc rất dơ.
Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020
Nguyễn Vạn An : Bay Qua Ba Lê Nghe Nhạc
Chiều hôm đó, Khôi ngồi trước máy vi tính thì bỗng thấy hiện tin nhắn :”-Chào Anh Khôi ! Anh mạnh không ?” Khôi vui vẻ gõ trả lời :”- Ủa, Thu đó hả ? Bên đó mấy giờ rồi ? Em chưa ngủ sao ?", "-Quá nửa đêm rồi. Trời nóng kinh khủng. Em không ngủ được. Anh đang làm gì ?” “- Chiều nay anh không có chương trình gì đặc biệt. Em bay qua Ba Lê được không ?”, “-Bay qua Ba Lê?”, “-Vào mạng bay sang đây, anh đưa đi nghe nhạc !”, “-Ồ, nhạc gì đó anh ?”,”-Chiều thứ bẩy anh hay đi nghe nhạc. Kỳ này có nhạc trong nhà thờ Saint-Julien-le-Pauvre, ở quận La Tinh.
Nhà thờ này nhỏ, âm thanh thần tiên lắm. Beethoven-Chopin, Sonate Pathétique, Clair de lune, Fantaisie-Impromptu, Ballades, Nocturnes, Valses. Toàn là nhạc phổ thông, quen thuộc với đại chúng. Chắc chắn em sẽ thích. Trình diễn viên, Jean-Christophe Millot, rất tuyệt vời. Đàn dương cầm Steinway. Phòng nhỏ, ít người, anh sẽ dành chỗ ngồi tốt. Không khí thoải mái, thính giả tử tế, lịch sự,...”,
Thu có hiểu biết gì đâu về nhạc cổ điển phương tây nhưng cũng mạnh dạn trả lời : “-Mê quá, nhạc cổ điển Âu châu thì em cũng thich lắm. Em đi liền. Em phải dành bao nhiêu giờ ?”, “-Hai giờ rưỡi là cùng, em về bển thì trời dạng sáng. Mai chủ nhật, em sợ gì ?”,”- OK, cho em sửa soạn một tý. Mà hẹn nhau ở đâu ?”, -”Em vào mạng bay qua đây, vén mạng, xuống cái fontaine Saint Michel, gần nhà thờ Đức Bà. Đó là nơi hẹn hò rất nổi tiếng của các tình nhân... và bạn bè ! Anh đợi ở đó",”-Làm sao nhận ra nhau ?”. “Anh sẽ nhận ra em qua cái hình đại diện xinh đẹp của em trong mạng.” , “-..., thú thật với anh, cái avatar đó hơi xưa một tý !"- Bây giờ khác nhiều không ?”,”- Cũng không bao nhiêu !”,”- Không sao, anh sẽ nhận ra em. -”Em mặc quần áo như thế nào ?”,”- Giản dị thôi. Trời bên này đang nóng, em mặc sơ mi váy đầm cho người ta khỏi để ý, nên đem theo một cái khăn quàng và áo len, sợ khi về lạnh. Em cứ gõ địa chỉ Google Earth, fontaine St Michel, Paris, France. Đứng gần một trong hai con sư tử có cánh, chờ ở đó. Anh sẽ đến....”....
Thu vào Google Earth, gõ địa chỉ rồi bay qua Paris, đến fontaine Saint Michel,
Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2020
Nguyễn Vạn An : Một Khúc Nhạc Của Pachelbel
Nhân những ngày thư dãn vào dịp đón tết, tôi muốn giới thiệu với các bạn một khúc nhạc bên Âu khá đặc biệt. Dân Âu Mỹ thì chắc ai cũng biết nhưng có thể người mình ít nghe hay chưa nghe. Đó là khúc Canon et Gigue en Ré Majeur cho 3 vĩ cầm và basse continue của Pachelbel, thường được gọi là Canon en DM của Pachelbel, có khi chỉ gọi là Canon của Pachelbel!
Johann Pachelbel (1653-1706) là một nhà tạo nhạc người Đức, cùng thời với J S Bach. Ông có một thành quả sáng tác rất sung túc, nhưng nghe đến tên ông thì có lẽ ai cũng nghĩ ngay đến khúc nhạc này. Nhạc khúc rất thong thả, êm đềm, thư giãn, dài khoảng 6 phút.
Mới nghe có thể bạn thấy nó hơi dài vì đã quen các bản nhạc Việt. Nhưng nghe đi nghe lại, bạn sẽ thấy nó có một sức lôi cuốn vô cùng kỳ lạ. Càng nghe bạn càng bị nó theo đuổi day dứt, khó mà quên được. Có người nói tôi có thể nghe khúc này cả ngày. Có người nói tôi nghe từ hồi 15 tuổi, bây giờ 70 tuổi vẫn còn thích nghe.
Điều lạ của Canon en DM là có hai trường hợp người ta hay đưa khúc nhạc này ra : một là trong đám cưới, và hai là… khi tiễn đưa ai qua thế giới bên kia ! Một người viết : tôi nhớ bài này vô cùng, vì đó là bản nhạc vang lên khi tôi kèm tay cha tôi bước vào nhà thờ. Người khác viết : Bạn tôi bị ung thư đến đoạn cuối. Nó đưa cho tôi cái CD, bảo không được nghe trước, chỉ được đưa nhạc ra trong đám tang khi nó chết. Tôi làm y như vậy : khi nghe mới biết đó là khúc Canon in DM của Pachelbel ! Bản này được vang lên trong đám cưới tưng bừng của William với Kate Middleton. Và cũng đã được âm thầm đưa ra trong đám tang đau buồn của Diana.
Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2020
Nguyễn Vạn An: Einstein Nói Chuyện Đầu Năm Mới
Các bạn chắc đã đọc rất nhiều lời khuyên của các vĩ nhân, có thể thấy chán. Nhưng tôi vẫn muốn viết về một người, là ông Einstein. Vì ông Einstein là một trường hợp đặc biệt.
Khi Einstein viết về những thuyết tương đối của ông, thì thật rất ít người hiểu. Tôi không dám bàn về các chủ đề đó. Einstein viết nhiều về tín ngưỡng và về đạo Phật. Câu này củaông rất nổi tiếng :
“Nếu có một đạo giáo nào có thể thích hợp với những đòi hỏi của khoa học hiện đại thì đó là Phật Giáo”. Bởi vì đạo Phật bao trùm cả vũ trụ, coi con người, tất cả sinh vật, và trời đất, là một, không tôn thờ một Thượng Đế, và khi tìm hiểu về tâm linh, nguồn gốc của khổ đau và cách sống trong đời này, đạo Phật cũng theo những phương pháp thực nghiệm như những phương pháp thực nghiệm của khoa học. Đức Thế Tôn nhiều lần nhắc nhở các Phật tử là đừng răm rắp nghe những lời Người đã nói chỉ vì lòng tôn trọng đối với Người, mà phải suy nghĩ thực nghiệm những lời đó vào bản thân thời đại và hoàn cảnh quanh mình. Luôn luôn đặt câu hỏi về những khám phá của người đi trước, để tìm tòi và học hỏi khám phá những điều mới, thích hợp hơn với những khả năng quan sát hiện đại, đó chính là phương pháp căn bản của khảo cứu khoa học.
Hai chữ “đặc biệt” tôi nói ở trên, là khi Einstein viết về đời thường, thì lời ông lại hết sức giản dị, và những điều ông nhắn nhủ rất thực tế. Ai cũng hiểu và cũng có thể áp dụng những lời ông nói trong hoàn cảnh của mình. Đôi khi mình có cảm tưởng đã một phần nào làm theo như ông khuyên. Lúc đó thấy rất phấn khởi thích thú.
Bây giờ tôi xin nhắc vài câu ông nói :
1. Einstein : “Tôi chẳng có tài năng gì đặc biệt. Tôi chỉ là một đứa tò mò và đam mê”.
Ông viết thế là vì khiêm tốn đó thôi. Mình đâu dám nói về tài năng với ông, phải không bạn. Nhưng bạn có cho mình là một người tò mò và đam mê không ?
Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2019
Nguyễn vạn An : Đoá Hoa Về Chiều
![]() |
(tranh minh họa: tác phẩm của Toulouse Lautrec) |
Khôi mới dọn về ở đây. Anh gặp bà lần đầu khi xuống cùng thang máy. Bà tuy đã đứng tuổi, da đã hơi nhăn, nhưng còn giữ một vẻ đẹp sắc sảo. Nhất là đôi mắt, tuy có chút mệt mỏi, nhưng lông mi dài được trang điểm tinh vi. Quần áo sang trọng, một mùi nước hoa kín đáo thoảng trong thang máy. Khôi trố mắt. Có lẽ vì sự thán phục quá lộ liễu trong cái nhìn của Khôi nên bà vui, nói “Chào anh “. Khôi trả lời lí nhí “Chào Bà “. Bà mỉm cười đính chính lại : “Chào cô ! “. Khôi cũng mỉm cười.
Đôi mắt bà tròn xoay đen bóng như hai hột nhãn, cái mũi nhỏ, miệng như cánh hoa, gò má hơi cao, tóc ngắn chải chuốt. Người nhỏ, áo hở cổ, bộ ngực còn no tròn, thách thức.
Khôi mở cửa thang máy, lịch sự giữ cửa cho bà. Hai người vui vẻ chào nhau. Khôi chờ bà đi trước để được chiêm ngưỡng đôi chân thon. Bà biết, nên cố tình đi uyển chuyển cho Khôi ngắm. Cách đi điêu luyện như một tài tử xi nê. Khôi theo bà một quãng. Ngoài đường nhiều người quay lại nhìn bà.
Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2019
Nguyễn vạn An : Chuyện xứ người - Mẹ đi tìm mẹ cho con
![]() |
(tiệm Café de Flore, Ba Lê) |
Buổi trưa chủ nhật hôm đó, trời đẹp, tôi đang đi dạo trên một phổ đông người trong trung tâm Ba Lê, bỗng có một người đàn bà Pháp vượt lên, quay đầu lại, nhìn tôi, rồi ôm chầm lấy hôn (lên hai má!). Chụt chụt ! Ngon lành !
Bà người bé nhỏ, gầy guộc, nét mặt xinh đẹp, quần áo gọn gàng nhưng trông hơi mệt mỏi. Tôi trố mắt nhìn bà, vì người này lạ hoắc, tôi chắc chắn chưa bao giờ gặp. Bà nói (tiếng Pháp) :
-Anh là người Việt phải không ?
- Dạ, phải
Bà tiếp :
Tên anh có phải là N'guyen không ?
-Dạ đúng, họ tôi là Nguyễn.
Ở quanh tôi lúc đó có vài người Á Đông. Người Á Đông thì đủ thứ. Bà hỏi là phải. Xin thưa tôi là người Việt. Còn người Việt mà họ Nguyễn thì có chi lạ. Vậy mà bà tỏ ra rất vui mừng :
-Tôi đã nói chuyện với anh rất lâu trong một buổi họp. Anh người Việt, tên là N'guyen. Vậy là anh chứ còn là ai nữa. Tôi tìm anh từ lâu lắm rồi, mừng quá.
Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2019
Nguyễn vạn An : Mary Elizabeth Frye - Đừng Đứng Khóc Bên Nấm Mồ Của Mẹ.
Bài thơ vô cùng xúc động “Do not stand at my grave and weep” (Đừng đứng khóc bên nấm mồ của mẹ) của Mary Elizabeth Frye (1905-2004) đã được dịch ra không biết bao nhiều thứ tiếng và đã được đọc lên, phổ nhạc, trình bầy không biết bao nhiêu lần bởi các ca sỹ trứ danh.
Mary Elizabeth Frye là một bà nội trợ người Mỹ, làm nghề bán hoa. Bà được cả thế giới biết tên vì một lý do độc nhất : bà là tác giả bài thơ "Đừng đứng khóc bên nấm mồ của mẹ", được viết vào năm 1932.
Mary Elizabeth sinh ra ở Dayton, Ohio. Mới ba tuổi đã mồ côi. Sau đến ở Baltimore, Maryland. Năm 27 tuổi lập gia đình với Claude Frye, ông làm nghề buôn bán quần áo. Bài thơ làm bà sau này trở nên nổi tiếng được viết trên một chiếc túi mua sắm, lấy cảm hứng từ chuyện một cô gái trẻ tuổi, Margaret Schwarzkopf, ở với gia đình Frye. Cô đã không thể đến thăm mẹ đang hấp hối ở Đức, vì cô gái là dân Do Thái. Bài thơ chỉ vẻn vẹn có 12 dòng, không có chủ đề. Frye thấy bạn bè thích nên đã sao nhiều bản và lưu hành, nhưng chưa bao giờ gửi đăng trên báo.
Bài thơ được cả hoàn cầu biết đến, nhưng mãi đến năm 1990, Frye mới tiết lộ rằng chính mình là tác giả. Yêu cầu bồi thường của bà đã được chấp nhận năm 1998 sau cuộc điều tra công phu của Abigail Van Buren.
Đã có một số bản dịch sang tiếng Việt, nhưng tôi chỉ được đọc những phóng tác. Nay xin dịch sang tiếng Việt, cố cho sát ý, chỉ đổi vài chữ cho có vần thôi. Xin đưa các bạn tham khảo, phê bình.
DO NOT STAND AT MY GRAVE AND WEEP
Mary Elizabeth Frye
Do not stand at my grave and weep
I am not there; I do not sleep.
I am a thousand winds that blow,
I am the diamond glints on snow,
I am the sun on ripened grain,
I am the gentle autumn rain.
When you awaken in the morning’s hush
I am the swift uplifting rush
Of quiet birds in circling flight.
I am the soft starshine at night.
Do not stand at my grave and cry:I am not there; I did not die.
Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019
Nguyễn vạn An : Chuyện Xứ Người - Một Người Mẹ
![]() |
(tranh: Van Gogh, lấy trên mạng) |
Ông trời run rủi thật kỳ lạ, cho những người từ những phương trời xa lắc xa lơ bỗng nhiên gặp nhau, rồi cuộc đời ràng buộc với nhau !
Hôm đó trong văn phòng ông Paul, khoa trưởng trường đại học ở một tỉnh xa Paris, có ba người gặp nhau lần đầu : ông Paul, cậu Santy và Jean.
Ông Paul người gốc Ba Lan, giòng dõi quý phái, theo cha mẹ lưu lạc sang Pháp. Ông học xuất sắc, đỗ đạt cao, làm giáo sư, rồi lên chức khoa trưởng kiêm giám đốc một trung tâm khảo cứu.
Santy là một thanh niên người Lào, con nhà khá giả, được bố mẹ cho đi học bên tây. Thông minh, chăm chỉ, đậu tiến sỹ rất sớm, cậu được nhận ngay làm giáo sư diễn giảng trong đại học ông Paul.
Jean mới xong cử nhân, vào cao học, hi vọng sau sẽ được soạn luận án tiến sỹ. Bố Jean là lính thợ, sau giải ngũ lưu lạc đến một làng nhỏ bên Pháp, rồi ở lại, lập gia đình với con gái một nông dân ở đó. Lúc sanh ra, Jean mụ mẫm xinh đẹp, nhưng đến khi được tiêm thuốc phòng bệnh trẻ em thì bị hậu quả tai ác: chân tay bỗng co quặp và Jean biến thành một đứa bé khuyết tật.
Ông Paul nói : “- Santy, khảo cứu anh rất tốt. Vừa xong luận án, anh đã được nhận ngay làm giảng sư. Trường hợp này rất hiếm. Đây là Jean, như tôi đã nói với anh trong điện thoại”. Là vì trước đó mấy ngày, ông Paul đã gọi giây nói riêng cho Santy: “- Tôi có một đứa học trò vừa xong cử nhân, đang vào năm đầu cao học. Nó bị khuyết tật. Tôi quá nhiều việc, không thể trông nom nó được, nên muốn anh kiếm việc phụ trợ cho nó và săn sóc nó. Anh suy nghĩ đi. Dĩ nhiên anh không bắt buộc phải nhận, nhưng nếu anh nhận thì cho tôi biết”. Santy không biết ất giáp gì, nhưng cũng hiểu là khó từ chối, trả lời “- Tôi không cần suy nghĩ gì cả. Tôi xin nhận. Ông hãy yên lòng”. Thế là có cuộc gặp gỡ giữa ba người hôm đó.
Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2019
Nguyễn Vạn An: Hồn Của Tượng
![]() |
(tượng, Nguyễn vạn An, nặn bằng đất pha sỏi vụn) |
Mới gặp Anh đêm nay
Xin Anh chỉ phác em vài nét
Hướng một dáng ngồi, níu hai cánh tay
Nắn một áng lưng, gọt một bờ vai.
Em e thẹn quay đi
biết Anh đang nhìn em tha thiết
Đừng quá vội vàng
Xin Anh nhè nhẹ thôi !
Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2019
Nguyễn vạn An : Câu Chuyện Dì Sáu
![]() |
Tranh Bé Ký |
Dì Sáu là một người đàn bà rất đáng phục. Sinh trưởng ở miền nam Việt Nam, lúc nhỏ chắc học hành cũng chẳng bao nhiêu, sau 1975 di tản sang tây, không biết một tí tiếng Pháp nào, vậy mà lại một thân một mình sống được yên hàn từ mấy chục năm nay tại xóm La Tinh, ở ngay trung tâm thành phố Ba Lê hoa lệ.
1. Gặp Dì Sáu. Chúng tôi gặp Dì lần đầu trước đây đã mấy chục năm. Khi đó vùng Ba Lê còn ít người Việt, và họ phần lớn sống ở ngoại ô. Trong xóm La Tinh có môt tiệm bán thức ăn Việt Nam rất nổi tiếng. Tôi ở ngoại ô, mỗi cuối tuần là lái xe chở vợ và hai con nhỏ vào xóm La Tinh mua thức ăn Việt. Một ngày nọ, mua hàng xong, tôi vừa mở cửa xe cho hai cháu lên, thì bỗng có một bà người Việt, tuổi cỡ trên năm mươi, quần áo đen, xách một cái thúng lớn xô hai đứa con tôi, chen vào ghế sau, ngồi trốn trong xe. Nhìn phía xa sau xe, tôi thấy có hai người cảnh sát đang rảo bước tới. Tôi không khỏi lo sợ, vì nghĩ bà đã làm điều gì bất chính, bị cảnh sát rượt. Nào ngờ khi hai người cảnh sát đến nơi, thì họ chỉ ghé đầu vào xe, trừng mắt nhìn bà một cách nghiêm khắc, rồi quay nhìn nhau tủm tỉm cười, rồi bỏ đi. Bà lụm cụm chui ra, cảm ơn chúng tôi, rồi xách thúng ngồi ở một cái ghế dài bên lề đường... chờ khách. Thì ra là bà làm món ăn Việt Nam, rồi mang tới bán lậu ở trước cửa hàng kia.
Sau đó ít lâu, chúng tôi dọn vào ở xóm La Tinh, tình cờ gần nhà bà, thành ra chúng tôi thành hàng xóm và tình bạn với bà kéo dài mấy mươi năm, tới khi bà tự nhiên đi đâu mất tích, nhưng đó là chuyện về sau.
Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2019
Nguyễn Vạn An: Chuyện Liễu Trai Thời @
Hồi trẻ còn là sinh viên, muốn học hỏi về ngoại ngữ, tôi có làm một blog bằng tiếng Pháp. Trong site đó các thành viên viết cho nhau rất tử tế. Có điều là họ rất kín đáo về đời tư. Khi tự giới thiệu, chỉ cho biết là nam hay nữ, còn phần lớn không ai cho biết tuổi tác, nghề nghiệp, chỗ ở. Rất ít khi cho điện thoại, còn địa chỉ thì không bao giờ cho.
Vào blog ít lâu thì một số người cùng gu nhận ra nhau, và chúng tôi thành một đảng khoảng ba bốn chục người, nam nữ trẻ già đủ cả, viết thơ, tản văn, vẽ, chụp hình, thăm thú đi lại. Khi quen nhau rồi, thì ai cũng kín đáo nói về mình một chút, và bản tính, tuổi tác, trình độ học vấn, sở thích, gia đình, dần dần lộ ra.
![]() |
(ảnh minh họa, lấy trên mạng, nhân vật này không ăn nhập gì tới người trong chuyện) |
Trong nhóm có một cô rất nổi tiếng, tên hiệu là cô Lan (Orchidée, Orchid). Đọc bài thì thấy ngay cô là một người có trình độ học vấn cao, đọc sách báo nhiều (sau này tôi mới biết cô là một luật sư rất thành công). Cô không làm thơ nhưng viết tản văn rất hay. Cô viết nhiều và đưa nhiều ảnh về đạo Thiên Chúa. Ngoài ra, cô rất thích tìm hiểu triết lý, nghệ thuật Á Châu, Ấn Độ, Trung Hoa và Nhật Bản. Cô viết và đưa tranh và lý luận sâu sắc về Lão Tử. Cô viết về các bình và tách trà cô mua được bên Tầu, về các loại trà đủ xứ, phân biệt cách uống trà của nguời Nhật và người Trung Hoa, đọc rất mê say. Cô cũng cho xem rất nhiều bức tranh các ikebana cô làm, rất tinh khiết, trang nhã, chứng tỏ cô có theo học về nghệ thuật này. Một lần cô đưa hình một đôi mắt xanh, to, rất đẹp, lông mi dài cong vút, dưới đầu xoã một bộ tóc vàng ánh. Chỉ có đôi mắt thôi. Chẳng biết hư thật ra sao, đôi mắt đó có phải của cô hay không, nhưng bài này cô được gần 100 cảm nhận lao xao. Cô kể chuyện đã học yoga từ nhiều năm và bây giờ là giáo sư trong một club yoga, tuy đó không phải là nghề chính. Vậy chắc là cô có một thân hình rất đẹp.
Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2019
Nguyễn Vạn An : Một tuần sống trong im lặng : chuyện cái bút (4/4)
Ngày đầu tiên đến đảo, phải làm một chút giấy tờ như tôi đã kể với các bạn. Tôi loay hoay tìm một cái bút. Đang tìm hết túi này tới túi nọ, thì một người đàn bà bên cạnh móc ví lấy cho tôi cái bút. Tôi ngước nhìn, hơi giật mình, vì thấy cô có đôi mắt đen rất đẹp. Cô người gầy guộc, mặc toàn đồ đen rất sang trọng. Trước ngực đeo một chuỗi hạt và một cây thánh giá nhỏ. Tôi điền giấy má xong, liền bỏ cái bút vào túi tôi.
Trong bữa cơm ngày đầu, vì không theo đạo, tôi lúng túng lắm, cứ chờ người chung quanh làm gì thì làm theo. Vì thế tôi rất mừng khi thấy cô áo đen đi vào. Cô đến muộn, vẫn mặc một bộ quần áo đen tuyền, dáng đi uyển chuyển. Cô ra ngồi ở một bàn rất xa, hình như cốý quay mặt về phía tôi. Lúc vị thầy tu đọc vài câu kinh trước bữa ăn, tôi có cảm tưởng là cô đã để ý thấy tôi không đọc kinh và không biết làm dấu thánh. Và cô làm dấu muốn giúp đỡ tôi.
Buổi tối đầu tiên, trằn trọc không ngủ được, tôi ra lan can trước cửa nhìn trời. Bỗng tôi có một cảm giác khác lạ, quay sang trái thì thấy có một bóng đen đứng ở cùng lan can phía xa xa, không biết tự bao giờ. Cô áo đen ở phòng gần đó ! Tôi thấy hàm răng của bóng đen hé ra trắng xóa. Hai người đều ngượng nghịu, cùng muốn bỏ đi ngay mà không dám. Tôi quay sang phải, ngắm trời mây. Lúc quay lại thì bóng đen đã biến mất.
Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2019
Nguyễn Vạn An : Một tuần sống trong im lặng : các em nhỏ đến thăm (3/4)
(Tiếp theo loạt bài “Một tuần sống trong im lặng” đã đăng ngày 1 tháng 9, 2019)
Ngày thứ tư, có một đám học trò theo một cô giáo đến thăm đảo, nhưng tất cả chỉ ở ngoài biển và trong vườn. Các em được dặn trước, nên chỉ rón rén rù rì nói chuyện với nhau.
Một em mạnh dạn tới hỏi tôi : "Ông cả ngày không nói thì ông làm gì ? Ông có buồn không ?"
Tôi trả lời: "Khi mình muốn yên lặng, thì mình không nói. Khi muốn nói thì ra đây !".
Em cãi: “Nhưng mà con thấy ai cũng im cả. Có ai nói gì đâu ?“
Thấy các em rất dễ thương, tôi cảm hứng xin phép cô giáo, gọi các em lại, và trả lời: "Tôi im lặng để nghe! Các em hãy thử im lặng trong năm phút, để nghe, và kể cho tôi đã nghe thấy những gì”.
Thế là mở ra một cuộc thi đua. Có em nói : "Con nghe thấy tiếng chim“, có em nói : "Con nghe thấy tiếng lá“, có em nói nghe thấy tiếng gió thổi, có em nói nghe thấy tiếng gà rừng quác quác ở xa xa. Một em quả quyết có nghe tiếng dế kêu. Tôi hỏi: “Các em có thể vừa nói vừa nghe không ?". Tất nhiên ai cũng trả lời: “Không được!“
Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2019
Nguyễn Vạn An : Một tuần sống trong im lặng - tiếng cầu kinh ban đêm (2/4)
Ban ngày, tuy không nói chuyện, nhưng cũng gặp người này người kia, ăn uống, vào lễ trong nhà thờ, đọc sách, ra biển, đi xem hoa cỏ, cây cối, không thấy thời gian đi qua. Mỗi tối, về phòng ngủ, mới thấy cái ghê gớm của sự lẻ loi, cái đi chậm chạp của thời gian và cái im lặng âm u của hòn đảo.
Nhớ nhất là đêm đầu tiên, vì có vài kỷ niệm. Tôi kể cho các bạn.
Khi về buồng phải theo một hành lang dài, vào một căn phòng nhỏ. Hai bức tuờng trái phải mong manh, tôi có cảm tưởng là làm tiếng động gì người bên cạnh cũng nghe thấy. Đêm đầu, tôi nằm im nghe ngóng mông lung không ngủ được. Thao thức mãi, rồi chồm dậy, hé cửa ra trước ban công ngắm cảnh rừng trước mặt. Trời hôm đó ghê lạnh, gió thoang thoảng từ biển thổi vào. Đảo chìm vào đêm, trăng khuya kỳ ảo trong mây, cây cối xa gần mơ hồ rờn rợn. Ở đây họ sống tiết kiệm, nhìn khắp gần xa không thấy một ngọn đèn.
Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2019
Nguyễn Vạn An : Một tuần sống trong im lặng - đảo Lérins (1/4)
Các bạn hãy nhìn bức ảnh thuyền đậu chi chít :
![]() |
(ảnh minh họa, lấy trên mạng) |
Đó là bến tầu thành phố Cannes, ở miền nam nước Pháp. Cannes là một thành phố tráng lệ, khách du lịch ngoại quốc và người Pháp có nhiều tiền đến đó để nghỉ mát. Mỗi hè, Cannes đầy chặt nguời, ngoài bãi biển có khi không còn chỗ ngồi. Xe cộ tấp nập, thành phố suốt đêm thắp đèn sáng trưng. Chắc các bạn đã đọc nhiều về những Festivals de cinéma de Cannes!
Ít người có thể tưởng tượng là từ Cannes chỉ cần lấy tầu thuỷ đi vài chục phút là đên một hòn đảo có phong cảnh hoang dại trong bức hình dưới đây :
Bức hình đó chụp tại một hòn đảo Lérins, trong mấy đảo nhỏ ngoài biển cách thành phố Cannes chưa tới một cây số.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)