Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Văn Thực. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Văn Thực. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2023

Truyện ngắn Mishima Yukio: Yêu Nước (Ưu Quốc), Nguyễn Văn Thực dịch

 Tam-Ðảo Do-Kỷ-Phu: 三島 由紀夫: Mishima Yukio

1.

Ngày 28, Tháng Hai, năm thứ 2 niên hiệu Chiêu Hoà (tức là ngày thứ hai sau cuộc chính biến ngày 26, Tháng Hai)1, trung úy Vũ-Sơn Tín-Nhị, thuộc liên đội cần vụ, bộ binh cận vệ, từ khi xảy ra cuộc chính biến, đã lo lắng về chuyện các bạn hữu đã tham gia cuộc chính biến. Anh đã rất đau xót trước tình thế cùng cực quân đội của Thiên Hoàng phải kình chống nhau, và anh đã dùng kiếm nhà binh mổ bụng tự sát tại căn hộ rộng tám chiếu ở phố Thanh Diệp, phường Tứ Cốc. Vợ anh, nàng Ly Tử cũng đã dùng dao con tự sát với chồng mình. Bức thư trối lại của trung úy chỉ có một câu: “Quân đội Thiên Hoàng Muôn Năm!”. Còn thư của vợ anh gởi cha mẹ, nàng tự trách mình đã bất hiếu, và: “Cái ngày của một người làm vợ lính phải đến, thời đã đến…” Những giây phút cuối cùng của hai nam nữ anh hùng đó đã thực sự làm cho qủi thần phải khóc. Ngoài ra, trung úy chết năm ba mươi tuổi, và vợ anh, hai mươi ba tuổi. Hai người làm lễ đuốc hoa chưa tới nửa năm.


Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

Jean Giono: Người trồng cây (L’homme qui plantait des arbres, Nguyễn Văn Thực dịch)

Jean Giono 


Jean Giono, sinh nhằm 30.3.1985, ở thành phố Manosque, vùng Provence-Alpes-Côté d’Azur, và mất 8.10.1970, cũng tại thành phố này, là văn sĩ Pháp. 

    Đa số tác phẩm của ông dựa trên bối cảnh miền quê Provence. Được truyền cảm hứng bởi trí tưởng tượng của ông và linh kiến của ông về nền văn minh Hy Lạp cổ và Tiểu Á, các tác phẩm mang tính truyền kỳ của ông diễn tả thân phận con người trong thế giới này, khi con người đối diện với những vấn đề đạo đức và siêu hình, và chúng mang tầm vóc phổ quát. 

    Tiểu phẩm sau đây là một tác phẩm rất nổi tiếng và mang tính đạo đức rất cao. 


Lời nói đầu


Mahatma/Ngài Gandhi có câu nói nổi tiếng "Bạn hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn thấy trên trái đất này." Câu nói này có vẻ trừu tượng, thậm chí đầy lý tưởng hoặc không tưởng. Năm 1953, Jean Giono đã biến danh ngôn này thành một cuốn cẩm nang thực hành với tác phẩm Người trồng cây. 


Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2022

Selma Lagerlöf: Đêm Thánh (Den Heliga Natt) - (Nguyễn Văn Thực dịch)

Đêm Thánh

Den Heliga Natt

Từ cuốn Kristuslegender/ Những Huyền thoại về Chúa Kitô (1904)


SELMA LAGERLÖF,

Nữ văn sĩ  Thuỵ Điển, đoạt giải văn chương Nobel năm 1909

(1858 – 1940)


Nguyễn Văn Thực dịch từ tiếng Thuỵ Điển


Tranh: Chúa Giêsu giáng sinh, của Anders Eriksson, Thuỵ Điển, vẽ năm 1806. Photo: Birgit Brånvall / Nordic Museum (CC BY-NC-ND)


Khi tôi năm tuổi, tôi phải chịu đựng một nỗi buồn thật lớn; từ ngày ấy tôi thấy khó mà có một nỗi buồn nào lớn hơn. Đó là lúc bà nội tôi qua đời.

   

Cho đến ngày mất, mỗi ngày bà nội tôi cứ ngồi trên ghế bành kê trong một góc nhà mà kể truyện đời xưa.



Dazai Osamu: Merry Christmas (Nguyễn Văn Thực dịch)

 メリイクリスマス

Merry Christmas


太宰治

Thái Tể Trị

Dazai Osamu

(1909-1948)


Nguyễn Văn Thực dịch từ nguyên tác Nhật ngữ


Món lươn nướng truyền thống của Nhật Bản, Hình 加藤 俊,Pixabay


Đông Kinh/Tokyo là một nơi nhộn nhịp mà buồn, tôi nghĩ như thế khi tôi trở lại Đông Kinh, ý nghĩ này giống như giòng chữ đầu tiên của một bài văn, nhưng trong mắt tôi, "cuộc sống Đông Kinh" cũng chẳng khác gì trước đây. 


Tôi đã sống ở Tân Khánh/Tsugaru, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi được một năm ba tháng, và chuyển về Đông Kinh với vợ con vào giữa Tháng Mười Một năm nay, nhưng khi nhìn lại tôi có cảm tưởng như đi chơi hai hay ba tuần gì đó rồi trở về.



Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

Tam Mao: Lạc Đà Khóc (Nguyễn Văn Thực dịch từ nguyên tác chữ Hán)

Lạc Đà Khóc

哭泣的駱駝

(Khốc Khấp đích Lạc Đà)

Tam Mao 

 三毛

(1943 – 1991, Đài Loan)


Hình minh hoạ, Sam Williams, Pixabay


Lời Người Dịch : Bối cảnh địa lý và lịch sử của bài này xin xem chú thích (1); về tác giả Tam Mao xin xem chú thích (2). Quý độc giả nên đọc chúng trước khi đọc chính bài văn này. 


Tác giả dùng dấu phẩy nhiều hơn dấu chấm, có lẽ tác giả chịu ảnh hưởng lối hành văn ”hành vân, lưu thuỷ/mây bay, nước chảy” của văn chương Trung Hoa xưa. Các tác giả hiện đại cũng hay chấm câu kiểu này, khác người Việt chịu ảnh hưởng lối chấm câu cứng cỏi, rạch ròi của Pháp. Người dịch giữ lại lối chấm câu này của tác giả.


Các nhân vật trong bài văn này, hiểu ngầm là họ nói tiếng Tây Ban Nha khi nói chuyện với tác giả Tam Mao, còn ngôn ngữ nói thường ngày với nhau của dân ở đó, chính là Tiếng Ả rập Hassaniya.


****


Hôm nay, đã không biết bao nhiêu lần, tôi chợt tỉnh giấc trong căn phòng tăm tối, ngoài đường chẳng có tiếng người, tiếng xe cũng không. Chỉ có tiếng đồng hồ báo thức trên bàn tích tắc trong trẻo mà vô tình mỗi lần tôi thức giấc.


Rồi tôi cũng tỉnh hẳn, những chuyện xảy ra hôm qua, không phải chỉ là cơn mộng dữ rồi qua. Mỗi lần tôi thức giấc, trí nhớ lại bắt tôi nhớ lại những hình ảnh chạy loạn xạ như chạy trước ống kiếng, về những chuyện mới xảy ra đây thôi, ở nơi ấy, của một tấn thảm kịch khiến tôi những muốn khóc thét lên được. 


Tôi khép mắt lại, những khuôn mặt của anh Bassiri, của anh Afeluat và của cô Shahida/Sahiđa, với vẻ mặt tươi cười mà như không cười, cứ chập chờn như sóng sóng điệp trùng trước mặt tôi. Tôi bật mình dậy, bật đèn sáng, tôi nhìn tôi trong kiếng, chỉ trong một ngày mà tôi, lưỡi đã khô, môi đã rộp, hai mắt sưng húp, hốc hác quá chừng.


Khi tôi mở cánh cửa sổ gỗ hướng ra phía đường, sa mạc phía ngoài khung cửa sổ, hoang vắng y như một vùng băng tuyết, chẳng có lấy một bóng người. Đột nhiên bị sa vào cảnh trí mà mình không ngờ thê lương đến như thế, tôi đâm sững sốt, ngây người nhìn đăm vào trời đất dửng dưng của vùng cát trắng mênh mông, và chẳng còn biết mình đang ở nơi nao. 


Tam Mao: Lạc Đà Khóc (Nguyễn Văn Thực dịch từ nguyên tác chữ Hán) (Phần 2)

Tôi còn chưa kịp nhảy dựng lên, anh José đã đập bàn cái rầm, đứng lên toan xông lại núm lấy gã để đấm. Mọi người bỗng nhiên nhìn vào chúng tôi. Tôi, trong tuyệt vọng, níu anh José lại để anh khỏi xông tới. “Hắn chỉ là một thằng vô học, lỗ mãng, anh hơi đâu mà đôi co với thằng chã mà làm gì!”

“Cái thằng ăn nói quàng xiên như thế, mà anh bảo em bỏ qua cho được à? Theo như hắn ta, những người không thần phục sự thống trị của ngoại nhân, thì cũng như đám ruồi xanh phải giết chết hết. Các bạn, người Đài Loan, ngày xưa đã kháng chiến chống Nhật, hắn có biết chăng?” Anh José hét, còn tôi, tôi dộng chân xuống đất, rồi đẩy anh José ra ngoài, 


“Em không tán thành chủ nghĩa thực dân, nhưng, vì thể diện của Tây Ban Nha, chúng ta phải ăn nói làm sao cho xuôi, chứ anh lại đánh lộn với chính đồng bào của anh, thì anh sẽ bị kết án là kẻ không yêu nước, thương đồng bào của anh, vậy thì có ích lợi gì đâu?”


“Con sâu làm rầu nồi canh… hừ, như thế thì làm sao mà người Sahwari ưa chúng ta cho được?” Anh José trở nên buồn bã thực sự. “Bên mười, bên chín rưỡi còn dư, một đàng quân du kích gọi chúng ta là chó, một đàng nghe những lời tương tự từ miệng những người của chính phe mình, anh những muốn độn thổ luôn. Thiệt là khổ! “


“Lúc đầu chuyện này có thể giải quyết trong hoà bình. Nếu Ma rốc không tính chuyện chia cắt, họ sẽ không gấp gáp đòi độc lập kiểu này.”


“Tam Mao, em phải quan sát kỹ tình hình chung quanh, em phải rời khỏi đây ngay, và tìm một nơi nào đó mà tránh bạo loạn, hết loạn rồi trở lại có được không?”


“Em?” Tôi cười to chế nhạo anh José. “Em không đi đâu hết. Tây Ban Nha còn quản trị nơi này một ngày, em sẽ ở lại một ngày, ngay cả khi Tây Ban Nha tháo chạy, chưa chắc em sẽ chạy theo họ.”


Đêm hôm đó có lệnh giới nghiêm trên toàn thị trấn, loạn lạc thì cũng giống như nước lũ tràn xuống đồng bằng thôi, rồi lại rút đi, ban ngày trên đường, cảnh sát Tây Ban Nha cầm súng chỉa vào người bộ hành, người nào người nấy cứ tựa thân vào tường mà vái lia vái lịa, bị ra lệnh phải cởi quần áo ra để cảnh sát khám xét. Sáng sớm nên chẳng có người trẻ tuổi nào, chỉ thấy có ông già bà lão, giơ hai tay lên, mắt hấp háy, để cho người ta sờ trên, nắn dưới, cái kiểu lục soát này làm cho người ta tức tối, mà chẳng mang lại kết quả nào. Du kích, bộ họ ngu đến cỡ đeo súng khơi khơi để bị khám xét hay sao?


Tam Mao: Lạc Đà Khóc (Nguyễn Văn Thực dịch từ nguyên tác chữ Hán) ( Phần 3 -Tiếp theo và hết)

 “Ma rốc ư? Nếu Liên Hiệp Quốc nói rằng phải trao Tây Sahara cho dân tộc chúng tôi tự quyết lấy thì Ma rốc không cần phải sợ hãi. Ma rốc, họ tự cho họ là ai? Còn nếu không, Tây Ban Nha sẽ phải  đưa Ma rốc ra tòa án La Haye!”

Vào ngày 17 tháng 10, sau không biết bao nhiêu ngày tranh tụng về vấn đề Tây Sahara, và bị thúc dục rất nhiều lần, c uối cùng Tòa án Quốc tế ở La Haye mới đưa ra phán quyết đã được chờ đợi từ lâu.


“Chúng ta đã chiến thắng! Chúng ta đã  chiến thắng! Hy vọng đã vươn lên, hoà bình đã đến cho dân tộc Sahrawi !“ Người Sahrawi trong thị trấn khi nghe đài phát thanh như thế, họ lấy hết mọi thứ có thể đập được đưa ra đập, và nhảy và la hét như điên, người Tây Ban Nha và Sahrawi, khi gặp nhau, bất kể họ có quen biết hay không, cứ ôm nhau. Họ cùng cười, cùng nhảy múa và ăn mừng như điên trên khắp đường phố. 


“Em có thấy không: nếu Tây Ban Nha giải quyết được chuyện sống chung hòa bình với nhau trong tương lai, chúng ta sẽ ở lại đây?“ Anh José ôm tôi cười sung sướng, nhưng tôi vẫn lo lắng, không hiểu sao tôi cứ cảm thấy thảm họa đằng nào cũng sắp xảy ra.


“Mọi chuyện sẽ không đơn giản như vậy, và đây không phải như con nít chơi trò chơi gia đình.” Tôi vẫn không chịu tin.


Vào ngay buổi tối hôm Toà án La Haye đưa ra phán quyết, xướng ngôn viên của Đài phát thanh Sahara đột nhiên đau đớn đưa tin: “Vua Hassan của Ma rốc kêu gọi quân tình nguyện tập họp lại, và bắt đầu từ ngày mai, họ sẽ tiến quân một cách hòa bình về phía Tây Sahara.”


Anh José vỗ bàn và bật dậy.


“Quyết chiến!” Anh hét lên, và tôi, tôi vùi mặt vào lòng mình.


Điều kinh hoàng là quỷ vương Hassan chỉ mong kiếm được 300.000 người tình nguyện, thế mà ngày hôm sau đã có 2 triệu người ghi danh xin đi. 


Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2021

Pearl Buck: Sáng Ngày Giáng sinh (Christmas Day in The Morning - Nguyễn Văn Thực dịch)

Hình minh hoạ  1388843, Pixabay

Người đàn ông tỉnh dậy đột ngột và hoàn toàn tỉnh táo. Đã bốn giờ, giờ mà cha ông hằng gọi ông dậy để giúp cha ông vắt sữa. Thật lạ là những thói quen thời trai trẻ bây giờ vẫn còn đeo bám ông! Đây là thói quen của 50 năm trước đây, và tính tới nay thì cha ông đã mất được 30 năm, vậy mà ông vẫn có thói quen thức dậy mỗi ngày lúc bốn giờ sáng. Ông xoay mình, ngủ nướng thêm chút nữa, nhưng sáng nay là Lễ Giáng sinh, ông chẳng rán nhắm mắt mà ngủ thêm như mọi bận.

Tại sao đêm nay ông lại cảm thấy tỉnh táo như vậy? Độ rày ông hay nghĩ về những năm tháng cũ. Ông 15 tuổi và sống trong trang trại của cha ông. Ông thương cha ông. Ông đã không biết cha mình thương mình cho đến một ngày trước Lễ Giáng sinh vài ngày khi ông tình cờ nghe được những gì cha ông đang nói với mẹ:

"Mary à, anh ghét phải gọi thằng Rob dậy mỗi sáng sớm. Thẳng lớn nhanh quá và nó cần ngủ. Nếu em mà có thể thấy nó ngủ mê như thế nào khi anh vào đánh thức nó... Anh cứ muốn để anh tự làm hết công việc để cho con nó ngủ.”

Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2021

Phong Tử Khải: Dẫn Ngôn (Nguyễn Văn Thực dịch từ nguyên văn chữ Hán.)

引言
Dẫn Ngôn
豐子愷
Phong Tử Khải

1.

Tôi thấy dường như trái tim con người có một lớp bao bì. Chất liệu và trọng lượng của lớp bao bì này khác nhau tùy người. Có người có trái tim dường như được bao bọc bởi một lớp vải mùng, che sơ sơ, và người ta có thể thấy dáng dấp chân thực của trái tim màu đỏ lung linh ẩn ẩn hiện hiện. Có người có trái tim được bao bọc bởi một lớp giấy, thoạt nhìn thì mặc dầu không thể thấy, những nếu rờ nhè nhẹ, có thể cảm thấy được. Rồi có lúc giấy phải rách, tim lộ ra đỏ thắm. Có người dùng bao bì bằng sắt, thậm chí dùng tám chín lớp. Làm gì thì làm, người ta cũng chẳng sờ tới được, chẳng phá ra được, và dáng dấp của trái tim, làm gì thì làm, vẫn không hiển lộ ra được.

Trái tim của Chiêm Chiêm 3 tuổi của nhà chúng tôi, chẳng bao bọc gì, ngay cả bởi một lớp vải mùng. Tôi thấy trái tim của nó thường trần trụi mà tươi đỏ.*

* Bài này chọn những tuỳ cảm rời rạc của tác giả mà thành, chứ không viết một mạch.

2.

Khi chuyện trò, người ta hay dùng lời, nghĩ ngợi trước sau, thủ thế chặt chẽ, tính toán cặn kẽ, như chơi cờ tướng. Tôi thấy thật căng thẳng, thật dễ sợ, nên tôi chỉ biết nín thinh.

Làm sao mà có được những người bạn khi chuyện trò không dùng thủ pháp đánh cờ tướng, mà buông mà phơi tim mình ra cho ta thấy, như đoá hoa nở ra trong ánh sáng mặt trời.

3.

Trong luống hoa tôi gây giống ba nhánh đậu ván. Tôi cấy chúng vào một xẻo đất trống, và rồi dùng các nhánh tre làm một cái giàn để chống và chư chúng. Mỗi ngày, sáng sớm, tôi sửa sang cho ngay ngắn nhành lẫn lá, ngắm chúng tươi tốt phơi phới, lòng tôi tự nhiên cũng cảm thấy hứng thú.

Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2021

Phong Tử Khải: Thu (Nguyễn Văn Thực dịch từ nguyên văn chữ Hán)

Thu

Phong Tử Khải

豐子愷

Nguyễn Văn Thực dịch từ nguyên văn chữ Hán

Vô ngôn độc thướng tây lâu, nguyệt như câu: Im lặng một mình lên lầu tây, trăng như móc câu/ Văn Trị Tiên Sinh Thôi Mã: Ông Thôi Mã, người Văn Trị/ Tranh: Tử Khải

Lễ gia quan (1) của tôi phải tới năm “ba mươi” tuổi mới cử hành được; và bây giờ thì đã qua hai năm. Tôi là kẻ không hiểu sao bén nhạy với chuyện đời, nên nhận được không phải là ít những gợi ý và chịu ảnh hưởng khá nhiều từ hai chữ “ba mươi” ấy. Tuy nhiên, tôi biết rõ là sức khoẻ thể lý cũng như tinh thần của tôi so sánh với lúc tôi hai mươi tuổi, thì chẳng khác gì nhau, ngoại trừ tôi thấy cái ý niệm “ba mươi” ấy là một chiếc dù trương ra che toàn thân tôi và làm cho tôi trở thành một cái bóng mờ mờ, và ý niệm ấy còn phảng phất như một tờ lịch có chữ lập thu (2) xé từ cuốn lịch treo tường; lập thu mà trời vẫn nóng hừng hực không giảm, nhiệt độ trên hàn thử biểu không xuống, và phải chờ cho tới khi sức nóng chỉ còn rơi rớt, tàn lụi, lúc sương rơi, lá rụng cái đã, thì lúc ấy khí hậu của trời đất mới trao thân cho thu.

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2021

Tiểu- Xuyên Vị-Minh: Giao Thừa (Nguyễn Văn Thực dịch từ nguyên bản tiếng Nhật)

Giao Thừa
春になる前夜
Tiểu- Xuyên Vị-Minh
小川未明


Seaside Village in Winter, Katsushika Hokusai , from Hokusai’s Album of Realistic Pictures (Hokusai shashin gafu). Hình MET museum


Con chim sẻ đã sống trong miền cỏ hoa này đã lâu lắm rồi, nó chưa từng đụng phải một buổi tối lạnh đến như thế này.

Khi mặt trời chìm xuống ở phía tây, trời như cháy đỏ rực, nhưng khi mặt trời tắt hẳn, màu trời lại giữ một màu xanh đen, và trời lạnh căm đến độ dường như nghe cả tiếng răng rắc vì quá lạnh.Trên ngọn cây, sương lung linh ánh bạc. Ánh trăng ớn lạnh rọi trên cánh đồng mênh mông, lặng thinh.

Có con chim sẻ đậu trên một nhánh cây, trải qua cái đêm lạnh ghê gớm này. Đúng lúc ấy, có con chó sói khịt khịt đi qua cánh đồng khô héo.

Vì, cả trên núi, nơi ao hồ, chẳng có gì mà ăn, và đói nhường ấy, sói đi sục sạo khắp vùng chung quanh. Con chim sẻ nhơn nhơn nhìn nó mỗi đêm. Con sói cũng vậy, đêm nay có vẻ lạnh, phì phò thở ra khói trắng. Thế rồi nó quay về hướng mặt trăng lớn như cái chậu bằng băng được banh rộng ra, tru lên như thể kêu cứu.

Con chim sẻ nghĩ: quả là con sói đêm nay không còn chịu đựng được nữa.

Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2021

Phong Tử Khải: Tuỳ bút về Xuân (Nguyễn Văn Thực dịch)

Phong Tử Khải
(1898 – 1975)

Nguyễn Văn Thực dịch từ nguyên bản chữ Hán*

Đề tranh: Nghiêm sương, nhiệt nhật giai kinh quá/ Thứ đệ xuân phong đáo thảo lư: Sương buốt, ngày nóng thảy đều qua/Gió xuân đến lượt tới nhà tranh (bài Quốc nghiệp thường sinh, của Nhã Điểu) // Tranh: Tử Khải

Năm Mới


Từ vô thuỷ vô chung, thời gian di chuyển trong trời đất mênh mông, vốn không thể nói là nhanh hay chậm. Chỉ vì một khi thời gian được cắt ra từng khúc, lúc đó người ta mới cảm thấy thời gian qua nhanh, đồng thời cũng cảm thấy khoan khoái; và giống như khi di hành trong nơi mờ mịt, nếu thời gian không được chia cắt, người ta sẽ có cảm giác mình đi chậm, đồng thời cảm thấyủ dột tối tăm. Những chuyện hay ho như âm nhạc, khi trình tấu một bản nhạc vốn đầy tràn âm thanh mà không ngắt quãng, thì sự trình tấu ấy sẽ gây phiền và làm cho người nghe chán ngán và mệt mỏi. Nếu phân bản nhạc ra từng chương, từng khúc, từng câu, lại còn biến tấu nhiều thì sẽ làm cho người ta vui vẻ, dễ chịu.

Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2019

Tùng Duy Hi: Người Dắt Lạc Đà (Nguyễn Văn Thực dịch từ tiếng Hoa) (Kỳ cuối)

Người Dắt Lạc Đà

Tùng Duy Hi

*3*

Liễu cát

Từ sau khi ông mua con lạc đà già này, thì ông đã đốt trên mông lạc đà ba chữ ”Hồng Đức Chương” rõ lớn, thứ nhất ông ta sợ mất, thứ hai ông cảm thấy cuộc đời của ông ta và con lạc đà giống nhau ở chỗ cả hai cũng đều có cuộc đời của những con thú tải hàng nặng. Khi đi sau lạc đà, chuyện luôn luôn thấy được ba chữ ”Hồng Đức Chương” làm cho lòng ông sầu khổ bội phần. Do đó vừa đi gần được hai bước, ông ta lại chạy lòng vòng đến phía trước lạc đà. Nghiêng nghiêng cổ nhìn mặt trời, mặt trời đã lên cao một con sào; ngóng đầu nhìn Chùa Lạt Ma, lúc này khoảng cách cũng đã rút ngắn. Rõ ràng đây là cái cổng quái dị của vợ anh, ông chạy trước lạc đà, cố vứt đi khỏi tâm trí những chuyện ”lừa què” ”thớt xay bể” mà không vứt được. Đột nhiên ông giải thoát được muộn phiền: Vợ ông linh hiển! Vợ ông còn nằm bên cây liễu cát, vào lúc này, vợ ông đang nhìn chồng mình đang dẫn lạc đà tới, ông không rành lắm ngôn ngữ ký hiệu thì làm sao bây giờ!

”Anh sống một mình được lắm.”

”Cái con lạc đà già này đi với anh rất thân thiết.”

Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

Tùng Duy Hi: Người Dắt Lạc Đà (Nguyễn Văn Thực dịch từ tiếng Hoa) (Kỳ 2)

Gai lạc đà

Tục ngữ: Nhìn núi, phi ngựa chết 

Vòng tường đỏ thắm của chùa Lạt Ma, mặc dầu hiện ra trước mắt, nhưng tính theo bước đi theo “nhịp bốn bước chậm”của con lạc đà già, thì con đường còn dài lắm! 

Ông ngừng lại, muốn quất roi con lạc đà, thúc nó đi nhanh, cứ tung dây cương lên, rồi giật lại. Hồng Đức Chương không tìm ra được lý do gì để đánh nó. Sau cuộc “Cách mạng văn hoá” cũng là lúc dân-chính-sảnh cởi giùm ông chiếc mũ “gián điệp” bằng thép mà ông bị chụp bấy nay, và giúp ông một chút tiền, ông mua con lạc đà tải hàng này. Lương thực cũng nhờ nó, áo quần cũng nhờ nó, rồi ngay khi chôn cất vợ mình, thì cả cái quan tài mỏng làm bằng liễu đỏ màu son môi cũng nhờ nó, cũng nhờ nó mà kiếm ăn được. Lại nữa, cái tờ giấy bạc mười mỹ kim, không có con lạc đà thì làm gì mà thằng cha Tây mũi lớn ấy cho ông. Người ở sa mạc nói: lạc đà trắng là lạc đà thần, trong mắt của Hồng Đức Chương thì chẳng có thần ngựa, thần lạc đà nào trong sa mạc, ông, kẻ cầm cương gắn nơi đỉnh đầu lạc đà, xoa bóp làn da trời cho của nó, chính là thần lạc đà vậy. 

Cát thì rất mềm 
Đường thì rất xa 

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

Tùng Duy Hi: Người Dắt Lạc Đà (Nguyễn Văn Thực dịch từ tiếng Hoa) (Kỳ 1)

Người Dắt Lạc Đà
牵骆驼的人


Tùng Duy Hi


LND: Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện trong Lời Nói Đầu của tập thơ Hạt Máu Thơ có viết: ”Sự tàn bạo man rợ của Cộng sản tôi hiểu. Thế mà khi đọc truyện ngắn ’Người dắt lạc đà’ của Tùng Duy Hi người Trung Quốc viết về Cách mạng Văn hoá, về tội ác của chế độ Mao, của Hồng vệ binh, tôi vã mồ hôi trán vì xúc động, vì phục tài người viết.” 
Cũng cần nói thêm, theo sự tìm tòi của người dịch, và nhờ sự chỉ dẫn của trưởng ban Hán, Hàn, Nhật, thuộc NXB Nhã Nam, thì truyện này chưa từng được dịch ra tiếng Việt. Điều này có nghĩa là Nguyễn Chí Thiện biết cả tiếng Hoa, biết thành thạo.  
Người dịch giữ lại lối chấm câu của tác giả. 

*1* 


Mồng 3 tháng 3, chùa mở cửa. 

Cái thị trấn nhỏ bị bụi, khói sa mạc bao phủ, đột nhiên trở nên sống động khác thường. Khách đến thắp hương vãn chùa chân nối chân, du khách, du khách lũ lượt. Người thổi kẹo đường, phướn trên đỉnh sào tre, người bán kẹo bông đường, những màn trò khỉ, trống thì thòm, những tay bán ma tuý rong, tất cả tụ tập trước sân Chùa Lạt Ma của thị trấn nhỏ. ”Con phe”từ phương Nam tới treo bán xung quanh sân chùa những cái áo khoác ngắn đủ màu, đồ lôcan cũng có, đồ nhập cũng có, đồ nửa lôcan nửa nhập cũng có luôn. Bán những đồ đại loại như thế mỗi năm một lần ở hội chợ chùa và đi lòng dòng trong đó, thì thiệt là không thích hợp với chốn tôn nghiêm, nhưng màu sắc và lạc thú của sức sống thì tràn trề và tuyệt vời. 

Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2019

Trần Mộng Tú: Ngày Tháng Ngậm Ngùi (Nguyễn Văn Thực dịch sang tiếng Nauy)

Nguyễn Văn Thực; Lời người dịch: Trần Mộng Tú làm rất nhiều thơ, có nhiều bài hay, nhưng bài Ngày ThángNgậm Ngùi là một bài đạt tới mức thượng thừa. Tôi chuyển ngữ bài này ra tiếng Na Uy với chút ít hiệu đính bởi Lill Eilertsa. Hy vọng độc giả Na Uy một ngày nào đó sẽ biết đến tài thơ của nữ sĩ không thua gì các thi sĩ nổi tiếng Na Uy mà tôi đã đọc, có khi còn hơn.– Nguyễn Văn Thực
Hình minh hoạ, FreePik

SØRGMODIGE DAGER 

Trần Mộng Tú
Gjendiktet av Nguyễn Văn Thực og Lill Eilertsa

I januar kjøpte jeg blomster, stearinlys.
Tente røkelsespinner for å invitere forfedrene tilbake.
Røykduft i svevende skyer. 
Hvilken tråd bandt en landlig sjel

Februar kom til hagen, lyttende til vinden
Vekket hver tynn blomsterbusk
Spurte fuglen dypt i reiret
Hva den ønsker på vingene

Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2019

Nguyễn Văn Thực: Cuối Năm Nhớ Mẹ Cha Ta



Cuối năm nơi đây tuyết tuyết đổ
Nhà ấm, ghế êm làm thơ tình
Nhà ấm, bàn đẹp thảo tình khúc
Bao năm tụng đàn bà yêu tinh

Cuối năm pháo thăng thiên nổ nổ
Đèn giăng, hoa thơm, đồ ăn ngon
Rập rình nhạc xuân, rượu chảy chảy
Đầu óc ngầy ngầy, môi ai son

Mẹ cha ta héo một dòng thơ không có
Mẹ cha ta héo nửa nốt nhạc cũng không
Mẹ cha ta cho ta ăn và học
Bán nhà cho ta vượt Biển Đông

Mẹ cha ta gầy trăm đô chuyện hiếm
Mẹ cha ta buồn thăm hỏi dường không
Mẹ cha ta cho ta ăn và học
Đầy đủ, mẹ cha ôm bụng không

Cuối năm năm nay nước mắt nhỏ
Vợ nhằn vợ nhẳn, ta làm thơ
Con lơ con láo, ta làm nhạc
Thương mẹ cha ta ngày ấu thơ

Mẹ cha ơi, trong thư phòng nhỏ
Thơ sầu, nhạc muộn con xin dâng
Mẹ cha quê nhà nằm dưới mộ
Mẹ cha vì ta, đồ chết đâm

Tết 2019

Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2018

Nguyễn Văn Thực: Vài Lời về Truyện Ngắn của Hoàng Quân



Người ta bình phẩm những tác phẩm, những văn bản, người ta suy nghĩ về một bài thơ, một vở kịch, một nhân vật… Về --giới từ này cho thấy người ta đang tạo ra một bài văn thứ hai, người ta quan sát, bình luận, đánh giá và người ta tạm đưa ra một phán quyết tương đối về công trình chữ nghĩa nào đó.
Như vậy phê bình có ba bước: diễn tả ra những gì mình biết, bình phẩm và định giá. 
Có những nhà phê bình văn học chuyên nghiệp, cũng có những nhà phê bình tài tử vì tuy không được đào tạo trường lớp nhưng được soi sáng thiên bẩm hay vì nhờ đọc nhiều tác phẩm qua nhiều năm. Các phê bình tài tử này bình luận về các tác phẩmvăn chương trong những lúc trà dư tửu hậu với bạn bè hoặc những khi êm ả một mình đọc một tác phẩm và tự đâu đâu những ý tưởng về tác phẩm nổi lên trong đầu, chạy rần rần trong huyết quản và đôi khi khơi cửa tuyến lệ, thốt thành lời tán thán.* 
Hoàng Quân tên thật là Hoàng Thị Ngọc Thuý. Gia đình người Huế. Sống ở Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Sài Gòn. Từ 1982, định cư ở Đức, tốt nghiệp ngành Chính trị Kinh Doanh. Và từ đó công tác và làm việc trên 30 nước Á, Âu, Phi Châu. 

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2016

Nguyễn Văn Thực: Vài lời về truyện ngắn của Phạm Tín An Ninh*

LTS: Đây là bài thuyết trình của Nguyễn Văn Thực trong ngày Văn Hoá & Thể Thao 29.10.2016, tổ chức ở Oslo, Na Uy. 

Trong bài thơ Thư Gửi Ban Mê Thuột, nhà thơ nữ Đặng Thị Quế Phượng hỏi người ở núi, hỏi núi, hỏi cỏ dại, hỏi hoa cà phê có thoát hồn những đêm trăng, rồi cuối cùng:

Tôi vẫn nhớ chỗ người yêu tôi ngủ
Trên đồi cao cỏ mọc rất thong dong
Tôi muốn hỏi những con đường đất đỏ
Ngõ lên trời chẳng biết có gần không?

Người yêu cũ ấy là ai?

Chắc chắn không phải là người yêu ”đồi thông hai mộ”.

Thưa quý vị, cứ nhìn văn cảnh của khổ thơ, nhìn vào hoàn cảnh của nước mình, ta sẽ thấy người yêu ấy là một người lính, chết, chết trên những ngọn đồi trong những trận đánh ở Tây Nguyên mà Ban Mê Thuột là một thành phần; // và chết đã lâu, vì cuộc chiến đã tàn từ lâu “cỏ mọc rất thong dong”, nhưng những uất nghẹn vẫn còn đó, nơi người yêu của cô đã nằm xuống, và uất nghẹn vẫn còn đó nơi người còn ở lại, nên cô muốn hỏi những con đường đất đỏ, nhưng thực ra là muốn hỏi Trời về nỗi oan khiên mà đôi lứa yêu nhau phải chịu, nỗi oan khiên nơi đôi kẻ yêu nhau ấy cũng là nỗi oan ức đang phủ chụp lên con dân Miền Nam Xứ Việt.

Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016

Tam-Ðảo Do-Kỷ-Phu (Mishima Yukio) - Mối Tình của Thầy Tăng Chùa Chí Hạ (Chí Hạ Tự Thượng Nhân chi Luyến)

Nguyễn Văn Thực dịch từ nguyên bản tiếng Nhật

Ảnh minh họa truyện này, do Plamya Koldovski vẽ.

Lời người dịch: Tam-Ðảo Do-Kỷ-Phu, sinh năm 1925, trong một gia đình công chức. Cha của ông không thích thú gì chuyện văn chương. Ông tốt nghiệp trung học vào hạng ưu. Học đại học Ðông Kinh. Tốt nghiệp, làm việc ở bộ tài chánh, nhưng chỉ một năm sau, ông bỏ hẳn nghề và dành toàn thời cho việc làm văn chương. Ông may gặp nhà văn lớn Xuyên-Ðoan Khang-Thành (Kawataba Yasunari) và được nhà văn này giới thiệu các truyện ngắn của ông cho các tạp chí lớn.Tác phẩm khẳng định tài năng của ông là cuốn ”Lời tự thú của cái mặt nạ”, (1949); nói về chuyện đồng tính luyến ái của chính ông và về những gai góc khi phải sống trong xã hội với tính cách tính dục như thế.Tác phẩm nổi tiếng khác như ”Chùa Kim Các”, viết về một chuyện có thật xảy ra năm 1950: Một sa môn trẻ tu ở chùa Kim Các, vì giận mình quá xấu xí, và để ngăn cho chùa khỏi rơi vào tay ngoại nhân trong thời kỳ Mỹ chiếm đóng nước Nhật, sa môn ấy đã đốt chùa. Ngoài ra còn có bộ tiểu thuyết trường thiên ”Sự giàu có của biển” gồm 4 cuốn. Các tác phẩm khác: ”Tiếng sóng”, ”Khát tình”, ”Sau bữa tiệc”... Tất cả gồm 40 cuốn tiểu thuyết và nhiều truyện ngắn. Ngoài ra, ông còn làm thơ; viết văn nghị luận; viết kịch theo lối Tây, và viết lại các tuồng tích cổ điển lại thành kịch loại mới.Toàn tập của ông gồm 35 tập, mỗi tập dày khoảng 650 trang, Ðông Kinh, 1973. Truyện ngắn sau đây lấy từ Toàn tập này. Tôi cũng thử dùng tiếng nôm na để dịch các thuật ngữ Phật học ông dùng trong truyện, nhưng vẫn ghi phần chữ Hán-Việt cho quí bạn đọc, vì quen dùng hay vì lý do nào đó, thích thuật ngữ Hán-Việt hơn.Văn ông giàu hình ảnh, trau chuốt, hoa mỹ, đôi lúc quá tay, đâm ra tối nghĩa, hoa hoè hoa sói; lại viết văn mà như làm thơ, ít theo qui tắc văn phạm thông thường, nên đòi hỏi những người đọc, người dịch phải đóng góp phần mình khi đọc, khi dịch.