Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Văn Khanh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Văn Khanh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017

Nguyễn Văn Khanh: Tổng Thống Trump, Quốc Hội và FBI: Chuyện gì xảy ra?

Ông Robert Mueller người được chỉ định làm điều tra viên 
đặc biệt trong vụ Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ. (Hình: Getty Images)


Tổng Thống Trump, Quốc Hội và FBI: Chuyện gì xảy ra?“Ðừng vội vã phán đoán,” Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan khởi đầu cuộc họp báo mỗi sáng Thứ Tư hàng tuần. “Tôi nghĩ chúng ta nên chờ đợi chi tiết rồi hẵng kết luận.”

Vẫn theo người điều hành Quốc Hội Cộng Hòa, “rõ ràng có những người muốn hại tổng thống, nhưng chúng ta có trách nhiệm phải tìm hiểu sự thật, bất kể đảng nào đang nắm Tòa Bạch Ốc.”

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Nguyễn Văn Khanh: Tổng Thống Trump: Iran và môi trường

Tổng Thống Donald Trump. (Hình: AP Photo/Andrew Harnik)

Tổng Thống Trump: Iran và môi trường“Ðừng vội nghĩ Tổng Thống Donald Trump sẽ làm đúng những điều đã hứa,” phân tích gia Mark O’Neal nói trong cuộc thảo luận với đề tài “Những Gì Tổng Thống Trump Sẽ Làm Trong 100 Ngày Ðầu Tiên” tổ chức tại Washington D.C. hồi đầu Tháng Hai 2017. Trước hàng trăm chuyên gia và những học giả chuyên nghiên cứu về chính sách, ông O’Neal cho rằng “khi vận động tranh cử mọi người tha hồ hứa hẹn để kiếm phiếu, nhưng sau ngày đắc cử, nhà lãnh đạo nào cũng hiểu khó có thể thực hiện đúng những gì đã cam kết với cử tri,” giải thích thêm “bắt tay vào việc, mới biết chuyện không dễ như họ nghĩ.”

Ðiều đó hoàn toàn đúng với nhà lãnh đạo đương thời của nước Mỹ. Hai tuần trước đây khi trả lời phỏng vấn của nhật báo The Wall Street Journal, Tổng Thống Trump cho hay sau 10 phút đồng hồ nghe Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình trình bày về vấn đề Bắc Hàn, “tôi chợt hiểu chuyện không dễ giải quyết như tôi nghĩ.” Vẫn theo lời Tổng Thống Trump “tôi từng nghĩ rằng Trung Quốc có uy thế rất lớn với Bắc Hàn… nhưng thực tế không đúng như điều mình nghĩ.”

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2017

Nguyễn Văn Khanh: Vẫn chưa thấy bóng dáng ‘Trumpcare’

Ông Trump nhiều lần đe dọa xóa bỏ Obamacare, 
vốn được xem là di sản chính trị của Tổng Thống Obama. 
(Hình: Getty Images)


Chín ngày trước khi nhậm chức

Có rất nhiều lý do để đảng Cộng Hòa tin tưởng tại sao cử tri Hoa Kỳ cho họ cơ hội điều khiển cả hành pháp lẫn lập pháp. Một trong những lý do thường được nói tới là người dân Hoa Kỳ không hài lòng với Obamacare, muốn bỏ hẳn đạo luật được xem là di sản chính trị của tổng thống đương nhiệm Dân Chủ Barack Obama.

Ðiều này được đảng Cộng Hòa nói tới ngay từ khi cuộc vận động tranh cử 2016 mới khởi đầu, nhắc lại nhiều lần sau ngày nắm cả Tòa Bạch Ốc và lưỡng viện Quốc Hội. Theo lời ứng cử viên Donald Trump “Obamacare là đạo luật tệ nhất, chẳng giúp được gì cho người dân”; theo ông Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan “hủy bỏ Obamacare là điều phải làm ngay tuần lễ đầu tiên”; theo Thượng Nghị Sĩ Trưởng Khối Ða Số Mitch McConnell “cử tri chọn chúng ta (Cộng Hòa) vì họ mong muốn bãi bỏ Obamacare,” trách nhiệm của Quốc Hội Cộng Hòa là “phải làm điều cử tri đã mong đợi từ năm 2010 đến giờ.” Ðiều này được Thượng Nghị Sĩ McConnell nhắc đi nhắc lại nhiều lần sau khi ông từ Washington D.C. lên New York gặp Tổng Thống Tân Cử Trump, xem đó là mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất để đảng đương quyền làm hài lòng những người ủng hộ.

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016

Nguyễn Văn Khanh: Ông Trump tiếp tục dịu giọng

Ông Donald Trump (trái) nói chuyện với ban biên tập
nhật báo The New York Times.
(Hình: Hiroko Masuike/The New York Times via AP)
Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục dịu giọng. Ít nhất, trong lúc này vị tổng thống tương lai của nước Mỹ đang dịu giọng.
Chỉ trong hai ngày Thứ Hai và Thứ Ba tuần này, ông Trump cho nước Mỹ và thế giới thấy điều đó. Chiều Thứ Hai, trong đoạn video ngắn gửi người dân Hoa Kỳ để trình bày những điều ông sẽ làm ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Trump không nói gì tới lời hứa sẽ xây bức tường ngăn chia biên giới với nước láng giềng Mexico, cũng chẳng nhắc nhở gì tới chuyện sẽ yêu cầu Quốc Hội nhóm phiên họp đặc biệt để hủy bỏ Obamacare mà ông nhiều lần cam kết với cử tri khi vận động tranh cử.
Sang ngày Thứ Ba, khi đến thăm tòa soạn nhật báo The New York Times, ông không chỉ dùng những lời lẽ lịch sự dành cho đối thủ chính trị Hillary Clinton, mà còn cho hay sẽ không chỉ thị cho Bộ Tư Pháp tiếp tục cuộc điều tra liên quan đến việc bà Clinton sử dụng email cá nhân lúc làm ngoại trưởng, dù trước đây ông từng nói “sẽ đưa bà Clinton vào tù.” Bây giờ, theo lời ông, gia đình Clinton đau buồn quá nhiều rồi nên ông không muốn họ “đau đớn” thêm nữa.

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

Nguyễn Văn Khanh: Sau chiến thắng, ông Trump bắt đầu dịu giọng

Trong thời gian vận động tranh cử, ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump chẳng ngần ngại đưa ra những lời tuyên bố thật hùng hổ để làm “hài lòng” một nửa nước Mỹ, chẳng đếm xỉa gì đến nửa còn lại “kinh ngạc” khi nghe những điều ông nói. Sau ngày thành công, tổng thống đắc cử Donald Trump hé lộ một số điều về chính sách ông sẽ thực hiện sau ngày tuyên thệ nhậm chức, khiến nửa nước Mỹ ủng hộ ông “thắc mắc” không biết ông có giữ đúng lời hứa với họ hay không, nửa còn lại “phân vân,” không rõ ông sẽ làm những gì sau khi đặt chân vào Tòa Bạch Ốc.
Chỉ 48 giờ đồng hồ sau khi chiến thắng, ông Trump bắt đầu hạ giọng, khéo léo cho biết vẫn giữ nguyên những điều đã cam kết với cử tri khi còn vận động kiếm phiếu, nhưng cách làm thì khác những gì ông đã nói trước đây. Lúc tranh cử, ông nhắc đi nhắc lại “sẽ xây bức tường ngăn chia biên giới với Mexico” để ngăn chận làn sóng người từ quốc gia láng giềng trốn vào Mỹ sinh sống, bảo thêm “có cách buộc bên Mexico sẽ phải trả chi phí xây bức tường tuyệt đẹp này.”

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2015

Nguyễn Văn Khanh - Tranh cử 2016: Nửa năm 'sống với' Donald Trump

Tỷ phú Donald Trump. (Hình: Ralph Freso/Getty Images)

Ðúng ngày này nửa năm trước 16 Tháng Sáu, tỷ phú Donald Trump loan báo tranh cử tổng thống.

Quyết định của ông, ngay tức khắc, được nhiều người xem là quyết định “của một ông nhà giầu muốn đốt tiền,” chẳng ai nghĩ sẽ có ngày nhìn thấy ông Trump trở thành nhân vật được cử tri và giới truyền thông Hoa Kỳ nói đến nhiều nhất, và đương nhiên, cũng chẳng ai nghĩ trong số 16 người ghi danh tranh cử của đảng Cộng Hòa, ông Trump là nhân vật nhiều triển vọng được đảng đề cử nhất. Lý do: ông tiếp tục dẫn đầu tất cả những cuộc thăm dò, bỏ xa những ứng cử viên cùng đảng.

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Nguyễn Văn Khanh - Ai điều khiển trận chiến chống Ebola ở Mỹ?

Bác Sĩ Thomas Frieden, giám đốc CDC, tuyên thệ trước buổi điều trần tại Ủy Ban Năng Lượng và Thương Mại Hạ Viện hôm Thứ Năm. (Hình: Alex Wong/Getty Images)
Rõ ràng từ ngày nhậm chức đến giờ, mỗi lần Tổng Thống Barack Obama rời Tòa Bạch Ốc đi nghỉ hè hay thực hiện những chuyến đi vận động tranh cử cho đảng hay cho các ứng viên cùng đảng là mỗi lần có chuyện lớn xảy ra.

Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

Nguyễn Văn Khanh - Obama và ISIS: Ðánh cũng khó, không đánh cũng chẳng dễ


Chỉ nghe những lời bình phẩm về chính sách ngoại giao của nước Mỹ, thấy ngay Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đang gặp khó khăn.

Một ngày sau khi lên án Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS) hành động dã man khi hành quyết nhà báo Mỹ Steven Sotloff, tổng thống Hoa Kỳ cho biết chính sách của ông là phải tiêu diệt “bọn khủng bố lợi dụng danh nghĩa tôn giáo” đang gieo rắc kinh hoàng ở Trung Ðông. Trong lúc Tổng Thống Obama đưa ra lời cam kết này thì tại Mỹ, Phó Tổng Thống Joseph Biden cũng lên tiếng cam kết sẽ truy đuổi bọn giết người “đến tận cửa địa ngục,” nhưng cả hai ông đều không đưa ra chiến lược sẽ thực hiện, cũng chẳng nói đến sự kiện quan trọng đang được các chính trị gia Cộng Hòa lẫn Dân Chủ bàn tán, bình luận khá xôn xao: nước Mỹ đang ở trong thời chiến tranh.

Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Nguyễn Văn Khanh - Xung quanh chuyện máy bay Malaysia bị rớt

LTS - Liên tục trong nhiều tiếng đồng hồ sau vụ chiếc phi cơ Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi trên không phận Ukraine, tất cả mọi chú ý đều được dồn về Washington, DC, và những tin tức dồn dập do các viên chức Tòa Bạch Ốc phổ biến cho báo chí. Người Việt có cuộc trao đổi ngắn với thông tín viên Nguyễn Văn Khanh, hiện đang có mặt tại thủ đô Hoa Kỳ, về những biến chuyển đáng chú ý xảy ra ngay sau biến cố đang gây xôn xao dư luận thế giới. 
Một phần xác chiếc máy bay của Malaysia Airlines rớt ở Ukraine. (Hình: AP Photo/Dmitry Lovetsky)
Người Việt (NV): Nhìn lại những gì đã xảy ra trong gần 12 giờ đồng hồ qua, thời điểm nào là thời điểm anh xem là quan trọng nhất?

Nguyễn Văn Khanh: Chuyện quan trọng nhất xảy ra vào khoảng 4 giờ 15 chiều ở Washington D.C., tức lúc 1 giờ 15 trưa giờ miền Tây, khi giới truyền thông được tin từ các viên chức an ninh quốc phòng Hoa Kỳ cho biết chiếc phi cơ bị bắn rơi bởi hỏa tiễn từ dưới đất bắn lên. Những viên chức tiết lộ tin này cũng nói rõ 2 điểm: thứ nhất, chiếc phi cơ lâm nạn lúc đang bay ở độ cao 33,000 ft (tức khoảng 10 cây số), do đó đây phải là loại hỏa tiễn đặt trên giàn phóng chứ không phải là loại hỏa tiễn đặt trên vai của người bắn; điểm thứ nhì là chưa rõ hỏa tiễn này được bắn từ đâu, từ phía lãnh thổ Nga hay từ phía Ukraine, ở vùng những dân quân thân Nga đang làm chủ tình hình.

Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

Nguyễn Văn Khanh - Mỹ sẽ làm gì khi Iraq kêu gọi giúp đỡ?


“Những gì chúng tôi được nghe hôm nay là những điều chúng tôi đã từng dự đoán nhiều năm trước đây,” Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Lindsey Graham chia sẻ với giới truyền thông ngay sau khi rời phòng họp. Chừng 45 phút đồng hồ trước đó, ông cùng với một số nghị sĩ thuộc các ủy ban tình báo, quốc phòng và ngoại giao dự cuộc họp kín với các viên chức hành pháp, để nghe phía Tòa Bạch Ốc cho biết tình hình Iraq và những gì chính phủ Baghdad yêu cầu Washington D.C. trợ giúp.

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

Nguyễn Văn Khanh - Ukraine 48 giờ trước tổng tuyển cử: Toàn những lo âu


Rõ ràng thành phố này thay đổi.

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là những toán binh sĩ cầm súng canh gác ở phi trường, trên đoạn dường dài 45 cây số từ sân bay về khách sạn, xe đi ngang qua 3 trạm kiểm soát do quân đội dựng lên, cách khách sạn chưa đầy một cây số cũng có một trạm gác, tất cả các xe đi qua đều phải chạy chậm lại.

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Nguyễn Văn Khanh - Ông Biden và chuyến đi 'biểu tượng'

Phó Tổng Thống Joseph Biden (Hình: internet)
“Tôi chưa có tin gì thêm về chuyến đi Kiev của Phó Tổng Thống Joseph Biden”, ông phát ngôn viên Jay Carney trả lời câu hỏi của một ký giả làm việc cho đài MSNBC. “Tuần trước chúng tôi có nói là phó tổng thống sẽ sang bên đó để thảo luận với các nhà lãnh đạo nước bạn về những biến chuyển đang xảy ra và quan trọng nhất là để chứng tỏ cho mọi thấy quyết tâm ủng hộ người dân và chính phủ Ukraine mà Hoa Kỳ đã thể hiện ngay từ lúc đầu, khi người dân mới biểu tình đòi chính quyền cũ phải đi với Tây Phương, không tiếp tục chính sách thân Nga.”

Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

Nguyễn Văn Khanh - Afghanistan: Chuyện gì xảy ra nếu không còn Hoa Kỳ và NATO?

Hình: internet
Ðầu Tháng Hai 2014, tổng thống Hoa Kỳ triệu tập phiên họp quy tụ tất cả các thành viên của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia, Ngoại Trưởng John Kerry đang công du Trung Ðông cũng được chỉ thị cắt ngắn chuyến đi về Washington D.C. phó hội. Ðề tài được thảo luận: liệu có nên áp dụng “giải pháp zero” (Zero Option) nếu chính phủ Afghanistan nhất định không ký kết bản Hiệp Ước Quân Sự Song Phương (Bilateral Security Agreement) trong đó có điều khoản đồng ý cho Hoa Kỳ và NATO để lại từ 12,000 đến 15,000 binh sĩ không chiến đấu sau thời hạn rút quân đã được ấn định là ngày 31 tháng 12 năm nay hay không.

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Nguyễn Văn Khanh - Biện pháp của Obama với Syria: Giới hạn mục tiêu và hành động

Nguyễn Văn Khanh

“Thế nào cũng đánh,” một nhà báo Trung Ðông nói với các đồng nghiệp trong lúc chờ nghe cuộc họp báo hàng ngày của Tòa Bạch Ốc.

“Tin tức dồn dập lắm rồi,” ông bạn đồng nghiệp nói tiếp, kể ra một dọc những lý do khiến ông tin chắc chắn Hoa Kỳ sẽ can dự vào cuộc chiến Syria. Lý do đầu tiên được nói đến là bài phát biểu Ngoại Trưởng John Kerry đọc chiều Thứ Hai ở Bộ Ngoại Giao, trong đó có những đoạn như Washington “có những bằng chứng mà Syria không thể chối cãi” xác nhận quân đội trung thành với Tổng Thống Bashar Al-Assad đã sừ dụng võ khí hóa học giết chết hơn 350 người hôm Thứ Tư tuần trước, đi kèm với câu hành động tàn ác này “đã làm rung động lương tâm nhân loại,” kế đến là câu nói của ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel khi trả lời phỏng vấn đài BBC, cho hay “quân đội đã sẵn sàng” chỉ còn chờ chỉ thị của vị tổng tư lệnh để bắn phát súng đầu tiên.

Phó Tổng Thống Joe Biden, trong buổi nói chuyện tại Houston hôm Thứ Ba, nói rằng chắc chắn chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học. (Hình: AP Photo/Houston Chronicle, Johnny Hanson)

Mặc dù ông phát ngôn viên Jay Carney nói “tổng thống vẫn đang cân nhắc” những đề nghị được dàn cố vấn đặt trên bàn làm việc, nhưng từ sáng sớm hôm qua (Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013) mọi người đều hỏi nhau câu “bao giờ sẽ đánh” hoặc “đánh như thế nào.” Từ sáng sớm nhật báo The Washington Post đã đưa tin tổng thống Hoa Kỳ đang nghiêng về đề nghị thực hiện một cuộc oanh kích “kéo dài chừng 2 ngày,” phá hủy những cứ điểm chiến lược của quân đội Syria. Lúc giữa trưa, bản tin của hãng thông tấn Reuters gửi từ Thổ Nhĩ Kỳ lúc cho biết trong cuộc họp kín ở Istanbul hồi chiều Thứ Hai, đại diện của Hoa Kỳ đã báo cho đại diện lực lượng nhân dân nổi dậy Syria biết là “đừng ngạc nhiên” khi thấy Mỹ và đồng minh cùng thực hiện những cuộc oanh kích hay giội bom nhắm vào các căn cứ quân sự của Syria.

Tin loan tải trên tờ báo uy tín nhất nhì nước Mỹ cũng là tin được nói đến ở Washington D.C. ngay từ những ngày cuối tuần, cho biết 3 mục tiêu mà Washington nhắm tới là phá hủy các đơn vị phòng không và trọng pháo của Syri, đồng thời làm tê liệt hoạt động của không quân nước này, nhưng không đụng tới những kho võ khí hóa học của Damascus. Ðiều khác biệt là tờ Post nói cuộc oanh kích được thực hiện bằng cách bắn hỏa tiễn từ ngoài khơi vào, không quân Hoa Kỳ cũng sẽ tham gia “nếu thấy cần thiết,” trong khi nhà báo J.J. Green của đài CBS lại kể với mọi người tin ông nghe được “từ 2 viên chức cao cấp quốc phòng” là “4 chiến hạm của Hoa Kỳ đang có mặt tại Ðịa Trung Hải sẽ đảm trách việc bắn hỏa tiễn chứ không sử dụng không quân” vì hệ thống phòng không của Syria được xem là “một trong những hệ thống phòng không mạnh nhất và tinh nhuệ nhất Trung Ðông.”

Chưa biết đúng sai như thế nào, nhưng những tin được tung ra từ thủ đô Wahington D.C. đều nói mức độ can dự ở Syria mà Tổng Thống Obama cho thực hiện chỉ là một chiến dịch quân sự ngắn hạn “đánh thật nhanh, kết thúc thật chóng,” nhắm mục đích trừng phạt chứ không nhắm tới mục tiêu lật đổ chính phủ đương thời ở Damascus. Tin chưa kiểm chứng được cho hay trong cuộc họp kéo dài 3 giờ đồng hồ với Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia sáng Thứ Bảy tuần trước, Tổng Thống Obama nhấn mạnh ông “không muốn can dự quá sâu ở Syria,” vẫn muốn tìm một giải pháp chính trị để loại trừ ông Al-Assad. Nghe đâu giải pháp này được sự ủng hộ của ông Tổng Trưởng Chuck Hagel và Ðại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Martin Dempsey, người từng viết bản báo cáo quân sự cho hay nếu tham chiến, “Hoa Kỳ cần phải đưa ít nhất 75,000 binh sĩ vào chiến trường.”

“Con số 75,000 binh sĩ là con số rất lớn,” theo nhận xét của ông William Cohen từng làm việc ở Tòa Bạch Ốc dưới thời Tổng Thống Bill Clinton. “Tôi chẳng bao giờ nghĩ ông Obama sẽ đưa một lực lượng lớn như thế vào Syria,” ông bảo tiếp, “nhưng ai ai cũng hiểu là chính phủ Al-Assad đã vượt lằn đỏ (red line) và Hoa Kỳ phải có phản ứng.” Ông cựu nhân viên Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia ủng hộ “một mức độ trừng phạt thật cứng rắn nhưng có giới hạn” vì theo ông giải thích, “chúng ta không nên can dự quá sâu vào nội bộ của Syria, nên tiếp tục lên tiếng ủng hộ lực lượng nhân dân chống độc tài nhưng để cho họ tự giải quyết với nhau.”

Không can dự quá sâu nhưng “trái hỏa tiễn đầu tiên từ ngoài khơi bắn vào Syria chắc chắn sẽ thay đổi cục diện cuộc chiến” là nhận xét của chuyên gia Mark McCoy từng nằm trong ban cố vấn về quân sự cho ứng viên Cộng Hòa Mitt Romney. “Ngay từ ngày đầu phe nổi dậy ở Syria đã lên tiếng yêu cầu Hoa Kỳ can thiệp, từ lâu Tổng Thống Obama đã bị áp lực chính trị buộc phải làm điều này, đây là lúc ông Obama có thể làm hài lòng những người từng gây áp lực với ông, đồng thời chứng tỏ cho người dân Syria biết là ông đứng về phe họ.” Chuyện sau đó là “phe nổi dậy chống ông Al-Assad phải biết nắm lấy lợi thế chính trị do Hoa Kỳ dựng lên để nắm chính quyền.”

Không rõ sau này phe nổi dậy ở Syria có biết cách nắm lấy lợi thế chính trị đó hay không, nhưng câu hỏi ngay lúc này vẫn là: bao giờ tổng thống Hoa Kỳ sẽ loan báo quyết định của ông? Tin mới nhất cho biết “chỉ nội trong vài ngày nữa.” Một vài ngày nữa là lúc nào? Giới thạo tin nói “khoảng cuối tuần, ngay sau khi đoàn thanh tra Liên Hiệp Quốc rời khỏi Damascus.”

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

Nguyễn Văn Khanh - Cải tổ di trú: Tiểu bang đang chờ liên bang



Nguyễn Văn Khanh

Từ khuya Thứ Hai, chuyện đã gây ồn ào ở thủ đô Washington D.C.

Lý do: Thượng Nghị Sĩ Rand Paul, người được dự đoán sẽ tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2016, sẽ chính thức thông báo ủng hộ sửa đồi luật di trú, chấp thuận cả điều khoản cho người đang cư ngụ bất hợp pháp ở Hoa Kỳ trở thành công dân Mỹ trong tương lai. Một tuần trước đó khi gặp gỡ với các Dân Biểu Cộng Hòa, Tổng Thống Barack Obama còn nói kỹ hơn, cho hay “chỉ ký ban hành luật di trú” với điều kiện đạo luật phải có điều khoản cho người đang cư ngụ bất hợp pháp trở thành công dân Hoa Kỳ.


Thượng Nghị Sĩ Rand Paul (Cộng Hoà-Kentucky). (Hình: Alex Wong/Getty Images)

Cả quyết định của ông Ron Paul lẫn lời tuyên bố của Tổng Thống Barack Obama đều khiến giới lãnh đạo chính trị Cộng Hòa bực mình. Ngay sau cuộc họp với ông Obama, một viên chức thuộc Văn Phòng Chủ Tịch Hạ Viện nói với báo chí rằng “không thể chấp nhận cho những người cố tình phạm pháp khi trốn vào Mỹ lại trở thành công dân Mỹ”. Mặc dù Tòa Bạch Ốc sau đó nói rõ “tiến trình cho 11 triệu người cư trú bất hợp pháp trở thành công dân sẽ phải đi qua nhiều giai đoạn khác nhau” nhưng vẫn chưa làm an tâm phe đối lập. Dân biểu Cộng Hòa kiêm Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện Bob Goodlatte còn nói “phải từ từ, đừng vội vã quá” trước áp lực đến từ hành pháp. Một nhân viên của Ủy Ban dự đoán từ bây giờ cho đến đầu mùa hè “sẽ có ít nhất 4 hoặc 5 buổi điều trần để nghe dư luận ủng hộ, chống đối ra sao” trước khi bàn đến chuyện bao giờ sẽ đưa dự luật cải tổ di trú ra thảo luận trước diễn đàn.

Hành pháp Dân Chủ và lập pháp Cộng Hòa dằng co về chuyện này, nhưng ở cấp tiểu bang hầu mọi người chỉ nghĩ đến chuyện thực tế hơn: có nên áp dụng luật phạt thật nặng những người bị bắt vì không có giấy tờ cư trú hợp pháp như tiểu bang Arizona đã thông qua hồi 2011, hoặc cho phép người cư trú bất hợp pháp được quyền có bằng lái xe như tiểu bang Illinois đang làm, hay cho sinh viên cứ trú bất hợp pháp được hưởng quy chế đóng học phí với giá dành cho sinh viên “in state” như tiểu bang Colorado đang áp dụng.

“Sau cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái, ai cũng thấy tầm ảnh hưởng thật quan trọng của lá phiếu mà tập thể Latino đang có”, ông Arturo Vargas hiện đang điều hành Hiệp Hội Dân Cử Latino Và Các Viên Chức Được Chính Quyền Bổ Nhiệm (National Association of Latino Elected and Appointed Officials) vừa cười vừa bảo, “vấn đề là họ không biết phải thế nào để vừa làm hài lòng những khối cử tri khác mà không mất sự ủng hộ của tập thể cử tri Latino ngày càng trở nên quan trọng này”. Ông tin mọi dự luật liên quan đến cộng đồng Hispanic “các vị dân cử Cộng Hòa đều tán thành” nhưng “đương nhiên họ phải suy nghĩ thật chín chắn xem nên làm thế nào để có lợi cho đảng từ cấp liên bang cho tới cấp tiểu bang, chờ xem đó có phải là lập trường chung của đảng hay không”.

Nhận xét của ông Vargas “hoàn toàn đúng”, theo nhà bình luận Pete Hernandez ở tiểu bang Arizona. “Chỉ 2 năm trước đây, đảng Cộng Hòa ngầm ngầm ủng hộ những tiểu bang bảo thủ thông qua các đạo luật thật cứng rắn đối với thành phần cư trú bất hợp pháp, nhiều ứng viên khi ra tranh cử các cấp cùng dùng chiêu bài đó để vận động kiếm phiếu. Các ứng viên Cộng Hòa từng bảo những người di dân bất hợp pháp gây cả trăm triệu bạc thiệt hại kinh tế cho tiểu bang, lấy mất việc làm của người dân bản xứ v.v…, bây giờ thì họ đã bắt đầu nghĩ khác rồi”.

Lấy tiểu bang Arizona làm thí dụ. Năm 2007 tiểu bang này ban hành luật buộc tất cả các cơ sở thương mại chỉ được thuê mướn những người có giấy tờ cư trú hợp lệ, đến năm 2009 lại ban hành luật phạt tù những ai cư ngụ bất hợp pháp và cho cảnh sát được quyền xét giấy tờ cư trú những người tình nghi. Tức khắc 4 tiểu bang gồm South Carolina, Alabama, Georgia và Indiana cũng thông qua những đạo luật tương tự, đẩy cả triệu người không có giấy tờ cư trú hợp lệ phải dọn nhà sang những tiểu bang khác vì sợ bị bắt trả về nguyên quán. Những đạo luật này bị kiện lên Tối Cao Pháp Viện nhưng cũng chẳng có lợi gì cho tập thể không có giấy tờ hợp lệ đang sinh sống ở Mỹ: hồi 2011 tòa tối cao công nhận luật buộc các công ty phải xét giấy tờ cư trú của công nhân, hồi 2012 cũng cho phép cảnh sát được quyền hỏi giấy tờ cư trú những người bị tình nghi trốn lậu vào Mỹ.

Bây giờ các tiểu bang không muốn bàn tính gì thêm về những chuyện đó nữa, cùng nhau chờ xem liên bang sẽ giải quyết ra sao về số phận của 11 triệu người cư trú bất hợp pháp, cũng như chờ xem luật cải tồ di trú nếu được ban hành có bị kiện cáo lên tối cao pháp viện hay không, và nếu có, các vị thẩm phán tòa tối cao sẽ quyết định thế nào về luật đó.

Theo bà Ann Moore, một trong những người tích cực vận động cải tổ di trú, “tiểu bang đang ngồi yên chờ tình hình trước khi có quyết định kế tiếp”, vì thế, “mọi quyết định của tiểu bang ngay lúc này đều mang tính dễ dãi hơn” đối với tập thể cư trú bất hợp pháp, không còn mang tính cứng rắn, bảo thủ như vài năm trước đây. Dẫn chứng được bà đưa ra cho thấy “mới tháng trước Quốc Hội Tiểu Bang Colorado thông qua luật cho những người không có giấy tờ cư trú hợp lệ được đóng tiền học đại học như cư dân trong tiểu bang, một số dân cử đang soạn thảo thêm dự luật không bắt buộc cảnh sát địa phương phải hợp tác với cơ quan di trú liên bang”. Luật này được ban hành hồi 2006, quy định nhân viên công lực tiểu bang phải thông báo cho Sở Di Trú Liên Bang mỗi khi bắt giữ được một người không giấy tờ cư trú hợp lệ, bất kể người bị bắt phạm tội gì.

“Chúng tôi đang trông đợi chính phủ liên bang giải quyết những vấn đề liên quan đến di trú”, ông Chưởng Lý John Suthers của Colorado nói với báo chí hồi tháng trước khi cùng vị Thống Đốc về Washington D.C. dự cuộc họp hàng năm. Ông Suthers nói thêm “những gì các tiểu bang như Arizona đã làm cho thấy tiểu bang sẽ lo phần việc của mình, nhưng quan trọng nhất vẫn là quyết định của chính phủ liên bang”, giải thích “liên bang phải có một kế hoạch giải quyết cho những người đang cư trú bất hợp pháp, đồng thời phải có cả một kế hoạch để ngăn chận đừng để tệ trạng đó xảy ra nữa”.

Nhưng theo ông Kris Kobach, người đặc trách nội vụ của tiểu bang Kansas, “chưa chắc các tiểu bang sẽ đồng ý với những gì được thông qua ở cấp liên bang”, cho rằng “chính quyền Obama biết họ không có quyền cho những người nhập cảnh lậu được phép ở lại Mỹ, nhưng họ khéo léo đẩy vấn đề này xuống tiểu bang bằng cách hô hào ủng hộ các tiểu bang cấp bằng lái xe, giảm học phí cho người cư trú bất hợp pháp”. Rốt cuộc, theo ông Kobach, “mọi gánh nặng vẫn dồn về tiểu bang, chính phủ các tiểu bang sẽ phải gánh chịu hết”.

Điều ông Kobach trình bày khiến mọi người nhớ lại phát biểu của một vị thống đốc miền Trung Tây bên lề cuộc họp thống đốc hàng năm. Ông Thống Đốc này bảo nếu luật di trú được liên bang cải tổ, số người chính thức được ở lại nước Mỹ sẽ tăng “và số người xin trợ cấp y tế và xã hội cũng sẽ tăng”. Lúc đó, “tôi không biết các tiểu bang đang gặp khó khăn về ngân sách sẽ giải quyết như thế nào? Liệu có thể ngửa tay xin tiền của chính phủ liên bang hay không? Nếu họ xin, liệu ông Obama và Quốc Hội Liên Bang có gật đầu chi tiền hay không?”


Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Nguyễn Văn Khanh - Tòa Bạch Ốc và rượu vang


Nguyễn Văn Khanh

Ðầu tháng 11 năm 2008, ứng viên Barack Obama đắc cử tổng thống, trở thành vị tổng thống da đen đầu tiên của lịch sử Hoa Kỳ. Không chỉ những người ủng hộ ông vui mừng với biến cố chính trị có một không hai, mà ngay những người mê rượu vang ở Mỹ cũng tỏ vẻ hài lòng. Lý do: Mọi người đều nghe tin ông Obama có nhà cao cửa rộng ở Chicago, có cả một hầm rượu chứa chừng ngàn chai vang, vì thế nhiều người nghĩ khi vào Tòa Bạch Ốc ông sẽ mang theo thú uống rượu vang.


Nếu ông Obama không có thú uống rượu vang thì ông là một trong những trường hợp biệt lệ. Rượu vang là thức uống quen thuộc của chính khách Hoa Kỳ. (Hình: Chip Somodevilla/Getty Images)

Nhưng chỉ vài tuần sau đó mọi hy vọng đều tiêu tan. Hình như ông tổng thống thứ 44 của nước Mỹ không rành về rượu vang như nhiều người đã tưởng, chưa kể đến chuyện nhân viên làm việc với ông cho báo chí biết ông thích uống bia và sẵn sàng uống thử đủ mọi loại rượu mạnh khác, chưa ai trông thấy ông ngồi nhâm nhi bên lò sưởi với ly rượu vang cầm trong tay. Không những thế, khi đi vận động tái ứng cử 2012 ông tiết lộ “bí mật quốc gia”, cho cử tri biết “tôi với anh em nhân viên cùng nhau làm bia hơi” uống ngon không kém những loại bia đắt tiền bán ngoài thị trường.

Hình ảnh được phổ biến từ Tòa Bạch Ốc cũng cho thấy có khi nhân viên dưới quyền mỗi người cầm một chai bia thì ông lại uống nước lạnh, ngay hôm kỷ niệm ngày cưới ông dẫn bà đi ăn tiệm, 2 vợ chồng gọi chung một ly Martini rồi mỗi người uống một hớp, chứ không gọi rượu vang. Trả lời các cuộc phỏng vấn ông cũng không hề nói đến thú uống rượu vang, có lần tờ Chicago Sun-Times khéo léo hỏi ông nhận xét thế nào về vang Mỹ và vang ngoại quốc, ông chỉ nở nụ cười thay cho câu trả lời. Chính những điều này khiến một số không ít người nghĩ “nước Mỹ có một vị tổng thống không biết uống rượu vang”.

Nếu ông Obama không có thú uống rượu vang thì ông là một trong những trường hợp biệt lệ. Lịch sử Hoa Kỳ ghi lại từ những ngày đầu lập quốc, rượu vang đã là một trong những thức uống quen thuộc với các chính trị gia Mỹ nên khi đặt chân vào Tòa Bạch Ốc các ông mang theo cả cái thú uống rượu vang, tiệc tùng nào rượu vang “cũng được rót như nước”. Ðiển hình dưới 2 trào John F. Kennedy và Richard Nixon của thế kỷ 20, cả vị tổng thống Dân Chủ lẫn vị tổng thống Cộng Hòa đều thích rượu vang “mà phải là vang Pháp”, đãi khách cũng phải đãi vang Pháp cho giống... Tây. Sử sách cũng ghi ông Nixon chuộng vang Tây đến độ gần như bữa ăn tối nào “nhà bếp Tòa Bạch Ốc cũng mở một chai Margaux” loại xịn nhất cho ông uống.

Cũng vẫn sử sách, chỉ có hai đời tổng thống Mỹ không đãi khách bằng rượu vang: Lần đầu dưới thời Tổng Thống James Polk và lần thứ nhì xảy ra dưới thời Tổng Thống Rutherford Hayes và cả hai chuyện đều dính dáng tới quý Ðệ Nhất Phu Nhân của nước Mỹ. Bà Sarah Polk, phu nhân của vị tổng thống thứ 11 là người rất ngoan đạo, không bao giờ đi coi hát, không xem đua ngựa, dự tiệc khoản đãi chồng đắc cử tổng thống bà cũng ngồi một chỗ, không đứng dậy khiêu vũ. Vì thế khi vào Tòa Bạch Ốc, việc đầu tiên bà làm là cấm nhà bếp khui rượu vang. Quy định này chỉ bị phá lệ có một lần hồi 1845, khi ông Polk khoản đãi 40 vị khách quý giúp ông vận động tái tranh cử. Bà ghi lại trong nhật ký rằng tối hôm đó “vợ chồng tôi mở cả thảy sáu loại rượu vang khác nhau, ánh rượu muôn màu đẹp chẳng khác gì cầu vồng”.

Bà Lucy Hayes cũng nổi tiếng ngoan đạo nhưng không khó khăn như bà Sarah Polk, sẵn sàng mở rượu vang mời khách dự tiệc ở Tòa Bạch Ốc cho tới ngày bà và ông chồng (vị tổng thống thứ 19 của nước Mỹ) phải nhăn mặt khi thấy các vị đại sứ được mời dùng cơm uống rượu say sưa (nghe nói có ông ói mửa ngay trong phòng ăn, một vài ông khác “rượu vào lời ra” định đánh nhau trước mặt quan khách). Từ tối đó trở đi (từ 1877 đến 1881) bà ra lệnh cấm uống rượu trong Tòa Bạch Ốc, nhưng chỉ thị cho nhà bếp sử dụng tiền rượu “mua thêm thức ăn đãi khách”, cho khách ăn ngon hơn.

Từ đó khách được uống nước đá chanh do chính tay Ðệ Nhất Phu Nhân pha, nhưng chuyện tổng thống không khui rượu đãi khách khiến ông Hayes bị mang tiếng là “vị tổng thống keo kiệt”. Ðể bù lại, thành phần chính trị gia bảo thủ và các nhà hoạt động tôn giáo hoan nghênh ông nhiệt liệt, cho rằng “rượu chè” ở Tòa Bạch Ốc là điều nên tránh.

Ðó chỉ là những trường hợp đặc biệt vì sau ngày ông bà Rutherford Hayes rời Tòa Bạch Ốc, rượu vang lại được khui để đãi khách, đến khi ông Bill Clinton dọn từ Arkansas về thủ đô Washington D.C., ông còn dùng ngân quỹ riêng dành cho Văn Phòng Tổng Thống để thuê một người chuyên về rượu vang, giữ trách nhiệm mua và quyết định những chai rượu nào sẽ được khui trong các bữa tiệc.

Nghe đâu có lần người may mắn lãnh “job” mua và thử rượu là ông Daniel Shanks nói đùa với bạn bè rằng lương ông lãnh “rất tượng trưng” nhưng quyết định của ông “quan trọng chẳng kém gì quyết định của tổng thống” vì cả thế giới đều muốn biết trong những bữa tiệc khoản đãi các vị nguyên thủ những nước bạn, Tòa Bạch Ốc uống rượu vang gì, do nhà nào sản xuất, và rất nhiều ông bà triệu phú thế giới sau đó “mua đúng loại rượu vang tôi chọn cho tổng thống đãi khách để khoản đãi bạn bè của họ”. Ông Shanks cũng nói rượu Tòa Bạch Ốc đãi khách đương nhiên “phải khác những loại rượu chúng ta thường khui đãi bạn bè khi đi picnic hay rượu uống trong các bữa cơm hàng ngày”, ý muốn nói rượu tổng thống Hoa Kỳ rót mời phải là rượu hạng ngon nhất nhì thế giới, nhiệm vụ của ông là phải tìm cho ra loại rượu thật ngon đó, đồng thời phải theo đúng tiêu chuẩn Tòa Bạch Ốc đưa ra: Made in USA.

Truyền thống “bắt buộc” uống rượu vang “Made in USA” bắt đầu có từ năm 1977 sau khi Tổng Thống Jimmy Carter tuyên thệ nhậm chức, xóa bỏ kiểu cách chỉ uống rượu vang Tây từng nổi bật dưới thời Kennedy và Nixon. Không rõ vì lý do gì ông Carter lại chỉ thị cho nhân viên nhà bếp chỉ khoản đãi khách bằng vang Mỹ, nhưng đến giờ vẫn được các vị nguyên thủ Hoa Kỳ tôn trọng. Nên nhớ: Thực đơn các bữa tiệc của Tòa Bạch Ốc bao giờ cũng kèm theo tên những loại rượu vang (và nhà sản xuất), thực đơn này cũng được Phòng Phục Dịch Tòa Bạch Ốc gửi tặng nhà sản xuất rượu giữ làm kỷ niệm hay để khoe với khách hàng.

Vài năm trước đây trong cuộc gặp hàng năm của những nhà sản xuất rượu vang Hoa Kỳ tổ chức ở San Francisco, California, ông Tyler Colman, một trong những “bậc thày” về rượu vang của nước Mỹ gọi quyết định của Tổng Thống Carter “là một quyết định sáng suốt về chính trị lẫn kinh tế”, giúp phát triển ngành trồng nho làm rượu vang và sản xuất rượu vang của quốc gia. Ông Colman, người mang biệt danh “Dr. Vino”, còn bảo từ khi vang Mỹ được Tòa Bạch Ốc dùng để đãi khách quý, “lúc đó người dân Hoa Kỳ mới hãnh diện vì nước mình có rượu vang ngon chẳng kém gì nước Pháp”.

Không biết quyết định của Tổng Thống Carter có phải là quyết định chính trị hay không, nhưng những chai rượu vang được Tòa Bạch Ốc mở để đón khách luôn luôn mang ý nghĩa “đặc biệt” nào đó. Chẳng hạn như tối ngày 19 tháng 5, 2010 khi mở tiệc khoản đãi tổng thống Mexico, Tòa Bạch Ốc chọn chai Silver Eagle Vineyard Chardonnay 2008 do nhà Valdez Family Winery ở California để đãi khách. Chủ “nhà” này là ông Ulises Valdez, năm nay mới 45 tuổi, nhưng làm chủ một trong những công ty sản xuất rượu vang nổi tiếng của nước Mỹ. Chuyện ông Valdez cũng rất đặc biệt: Trốn từ Mexico sang Hoa Kỳ lúc mới 14 tuổi, làm công nhân hái nho, sau đó là một trong những người Mễ không có giấy tờ cư trú được cấp thẻ xanh theo chương trình ân xá của Tổng Thống Ronald Reagan. Câu chuyện này được Tổng Thống Obama kể lại trong bài diễn văn chào mừng quan khách, coi đó là một trong những dấu hiệu tốt đẹp của mối quan hệ song phương Mỹ-Mễ.

Rượu vang có lợi cho chính trị thì cũng rượu vang gây tai hại cho... chính trị.

Chuyện mới xảy ra cách đây 2 năm, khi Tổng Thống Obama khoản đãi Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào của Trung Quốc bằng rượu vang Quilceda Creek Cabernet Sauvignon 2005 của nhà Columbia Valley ở tiểu bang Washington State sản xuất, ăn với món bò nướng do đầu bếp Tòa Bạch Ốc làm. Washington State được chọn vì là tiểu bang cửa ngõ nối liền Hoa Kỳ với Châu Á-Thái Bình Dương, rượu vang của nhà Columbia Valley được dùng để mời khách vì là những chai rượu vang “hiếm hoi” được “thày” Robert Parker chấm 100 điểm, tức thuộc hàng “xịn” thứ thiệt, dân có tiền mua về cất trong hầm rượu, năm bảy năm sau mới khui ra mời khách. Lúc mới ra đời những chai vang này được bán với giá $199/chai, lúc rót cho ông Hồ Cẩm Ðào uống, giá thị trường lên đến $399/chai. Tối hôm đó Tòa Bạch Ốc khui 6 thùng, tức tiền rượu vang cho món ăn chính không thôi đã mất gần 30,000 dollars, chưa kể rượu uống với món khai vị, với món soup, món salad và món tráng miệng.

Chỉ một ngày sau đó, trang mạng Gateway Pundit cho chạy hàng chữ thật lớn mang nội dung “Chỉ có dân thấp cổ bé miệng bị thiệt thòi: Tổng Thống Obama đãi khách bằng rượu vang 399 dollars một chai” (nguyên văn: “Sacrifice Is For the Little People: Obama White House Serves $399 Bottles of Wine at State Dinner”). Sau đó, nghệ sĩ hài nổi tiếng Stephen Colbert còn lên TV diễu rằng trong lúc nước Mỹ đang là con nợ của Trung Quốc, mọi người phải thắt lưng buộc bụng, “Tại sao tổng thống lại mang rượu bốn, năm trăm dollars ra mời ông Hồ Cẩm Ðào uống làm gì”. Theo nghệ sĩ này, “đáng lẽ tổng thống nên mời ông chủ tịch nhà nước Trung Quốc ăn buffet, uống các chai rượu rẻ tiền mua từng gallon, và tráng miệng cũng bằng những bịch bánh ngọt rẻ tiền mua ở chợ để tiết kiệm ngân sách quốc gia”.

Chuyện ồn ào tới mức có người phải lên tiếng bênh vực ông Obama. Người đầu tiên là ông Daniel Shanks, cho hay quyết định khui những chai rượu đắt tiền này là quyết định của ông “chứ không phải của tổng thống”. Ông Shanks nói thêm khi thấy nhà bếp ướp thịt bò, “tôi nghĩ ngay đến chai rượu phải khui để đãi khách”, đảm bảo mọi người “phải thật ấn tượng” và quả thật, “sau đó mọi người khách đều nức nở khen vì không thể tìm được chai rượu nào hay hơn để đi chung với miếng thịt bò được chọn đãi quốc khách”.

Người thứ nhì lên tiếng bênh vực ông Obama là Thống Ðốc Christine Gregoire của tiểu bang Washington State. Bà đưa ra một bản tuyên bố, trước hết cho biết “sửng sốt khi được biết Tòa Bạch Ốc chọn rượu vang của tiểu bang để đãi quốc khách”, xác định “tầm quan trọng và lịch sử của mối quan hệ giữa tiểu bang với Trung Quốc”, kế đến ngợi khen Tòa Bạch Ốc không chọn sai vì “chai Quilceda Creek Cabernet là một trong những chai vang được điểm cao nhất thế giới”.

Nhưng từ ngày đó trở đi, Tòa Bạch Ốc quyết định không cho biết tên loại rượu vang được dùng để mời khách nữa, trong thực đơn chỉ ghi vỏn vẹn mỗi câu “thức ăn sẽ được đi kèm bằng rượu vang sản xuất tại Mỹ”.

Tòa Bạch Ốc không công bố cho dân chúng biết, giới truyền thông Hoa Kỳ cũng moi cho bằng được các chi tiết liên quan đến loại rượu vang được dùng để mời khách. Năm ngoái khi Phó Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Hoa Kỳ được Phó Tổng Thống Joe Biden mời cơm tối, vài giờ sau đó báo chí tìm được chi tiết bên lề: Bữa ăn có chai 2010 Sauvignon Blanc 2010 (giá $22.99/chai) và chai Cabernet Sauvignon (giá $49.99/chai) do nhà Hall ở Napa Valley, California sản xuất.

Chủ “nhà” này là bà Kathryn Hall, bạn thân của gia đình cựu Tổng Thống Bill Clinton, từng làm đại sứ Hoa Kỳ ở Vương Quốc Áo, và cũng từng được giao trách nhiệm cung cấp rượu cho đám cưới của Ðệ Nhất Ái Nữ Chelsea Clinton. Ðiểm đáng nói hơn nữa: Những chai rượu vang ông “phó” Mỹ đãi ông “phó” Trung Quốc đang là những chai rượu được dân thượng lưu Hoa Lục yêu thích nhất, có lẽ một phần vì họ muôn uống thử những loại rượu ông Tập Cận Bình đã có dịp nếm qua khi ngồi ăn cơm với phó tổng thống Mỹ.

Nhưng cũng có những bữa ăn quan trọng ở Tòa Bạch Ốc không có rượu vang. Cuối tháng 11 vừa rồi, Tổng Thống Obama mời đối thủ chính trị Mitt Romney vào dùng cơm trưa, vừa ăn vừa nói chuyện quốc gia, đại sự, bàn tính xem làm sao để nước Mỹ tiếp tục đóng vai siêu cường ảnh hưởng toàn cầu. Trưa hôm đó hai ông uống gì? Xin thưa: Cả hai ông đều uống nước lạnh. Tại sao vậy? Tại sao Tổng Thống Obama không mở chai rượu vang loại ngon mời khách? Xin thưa: Ông Romney theo đạo Mormon, không rượu chè, không thuốc lá, “Tổng thống phải tôn trọng khách” theo lời bà phụ tá phát ngôn viên Amy Brundage.


Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

Nguyễn Văn Khanh - Sau London 2012 sẽ là đám cưới?


Nguyễn Văn Khanh (tường trình từ London)

Trước ống kính truyền hình, trước gần 20,000 khán giả có mặt tại chỗ và cả chục triệu người xem qua TV, tay vợt Andy Murray của Anh Quốc giơ 2 tay lên trời, miệng nở nụ cười sung sướng khi vừa đánh đường banh tuyệt chiêu để kết thúc trận chung kết môn tennis ở Olympic London 2012.


Andy Murray (trái) và bạn gái Kim Sears
(Hình: Clive Brunskill/Getty Images) 

Chiến thắng này đem lại cho anh chiếc huy chương vàng đầu tiên, giúp nước chủ nhà đến gần với mục tiêu phải lấy được 20 chiếc huy chương vàng và đồng thời cũng giúp anh phục thù trận thua tay vợt Thụy Sĩ Roger Federer cũng trên sân Wimbledon một tháng trước đây.

Sau thủ tục bắt tay nhận lời chúc mừng của đối thủ và của trọng tài, Andy Murray vội vã chạy lên khán đài đến chỗ người yêu là cô Kim Sears đang đứng chờ. Hình ảnh được chiếu trên truyền hình là cảnh 2 người ôm hôn nhau thắm thiết, trong lúc tất cả khán giả có mặt trong sân không ai bảo ai, tất cả đứng dậy vừa vỗ tay vừa reo hò.

Hình ảnh Andy Murray ôm hôn người yêu sau khi chiến thắng là hình ảnh khá quen thuộc ở Olympic London 2012. Hầu như các vận động viên sau khi thành công đều ôm hôn người yêu, kể cả những người không may mắn cũng tìm đến người yêu của mình để nhận lời an ủi. Chính vì thế nên cánh nhà báo ưa tò mò mới đặt ra câu hỏi: sẽ có bao nhiêu đám cưới diễn ra sau khi cuộc tranh tài kết thúc?

“Tôi vẫn còn trẻ, chưa tình đến chuyện đó,” tay vợt mới 25 tuổi trả lời câu hỏi mà chính anh cũng phải nói là “hóc búa” của báo chí. “Ngay chuyện ôm hôn bạn gái cũng không phải là chuyện tôi định trước, nhưng sau khi thành công thì tự nhiên thấy mình phải chia sẻ niềm vui này với người mình yêu, nhất là ước mơ chiếm huy chương vàng là ước mơ cả 2 đứa tôi đã ấp ủ ngay từ ngày biết sẽ đại diện cho quốc gia để tranh tài.”
Cô Kim Sears và Murray gặp nhau lần đầu ở giải French Open 2005, được báo chí thế giới gọi là “người cổ vũ trung thành nhất” của tay vợt nổi tiếng nhất nhì thế giới. Hai người từng chia tay nhau hồi 2009 vì cô Kim không chịu nổi cảnh người yêu xách vợt đi tranh tài khắp nơi bỏ cô thui thủi một mình, nhưng chỉ sáu tháng sau đó lại thấy họ xuất hiện trên đường phố London trước khi mua chung căn nhà trị giá gần 10 triệu dollars. Dọn về nhà mới, “chàng” mua tặng “nàng” 2 con chó để làm bạn cho đỡ buồn “những lúc tôi xa nhà,” anh kể trên đài truyền hình BBC.

Kình ngư Michael Phelps cũng nói chưa biết bao giờ sẽ lập gia đình. Trong cuộc họp báo để chính thức loan tin giải nghệ, anh cho hay “trang sách bơi lội” đã kết thúc sau chiếc huy chương thứ 22 lấy được ở bể bơi London, nhưng không biết lúc nào chuyện lập gia đình sẽ được ghi ở “trang sách mới.” Người yêu của anh hiện giờ là là cô người mẫu kiêm tài tử Megan Rossee, xuất thân từ Los Angeles. Báo chí Anh Quốc đưa tin từ ngày thông báo giải nghệ đến giờ, thường thấy hai anh chị dẫn nhau đi chơi khuya, có khi đến 4 giờ sáng mới về lại khách sạn.

Với nữ lực sĩ Jessica Ennis, cô gái cưng của nước Anh vừa làm chủ chiếc huy chương vàng môn heptathlon, chiến thắng, tên tuổi, lẫn những giao kèo thương mại trị giá hàng chục triệu dollars không ảnh hưởng gì đến chuyện tình cảm giữa cô và hôn phu là anh Andy Hill. Trong buổi tiếp xúc với khán giả ủng hộ ở Olympic Park, cô nhắc lại lúc còn đi học “tôi thường nói với bạn bè mục tiêu lớn nhất trong đời là lập gia đình, cùng chồng chăm sóc con cái.” Nói xong, cô nhìn người yêu bảo thêm “sẽ không có gì thay đổi về chuyện của chúng mình phải không cưng?” điều đó có thể hiểu là 2 người đã tính đến chuyện làm đám cưới nhưng không vội tiết lộ chuyện riêng tư cho thế giới biết.

Ðáng yêu nhất là chuyện cô Holly Bleasdale của môn nhảy sào. Từng nằm trong danh sách những vận động viên có triển vọng chiếm huy chương, nhưng cô chỉ về hạng 6 trong cuộc thi chung kết tối Thứ Hai vừa rồi. Sau cuộc thi, cô ngồi thừ người ở sân trước khi đứng lên vừa đi vừa khóc, bất kể lời an ủi của ông huấn luyện viên là cô mới 20 tuổi, “sẽ có cơ hội chiến thắng ở Olympic Rio 2016.”

Chỉ vài giờ đồng hồ sau đó, các fans của cô nhìn thấy hình ảnh cô cười thật tươi trên Facebook, báo tin người yêu là anh Paul Bradshaw mới ngỏ lời cầu hôn. Lời báo tin của cô như sau: “Ðứng hạng 6 trong cuộc thi Olympic và Bradshaw mới ngỏ lời cầu hôn. Không có ngày nào tuyệt diệu cho bằng ngày hôm nay.”
Hai ngày hôm sau, cô Holly Bleasdale cho biết vẫn còn “choáng” vì những chuyện “quá quan trọng dồn dập xảy ra,” nhưng cũng không quên bảo ngay sau London 2012 “sẽ bắt đầu lo chuyện sửa soạn cho đám cưới,” bảo thêm “ngày giờ và địa điểm sẽ được thông báo sau.”

Chuyện bên lề để thúc bài viết hôm nay: Ban Tổ Chức Olympic London 2012 cho hay sẽ cố gắng bằng mọi cách để giúp các vận động viên muốn làm lễ cưới ngay trong sân vận động, Ủy Ban Olympic Quốc Tế cũng thế, cho biết thêm xưa này chưa hề nhận được yêu cầu xin giúp đỡ của các vận động viên muốn làm lễ cưới ngay trong sân họ từng tranh tài.


Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Nguyễn Văn Khanh - Bên lề Olympic London 2012: Chính trị và thể thao


 Nguyễn Văn Khanh,
viết từ London, Anh

“Phải tách rời thể thao với chính trị,” ông Xuân Hồng của đài BBC thủa nào bảo với tôi. Tay cầm ly cà phê pha đậm đến mức uống vào phải nhăn mặt, ông đồng nghiệp cũ nhấn mạnh từng chữ một: “Thể thao là thể thao, chính trị là chính trị. Chúng ta có thể pha sữa chung với cà phê như người Ăng Lê pha sữa chung với trà, nhưng phải cố gắng đừng trộn lẫn thể thao với chính trị.”
   

Các nhà báo gốc Việt làm phóng sự Olympic 2012 chụp hình bên sông Thames, London. Từ trái, Xuân Hồng (trước làm ở BBC), Thủy Phan (SBTN), Diệu Quyên (SBTN) và Nguyễn Văn Khanh (RFA). (Hình: Nguyễn Văn Khanh cung cấp)

Ông Xuân Hồng không phải là người đầu tiên nói câu “lý tưởng” đó.

Trong buổi gặp gỡ với báo chí trước ngày khai mạc Olympic London 2012, ông Chủ Tịch Liên Ðoàn Olympic Quốc Tế (IOC) Jacques Rogge cũng bảo mỗi lần nghĩ đến hình ảnh ngọn đuốc thiêng Thế Vận Hội được chuyền tay từ người này sang người khác “là tôi nhìn thấy ngay hình ảnh của một cộng đồng gắn bó chung với nhau, tôn trọng lẫn nhau, chơi đẹp, công bằng với nhau, không chấp nhận những chuyện xấu xa, không có chuyện gian lận.” Cũng như các vị chủ tịch tiền nhiệm, ông Rogge nhắc lại điều cha đẻ của Olympic ngày nay là Nam Tước Pierre de Coubertin đã nói từ năm 1892, gọi sức mạnh của thể thao là chìa khóa “đem lại hòa bình” cho nhân loại.

Bất kể được nhìn dưới góc độ nào, câu nói của Nam Tước Pierre de Coubertin và của Chủ Tịch Jacques Rogge là những câu nói mang ý nghĩa chính trị, đề cao một lý tưởng chính trị. Rất tiếc, lý tưởng cao đẹp đó vẫn chưa được thực hiện đúng mức. Lỗi rõ ràng không phải từ các phái đoàn lực sĩ, mà nằm ở những quyết định của thành phần lãnh đạo IOC. Nói đúng hơn và rõ hơn: Không mấy ai muốn đem chính trị trộn lẫn với thể thao, nhưng chính IOC đã có những quyết định “phản chính trị” tới mức mọi người phải bực mình, chính IOC đã làm xấu cái lý tưởng cao đẹp mà họ đặt ra lúc ban đầu, và lịch sử thể thao lẫn lịch sử chính trị thế giới chứng minh rõ điều đó.

Một trong những chuyện thế giới chưa quên được là Olympic Berlin 1936 diễn ra khi Adolf Hitler đang nắm quyền. Không ai chê trách IOC khi quyết định trao vinh dự cho thành phố Berllin tổ chức cuộc tranh tài từ năm 1931, nhưng đến giờ mọi người vẫn thắc mắc không hiểu tại sao IOC không quyết định dời cuộc đua đến một địa điểm khác sau ngày Ðức Quốc Xã lên nắm quyền vào năm 1933.  

Tài liệu lịch sử cho thấy trong khoảng thời gian từ 1933 đến 1936, Ðức Quốc Xã ban hành ít nhất 114 đạo luật mang nội dung khắc nghiệt với người Do Thái - trong đó có cả những quy định nhằm giới hạn người Ðức gốc Do Thái tham dự các cuộc đua tuyển chọn lực sĩ đại diện quốc gia, nhưng một trong những nhân vật quyền uy nhất của IOC lúc đó là ông Avery Brundage, chủ tịch Liên Ðoàn Olympic Mỹ Châu, là người bỏ lá phiếu quyết định vẫn giữ nguyên quyết định tổ chức tại Berlin, sau đó còn vận động để Hoa Kỳ gửi đoàn lực sĩ sang Ðức tham dự. Hình ảnh Hitler đứng trên khán đài danh dự vẫn được xem là một trong những hình ảnh tệ hại nhất của lịch sử thể thao thế giới.

Không chỉ nhất định để Berlin tổ chức Olympic, ông Brundage còn tìm cách ngăn cản ít nhất hai lực sĩ Mỹ gốc Do Thái là Sam Stoller và Marty Glickman, không để họ ở trong đội điền kinh đua 400 mét tiếp sức. Ðến khi lên làm chủ tịch IOC (1952-1972), ông lại làm ngơ việc những nước cộng sản sử dụng thể thao vào mục đích tuyên truyền, không chú ý đến những lời tố cáo những nước độc tài “có lò luyện lực sĩ được chính phủ tài trợ,” đi ngược lại tôn chỉ mà Olympic Quốc Tế đã đề ra. Cũng chính ông là người quyết định “tất cả các cuộc tranh tài vẫn tiếp tục như đã định” sau ngày 11 lực sĩ, huấn luyện viên và trọng tài Do Thái bị khủng bố Palestine thảm sát ở Olympic Munich 1972. (Năm nay, IOC từ chối không làm lễ tưởng niệm 40 năm ngày đã được cả thế giới công nhận là “ngày đau buồn của thể thao toàn cầu.”)

Tám năm sau ngày ông Brundage rời khỏi chức vụ lãnh đạo, Liên Ðoàn Olympic Quốc Tế do ông Juan Antonio Samaranch lãnh đạo. Ông là một nhân vật có liên hệ chặt chẽ với chính phủ phát xít Tây Ban Nha. Hình ảnh ai ai cũng nhìn thấy là những bức ảnh ông mặc đồng phục phát xít, giơ tay chào theo kiểu phát xít, và hết lòng ủng hộ đơn xin tổ chức Olympic 1980 của Moscow cho dù lúc đó Liên Xô đã đưa quân sang xâm chiếm Afghanistan.

Cũng chính ông Samaranch là người sang tận Bắc Kinh để xoa dịu sự giận dữ của giới lãnh đạo Trung Quốc sau khi Sydney được chọn tổ chức Olympic 2000, và rời Bắc Kinh với hứa hẹn sẽ vận động mọi người bỏ phiếu ủng hộ Bắc Kinh cho kỳ tổ chức 2008, những lá phiếu vô tình công nhận cho Trung Quốc quyền được sử dụng thể thao để tuyên truyền với thế giới. Ông đã làm được điều này trước khi về hưu, bất kể sự phản đối của những người yêu chuộng tự do, dân chủ và nhân quyền mọi nơi, chống chữa bằng câu trao trách nhiệm cho Bắc Kinh “để thúc đẩy Trung Quốc phải đổi mới.”

Không hiểu Trung Quốc đã “đổi mới” thế nào mà “tình trạng nhân quyền ở Hoa Lục mỗi ngày một tồi tệ hơn trước,” theo bản phúc trình thường niên của tổ chức Human Rights Watch, “chính phủ Hoa Kỳ quan tâm đến những tin nói về trường hợp người Tây Tạng tự thiêu vì bị đàn áp,” theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong một cuộc họp báo cách đây chỉ vài tuần lễ.

Những lúc đó, chẳng thấy “ông” IOC lên tiếng nói gì cả. Ðiều này cũng dễ hiểu: Một tổ chức từng im tiếng ở thời Ðức Quốc Xã 1936, từng ngậm miệng ở thời 1980 khi Liên Xô xâm lăng Afghanistan, thì không nên mong đợi họ sẽ lên tiếng tranh đấu cho những người dân thấp cổ bé miệng Trung Quốc, nhất là những sự kiện đau lòng này lại xảy ra, bốn năm sau ngày ngọn đuốc thiêng Olympic đã tắt ở bầu trời Bắc Kinh!


Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Nguyễn Văn Khanh - Cô này là ai vậy?


Nguyễn Văn Khanh

Trong cuộc họp báo mới kết thúc ở Phnom Penh hồi xế chiều Thứ Tư, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nhắc lại điều các viên chức cao cấp hành pháp và lập pháp Mỹ từng nhiều lần nói trước đây: “Bắc Hàn phải đình chỉ ngay mục tiêu chế tạo võ khí nguyên tử, phải lo cho đời sống và nguyện vọng của người dân.”



Người phụ nữ bí ẩn (trái) đứng cạnh lãnh tụ Kim Jong-un của Bắc Hàn. (Hình: AP Photo/Korean Central News Agency via Korea News Service)  

Ngay sau khi cuộc họp báo kết thúc, các hãng thông tấn quốc tế nhận được bản thông cáo gửi từ Bình Nhưỡng của Bộ Ngoại Giao Bắc Hàn, trong đó cũng nhắc lại điều mà các nhà lãnh đạo quốc gia nổi tiếng khép kín này từng nói trước đây: “Hoa Kỳ vẫn theo đuổi mục tiêu xâm chiếm chúng tôi bằng giải pháp quân sự, vì thế để đảm bảo an ninh lãnh thổ, chúng tôi chỉ còn một cách duy nhất là phải có bom nguyên tử.”
Tranh cãi giữa Washington và Bình Nhưỡng kéo dài đã nhiều năm qua, ít nhất cũng từ ngày ông Bill Clinton còn ngồi ở Tòa Bạch Ốc, sau đó đến phiên ông chủ mới George W. Bush đặt Bắc Hàn trong danh sách những nước nằm trong “trục ma quỷ,” và kéo dài cho tới khi ông Barack Obama lên nắm quyền. Lúc đầu, vị tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ nói sẽ dùng “chính sách ngoại giao khôn khéo,” “sẵn sàng nói chuyện với các nước thù nghịch để giải quyết vấn đề,” nhưng cuối cùng cũng chính ông Obama bảo với mọi người rằng Hoa Kỳ luôn luôn sẵn sàng đàm phán với Bắc Hàn “nhưng với điều kiện Bình Nhưỡng phải ngưng mọi hoạt động liên quan đến nguyên tử và cho đoàn thanh tra quốc tế vào giám sát tại chỗ.”

Giữa lúc cuộc tranh cãi giữa Washington và Binh Nhưỡng không có dấu hiệu sẽ kết thúc, các chuyên gia về Bắc Hàn của Hoa Kỳ lại “bận rộn” về một chuyện khác: Cô gái xinh đẹp xuất hiện bên cạnh lãnh tụ Kim Jong-un là ai? Sự xuất hiện này có phải là dấu hiệu nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Bắc Hàn cởi mở hơn cha ông của ông hay không? Và nếu đúng thì điều đó có nên xem là dấu hiệu ông sẽ đổi mới chính trị hay ít nhất, có đường lối thân thiện hơn với Hoa Kỳ và Tây Phương hay không?

Chuyện nghe có vẻ như tin “lá cải” nhưng hoàn toàn đúng sự thật, sau khi thắc mắc được chính các chuyên gia thường xuyên lên tiếng bình luận về tình hình Ðông Á hỏi lẫn nhau: Cô đó là ai vậy? Câu hỏi được đặt ra vì chỉ trong một tháng trời, cô thiếu nữ xinh đẹp mặc váy mầu đen đứng bên cạnh Kim Jong-un tới hai lần, và đến bây giờ chính các viên chức của Cơ Quan An Ninh Tình Báo Quốc Gia lẫn cơ quan CIA của Mỹ cũng phải lắc đầu chịu thua, người bảo đó là vợ, người bảo đó là tình nhân và cũng có dư luận cho rằng đó là một cô em gái của lãnh tụ Kim Jong-un mà thế giới không hề hay biết.

Tháng trước, dân chúng Bắc Hàn lần đầu tiên thấy hình ảnh cô gái này được chiếu trên truyền hình khi cùng lãnh tụ của họ dự một chương trình nhạc dành cho thiếu nhi, tuần rồi họ lại thấy cô ta xuất hiện chung với lãnh tụ trong chương trình hòa nhạc với chủ đề biểu dương tinh thần của phụ nữ dưới chế độ cộng sản. Lần nào cô này cũng mặc bộ quần áo khá giống nhau, đi kèm với mái tóc ngắn búi ở sau gáy, miệng thường xuyên nở nụ cười thật duyên dáng.

Nhưng cô này là ai vậy?

“Chắc chắn phải là người có liên hệ rất mật thiết với Kim Jong-un,” nhà phân tích Lee Huyn-min, từng làm việc với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, trả lời. “Lãnh tụ cộng sản ít khi xuất hiện với phụ nữ, mà cô này một tháng đứng bên cạnh Kim Jong-il tới hai lần thì phải là người thân thiết lắm.”

Nhưng thân thiết tới mức nào? Tùy theo người được hỏi và tùy theo các bài báo đã được loan tải, thế giới biết được cô ta dưới những tên khác nhau và vị trí cũng khác nhau. Tờ Chonsun Ilbo đưa tin nói cô ta tên Kim Yo-jong, cô em gái út của lãnh tụ Bắc Hàn. Ngay sau khi bài báo này được phổ biến, một độc giả viết thư yêu cầu đính chánh với lý do em gái của Kim Jong-un là một thiếu nữ khác, đứng ngay sau lưng lãnh tụ trong tang lễ của cha là Kim Jong-il. Lá thư này còn viết rằng: “Nếu tang lễ của cha mà không được đứng bên cạnh anh mình thì không có lý do gì để cô em được đứng sát bên anh trong những chương trình hòa nhạc.”

Nếu giải thích đó là đúng, thì cô này phải là vợ hay người tình của Kim Jong-il. Trích dẫn tin nói là phát xuất từ các viên chức tình báo Nam Hàn, tờ báo mạng rất uy tín JoonAng cho biết cô ta tên là Hyon Song-wol, một ca sĩ nổi tiếng của miền Bắc, từng có thời là người yêu của Kim Jong-un. Ði kèm theo bản tin này là hình ảnh cô ca sĩ - theo tờ báo - chụp hình chung với tân lãnh tụ trong một chương trình hòa nhạc hồi Tháng Ba vừa rồi, nhưng lúc đó cô đang mang thai.

Như vậy, lãnh tụ trẻ tuổi của Bình Nhưỡng mới có con? Câu trả lời: Không hẳn như thế. Trước hết là vẫn theo tờ báo mạng JoonAng, tin tình báo Nam Hàn thu lượm được nói cô Hyon Song-wol là người yêu đầu đời của Kim Jong-un lúc anh này vừa mới lớn, nhưng sau đó bị chính cha của lãnh tụ là ông Kim Jong-il cấm cửa vì không chấp nhận con mình yêu thương ca sĩ, đồng thời bắt cậu quý tử phải chăm lo học hành để sau này nối nghiệp.

Bản tin này không sôi nổi cho bằng tin phổ biến trên báo chí Nhật mà tờ JoonAng cho đăng tải lại, đại để cho hay sau ngày bị ông bố chồng tương lai chia duyên rẽ thúy, cô Hyon Song-wol lập gia đình với một sĩ quan của quân đội Bắc Hàn và hai người có con với nhau. Sinh con chẳng bao lâu thì “tình cũ không rủ cũng tới,” hai anh chị quyết định nối lại tình xưa, cho dù cô ca sĩ xinh đẹp “chưa làm giấy ly dị chồng.” Tất cả các bài bào đều không nói gì đến đứa con cô này mới sinh, không cho biết đứa bé là con trai hay con gái, đang ở với bố hay với mẹ.

Bất kể câu chuyện tình sử giữa nhà lãnh tụ trẻ tuổi với cô thiếu nữ xinh đẹp tuổi chừng đôi mươi ngồi bên cạnh đúng hay sai, sự xuất hiện của cô ta trước ống kính truyền hình và được chiếu cho mọi người xem “vẫn là một sự kiện đáng được chú ý tới,” theo chuyên gia Bruce Bennett của Viện Nghiên Cứu Quốc Phòng Rand Corp. Ông Bennett nhắc lại từ ngày lên kế vị cha cho đến giờ, nhà lãnh tụ trẻ của Bắc Hàn đã làm nhiều điều mà các lãnh tụ cộng sản không hề làm, từ chuyện “cho chiếu đoạn phim thất bại trong vụ phóng thử hỏa tiễn tầm xa, cho đến chuyện liên tiếp xuất hiện với một phụ nữ trước công chúng.” Ðiều đó “có nghĩa là anh ta muốn chứng tỏ mình thật sự là người lãnh đạo.”

Nhưng liệu có thể xem đó là dấu hiệu Kim Jong-un sẽ “đổi mới” hay không? Câu trả lời nghe được từ các viên chức hành pháp Hoa Kỳ: “Chờ xem mới biết được.” Một viên chức chuyên về tình báo nhắc lại vài chục năm trước đây, “phải chờ 15 năm mới biết ông nội của Kim Jong-un có gia đình,” lúc đó cũng có người xem đó là một dấu hiệu của thay đổi, của cởi mở, “nhưng cuối cùng có thấy gì đâu.”


Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Nguyễn Văn Khanh - Bia bọt Ðông Âu


Bên lề Euro 2012

Nguyễn Văn Khanh
(Tường trình từ Ba Lan)

Phải công nhận người dân Ðông Âu uống bia nhiều hơn những quốc gia khác, nếu có thua thì chắc cũng chỉ thua mỗi mình dân Ðức chứ không chịu thua ai khác.



     Nhà báo Nguyễn Văn Khanh và 2 vại bia ở Ba Lan. (Hình: NVK cung cấp)  


Bạn thử hình dung một buổi chiều mùa Hè nắng đẹp ở Ðông Âu, các hàng quán đông nượp người, mỗi người trên tay đều có ly bia, vừa uống vừa nhìn phố xá, xem người qua lại.

Dùng chữ ly đây chừng như không đúng, phải nói là vại bia mới phải vì cái ly các ông cầm trên tay là ly chứa đúng 1 lít bia.

Các bà các cô cũng đâu chịu kém, không cầm cái ly to đùng trông kệch cỡm như các ông nhưng trước mặt mỗi người là một cái thớt gỗ trên để 3 ly bia cỡ nhỏ (nói là nhỏ vì so với ly 1 lít nhưng cũng khá to). Chiếc thớt gỗ này chiều dài đúng nửa thước, và những ly bia nằm ngay ngắn trước mặt những người đẹp chân dài Việt Nam ở Ðông Âu được gọi là “nửa thước bia.” Cô nào bợm hơn có thể gọi ngay một thước, và nhà hàng đưa ra đúng 6 ly bia để trên miếng gỗ dài gấp đôi.

“Uống bia phải uống như thế này chứ anh,” một anh bạn ngồi cùng bàn vừa cầm lít bia cụng ly với tôi vừa bảo. “Uống bia mà uống cứ từng chai con con như ở bên Mỹ chán lắm,” anh nói tiếp. “Bên này ít nhất mỗi đêm ra quán là phải vài lít hay vài thước, chứ đâu có ai chịu uống chỉ có một vài chai.”

Ngay từ ngày đầu tiên khi mới đến Ðông Âu, tôi đã nghe đến chữ “vại” bia qua lời mời của một nhà báo. “Ông muốn xem bóng đá thì thú nhất là vào quán, mỗi đứa làm một vại bia, hò hét khí thế lắm.”

Anh bạn này nhất định không vào sân xem các hội tuyển lẫy lừng thế giới so giày, chỉ vì “ở trong sân nó chỉ bán những ly bia bé con, xếp hàng mua bia mất hết thì giờ vô ích.” Thành ra cách hay nhất vẫn là vào quán, miệng hò hét, chân đá phụ cho cầu thủ dẫn banh trên màn hình, và tay cầm “vại” bia to đùng, uống hết “vại” này đến “vại” khác.

Uống bia mà tính theo “vại” thì kinh thật, nhưng “đã uống thì phải uống như thế mới thích,” là điều các bạn trẻ ở đây chia sẻ với tôi.

Một trong những người rủ tôi đi uống bia là anh Hiệp, năm nay mới hơn 30 tuổi. “Em với anh mỗi người phải làm cạn 3 lít rồi mới về.” Tôi kỳ kèo “chừng nửa lít có được không,” anh bạn cười hô hố trả lời “uống nửa lít thì uống làm gì anh, chưa đã khát mà đã về thì chán chết.” Tửu lượng của anh bạn này “cũng thường thôi, hôm nào người không được khỏe em cũng uống được chừng ba lít.” Nghe tôi bảo như thế đã là nhiều lắm rồi, tôi không thể nào uống nổi như thế đâu, anh Hiệp trả lời rất gọn: “nhiều gì mà nhiều anh, mấy đứa em mỗi đứa năm sáu lít là thường.”

Cũng giống như các quốc gia khác, Ba Lan có rất nhiều loại bia, bia nào cũng ngon, cũng có người chuộng - tựa như ở Mỹ cũng có cả trăm loại bia, người ưa con Bud, người thích thằng Miller, nhưng ở đây đã đi ra quán uống bia thì phải uống “bia tươi, tức loại bia nhà hàng cất, nấu ngay tại chỗ.

“Mỗi nhà hàng có một loại bia riêng, vị bia khác nhau, anh có ở đây cả năm vẫn uống không hết,” một người trong nhóm bảo với tôi khi cả đám ngồi trên xe đi đến quán.

Ðã tươi thì cái gì cũng ngon, chứ chẳng phải chỉ có bia,” một người bạn mới quen tên Ðức vừa nâng vại bia 1 lít mời mọi người vừa giải thích với tôi. “Bên này đại để 2 loại bia thông dụng nhất là bia vàng và bia đen,” anh trình bày tiếp cho người bạn “ngố” về bia ngồi giữa bàn là tôi hiểu.

Thế bia vàng và bia đen khác nhau thế nào? “Khác nhiều lắm, về vị lẫn về cách nấu.” Nhưng quan trọng nhất vẫn là nước. “Bia ở đây, công thức y hệt như thế mà đem sang chỗ khác nấu là vứt đi ngay. Hỏng vì nước dùng nấu bia chỉ chẳng phải vì cái gì cả.”

Tôi cầm 2 “vại” bia trước mặt - một đen, một vàng - hớp ngụm đầu tiên.

Khác thật bạn ạ.

Bia vàng có vị nhạt hơn bia đen, nhưng nếu bảo “ngọt” thì cả 2 loại đều ngọt và điểm đặc biệt nhất là rất dịu, người ít uống không phải lo chuyện tối về nhức đầu như uống bia Mỹ. Bia đen uống hơi đắng một tí, “nhưng đậm đà hơn, nhất là cái hậu của nó thì không chê chỗ nào được cả,” một cô bạn trẻ đi chung với chúng tôi bàn thêm. Cô bạn cũng là dân sành uống bia nhất định không cho tôi nêu tên trên báo, còn bảo “bia đen có cái hay của bia đen, bia vàng có cái hay của bia vàng, loại nào uống cũng nhất cả, bên Mỹ chắc không có, còn Việt Nam thì đừng mong.”

Cô bạn vừa nói đến đấy, người bồi bàn đưa ra một ly bia cỡ vừa vừa kèm theo cái ống hút cho cô bạn thứ nhì ngồi cùng bàn với chúng tôi. “Bên này uống bia với ống hút à,” tôi ngạc nhiên hỏi. “Cái con này nó không thích uống bia anh ạ,” cô trả lời thay cho người bạn, “hôm nay quý anh nói mới uống tí bia đấy.” Nhưng sao lại có ống hút? “Loại bia này pha chung với nước hoa quả, uống cũng hay lắm, thường chỉ dành cho phụ nữ thôi.”

Vừa ngồi uống bia vừa nghe các bạn bình luận về bia, tôi chợt nhớ tới những chuyện liên quan giữa bia và thể thao.



Nhà báo Nguyễn Văn Khanh và 2 cô tiếp thị bia Carlsberg, hãng bia bảo trợ cho giải Euro năm nay. (Hình: NVK cung cấp)

Hôm mới sang đây đã nghe bạn bè địa phương kháo nhau là có thể Ba Lan sẽ thiếu bia vì “dân chúng và du khách sẽ uống rất nhiều.” Chuyện thứ nhì là dân chúng Ba Lan và Ukraine than thở ông UEFA nhận tiền bảo trợ của công ty bia Carlsberg nên công ty này độc quyền bán bia ở các sân vận động và FanZone, trong khi “loại bia này uống chẳng ra ngô ra khoai gì cả,” thua xa bia của 2 nước đồng chủ nhà.

Chuyện thứ ba xảy ra cách đây đã 6 năm ở World Cup Ðức 2006. Lần đó công ty Budweiser của Mỹ là công ty bia bảo trợ cho giải, bảng quảng cáo “King of Beers” treo khắp mọi ngả đường phố của Ðức, quốc gia nổi tiếng với những loại bia “xịn” nhất thế giới. Cứ mỗi lần nhìn thấy anh em nhà báo từ Mỹ sang, mấy ông đồng nghiệp Ðức lại nhìn nhau cười, bảo với nhau nhưng để trêu chúng tôi: “Thế này mà cũng gọi là vua bia à.”

Mấy ông Ðức nói không sai, bia Mỹ chắc không thể sánh được với bia Ðức đâu, nhưng không có gì đảm bảo bia Ðức hơn bia Ðông Âu, hơn được 2 “vại” bia mà tôi đang có trước mặt, nhất định phải uống cho hết tối hôm nay.